LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP III
QUYỂN 56

Phẩm thứ ba mươi
Tam Thán

(Ba Phen Tán Thán)

KINH:

Lúc bấy giờ, chư Thiên Vương, chư Thiên, chư Phạm Thiên Vương, chư Phạm Thiên, chư Thần Tiên, chư Thiên Nữ đồng thời 3 phen xưng tán rằng: Hay thay! Hay thay! Ngài Huê Mạng Tu Bồ Đề tuyên thuyết Bát Nhã Ba La Mật, là nhờ ân lực nhân duyên xuất thế của đức Phật. Nếu có vị Bồ Tát nào hành Bát Nhã Ba La Mật, trọng chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật, thì chúng tôi xem vị đó như là Phật. Vì sao? Vì trong Bát Nhã Ba La Mật, tuy chẳng có pháp khả đắc, mà hàm chứa tất cả các giáo pháp, từ 4 niệm xứ, … dẫn đến nhất thiết chủng trí, của cả 3 thừa giáo, tức là Thanh Văn Từa, của Bích Chi Phật thừa và của Phật thừa.

Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này chư Thiên Tử! Như chỗ các ông nói, trong Bát Nhã Ba La Mật, tuy chẳng có pháp khả đắc, mà vẫn thông cả 3 thừa giáo, gồm Thanh Văn Thừa, Bích Chi Phật thừa và Phật thừa.

Này chư Thiên Tử! Nếu có vị Bồ Tát nào hành Bát Nhã Ba La Mật, mà trọn chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật, thì các ông nên kính người ấy như kính Phật. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật rộng nói cả 3 thừa giáo, gồm Thanh Văn Thừa, Bích Chi Phật thừa và Phật thừa; lại vì hành Bát Nhã Ba La Mật là hành vô sở đắc vậy.

Trong Đàn Ba La Mật… dẫn đến trong Bát Nhã Ba La Mật, thì Phật là bất khả đắc; mà ly Đàn Ba La Mật… dẫn đến ly Bát Nhã Ba La Mật thì Phật cũng là bất khả đắc.Dẫn đến trong nhất thiết chủng trí, Phật bất khả đắc, mà ly nhất thiết chủng trí, Phật cũng bất khả đắc.

Này chư Thiên Tử! Nếu có vị Bồ Tát nào tu tập hết thảy các pháp, từ Đan Ba La Mật… dẫn đến nhất thiết chủng trí, thì các ông phải nên tôn kính vị ấy như tôn kính Phật vậy.

Này chư Thiên Tử! Thuở xưa, vào thời Phật Nhiên Đăng, ở nơi ngã ư đường tỏng thành Hoa Nghiêm, ta vừa thấy pHật và nghe pháp liền chẳng ly công hạnh Đàn Ba La Mật, chẳng ly nội không…, dẫn đến công hạnh Bát Nhã Ba La Mật, chẳng ly nội không…, dẫn đến vô pháp hữu pháp không; chẳng ly nội không…, dẫn đến vô pháp hữu pháp không; chẳng ly niệm xứ,… dẫn đến 8 Thánh đạo; chẳng ly 4 thiền; 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định; chẳng ly các tam muội môn, các đà la ni môn; chẳng ly 4 vô sở úy; 10 lực, 4 vô ngại trí, 18 cộng pháp; chẳng ly đại từ, đại bi, cùng vô lượng Phật pháp khác. Vì sao?Vì ta hành vô sở đắc vậy.

Lúc bấy giờ, đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta, ở trong đời vị lai sẽ thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni, với đầy đủ 10 đức hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

Chư Thiên đồng bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Hy hữu thay! Bát Nhã Ba La Mật có thể làm cho Bồ Tát được Bát Nhã.Vì sao?Vì nơi sắc… dẫn đến nơi nhất thiết chủng trí, Bồ Tát chẳng thủ mà cũng chẳng xả vậy.

LUẬN:

Trong hàng chư Thiên tại pháp hội có các Thiên Chủ cõi Trời Dục Giới, các vị Phạm Thiên Vương ở cõi Trời Sắc Giới, chư vị Đại Tự Tại Thiên Vương cùng vô số các quyến thuộc, đều là các vị Thần Tiên, và các vị Thiên Nữ.

Vì quá hoan hỉ khi được nghe các ngài Tu Bồ Đề thuyết về Bát Nhã Ba La Mật, nên chư Thiên Tử đã tán thán đến 3 lần.

Chư Thiên nói: Ngài Tu Bồ Đề đã nương theo thần lực của Phật, để thuyết về Bát Nhã Ba La Mật. Nếu có vị Bồ Tát nào hành Bát Nhã Ba La Mật, trọn chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật, thì chúng tôi sẽ tôn kính vị đó như Phật.

Vì sao?Vì Bồ Tát biết rõ hết thảy các pháp đều rốt ráo không mà vẫn tu tập đầy đủ giáo pháp của cả 3 thừa.Tu tập như vậy, mà vẫn chẳng chấp công đức ở 3 thừa có sai khác, lại cũng chẳng đọa vào chấp “không”.Như vậy, mới thật là rốt ráo không. Lại nữa, Bát Nhã Ba La Mật rộng nói cả 3 thừa, phá trừ tâm chấp về định kiến lien hệ đến “chân” và “tục”. Trong Bát Nhã Ba La Mật, thì “chân – tục” song dụng chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Chư Thiên nghe ngài Tu Bồ Đề thuyết Bát Nhã Ba La Mật thậm thâm, vi diệu, nên sanh tâm hoan hỷ, đồng tán thán: Hay thay, hay thay!

Phật ấn khả lời tán thán của chư Thiên, rồi dạy rằng: Trong 6 pháp Ba La Mật cũng như ly 6 pháp Ba La Mật, thì Phật cũng là bất khả đắc. Dẫn đến nhất thiết chủng trí cũng là như vậy.

Nên biết, do vì hết thảy pháp đều là duyên hòa hợp tác thành, mà có các danh xưng khác nhau, như Phật, Bồ Tát… Tất cả các pháp đó đều là tự tánh không.Bồ Tát nào tu tập 6 pháp Ba La Mật, mà dụng được tâm vô sở đắc, thì Bồ Tá ấy được xem như Phật vậy.

Ví như vị Thái Tử, dù nay chưa được lên ngôi báu, nhưng quyết định về sau sẽ được làm vua. Cũng như vậy, vị Bồ Tát nào dụng vô sở đắc tu tập 6 pháp Ba La Mật, quyết định trong đời vị lai sẽ thành Phật. Nhân đây, Phật đã tự dẫn chứng sự tu tập của Ngài, vào thời của đức Phật Nhiên Đăng, để cho đại chúng được rõ vậy.

Như vậy, khi Bồ Tát tu tập được vô sanh pháp nhẫn, là đã vào được Bồ Tát vị, đã thấy được chư Phật ở trong 10 phương, thường nghe chư Phật thuyết Bát Nhã Ba La Mật, thường tán thán Bát Nhã Ba La Mật, nên được thâm giải về Bát Nhã Ba La Mật nghĩa.

Do được thâm giải về Bát Nhã Ba La Mật, nên Bồ Tát biết rõ hết thảy pháp đều là hư vọng, khiến chẳng còn thủ pahps, lại biết rõ hết thảy pháp đều đem lại lợi ích cho chúng sanh, khiến chẳng có xả pháp, vào được nơi thật tướng bất sanh, bất diệt của các pháp.

KINH:

Lúc bấy giờ, Phật nhìn khắp 4 chúng: Tỷ Kheo, Tỷ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di; lại nhìn chư Đại Bồ Tát, chư Thiên Vương, chư Phạm Vương, cùng chư Thiên Tử và Thiên Nữ, hiện có mặt tại pháp hội.

