LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP IV
QUYỂN 65

Phẩm thứ bốn mươi ba
(Tiếp theo)
Vô Tác
(Tiếp theo)

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thiện Nam, Thiện Nữ nào thọ trì, thân cận, đọc tụng, chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, thì chẳng bị các bệnh ở tai, ở mắt, ở mũi, ở lưỡi, ở thân, chẳng bị thân tàn phế; chẳng bị suy yếu; chẳng bị hoạnh tử; lại còn được vô số chư Thiên, từ cõi trời Tứ Thiên vương…dẫn đến cõi trời Tịnh Cư Thiên theo nghe pháp. Mỗi tháng trong 6 ngày trai, mồng 8,14,15,23 29 và 30, tại nơi mà Thiện Nam, Thiện nữ này thuyết Bát Nhã Ba La Mật giữa đại chúng như vậy, được vô lượng vô biên công đức, chẳng thể nghĩ bàn được.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đúng như lời ông nói.

Bát Nhã Ba La Mật là đại trân bảo, nên người

thuyết Bát Nhã Ba La Mật được vô lượng vô biên công đức như vậy. Vì sao ?

Vì:

– Bát Nhã Ba La Mật cứu thoát chúng sanh ra khỏi các chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; ra khỏi cảnh bần cùng, hạ tiện.

– Nhờ có Bát Nhã Ba La Mật mà ở thế gian mới có đại gia, đại tộc, mới có các cõi trời, từ cõi trời Tứ Thiên Vương…dẫn đến cõi trời Phi Hữu tưởng Phi Vô Tưởng Thiên.

– Nhờ có Bát Nhã Ba La Mật mà ở thế gian có 10 thiện đạo, có 4 thiền, có 4 vô lượng tâm, có 4 vô sắc định, có 4 niệm xứ…dẫn đến có 8 thánh đạo, có 10 lực…dẫn đến có 18 bất cộng pháp, có nhất thiết chủng trí, có Vô Thượng Bồ Đề.

– Nhờ có Bát Nhã Ba La Mật, mà ở thế gian có Thanh Văn đạo, có Bích Chi Phật đạo…dẫn đến có Phật đạo.

– Y theo Bát Nhã Ba La Mật mà tu tập sẽ được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, quả Bích Chi Phật, dẫn đến được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này Tu Bồ Đề! Bởi nhân duyên vậy, nên Bát Nhã Ba La Mật được gọi là đại trân bảo; chẳng có pháp gì sánh kịp.

Vào trong Bát Nhã Ba La Mật, thì chẳng còn có sanh, diệt, cấu, tịnh, thủ, xả, thế gian, xuất thế gian, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi…

Cho nên Bát Nhã Ba La Mật là “ vô sở đắc trân bảo Ba La Mật ”. Vào trong Bát Nhã Ba La Mật, thì chẳng còn nhiễm ô, vì chổ dụng nhiễm pháp là bất khả đắc.

Cho nên, Bát Nhã Ba La Mật là “vô nhiễm trân bảo Ba La Mật ”.

Này Tu Bồ Đề! Nếu có Bồ Tát nào hành Bát Nhã Ba La Mật, mà chẳng biết như vậy, chẳng phân biệt như vậy, chẳng đắc như vậy, chẳng hý luận như vậy, thì Bồ Tát đó mới hành Bát Nhã Ba La Mật, mới là kính lễ chư Phật, mới là từ Phật độ này dẫn đến Phật độ khác tôn kính, cúng dường, tán thán chư Phật, thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ vậy.

Này Tu Bồ Đề! Đối với các pháp, Bát Nhã Ba La Mật chẳng phải có lực, chẳng thọ lãnh, chẳng ban phát. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai, chẳng trú 3 cõi, chẳng ly 3 cõi.

Này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật chẳng thủ cũng chẳng xả Bàn Đa La Mật…dẫn đến chẳng thủ cũng chẳng xả Bát Nhã Ba La Mật; chẳng thủ cũng chẳng xả nội không…dẫn đến chẳng thủ cũng chẳng xả vô pháp hữu pháp không; chẳng thủ cũng chẳng xả 4 niệm xứ…dẫn đến chẳng thủ cũng chẳng xả 8 thánh đạo; chẳng thủ cũng chẳng xả 10 lực…dẫn đến chẳng thủ cũng chẳng xả 18 bất cộng pháp, chẳng thủ cũng chẳng xả nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật chẳng thủ Thanh Văn và Bích Chi Phật Phật pháp cũng chẳng xả phàm phu pháp; chẳng thủ Phật pháp cũng chẳng xả Thanh Văn và Bích Chi Phật pháp, chẳng thủ vô vi pháp cũng chẳng xả hữu vi pháp. Vì sao? Vì dù có Phật hay dù chẳng có Phật, thì các pháp tướng vẫn là thường trú, chẳng sai khác, chẳng mất mát; pháp tánh, pháp trú, pháp vị vẫn là thường trú, chẳng sai khác, chẳng mất mát vậy.

LUẬN:

Hỏi: Người thọ trì, thân cận…dẫn đến chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật vẫn còn có các bệnh ở thân. Như vậy, vì sao nói là chẳng có các bệnh?

Đáp: Như trước đây đã rộng nói : Người thọ trì, đọc tụng…dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, trọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm, có công nẳng hủy diệt các tác nhân dẫn đến 3 đường ác. Do có đại công đức như vậy, nên chẳng còn thọ khổ nghiệp báo.

 Bởi vậy nên nói là chẳng còn có bệnh, chẳng còn bị hoạnh tử.

Phật dạy : Các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, đọc tụng…dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật chẳng bị 404 thứ bệnh làm hại; chỉ trừ trường hợp do túc mạng nghiệp báo nhân duyên đời trước, thì mới phải thọ lãnh mà thôi.

 (Xem thêm quyển 57 “ Bảo Pháp Công Đức ” và quyển 58 “ Khuyến Trì ”)

Hỏi: Ở trên Thiên Giới cũng có Bát Nhã Ba La Mật.

Như vậy,vì sao nói ở nơi nào có Thiện Nam hay Thiện Nữ, Vào 6 ngài trai, thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật, thì có chư Thiên vân tập đến nghe ? Lại vì sao nói Thiện Nam, Thiện Nữ này có vô lượng vô biên công đức.       

Đáp: Ở trên Thiên Giới cũng có kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật, cũng có thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật, ví như ở cõi trời Đạo Lợi, cõi trời Đâu Suất thường có chư Phật và chư Bồ Tát bổ xứ đến thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật.

Thế nhưng, hàng chư Thiên thường ít có được cơ duyên phát tâm cầu Bát Nhã Ba La Mật.

Hoặc chìm đắm trong phước lạc, như chư Thiên cõi Dục

Hoặc vì chìm đắm trong thiền vị, như chư Thiên cõi Sắc.

 (Xem thêm quyển 56 – Phẩm “ Tam Thán”)

Bởi vậy nên, Phật nói với vị Đế Thích và chư vị Thiên chủ : Khi A Tu La sanh tâm cùng với các ông cộng chiến, thì các ông nên nhất tâm trì tụng Bát Nhã Ba La Mật. Có như vậy thì ác tâm của hàng A Tu La liền tiêu diệt, và việc đấu tranh liền chấm dứt.

(Xem thêm ở quyển 58 – Phẩm “ Khuyến Trì” )

Trong lúc đó, thì người ở cõi Diêm Phù Đề thường có nhiều thuận duyên hơn chư Thiên ở các cõi trời, hơn người ở châu Uất Đan Việt rất nhiều. Đó là :

– Hưởng phước lạc ít, nên dễ đoạn dâm dục.

