LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 29

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
 Tùy Hỷ Công Đức

KINH:

Bồ Tát Ma Ha Tát muốn tùy hỷ công đức bố thí, trì giới thù thắng hơn hết thảy Thanh Văn và Bích Chi Phật phải tu tập Bát Nha Ba La Mật.

LUẬN:

Người có tâm tùy hỷ, khi thấy người khác làm được các công đức, liền sinh tâm tùy hỷ, tán thán họ, như nói với họ rằng: “Ở trong thế gian vô thường, si ám này, mà mở lòng từ bi, thương xót người như vậy thật là phúc đức vô lượng.”

Ví như có người đem thứ hương thơm quý báu đi bán, được rất nhiều người đến mua. Trong khi người ấy đang bán hàng, có người đứng ở bên ngoài tán thán. Tuy người sau không mất tiền mua, mà cũng vẫn được hương thơm lâu vậy. Cũng như vậy, nếu có người đem tài vật ra bố thí, có người được nhận sự bố thí, lại có người đứng bên ngoài tán thán hạnh bố thí, thì người sau này, tuy không đem tài vật của mình ra bố thí mà vẫn hưởng được phúc đức lây vậy.

Xem như vậy, thì đủ biết rằng Bồ Tát tùy hỷ công đức đã thù thắng hơn hàng Thanh Văn, huống nữa là còn tự mình làm các công đức.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát tùy hỷ công đức mà lại được thù thắng hơn hẳn người đem tài vật của mình ra bố thí?

Đáp: Trong lúc người khác đem tài vật ra bố thí, Bồ Tát đứng bên ngoài khen ngợi, vui mừng, rồi cùng hết thảy chúng sinh hồi hướng công đức ấy về Vô Thượng Bồ Đề, nhằm độ thoát hết thảy chúng sinh. Do tâm tùy hỷ như vậy, nên thù thắng hơn hàng Nhị Thừa đem tài vật ra bố thí. Vì sao? Vì Bồ Tát đã dung thật tướng trí tuệ nên thù thắng hơn vậy.

Lại nữa, do tâm tùy hỷ mà Bồ Tát được sinh quả báo phước đức. Rồi Bồ Tát lại đem phúc ấy tùy hỷ hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, nên thù thắng hơn hàng Nhị Thừa bố thí. Ví như người đem dâng vua một vật nhỏ, được nhà vua hoan hỷ ban cho nhiều tiền tài, danh tước. Lại ví như dung ít hơi thổi vào ốc tù và, mà có thể tạo được âm lớn vang đi rất xa. Bồ Tát dùng tùy hỷ công đức, hòa hợp với công đức của người khác, hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề nên được quả báo vô tận, ví như gió thổi làm dao động mặt nước biển tạo thành những đợt sóng nối tiếp nhau vô cùng vô tận, lan truyền trên mặt biển.

Hỏi: Trong số đệ tử của Phật có cả Thanh Văn và Bồ Tát. Vì sao lại còn phân biệt hơn thua làm gì?

Đáp: Bồ Tát tùy hỷ công đức còn thù thắng hơn hàng Thanh Văn, huống nữa là Bồ Tát tự hành công đức. Vì sao? Vì hàng Thanh Văn làm các công đức còn có lúc mệt mỏi. Còn Bồ Tát kiên trì tùy hỷ công đức trong im lặng. Ví như những người thợ lao động mệt mỏi suốt ngày mà công lao chẳng sao bằng được vị kỹ sư vẽ kiểu và chỉ huy công trình. Lại ví như những người lính chịu bao gian khổ, dẫn đến chịu hy sinh cả mạng sống của mình để chống trả quân địch, mà khi thắng trận, thì công lao lớn vẫn thuộc về vị chủ tướng vậy.

Hỏi: Nếu tâm tùy hỷ thắng hơn hành bố thí, trì giới… thì vì sao chỉ nói đến sự tùy hỷ công đức của Bồ Tát là thù thắng mà thôi?

Đáp: Phàm phu, do còn bị phiền não che tâm, do chưa đoạn được chấp ngã và ngã sở, nên thua hẳn hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Thế nhưng, sự tu hành của hàng Nhị Thừa còn kém xa Bồ Tát. Vì sao? Bố thí gồm tài thí và pháp thí. Hàng Thanh Văn thường hành tài thí. Bồ Tát thường  hành pháp thí, nên thù thắng hơn.

Lại nữa, hàng Thanh Văn thường hành trì giới, nhiếp luật nghi giới, thiền định giới, và vô lậu giới. Bồ Tát thường hành trí tuệ, nhiếp văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ; lại được giải thoát tuệ và giải thoát tri kiến.

Bởi vậy nên Bồ Tát thù thắng hơn Thanh Văn.