Nhìn khắp pháp hội xong, Phật bảo vị Đế Thích rằng: Này Kiều Thi Ca! Nếu có ai, hoặc Bồ Tát, hoặc là Tỷ Kheo, Tỷ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, hoặc là Thiên Tử, Thiên Nữ nghe được Bát Nhã Ba La Mật, rồi thọ trì, đọc tụng, thân cận, thuyết giảng, chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, trọn chẳng ly Bát Nhã tâm, thì các loài ma chẳng thể nào phá hoại được.

Vì sao?Vì Thiện Nam, Thiện Nữ này đã biết rõ sắc… dẫn đến tthức không, là chẳng phải không, săc… dẫn đến thức vô tướng là chẳng phải vô tướng, sắc… dẫn đến thức vô tác là chẳng phải vô tác. Do biết rõ tự tánh, tự tướng của hết thảy các pháp này đều là bất khả đắc, nên được an ổn, chẳng bị não loạn. Do vậy mà các chúng ma chẳng sao gây tác hại được.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Thiện Nam, Thiện Nữ này cũng chẳng bị những kẻ xấu, hoặc là người hoặc chẳng phải người (Phi nhơn)1 phá hoại được, Vì sao?Vì Thiện Nam, Thiện Nữ này thường trải rộng tâm “từ, bi, hỷ, xả” đối với hết thảy chúng sanh, và thường dụng tâm vô sở đắc vậy.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Thiện Nam, Thiện Nữ này chẳng bị hoạnh tử.Vì sao?Vì Thiện Nam, Thiện nữ này thường khéo tu Đàn Ba La Mật, nên đối với hết thảy chúng sanh, thường dụng tâm bình đẳng mà bố thí.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Trong đại thiên thế giới, nếu trong chư Thiên Vương, Phạm Uvơng, Thiên Tử và Thiên Nữ, có những ai đã phát “A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm”, mà chưa có nghe Bát Nhã Ba La Mật, chưa thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm, cũng như chưa tu tập Bat Nhã Ba La Mật, thì nay chẳng phải nên nghe, rồi thọ trì, thân cận, đọc tụng, chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, trọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm mà tu tập vậy.

Lại nữa, này Kiêu Thi Ca! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào đã được nghe Bát Nhã Ba La Mật, rồi thọ trì, thân cận, chánh ức niệm, chẳng ly Tát Bà Nhã tâm mà tu tập, thì người này, dù ở nơi hẻo lánh, như trên núi cao, ở trong rừng rậm, ở giữa đồng hoang, vẫn chẳng sanh tâm sợ hãi. Vì sao?Vì Thiện Nam, Thiện Nữ này biết rõ các pháp đều là nội không, và đều là vô sở đắc cả.

LUẬN:

Hỏi: Phật nhìn khắp 4 chúng, nhưng vì sao lại chỉ đặc biệt dạy riêng vị Đế Thích mà thôi?

Đáp: Các phẩm kinh khác phần nhiều nói về thể của Bát Nhã Ba La Mật. Ở phẩm kinh này, Phật muốn tán thán công đức của Bát Nhã Ba La Mật, nên mới dạy ngài Thích Đế Hoàn Nhơn. Ví như lấy vật báu đem cho người xem trước, rồi sau mới nói về lợi ích của vật báu đó.

Lại nữa, sở dĩ Phật nhìn khắp 4 chúng, vì muốn cho chúng hội thấy rõ Phật bình đẳng thuyết pháp, khiến chẳng ai có mặc cảm tự khinh.

Do chẳng có mặc cảm tự khinh, mà ai nấy đều phát khởi tín tâm thanh tịnh, tinh tấn nghe pháp. Ví như người ở ngôi vị trên, trước khi nói chuyện, đưa mắt nhìn khắp các kẻ dưới, khiến ai nấy đều sanh tâm hoan hỷ.

Lại nữa, Phật muốn nói công đức của Bát Nhã Ba La Mật cho hàng Bạch Y nghe, mà ngài Thích Đế Hoàn Nhơn là vị có uy thế nhất, nên Phật đã nói với vị Đế Thích này vậy. Cũng như khi nói Pháp cho hàng xuất gia nghe, thì Phạt thường nói với các ngài Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề,… là những vị đại đệ tử, có oái đức lớn trong tăng đoàn.

Hỏi: Ngài Thích Đế Hoàn Nhơn là một vị Thiên Tử. Vì sao Phạt chẳng gọi là Thiên Tử, mà gọi là Kiều Thi Ca? Lại nữa, vì sao thuyết Bát Nhã Ba La Mật, mà Phật lại dùng đến ngôn ngữ, danh tự?

Đáp: Thuở xưa, ở nước Ma Già Đà, có một vị Bà La Môn tên là Ma Dà, họ là Kiều Thi Ca, tu tập phước đức, có đại trí huệ, đến khi mạng chung được sanh lên đỉnh nuói Tu Di. Bà La Môn Ma Dà giữ ngôi vị Thiên Chủ, cai quản 33 vị Thiên Tử khác. Các Thiên Tử này được gọi chung là Tam Thập Tam Thiên.

Nay gọi Kiều Thi Ca là gọi theo họ của vị Thiên Chủ này.

—o0o—

Chư Phật khắp trong 10 phương, khi thuyết pháp, thường sử dụng các ngôn ngữ và danh tự tùy theo từng chủng loại, từng cảnh giới của chúng sanh để diễn bày thật trí tuệ.

Ngôn ngữ và danh dự chỉ là phương tiện để diễn bày thâm nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật mà thôi.

Đoạn kinh trên đây, mật ý nói rằng: Người nghe Bát Nhã Ba La Mật mà thọ trì, thì sẽ được vô lượng công đức; người nghe Bát Nhã Ba La Mật mà rộng nói ra nhằm độ chúng sanh, thì sẽ được vào Phật đạo; người cúng dường, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì các chúng ma chẳng thể nào quấy nhiễu được.

Hỏi: Thế nào gọi là Thiên Ma? Vì sao ma lại thường hay quấy nhiễu Bồ Tát? Vì sao nói ma thường tìm chỗ tiện để gây tác hại?

Đáp: Thiên Ma là chủ của cõi trời Tự Tại Thiên. Tuy rằng vị này hưởng phước đức sanh lên cõi trời, nhưng vẫn còn nhiều tà kiến.

Thiên Ma chẳng xa rời cõi Dục, lấy chúng sanh ở cõi Dục làm của mình, để họ cúng dường mình.Thiên Ma còn ở trong các nẻo sanh tử, nhưng chẳng biết kinh sợ sanh tử. Bởi vậy nên, khi hưởng hết phước báo ở cõi trời, vẫn bị sa đọa. Mặc dù có được thần thông, mà vẫn chẳng thoát kHỏi 3 cõi được.

—o0o—

Nay chư Phật và chư Bồ Tát thị hiện độ sanh, nhổ gốc rễ sanh tử, đưa chúng sanh Vô Dư Niết Bàn, nên Thiên Ma khởi tâm tật đố, tìm cách phá hoại. Vì sao?Vì Thiên Ma sợ chúng sanh ở cõi Dục nghe phật thuyết pháp rồi sẽ quay về với chánh đạo, khiến chẳng còn ai cúng dường họ nữa. Đây là lý do Thiên Ma dấy tâm tật đố.

Bởi vậy nên Thiên Ma xem Phật và Bồ Tát như là oan gia của họ.

Khi  Tát đã vào Bồ Tát vị, đã được bất thối chuyển, thì dù muốn khởi tâm phá hoại, Thiên Ma vẫn chẳng sao quấy phá được. Nếu Bồ Tát chưa vào được bất thối chuyển địa, thì vẫn còn bị Thiên Ma quấy phá.