– Có được niệm lực mạnh mẽ, nên nhớ được lâu.

– Tinh tấn, dõng mãnh.

Do vậy mà ở cõi Diêm Phù Đề có nhiều Thiện Nam Thiện Nữ tinh tấn thọ trì, đọc tụng, biên chép, thuyết giảng …dẫn đến chánh ức niệm tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Mỗi khi có Thiện Nam, Thiện Nữ nào thọ trì, đọc tụng, biên chép, thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật, thì chư Thiên thường vân tập về cõi này để lễ bái, cúng dường kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật, và để nghe vị sư thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật.

–oOo–

Lại có thuyết nói: Dù ở trên cõi trời cũng có Bát Nhã Ba La Mật, nhưng chư Thiên vẫn thường vân tập về cõi Diêm Phù Đề để lễ bái và nghe Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao?

Vì chư Thiên muốn tăng ích phước đức, để tỏ lòng tôn trọng Bát Nhã Ba La Mật.

Vì chư Thiên muốn hộ trì Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói…dẫn đến tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Vì chư Thiên muốn chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề thâm tín Bát Nhã Ba La Mật.

Khi thấy ánh quang minh chiếu gọi, hoặc ngửi được mùi thơm lạ, thì chúng sanh ở cõi này biết có chư Thiên để lễ bái và nghe thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật, nên càng sinh tâm tin kính Bát Nhã Ba La Mật, vì họ nghĩ rằng : Chư Thiên còn đến đây nghe pháp, huống nữa là chúng ta.

(Xem thêm ở quyển 58 – Phẩm “A Nan Xưng Tán”)

–oOo–

Lại nữa, người tu hành ly dục thường bị các ác ma cám dỗ, khiến có thể bị thố tâm, dẫn đến có thể bị đọa vào đường ác. Nhưng nếu tín thọ Bát Nhã Ba La Mật, thì ác ma chẳng dám đến gần quấy nhiễu nữa.

Bởi nhân duyên vậy, vào 6 ngày trai trong tháng, chư Thiên thường thủ hộ pháp sư. Vì sao? Vì vào các ngày này, kẻ ngoại đạo thường lấy huyết tươi của súc vật để tế thần, nên các loài ma quỷ thường hay lộng hành, náo loạn.

Vào các ngày ấy, các vị pháp sư thường đăng đàn thuyết pháp, có tín đồ cũng thường thọ trì trai giới, hành bố thí, nghe pháp v.v…nên chư Thiên thường đến nghe pháp, và ủng hộ người hành đạo.

Nếu vào các ngày ấy, mà pháp sư thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật, thì được chư Thiên tán thán, cúng dường. Vì sao? Vì người độn căn nghe pháp chỉ được lợi ích ít, nhưng người căn trí thông lợi cũng như hàng chư Thiên được lợi ích rất nhiều vậy.

Cho nên Phật dạy: Trong các ngày trai, nếu vì chư Thiên và đại chúng, mà thuyết Bát Nhã Ba La Mật, thì được vô lượng vô biên công đức.

Hỏi: Vì sao nói Bát Nhã Ba La Mật là đại trân bảo Ba La Mật ?

Đáp: Phật dạy: Bát Nhã Ba La Mật là đại trân bảo, là như ý bảo châu thường làm cho chúng sanh mãn nguyện, lìa khổ, được vui.

Lìa khổ, nói trên đây, là làm tiêu hủy hết thảy các tác nhân dẫn đến địa ngục, dạ quỷ, súc sanh và các tác nhân dẫn đến cảnh bần cùng, hạ tiện.

Được vui, nói trên đây, là thành tựu của thế gian các đại gia đại tộc; thành tựu Thanh Văn đạo, Bích Chi Phật đạo…dẫn đến Phật đạo; thành tựu 10 thiện đạo, dẫn đến nhất thiết chủng trí, khiến chúng sanh y theo đó mà tu tập sẽ được các quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật…dẫn đến được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Người có “ như ý bảo châu” muốn được thức ăn uống, áo quần, thuốc men, vàng bạc v.v…đều được như ý nguyện. Thế nhưng, người có “ như ý bảo châu” còn thấy có được, có mất, có vui, có buồn, lại thường sanh tâm kiêu mạn, tác duyên cho sự hủy hoại thân tâm. Trái lại, người được Bát Nhã Ba La Mật thường được an lạc, thường tinh tấn tu tập, thẳng vào Phật đạo, mà chẳng có sanh tâm kiêu mạn, vì biết rõ mống tâm kiêu mạn là tự mở cửa vào ác đạo vậy.

Lại nữa, Bát Nhã Ba La Mật siêu xuất thế gian, chẳng nhiễm chấp, chẳng phân biệt thiện pháp hay bất thiện pháp.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bát Nhã Ba La Mật được gọi là “ đại trân bảo Ba La Mật”.

Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng nhiễm chấp thiện pháp và bất thiện pháp, nên kinh nói : Hành Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng biết như vậy, chẳng phân biệt như vậy, chẳng đắc như vậy, chẳng hý luận như vậy, mới thật là hành Bát Nhã Ba La Mật.

Lời kinh trên đây cho thấy rằng người hành Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng biết Bát Nhã Ba La Mật tướng, chẳng khởi phân biệt về các pháp tướng, chẳng đắc bất cứ định tướng nào, mới chẳng có lầm lỗi, mới ly được ái pháp.

Được như vậy mới thất là tu tập Bát Nhã Ba La Mật. Dụng pháp như vậy mới kính lễ Phật, mới được lợi ích cho chính mình, và làm lợi ích cho chúng sanh, tự mình ly được các ác pháp, và khiến chúng sanh cũng ly các ác pháp, nên gọi là thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ. Lại nữa, vì dụng vô sở đắc hành Bát Nhã Ba La Mật, nên biết rõ hết thảy các pháp đều là rốt ráo tịch diệt tướng, mà vẫn thường vì chúng sanh hành các thiện pháp, khiến họ được lợi ích vậy.

–oOo–

Bát Nhã Ba La Mật chẳng phải có lực, chẳng phải chẳng có lực. Ví như hư không, tuy rằng chẳng thật có pháp tướng, mà hết thảy các pháp đều nương nơi hư không mà được thành tựu. Chẳng có pháp nào là có định tướng cả. Do vậy mà chẳng có pháp nào để thủ chấp cả.

Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng có lực, chẳng phải chẳng có lực, nên vào được Bát Nhã Ba La Mật là thể nhập được vào nơi thật tướng pháp, được vô ngại ở nơi hết thảy các thiện pháp.

Do vậy mà hàng ma, thành Phật v.v…cũng đều chẳng có lực, chẳng phải chẳng có lực, chẳng thủ, chẳng xả, chẳng sanh, chẳng diệt. Dẫn đến chẳng thủ Thánh pháp cũng chẳng xả phàm phu pháp, chẳng thủ vô vi pháp cũng chẳng xả hữu vi pháp.

Đây là nhân duyên nói : Dù có Phật hay chẳng có Phật, thì các pháp tánh vẫn thường trú, chẳng sai khác, chẳng mất mát vậy.

Do vậy mà cầu thường, cầu vô thường…dẫn đến cầu thật tướng pháp cũng đều là lầm lỗi cả.

