LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP III
QUYỂN 42

Phẩm thứ chín
Tập Tán
(Họp Tan)

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngã bất đắc, bất giác (chẳng được, chẳng biết), nên sự việc Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật là bất khả đắc (chẳng thể có được). Như vậy, làm sao có thể nói Bát Nhã Ba La Mật cho Bồ Tát nghe được?

Bạch Thế Tôn! Ngã bất đắc nên hết thảy các pháp tập tán đều là bất khả đắc. Nếu y theo danh tự Bồ Tát mà gọi đó là Bồ Tát, thì như vậy có phải hối chăng?

Bạch Thế Tôn! Danh tự là chẳng trú, cũng chẳng phải chẳng trú. Vì sao? Vì danh tự là vô sở hữu (chẳng có) vậy. Cho nên nói danh tự là chẳng trú, cũng chẳng phải chẳng trú, vì là vô sở hữu.

Bạch Thế Tôn! Ngã bất đắc nên sắc tập tán,…, dẫn đến thức tập tán đều là bất khả đắc. Như vậylàm sao mà lập ra danh tự được? Cho nên nói danh tự chẳng trú, cũng chẳng phải chẳng trú, vì là vô sở hữu.

Bạch Thế Tôn! Ngã bất đắc nên sắc tập tán, dẫn đến pháp tập tán, nhãn tập tán,…, dẫn đến ý tập tán, nhãn thức tập tán…dẫn đến ý thức tập tán, nhãn xúc tập tán…dẫn đến ý xúc tập tán, nhãn xúc nhân duyên sanh thọ tập tán,…, dẫn đến ý xúc nhân duyên sanh thọ tập tán, vô minh tập tán… dẫn đến lão tử tập tán đều là bất khả đắc cả Như vậy làm sao mà lập ra danh tự được? Cho nên nói danh tự chẳng trú, cũng chẳng phải chẳng trú, vì là vô sở hữu.

Bạch Thế Tôn! Ngã bất đắc, nên tham, sân, si tập tán, các phiền não tập tán Đều là bất khả đắc cả. Ngã bất đắc nên sáu pháp Ba La Mật tập tán, bốn niệm xứ tập tán…dẫn đến tám thánh đạo tập tán, không, vô tướng, vô tác tập tán, bốn thiền, bốn vô lượng tâm, bốn vô sắc định tập tán, niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm xả, niệm thiên, niệm hơi thở ra vào, niệm thân, niệm chết tập tán, mười Phật lực tập tán… dẫn đến mười tám bất cộng pháp tập tán Đều là bất khả đắc cả. Như vậy làm sao mà lập ra danh tự được? Cho nên nói danh tự chẳng trú, cũng chẳng phải chẳng trú, vì là vô sở hữu.

Bạch Thế Tôn! Ngã bất đắc nên năm ấm như mộng, như ảnh, như hưởng, như diệm, như hóa tập tán đều là bất khả đắc cả. Ngã bất đắc nên ly, tịch diệt, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh…tập tán đều là bất khả đắc cả. Ngã bất đắc nên như pháp tánh thật tế, pháp tướng, pháp vị tập tán Đều là bất khả đắc cả. Ngã bất đắc nên thiện pháp tập tán, bất thiện pháp tập tán, hữu vi pháp tập tán, vô vi pháp tập tán, hữu lậu pháp tập tán, vô lậu pháp tập tán, quá khử tập tán, hiện tại tập tán, vị lai tập tán cũng đều là bất khả đắc cả. Lại nữa, phi quá khứ tập tán, phi hiện tại tập tán, phi vị lai tập tán cũng đều là bất khả đắc cả. Đây chính là nghĩa vô vi pháp vậy.

Bạch Thế Tôn! Ngã bất đắc nên vô vi pháp tập tán cũng là bất khả đắc. Ngã bất đắc nên chư Phật tập tán, chư Bồ Tát tập tán, chưThanh Văn tập tán cũng đều là bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Nếu chư Phật tập tán, chư Bồ Tát tập tán chư Thanh Văn tập tán đều bất khả đắc cả, thì làm sao con có thể giáo hóa Bồ Tát về Bát Nhã Ba La Mật được?

Bạch Thế Tôn! Danh tự Bồ Tát chẳng trú, cũng chẳng phải chẳng trú. Như vậy làm sao con có thể dùng danh tự Bồ Tát mà nói đó là Bồ Tát được?

Bạch Thế Tôn! ở nơi thật tướng pháp, đanh tự Bồ Tát chẳng trú, cũng chẳng phải chẳng trú. Vì sao? Vì danh tự là vô sở hữu.

Vì danh tự là vô sở hữu nên chẳng trú, mà cũng chẳng phải chẳng trú vậy.

LUẬN

Hỏi: Trước đây đã nói rằng, Bồ Tát cũng như danh tự Bồ Tát chẳng thấy ở trong, chẳng thấy ở ngoài, chẳng thấy ở chặng giữa. Nay vì sao còn hỏi nữa?

Đáp: Trước đây đã nói về bốn  thứ ái nhiễm là:

– Ái dục – Ái hữu – Ái phi hữu – Ái pháp.

– Ái dục rất dễ thấy, vì là bất tịnh.

– Ái hữu cũng bất tịnh. Có thể dùng phi hữu để phá ái hữu.

– Ái phi hữu vi tế hơn, nên rất khó trừ.

– Ái pháp là ái các thiện pháp, có lợi ích cho việc tu đạo. Tuy nhiên, ái pháp cũng dẫn đến những lỗi lầm rất khó thấy, nên phải nói lại cho rõ hơn.

Ví như cỏ cũng như những loài cây nhỏ rất dễ trừ diệt, còn các cây lớn thì rất khó có thể loại trừ đến tận gốc rễ.

Cũng như vậy, ái pháp có những lỗilầm rất khó thấy,rất khó biết nên người tu rất khó đạt đến chỗ bất giác,bất đắc (chỗ chẳng biết, chẳng được ) vậy.

Trước đây, đã nói về các pháp có đồng, có khác, đã nói về danh tự Bồ Tát là bất kiến (chẳng thấy). Nay nói về danh tự Bồ Tát là bất giác, bất đắc (chẳng biết, chẳng được).

Nên biết, vì chẳng biết, chẳng được nên là chẳng thấy vậy.

Hỏi: Khi chưa có pháp Bát Nhã Ba La Mật, thì cũng đã có Bồ Tát rồi. Sao lại nói Bồ Tát phải hành Bát Nhã BaLa Mật?

Đáp: Từ vô thỉ đến nay, chúng sanh vốn là bất khả đắc.

Phàm phu, do chẳng hành Bát Nhã Ba La Mật, nên chẳng biết rõ chúng sanh là bất khả đắc, mà chỉ hư vọng điên đảo chấp lấy giả danh, cho chúng sanh là thật có. Người hành Bát Nhã Ba La Mật diệt được các chấp điên đảo ấy, nên biết rõ chúng sanh vốn là bất khả đắc. Thế nhưng, nếu ở nơi vô sở hữu, mà dấy niệm chấp, đó chỉ là không trơn thì sẽ bị rơi về đoạn diệt

–oOo–

Ở đoạn kinh trên đây, ngài Tu Bồ Đề đã đề cập đến tâm hối, nhằm giúp chúng sanh phá được vọng ngữ.

Sở dĩ ngài sợ chúng sanh phạm giới vọng ngữ, vì các pháp đều là vô ngã, mà Phật lại bảo ngài nói Bát Nhã Ba La Mật cho hàng Bồ Tát nghe.

