LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 35

Phẩm thứ hai
Phụng bát
(Dâng bát)

KINH:

Phật dạy: “Này Xá Lợi Phất ! Bồ Tát Ma Ha Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, thành tựu các công đức như đã nêu trên đây, thì bốn vị Thiên Vương đều hoan hỷ, và nghĩ rằng chúng ta phải đem bốn cái bát cúng dường Bồ Tát, như trước đây chúng ta đã cúng dường Phật.

LUẬN:

Hỏi : Ở phẩm trước đây đã nói đầy đủ về Bát Nhã Ba La Mật rồi. Nay còn nói thêm làm gì nữa ?

Đáp : Trước đây chỉ mới tán thán Bát Nhã Ba La Mật, mà chưa nói đầy đủ về sự. Nay nói về hành giả phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật, phải tựu đầy đủ các công đức, thì mới được bốn vị Thiên Vương cúng dường bát.

Lại nữa, Phật muốn chư Bồ Tát thành tựu đầy đủ các hạnh nguyện, nên mới nói về các quả báo chẳng bao giờ mất.

Các quả báo ấy là:

– Thành Phật, độ chúng sanh.

– Chưa thành Phật cũng hưởng các phước báo ở thế gian, được chúng sanh cung kính, cúng dường, có đầy đủ các phước lạc v.v…

Trong phẩm này Phật muốn nêu các quả báo thế gian nhằm khai thị cho chúng sanh được rõ, nên mới nói về mặt sự của các công đức.

Người thế gian muốn thành tựu sự nghiệp, thường mưu tính suy lường, nên tâm thường bị não loạn. Còn Bồ Tát thì chẳng phải như vậy. Vì sao ? Vì Bồ Tát ở nơi nội tâm cũng như ở nơi ngoại cảnh đều tự tại vô ngại.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật mới nói ra phẩm kinh này.

Hỏi : Vì sao thấy Bồ Tát tăng ích sáu pháp Ba La Mật, mà hàng chư Thiên lại hoan hỷ vui mừng ?

Đáp : Vì thấy Bồ Tát tu tập thập thiện nghiệp đạo, tứ thiền, tứ vô lượng tâm…  tu tập sáu pháp Ba La Mật như vậy, sẽ dẫn sanh các công đức như chư Phật.

Do nhân duyên có Bồ Tát ra đời, mà số chư Thiên càng lâu càng thêm tăng trưởng, số A Tu La càng lâu càng bị giảm sút. Trái lại nếu chẳng có Bồ Tát ra đời, thì số chư Thiên càng lâu càng bị giảm sút, số A Tu La càng lâu càng thêm tăng trưởng, khiến cho giống tạp phước, không thanh tịnh, càng lâu càng thêm lớn mạnh.

Chư Phật và chư đại Bồ Tát, vì đại sự nhân duyên mà ra đời nhằm đoạn nghi cho chúng sanh.

—oOo—

Trong kinh có ghi mẩu chuyện sau đây:

Xưa có vị Trời Đế Thích, gắn đến thời mạng chung, sanh tâm sợ hãi, muốn cầu được Phật cứu độ mà chẳng biết Phật ở đâu cả.

Vị Đế Thích ấy dùng thiên nhãn thấy có một vị Đạo sĩ tu trong rừng vắng, thanh tịnh, bèn tìm đến cúng dường, nhưng chẳng sao đoạn được lưới nghi nơi mình.

Lúc bấy giờ có một vị Trời khác mách rằng : Hiện có vua Thi Tỳ là một vị đại Bồ Tát tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ đầy đủ, chẳng bao lâu nữa sẽ thành Phật.

Vị Đế Thích nghe như vậy mà vẫn chẳng tin, vì nghĩ rằng: người tu như trứng cá, bông xoài, phát tâm rất nhiều mà thành tựu đạo quả thì chẳng có được bao nhiêu.

Nghĩ như vậy rồi, vị Đế Thích bảo vị Trời kia biến thành chim bồ câu, rồi tự mình biến thành chim ưng nhằm thử lòng vua Thi Tỳ. Chim ưng đuổi bắt chim bồ câu khiến chim bồ câu sợ hãi, run rẩy, bay thẳng vào nách nhà vua để ẩn trốn. Chim ưng giận dữ đòi nhà vua phải trả lại con mồi cho mình, bằng không phải trả lại một số thịt tươi nóng tương đương.

Trước sự đòi hỏi của chim ưng, nhà vua lấy dao tự lóc thịt của mình trao cho chim ưng, để đổi lấy mạng sống của chim bồ câu nhỏ bé.

Vị Đế Thích thấy rõ đại tâm của Bồ Tát, hết sức vui mừng, hiện lại nguyên hình, dùng hoa trời cúng dường Bồ Tát. Lúc bấy giờ mặt đất dấy lên sáu điệu chấn động.

 (Xem đầy đủ mẩu chuyện này ở quyển 4 của bộ luận này).

—oOo—

 Hàng phàm phu ít có trí huệ, mải miết lăn lóc theo cuộc sống hàng ngày mà còn vui mừng khi nghe nói có Bồ Tát tăng ích sáu pháp Ba La Mật, không còn bao lâu nữa sẽ thành Phật, huống nữa là chư Thiên có thiên nhãn mà chẳng có sanh tâm hoan hỷ vui mừng hay sao ?

Chư Thiên có trí huệ, biết rõ thiền định là pháp lạc, ngũ dục là vô thường, lại biết rõ Phật và Bồ Tát ra đời đem lại thường lạc cho chúng sanh, nên rất hoan hỷ khi thấy Bồ Tát tăng ích sáu pháp Ba La Mật. Ví như thấy cây im mát xanh tươi, mọi người đều sanh tâm hoan hỷ, vì biết rằng các loại cây như vậy có bóng rợp mát, có hoa đẹp, có quả ngon, đem lại nhiều lợi ích cho cúng sanh. Bồ Tát cũng như vậy. Bồ Tát dạy cho chúng sanh xa lìa các ác pháp, tu tập các thiện pháp, dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi ba đường ác, hưởng phước lạc ở cõi Trời, cõi người, đơm hoa Hiền Thánh, kết quả Ba Thừa (tam thừa), khiến được an lạc ở đời này và cả đời sau.

Hỏi: Chư Thiên cúng dường rất nhiều thứ. Vì sao ở đây chỉ nói đến cúng dường bát mà thôi ?

Đáp: Tứ Thiên Vương cúng dường bát, Thích Đề Hoàn Nhơn (tức là Đế Thích) cúng dường y, Phạm Thiên Vương cúng dường lọng.

Lại có nhiều hình thức cúng dường khác nữa, như:

– Khi Phật còn là vị Thái Tử, chư Thiên ở cõi trời Tịnh Cư Thiên hóa thân làm người già, người bệnh, người chết, làm Sa Môn ở bốn cửa thành, để giúp Bồ Tát phát tâm xuất gia cầu đạo. Lại có bốn vị Thiên Vương ở bốn bên hộ vệ Bồ Tát.

 – Khi Bồ Tát cắt tóc, Đế Thích lấy tóc của Bồ Tát rồi xây tháp thờ ở trên cõi trời.

– Khi Bồ Tát ngồi dưới gốc Bồ Đề, Đế Thích dâng cỏ Cát Tường để làm tòa Kim Cang.

– Khi Bồ Tát thành Phật dưới gốc cây Bồ Đề, Phạm Thiên Vương thỉnh Phật chuyển pháp luân, còn bốn vị Thiên Vương (Tứ Thiên Vương) thì cúng dường bát.

Hỏi : Chỉ có một mình Phật, vì sao lại cúng dường đến bốn bát ?

Đáp: Bốn vị Thiên Vương cúng dường bốn bát. Phật thọ sự cúng dường của cả bốn vị, chẳng bỏ một ai. Thế nhưng Phật có thần lực biến bốn bát thành một bát mà thôi, khiến cả bốn vị Thiên Vương đều vui mừng.

Hỏi: Bốn vị Thiên Vương (Tứ Thiên Vương) thọ mạng đến 500 tuổi trời, mà Phật thọ mạng vô lượng, lại trải qua vô lượng kiếp mới thành Phật. Như vậy bốn vị Thiên Vương cúng dường bát này chẳng phải là những vị trước. Sao lại vui mừng đến vậy ?

Đáp: Các vị Thiên Vương trước sau truyền thừa, đều cùng một tánh đức, chẳng có sai khác.

Khi thấy Bồ Tát tăng ích sáu pháp Ba La Mật, thì bốn vị Thiên Vương nghĩ rằng : “Lại có một vị Phật sẽ thành, và chúng ta sẽ cúng dường bát”. Mỗi khi có một vị Bồ Tát tu hành gần thành Phật, thì bốn vị Trời nầy đều biết rõ.

