LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP IV
QUYỂN 75

Phẩm thứ năm mươi bảy
(Tiếp theo)
Thâm áo
(Tiếp theo)

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát dùng “sơ tâm” mà được Vô Thượng Bồ Đề hay dùng “hậu tâm” mà được Vô Thượng Bồ Đề?

Bạch Thế Tôn! “Sơ tâm” chẳng đến “Hậu tâm”. “Hậu tâm” chẳng ở nơi “sơ tâm”.

Như vậy là các tâm và các tâm sở pháp chẳng cùng chung với nhau, thì làm sao mà tăng trưởng được thiện căn? Nếu chẳng tăng trưởng được thiện căn thì làm sao được Vô Thượng Bồ Đề?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề, ta sẽ vì ông mà nói lên thí dụ. Người có trí huệ nghe thí dụ này sẽ được rõ nghĩa hơn.

Này Tu Bồ Đề! Ví như thắp đèn, thì phải dùng cái tim lúc ban đầu để thắp, hay phải dùng cái tim lúc sau cùng để thắp?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải dùng cái tim lúc ban đầu để thắp đèn, cũng chẳng thể ly cái tim lúc ban đầu mà thắp đèn được. Chẳng phải dùng cái tim lúc sau cùng để thắp đèn, cũng chẳng thể ly cái tim lúc sau cùng mà thắp đèn được.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Cái tim đèn là đèn chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cái tim đèn chẳng phải là đèn, mà cũng chính là đèn vậy.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Cũng như vậy, Bồ Tát chẳng dùng sơ tâm để được Vô Thượng Bồ Đề, cũng chẳng ly sơ tâm mà được Vô Thượng Bồ Đề, cũng chẳng ly hậu tâm mà được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát từ sơ phát tâm đã thật hành Bát Nhã Ba La Mật; khi đầy đủ 10 địa sẽ được Vô Thượng Bồ Đề.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ 10 địa, dược Vô Thượng Bồ Đề?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát khi vào được Càn Huệ Địa, mặc dù đã xa rời tâm tham dục và luyến ai, nhưng trí huệ vẫn còn cạn mỏng, khô khan. Từ địa ban sơ này, Bồ Tát thứ lớp tiến tu lên các địa, cho đến Bồ Tát địa và Phật địa. Khi đã đầy đủ 10 địa rồi mới được Vô Thượng Bồ Đề.

Bởi vậy nên, chẳng phải dùng sơ tâm hay ly sơ tâm, cũng chẳng phải dùng hậu tâm hay ly hậu tâm, mà được Vô Thượng Bồ Đề.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Duyên pháp ấy rất thậm thâm, nên nói chẳng phải dùng sơ tâm hay ly sơ tâm, cũng chẳng phải dùng hậu tâm hay ly hậu tâm mà được Vô Thượng Bồ Đề vậy.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nếu tâm đã diệt rồi, thì có sanh trở lại chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng được như vậy.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! “Tâm sanh” có tướng diệt chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có tướng diệt vậy.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Tướng tâm diệt thì tâm có diệt chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng có vậy.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Tâm an trú như vậy chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tâm trú như vậy là “như như trú”.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Tâm như như trú là  chứng thật tế chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Tâm như như trú là thậm thâm chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất thậm thâm.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! “Như” có tâm chăng? Ly “như” có tâm chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! “Như” có thấy được “như” chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng thấy được vậy.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Có phải Bồ Tát thường hành “như” là hành Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Đùng như vậy! Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thường hành “như” là hành Bát Nhã Ba La Mật.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành “như” là hành như thế nào?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hành “như” là hành, mà chẳng có chỗ hành. Vì sao? Vì Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, an trú nơi pháp “như”, chẳng khởi niệm có mình hành pháp “như”, vì pháp “như” là chẳng có trú xứ vậy.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát y cứ vào đâu mà hành pháp “như”?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát y cứ nơi “đệ nhất nghĩa đế” mà hành pháp “như”. Vì sao? Vì ở nơi “đệ nhất nghĩa”, thì các tướng đều bất khả đắc, chẳng có sai biệt.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành “đệ nhất nghĩa” là chẳng có niệm hành. Hành như vậy có tướng hành chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng có vậy.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành như vậy là có tướng hoại chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng có vậy.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng có khởi niệm hoại các pháp tướng.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát nào hành Bát Nhã Ba La Mật, mà chưa đầy đủ 10 Phật lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, đại từ đại bi, 18 bất cộng pháp, thì phải biết vị Bồ Tát ấy chẳng được Vô Thượng Bồ Đề.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bồ Tát nào có đầy đủ các lực phương tiện, thì ở nơi hết thảy pháp, vị Bồ Tát ấy chẳng chấp thủ tướng, và cũng chẳng phá hoại tướng. Vì sao? Vì Bồ Tát ấy biết rõ các pháp đều là tự tướng không. Vị Bồ Tát ấy an trú nơi các tam muội “không, vô tướng và vô tác”, và dùng các tam muội này để thành tựu các chúng sanh.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát dùng 3 tam muội “không, vô tướng và vô tác” để thành tựu chúng sanh như thế nào?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong 3 tam muội này, thấy chúng sanh hành pháp, tác pháp như thế nào; rồi dùng các lực phương tiện dẫn họ vào trong “không, vô tướng và vô tác”.

Này Tu Bồ Đề! Như vậy gọi là Bồ Tát vào 3 tam muội “không, vô tướng và vô tác” và dùng 3 tam muội này để thành tựu chúng sanh.

LUẬN:

Hỏi: Vì nhân duyên gì mà Tu Bồ Đề hỏi Phật: “Bồ Tát dùng sơ tâm mà được Vô Thượng Bồ Đề, hay dùng hậu tâm mà được Vô Thượng Bồ Đề?

Đáp: Trước đây ngài Tu Bồ Đề đã nghe Phật dạy các pháp là đều chẳng có tăng, chẳng có giảm, khiến ngài dấy niệm nghĩ rằng: Nếu các pháp đều chẳng tăng, chẳng giảm, thì Bồ Tát làm sao có thể đến được Vô Thượng Bồ Đề?

Lại nữa, ngài nghĩ rằng: Phật đầy đủ chánh hạnh mới được Vô Thượng Bồ Đề. Bồ Tát chưa trừ được vi tế vô minh, chưa đầy đủ chánh hạnh, thì làm sao vào được Vô Thượng Bồ Đề? Nếu từ sơ tâm đến hậu tâm mà các thiện căn chẳng được tăng trưởng, thì Bồ Tát làm sao vào được Vô Thượng Bồ Đề?

Bởi các nhân duyên nếu trên đây, nên ngài Tu Bồ Đề mới thưa hỏi Phật về nghĩa thâm áo này.

Phật dạy: chẳng phải y nơi sơ tâm, cũng chẳng ly sơ tâm mà được Vô Thượng Bồ Đề.

Vì sao? Vì nếu y nơi sơ tâm mà được Vô Thượng Bồ Đề, thì Bồ Tát đã thành Phật, ngay khi mới sơ phát tâm rồi.

Thế nhưng sơ tâm là căn bản. Nếu chẳng có sơ tâm, thì cũng chẳng có hậu tâm, sơ tâm chẳng ly hậu tâm, và hậu tâm cũng chẳng ly sơ tâm. Nhờ có sơ tâm mà các công đức được chứa nhóm. Do có chứa nhóm công đức mới dẫn đến sự đoạn trừ phiền não, tập khí, và cuối cùng mới dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề vậy.

Sở dĩ ngài Tu Bồ Đề thưa hỏi Phật như trên đây, vì theo ngài thì sơ tâm và hậu tâm đều chẳng đầy đủ. Vì sao? Vì nếu quá khứ đã diệt thì chẳng có sự hòa hợp các thiện căn đang hiện hành. Nếu chẳng hòa hợp được các thiện căn, thì cũng chẳng thể chứa nhóm thiện căn được. Nếu chẳng chứa nhóm được thiện căn, thì cũng chẳng làm sao có thể được Vô Thượng Bồ Đề vậy.

Phật đã dùng thí dụ thực tiễn để giải nghi cho ngài Tu Bồ Đề: Như khi cây đèn được thắp sáng, thì đèn và tim đèn phải là một chẳng phải riêng khác. Chẳng phải y nơi tim lúc ban đầu cũng chẳng ly nơi tim lúc ban đầu mà ngọn đèn được thắp sáng; chẳng phải y nơi tim lúc sau cùng cũng chẳng phải ly tim lúc sau cùng mà đèn được thắp sáng.