Lại nữa, trong kinh có dạy rằng các pháp hữu vi do duyên hòa hợp sanh, và cũng theo duyên diệt. Như vậy là có tập, có tán. Nay ngài nói các pháp đều là bất khả đắc,đều là không, đều chẳng có tập tán, nên ngài sợ chúng sanh phạm vọng ngữ vậy.

Ví như:

– Lúa từ các đồng ruộng được đưa vào các kho lẫm cất giữ. Như vậy là tập. Rồi từ các kho lẫm, lứa lại được đem phân phối đến các nhà dân. Như vậy là tán.

Nhãn căn duyên nhãn trần sanh ra nhãn thức. Rồi nhãn căn, nhãn trần và nhãn thức hòa hợp sanh ra nhãnxúc. Nhãn xúc duyên khởi sanh ra thọ, tưởng, hành và thức. Nếu ở nơi tà ức niệm, thì thọ, tưởng, hành, thức sẽ dẫn sanh phiền não nghiệp tội, nếu ở nơi chánh ức niệm, thì sẽ sanh các thiện pháp.

Thiện nghiệp cũng như ác nghiệp đều dẫn dắt chúng sanh vào sáu đường quả báo. Như vậy gọi là tập.

Khi các thức và các niệm đều diệt, thì các nhân duyên ly tán. Như vậy gọi là tán.

Chúng sanh duyên theo các pháp hữu vi nên chấp có tập, có tán, mà chẳng biết rằng các thức cũng như hết thảy các pháp, khi sanh chẳng từ đâu đến, khi diệt cũng chẳng đi về đâu.

Do các pháp khi sanh chẳng từ đâu đến, khi diệt chẳng đi về đâu, nên các pháp tập tán Đều là bất khả đắc cả.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói các pháp đều như mộng, như huyễn…chỉ do các căn nhận lầm, mà tưởng là có vậy thôi.

Hỏi: Có tướng tập tán. Sao ngài Tu Bồ Đề lại nói là bất giác, bất đắc (chẳng biết, chẳng được)?

Đáp: Từ chỗ chẳng từ đâu đến (vô lai) mà tập, là bất khả đắc vậy. Lại từ chỗ chẳng đi về đâu (vô khứ) mà tán, là bất khả đắc vậy.

Lại nữa, pháp sanh là không, nên tập bất khả đắc, pháp diệt cũng là không, nên tán cũng bất khả đắc, nghiệp rốt ráo không, nên tập bất khả dắc, nghiệpnhân duyên rốt ráo chẳng mất, nên tán cũng bất khả đắc, quán thế gian diệt đế nên tập bất khả đắc, quán thế gian tập đế, nên tán bất khả đắc.

Tóm lại, y theo các nghĩa nêu trên đây, thì tập và tán Đều là bất khả đắc cả.

Hỏi: Nếu nói tập tán Đều bất khả đắc, thì vìsao còn gượng lập ra danh tự Bồ Tát làm gì?

Đáp: Như trong kinh đã nói, danh tự tuy chẳng trú, mà cũng chẳng phải chẳng trú.

Hỏi: Vì sao nói danh tự chẳng trú?

Đáp: Vì danh tự trú ở nơi pháp, mà pháp là “không”, nên nói danh tự chẳng có chỗ trú, là vô sở trú vậy.

Ví như: thùng xe, mui xe, cần xe, bánh xe, căm xe, trục xe…nếu được ráp lại với nhau theo đúng kỹ thuật thì tạo thành một tổng thể mang tên gọi Ịà “xe”. Nếu các thành phần ly tán thì xe chẳng còn nữa. Như vậy, danh tự xe chẳng có trú ở nơi bất cứ thành phần nào cả. Danh tự xe cũng là một, mà cũng là khác. Nếu y nơi đó mà tìm cầu xe, thì chẳng thể được vậy. Xe đã là bất khả đắc, thì danh tự xe chẳng có chỗ trú.

Các nhân duyên khi tập là không thì các nhân duyên khi tán cũng là không.

Chúng sanh cũng là như vậy. Do năm ấm hòa hợp mà có chúng sanh, có danh tự chúng sanh. Khi năm ấm tan rã, thì danh tự chúng sanh chẳng còn có chỗ trú. Bởi vậy nên biết rằng khi năm ấm ly tán thì chằng còn có chứng sanh và danh tự chúng sanh nữa. Hơn nữa, năm ấm vốn là không nên chẳng có thể có được chúng sanh và danh tự chúng sanh vậy.

Hỏi: Khi ly tán, thì danh tự là bất khả đắc, còn khi hòa hợp, chưa ly tán thì có danh tự. Như vậy, vì sao lại nói khi tập cũng như khi tán, danh tự đều là bất khả đắc cả?

Đáp: Danh tự Bồ Tát chỉ là một pháp, năm ấm là năm pháp. Nên biết một chẳng phải là năm, thì ngược lại năm cũng chẳng phải là một. Danh tự Bồ Tát chẳng phải là năm ấm, mà cũng chẳng phải là một trong năm ấm.

Ví như, nếu nói Bồ Tát là sắc, thì bốn ấm kia đều là bất khả đắc cả. Còn nếu nói Bồ Tát là sắc, và đổng thời cũng là bốn ấm kia, thì hóa ra năm là một rồi vậy. Lại nữa, nếu xét riêng, thì một ấm đã có dụng đầy đủ rồi, thì bốn ấm kia ắt chẳng có dụng gì riêng cả.

Như vậy là danh tự Bồ Tát chẳng trú ở nơi năm ấm, mà cũng chẳng phải chẳng trú ở nơi năm ấm vậy. Các nhân duyên hòa hợp ra danh tự Bồ Tát đã là không, thì danh tự Bồ Tát, khi tập cũng như khi tán Đều là bất khả đắc cả.

–oOo–

Lại nữa, danh tự Bồ Tát chẳng phải là Bồ Tát, cũng ví như danh tự lửa chẳng phải là lửa.

Ai cũng biết rằng lửa đốt cháy được các vật. Thế nhưng nếu ta chỉ nói suông danh tự lửa, thì miệng của ta chẳng thể bị đốt cháy được. Vì sao? Vì khi nói đến lửa, ta chỉ mới sanh tưởng về lửa, chẳng phải là đã có lửa. Danh tự lửa chẳng phải là lửa vậy.

–oOo–

Lại nữa, tên của các sự, các vật ở quanh ta được đặt ra từ thuở xa xưa, truyền từ đời này sang đời khác, được nhiều người nhắc nhở quá nhiều lần, nên trở thành quá quen thuộc. Ví như chỉ nghe nói đến nước, là ta đã có thể hình dung được trạng thái, tính chất, công dụng của chất lỏng ấy rồi.

Bởi vậy nên nói danh tự chẳng trú cũng chẳng phải chẳng trú.

Ngài Tu Bồ Đề nói lên các nhân duyên hòa hợp sanh ra danh tự Đều là không, đều là vô sở hữu, nên danh tự là chẳng phải trú, cũng chẳng phải chẳng trú. Danh tự, khi tập cũng như khi tán Đều là bất khả đắc cả.

Nói tóm lại, Bồ Tát, danh tự Bồ Tát, năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới…cùng hết thảy các pháp cũng đều như vậy cả.

Hỏi: Nói năm ấm tập tán bất khả đắc là đủ rồi. Sao còn nói thêm năm ấm như mộng, như ảnh…tập tán đều là bất khả đắc nữa?

Đáp: Trước nói năm  ấm tập tán bất khả đắc, nay nói thêm năm ấm như mộng, như ảnh…tập tán bất khả đắc để tận trừ các chấp về năm ấm vậy.