—oOo—

Nếu tính theo thời gian thì 500 năm tuổi ở cõi trời Tứ Thiên Vương tương đương với 900 vạn năm tuổi ở cõi Diêm Phù Đề.

Hỏi: Trong các kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn nói Phật dùng thiền duyệt thực, không có ăn uống như người thường. Như vậy bốn vị Thiên Vương cúng dường bát để làm gì ?

Đáp: Vì chúng Tăng dùng bát, nên Phật tùy thuận chúng Tăng cũng dùng bát. Phật cũng đi khất thực, cũng an cư như chúng Tăng.

KINH:

Lúc bấy giờ chư Thiên ở các cõi trời Đao Lợi, Tam Thập Tam Thiên, dẫn đến Tha Hóa Tự Tại Thiên cũng nghĩ rằng : Chúng ta phải hầu hạ, cúng dường Bồ Tát, để hàng Chư Thiên càng thêm đông và hàng A Tu La càng giảm bớt.

Chư Thiên ở 3000 đại thiên thế giới, trong khắp cả mười phương đều rất vui mừng và nghĩ rằng : Chúng ta phải thỉnh Bồ Tát chuyển pháp luân.

LUẬN :

Hàng chư Thiên đem hương hoa, anh lạc… đến lễ bái, cúng dường chư Phật, để cầu tăng ích phước đức. Những ai tu phước đều làm như vậy cả.

Hỏi : Trước chỉ nói đến sáu cõi Trời. Nay vì sao lại nói chư Thiên ở khắp 3000 đại thiên thế giới đều hoan hỷ ?

Đáp : Việc chư Thiên ở cõi Dục và cõi Sắc thỉnh Phật chuyển pháp luân là việc lớn, nên phải rộng nói như vậy.

Hỏi : Trong ba tạng kinh (tam tạng) đều nói: Phạm Thiên thỉnh Phật chuyển pháp luân. Vì sao nay lại rộng nói như vậy ?

Đáp : Cõi trời Phạm Thiên ở cõi Sắc, trong khoảng giữa cõi Dục và cõi Vô Sắc. Như vậy Phạm Thiên Vương ở gần cõi Diêm Phù Đề mà cũng duyên được chư Thiên ở cõi Vô Sắc.

Vì chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề chỉ biết và tôn kính Phạm Thiên Vương, lại nữa, vì Phạm Thiên Vương tự cho mình là tổ phụ của các chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề, nên các kinh thường nói Phạm Thiên Vương thỉnh Phật chuyển pháp luân, để chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề tín thọ hơn vậy.

KINH:

Này Xá Lợi Phất ! Bồ Tát Ma Ha Tát do tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà tăng ích sáu pháp Ba La Mật.

Lúc bấy giờ ở trong loài người, các thiện nam, thiện nữ cũng đều rất vui mừng, và nghĩ rằng : chúng ta nguyện sẽ được làm cha mẹ, vợ con, thân tộc, thiện tri thức của Bồ Tát.

LUẬN:

Hỏi: Trước nói do tu Bát Nhã Ba La Mật mà được vô lượng công đức. Nay vì sao lại nói do tu Bát Nhã Ba La Mật mà tăng ích sáu pháp Ba La Mật ?

Đáp: Trước nói về tổng tướng, nay nói về biệt tướng. Trước nói về vô lượng công đức, nay chỉ nói về sáu pháp Ba La Mật, vì sáu pháp Ba La Mật tận nhiếp hết thảy các công đức,và cũng rõ biệt biệt tướng của từng loại công đức.

Lại nữa, trước vì chư Thiên nên nói về các công đức. Nay vì các thiện nam, thiện nữ ở trong loài người nên khuyên họ tu tập sáu pháp Ba La Mật.

Hỏi: Vì sao khi nói đến chư Thiên, chẳng dùng danh xưng Thiện Nam, Thiện Nữ ?

Đáp: Vì hàng chư Thiên có thiên nhãn, thiên nhĩ và tha tâm trí, lại thường cúng dường Phật và Bồ Tát, nên chẳng cần dùng đến các danh xưng ấy làm gì. Trái lại ở trong loài người, đa số chỉ dùng đến nhục nhãn (mắt thường), nhục nhĩ (tai thường), chẳng có được tha tâm trí, kém trí huệ nên chẳng có được như chư Thiên. Chỉ những người có thiện căn mới biết cúng dường, mới mong cầu được theo Phật và Bồ Tát để được nghe pháp, mới mong được làm đệ tử của Phật và Bồ Tát.

Do đó nghe pháp rồi mới được thọ ký là sẽ làm Phật. Bởi vậy nên khi nghe Phật tán thán “thiện nam”, “thiện nữ” thì phải biết rằng các người đó đã có tu thiện, đã theo Phật, theo Bồ Tát, và theo chư Thánh Hiền tu học vậy.

Hỏi: Vì sao chỉ nói với thiện nam, thiện nữ mà thôi ?

Đáp: Đối với người chẳng có nam nữ căn (vô căn) thì chẳng nên nói đến.

Trong luật Tỳ Ni có nói: “Người chẳng có các tướng nam căn, nữ căn (vô căn) chẳng được thọ giới xuất gia. Vì sao ? Vì những người này chẳng có định tâm, dễ sanh sân hận, có nhiều kiết sử, tham đắm các sự việc thế gian, ít ưa nghe đạo pháp. Những người này có trí huệ cạn mỏng, nên dù có được nghe pháp cũng chẳng có thể thâm nhập vào pháp tánh được”.

Kinh Đại Thừa mênh mông như biển lớn, chẳng gì mà chẳng dung chứa được. Thế nhưng vì hàng người này rất ít tu thiện nên chẳng nói đến vậy thôi.

Lại nữa, hạng người nửa nam nửa nữ (bán nam bán nữ), tức có cả hai căn nam nữ không rõ rệt (nhị căn), có thể vào một lúc nào đó trở thành nam hoặc nữ. Những người này tâm tánh phức tạp, tà vạy, có nhiều kiết sử, rất khó hóa độ, chẳng có thể được đạo.

Bởi nhân duyên vậy, nên chỉ nói với các thiện nam và các thiện nữ, là những người có tâm từ bi, có thể nhẫn nhục chịu được lời mắng nhiếc mà chẳng khởi sân nhuế. Người thiện ví như ngựa tốt, rất dễ điều. Người thiện được Phật và Bồ Tát tán thán, cũng như ngựa tốt được chủ quý mến vậy. Người có thiện căn thường nhiếp phục vụ được ba nghiệp thân, khẩu và ý, nên ít phạm các lỗi lầm, thường thân cận các thiện tri thức, tán thán các việc làm tốt của các vị này. Người thiện chẳng có khoe khoang, chẳng có tự mãn về các công đức của mình, thường tùy thuận chúng sanh, chẳng nói xấu người khác, chẳng cầu danh lợi, chẳng tham đắm các thú vui ở đời mà chỉ tìm niềm vui ở trong Đạo.

 Lại nữa, người thiện do tu tịnh nghiệp nên chẳng có làm khổ người khác, tôn quý thật pháp, khinh thường các tiện pháp của thế gian, thích nghe những lời nói ngay thẳng, chân chính, chẳng thích nghe theo kẻ dèm pha, siểm nịnh.

Lại nữa, người thiện vì hết thảy chúng sanh, có thể dẹp niềm vui của riêng mình, nhằm giúp đỡ chúng sanh lìa các khổ, có thể đem thân mình thọ khổ thay cho người.

Như vậy người thiện có rất nhiều tánh đức nên được Phật và Bồ Tát thán khen.

Hỏi: Do nhân duyên gì mà các thiện nam, thiện nữ phát nguyện như vậy?

Đáp: Các thiện nam, thiện nữ tự biết mình phước đức còn cạn mỏng, nên nguyện được thân cận chư Bồ Tát. Ví như hòn đá quá nặng, sức người chẳng thể mang nổi nên phải dùng thuyền bè mới chở qua sông được vậy.

Các thiện nam, thiện nữ biết rõ Bồ Tát đã hành đạo trải qua nhiều đời nhiều kiếp, đã chứa nhóm nhiều công đức, nên cung kính tôn trọng chư Bồ Tát.

Nếu thấy Bồ Tát được xả thọ mạng, thì các thiện nam, thiện nữ phát nguyện được làm quyến thuộc của Bồ Tát, để tăng ích thêm công đức. Ví như càng đốt nhiều hương thơm thì mùi hương thơm càng được thêm tăng trưởng, càng tỏa rộng thêm vậy.

