LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 36

Phẩm thứ ba
Tập Tương Ưng
(Tiếp theo)

KINH:

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát có trí huệ thắng hơn hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật? Vì sao Bồ Tát trú được nơi bất thối chuyển địa, dẫn đến thanh tịnh Phật đạo?”

LUẬN:

Ngài Xá Lợi Phất là bậc thượng thủ trong chúng, có trí huệ bậc nhất. Khi nghe Phật nói trí của Bố Tát thắng hơn trí của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, tuy ngài đã thông suốt những vẫn muốn hỏi Phật để được Phật giải đáp rộng hơn, để người đời sau được rõ.

Hỏi: Vì sao nói hàng Bồ Tát thắng hơn hàng Thanh Văn, và trú nơi bất thối chuyển địa và thanh tịnh Phật đạo? Nếu chẳng có hàng Thanh Văn kham nhậm Phật sự, thì làm sao Bồ Tát có thể thanh tịnh được Phật đạo?

Đáp: Ngài Xá Lợi Phất thường theo bên Phật chuyển pháp luân, đem lại lợi ích cho chúng sanh. Ngài vì lợi ích chúng sanh, muốn chúng sanh thành Phật đạo mà nêu lên các câu hỏi để Phật giải đáp, khiến chúng sanh được rõ hơn.

Lại nữa, ngài Xá Lợi Phất muốn chúng sanh biết rõ tâm đại bi của Bồ Tát, muốn chúng sanh biết rõ Bồ Tát đem lại cho họ vô lượng lợi ích, nên mới hỏi Phật như trên.

Lại nữa, ngài Xá Lợi Phất nhờ ân đức của Phật mà phá được các tà kiến, vào được Phật đạo. Nay ngài muốn đền đáp ân đức của Phật, mà hỏi Phật như trên.

Lại nữa, xét cùng tột, ngài Xá Lợi Phất ở trong hàng Thanh Văn, chẳng sao hiểu rõ được các việc làm của Bồ Tát, nên mới phải hỏi Phật như vậy. Vì sao? Vì pháp của Bồ Tát thậm thâm vi diệu, mà ngài tự thấy mình chưa biết hết được, nên mới hỏi Phật như trên. Ví như nghe nói có người thấy được kho bảo vật mà mình chưa được thấy, nên phải hỏi vậy.

KINH:

Phật dạy: “Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát từ khi sơ pháp tâm đã tu 6 pháp Ba La Mật, đã an trú trong ba giải thoát môn Không, Vô Tướng và Vô Tác, lai còn an trú trong bất thối chuyển địa, dẫn đến thanh tịnh Phật đạo, nên thắng hơn hết thảy các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật.

LUẬN:

Hỏi: Cả ba sự việc này ở phẩm sau mới nói đến. Sao nay lại nói trước như vậy?

Đáp: Vì ngài Xá Lợi Phất thưa hỏi nên Phật lược nói ra như vậy. Ở các phẩm sau Phật mới nói rộng thêm.

Lại nữa, ở phẩm này chỉ nói nhiều về ba giải thoát môn Không, Vô tướng và Vô tác. Về sau sẽ nói rộng thêm về các công đức khác của Bồ Tát.

Hỏi: Ba giải thoát môn là ba cửa dẫn vào Niết Bàn. Nay vì sao lại nói Bồ Tát trú trong ba giải thoát môn, nên thắng hơn hết thảy hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật?

Đáp: Nếu chẳng tu các lực phương tiện, mà trú trong ba giải thoát môn, tức là thủ chứng Niết Bàn. Trái lại, Bồ Tát tu đầy đủ các lực phương tiện, nên tuy trú trong ba giải thoát môn, mà chỉ dùng các pháp môn này làm lực phương tiện để chuyển tâm chúng sanh mà thôi. Ví như người bắn tên giỏi, bắn liên tục các mũi tên trong không trung, dùng lực phương tiện của mũi tên sau để đẩy mũi tên trước, khiến các mũi tên trú trong hư không, chẳng rơi xuống mặt đất. Cũng vậy, Bồ Tát dùng lực phương tiện ba giải thoát môn bắn mũi tên trí huệ khiến chẳng cho rơi xuống đất Niết Bàn.

Bồ Tát tuy biết Niết Bàn an lạc, nhưng chẳng trú Niết Bàn, vì Bồ Tát thường cầu đại sự: trên cầu Vô Thượng Bồ Đề, dưới cầu hóa độ chúng sanh. Bồ Tát biết rõ thời gian, nhưng chẳng bị thời gian trói buộc. Bởi vậy, từ sơ địa dẫn đến Phật địa, Bồ Tát mãi mãi lo hoằng pháp, độ sanh, chẳng bao giờ ngưng nghỉ. Bồ Tát biết rõ các pháp vốn bất sanh, bất diệt nên lấy đó làm bất thối chuyển địa, rồi lại trú nơi bất thối chuyển địa mà giáo hóa chúng sanh, dẫn đến thanh tịnh Phật đạo.

Lại nữa, Bồ Tát trú nơi ba Giải Thoát Môn, thông suốt cả bốn Đế… biết rõ hết thảy các pháp Thanh Văn và Bích Chi Phật, lại vượt qua 4 Đế vào Đệ Nhất Đế, là trú xứ của hết thảy các pháp (nhất thiết pháp), bất sanh, bất diệt vậy.

Bồ Tát trú nơi Đệ Nhất Đế, tận trừ các nghiệp thô ác ở thân, khẩu, ý, diệt hết các lỗi lầm từ trước về các pháp nên trú trong thanh tịnh Phật đạo.

KINH :

Ngài Xa Lợi Phất thưa “Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát trú địa nào, mà hay làm phước điền cho hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật ?”

LUẬN :

Ngài Xá Lợi Phất biết rằng Bồ Tát, tuy chưa lậu tận, mà đã có đại công đức, đã có ruộng phước (phước điền) cho hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Do thâm tâm cung kính Bồ Tát, mà ngài hỏi Phật như trên.

KINH :

Phật dạy: “Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát, từ khi sơ phát tâm dẫn đến khi tọa đạo tràng thường hành 6 pháp Ba La Mật. Trong khoảng chặng giữa ấy, thường làm phước điền cho hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật.

LUẬN:

Phật khai thị cho Ngài Xá Lợi Phất rõ về nghĩa ruộng phước Bồ Tát (Bồ Tát phước điền). Tuy Bồ Tát trú trong 3 giải thoát môn, đồng như Thanh Văn và Bích Chi Phật nhưng Bồ Tát dùng tâm đại bi làm việc lợi tha, còn Thanh Văn thì chẳng làm được như vậy.

Bồ Tát phát đại tâm, tu 6 pháp Ba La Mật… dẫn đến tu 18 Bất Cộng Pháp, đầy đủ hết thảy thật pháp nên thắng hơn Thanh Văn và Bích Chi Phật.

KINH:

Vì sao? Vì Bồ Tát Ma Ha Tát, từ sơ phát tâm, đã có nhân duyên với thế gian, nên các thiện pháp thế gian mới phát sanh được.

LUẬN:

Trước đây, Phật đã nói về Bồ Tát dùng nhân duyên lợi ích chúng sanh, để làm phước điền cho hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Nay Phật nói Bồ Tát vì nhân duyên lợi ích chúng sanh, mà khiến cho các thiện pháp ở thế gian được phát sanh. Vì sao? Vì từ khi chưa thành Phật, Bồ Tát đã phát đại tâm, độ chúng sanh trú vào trong 3 thừa đạo; còn nếu chưa trú được trong 3 thừa đạo, thì cũng trú trong 10 thiện đạo mãi cho đến khi viên thành đạo quả.

Hỏi: Hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật cũng có nhiều phương tiện nhân duyên với thế gian, dẫn dắt chúng sanh vào các thiện pháp. Như vậy, vì sao chỉ nói đến Bồ Tát làm phát sanh các thiện pháp ở thế gian?

Đáp: Hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật nếu có thành tựu được các thiện pháp, thì cũng nhờ nơi Bồ Tát. Nếu Bồ Tát chẳng phát tâm làm các Phật sự thì ở thế gian chẳng có được Phật đạo, chẳng có Thanh Văn đạo, Bích Chi Phật đạo vậy.

Phật đạo là căn bản của Thanh Văn và Bích Chi Phật đạo, nhưng ở nơi Thanh Văn đạo và Bích Chi Phật đạo còn quá ít thiện pháp so với Bồ Tát đạo, nên chẳng có nêu ra ở đây.