Lại nữa, có người nghĩ rằng năm ấm nơi phàm phu mới là hư vọng, như mộng, như huyễn,…. còn năm ấm nơi các bậc Thánh chẳng phải hư vọng. Bởi nhân duyên vậy, nên ngài Tu Bồ Đề phải nói rõ rằng năm ấm nơi phàm phu cũng như nơi các bậc Thánh cũng đều là hư vọng, là như mộng, như ảnh, như hưởng, như diệm, như hóa.

Hỏi: Phật dạy mười dụ, sao ở’ nơi đây chỉ nêu có năm dụ thôi?

Đáp: Tùy theo tâm chúng sanh mà nói pháp, có khi phải cần nói rộng, có khi cần nói lược.

Ở trong trường hợp này chỉ cần nêu lên năm dụ là đủ rồi, chẳng có cần thiết nêu lên đầy đủ cả mười dụ.

Hỏi: Ly, tịch diệt, bất sanh, bất diệt…nêu ở đoạn kinh trên đây mang ý nghĩa gì?

Đáp: Có hai trường hợp ly tán. Đó là:

  1. Thân ly tán.
  2. Tâm ly tán.

Thân ly tán là nói về trường hợp xa lìa nhà cửa, ruộng vườn, xa lìa người thân thích, để xuất gia, cầu đạo.

Tâm ly tán là nói về trường hợp xa lìa các kiết sử, phiền não.

Người tu hành phải thành tựu cả thân ly tán vả tâm lytán.

–oOo–

Lại có hai pháp ly nữa. Đó là:

  1. Ly danh tự.
  2. Ly tự tướng.

Khi nói ly danh tự là nhằm phá danh tướng. Khi nói ly tự tướng là nhằm phá pháp tướng.

–oOo–

Pháp Tiểu Thừa thưởng nói đến hai pháp ly. Đó là hai pháp tịch diệt:

– Thuần thiện tịch diệt tướng (sạch hết các ác sự).

– Như Niết Bàn tịch diệt tướng.

–oOo–

Ở trong thế gian cũng nói đến các pháp ly, dạy người lìa ác, tu thiện.

Pháp tịch diệt thứ hai nêu trên đây là pháp bất sanh. Pháp này lại được chia thảnh hai pháp nữa. Đó là:

– Các pháp vô vi ở vị lai là bất sanh.

– Hết thảy pháp đều là tướng vô sanh, vì sanh là bất khả đắc.

Về bất diệt cũng có ba pháp. Đó là:

  1. Trí duyên diệt.
  2. Phi trí duyên diệt.
  3. Vô Thường diệt

Nói chung quán bất sanh, bất diệt là quán các hành xứ diệt, các ngôn ngữ đoạn. Như vậy là chẳng còn trú vào pháp nào để lầm y chỉ nữa cả.

Các pháp tướng là như vậy. Dù thường, dù vô thường, dù cấu, dù tịnh cũng đều là pháp tánh, là thật tế, là pháp tướng, là pháp vị, là pháp như, theo như nghĩa đã nói trước đây.

Hỏi: Năm ấm pháp có tập, có tán. Vì sao nay lại nói năm ấm pháp chẳng có tập, chẳng có tán, là như pháp tánh thật tế? Nói như vậy thì trước và sau có gì trái nhau chăng?

Đáp: Người tu hành, khi đã vào được Như Pháp Tánh bình đẳng rồi, thì chẳng còn có tập, nghĩa là chẳng còn chứa nhóm nữa. Tập đã chẳng còn, thì tán cũng chẳng có vậy.

Nếu chẳng có tập, chẳng có tán thì ví như hư không. Khi đóng cửa lại thì gọi là tập, khi mở cửa ra, thì gọi là tán. Thế nhưng, khi tập cũng như khi tán, hư không vẫn trước sau chẳng có gì sai khác. Hết thảy các pháp, dẫn đến chư Phật  khắp trong mười phương cũng đều như vậy, đều chẳng có y chỉ, đều chẳng trú mà cũng chẳng phải chẳng trú vậy.

KINH:

Bạch Thế Tôn! Các pháp do duyên hòa hợp mà giả danh thi thiết. Ở nơi năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới…dẫn dến ở nơi mười tám bất cộng pháp thì danh tự là bất khả thuyết (chẳng thể nói ra được), ở nơi hết thảy các pháp hòa hợp, cũng đều là bất khả thuyết.

Bạch Thế Tôn! Các pháp ví như mộng, như ảnh, như hưởng, như diệm, như hóa, nên đều là bất khả thuyết.

Ví như các danh tự hư không, địa, thủy, hỏa, phong v.v…cũng từ nơi pháp không mà được thi thiết ra; các danh tự tam muội, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến cũng đều từ nơi pháp không mà được thi thiết ra. Các danh tự Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật cũng đều từ nơi pháp không mà được thi thiết ra, dẫn đến danh tự Phật, danh tự pháp cũng Đều từ nơi pháp không, mà được thi thiết ra. Tất cả các niệm về thiện, bất thiện, thường, vô thường, khổ, lạc, ngã, vô ngã, tịch diệt, như như, hữu, vô v.v…cũng đều như vậy cả.

Bạch ThếTôn! Con y theo nghĩa đó nên con sanh tâm hối. Nếu hết thảy các pháp tướng tập tán đều bất khả đắc, thì làm sao con có thể dùng danh tự Bồ Tát để gọi đó là Bồ Tát được.

Bạch Thế Tôn! Danh tự chẳng trú cũng chẳng phải chẳng trú, vì là vô sở hữu.

Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát nào nghe nói về tướng và nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật như vậy mà tâm chẳng trầm một, chẳng hối tiếc, chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ, thì phải biết Bồ Tát ấyquyết định đã an trú nơi bất thối chuyển địa, đã an trú nơi tánh không, an trú nơi pháp không rồi vậy.

LUẬN:

Trước đây nói đến chẳng đi, chẳng đến, chẳng trú, chẳng phải chẳng trú là nhằm phá danh tự Bồ Tát.

Nay nói chẳng có pháp có thể thuyết ra được (vô pháp khả thuyết), nhằm chỉ rõ rằng Bồ Tát chẳng phải năm ấm, năm ấm chẳng phải Bồ Tát, nơi Bồ Tát chẳng có năm ấm; nơi năm ấm chẳng có Bồ Tát, Bồ Tát chẳng thuộc về năm ấm, năm ấm chẳng thuộc về Bồ Tát, ly Bồ Tát chẳng có năm ấm, ly năm ấm chẳng có Bồ Tát.

Như vậy, danh tự Bồ Tát là không, là bất khả đắc. Dẫn đến mười tám bất cộng pháp cũng đều là như vậy, đều là hư vọng giống như cảnh tượng thấy trong mộng.

Tuy nhiên, chẳng nên nói là cảnh mộng, chẳng có pháp tướng. Vì sao? Vì năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới cũng là hư vọng, là như huyễn, chỉ có ở nơi tâm, chỉ là cảnh mộng vậy. Do các giác quan của chúng sanh bị mê lầm, khiến chẳng biết được rằng hư không cùng hết thảy các pháp đều là một tướng (nhất tướng), đều chẳngcó tướng (vô tướng). Do mê lầm mà chấp rằng hư không và sắc trái nhau, chấp hư không chẳng phảilà sắc, chấp sắc chẳng phải là hư không, dẫn đến chấp sắc tịnh xứ chẳng phảilà hư không. Nên biết, nếu xét rốt ráo thì chẳng có một pháp nào riêng rẽ cả.