Hỏi: Thắng đối đãi với thua; có hơn có thua là có cạnh tranh rồi vậy. Bồ Tát chẳng có khởi cạnh tranh với hàng Thanh Văn, nên nói thắng vậy. Thanh Văn ví như người ngắm sắc hoa, ngửi hương thơm của hoa; còn Bồ Tát ví như ong vào tận nhụy hoa rút mật. Do tâm tùy hỷ của Bồ Tát đã tương ưng với pháp tính, nên trí tuệ và công đức của Bồ Tát thù thắng hơn trí tuệ và công đức của hàng Thanh Văn Nhị Thừa.

KINH:

Muốn tùy hỷ công đức thiền định, tam muội, trí tuệ,  giải thoát, giải thoát tri kiến thù thắng hơn hết thảy Thanh Văn và Bích Chi Phật phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Người vào thiền định, tu bốn thiền, chín thứ đệ định, tám bối xả, ba giải thoát môn: Không, Vô Tướng và Vô Tác. Như trước đây đã nói vào các tam muội là đã có thiền định, giải thoát rồi sao nay còn nói làm gì nữa?

Đáp: Giải thoát có hai nghĩa. Đó là:

– Tuệ giải thoát.

– Cộng giải thoát.

 Tuệ giải thoát chưa vào được thiền định. Cộng giải thoát mới đầy đủ các thiền định và giải thoát tam muội.

Lại nữa, thiền định giải thoát tam muội có hai trường hợp:

– Hàng Thanh Văn vào thiền định chỉ cầu ly dục.

– Bồ Tát tuy ở nơi chốn dục lạc mà vẫn thường trong định, thường cầu ly dục.

Hỏi: Đã là trí tuệ tam muội, sao còn nói đến cầu đắc?

Đáp: Trước đây đã nói rằng tuệ giải thoát chưa đến được chỗ rốt ráo thâm nghĩa; cộng giải thoát mới có trí tuệ tam muội, giải thoát và giải thoát tri kiến dẫn thẳng vào Niết Bàn.

A La Hán mới được thiền định lạc ở hiện đời, vào Diệt Tận Định là định rốt ráo, được Nguyện Trí Vô Tránh tam muội, mới là chân thật Niết Bàn.

 Bởi nhân duyên vậy, nên phải nói rộng. Bồ Tát, ở ngay chốn dục lạc mà cầu đắc Niết Bàn, nên phải đầy đủ trí tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.

Hỏi: Thiền định giải thoát tam muội khó tu, khó được. Như vậy vì sao Bồ Tát có đầy đủ thiền định và trí tuệ là tối diệu?

Đáp: Do tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà Bồ Tát có trí tuệ thù thắng hơn hàng Thanh Văn. Bồ Tát có hạnh, có nguyện đầy đủ, nên thiền định và trí tuệ của Bồ Tát là tối diệu. Ví như chim phải đầy đủ hai cánh, mới có sức bay xa ngàn dặm. Người tu có đầy đủ hai pháp hạnh và nguyện là được giải thoát và giải thoát tri kiến.

Hỏi: Ở nơi bố thí, do có mắt thấy, tai nghe, mới dễ sinh tâm tùy hỷ. Còn ở nơi thiền định giải thoát tam muội mắt chẳng được, tai chẳng nghe được, thì làm sao có thể sinh tâm tùy hỷ?

Như vậy căn cứ vào đâu mà nói tâm tùy hỷ của Bồ Tát thù thắng hơn hàng Thanh Văn?

Đáp: Bồ Tát lấy tha tâm trí làm tâm tùy hỷ.

Hỏi: Tha tâm trí còn là trí hữu lậu. Bồ Tát chưa được vô lậu, thì làm sao có thể biết được tâm vô lậu của hàng Nhị Thừa?

Đáp: Bồ Tát đã được Vô Sinh Pháp Nhẫn, đã đoạn các kiết sử, đã vào được pháp KHÔNG, đã được các thần thông, nên dùng hữu lậu tha tâm trí, mà có thể hay biết được vô lậu của hàng Nhị Thừa vậy.

Lại nữa, hàng Bồ Tát sơ phát tâm, tuy chưa được pháp tính thân, nhưng vẫn có thể dùng tha tâm trí hữu lậu để quán thấy được hàng Nhị Thừa hành bố thí, trì giới…, rồi phát tâm tùy hỷ, Bồ Tát tùy hỷ quán người đang hành bố thí, hành trì giới đã vào được nơi thật tướng pháp, đã ly được sự ràng buộc của ngã và ngã sở, đã vượt ra khỏi ngục tù ba cõi. Vì sao? Bồ Tát tùy hỷ công đức để được thấy người được giải thoát, thì cũng như thấy chính mình được giải thoát vậy. Như vậy gọi là tùy hỷ hồi hướng công đức.

KINH:

Bồ Tát Ma Ha Tát hành một phần ít bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, mà muốn dùng lực phương tiện hồi hướng để được vô lượng vô biên công đức phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Trước đây đã có nói nhiều về sáu Ba La Mật rồi. Sao nay còn nói thêm nữa?           

Đáp: Trước đây nói về tổng tướng, nay nói về biệt tướng.

Hỏi: Thế nào gọi là ít trí tuệ (thiểu trí).