KINH

Này, Xá Lợi Phất, những pháp gì gọi là thiện pháp? Đó là thập thiện đạo, ngũ giới, bát quan trai giới, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo. Do nhân duyên có Bồ Tát, mới có các thiện pháp ấy hiện ra ở thế gian. Lại cũng do nhân duyên có Bồ Tát phát tâm tu lục Ba La Mật, mới có thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng pháp, đại từ, đại bi, nhất thiết chủng trí hiện ra ở thế gian. Hết thảy thiện pháp hiện ra ở thế gian đều do Bồ Tát vận hành cả. Lại cũng do nhân duyên có Bồ Tát, mới có những đại tộc Sát Đế Lợi, Bà La Môn, cư sĩ, mới có các cõi trời, từ cõi trời tứ Thiên Vương dẫn đến cõi trời Phi Hữu tưởng phi vô tưởng. Hết thảy các thành quả đó đều do Bồ Tát vận hành cả. Lại cũng do Bồ Tát vận hành, mà ở thế gian có Tư Đà Hoàn, có Tư Đà Hàm, có A Na Hàm, có A La Hán, có Bích Chi Phật, dẫn đến có Phật.

LUẬN:

Hỏi: Nói do Bồ Tát vận hành mà ở thế gian có các thiện pháp, thì còn hợp lý. Còn như nói các đại tộc Sát Đế Lợi, Bà La Môn, cư sĩ, thì dù có Bồ Tát, hay không có Bồ Tát, các đại tộc ấy vẫn có. Như vậy, vì sao nói do Bồ Tát vận hành mới có?

Đáp: Do nhân duyên có Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, mà trong thế gian mới có thập thiện đạo, ngũ giới, bát quan trai giới, cũng do vậy, mà các đại tộc kia mới có vậy.

Hỏi: Nếu không có Bồ Tát thì ở thế gian vẫn có thập thiện đạo, ngũ giới, bát quan trai giới… vẫn có các đại tộc, sao nói là không?

Đáp: Bồ Tát thọ vô lượng, vô biên thân ở khắp vô lượng, vô biên thế giới. Có vị do thọ nghiệp nhân duyên mà sanh thân. Có vị thọ biến hóa thân, để giáo hóa chúng sanh, dạy chúng sanh tu các thiện pháp, gồm các pháp xuất gia và các pháp tại gia.

Đối với hàng cư sĩ tịa gia, Bồ tát hành các pháp thế gian, nhằm giúp họ duy trì được đạo đức thế gian.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói: “do có Bồ Tát, mới có các thiện pháp, mới cso các đại tộc Sát Đế Lợi, Bà La Môn cư sĩ, ở trong thế gian”.

Hỏi: Bồ Tát có tâm đại từ, đại bi, thường hành các pháp thanh tịnh, như vậy, vì sao Bồ Tát lại nói chuyện thế tục, lại hành pháp thế gian?

Đáp: Có hai hạng Bồ Tát. Đó là:

– Hạng Bồ Tát hành đại từ bi, trực nhập Bồ Tát đạo.

– Hạng Bồ Tát bại hoại. Hạng Bồ Tát này có tâm từ bi nhưng chẳng có đầy đủ giải thoát, nên dù thấy chúng sanh đau khổ, mà chẳng làm được nhiều lợi ích cho chúng sanh.

Ngoài ra, còn có hạng Bồ Tát tại gia. Hạng Bồ Tát này, tuy chưa có hạnh thanh tịnh, nhưng có tâm từ bi, thương sót chúng sanh, lo việc trị nước, an dân, mà chẳng có tham cầu lợi lộc riêng cho mình. Hạng này có nhiều lúc cũng có làm nhiễu loạn chúng sanh, như dùng pháp luật trừng trị kẻ xấu ác… Thế nhưng vì có công đem lại sự an bình, thịnh vượng cho đất nước, nên cũng được gọi là Bồ Tát. Tuy nhiên, vì chưa được thanh tịnh, nên vẫn còn là Bồ Tát bại hoại.

Lại nữa, có người do tu hai thừa đạo, là đạo làm Người (nhân thừa) và đạo làm Trời (thiên thừa), mà có thể thành tựu được các thiện pháp. Đó cũng là do sự vận hành của Bồ Tát mới có được. Vì sao? Vì nếu chẳng có Bồ Tát dạy cho các thiện pháp, thì thế gian này chẳng có được hai thừa đạo vậy.

Bồ Tát đem lại nhiều lợi ích cho thế gian, là ruộng phước của thế gian, khiến hai thừa đạo được thành tựu ở thế gian vậy.

Tóm lại, Bồ Tát có đại công đức, nên được thế gian cung kính, cúng dường. Mặc dù Bồ Tát còn lưu kiết sử nhưng do đã có tu vô lượng phước đức trải qua vô lượng kiếp, nên tiêu được các phẩm vật của tín thí cúng dường. Nếu chẳng như vậy, thì chẳng sao tiêu được các phẩm vật của tín thí cúng dường được, ví như người bệnh nặng chẳng thể tiêu hóa được các thức ăn ngon vậy.

KINH:

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch Thế Tôn, Bồ Tát đã thanh tịnh rồi, vì sao còn thọ phước thí nữa?”

Phật dạy: “Này, Xá Lợi Phất, chẳng phải vậy, Tâm Bồ Tát bản lai thanh tịnh”.

LUẬN:

Bồ Tát, từ sơ phát tâm đã vì chúng sanh, hành bố thí, cúng dường; xem đó là pháp tối thắng. Vì sao? Vì trải qua vô lượng kiếp, Bồ Tát đã phát tâm đại bi, nguyện vì chúng sanh thọ các khổ, để đem lại lợi ích cho họ, khiến họ được giải thoát.

Lại nữa, Bồ Tát muốn giữa gìn Phật pháp, muốn được đại trí huệ, muốn khiến thế gian tức Niết bàn, nên thường hành bố thí, cúng dường.

Bởi nhân duyên vậy, nên kinh nói, “Tâm Bồ Tát bản lai thanh tịnh”. Do vô lượng phước duyên như vậy, mà Bồ Tát tiêu được các phẩm vật cúng dường của hàng tín thí.

KINH:

Phật dạy, “Này Xá Lợi Phất, Bồ Tát Ma Ha Tát là đại thí chủ, bố thí các thiện pháp, như thập thiện đạo, ngũ giới, thập bát bất cộng pháp. Dẫn đến hết thảy chủng trí. Hét thảy các thiện pháp đó Bồ Tát đều bố thí cho chúng sanh.

LUẬN:

Trước nói về do nhân duyên có Bồ Tát mà có các thiện pháp ở thế gian, nay nói Bồ Tát là vị đại thí chủ, bố thí các thiện pháp cho chúng sanh. Như vậy là hai vấn đề sai khác nhau.

KINH:

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch Thế Tôn, Bồ Tát làm thế nào mà tu tập đúng theo Bát Nhã Ba La Mật và làm thế nào để được tưng ưng với Bát Nhã Ba La Mật?”

LUẬN:

Trước đây đã nói Bồ Tát tu Bát Nhã ba La Mật trong một ngày cũng đã thắng hơn hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Bởi vậy, nên Phật tán thán Bát Nhã Ba La Mật, và dạy rằng các công đức của Bồ Tát đều từ Bát Nhã Ba La Mật sanh ra cả.

Ngài Xá Lợi Phất biết rõ Bát Nhã Ba La Mật rất khó tu, rất khó thọ trì, ngài lại sợ người tu hành rất dễ bị lầm lạc, nên mới hỏi Phật “Bồ Tát làm thế nào để tu tập đúng theo Bát Nhã Ba La Mật và làm thế nào để được tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật?”. Ngài, vì chúng sanh, hỏi Phật như vậy để mong được Phật giải đáp rõ hơn.

KINH:

Phật dạy: “Này, Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát phải tu tập sắc không, mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng, phải tu tập thọ, tưởng, hành, thức, không, mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

Lại phải tu tập nhãn không, mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng, phải tu tập nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, không, mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

Lại phải tu tập sắc không, mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng. Phải tu tập thanh, hương, vị, xúc, pháp, không mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

Lại phải tu tập nhãn giới không, sắc giới không, nhãn thức giới không, dẫn đến ý thức giới không, mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

Lại phải tu tập khổ không, mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng; phải tu tập tập, diệt, đạo không, mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

Lại phải tu tập vô minh không, mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng. Phải tu tập hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử không, mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

Lại phải tu tập hết thảy pháp, hoặc hữu vi, hoặc vô vi cũng đều không, mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

LUẬN:

Ngũ ấm gồm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

1. Sắc ấm:

Pháp có thể thấy được gọi là sắc pháp. Do các nhân duyên hòa hợp mà có, nên có đối, và được gọi là hữu đối sắc.

Pháp, tuy chẳng thấy được, nhưng do nhân duyên hòa hợp mà có, cũng được gọi là hữu đối sắc.

