LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 31

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
 
Thập Bát Không
(Mười Tám Không)

KINH:

Này Xá Lợi Phát! Bồ Tát Ma Ha Tát muốn an trú nơi nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, tính không, tự tướng không, chư pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

18 KHÔNG là mười tám pháp quán về  KHÔNG của hết thảy các pháp.

18 KHÔNG gồm có:

  1. Nội Không.
  2. Ngoại Không.
  3. Nội Ngoại Không
  4. Không Không.
  5. Đại Không.
  6. Đệ Nhất Nghĩa Không
  7. Hữu Vi Không
  8. Vô Vi Không.
  9. Tất Cánh Không.
  10. Vô Thỉ Không.
  11. Tán Không.
  12. Tính Không.
  13. Tự Tướng Không.
  14. Chư Pháp Không.
  15. Bất Khả Đắc Không.
  16. Vô Pháp Không.
  17. Hữu Pháp Không.
  18. Vô Pháp Hữu Pháp Không.

Hỏi: Có vô lượng pháp quán về lý KHÔNG. Vì sao chỉ nói đến 18 pháp quán KHÔNG này thôi?

Đáp: Nếu nói nhiều quá thì rườm rà phức tạp. Nếu nói ít quá thì chẳng có thể diễn đạt được thậm thâm diệu lý.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật chỉ nói đến 18 KHÔNG, đủ để phá các tà kiến chấp.

Lại nữa, nếu nói nhiều quá thì sẽ có người chấp tướng KHÔNG, khiến phải bị rơi vào chấp đoạn diệt.

Phật nói 18 pháp quán KHÔNG nêu trên đây, nhằm phá 18 trường hợp chấp pháp của chúng sinh.

Hỏi: Vì sao nói “Bồ Tát muốn an trú 18 KHÔNG thì phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật” ?

Đáp: Bát Nhã Ba La Mật là đại trí huệ. Có được trí huệ Bát Nhã là vào được nơi Thật Tướng các pháp, diệt hết thảy các pháp quán. Còn 18 KHÔNG là phương tiện dẫn đến đại trí huệ Bát Nhã Ba La Mật, là 18 pháp quán để như thật biết Thật Tướng các pháp đều là KHÔNG.

Bồ Tát học Bát Nhã Ba La Mật được đầy đủ 18 KHÔNG, nên Bát Nhã Ba La Mật và 18 KHÔNG là chẳng có tướng, tức là vô tướng, Bát Nhã Ba La Mật cũng là vô tướng. Vì 18 KHÔNG chẳng chấp các tướng, tức là xả ly tướng, Bát Nhã Ba La Mật cũng xả ly tướng.

Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật, dùng trí huệ Bát Nhã Ba La Mật để quán 18 KHÔNG. Khi đã có được đại trí huệ Bát Nhã Ba La Mật rồi mới an trú đầy đủ trong 18 KHÔNG.

Hỏi: Thế nào gọi là pháp môn phương tiện?

Đáp: Đây là những cách thức mà hành giả phải dùng đến trong khi tu học, để đạt đến mục đích, để vào được Đạo.

Ví như muốn có được như ý bảo châu, thì phải phương tiện lặn sâu xuống tận đáy biển. Cũng như vậy, muốn được Bát Nhã Ba La Mật thì phải phương tiện đọc tụng kinh điển, chính tư duy, như pháp tu hành… Trong số các phương tiện dẫn vào Bát Nhã Ba La Mật có 18 pháp quán KHÔNG.

1/- Nội không

Đây là pháp quán về nội pháp KHÔNG, tức là quán 6 nội nhập đều là KHÔNG. Vì sao? Vì 6 căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) đều do duyên hòa hợp sinh, nên đều là hư dối, chẳng thật có, đều là KHÔNG.

2/- Ngoại không

Đây là pháp quán về ngoại pháp KHÔNG, tức là quán 6 ngoại nhập đều là KHÔNG. Vì sao? Vì 6 trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp cũng đều do duyên hòa hợp sinh, nên cũng đều là hư dối, chẳng thật có, đều là KHÔNG cả.

3/- Nội ngoại không

Đây là pháp tổng quán về nội pháp và ngoại pháp đều là KHÔNG, tức là tổng quán hết thảy 12 nhập đều là KHÔNG.

Do nội nhập và ngoại nhập đều là KHÔNG, nên chẳng có ngã và ngã sở, tức là vô ngã và vô ngã sở vậy.

–o0o–

Như trước đây đã nói. Thế gian thường có 4 tưởng điên đảo. Đó là:

– Bất tịnh mà tưởng là tịnh.
– Khổ mà tưởng là vui.
– Vô thường mà tưởng là thường.
– Vô ngã mà tưởng là ngã.

Do chấp 4 tưởng điên đảo ấy mà phàm phu phải trôi lăn trong các nẻo đường sinh tử, chịu bao nhiêu nỗi khổ đau.

Người tu hành muốn phá được 4 tưởng điên đảo ấy, phải tu Tứ Niệm Xứ, khởi đầu bằng các pháp quán nội thân bất tịnh, ngoại thân bất tịnh, nội ngoại thân bất tịnh. Quán trong thân có 36 thứ bất tịnh, quán thân có 9 lỗ thường xuyên thải các thứ bất tịnh ra ngoài.

Người tu hành biết rõ thân là bất tịnh. Thế nhưng phàm phu vô trí lại tưởng thân này là tịnh, mải miết chạy theo các dục lạc bên ngoài để thỏa mãn sự đòi hỏi của sắc thân.

Người tu hành lại quán ngoại thân cũng bất tịnh, thấy rõ nội ngoại thân đều là bất tịnh. Quán như vậy rồi tự suy nghĩ rằng: “Có thụ nhân có có thụ khổ. Ta chớ nên chấp đắm sắc thân này”.

Hỏi: Tâm khởi từ trong ra. Sao cũng có nói về quán ngoại tâm?

Đáp: Duyên ngoại thân là quán ngoại tâm, duyên nội thân là quán nội tâm.

Ngoại tâm duyên ngoại pháp, nội tâm duyên nội pháp. 5 thức ngoài gồm nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân duyên ngoại pháp nên được gọi là ngoại tâm. Còn ý thức duyên các nội pháp, khởi phân biệt tốt xấu, vui buồn v.v… nên được gọi là nội tâm.

Lúc ban đầu ý thức chưa phân biệt cảnh ngoài. Khi ý thức đã phân biệt, đã khởi chấp các tướng rồi, thì lúc bấy giờ nội tâm đồng thời phân biệt cả nội cảnh lẫn ngoại cảnh.

Người tu hành khi đã được tâm ý thanh tịnh rồi, thì biết rõ thân là bất tịnh, thụ là khổ, tâm là vô thường, pháp là vô ngã, như vậy là quán Tứ Niệm Xứ.

Tư duy như vậy rồi, người tu hành biết rõ tâm thức là vô chủ, chỉ do duyên chấp cảnh mà có thụ khổ, có thụ vui… Lại biết rõ do 5 ấm hòa hợp duyên khởi mà có thân này. Phàm phu điên đảo chấp có ngã thân, có ngã tâm. Phàm phu do chấp ngã nên thấy gì lợi ích cho mình thì sinh tham, thấy gì trái ý mình thì sinh sân,… sân lâu ngày trởi thành si. Như vậy là 3 độc tham, sân và si, căn bản của tất cả phiền não đều do chấp ngã mà sinh ra cả. Nếu tu phúc đức, tu các pháp trợ đạo thì dần dần sẽ xả được chấp ngã, sẽ được giải thoát.

Vậy nên khi vừa mống khởi chấp tướng, thì phải biết ngay rằng đó là kiết sử do chấp ngã sinh ra. Phải mau tu bố thí để xả tâm chấp ngã. Vì sao? Vì người tu hành biết rõ ngã cũng là duyên sinh, là chẳng có kiên cố. Ví như lột dần dần các bẹ chuối, cuối cùng chẳng thấy thân cây chuối nữa. Xả ngã dần dần thì cuối cùng sẽ được vô ngã.

Do năm ấm duyên khởi mà có sắc thân. Khi đã quán được vô ngã rồi là quán được nội không, quán được ngoại không, quán được nội ngoại đều không vậy.

Hỏi: Pháp khởi từ ngoài vào. Như vậy vì sao cũng nói là nội tâm tương ưng?

Đáp: Vì nội tâm tương ưng với tưởng và hành, khởi sinh các tưởng tướng và hành tướng. Khi ngoại tâm, tức năm thức ngoài duyên ngoại pháp, thì nội tâm, tức ý thức khởi phân biệt dẫn sinh các tưởng tướng và hành tướng. Bởi vậy nên nói ngoại pháp cũng là tâm tương ưng. Nếu tâm chẳng có tương ưng, thì gọi là duyên vô vi, là bình đẳng quán. Vào được bình đẳng quán sẽ biết rõ nội pháp cũng như ngoại pháp đều là KHÔNG cả.