Đáp: Thâm nghĩa của sáu Ba La Mật thể hiện ở nơi tâm, chẳng phải phô bày ra bên ngoài, nơi việc làm nhiều hay ít.

Bồ Tát tu hành, dù nhiều hay ít, nếu còn trú nơi Ba La Mật thì vẫn còn là ít trí tuệ (thiểu trí).

Kinh Hiền Kiếp có nói: “Trong tám vạn bốn ngàn Ba La Mật đều có phân biệt Ba La Mật thế gian và Ba La Mật xuất thế gian. Bát Nhã  Ba La Mật cũng là như vậy, cũng phân biệt có Bát Nhã Ba La Mật thế gian và Bát Nhã Ba La Mật xuất thế gian.”

Như vậy thì trí Bát Nhã Ba La Mật thế gian vẫn còn là thiểu trí vậy.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát hành phần ít bố thí (Thiểu trí)?

Đáp: Có rất nhiều nguyên nhân khiến Bồ Tát hành phần ít bố thí:

– Hoặc vì mới sơ phát tâm mà bố thí ít.

– Hoặc vì chưa có nhiều phước đức mà bố thí ít.

– Hoặc vì nghĩ công đức ở tại tâm mà bố thí ít. Do suy nghĩ như vậy nên chẳng mong cầu có nhiều tài vật để bố thí, chỉ cốt có được hảo tâm.

– Hoặc nghĩ rằng nếu cầu có được nhiều tài vật để đem ra bố thí thì sẽ khiến tâm tán loạn, đánh mất hảo tâm, dẫn sinh phiền não.

– Hoặc nghĩ nếu bố thí mà phải nhờ cậy người khác đem tài vật đến cho mình để làm việc bố thí, thì chẳng phải là có tâm bình đẳng. Phải xem hết thẩy chúng sinh như ruột thịt của mình, chẳng nên lấy của người này đem cho người khác. Chỉ cần có hảo tâm là hơn hết. Có ít thì cho ít chẳng sao cả. v.v…

–oOo–

Có thuyết phân biệt có hai hạng Bồ Tát. Đó là:

– Bồ Tát bại hoại

– Bồ Tát thành tựu

Người trước đã có phát bồ đề tâm nhưng chẳng được gặp thiện duyên, bị năm ấm ngăn che tâm trí, chuyển thân sinh vào nhà quyền quý, giàu sang hoặc làm Tể Tướng. Do thụ hưởng năm dụ lạc mà chẳng còn được giữ thân khẩu ý thanh tịnh, chẳng còn được thánh thiện như trước nữa. Hạng người như vậy gọi là Bồ Tát bại hoại.

Lại có người ở đời trước chẳng có hảo tâm hành bố thí, nhưng nay khởi lòng từ, thương xót người nghèo khổ bần cùng, cũng thành tựu được hảo tâm. Lại có người đời trước bần cùng hạ tiện, mà nay được nghe pháp, phát bồ đề tâm, tại gia tu trì năm giới, hoặc xuất gia thọ đại giới Tỷ Kheo v..v…. Những hạng người như vậy được gọi là Bồ Tát thành tựu.

–oOo–

Bố Thí gồm có pháp thí và tài thí.

Người xuất gia nên hành pháp thí. Người tại gia hành tài thì hành tài thí.

Phật không tán thán đem nhiều tài vật ra bố thí với ý niệm phô trương. Phật dạy nên tùy theo khả năng của mình mà bố thí, có gì cho nấy, nhưng phải bố thí với hảo tâm thanh tịnh.

Người xuất gia không giữ của cải riêng, vì tự nghĩ rằng trì giới, thiểu dục, tri túc thù thắng hơn vật cất giữ tài vật để bố thí, được Phật khuyên nên hành pháp thí.

Như vậy nên đem hảo tâm thanh tịnh mà bố thí, thì dù bố thí ít hay nhiều cũng vẫn được rất nhiều phước báo.

Trong kinh có ghi các mẩu chuyện sau đây:

– Ngài Bạc La Câu La chỉ đem một quả Kha Lê Lật bố thí mà được 91 kiếp không đọa vào đường ác, thọ phúc lạc ở cõi người, cõi trời, thường được thân không bệnh tật, tinh tấn tu hành, được quả A la hán.

– Vào thời Phật Tỳ Bà Thi, có một vị Sa Môn làm phòng xá cúng dường chư Tăng, trải da dê để chư Tăng đi mà suốt 91 kiếp được hưởng phúc lạc ở cõi người, cõi trời, sinh lại làm vị trưởng giả, thân hình đoan chính. Vị này vừa mới sinh ra đã được cha mẹ cho nhiều vàng bạc, châu báu; về sau lớn lên nhàm chán việc đời, xuất gia tu hành, viên thành  Đạo nghiệp.