Pháp có thể thấy được gọi là sắc. Nếu trong thập nhập, chỉ nhiếp có một, thì vẫn còn ở trong nghiệp không tạo tác (vô tác nghiệp), nên gọi là sắc chẳng thể thấy được (vô kiến sắc).

Hữu đối sắc nhiếp cả thập nhập, vô đối sắc chỉ là vô tác sắc.

Phân biệt giữa hữu lậu sắc và vô lậu sắc cũng là như vậy.

–o0o–

Trong kinh có nói đến 3 thứ sắc. Đó là:

– Pháp thấy dược và có đối, gọi là hữu đối sắc.

– Pháp vô hình chẳng thấy được, nhưng có đối, cũng gọi là hữu đối sắc.

– Pháp vô hình, chẳng thấy được, cũng chẳng có đối, thì gọi là vô đối sắc.

Bởi vậy, nên biết rầng chẳng phải chỉ các pháp do mắt thấy được mới gọi là sắc, mà 10 xứ trong và ngoài nhập với nhau, tức là ngũ căn duyên ngũ trần khởi sanh ngũ thức đều do sắc làm nhân cả. Dẫn đến vô tác sắc, ở nơi tâm cũng gọi là sắc.

Trong kinh cũng có nói đến các phiền não hiển lộ ra nơi thân của chúng sanh, gọi là phiền não tướng. Do nhân duyên hòa hợp mà có, nên các tướng phiền não cũng được gọi là sắc tướng vậy.

Trong kinh lại phân biệt các nhóm gồm hai hoặc nhiều thứ sắc.

– Nhóm gồm hai thức sắc, như: Nội sắc và ngoại sắc: Sắc có thọ và sắc không thọ; sắc trói buộc và sắc không trói buộc; sắc sanh tội và sắc sanh phước; sắc tạo nghiệp và sắc không tạo nghiệp; sắc thấy được và sắc không thấy được; sắc có đối và sắc không có đối; sắc hữu lậu và sắc vô lậu…

– Nhóm gồm ba thứ sắc, như: sắc thiện, sắc bất thiện, sắc vô ký, sắc hữu học, sắc vô học, sắc phi hữu học, phi vô học… dẫn đến có kiến đế đoạn sanh sắc, tư duy đoạn sanh sắc và vô tâm đoạn sanh sắc…

– Nhóm gồm bốn thứ sắc, như: Đất, nước, gió, lửa (bốn đại), nội sắc có thọ, nội sắc không có thọ, ngoại sắc có thọ và ngoại sắc không có thọ…

– Nhóm gồm năm thứ sắc như: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, và thân (ngũ căn); sắc, thanh, hương, vị, xúc (ngũ trần), nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức (ngũ thức ngoài).

Nhóm gồm sáu thứ sắc, bảy thứ sắc… Như vậy có vô lượng nhóm gồm nhiều thứ sắc.

Lại có phân biệt hai thứ sắc là: Sắc động và sắc không động.

Sắc động như gió làm mặt nước giao động, làm cây cỏ lay chuyển, như nam châm hút vụn sắt, như các loại trân châu, xà cừ, mã não, cứ đêm đến thường hay di chuyển…

Lại có phân biệt hai thứ sắc là sắc thô và ảnh tượng sắc.

Sắc thô là sắc có thể thấy được, nghe được, ngửi được, nếm được, xúc chạm được. Ví như đất đá…

Ảnh tượng sắc do các nhân duyên bên ngoài hợp sanh, chẳng phải tự có thật như vậy. Ví như soi mặt vào lưỡi gươm dài để nằm ngang, thấy ảnh của mặt đẹp và rộng ngang hơn. Lại ví như soi mặt vào lưỡi gươm dựng thẳng đứng, thấy ảnh của mặt kéo dài theo chiều dọc. Lại ví như soi mặt vào một hạt kim cương nhiều mặt, thấy mặt có nhiều ảnh, màu sắc và hình dạng khác nhau. Lại ví như khi có gương đứng yên, có mặt người soi gương, có ánh sáng, có đầy đủ các duyên đó hòa hợp thì mới có ảnh của mặt hiện ra trong gương. Nếu chẳng có mặt, chẳng có ánh sáng hay nếu có mặt, có ánh sáng mà gương cứ quay tít mãi, thì chẳng có thể soi mặt trong gương được.

Lại cũng có thể do nghiệp nhân duyên của từng chúng sanh từ đời trước truyền lại, mà tạo ra nhiều ảnh tượng sắc vô cùng khác lạ, chẳng có thể nghĩ bàn được.

Như vậy, có vô lượng sắc nên gọi là sắc chúng.

2. Thọ ấm:

Thọ ấm là do nhân duyên nội thân và ngoại cảnh duyên nhau mà khởi ra các niệm muốn thấy biết. Ví như do nhãn căn duyên ngoại sắc, khởi sanh nhãn thức. Do căn trần hòa hợp mà khởi sanh tâm sở XÚC. Tâm sở xúc lại duyên sanh ra hết thảy các tâm sở khác. Đó là nguồn gốc sanh ra thọ ấm, tưởng ấm và hành ấm vậy.

Hỏi: Ở ngay nơi nhãn thức đã có xúc và cũng đã có cả ba ấm. Như vậy vì sao chỉ nói xúc là nhân duyên dẫn sanh ra ba ấm đó?

Đáp: Đây chỉ nói đến nhân duyên xúc dẫn sanh ra ba ấm, không nói đến nhân duyên xúc sanh ra nhãn kiến. Vì sao? Vì nhãn thức liền sanh là liền diệt, chỉ trú trong một niệm, cùng với ý thức vi tế mà duyên khởi cho ba ấm đồng sanh, mà chỉ nói có xúc mới sanh ra ba ấm: thọ, tưởng, và hành.

Sắc pháp do nhân duyên hòa hợp sanh, thì các tâm và tâm sở pháp cũng đều là như vậy cả.

Phải có căn, trần và thức hòa hợp sanh, thì các tâm và tâm sở pháp cũng đều là như vậy cả.

Phải có căn, trần, và thức hòa hợp duyên xúc mới sanh ra ba ấm; thọ, tưởng, hành. Như vậy có xúc mới có sanh, không có xúc thì không có sanh ra ba ấm đó.

Riêng về thọ ấm phân biệt nói như sau:

Từ một tướng thọ dẫn sanh ra các nhóm có hai thứ thọ hay có nhiều thứ thọ.

– Nhóm gồm hai thứ thọ như: Thân thọ và tâm thọ, nội thọ và ngoại thọ, thô thọ và tế thọ, viễn thọ và cận thọ, tịnh thọ và bất tịnh thọ…

– Nhóm gồm ba thứ thọ như: Thọ khổ, thọ lạc, và thọ xả, thọ thiện, thọ bất thiện, thọ vô ký, thọ học, và thọ vô học, thọ phi học phi vô học… dẫn đến có kiến để đoạn sanh thọ, tư duy đoạn sanh thọ và vô tâm đoạn sanh thọ, thọ dục giới kế, thọ sắc giới kế và thọ vô sắc giới kế…

– Nhóm gồm bốn thứ thọ như: Nội thân thọ, ngoại thân thọ, nội tâm thọ, và ngoại tâm thọ…. Lại có tứ chánh cần, tứ như ý túc…

– Nhóm gồm năm thứ thọ như: Thọ khổ, thọ lạc, thọ ưu, thọ hỷ, thọ xả…

Người tu hành khi đã đoạn được các triền cái, là thấy được thọ tương ưng với đoạn khổ rồi vậy.

– Nhóm gồm sáu thứ thọ như: Sáu thức tương ưng với sáu trần khởi sanh sáu thọ.

Lại nữa, do ý thức phân biệt dẫn sanh có 18 thứ thọ, ví như nhãn thấy sắc, rồi tư duy phân biệt sanh các tâm, hoặc ưu, hoặc hỷ, hoặc xả… Đối với nhĩ, tỷ thiệt, thân, ý cũng là như vậy. Tổng cộng có 6×3=18 thứ thọ. Ví như nhãn thấy sắc, rồi tư duy phân biệt sanh các tâm, hoặc ưu, hoặc hỷ, hoặc xả. Đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý cũng là như vậy. Tổng cộng có 6×3=36 thứ thọ.

Nơi 18 thứ thọ nêu trên đây lại phân biệt có tịnh, có cấu. Lập thành 18×2=36 thứ thọ.

Nếu xét trong cả ba đời thì có: 36×3=108 thứ thọ.

Nếu rộng phân biệt hết thảy các nhân duyên sanh thọ thì có vô lượng tâm thọ nên gọi là thọ chúng.