KINH:

Lúc bấy giờ, giữa hư không, hàng chư Thiên vui mừng, hớn hở, đem hoa tán Phật, và phát đại âm thanh rằng : Nay ở cõi Diêm Phù Đề này, Phật vì chúng sanh chuyển pháp luân lần thứ hai, khiến trăm ngàn vị Thiên Tử được vô sanh pháp nhẫn.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! pháp luân này chẳng phải chuyển lần thứ nhất, chẳng phải chuyển lần thứ hai. Bát Nhã Ba La Mật chẳng phải vì chuyển hay vì hoàn, mà xuất hiện. Vì sao? Vì hữu pháp cùng vô pháp đều là tánh không vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là “ hữu pháp” cùng “ vô pháp” đều là tánh không, khiến Bát Nhã Ba La Mật chẳng phải vì chuyển, hay vì hoàn, mà xuất hiện ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đàn Ba La Mật và Bàn Đa La Mật tướng …dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật và Bát Nhã Ba La Mật tướng đều là tánh không; nội không và nội không tướng…dẫn đến vô pháp hữu pháp không và vô pháp hữu pháp không tướng đều là tánh không; 4 niệm xứ và 4 niệm xứ tướng…dẫn đến 8 thánh đạo và 8 thánh đạo tướng đều là tánh không; 10 lực và 10 lực tướng …dẫn đến 18 bất cộng pháp và 18 bất cộng pháp tướng đều là tánh không; Tu Đà Hoàn quả và Tu Đà Hoàn quả tướng… dẫn đến A La Hán quả và A La Hán quả tướng đều là tánh không; Bích Chi Phật quả và Bích Chi Phật quả tướng …dẫn đến Phật quả và Phật quả tướng, nhất thiết chủng trí và nhất thiết chủng trí tướng đều là tánh không.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba La Mật của chư Bồ Tát Ma Ha Tát là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao? Vì tuy hết thảy pháp đều là tánh không, nhưng Bồ Tát nương theo Bát Nhã Ba La Mật đắc Vô Thượng Bồ Đề, lại chẳng thấy có pháp đắc, khi chuyển pháp luân cũng chẳng thấy có pháp chuyển, chẳng thấy có pháp hoàn.

Vì hết thảy các pháp đều là rốt ráo chẳng sanh, nên trong Bát Nhã Ba La Mật chẳng có pháp đắc, chẳng có pháp chuyển, chẳng có pháp hoàn. Vì sao? Vì hết thảy các pháp tướng đều là tánh không, mà “ không tướng”, cũng tức là “ vô tướng tướng”, là “ vô tác tướng”, nên chẳng thể đắc, chẳng thể chuyển, chẳng thể hoàn vậy.

Nếu giải thuyết Bát Nhã Ba La Mật được như vậy, thì mới gọi là giảng giải, khai thị, minh chiếu và phân biệt chân nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật. Giải thuyết Bát Nhã Ba La Mật như vậy, mới gọi là thanh tịnh thuyết; thuyết mà chẳng có người thuyết, chẳng có người nghe, chẳng có người đắc vậy.

Lại nữa, nếu chẳng có thuyết, chẳng có thọ, chẳng có chứng, thì cũng chẳng có diệt, nên sự thuyết pháp này chẳng có định là phước điền vậy.

LUẬN:

Khi nghe nói Bát Nhã Ba La Mật là pháp rốt ráo thanh tịnh, rốt ráo bình đẳng, là thật tướng pháp, là pháp đại lợi ích cho chúng sanh, chẳng có lỗi lầm, chư Thiên rất vui mừng, hớn hở, đem hoa tán Phật, và đồng bạch Phật rằng : Ở cõi Diêm Phù Đề này, hôm nay chúng con lại được nghe Phật chuyển pháp luân lần thứ hai.

Hỏi: Vì sao chư Thiên nói đây là lần chuyển pháp luân thứ hai ( đệ nhị chuyển pháp luân ) ?

Đáp: Khi Phật thuyết pháp lần đầu tiên có 5 anh em trong nhóm ngài Kiều Trần Như và 8 vạn chư Thiên được vô sanh pháp nhẫn. Đây là lần chuyển pháp luân đầu tiên (sơ chuyển pháp luân).

Nay trong hội Bát Nhã Ba La Mật này có vô lượng chư Thiên được vô sanh pháp nhẫn. Bởi vậy chư Thiên gọi đây là lần chuyển pháp luân thứ hai (đệ nhị chuyển pháp luân).

Phật chuyển pháp luân ví như đám mưa lớn rưới xuống mặt đất; mọi cây cỏ đều được thấm nhuần lợi lạc :

Cây lớn hấp thụ lượng nước lớn.

Cây nhỏ hấp thụ lượng nước nhỏ. Lần chuyển pháp luân này, Phật thuyết về Niết Bàn quả, cũng chính là Bát Nhã Ba La Mật vậy. Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng khởi, chẳng tác, mà lại dẫn đến vô sanh pháp nhẫn, nên Phật dạy chẳng có chuyển, chẳng có hoàn.

Nếu trong 12 chi duyên khởi mà biết rõ vô minh là hư vọng, là rốt ráo không, là chẳng thật có, thì cũng biết rõ là chẳng có hành …dẫn đến chẳng có lão tử. Như vậy, là chẳng có pháp nào sanh, cũng chẳng có pháp nào diệt cả.

Vì thế gian chấp có pháp sanh, nên nói có chuyển pháp luân; chấp có pháp diệt, nên nói có hoàn pháp luân.

Còn Bát Nhã Ba La Mật ly chuyển, ly hoàn, nên nói chẳng có chuyển, chẳng có hoàn; lại vì vô pháp và hữu pháp đều không, nên nói chẳng có chuyển; vì hữu pháp cũng là vô pháp, nên nói chẳng có hoàn.

Hỏi: Vì sao ngài Tu Bồ Đề nêu câu hỏi liên hệ đến sự kiện “vô pháp và hữu pháp đề không, khiến Bát Nhã Ba La Mật chẳng vì chuyển hay vì hoàn mà xuất hiện”, mà Phật chỉ trả lời là “vì các pháp tướng đều là tánh không, nên Bát Nhã Ba La Mật chẳng phải vì chuyển hay vì hoàn mà xuất hiện” ?

Đáp: Trước đây đã có nói, do tà niệm, nên mới khởi tà hạnh phân biệt các pháp có 4 tướng, nên trong 4 cú (câu) sau đây:

  1. Hữu ( có ),
  2. Vô ( không ),
  3. Diệc hữu, diệc vô ( cũng có, cũng không ),
  4. Phi hữu, phi vô (chẳng phải có,chẳng phải không ).

Nay vì hiển bày chánh niệm, chánh hạnh, nên chẳng có chấp 4 tướng ấy. Chẳng chấp như vậy mới gọi là “ chánh đạo”.

Ngài Tu Bồ Đề đã biết Phật dùng “tịch diệt tướng Niết Bàn” để phá các chấp về “hữu – vô”. Thế nhưng, vì sợ hàng sơ phát tâm chẳng hiểu, mà khởi sanh tà kiến, nên ngài phải thưa hỏi Phật như trên. Phật dạy vô pháp cùng hữu pháp đều là tánh không, nên khi thuyết Bát Nhã Ba La Mật chẳng có chuyển, chẳng có hoàn. Phật lại dạy Bát Nhã Ba La Mật cùng hết thảy các pháp tướng đều là tánh không, nên khi thuyết Bát Nhã Ba La Mật chẳng có chuyển, chẳng có hoàn. Phật lại dạy Bát Nhã Ba La Mật cùng hết thảy các pháp tướng đều lá tánh không, nhằm phá chấp về “không tướng”, về “vô tướng tướng”, về “vô tác tướng” vậy.