– Tỷ Kheo Tu Mạn Nhĩ do nhân duyên đời trước lấy hoa tai cúng dường Phật Tỳ Bà Thi mà 91 kiếp không đọa vào đường ác, được hưởng nhiều phước lạc ở cõi người, cõi trời, lại sinh vào một gia đình khá giả. Khi vừa mới sinh ra có mùi hương thơm tỏa khắp nhà, về sau lớn lên xuất gia chứng quả vị A la hán.

–oOo–

Như vậy có rất nhiều nhân duyên bố thí ít mà được quả phước báo rất nhiều. Phật vì muốn tán thán bố thí Ba La Mật nên nói hành bố thí Ba La Mật có vô lượng công đức.

Hỏi: Ngài A la hán Bạc Câu La bố thí ít mà được phước báo rất nhiều. Như vậy cần gì phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật nữa?

Đáp: Vị A La Hán ấy tuy có nhiều phước báo, nhưng vẫn còn có hạn lượng. Bồ Tát dùng Bát Nhã Ba La Mật mà tùy hỷ hồi hướng nên được công đức vô lượng vô biên.

Hỏi: Vì sao dùng Bát Nhã Ba La Mật để tùy hỷ hồi hướng mà lại được công đức vô lượng vô biên?

Đáp: Vì tùy hỷ hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề nên được vô lượng vô biên công đức. Bồ Tát tùy hỷ hồi hướng công đức mà chẳng cầu phước báo ở cõi người, cõi trời, chỉ cầu Vô Thượng Bồ Đề, cầu độ hết thảy chúng sinh.

Vì chúng sinh vô lượng vô biên nên công đức cũng vô lượng vô biên. Vì tâm đại từ đại bi của Bồ Tát vô lượng vô biên nên công đức cũng vô lượng vô biên. Công đức của Bồ Tát thể nhập với thật tướng trí tuệ nên là vô lượng vô biên.

Bồ Tát hành bố thí, rõ biết người thí, người thọ, vật thí đều là bất khả đắc cả.

Hỏi: Bồ Tát quán thật tướng các pháp là như pháp tính. Như vậy vì sao còn sinh tâm cầu được công đức?

Đáp: Bồ Tát trong nhiều đời đã tu đại từ bi dẫn dắt chúng sinh vào thật tướng pháp. Ví như lửa gặp gió bùng cháy mạnh mẽ hơn lên. Bồ Tát thường dùng tâm tinh tấn trợ lực cho tâm đại bi, dũng mãnh phát đại thệ nguyện như vậy nên được chư Phật khắp mười phương thường khuyến hóa, khiến Bồ Tát được tăng thêm công đức, dần dần đạt đến chỗ viên mãn.

Hỏi: Bố thí còn có thể biết là nhiều hay ít. Còn trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ thì làm sao biết được?

Đáp: Tất cả đều có thể biết được:

– Nhẫn cũng phân biệt có: Đại nhẫn và thiểu nhẫn.

Thân nhẫn là miệng nhịn chẳng nói lại, thân nhịn chẳng chống lại, nhưng tâm chưa nhẫn được, khiến chẳng tự chế được. Chỉ khi nào tâm được an ổn thì mới gọi là thân tâm đều nhẫn.

Người bị đánh mắng mà chẳng có đánh mắng chống trả lại, mới chỉ là được thiểu nhẫn.

Người bị đánh mắng mà tâm thường an ổn, chẳng có phân biệt mình bị đánh mắng, có người đến đánh mắng mình, có pháp đánh mắng, mà chỉ lo tu nhẫn ở nơi tâm mới được đại nhẫn.

 Như vậy nhẫn ở thân chỉ mới là thiểu nhẫn, nhẫn ở tâm mới thật là đại nhẫn.

– Trì giới cũng phân biệt có đại và thiểu.

Nếu thân khẩu không động mà tâm còn động thì chỉ mới là thiểu giới. Khi cả thân khẩu ý đều tịch tịnh thì mới là đại giới.

– Tinh tấn cũng phân biệt có đại và thiểu.

Nếu chưa có được Vô Sinh Pháp Nhẫn thì chỉ mới là thiểu tấn. Khi đã được Vô Sinh Pháp Nhẫn rồi thì mới là đại tấn.

– Thiền định cũng phân biệt có đại và thiểu.

 Vào Kim Cang Tam Muội gọi là đại thiền định. Ở nơi hết thảy các pháp đều chẳng loạn, chẳng phân biệt, tâm thường trong định, thì gọi là đại thiền định.

Ngoài ra đều là thiểu thiền định cả.

– Trí tuệ cũng có phân biệt đại và thiểu.

Trí tuệ thế gian chỉ là thiểu tuệ. Trí tuệ xuất thế gian mới gọi là đại tuệ.

Lại có phân biệt đối đãi giữa thiểu và đại như sau:

– Tạp tuệ và tịnh tuệ

– Tưởng tuệ và vô tưởng tuệ

Phân biệt tuệ và vô phân biệt tuệ

– Vì sinh tử  tuệ và vì Niết Bàn tuệ

– Vì tự lợi huệ và vì lợi tha tuệ

– Tiểu tư tuệ và đại tư tuệ v..v…

Phát Bồ Đề tâm tuệ và tu sáu Ba La Mật tuệ là đại tuệ.