—oOo—

Trong kinh có kể các mẩu chuyện sau đây:

* Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là Bồ Tát, thị hiện làm Thái Tử của một vị Đại Vương ở cõi Diêm Phù Đề. Thái Tử thấy dân chúng ở cõi Diêm Phù Đề quá cực khổ đói khát, nên đã xin phép vua cha xuống tận Long cung cầu được Như Ý bảo châu

Long Vương và Long Hậu biết, ở kiếp trước Thái Tử là con của mình, lại càng cảm kích lòng từ bi rộng lớn của Thái Tử nên hoan hỷ cho mượn Như Ý bảo châu, đem về cõi Diêm Phù Đề trong thời hạn ba tháng.

 Trong khoảng thời gian ấy, ngọc Như Ý bảo châu đã giúp Thái Tử hóa tác ra rất nhiều thức ăn uống, áo quần mùng mền cùng rất nhiều vật quý giá khác. Nhờ vậy mà dân chúng khắp cõi Diêm Phù Đề đều được no ấm an vui.

(Xem đầy đủ mẩu chuyện này ở quyển 12 của bộ luận này)

* Vào một thời xa xăm trong quá khứ, Bồ Tát Tư Ma Đề gặp duyên lành thấy được Phật Nhiên Đăng. Bồ Tát bèn đi mua hoa cúng dường Phật. Người con gái bán hoa tên là Tu La Bà không chịu bán. Bồ Tát đành lấy 500 đồng tiền vàng mua năm cành hoa. Tu La Bà chỉ nhận bán hoa với điều kiện Bồ Tát phải nhận cưới nàng làm vợ. Vì muốn có được hoa cúng dường Phật, nên Bồ Tát đã nhận lời rồi cầm năm cành hoa đến dâng Phật.

* Lại nữa, vào một thời xa xăm trong quá khứ, có người con gái của một ông trưởng giả, thấy Bồ Tát Diệu Quang có 28 tướng tốt nên đã đem lòng ái kính. Nàng đem chuỗi anh lạc bỏ vào bát của Bồ Tát, và nguyện đời đời được làm vợ của ngài.

Người con gái này suốt 250 kiếp tu tập các công đức, rồi về sau lại sanh vào nhà của dâm nữ Hỷ Kiến. Hỷ Kiến đặt tên cho nàng là Đức Nữ và nuôi dưỡng nàng ở vườn Liên Hoa. Nàng tỏ ra thông minh xuất chúng, đến năm 14 tuổi nàng đã thông hiểu các kiến thức thế gian. Từ nữ công gia chánh,  đàn ca, y dược, cho đến thơ văn nàng đều trội hẳn hơn hết thảy các thiếu nữ trong vùng.

Lúc bấy giờ có vị Thái Tử Đức Chủ, con vua Tài Chủ vào vườn dạo chơi xem hoa ngắm cảnh. Thái Tử có lòng đại từ đại bi thương xót chúng sanh, nên các thế nữ ca múa tán thán công đức của Thái Tử mãi không ngớt. Đức Nữ thấy Thái Tử liền đem lòng ái kính. Nàng nhìn Thái Tử không chớp mắt, rồi mạnh dạn bước đến trước Thái Tử dùng thơ tán thán Thái Tử và thưa rằng : “ Hết thảy các kiến thức thế gian tôi đều thông hiểu cả. Nay tôi nguyện đem thân này hầu hạ bên Thái Tử”.

Thái Tử hỏi: “Ngươi là con của ai ?”

Dâm nữ Hỷ Kiến trả lời thay rằng: “ Người con gái này do trời đất sanh ra, cùng một lần với Thái Tử. Nàng chẳng phải do cha mẹ sanh ra mà từ trong hoa sen sanh ra. Nàng có 64 tài nghệ, nào nữ công, gia chánh, đàn ca, y dược, thơ văn… Tất cả các kiến thức thế gian nàng đều thông đạt cả. Nàng lại có tấm lòng trong trắng, biết tàm quý, chẳng có tật đố vị kỷ. Con gái của tôi đủ đức hạnh dung nghi như vậy. Nếu Thái Tử có lòng thương, tôi xin dâng hiến làm vợ Thái Tử”.

Thái Tử đáp: “Bà hãy nói với con gái của bà là tôi đã phát Bồ Đề tâm, tu hạnh bố thí, đã ly dục, chẳng còn ái nhiễm nữa. Dù là quốc thành, vợ con, của cải… nếu có ai đến xin tôi đều sẵn sàng bố thí tất cả. Dẫu đến thân mạng của tôi đây, tôi cũng sẵn sàng bố thí chẳng hề luyến tiếc. Lại nữa, rồi đây tôi sẽ xuất gia theo Phật, vào tu ở chốn núi rừng xa vắng. Như vậy con gái của bà có bằng lòng không ?”.

Đức Nữ đáp: “Xin Thái Tử cứ an tâm. Dù cho lửa địa ngục thiêu đốt thân này, tôi cũng chẳng một lời hối tiếc. Chẳng phải vì động lòng dâm dục, chẳng phải vì ham thích vui chơi mà tôi nguyện theo ngài đâu. Tôi chỉ vì ái kính thân tướng trang nghiêm của ngài, mà xin phò trợ ngài trên bước đường tu học đạo Vô Thượng Bồ Đề của ngài. Tôi đã thệ nguyện phụng sự người chánh sĩ”.

Rồi Đức Nữ nói tiếp: “Ban đêm tôi nằm mộng, thấy Phật Diệu Nhứt tọa thiền dưới gốc cây Bồ Đề. Xin ngài hãy cùng tôi đến đó cúng dường Phật”.

Thái Tử nghe Đức nữ nói lời đoan chánh, lại nghe tin Phật xuất thế, hết sức vui mừng, bèn mời Đức Nữ lên xe cùng đi đến chỗ Phật, nghe thuyết pháp. Thái Tử vừa nghe xong thời pháp vào được đà la ni môn, còn Đức Nữ thì được pháp nhãn thanh tịnh. Thái Tử bèn lấy 500 cành hoa quý cúng dường Phật. Về đến cung điện, Thái Tử tâu với vua cha rằng: “Chính con đã được thấy tận mắt đức Phật Diệu Nhứt và được nghe Phật thuyết pháp. Nhà vua nghe xong, truyền đem các bảo vật rồi cùng Hoàng Hậu, các quan đại thần và thần dân đến chỗ Phật để nghe Phật thuyết pháp. Nhà vua nghe xong liền được Nhất Thế Pháp Minh Đăng đà la ni. Trở về cung, vua quyết định lập Thái Tử lên ngôi rồi xuất gia cầu đạo. Đến ngày rằm, Thái Tử đem sáu bảo vật xin cưới Đức Nữ, và lập Hỷ Kiến làm bảo nữ.

Trong kinh Bất Khả Tư Nghì có nói về các nhân duyên cho thấy các thiện nam, thiện nữ thệ nguyện đời đời được làm cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc của Bồ Tát.

KINH :

Lúc bấy giờ hàng chư Thiên ở khắp trên các tầng trời, từ cõi trời Tứ Thiên Vương dẫn đến cõi trời Sắc Cứu Cánh đều rất vui mừng và nghĩ rằng: “Chúng ta phải dùng các phương tiện khiến Bồ Tát ly dục, đồng chơn nhập đạo, từ sơ phát tâm dẫn đến khi chứng Vô Thượng Bồ Đề chẳng hề đắm trước sắc dục. Vì nếu phạm ngũ dục thì phải sanh làm Phạm Thiên, chẳng có thể được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Xá Lợi Phất ! Bồ Tát phải là người xuất gia, đoạn dục mới đáng được Vô Thượng Bồ Đề. Chẳng phải là người không đoạn dục mà được đạo.

LUẬN :

Hỏi : Vì sao chư Thiên lại phát nguyện như vậy ?

Đáp : Người thế gian rất khó xả ly ngũ dục. Dục lạc thường trói buộc người với gia đình, nhấn chìm người trong chốn bùn lầy, khó có hy vọng thoát ra được.

Bởi nhân duyên vậy, nên hàng chư Thiên tìm cách phương tiện khiến Bồ Tát lìa xa được ngũ dục. Vì sao ?  Vì có ly dục mới có được trí huệ sáng suốt, mới có thể đồng chơn nhập đạo. Nếu bị ngũ dục trói buộc thì chỉ có thể sanh làm Phạm Thiên, chẳng sao được đạo Vô Thượng Bồ Đề. Như lời Phật dạy ngài Xá Lợi Phất : “Bồ Tát phải là người xuất gia, đoạn dục, mới đáng được Vô Thượng Bồ Đề. Chẳng phải người không đoạn dục mà được đạo”.