Lại nữa, nếu Bồ Tát nhất tâm, tinh tấn cầu Phật đạo, chẳng tiếc thân mạng, thì sẽ được chư đại Bồ Tát ở trong khắp 10 phương hộ trì, nên Thiên Ma chẳng tìm được chỗ tiện để gây tác hại được. Trái lại, nếu Bồ Tát giải đãi, tham đắm đủ các thú vui ở đời, chẳng hay nhất tâm cầu Phật đạo, là tự dối với mình, thì chư đại Bồ Tát khắp 10 phương chẳng thể nào tiếp độ được. Vì sao?Vì vị Bồ Tát ấy đã tự nguyện tu Bồ Tát hạnh, tự nguyện độ hết thảy chúng sanh, mà lại giải đãi, hành các tạp pháp.Như vậy là đã nhiễu loạn chúng sanh, đã phá hoại “Bồ Tát Pháp” rồi vậy.

Do những lỗi lầm như vậy, nên hạng Bồ Tát sau này chẳn được chư đại Bồ Tát trong 10 phương hộ trì, khiến ma có thể tìm được chỗ tiện để gây tác hại vậy.

Do những lỗi lầm như vậy, nên hạng  bồ Tát sau này chẳng được chư đại  Bồ Tát trong 10 phương hộ trì, khiến ma có thể tìm được chỗ tiện để gây tác hại vậy.

Lại nữa, hàng Thanh Văn , khi đã vào chánh vị rồi, đều nhất tâm hành đạo, thâm nhập Niết Bàn. Còn ma thì vào tà vị, ái trước các tà pháp.

Vì tà và chánh đối nghịch nhau, nên ma rất ghét Phật, thường gọi Phật là Sa Môn Cù Đàm.Phật gọi ma là tệ ma.Mà thường cho Phật và Bồ Tát là oan gia.

Trong kinh có nói đến 4 loại ma. Đó là:

  1. Phiền não ma
  2. Ngũ ấm ma
  3. Tử ma
  4. Thiên ma

Khi tu tập Bát Nhã Ba La Mật, được Bát Nhã Ba La Mật lực rồi, thì cả 4 loại ma trên đây, đều chẳng tìm được chỗ tiện để gây tác hại nữa.

Khi thâm nhập vào được thật tướng pháp rồi, thì phiền não ma đều đoạn dứt.Phiền não ma bị hoại diệt rồi, thì Thiên Ma chưangr còn có chỗ tiện để gây tác hại nữa. Khi vào được Vô Dư Niết Bàn, thì hoại được ngũ ấm ma và tử ma.

—o0o—

Ma vương và ma dân thường đến khủng bố Bồ Tát, quấy nhiễu Bồ Tát trong suốt quá trình hành Bồ Tát đạo.

Trong kinh có nói đến ma hóa làm thân rồng, hay hiện các dị vật, dị hình, rất đáng sợ, đêm đêm đến khủng bố người tu; hoặc hóa hiện ra các cảnh dục lạc, để phá hoại tâm Bồ Tát; hoặc chuyển tâm người bạch y, khiến họ xa rời huệ đức; hoặc chuyển tâm người, khiến họ khinh chê Bồ Tát, đánh đập, mắng nhiếc người tu hành, làm cho họ sanh tâm sân hận, đau buồn.

Ma thường lợi dụng những sơ hở của người tu hành, như giải đãi, thiếu quyết tâm, thiếu nhẫn nại…để quấy phá.Như vậy gọi là ma tìm chỗ tiện để gây tác hại.

Hỏi: Ma lực rất lớn, còn đạo lực của hàng sơ học Bồ Tát chẳng bao nhiêu. Như vậy làm sao ma chẳng tìm được chỗ tiện để gây tác hại?

Đáp: Như trên đã nói, do Bồ Tát tinh tấn tu tập Bát Nhã Ba La Mât, hành Bồ Tát đạo, được chư Phật và chư đại Bồ Tát trong 10 phương hộ trì, nên ma chẳng tìm được chỗ tiện đê gây tác hại.

Lại nữa, do Bồ Tát khéo tu các pháp “không”, lại cũng chẳng có chấp “không”, nên ma chẳng tìm được chỗ tiện để gây tác hại. Ví như có vết thương ở nơi thân lở loét, thì các độc trùng mới có thể xâm nhập vào, để hại mạng người.Trái lại, nếu chẳng có vết thương, thì các độc trùng khó có thể xâm nhập vào thân được.

Lại nữa, Bồ Tát quán hết thảy các pháp đều rốt ráo là không, là vô tướng, là vô tác. Do tu tập như vậy nên vào được 3 giải thoát môn, khiến ma chẳng tìm được chỗ tiện để gây tác hại. Vì ở nơi không, vô tướng và vô tác, ma chẳng còn có thể y cứ vào đâu để nhiễu loạn tâm Bồ Tát được. Ví như chẳng có thể dùng tay nắm lấy lửa để diệt lửa được vậy.

Hỏi: Vì sao nói, Bồ Tát trú trong 3 giải thoát môn, thì chẳng cùng với các pháp hữu vi tương ưng?

Đáp: Các giải thoát môn Không, Vô Tướng và Vô Tác đều là tự tánh không, chẳng có tương ưng với các pháp hữu vi. Bởi vậy nên khi Bồ Tát đã trú trong 3 giải thoát môn rồi, thì chẳng còn tương ưng với các pháp hữu vi nữa, khiến ma chẳng tìm được chỗ tiện đê gây tác hại vậy.

Hỏi: Trước đây chỉ đề cập đến hàng Bồ Tát M Ha Tát. Vì sao nay lại nói đến các Thiện Nam, Thiện Nữ?

Đáp: Trước đây nói về thật tướng trí huệ rất khó thọ lãnh; chỉ có hàng đại Bồ Tát Ma Ha Tát mới thọ lãnh được. Nay nói về sự cúng dường, thọ trì, đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật, đều là những công đức mà các Thiện Nam, Thiện Nữ đều có thể hành trì được.

Lại nữa, đề cập đến các Thiện Nữ nhằm phá trừ ý niêm cho rằng người nữbị 5 chướng ngại là: Chẳng làm được Thiên Vương, Ma Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, Phạm Vương và Phật.

Phật muốn khuyến tấn người nữ tinh tấn tu hành, nên đã vì họ rộng thuyết “Thiện Nam, Thiện Nữ…” vậy.Nghe Phật thuyết như vậy, người Nữ sẽ vững tin rằng họ vẫn có thể thành Phật; nếu họ tinh tấn tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì 5 chướng ngại nêu trên sẽ được tiêu trừ.

Hỏi: Trước nói Thiên Ma chẳng có thể tìm chỗ tiện để não loạn tâm Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật. Sao nay lại nói các Thiện Nam, Thiện Nữ hành 4 vô lượng tâm cũng làm cho ma chẳng có chỗ tiện để não loan?

Đáp: Trước đây nói “Thiên Ma” là oan gia lớn, nên phải dùng đến pháp lớn, phải dùng đến Bát Nhã Ba La Mật, tức thật là trí huệ, mới trừ được. Nay nói “chúng ma” là oan gia nhỏ, nên chỉ cần dùng 4 vô lượng tâm, cũng đủ để đối trị rồi vậy.

Lại nữa, người tu hành, lúc ban đầu phải tu 4 vô lượng tâm, tức là tu tập 4 công đức “từ, bi, hỷ, xả”; rồi sau mới có thể thâm nhập được vào Bát Nhã Ba La Mật, dùng “không tướng” để phá trừ các tà kiến chấp, mới ly được ngã chấp và pháp chấp mà vào Phật đạo.

—o0o—

Như trên đây đã nói, các Thiên Ma thường hiện dị hinh, hoặc hiện làm sấm sét, mưa bão, hoặc gây bệnh khổ để khủng bố người tu hành.