Bồ Tát phát Bồ Đề tâm, tu sáu độ Ba La Mật có vô lượng vô biên công đức, được chư Phật mười phương tán thán.

Người không phát Bồ Đề Tâm, không tu sáu Ba La Mật, chẳng sao có thể bằng được Bồ Tát. Vì sao? Vì Bồ Tát phát đại tâm, dùng các lực phương tiện của Bát Nhã Ba La Mật để tùy hỷ hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, nên được vô lượng vô biên công đức.

KINH:

Muốn được đầy đủ Đàn Ba La Mật, Thi Ba La Mật, Sẵn Đề Ba La Mật, Tỳ Lê Gia Ba La Mật, Thiền Na Ba La Mật phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Bát Nhã Ba La Mật và năm Ba La Mật kia giống nhau và khác nhau như thế nào?

Đáp: Cũng đồng mà cũng khác.

Mỗi Ba La Mật đều có phạm trù riêng. Thế nhưng, khi hành năm Ba La Mật kia, Bồ Tát cũng đều dùng trí tuệ Bát Nhã để quán thật tướng pháp.

Ví như khi tu bố thí, phải xả cả nội pháp lẫn ngoại pháp, mới được gọi là Đàn Ba La Mật. Vì sao? Vì nếu tu năm Ba La Mật kia mà tâm còn chấp là còn tà kiến, chẳng thế được Ba La Mật vậy.

Phải được Bát Nhã Ba La Mật dẫn đạo thì năm độ kia mới xứng đáng được gọi là Ba La Mật. Ngược lại, phải đầy đủ năm Ba La Mật kia, thì Bát Nhã Ba La Mật mới được viên mãn.

Hỏi: Vì sao muốn được đầy đủ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, thì phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật?

Đáp: Bố thí có hai thứ. Đó là: Tịnh thí và bất tịnh thí.

 Bố thí mà chẳng do tâm thế gian, mà chỉ do hảo tâm thanh tịnh là tịnh thí. Còn bố thí với tạp tâm của thế gian là bất tịnh thí. Bố thí mà chẳng cầu phước báo ở đời sau, chỉ cầu Niết Bàn là tịnh thí.

Tịnh thí phát xuất từ tâm đã thấm nhuần Bát Nhã Ba La Mật. Vậy nên nói “Muốn có đầy đủ bố thí Ba La Mật phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật”. Được như vậy mới xả được cả trong lẫn ngoài mà chẳng vương vấn, luyến tiếc.

–oOo–       

Cũng như vậy, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, nếu chẳng được Bát Nhã Ba La Mật dẫn đạo, thì chẳng được kiên cố. Phải được Bát Nhã Ba La Mật dẫn đạo, thì năm độ kia mới xứng đáng dược gọi là Ba La Mật, mới dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề. Ví như một đội quân, dù thiện chiến đến đâu, nếu chẳng có vị tướng tài giỏi chỉ huy, thì chẳng có thể thắng được giặc. Lại như người có thân hình đầy đủ mà thiếu đôi mắt, chẳng có thể đi đến chỗ mong muốn được. Phải có trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật dẫn đạo, thì năm Ba La Mật kia mới được tăng trưởng, nên Phật dạy rằng: “Muốn được đầy đủ năm Ba La Mật kia, thì phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.”

KINH:

Muốn được thân thể đời đời giống như thân Phật, có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Trong kinh nói phải trải qua 3 A tăng kỳ kiếp mới gieo đủ 32 tướng  tốt. Sao nay lại nói như vậy?

Đáp: Chẳng phải chỉ riêng Phật mới có 32 tướng tốt, mà cũng có nhiều người khác có được vậy.

Ví như ngài Nan Đà, do nhân duyên  đời trước làm nhà tắm cúng dường chư Tăng, nguyện đời đời được đoan chính, lại vào một đời khác, đã trang nghiêm tháp thờ một vị Bích Chi Phật, nguyện đời đời được thân đoan chính, mà được thân tướng trang nghiêm. Khi ngày xuất gia làm Sa Môn, sắc tướng của ngài uy nghiêm, rạng rỡ, khiến chúng Tăng thấy ngài từ xa đi lại, lầm tưởng là Phật đến, cùng đứng dậy nghênh đón. Ngài Nan Đà còn được như vậy, huống nữa là các Đại Bồ Tát đã nhiều kiếp tu hành các công đức. Lại ví như Bồ Tát Di Lặc, khi còn là một cư sĩ bạch y, đã có tướng long trắng giữa chặng mày, tướng lưỡi dài rộng chùm khắp cả mặt. Trong kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn nói: “Có vị Bồ Tát, từ sơ phát tâm đến khi thành Đạo, chẳng bao giờ sinh ác tâm, nên trong nhiều đời được quả báo năm thần thông, được thân tướng uy nghiêm tựa như Phật.