Lại nữa, sáu nội pháp gọi là sáu tình thức, sáu ngoại pháp gọi là sáu trần. Khi tu Bốn Niệm Xứ, người tu hành quán vô vi, biết rõ sắc chẳng phải là sắc (phi sắc), lại biết rõ dù sắc có các tướng sai khác, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc hữu vi, hoặc vô vi, hoặc xa, hoặc gần. hặc thô, hoặc tế,…nhưng cũng đều là vô ngã. Vì sao? Vì cầu ngã thì ngã là bất khả đắc. Chỉ do năm ấm hòa hợp duyên khởi mà giả danh có ngã. Ngã chẳng có thì các kiết sử phiền não cũng chẳng có sinh. Do ngã là KHÔNG, nên tất cả các nội và ngoại pháp cũng đều là KHÔNG cả.

Người tu hành quán nội sắc là vô thường, khổ, không và vô ngã, rồi quán ngoại sắc, quán nội ngoại sắc cũng là như vậy cả. Khi đã quán được sắc thân này KHÔNG rồi, thì quán thọ, quán tâm và quán pháp cũng đều như vậy cả.

Tóm lại, tu Tứ Niệm Xứ tương ưng với nội quán, được KHÔNG tam muội gọi là quán nội không. Tu Tứ Niệm Xứ tương ưng với ngoại quán, được KHÔNG tam muội gọi là quán ngoại không. Tu Bốn Niệm Xứ tương ưng với cả nội quán lẫn ngoại quán, được KHÔNG tam muội thì gọi là tu quán nội ngoại không.

Hỏi: Do lực quán KHÔNG tam muội mà thấy được các pháp KHÔNG, hay là các pháp vẫn tự KHÔNG?

Đáp: Kinh nói: “Dùng ba tam muội, Không, Vô Tướng và Vô Tác để quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp thì chẳng còn thấy có ngã và ngã sở nữa. Bởi vậy nên biết các pháp vốn là KHÔNG”.

Hỏi:  Tu Tứ Niệm Xứ, quán Vô Thường, Khổ và Vô Ngã cũng đã thấy rõ thân là KHÔNG rồi. Như vậy cần gì phải quán thân bất tịnh nữa?

Đáp: Có nhiều người, sau khi quán vô thường, khổ và vô ngã vẫn chưa tiêu trừ được chấp ngã. Đối với hạng người này, phải dạy họ quán thân bất tịnh mới khiến họ nhàm chán sắc thân. Quán thọ, quán tâm và quán pháp cũng đều là như vậy.

Phải nên biết, do có chấp ngã mới có chấp ngã sở, dẫn đến mới có chấp nội tâm và ngoại cảnh. Ví như người chấp những gì trong phạm vi nhà mình là của ta, còn những gì ở bên ngoài là của người, chẳng phải là của ta vậy.

Trái lại người tu hành quán hết thảy các pháp, dù trong dù ngoài cũng đều chẳng có định tướng, đều là bình đẳng tướng. Bởi vậy nên chẳng chấp có nội pháp, cũng chẳng chấp có ngoại pháp, quán hết thảy nội ngoại pháp đều là KHÔNG, chỉ do tâm chấp mà có phân biệt vậy thôi.

Hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp mà có, chỉ do tâm chấp mà phân biệt có tướng trong, tướng ngoài. Hết thảy nội pháp cũng như ngoại pháp đều là hư dối, là chẳng thật có, là KHÔNG vậy.

Hỏi: Khi nói nội thân ta có đầu, mình, tay, chân… là nói về nội pháp. Khi nói ngoài thân ta có nhà cửa, ruộng vườn… là nói về ngoại pháp. Như vậy là có phân biệt nội pháp với ngoại pháp rồi. Sao lại nói nội pháp cũng như ngoại pháp đều là  KHÔNG cả?

Đáp: Ở nơi thân ta thì mỗi phần đều riêng khác. Ví như đầu chẳng phải là bụng, tay chẳng phải là chân… Nếu xét riêng rẽ từng phần, thì chẳng có phần nào gọi là thân của ta, gọi là cái TA cả. Bởi vậy nên ngã và ngã sở đều là KHÔNG, là bất khả đắc cả.

Nội pháp đã là KHÔNG, thì ngoại pháp cũng là như vậy.

Hỏi: Đã do duyên hợp sinh thì tuy khác mà vẫn là một, tuy một mà vẫn là khác. Ví như cái nhà do nhiều phần hòa hợp mà có. Có cái nhà sao lại gọi là  KHÔNG?

Đáp: Nhiều chẳng phải là một, và một chẳng phải là nhiều. Rui, kèo, cột… chẳng phải là cái nhà, cái nhà cũng chẳng phải là rui, keo, cột… Bởi vậy nên nói nội, ngoại pháp đều là KHÔNG.

Hỏi: Trong kinh Phật cũng có nói đến sáu căn, sáu trần… Sao nay lại nói hết thảy đều là KHÔNG?

Đáp: Nội pháp cũng như ngoại pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà giả danh là có vậy thôi. Ví như nói thân là nội pháp, nhà là ngoại pháp, thì đó cũng chỉ là giả danh, chẳng thật có.

 Trong kinh có nói về Chúng Sinh Không, và về Pháp Không. Vì người căn độn thì Phật chỉ nói về Chúng Sinh Không. Vì người lợi trí thì Phật mới nói về Pháp Không.

Hành Thanh Văn tu hành phá các kiết sử phiền não, nhằm thoát ly ra khỏi sinh tử, nên tu Ngã Không. Bồ Tát đoạn kiết sử phiền não, biết rõ Pháp Không nên thông đạt vô ngại hết thảy các pháp, biến thế gian đầy dẫy phiền não thành Niết Bàn an lạc, được Vô Thượng Bồ Đề, độ thoát chúng sinh ra khỏi ngục tù ba cõi, sáu loài.

4/ – Không Không

Biết hết thảy các pháp đều là KHÔNG, người tu hành lại còn phải tu xả luôn cả cái chấp về tướng KHÔNG ấy. Vì sao? Vì KHÔNG cũng là  KHÔNG. Như vậy gọi là tu quán Không Không.

Hỏi: Vì sao Đại Thừa lại phá hoại các pháp?

Đáp: Chẳng có thể nói như vậy được. Đại Thừa dạy chúng sinh biết rõ về thật tướng các pháp. Hết thảy các pháp ở nơi thật tướng đều là KHÔNG.

Hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp sinh, như sóng sinh ra do sức gió tác động vào mặt nước, chẳng phải thật có, chẳng có kiên cố. Do nhân duyên nghiệp lực mà thành có sắc, nên pháp sắc là vô thường, là sinh diệt, là chẳng thật có, thế nhưng sinh là KHÔNG, nên pháp cũng là KHÔNG. Sinh là KHÔNG, nên diệt cũng là KHÔNG. Sinh và diệt đều là bất khả đắc. Vậy nên bất sinh bất diệt mới là chân thật pháp.

Phàm phu điên đảo chấp có sinh, có diệt. Người tu hành trái lại, phải biết rõ các pháp vốn chẳng có sinh, chẳng có diệt, vốn là KHÔNG. Biết như vậy rồi lại còn phải xả luôn cả cái chấp KHÔNG ấy mới vào được Không Không.

Lại nữa, người tu hành vào KHÔNG tam muội, quán năm ấm là KHÔNG, được Tám Thánh Đạo, đoạn các phiền não, chứng Niết Bàn an lạc, rồi lại xả luôn cả Tám Thánh Đạo, được Không Không tam muội.

Hỏi: Không và Không Không khác nhau như thế nào?

Đáp: Nói Không nhằm phá chấp năm ấm. Nói Không Không nhằm phá chấp về tướng KHÔNG.

Hỏi: Nếu KHÔNG chính là pháp KHÔNG, thì như vậy đã là pháp hết thảy các pháp rồi. Còn nếu nói KHÔNG chẳng phải là pháp Không thì còn có gì để phá nữa đâu?

Đáp: Nếu nói KHÔNG chính là pháp KHÔNG, nhằm phá hết thảy các pháp tướng, thì sau khi phá các pháp tướng rồi vẫn còn lưu lại cái pháp KHÔNG đó. Như vậy là còn chấp tướng KHÔNG. Bởi vậy nên phải xả bỏ luôn cả pháp KHÔNG đó mới gọi là Không Không.

Ngoài ra quán Không Không cũng chính là duyên KHÔNG, tức là vô duyên vậy. Ví như thuốc dùng để chữa bệnh, khi bệnh đã lành thì thuốc cũng phải xả bỏ luôn. Vì sao? Vì nếu chẳng xả bỏ thuốc thì lại sinh bệnh khác vậy.

Người tu quán KHÔNG để phá trừ phiền não. Nhưng nếu vẫn chấp thủ lấy cái KHÔNG ấy thì sẽ thành bệnh. Phải xả bỏ luôn chấp KHÔNG mới được Không Không.

5/ – Đại Không.

Đây là pháp tu quán của Đại Thừa, chẳng phải là pháp tu quán của hàng Thanh Văn.

Trong kinh Tạp A Hàm chỉ nói: “Do có sinh mà duyên khởi có già, có chết. Nhưng nếu chấp có sinh, có già, có chết thì cũng là tà kiến. Vì sao? Vì sinh, già, chết đều là giả danh có, chẳng phải thật có”. Do vậy mà hàng Thanh Văn chỉ tu về Chúng Sinh Không và Pháp Không.

Trong kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn nói đến “mười phương tướng KHÔNG”. Đây chính là pháp tu quán về Đại Không.

