LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP IV
QUYỂN 69

Phẩm thứ bốn mươi bảy
(Tiếp theo)
Lưỡng Bất Hòa Hợp
(Tiếp theo)

KINH:

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp có tín tâm, có giới hạnh muốn thọ trì, biên chép … dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà người nghe pháp chẳng như vậy, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp chẳng có xan tham, thương hay bố thí, mà người nghe pháp lại có xan tham, chẳng muốn bố thí, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người nghe pháp muốn cúng dường tứ sự cho người thuyết pháp, mà người thuyết pháp chẳng muốn thọ nhận hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp liễu đạt thâm lý, mà người nghe pháp lại ám độn, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp liễu người thứ lớp mười hai bộ kinh, mà người nghe pháp chẳng như vậy, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp thành tự sáu pháp Ba La Mật, mà người nghe pháp chẳng như vậy, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp có đầy đủ các lực phương tiện ở nơi sáu pháp Ba La Mật, mà người nghe pháp chẳng như vậy, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp đã đắc đà la ni, mà người nghe pháp chẳng như vậy, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ ĐềTU BỒ ĐỀ ! Người thuyết pháp muốn biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, mà người nghe pháp chẳng như vậy, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, nàyTu Bồ ĐềTU BỒ ĐỀ ! Người thuyết pháp ly tham dục, sân nhuế, ngủ nghỉ, trạo cử, nghi hối, mà người nghe pháp chẳng như vậy, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hòa hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ ĐềTU BỒ ĐỀ ! Khi biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, mà có người đến nói rằng : “Thọ thân trong ba đường ác là khổ. Vì sao ở đời này, ngươi chẳng tu dứt khổ, nhập Niết Bàn, mà lại cầu Vô Thượng Bồ Đề để làm gì ?”. Như vậy là hai bên chẳng được hòa hợp, khiến việc biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật chẳng thành tựu được. Phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, mà có người đến nói rằng: “ Ở cả ba cõi Trời có rất nhiều khoái lạc, ở cõi Dục có ngũ dục lạc, ở cõi Sắc có thiền định lạc và ở cõi Vô Sắc có tịch diệt lạc. Vì sao ở đời này, ngươi chẳng tu phước để được sanh lên cõi Trời, mà lại cầu pháp Đại Thừa làm gì cho khổ? Vì sao ở đời này, người chẳng tu để được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, mà cứ mãi ở trong thế gian, mãi ở trong sanh tử trải qua nhiều kiếp, để cầu Vô Thượng Bồ Đề làm gì cho khổ?

Như vậy là hai bên chẳng được hòa hợp, khiến việc biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật chẳng thành tựu được. Phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp một thân chẳng hệ luỵ với ai, được tự tại, vô ngại, mà người nghe pháp lại có nhiều hệ luỵ, dắt dìu nhiều ngườii khác, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hoà hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp bảo người nghe pháp phải thuận theo ý mình, mới cho biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, ma người nghe pháp chẳng theo, khiến hai bên chẳng được hoà hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp muốn đến xứ nguy nạn mà người nghe pháp chẳng muốn đi, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hoà hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp muốn đến xứ nghèo đói, mà người nghe pháp chẳng muốn đi, khiến hai bên chẳng được hoà hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp muốn đến xứ giàu sang mà người nghe pháp chẳng muốn đi, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hoà hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp muốn đến xứ hoang vắng, có nạn giặc cướp, ác thú, độc trùng, mà người nghe pháp chẳng muốn đi, hoặc ngược lại, khiến hai bên chẳng được hoà hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp có nhiều thí chủ tới lui thăm viếng, mà người nghe pháp chẳng muốn như vậy, khiến hai bên chẳng được hoà hợp, thì phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

LUẬN:

Hỏi: Có người biên chép, đọc tụng, thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật mà lại phạm giới. Như vậy, khi người ấy thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật làm sao có thể tin được? Làm sao có thể thọ pháp với người ấy được?

Đáp: Có người, tuy chẳng tin Bát Nhã Ba La Mật là rốt ráo không, nhưng vì cầu danh mà biên chép, đọc tụng … dẫn đến thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật.

Thế nhưng vì đệ tử của Phật thâm tín Bát Nhã Ba La Mật, nên dù thấy người biên chép, đọc tụng … dẫn đến thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật có phạm giới chăng nữa, thì vẫn chẳng mất lòng tin nơi thậm thâm pháp này.

Hỏi: Vì sao nói đệ tử muốn cúng dường thầy, mà thầy chẳng muốn thọ cũng là ma sự?

Đáp: Đệ tử chẳng muốn cúng dường thầy, vì nghĩ rằng: “Nếu thầy thủ chấp vật cúng dường, thì chẳng sao xả thân vì đạo được”. Tâm niệm của đệ tử đối với thầy như vậy là ma sự.

Nhưng, có trường hợp đệ tử muốn cúng dường thầy, mà thầy chẳng muốn thọ nhận, khiến giữa thầy trò chẳng được hoà hợp cũng là ma sự.

Có thể vì thầy thiểu dục, tri túc, mà chẳng muốn thọ nhận sự cúng dường; có thể thầy nghĩ rằng thọ nhận sự cúng dường như vậy xem như là mình đã bán pháp cho đệ tử; có thể thầy nghĩ rằng mình giới đức còn cạn mỏng, chẳng tiêu được của tín thí cúng dường v.v… Thầy tâm niệm như vậy là rất tốt, nhưng có thể làm cho thầy trò mất sự hoà hợp, gây trở ngại cho việc biên chép Bát Nhã Ba La Mật của người đệ tử. Phải biết đó cũng là ma sự.

–oOo–

Trong kinh còn nêu nhiều ma sự khác, khiến giữa thầy trò chẳng có sự hoà hợp, như sau:

– Thầy đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật, nhưng vì độn căn, chẳng thể nào giải rõ thâm nghĩa cho đệ tử nghe được.

– Thầy giải rõ thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, mà đệ tử vì độn căn, chẳng sao lãnh hội được.