Bồ Tát từ sơ phát tâm, thường đồng chơn nhập đạo. Vì sao ? Vì sắc dục trói buộc người, khó có thể thoát ra được. Dâm dục là nhân duyên thọ khổ địa ngục trong vô lượng kiếp.

Người thọ ngũ dục thì sanh lên cõi trời cũng rất khó huống nữa là được vào đạo Vô Thượng Bồ Đề.

Người đồng chơn nhập đạo rất dễ tu các phạm hạnh, nên dễ được Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao? Vì có được phạm hạnh mới chẳng còn đắm trước các dục lạc ở thế gian, mới mau thành đạo quả.

Dâm dục là chất keo rất khó dời bỏ. Lửa dâm thiêu rụi các công đức. Bởi vậy nên trong các giới cấm của hàng xuất gia thì giới cấm dâm dục được nêu lên trước hết vậy.

—oOo—

Trường hợp chư Thiên dùng các phương tiện giúp Phật ly dục, xuất gia cầu đạo, có ghi rõ trong kinh như sau:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là vị Thái Tử, sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, được phụ vương và mẫu hậu cưng chiều, được bà Da Du Đà La cùng các cung nữ yêu thương, trìu mến, lại xa lìa cuộc sống bần cùng đau khổ của thường dân. Trong bối cảnh ấy, Thái Tử rất khó ly dục nếu chẳng có sự giúp đỡ của chư Thiên.

– Khi Thái Tử dạo chơi ở cửa các thành, chư Thiên ở cõi trời Tịnh Cư Thiên hóa làm thân người già, người bệnh, người chết… khiến Thái Tử thấy rõ cảnh vô thường, cảnh khổ đau của thế gian.

 – Vào nửa đêm, chư Thiên dẫn Thái Tử đi quanh cung điện, quan sát các cung nữ ngủ say, thân duỗi thẳng như những thây chết, nước mũi, nước miếng chảy ra dơ bẩn, phấn son hoen ố trông rất xấu xí, ghê tởm. Những cảnh ấy làm cho Thái Tử thấy rõ thân là ô uế, bất tịnh, đáng nhàm chán.

– Chư Thiên lại còn dàn cảnh các cung nữ ghen tuông đố kỵ, mắng nhiếc nhau làm cho Thái Tử thẫy rõ tâm người xấu xa độc ác v.v…

Những cảnh tượng mà chư Thiên hóa hiện ra trên đây nhằm giúp Thái Tử nhàm chán thế gian, xa lìa ngũ dục, quyết tâm xuất gia cầu đạo.

KINH :

Ngài Xá Lợi Phất bạch phật : “Bạch Thế Tôn ! Nếu Bồ Tát phải sống cùng cha me, vợ con, thân bằng quyến thuộc… thì cũng ly được ngũ dục chăng ?

Phật dạy : “Này Xá Lợi Phất ! Hoặc có Bồ Tát sống với cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc. Hoặc có Bồ Tát từ sơ phát tâm dẫn đến khi được đạo Vô Thượng Bồ Đề, chẳng hề đắm nhiễm sắc dục. Hoặc có Bồ Tát phương tiện thọ hưởng ngũ dục, rồi sau đó mới ly dục xuất gia, được đạo Vô Thượng Bồ Đề.

LUẬN :

Có ba hạng Bồ Tát đó là:

– Hạng Bồ Tát thọ hưởng đủ ngũ dục như người thế gian, rồi sau đó mới xả ly ngũ dục, xuất gia, được đạo Vô Thượng Bồ Đề.

– Hạng Bồ Tát từ sơ phát tâm đã đoạn trừ dâm dục, có đại công đức, kiên cố cho tới khi thành Phật.

Hai hạng Bồ Tát nêu trên đây, có thể tùy trường hợp, hoặc là Pháp thân Bồ Tát, hoặc là nhục thân Bồ Tát, hoặc chưa xả ly ngũ dục, hoặc đã xả ly ngũ dục.

– Hạng pháp thân Bồ Tát đã được Vô Sanh Pháp Nhẫn, trú trong lục thần thông.

Hạng Bồ Tát này vì giáo hóa chúng sanh mà cùng chúng sanh sống chung để nhiếp thủ họ, nhằm đem lại lợi ích cho họ. Các ngài tùy trường hợp, hoặc thị hiện làm Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc làm Trưởng giả v.v… dùng các thân khác nhau để nói pháp, dùng mọi phương tiện độ thoát chúng sanh khỏi ngục tù ba cõi.

—oOo—

KINH :

Phật dạy: “Này Xá Lợi Phất ! Ví như nhà huyễn thuật cùng các đệ tử khéo làm ra các huyễn pháp, khéo làm ra cảnh ngũ dục, rồi đồng vui chơi với nhau trong cảnh dục lạc đó. Ý ông nghĩ sao ? Hành động như vậy có phải là chìm đắm trong cảnh dục chăng ?

Ngài Xá Lợi Phất thưa : “Bạch Thế Tôn chẳng phải như vậy”.

Phật dạy : “Này Xá Lợi Phất ! Bồ Tát dùng các lực phương tiện hóa tác ra cảnh ngũ dục để vui chơi nhằm hóa độ chúng sanh cũng là như vậy. Bồ Tát chẳng có đắm chấp ngũ dục, nhưng nguyện ở trong cảnh dục lạc để dùng làm các phương tiện nhân duyên chê bai ngũ dục, như nói : ngũ dục là lửa thiêu đốt thân tâm, ngũ dục là xấu xa, ngũ dục là phá hoại, ngũ dục là oan gia v.v…

Phải biết như vậy là Bồ Tát vì chúng sanh mà thọ ngũ dục để dùng làm phương tiện để tiêu trừ ngũ dục.

LUẬN :

Hỏi : Thí dụ nêu trong đoạn kinh trên đây nói về hạng Bồ Tát nào ?

Đáp : Trong ba hạng Bồ Tát thì :

– Hạng thứ nhất không đoạn dâm dục.

– Hạng thứ hai đoạn dâm dục và tu tịnh hạnh.

– Hạng thứ ba cũng thọ dâm dục, cũng tu tịnh hạnh mà người thế gian chẳng thể biết được.

Phật dùng thí dụ trên đây để nói riêng về hạng Bồ Tát thứ ba này.

Hỏi : Vì sao chẳng dùng cảnh mộng để hóa giáo hóa chúng sanh, mà lại dùng các dụ như trên đây ?

Đáp : Cảnh mộng chẳng có nhiếp về ngũ tình, chỉ do nội tâm ức tưởng mà sinh ra. Đối với người mê muội, phải dùng ngũ tình để cho họ thấy rõ vô thường, biết rõ lỗi lầm của mình. Có như vậy thì tâm họ mới được giải.

Người thế gian ở trong ngũ tình mà chẳng biết ngũ tình là khổ. Chỉ có một số ít người biết được như vậy mà thôi.

Phật vì muốn độ những chúng sanh có thể độ được, mới dùng dụ về huyễn thuật, huyễn pháp, huyễn vật… để cho người thế gian dễ nhận thấy rằng các phương tiện độ sanh của Bồ Tát thật là hy hữu. Nhờ vậy họ sẽ hoan hỉ tín thọ, tránh cho họ các tội kiêu mạn phỉ báng v.v… Cũng như nhà huyễn thuật hóa tác ra các huyễn pháp, Bồ Tát dùng lực thần thông, ở trong chúng sanh hóa tác ra ngũ dục để cùng vui với họ trong cảnh dục lạc, nhằm hóa độ họ. Vì sao ? Vì chúng sanh có hai hạng :

– Hạng xuất gia.

– Hạng tại gia.

Đối với hạng xuất gia thì phải hiện thân Thanh Văn, Bích Chi Phật để hóa độ họ.

Đối với hạng tại gia thì dạy họ tu thiện đạo, song chung với họ, cùng chia sẻ dục lạc với họ mà phương tiện giáo hóa họ.

Hỏi : Làm sao Bồ Tát trong ngũ dục mà có thể hóa độ được chúng sanh ?

Đáp : Bồ Tát ở trong ngũ dục, dùng các nhân duyên phá hủy ngũ dục, cho chúng sanh thấy rõ ngũ dục là lửa thiêu đốt, là vô thường, là tán hoại, là uế ác, là đầy rẫy tam độc v.v… Lửa dục thiêu đốt thân tâm, hủy diệt các thiện căn công đức.