Hỏi: Vì sao gọi “mười phương tướng KHÔNG” là Đại Không?

Đáp: Phương Đông vô tận vô biên nên là Đại (rộng lớn). Cũng như vậy, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên, phương Dưới, bốn phương chéo vô biên, vô tận nên là Đại.

Lại nữa, các sự việc tỏa rộng cùng khắp, khai phá cùng khắp, như làm lợi ích khắp mười phương thế giới, biến hiện khắp mười phương thế giới, làm cho chúng sinh khắp mười phương thế giới thoát khỏi mê muội v.v… đều là Đại cả.

Như vậy quán không gian vô tận khắp mười phương, quán các sự việc tỏa rộng khắp mười phương đều là KHÔNG là quán về Đại Không vậy.

Hỏi: Phật pháp thường thuyết vô phương, tức là chẳng có phương tướng. Ví như khí nói về ba vô vi (hư không, trạch diệt và phi trạch diệt) là nói về trí duyên tận và phi trí duyên tận, đều chẳng có chỗ duyên nhiếp cả. Như vậy là vô vi pháp chẳng có duyên sinh. Sao lại nói có phương?

Đáp: Vì hàng Thanh Văn nên nói có phương, lại vì y theo thế tục mà nói như vậy. Đối với Đại Thừa thì phương tướng là bất khả đắc.

Ví như do năm ấm hòa hợp mà giả danh có chúng sinh. Cũng vậy, do bốn đại hòa hợp mà giả danh có phương. Chúng sinh chấp phía mặt trời mọc là phương Đông, phía mặt trời lặn là phương Tây v.v…. Đây là y theo thế tục mà quy ước đặt ra có các phương khác nhau. Thật ra, phương cũng như phương tướng đều là bất khả đắc.

Hỏi: Vì sao phải phá phương tướng?

Đáp: Nếu y theo thế tục, thì nói có phương. Nếu y theo Đệ Nhất Nghĩa thì phá các phương tướng. Vì sao? Vì ở nơi thế tục đế, mà nói có phương thì chẳng có rơi về chấp đoạn. Ở nơi Đệ Nhất Nghĩa đế mà phá các phương tướng thì chẳng rơi về chấp thường.

6/ – Đệ Nhất Nghĩa Không.

Đây là lý KHÔNG vào bậc nhất, tột cùng của Phật và chư Đại Bồ Tát, khác với lý KHÔNG còn hạn hẹp của hàng Thanh Văn. Vào Đệ Nhất Nghĩa Không chẳng thấy Không, cũng chẳng thấy Không.

Hỏi: Theo Đệ Nhất Nghĩa Không, thì hết thảy các pháp đều là vô duyên. Như vậy vì sao chẳng gọi Đệ Nhất Nghĩa Không là Đại Không?

Đáp: Trước đã nói về Đại Không rồi, nay nói về Đệ Nhất Nghĩa Không. Tuy khác tên gọi, nhưng thật nghĩa cũng tương đồng.

Thế gian dùng phương, nên chấp ý niệm về Đại (rộng lớn). Còn xuất thế gian, y theo Đệ Nhất Nghĩa, nên nói là Đệ Nhất Nghĩa Không.

Do phá tà kiến, phá ý niệm về Đại (rộng lớn), nên phải quán Đại Không. Ví như người dùng tâm từ duyên khắp phương Đông, duyên từ quốc độ một, cho đến cùng tận các quốc độ. Nếu duyên chưa cùng tận thì kiến chấp có biên (hữu biên kiến). Nếu duyên mãi chẳng hết (vô cùng tận), thì kiến chấp chẳng có biên (vô biên kiến). Nay nếu lấy phương KHÔNG để phá chấp phương Đông, thì sẽ diệt được cả hai kiến chấp về hữu biên và vô biên, khiến duyên từ sẽ được trải rộng cùng khắp. Trái lại, nếu chẳng lấy phương KHÔNG để phá chấp tướng phương Đông, thì tâm sẽ tùy phương Đông, mà thôi dứt duyên từ. Người tu hành cũng như vậy. Do tâm chẳng thối chuyển mà chẳng mất duyên từ. Như vậy là phá được tà kiến, mà cũng được đầy đủ Đại Không.

Đệ Nhất Nghĩa Không là Thật Tướng của hết thảy các pháp, chẳng thể phá, chẳng thể hoại. Vì sao? Vì hết thảy các pháp ở nơi Thật Tướng, đều là KHÔNG, chẳng có thể thọ, chẳng có thể chấp vậy. Nếu có thọ, có chấp là hư dối, là chẳng phải thật.

Lại nữa, Đệ Nhất Nghĩa Không là nghĩa Niết Bàn Giải Thoát.

Trong A Tỳ Đàm nói: “Trí duyên tận tức là Niết Bàn. Ở trong Niết Bàn cũng chẳng có tướng Niết Bàn. Niết Bàn KHÔNG tức là Đệ Nhất Nghĩa Không”.

Hỏi: Nếu nói: “Niết Bàn là vô tướng, là KHÔNG, thì vì sao các bậc Thánh Hiền lại nương theo ba thừa đạo để vào Niết Bàn? Vì sao nói tất cả các pháp môn đều dẫn đến Niết Bàn, như tất cả các dòng sông đều chảy dồn về biển?

Đáp: Niết Bàn là vô thượng pháp, nhưng chia làm hai thứ, là:

  1. Hữu Dư Niết Bàn.
  2. Vô Dư Niết Bàn

Người tu hành, khi đã đoạn trừ được các phiền não, được tâm bình đẳng, là vào được Hữu Dư Niết Bàn.

Vào Hữu Dư Niết Bàn chỉ còn thọ thân năm ấm trong hiện đời mà thôi. Khi mạng chung, sẽ chẳng còn thọ thân năm ấm nữa, sẽ vào Vô Dư Niết Bàn.

Trái lại, chúng sinh nghe nói đến Niết Bàn liền thủ chấp Niết Bàn, rồi khởi hý luận về Hữu và Vô. Do vậy mà rơi ngay về các tà kiến chấp: Chấp Hữu là chấp thế gian; chấp Vô là chấp Niết Bàn.

Trên đây nói Niết Bàn là KHÔNG, chỉ nhằm phá chấp của phàm phu về tướng Niết Bàn, chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa Niết Bàn của bậc Thánh Hiền. Vì sao? Vì các bậc Thánh Hiền, ở nơi các pháp, chẳng còn chấp tướng. Khi đã đoạn được các phiền não là tức thì được vào Niết Bàn, được giải thoát. Ví như người đang bị trói, ngay khi được cởi dây trói là tức thì được giải thoát. Chúng sinh cũng như vậy, do bị năm ấm trói buộc mà phải bị giam cầm trong ngục tù ba cõi. Khi đã thoát khỏi sự ràng buộc của năm ấm, thì liền được giải thoát.

Hết thảy các pháp chẳng lìa Đệ Nhất Nghĩa. Đệ Nhất Nghĩa cũng chẳng lìa các pháp. Thật Tướng các pháp là KHÔNG, là vô tướng, cũng chính là Đệ Nhất Nghĩa Không vậy.

7/ – Hữu vi Không.

Pháp hữu vi là pháp có tạo tác, có nhân duyên tạo tác, có chủ ý tạo tác.

Pháp Vi Không là pháp quán các hữu vi, do duyên hòa hợp sinh, đều là hư dối, chẳng thật có, đều là KHÔNG.

8/ – Vô vi không.

Pháp vô vi là pháp chẳng có tạo tác, chẳng có nhân duyên tạo tác, chẳng có chủ ý tạo tác.

Vô Vi Không là pháp quán các pháp vô vi, chẳng có nhân duyên (vô nhân duyên) sinh, nên cũng là hư dối, chẳng thật có. Do đối đãi với pháp hữu vi mà nói có pháp vô vi vậy thội.

–oOo–

Như trên đây đã nói tất cả các pháp hữu vi, như năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới v.v… đều do duyên hòa hợp sinh, nên đều là KHÔNG.

Do vậy, ngã và ngã sở cũng là KHÔNG, là bất khả đắc.

Hỏi: Nói ngã và ngã sở là KHÔNG, là bất khả đắc thì còn hợp lý. Nhưng vì sao lại nói “hữu vi pháp tướng” là KHÔNG?

Đáp: Danh tướng của các pháp do nơi tâm chúng sinh tạo lập. Nếu chẳng có pháp chúng sinh, thì chẳng có chỗ sở y.

Lại nữa, các pháp hữu vi đều là vô thường, là sinh diệt nên đều là bất khả đắc, là KHÔNG vậy.

Hỏi: Pháp hữu vi có thường tướng. Vì sao nói pháp hữu vi là KHÔNG, là bất khả đắc?

Đáp: Phàm phu điên đảo chấp ngã là thường, chúng sinh là thường, tâm thức là thường, pháp là thường. Do vậy, mà phải quanh quẩn mãi trong sinh tử, luân hồi, bỏ thân này lại thọ thân khác, chẳng ngừng dứt.

Thật ra ngã chẳng thật có. Chúng sinh, do bốn đại tạo thành, cũng chỉ là giả danh, chẳng thật có, là sinh diệt, vô thường. Thức tâm liền sinh, liền diệt, cũng là vô thường. Dẫn đến pháp cũng luôn thay đổi, sinh diệt, nên cũng là vô thường. Tất cả đều là KHÔNG, đều là bất khả đắc cả.