– Thầy thứ lớp đọc tụng, tìm hiểu nghĩa của mười hai bộ kinh, mà đệ tử chẳng như vậy.

– Thầy thành tựu sáu phép Ba La Mật, mà nghĩ rằng đệ tử độn căn chẳng sao lãnh hội được, chẳng biết rằng đệ tử mình, sau khi nghe Bát Nhã Ba La Mật rồi có thể thành tựu được đại sự.

– Thầy giảng dạy sáu pháp Ba La Mật cho đệ tử, mà đệ tử lại nghĩ rằng các pháp ấy quá thậm thâm chẳng sao có thể tu tập được, hoặc nghĩ rằng thầy cũng chỉ nói, nhưng chẳng hành được v.v…

Đệ tử chẳng biết rằng thầy đã có đầy đủ các phương tiện lực Bát Nhã Ba La Mật, đã có được đại lợi ích nơi Bát Nhã Ba La Mật rồi.

Đệ tử chỉ muốn thủ chấp các thiện pháp, mà thầy lại chỉ muốn dùng các thiện pháp đó làm phương tiện hành Bát Nhã Ba La Mật.

Đệ tử chẳng ưa theo, mà chẳng biết rằng thầy tán thán Bát Nhã Ba La Mật như vậy nhằm đoạn chấp cho mình, để dẫn dắt mình cùng hành Bát Nhã Ba La Mật.

Tất cả các trường hợp nêu trên đều làm cho thầy trò chẳng có được sự hoà hợp, khiến việc thọ trì, đọc tụng, biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật chẳng có thể thành tựu được viên mãn. Phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Hỏi: Nếu thầy chưa đắc đà là ni, trong lúc đệ tử đã đắc đà la ni rồi, thì thầy làm sao dạy được đệ tử?

Đáp: Đà la ni có rất nhiều môn. Có thể đệ tử đắc một môn đà la ni nào đó mà thầy chưa đắc, hoặc ngược lại. Ví như đệ tử được Văn Trì đà la ni mà thầy được Giải Thâm đà là ni; hoặc đệ tử được Thật Tướng Nghĩa đà là ni, mà chẳng có thứ lớp đọc tụng; hoặc thầy được Văn Trì đà la ni, mà đệ tử chẳng có được đà la ni nào cả v.v…

Các sự kiện nêu trên có thể làm cho thầy và trò chẳng có được sự hoà hợp, khiến công việc giáo hoá của thầy gặp trở ngại.

Hỏi: Vì sao có lúc đệ tử muốn thọ trì Bát Nhã Ba La Mật mà thầy lại chẳng muốn trao pháp; có lúc thầy muốn trao pháp mà đệ tử lại chẳng muốn thọ nhận?

Đáp: Có rất nhiều nguyên nhân. Có thể là đệ tử thấy thầy có lỗi, nên chẳng muốn thọ pháp. Có thể thầy thấy đệ tử còn nhiều tà kiến, nên chưa muốn trao pháp v.v…

Chỗ hành pháp phải tương ứng với nhau, thì giữa người thuyết pháp và người nghe pháp mới có được sự hài hòa, an lạc, đêm lại nhiều lợi lạc.

Nếu trái lại, giữa người thuyết pháp và người nghe pháp chẳng có sự hòa hợp, thì sự trao pháp và thọ pháp chẳng sao thành tựu được.

Ví như một bên ly dục, mà bên kia chẳng muốn ly dục …, thì giữa đôi bên sẽ khinh miệt nhau, sẽ đối kỵ nhau, khiến cho sự trao truyền pháp , và sự thọ nhận pháp gặp rất nhiều trở ngại.

Trong kinh có nêu lên rất nhiều trường hợp giữa thầy và đệ tử chẳng có được sự hòa hợp như:

– Thầy hành pháp thiểu dục tri túc chẳng ưa đệ tử cúng dường nhiều, mà các đệ tử lại muốn được gần gũi thầy, muốn được cúng dường thầy. Do chấp hạnh thiểu dục tri túc mà thầy xa rời các đệ tử, mà chẳng nhiếp phục được họ.

– Thầy thuyết pháp mà muốn các đệ tử theo bên mình, đi đâu cũng muốn các đệ tử đi theo để cúng dường tứ sự, mà đệ tử lại chỉ muốn được gần thầy cầu pháp, học hỏi, chẳng để tâm lo cúng dường cho thầy.

– Đệ tử muốn theo sát bên thầy để cúng dường, mà thầy chẳng muốn, vì nghĩ rằng để cho đệ tử làm như vậy sẽ bị tổn đức, khiến đệ tử chẳng được an tâm, tự nghĩ rằng thầy khinh mình.

– Thầy vì lợi dưỡng mà dạy pháp, khiến đệ tử chẳng kính phục thầy, vì cho rằng thầy bán Phật Pháp.

– Đệ tử, vì tài lợi, vì danh vọng, mà cầu học Bát Nhã Ba La Mật, tâm chẳng được thanh tịnh. Thầy biết rõ như vậy, nên chẳng dậy.

– Thầy muốn đi đến một nơi xa, đường sá hiểm trở để thuyết pháp, mà đệ tử, vì sợ nguy đến tánh mạng chẳng dám theo thầy.

– Thầy muốn đến nơi giàu sang, mà đệ tử, hoặc vì ngại đường sá xa xôi, hoặc chẳng tham đắm cảnh giàu sang, vui sướng, mà chẳng muốn đi theo thầy.

– Thầy muốn đi giáo hóa ở một nơi nào đó, trong hoặc ngoài nước, mà đệ tử chẳng ưa thích, hoặc chẳng tin rằng thật sự chuyến du thuyết ấy có thể đem lại lợi ích mong muốn, hoặc nghĩ rằng thầy vì danh vọng, lợi dưỡng mà ra đi, nên chẳng muốn đi theo thầy.

– Thầy muốn đến một nơi đầy gian nguy, mà chẳng muốn để cho đệ tử theo, vì tự niệm rằng “thân ta dù có chết cũng chẳng sao, chẳng nên để người khác, vì theo ta, mà phải mắc nạn”.