Tướng của các pháp tập tán cũng như tướng của hư không: Tướng của thân nghiệp tập tán cũng như tướng của hư không. Hết thảy các pháp tướng đều chỉ là một tướng (nhất tướng), đều là chẳng có tướng (vô tướng)Mà đã là chẳng có tướng (vô tướng) thì ắt phải là chẳng có pháp (vô pháp). Bởi vậy nên nói hư không chỉ là danh tự, Bồ Tát chỉ là danh tự, hết thảy các pháp cũng chỉ là danh tự.

Hỏi: Nói mộng và hư không chỉ là danh tự còn có thểchấp nhận được. Còn như địa, thủy, hỏa, phong v.v… là thật có, sao cũng nói các pháp ấy đều là danh tự.

Đáp: Người vô trínói địa, thủy, hỏa, phong…là thậtcó, nhưng các bậc Thánh biết rõ các pháp ấy chỉlà giả hợp, giả thi thiết. Ví như đứa trẻ thấy bóng mình trong gương cho là thật có, còn người lớn biết bóng là chẳng thật có. Lại ví như phàm phu dùng nhục nhãn thấy các hạt bụi nhở hòa hợp kết lại thành đất, còn các bậc Thánh biết rõ rõ các hạt vi trần dù nhỏ đến đâu, cũng vẫn chia chẻ được, cũng chỉ là pháp hòa hợp. Cho nên nói vi trần cũng là bất khả đắc.

Lại nữa, nếu nói đất là thật có, thi vì sao người tu, khi quán lửa, thấy cảnh vật chung quanh mình toàn là lửa cả.

Phật dạy: Hết thảy các pháp đều là không, đều là hưvọng.

Nên biết bốn Đại đều là hư vọng thì nghiệp báo thân do đại hòa hợp tạo thành cũng là hư vọng, là như huyễn, dù khi trì tịnh giới trái với Khi bị nghiệp dẫn. Vì sao? Vì hết thảy pháp đều vốn là không, thi các nhân duyên để được thành đạo quả cũng là như vậy.

Bởi vậy nên biết rằng danh tự Bồ Tát tuy là thiện pháp nhưng vì ở trong pháp không, nên cũng chẳng gọi là thiện pháp, vì cũng là không, nên là bất khả đắc.

Dẫn đến chẳng có pháp nào được gọi là Hữu, là Võ,là Tập, là Tán. Vì sao? Vì hết thảy các pháp đều là không, là bất khả đắc.

KINH:

Bạch Thế Tôn! Nếu tưởng của các pháp là không,thì làm sao có pháp gọi là bốn niệm xứ…dẫn đến có pháp gọi là mười tám bất cộng pháp được?

Bạch Thế Tôn! Ly không chẳng có bốn niệm xứ,… dẫn đến chẳng có mười tám bất cộng pháp. Vì sao? Vì bốn niệm xứ tức là không, và không tức là bốn niệm xứ…dẫn đến mười tám bất cộng pháp tức là không, và không tức là mười tám bất cộng pháp.

Bởi vậy nên Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mậtchẳng nên trú trong bốn niệm xứ…dẫn đến chẳng nên trú trong mười tám bất cộng pháp.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng nên trú trong sáu pháp Ba La Mật. Vì sao? Vì tướng của sáu Ba La Mật là không. Ly không chẳng có sáu Ba La Mật. Sáu Ba La Mật tức là không, và không tức là sáu Ba La Mật.

Bởi vậy nên Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng nên trú trong sáu pháp Ba La Mật.

LUẬN:

Ở đoạn kinh trên đây, ngài Tu Bồ để thuyết về Bát Nhã Ba La Mật. Tuy ngài có thuyết mà chẳng có thuyết. Nhưng cũng vì hàng Bồ Tát mà ngài thật có thuyết vậy.

Ngài Tu Bồ để đã dùng pháp môn “bất trú” để vì hàng Bồ Tát thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật. Ngài nói thẳng rằng Bát Nhã Ba La Mật chỉ là danh tự. Thế nhưng phải tu quán tương ứng với Tập, Hiệp, Trú, Nhập, mới gọi là thật hành Bát Nhã Ba La Mật.

Người độn căn thiểu trí chỉ chấp vào danh tự, ngữ ngôn, mà chẳng sao thấu rõ được điệu lý của kinh. Đối với hạng người này phải nên dạy cho họ tu theo lối đọc tụng, thọ trì, chánh ức niệm, tư duy, trù lượng, phân biệt, mới khiến họ phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.

Người sơ cơ phải tập quán các. pháp rõ ràng như nhìn các vật dưới ánh sáng mặt trời. Do tiệm tu nên gọi là Tập. Khi đã cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng thì gọi là Hiệp. Khi đã tùy thuận Bát Nhã Ba La Mật thì gọi là Trú. Khi đã tương ưng thông suốt rồi, mới nhập vào Bát Nhã Ba La Mật được, nên gọi là Nhập.

Được như vậy rồi mới có thể thuyết Bát Nhã Ba La Mật cho hàng Bồ Tát nghe mà chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ.

Lúc bấy giờ mới thật sự trú nơi bất thối chuyển địa. Vì sao? Vi chẳng còn trú nơi pháp mà trú nơi tánh không, nơi pháp khống vậy.

Bồ Tát dù chưa được Vô Sanh Pháp Nhẫn, chưa được Phật thọ ký, mà nếu đã được đầy đủ phước đức trí huệ, thì cũng vào được rốt ráo không. Như vậy cũng được gọi là trú trong tánh bất thối chuyển, có được trí phần Bát Nhã vậy. Ví như đứa bé sinh trong gia đình quyền quý, dù chưa thành sự nghiệp mà cũng đã được người khác tôn quý vậy,

KINH:

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng nên trú trong sắc…,dẫn đến chẳng nên trú trong thức, chẳng nên trú trong sắc…,dẫn đến chẳng nên trú trong pháp, chẳng nên trú trong nhãn…., dẫn đến chẳng nên trú trong ý, chẳng nên trú trong nhãn thức…., dẫn đến chẳng nên trú trong ý thức, chẳng nên trú trong nhãn xúc…., dẫn đến chẳng nên trú trong ý xúc, chẳng nên trú trong nhãn xúc nhân duyên sanh thọ…., dẫn đến chẳng nên trú trong ý xúc nhân duyên sanh thọ, chẳng nên trú trong địa, thủy, hỏa,phong, chẳng nên trú trong vô minh dẫn đến chẳng trú trong lão tử.Vì sao? Vì sắc và sắc tướng đều là không dẫn đến thức và thức tướng đều là không.

Bạch Thế Tôn! sắc không thì chẳng thể gọi là sắc, mà ly không lại cũng chẳng có sắc. Vì sao? Vì sắc tức là không và không tức là sắc.

Thọ, tưởng, hành, thức không, thì chẳng thể gọi là thọ, tưởng, hành, thức được, mà ly không lại cũng chẳng có thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì thọ, tưởng, hành, thức tức là không, và không cũng tức là thọ, tưởng, hành, thức.

Dẫn đến lão tử và lão tử tướng đều là không. Lão tử không thì chẳng thể gọi là lão tử, mà ly không lại cũng chẳng có lão tử. Vì sao? Vì lão tử tức là không, và không cũng tức là lão tử.

Bạch Thế Tôn! Bởi vậy nên Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng nên trú trong sắc,…,dẫn đến chẳng nên trú trong lão tử.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng nên trú trong bốn niệm xứ,…,dẫn đến chẳng nên trú trong mười tám bất cộng pháp. Vì sao? Vì bốn niệm xứ và bốn niệm xứ tướng đều là không…,dẫn đến mười tám bất cộng pháp và mười tám bất cộng pháp tướng đều là không.