Lúc bấy giờ, ngài Tu Bồ Đề cùng đại chúng vui mừng, tán thán Bát Nhã Ba La Mật, và nói rằng: Bát Nhã Ba La Mật cùng hết thảy các pháp, tuy là tự tánh không, mà Bát Nhã Ba La Mật thường làm lợi ích cho chúng sanh, khiến Bồ Tát đắc Vô Thượng Bồ Đề, chuyển pháp luân. Bồ Tát dụng tâm vô sở đắc hành Bát Nhã Ba La Mật, nên tuy đắc Vô Thượng Bồ Đề mà chẳng có đắc, tuy chuyển pháp luân mà chẳng có chuyển vậy.

Hỏi: Nếu hết thảy các pháp đều là không, Bát Nhã Ba La Mật cũng là không, Vô Thượng Bồ Đề cũng là không, thì vì sao lại tán thán Bát Nhã Ba La Mật là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật ?

Đáp: Thật tướng pháp là Bát Nhã Ba La Mật. cho nên, khi nói hết thảy pháp đều là tự tánh không, thì như vậy chính là đã tán thán Bát Nhã Ba La Mật là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật rồi vậy.

Lại nữa, khi đã nói “ không tướng”, thì chẳng có gì để chấp nữa. Bát Nhã Ba La Mật là rốt ráo không, nên chẳng có chổ để phá. Tuy ở nơi rốt ráo không, mà Bát Nhã Ba La Mật vẫn thường hành các thiện pháp. Nói “ có đắc”, “ có chuyển” là y theo thế tục, chẳng phải là y theo đệ nhất nghĩa.

Y theo thế tục, nói chư Phật thuyết pháp, khiến có người tận phá được các phiền não, vào được đạo, nên mới nói có đắc Vô Thượng Bồ Đề, có chuyển pháp luân vậy.

Nay biết rõ các phiền não …dẫn đến hết thảy các pháp đều là hư vọng, đều chẳng có định hướng, nên biết rõ các pháp chẳng chuyển, chẳng hoàn. Bởi vậy nên nói chuyển pháp luân, mà chẳng có chuyển, chẳng có hoàn.

Vì sao? Vì hết thảy các pháp ở nơi tự tánh đều là rốt ráo không, nên chẳng có tướng chuyển , chẳng có tướng hoàn vậy.

Cũng nên biết:

Vì phá chấp thường, mà nói chẳng chuyển; vì phá chấp đoạn, mà nói chẳng hoàn.

Vì phá chấp hữu, mà nói chẳng chuyển, vì phá chấp vô, mà nói chẳng hoàn.

Vì phá chấp thế gian, mà nói chẳng chuyển; Vì phá chấp Niết Bàn, mà nói chẳng hoàn.

Hết thảy các pháp đều chẳng chuyển , chẳng hoàn, đều là không, là vô tướng, là vô tác.

Khi đã vào được 3 giải thoát môn “ không, vô tướng và vô tác” là vượt thoát được ngã và ngã sở, nên chẳng còn chấp tâm, chẳng còn thủ tướng nữa.

–oOo–

Người thuyết pháp cho người khác nghe, phải dùng trí huệ Bát Nhã minh chiếu, chẳng khác người cầm đuốc trong đêm tối để dẫn đường cho người khác đi vậy.

Người thuyết pháp cho người khác nghe phải khéo dùng ngôn ngữ để truyền đạt lời Phật dạy, khiến họ sanh tín tâm, dẫn đến thọ trì, tán thán, chánh tư duy, chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật.

Đối với người chưa hiểu Bát Nhã Ba La Mật, thì phải dùng các phương tiện, chỉ bày cho họ được biết. Ở nơi mỗi người đều sẵn có bảo tạng Bát Nhã Ba La Mật, mà họ chẳng hề hay biết đến. Do vậy mà phải khai mở cửa bảo tạng. Cửa bảo tạng Bát Nhã Ba La Mật, một khi đã được khai mở rồi, thì họ sẽ được tùy ý sử dụng vậy.

Đối với người có tâm nghi, chưa có niềm tin nơi Bát Nhã Ba La Mật, thì phải dùng phương tiện trí huệ giúp họ phá màn vô minh, nghi kiến. Ví như người có mắt sáng giúp người bạn mù phân biệt các vật tốt, xấu, để người này tùy ý lựa chọn.

Đối với người ít trí tuệ, ít niềm tin, thì phái khai thị cho họ biết thế nào là đạo, thế nào là phi đạo, thế nào là lợi, thế nào là hại v.v…khiến họ phân biệt được ác và thiện, tội và phước , thế gian và Niết Bàn. Nếu chỉ nói như trong kinh, thì sẽ làm cho họ khó tin, khó hiểu.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật đã dùng nhiều phương tiện thiện xảo khác nhau, để tùy căn cơ của chúng sanh, mà thuyết pháp, khiến họ được thâm tín giải.

Người thuyết pháp phải y chỉ theo lời Phật dạy mà thuyết, lại phải giải thích rõ ràng cho chúng hội biết rõ các tướng, biết phân biệt được chổ khinh, chỗ trọng, để dễ bề tu tập.

Ví như của báu cất giấu trong dãy kín, khiến người ngoại cuộc chẳng làm sao biết được. Phải mở dãy ra, thì mọi người mới trông thấy được của báu ở bên trong. Giải kinh, thuyết pháp cũng như vậy. Khi thuyết pháp, người thuyết pháp phải khai triển những nghĩa lý ẩn kín trong kinh, giải thích rành mạch cho người nghe được hiểu, dẫn dắt họ vào đạo, từ chổ dễ tin, dễ biết, đến chổ thậm thâm, vi diệu. Lại ví như sông sâu, ít có thuyền bè, mà đoàn người muốn qua sông lại quá đông đúc, thì người dẫn đường phải chia số người ấy thành từng nhóm nhỏ, mới có thể tuần tự đưa họ qua sông được. Bát Nhã Ba La Mật cũng như vậy. Biển Bát Nhã mênh mông, sâu thẳm, chẳng thể nào một lúc thuyết cho mọi hạng người cùng nghe được. Người thuyết pháp cần dùng các luận nghị, các phương tiện thiện xảo, phải tùy theo căn cơ và trình độ hiểu biết của hạng người nghe, để vì họ thuyết giảng.

Trước phải nói các pháp dễ, khiến hạng người sơ cơ dễ tiếp thu, dễ tin, dễ hiểu được. Ví như nói về 10 thiện đạo để khai tâm cho họ. Rồi dần dần, nói đến chổ thâm nghĩa, chổ rốt ráo thanh tịnh. Đối với hạng người sơ cơ, người thuyết pháp chớ nên vội nói cho họ nghe những pháp thậm thâm, khó tin, khó giải, như là :

Nói Bát Nhã Ba La Mật là đệ nhất nghĩa, là rốt Ráo không, là vô sở thuyết. Vì là vô sở thuyết nên vô thọ. Vì là vô thọ, nên là vô chứng. Vì là vô chứng, nên là vô diệt.

Nói người có các phiền não mà chẳng diệt, thì chẳng có được phước điền.

Nói người theo Bát Nhã Ba La Mật tín thọ, đọc tụng, tu tập pháp ấy mà được quả Sa Môn, được vô sanh pháp nhẫn, thì gọi là chứng.