Người tu hành quán các pháp hữu vi, do duyên hòa hợp sinh, đều là hư dối, chẳng thật có. Chỉ do tưởng phân biệt mà chấp là CÓ, chấp là KHÔNG vậy thôi. Thật ra, các pháp hữu vi đều là vô sở hữu, chẳng có ở trong, chẳng có ở ngoài, chẳng có ở chặng giữa. Quán như vậy, nên vào được Pháp Không.

Các bậc Thánh Hiền chẳng chấp CÓ, vì biết rõ các pháp đều là  KHÔNG, mà thành Đạo quả. Lại cũng chẳng chấp KHÔNG, nên được giải thoát.

Hỏi: Vì sao nói pháp hữu vi lẫn pháp vô vi đều là KHÔNG?

Đáp: Thật Tướng của pháp hữu vi là vô vi, mà tướng của vô vi là KHÔNG, nên hết thảy pháp hữu vi lẫn vô vi đều là KHÔNG cả.

Phàm phu điên đảo chấp có tướng hữu vi là sinh diệt, tướng vô vi là bất sinh diệt, mà chẳng biết rằng, ở nơi Thật Tướng, thì hữu vi và vô vi đều là KHÔNG cả.

Người tu Tứ Thánh Đế rõ biết được tướng của vô vi là KHÔNG. Ví như trú nơi Khổ, rồi tiến tu đoạn Tập, chứng Diệt, là được vô vi. Từ đó mới tu Đạo, được giải thoát, vào Niết Bàn.

9/- Tất cánh không (cũng gọi là rốt ráo không)

Đây là pháp quán về hết thẩy pháp đều rốt ráo là KHÔNG.

Do tương quan đối đãi giữa THẬT và GIẢ, giữa CÓ và  KHÔNG, mà khởi sinh các chấp về pháp hữu vi và pháp vô vi. Nếu phá được sự đối đãi, thì sẽ biết rõ hữu vi và vô vi đều rốt ráo KHÔNG cả.

Hỏi: Nếu các nhân duyên sinh pháp chưa phải rốt ráo KHÔNG, thì làm sao nói các pháp là rốt ráo KHÔNG được? Ví như trường hợp cái nhà bị hư hoại, chẳng còn là nhà nữa, nhưng nếu rui, kèo, cột v.v… vẫn còn sót lại, thì làm sao nói là rốt ráo KHÔNG được?

Đáp: Các nhân duyên sinh pháp cũng rốt ráo không, vì chẳng có định tướng. Ví như người con gọi các bậc sinh thành là cha, là mẹ. Nhưng xét cho cùng, thì các nhân duyên này, các cách xưng hô này cũng chẳng có chỗ y cứ, chỉ là do tâm tạo ra, nên cũng là KHÔNG. Lại nữa, ví như muôn vật trên quả đất này đều nương vào đất, nước, gió, lửa, hư không mà sinh tồn, nhưng thật ra quả đất cũng chẳng có chỗ y cứ.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói các pháp là Rốt Ráo Không, là Tất Cánh Không vậy.

Hỏi: Ví như dùng thần thông có thể biến hóa ra các vật. Hóa vật là giả, nhưng người có thần thông biến hóa ra các vật đó là thật. Như vậy làm sao có thể nói tác giả của sự vật biến hóa ấy là giả được?

Đáp: Phàm phu thấy các hóa vật hiện ra trước mắt tưởng là thật, nên chấp có vị hóa chủ, tức là có vị tác giả của sự biến hóa. Còn các bậc Thánh Hiền rõ vị hóa chủ cũng chẳng phải thật có. Vì sao? Vì rõ biết tất cả đều do tâm tạo, do các duyên nghiệp hòa hợp mà sinh ra cả.

Kinh nói có ba thứ biến hóa. Đó là:

  1. Phiền não biến hóa.
  2. Nghiệp biến hóa
  3. Pháp biến hóa.

Tất cả các sự vật đều ở trong phạm trù của ba trường hợp biến hóa nêu trên đây, nên đều là hư huyễn, như hóa, đều là chẳng thật có, đều là KHÔNG vậy. Cho nên, trong thí dụ trên đây, ta thấy rõ hóa vật lẫn vị hóa chủ đều là  KHÔNG cả.

Hỏi: Các vật không bền, không kiên cố mới có thể tán nhỏ, tợ thành không. Còn các vật bền chắc, kiên cố, thì làm sao có thể như vậy được?

Đáp: Kiên cố cũng như không kiên cố đều là những tướng bất định. Vì sao? Vì lệ thuộc vào quan điểm riêng của mỗi người, của mỗi loài. Ví như loài người cho kim cang là kiên cố; nhưng hàng chư Thiên có cách phá được kim cang, nên chẳng cho kim cang là kiên cố. Cũng như người cho biển là sâu thẳm; nhưng A Tu La vương, đứng ngay giữa biển, cho biển là cạn. Cũng ví như người có đời sống ngắn ngủi thấy quả đất là kiên cố. Nhưng trái lại, các loài sống lâu có thời thấy quả đất tán hoại, nên chẳng cho quả đất là kiên cố.

Trong kinh Thất Nhất Dụ (Dụ về bảy mặt trời), Phật bảo các Tỷ kheo rằng: “Này các Tỷ kheo! Hết thảy các pháp hữu vi đều là vô thường hủy hoại. Khi đến gần kiếp tận, mặt trời thiêu đốt, khiến hết thảy cây cối, kể cả các loại cây cỏ thuốc, đều chết khô. Khi mặt trời thứ hai mọc, thì nước ở hết thảy các sông lạch đều khô cạn. Khi mặt trời thứ ba mọc, thì các sông lớn cũng đều khô cạn. Khi mặt trời thứ tư mọc, thì nước ở nơi các nguồn, các suối cũng đều khô cạn. Khi mặt trời thứ năm mọc, thì các biển lớn, nhỏ cũng đều khô cạn. Khi mặt trời thứ sáu mọc, thì các núi Tu Di bốc cháy. Khi mặt trời thứ bảy mọc thì các nói Tu Di chỉ còn khói và lửa dấy khắp cõi trời Phạm Thiên. Lúc bấy giờ, những người mới sinh ở cõi trời Quang Âm thấy lửa bùng cháy mạnh mẽ, nên rất sợ hãi. Những biến cố lớn như vậy, rất khó tin. Chỉ khi nào được thấy tận mắt, mới có thể tin được vậy”.

Phật lại dạy tiếp: “Lúc bấy giờ, có một người tu hạnh ly dục, được đầy đủ bốn phạm hạnh, tên là Tu Niết Ba La. Ông Tu Niết Ba La có vô số đệ tử cũng được ly dục. Do tu Từ Tâm tam muội, mà ông Tu Niết Ba La được sinh lên cõi trời Quang Âm, nên được chứng kiến tận mắt cảnh tán hoại này, và biết rõ chẳng có gì là kiên cố cả.

Này các Tỷ Kheo! Ông Tu Niết Ba La là tiền thân của ta đó. Lúc bấy giờ, chính ta đã thấy tận mắt cảnh tán hoại trên đây”.

Hỏi: Nói vô thường là nói trước không, nay có, có rồi lại trở thành không. Như vậy, nếu đã nói Rốt Ráo Không, thì vì sao nói vô thường nữa?

Đáp: Vô thường là bước đầu dẫn vào cửa KHÔNG do rõ được các pháp là vô thường, mà người tu hành tu Bốn hạnh quán, gồm: Vô thường, khổ, không và vô ngã. Vì sao? Quán như vậy sẽ biết rõ các pháp đều là như huyễn đều là không; lại  cũng biết rõ các pháp chẳng do ai làm ra (vô tác giả), nên là vô ngã, là rốt ráo không vậy.

Rốt Ráo Không là Chân Không. Tuy nhiên, phải tùy đối tượng chúng sinh mà nói pháp:

– Đối với hạng người nhiều ái kiến, chấp vô thường, thì phải vì họ nói vô thường là tán hoại. Nếu chấp vô thường, thì sẽ sinh ưu khổ.

– Đối với hạng người chấp danh tướng, thì phải vì họ nói vô tác.

– Đối với hạng người có nhiều tà kiến, phân biệt các pháp, thì phải vì họ nói về Chúng Sinh Không, về Pháp Không, về Tất Cánh Không (Rốt Ráo Không).

– Các bậc Thánh Hiền dùng Rốt Ráo Không để diệt trừ ba độc, phá các chấp điên đảo, khiến chúng sinh xa lìa được các khổ sinh, già, bệnh, chết, được Niết Bàn an lạc.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật dạy: “Pháp thiện cũng xả, huống nữa là pháp bất thiện”.

Khi đã ly được pháp hữu vi rồi, thì cũng chẳng chấp pháp vô vi nữa, vì biết rõ pháp vô vi cũng là Rốt Ráo Không.

10/ – Vô Thỉ Không.

Đây là pháp quán thời gian chẳng có đầu mối, quán đầu mối thời gian từ vô thỉ là KHÔNG.