3. Tưởng ấm

Phật thuyết có bốn thứ tưởng. Đó là:

  1. Tiểu tưởng.
  2. Đại tưởng.
  3. Vô lượng tưởng.
  4. Vô sở hữu tưởng.

Nếu giác biết được các pháp nhỏ (tiểu pháp) như thiểu dục, thiểu tín… mà duyên khởi sanh tưởng thì gọi là tiểu tưởng.

Lại nữa, tưởng buộc vào cõi Dục thì gọi là tiểu tưởng, tưởng buộc vào cõi sắc thì gọi là Đại tưởng, tưởng buộc vào cõi Vô sắc thì gọi là vô lượng tưởng, tưởng buộc vào Vô Sở hữu xứ thì gọi là vô sở hữu tưởng.

Lại nữa, tưởng tương ưng với phiền não thì gọi là tiểu tưởng, tưởng tương ưng với vô lậu cấu thì gọi là đại tưởng. Tưởng được thật tướng các pháp thì gọi là vô sở hữu tưởng. Khi được vô lậu tưởng thì gọi là Niết bàn tưởng, là vô lậu pháp vậy.

Lại nữa, có sáu thứ tưởng là: nhãn xúc tương ưng sanh tưởng, nhĩ xúc tương ưng sanh tưởng, tỷ xúc tương ưng sanh tưởng, thiệt thức tương ưng sanh tưởng, thân thức tương ưng sanh tưởng, ý thức tưởng ưng sanh tưởng.

Nếu rộng phân biệt hết thảy các nhân duyên sanh tưởng thì có vô lượng thứ tưởng, nên gọi là tưởng chúng.

4. Hành ấm:

Phật dậy: “Hết thảy các pháp hữu vi đều nhiếp về hành ấm”.

Hành ấm do thân, khẩu, và ý tạo nên. Vì sao? Vì do có thân mới có hơi thở ra vào… Hơi thở ra vào nhiếp về thân hành. Lại vì do có miệng (khẩu) mới có lời nói ra vào. Lời nói ra vào nhiếp về khẩu hành. Khẩu hành là do nhân duyên có giác, có quán, trước có giác quán rồi sau mới có lời nói ra vào… Lại vì do có thọ, có tưởng, mới dẫn sanh ý hành. Tất cả các tâm và tâm sở pháp đều nhiếp về ý hành cả. Vì sao? Vì do có chấp tướng tâm, mới có các thọ khổ, thọ lạc… mới có các phiền não.

Ý hành do hai chấp khởi sanh ra. Đó là: Kiến chấp và ái chấp.

Khi ái làm chủ thì gọi là thọ, khi kiến làm chủ thì gọi là tưởng.

Bởi vậy nên thọ và tưởng đều nhiếp về ý hành cả.

Phật dậy: “Trong 12 nhân duyên có ba hành. Đó là: Phước hành, tội hành, và bất động hành”.

Phước hành là hành nghiệp thiện ở cõi Dục, hay sanh các pháp vô ký, hoặc có báo sanh hoặc chẳng có báo sanh.

Tội hành là hành nghiệp bất thiện.

Bất động hành là các hành nghiệp ở cõi Sắc và cõi Vô sắc.

Nếu rộng phân biệt hết thảy các nhân duyên sanh hành thì có vô lượng thứ hành.

5. Thức ấm

Nói về thức ấm, thì bên trong có lục căn, bên ngoài có lục trần duyên nhau, tạo thành lục nghiệp dẫn sanh lục giác thứ.

Vì lực bên trong mạnh, nên thường chỉ nói đến các căn thức là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức.

Hỏi: Ý thức là thức. Như vậy vì sao còn nói đến ý thức nữa?

Đáp: Ý có tướng sanh diệt. Do nhiều nhân duyên khởi sanh ra ý, sau đó ý mới duyên pháp trần khởi sanh ra ý thức.

Hỏi: Ý trước đã diệt sao lại còn sanh ra ý sau?

Đáp: Khi đề cập đến “ý” phải xét hai trường hợp sau đây:

  1. Niệm niệm sanh diệt.
  2. Tâm tương tục chuyên nhất nẩy được gọi là “ý căn”. Nương theo ý căn đó mà có ý thức sanh ra.

“Ý” và “ý thức” rất khó giải, khó biết, nên 96 tà kiến chấp của hàng ngoại đạo đều chẳng có nói đến ý thức nương theo ý căn mà sanh khởi. Ngoại đạo chỉ nói ý thức do thần sanh ra.

Trong tứ niệm xứ có nói rõ về ngũ ấm. Nơi thân niệm xứ có sắc ấm, nơi thọ niệm xứ có thọ ấm, nơi tâm niệm xứ có thức ấm, nơi pháp niệm xứ có tưởng ấm và hành ấm.

Hỏi: Chỉ có sắc ấm và thức ấm là tùy thời phân biệt nên có tên gọi khác nhau. Từ đó mà đặt thêm các tên khác như thọ tưởng hành. Lại cũng phân biệt có tịnh thức nhiếp về thiện pháp, bất tịnh thức nhiếp về phiền não, bất thiện pháp. Như vậy cần gì phải nói đủ cả năm ấm?

Đáp: Không thể nói như vậy được. Vì sao? Vì ngũ ấm đều khác nhau. Mỗi ấm có công năng riêng khác. Nếu chỉ có tâm mà chẳng có tâm sở thì chẳng có thể nói tâm tịnh hay tâm cấu được. Ví như nước trong ao đang trong suốt yên tịnh, mà có con voi say dẫm chân, khuấy bùn thì nước liền trở thành dơ bẩn. Sau đó, nếu lấy ngọc châu thanh thủy, bỏ vào trong nước đục, tức thì nước trở lại trong như trước.

Như vậy, chẳng nên nói ngoài nước ra không có voi say, cũng không có ngọc châu thanh thủy. Cũng như vậy, tâm chỉ là một mà khi huân tập phiền não vào thì trở thành ô trước, khi huân tập từ bi hỷ xả thì trở thành thanh tịnh. Từ đó mới có phân biệt nói có từ bi, có hỷ xả, có phiền não, có kiết sử. Tuy nhiên tất cả chẳng phải ngoài tâm mới có được.

Ngoài ra, nếu tâm vốn là tịnh, thì chẳng thể có lúc trở thành cấu, và ngược lại, nếu tâm vốn cấu thì chẳng thể có lúc trở thành tịnh được. Phàm phu chỉ chấp vào các thô tướng của tâm hiển lộ ra bên ngoài, mà chẳng rõ được các tâm sở pháp tiềm ẩn ở bên trong. Hết thảy các tâm sở pháp đó đều do ngũ ấm dẫn sanh cả. Bởi vậy nên phải biết đủ cả ngũ ấm.

Hỏi: Vì sao chỉ nói có ngũ ấm mà thôi?

Đáp: Pháp hữu vi vô lượng, nhưng Phật chỉ phân chia ra làm ngũ ấm là đủ rồi, vì hết thảy các pháp hữu vi đều nhiếp trọn trong ngũ ấm.

Hỏi: Như vậy vì sao còn nói đến thập nhị nhập, thập bát giới nữa?

Đáp: Vì muốn thêm rõ nghĩa mà phải nói như vậy.

Do lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý) nhập với lục trần (Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) nên gọi lục căn là lục nội nhập và lục trần là lục ngoại nhập. Cộng có thập nhị nhập.

Lại nữa, lục căn là lục cảnh giới bên trong, tức nội giới, duyên lục trần bên ngoài, tức ngoại giới, khởi sanh ra lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức) là lục cảnh giới ở giữa, tức trung giới. Cộng có thập bát giới.

Phật là đấng Pháp vương, vì lợi ích chúng sanh mà có khi nói hẹp, có khi nói rộng, có sai khác nhau.

– Có người ở nơi sắc pháp mà lại sanh tà kiến, lầm lẫn sắc pháp với các tâm sở pháp. Đối với hạng người này, Phật dạy về ngũ ấm để họ trừ bỏ được tà kiến, Phật lại nói sắc pháp gồm có thập xứ.

– Có người ở nơi tâm sở pháp mà sanh tà kiến về sắc pháp do không rõ được sắc tâm. Đối với hạng người này, Phật dạy về các tâm sở pháp, lại nói lục căn, lục trần và lục thức dung hợp thành 18 giới.

– Có người chẳng biết thế gian là khổ, chẳng biết các pháp là sanh diệt, chẳng biết tu đạo. Đối với hạng người này Phật dạy họ về tứ Diệu đế: Nói thế gian là khổ, nói ái cùng hết thảy phiền não là nhân duyên sanh khổ, nói khi nhân duyên phiền não diệt thì khổ tự diệt, nói khi phiền não đã tận diệt thì được Đạo.