Thầy có nhiều tín thí cúng dường, như đệ tử lại thiểu dục tri túc, chẳng ưa tín thí cúng dường thầy mình. Đệ tử chỉ muốn cầu pháp, chẳng muốn thầy bỏ nhiều thì giờ tiếp các tín thí đến cúng dường. Mặc dù thầy có nhiều nhân duyên cần phải tiếp các tín thí để tùy phương tiện nói pháp cho họ nghe, nhưng đệ tử chẳng muốn tin lời thầy. v.v…

Tất cả các trường hợp nêu trên đều làm cho thầy trò chẳng có được sự hòa hợp, khiến việc thọ trì, đọc tụng, biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật chẳng có thể thành tựu được viên mãn. Phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

KINH:

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ác ma giả làm Tỷ Kheo đến chỗ Thiện Nam, Thiện Nữ, dùng các phương tiện để phá hoại, chẳng cho thọ trì, đọc tụng, biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Ác ma giả làm Tỷ Kheo dùng phương tiện gì để phá hoại?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Ác ma giả làm Tỷ Kheo, đến chỗ Thiện Nam, Thiện Nữ, bảo rằng “Lời kinh do ra nói ra mới là Bát Nhã Ba La Mật, còn kinh ngươi đang thọ trì, đọc tụng, biên chép đó chẳng phải là Bát Nhã Ba La Mật”.

Nghe ác ma nói như vậy, những Thiện Nam, Thiện Nữ nào chưa được thọ ký có thể khởi nghi tâm. Do khởi nghi tâm mà bỏ Bát Nhã Ba La Mật, chẳng còn thọ trì, đọc tụng, biên chép nữa. Như vậy là chẳng hòa hợp. Phải biết đó là ma sự.

Ác ma giả làm Tỷ Kheo, đến chỗ Thiện Nam, Thiện Nữ, bảo rằng “Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật, chứng thật tế, được bốn quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật, ngươi chớ nên biên chép Bát Nhã Ba La Mật. Như vậy là chẳng hòa hợp. Phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Khi thuyết thâm Bát Nhã Ba La Mật này thường bị các ác ma đến gây lưu nạn. Bồ Tát phải nên biết để xa lìa các ma sự.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Những ma sự gì thường làm trở ngại Bát Nhã Ba La Mật, khiến Bồ Tát phải nên biết để xa lìa?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Ác ma khởi xướng các pháp tương tợ như Đàn Ba La Mật … dấn đến tương tợ như Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát phải biết rõ đó là ma sự, để xa lìa.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát phải nên học kinh Thanh Văn, kinh Bích Chi Phật, nhưng học xong rồi thì phải nên xả. Vì sao? Vì nếu chẳng xả, thì đó cũng là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ác ma giả làm Tỷ Kheo tìm phương tiện trao những loại kinh dạy về nội không, ngoại không … dẫn đến vô pháp hữu pháp không, dậy về tứ niệm xứ… dẫn đến bát thánh đạo, dạy về tam giải thoát môn “không, vô tướng và vô tác” … để được bốn quả Thanh Văn, được Bích Chi Phật đạo. Như vậy là chẳng hòa hợp, gây trở ngại cho việc biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ác ma hóa làm thân Phật sắc vàng, phóng hào quang sáng ngời, đến chỗ Bồ Tát. Do đắm trước thân Phật, mà Bồ Tát bị tổn giảm chánh trí huệ, khiến cho việc biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật chẳng thành tựu được. Phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, ác ma giả làm thân Phật và chúng Tỷ Kheo đến chỗ Bồ Tát thuyết pháp. Bồ Tát tham trước, tự niệm rằng “Đời sau ta sẽ được như vậy”. Do tham trước, mà Bồ Tát bị tổn giảm chánh trí huệ, khiến cho việc biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật chẳng thành tựu được. Phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.

Lại nữa, ác ma hóa ra vô số thân Bồ Tát hành sáu pháp Ba La Mật, chỉ bày cho các Thiện Nam, Thiện Nữ hành sáu pháp Ba La Mật. Do tham trước hành pháp như vậy, mà các Thiện Nam, Thiện Nữ bị tổn giảm chánh trí huệ, khiến cho việc biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật chẳng thành tựu được. Phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.

Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng có “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” … dẫn đến chẳng có nhất thiết chủng trí.

Do Bát Nhã Ba La Mật chẳng có sắc … dẫn đến chẳng có nhất thiết chủng trí, nên trong Bát Nhã Ba La Mật cũng chẳng có Thanh Văn, chẳng có Bích Chi Phật, chẳng có Bồ Tát … dẫn đến chẳng có Phật.

Vì sao? Vì hết thảy các pháp đều là tự tánh không vậy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật thường gặp nhiều lưu nạn. Ví như trong cõi Diêm Phù Đề có nhiều trân bảo, nào là kim ngân, xà cừ, xích châu, mã não … cùng vô số báu vật khác, khiến cho nhiều kẻ trộm cướp thường rình rập. Cũng như vậy, biên chép Bát Nhã Ba La Mật thường gặp nhiều lưu nạn, quấy nhiễu.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Đúng như vậy, bạch Thế Tôn ! Khi biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, thì ác ma thường đến quấy phá, gây lưu nạn.

Vì sao? Vì hạng người si muội thường bị ma sai sử nhằm phá hoại việc biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật. Bạch Thế Tôn ! Hạng người ngu si này chẳng ưa thích pháp Đại Thừa, nên chẳng muốn biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, mà lại còn phá hoại việc biên chép … dẫn đến chánh ức niệm của người khác nữa.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Hàng sơ pháp tâm Đại Thừa cũng còn bị các ác ma sai sử, khiến chẳng biết gieo trồng thiện căn, chẳng biết cúng dường chư Phật, chẳng biết gần gũi thiện tri thức. Do vậy mà những người này chẳng muốn biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, mà còn gây trở ngại cho người khác nữa.