Nói khi chứng diệt các phiền não, thì gọi là được Hữu Dư Niết Bàn. Được Hữu Dư Niết Bàn là quyết định được phước điền, dẫn đến Vô Dư Niết Bàn. Khi đã vào được Vô Dư Niết Bàn tánh rồi, thì sẽ chẳng còn có phước điền nữa. v.v…

***

Phẩm thứ bốn mươi bốn
Bách Ba La Mật
(Trăm Ba La Mật)

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “ Vô Biên Ba La Mật ” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì như hư không vô biên vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bình đẳng Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các pháp bình đẳng vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Ly Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì rốt ráo không vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “ Bất Hoại Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các pháp bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Bỉ Ngạn Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì chẳng có danh, chẳng có thân vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Không Chủng Ba La Mật”  là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hơi thở ra vào bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “bất Khả Thuyết Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì giác quán bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Danh Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì thọ, tưởng, hành và thức bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bất Khứ Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các pháp bất lai   (chẳng đến) vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Di Dịch Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các pháp bất khả phục (chẳng thể phục) vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Tận Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các pháp rốt ráo tận vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bất Sanh Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các pháp bất sanh vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “bất Diệt Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các pháp bất diệt vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Tác Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì tác giả bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Tri Ba La Mật ” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề!  Vì tri giả bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bất Đáo Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy  Này Tu Bồ Đề! Vì sanh tử bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bất Thất Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các pháp bất thất (chẳng mất) vậy.

LUẬN:

Khi nghe Phật thuyết về nghĩa của “Đại Trân Bảo Ba La Mật”, ngài Tu Bồ Đề hoan hỷ tán thán Bát Nhã Ba La Mật là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.

 Ngài dùng trí huệ thâm nhập các pháp môn, quán thấy Bát Nhã Ba La Mật như biển lớn vô lượng vô biên.

Do biết rõ công đức lực của Bát Nhã Ba La Mật như vậy, nên ngài phát tâm đại hoan hỷ , tán thán Bát Nhã Ba La Mật , và bạch Phật rằng: “Vô Biên Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật Đáp: Như hư không vô biên, Bát Nhã Ba La Mật cũng vô biên.

Thông thường người thế gian dùng 2 bên đối đãi với nhau như : ngã đối với vô ngã, hữu biên đối với vô biên v.v…

Do vậy mà sanh các tà kiến chấp. Ví như chấp các vật là hữu biên, tức có biên bờ; hư không là vô biên, tức chẳng có biên bờ.

Bát Nhã Ba La Mật, cũng như hư không, chẳng có biên bờ, là vô biên vậy. Vì là vô biên, nên chẳng thọ, chẳng chấp.

Như vậy gọi là “ Vô Biên Ba La Mật ”.

–oOo–

Bồ Tát, khi đã được vô sanh pháp nhẫn rồi, quán hết thảy pháp đều bình đẳng với nhau.

Như vậy gọi là “ Bình đẳng Ba La Mật ”.

–oOo–

Bồ Tát lại dùng rốt ráo không, ly hết các phiền não, ly hết thảy các pháp.

Như vậy gọi là “ Ly Ba La Mật ”.

–oOo–

Bồ Tát lại dùng phương tiện lực Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ tổng tướng và biệt tướng của hết thảy các pháp, biết rõ hết thảy các pháp đều là bất khả đắc, đều chẳng có định tướng, chỉ ví như lông rùa, sừng thỏ, cho nên chẳng có chấp pháp, nên được tâm kiên cố, bất hoại.

Như vậy gọi là “ Bất Hoại Ba La Mật ”.

–oOo–

Đa số người xuất gia thường chấp có bờ bên này là bờ sanh tử, có bờ bên kia là Niết Bàn, giữa 2 bờ đó có dòng sông phiền não; do vậy mà muốn tu tập dứt trừ phiền não, rời bỏ bờ bên này, để qua được bờ bên kia.

Bồ Tát, do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ bờ bên kia cũng là hư vọng chẳng thật có, chẳng nên chấp.

Như vậy gọi là “ Vô Bỉ Ngạn Ba La Mật ”.

–oOo–

 Có hư không mới có không khí; có không khí mới duy trì sự sống của chúng sanh. Chúng sanh, do nghiệp báo nhân duyên, mà thọ sanh thân, do có thân, nên mới có hơi thở ra vào; do có hơi thở ra vào, nên mới có niệm niệm sanh diệt; do chấp niệm niệm sanh diệt, nên mới có phiền não, khổ đau.

 Bồ Tát, do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ hơi thở ra vào, hư không, cùng hết thảy các pháp đều là bất khả đắc.

 Như vậy gọi là: “Không đại chủng Ba La Mật”.

–oOo–

Bồ Tát biết rõ hết thảy các pháp tướng đều không tịch. Vì các pháp tướng đều không tịch, nên các giác quán đều là không. Vì các giác quán đều là không, nên các ngôn thuyết cũng là không.

Bởi vậy, khi vào được trong Bát Nhã Ba La Mật rồi, thì hết thảy các ngôn thuyết đều đoạn đứt.

Như vậy gọi là “Bất Khả Thuyết Ba La Mật”.

Danh sắc nhiếp hết thảy các pháp. Do 4 đại mà có 4 đại tạo sắc.

Do có sắc, mới có thọ, tưởng, hành và thức, nhiếp về danh. Do có danh, có sắc, mới có khởi phân biệt các pháp.

Cùng với các phương tướng khác, Bát Nhã Ba La Mật tướng cũng nhiếp về danh.

Thế nhưng, ở nơi thật tướng, thì sắc chẳng ly danh, danh chẳng ly sắc, vì sắc tức là danh, danh tức là sắc vậy.

Bồ Tát, do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ Bát Nhã Ba La Mật tướng là bất khả tri (chẳng thể biết được); biết rõ thọ, tưởng, hành và thức đều là bất khả đắc (chẳng thể được).

Như vậy gọi là “Vô Danh Ba La Mật”.

–oOo–

Bồ Tát, do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ hết thảy các pháp đều là vô khứ, vô lai (chẳng có đi, chẳng có đến).

Như vậy gọi là “Vô Khứ Ba La Mật”.

–oOo–

Bồ Tát biết rõ Bát Nhã Ba La Mật là pháp tạng của chư Phật, ở cả 3 đời và trong 10 phương; biết rõ dùng pháp tạng ấy, thì các hàng Trời Người chẳng có thể phá hoại được.

Như vậy gọi là “Vô Di Dịch Ba La Mật”.

–oOo–

Bồ Tát, do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ các pháp hữu vi đều là niệm niệm sanh diệt, chẳng có thời gian trú; biết rõ các pháp đều là rốt ráo tận. Vì sao? Vì các pháp bất tận, ở cả 3 đời, đều là bất khả đắc.

 Như vậy gọi là “ Tận Ba La Mật ”.

Bồ Tát, do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ đều là vô sanh. Vì sao? Vì các pháp sanh, ở cả 3 đời, là bất khả đắc.

Như vậy gọi là “ Bất Sanh Ba La Mật ”.

–oOo–

Vì biết rõ các pháp là vô sanh, nên Bồ Tát cũng biết rõ các pháp là vô diệt.

Như vậy gọi là “ Bất Diệt Ba La Mật ”.

–oOo–

Danh từ “hữu tác” ( có làm ra, có tạo ra ) thường được hiểu theo 2 nghĩa, đó là :

“Chúng sanh tác”, như là người hành bố thí , trì giới v.v…

“Pháp tác”, như là gió thổi, nước trội, lửa cháy v.v…

Thế nhưng, chúng sanh nhờ có tâm thức mới thấy, nghe, hay, biết các pháp , mà tâm thức thì chẳng có tác giả, nên nói “chúng sanh tá ” là “vô tác”. Lại nữa, hết thảy các pháp đều đần độn, chẳng có tướng khởi, chẳng có tướng tác, nên nói “pháp tác” là “vô tác”. Bồ Tát do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ “chúng sanh tác” cũng như “pháp tác” đều là vô tác cả.

Như vậy gọi là “Vô Tác Ba La Mật”.

–oOo–

Bồ Tát do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ các pháp đều là đần độn, đều là vô sở trí (chẳng có chổ biết).

Như vậy gọi là “Vô Trí Ba La Mật”.