Rồi Phật bảo ngài Tu Bồ Đề rằng: Người thế gian, dùng nhục nhãn, thấy ngọn đèn chẳng phải do nơi tim ban đầu, hay do nơi tim sau cùng mà được thắp sáng; cũng chẳng phải ly tim ban đầu hay ly tim sau cùng mà được thắp sáng. Cũng như vậy, ta dùng Phật nhãn thấy các Bồ Tát chẳng phải do nơi sơ tâm, hay do nơi hậu tâm mà được đạo Vô Thượng Bồ Đề, cũng chẳng phải ly sơ tâm hay ly hậu tâm mà được đạo Vô Thượng Bồ Đề.

-o0o-

Ở thí dụ nêu trên đây, Phật đã dùng:

– Ngọn đèn dụ cho Bồ Tát đạo.

– Tim đèn dụ cho vô minh, phiền não.

– Tim đèn cháy sáng dụ cho vô minh, phiền não được tiêu trừ.

Khi vào sơ địa, trí huệ còn cạn mỏng, khô khan, nên mới chỉ là “càn huệ”. Phải tiến tu thêm nữa, cho đến khi vào được Kim Cang tam muooijmowis được chân trí huệ.Như vậy, ngọn đèn trí huệ đốt cháy vô minh phiền não, chằng phải do sơ tâm trí, cũng chẳng phải do hậu tâm trí. Suốt quá trình tu tập, từ sơ tâm dẫn đến hậu tâm, vào Bồ Tát vị, Bồ Tát tương tục dùng đèn trí huệ đốt cháy vô minh, phiền não. Đến khi đốt cháy hết vô minh, phiền não, mới được Vô Thượng Bồ Đề.

-o0o-

Nơi đây cũng nên biết “Càn Huệ Địa” có hai bậc. Đó là:

– Càn Huệ địa của Thanh Văn.

– Càn Huệ địa của Bồ Tát.

Càn Huệ địa của Thanh Văn dẫn vào Niết Bàn. Hàng Thanh Văn tinh tấn trì giới thanh tịnh, tinh tấn tu tập các tam muội, tinh tấn hành các pháp quán, như quán bất tịnh…, tinh tấn tu tập để biết rõ vô thường, vô ngã, để chứa nhóm các thiện pháp, xả bỏ các bất thiện pháp v.v… thì vào được địa này. Tuy đã có trí huệ, nhưng vì chưa có được thiền định, khiến trí huệ còn cạn mỏng, khô khan, nên gọi là “càn huệ địa”.

Còn Bồ Tát, do từ sơ phát tâm đã tu tập “nhu thuận nhẫn”, thâm ái thật tướng pháp, tu tập thiền định, nên vào “càn huệ địa”.

Vào địa này rồi, Bồ Tát lại tu tập “khổ pháp nhẫn”… dẫn đến tu tập “đạo trí nhẫn”, được 15 tâm nhẫn, được vô sanh pháp nhẫn, vào Bồ Tát vị.

Cũng nên biết, khi vào được “kiến địa” là đã vào dòng Thánh, bắt đầu chứng các quả Thánh. Từ địa này còn phải tinh tấn tu tập để tận đoạn các phiền não, xả trừ các tập khí kiết sử, vào “ly dục địa”.

Từ “càn huệ địa” dẫn đến “ly dục địa”, Bồ Tát phải thứ lớp tu tập từ “sơ địa” dẫn dến “thập địa” của Đại Thừa Bồ Tát Thập Địa*.

* Về Thập địa (10 địa), nên phân biệt có 3 loại. Đó là:

1). Tam Thừa Thập Địa: (10 địa chung cho cả 3 thừa: Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát), gồm: Càn huệ địa – Tánh địa – Nhập nhơn địa – Kiến địa – Bạc địa – Ly Dục địa – Dĩ biện địa – Bích Chi Phật địa – Bồ Tát địa – Phật địa.

2). Đại Thừa Bồ Tát Thập Địa (10 địa riêng của Bồ Tát Thừa) gồm: Hoan hỷ địa – Ly cấu địa – Phát quang địa –Diễm huệ địa – Cực nan thắng địa – Hiện tiền địa – Viễn hành địa – Bất động địa – Thiên huệ địa – Pháp vân địa.

3). Tứ Thừa Thập Địa. Trong 4 thừa (Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, Bồ Tát thừa và Phật thừa) mỗi thừa có 10 địa rieng biệt.

Có thuyết nói: Được “Kim Cang tam muội” rồi, mứi gọi là vào Bồ Tát địa; được “nhất thiết chủng trí” rồi, mới được quả vị Phật.

Bồ Tát phải tu đầy đủ 10 địa, luôn hành pháp tự lợi và lợi tha, mới được đầy đủ Bồ Tát hạnh.

Bồ Tát, khi vào được “Ly Dục địa” rồi, là ly sạch các dục, và các phiền não của cõi Dục, nên được đầy đủ 5 thần thông.

Hàng Thanh Văn, khi được tận trí, vô sanh trí, là chứng được quả vị A La Hán. Còn Bồ Tát, do muốn thành tựu Phật địa, nên còn phải tu quả Bích Chi Phật địa, dùng pháp quán 12 nhân duyên để thông quán các duyên pháp. Khi đã thành tự Bích Chi Phật đạo, Bồ Tát còn phải viên thành Bồ Tát hạnh, tiến tu lên đến Phật địa.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát, trong khi hành Bồ Tát hạnh, mà còn pahir tu tập Bích Chi phật đạo nữa?

Đáp: Trong 10 địa chung của 3 thừa giáo, có nói đến Bích Chi Phật địa. Vì sao? Vì Bồ Tát phải tu học đầy đủ 12 nhân duyên, nơi Bích Chi Phật đạo, để phương tiện độ thoát chúng sanh. Bởi vậy nên, dù vẫn dùng trí huệ Bát Nhã để hành Bồ Tát đạo, Bồ Tát vẫn phải tu tập đầy đủ giáo pháp của Thanh Văn thừa và của Bích Chi Phật thừa.

Như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có ghi: Ngài Văn Thù Sư Lợi là vị đại Bồ Tát đã từng trải qua 12 ức kiếp là Bích Chi Phật.

Như vậy là Bồ Tát phải đầy đủ 10 địa, phải tu tập hết thảy Phật pháp, phải đầy đủ 10 Phật lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, đại từ đại bi… dẫn đến 18 bất cộng pháp, mới có thể được thọ ký thành Phật.

-o0o-

Ngài Tu Bồ Đề biết do các pháp đều do duyên hòa hợp sanh, nên chẳng phải dùng sơ tâm… dẫn đến chẳng phải dùng hậu tâm mà được Vô Thượng Bồ Đề; lại cũng chẳng phải dùng ly sơ tâm… dẫn đến ly hậu tâm mà được Vô Thượng Bồ Đề. Ngài bạch Phật: Duyên pháp ấy rất thậm thâm, nên nói “chẳng phải dùng sơ tâm hay hậu tâm, cũng chẳng pahir ly sơ tâm hay hậu tâm mà được Vô Thượng Bồ Đề”.

Phật hỏi lại ngài Tu Bồ Đề: Ý ông nghĩ sao? Tâm đã diệt rồi có sanh trở lại chăng?

Ngài Tu Bồ Đề tự nghĩ rằng các pháp rốt ráo là không, là bất sanh, bất diệt; chỉ vì chúng sanh chấp 6 tình mà thấy có sanh, có diệt vậy thôi. Nếu nói tâm đã diệt rồi mà còn sanh lại, thì đó là chấp thường. Nghĩ như vậy nên ngài đáp: Chẳng được vậy.

Phật lại hỏi: Tâm sanh có tướng diệt chăng?

Ngài Tu Bồ Đề tự nghĩ rằng trước đây Phật hỏi về tâm quá khứ; nay Phật hỏi về tâm hiện tại. Vì sanh và diệt là hai pháp đối đãi, đã có sanh ắt phải có diệt. tướng tâm trước là không, nay trở thành có, có rồi cũng lại trở thành không vậy. Nghĩ như vậy nên ngài đáp: Có tướng diệt vậy.

Phật lại hỏi: Tướng tâm diệt, thì tâm có diệt chăng?

Ngài Tu Bồ Đề tự nghĩ rằng nếu nói tâm diệt, thì nơi 1 tâm có 2 thời, gồm 1 thời sanh, 1 thời diệt. Còn nếu nói tâm là vô thường, thì tâm chẳng trú quá một niệm. Lại nữa, kinh A Tỳ Đàm nói có sanh pháp, có diệt pháp, có bất diệt pháp, có dục sanh pháp, có dục diệt pháp, ngay ở hiện tại, trong 1 tâm có 2 thời, là thời sanh và thời muốn diệt; mà tướng muốn diệt là chẳng phải là sanh. Nghĩ như vậy, nên ngài đáp: Chẳng có vậy.