Hỏi: Bồ Tát chưa được đầy đủ Phật Đạo, sao lại được thân tướng uy nghiêm như thân Phật?

Đáp: Vì hạnh nguyện độ sinh, nên Bồ Tát hóa hiện nhiều thân, hoặc làm vị Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc làm Đế Thích, hoặc làm Phạm Vương, hoặc làm Thanh Văn, hoặc làm Bích Chi Phật, v.v…

Trong Kinh Lăng Nghiêm nói, Bồ Tát Văn Thù có thời hiện thân làm một vị cổ Phật, hiệu là Long Chưởng Thượng Tôn Vương Phật, vì các chúng sinh nói pháp. Vì sao? Vì vào thời ấy chúng sinh có thấy được thân Phật mới hoan hỷ thọ hóa.

Hỏi: Nếu Bồ Tát có thể tự hiện làm thân Phật được, thì so với Phật đâu còn có gì khác nữa?

 Đáp: Bồ Tát an trú Thập Địa đã có đầy đủ Phật pháp, nguyện ở trong thế gian rộng độ chúng sinh, mà không vào Niết Bàn, nên có vi diệu thần lực, có thể biến hóa ra các thân, vì chúng sinh thuyết pháp. Tuy Bồ Tát hóa hiện thân Phật, nhưng chẳng phải là chân thật Phật thân vậy. Tuy rằng Bồ Tát hóa hiện thân Phật, độ được rất nhiều chúng sinh, nhưng số chúng sinh được độ cũng có hạn lượng. Phật độ vô lượng vô biên chúng sinh chẳng có hạn lượng vậy.

 Lại nữa, Bồ Tát hóa hiện được thân Phật, nhưng không biến hiện ở khắp mười phương thế giới. Trí tuệ của Bồ Tát dụ như mặt trăng đêm 14, chẳng có thể bì được trí tuệ của Phật, dụ như mặt trăng đêm rằm.

Hỏi:  32 tướng tốt chỉ là do phước báo sinh, chỉ là tướng hữu lậu, còn Bát Nhã Ba La Mật là vô tướng, như hư không. Như vậy vì sao muốn được 32 tướng tốt lại phải học Bát Nhã Ba La Mật?

Đáp: Có hai trường hợp. Đó là:

– Phật có 32 tướng tốt với đầy đủ diệu nghĩa.

– Những người khác, như Chuyển Thánh Luân Vương cũng có thể có 32 tướng tốt, nhưng chẳng có được đầy đủ diệu nghĩa.

Cũng như vậy, nếu bố thí mà có Bát Nhã Ba La Mật soi sáng, dẫn đạo, thì mới có được đầy đủ công đức, mới làm duyên khởi cho 32 tướng tốt như Phật;  nếu mà bố thí chẳng được trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật soi sáng, dẫn đạo, thì chẳng có được đầy đủ công đức.

Hỏi: Phải hành bố thí như thế nào để được 32 tướng tốt?

Đáp: 32 tướng tốt đã được nói rõ ở bốn quyển bộ luận này. Dưới đây chỉ là một ví dụ điển hình thôi.

Ví như bố thí mà khiến cho người thọ thí được thân hình mạnh khỏe, thì có được luân tướng hiện ra nơi tay chân, lại có tướng tay chân mềm mại, v.v…

Hỏi: Chư Phật ba đời mười phương đều dạy rằng “Thật Tướng pháp là vô tướng”. Sao nay lại nói đến 32 tướng tốt?

Đáp: Như trước đây đã nói, Phật pháp phân biệt có hai Đế. Đó là:

– Thế tục Đế.

– Đệ Nhất Nghĩa Đế.

Về thế đế, thì có nói đến 32 tướng tốt của Phật. Về Đệ Nhất Nghĩa đế, thì nói Thật Tướng các pháp đều là vô tướng. Lại nữa, trong Phật pháp có phân biệt hai đạo. Đó là:

– Phước Đạo

– Tuệ Đạo

Ở nơi phước đạo, thì nói Phật có 32 tướng tốt. Vì chúng sinh mà  Phật thị hiện sinh thân người, với đầy đủ 32 tướng tốt. Ở nơi Tuệ Đạo, thì nói đến Pháp Thân Phật là vô tướng vậy. Phật có đầy đủ 32 tướng tốt (hảo tướng) và 80 vẻ đẹp (tùy hình hảo) trang nghiêm thân, lại có mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám bất cộng pháp, đại từ, đại bi… trang nghiêm công đức.

Bởi nhân duyên vậy, nên cũng có hai cách dẫn đạo chúng sinh:

– Muốn dẫn đạo chúng sinh tu phước, thì dùng 32 tướng tốt.

– Muốn dẫn đạo chúng sinh tu tuệ, thì dùng Pháp thân vô tướng.

Vì sao vậy?

Vì chúng sinh có hai hạng:

– Có hạng người chấp giả danh tướng. Đối với hạng người này, thì nên nói về 32 tướng tốt.

