LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 28

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
Lục Thông
(Sáu Thần Thông)

KINH:

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát muốn trú sáu thần thông phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Trước đây nói Bồ Tát được 5 Thần Thông. Sao nay lại nói “Bồ Tát Ma Ha Tát muốn trú sáu thần thông phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật”?

Đáp: Bồ Tát đã được 5 Thần Thông  rồi. Nay muốn trú 6 thần thông, muốn được thêm thần thông thứ 6 thì phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao? Vì thần thông thứ 6 là Lậu Tận Thông nên rất khó được vậy. Phải có Lậu Tận Thông mới được như Phật.

Khi lậu đã tận mà tập chưa tận thì chỉ có được 5 thần thông mà thôi. Phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật mới có được thần thông thứ 6.

Khi cả lậu lẫn tập đều đã tận thì mới có được thần thông thứ 6 là Lậu Tận Thông vậy.

Hỏi: Phàm phu do ái tương tục mà có thọ sanh thân. Bồ Tát đã được lậu tận rồi, vì sao còn thọ sanh thân nữa?

Đáp: Trước đây đã có nói rằng Bồ Tát, vào Bồ Tát vị rồi, là vào được bất thối chuyển địa. Lúc bấy giờ chẳng còn có các nghiệp báo dẫn thọ sanh vào 3 cõi như chúng sanh nữa. Tuy nhiên, vì đại nguyện độ sanh mà Bồ Tát còn lưu các tập khí phiền não. Bởi nhân duyên vậy, nên dù đã được pháp tánh thân rồi, Bồ Tát vẫn thọ sanh thân vào trong ba cõi sống chung với chúng sanh, để tùy duyên hóa độ họ. Như vậy, Bồ Tát do nguyện lực mà thọ sanh thân, chẳng phải do nghiệp dẫn nên chẳng bị thân trói buộc.

Hỏi: Vì sao các vị A La Hán, tận phiền não, chưa tận tập khí, mà chẳng thọ sanh thân như Bồ Tát?

Đáp: Các vị A La Hán do chưa có đầy đủ tâm đại bi, chẳng có đại thệ nguyện độ thoát chúng sanh nên tự tác chứng Niết Bang, ly sanh tử.

Trên đây đã nói hai trường hợp lậu tận. Các vị Bồ Tát lậu tận mà tập chưa tận thì phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Bồ Tát hóa hiện các thần thông phải thứ lớp ý theo một quá trình nhất định chăng?

Đáp: Chẳng có y theo tiến trình nhất định nào cả. Bồ Tát ly 5 dục, được các thiền định rồi, khởi tâm từ bi thương xót chúng sanh mà tùy duyên hóa hiện các thần thông, khiến chúng sanh có được tâm thanh tịnh. Vì sao? Vì có hóa hiện ra các sự việc hy hữu, mới khiến nhiều chúng sanh được tín tâm thanh tịnh, nhờ vậy mà dễ độ họ hơn.

Ở nơi sắc tướng thô trọng, Bồ Tát thường phát đại tâm dõng mãnh, tinh tấn, dúng trí tuệ quán chiếu tâm niệm chúng sanh, dung thần thông để nhiếp độ họ. Có lúc Bồ Tát hiện “hư không khinh tướng”, cử thân nhẹ nhàng bay bổng lên không trung, có lúc Bồ Tát biến hiện ra các vật như biến đất thành nước, nước thành đất, gió thành lửa, lửa thành gió v.v…

Hỏi: Tu Thần Thông và Tu Nhất Thiết Nhập có gì khác nhau không?

Đáp: Tu Nhất Thiết Nhập cũng vào được định xứ, nhưng định xứ ấy chỉ tự mình biết mà thôi. Ví như tự mình thấy mình đã biến đất thành nước, nước thành đất v.v… còn những người bên ngoài chẳng thấy, chẳng biết gì cả. Trái lại với thần thông thì sự biến hiện trở thành hiện thực, khiến mọi người ở bên ngoài đều có thể thấy, có thể biết được cả.