Chư Phật, chư Bồ Tát, chư vị A La Hán đều đã ly dục, xem người đắm chấp ngũ dục như chó gặm xương, ăn đồ dơ bẩn thật đáng thương xót.

Người đắm chấp ngũ dục thả tâm rong ruổi theo các lạc thú ở đời, chẳng bao giờ chịu ngừng nghỉ nên bị chư Thiên ruồng bỏ.

Dục là oan gia, làm mất thiện căn của người, là phường giả nhân giả nghĩa, bên ngoài giả vờ thân thiện mà bên trong rắp tâm hại người. Vì sao ? Vì ngũ dục đoạn huệ mạng của người, phá hoại các thiện hạnh và các công đức.

Người sa vào lưới dục ví như cá mắc câu, như chim sa lưới, như nai kẹt bẫy, như con phù du bị đèn thiêu cháy.

Nói tóm lại ngũ dục là phường oan gia, đẩy chúng sanh vào ba đường ác, chẳng những chỉ trong một đời mà kéo dài mãi đến vô lượng kiếp về sau, khiến phải thọ vô lượng khổ đau.

KINH:

Ngài Xá Lợi Phất thưa : “Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát Ma Ha Tát phải thật hành Bát Nhã Ba La Mật như thế nào ?

Phật dạy : “Này Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát chẳng thấy mình là Bồ Tát, chẳng thấy có danh tự Bồ Tát, chẳng thấy có Bát Nhã Ba La Mật, chẳng thấy mình tu Bát Nhã Ba La Mật, cũng chẳng thấy mình chẳng tu Bát Nhã Ba La Mật.

Vì sao ? Vì Bồ Tát, danh tự Bồ Tát là tự tánh “không”. Trong “không” chẳng có sắc, chẳng có thọ, chẳng có hành, chẳng có thức. Lại nữa, ly sắc cũng chẳng có “không”, dẫn đến ly thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng có “không”. Sắc tức là “không” và “không” tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức tức là “không” và “không” là thọ, tưởng, hành, thức.

Vì sao ? Vì Bồ Đề chỉ có ở nơi danh tự, Bồ Tát chỉ có ở nơi danh tự nên đều là “không”.

Vì sao ? Vì thật tánh của hết thảy các pháp vốn chẳng có sanh, chẳng có diệt, chẳng có cấu, chẳng có tịnh.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát Ma Ha Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng thấy sanh cũng chẳng thấy diệt, chẳng thấy cấu cũng chẳng thấy tịnh.

Vì sao ? Vì danh tự cũng do duyên hòa hợp mà có. Chỉ do phân biệt, ức tưởng mà các pháp giả danh được diễn bày vậy thôi.

Bồ Tát Ma Ha Tát khi thật hành Bát Nhã Ma La Mật, chẳng thấy có danh pháp, và vì chẳng thấy có danh pháp nên chẳng có chấp trước”.

LUẬN :

Hỏi : Do nhân duyên gì mà ngài Xá Lợi Phất hỏi Phật như vậy ?

Đáp : Ngài Xá Lợi Phất đã được nghe Phật tán thán công đức của Bát Nhã Ba La Mật, nên sanh tâm hoan hỷ, nhất tâm tôn kính Bát Nhã Ba La Mật, nên tự ý hỏi Phật, để được Phật giảng sâu rộng hơn nữa.

Sở dĩ ngài hỏi Phật “Bồ Tát phải thật hành Bát Nhã Ba La Mật như thế nào”, là vì ngài thiết tha muốn được Phật chỉ dạy cách tu tập Bát Nhã Ba La Mật để noi theo. Cũng như người bệnh muốn thầy thuốc chỉ cặn kẽ các cách dùng thuốc để về nhà được yên tâm uống thuốc vậy.

Hỏi : Trước đây ngài Xá Lợi Phất đã hỏi Phật “Vì sao Bồ Tát chẳng trú Đàn Ba La Mật là hành Bát Nhã Ba La Mật”. Lúc bấy giờ Phật đã trả lời rằng “Khi hành bố thí mà rõ biết người thí, kẻ thọ và vật thí đều bất khả đắc, mới thật là hành Bát Nhã Ba La Mật”. Nay vì sao ngài còn hỏi nữa ?

Đáp : Trước đây Phật đáp về các tổng tướng của các Ba La Mật. Nay ngài Xá Lợi Phất nghe Phật nói “Bát Nhã Ba La Mật dẫn đạo cả năm pháp Ba La Mật kia” nên phải hỏi thêm về cách tu hành Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài khát ngưỡng muốn được học Bát Nhã Ba La Mật. Ngoài ra ngài cũng muốn hỏi Phật về cách thật hành Bát Nhã Ba La Mật để chúng sanh được rõ thêm.

Nếu biết công đức của Bát Nhã Ba La Mật vô lượng vô biên, trí huệ của Phật cũng vô lượng vô biên. Bởi nhân duyên ngài Xá Lợi Phất nêu câu hỏi, mà Phật rộng thuyết về Bát Nhã Ba La Mật mãi mãi chẳng thôi.

Hỏi : Bát Nhã Ba La Mật có công đức vô lượng vô biên, tối tôn tối trọng. Nếu chẳng được nghe Phật tán thán thì chúng sanh làm sao hiểu thấu được. Như vậy vì sao ngài Xá Lợi Phất chẳng để Phật nói rộng thêm nữa, mà lại hỏi về cách thật hành Bát Nhã Ba La Mật ?

Đáp : Càng tán thán Bát Nhã Ba La Mật thì càng làm người nghe thêm hoan hỷ. Càng tôn trọng Bát Nhã Ba La Mật thì càng tăng thêm phước đức. Càng nghe nói về hỏi về cách thật hành Bát Nhã Ba La Mật ? Bát Nhã Ba La Mật thì càng tăng thêm trí huệ.

Nghe nói về Bát Nhã Ba La Mật chẳng phải chỉ tạo nhân duyên phước đức thôi, mà còn duyên khởi cho sự khát ngưỡng Bát Nhã Ba La Mật, khiến muốn nghe mãi chẳng có nhàm chán cho đến khi thành Phật đạo. Người nghe Bát Nhã Ba La Mật phải có trí huệ mới thành tựu được Phật đạo. Bởi vậy sau khi nghe Bát Nhã Ba La Mật, người nghe còn phải sanh tâm hoan hỷ, phải có tín tâm thanh tịnh, phải tinh tấn tu hành Bát Nhã Ba La Mật mới có được đại lợi ích. Ví như người đang đói khát, mà chỉ nghe tán thán các thức ăn ngon, thức uống thơm mát thì chẳng có được lợi ích gì cả. Phải được ăn, uống mới hết đói khát được. Người khát ngưỡng Bát Nhã Ba La Mật cũng là như vậy. Nghe tán thán Bát Nhã Ba La Mật chưa đủ, phải thật hành Bát Nhã Ba La Mật mới thành tựu được Phật đạo.

Bởi nhân duyên vậy, nên ngài Xá Lợi Phất phải hỏi Phật về cách tu tập, thật hành Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi : Người đi đường phải dùng đôi mắt để thấy đường, đi đến nơi chốn mong muốn. Bồ Tát niệm Phật đạo cũng là như vậy, phải nhờ  Bát Nhã Ba La Mật soi sáng mới thấy được đường đi dẫn đến Phật quả. Như vậy vì sao lại nói “Bồ Tát chẳng thấy có Bát Nhã Ba La Mật” ?

Đáp : Người thật hành Bát Nhã Ba La Mật phải quán các pháp đều là giả danh, nên chẳng thấy có Bồ Tát, chẳng thấy có Bát Nhã Ba La Mật… Vì sao ? Vì ở nơi thật tướng hết thảy các pháp đều là “không”, hết thảy các pháp chỉ có ở nơi danh tự, đều do nhân duyên hòa hợp sanh, đều là tự tánh “không”.

Trước đây đã nói các pháp đều là giả danh, nay nếu lại biết rõ Bát Nhã Ba La Mật cũng là giả danh thì phá đươc tất cả các hý luật. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật cũng là tự tánh “không”, nên là chẳng thể được (bất khả đắc), chẳng thể thấy (bất khả kiến) vậy. Ví như củi cháy mà giả danh có lửa. Tuy rằng lửa chẳng có thật sự mà có thể đốt nóng, có thể thiêu rụi các vật vậy.

Hỏi : Nói Bồ Tát nhập vào Bát Nhã Ba La Mật, rồi lại nói Bồ Tát  chẳng thấy có Bát Nhã Ba La Mật. Nói như vậy làm sao có thể tin được ?