Này Tu Bồ Đề! Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ nào nhất tâm biên chép … dẫn đến chánh ức niệm thâm Bát Nhã Ba La Mật, thì các ma sự chẳng phát khởi được. Người này dần dần sẽ được đầy đủ Đàn Ba La Mật … dẫn đến Thiền Ba La Mật, được đầy đủ tứ niệm xứ … dẫn đến nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Phải biết là do có Phật lực gia bị, mà Thiện Nam, Thiện Nữ ấy có thể biên chép … dẫn đến chánh ức niệm thâm Bát Nhã Ba La Mật, được đầy đủ Đàn Ba La Mật … dẫn đến Thiền Ba La Mật, đầy đủ nội không … dẫn đến vô pháp hữu pháp không, đầy đủ tứ niệm xứ … dẫn đến nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Chư Phật, chư đại Bồ Tát ở khắp mười phương cùng đồng hộ niệm cho Thiện Nam, Thiện Nữ ấy biên chép … dẫn đến chánh ức niệm thâm Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Ma giả làm thân Sa Môn có đại oai đức đến thuyết pháp, khiến người nghe tin theo lời chúng bèn bỏ kinh Bát Nhã Ba La Mật để thọ trì các kinh khác.

Ma còn nói với Bồ Tát rằng: Kinh do ta thuyết mới là lời Phật; kinh mà các người đang nghe, đang biên chép đó chẳng phải là thật, chẳng phải do Phật thuyết. Các ngươi hãy bỏ kinh Bát Nhã Ba La Mật, hãy học theo kinh Thanh Văn.

Bồ Tát độn căn vừa nghe theo, liền khởi sanh tà kiến. Còn Bồ Tát lợi căn mà chưa được thọ ký thì lại sanh tâm nghi. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật là chân trí huệ, nói hết thảy các pháp đều là không, là vô sở hữu, nên rất khó tin, khó biết. Do vậy mà ác ma mới có chỗ tiện lợi để phá hoại tâm Bồ Tát vậy.

Ác ma nói với Bồ Tát rằng: Bát Nhã Ba La Mật rộng nói về tam giải thoát môn “không, vô tướng và vô tác”, nhưng thật sự chỉ nói về pháp “không” mà thôi. Nếu ngươi thường ở trong “không” mà tu tập thì dù có được chứng đắc cũng chẳng sao thành Phật được. Muốn thành Phật, trước hết ngươi phải trì giới, phải tu ba mươi hai phước đức, phải tọa đạo tràng, rồi sau đó mới tu pháp “không”.

Bồ Tát nghe như vậy, hoặc chẳng còn tin Bát Nhã Ba La Mật, hoặc khởi tâm nghi Bát Nhã Ba La Mật … dẫn đến sẽ xa lìa Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Vì sao nói hành tương tợ sáu pháp Ba La Mật là ma sự?

Đáp: Vì hành sáu pháp Ba La Mật mà còn chấp là còn hành tương tợ sáu pháp Ba La Mật. Như vậy là chưa có phát khởi đại bi tâm, chưa nhất tâm cầu Phật đạo, là chỉ muốn tự độ vậy. Tuy là hành thiện pháp những vẫn là phá hoại tâm Đại Thừa của Bồ tát. Phải biết đó cũng là ma sự của Bồ Tát.

Hỏi: Nếu Bồ Tát thấy được Phật thân mà đắm trước. phát khởi tín tâm, thì vì sao gọi là ma sự?

Đáp: Hết thảy các chấp đều là tướng phiền não, nên đều gọi là ma sự. Các vị Bồ Tát sơ phát tâm chưa thấy được Phật thân, nên ác ma mới hiện thân Phật, đầy đủ các tướng tốt trang nghiêm, khiến họ sanh tâm chấp đắm, tưởng là mình đang đứng trước Phật vậy.

Ví như người chưa ly dục vừa thấy thân hình người nữ liền sanh tâm đắm trước, khởi dục vọng. Cũng như vậy, Bồ Tát sơ phát tâm, do chưa ly chấp, nên vừa thấy ma hiện thân Phật là liền sanh tâm chấp trước, bởi vậy nên ma mới có chỗ tiện lợi để phá hoại, làm suy giảm “thật tướng trí huệ” của Bồ Tát.

–oOo–

Theo lời Phật dạy thì sắc … dẫn đến hết thảy các pháp đều là tự tướng không; nên chúng hội khởi tâm nghi, nghĩ rằng “Nếu các pháp là tự tướng không, nếu Bát Nhã Ba La Mật là tự tướng không, thì vì sao vô thượng pháp Bát Nhã Ba La Mật có đại lợi ích như vậy, mà còn bị các lưu nạn, còn bị ghét bỏ?”

Phật biết rõ tâm niệm của chúng hội, nên dạy rằng: Ví như người có nhiều của cải, vàng bạc, châu báu, thường bị trộm cướp rình rập để cướp đoạt và cũng có rất nhiều người ganh ghét. Cũng như vậy, Bát Nhã Ba La Mật là đại pháp bảo nên ác ma thường tìm cách phá hoại. Ác ma chỉ muốn khiến người tu hành thủ chấp Niết Bàn, chẳng ưa người tu hành thọ trì … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật. Do vậy mà các người tu tập Bát Nhã Ba La Mật thường gặp lưu nạn, thường bị ganh ghét.

Ngài Tu Bồ Đề nghe lời Phật dạy, hoan hỷ tín thọ và nêu thêm các trường hợp lưu nạn khác do ác ma phá hoại Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Kẻ cuồng si bị ma sai sử nên chẳng được tự tại. Do ít trí huệ nên họ chẳng thông đạt được diệu lý trong Phật Pháp. Người chẳng có đại tâm, chẳng liễu đạt được pháp vị thanh tịnh, thường đắm chìm trong “dâm, nộ, si” mới gây lưu nạn đối với Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Phật dạy: Đúng như vậy, này Tu Bồ Đề! như lời ông nói, nếu Bồ Tát nào thọ trì, biên chép … dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật mà các ác ma chẳng có gây lưu nạn, thì phải biết vị Bồ Tát ấy được chư Phật và chư đại Bồ Tát trong mười phương thường hộ niệm. Cũng như vậy, Thiện Nam, Thiện Nữ nào nhất tâm tinh tấn tu tập sáu pháp Ba La Mật … dẫn đến nhất thiết chủng trí, thì cũng được chư Phật và chư đại Bồ Tát trong mười phương hộ niệm.