Bởi vậy nên hai lối tu Nhất Thiết Nhập và Tu Thần Thông có định lực hoàn toàn khác nhau.

Hỏi: Cả hai định đều có công năng biến hóa. Như vậy các sự vật được biến hóa ra đó là thật hay là giả? Nếu là thật thì làm sao có thể tin được rằng đất biến thành nước, nước biến thành đất, đồng trở thành vàng,…? Nếu là giả thì vì sao các bậc Thánh Hiền lại làm những việc chẳng phải thật như vậy?

Đáp: Tất cả các sự biến hóa ấy đều là thật cả. Các bậc Thánh Hiền đã tận đoạn các phiền não kiết sử, nên thấy rõ các pháp đều chẳng có định tướng. Do vậy mà có thể biến chuyển đất thành nước, nước thành đất v.v… Ví như nước lỏng, khi gặp khí lạnh kết thành băng đá, khi được đun sôi lại biến thành hơi, lại như vàng là chất rắn, khi được nung lên ở nhiệt độ cao biến thành vàng lỏng v.v… Như vậy các sự biến hóa vàng thành đồng, đồng thành vàng v.v… cũng đều có thể có được vậy.

Lại nữa, tâm thức của một người luôn luôn biến đổi, tùy theo cảnh sở duyên. Một người có lúc ác, có lúc thiện, có lúc vui, có lúc buồn, có lúc thương, có lúc ghét … cho nên tâm thức của chúng sanh cũng như hết thảy các pháp đều chẳng có định hướng.

Vì các pháp chẳng có định hướng. Nên các bậc Thánh Hiền mới có thể dùng sức thần thông biến hóa ra các sự vật. Các sự biến hóa như vậy chẳng phải là không thật. Vì sao? Vì các bậc Thánh Hiền đã được thần thông, nên ở nơi 6 trần đều được tự tại, đều có thể tùy ý biến hiện, do tất cả đều bình đẳng. Xấu tốt, thương ghét, khen chê v.v… tất cả đều bình đẳng, chẳng có phân biệt.

–oOo–

Chỉ có Phật mới có đầy đủ thần thông, còn Bồ Tát thì trong 3 phần mới chỉ có 1 hoặc 2 mà thôi.

Ví như Bồ Tát có thể dùng “khinh thân” đi đến các cõi Phật mà chưa thể nghe hết các âm thanh cực nhỏ của các côn trùng.

–oOo–

Trong kinh có nói:

Trước hết tu Thiên Nhãn chỉ mới thấy được chúng sanh mà chưa nghe được tiếng, phải tu thêm Thiên nhĩ mới nghe được tiếng của chúng sanh. Khi đã thấy được thân hình của chúng sanh nghe được tiếng của chúng sanh rồi, mà chưa rõ được tâm niệm của họ vui, buồn, thương, ghét … ra sao, chưa rõ được chúng sanh khổ lạc… ra sao, thì còn phải tu Từ Vô Ngại Trí để phân biệt tiếng của mỗi loài chúng sanh, rồi lại còn phải tu Tha Tâm Trí để rõ biết tâm niệm của họ. Muốn biết họ từ đâu đến, thì phải tu Túc Mạng Thông. Khi đã biết họ từ đâu đến rồi, thì còn phải trị tâm bệnh của họ, nên phải tu tập Lậu Tận Thông.

Ngoài ra, nếu chưa hàng phục được những người có nhiều tà kiến, mà lại có đại phước đức, thì phải tu Như Ý Thần Thông. Vì sao? Vì tâm chúng sanh có thô có tế. Tâm thô thì nhiều và dễ biết, tâm tế mà lại có đại phước đức thì rất khó có thể biết được. Do vậy mà phải dùng Như Ý Thần Thông mới có thể nhiếp phục họ được. Thần thông này nhiếp cả thô lẫn tế.