– Có người chấp vô ngã nên ở nơi các pháp khởi sanh tà kiến, chấp chẳng có nhân, chẳng có duyên. Đối với hạng người này Phật dậy về 12 nhân duyên.

– Có người chấp hết thảy pháp là thường, khi diệt trở thành vi tế pháp, chẳng phải thành không. Đối với hạng người này, Phật dạy họ hết thảy pháp hữu vi đều là vô thường, do ngũ ấm hòa hợp mà có, chẳng phải là thật có, bởi vậy gọi là pháp hữu vi.

Hỏi: Người tu phải quán ngũ ấm theo thứ lớp thế nào?

Đáp: Người tu, trước tiên phải quán thân là bất tịnh để rõ biết về vô thường, khổ, không, và vô ngã. Vì sao? Vì người thế gian thường chấp thân là hơn hết. Bởi vậy phải quán rõ ở nơi thân có vô lượng thứ khổ, như khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết…. Phải quán ở thế gian vui ít, chỉ có trong chốc lát mà khổ thì vô lượng.

Do tâm chúng sanh chấp tướng của cảnh giới lục trần là thật có, nên mới khởi sanh vui buồn thương ghét… Mải miết tư duy, tầm cầu các lạc thú ở ngoại cảnh.

Do căn xúc trần khởi sanh thức, lại do thức phân biệt có khổ lạc nên mới sanh tâm đắm chấp các dục lạc ở thế gian. Đây chính là nhân duyên sanh khổ.

Lại vì nhiễm trước dục lạc mà khởi sanh ra ba độc tham sân si dẫn đến hành động tội lỗi.

Thân thức chủ động trong việc thọ dụng dục lạc, vì ngũ dục nhiếp về sắc ấm. Sắc ấm là căn bản dẫn đầu trong ngũ ấm.

Bởi vậy nên trước phải nói về sắc, tức là nói về sắc ấm thân, sau đó mới nói về thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm. Sau khi nói về ngũ ấm xong rồi mới nói về thập nhị nhập, thập bát giới…

Tóm lại, hết thảy các pháp hữu vi đều do ngũ ấm thứ lớp sanh ra.

Hỏi: Phải tu thế nào để được giải thoát?

Đáp: Nếu biết trở về với thiện căn, biết rõ hành và thức là chủ trong sự thọ khổ lạc, thì sẽ hưởng được thượng diệu lạc. Vì sao? Vì khi quán thân bất tịnh, rõ biết vô thường, khổ, không, vô ngã, thì ý thức sẽ được tỉnh giác, sẽ nhập vào cảnh giới vô vi, vô lâu, vô trú, tức là nhập vào trong tánh bình đẳng của pháp giới.

Với pháp tu Tứ Thánh đế, hành giả sẽ được tăng trí huệ, sẽ diệt được thức phân biệt, sẽ thấy rõ thập nhị nhập, thập bát giới… cùng hết thảy các pháp hữu vi đều là như huyễn, như hóa. Do vậy mà chuyển được thức thành vô vi, vô lậu thanh tịnh, lại biết rõ ngũ ấm đều do tâm tạo, đều là chẳng thật có, dẫn dến rõ biết hết thảy pháp đều vốn là tự tánh “không” vậy.

Hỏi: Vậy ai là người biết rõ tánh không của pháp?

Đáp: Chỉ các bậc Thánh mới biết rõ như vậy.

Trong kinh có nói đến ba bậc thánh: bậc Thượng, bậc Trung, bậc Hạ. Phật là bậc Thánh Chủ. Vì sao? Vì Phật là bậc Nhất Thiết Chủng Trí. Pháp Phật thậm thâm vi diệu. Người y theo pháp đó mà tu hành sẽ được thánh quả.

Trong kinh Phật dạy về “Thập bát không” để cho chúng sanh biết rõ hết thảy các pháp đều là “không”, chỉ do duyên hòa hợp mà giả danh “có”. Hết thảy các sắc pháp cũng như các phi sắc pháp đều là “không”. Do muốn phá sắc, mà phân biệt chia chẻ sắc cho đến vi trần. Thế nhưng vi trần cũng là “không”. Là bất khả đắc. Bởi vậy nên biết rõ hết thảy các sắc pháp đều là “không”, là bất khả đắc.

Lại nữa, niệm niệm sanh diệt cũng là “không”, là bất khả đắc. Bởi vậy nên biết rõ hết thảy các phi sắc pháp cũng đều là “không” là bất khả đắc.

Hết thảy muôn sự muôn vật, từ sơn hà đại địa, cây cối đất vườn, dân chúng, thành lũy, đều do nhân duyên hòa hợp sanh ra, nên đều là “không” là bất khả đắc cả.

Ví như cái nhà do cột, kèo, ngói, gạch… hòa hợp tạo thành nên là tự tánh “không”. Dẫn đến vi trần dù là rất nhỏ cũng đều có thể chia chẻ nên cũng đều là tự tánh không, là bất khả đắc.

Nếu vi trần là thật có thì vi trần là thường pháp, chẳng có thể chia sẻ, chẳng có thể phá hoại được. Những người nói vi trần có hình dạng, hay nói vi trần chẳng có hình dạng cũng đều là lỗi lầm cả. Vì sao? Vì nếu nói vi trần có hình dạng thì nơi vi trần phải có đủ 10 phương phận. Nhưng nếu đã có 10 phương phận thì chẳng có thể là vi trần được. Trái lại, nếu nói vi trần chẳng có hình dạng, thì làm sao có sắc được.

Ly nhân duyên và danh tự thì chẳng sao có được các pháp. Thế nhưng nhân duyên và danh tự đều là “không”, nên hết thảy các pháp cũng đều là “không” cả.

Hỏi: Nếu nói các pháp đều là không, thì do đâu mà có danh tự?

Đáp: Nếu còn chấp có danh tự, thì phải nên bỏ chấp ấy đi. Nếu đã biết rõ danh tự là tự tánh không, thì chẳng còn gì để hỏi nữa. Danh tự cùng các pháp chẳng phải hai, chẳng phải khác. Khi nói các pháp đều là tự tánh không, là đã bao gồm danh tự trong đó rồi vậy.

Lại nữa, nói có một pháp, nói có nhiều pháp, nói có pháp này pháp kia, cũng đều là hý luận cả. Ví như cây cỏ gốc, có thân, có cành, có lá… mới giả danh có cây. Nếu chẳng có pháp cây, thì chẳng có sự hòa hợp của các pháp gốc, thân, cành, lá…

Hết thảy các pháp đều là “không”. Nếu có nói ra, là có hý luận. Nhưng nếu chẳng dùng ngôn ngữ để nói ra thì chẳng sao có thể làm cho chúng sanh biết được rằng “pháp không” đó cũng là không.

Hỏi: Nếu các pháp thật sự là “không”, thì còn nói đến “pháp không” để làm gì nữa đây?

Đáp: Có hai trường hợp cần phải nói. Đó là:

– Nói về “không” để phá chấp về “hữu”.

– Nói về “không” mà chẳng trú chấp nơi pháp “không”.

Trong kinh có thí dụ sau đây:

Khi tiểu kiếp tận thì xảy ra các nạn đao binh, hạn hán, dịch tật, đói khát… Nhưng vẫn còn có sơn hà đại địa còn có người, có chim, có thú…

Khi đại tận kiếp thì lửa thiêu rụi tất cả, lúc bấy giờ sơn hà đại địa dẫn đến kim cang… cũng đều bị tiêu diệt cả.

Khi đại hỏa đã diệt rồi thì phong đại giữa hư không cũng diệt theo. Lúc bấy giờ, hết thảy đều trở thành “không”, chẳng còn gì hết.

Nói về pháp “Không” cũng là như vậy. Vì nhằm phá hết thảy các pháp tướng, mà nói hết thảy các pháp đều “không”. Nhưng nếu còn chấp pháp “không” thì vẫn còn chấp tướng “không” vậy. Bởi vậy, phải phá luôn sự chấp “không” mới được “tận không”.

Người tu hành tu tập như vậy là tu tập tùy thuận theo Bát Nhã Ba La Mật. Ví như các đệ tử tùy thuận theo bậc đạo sư, chẳng có làm trái ý thầy vậy.

Như vậy gọi là tương ưng với Như Tướng của Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát tùy thuận tướng ấy mà thành tựu thật trí huệ. Ví như cái nồi với cái vung, dù cỡ lớn, dù cỡ nhỏ cũng phải tương ưng nhau.

Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La mật, diệt hết thảy các pháp quán, thành tựu thật trí huệ, chẳng còn rơi về hai chấp, mới gọi là cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

KINH:

Này, Xá Lợi Phất. Bồ Tát Ma Ha Tát tu tập bảy pháp Không gồm: Tánh không, Tự tướng không, chư pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không, mới cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao chẳng nói đầy đủ 18 pháp không mà chỉ nói có bảy pháp không này thôi?