Phật lại hỏi: Tâm có trú chăng?

Ngài Tu Bồ Đề tự nghĩ rằng nếu chẳng phải là có tướng diệt, thì phải là thường trú; nếu đã là thường trú, thì chẳng phải là có tướng diệt. Nếu nói có tướng diệt, thì phạm lỗi lầm là nơi 1 tâm có 2 thời. Nếu nói chẳng có tướng diệt, mà thật sự có tướng ấy, thì làm sao nói là chẳng diệt được. Cả 2 điều nêu trên đây đều lỗi lầm cả. Nghĩ như vậy rồi, ngài tự chứng trí mà đáp: Tâm trú nơi như như tánh.

Phật lại hỏi: Nếu tâm trú nơi như như tánh, thì tâm đó có phải là thật tế chăng?

Mặc dù ngài Tu Bồ Đề từ lâu đã thấu rõ về pháp tánh thật tế, biết rõ như như tánh tức là trú nơi pháp tánh thật tế rồi vậy. Thế nhưng, ngài nghĩ rằng tâm tướng là pháp hư vọng, chẳng thể là thật tế được. Nghĩ như vậy nên ngài đáp: Chẳng phải vậy.

-o0o-

Ở đây cần đặt vấn đề vì sao Phật lại hỏi ngài Tu Bồ Đề: Nếu tâm trú nơi như như tánh, thì có phải là thật tế chăng?

Nên biết rằng “như như” là thật tướng của hết thảy pháp. Vậy nên, ở nơi thật tướng, thì tâm là tự tướng không, là như pháp tánh thật tế, là Niết Bàn tướng.

Do vì ngài Tu Bồ Đề, nơi pháp Thanh Văn, còn quý trọng Niết Bàn, nên chẳng có chấp nhận rằng “tâm sanh diệt cũng tức là Niết Bàn”. Nghĩ như vậy, nên ngài đáp: Chẳng phải vậy.

Lại nữa, ngài nghĩ rằng: “thật tế là vô tướng” nên chẳng dám nói “tâm tướng là thật tế” vậy.

-o0o-

Phật lại hỏi: Tâm như như trú là thậm thâm chăng?

Phật nêu lên câu hỏi này, vì ngài Tu Bồ Đề đã nói “tâm như như trú” rồi sau lại nói “tâm như như trú chẳng phải là thật tế”.

Do vì ngài chưa khắp biết, nên đã đáp: Tâm như như trú là rất thậm thâm.

Phật lại hỏi: “Như” là tâm chăng? Ly “như” có tâm chăng?

Ngài Tu Bồ Đề tự nghĩ rằng “như” là thật tướng, nên là nhất tướng, là vô tướng, chẳng có đối đãi, tâm tướng là tướng duyên hợp, đối đãi; “như” là chẳng có chỗ biết, tâm là có chỗ biết; “như” là rốt ráo thanh tịnh, tâm là có hay biết. Nên nói, “như” chẳng phải là tâm. Thế như, thật tướng của tâm là “như”. Nên nói, ly “như” thì chẳng có tâm.

Nghĩ như vậy, nên ngài đáp: Chẳng phải vậy.

Phật lại hỏi: “Như” có thấy được “như” chăng?

Ngài Tu Bồ Đề tự nghĩ rằng “như” là vô phân biệt. Nếu Bồ Tát trú trong như pháp tánh thật tế, thì chẳng thể hành thâm Bồ Tát đạo được. Nghĩ như vậy, nên ngài đáp: Chẳng thấy được vậy.

Phật lại hỏi: Nếu Bồ Tát thường hành “như”, thì có phải hành Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Bồ Tát hành “như” là hành Bát Nhã Ba La Mật.

-o0o-

Lúc bấy giờ, trong chúng hội, có nhiều vị Bồ Tát sơ phát tâm nghe ngài Tu Bồ Đề đáp như vậy, cho rằng mình đã vượt khỏi Nhị Thừa và đã vào Đại Thừa.

Phật muốn phá cao tâm của các vị này, nên hỏi ngài Tu Bồ Đề: Bồ Tát hành “như” là hành như thế nào?

Ngài Tu Bồ Đề tự nghĩ: Bồ Tát an trú trong như pháp tánh thật tế, nên chẳng còn khởi niệm phân biệt. Nghĩ như vậy, nên ngài đáp: Hành “như” là hành mà chẳng có chỗ hành.

Phật sợ rằng các vị Bồ Tát sơ phát tâm, khi nghe ngài Tu Bồ Đề đáp như vậy, sẽ có thể đọa về đoạn diệt, nên lại hỏi: Bồ Tát y cứ vào đâu mà hành pháp “như”?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Bồ Tát y cứ nơi “đệ nhất nghĩa” mà hành “như”. Vì ở nơi đây chẳng có tướng sai biệt, các tướng đều bất khả đắc.

Phật lại hỏi: Ở nơi “đệ nhất nghĩa”, Bồ Tát hành mà chẳng có niệm hành. Hành như vậy có tướng hành chăng?

Ngài Tu Bồ Đề tự nghĩ Bồ Tát biết rõ các pháp tướng rốt ráo là không, nên chẳng còn có ức niệm, chẳng còn trú tướng hành. Nghĩ như vậy nên ngài đáp: Chẳng có vậy.

Phật lại hỏi: Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật có khởi niệm hoại các pháp chăng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát chẳng có dấy niệm phá hoại pháp tướng. Bồ Tát đầy đủ các Phật pháp, được lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật hộ trì, nên chẳng thủ tướng “có”, cũng chẳng thủ tướng “không”, biết rõ pháp tướng là hư vọng, thủ tướng là lầm lỗi. Bồ Tát lại biết rõ phá tướng thì rơi về đoạn diệt, cũng là lầm lỗi. Bởi vậy nên Bồ Tát chẳng chấp thủ tướng “có”, chẳng chấp thủ tướng “không”. Ly cả 2 chấp “có – không” mới là “đệ nhất nghĩa”.

-o0o-

Đến đây, Phật khai thị thêm rằng: Bồ Tát biết rõ hết thảy các pháp đều là tự tướng không, nên chẳng thủ pháp tướng, chẳng hoại pháp tướng.

Bồ Tát trú nơi tự tướng không, mà vào 3 tam muội “không, vô tướng và vô tác” để làm lợi ích cho chúng sanh.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát thị hiện thọ thân vào trong 6 đường chúng sanh, nhằm hóa độ chúng sanh.

Bồ Tát quán biết trong số chúng sanh, có kẻ chẳng tu phước, buông lung phóng túng, tạo nên bao nhiêu nghiệp tội, khiến phải đọa vào các cảnh địa ngục, từ cõi địa ngục này chuyển sang cõi địa ngục khác, hoặc sanh làm ngạ quỷ, súc sanh, soay vần mãi trong các đường ác, dẫn đến khi thọ tội xong, được sanh lại làm người, thì cũng chỉ sanh vào nhà bần cùng, hạ tiện.

Bồ Tát lại quán biết có chúng sanh tu bố thí, xả bỏ xan tham, tu trì giới, được sanh về cõi trời Dục giới, hoặc sanh làm người vào nhà giàu sang, phú quý.

Bồ Tát lại quán biết có chúng sanh tu ly dục, trừ 5 cái, được 5 căn, tu thiền quán, được sanh về cõi trời Sắc giới.

Bồ Tát lại quán biết có chúng sanh xả sắc tướng, chẳng niệm các tạp tướng, vào vô biên hư không xứ định, được sanh về cõi trời Vô Sắc Giới.

Bồ Tát biết rõ tất cả các sự kiện nêu trên đây đều phát xuất từ tà niệm cả. Vì sao? Vì chưa có được giải thoát, dù được sanh lên các cõi trời, nhưng khi hưởng hết phước báo rồi thì cũng vẫn bị đọa lạc, xoay vần lên xuống trong 6 nẻo đường sanh tử. Ví như lấy một sợi dây dài buộc vào chân một con chim rồi thả cho nó bay bổng lên cao, thì cuối cùng chim vẫn bị sợi dây kéo nó về chỗ cũ.

Bồ Tát dùng “vô tác tam muội” dẫn dắt chúng sanh vào nơi vô tác, vô nguyện, dạy chúng sanh biết rõ thân này chỉ là như huyễn, như hóa, chỉ là một tập hợp da, thịt, xương, gân, máu huyết v.v… toàn là những thứ bất tịnh, còn tâm thì luôn dao động, chẳng có được an, niệm niệm sanh diệt chẳng có định tướng, nên cũng chỉ là như huyễn như hóa.