Phật tùy thuận chúng sanh, chỉ bày thứ lớp trong việc tu các thần thông. Ví như trong đêm thành Đạo, vào đầu đêm, Phật tu Thiên Nhãn Thông, rồi lần lượt tu Như Ý Thông, Túc Mạng Thông, chứng Túc Mạng Minh, vào giữa đêm lại tu Thiên Nhĩ Thông, Thiên Nhãn Thông, chứng Thiên Nhãn Minh, vào cuối đêm tu Tha Tâm Thông và chứng Lậu Tận Minh.

Hỏi: Ở nơi các Pháp, Bồ Tát đều được tự tại, nên đối với Bồ Tát thì việc tu hành chẳng phải là vấn đề khó dễ, chỉ có phàm phu mới thấy có khó dễ. Sao nay lại nói Bồ Tát cũng thứ lớp tu các thần thông như vậy?

Đáp: Đối với Bồ Tát, tất cả các pháp đều dễ tu cả.

Chỉ có phàm phu căn độn trí mỏng mới cho pháp này khó tu. Trong đêm thành Đạo, Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni đã thứ lớp tu các thần thông như sau:

Lúc ban đầu, Bồ Tát dùng Thiên Nhãn Thông thấy các Ma Vương đem binh đến quấy phá. Bồ Tát dùng thần thông lực biến các binh khí của ma quân trở thành chuỗi hành lạc, chẳng còn gây tác hại nữa.

Hàng phục được ma vương, mà quân rồi, Bồ Tát lại niệm “Thân ta đã có đại lực chưa?” Quán như vậy rồi, Bồ Tát dùng Như Ý Thông, Túc Mạng Thông để biết các đời trước của mình. Bồ Tát chứng Túc Mạng Minh, thấy rõ các đời trước của mình có đầy đủ các phước đức lực, khiến các ma vương, ma quân đều sợ hãi, xa lánh cả.

Khi đã được tâm vắng lặng rồi, Bồ Tát lại khởi tâm đại bi thương xót hết thảy chúng sanh, nên đã dùng Thiên Nhĩ Thông nghe được tiếng vui, tiếng khổ của hết thảy chúng sanh trong 5 đạo. Khi đã nghe thấy tiếng chúng sanh rồi, Bồ Tát lại dùng Thiên Nhãn để thấy hình dáng chúng sanh. Bồ Tát chứng Thiên Nhãn Minh.

Khi đã nghe tiếng chúng sanh, đã thấy hình dáng chúng sanh rồi, Bồ Tát lại tu Tha Tâm Thông, để thấy rõ tâm niệm của chúng sanh. Rồi lại muốn chúng sanh lìa khổ, nên cầu Lậu Tận Thông và chứng Lậu Tận Minh.

Nên biết, trong 6 thần thông thì Lậu Tận Thông là tối diệu.

Hỏi: Bồ Tát đã được Vô Sanh Pháp Nhẫn rồi, thường được quả báo thần thông. Sao nay còn tự nghi, còn phải tu các thần thông nữa? Lại nữa, khi đã thấy, đã nghe chúng sanh rồi, sao Bồ Tát lại không biết được tâm niệm của họ?

Đáp: Bồ Tát có 2 thân. Đó là:

  1. Pháp Tánh sanh thân
  2. Phương tiện thọ sanh thân

Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni dùng phương tiện thọ sanh thân, thị hiện làm con vua Tịnh Phạn, sống như một người bình thường. Nhân dạo chơi 4 cửa thành, gặp các cảnh sanh, già, bệnh, chết, mà Bồ Tát quyết định rời bỏ Hoàng cung, xuất gia, tìm Đạo. Khi tọa thiền dưới gốc cây Bồ Đề, mới có đầy đủ 6 thần thông.

Thật ra, trong quá khứ, Bồ Tát đã có đầy đủ 6 thần thông rồi. Tuy nhiên, để hiển bày thế pháp, mà trong đêm thành Đạo, Bồ Tát đã thị hiện tu các thần thông, theo thứ lớp như đã nêu trên đây.