-o0o-

Cũng nên biết ma có thế lực rất mạnh ở Dục giới, người thế gian lại thường đắm trước trong dục lạc. Do vậy ở nơi đây, ma có chỗ tiện lợi để sai sử, gây lưu nạn. Còn chư thiên ở Sắc giới thường vào thiền định, được tâm nhu nhuyến nên ma khó có thể phá hoại được, chư thiên ở Vô Sắc giới chẳng có hình sắc, nên ma chẳng có thể gây lưu nạn được.

Ở Dục giới ma có đầy đủ thế lực nên các ác ma thường phá hoại việc làm tốt của giới tu hành.

Bởi nhân duyên vậy, nên chư Phật, chư đại Bồ Tát cùng chư Thiên thường hộ niệm Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Thế nhưng, các Bồ Tát sơ phát tâm, do phước đức còn cạn mỏng, lại do còn tiếc thân mạng, nên cũng có thể bị ma sai sử, khiến chẳng thành tựu được Bát Nhã Ba La Mật.

Ví như giặc xâm lấn bờ cõi, người lớn ra sức chống giặc để cứu nước, thế mà lũ trẻ nít chẳng hay biết gì cả. Cũng như vậy, chư Phât, chư đại Bồ Tát cùng chư Thiên vẫn thường hộ niệm người tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thế mà có người vẫn chẳng hay biết, khiến cho ác ma sai sử phá hoại Bát Nhã Ba La Mật vậy.

–oOo–

Trên đây lược nói về các ma sự, mà Bồ Tát phải biết để xa lìa. Nếu rộng nói thì có vô lượng vô biên ma sự.

Phật từ bi thương xót chúng sanh, muốn cho chúng sanh thành tựu được Bát Nhã Ba La Mật, nên đã rộng thuyết về các trường hợp bất hòa hợp giữa thầy và trò, làm trở ngại cho việc thọ trì, đọc tụng, biên chép … dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

***

Phẩm thứ bốn mươi tám
Phật Mẫu
(Mẹ của Chư Phật)

KINH:

Phật bảo ngài Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Ví như bà mẹ có nhiều con. Khi bà mẹ lâm bệnh thì các con đều lo lắng chạy chữa, mong cho mẹ mau lành bệnh. Do nhớ đến công ơn sanh thành và dưỡng dục của mẹ mà các con thường cung phụng mẹ vậy.

Cũng như vậy, này Tu Bồ Đề! Chư Phật trong khắp mười phương vẫn thường dùng Phật nhãn chiêm ngưỡng thâm Bát Nhã Ba La Mật.

Vì sao?

Vì thâm Bát Nhã Ba La Mật khai thị hết thảy các thế gian tướng. Từ nơi thâm Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra chư Phật. Chư Phật do tu tập thâm Bát Nhã Ba La Mật mà được nhất thiết chủng trí. Cũng từ nơi Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra Đàn Ba La Mật … dẫn đến Thiền Ba La Mật, xuất sanh ra nội không, dẫn đến vô pháp hữu pháp không, xuất sanh ra tứ niệm xứ … dẫn đến tám thánh đạo, xuất sanh ra mười Phật lực … dẫn đến nhất thiết chủng trí, xuất sanh ra Thanh Văn đạo, Bích Chi Phật đạo, Bồ Tát đạo … dẫn đến Phật đạo.

Này Tu Bồ Đề! Chư Phật quá khứ và hiện tại đều do tu tập thâm Bát Nhã Ba La Mật mà được Vô Thượng Bồ Đề, chư Phật vị lai sẽ do tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà được Vô Thượng Bồ Đề vậy.

Này Tu Bồ Đề! Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ nào cầu Phật đạo, mà thọ trì, đọc tụng, biên chép … dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì chư Phật sẽ dùng Phật nhãn gia bị cho người ấy, khiến chẳng thối thất tâm Bồ Đề.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Theo như lời Phật dạy, Bát Nhã Ba La Mật khai thị hết thảy thế gian tướng, từ nơi Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra chư Phật.

Bạch Thế Tôn ! Vì sao nói Bát Nhã Ba La Mật khai thị hết thảy thế gian tướng?Vì sao nói Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra chư Phật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì thâm Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra mười Phật lực, mười tám bất cộng pháp … dẫn đến xuất sanh ra nhất thiết chủng trí. Người được đầy đủ các pháp như vậy được gọi là Phật, nên nói Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra chư Phật.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Chư Phật khai thịngũ ấm là thế gian tướng, nên nói Bát Nhã Ba La Mật khai thị thế gian tướng.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Như thế nào gọi là Bát Nhã Ba La Mật khai thị ngũ ấm tướng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật khai thị ngũ ấm tướng chẳng tán hoại, chẳng sanh diệt, chẳng cấu tịnh, chẳng tăng giảm, chẳng xuất nhập, chẳng có quá khứ, hiện tại và vị lai. Vì sao? Vì “không tướng” là “vô tướng tướng”, “vô tác tướng”, là chẳng phải “hoại tướng” vậy. Vì hết thảy các pháp đều chẳng khởi, chẳng sanh, đều là “vô sở hữu”, là “như pháp tánh”, nên chẳng có tướng tán hoại vậy. Vì pháp tướng là như vậy, nên khai thị như vậy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Chư Phật do nơi thâm Bát Nhã Ba La Mật, mà biết rõ tâm niệm của vô lượng vô biên chúng sanh.