Đáp :  Trước đây đã nói Bát Nhã Ba La Mật là thật pháp, nhưng muốn vượt ra khỏi sự chấp pháp đó, thì phải tin và hành Bát Nhã Ba La Mật. Tin và hành mới vượt ra khỏi sự chấp về pháp Bát Nhã Ba La Mật được. Vì sao ? Vì có tin, có hành Bát Nhã Ba La Mật, mới biết rõ Bát Nhã Ba La Mật cũng là “không”, là bất khả đắc. Nếu vào được trong Bát Nhã Ba La Mật rồi, thì sẽ biết rõ ngũ ấm đều là “không”, trong “không” chẳng có sắc, mà ly sắc cũng chẳng có “không”…

Hỏi : Trước đây nói có được trí huệ Bát Nhã Ba La Mật thì biết các pháp là thường “không”. Như vậy vì sao lại nói Bồ Tát trú trong Bát Nhã Ba La Mật ?

Đáp : Theo pháp thế gian, nên nói tu hành để vào Bát Nhã Ba La Mật. Nói như vậy là còn quán, còn hý luận. Khi các quán và hý luận đã diệt rồi, thì chẳng còn có ra có vào gì nữa cả…

Thế nhưng các bậc Thánh, nếu chẳng dùng đến văn tự, ngôn ngữ để nói pháp thì chẳng sao giáo hóa được phàm phu. Bỏi vậy chỉ nên hiểu ý mà đừng nên chấp lời nói mới thật là đúng pháp.

Hỏi : Vào được trong Bát Nhã Ba La Mật là biết rõ hết thảy pháp đều là “không”. Như vậy vì sao trước đây phải nói đến “chúng sanh không” để phá chấp về ngã ?

Đáp : Đối với người mới nghe Bát Nhã Ba La Mật thì chưa có thể vì họ nó về hết thảy pháp đều là “không” (nhất thiết pháp không) được. Vì sao ? Vì họ còn nặng về chấp ngã, còn dùng ngũ tình để cầu pháp, do vậy mà còn ức tưởng, phân biệt, từ đó dẫn sanh chấp có tướng ngã. Vì họ chẳng biết ngũ tình là “không”, nên duyên nơi ức tưởng phân biệt mà khởi chấp ngũ tình là thật. Do vậy chẳng có thể phá được chấp ngã. Nếu họ được nghe thuyết về vô ngã, thì họ mới có thể nhận biết được sắc thức là “không” và “không” tức là sắc. Nhưng nếu ngay lúc đầu nói tất cả các pháp đều là “không”, thì họ chẳng sao tin được. Bởi vậy trước phải nói về “chúng sanh không” để phá chấp ngã  và ngã sở rồi thì sẽ biết rõ hết thảy pháp đều là “không” cả. Rồi từ đó mới ly được dục, dẫn đến mới vào được đạo Bồ Đề, mới vào được Niết Bàn tịch tịnh.

Lại nữa, Bát Nhã Ba La Mật là pháp rốt ráo “không” nên Bồ Tát chẳng thấy có mình thật hành Bát Nhã Ba La Mật nữa.

Hỏi : Nếu chẳng thấy, chẳng hành thì Bồ Tát cũng như phàm phu. Như vậy Bồ Tát làm thế nào để có thể vào được Bát Nhã Ba La Mật ?

Đáp : Chẳng phải như vậy. Bồ Tát đã hành thâm Bát Nhã Ba La Mật, thâm nhập pháp “không”, nên nói là chẳng thấy, chẳng hành vậy.

Đối với một vị quốc vương, nếu chỉ được một vật nhỏ thì chưa thể gọi là được của. Cũng như vậy, đối với Bồ Tát nếu hành Bát Nhã Ba La Mật mà còn ít trí huệ, còn vướng mắc kiết sử, thì chưa có thể gọi là hành Bát Nhã Ba La Mật được. Phật là vị pháp vương, dạy cho các Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật. Nhưng nếu Bồ Tát chỉ hành được một phần nhỏ, thì cũng chưa có thể gọi là hành Bát Nhã Ba La Mật được.

Lại nữa, người hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng sanh kiêu mạn, chẳng có tự nói là mình hành Bát Nhã Ba La Mật. Vì nếu nói có hành Bát Nhã Ba La Mật thì còn chấp tướng. Người hành Bát Nhã Ba La Mật cũng chẳng tự nói là mình chẳng hành Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao ? Vì nếu nói chẳng hành Bát Nhã Ba La Mật thì sanh tâm giải đãi. Như vậy là còn vướng mắc vào hai chấp CÓ và KHÔNG (hữu và vô).

Người thật sự hành Bát Nhã Ba La Mật phải là người hành Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng thấy là mình có hành Bát Nhã Ba La Mật, lại cũng chẳng thấy là mình chẳng có hành Bát Nhã Ba La Mật. Được như vậy là phá được cả hai chấp CÓ và KHÔNG, là được giải thoát.

Lại nữa, chẳng thấy mình có hành Bát Nhã Ba La Mật là dứt các hý luận, chẳng thấy mình chẳng hành Bát Nhã Ba La Mật là dứt tâm giải đãi. Ví như người cưỡi ngựa mà thấy ngựa chạy quá mau thì phải kiềm lại, thấy ngựa chạy quá chậm thì thúc ngựa chạy mau hơn. Như vậy là còn trụ chấp nơi tốc độ của con ngựa. Cũng như vậy, người hành Bát Nhã Ba La Mật mà còn có phân biệt là mình có hành hay mình chẳng có hành là còn trụ chấp nơi tướng, là chưa được giải thoát.

Lại nữa, Phật dạy các pháp do duyên sanh mà có danh, có nghĩa vậy. Bồ Tát biết rõ hết thảy pháp đều là tự tánh “không”, Bồ Tát cũng chỉ là danh pháp, Bồ Đề cũng chỉ là danh pháp, Bát Nhã Ba La Mật cũng chỉ là danh pháp. Tất cả đều là “không”, đều là bất khả đắc.

KHÔNG nói ra đây, có nghĩa là danh cũng “không”, pháp cũng “không”.

KHÔNG nói ra đây có nghĩa là chẳng có một pháp nào được dựng lập, từ các pháp thô sắc dẫn đến pháp “không” vậy.

Tuy nhiên “không” cũng chẳng có ly sắc. Vì sao ? Vì nhằm phá sắc mà nói “không”. Cũng như vậy, “không” cũng chẳng có ly thọ, tưởng, hành, thức. Tất cả ngũ ấm đều “không”.

—oOo—

Trước đây nói “chẳng thấy có Bồ Tát, chẳng thấy có danh tự Bồ Tát, chẳng thấy có Bát Nhã Ba La Mật…”. Nay nói chẳng thấy luôn các nhân duyên tạo lập ra các danh tự Bồ Tát, Bồ Đề, Bát Nhã Ba La Mật… Bởi vậy nên nói là rốt ráo “không”.

—oOo—

Trong quá trình thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát trải qua hai giai đoạn:

– Khi chưa thành tựu, thì rõ biết thật tướng các pháp đều là “không”, là bất khả đắc, là vô sanh.

– Khi đã thành tựu thì rõ biết tánh của các pháp cũng tức là tánh của Bồ Đề, của Niết Bàn.

Hỏi : Thế nào gọi là vô sanh ? Trước có sanh rồi sau mới có pháp, hay trước có pháp rồi sau mới có sanh, hay sanh và pháp đồng thời với nhau ?

Đáp : Sanh và pháp đều là bất khả đắc cả.

Như trước đây đã nói vô sanh tức là vô diệt. Là như hư không, nên cũng chẳng có  cấu, chẳng có tịnh. Ví như mưa chẳng có thể làm ướt hư không, lửa chẳng có thể đốt cháy được hư không vậy. Vì sao ? Vì bản tánh của hư không là vô sanh. Bồ tát biết rõ các pháp đều chẳng có sanh, chẳng có diệt, nên chẳng thấy cần phải ly các pháp. Vì sao ? Vì có sanh có diệt, mới có cấu có tịnh, mới có hợp, có ly.

Phật dạy hết thảy pháp đều do duyên hòa hợp sanh. Chúng sanh do phân biệt, ức tưởng mà đặt cho mỗi pháp một tên riêng. Như vậy là chẳng phải thật nghĩa. Vì sao ? Vì thuyết mà chẳng thể thuyết (thuyết, bất khả thuyết) mới là nghĩa có thể thuyết (khả thuyết). Vì sao ? Vì pháp chỉ có ở nơi danh tự, mà Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng thấy hết thảy danh tự vậy.