Như vậy là Bồ Tát đã thị hiện phương tiện thọ sanh để hành Đạo. Nếu có tự nghi, cũng chẳng có lỗi gì.

Hỏi: Khởi các thần thông, thì phải theo thứ lớp như đã nêu trên đây hay sao?

Đáp: Đại đa số người tu thường theo thứ lớp như đã nêu trên đây, nghĩa là tu Thiên Nhãn Thông trước,… rồi sau cùng mới tu Lậu Tận Thông.

Tuy nhiên, có người tu Thiên Nhĩ Thông trước khi tu các thần thông khác. Vì sao? Vì họ nghĩ rằng: “Khi vào Sơ Thiền, do đã có Thiên Nhĩ Thông mà dễ có giác, có quán, có Tứ Vô Lượng Tâm. Khi vào Nhị Thiền, dễ tu Thiên Nhãn Thông, vì lúc bấy giờ không còn các thức tâm, nên nhãn thức chẳng còn tán loạn nữa. Khi vào Tam Thiền, lại dễ tu Như Ý Thông, vì ở đây thân đã thọ diệu lạc. Khi vào Tứ Thiền, lại dễ được các thần thông khác vì tâm đã được an định.

–oOo–

Trước đây, khi nói về 10 Phật lực, cũng đã có giải thích rõ về nghĩa của Túc Mạng Thông và của các thần thông khác rồi vậy.

KINH

Muốn biết chí nguyện của hết thảy chúng sanh phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao nói Bồ Tát muốn biết chí nguyện của hết thảy chúng sanh phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật?

Đáp: Nếu không tu tập Bát Nhã Ba La Mật thì dù có Tha Tâm Thông, cũng chỉ biết được rất ít cảnh giới, chỉ biết được cõi Dục và cõi Sắc, chỉ biết được tâm niệm của chúng sanh trong hiện tại, mà chẳng biết được tâm niệm của chúng sanh trong quá khứ và vị lai. Phải có đầy đủ 6 thần thông, và phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật mới khắp biết được tâm niệm của hết thảy chúng sanh.

Hàng Thanh Văn, khi vào Tứ Thiền, có thể biết được tâm chúng sanh trong 1000 thế giới; Bích Chi Phật có thể biết được tâm chúng sinh khắp 100.000 thế giới. Ngoài ra, phàm phu chẳng có thể biết được tâm của Thanh Văn, Thanh Văn chẳng có thể biết được tâm của Bích Chi Phật, Bích Chi Phật chẳng có thể biết được tâm của Phật.

Bởi nhân duyên vậy, nên muốn biết tâm niệm của hết thảy chúng sinh, thì phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Phải dùng trí gì để biết được tâm và tâm sở của hết thảy chúng sinh?

Đáp: Các Đức Phật dùng Trí Vô Ngại Giải Thoát Ngại Giải Thoát, nên cũng đã rõ biết được một phần tâm và tâm sở của chúng sinh.

Bởi vậy, nên các tân học Bồ Tát muốn được Vô Ngại Giải Thoát của Đại Bồ Tát, các Đại Bồ Tát muốn được Vô Ngại Giải Thoát của Phật đều phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Nếu tâm có chỗ thú hướng, thì tâm đi và đến như thế nào? Nếu Tâm có đi, thì như tâm người chết. Còn nếu tâm không đi thì căn, trần và thức chẳng có thể hòa hợp được, chẳng có duyên xúc sinh ý. Như vậy làm sao có thể biết được các pháp?

Đáp: Tâm chẳng có chỗ đi, chẳng có đến. Dù chẳng có đi đến (vô khứ lai), mà vẫn thường hòa hợp với các pháp. Vì sao? Vì các pháp cũng đều chẳng có đi đến. Nếu chấp các pháp có đi đến, là đọa về thường kiến.

Hết thảy các pháp đều chẳng có định tướng. Chỉ do sáu căn, sáu trần hòa hợp sinh ra có sáu thức, dẫn sinh có năm ấm.