Chúng sinh, từ vô thỉ đến nay, chuyển thân này sáng thân khác. Thân đời này do nghiệp lực dẫn sinh thân ở đời sau. Cứ như vậy lần lượt kế truyền mãi mãi. Thế nhưng, chẳng có pháp ban đầu cũng chẳng có pháp rốt sau. Vì sao? Vì trước sinh sau chết, rồi trước chết sau sinh, chẳng có nhân, chẳng có duyên, chẳng có gì sinh, chẳng có gì diệt cả. Như vậy là Vô Thỉ Không.

Trong kinh Phật dạy các Tỷ Kheo rằng: “Này các Tỷ Kheo! Chúng sinh chẳng có đầu mối. Do vô minh che tâm, do ái chấp sâu dày mà phải chịu qua lại mải miết trong các nẻo đường sinh tử, nên đầu mối là bất khả đắc. Chúng sinh là vô thỉ, các pháp cũng là vô thỉ, mà vô thỉ là bất khả đắc, nên nói Vô Thỉ Không”.

Hỏi: Nếu vô thỉ là thật pháp, thì vì sao lại phá vô thỉ?

Đáp:  Nếu nói chúng sinh có đầu mối (hữu thỉ) thì rơi về biên kiến, nên nói chúng sinh cùng các pháp là vô thỉ. Thế nhưng nếu chấp vô thỉ, thì cũng lại rơi về hữu thỉ, hữu biên. Vì sao?

Vì như vậy là còn chấp có một pháp gọi là vô thỉ, có cái tướng Vô Thỉ vậy. Nếu dùng Vô Thỉ Không để phá chấp về Vô Thỉ thì mới chẳng còn rỡi về Hữu thỉ, mới nhập được vào Trung Đạo vậy.

Hỏi: Vì sao lại phải phá Vô Thỉ?

Đáp: Nếu đã được Nhất Thiết Trí rồi, thì chẳng có rơi về chấp Vô Thỉ. Vì sao? Vì đã rõ biết Vô Thỉ là bất khả đắc.

Trái lại, nếu còn chấp tướng Vô Thỉ, thì chưa phải là  Nhất Thiết Trí. Do vậy mà phải phá chấp  Hữu và Vô. Phải phá chấp Vô Thỉ mới vào được Vô Thỉ Không.

Hỏi: Vì sao Phật nói “Chúng sinh, từ vô thỉ đến nay qua lại trong các nẻo đường sinh tử?”

Đáp: Phật muốn nhắc nhở chúng sinh rằng, từ vô thỉ đến nay, mải miết qua lại trong các nẻo đường sinh tử, khiến họ sinh nhàm chán sinh tử, mà tinh tấn tu hành nhằm thoát ly ra khỏi ba cõi.

Phật lại dạy:“Trải qua vô lượng kiếp sinh tử, xương của mỗi chúng sinh có thể chất thành núi cao, nước mắt của mỗi chúng sinh có thể nhiều bằng nước ở biển cả. Như vậy, từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sinh đã phải thọ vô lượng khổ đau. Thế nhưng, tìm đầu mối, thì đầu mối là bất khả đắc, chẳng sao tìm được vậy”.

Phật thuyết về Vô Thường nhằm độ các chúng sinh chấp Thường. Phật lại thuyết Vô Thỉ nhằm độ các chúng sinh chấp Hữu Thỉ. Nhưng cũng chẳng nên chấp Vô Thỉ, vì vô thỉ cũng chẳng thật có, nên Phật lại thuyết về Vô Thỉ Không.

Hỏi: Nếu Vô Thỉ chẳng thật có thì làm sao có thể độ chúng sinh chấp Hữu Thỉ?

Đáp: Phật dùng đủ các pháp môn phương tiện, tùy duyên hóa độ chúng sinh, khiến họ xả trừ tâm chấp.

Ví như Phật thuyết về Vô Thường để phá chấp Thường của chúng sinh; thuyết về Khổ Đế để dạy chúng sinh xa lìa các dục lạc thế gian. Nếu thấy chúng sinh chấp Vô Thường, chấp Khổ…, thì Phật lại dạy cho họ biết rõ là Vô Thường, Khổ… cũng đều là KHÔNG. Nói về Vô Thỉ cũng như vậy. Phật thuyết Vô Thỉ nhằm phá chấp Hữu Thỉ của chúng sinh. Nhưng nếu chúng sinh lại chấp Vô Thỉ, thì Phật lại thuyết về Vô Thỉ Không. Phật dùng Túc Mạng Trí thấy chúng sinh tương tục sinh diệt vô cùng tận, Phật lại dùng Tuệ Nhãn thấy chúng sinh cũng như các pháp, từ vô thỉ đến nay chẳng có đầu mối đều là rốt ráo không, nên thuyết về Vô Thỉ Không.

Hỏi: Chấp Hữu Thỉ là tà kiến, phải nên phá. Còn nói Vô Thỉ, chẳng phải tà kiến, sao cũng phá nữa?

Đáp: Nói Hữu Thỉ là lầm lạc, là tà kiến. Vì sao? Vì nếu là Hữu Thỉ thì chẳng có nhân duyên tội phước. Nếu chấp có thân ban đầu, thì thân ban đầu ấy chẳng thể sinh ở chỗ thiện, cũng chẳng thể sinh chỗ ác được.

Lại nữa, nếu ý theo nhân duyện tội phước mà có sinh thân, thì chẳng thể gọi là thân ban đầu được. Vì sao? Vì thân trước có tạo tội phước, thì các nghiệp duyên tội phước đó mới dẫn thọ thân sau. Cho nên Phật thuyết Vô Thỉ để phá chấp về Hữu Thỉ của chúng sinh.

Sau khi xả bỏ chấp về Hữu Thỉ, nếu chúng sinh lại chấp Vô Thỉ, thì phải nên vì họ dạy pháp quán Vô Thỉ Không. Vì sao? Vì còn chấp Hữu Thỉ hay Vô Thỉ cũng đều là tà kiến cả.

Hỏi: Vì sao dùng Vô Thỉ để phá Hữu Thỉ mà chẳng dùng Hữu Thỉ để phá Vô Thỉ? Lại nữa, vì sao chỉ dùng Vô Thỉ Không để phá Vô Thỉ mà chẳng dùng Hữu Thỉ Không để phá Hữu Thỉ?

Đáp: Chấp Hữu Thỉ, chấp Vô Thỉ đều là tà kiến cả, nhưng có trọng, có khinh khác nhau.

Nhân duyên chấp Hữu Thỉ dẫn sinh các tướng phiền não. Trái lại, nếu niệm các pháp duyên khởi từ Vô Thỉ thì khởi sinh từ bi và chính kiến. Vì sao? Vì niệm chúng sinh từ vô thỉ đến nay, thọ vô lượng khổ đau nên phát sinh bi tâm, thương xót chúng sinh. Vì rõ biết quả báo tội phước tương tục nối tiếp từ vô thỉ đến nay, nên phát sinh chính kiến.

Lại nữa, Vô Thỉ rốt ráo phá  được Hữu Thỉ. Hữu Thỉ tuy cũng có thể phá được Vô Thỉ, nhưng chẳng được rốt ráo. Vì sao? Vô Thỉ ví như thiện pháp, Hữu Thỉ ví như bất thiện pháp. Thiện pháp phá được bất thiện pháp, còn bất thiện pháp khó có thể phá được thiện pháp một cách triệt để được. Tuy hai bên có tương phá lẫn nhau. Nhưng thiện thì rốt ráo phá được ác, còn ác thì chẳng thể như vậy được. Ví như người vào được thánh trí đạo rồi, thì chẳng còn làm các việc ác nữa. Lại ví như người trước đã phạm tội bội phản, đã đoạn thiện căn, mà sau đó có phát tâm tu hành, thì dù phải đọa địa ngục cũng chỉ thọ tội trong một kiếp, rồi cũng sẽ thoát khỏi chốn địa ngục, sẽ được sinh lên các cõi người, cõi trời.

Như vậy là dùng Vô Thỉ đế phá chấp về Hữu Thỉ mà lại chấp tướng Vô Thỉ, thì cũng là tà kiến, nên lại phải quán Vô Thỉ Không để phá chấp về Vô Thỉ. Dùng Vô Thỉ Không phá triệt để cả hai chấp về Hữu Thỉ và Vô Thỉ nên chẳng cần đến pháp quán Hữu Thỉ Không làm gì nữa. Khi đã rốt ráo phá được cả hai chấp Hữu và Vô là vào được Trung Đạo, thông hiểu được Thánh Đạo.

11/ – Tán Không

Đây là pháp quán các pháp, khi duyên ly tán, đều trở thành KHÔNG. Hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp mà giả danh có. Khi các duyên ly tán, thì danh và pháp đều chẳng còn nữa.

Như vậy là Tán Không.

Pháp, khi hòa hợp cũng như khi ly tán, chẳng từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, nên pháp và danh đều là KHÔNG, đều là bất khả đắc cả.

Ví như cái xe do các bộ phận rời ráp lại mà thành, khi tách rời các bộ phận ra, thì xe cũng như tên xe đều chẳng có nữa. Cũng như vậy, người do năm ấm hòa hợp mà giả danh có pháp gọi là người. Khi năm ấm ly tán, thì chẳng còn người nữa.