Đáp: Trong Phật pháp tùy từng trường hợp có thể nói rộng hay hẹp, rộng thì nói đến 18 pháp không, còn hẹp thì chỉ nói 7 pháp không này là đủ rồi vậy. Cũng như nói 37 Phẩm trợ đạo là nói rộng, còn nói 7 giác chỉ là nói hẹp. Vì 7 pháp không này thường làm lợi ích cho chúng sanh khởi tà kiến mới cần nói đến. Khi đã quán được tổng tướng và biệt tướng của các pháp rồi, đã xa lìa được ngũ dục, đã được tâm không, thì chỉ cần nói đến pháp không, và chúng sanh không.

Pháp không là do từ nơi tánh không. Tánh đã không thì cũng chẳng có tướng nên là tự tướng không. Tướng đã không thì hết thảy các pháp đều không, là chư pháp không. Hét thảy các pháp đã là không, thì là bất khả đắc, tức là bất khả đắc không.

Dùng bốn pháp không này để phá hết thảy các pháp hữu vi, được hữu pháp không.

Thế nhưng, khi đã phá hết thảy pháp hữu vi rồi thì thường rơi về chấp vô pháp. Bởi vậy, lại phải quán vô pháp không.

Nếu nghe vô pháp không mà trở về chấp hữu pháp, thì lại phải quán cả vô pháp lẫn hữu pháp đều không, tức là vô pháp hữu pháp không.

Như vậy, người tu hành tuần tự tu tập bảy pháp không như sau:

– Tu tập tứ pháp gồm tánh không, tự tướng không, chư pháp không, và bất khả đắc không để phá chấp về các pháp hữu vi.

– Khi đã quán được hữu pháp không rồi nếu rơi về chấp vô pháp thì phải quán vô pháp không.

– Khi đã quán được hữu pháp không và vô pháp không rồi, lại còn phải quán chung cả vô pháp lẫn hữu pháp đều không, tức là quán vô pháp hữu pháp không. Khi đã quán được cả VÔ lẫn HỮU đều không, cũng như quán cả nội lẫn ngoại đều không, là đầy đủ cả bảy KHÔNG vậy.

Hỏi: Trước đây có nói rằng: “Khi biết õ hết thảy pháp đều , là diệt được hết thảy các quán, là được cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng, nếu chẳng như vậy, thì chẳng được cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng”.Nh

Nói như vậy là còn phân biệt đúng sai, phải trái, tức là còn có quán rồi. Sao lại nói “Diệt hết thảy các quán?”

Đáp: Nhằm giải niềm nghi đó, Phật đã dạy ngài Xá Lợi Phất rằng Bồ Tát phải tu tập đầy đủ 7 pháp không như nêu trên đây, mới được cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

KINH

Này Xá Lợi Phất, khi tu tập 7 pháp không, Bồ Tát Ma Ha Tát chẳng thấy sắc tương ưng, hay chẳng có tương ưng, chẳng thấy thọ, tưởng, hành thức tương ưng hay chẳng có tương ưng, chẳng thấy sắc có tướng sanh, có tướng diệt, có tướng cấu, có tướng tịnh, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức, có tướng sanh, có tướng diệt, có tướng cấu, có tướng tịnh.

LUẬN:

Khi tu tập bảy pháp không, Bồ Tát chẳng thấy ngũ ấm tương ưng, hay chẳng tương ưng mới được cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng. Vì thấy có tương ưng hay chẳng có tương ưng là còn chấp tướng vậy.

Lại nữa, Bồ Tát chẳng thấy có ngũ ấm có tướng sanh, có tướng diệt. Vì nếu chấp ngũ ấm có các tướng sanh diệt là rơi về chấp đoạn diệt. Nếu rơi về chấp đoạn diệt thì chẳng có tội, chẳng có phước, chỉ đồng với loài cầm thú vậy.

Lại nữa, Bồ Tát cũng chẳng thấy ngũ ấm có tướng cấu, tướng tịnh. Vì nếu chấp ngũ ấm có các tướng cấu tịnh thì có phược (buộc), có giải (mở). Vì nếu ngũ ấm vốn có tánh phược thì chẳng sao có thể có được giải thoát. Còn nếu ngũ ấm vốn có tánh tịnh, thì người đời sẽ nghĩ rằng chẳng cần phải tu tập làm gì nữa.

KINH:

Khi tu tập 7 pháp không, Bồ Tát Ma Ha Tát cũng chẳng thấy sắc cùng với thọ tương hợp, chẳng thấy thọ cùng với tưởng tương hợp, chẳng thấy tưởng cùng với hành tương hợp, chẳng thấy hành cùng với thức tương hợp. Vì sao? Vì hết thảy các pháp đều là tánh không nên chẳng có pháp này cùng với pháp khác tương hợp được.

LUẬN:

Các tâm và tâm sở pháp đều là chẳng có hình tướng (vô hình). Do chẳng có hình tướng nên cũng chẳng có chỗ trú (vô trú xứ).

Ví như tứ đại và tứ đại tạo sắc hòa hợp khởi sanh ra các tâm và tâm sở pháp. Thế nhưng nếu chẳng có xúc làm trung gian thì các pháp ấy chẳng sao hòa hợp với nhau được.

Phật dạy: “Chẳng có pháp cùng với pháp tương hợp được”. Vì sao? Vì tánh của hết thảy các pháp thường không, nên pháp này chẳng có thể tương hợp với pháp khác được vậy.

KINH:

Này Xá Lợi Phất! Trong sắc không, chẳng có sắc, dẫn đến trong thọ không, tưởng không, hành không, thức không cũng chẳng có thọ, tưởng, hành, thức.

LUẬN:

“Sắc” và “không” trái nhau. Đã là “không”, thì chẳng có “sắc” được. Ví như lửa và nước trái nhau. Trong nước chẳng có lửa và trong lửa chẳng có nước vậy.

Thế gian thấy “sắc” chẳng phải là “không”. Chỉ có người tu, khi vào được “Không tam muội” rồi mới thấy được “sắc” tức là “không”.

Phật dạy “Trong sắc không, chẳng có sắc, dẫn đến trong thức không, chẳng có thức” để khai thị tánh không của ngũ ấm.

KINH:

Này Xá Lợi Phất! Vì sắc là tánh không, nên chẳng có tướng não hoại. Vì thọ là tánh không nên chẳng có các tướng thọ. Vì tưởng là tánh không, nên chẳng có các tướng tưởng. Vì hành là tánh không, nên chẳng có các tướng tạo tác. Vì thức là tánh không, nên chẳng có các tướng tri giác.

LUẬN:

Trước đây nói ngũ ấm đều là không. Do vậy mà nói trong sắc không, chẳng có sắc… dẫn đến trong thức không, chẳng có thức. Như vậy có nghĩa là trong “không” chẳng có ngũ ấm vậy.

Nay nói nhân duyên ngũ ấm, mỗi mỗi đều là tự tánh không, tự tướng không, nên đều là bất khả đắc cả. Đây là nói về duyên khởi ngũ ấm là không, dẫn đến ngũ ấm là không vậy.

KINH:

Vì sao? Vì sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng chẳng khác không. Không cũng chẳng khác thọ, tưởng, hành, thức; thọ tưởng, hành thức tức là không, không cũng tức là thọ tưởng hành thức.

LUẬN:

Nay Phật khai thị về nghĩa nhân duyên. Nếu ngũ ấm khác với không, thì trong không phải có ngũ ấm. Nay nói ngũ ấm chẳng khác không, và không chẳng khác ngũ ấm. Như vậy là nói ngũ ấm tức là không, và không cũng tức là ngũ ấm.

Bởi nhân duyên như vậy, nên tuy nói “không” mà chẳng phá ngũ ấm vậy. Vì sao? Vì ở đây Phật khai thị nhân duyên ngũ ấm vốn là không.

KINH:

Này, Xá Lợi Phất! Các pháp đều là tướng không, đều chẳng có sanh, chẳng có diệt, chẳng có cấu, chẳng có tịnh, chẳng có tăng, chẳng có giảm, chẳng có ở trong ba đời. Bởi vậy, trong pháp KHÔNG chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; chẳng có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; chẳng có nhãn giới, dẫn dến chẳng có ý thức giới, chẳng có vô minh, cũng chẳng có vô minh tận; chẳng có lão tử, cũng chẳng có lão tử tận, chẳng có khổ, tập, diệt, đạo, chẳng có trí, cũng chẳng có đắc, chẳng có Thanh Văn, cũng chẳng có bốn quả Thanh Văn, chẳng có Bích Chi Phật, cũng chẳng có Bích Chi Phật đạo, chẳng có Phật cũng chẳng có Phật đạo.