Lại do có năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà có các tâm và tâm sở pháp sinh ra vậy.

Bởi vậy nên các tâm thức đều là hư dối, là như huyễn, như hóa. Trong Kinh Đại Thừa ma Ha Diễn nói: “Hết thảy chúng sinh đều như huyễn, như hóa. Chỉ có Phật mới biết rõ tâm của hết thảy chúng sinh đều chẳng có đi, chẳng có đến.

 Vì như Tỷ Kheo hay tham cầu lợi dưỡng, dù thường được người đến cúng dường, mà vẫn thấy thiếu thốn; còn Tỷ Kheo không tham cầu lợi dưỡng, chẳng bao giờ thấy thiếu thốn gì cả. Tâm của các Tỷ Kheo cũng là như vậy. Nếu phân biệt chấp tướng, thì chẳng có thể rõ được Thật Tướng pháp, chẳng thông đạt được tâm của chúng sinh nên thuyết pháp chẳng được vô ngại. Trái lại, nếu chẳng phân biệt chấp tướng thì mới có thể thông đạt được tâm các chúng sinh nên thuyết pháp được vô ngại”.

Hỏi: Vì sao gọi Phật là bậc Nhất Thiết Chủng Trí?

Đáp: Vì Phật biết rõ tâm của hết thảy chúng sinh. Nếu chẳng biết rõ tâm của hết thảy chúng sinh thì chẳng có thể được gọi là Nhất Thiết Chủng Trí.

Tâm chúng sinh vô biên, nên Nhất Thiết Chủng Trí cũng vô biên.

Hỏi: Cả hai bên “Hữu biên” và “Vô biên” đều chẳng thật có cả. Như vậy, vì sao ở nhiều chỗ Phật thường nói đến “Vô Biên”, như nói “Si, ái của chúng sinh là Vô biên”….?

Đáp: Chúng sinh vô biên, trí tuệ của Phật cũng vô biên. Thế nhưng chẳng nên chấp thủ cái tướng vô biên ấy mà khởi sinh các hý luận.

Ví như Phật dạy: “Chấp thường và chấp vô thường cũng đều là điên đảo cả”. Phật thuyết vô thường chỉ nhằm phá chấp thường. Nếu nghe nói vô thường mà lại chấp tướng vô thường, thì cũng vẫn là tà kiến, vẫn là hý luận. Trái lại, nếu nghe nói vô thường mà chẳng chấp tướng vô thường, mà biết vô thường tức là khổ, là KHÔNG, là vô ngã, rồi y nơi vô thường để quán các pháp, thì sẽ vào được pháp KHÔNG, tức là vào được Thật Tướng pháp. Như vậy là dùng pháp quán về vô thường để vào nơi Chân Đế là chân thật pháp như vậy.

Như trước đây đã có nói, sở dĩ Phật không trả lời 14 điều vấn nạn của hàng Ngoại Đạo vì tất cả các điều ấy đều do tà kiến chấp sinh ra cả. Phật dạy về vô thường để chúng sinh thấy rõ các pháp tương tục sinh diệt là vô biến. Nhờ vậy mà khởi nhàm chán sinh tử.

–oOo–

 Trong kinh có chép mẩu chuyện sau đây:

– Ở nước Ba Lê có 40 vị Tỷ Kheo cùng tu tịnh hạnh, đến hầu Phật.

–  Phật hỏi: “Này các Tỷ Kheo! Có rất nhiều sông chảy về biển lớn. Vậy nước trong biển lớn nhiều hay ít?”

– Các Tỷ Kheo bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Rất nhiều”.