Lại nữa, do chúng sanh trú chấp vào các tướng ăn, uống, nằm, ngồi, đi, đứng v.v… chấp có ngã và ngã sở rồi ức tưởng phân biệt giữa ta với người, khởi sanh bao nhiêu tội lỗi.

Bồ Tát lại dùng “không tam muội” dạ chúng sanh đoạn chấp ngã và chấp pháp, dẫn dắt họ an trú nơi pháp “không”.

Bồ Tát lại dùng “vô tướng tam muội” dạy chúng sanh đoạn hết thảy các chấp tướng, dẫn dắt họ vào nơi thật tế vô tướng. Bồ Tát dạy chúng sanh biết rõ hết thảy các tướng đều là hư vọng, chẳng thật có. Chúng sanh do phân biệt chấp có các pháp tướng, như các tướng nam, nữ, tốt xấu, vui buồn, thương ghét v.v… mà khởi sanh bao nhiêu tội lỗi, nên Bồ Tát dạy họ phải đoạn trừ các chấp tướng vậy.

Hỏi: Giáo hóa chúng sanh khiến họ vào được nơi pháp “không” là đủ rồi. Vì sao lại phải dạy họ đầy đủ cả 3 tam muội “không, vô tướng và vô tác” làm gì?

Đáp: Căn trí của chúng sanh chẳng có đồng đều nhau.

Hạng người lợi căn thượng trí, nghe thuyết về các pháp “không, vô tướng và vô tác” có thể tín giải, dẫn đến chánh ức niệm, tu tập.

Hạng người độn căn thiểu trí, vừa nghe thuyết về pháp “không”, liền chấp “không”. Bởi vậy nên phải vì họ thuyết rõ thêm về “vô tướng”, cho họ biết rõ ở nơi thật tướng hết thảy pháp đều là “không”, là “vô tướng”.

Có hạng người tuy đã biết được “không” và “vô tướng”, nhưng lại vẫn chấp thân hữu vi, khiến khởi sanh bao nhiêu tội lỗi. Đối với hạng người này, thì phải nên vì họ thuyết về “vô tác”, dạy họ biết rõ thân là hư vọng, chẳng thật có, chẳng có gì phải chấp đắm.

Trong kinh có dạy: Ngoài thân Bồ Tát ra thì hết thảy thân của các loài chúng sanh đều chẳng có được một niềm vui nho nhỏ trong khoảnh khắc, huống nữa là được hưởng sự an vui lâu dài. Bởi vậy nên đối với hạng nguwoif chấp đắm sắc thân, Bồ Tát phải vì họ thuyết về “vô tác”, dạy cho họ biết rõ có thân là có khổ, chẳng nên chấp đắm thân này.

Tóm lại, túy theo căn trí của chúng sanh, mà Bồ Tát phải phương tiện dùng 3 tam muội “không, vô tướng và vô tác” để giáo hóa họ.

***

Phẩm thứ năm mươi tám
Mộng hành
(Hành trong mộng)

KINH:

Lúc bấy giờ ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài Tu Bồ Đề: Thưa ngài Tu Bồ Đề! Nếu có Bồ Tát nào trong giấc chiêm bao mà nhập vào 3 tam muội “không, vô tướng và vô tác” thì vị Bồ Tát ấy có được ích lợi gì nơi Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Thưa ngài Xá Lợi Phất! Nếu lúc thức tỉnh Bồ Tát nhập vào 3 tam muội này mà được lợi ích nơi Bát Nhã Ba La Mật, thì trong giấc chiêm bao, nếu nhập vào 3 tam muội này, cũng sẽ được lợi ích như vậy. Vì sao? Vì hành Bát Nhã Ba La Mật lúc tỉnh thức hay trong chiêm bao chẳng có gì khác nhau cả. Nếu trong tỉnh thức, Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật có được lợi ích thì trong giấc chiêm bao, nếu vị Bồ Tát ấy hành Bát Nhã Ba La Mật cũng vẫn được lợi ích như vậy.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Nếu Bồ Tát trong giấc chiêm bao tác hành các nghiệp, thì các hạnh nghiệp đó có tập thành chăng?

Theo như lời Phật dạy, thì hết thảy pháp đều như mộng, nên đều chẳng tập thành. Vì sao? Vì trong chiêm bao là chẳng có thật pháp, mà chẳng có thật pháp thì chẳng thể có sự tập thành. Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Nếu có người trong giấc chiêm bao thấy mình giết chết người, đến khi thức tỉnh, người ấy niệm nghĩ, phân biệt hành động giết người trong mộng, rồi cho rằng “tôi có giết người”. Ý ngài nghĩ sao?

Ngài Xá Lợi Phất đáp: Nếu chẳng có duyên nghiệp thì chẳng có nghiệp sanh, nếu chẳng có nghiệp sanh thì chẳng sanh tư duy về nghiệp. Phải có duyên nghiệp sanh mới có nghiệp sanh, dẫn đến mới có tư duy về nghiệp vậy.

Ngài Tu Bồ Đề nói: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Nếu chẳng có duyên thì chẳng có nghiệp sanh, dẫn đến chẳng có tư duy về nghiệp. Phải có duyên nghiệp thì mới có nghiệp sanh, dẫn đến mới có tư duy về nghiệp.

Lại nữa, tâm sanh theo chỗ “thấy, nghe, hay, biết” (kiến, văn, giác, tri), chửng phải tâm sanh theo chỗ không thấy, không nghe, không hay, không biết. Ở nơi đây tâm có tịnh, có cấu.

Bởi vậy nên có cảnh duyên thì có nghiệp sanh, dẫn đến có tư duy, niệm nghĩ về nghiệp.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Theo như lời Phật dạy thì tất cả các nghiệp, tất cả các tư duy đều là tự tướng ly. Như vậy vì sao có duyên thì có nghiệp sanh, dẫn đến có tư duy về nghiệp, và chẳng có duyên thì chẳng có nghiệp sanh dẫn đến chẳng có tư duy về nghiệp.

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Vì chấp tướng, nên nói có duyên thì có nghiệp sanh, dẫn đến có tư duy về nghiệp, và nói chẳng có duyên thì chẳng có nghiệp sanh, dẫn đến chẳng có tư duy về nghiệp.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Nếu có Bồ Tát trong giấc chiêm bao thấy mình hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, rồi tùy hỷ các công đức ấy để hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, thì như vậy có thật là hồi hướng chăng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Hiện nơi đây có ngài Bồ Tát Di Lặc đã được Phật thọ ký bất thối chuyển, và ở đời vị lai sẽ thành Phật. Xin ngài hãy hỏi ngài Di Lặc để được rõ hơn.

Ngài Xá Lợi Phất bạch với ngài Di Lặc: Bạch ngài! Như lời ngài Tu Bồ Đề nói hiện nơi đây có Bồ Tát Di Lặc đã được Phật thọ ký bất thối chuyển, và ở đời vị lai sẽ thành Phật. Nên hỏi ngài Di Lặc để được ngài giải đáp cho.

Bồ Tát Di Lặc hỏi ngài Xá Lợi Phất: Thưa ngài Xá Lợi Phất! Tôi sẽ phải dùng danh tự Bồ Tát Di Lặc này để đáp chăng? Hay tôi sẽ phải dùng danh tự sắc… dẫn đến dùng danh tự thức để đáp? Hay tôi sẽ phải dùng danh tự sắc không… dẫn đến dùng danh tự thức không để đáp?

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Nếu dùng danh tự sắc… dẫn đến thức, dùng danh tự sắc không… dẫn đến thức không, mà chẳng thể đáp được, thì tôi chẳng thấy có pháp gì có thể dùng để đáp cả. Tôi chẳng thấy có người đáp (năng đáp), chẳng thấy có người được thọ ký, chẳng thấy có pháp thọ ký, chẳng thấy có chỗ thọ ký. Vì sao? Vì hết thảy pháp đều chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài Di Lặc: Bạch ngài! Theo như chỗ ngài nói thì như vậy là đắc pháp tác chứng chăng?

Bồ Tát Di Lặc đáp: Chỗ tôi nói đó chẳng phải là tác chứng.

Lúc bấy giờ ngài Xá Lợi Phất tự niệm rằng: Bồ Tát Di Lặc có trí huệ thậm thâm, đã từ lâu dụng vô sở đắc mà hành 6 pháp Ba La Mật, nên mới có được như vậy.

Biết rõ tâm niệm của ngài Xá Lợi Phất, Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao? Ông đã hành pháp gì để đắc A La Hán, và khi đắc quả vị A La Hán rồi, ông có thấy pháp ấy chăng?

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con chẳng thấy vậy.

Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật cũng là như vậy. Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng dấy niệm nghĩ rằng do hành pháp ấy mà đã được thọ ký hay sẽ được thọ ký, do hành pháp ấy mà sẽ được Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng có khởi tâm nghi rằng mình sẽ được hay sẽ chẳng được Vô Thượng Bồ Đề, mà Bồ Tát tự biết mình sẽ được Vô Thượng Bồ Đề.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao ngài Xá Lợi Phất lại đem vấn đề “Bồ Tát nằm mộng, thấy mình hành 3 tam muội” để vấn nạn ngài Tu Bồ Đề?

Đáp: Có rất nhiều quan niệm bàn về vấn đề mộng”

– Có thuyết cho rằng mộng là hư vọng, chẳng thật có, nhưng lại cho rằng 3 tam muội “không, vô tướng và vô tác” là thật pháp.

– Có thuyết cho rằng một có thiện, bất thiện và vô ký. Cho nên Bồ Tát trong mộng thấy mình hành 3 pháp tam muội, ắt phải có lợi ích.

– Có thuyết cho rằng mộng chỉ là pháp cuồng si, chẳng phải là thắng hạnh, nên pháp như vậy chẳng thể có quả báo. Vì sao? Vì nếu thật có thấy nghe như khi tỉnh thức thì chẳng gọi là mộng. Đây là lý do vì sao ngài Tu Bồ Đề hỏi ngài Xá Lợi Phất “Bồ Tát trong lúc chiêm bao thấy mình hành 3 tam muội “không, vô tướng và vô tác”, có tăng ích Bát Nhã Ba La Mật chăng? Có chứa nhóm thiện căn, có gần Phật đạo chăng?

Ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói sự lợi ích ở trong mộng chỉ là hư vọng. Như vậy làm sao có thể tăng ích Bát Nhã Ba La Mật được. Nhưng nếu nói chẳng tăng ích Bát Nhã Ba La Mật, thì vì sao trong mộng lại thấy có hành các thiện pháp? Do vậy, chẳng có thể nói có tăng ích hay chẳng có tăng ích vậy.

Ở nơi đây, ngài Tu Bồ Đề đã ly cả hai bên khi nêu lên lời vấn nạn. Vì sao? Vì ngài biết rõ trong tỉnh thức Bồ Tát hành thiện pháp mà còn chẳng trú, huống nữa là trong mộng.

Bởi vậy nên ngài nói với ngài Xá Lợi Phất rằng: Nếu Bồ Tát, trong tỉnh thức hành Bát Nhã Ba La Mật mà có tăng ích thì khi nằm mộng thấy mình hành Bát Nhã Ba La Mật cũng phải có tăng ích. Nếu trong tỉnh thức, hành Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng có tăng ích, thì khi nằm mộng thấy mình hành Bát Nhã Ba La Mật cũng chẳng có tăng ích như vậy. Vì sao? Vì ở nơi Bát Nhã Ba La Mật, thì tỉnh thức và mộng chẳng có gì sai khác cả.

Ngài Xá Lợi Phất tự niệm: Nếu đã biết rõ Bát Nhã Ba La Mật là bất tăng, bất giảm thì chẳng cần nạn vấn nữa. Như vậy, vì sao ngài Tu Bồ Đề lại hỏi việc trong mộng.

Nghĩ như vậy, nên ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài Tu Bồ Đề: Nếu trong mộng có tác nghiệp, thì nghiệp ấy có tập thành chăng? Nếu thật có nghiệp, thì có tập thành quả báo chăng? Nếu thật có nghiệp, thì vì sao Phật thường dạy hết thảy pháp đều rốt ráo là không, là như mộng? Nếu hết thảy pháp đều là như mộng thì làm sao có thể thành đạo được?

Vì sao? Vì ở trong mộng, tâm chẳng có tác lực mạnh mẽ, nên chẳng thể tập thành nghiệp được. Khi tình táo, mà tâm chẳng được chuyên nhất, chẳng có tác lực mạnh mẽ, vẫn còn chẳng tập thành nghiệp được huống hữa là trong mộng. Chỉ sau khi tỉnh thức, phân biệt cảnh mộng mà sanh tâm thiện hay tâm bất thiện, thì lúc bấy giờ nghiệp mới có thể tập thành được.

Ngài Tu Bồ Đề lại hỏi: Như người nằm mộng thấy mình phạm tội giết người, đến khi tỉnh giấc, tư duy về cảnh mộng rồi cho rằng mình thật có giết người. Ý ngài nghĩ sao?

Ngài Xá Lợi Phất đáp: Hết thảy nghiệp đều do cảnh duyên tác sanh. Chẳng có cảnh duyên thì nghiệp chẳng sanh, dẫn đến chẳng có tư duy về nghiệp được. Có cảnh duyên, thì nghiệp mới sanh, dẫn đến mới có tư duy về nghiệp. Trong khi thức tỉnh cũng như trong khi nằm mộng cũng đều như vậy cả.

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Đúng như vậy. Nghiệp dẫn từ thân và khẩu gọi là thân nghiệp và khẩu nghiệp, nghiệp do tư duy, phân biệt gọi là ý nghiệp. Cả 3 nghiệp đều phát sanh từ 4 sự: Thấy, nghe, hay và biết.

Do 4 sự ấy mà có tâm sanh. Như vậy tâm cũng tùy duyên sanh nên mới có tinh, có bất tịnh.

Tâm bất tịnh dẫn đến nghiệp tội, tâm tịnh dẫn đến nghiệp phước. Cảnh mộng là do nơi chỗ thấy, nghe, hay, biết mà người nằm mộng đã có sẵn từ trước. tuy nhiên, vì ở trong mộng tâm thức chẳng được tự tại, khiến chỗ thấy, nghe, hay, biết bị chìm đắm, chẳng có thế lực nên chẳng có thể tập thành nghiệp quả báo được. Trái lại, nếu hành nghiệp trong khi tỉnh táo, thì các duyên nghiệp được các tâm thiện hay ác hòa hợp trở nên rất mạnh mẽ, dẫn đến tập thành nghiệp quả báo vậy.

Ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói rằng: Tác nghiệp ở trong mộng cũng có sự tập thành. Vì sao? Vì cũng có duyên khởi. Cho nên tác nghiệp trong khi thức cũng như trong khi ngủ chẳng có khác nhau. Ở cả hai trường hợp từ phát sanh từ 4 sự “thấy, nghe, hay, biết” vậy.

Đến đây, ngài Xá Lợi Phất lại dùng pháp “không” để nạn vấn ngài Tu Bồ Đề: Hết thảy nghiệp dều là tự tướng ly. Như vậy, vì sao có duyên thì mới có nghiệp sanh, dẫn đến, có tư duy về nghiệp, chẳng có duyên thì chẳng có nghiệp sanh, dẫn đến chẳng có tư duy về nghiệp?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: ccas nghiệp tuy là tướng không, là tướng ly, nhưng vì phàm phu chấp tướng, nên duyên nghiệp mới sanh. Nếu chẳng chấp tướng, thì duyên nghiệp chẳng sanh. Vậy nên biết hết thảy nghiệp đều do chấp tướng dẫn sanh, nên khi thức và khi ngủ chẳng có gì khác nhau.

Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi: Nếu Bồ Tát, trong khi nằm mộng, thấy mình có hành 6 pháp Ba La Mật, rồi hồi hướng công đức ấy về Vô Thượng Bồ Đề, thì như vậy có thật là hồi hướng chăng?

Vì lời vấn nạn của ngài Xá Lợi Phất thâm sâu, khó giải, nên ngài Tu Bồ Đề nói ngài Xá Lợi Phất nên hỏi Bồ Tát Di Lặc, hiện có mặt trong chúng hội, để được Bồ Tát giải đáp cho.

Hỏi: Vì sao ngài Bồ Tát Di Lặc chẳng đáp trực tiếp câu hỏi của ngài Xá Lợi Phất?

Đáp: Cả 2 vị đại đệ tử của Phật đều muốn làm lợi ích cho chúng sanh, nên đã phân biệt về chỗ đồng và chỗ khác của sự tác nghiệp lúc tỉnh và lúc nằm mộng. Lại nữa, vì 2 ngài đều nghe Phật dạy hết thảy pháp là như mộng, như huyễn. Như vậy là hành đạo lúc tỉnh hay hành đạo trong mộng cũng đều là hành đạo cả. Do vậy mới dẫn đến sự vấn nạn lẫn nhau.

Ngài Bồ Tát Di Lặc nhận thấy tri kiến của 2 vị còn chỗ chấp, nên chẳng đáp trực tiếp câu hỏi của ngài Xá Lợi Phất.

Có thuyết cho rằng như vậy là ngài Di Lặc đã dùng pháp “không” để đáp rồi.