Bồ Tát Ma Ha Tát phải tu tập đúng như vậy, mới được gọi là cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

LUẬN:

Hỏi: Ai cũng có thể biết được rằng “không” là chẳng có sanh, chẳng có diệt, chẳng có cấu, chẳng có tịnh, chẳng có tăng, chẳng có giảm… là chẳng có hết thảy pháp. Như vậy, vì sao Phật còn phân biệt nói ngũ ấm cùng hết thảy pháp đều là không?

Đáp: Có người tuy đã biết về “không” mà cứ tưởng rằng nơi “không” cũng vẫn còn có pháp. Ví như người tu từ tâm, khi hành bố thí, vẫn tưởng rằng có chúng sanh được thọ hưởng của thí, được hoan hỷ. Mặc dù hành bố thí như vậy cũng đã được phước đức rồi, nhưng do còn tâm chấp, nên chẳng cvafo được cửa “không”.

Phật khai thị cho chúng sanh rõ các pháp vẫn thường không, chẳng cần phải vào “không tam muội” mới biến các Pháp thành Không vậy. Người tu, khi thành tựu được trí vô lậu, sẽ thành tựu được đạo quả, từ quả Tu Đà Hoàn dẫn đến quả vị Phật.

Biết rõ các pháp ở nơi thật tướng vẫn thường không, mà chẳng trú chấp nơi không, mới gọi là cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

KINH:

Này, Xá Lợi Phất, khi thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát Ma Ha Tát chẳng thấy cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng, hay chẳng có tương ưng; chẳng thấy cùng ngũ Ba La Mật kia tương ưng, hay chẳng có tương ưng; chẳng thấy cùng sắc, thọ, tưởng, hành, thức tương ưng, hay chẳng có tương ưng; chẳng thấy nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tương ưng, hay chẳng có tương ưng; chẳng thấy nhãn giới, dẫn đến chẳng thấy ý thức giới tương ưng, hay chẳng có tương ưng.

Lại cũng chẳng thấy tứ niệm xứ, bát Thánh đạo, thập Phật lực… dẫn đến chẳng thấy Nhất Thiết Chủng Trí tương ưng, hay chẳng có tương ưng.

Bồ Tát Ma Ha Tát phải tu tập đúng như vậy, mới được gọi là cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

LUẬN:

Khi đã vào thật tướng Bát Nhã, Bồ Tát chẳng còn thấy các pháp có định tướng, có tương ưng, hay chẳng có tương ưng. Bởi vậy nên Bồ Tát chẳng còn thấy các pháp có sai khác nhau. Vì sao? Vì khi thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát chẳng thấy cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng, hay chẳng có tương ưng. Do vì chẳng thấy như vậy, nên mới gọi là cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng. Nếu trái lại, thì chẳng được cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

Lại nữa, Bồ Tát cũng chẳng thấy hành thường, lạc, ngã, tịnh, là tương ưng, hay chẳng phải tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật, chẳng thấy hành vô thường, khổ, không, vô ngã là tương ưng, hay chẳng có tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật.

Tóm lại, nếu thấy có hành, hay chẳng có hành là không tưng ưng với Bát Nhã Ba La Mật, nếu chẳng thấy có hành, hay chẳng thấy chẳng có hành mới gọi là cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

Vì sao? Vì ở trong Bát Nhã Ba La Mật chẳng có các sự việc ấy. Bát Nhã Ba La Mật vốn rốt ráo “không”, rốt ráo thanh tịnh cả.

Hỏi: Nói Bát Nhã Ba La Mật rốt ráo thanh tịnh, thì còn hợp lý. Thế nhưng ngũ Ba La Mật kia, ngũ ấm, cùng hết thảy các pháp làm sao có thể rốt ráo thanh tịnh được?

Đáp: Trước nói “Ly Bát Nhã Ba La Mật, thì ngũ Ba La Mật kia chẳng được gọi là Ba La Mật”. Nay đã tưng ưng với Bát Nhã Ba La Mật thì phải cùng hòa hợp với Bát Nhã Ba La mật, cùng thanh tịnh như Bát Nhã Ba La Mật vậy mới xứng đáng được gọi là Ba La Mật. Ví như khi hành bố thí phải chẳng còn thấy có người cho, có người nhận, có vật cho, thì mới được thanh tịnh, mới được gọi là Đàn Ba La Mật.

Bồ Tát quán ngũ ấm cùng Bát Nhã Ba La Mật hào hợp nên cũng thấy ngũ ấm là rốt ráo thanh tịnh. Quán như vậy, nhưng Bồ tát chẳng thấy ngũ ấm có tương ưng hay chẳng có tương ưng.

Đối với 12 nhập, 18 giới, 12 nhân duyên cùng hết thảy các pháp cũng đều như vậy cả.

Do các pháp chẳng có định tướng, nên cũng chẳng phải là định pháp.

Bởi nhân duyên vậy nên ở nơi hết thảy các pháp như tứ niệm xứ, bát chánh đạo, thập bát không dẫn đến đại từ đại bi, nhất thiết chủng trí, Bồ tát chẳng thấy có tương ưng, hay chẳng có tương ưng.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát cũng hành 37 Phẩm Trợ đạo, là pháp của hàng Thanh Văn? Lại nữa, Bồ tát chưa thành Phật đạo, thì làm sao có được 10 Phật lực, tứ vô sở úy, 18 bất cộng pháp?

Đáp: Khi tu hạnh Bồ Tát, Bồ Tát phải quán các pháp của Thanh Văn và của Bích Chi Phật. Vì sao? Vì Bồ Tát phương tiện dùng pháp của Thanh Văn và của Bích Chi Phật để độ chúng sanh. Tuy hành 37 Phẩm Trợ đạo mà Bồ Tát chẳng có thủ chứng. Vì sao? Vì Bồ Tát vào Không, Vô tướng và Vô tác, trú trong 3 tam muội ấy, dấy niệm rằng: “nếu ta tác chứng, ta sẽ chẳng có thể làm lợi ích cho chúng sanh.” Do nghĩ như vậy, mà Bồ Tát, từ sơ phát tâm, đã phát thán, chánh ức niệm 37 Phẩm Trợ đạo. Ngoài ra, 10 Phật lực, tứ vô sở úy, 18 Bất cộng pháp là những pháp thậm thâm, vi diệu, nên từ vô lượng kiếp về trước, và mãi cho đến khi tọa đạo tràng, Bồ Tát vẫn phải nghe, phải nhớ tưởng, phải phân biệt, phải trú trong các pháp ấy để tu tập đạo giải thoát. Ví như các bậc công thần, phải thành tựu sự nghiệp, phải có đầy đủ oai lực mới xứng đáng được thưởng công. Cũng như vậy, Bồ Tát phải thành tựu các công đức mới được đầy đủ oai lực trong sự nghiệp hoằng pháp độ sanh.

Hết thảy các công đức của Bồ Tát đều nhờ nơi Bát Nhã Ba La Mật. Khi Bồ Tát đã hợp với Bát Nhã Ba La Mật rồi thì chẳng thấy có tương ưng hay không tương ưng nữa.

Như vậy là Bồ Tát ở nơi các pháp nghĩa, tùy thuận lục pháp Ba La Mật tu tập, cho đến khi được nhất thiết chủng trí.

KINH:

Này Xá Lợi Phất, Bồ Tát Ma Ha Tát thực hành Bát Nhã Ba La Mật là thật hành pháp không, nhưng chẳng thấy không hợp với không chẳng thấy vô tướng hợp với vô tướng, chẳng thấy vô tác hợp với vô tác. Vì sao? Vì không, vô tướng và vô tác chẳng hợp cũng chẳng phải chẳng hợp.

Bồ Tát Ma Ha Tát phải tu tập đúng như vậy mới được gọi là cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

LUẬN:

Hỏi: Trong nhất tâm chẳng có thể có hai thứ “không”. Như vậy vì sao đã nói về “không” rồi lại còn nói chẳng thấy “không” hợp với “không”?

Đáp: Phải nên hiểu “không” theo hai nghĩa. Đó là:

  1. Không Tam muội.
  2. Pháp không.

Không Tam muội chẳng cùng hợp với pháp “không”. Vì sao? Vì nếu dùng lực “không tam muội:’ mà hợp được pháp “không” thì pháp ấy chẳng phải là rốt ráo không. Nếu pháp “không” là rốt ráo không, thì chẳng phải đợi nhân duyên mới sanh. Nếu phải đợi nhân duyên mới sanh, thì chẳng phải là rốt ráo không nữa.