Bạch Thê Tôn! Bốn niệm xứ,…dẫn đến mười tám bất cộng pháp đều là không thì chẳng nên phân biệt, chẳng nên thủ tướng.

Bồ Tát phải thường hành, thường niệm, chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật mới gọi là học Nhã Ba La Mật. Lại còn phải tu học các phương tiện quán, để biết rõ các pháp là thị hay là phi, là đắc hay là thất. Như vậy mới gọi là chánh tư duy. Bồ Tát học và tư duy như vậy là cùng với tâm thiền định cộng hành, mới gọi là tu Bát Nhã Ba La Mật đạo.

Bồ Tát tu học như vậy là chẳng phải trú, mà cũng chẳng phải chẳng trú. Đây chính là nghĩa “trú nơi bất trú” vậy.

LUẬN:

Hỏi: Trước đây đã nóì các pháp đều là không, là bất khả đắc rồi. Nay vì sao còn nói chẳng nên trú trong các pháp nữa?

Đáp: Trước đây nói về tâm khởi trừ được pháp ái, nên nói các pháp đều là không, là bất khả đắc. Nay nói về vô tướng tam muội, nhằm đoạn trừ tận gốc pháp ái nên nói chẳng nên trú trong các pháp. Vì sao? Vì vào trong tam muội này thì chẳng còn chấp trước các pháp, mà cũng chẳng vào diệt định.

Bồ Tát có trí huệ chẳng thể nghĩ bàn, nên dù chẳng có thủ hết thảy các pháp tướng mà vẫn hành Bồ Tát đạo.

Ví như chim bay giữa hư không, chẳng y vào đâu cả mà vẫn bay vút lên không trung. Bồ Tát cũng như vậy, chẳng trú nơi bất cứ một pháp nào mà vẫn hành đạo viên mãn.

Hỏi: Khi gặp duyên thì tâm khởi. Như vậy vì sao nói Bồ Tát chẳng trú trong các pháp, mà cũng chẳng vào diệt định?

Đáp: Như lời ngài Tu Bồ Đề nói ở đoạn kinh trên đây: Sắc và sắc tướng đều là không, sắc không thì chẳng thể gọi là sắc, mà ly không lại cũng chẳng có sắc. Sắc tức là không, và không cũng tức là sắc v.v…

Bởi vậy nên Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng trú trong sắc dẫn đến chẳng trú trong Bát Nhã BaLa Mật, vì hết thảy các pháp đều là không, là vô sở trú vậy.

KINH:

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng nên trú trong nhất tự môn, trong nhị tự môn,…, dẫn đến chẳng nên trú trong vô lượng tự môn. Vì sao? Vì danh tự là tự tướng không. Ly không chẳng có danh tự. Danh tự tức là không, và không tức là danh tự.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thật hãnh Bát Nhã Ba La Mật chẳng nên trú trong các thần thông. Vì sao? Vì thần thông là tự tưởng không. Ly không chẳng có thần thông. Thần thông tức là không, và không tức là thần thông.

LUẬN:

Có hai hạng Bồ Tát. Đó là:

  1. Hạng Bồ Tát tu tập thiền địn
  2. Hạng Bồ Tát đọc tụng kinh điển.

Có Bồ Tát do đọc tụng kinh điển mà sanh được các thần thông, vào được các tự môn

–oOo–

Có tự môn gồm một tự (nhất tự môn), có tự môn gồm hai tự (nhị tự môn)…..dẫn đến có tự môn gồm vô lượng tự (vô lượng tự môn).

Ví dụ như: Phù, có nghĩa là đất, thuộc về nhất tựmôn.

Xà Lam, có nghĩa là nước, thuộc về nhị tự môn.

–oOo–

Khi Bồ Tát nghe được một tự môn, thì liền vào ngay được trong thật tướng pháp.

Ví dụ như: Nghe tự môn “A” là liền biết hết thảy các pháp vốn là vô sanh.

Nghe tự môn “Đầu Khư” là liền biết hết thảy các pháp đều là khổ. Do vậy mà liền sanh tâm đại bi

Nghe tự môn “A Na Tra” là liền biết hết thảy các pháp đều là vô tướng. Do vậy mà liền vào được Thánh đạo.

–oOo–

Bồ Tát vào các đà la ni môn, đắc các thần thông mà chẳng có trú trong các pháp ấy. Vì sao? Vì Bồ Tát biết rõ hết thảy các pháp đều là rốt ráo không vậy.

KINH:

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật biết rõ sắc là vô thường, là khổ, là vô ngã, là tịch diệt chẳng nên trú,…,dẫn đến biết rõ thức là vô thường, là khổ, là vô ngã, là tịch diệt chẳng nên trú. Vì sao? Vì vô thường, khổ, vô ngã, tịch diệt đều là không. Ly không chẳng có vô thường, khổ, vô ngã, tịch diệt. Vì vô thường, khổ, vô ngã, tịch diệt tức là không, và không tức là vô thường, khổ, vô ngã, tịch diệt.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật biết rõ như như tướng là không, chẳng nên trú. Ly không chẳng có như như tướng. Vì như như tướng tức là không, và không tức là như như tướng.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật biết rõ pháp tánh, pháp tướng, pháp vị, thật tế đều là không, chẳng nên trú. Ly không chẳng có pháp tánh, pháp tướng, pháp vị, thật tế. Vì pháp tánh, pháp tướng pháp vị, thật tế tức là không, và không tức là pháp tánh, pháp tướng, pháp vị, thật tế.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật biết rõ các đà la ni và các tam muội đều là không, chẳng nên trú. Ly không chẳng có các đà la ni và các tam muội. Vì đà la ni và tam muội tức là không, và không tức là đà la ni và tam muội.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng có các lực phương tiện thì ở nơi sắc mà khởi tâm chấp ngã, dùng tâm chấp ngã mà trú trong sắc. Dẫn đến ở nơi thọ, tưởng, hành, thức mà khởi tâm chấp ngã, dùng tâm chấp ngã mà trú trong thọ, tưởng, hành, thức. Do tâm chấp ngã mà Bồ Tát còn thấy có hành sắc,…, dẫn đến còn thấy có hành thức. Bởi vậy nên thật hành Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng vào được Bát Nhã Ba La Mật, chẳng được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật, khiến chẳng có thể thành tựu được tâm Tát Bà Nhã vậy.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng có các lực phương tiện, thì ở nơi mười hai nhập, mười tám giới dẫn đến ở nơi các đà la ni và các tam muội, vẫn còn trú trong đó. Cho nên thật hành Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng vào được Bát Nhã Ba La Mật, chẳng được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật, khiến chẳng có thể thành tựu được tâm Tát Bà Nhã vậy.

Vì sao? Vì sắc chẳng thể thọ; thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể thọ. Sắc chẳng thể thọ, thì chằng phải là sắc; thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể thọ, thì chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức. Tất cả năm ấm đều là tánh không cả. Dẫn đến mười hai nhập, mười tám giới…,các đà la ni, các tam muội đều chẳng thể thọ, vì đều là tánh không cả.

Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba La Mật chẳng thể thọ.

Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba La Mật chẳng thể thọ,cũng chẳng phải là Bát Nhã Ba La Mật, vì là tánh không vậy.

Bởi vậy Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật phải quán các pháp là tánh không, quán tâm chẳng có hành xứ. Quán như vậy là chẳng thọ tam muội, có dụng quảng đại nên các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng có thể sánh kịp,

Lại nữa, do cầu Nhất Thiết ChủngTrí nên Bồ Tát cũng chẳng có thọ nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thi không, tán không, tánh không, tự tướng không, chư pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không.