Tóm lại, Bồ Tát, Bát Nhã, Bồ Đề… đều chỉ có ở nơi danh tự, đều là “không”. Nay nói hết thảy pháp đều chẳng thể thấy (bất khả kiến). Vì sao ? Vì chẳng thấy tức là chẳng chấp, mà chẳng chấp tức là chẳng thể có được (bất khả đắc) vậy. Như vậy là Bồ Tát được Đệ Nhất Huệ Nhãn. Với Huệ Nhãn này, Bồ Tát chẳng thấy có một pháp nào có định tướng cả, nên chẳng chấp các pháp.

Hỏi : Nếu Bồ Tát chẳng chấp hết thảy pháp, thì vì sao lại chẳng vào Niết Bàn ?

Đáp : Trước đây đã nói rõ về bản nguyện của Bồ Tát. Đó là :

– Trên, niệm ân đức chứ Phật trong mười phương.

– Dưới, khởi tâm đại bi thương xót chúng sanh.

Vì chưa đầy đủ bản nguyện nên Bồ Tát tinh tấn tu hành Bát Nhã Ba La Mật, dùng lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật để hòa hợp hai nguyện trên đây, chẳng còn tâm chấp, được nhân duyên nói pháp bình đẳng. Do chẳng sanh tâm chấp nên chẳng vào Niết Bàn, vì biết rõ Niết Bàn cũng chỉ là danh tự.

***

Phẩm thứ ba
Tập Tương Ưng
(Tu Tập Tương Ưng)

KINH:

Phật dạy : “Này Xá Lợi Phất ! Khi thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát Ma Ha Tát nghĩ rằng Bồ Tát cũng chỉ là danh tự, Bát Nhã Ba La Mật chỉ là danh tự, sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng chỉ là danh tự.

Này Xá Lợi Phất ! Như ta cũng chỉ là danh tự, vì ngã là bất khả đắc. Cũng vậy, chúng sanh, mạng giả, sanh giả đều là bất khả đắc. Lại nữa, dưỡng dục giả, chúng số, nhân, tác giả, sử tác giả, năng khởi giả, sử khởi giả, thọ giả, kiến giả, tri giả… cũng đều là bất khả đắc cả. Lại nữa, bất khả đắc cũng chỉ là danh tự, là không. Bồ Tát Ma Ha Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy, nên chẳng thấy có ngã, chẳng thấy có chúng sanh, chẳng thấy có tri giả, kiến giả, dẫn đến cũng chẳng thấy các danh tự dùng để tuyên nói ra nữa.”

LUẬN:

Trước đây nói nhiều về “không”. Nay nói về “tận không”.

Người tu hành quán các pháp đều “tận không”, đều là vô sở hữu. Vì sao? Vì nếu còn tự biết mình (năng tri) là người biết “không”, thì như vậy chưa phải là “tận không”. Người quán “không” cũng phải là “không” mới thật là “tận không”

Lúc Phật còn tại thế, trong hang Thanh Văn đều cho rằng đệ tử Phật đều biết các pháp đều là vô ngã. Thế nhưng 500 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn, các đệ tử của Phật lại chia ra làm hai phái, thuộc hai khuynh hướng khác nhau :

– Phái tin “pháp không”.

– Phái tin “chúng sanh không”.

Phái thứ hai cho rằng ngũ ấm quyết định là có, chỉ có người thọ ngũ ấm mới là không. Bởi vậy nên Phật dạy về chúng sanh không để rõ về pháp không.

Lại nữa, ngã không thì rất dễ biết, còn pháp không thì lại rất khó biết. Vì sao? Vì ở nơi ngã có ngũ tình nên rất dễ xét thấy là bất khả đắc. Do sự chấp có thân mà ức tưởng phân biệt có ngã. Còn nói về pháp không thì khó có thể biết được. Vì sao ? Vì mặt vẫn thường thấy sắc, tai vẫn thường nghe tiếng v.v… cho nên rất khó biết thế nào gọi là pháp không vậy.

Theo Bát Nhã Ba La Mật thì tất cả đều không, như ở phẩm “Thập bát KHÔNG” đã nói rõ.

Hỏi : Ngã, chúng sanh,… dẫn đến tri giả, kiến giả chỉ là một, hay mỗi mỗi đều sai khác ?

Đáp : Chỉ là một. Tất cả đều do nơi chấp ngã mà có. Thế nhưng do sự thấy biết mà phân biệt có sai khác.

Do tâm chấp ngũ ấm là “ngã”, từ đó khởi sanh có “ngã” và có “ngã sở”.

Lại nữa, do ngũ ấm hòa hợp mà có pháp gọi là “chúng sanh”, lại có thành tựu mạng căn gọi là thọ “mạng giả”. Khi đã có thọ mạng thì khởi ra các việc như cha mẹ sanh con… nên gọi là “sanh giả”. Cha mẹ sanh con rồi lại cung cấp thức ăn uống, áo quần, chăn mền… để nuôi con lớn, lại còn dạy dỗ cho con thành người, nên gọi là “dưỡng dục giả”. Lại nữa, ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới… đều là pháp duyên sanh, có số lượng nên gọi là “chúng số”. Lại nữa, ở trong loài người, hành các pháp của loài người, nên gọi là “nhân”. Có tay chân, có trí óc làm ra các sự việc, nên gọi là “tác giả”. Có năng lực khởi ra các sự việc, đặt cho mỗi sự việc một tên riêng, nên gọi là “sử tác giả”. Hay tạo ra các nghiệp tội phước, dẫn sanh thân đời sau, nên gọi là “năng khởi giả”. Khiến người khác khởi các nghiệp tội phước thì gọi là “sử khởi giả”. Thọ thân, thọ các quả báo tội phước thì gọi là “thọ giả”. Dùng ngũ thức để hay biết các sự việc thì gọi là “tri giả”. Nếu dùng mắt thường thấy sắc, dùng trí thế gian quán ngũ ấm, khởi sanh tà kiến thì gọi là “kiến giả thế gian”. Nếu dùng chánh kiến thấy ngũ ấm vô lậu, thì gọi là “kiến giả chân chánh”.

Như vậy do ngôn ngữ, danh tự mà các pháp được giả lập, những nếu dùng trí để tầm cầu thì đều là bất khả đắc cả. Do ức tưởng phân biệt mà giả danh có các pháp vậy thôi. Đối với chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền thì các pháp đều là bất khả đắc cả.

Hỏi : Thế gian dùng trí lập ra các danh pháp. Như vậy có bao nhiêu thứ danh pháp ?

Đáp : Lược nói thì có mười sáu thứ danh pháp. Nói rộng thì có vô lượng danh pháp. Đây là do các sự việc mà lập ra danh pháp thích nghi như vậy, tùy theo từng đối tượng mà lập ra các danh pháp riêng khác nhau vậy…

Có đủ các nhân duyên hòa hợp sanh ra các danh pháp. Thế nhưng tự tánh các danh pháp ấy vốn là “không” vì tự tánh vốn “không”, nên rốt ráo là không.

KINH :

Này Xá Lợi Phất ! Nếu Bồ Tát Ma Ha Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy, thì trừ trí huệ của Phật ra, trí huệ của Bồ Tát hơn hết trí huệ của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Vì sao ? Vì Bồ Tát dùng Bất Khả Đắc Không rõ biết các chỗ chấp về danh tự Bồ Tát cùng hết thảy pháp danh tự đều là bất khả đắc cả.

Này Xá Lợi Phất ! Do Bồ Tát Ma Ha Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy, nên dù cho khắp cõi Diêm Phù Đề có các Tỳ Kheo nhiều trí huệ như Xá Lợi Phất, Mục Kiên Liên… thì trí huệ của những Tỳ Kheo đó gộp lại, so với trí huệ của Bồ Tát, trong trăm phần chẳng có được một… dẫn đến chẳng có toán số thí dụ nào có thể sánh được. Vì sao ? Vì Bồ Tát Ma Ha Tát dùng trí huệ độ thoát hết thảy chúng sanh.

LUẬN :

Có hai nhân duyên khiến trí huệ của Bồ Tát thắng hơn trí huệ của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Đó là :

– Bồ Tát dùng pháp KHÔNG, rõ biết hết thảy các pháp đều “không”, mà chẳng thấy “không”. Vì rõ biết “không” và “chẳng không” đều là bất khả đắc cả.

– Bồ Tát dùng trí huệ độ thoát hết thảy chúng sanh, đưa họ vào Niết Bàn.

Hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật chỉ dùng trí huệ quán pháp “không”, mà chẳng quán thế gian cùng Niết Bàn bình đẳng.

Thanh Văn ví như người bị giam cầm trong ngục, đục tường, khoét vách để tự thoát thân. Bồ Tát ví như người phá xiềng xích ngục tù, để tự giải thoát cho mình và cho hết thảy tù nhân.