-o0o-

Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi ngài Di Lặc: Chỗ “không” mà ngài nêu lên đó có phải là pháp tác chứng chăng?

Ý ngài Xá Lợi Phất muốn nói rằng: Ngài Di Lặc lấy pháp ‘không” để làm pháp tác chứng chăng?

Như vậy là ngài Xá Lợi Phất lại đưa ra một lời vấn nạn khác, “Nếu nói chẳng chứng đắc, thì vì sao Bồ Tát Di Lặc lại nói về pháp không?”.

Ngài Bồ Tát Di Lặc biết được tâm niệm của ngài Xá Lợi Phất, nên nói: Ông lấy Niết Bàn làm chỗ chứng đắc, còn tôi nói Niết Bàn là không, là vô sở đắc. Pháp tôi nói đó là chẳng có chỗ đắc. Hết thảy pháp đều là không, đều chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Lúc bầy giờ, ngài Xá Lợi Phất tự niệm rằng: Ngài Bồ Tát Di Lặc có trí huệ rất thậm thâm, nên mới nói như vậy. Ngài biết rõ Niết Bàn, mà chẳng tác chứng Niết Bàn; như vậy mới là thật thậm thâm.

-o0o-

Đến đây, Phật hỏi ngài Xá Lợi Phất: Ông đã hành pháp gì để chứng quả A La Hán? Đắc quả A La Hán rồi, ông có thấy được pháp ấy chăng?

Ngài Xá Lợi Phất tự nghĩ rằng: Hết thảy pháp đều là không, là vô tướng, là vô tác, thì như vậy làm sao thấy được. Nếu nói thấy được, thì như vậy là có trú nơi pháp tướng rồi. Sự thấy đó chỉ hạn lượng trong phạm trù của nhục nhãn và thiên nhãn mà thôi. Nếu dùng huệ nhãn, thì sẽ thấy rõ hết thảy các pháp tướng đều rốt ráo vô phân biệt. Vì các pháp tướng đều chẳng phân biệt, nên là chẳng thấy vậy.

Do nghĩ như vậy, nên ngài đáp: Con chẳng thấy vậy.

Phật dạy: Bồ Tát cũng như vậy. Khi được vô sanh pháp nhẫn rồi, thì cũng chẳng có tác ý rằng “Ta được pháp, Ta thấy pháp”. Bồ Tát cũng chẳng có khởi nghi tâm rằng “Ta sẽ được Vô Thượng Bồ Đề, hay sẽ chẳng được Vô Thượng Bồ Đề”. Bồ Tát tự biết rõ rằng mình sẽ đến được Vô Thượng Bồ Đề.

***

KINH:

Phật bảo ngài Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành Đàn Ba La Mật, mà thấy chúng sanh đói rét, áo quần rách nát, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành Bố Thí Ba La Mật. Đến khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta chẳng còn cảnh đói rách, bần cùng như vậy, ta sẽ khiến họ được đồ ăn, thức uống, áo quần, chăn mền… đầy đủ như ở trên các cõi trời.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ Đàn Ba La Mật, gần được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành Thi La Ba La Mật, mà thấy chúng sanh phạm tội sát sanh, trộm cướp, tà dâm… dẫn đến khởi sanh tà kiến, khiến phải bị chết non, bị nhiều bệnh tật, thọ thân tướng xấu xí, chẳng có oai đức, chịu nghèo khổ, đói rách, cùng cực, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành Trì Giới Ba La Mật. Đến khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta chẳng còn chịu những nghiệp quả báo xấu ác như vậy.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ Thi La Ba La Mật, gần được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành Sẵn Đề Ba La Mật, mà thấy chúng sanh sân hận, thù oán, mắng nhiếc, đánh đập, tàn sát nhau, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành Nhẫn Nhục Ba La Mật. Đến khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta chẳng phạm những ác hạnh như vậy. ta sẽ khiến họ thương yêu nhau, hòa thuận với nhau, xem nhau như cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thân thuộc của nhau.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ Sẵn Đề Ba La Mật, gần được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành Tỳ Lê Gia Ba La Mật, mà thấy chúng sanh biếng nhác, chẳng siêng năng tu tập thiện pháp, xa ròi 3 thừa pháp, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành tinh tấn Ba La Mật. Đến khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta chẳng còn giải đãi; biếng nhác như vậy; khiến họ tinh tấn tu hành 3 thừa đạo, dẫn đến được giải thoát.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ Tỳ Lê Gia Ba La Mật, gần được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành thiền Ba La Mật, mà thấy chúng sanh bị 5 triển cái “tham dục, sân nhuế, thủy miên, trạo hối, nghi pháp” che tâm, khiến mất thiền định, xa rời “từ, bi, hỷ, xả”, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành thiền Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta chẳng còn các ác sự như vậy.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ Thiền Ba La Mật, gần được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành Bát Nhã Ba La Mật, mà thấy chúng sanh si muội, chẳng có được chánh kiến thế gian và xuất thế gian, hoặc cho rằng chẳng có nghiệp, chẳng có nghiệp nhân duyên, hoặc chấp thường, hoặc chấp đoạn, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành Bát Nhã Ba La Mật. Đến khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến các chúng sanh trong cõi nước của ta chẳng còn các ác sự như vậy.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật, gần được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh an trụ trong 3 tụ, là chánh định tụ, tà định tụ, và bất định tụ, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến các chúng sanh trong cõi nước của ta chẳng rơi vào tà định tụ, dẫn đến ở cõi nước của ta cũng chẳng còn danh tự “tà định tụ” nữa.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh ở trong chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta chẳng còn bị đọa vào 3 đường ác, dẫn đến ở cõi nước của ta cũng chẳng còn danh tự “3 đường ác” nữa.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy đất đai gồ ghề, đầy hầm hố, chông gai, xú uế, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến đất đai ở cõi nước của ta bằng phẳng, màu mỡ, phì nhiêu, chẳng có những chỗ gồ ghề, đầy hầm hố, chông gai, xấu xí, uế tạp như vậy.

Bồ tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy cõi nước chẳng có vàng bạc, châu báu, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến đất cát ở khắp nơi trong cõi nước của ta đều toàn bằng vàng ròng. Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh đam mê luyến ái, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sinh trong cõi nước của ta chẳng có đam mê luyến ái như vậy. Bồ Tát hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí. Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy 4 giai cấp trong cõi nước chia rẽ, đấu tranh lẫn nhau, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến 4 giai cấp trong cõi nước của ta chẳng có chia rẽ, đấu tranh, dẫn đến ở cõi nước của ta cũng chẳng có danh tự “4 giai cấp” nữa.

Bồ  Tát tu hành như vậy là đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh trong cõi nước chia chia ra làm 3 hạng “thượng, trung và hạ”, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta chẳng có các hạng hơn thua như vậy.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh chia rẽ nhau vì thân tướng và màu da, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta chẳng còn chia rẽ nhau vì thân tướng và màu da; khiến tất thảy đều có thân tướng đoan nghiêm, xinh đẹp.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh phân biệt chúa với tôi, chủ với tớ, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta chẳng còn có các danh tự chúa tôi, chủ tớ; chỉ trừ danh tự Pháp Vương dành riêng cho đức Phật.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh ở trong 6 đường, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến ở cõi nước của ta chẳng có 6 đường chúng sanh sai khác, dẫn đến chẳng có các danh tự địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người, thần tiên nữa; hết thảy chúng sanh đều đồng hạnh nghiệp, đều tu tập 4 niệm xứ… dẫn đến 8 thánh đạo.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh thọ sanh ở 4 loài “thai, noãn, thấp, hóa”, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến ở cõi nước của ta chẳng có 4 loài sai khác, mà chỉ có loài hóa sanh mà thôi.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh chẳng có 5 thần thông, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta đều được 5 thần thông.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh đại tiểu tiện, ô uế, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta đều lấy thiền duyệt thực và pháp hỷ làm thức ăn, chẳng còn đại tiểu tiện, ô uế nữa.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh chẳng có quang minh, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta đều có được quang minh Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy có mặt trời, mặt trăng, thời tiết, năm tháng…, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến ở cõi nước của ta chẳng còn có danh tự mặt trời, mặt trăng, thời tiết, năm tháng… nữa.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh chết non, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta đều được thọ mạng vô lượng.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh chẳng có thân tướng tốt, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta đều có được 32 tướng tốt nơi thân.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh xa lìa thiện căn, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta đều thành tựu thiện căn công đức; do công đức ấy mà được thân cận, và cúng dường 10 phương chư Phật. Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh bị 3 độc tham, sân, si, 4 bệnh nóng, lạnh, phong, đàm nhiễu loạn tâm thân, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến chúng sanh trong cõi nước của ta chẳng còn bị 3 độc và 4 bệnh nữa.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh chấp có 3 thừa, thì phải nguyện rằng: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến ở cõi nước của ta chẳng còn có danh tự Nhị Thừa, mà chỉ thuần có Đại Thừa.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, mà thấy chúng sanh khởi tăng thượng mạn, thì phải nguyện: Ta nay hành 6 pháp Ba La Mật. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến ở cõi nước của ta chẳng còn có chúng sanh tăng thượng mạn, dẫn đến chẳng còn có danh tự tăng thượng mạn.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hàng 6 pháp Ba La Mật, phải phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật, ta sẽ khiến cho quang minh và thọ mạng của ta vô hạn lượng; sẽ khiến cho cõi nước của ta giống như hằng sa cõi nước của chư Phật.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi hành 6 pháp Ba La Mật, phải phát nguyện rằng: Dù biết đường sanh tử rất dài, dù biết chúng sanh rất nhiều chủng tánh, ta phải xả ly các niệm ấy; có như vậy, ta mới vào được chánh niệm. Ta phải xem bờ sanh tử như là hư không, chúng sanh cũng là như hư không. Vì sao? Vì thật chẳng có ai qua lại trong sanh tử, cũng thật chẳng có ai giải thoát cả.