Vì sao? Vì chẳng có thể dùng các hành tướng đểđược Nhất Thiết Chủng Trí. Lý do là hết thảy cáchành tướng đều là cấu tướng cả. Những gì gọi làcấu tướng? Sắc tướng,…, dẫn đến đà la ni tướng, tam muội tướng cũng đều là cấu tướng cả.

Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật phải tự thoát ly các cấu tướng mới được Nhất Thiết Chủng Trí.

LUẬN:         

Trước đây đã có nói rằng vô thường, khổ, không, vô ngã…đều là Thánh hạnh, đều là như pháp tánh thật tế.

Hỏi: Nói chẳng nên trú trong các cấu pháp thì còn chấp nhận được. Nay vì sao lại nói chẳng nên trú trong các thiện pháp và vô ký pháp?

Đáp: Các thiện pháp và vô ký pháp, tuy chẳng phảilà tội cấu, nhưng cũng là nhân duyên dẫn sanh ra các tội cấu vậy.

Phật dạy rằng: Nếu thật hành Bát Nhã Ba La Mật mà còn trú trong năm ấm cũng dẫn sanh các nghiệp tội. Vì sao? Vì nếu thật hành Bát Nhã Ba La Mật mà còn trú trong năm ấm là vẫn còn chấp ngã, chấp pháp. Do vậy mà chẳng vào được Bát Nhã Ba La Mật. Tuy có thật hành Bát Nhã Ba La Mật mà thật sự chỉ là hành pháp thế gian. Do chẳng hành đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật như vậy, nên chẳng có thể được nhất thiết trí, chẳng thành tựu được các đà la ni tam muội.

Ngài Tu Bồ Đề nói rõ về các nhân duyên vì sao chẳng nên trú sắc, chẳng nên thọ sắc. Sắc là tánh không nên chẳng thể trú, chẳng thể thọ vậy.

Hỏi: Trước đây nói vô thường, khổ, không, vô ngã là tội lỗi, chẳng nên thọ. Còn 5 ấm pháp có lỗi gì đâu mà cũng chẳng nên thọ?

Đáp: Nên phân biệt có hai chấp. Đó là:

  1. Dục chấp,
  2. Kiến chấp.

Có người do quán vô thường mà phá được dục chấp, khiến được giải thoát.

Có người tuy quán vô thường mà vẫn còn chấp pháp, khiến vẫn còn sanh kiến chấp. Nếu người ấy biết rõ năm ấm cùng hết thảy các pháp đều là tánh không, chẳng nên thọ, thì sẽ ly được các kiến chấp, dần dần sẽ vào được các đà la ni tam muội.

Hỏi: Thanh Văn và Bích Chi Phật do chẳng thọ hết thảy pháp mà được lậu tận. Nay vì sao nói Bồ Tát chẳng thọ tam muội, khiến hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng thể sánh kịp?

Đáp: Hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật do chẳng thọ hết thảy pháp mà được lậu tận.

Bồ Tát từ trước đến nay đã biết rõ hết thảy pháp đềuchẳng thể thọ, biết rõ Vô Dư Niết Bàn là rốt ráo không, nên chẳng đồng với hàng Nhị Thừa vậy.

Lại nữa, Bồ Tát chẳng thọ tam muội mà có dụng quảng đại, nên hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng thể sánh kịp.

–oOo–

Hàng Nhị Thừa tuy cũng chẳng thọ tam muội, nhưng vẫn chưa được rốt ráo thanh tịnh, vì còn có chướng ngại.

Ví như ngài Ma Ha Ca Diếp khi nghe các thần Càn Thát Bà trỗi nhạc cúng dường Phật, mà thân ngài chẳng được an ổn.

Có vị Bồ Tát hỏi: Ngài là bậc tu hạnh Đầu Đà đệ nhất, sao nghe tiếng nhạc mà thân ngài chẳng được an?

Ngài Ma Ha Ca Diếp đáp: Tôi đã xa lìa các dục lạc ở cõi trời và cõi người, khiến tâm tôi chẳng còn lay động nữa. Thế nhưng tôi chưa có được đầy đủ các phước đức nhân duyên của hàng đại Bồ Tát. Ví như núi Tu Di kham nhẫn được gió lớn từ bốn bên thổi đến. Nhưng trước sức mạnh vô song của gió Tỳ Lam thì chẳng thể an ổn được.

Mẫu chuyện trên đây cho thấy rằng hàng Nhị Thừa, tuy đã dứt sạch phiền não, đã được lậu tận mả vẫn còn lưu dư tập khí, khiến ở nơiBồ Tát đạo vẫn còn sanh vi tế phiền não.

Phật chẳng thọ tam muội, thành bậc Chánh Biến Tri. Bồ Tát cầu Phật đạo, dù chưa được Chánh Biến Tri, nhưng cũng đã thắng hơn hàng Nhị Thừa.

Ngài Tu Bồ Đề nói rằng Bồ Tát chẳng phải chỉ chẳng thọ tam muội, mà từ sắc dẫn đến nhất thiết chủng trí đều chẳng thọ cả. Vì sao? Vì ngài Tu Bồ Đề nói nhân duyên chẳng thọ mười tám không, nên chẳng thọ hết thảy các pháp.

Hỏi: Vì sao dùng mười tám không để quánhết thảy các pháp tướng đều là không?

Đáp: Ngài Tu Bồ Đề nói rằng do nhân duyên chấp tướng mà khởi sanh các phiền não, kiết sử. Ngài lại nói thêm rằng hết thảy các tướng, từ tướng của sắc dẫn đến tướng của các đà la ni tam muội đều là cấu tướng cả.

Phải ly hết thảy các tướng mới được nhất thiết chủng trí. cho nên Bồ Tát phảichẳng thọ bất cứ một pháp nào, mới vào được Bát Nhã Ba La Mật, mớiđược đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật, mới được nhất thiết chủng trí vậy.

KINH:

Bạch Thế Tôn! Nếu tu tập các cấu tướng mà có thể được nhất thiết chủng trí, thì tiên ni Phạm Chí ắt chẳng có sanh tín tâm. Vì sao? Vì nếu tin là tin Bát Nhã Ba La Mật. Phải ở nơi Bát Nhã Ba La Mật mà phân biệt, giải tri, xứng lượng, tư duy; lại chẳng dùng tướng pháp mà cũng chẳng dùng vô tướng pháp.

Như vậy là tiên ni Phạm Chí chẳng thủ chấp, chẳng trú. tướng, vì ở nơi tín hành, ông đã dùng “tín trí không” để nhập vào các pháp tướng, mà chẳng trú trong các pháp tướng, chẳng trú trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì ông đã biết rõ hết thảy các pháp đều là tự tướng không, chẳng có thể thọ. Tiên ni Phạm Chí chẳng phải do quán nội không, mà được trí huệ. Vì sao? Vì trí huệ chẳng phải do nội quán, cũng chẳng phải do ngoại quán, mà có được.

Lại nữa, thấy là trí huệ. Chẳng phải người vô trí mà thây được, vì sao gọi thấy là trí huệ? Vì tiên ni Phạm Chí chẳng trú nơi các pháp tướng, mà chỉ dùng trí huệ để thấy biết hành xứ của các pháp.

Đã là trí huệ, thì chẳng phải trú trong nội sắc mà thấy được,… dẫn đến chẳng phải trú trong nội thức mà thấy được; chẳng phải trú trong ngoại sắc mà thấy được,… dẫn đến chẳng phải trú trong ngoại thức mà thấy được; chẳng phải ly sắc mà thấy được,… dẫn đến chẳng phải ly thức mà thấy được.