Dùng nhục nhãn…dẫn đến dùng thiên nhãn còn thấy có sanh tử; khi đã được huệ nhãn rồi, thì biết rõ sanh tử là bất khả đắc.

Bồ Tát, do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ sanh tử là bất khả đắc; chỉ do 5 ấm nghiệp nhân duyên tiếp nối, mà nói có sanh vậy thôi; thật ra chúng sanh chết ở đời này chẳng có đến đời sau.

Như vậy gọi là “ Bất Đáo Ba La Mật ”.

–oOo–

Lại nữa, Bồ Tát cũng biết rõ Bát Nhã Ba La Mật chính là thật tướng pháp và cũng y theo Bát Nhã Ba La Mật mà các pháp chẳng mất thật tướng.

Như vậy gọi là “Bất Thất Ba La Mật”.

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Mộng Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì những pháp thấy trong mộng đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Hưởng Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì người nghe tiếng bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Ảnh Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì ảnh nhìn thấy trong gương bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! “Diệm Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì như dòng nước trôi bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Huyễn Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các huyễn sự, huyễn vật bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bất Cấu Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì gốc phiền não bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Tịnh Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các phiền não hư không vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bất Ô Nhiễm Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì xứ sở bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bất Hý Luận Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy hý luận là phá hoại vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Niệm Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy niệm là phá hoại vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “ Bất Động Ba La Mật ” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì pháp tánh thường trú vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Nhiễm Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các pháp đều là vọng giải vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bất Khởi Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp vô phân biệt vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Tịch Diệt Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp tướng bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Dục Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì Dục bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Sân Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì sân nhuế bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Si Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì vô minh si ám dứt diệt vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Phiền Não Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì ức tưởng phân biệt hư vọng vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Chúng Sanh Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì chúng sanh vô sở hữu vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Đoạn Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp chẳng sanh khởi vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Nhị Biên Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp chẳng có nhị biên vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bất Phá Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp chẳng rời nhau vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bất Thủ Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì thù thắng hơn Thanh Văn và Bích Chi Phật đạo vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Phân Biệt Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các vọng tưởng bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Lượng Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì các pháp hạn lượng bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Hư Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp vô sở hữu vậy.

LUẬN:

Ngài Tu Bồ Đề tán thán Bát Nhã Ba La Mật đã khai thị về “pháp không” và “chúng sanh không”. Pháp cùng chúng sanh đều chẳng thật có, đều là như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn.

Phật dạy: Mộng, hưởng, ảnh, diệm, huyễn đều là bất khả đắc.

Như vậy gọi là “Mộng Ba La Mật”…dẫn đến gọi là “Huyễn Ba La Mật”.

(Xem thêm ở quyển 6 – 10 Dụ)

Ngài Tu Bồ Đề lại tán thán Bát Nhã Ba La Mật như hư không.

Phật dạy: Hết thảy các pháp vốn tự tánh không, nên dụ Bát Nhã Ba La Mật như hư không. Vì gốc phiền não là không, nên chẳng có phiền não gì để đoạn cả.

 Như vậy gọi là “Bất Cấu Ba La Mật”.

–oOo–

Có phiến não như dâm dục, sân nhuế v.v…là cấu uế, là bất tịnh; trái lại, chẳng có phiền não là thanh tịnh. Thế nhưng ngay từ gốc, các phiền não đã là không, nên chẳng có gì để tịnh cả.

Như vậy gọi là “Vô Tịnh Ba La Mật ”.

–oOo–

Trong Bát Nhã Ba La Mật, hết thảy các pháp đều là không, nên chẳng có gì nhiễm ô; lại nữa, 6 thức, 6 trấn cùng chổ duyên phiền não đều là bất khả đắc cả.

Như vậy gọi là “Bất Ô Nhiễm Ba La Mật”.

–oOo–

 Trong Bát Nhã Ba La Mật, hết thảy các hý luận, hết thảy các phân biệt đều bị phá.

Như vậy gọi là “Bất Hý Luận Ba La Mật”.

–oOo–

Trong Bát Nhã Ba La Mật, hết thảy các pháp đều rốt ráo không. Vì các pháp đều rốt ráo không, nên chẳng có gì để niệm tưởng.

Như vậy gọi là “Vô Niệm Ba La Mật”.

–oOo–

Bồ Tát trú trong pháp tánh, nên hết thảy các luận nghị đều chẳng có thể thắng được, hết thảy các tà kiến kiết sử đều chẳng có thể ngăn ngại được, hết thảy các pháp vô thường đều chẳng có thể phá hoại được, khiến tâm Bồ Tát thường tự tại, chẳng có sanh phiền não.

Như vậy gọi là “Bất Động Ba La Mật”.

–oOo–

Trong Bát Nhã Ba La Mật, hết thảy các pháp đều là vọng giải, nên chẳng có gì để ái nhiễm.

Như vậy gọi là “Vô Nhiễm Ba La Mật”.

–oOo–

Các ức tưởng phân biệt là cội gốc sanh kiết sử, dẫn đến khởi nghiệp ở đời sau.

Bồ Tát, do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ các ức tưởng phân biệt dẫn đến sanh nghiệp báo ở đời sau đều là hư vọng, nên chẳng có vọng khởi ức tưởng phân biệt nữa.

Như vậy gọi là “Bất Khởi Ba La Mật”.

–oOo–

3 độc “tham, sân, si” lá lửa thiêu đốt công đức. Thế nhưng, trong Bát Nhã Ba La Mật chẳng có thủ “hỏa tướng” của 3 độc.

Như vậy gọi là “Tịch Diệt Ba La Mật”.

–oOo–

Chẳng những, “hỏa tướng” của 3 độc là bất là bất khả đắc, chẳng nên thủ, mà hết thảy các pháp tướng cũng là bất khả đắc, chẳng nên thủ.

Bồ Tát, do tu tập Bát Nhã Ba La Mật , biết rõ các pháp đều bất khả đắc nên chẳng tham đắm các pháp. Bồ Tát chẳng tham đắm các thiện pháp…dẫn đến chẳng tham đắm Bát Nhã Ba La Mật, huống nữa là tham đắm các Pháp thế gian khác.

Phật dạy: Gốc sanh ra dục tâm là bất khả đắc, tham dục là hư vọng, là tự tánh không, là bất khả đắc.

Như vậy gọi là “Vô Dục Ba La Mật” .

–oOo–

Sân nhuế, ở nơi tự tánh, là rốt ráo vô sở hữu.

Như vậy gọi là “ Vô Sân Ba La Mật ”.

–oOo–

Do “vô sân”, nên hết thảy mê ám đều bị phá.

Như vậy gọi là “Vô Si Ba La Mật”.

–oOo–

Chẳng phải vì “diệt si” mà nói “vô si”, mà “vô si”  còn có nghĩa là chẳng có phiền não.

Bồ Tát khi vào được vô sanh pháp nhẫn, diệt hết thảy các phiền não.

Phật dạy: Các ức tưởng phân biệt là cội gốc kiết sử phiền não.

Khi ức tưởng phân biệt chẳng còn nữa, thì các kiết sử phiền não tự tiêu diệt.

Như vậy gọi là “Vô Phiền Não Ba La Mật”.

–oOo–

Trong Bát Nhã Ba La Mật, chúng sanh cũng như hết thảy các pháp đều là tự tánh không.

Phật dạy: Chúng sanh bản lai là bất sanh, là vô sở hữu.

Như vậy gọi là “Vô Chúng Sanh Ba La Mật”.

–oOo–

Trong Bát Nhã Ba La Mật, hết thảy các pháp đều chẳng khởi, chẳng sanh, đều là vô sở tác, nên tự nhiên đã có đoạn tướng rồi vậy.

Vì tự nhiên đã có đoạn tướng, nên chẳng có pháp gì để đoạn cả.