Bồ Tát tu hành như vậy là đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, gần được nhất thiết chủng trí.

LUẬN:

Hỏi: Bồ Tát thứ lớp tu tập như thế nào mà quán được các cảnh chúng sanh đói khát lạnh lẽo v.v…, như được mô tả ở đoạn kinh trên đây?

Đáp: Bồ Tát tu tập hết thảy các pháp, từ Thanh Văn pháp, Bích Chi Phật pháp, dẫn đến Bồ Tát pháp, được vô sanh pháp nhẫn, và được thọ ký bất thối chuyển. Được thọ ký bất thối chuyển rồi, Bồ Tát nguyện thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ.

Bồ Tát thứ lớp quán các cảnh bất tịnh của thế giới mà mình đang trú, rồi phát nguyện khi thành Phật sẽ khiến ở cõi nước của mình chằng còn có các cảnh như vậy nữa.

Khi hành bố thí, thấy chúng sanh đói khát, lạnh lẽo…, Bồ Tát thường tự niệm rằng, vì ta tu phước, chưa có trí huệ đầy đủ, nên chẳng có thể cung cấp đầy đủ các vật dụng cần thiết cho hết thảy chúng sanh. Nếu ta chỉ hành bi tâm mà thôi, thì chúng sanh chẳng có nhiều lợi lạc. Ta phải hành bố thí Ba La Mật mới có thể làm cho chúng sanh được đầy đủ. Nếu ta làm vị Chuyển Luân Thánh Vương hay vị Thiên Vương, ta cũng đã có được lực phương tiện để dẫn dắt chúng sanh phá xan tham, khiến họ an trú trong bố thí rồi.

Thế nhưng, vì nhân duyên giáo hóa, cứu độ hết thảy chúng sanh, mà ta nguyện khi thành Phật, ta sẽ khiến chúng sanh ở trong cõi nước ta ddeuf thoat khỏi cảnh khốn khổ, bần cùng; ai mống tâm cầu được vật dụng gì, liền được như ý muốn.

Bồ Tát hành bố thí, và dạy chúng sanh hành bố thí, sẽ được nhiều phước đức. Vì sao? Vì các phước đức hữu vi đều do nhân duyên hành thiện pháp. Phải thành tựu đầy đủ nhân duyên thì phước quả mới được đầy đủ. Ví dụ như Chư Thiên ở cõi Lục Dục Thiên mong muốn vật dụng gì, liền được như ý.

Bồ Tát quán chúng sanh, do nhân duyên phá giới, mà phải chết non, phải mắc nhiều bệnh, chẳng có được oai đức, nên phát nguyện tự mình trì giới đầy đủ, và dạy cho chúng sanh trì giới đầy đủ. Bồ Tát; tùy đối tượng chúng sanh, mà phân biệt thuyết các giới pháp, khiến họ dễ hiểu. Do nguyện giáo hóa chúng sanh như vậy, nên Bồ Tát chẳng nhàm chán thế gian, mà vẫn chung sống với chúng sanh, khởi đạo tâm, tu tập vô lượng, vô số hạnh công đức, làm lợi lạc cho vô lượng, vô số chúng sanh v.v…

-o0o-

Phật khai thị cho chúng sanh biết rõ đại tâm, đại nguyện của Bồ Tát như sau:

Dù biết rõ đường sanh tử rất dài, biết rõ chúng sanh tương tục chìm đắm trong sanh tử, chịu rất nhiều khổ đau, biết rõ chúng sanh vô lượng vô số ở trong khắp vô lượng vô biên thế giới, cũng biết rõ chúng sanh rất khó độ, nhưng Bồ Tát chẳng hề thối tâm. Bồ Tát biết rõ thối tâm Bồ Đề là tà niệm, là chẳng viên thành được bản nguyện độ sanh. Bởi vậy nên Bồ Tát thường hành chánh niệm, xem tất cả các sự việc, neu trên đây, đều là như mộng, như huyễn, là như hư không.

Vì xem chúng sanh là như hư không, xem bờ sanh tử cũng là như hư không, nên Bồ Tát phát nguyện ở trong thế gian, chung sống với các loài chúng sanh, nhằm giáo hóa chúng sanh. Giáo hóa chúng sanh như vậy, độ thoat chúng sanh như vậy, mà Bồ Tát thật chẳng thấy có chúng sanh nào được độ cả, vì thật chẳng có chúng sanh chìm đắm trong sanh tử, cũng chẳng có chúng sanh nào được giải thoát cả. Bồ Tát thấy vô lượng đời vị lai chỉ như trong 1 niệm, chẳng có lâu xa. Do vậy mà Bồ Tát được đầy đủ trí huệ lực, phước đức lực, vượt qua vô lượng kiếp, gần đến Vô Thượng Bồ Đề.

Như vậy là Phật nêu lên đầy đủ các duyên pháp, khiến Bồ Tát chẳng nhàm chán sinh tử, chẳng rời bỏ chúng sanh. Bồ Tát thấy chúng sanh như huyễn, như hóa, như hư không, nên tuy chúng sanh là vô số vô lượng, mà thật chẳng có chúng sanh để độ thoát; lại nữa, nếu chúng sanh là vô số vô lượng, thì trí huệ của Bồ Tát cũng vô lượng vô biên, khiến Bồ Tát chẳng thấy việc độ thoát chúng sanh là việc khó làm vậy.

***

Phẩm thứ năm mươi chín
Hằng Già Đề Bà

KINH:

Lúc bấy giờ trong đại chúng có một người nữ tên là Hằng Già Đề Bà, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải, quỳ gối, chấp tay, và bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con xin hành trì 6 pháp Ba La Mật, để thanh tịnh Phật độ, đúng như lời Phật dạy trong Bat Nhã Ba La Mật.

Vị thiện nữ này đem hoa vàng, hoa bạc, các thứ hoa tươi, cùng các vật báu trang nghiêm khác và 2 tấm thảm dệt bằng chỉ vàng đến cúng dường Phật. Ở phía trên đảnh Phật, các thứ hoa cùng các vật báu do vị Thiện nữ này cúng dường Phật liền kết thành 4 trụ đài trang nghiêm, đẹp đẽ, trụ giữa hư không.

Vị thiện nữ này xưng dương, tán than công đức của Phật, ròi tùy hỷ hết thảy công đức ấy, để cùng với hết thảy chúng sanh, đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề.

Phật biết rõ tâm niệm của vị Thiện nữ, nên liền mỉm cười. Từ kim khẩu của Phật phoáng ra vô lượng quang minh, đủ màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng… Các quang minh ấy chiếu đến vô lượng thế giới Phật ở khắp 10 phương, rồi lại trở về diễu 3 vòng quanh Phật, xong nhập vào đảnh Phật.

Ngài A Nan thấy như vậy liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ xuống, và bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Phật mỉm cười? Pháp Phật thâm diệu, nên con nghĩ chẳng phải chẳng có nhân duyên mà Phật mỉm cười vậy.

Phật dạy: Này A Nan! Vị Thiện Nữ Hằng Già Đề Bà này, trong đời vị lai, sẽ thành Phật, vào kiếp Tinh Tú, với hiệu là Kim Hoa.

Này A Nan! Thiện Nữ này sau khi mạng chung, sẽ thọ thân nam, sanh về nước Diệu Hỷ của đức Phật A Súc Bệ, tịnh tu phạm hạnh.