– Phật dạy: “Một người phạm trọng tội phải đọa vào Địa Ngục, ngạ quỷ, súc sinh có số lượng máu chảy ra, từ vô lượng kiếp đến nay, nhiều hơn lượng nước trong biển lớn. Bởi vậy, nên biết nước mắt, nước mũi v..v…  dẫn đến sữa đã bú của mẹ ở nơi mỗi chúng sinh từ vô lượng kiếp đến nay, cũng nhiều như vậy. Lại nữa, nếu đem xương người ấy chất thành đống, thì sẽ có một núi xương cao ngất . Như vậy thì có thể biết rằng, trong vô biên kiếp, mỗi chúng sinh đã phải thọ vô lượng khổ sinh tử vậy”.

– Các Tỷ Kheo nghe như vậy, khởi tâm nhàm chán sinh tử, tinh tấn tu hành, và dần dần vào được Đạo.

–oOo–

Lại có người khởi tâm từ niệm chúng sinh khắp cả 10 phương mà hoan hỷ thọ giới không sát sinh, được vô lượng công đức.     

–oOo–

Bởi nhân duyên vậy, Bồ Tát từ sơ phát tâm, đã thệ nguyện cúng dường vô biên chúng sinh. Vì sao? Vì độ vô biên chúng sinh, thì phước đức cũng vô biên, giống như mặt trời mọc cũng đã chiếu ánh sáng khắp muôn vật vậy.

KINH:

Muốn có trí tuệ thù thắng hơn trí tuệ của hết thảy Thanh Văn và Bích Chi Phật phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Trí tuệ của Thanh Văn và Bích Chi Phật như thế nào?

Đáp: Trong kinh nói: Khi quán về Thật Tướng các pháp, hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật dùng trí tuệ phân biệt để biết rõ biệt tướng và tổng tướng của các pháp, lại biết được Tục đế và Chân đế.

Như vậy gọi là trí tuệ Niết Bàn.

Ví như nói các pháp có sinh, có diệt, có thuận, có nghịch,… là nói về các pháp thế gian. Đó là tục đế. Còn nói về nhất tâm, về chân như… là nói về các pháp xuất thế gian. Đó là chân đế. Thanh Văn dùn trí tuệ phân biệt năm ấm:

– Biết năm ấm như vậy là nhóm họp.

– Biết năm ấm như vậy là tiêu tán.

– Biết năm ấm như vậy tự tính ly.

Lại dùng trí tuệ phân biệt bốn Đế: khổ, tập, diệt, đạo.

Lại dùng trí tuệ phân biệt ba giải thoát môn: Không, vô tướng và vô tác.

Lại nữa, hàng Thanh Văn tu bốn niệm xứ, dùng trí tuệ quán về thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã, dùng trí tuệ tu pháp trí, tỷ trí, tha tâm trí, khố trí, tập trí, diệt trí, đạo trí v..v…

Khi đã vào được khổ pháp trí rồi là được huệ nhãn, được ba tam muội Không, Vô Tướng và Vô Tác.

Tất cả trí tuệ như vậy đều là trí tuệ của Thanh Văn, Bích Chi Phật.

–oOo–

Có được trí tuệ như vậy rồi, nếu phát tâm đại từ bi, cứu khổ hết thảy chúng sinh, vào sinh ra tử chẳng bao giờ nhàm chán nhằm lợi lạc quần sinh, thì mới gọi là trí tuệ của Bồ Tát, mới gọi là được Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Phật có nói đến bốn quả Sa Môn, bốn bậc Thánh, năm Chúng đệ tử, ba thứ Bồ Đề. Như vậy vì sao nói trí tuệ của Bồ Tát thù thắng hơn trí tuệ của Thanh Văn và Bích Chi Phật?

Đáp: Bồ Tát có trí tuệ thù thắng hơn trí tuệ của Thanh Văn và Bích Chi Phật. Vì sao? Vì Bồ Tát phát đại tâm tịnh Phật quốc độ, cứu độ hết thảy chúng sinh.

Trong kinh có nêu nhiều đoạn văn tán thán trí tuệ của Bồ Tát. Bồ Tát tu sáu pháp Ba La Mật, có đầy đủ phương tiện cứu độ chúng sinh, không đoạn chủng Tam Bảo nên được chư Phật khắp mười phương thường hộ niệm. Ví như chim Ca Lăng Tần Già vừa mới nở, đã có tiếng hót thánh thót, thù thắng hơn hết thảy các loài chim khác.