Bởi vậy nên người tu hành phải nhập vào pháp “Không” mới có thể ngự được.

Khi gặp người đến đánh đập, mắng nhiếc mình, Bồ Tát chỉ cần hành 4 vô lượng tâm cũng đủ cảm hóa họ rồi.

—o0o—

Trong kinh nói, các Thiện Nam, Thiện Nữ tu tập 4 vô lượng tâm chẳng bị hoạnh tử, có nghĩa là chẳng phải chết khi thọ mạng chưa hết, như chẳng bị các tai nạn bất thường, bị đầu độc mà phải chết.

Lại nữa, Bồ Tát từ sơ phát tâm đến khi thành đạo quả thường hành Đàn Ba La Mật, nên ở nơi hết thảy chúng sanh đều dụng tâm bình đẳng mà bố thí.Bồ Tát lại thường tu tập Bát Nhã Ba La Mật. Bởi các công đức này nên Bồ Tát chẳng khi nào bị hoạnh tử cả.

—o0o—

Trong kinh nói: Nếu trong đại thiên thế giới, có vị Thiên Tử nào đã phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, mà chưa nghe Bát Nhã Ba La Mật, thì nay phải nghe, phải thọ trì, phải chánh ức niệm, phải tu tập, thì mới có được đại công đức.

Lời kinh trên đây cho thấy rằng, khi đã phát Vô Thượng Bồ Đề Tâm, thì phải nghe, phải thọ trì Bát Nhã Ba La Mật, trọn chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật, thì mới vào được Phật đạo. Vì sao?Vì Bát Nhã Ba La Mật là nền tảng của Phật đạo vậy.

Hỏi: Chư vị Thiên Tử khi phát Vô Thượng Bồ Đề Tâm, ắt là đã có nghe Bát Nhã Ba La Mật rồi. Vì sao lại nói vị nào chưa nghe Bát Nhã Ba La Mật, thì phải nên nghe? lạc ở nơi cung trời, nên chưa có nhân duyên được nghe Bát Nhã Ba La Mật. Lại có nhiều vị Thiên Tử, nay mới vừa phát tâm, nên cũng chưa được nghe Bát Nhã Ba La Mật.

Lại có chư vị Thiên Tử ở cõi Dục, chìm đắm trong 5 dục, tham nhiễm sâu dày, nên chẳng có cơ duyên phát tâm cầu Bát Nhã Ba La Mật.

Bởi vậy nên Phật mới nhắc nhở: Có vị Thiên Tử nào chưa nghe Bát Nhã Ba La Mật, thì nay phải nghe, phải thọ trì, phải chánh ức niệm, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

–o0o—

Trước đây nói các Thiên Ma chẳng có chỗ tiện để phá hoại tâm Bồ Tát.Đó là nói về nội nhân duyên.Vì sao? Vì khi Bồ Tát đã tu tập đầy đủ Bồ Tát hạnh, đã trú trong “không tam muội”, đã hành đầy đủ 4 vô lượng tâm, khiến nội tâm được an định, thì Thiên Ma chẳng tìm được chỗ tiện để gây tác hại.

Nay nói về ngoại nhân duyên, nên Phật dạy chư Thiên cùng các Thiện Nam, Thiện Nữ phải thọ trì và cúng dường Bát Nhã Ba La Mật.

Như vậy, cả chư Thiên và các Thiện Nam, Thiện Nữ, đều đồng sự với nhau. Nếu Ma đến quấy phá các Thiện Nam, Thiện Nữ, thì chư Thiên liền đến bảo hộ họ, khiến ma chẳng có thể gây tác hại được.

Trong kinh có nói đến trường hợp Thiện Nam, Thiện Nữ chọn nơi hoang vắng, núi cao, rừng rậm… để tu hành.Những nơi hẻo lánh, thường có ma quỉ, giặc cướp đến quấy phá, hãm hại. Thế nhưng, do đã khéo tu tập Bát Nhã Ba La Mật, khéo tu tập 18 không, đã có nhiều oai đức khiến chúng ma chẳng dám đến gần, nên các Thiện Nam, Thiện Nữ này được an ổn ở các nơi này, chẳng có gì sợ hãi cả.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật dạy: Chư vị Thiên Tử nào chưa nghe Bát Nhã Ba La Mật, thì nay phải nghe, phải thọ trì, phải chánh ức niệm, phai tu tập Bát Nhã ba La Mật.

KINH:

Chư Thiên tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào thân cận, đọc tụng, thọ trì, chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, trọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm mà tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì chung con phải thường ủng hộ.

Vì sao? Vì do nhân duyên tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà Bồ Tát đoạn được 3 đường ác, đoạn được sự bần cùng của các hàng Trời, Người, đoạn được các tai họa về bệnh tật và đói khát. Cũng vì do nhând uyên tu tập như vậy, mà thế gian mới có các đại gia, đại tộc, mới có Chuyển Luân Thánh Vương, có Tứ Thiên Vương, có Sắc Cứu Cánh Thiên. Cũng vì do nhân duyên tu tập như vậy, mới có quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, mới có quả Bích Chi Phật và đạo Bích Chi Phật. Cũng vì do nhân duyên tu tập như vậy, mới có thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ, có chư Phật thị hiện ở thế gian, có chuyển pháp luân, dẫn đến có Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.

Bạch Thế Tôn! Do đại nhân duyên như vậy, nên hết thảy thế gian, Trời, Người và A Tu La, đều phải thủ hộ Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này chư Thiên Tử! Vì do đại nhân duyên tu tập như vậy, nên Bồ Tát đoạn dứt được 3 đường ác,… dẫn đến có 3 ngôi Tam Bảo xuất hiện ở thế gian.

Vậy nên, các hàng Trời, Người và A Tu La đều phải thường ủng hộ, cung kính, tôn trọng cúng dường, và Tán thán chư vị Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba la Mật.

Này chư Thiên Tử! Cung kính, cúng dường, tán thán chư vị Bồ Tát đó, tức là cung kính, cùng dường, tán thán Phật vậy.

Này chư Thiên Tử! Ví như trong 3000 đại thiên thế giới có số Thanh Văn và Bích Chi Phật nhiều như rừng rậm, lúa mè, tre lau… lại có người Thiện Nam, Thiện Nữ cung kính tôn trọng, cúng dường tất cả chư vị Thanh Văn và Bích Chi Phật đó, thì phước đức cũng chẳng sao bằng được phước đức của người Thiện Nam, Thiện Nữ cung kính, tôn trọng, cúng dường một vị Bồ Tát sơ phát tâm tu tập Bát Nhã Ba La Mật, chọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm.

Vì sao? Vì chẳng phải do nhân duyên tu tập của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật mà có chư đạiBồ Tát và chư Phật xuất hiện ở thế gian. Chỉ vì do nhân duyên tu tập Bát Nhã Ba La Mật của hàng Bồ Tát, mà có chư Thanh Văn, chư Bích Chi Phật, chư đại Bồ Tát cùng chư Phật xuất hiện ở thế gian này.

Này Kiều Thi Ca! Bởi nhân duyên vậy, nên hết thảy thế gian, từ các hàng Trời, Người, dẫn đến hàng A Tu La đều phải nên ủng hộ cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán chư vị Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN

Chư Thiên Tử bạch với Phật nguyện sẽ xin ủng hộ chư vị Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật, nêu các lý do sau đây:

– Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật là đồng sự với chư Thiên trong việc cầu Phật đạo.

– Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật, do muốn an lạc chúng sanh, nên chịu khó thay cho chúng sanh. Do vậy mà đoạn dứt được 3 đường ác.

– Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật, dạy chúng sanh tu 10 thiện đạo, khiến họ dứt được sự bần cùng, khốn khổ, dẫn họ đến 3 đường thiện.

– Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật, dạy cho chúng sanh nhận rõ 5 dục là tội lỗi, dạy họ ly dục để tu tập 4 thiền, 4 vô sắc định, 4 vô lượng tâm.

– Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật, dạy cho chúng sanh tu tập 6 pháp Ba La Mật, khiến họ được vô lượng công đức, dẫn đén được nhất thiết chủng trí.

– Do nhân duyên Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà ở thế gian có các đại gia, đại tộc… có 4 quả Thanh Văn, có Bích Chi Phật đạo, có thành tựu chúng sanh, có tịnh Phật quốc độ, có Phật thị hiện thế gian, có chuyển Pháp Luân, dẫn đến có Phật bảo, có Pháp bỏa, có Tăng bảo.

—o0o—

Bồ Tát thông đạt các pháp “Không”, nên có đầy đủ uy lực; Bồ Tát lại hay thuyết các thiệ pháp, nhằm dạy cho chúng sanh tu hành, dẫn dắt chúng sanh vào Phật đạo.

Ví như vị Thái Tử quyết định sẽ kế vị vua cha, lên ngôi báu. Bồ Tát cũng như vậy, do từ sơ phát tâm, thường chẳng ly Tát Bà Nhã tâm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, nên quyết định sẽ thành Phật đạo. Bồ Tát tu tập như vậy, nên rất xứng đáng được sự cung kính, tôn trọng, cúng dường.

Phật dạy chư Thiên phải nên cung kính, tôn trọng, cúng dường, tán thán chư vị Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật là mẹ của 3 đời chư Phật, nên cung kính, tôn trọng, cúng dường, tán thán chư vị Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật chính là cung kính, tôn trọng, cúng dường, tán thán chư Phật vậy.

Hỏi: Các bậc A La Hán và Bích Chi Phật xứng đáng được sự cúng dường của chúng sanh, xứng đáng là phước điền cho hết thảy chúng sanh. Như vậy, vì sao lại nói phước đức cúng dường vô lượng Thanh Văn và Bích Chi Phật cũng chẳng sao bằng được phước đức cúng dường một vị Bồ Tát sơ phát tâm tu tập Bát Nhã Ba La Mật, trọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm

Đáp: Nên biết, có 3 việc tối tôn, tối trọng chẳng có gì bằng được. Đó là:

– Bồ Tát dụng Tát Bà Nhã tâm, mà tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

– Bồ Tát trọn chẳng ly 6 pháp Ba La Mật.

– Bồ Tát đoạn trừ 3 đường ác, dẫn đến xuất sanh 3 thừa giáo.

Tu tập theo pháp Nhị Thừa, thì chẳng thể nào đoạn trừ được 3 đường ác, dẫn đến chẳng thế nào xuất sanh được 3 thừa giáo.

Bởi vậy, nên nói: Cúng dường vô lượng Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng sao bằng được cúng dường một vị Bồ Tát sơ phát tâm tu tập Bát Nhã Ba La Mật, trọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm.

***

Phẩm thứ ba mươi mốt
Diệt Tránh
(Diệt Trừ Cạnh Tranh)

KINH:

Lúc bấy giờ, ngài Thích Đề Hoàn Nhơn bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Lạ lùng và hy hữu thay! Đại Bồ Tát Bát Nhã Ba La Mật! Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật, mà thọ trì, thân cận, đọc tụng, thuyết giảng, chánh ức niệm, tu tập nên ở hiện đời có được công đức thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ, đi từ quốc độ này đến quốc độ khác để cúng dường chư Phật, mỗi khi muốn cúng dường thì liền được như nguyện; lại được theo Phật, nghe pháp, mãi cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề chẳng bao giờ quên sót. Bồ Tát này cũng thành tựu sanh thai, thành tựu gia đình, thành tựu chỗ sanh, thành tựu quyến thuộc, thành tựu xuất sanh,thành tựu xuất gia, thành tựu tướng trang nghiêm, thành tựu quang minh, thành tựu nhãn nhĩ thông, thành tựu các tam muội, thành tựu các đà la ni.

Bồ Tát này, dùng các lực phương tiện, biến thân như thân Phật đi đến các quốc độ không có Phật, để tán dương 6 pháp Ba La Mật, 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định, 4 niệm xứ… dẫn đến 18 bất cộng pháp, dùng giáo pháp của cả 3 thừa, hoặc Thanh Văn thừa, hoặc Bích Chi Phật thừa, hoặc Phật thừa để tùy nghi độ chúng sanh.

Bạch Thế Tôn! Lạ lùng và hy hữu thay! Thọ trì Bát Nhã Ba La Mật là tổng nhiếp cả 5 Ba La Mật kia, tổng nhiếp 4 niệm xứ… dẫn đến 18 bất cộng pháp, tổng nhiếp 4 quả Thanh Văn, Bích Chi Phật đạo, Phật đạo, và nhất thiết chủng trí.

Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này Kiều Thi Ca! Thọ trì Bát Nhã Ba La Mật là tổng nhiếp 5 Ba La mật kia… dẫn đến nhất thiết chủng trí vậy.

Này Kiều Thi Ca! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào thân cận, đọc tụng, thuyết giảng, chánh ức niệm Bát Nhã Ba La Mật, thì ở hiện đời được vô lượng công đức. Bởi vậy nên ông hãy lắng nghe kỹ.

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Nếu có ngoại đạo Phạm Chí, hoặc Ma vương, Ma dân, hoặc kẻ tăng thượng mạn… mống tâm muốn phá hoại Bồ Tát Bát Nhã Ba La Mật, thì ác tâm ấy liền bị triệt tiêu, khiến kẻ mống tâm chẳng sao hành động được như ý muốn. Vì sao?

– Vì chúng sanh mãi chìm đắm trong đêm dài vô minh, u tối, nên Bồ Tát nguyện hành 6 pháp Ba La Mật để độ thoát họ.

– Vì chúng sanh mãi tham lam, cạnh tranh, nên Bồ Tát nguyện xả nội ngoại vật sở hữu, nhằm an lập họ trong Đàn Ba La Mật.

– Vì chúng sanh mãi phá giới, nên Bồ Tát nguyện xả nội ngoại pháp, nhằm an lập họ trong Thi La Ba La Mật.

– Vì chúng sanh mãi đấu tranh, nên Bồ Tát nguyện xả nội ngoại pháp, nhằm an lập họ trong Sẵn Đề Ba La Mật.

– Vì chúng sanh mãi giải đãi, nên Bồ Tát nguyện xả nội ngoại pháp, nhằm an lập họ trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật.

– Vì chúng sanh mãi loạn tâm, nên Bồ Tát nguyện xả nội pháp, nhằm an lập họ trong Thiền Ba La Mật.

– Vì chúng sanh mãi ngu si, nên Bồ Tát nguyện xả nội ngoại pháp, nhằm an lập họ trong Bát Nhã Ba La Mật.

– Vì chúng sanh mãi bị ái kiến trói buộc, mà cứ phải luân chuyển trong sanh tử, nên Bồ Tát nguyện dùng các lực phương tiện để đoạn trừ ái kiết của chúng sanh, nhằm an lập họ trong 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định, 4 niệm xứ, 8 thánh đạo; an lập họ nơi không tam muội, vô tướng tam muội, vô tác tam muội; an lập họ nơi quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán; an lập họ nơi Bích Chi Phật đạo và Phật đạo.

Này Kiều Thi Ca! Như vậy Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật được công đức ở đời này và cả đời sau, sẽ được Vô Thượng Bồ Đề, sẽ chuyển pháp luân, đầy đủ hạnh nguyện, nhập vào Vô Dư Niết Bàn.