Hỏi: Nói như trên đây, thì chỉ phá được giả danh, chẳng có thể phá được sắc?

Đáp: Sắc và danh đều bị phá. Vì sao? Vì sắc pháp do các vi trần hòa hợp mà giả danh có. Nhưng vi trần là bất khả đắc, nên sắc pháp cũng là bất khả đắc.

Hỏi: Khi một vật tan rã, hình tướng của vật có thể chẳng còn nữa, những sắc pháp vẫn còn. Như vậy vì sao nói sắc pháp là chẳng thật có?

Đáp: Sắc pháp do Bốn Đại hòa hợp mà thành. Nếu chẳng có Tứ Đại hòa hợp, thì chẳng có được sắc pháp. Dùng trí tuệ phân biệt mà tách Tứ Đại riêng rẽ, thì sắc pháp là bất khả đắc vậy.

Hỏi: Nói sắc tán hoại, thì còn hợp lý. Còn thọ, tưởng, hành và thức cũng tán hoại hay sao?

Đáp: Bốn ấm thọ, tưởng, hành và thức có sinh có trú, có diệt, nên cũng là vô thường, là tán hoại, là KHÔNG vậy. Vì sao? Hãy xem một người từ khi sinh đến khi già thay đổi rất nhiều, nên cả năm ấm thân của người ấy cũng sinh diệt tương tục, cũng tán hoại tương tục. Lại nữa, thức tâm tùy duyên sinh cũng tùy duyên diệt. Ví như tướng lửa được hiển lộ nhờ các vật cháy; nếu lìa các vật cháy ra thì lửa là bất khả đắc. Cũng như vậy, do sáu căn duyên sáu trần mà sinh ra có sáu thức; nếu lìa các chỗ duyên ra, thì thức tâm là bất khả đắc.

Trong kinh Phật dạy: “Sắc là tán hoại, là vô sở hữu. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là tán hoại, là vô sở hữu”. Như vậy là Tán Không.

Phàm phu, vì chưa ly dục nên ở nơi các pháp sinh tâm ái trước. Người tu hành đã được ly dục rồi thấy các pháp đều tán hoại. Khi có đủ duyên hòa hợp mới giả danh có pháp này, pháp nọ. Khi các duyên ly tán, thì chẳng còn có danh, chẳng còn có sắc nữa.

Trong kinh Phật dạy ngày Ma Ha Ca Chiên Diên: “Quán Tứ Đế đều ly tán, là vào được Tán Không”.

12/ – Tính Không.

Đây là pháp quán về tự tính của hết thảy các pháp đều là KHÔNG.

Vì các pháp tương tục duyên khởi, nên mới có hiện ra các tướng. Ví như nước có tướng lỏng; đun sôi trở thành hơi nước; đông lạnh trở thành nước đá. Xem như vậy thì các pháp chẳng có định tướng. Do vậy chẳng có định tướng nên tính của các pháp vốn là KHÔNG.

Như vậy là Tính Không.

Hỏi: Trong kinh đã có nhiều về vô ngã và vô ngã sở. Như vậy là diễn bày đầy đủ về Chúng Sinh Không và Pháp Không rồi. Sao nay còn nói đến Tính Không làm gì nữa?

Đáp: Tính Không ở nơi đây chẳng phải chỉ nói riêng về Chúng Sinh Không và Pháp Không.

Về Tính Không, Luận Thanh Văn phân biệt nói lên các nghĩa như sau:

12 nhập là vô ngã và vô ngã sở.
12 nhập là tự tướng Không, là vô ngã, vô ngã sở.

Các kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn phân biệt nói lên các nghĩa như sau:

  • 12 nhập, ngã và ngã sở đều Không.
  • Tự tính của 12 nhập là Không.

Tính của ngã và của ngã sở rốt ráo là KHÔNG, nhưng vì người đời phân biệt có ngã và ngã sở, nên Phật phương tiện nói vô ngã và vô ngã sở.

Như vậy là hết thảy các pháp đều là KHÔNG. Vô Ngã và Vô Ngã Sở còn chẳng có chấp, huống nữa là chấp Chúng Sinh Không và Pháp Không. Lại nữa, TÍNH tự có, chẳng phải đợi nhân duyên mới có. Vì sao? Vì nếu đợi nhân duyên sinh, thì đó là tác pháp, chẳng có thể là tính được vậy. Hết thảy các pháp hữu vi đều do nhân duyên sinh, nên đều là tác pháp. Nhưng nếu đã do nhân duyên hòa hợp mới có, thì là vô pháp. Như vậy là tính của hết thảy các pháp bất khả đắc, nên pháp cũng là vô pháp vậy. Bởi vậy, nên gọi là Tính Không.

Hỏi: Tất Cánh Không là vô sở hữu, là đã bao hàm nghĩa về Tính Không rồi. Sao nay còn nói về Tính Không làm gì nữa?

Đáp: Tất Cánh Không là vô sở hữu, có nghĩa là chẳng còn có chỗ để trừ bỏ. Còn Tính Không là bản lai thường KHÔNG như vậy. Ví như tính nước là lạnh; nhờ có lửa đun sôi mà trở thành nóng; khi hết tác dụng của lửa rồi, lại trở lại lạnh như trước.

Tất Cánh Không là thường như hư không, ở cả ba đời thường bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh… Còn Tính Không là bất khả đắc. Tất Cánh Không là nói về chỗ sở hành của Phật. Còn Tính Không là nói về chỗ sở hành của Bồ Tát.

Tất Cánh Không là nói về ba đời thanh tịnh, bình đẳng, vô sai biệt.

 Còn Tính Không là nói về nhân duyên hòa hợp, chẳng có thật tính. Lại nữa, pháp tính phân biệt có:

  • Tổng tính.
  • Biệt tính.

*Tổng tính.

Nói về Tổng Tính các pháp là nói về vô thường, về khổ, về không, về vô ngã, về bất sinh, về bất diệt v.v

–oOo–

Như nói về Vô Thường, Phật dạy: “Các pháp thế gian đều là vô thường, đều là KHÔNG”. Như vậy là nói về Tính Không.

Nhưng Tính Không là bất khả đắc, nên tính vô thường cũng là bất khả đắc. Vì sao? Vì nếu Vô Thường là thật thì các nghiệp báo nhân duyên phải mất. Sinh diệt quá khứ chẳng trú, sáu tình chẳng thọ, thì chẳng có chứa nhóm các nghiệp báo nhân duyên. Nếu chẳng có chứa nhóm các nghiệp báo nhân duyên, thì chúng sinh sẽ mặc tình đắm chìm trong tội lỗi, chẳng cần nghĩ đến các việc trì tụng kinh pháp, tọa thiện, làm các việc thiện nữa.

Bởi vậy nên, Tính Vô Thường là bất khả đắc Tính Vô Thường đã là bất khả đắc, thì Tính thường cũng là bất khả đắc.

–oOo–

Tính Khổ cũng là KHÔNG, là bất khả đắc. Vì sao? Vì nếu Khổ là thật, thì chẳng ai dám sinh tâm nhiễm trước. Nếu là toàn khổ, thì ở thế gian chẳng có gì là vui để mà ưa thích nữa.

Phật chẳng thọ khổ, chẳng thọ lạc, chẳng thọ bất khổ bất lạc. Vì sao? Vì thọ khổ sẽ sinh sân, thọ lạc sẽ sinh ái, thọ bất khổ bất lạc sẽ sinh si.

Thật ra ở nơi Nhất Tướng, Vô Tướng thì khổ và lạc chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Bởi vậy nên tính của khổ và bất khả đắc. Tính khổ đã là bất khả đắc thì tính lạc cũng là bất khả đắc.

–oOo–

Như trên đây đã nói, tính Không, là bất khả đắc. Vì sao? Vì nếu Không là thật, thì chẳng có tội, chẳng có phước, chẳng có đời này, chẳng có đời sau.

Lại nữa, các pháp do đối đãi mà có. Vì sao? Vì chấp có Hữu nên mới có Vô. Nếu Hữu là thật thì Vô cũng phải là thật v.v… Như vậy là rơi về tà kiến.

Bởi vậy nên tính KHÔNG là bất khả đắc. Tính KHÔNG đã là bất khả đắc thì tính CÓ cũng là bất khả đắc.

–oOo–

Tính Vô Ngã cũng là KHÔNG, là bất khả đắc. Vì sao? Vì nếu Vô Ngã là thật thì chẳng có sự trói buộc (vô phược), chẳng có sự cởi mở (vô giải), chẳng có đời này, chẳng có đời sau, chẳng có thọ tội, chẳng có thọ phước, dẫn đến chẳng có các nhân duyên quả báo.

Bởi vậy nên tính Vô Ngã là bất khả đắc. Tính Vô Ngã đã là bất khả đắc thì tính Ngã cũng là bất khả đắc.

–oOo–

Tính Bất Sinh, Tính Bất Diệt cũng là KHÔNG là bất khả đắc. Vì sao? Vì nếu bất sinh, bất diệt là thật, thì đọa về thường kiến. Nếu hết thảy pháp là thường thì chẳng có tội, chẳng có phước. Nếu nói Sinh là thường hay nói Bất sinh là thường thì cũng đều là tà kiến cả.