Này Tu Bồ Đề! Trong thâm Bát Nhã Ba La Mật chẳng có chúng sanh, chẳng có danh tự chúng sanh, chẳng có sắc, chẳng có danh tự sắc … , dẫn đến chẳng có nhất thiết chủng trí, chẳng có danh tự nhất thiết chủng trí.

Như vậy gọi là Bát Nhã Ba La Mật khai thị hết thảy thế gian tướng.

Này Tu Bồ Đề! Thâm Bát Nhã Ba La Mật chẳng khai thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức … dẫn đến chẳng khai thị nhất thiết chủng trí. Vì sao? Vì trong Bát Nhã Ba La Mật chẳng có tướng của Bát Nhã Ba La Mật huống nữa là tướng của sắc, thọ, tưởng, hành, thức … dẫn đến tướng của nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở quốc độ này … dẫn đến ở hết thảy các quốc độ trong khắp mười phương có vô lượng chúng sanh, hoặc loài hữu sắc (có sắc), hoặc loài vô sắc (chẳng có sắc), hoặc loài hữu tưởng (có tưởng), hoặc loài vô tưởng (chẳng có tưởng), hoặc loài phi hữu tưởng phi vô tưởng (chẳng có tưởng cũng chẳng phải chẳng có tưởng). Những chúng sanh như vậy hoặc nhiếp tâm, hoặc loạn tâm, Phật đều biết rõ tâm niệm của họ.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Làm thế nào Phật biết rõ như vậy?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Phật dùng pháp tướng để biết như vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Phật dùng pháp tướng gì để biết?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Trong pháp tướng chẳng có “tướng pháp tướng”, huống nữa là “tướng nhiếp tâm” hay “tướng loạn tâm”.

Phật dùng pháp tướng như vậy nên biết rõ chúng sanh nhiếp tâm hay loạn tâm. Vì sao? Vì tận tướng, vì đoạn tướng, vì tịch diệt tướng, vì ly tướng cho nên biết. Nói cách khác, Phật do nơi Bát Nhã Ba La Mật mà như thật biết chúng sanh nhiếp tâm hay loạn tâm.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Do nơi Bát Nhã Ba La Mật mà Phật biết rõ chúng sanh có nhiễm tâm, có sân tâm, có si tâm và cũng biết rõ tâm nhiễm, tâm sân, tâm si của chúng sanh.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Làm thế nào Phật biết rõ như vậy?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì thật tướng của “nhiễm tâm” là “vô nhiễm tâm tướng”, của “sân tâm” là “vô sân tâm tướng”, của “si tâm” là “vô si tâm tướng”.

Vì sao? Vì ở nơi thật tướng chẳng có tướng của “tâm vương”, tướng của “tâm sở”, huống nữa là các tướng của “nhiễm tâm”, của “sân tâm”, của “si tâm”, cũng như các tướng của “vô nhiễm tâm”, của “vô sân tâm”, của “vô si tâm”.

Bởi vậy, này Tu Bồ Đề! Do nơi Bát Nhã Ba La Mật mà Phật biết rõ “nhiễm tâm”, “sân tâm”, “si tâm” của chúng sanh, cũng như biết rõ “vô nhiễm tâm”, “vô sân tâm”, “vô si tâm” của chúng sanh. Vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Vì tâm thể chẳng có tướng nhiễm, chẳng có tướng vô nhiễm. “Nhiễm tâm tướng” và “vô nhiễm tâm tướng” đều chẳng đầy đủ, chẳng cùng chung vậy. Dẫn đến  “sân tâm tướng” và “vô sân tâm tướng”, “si tâm tướng” và “vô si tâm tướng” cũng là như vậy. Bởi vậy nên Phật cũng biết rõ “vô nhiễm tâm”, “vô sân tâm”, “vô si tâm” của chúng sanh.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Do nơi Bát Nhã Ba La Mật, mà Phật biết rõ “quảng đại tâm” của chúng sanh.

Vì sao? Vì tâm tướng của chúng sanh chẳng rộng, chẳng hẹp, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng đến, chẳng đi. Tâm tướng là ly, là “không”, nên là như vậy.

Bởi vậy, này Tu Bồ Đề! Do nơi Bát Nhã Ba La Mật mà Phật biết rõ chúng sanh có “quảng đại tâm”, và cũng biết rõ “quảng đại tâm” của chúng sanh.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Do nơi Bát Nhã Ba La Mật mà Phật biết rõ tâm chúng sanh vô lượng.

Vì sao? Vì tâm chẳng phải an trí, cũng chẳng phải chẳng an trú. Vì tâm thể là vô tướng, chẳng có chỗ y chỉ, nên chẳng có chỗ trú, cũng chẳng có chỗ chẳng trú.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Do nơi Bát Nhã Ba La Mật mà Phật biết rõ tâm chúng sanh chẳng thể thấy được.

Vì sao? Vì tâm thể là vô tướng. Chẳng thể dùng “ngũ nhãn” mà thấy được tâm chúng sanh vậy.

Bởi vậy, này Tu Bồ Đề! Do nơi Bát Nhã Ba La Mật mà Phật biết rõ tâm chúng sanh bất khả kiến (chẳng thể thấy được) vậy.

LUẬN:

Hỏi: Ngài Tu Bồ Đề nêu bốn vấn đề để hỏi Phật, mà Phật chỉ giải đáp có ba vấn đề. Còn câu hỏi “Vì sao nói từ nơi Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra chư Phật?”, thì Phật chẳng có giải đáp?

Đáp: Nói “Chư Phật từ nơi Bát Nhã Ba La Mật xuấy sanh”, hay nói “Do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà thành tựu Phật quả”, thì nghĩ cũng chẳng có gì khác nhau cả.

Vì sao? Vì có thuyết nói “Hòa hợp được hết thảy các pháp là được Bát Nhã Ba La Mật; mà Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra chư Phật”. Lại có thuyết nói “Do hành Bát Nhã Ba La Mật, mà thành tựu được Phật hạnh, nên mới được gọi là Phật”.