Này Kiều Thi Ca! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào nghe Bát Nhã Ba La Mật, mà thọ trì, thân cận, đọc tụng, thuyết giảng, chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì chỗ ở của người này, các hàng ngoại đạo, các Ma vương, Ma Dân, các kẻ tăng thượng mạn muốn khinh khi, hủy bang, vấn nạn, phá hoại Bát Nhã Ba La Mật, đều chẳng thể nào thành tựu được. Ác tâm của chúng liền bị chuyển hòa hay tiêu diệt, khiến chúng được nghe Bát Nhã Ba La Mật, dần dần vào được 3 thừa đạo, đoạn hết các khổ.

Này Kiều Thi Ca! Ví như thuốc Ma Kỳ có lực đẩy lui được các rắn độc; dù các rắn đó đói lả, muốn đến ăn các côn trùng ở trong vùng có thuốc này, thì cũng chẳng sao đến gần được. Vì thuốc Ma Kỳ có lực chế ngự được các loài rắn độc.

Cũng như vậy, các Thiện Nam, Thiện Nữ nào nghe được Bát Nhã Ba La Mật, rồi thọ trì, thân cận, đọc tụng, thuyết giảng, chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật có oai lực ngăn chặn và tiêu diệt mọi ác tâm, ngay từ khi vừa mống khởi, của những kẻ bị tà kiến che tâm, muốn phá hoại Bát Nhã Ba La Mật. Chẳng những thế lại còn chuyển hóa được họ, khiến họ từ bỏ ác tâm, chịu nghe Bát Nhã Ba La Mật. Do được nghe Bát Nhã Ba La Mật, nên họ liền sanh thiện tâm, tăng ích công đức.

Vì sao?Vì Bát Nhã Ba La Mật có oai lực tiêu trừ hết các bất thiện pháp, các phiền não, các kiết sử làm duyên khởi cho sự đấu tranh.Các tà kiến chấp điên đảo, như ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, đoạn kiến, thường kiến, cấu kiến, tịnh kiến, hữu kiến, vô kiến đều được diệt trừ tận gốc. Xan tham, phạm giới, sân nhuế, giải đãi, loạn ý, vô trí, thường tưởng, tịnh tưởng, dẫn đến các chấp về 5 ấm, chấp 6 pháp Ba La Mật, chấp nhất thiết chủng trí, chấp Niết Bàn… cũng đều bị tiêu trừ. Tát cả các pháp làm duyên khởi cho sự đấu tranh này đều bị Bát Nhã Ba La Mật tiêu trừ, chẳng thể nào tăng trưởng được.

LUẬN:

Bồ Tát nào nghe Bát Nhã Ba La Mật rồi, liền tín thọ, thân cận, đọc tụng, chánh ức niệm, tu tập và vì người khác thuyết giảng, được nhiều công đức ở cả đời này và đời sau. Vì sao? Vì Bồ Tát này nghe Bát Nhã Ba La Mật rồi, liền dùng tín lực để lãnh thọ, dùng niệm lực để gìn giữ nên có được Bát Nhã Ba La Mật rồi, liền dùng tín lực để lãnh thọ, dùng niệm lực đề gìn giữ nên có được Bát Nhã Ba La Mật lực vậy.

Bồ Tát cũng thường thân cận, thường thưa hỏi chư Phật và chư đại Bồ Tát ở khắp 10 phương, nên hiểu rõ được thâm nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát này lại thường thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật cho người khác nghe, vì biết rằng Bát Nhã Ba La Mật quá thậm thâm, vi diệu, cần phải giải nghĩa rõ ràng thì chúng sanh mới được lợi lạc.

Bồ Tát này biết rõ Phật pháp là chẳng thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì), neen đã dùng đại bi tâm, vì chúng sanh mà thuyết pháp nhằm phá các hỷ luận, các tà kiến và đưa chúng sanh vào Phật pháp.

—o0o—

Bồ Tát nương theo Phật lực mà thuyết pháp, nhưng chẳng chấp pháp. Như vậy mới trừ được các điên đảo tà niệm.

Bồ Tát thường trú nơi 4 niệm xứ, ức niệm răng: Muốn được đạo, thì phải xa lìa các lạc thú nơi thế gian. Như vậy gọi là chánh ức niệm.Chánh ức niệm là nguồn gốc của hết thảy các pháp.Người sơ cơ vào đạo, trước hết phải có chánh ức niệm.Thường ở trong chánh ức niệm như vậy mới gọi là tu tập.Tu tập trong chánh ức niệm như vậy thì mới có được nhiều công đưc sở đời này và cả đời sau.

—o0o—

Theo ngài Thích Đề Hoàn Nhơn, thì công đức ở đời này là công đưc được tu tập giáo pháp của cả ba thừa giáo, và công đưc ở đời sau là nhờ nghe Bát Nhã Ba La Mật mà có được Bát Nhã Ba La Mật lực, thâu nhiếp được cả 5 Ba La Mật kia, dẫn đến được Nhất Thiết Chủng Trí.

Phật ấn chứng lời nói của vị Đế Thích, và dạy rằng: Muốn khiến người khác tín thọ Bát Nhã Ba La Mật, thì trước hết phải tự mình nhất tâm, tín thọ và tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

—o0o—

Ngài Thích Đế Hoàn Nhơn đã tín thọ Bát Nhã Ba La Mật, nhưng phàm phu chưa biết rõ Bát Nhã Ba La Mạt là thậm thâm vi diệu, nên Phật vì thương xót chúng sanh, đã phải dùng ngôn ngữ danh tự của thế gian để khai thị, khiến chúng sanh phát khởi được Bồ Đề Tâm mà tín thọ Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao? Vì nếu tín tâm chưa được bền vững, thì có thể bị các ngoại đạo Phạm Chí, các Ma Vương, Ma Dân, các kẻ tăng thượng mạn phá hoại, làm lung lạc tín tâm vậy.

—o0o—

Nên biết Phạm Chí là người xuất gia theo ngoại đạo, thường ái pháp và mang nặng tà kiến chấp. Bởi vậy chẳng thể nào tín thọ được Bát Nhã Ba La Mật, chẳng thể nào vào được nơi thật tướng pahps, Hàng Phạm Chí thường muốn phá hoại tín tâm của người tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Người tăng thượng mạn là người đã tu tập thiền định mà chưa vào được Phật đạo, nhưng tự hào cho mình đã đắc đạo. Khi nghe nói quả Thanh Văn mới chỉ là quả vị thấp, chưa phải là quả vị Vô Tượng, chưa dẫn được vào Vô Dư Niết Bàn, thì sanh tâm buồn tủi, giận dữ, dẫn đến trở thành tăng thượng mạn.

Những người này muốn phá hoại Bát Nhã Ba La Mật, vì họ tự xét chẳng thể nào thật hành được Bồ Tát hạnh, chẳng thể nào chịu cần khổ để giáo hóa chúng sanh, đưa chúng sanh vào Phật đạo như chư vị Bồ tát được. Do vậy mà họ thường khởi lòng đấu tranh. Trái lại, chúng sanh do thủ chấp nội ngoại pháp mà thường khởi đấu tranh.

Bồ Tát tụ tập Bát Nhã Ba La Mật, xả nội ngoại pháp khiến chẳng còn khởi đấu tranh. Trái lại chúng sanh do thủ chấp nội ngoại pháp mà thướng khởi đấu tranh.

Bởi vậy nên Bồ Tát xả nội ngoại pháp, tự an lập trong 6 Ba La Mật, và cũng dạy cho chúng sanh xả nội ngoại pháp, dẫn đến an lập chúng sanh trong 6 Ba La Mật, dạy họ tu tập các thiện pháp, gieo trồng phước đức ở đời này và mãi trong vô lượng kiếp về sau, khiến các chủng tử đấu tranh đều bị tiêu diệt.