Như vậy gọi là “Vô Đoạn Ba La Mật”.

–oOo–

Lại nữa, vì biết rõ các pháp đều chẳng khởi, chẳng sanh, đều là vô sở tác, nên Bồ Tát ly được cả 2 bên ( nhị biện ), ly được cả ngã lẫn vô ngã, cả đoạn lẫn thường, cả hữu lẫn vô v.v…

Như vậy gọi là “Vô Nhị Biên Ba La Mật”.

–oOo–

Phật dạy: “Biên” vốn là hư vọng. Phàm phu, do hư vọng điên đảo, mà khởi chấp có “nhị biên”, Bồ Tát cầu thật pháp , nên ly “nhị biên” điên đảo, biết rõ Bát Nhã Ba La Mật là “nhất tướng”, là “không tướng”, là chẳng thể bị phá hoại được.

Phật lại dạy: Hết thảy các pháp đều chẳng có định tướng.

Ví như quả chẳng rời nhân, nhân chẳng rời quả. Cũng như vậy, hữu vi pháp chẳng rời vô vi pháp, vô vi pháp chẳng rời hữu vi pháp; Bát Nhã Ba La Mật chẳng rời hết thảy pháp, hết thảy pháp chẳng rời Bát Nhã Ba La Mật. Thật tướng các pháp chính là Bát Nhã Ba La Mật, nên chẳng có thể phá hoại được.

Như vậy gọi là “Bất Phá Ba La Mật”.

–oOo–

Phàm phu chấp các pháp có hợp có tan, có thường có vô thường v.v…Tất cả đều là lầm chấp.

Bát Nhã Ba La Mật chẳng chấp hết thảy pháp, chẳng chấp thế gian pháp, chẳng chấp Nhị Thừa pháp…dẫn đến chẳng chấp thanh tịnh xuất thế gian pháp.

Như vậy gọi là “Bất Thủ Ba La Mật”.

–oOo–

Phàm phu, do vọng tưởng, mà sanh tâm phân biệt. Bồ Tát biết rõ Bát Nhã Ba La Mật là thật tướng pháp, nên chẳng có vọng chấp phân biệt.

Phật dạy: Do có ức tưởng, nên mới khởi sanh phân biệt. Thế nhưng cội gốc của ức tưởng phân biệt là không, là bất khả đắc.

Như vậy gọi là “Vô Phân Biệt Ba La Mật”.

–oOo–

Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh 4 vô lượng tâm, nên là vô lượng.

Hết thảy các pháp vào trong Bát Nhã Ba La Mật đều là rốt ráo không, đều là rốt ráo thanh tịnh, như tướng Niết Bàn, nên Bát Nhã Ba La Mật là vô lượng.

Lại nữa, trí huệ Bát Nhã chẳng có bờ mé, nên là vô lượng.

Phật dạy: Chẳng những chỉ Bát Nhã Ba La Mật là vô lượng, mà hết thảy các pháp cũng đều là bất khả đắc, đều là vô lượng cả.

Như vậy gọi là “Vô Lượng Ba La Mật”.

–oOo–

Hư không là vô sắc, vô hình, Bát Nhã Ba La Mật cũng là như vậy.

Phật dạy: Chẳng những hư không là vô sở hữu, mà hết thảy các pháp cũng đều là vô sở hữu cả.

Như vậy gọi là “Hư Không Ba La Mật”.

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Thường Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp đều tán hoại vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Khổ Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp đều là khổ não tướng vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Ngã Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp bất khả thủ (chẳng thể thủ) vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Tướng Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp bất sanh vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Nội Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì nội pháp bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Ngoại Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì ngoại pháp bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Nội Ngoại Không Ba La Mật” là Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì nội ngoại pháp bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Không Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì “không không pháp” bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Đại Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Đệ Nhất Nghĩa Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì Niết Bàn bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Hữu Vi Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hữu vi pháp bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Vi Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì vô vi pháp bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Tất Cánh Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp rốt ráo bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Thỉ Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì “Vô Thỉ Pháp” bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Tán Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì “tán pháp” bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Tánh Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì “hữu vi tánh” và “vô vi tánh” đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Chư Pháp Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bất Khả Đắc Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp vô sở hữu vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Tự Tướng Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp đều tự tướng ly vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Pháp Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì “vô pháp” bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Hữu Pháp Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì “hữu pháp” bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Pháp Hữu Pháp Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì “vô pháp hữu pháp” bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Niệm Xứ Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì “thân, thọ, tâm và pháp” bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Chánh Cẩn Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì thiện pháp và bất thiện pháp đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Như Ý Túc Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì 4 như ý túc đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Căn Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì 5 căn đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Lực Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì 5 lực đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Giác Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì 7 giác phần đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Đạo Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì 8 thánh đạo đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Tác Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì “vô tác tướng” bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì “không tướng” bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “ Vô Tướng Ba La Mật ” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì “tịch diệt tướng ” bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bối Xả Ba La Mật ” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì 8 bối xả đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Định Ba La Mật ” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì 9 thứ đệ định đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Đàn Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì xan tham bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Thi La Ba La Mật” la Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì phá giới bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Sẵn Đề Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì nhẫn và chẳng nhẫn đều bất khả đắc cả.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Tỳ Lê Gia Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì tinh tấn và giải đãi đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Thiền Na Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì định và loạn bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Bát Nhã Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì trí huệ và ngu si đều bất khả đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Phật Lực Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp bất khả phục (chẳng thể phục) vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Sở Úy Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì đạo chủng trí chẳng mất vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Vô Ngại Trí Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp chẳng chướng, chẳng ngại vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Phật Pháp Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì siêu xuất hết thảy pháp vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Như Thật Thuyết Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy lời nói đều như thật vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Tự Nhiên Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp đều tự tại vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Phật Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì biết hết thảy pháp và hết thảy chủng trí vậy.

LUẬN:

Bát Nhã Ba La Mật có “vô thường thánh hạnh”, nên ở đoạn kinh trên đây có nói đến “Vô Thường Ba La Mật”.

Phật dạy: Chẳng phải chỉ nói Bát Nhã Ba La Mật là có “vô thường quán”, mà hết thảy pháp đều vô thường . Cho nên gọi là Vô Thường Ba La Mật.

Hỏi: Trước đây nói Bát Nhã Ba La Mật là pháp tánh thường trú. Như vậy vì sao nay lại nói Vô Thường Ba La Mật là Bát Nhã Ba La Mật?

Đáp: Bát Nhã Ba La Mật là trí huệ quán, mà các pháp thì do duyên sanh, nên là hữu vi, là vô thường.

Còn gốc duyên của Bát Nhã Ba La Mật là “như pháp tánh thật tế”, là vô vi, nên là thường trú.

Ngài Tu Bồ Đề nói về trường hợp Bát Nhã Ba La Mật quán hữu vi, nên nói Vô Thường Ba La Mật là Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Hỏi: Hết thảy các pháp đều là tận tướng, đều là tán hoại, là vô thường. Vì sao nói vô vi pháp chẳng có tán hoại?

Đáp: Khi nói hết thảy các pháp là nói đến 6 thức bên trong và 6 trần bên ngoài; tất cả đều là tác pháp. Vì là tác pháp, nên tất cả đều qui về hoại tướng.

Lại nữa, nếu ly hữu vi pháp, thì chẳng có vô vi pháp, cũng chẳng có các pháp tướng. Nhân có hữu vi pháp tướng, mới nói vô vi pháp tướng là bất sanh, bất diệt vậy.

Ngoài ra, khi nói về hữu vi pháp, phải hiểu theo 2 nghĩa :

  1. Danh tự là hữu vi pháp.
  2. Thật là hữu vi pháp.

Dù hiểu theo nghĩa nào, đã là hữu vi pháp, thì cũng là tán hoại cả.