–oOo–

Trong kinh có chép mẩu chuyện sau đây:

Trong chúng hội, Ngài Xá Lợi Phát bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Bồ Tát nói pháp có công đức rất thù thắng. Chỉ nghe danh hiệu Bồ Tát đã có được nhiều lợi ích, huống nữa là được nghe Bồ Tát nói pháp. Các vị Bồ Tát chẳng chấp hết thảy pháp, mà vẫn thị hiện sinh thân, ra vào sinh tử, đem pháp trí tuệ giáo hóa chúng sinh, khiến cho người nghe cũng được sinh trí tuệ”.

Lúc bấy giờ, Ngài Bồ Tát Thủ Hoa nêu một số câu hỏi để Ngài Xá Lợi Phất giải đáp, nhằm giúp chúng hội hiểu rõ thêm.

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Ngài là bậc trí tuệ đệ nhất, thường nói pháp cũng chưa vào được pháp tính hay sao”?

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Phải đúng như cảnh giới, thì đệ tử Phật mới nói”.

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Pháp tính cũng có cảnh giới chăng”?

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Chẳng có vậy”.

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Nếu chẳng có cảnh giới, thì vì sao ngài nói phải đúng cảnh giới mới nói”?

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Nghĩa là phải tùy chỗ được pháp mới nói”.

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Như vậy là ngài dùng vô lượng tướng của pháp tính để làm chứng hay sao”?

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Đúng như vậy”.

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Vì sao ngài nói tùy chỗ được pháp mới nói?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Pháp tính vô lượng, nên pháp thuyết ra cũng vô lượng. Pháp tính vô lượng, nên tướng của pháp tính chẳng thể lường được (bất khả lượng tướng) vậy.”

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Như vậy, ngài nói pháp tính có tướng được (đắc tướng) chăng?”

Ngài Xá Lợ Phất đáp: “Chẳng phải vậy”.

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Nếu pháp tính chẳng có tướng được (phi đắc tướng) thì lìa pháp tính ra có được giải thoát không?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Không thể như vậy được. Vì sao? Vì pháp tính là chẳng thể hoại (bất hoại) vậy.”

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Ngài đã được Thánh trí. Như vậy ngài có được như tính không?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Tôi muốn nghe pháp, chẳng phải nói pháp”.

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Vào Diệt Tận Định có nghe được pháp không?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Vào Diệt Tận Định chẳng có nghe pháp”.

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Ngài có tín thọ rằng tướng của hết thảy pháp thường tịch diệt không?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Tôi có tin như vậy.”

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Vì sao pháp tính thường tịch diệt mà có nghe được pháp?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Ở nơi KHÔNG tam muội, các pháp đã là tịch diệt tướng rồi vậy.”

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Nếu không vào thiền định, thì có nói được pháp không?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Chẳng có gì mà chẳng phải là tịch diệt tướng cả.”

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Như vậy thì hết thảy phàm phu cũng đều vào được thiền định cả hay sao?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Hết thảy phàm phu đều có thiền định”.

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Lấy gì làm thiền định?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Chẳng ngoài pháp tính tam muội vậy.”

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Như vậy thì phàm phu và các bậc Thánh chẳng có gì khác nhau cả hay sao?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Tôi chẳng thấy có gì khác nhau cả. Vì sao? Vì ở nơi các bậc Thánh, pháp chẳng có diệt, ở nơi phàm phu pháp cũng chẳng có sinh. Ở nơi pháp tính thì cả hai đều KHÔNG, đều là bình đẳng”.

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Vì sao ở nơi pháp tính, thì các pháp đều là bình đẳng tướng?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Tướng bình đẳng là chỗ biết, chỗ thấy (Chỗ tri kiến) của người được Đạo vậy.”