Bồ Tát có trí huệ thắng hơn Thanh Văn vì Bồ Tát thường trú trong hai pháp là :

– Thường trú trong Đại Bi.

– Thường trú trong Bát Nhã Ba La Mật.

Lại có hai pháp nữa là :

– Thường trú trong thiền định.

– Thông đạt pháp tánh.

Lại còn hai pháp nữa là :

– Thường thay chúng sanh thọ khổ.

– Thường xả hết thảy các niềm vui riêng của mình.

Lại có hai pháp nữa là :

– Thường khởi tâm từ, chẳng hề sanh oán hận.

– Thường phát tâm làm các công đức, chẳng hề trụ chấp nơi công đức, mà chỉ muốn trang nghiêm trí huệ.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát có trí huệ thù thắng hơn trí huệ của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Hỏi : Đối với các vị độn căn trong hàng Thanh Văn thì nói như vậy là hợp lý. Nhưng đối với các bậc lợi căn thượng trí như các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… thì làm sao có thể thí dụ như vậy được ?

Đáp : Phật dùng thí dụ nêu trên đây để trang nghiêm luận nghị, khiến người nghe sanh tín tâm. Lại nữa, dùng ngũ tình để làm thí dụ là dùng ý thức, khiến chúng sanh dễ được giác ngộ.

Ví như có dùng thang mới leo lên cao được. Vì chúng sanh đắm chấp các lạc thú thế gian, nên khi nghe nói đến đạo Niết Bàn thì khó tin, khó sanh được tâm hoan hỷ. Bởi vậy phải nói đến các pháp mà mắt có thể thấy được, tai có thể nghe được, để dùng làm ví dụ.

Lại nữa, ví như trong cõi Diêm Phù Đề có 500 châu. Tất cả các châu đó, dù lớn dù nhỏ cũng đều ở trong cõi Diêm Phù Đề cả. Cũng như vậy, các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… dù đều là những bậc đại trí huệ, nhưng cũng vẫn trong hàng Thanh Văn. Phật dùng thí dụ như vậy để chúng sanh thấy rõ rằng trí huệ của hàng Thanh Văn kém xa trí huệ của hàng Bồ Tát vậy.

Hỏi : Phật có rất nhiều đệ tử. Vì sao chỉ thường nói đến một số vị như các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… mà thôi ?

Đáp : Vì trong các đệ tử của Phật, ngài Xá Lợi Phất là bậc trí huệ đệ nhất, ngài Mục Kiền Liên là bậc thần thông đệ nhất… Cả hai vị này, ở trong Phật pháp cũng như ở ngoài đời đều xứng danh là đại đệ tử của Phật. Còn các vị đại đệ tử khác của Phật ở ngoài đời ít ai biết đến.

Lại nữa, hai vị này là những bậc trợ đạo cho đại chúng, đối với hàng ngoại đạo thì hai ngài là những bậc có nhiều thành tích phá các tà thuyết ngoại đạo.

Lại nữa, Phật thường nói đến hai ngài, vì ngài Xá Lợi Phất đại diện cho hết thảy các bậc đại trí huệ, ngài Mục Kiền Liên đại diện cho hết thảy các bậc đại thiền định.

Nên biết có hai cách dẫn thí dụ. Đó là :

– Giả mượn làm thí dụ.

– Thật sự lấy làm thí dụ.

Trên đây là trường hợp giả mượn làm thí dụ.

Hỏi : Vì sao nói “trong một trăm phần, trong một ngàn phần… chẳng có được một” ?

Đáp : Đây là một hình thức để diễn tả sự cách biệt quá lớn.

Trong kinh Thanh Văn thường nói “trong mười sáu phần chẳng bằng được một”.

Trong kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn thường nói “chẳng có toán số thí dụ nào có thể sánh được”.

KINH :

Phật dạy : “Này Xá Lợi Phất! Chẳng phải chỉ hạn cuộc trong cõi Diêm Phù Đề, mà rộng ra trong cả đại thiên thế giới, dẫn đến trong hằng sa thế giới khắp mười phương, dù có đầy rẫy những bậc đại trí huệ, như ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên…, thì trí huệ của tất cả các vị ấy tổng hợp lại cũng chẳng sao bì kịp trí huệ của Bồ Tát.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát thật hành Bát Nhã Ma La Mật, tu tập trí huệ trong một ngày, cũng đã thắng hơn hết thảy các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch Thế Tôn! Trí huệ của  Thanh Văn, trí huệ của Bích Chi Phật, trí huệ của Bồ Tát, trí huệ của Phật đều chẳng có sai biệt, vì đều là tánh không, đều là vô sanh cả. Như vậy vì sao Thế Tôn lại dạy rằng Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật, tu tập trí huệ trong một ngày, cũng đã thắng hơn các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật”?

Phật dạy: “Này Xá Lợi Phất ! Bồ Tát Ma Ha Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật trong một ngày, với tâm niệm rằng : ta tu tập trí huệ vì lợi ích cho tất cả chúng sanh; ta sẽ dùng Nhất Thiết Chủng Trí để rõ biết Thật Tướng của hết thảy các pháp, nhằm độ thoát hết thảy chúng sanh.

Này Xá Lợi Phất ! Ý ông nghĩ sao ? Hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật có tu tập trí huệ để làm những việc như vậy không ?

Ngài Xá Lợi Phất thưa : “Bạch Thế Tôn ! Chẳng vậy”.

Phật dạy : “Này Xá Lợi Phất ! Hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật có nguyện được thành Phật để độ thoát hết thảy chúng sanh, khiến họ đều được vào Vô Dư Niết Bàn, như các Bồ Tát khác không ?

Ngài Xá Lợi Phất thưa : “Bạch Thế Tôn ! Chẳng vậy”.

Phật dạy: “Này Xá Lợi Phất ! Bởi nhân duyên vậy, nên biết rằng trí huệ của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật so với trí huệ của Bồ Tát, trong một trăm phần chẳng có được một, trong một ngàn phần chẳng có được một…, dẫn đến chẳng có toán số thí dụ nào có thể so sánh được.

Này Xá Lợi Phất ! Hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật có nguyện thật hành sáu pháp Ba La Mật, thành tựu chúng sanh, trang ngiêm Phật độ, đầy đủ thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng pháp, để độ thoát vô lượng chúng sanh đến quả Niết Bàn như các Bồ Tát không ?”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa : “Bạch Thế Tôn ! Chẳng vậy”.

Phật dạy : “Này Xá Lợi Phất ! Ví như loài đom đóm kia chẳng bao giờ nghĩ rằng mình như mặt trời mọc, tỏa ánh sáng chiếu khắp cõi Diêm Phù Đề. Cũng như vậy, hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng có niệm như Bồ Tát rằng : Ta thật hành sáu pháp Ba La Mật dẫn đến thật hành thập bát bất cộng pháp, để được Vô Thượng Bồ Đề nhằm độ thoát vô lượng chúng sanh đến quả Niết Bàn.

LUẬN :

Số Thanh Văn có nhiều bao nhiêu đi nữa, thì trí huệ cũng chẳng sao bì kịp được trí huệ của Bồ Tát. Trí huệ của Bồ Tát ví như lửa. Chỉ một tia lửa nhỏ cũng có thể đốt cháy, thiêu rụi cả một khu rừng.

Ví như ánh sáng của hằng sa ngọn đèn góp lại cũng chẳng sao sánh được với ánh sáng mặt trời, ví như hằng sa ngọc châu ở khắp cả thế giới cũng chẳng sao có giá trị bằng một viên kim cang châu. Trí huệ của Bồ Tát là gốc của hết thảy Phật pháp, khiến cho hết thảy chúng sanh được lìa khổ, thêm vui.

Ví như chim Ca Lăng Tần Già vừa mới nở ra khỏi trứng đã có tiếng hót hay hơn cả hết thảy các loài chim khác. Trí huệ của Bồ Tát cũng là như vậy. Khi còn chưa tận các lậu, mà đã thắng hơn hết thảy các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, huống nữa là khi đã thành Phật.

Lại nữa, ví như Thái tử của vị Chuyển Luân Thánh Vương, khi chưa lên ngôi báu, mà đã có oai đức thắng hơn hết thảy các vị vua khác, huống nữa là khi đã thành Chuyển Luân Thánh Vương. Bồ Tát tuy chưa thành Phật, nhưng đã tu tập phước đức, trí huệ trong vô lượng a tăng kỳ kiếp, nên có trí huệ hơn hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật.

(Hết Quyển 35)