Bởi vậy nên tính Bất Sinh Diệt là bất khả đắc. Tính Bất Sinh Diệt đã là bất khả đắc thì tính Sinh Diệt cũng là bất khả đắc.

–oOo–

Nói rộng, thì tất cả các tổng tính khác như Bất Cấu, Bất Tịnh, Bất Tăng, Bất Giảm, Vo Khứ, Vô Lai, Vô Xuất, Vô Nhập v.v… cũng đều là KHÔNG, là bất khả đắc cả. Tất cả đều là tính Bình Đẳng.

Trên đây là tóm lược nói về Tổng Tính của các pháp.

Biệt Tính:

Nói về Biệt Tính là nói về tính đặc thù riêng biệt của mỗi pháp. Như nói lửa có tính nóng, có tính thiêu đốt các vật v.v… Thế nhưng do các duyên hòa hợp mà giả danh có lửa, mà hiện ra có tính nóng, có tính thiêu đốt các vật, như đã nói trên đây. Lửa chẳng có thật tính. Vì sao? Vì người dùng thần thông có thể vào lửa mà chẳng bị thiêu cháy. Tính nóng của lửa cũng như tính thiêu đốt của lửa phải hội đầy đủ các nhân duyên mới dấy sinh, nên tổng tính cũng như biệt tính của lửa đều là KHÔNG.

–oOo–

Tính Kiên Cố, tính Tương Tục của các pháp cũng là như vậy.

Trong kinh Phật dạy: “Núi Tu Di tuy kiên cố, tồn tại lâu dài, nhưng cũng là tính Không. Dùng trí tuệ quán chiếu, thì rõ biết hết thảy các sự vật đều là Tính KHÔNG cả. Nói rộng, hết thảy các pháp hữu vi và vô vi đều là bất khả đắc, dẫn đến các nhân duyên sinh pháp cũng đều là bất khả đắc cả. Tất cả đều là Tính Không.

13/ – Tự Tướng Không.

Đây là pháp quán về Tự Tướng tức là về Tổng Tướng và Biệt Tướng của các pháp đều là KHÔNG.

Hỏi:  Tổng Tướng và Biệt Tướng sai khác nhau như thế nào?

Đáp: Nói về tướng chung của các pháp như nói về các tướng Vô Thường, tướng Khổ, tướng Không, Tướng Vô Ngã… là nói về Tổng Tướng.

Nói riêng về tướng của từng pháp riêng rẽ như nói lửa có tướng nóng,… là nói về Biệt Tướng.

Hỏi: Trước đã nói về tính Không, nay nói về Tự Tướng Không. Như vậy có gì sai khác nhau không?

Đáp: Có thuyết nói Tính và Tự Tướng cũng đồng mà cũng khác. Vì sao? Vì trong tướng có tính, và trong tính có tướng vậy. Như nói lửa có tính nóng. Tính nóng được thể hiện nơi tướng nóng, làm tăng nhiệt độ của môi trường bao quanh.

Lại có thuyết nói tính là thể tính, tướng là tướng trạng. Ví như nói đến người xuất gia trì giới cấm, là nói về tính, còn nói vị ấy cạo đầu, đắp y, đi khất thực… là nói về tướng. Cũng như nói lửa là nóng là nói về tính, còn nói lửa bốc khói, lửa nung nóng các vật… là nói về tướng của lửa. Nhờ các tướng trạng ấy mà có thể nhận biết được sự hiện hữu của lửa vậy.

–oOo–

Tính tiềm ẩn bên trong. Tướng bộc lộ, thể hiện ra bên ngoài. Tính và tướng tuy đồng mà có sai khác.

Ví như biết rõ các pháp hữu vi tùy duyên sinh và theo duyên diệt, là biết rõ Tính Vô Thường. Lại ví như biết rõ các pháp hữu vi đều trước không, nay có, có rồi trở lại thành không, là biết rõ về tướng Vô Thường.

Phàm phu chấp có các pháp hữu vi. Khi thấy các pháp ấy bị tán hoại, như thấy những vật mình ưa thích hư nát, thấy cảnh người thân mình bị tai nạn, chết chóc v.v…sẽ sinh phiền não khổ đau. Như vậy là Khổ Đế.

Các bậc Thánh chẳng còn bị các pháp hữu vi trói buộc nên chẳng còn sinh phiền não, lại cũng đã ly được ngã và ngã sở, nên chẳng còn bị ràng buộc bởi các duyên sinh. Vì sao? Vì đã biết rõ các pháp, trước sau đều rốt ráo là bất khả đắc. Như vậy là quán về Tự Tướng Không.

Lại nữa, các bậc Thánh ở nơi các pháp chẳng còn sinh tâm chấp, nên quán các pháp đều là không, là Vô Tướng, là Vô Tác, vào được Ba Giải Thoát Môn, đoạn được ngôn ngữ, tận diệt được các tâm hành. Như vậy là quán về Tự Tướng Không.

Lại nữa, các bậc Thánh cũng biết rõ các pháp do duyên hợp sinh, nên đều là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, cũng biết rõ các pháp đều chẳng có ai làm ra (Vô chủ tác). Do vậy mà đoạn trừ được tâm chấp ngã, được vô ngại giải thoát. Lúc bấy giờ sáu căn y nơi sáu thức, mà khởi tính hay biết (giác tri), hiện tướng trí tuệ. Ví như xả là tướng bố thí, chẳng sinh phiền não là tướng trì giới, tâm bất động là tướng nhẫn nhục, thân tâm siêng năng làm các việc thiện là tướng tinh tấn, nhiếp tâm tại một chỗ là tướng thiền định, tâm không chấp đắm là tướng trí tuệ, hay thành tựu các pháp là tướng phương tiện, chấp đắm sinh diệt là tướng thế gian, vô sinh là tướng Niết Bàn v.v… Quán mỗi pháp đều có biệt tướng, nhưng biết rõ các biệt tướng ấy đều là KHÔNG. Như vậy là quán về Tự Tướng Không.

Hỏi: Vì sao chẳng nói Tướng Không mà lại nói Tự Tướng Không?

Đáp: Nếu nói Tướng Không thì chưa diễn đạt được rõ nghĩa về pháp thể là KHÔNG. Nay nói Tự Tướng Không là nói pháp thể là KHÔNG vậy.

Lại nữa, do các duyên hòa hợp mà sanh ra có các pháp, các pháp đã theo duyên sanh, thì đều là bình đẳng, đều là Tự Tướng Không vậy.

Hỏi: Nói các pháp đều là KHÔNG là đủ rồi như vậy cần gì phải nói Tự Tướng Không nữa?

Đáp: Các pháp chỉ là một tướng (nhất tướng) là chẳng có tướng (vô tướng) mà chúng sanh điên đảo chấp có tướng chung (tổng tướng) và tướng riêng (biệt tướng). Nên phải vì họ nói về Tự Tướng Không để phá các chấp điên đảo ấy.

 14/-Chư Pháp Không

Đây là pháp quán về hết thảy các pháp đều là KHÔNG

Nói về Chư Pháp Không là nói về hết thảy các pháp gồm 5 ấm, 12 nhập, 18 giới… đều là KHÔNG.

Người thế gian thấy mỗi pháp đều có tướng riêng biệt nên chấp cá pháp đều có tướng khác nhau. Từ nơi tâm chấp pháp trong đó mà phân biệt vô lượng tướng khác nhau, như: Thức tướng, duyên tướng, tăng thượng tướng, nhân tướng, quả tướng, tổng tướng, biệt tướng v.v..

Hỏi: Vì sao nói hết thảy các pháp đều có tướng (Hữu tướng)?

Đáp: Vì mỗi pháp hiển lộ một hoặc nhiều tướng riêng khác, các pháp có xấu có tốt, có trong có ngoài, có xa có gần… mỗi mỗi riêng khác.

Hỏi: Do đâu mà có pháp tướng?

Đáp: Tất cả các pháp tướng đều do tâm tạo, đều tự nơi tâm chấp mà sanh ra cả.

Hỏi: Vô pháp cũng có tướng chăng?

Đáp: Vô pháp chẳng có thề được gọi là pháp. Vì sao? Vì do đỗi đãi với hữu pháp mà nói có vô pháp. Nếu vô pháp là thật có thì vô pháp ấy cũng trở thành hữu pháp rồi vậy. Bởi vậy nên nói hết thảy các pháp đều có tướng (Hữu tướng).

Ví như dùng trí để phân biệt các tướng như:

-Dùng Khổ Pháp Trí, Khổ Tỷ Trí để biết được Khổ Đế.

-Dùng Tập Pháp Trí, Tập Tỷ Trí để biết được Tập Đế.

-Dùng Diệt Pháp Trí, Diệt Tỷ Trí để biết được Diệt Đế

-Dùng Đạo Pháp Trí, Đạo Tỷ Trí để biết được Đạo Đế

Lại nữa, dùng thức để phân biệt các trần, ví như dùng nhãn thức để phân biệt sắc, dùng nhĩ thức để phân biệt thanh, dùng tỷ thức để phân biệt hương, dùng thiệt thức để phân biệt vị, dùng thân thức để phân biệt sự xúc phạm, dùng ý thức để phân biệt pháp, thì gọi là thức tướng.