Vì sao? Vì tiên ni Phạm Chí biết rõ nội pháp, ngoại pháp đều là không. Do vậy mà được tâm tín giải. Lại do cầu nhất thiết trí, nên tiên ni Phạm Chí tin thật tướng pháp, biết rõ hết thảy pháp đều là bất khả đắc.

Được tín giải nhưvậy, nên tiên ni Phạm Chí chẳng thọ hết thảy pháp; lại biết rõ hết thảy pháp đều là vô tướng, nên chẳng sanh ức niệm. Tiên ni PhạmChí, ở nơi hết thảy pháp, được vô sở đắc, dù thủ, dù xả, cũng đều vô sở đắc.

Bởi nhân duyên vậy, nên tiên ni Phạm Chí chẳng niệm trí huệ. Vì sao? Vì pháp tướng là chẳng có tướng (vô tướng), nên là chẳng có niệm (vô niệm) vậy.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La. Mật chẳng thấy có hai bờ mê, giác. Cho nên, chẳng thọ hết thảy pháp; chẳng thọ năm ấm…, dẫn đến chẳng thọ các đà la ni tam muội. Bồ Tát cũng chẳng chấp Niết Bàn, chẳng thủ bốn niệm xứ,… dẫn đến chẳng thủ mười tám bất cộng pháp. Vì sao? Vì bốn niệm xứ chẳng phải là bốn niệm xứ,…dẫn đến mười tám bất cộng pháp cũng chẳng phải là mười tám bất cộng pháp. Hết thảy các pháp là chẳng phải pháp (phi pháp), mà cũng chẳng phải chẳng phải pháp (phi phi pháp) vậy.

Bởi vậy nên, Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mậtchẳng thọ sắc… dẫn đến chẳng thọ mười tám bất cộng pháp.

LUẬN:

Hỏi: Vì nhân duyên gì mà ngài Tu Bồ Đề nhắc đến tiên ni Phạm Chí?          

Đáp: Do nhân duyên thuyết pháp không, nên ngài Tu Bồ Đề nói rằng Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng thủ pháp tướng, dẫn đến chẳng có vi tế tướng để thủ.

Vì lý vô tướng khó tin, khó biết, khó giải, khiến người nghe dễ sanh tâm nghi, nên ngài Tu Bồ Đề nêu trường hợp tiên ni Phạm Chí, nhằm dẫn chứng rằng hàng Tiểu Thừa còn tin pháp không, huống nữa là Đại Thừa.

–oOo–

Trong kinh có nêu mẩu chuyện sau đây:

Khi Phật Thích Ca Mưu Ni còn đang hành đạo Bồ Tát, có một vị đạo sĩ Bà La Môn thấy tướng mạo uy nghiêm, giải thoát của Bồ Tát, liền tiên đoán rằng Bồ Tát không lâu nữa sẽ thành Phật.

Tiên ni Phạm Chí là cậu của vị Bà La Môn này.

Vị đạo sĩ Bà La Môn nàylà một bậc trưởng lão, trí cao, đức trọng, trong dòng họ Phạm Chí. Khi chưa xuất gia, ông rất có danh vọng. Khi xuất gia rồi, ông thâm cứu nhiều kinh thơ, tu tâm, tọa thiền. Trong khi học đạo, vì muốn cầu trí huệ, nên ông tìm đến luận nghị đường Phạm Chí, để luận nghị với các luận sư.

Ông hỏi các vị luận sư rằng: Quí vị tự xưng là nhấtthiết trí, mà chẳng bằng được ngài Ca Diếp, một vị đại sư đáng được tôn xưng.       

Quí vị cũng tự xưng là đại sư, mà khi có đệ tử lớn hay nhỏ của quí vị chết, quí vị chẳng có thể nói lên được chỗ sanh xứ của họ ở đời sau. Phật mới là bậc đại sư, tối tôn,tối trọng. Khi có một đệ tử lớn hay nhở của Phật chết, thì Phật đều biết chỗ sanh xứ của họ ở đời sau.   

Tiên ni Phạm Chí vừa nghe vị BàLa Môn nói như vậy, liền tìm đến chỗ Phật, đảnh lễ, rồi ngồi sang một bên.

Tiên ni Phạm Chí Hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Trước đây ở luận nghị đường Phạm Chí, tôi có được nghe nói rằng các đệ tử nhỏ của Phật vẫn còn sanh; còn các đệ tử  lớn của Phật chẳng còn sanh nữa. Pháp ấy như thế nào?”.

Phật dạy: “Pháp của ta thậm thâm, vi điệu, các ông thật khó biết, khó giải. Vì sao? Vì các ông chìm đắm trong đêm dài của các chấp kiên cố. Các ông chấp dục, chấp pháp, nên khó có thể thấy, khó có thể giải được pháp của ta”.       

Tiên ni Phạm Chí thưa: “Bạch Thế Tôn! Tôi tin Phật. Cúi xin Phật vì tôi thuyết pháp, khiến tôi được sanh pháp nhãn nay ở nơi đây”.   

Phật hỏi: “Ý ông nghĩ sao? Ông có thấy sắc như khứ chăng?”.           

Tiên ni Phạm Chí đáp: “Bạch Thế Tôn! Chẳng phảivậy”.       

Phật Hỏi: “Ông có thấy thọ, tưởng, hành, thức như khứ chăng?”.

Phật dạy: “Tiên ni Phạm Chí đáp: “Bạch Thế Tôn!Chẳng phải vậy”

Phật Hỏi: “Ông có thấy ly sắc như khứ chăng?”

Tiên ni Phạm Chí đáp: “Bạch Thế Tôn! Chẳng phảivậy”

Phật Hỏi: “Ông có thấy ly thọ, tưởng, hành, thức như khứ chăng?”

Tiên ni PhạmChí đáp: “Bạch Thế Tôn! Chẳng phảivậy”.

Phật Hỏi: “Ông có thấy vô sắc, vô thọ, vô tưởng, vô hành, vô thức như khứ chăng?”

Tiên ni Phạm Chí đáp: “Bạch Thế Tôn! Chẳng phảivậy”.

Phật dạy: “Tất cả các điều mà ta vừa hỏi, ồng đều trả lời là chẳng thấy như khứ. Như vậy, ông còn nghi gì mà hỏi ta như vậy?”.

Rồi Phật bảo tiên ni Phạm Chí rằng: “Nếu đệ tử của ta, ở nơi pháp chẳng biết rõ ràng, mà nói có đời sau, nói có chỗ sanh xứ, thì đó là ngã mạn, là có tàn dư vậy. Nếu đệ tử của ta giải biết rõ ràng về nghĩa ấy, mà chẳng nói đến chỗ sanh xứ, mới thật là không có ngã mạn, không có tàn dư vậy”.

Vị tiên ni Phạm Chí nghe xong thời pháp, liền được đạo nhãn, ông, từ chỗ ngồi đứng dậy thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Con nguyện xin được xuất gia theo Phật”.

Tức thời râu tóc đều rụng, và ông liền trở thành một vị Sa Môn. Chẳng bao lâu sau, ông đắc quả vị A La Hán.

–oOo–

Mẩu chuyện trên đây cho thấy rằng vị tiên ni Phạm Chí, do tin lời Phật dạy là không nói dối, mà được đạo nhãn. Bởi vậy nên trong kinh nói rằng tiên ni Phạm Chí tin Phật, mà được đạo. Đây chỉ là sơ tín mà thôi.