Như vậy, trước nói Bát Nhã Ba La Mật là chủ tác, xuất sanh ra chư Phật; sau đó nói Bát Nhã Ba La Mật là duyên khởi dẫn đến Vô Thượng đạo, thành Phật quả. Cả hai cách nói đồng diễn đạt một ý nghĩa, chẳng có gì sai khác cả.

Ví như nói “Cây bật gốc, ngã xuống, gây tai nạn chết người”, hay nói “Một nhánh lớn của cây gãy, rơi xuống, làm chết người”, thì kết quả chẳng có gì sai khác cả.

Như vậy, dù cây đè chết người, hay nhánh cây đè chết người, thì chủ tác vẫn là cây vậy, chẳng có gì sai khác cả.

Hỏi: Các kinh đều nói ngũ ấm là tán hoại, là thế gian pháp. Vì sao kinh Bát Nhã Ba La Mật nói ngũ ấm tán hoại ấy là chẳng có sanh, chẳng có diệt?

Đáp:Bát Nhã Ba La Mật là kinh Đại Thừa. Giữa kinh Đại Thừa và kinh Thanh Văn có nhiều sai khác:

– Kinh Thanh Văn phần nhiều nói về vô thường, vô ngã. Kinh Đại Thừa phần nhiều nói về pháp “không”.

– Kinh Thanh Văn, trước nói về vô thường, rồi về sau mới dần dần dẫn đến pháp “không”. Kinh Đại Thừa, trước sau đều nói về pháp “không”.

– Kinh Thanh Văn nói các pháp tướng là tán hoại, khiến chúng sanh sợ hãi. Kinh Đại Thừa chẳng nói như vậy, mà nói các pháp thường trú, chẳng sanh, chẳng diệt.

–oOo–

Ở đoạn kinh trên đây, Phật thuyết về pháp tánh “không, vô tướng và vô tác”, nên chẳng nói đến tán hoại. Như vậy là Bát Nhã Ba La Mật khai thị thế gian tướng.

Sắc thân của chúng sanh rất dễ thấy, dễ biết, mà chúng sanh còn chẳng biết được thể tánh của sắc thân. Như vậy làm sao có thể biết được các tâm và tâm sở, là những pháp vô hình !

Phật như thật biết hết thảy các pháp; dùng lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật biết rõ chúng sanh là không, sắc là không … nhất thiết chủng trí cũng là không.

–oOo–

Phật dùng lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật mà biết rõ tâm niệm của vô lượng vô biên chúng sanh. Chúng sanh, dù ở cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô Sắc, cõi Hữu tưởng, cõi Vô Tưởng, cõi Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng có bao nhiêu tâm niệm, hoặc nhiếp tâm, hoặc loạn tâm, hoặc nhiễm tâm, hoặc vô nhiễm tâm v.v… Phật đều biết tất cả.

Ngài Tu Bồ Đề nghe Phật dạy như vậy sanh nghi, tự niệm rằng: Chư Phật thường ưa tịch tịch, thường ở nơi pháp “không”, nay vì sao Phật lại nói khắp biết chúng sanh nhiếp tâm hay loạn tâm? Lại nữa, chúng sanh vô lượng vô biên, làm sao chỉ một mình Phật mà có thể biết hết thảy tâm niệm của chúng sanh được?

Phật dạy: Phật dùng pháp tướng để biết rõ như vậy.

Ngài Tu Bồ Đềhỏi: Phật dùng pháp tướng gì để biết rõ như vậy?

Phật dạy: Dùng thật tướng pháp. Ở nơi thật tướng pháp, thì chẳng còn có “tướng pháp tướng”, huống nữa là các tướng nhiếp tâm hay loạn tâm.

Ngài Tu Bồ Đềhỏi: Thế nào là thật tướng pháp?

Phật dạy: Thật tướng pháp là tự tánh không, là rốt ráo không, là bất khả đắc không.

Ngài Tu Bồ Đềhỏi: Thật tướng pháp là rốt ráo không, mà ở trong “không” chẳng có phân biệt tâm và tâm sở pháp. Như vậy, làm sao có thể biết được tâm niệm của chúng sanh?

Phật dạy: Tánh của thật tướng pháp cũng là bất khả đắc. Cho nên Phật dùng lực phương tiện trí huệ biết được chúng sanh nhiếp tâm hay loạn tâm. Vì sao? Vì tánh không là bất khả đắc, chẳng có ngăn ngại vậy.

Phật đã vượt qua hết thảy tướng phân biệt, hư vọng, đã an trú trong thật tướng pháp, trong tánh không, nên biết rõ hết thảy chúng sanh tâm.

Trái lại, phàm phu trú tâm nơi hư vọng pháp, nên chẳng có thể biết được tâm niệm của kẻ khác.

–oOo–

Cũng như vậy, Phật dùng như thật trí huệ, mà biết được nhiễm tâm, sân tâm, si tâm v.v… của chúng sanh. Vì sao? Vì thật tướng của nhiễm tâm, của sân tâm, của si tâm là vô nhiễm, vô sân, vô si. Nên biết chúng sanh tâm là vô lượng, là quảng đại, là bình đẳng vậy.

Hỏi: Vì sao trước Phật nói “Thật tướng pháp là vô tướng, nên như thật biết được chúng sanh nhiếp tâm hay loạn tâm; rồi sau đó lại nói “Do tướng tận, tướng đoạn, tướng tịch diệt, tướng ly, nên như thật biết được chúng sanh nhiếp tâm hay loạn tâm”?

Đáp: Bồ Tát dùng “vô thường huệ” mà biết “tướng tận”. Do hành “vô thường huệ” mà tâm ly hết thảy nhiễm, được vô nhiễm. Lại dùng hết thảy “thế gian đạo”, ngăn ngừa và diệt trừ các kiết sử. Đây là tướng “diệt”. Lại dùng “vô lậu đạo”, tận đoạn các kiết sử. Đây là “tướng đoạn”. Lại quán Niết Bàn tịch diệt, ly hết thảy các tướng. Đây là “tướng tịch diệt”, “tướng ly”.