Bồ Tát tu tập như vậy, nên dù có gặp các việc đấu tranh, cũng vẫn giữ được tâm an nhiên tự tại, chẳng hề bị ràng buộc. Trái lại, Bồ Tát còn có oai lực nhiếp phục được những kẻ đấu tranh, quay về với thiện tâm, khiến họ tăng ích công đức.

Ví như thuốc Ma Kỳ có oai lực đẩy lui các loài rắn độc, khiến chúng khiếp sợ phải chánh xa.Cũng như vậy, Bát Nhã Ba La Mật có oai lực đẩy lui và hàng phục tất cả những kẻ nào muốn phá hoại người hành Bồ Tát đạo.

Bát Nhã Ba La Mật cũng có thế lực tiêu trừ vô minh, tận diệt các sử phiền não, các tà kiến, tà chấp, lại cũng tiêu diệt hết thảy các ái hành, ái chấp như: ái chấp 5 ấm, ái chấp nội không… dẫn đến ái chấp vô pháp hữu pháp không, ái chấp 4 niệm xứ… dẫn đến ái chấp 18 bất cộng pháp, ái chấp Đàn Ba La Mật,… dẫn đến ái chấp Bát Nhã Ba La Mật, ái chấp nhất thiết chủng trí… dẫn đến ái chấp Niết Bàn.

KINH:

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Trong 3000 đại thiên thế giới, hết thảy chư Thiên thường ủng hộ các Thiện Nam, Thiện Nữ nào hay thọ trì, đọc tụng, cúng dường, thuyết giảng, chánh ức niệm và tu tập Bát Nhã Ba La Mật. Hiện trong khắp 10 phương, chư Phật cũng thường hộ niệm cho các thiện Nam, Thiện Nữ này.

Vì sao?

Vì do các Thiện Nam, Thiện Nữ này tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà các ác pháp bị tiêu trừ, các thiện pháp được tăng ích, sở dĩ các thiện pháp được tăng ích, như Đàn Ba La mật được tăng ích, dẫn đến nhất thiết chủng trí được tăng ích, vì các Thiện Nam, Thiện Nữ này thường dụng tâm vô sở đắc mà tu tập vậy.

Các Thiện Nam, Thiện nữ này nói ra lợi nào cũng được mọi ngừoi tín thọ, được các hàng thân thuộc mến phục, tin yêu.Các Thiện Nam, Thiện Nữ này chẳng nói ra những lời vô ích, chẳng bị xan tham kiêu mạn, tật đố che tâm.

Các Thiện Nam, Thiện Nữ này tự mình chẳng sát sah, dạy người chẳng nên sát sanh, tán thán pháp không sát sanh, hoan hỷ tán thán người không sát sanh, tự mình xa lìa trộm cắp, dạy người chẳng nên trộm cắp, tán thán pháp không trộm cắp, hoan hỷ thán thán người không trộm cắp, tự mình chẳng tà dâm, dạy người chẳng nên tà dâm, tán thán pháp không tà dâm, tự mình chẳng vọng ngữ, tán thán pháp không vọng ngữ, hoan hỷ tán thán người không vọng ngữ. Ở nơi các pháp lưỡng thiệt, ác khẩu và ỷ ngữ cũng là như vậy.

Các Thiện Nam, Thiện Nữ này tự mình chẳng tham, dạy người chẳng nên tham, tán thán pháp không tham, hoan hỷ tán thán người không tham.Ở nơi các pháp sân và si cũng là như vậy.

Các Thiện  Nam, Thiện Nữ này tự mình chẳng khởi tà kiến, dạy người chẳng nên khởi tà kiến, thán thán pháp không tà kiến, và hoan hỷ tán thán người không tà kiến.

Các Thiện Nam, Thiện Nữ này tự mình tu nội không… dẫn đến tu vô pháp hữu pháp không, hoan hỷ tán thán người tu nội không…dẫn đến tu vô pháp hữu pháp không.

Các Thiện Nam, Thiện  Nữ này tự mình tu 6 pháp Ba La Mật, dạy người nên tu 6 pháp Ba La Mật, hoan hỷ tán thán người tu 6 pháp Ba La Mật, hoan hỷ tán thán người tu 6 pháp Ba La Mật.

Các Thiện Nam, Thiện Nữ này tự mình tu các đà la ni và các tam muội, tu 4 thiền, 4 chánh cần, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định, 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi, 8 thánh đạo, tu 3 giải thoát môn (không, vô tướng và vô tác), tu 8 pháp giải thoát, tu 10 lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, đại từ, đại bi, 18 bất cộng pháp; cũng dạy người nên tu các pháp đó, và hoan hỷ tán thán người tu các pháp đó.

Các thiện Nam, Thiện Nữ này tự mình chẳng lầm lẫn các pháp, tự mình xả chấp các pháp, dạy người chẳng nên lầm lẫn các pháp nên xả chấp các pháp,… dẫn đến tự mình được nhất thiết chủng trí, dạy người kahcs tu để được nhất thiết chủng trí, và hoan hỷ tán thán người được nhất thiết chủng trí.

Do dụng tâm vô sở đắc, khi hành 6 pháp Ba La Mật, nên các Thiện Nam, Thiện Nữ này đem các công đức trên đây, cùng với hết thảy chúng sanh, đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề.

Này Kiều Thi Ca! Các Thiện Nam, Thiện Nữ này khi thực hành Bát Nhã Ba La Mật, tự niệm rằng:

Nếu ta chẳng hành bố thí, thì ta sẽ thọ báo bần cùng, sẽ chẳng thành tựu được chúng sanh, chẳng thanh tịnh được Phật độ, dẫn đến chẳng được nhất thiết chủng trí.

Nếu ta chẳng trì giới, thì sẽ thọ báo sanh vào 3 đường ác, chẳng được làm thân người, chẳng thành tựu được chúng sanh, chẳng thanh tịnh được Phật độ, dẫn đến chẳng được nhất thiết chủng trí.

Nếu ta chẳng hành nhẫn nhục, thì ta sẽ chẳng được các căn đầy đủ, chẳng được sắc thân toàn vẹn như Bồ Tát, chẳng thành tựu được chúng sanh, chẳng thanh tịnh được Phật độ, dẫn đến được nhất thiết chủng trí.

Nếu ta giải đãi, thì ta sẽ chẳng hành được Bồ Tát đạo, chẳng thành tựu được chúng sanh, chẳng thanh tịnh được Phật độ, dẫn đến chẳng được nhất thiết chủng trí.

Nếu ta loạn tâm, thì ta chẳng vào được các thiền định, chẳng thành tựu được chúng sanh, chẳng thanh tịnh được Phật độ, dẫn đến chẳng được nhất thiết chủng trí.

Nếu ta vô trí, thì ta sẽ chẳng có được các lực và phương tiện, chẳng có thể thắng được hơn hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, chẳng thành tựu được chúng sanh, chẳng thanh tịnh được Phật độ, dẫn đến chẳng được nhất thiết chủng trí.

Này Kiều Thi Ca! Các Thiện Nam, Thiện Nữ này, khi thật hành Bát Nhã Ba La Mật, lại tự niệm rằng:

Nếu tùy xan tham, thì chẳng được đầy đủ Đàn Ba La Mật.

Nếu tùy phạm giới, thì chẳng được đầy đủ Thi La Ba La Mật.

Nếu tùy sân nhuế, thì chẳng được đầy đủ Sẵn Đề Ba La Mật.

Nếu tùy giải đãi, thì chẳng được dầy đủ Tỳ Lê Gia Ba La Mật.

Nếu tùy loạn tâm, thì chẳng được đầy đủ Thiền Ba La Mật.

Nếu tùy ngu si, thì chẳng được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật.

Nói chung, nếu chẳng đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, thì chẳng thế nào được nhất thiết chủng trí vậy.