–  Có hạng người biết rõ các pháp chỉ là giả danh, giả tướng.

Đối với hạng người này thì nên nói về Pháp Thân vô tướng.

Hỏi: Vì sao không nói 80 vẻ đẹp là tướng đẹp?

Đáp: Tướng tốt hay vẻ đẹp cũng đều nhằm trang nghiêm thân Phật. Thế nhưng có phân biệt nói như vậy, vì khi nói về 32 tướng tốt là nói về tổng tướng, còn khi nói về 80 vẻ đẹp là nói về biệt tướng. Đây chỉ là một cách trình bày theo thứ lớp, có thô, có tế, có lớn có nhỏ.

Sở dĩ phải trình bày thứ lớp như vậy là nhằm phát khởi tín tâm nơi chúng sinh vậy thôi.

Hỏi: Phật đã tận đoạn chúng sinh tướng rồi. Như vậy vì sao ở nơi KHÔNG mà còn nói đến các tướng tốt trang nghiêm?

Đáp: Phật muốn chúng sinh tín kính, muốn phá trừ kiêu mạn nơi chúng sinh, nên mới thị hiện đầy đủ thân tướng trang nghiêm. Vì sao? Vì nếu Phật chẳng có thị hiện đầy đủ thân tướng trang nghiêm, thì chúng sinh chẳng sinh được nhất tâm cung kính Phật. Phật hiện đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, thì chúng sinh mới phát khởi được tín tâm thanh tịnh.

Phật pháp thậm thâm, vô lượng, khó tin, khó giải. Chúng sinh căn độn trí mỏng, nếu tự lực, rất khó có thể vào được. Phật vì chúng sinh phóng đại quang minh, khiến cho chúng sinh nương theo đó mà vào được diệu pháp. Chúng sinh thấy oai đức của Phật, nghe được Phạm âm của Phật sinh tâm hoan hỷ, tín thọ.

Nên biết, bên trong Phật đầy đủ oai đức trì giới, bên ngoài Phật thị hiện vô lượng oai nghi. Như vậy, cả trong lẫn ngoài Phật hiện đủ các phương tiện độ sinh.

– Lấy trí tuệ làm lợi lạc cho người lợi căn. Lấy thân tướng trang nghiêm làm lợi lạc cho người độn căn.

– Lấy tâm trang nghiêm khai mở cửa Niết Bàn. Lấy thân tướng trang nghiêm khai mở kho phước lạc ở cõi Trời và cõi Người.

– Lấy tâm trang nghiêm dẫn dắt chúng sinh vào ba cửa giải thoát. Lấy thân tướng trang nghiêm dẫn dắt chúng sinh tu các phước đức.

–oOo–

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật thị hiện sinh thân với đầy đủ tất cả 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.

KINH:

Muốn vào nhà Bồ Tát, vào đất Phật, chẳng xa rời Phật, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Nhà Bồ Tát là tâm đại bi.

Ví như người sinh vào nhà vua chúa, chẳng còn sợ đói khát, chẳng còn sợ nóng bức, rét buốt, chẳng có ai dám khinh rẻ. Người phát tâm đại bi, sinh vào nhà Bồ Tát được mọi người cung kính. Bồ Tát từ sơ phát tâm, đã phá thệ nguyện độ hết thảy chúng sinh, đưa họ vào Vô Thượng Bồ Đề. Bồ Tát rõ biết hết thảy các pháp, ở nơi thật tướng đều chẳng có sinh, chẳng có diệt nên vào được Vô Sinh Pháp Nhẫn, thường trú trong đạo Bồ Tát.

Trong kinh có ghi lời Phật dạy rằng: “Khi ta trì Tâm Kinh. Ta thấy được Phật Định Quang, ta được Vô Sinh Pháp Nhẫn, được đầy đủ sáu pháp Ba La Mật”. BồTát nghe lời Phật dạy tự nghĩ rằng: “Ta nguyện ở trong vạn ức kiếp cúng dường chư Phật, chẳng có giải đãi, chẳng có nhàm chán, xem vô lượng kiếp như thời gian một ngày một đêm thôi. Ta nguyện thường tinh tấn, thường hoan hỷ tu hành”.

Bồ Tát khởi tâm đại bi thương xót hết thảy chúng sinh, dùng mọi phương tiện giáo hóa họ, khiến họ đoạn dứt được phiền não, tăng trưởng thiện căn, đưa họ vào chính đạo, mà chẳng hề nghĩ đến sự đền đáp ơn nghĩa của họ.

Bồ Tát quán thật tướng các pháp, thấy tất cả sắc pháp đều là  Phật sắc, mà chẳng sinh tâm chấp đắm.

Lại nữa, Bồ Tát do niệm Phật lực, mà thấy được chúng sinh lưu chuyển trong các nẻo đường sinh tử, nên phát nguyện cứu khổ cho hết thảy chúng sinh. Chẳng phải như chúng sinh thường quý vàng bạc châu báu, Bồ Tát chủ quý Tam Bảo, khởi từ tâm tam muội, khiến hết thảy pháp đều trở thành Phật pháp, nên chẳng chấp pháp tướng, cũng chẳng chấp phi pháp tướng.