Bởi vậy nên, khi vào được nơi thật tướng pháp, trú nơi thật tướng pháp, thì biết rõ được chúng sanh nhiếp tâm hay loạn tâm. Vì sao? Vì ở nơi thật tướng pháp, thì hết thảy các pháp đều là vô tướng cả.

–oOo–

Lại nữa, niệm là vô trú, là rốt ráo không, là chẳng thể biết được. Vì sao? Vì niệm quá khứ đã qua, niệm hiện tại chẳng trú, niệm vị lại chưa đến. Nếu khởi niệm là có sanh diệt rồi vậy.

Phàm phu, do chấp tướng, mới vọng chấp phân biệt có ba thời. Trái lại, người trí biết rõ “hiện tại”, cũng là tận tướng, là rốt ráo không. Vì biết rõ tâm niệm là rốt ráo không, nên chẳng chấp trước, chẳng có gì vướng mắc cả.

Do biết rõ thời gian là vô trú, nên được đạo. Do biết rõ thật tướng các pháp là vô tướng, nên chẳng khởi sanh vọng kiến phân biệt, dẫn đến như thật biết được tâm chúng sanh nhiễm hay tịnh.

Lại nữa, vì thật tướng của các pháp là rốt ráo thanh tịnh, nên thật tướng của “nhiễm tâm” là “vô nhiễm tâm” vậy. Vì sao? Vì ở nơi thật tướng, thì chẳng còn có phân biệt tâm và tâm sở pháp. Do vậy, mà biết được nhiễm tâm, sân tâm, si tâm vốn chẳng có tướng nhiễm, tướng sân, tướng si, đều là vô tướng.

Phật dạy: Do nhân duyên “nhiễm tâm” và “vô nhiễm tâm” đều chẳng đầy đủ, chẳng chung nhau, nên ở nơi tâm pháp, chúng sanh thứ lớp sanh tâm; khi có tâm ô nhiễm, thì chẳng có tâm nhiễm, và ngược lại. Thế nhưng, ở cả ba đời, nhiễm tâm và vô nhiễm tâm đều là bất khả đắc. Vì sao? Vì cả hai tâm ấy đều rốt ráo là tánh không. Sở dĩ có phân biệt hai tâm, là do đối đãi mà có vậy.

Nên biết, ở nơi thật tướng pháp chẳng có các tướng nhiễm tâm, vô nhiễm tâm, sân tâm, vô sân tâm, si tâm, vô si tâm … Vì sao? Vì ở nơi thật tướng pháp, thì hết thảy các pháp đều là tướng không, đều là bình đẳng, vô phân biệt.

Người vô trí, do chấp tâm, chấp tướng mà phân biệt tâm có nhiễm, có tịnh, có rộng, có hẹp, có tăng, có giảm v.v… Còn các bậc Thánh thì chẳng phải như vậy, vì các ngài biết rõ tâm là vô sắc, vô hình, vô trước vậy.

–oOo–

Phật dạy: Tâm tướng là tánh không. Các tướng nhiễm, tịnh, rộng, hẹp, tăng, giảm v.v… đều là bất khả đắc cả.

Do có so lường mà nói tâm có nhiễm, có tịnh, có rộng, có hẹp, có tăng, có giảm v.v… Như vậy là nói tâm có hạn lượng. Thế nhưng vì tâm duyên vô lượng chúng sanh, duyên vô lượng pháp, lại vì tâm tướng là bất khả đắc, nên tâm là vô lượng.

Ví như nhãn căn duyên nhãn trần, sanh ra nhãn thức, mà nhãn thức chẳng phải ở trong hay ở ngoài mắt, chẳng phải ở bên này hay bên kia mắt, nên là vô trú xứ, là bất khả đắc vậy.

Do vậy, nên nói các trần cảnh hiện ra trước mắt đều là như cảnh ở trong mộng, chẳng có định tướng. Thức duyên cũng như vậy, chẳng có y chỉ, chẳng có định tướng nên nói tâm là quảng đại, là vô lượng.

Hỏi: Nếu tâm là chẳng thể thấy được, thì Phật làm sao có thể như thật thấy, như thật biết tâm của hết thảy chúng sanh được?

Đáp: Người vào thiền định, được tâm thanh tịnh như lưu ly, nên thấy được các vọng tâm dấy khởi; người quán bạch cốt thấy tâm thứ lớp sanh, chẳng thấy tâm tại thân, cũng chẳng thấy tâm tại duyên; người duyên vô biên xứ, thấy thức vô lượng vô biên v.v…

Nên biết, tâm thể là vô tướng, nên chẳng có các tướng tâm như vậy.

Trái lại, Phật thường trú nơi tịch diệt, nên như thật biết hết thảy tâm chúng sanh.

Vì sao? Vì tự tướng của tâm chúng sanh là vô tướng. Phật dùng ngũ nhãn, thấy rõ tâm thể của chúng sanh là vô tướng, là bất khả đắc.

Người dùng nhục nhãn và thiên nhãn, thì thấy có sắc pháp. Người dùng huệ nhãn, duyên Niết Bàn tướng, thì chẳng thấy có sắc pháp.

Người mới dùng pháp nhãn, thì thấy phân biệt có thiện pháp, có bất thiện pháp, có hữu lậu pháp, có vô lậu pháp; đến khi liễu đạt được thật tướng pháp rồi, thì người dùng pháp nhãn sẽ thấy rõ được các pháp đều là vô tướng, là bình đẳng, là vô phân biệt.

Trước đây đã nói rằng “Hết thảy các pháp đều chẳng có tác giả, chẳng có tri giả, chẳng có kiến giả”. Bởi vậy nên tâm cũng như hết thảy các pháp khác, đều chẳng thể thấy được vậy.

Phật, ở nơi tịch diệt tướng, chẳng dùng sự thấy hư vọng của hàng phàm phu, cũng chẳng dùng ngũ nhãn để thấy, nên mới “như thật thấy, như thật biết tâm niệm của chúng sanh” vậy.

(Hết Quyển 69)