Bởi nhân duyên vậy, nên các Thiện Nam, Thiện Nữ nào nghe Bát Nhã Ba La Mật rồi, liền thọ trì, thân cận, đọc tụng, thuyết giảng, chánh ức niệm, trọn chẳng ly Tát Bà Nhã Tâm, mà tu tập, thì được vô lượng công đức ở đời này và cả đời sau vậy.

Ngài Thích Đế Hoàn Nhơn bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hy hữu thay! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, vì hồi hướng về nhất thiết chủng trí, nên chẳng sanh cao tâm.

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Ý ông nghĩ sao, mà nói Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, vì hồi hướng về nhất thiết chủng trí, nên chẳng sanh cao tâm?

Ngài Thích Đề Hoàn Nhơn thưa: Bạch Thế Tôn! Có Bồ Tát hành  Đàn Ba La Mật thế gian mà cho rằng mình đã đầy đủ Đàn Ba La Mật… dẫn đến hành Bát Nhã Ba La Mật thé gian mà cho rằng mình đã đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát này, do chẳng có lực phương tiện, do còn tâm chấp ngã, nên mới sanh cao tâm.

Bạch Thế Tôn! Có Bồ Tát tu 4 niệm xứ thế gian mà cho rằng mình đã đầy đủ 4 niệm xứ…, dẫn đến tu 8 thánh đạo thé gian mà cho rằng mình đã đầy đủ 8 thánh đạo. Bồ Tát này, do chẳng có lực phương tinẹ, do còn tâm chấp ngã, nên mới sanh cao tâm.

Lại có Bồ Tát cho rằng mình đã đầy đủ 18 bất cộng pháp, đã đầy đủ nhất thiết chủng trí, sẽ thành tựu chúng sanh, sẽ thanh tịnh Phật độ. Bồ Tát này, do chẳng có lực phương tiện, do còn tâm chấp ngã, nên mới sanh cao tâm.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát, dụng tâm vô sở đắc, hành Đàn Ba La Mật xuất thế gian, chẳng thấy có người thí, có người thọ, có vật thí và hồi hướng tất cả công đức bố thí về nhất thiết chủng trí, thì chẳng có sanh cao tâm. Vì sao?Vì Bồ Tát biết rõ Đàn Ba La Mật là bất khả đắc.

Bồ Tát cũng dụng tâm vô sở đắc, hành 5 Ba La Mật kia như vậy vì biết rõ 5 Ba La Mật kia cũng đều là bất khả đắc.

Tu 4 niệm xứ,… dẫn đến tu nhất thiết chủng trí cũng đều là như vậy.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy, vì hồi hướng về nhất thiết chủng trí, nên chẳng có sanh cao tâm.

LUẬN:

Hỏi: Trước đây đã nói về các Thiên Ma, Ma Dân, và các hàng phi nhân thường phá hoại các Thiện Nam, Thiện Nữ tu tập Bát Nhã Ba La Mật rồi. Vì sao nay còn nói nữa?

Đáp: Trước đây nói các loài ma thường phá hoại tâm của người hành Bát Nhã Ba La Mật. Nay nói về ác tâm của  các loài ma muốn phá hoại tâm của người hành Bát Nhã Ba La Mật đều bị tiêu diệt ngay khi vừa mống khởi.

Vì sao? Vì do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, nên các bất thiện pháp chẳng sanh, các thiện pháp càng thêm tăng trưởng; do tu tập phước đức trí huệ, nên có được đại oai lực. Bởi vậy nên các loài ma chẳng còn tìm được chỗ tiện để phá hoại nữa.

Lại nữa, Bồ Tát có đại oai đức, nên được chúng sanh tin kính. Bồ tát lại phát đại bi tâm, cứu khổ hết thảy chúng sanh, ái kính Phật đạo, biết rõ niệm sanh, niệm diệt, nên chẳng nói lời vô ích, chỉ nói thật ngữ, khiến các thiện pháp càng thêm tăng trưởng, khiến các kiết sử, phiền não chẳng còn che tâm nữa.

Khi hành đạo, Bồ Tát luôn tự niệm: Nếu ở hiện tiền có khởi niệm bất thiện, thì ở vị lai sẽ phải gặt quả báo bất thiện. Như vậy sẽ làm chướng ngại cho việc tu tập vào Phật đạo.

Dù vẫn còn ở vi tế kiết sử, nhưng Bồ Tát chẳng còn khởi các nghiệp ác ở thân và khẩu, lại cũng chẳng bao giờ còn hành các ác sự đối với chúng sanh nữa.

Nếu Bồ tát có thị hiện thọ sanh vào các nhà hạ tiện, thì đó cũng là thắng duyên để thực hành Bồ Tát đạo.Bởi vậy nên ngay ở hiện đời Bồ Tát vẫn được vô lượng pháp lạc, dẫn đến ở đời vị lai cũng được vô lượng pháp lạc như vậy.

Bồ Tát hành các thiện pháp, tu đầy đủ 37 Phẩm Trợ Đạo, đại từ, đại bi… và cũng dạy cho chúng sanh tu 37 Phẩm trợ đạo, đại từ, đại bi, cùng các thiện hạnh khác.

Bồ Tát được pháp lạc và muốn chúng sanh cũng được pháp lạc như mình,… dẫn đến được nhất thiết chủng trí và muốn chúng sanh cũng được nhất thiết chủng trí.

—o0o—

Trên đây, tổng nhiếp các công đức tu tập 6 pháp Ba La Mật, để làm tác duyên cho hàng Bồ Tát sơ phát tâm, cùng các Thiện Nam, Thiện Nữ tín thọ, thân cận, đọc tụng, thuyết giảng, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, khiến được quả báo công đức ở đời này và cả đời sau.

Vì sao?Vì nếu chưa vào được Bồ Tát đạo, chưa được lậu tận, thì đôi khi vẫn còn khởi niệm xan tham, còn chưa tích cực hành bố thí. Bởi vậy nên Bồ Tát phải thường niệm: Nếu chẳng đầy đủ Đàn Ba La Mật, thì ở hiện đời chẳng có được các công đức, và ở đời sau sẽ bị các duyên nghiệp dẫn sanh vào các  nơi bần cùng, hạ tiện, chịu nhiều khổ đau. Như vậy là tự mình chẳng có được tự tại, lại cũng chẳng làm được lợi ích cho người khác, chẳng thành tựu được chúng sanh, chẳng thanh tịnh được Phật độ.Vì sao?Vì chúng sanh tịnh, thì Phật độ mới tịnh vậy.

Lại nữa, nếu chẳng hành đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, thì chẳng thể được nhất thiết chủng trí.

Trên đây cũng có nêu trường hợp chẳng có được các lực phương tiện.Đó là trường hợp hành 6 pháp Ba La Mật, mà chẳng ly tâm chấp ngã, chẳng ly các pháp tướng.Ví như bố thí mà vẫn còn chấp có người thí, có người thọ và có vật thí.

Bố thí mà còn chấp tâm, chấp tướng như vậy là bố thí chẳng có lực phương tiện.Trái lại, bố thí mà chẳng còn chấp tâm, chẳng còn thủ tướng, là bố thí có lực phương tiện.

Nói chung, nếu thi hành 6 pháp Ba La Mật, mà vẫn còn tâm chấp ngã, còn thủ các pháp tướng, thì chẳng sao vào được Phật đạo. Do vậy, mà các loài ma mới có thể phá hoại được.

Hỏi: Nếu Ba La Mật thế gian chẳng phải là chánh pháp, thì Phật đề cập đến để làm gì?

Đáp: Ba La Mật thế gian là bước đầu dẫn vào chánh đạo, Trước phải hành “tương tợ pháp”, rồi sau mới vào được “chánh đạo giải thoát” vậy.

(Hết Quyển 56)