Như vậy gọi là Bồ Tát vào nhà Bồ Tát.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát muốn sinh vào nhà Bồ Tát phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật?

 Đáp: Có hai hạng Bồ Tát.

– Hạng Bồ Tát có tín tâm kiên cố.

– Hạng Bồ Tát không có được tín tâm kiên cố.

Có Bồ Tát từ sơ phát tâm đến khi vào được Vô Thượng Bồ Đề, nguyện đời đời xuất gia hành đạo, chẳng thọ dục lạc thế gian. Bồ Tát có tín tâm kiên cố như vậy mới vào được nhà Bồ Tát. Muốn vào nhà Bồ Tát, phá hết thảy các ma sự, được Vô Sinh Pháp Nhẫn, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Phật là vị Pháp vương, Bồ Tát muốn được xứng đáng là vị Pháp vương tử, đem giáo pháp của Phật rộng độ hết thảy chúng sinh phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Bồ Tát đã nguyện rộng độ hết thảy chúng sinh. Như vậy sao còn muốn gần Phật?

Đáp: Các vị tân học Bồ Tát, vì chưa có đầy đủ thiện căn công đức, chưa vào được Bồ Tát vị, nên chẳng dám xa rời Phật vì còn sợ bị thối tâm.

Lại nữa, chỉ có Phật mới độ các Bồ Tát vào Phật đạo, nên Bồ Tát chẳng muốn rời xa Phật. Bồ Tát gần Phật được nhiều lợi ích, được nghe pháp, được đại bi, đại trí, thường tùy pháp hành mà được đại giải thoát. Ví như đứa bé chẳng muốn rời mẹ, người đi đường xa chẳng dám rời người tải lương thực, người ở xứ nóng bức chẳng muốn rời chỗ có gió mát, người ở xứ lạnh chẳng muốn rời bếp lửa, người vượt sông sâu chẳng muốn rời chiếc bè, người bị bệnh nặng chẳng muốn rời ông thầy thuốc, v..v….

Hỏi: Đã nói pháp hữu vi chẳng có thể tin được. Như vậy vì sao Bồ Tát lại chẳng muốn rời Phật thân?

Đáp: Bồ Tát cầu Phật Đạo thường tu hai hạnh. Đó là:

– Sinh Nhẫn.

– Pháp nhẫn.

Bồ Tát hành Sinh Nhẫn, khởi tâm đại bi, thương xót chúng sinh đang chìm đắm trong biển sinh tử luân hồi, thọ vô lượng khổ đau, nên phát nguyện độ thoát họ. Do vậy, mà được vô lượng phước đức.

Bồ Tát hành Pháp Nhẫn phá hết sạch vô minh, nên được vô lượng trí tuệ.

Tu hai hạnh ấy, Bồ Tát chẳng rời Phật, thường niệm Phật tam muội nên đời đời được gặp Phật.

Bồ Tát không quý các phước báo của Chuyển Luân Thánh Vương cũng như các phước báo khác ở cõi Trời, cõi Người, mà chỉ thường niệm Phật nên thường được gặp Phật. Ví như người thường niệm Phật tam muội, khi mạng chung sẽ được sinh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà.

Hỏi: Do nhân duyên gì mà được sinh về cõi Cực Lạc?

Đáp: Do tinh tấn niệm Phật tam muội, chẳng hề xao lãng, mà sau khi chết được sinh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà.

Ví như có người tu 9 pháp quán bất tịnh, sẽ thấy được bộ xương khô trắng như tuyết. Người tu niệm Phật tam muội cũng như vậy. Do nhiếp tâm thanh tịnh, mà được thấy các pháp vốn thanh tịnh. Khi đã thấy tâm thanh tịnh rồi, thì sẽ được tùy ý đi đến các cõi Phật. Người niệm Phật tam muội biết rõ chư Phật chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, rồi quán thấy mình cũng là như vậy, rõ biết hết thảy sự vật đều do tâm tạo, nên tùy tâm liền thấy được Phật. Vì sao? Vì tâm tức Phật, Phật tức tâm. Nếu ly được các tướng thì liền được thật tướng các pháp, rõ biết tướng các pháp là thường tịch diệt. Do vậy, mà vào được KHÔNG tam muội, được trí bát nhã, có đầy đủ hai hạnh lực là: tùy ý và tùy nguyện.

 Ví như chim có đầy đủ đôi cánh tùy ý bay giữa hư không, xa ngàn dặm. Bồ Tát được tam muội trí tuệ lực, đời này tùy ý đến các cõi Phật, cúng dường chư Phật, đời sau cũng lại được gặp Phật.

Bởi nhân duyên này, nên nói “Bồ Tát muốn vào nhà Bồ Tát, vào đất Phật, chẳng xa rời Phật, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật”.

(Hết quyển 29)