Này A Nan! Ở cõi nước Phật ấy, Thiện Nữ này thành vị Bồ Tát có hiệu là Kim Hoa. Từ cõi Phật ấy, sau khi mạng chung, Bồ Tát Kim Hoa lại sanh về cõi Phật khác; chuyển từ cõi Phật này sang cõi Phật khác, mãi chẳng hề xa rời các đức Phật.

Này A Nan! Ví như vị Chuyển Luân Thánh Vương, trong suốt cuộc đời, di chuyển từ lâu đài này sang lâu đài khác, mà chân chẳng hề bao giờ chạm đất. Cũng như vậy, Bồ Tát Kim Hoa chuyển thân từ cõi Phật này sang cõi Phật khác, mãi mãi cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề mà chẳng bao giờ chẳng thấy Phật.

Lúc bầy giờ, ngài A Nan tự nghĩ: Khi Bồ Tát Kim Hoa thành Phật, ắt Phật hội của ngài cũng sẽ như Phật hội hôm nay.

Phật biết rõ tâm niệm của ngài A Nan, nên dạy rằng: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này A Nan! Như chỗ ông nghĩ. Bồ Tát Kim Hoa khi thành Phật, cũng sẽ thành lập Phật hội y như Phật hội của ta hôm nay.

Này A Nan! Phật Kim Hoa sẽ có vô lượng Tỷ kheo, chẳng thể đếm xiết được; cõi nước của Phật Kim Hoa sẽ chẳng có những ác sự, như đã nói trước đây.

Ngài A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vị Thiện Nữ này đã gieo trồng thiện căn từ thời đức Phật nào?

Phật dạy: Này A Nan! Thiện Nữ này đã gieo trồng thiện căn từ thời đức Phật Nhiên Đăng. Từ khi mới sơ phát tâm, Thiện Nữ này đã cùng với ta đem hoa cúng dường đức Phật Nhiên Đăng, xưng dương, tán than công đức của Phật, rồi tủy hỷ công đức của Phật, cùng với hết thảy chúng sanh, đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề.

Đức Phật Nhiên Đăng biết rõ thiên căn của ta đã thành tựu, nên đã thọ ký Vô Lượng Bồ Đề cho ta.

Vị Thiện Nữ này, thấy ta được thọ ký, liền phát nguyện rằng: Ở đời vị lai, tôi cũng sẽ được thọ ký Vô Lượng Bồ Đề như vậy.

Ông A Nan! Ông nên biết vị Thiện Nữ này đã sơ tâm phát Bồ Đề từ thời đức Phật Nhiên Đăng.

Ngài A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vị Thiện Nữ này đã lâu đời hành Vô Thượng Bồ Đề chăng?

Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này A Nan! Vị Thiên Nữ này đã lâu đời hành Vô Thượng Bồ Đề.

LUẬN:

Hỏi: Cả đại chúng đã được nghe Phật thuyết về hạnh thanh tịnh Phật độ. Vì sao chẳng có ai bạch Phật về nguyện thanh tịnh Phật độ của mình, mà chỉ có một mình vị Thiện Nữ này đứng lên bạch Phật như vậy?

Đáp: Có thuyết nói: Trong chúng hội có rất nhiều người phát nguyện thanh tịnh Phật độ, nhưng chẳng bạch Phật.

Có thuyết nói: Do Thiện Nữ này nhẹ tánh, háo thắng, nên mới đứng lên bạch Phật như vậy.

Có thuyết nói: Thiện nữ này đã thành tựu được đạo phần; còn các người khác chưa có được đạo phần. Đây là vấn đề nghiệp duyên nhân quả. Thiện Nữ này đã gieo trồng thiện căn từ lâu, nên nay mới được thiện quả báo như vậy. Ví như thuốc hay, trị được lành bệnh, chẳng có phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Cũng như vậy, vị Thiện Nữ này, tuy đời nay thọ thân nữ, nhưng do nghiệp duyên gieo trồng thiện căn ở nhiều đời trước, nên mới được thọ ký Vô Thượng Bồ Đề ở đời vị lai vậy.

Vì trong chúng hội có rất nhiều người nghi về nhân duyên dẫn đến việc Phật thọ ký cho vị thiện Nữ này, nên Phật dạy: Vị Thiện Nữ này đã từ lâu tu tập Vô Thượng Bồ Đề, nên được thọ ký.

Cũng nên biết rằng có rất nhiều trường hợp Phật chỉ im lặng thọ ký, chẳng có nói ra như trường hợp này.

Hỏi: Tên “Hằng Già Đề Bà” này mang ý nghĩa gì?

Đáp: Tên đặt riêng cho mỗi người chỉ là danh tự để phân biệt người này với người khác. Chớ nên cầu nghĩ nơi tên gọi.

Có thuyết nói: “Người nữ này, khi vừa mới sanh ra đời, đã được cha mẹ đem gởi cho vị thần sông Hằng. Bởi vậy nên đặt tên nàng là Hằng Già Đề Ba. Hằng Già là tên sông, còn Đề Bà là tên của một cõi trời.

Lại có thuyết nói: “Vì nhân duyên phước đức từ đời trước, mà người nữ này được sanh vào một gia đình trưởng giả; lớn lên lại được nghe pháp Phật, hoan hỷ tín thọ, nên thường dùng vàng bạc, châu báu… để cúng dường Phật”.

-o0o-

Phật bảo ngài Á Nan rằng: “Vị Thiên Nữ này do từ lâu đã từ lâu đời tu tập Vô Thượng Bồ Đề, nên nay mới được thọ ký”.

Vì đại sự nhân duyên thọ ký cho người nữ này mà Phật mỉm cười. Nên biết Phật chỉ mỉm cười khi có đại sự nhân duyên, và sự mỉm cười như vậy mang một ý nghĩa rất quan trọng.

Hỏi: Vị Thiện Nữ này đã được phước đức sâu dày. Như vậy vì sao lại phải thọ thân nữ? Vì sao phải đợi đến đời Phật A Súc Bệ mới chuyển thân nữ thành thân nam?

Đáp: Có thuyết nói, “5 dục ở thế gian rất khó trừ. Vị Thiện Nữ này do còn chấp dục tính, nên dù đã nhiều đời hành các phước đức, mà vẫn chưa thọ được thân nam. Nay, người này đã sạch phiền não, được Phật thọ ký, nên về sau này, ở cõi nước của đức Phật A Súc Bệ, sẽ được chuyển thân nữ thành thân nam”.

Lại có thuyết nói: “Người nữ này thấy có nhiều người trọng nam mà khinh nữ, nên đã nguyện thọ thân nữ. Sự kiện Phật thọ ký cho một người nữ chứng tỏ sự chứng đạo chẳng có phân biệt nam hay nữ”.

Trên đây, lược nói về các nhân duyên Thiên Nữ này vẫn giữ thân nữ mà vẫn được Phật thọ ký.

-o0o-

Ngài A Nan hỏi Phật: “Vì nhân duyên gì mà Phật mỉm cười?”.

Phật dạy: “Trong đời vị lai, Vị Thiện Nữ này sẽ thành Phật, hiệu là Kim Hoa Như Lai. Sau khi mạng chung ở nơi đây, vị Thiện Nữ này sẽ sanh về thế giới Phật A Súc Bệ, thành vị Bồ Tát, hiệu là Kim Hoa. Mạng chung ở thế giới Phật đó, lại sanh về thế giới Phật khác, tịnh tu phạm hạnh, mãi mãi cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề, trọn chẳng xa rời các đức Phật.

Thế nhưng, ở trong chúng hội có rất nhiều người khởi tâm nghi rằng, “Thiện Nữ này chỉ nghe được ít pháp, mà vì sao lại được đại quả báo như vậy?”.

Để giải nghi cho đại chúng, ngài A Nan hỏi Phật: “Vị Thiện Nữ này đã gieo trồng thiện căn từ bao giờ?”.

Phật dạy: “Người Thiện Nữ này, vào thời đức Phật Nhiên Đăng, đã cùng với ta đem các thứ hoa và các vật báu cúng dường Phật, để cầu Vô Thượng Bồ Đề. Phật Nhiên Đăng biết rõ thiện căn của ta đã thuần thục, nên đã thọ ký Vô Thượng Bồ Đề cho ta. Thấy như vậy, vị Thiện Nữ này đã phát nguyện ở đời vị lai cũng sẽ thành Phật. Do Thiện Nữ này đã gieo trồng thiện căn từ lâu xa như vậy, nên nay mới được đại quả báo, được ta thọ ký Vô Thượng Bồ Đề vậy”.

(Hết quyển 75)