Lại nữa, dùng các thức tương ứng pháp để như thật biết các trần, ví như dùng nhãn thức và nhãn thức tương ưng pháp để duyên sắc… dẫn đến dùng ý thức và ý thức tương ứng pháp để duyên pháp thì gọi là thức tướng duyên tướng.

Lại nữa, các pháp hữu vi tương duyên với nhau, làm tăng thượng duyên cho nhau. Các pháo vô vi cũng có các pháp hữu vi làm tăng thượng duyên. Như vậy gọi là tăng thượng tướng.

Lại nữa, hết thảy các pháp đều có nhân và có quả. Như vậy gọi là nhân quả tướng.

Lại nữa, hết thảy các pháp đều có tướng chung và tướng riêng. Ví như nói về con ngựa, thì xét chung cả con ngựa là nói về tướng chung (Tổng tướng), còn xét riêng từng phần như mình dài, chân cao, lông trắng… là nói về tướng riêng (biệt tướng). Như vậy mỗi pháp đều có tổng tướng và biệt tướng.

Lại nữa, y nơi các tướng ấy mà biết được cộng tướng y chỉ. Ví như cây, cỏ, núi, sông… đều y chỉ nơi đất. Ví như gió y chỉ nơi hư không,… như vậy gọi là y chỉ tướng.

–o0o–

 Cũng nên biết:

 -Hoặc có một pháp tướng dung nhiếp hết thảy các pháp tướng. Như nói Nhất Thiết Pháp là dung nhiếp hết thảy pháp, nói Chư Pháp cũng dung hết thảy pháp.

 -Hoặc có nhóm hai pháp tướng dung nhiếp hết thảy các pháp tướng. Như nhóm sắc và vô sắc, nhóm hữu đối và vô đối, nhóm hữu lậu và vô lậu, nhóm hữu vi và vô vi…

-Hoặc có nhóm 3 pháp tướng, 4 pháp tướng, 5 pháp tướng… dung nhiếp hết thảy các pháp tướng.

–o0o–

Thế nhưng, tuy có những tướng sai khác như đã trình bày trên đây, hết thảy các pháp đều như như, bình đẳng, đều là nhất tướng, đều là vô tướng cả.

Bởi nhân duyên vậy, nên gọi là Chư Pháp Không.

Hỏi: Hết thảy các pháp tướng đều là KHÔNG. Như vậy vì sao còn đặt cho mỗi pháp một tên gọi riêng?

Đáp: Phàm phu chẳng biết được rằng các pháp đều là KHÔNG, nên điên đảo chấp mỗi pháp có tướng riêng khác, rồi khởi sanh ái trước, phiền não. Do phiền não mà khởi sanh ra các khổ lạc. Ví như tằm nhả tơ tự trói buộc (triền phược) lấy mình.

Hỏi: Nước có tướng ướt, gió có tướng lay động, lửa có tướng nóng, đất có tướng cứng…Như vậy mỗi pháp đều có tự tướng.

Sao lại nói các pháp đều là KHÔNG?

Đáp: Các tướng đều bất định. Chẳng có tướng nào là định tướng cả. Ví như nước có tướng lỏng; khi được đun sôi lại biến thành hơi; khi gặp lạnh lại đông đặc thành nước đá, thành băng, thành tuyết. Ví như các vật bị lửa thiêu đốt biến thành tro…

Như vậy là mỗi pháp tự xả tướng của nó khi gặp các duyên khác, nên nói các pháp chẳng có định tướng.

Lại nữa, các pháp hữu vi có 3 tướng là sanh, trú và diệt; cũng như các pháp vô vi có 3 tướng là bất sanh, bất trú và bất diệt.

Như vậy, nếu các pháp có định tướng thì chẳng có biến đôi như vậy được. Bởi vậy nên nói các pháp tướng đều là KHÔNG.

Hỏi: Nếu nói các pháp đều là KHÔNG, thì làm sao phân biệt phàm phu với Thánh Hiền?

Đáp: Chẳng có pháp gọi là Thánh, cũng chẳng có pháp gọi là Phàm. Chỉ cần phá màn vô minh, chuyển vô trí thành trí là phàm phu liền trở thành Thánh vậy.

 Ví như có bệnh mới dùng thuốc; ngay khi hết bệnh, thì chẳng còn cần đến thuốc nữa.

Trong kinh, Phật dạy: “Lìa phàm chẳng có Thánh, lìa Thánh chẳng có phàm”.

Chẳng nên chấp có hai pháp Phàm và Thánh riêng rẽ. Vì sao? Vì các bậc Thánh cũng dùng pháp của người phàm. Chỉ khác ở chỗ bậc Thánh chẳng có chấp tướng, mà người phàm thì chấp tướng. Nếu phàm phu xả được tâm chấp tướng, thì liền được nhập vào dòng Thánh.

15/- Bất Khả Đắc Không

Đây là pháp quán về các pháp là bất khả đắc “Chẳng thể được” là KHÔNG, quán Bất Khả Đắc cũng là KHÔNG. Như vậy gọi là Bất Khả Đắc Không.

Hỏi: Nói các pháp đều là KHÔNG cũng đủ rồi. Vì sao còn nói các pháp là Bất Khả Đắc Không?

Đáp: Khi phá hết thảy các pháp tướng rồi, thì nói các pháp là KHÔNG. Các pháp đều KHÔNG, nên đều là bất khả đắc, tức là chẳng có thể được. Nhưng lại phải xả luôn chấp về bất khả đắc, mới vào được Bất Khả Đắc Không.

Hỏi: Nếu hết thảy pháp đều KHÔNG, thì vì sao trong kinh lại nói đến các pháp là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Lại cũng có nói đến sự thọ nghiệp quả báo?

Đáp: Như bà mẹ sanh con. Tuy mẹ con có khác nhau, nhưng cũng có duyên nghiệp tương tục. Do duyên nghiệp tương tục mà có nghiệp quả nối tiếp trong nhiều đời như vậy.

Bồ Tát, tuy cũng ở trong sanh tử, nhưng đã biết rõ thật tướng các pháp. Vì người độn căn, nói các pháp là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Vì người lợi căn, nói các pháp đều là KHÔNG, nói 5 ấm, 12 nhập, 18 giới… đều chẳng thật có.

Trong kinh Tạp A Hàm và kinh Đại Không nói: “CÓ 2 KHÔNG là Chúng Sanh Không và Pháp Không”.

Trong kinh La Đà nói: “Sắc ấm là tán hoại”.

Trong kinh Ba La Diên và kinh Lợi Chúng nói: “Người được đạo rồi chẳng thủ cũng chẳng xả. Như vậy là lìa các chấp”.

Hỏi: Vì sao gọi Bất Khả Đắc Không là Thật Không.?

Đáp: Vì thật pháp là bất khả đắc, là Không, nên là Bất Khả Đắc Không.

Hỏi: Trước nói là Tự Tướng Không. Sao nay lại nói Bất Khả Đắc Không?

Đáp: Nói nhân duyên Bất Khả Đắc Không để đoạn nghi, để người nghe pháp khỏi sợ hãi. Như lời Phật dạy: “Từ khi ta phát tâm đến khi ta thành Đạo, tầm cầu các pháp đều là Bất Khả Đắc”.

Hỏi: Người vào được Bất Khả Đắc Không có những công đức gì?

Đáp: Người tu hành vào được Bất Khả Đắc Không sẽ tiêu sạch ba độc và các kiết sử, được đầy đủ giới, định, huệ và đầy đủ các pháp thiện.

Hỏi: Nghĩa của Chư Pháp Không và Bất Khả Đắc Không có gì khác nhau không?

Đáp: Bất Khả Đắc Không cũng đồng nghĩa với Chư Pháp Không. Nói Bất Khả Đắc Không để khai thị chúng sanh thấy rõ ràng Vô Vi, Đệ Nhất Nghĩa Đế cũng đều là bất khả đắc vậy. Đây là nghĩa của Vô Dư Niết Bàn.

16/- Vô Pháp Không

Đây là pháp quán về chỗ không có pháp là KHÔNG.

17/- Hữu Pháp Không

Đây là pháp quán chỗ có pháp là KHÔNG

18/-Vô Pháp Hữu Pháp Không

Đây là pháp quán về chỗ không pháp và chỗ có pháp đều là KHÔNG.

Vì sanh là bất khả đắc, diệt cũng là bất khả đắc, nên KHÔNG (hữu) và CÓ (vô) đều bất khả đắc. Bởi vậy nên nói “Chỗ không có pháp”, “Chỗ có pháp”, “Chỗ không pháp và có pháp” đều là bất khả đắc, đều là KHÔNG cả.

18/-  KHÔNG, nêu trên đây, phá hết thảy Sanh, Trú, Diệt, cũng phá hết thảy 3 đời.

Có thuyết nói: “Nếu vào được Vô Pháp Không thì sẽ biết được ở hiện tại các pháp hữu vi và các pháp vô vi đều là KHÔNG cả”. Lại có thuyết nói : “Nếu rõ biết được Vô Sanh, Vô Diệt thì sẽ phá được cả Hữu Vi lẫn Vô Vi, biết rõ Hữu Vi và Vô Vi đều là KHÔNG cả”.

–o0o–

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “Bồ Tát Ma Ha Tát muốn trú Nội Không,…dẫn đến Vô Pháp Hữu Pháp Không phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

(Hết quyển 31)