Về sau, tiên ni Phạm Chí nghe Phật thuyết pháp, mà phá được ngã chấp, biết rõ bản lai thường là vô ngã. Vì các pháp đều là vô ngã nên chẳng có chỗ sở y, đều là như mộng, là như huyễn, là hư dối, là chẳng thật có, là bất khả đắc cả. Nếu đã có tín lực như vậy, thì vào được nơi thật tướng pháp, nên chẳng còn thọ sắc,…, dẫn đến chẳng còn thọ thức. Vì sao? Vì biết rõ sắc,…, dẫn đến thức cũng đều như khứ cả.

Hỏi: Như vậy, vì sao Khi nghe Phật Hỏi về năm ấm như khứ, tiên ni Phạm Chí đều trả lời Phật bằng câụ “chẳng phải vậy”?

Đáp: Tiên ni Phạm Chí lấy tổng tướng của năm ấm là ngã. Nay Phật Hỏi riêng rẽ về từng ấm, nên ông đều trả lời “chẳng phải vậy”.

Tiên ni Phạm Chí nghe nói về ngã có hai thuyết:

  1. Thuyết chấp năm ấm làm ngã.
  2. Thuyết chấp ngoài năm ấm, riêng có ngã.

Nếu chấp năm ấm là ngã, thì ly năm ấm chẳng riêng có ngã được. Vì sao? Vì ngã chỉ là một, mà năm ấm là năm. Như. vậy, một chẳng phải là năm, và ngược lại năm chẳng phải là một. Lại nữa, năm ấm là vô thường, là tướng sanh diệt; nên ngã cũng phải là vô thường, là sanh diệt. Nếu ngã là sanh diệt, thì chẳng có tội phước. Lại nữa, nếu năm ấm theo duyên hòa hợp sanh, thì5ấm chẳng có tự tại; như vậy ngã cũng chẳng có tự tại.

Vì những lỗi lầm nêu trên đây, nên tiên ni Phạm Chí mới nghĩ rằng sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải như khứ.

Thế nhưng, ly năm ấm cũng chẳng có ngã được. Vì sao? Vì ngã chẳng có tướng, là vô tướng vậy.

Ngoài ra nếu nói tri kiến là do thọ, tưởng, hành, thức, thì đó chỉ là tướng của các ấm này, chẳng phải là tướng của ngã. Người trí làm sao nói ly năm ấm, mà riêng có ngã được?

Bởi vậy nên tiên ni Phạm Chí chỉ trả lời Phật bằng một câu “chẳng phải vậy”.

–oOo–

Nếu chấp ngoài năm ấm, riêng có ngã, thì cũng chẳng có thể được. Vì sao? Vì đây cũng chỉ do ngã kiến mà có khởi các chấp phân biệt đó thôi.

–oOo–

Nói tóm lại, năm ấm chẳng phải là ngã, mà ngoài năm ấm ra, cũng chẳng riêng có ngã vậy.

–oOo–

Nên biết rằng năm ấm do duyên hòa hợp sanh, thì ngã cũng chẳng phải là ngã, cũng chỉ là vô ngã vậy.

Ngã chẳng có chủ tấc, chẳng có chỗ sở y, nên ngã là như khứ. Hết thảy các pháp cũng đều là như vậy, cũng đều là như khứ cả.

Sở dĩ tiên ni Phạm Chí được đạo, được trí huệ, vì ông biết rằng; dù cầu ngã khắp 4 phương, thì ngã cũng chẳng có định tướng, cũng chỉ là bất khả đắc.

Nên biết, quán năm  ấm ở tự thân là quán nội,quán tha thân là quán ngoại. Cả nội lẫn ngoại đều là bất khả đắc, dẫn đến trí huệ cũng là bất khả đắc.

Nói nội là nói về sáu nội trần; nói ngoại là nói về sáu ngoại trần.

Quán nội là quán trí huệ,quán ngoại là quán về xứ sở.

Tiên ni Phạm Chí biết rõ tất cả các quán đều là lầm lỗi. Vì sao? Vì ông biết rõ nhờ có lực trí huệ bên trong, mà phân biệt được các pháp ở bên ngoài là thường, là vô thường, là hữu vi, là vô vi…

Như vậy là các ngoại pháp đều chẳng có định tướng. Vì sao? Vì nếu có định tướng, thì định tướng ấy chẳng phải là dụng của trí huệ được.

Lại nữa, nếu nói các ngoại pháp do duyên hòa hợp sanh, chẳng có định tướng, thì trí huệ cũng chẳng có định tướng. Vì sao? Vì khi ta nói có vật này vật nọ, là ta đã dựng lập hai pháp tương đãilà danh và vật. Ly vật chẳng có danh vậy.

Lại nữa, thật trí huệ, theo đúng nghĩa là chẳng thấy năm ấm ở trong, chẳng thấy năm ấm ở ngoài, chẳng thấy năm ấm ở chặng giữa.

Dùng các phương tiện trí huệ để quán năm ấm sẽ thấy năm ấm chỉ do duyên hòa hợp mà có nên chỉ là hư vọng, chẳng thật có. Thế nhưng, nếu chấp quán đó là tà kiến, chẳng chấp mới thật là được đạo.

Lại nữa, dù cho tướng vô thưòng là thật, thì chấp tướng đó cũng chẳng vào được đạo. Vì sao? Vì trí huệ quyết định là chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở chặng giữa. Cho nên nói trí huệ là vô sở đắc, mà ly trí huệ cũng là vô sở đắc.

Tiên ni Phạm Chí nhờ trí huệ mà ở nơi hết thảy pháp được viễn ly, khiến các tà kiến đều tiêu diệt. Chẳng phải người vô trí mà được như vậy.

Lúc bấy giờ, ông hoan hỷ quán pháp tướng là vô tướng, và tán thán Phật là bậc đại Thánh sư, thấy rõ thật tướng pháp là rốt ráo không, làvô sở đắc nên chẳng thọ, lạithấy rõ hết thảy kiết sử phiền não đều là hư vọng điên đảo nên chẳng thọ.

–oOo–

Trên đây chinh là nghĩa chẳng thọ, chẳng xả (bất thọ, bất xả) vậy.

Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật phải chẳng thọ, mà cũng chẳng xả mới vào được Bát Nhã Ba La Mật, mới đượcđầy đủ Bát Nhã Ba La Mật.

Vì sao? Vì tướng thế gian và tướng Niết Bàn là chẳng phải hai, chẳng phải khác. Thế gian và Niết Bàn chỉ là một tướng (nhất tướng), là chẳng có tướng (vô tướng).

Cứ như vậy mà tu hành, thì sẽ diệt được hết thảy các chấp tướng. Thế nhưng, nếu chưa có được đầy đủ công đức thi chưa nên diệt sạch các chấp tướng. Vì sao? Vì còn phải cần dùng đến các pháp tướng để hành đạo; còn phải lấy các pháp tướng để làm phương tiện hành đại từ đại bi.

Bồ Tát cầu Phật đạo vẫn ở trong các pháp tướng mà vẫn biết rõ các pháp tướng đều là vô tướng. Bởi vậy nên Bồ Tát chẳng thấy một pháp nào có định tướng cả,chẳng thấy có tướng xấu, có tướng tốt…dẫn đến chẳng thấy có tướng thọ, có tướng xả.

Bởi nhân duyên vậy, nên trong kinh nói: pháp chẳng phải là pháp (phi pháp), mà cũng chẳng phải chẳng phải pháp (phi phi pháp).

Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy, nên ở nơi hết thảy các tướng đều chẳng thọ.

(Hết quyển 42)