Người tu hành, khi vào được “không tam muội” thì thấy không. Khi ra khỏi tam muội, thì chẳng thấy không nữa. Không như vậy chỉ là hý luận, chẳng phải là rốt ráo không.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật nói: “Không chẳng hợp với không. Dẫn đến vô tướng cũng chẳng hợp với vô tướng, vô tác cũng chẳng hợp với vô tác. Bồ Tát phải tu tập đúng như vậy, mới được cùng Bát Nhã Ba La Mật tương ưng.

Hỏi: Chỉ cần nói: “Chẳng thấy tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật, hay chẳng tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật” là đủ rồi, vì sao còn nói đến các pháp tưng ưng, hay chẳng có tương ưng nữa? Ví như nói một người mù không thấy được ánh sáng, thì 100, 1000 người mù cũng chẳng thấy được ánh sáng, đâu có cần phải nói nhiều lần?

Đáp: Chẳng phải như vậy. Các pháp tướng, tuy chẳng có thể nói ra được (Bất khả thuyết) nhưng Phật vì lòng đại bi, thương xót chúng sanh, mà phải dùng các pháp phương tiện chỉ bày cho chúng sanh được rõ. Đối với hạng người lợi căn, thượng trí, Phật chỉ cần nói một vài lần là họ đã được độ. Còn đối với hạng người độn căn ám trí, thì phải nói rất nhiều lần, thì họ mới có thể hiểu được.

Lại nữa, trong kinh có phân biệt như sau:

– Phen thứ nhất, Phật nói để đoạn các chấp của người, khiến họ thấy rõ các kiết sử, phen thứ hai, Phật nói để đoạn các kiết sử về tà tư duy của người, phen thứ ba, Phật nói để đoạn từng phần dư tàng kiết sử của người.

– Phen thứ nhất, Phật nói với hạng người được đạo Thanh Văn; phen thứ hai Phật nói với hạng người được đạo Bích Chi Phật; phen thứ ba, Phật nói với hạng người phát tâm cầu Vô thượng Bồ đề.

– Phen thứ nhất, Phật nói về lục pháp Ba La Mật, phen thứ hai, Phật nói về các pháp môn phương tiện, phen thứ ba nói về trú ở sơ địa của đạo Bồ Tát. Lại còn có một phen nói về trú ở địa thứ 10 của đạo Bồ Tát.

Hoặc phen thứ nhất nói về đạo làm người (nhân đạo), phen thứ hai nói về đạo làm Trời (thiên đạo),…

Bát Nhã Ba La Mật thậm thâm, vi diệu, khó giải, khó biết. Phật rõ biết tâm của chúng sanh có lợi, có độn, nên đối với người lợi căn, thông trí chỉ cần nói một lần là họ liền ngộ; đối với người độn căn, thiểu trí, thì phải nói nhiều lần mới làm cho họ hiểu được. Cũng như có nhiều con ngựa bị đánh roi mới chịu chạy, trái lại, những con ngựa thuần thục chỉ thấy bóng roi là liền chạy đúng đường. Như vậy, do rất nhiều nguyên nhân sai khác nhau mà kinh phải nói đi nói lại nhiều lần về một vấn đề nhằm đem lại nhiều lợi ích cho từng đối tượng chúng sanh.

KINH:

Này, Xá Lợi Phất, khi thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát Ma Ha Tát vào được tự tướng không của các pháp. Khi đã vào được rồi, chẳng thấy sắc cùng với quá khứ tương hợp, sắc cùng với hiện tại tương hợp, sắc cùng với vị lai tương hợp, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức cùng với quá khứ, hiện tại và vị lai tương hợp. Vì sao? Vì chẳng thấy có quá khứ, có hiện tại, có vị lai nên chẳng thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức cùng với quá khứ, hiện tại và vị lai tương hợp.

LUẬN:

Trước đã nói về không, vô tướng và vô tác chẳng hợp cũng chẳng phải chẳng hợp với Bát Nhã Ba La Mật. Nay nói, do nhân duyên vào được tự tướng không, mà chẳng thấy sắc có hợp, hay chẳng có hợp, dẫn đến chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức có hợp, hay chẳng có hợp. Vì sao? Vì các pháp đều là tự tướng không, nên trong “không” chẳng thấy có hợp, hay chẳng có hợp vậy.

Lại nữa, do tâm chấp mà nói đất có tướng cúng, nước có tướng ướt, gió có tướng lay động… thức có tướng hay biết…

Mặc dù mỗi pháp đều có tướng riêng, chẳng có ở nơi các pháp khác, nhưng hết thảy các pháp đều là như, nên chẳng có hợp, cũng chẳng không hợp.

Lại nữa, tự tướng của hết thảy các pháp đều là không, nên các pháp tướng chẳng có tăng, chẳng có giảm, chẳng cùng quá khứ, hiện tại hay vị lai tương hợp.

Quá khứ là không, là vô sở hữu, chỉ giả danh có vậy thôi. Nếu sắc hợp với quá khứ, mà quá khứ đã diệt, thì sắc chẳng thể hợp với hiện tại được. Còn vị lai thì chưa đến, nên sắc cũng chẳng thể hợp với vị lai được.

Ngay nơi hiện tại, sắc cũng sanh diệt, chẳng có chỗ cho trú (vô sở trú) nên tướng của sắc là bất khả đắc (bất khả đắc tướng). Vì là bất khả đắc tướng, nên sắc cũng chẳng có thể cùng với hiện tại hợp hay chẳng hợp.

Sấc cũng chẳng có thể cùng quá khứ, cùng vị lai hợp hay chẳng hợp.

Vì sao? Vì quá khứ, vị lai cũng đều là bất khả đắc cả.

Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là như vậy cả.

KINH:

Này, Xá Lợi Phất, khi thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát Ma Ha Tatts chẳng thấy quá khứ cùng vị lai hợp, chẳng thấy vị lai cùng quá khứ hợp, chẳng thấy hiện tại cùng quá khứ và vị lai hợp, chẳng thấy quá khứ và vị lai cùng hiện tại hợp. Vì sao? Vì cả ba đời đều chỉ là danh tự, đều là không vậy.

Bồ Tát Ma Ha Tát phải tu tập đúng như vậu, mới được gọi là cùng Bát Nhã Ba La mật tương ưng.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao nói: “Chẳng thấy quá khứ cùng vị lai hợp?”

Đáp: Vì có người tin rằng các pháp ở trong cả ba đời đều có. Ví như nói pháp vị lai chuyển thành hiện tại, pháp hiện tại chuyển thành quá khứ, nói hiện tại là đất chuyển thành cái bình trong vị lai, rồi ở vị lai cái bình lại chuyển thành đất, hoặc nói quá khứ là đất, hiện tại là bình, rồi vị lai là đất…

Đây là do tâm chấp có sự hòa hợp, mà thấy có tướng của ba đời, nên biết sự việc đó chẳng phải là như vậy. Vì sao? Vì nếu chấp có pháp quá khứ cùng với quá khứ làm nhân cho hiện tại, chấp có pháp vị lai cùng với vị lai làm nhân cho đời vị lai kế tiếp,… đều là lầm lỗi cả.

Lại nữa, nếu chấp tâm quá khứ cùng với các tâm sở pháp duyên các pháp trong ba đời cũng là lầm lỗi. Dẫn đến, nếu chấp các tâm hiện tại, tâm vị lai cùng với các tâm sở pháp cũng lại duyên như vậy, thì cũng đều là lầm lỗi cả.

Lại nữa, có trường hợp, người tu hành đoạn được các tâm và tâm sở pháp, và đoạn được tâm năng duyên, mà vẫn chẳng đoạn được các pháp, cũng có trường hợp người tu hành đoạn được các tâm và tâm sở pháp, chưa đoạn đực tâm năng duyên, mà đã có thể đoạn được các pháp.

Như vậy, hết thảy các pháp trong ba đời đều do onhana duyên nghiệp quả, cùng nhau hòa hợp mà có. Thế nhưng nếu chúng sanh mê lầm chấp có sự hòa hợp thì đó cũng là lầm lỗi.

Bồ Tát chẳng có làm chấp về sự hòa hợp đó. Vì sao? Vì như trước đây đã nói rõ:

– Quá khứ đã diệt, nên chẳng thể làm nhân duyên cho hiện tại và vị lai được.

– Ngay trong một niệm, các nhân duyên ở hiện tại cũng chẳng có trú. Bởi vậy, hiện tại chẳng có thể làm nhân duyên cho vị lai được.

Bởi vậy nên nói: “Ba đời chẳng có thể cùng nhau hòa hợp được”.

Phật dạy thêm rằng: “Nhân duyên cả ba đời chỉ là danh tự, là không, nên ba đời chẳng cùng nhau hòa hợp được.

(Hết quyển 36)