Vì hết thảy pháp đều là tán hoại, nên là vô thường, là khổ, là vô ngã, là nội không…dẫn đến là vô pháp hữu pháp không; tất cả đều là bất khả đắc.

Bởi vậy nên mới nói “Vô Thường Ba La Mật”,

“Khổ Ba La Mật”, “Vô Ngã Ba La Mật”, “Nội Không Ba La Mật”…dẫn đến “Vô Pháp Hữu Pháp Không Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật.

–oOo–

Ngài Tu Bồ Đề thuyết về hết thảy các pháp môn tu, nhằm tán thán Bát Nhã Ba La Mật.

Phật dạy: Chánh quán về “thân, thọ , tâm và pháp niệm xứ” là sơ môn dẫn vào 4 thánh đế; chánh quán về 4 thánh đế là sơ môn dẫn đến 4 quả Sa Môn.

Phân biệt ở cả 3 thừa đều có “4 niệm xứ”. Thế nhưng, Phật dạy: Gốc duyên của 4 niệm xứ, từ vô thỉ đến nay, là bất khả đắc”.

Suy rộng ra, thì gốc duyên của 4 chánh cần, của 4 như ý túc, của 5 căn, của 5 lực, của 7 giác phần, của 8 thánh đạo, của 3 tam muội “không, vô tướng và vô tác”, của 8 bối xả, của 9 thứ đệ định, của 6 pháp Ba La Mật cũng đều là bất khả đắc cả.

Bởi vậy nên mới nói “Niệm Xứ Ba La Mật”…dẫn đến “Đạo Ba La Mật”, “Không Ba La Mật”, “Vô Tướng Ba La Mật”, “Vô Tác Ba La Mật”, “Bối Xả Ba La Mật”, “Định Ba La Mật”, “Bàn Đa La Mật”…dẫn đến “Bát Nhã Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật.

–oOo–

Hỏi: Nếu dùng các pháp môn khác để tán thán Bát Nhã Ba La Mật thì còn hợp lý. Vì sao cũng dùng Bát Nhã Ba La Mật để tán thán Bát Nhã Ba La Mật?

Đáp: Khi nói về Bát Nhã Ba La Mật, phải hiểu theo 2 nghĩa :

  1. Thường trú Bát Nhã Ba La Mật.
  2. 5 pháp Ba La Mật kia cộng hành có dụng của Bát Nhã Ba La Mật.

Ngay ở nơi “nguyện Bồ Đề”là đã có dụng tán thán Bát Nhã Ba La Mật rồi, đã có dụng phá vô minh si ám, có dụng dẫn đến chân trí huệ rồi vậy. Bởi vậy nên Phật dạy: Được thường trú Bát Nhã Ba La Mật, thì suy huệ bất khả đắc.

–oOo–

Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật, trước được 10 Bồ Tát lực, rồi sau sẽ được 10 Phật lực.

Phật dạy: 10 Phật lực là bất khả phá (chẳng thể phá), là bất khả phục (chẳng thể phục).

Chỉ vì chúng sanh, mà Phật thuyết về 10 Phật lực. Thế nhưng, ở nơi thật tướng pháp, thì Phật lực là vô lượng vô biên, chẳng thể phá, chẳng thể phục được vậy.

Bởi vậy nên mới nói “Phật lực Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật.

–oOo–

Bồ Tát, khi đã vào được Bát Nhã Ba La Mật rồi, thì ở trước Phật còn có thể thuyết pháp, luận nghị, huống nữa là ở các nơi khác ; trước ma Vương còn chẳng sợ hãi, huống nữa là trước các ngoại đạo.

Như vậy gọi là “Vô Sở Úy Ba La Mật”.

Phật dạy: Do đạo chủng trí chẳng chìm đắm, nên được pháp nhãn. Do được pháp nhãn, nên biết rõ chúng sanh tụ tập như thế nào để đến được Niết Bàn.

Bát Nhã Ba La Mật là tịch diệt tướng, là Niết Bàn tướng, là bất khả thuyết, là đạo chủng trí vậy. Bồ Tát, được đạo chủng trí, thường dẫn đạo chúng sanh. Ở giữa đại chúng , Bồ Tát thường thuyết pháp, khiến đạo chủng trí càng thêm tăng ích, nên chẳng chìm đắm, chẳng sợ hãi, chẳng kiêu mạn, chẳng tự cho mình đã đắc pháp.

Như vậy gọi là “Vô Sở Úy Ba La Mật”.

Do được vô úy pháp, mà Bồ Tát thường thuyết pháp, khiến pháp luân thường chuyển. Bởi vậy nên ngài Tu Bồ Đề tán thán vô úy pháp, và hỏi Phật : “Vô Sở Úy Ba La Mật” là Bát Nhã Ba La Mật chăng?

–oOo–

Phật dạy: Chẳng phải chỉ có 4 pháp vô ngại, mà hết thảy các pháp ở nơi thật tướng pháp, đều chẳng tướng, chẳng ngại.

Như vậy gọi là “Vô Ngại Trí Ba La Mật”.

–oOo–

Bồ Tát, do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, được 10 lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, đại từ, đại bi, và vô lượng Phật pháp khác.

Như vậy gọi là “Phật Pháp Ba La Mật”.

–oOo–

Chư Phật trong 3 đời, do tu tập 6 pháp Ba La Mật, mà được đạo Vô Thượng, được gọi là Như Lai, là đấng như thật tri, như thật thuyết.

Phật dạy: Chẳng phải Phật thuyết pháp mới là như thật thuyết, chẳng phải lời Phật nói ra mới là như thật, mà hết thảy các lời nói đều như thật cả.

Như vậy gọi là “Như Thật Thuyết Ba La Mật”.

–oOo–

Chư Bồ Tát, khi đã đầy đủ 10 địa rồi, thì hậu thân tự nhiên thành Phật.

Như vậy gọi là “Tự Nhiên Ba La Mật”.

Tự nhiên thành Phật, nên lời Phật nói ra là “Tự Nhiên Ba La Mật”.

Lại nữa, thật tướng Bát Nhã Ba La Mật là tự nhiên, chẳng do ai làm ra, nên cũng là “Tự Nhiên Ba La Mật”.

–oOo–

Bồ Tát, khi đã được đầy đủ 10 địa rồi, thì cũng được đầy đủ 10 lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, đại từ, đại bi. Lúc bấy giờ, Bồ Tát đã thành Phật, chuyển pháp luân, đánh trống pháp, cảnh tỉnh chúng sanh ở khắp 10 phương thế giới, khiến họ phá tan được màn vô minh si ấm.

Như vậy gọi là “Phật Ba La Mật”.

Phật còn được gọi là “Giác Giả”, nghĩa là đấng chánh biến tri hết thảy pháp, hết thảy chủng trí.

Phật là người biết rõ hết thảy pháp, đầy đủ cả 5 pháp, từ phàm phu pháp, Thanh Văn pháp, Bích Chi Phật pháp, Bồ Tát pháp…dẫn đến Phật pháp.

Lược nói, Phật có 2 tướng. Đó là :

Xét về biệt tướng, thì Phật là rốt ráo “không tướng”.

Xét về tổng tướng, thì Phật là đấng Nhất Thiết Chủng Trí , minh liễu vô lượng vô biên pháp môn.

Bởi nhân duyên vậy, nên gọi là “Phật Ba La Mật”.

Đây chẳng phải nói về “Phật thân”, mà nói về “Phật Ba La Mật”, tức là nói về “Phật Nhất Thiết Chủng Trí” vậy.

(Hết Quyển 65)