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Như vậy thì có sinh pháp Thánh, có diệt pháp phàm không?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Chẳng có vậy”

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Có được pháp Thánh không?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Chẳng có vậy.”

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Có thấy phàm phu và pháp phàm phu không?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Chẳng có vậy”

Ngài Thủ Hoa hỏi: “Như vậy ngài dùng tri kiến gì để vào được nơi Thánh Đạo?”

Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Pháp tính là như, nên phàm phu cũng như, Tỷ Kheo được giải thoát cũng như, Niết Bàn cũng như, Tỷ Kheo vào Niết Bàn cũng như. NHƯ nói đây chính là như như pháp tính, chẳng có sai biệt vậy. Pháp tướng cũng như, bất hoại tướng cũng như. Tất cả các pháp đều như như, bình đẳng cả.”

–oOo–

Trong Kinh Minh Vãng, Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Ví như đám lửa có sức thiêu rụi bất cứ vật gì rơi vào bên trong. Các bậc thượng nhân nói pháp cũng là như vậy. Hết thảy pháp nói ra đều vào trong pháp tính cả.”

–oOo–

Lại nữa, trong kinh Duy Ma Cật nói rằng các bậc Thanh Văn, dẫn đến Ngài Xá Lợi Phất, chẳng ai dám đi thăm bệnh Ngài Duy Ma Cật cả.

–oOo–

Như vậy, có rất nhiều kinh nói: “Bồ Tát có trí tuệ thù thắng hơn Thanh Văn”.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát có trí tuệ thù thắng hơn trí tuệ của hàng Thanh Văn.

Đáp: Trong kinh Bổn Sinh có nói:

Bồ Tát, trong vô lượng A tăng kỳ kiếp, đã tu tập các trí tuệ, Bồ Tát đã là tất cả các việc rất khó làm. Vì cầu pháp, mà Bồ Tát chẳng ngại chẻ xương làm viết, chích huyết làm mực, lột da làm giấy để tả chép kinh pháp. Vì cầu pháp mà Bồ Tát đã cam chịu vô lượng khổ đau. Vì cầu trí tuệ, mà Bồ Tát đời đời cúng dường thầy, thờ thầy như thờ Phật; hễ thấy kinh Phật là liền đọc, tụng, giảng nói… do trải vô lượng A tăng kỳ kiếp tư duy trí tuệ cầu các pháp thậm thâm, nên Bồ Tát đã thâm nhập vào Thật Tướng các pháp.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát có trí tuệ thù thắng hơn trí tuệ của hàng Thanh Văn.

Hỏi: Vì sao nói: “Bồ Tát, khi thưa hỏi, khi vấn nạn cũng đều là dùng trí tuệ cúng dường Phật?”

Đáp: Do nghe pháp, thưa hỏi, vẫn nạn, mà Bồ Tát tín thọ, dẫn đến chính ức niệm pháp Phật, được đầy đủ trí tuệ. Như vậy là dùng trí tuệ cúng dường chư Phật.

Lại nữa, Bồ Tát tu trí tuệ với đầy đủ sáu pháp Ba La Mật, để trang nghiêm các phương tiện lực, khiến có được đại nhân duyên đối với chúng sinh hơn hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Bởi nhân duyên như vậy, nên nói Bồ Tát có trí tuệ thù thắng hơn trí tuệ của hàng Thanh văn và Bích Chi Phật.

–oOo–

KINH:

Muốn được các Đà La Ni và các Tam muội phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Được Đà La Ni là được các pháp phương tiện vi diệu dẫn vào thiền định, vào Tam muội.

Hỏi: Vì sao gọi Đà La Ni là pháp phương tiện?

Đáp: Người được Đà La Ni có sức giữ gìn, nhóm họp tất cả các pháp lành, khiến chẳng để cho tán lạc, ngăn chặn các pháp ác, khiến chẳng để cho xẩy ra.

Ví như Ngài Châu Lợi Bàn Đà rất tối dạ, nhưng nhờ có sức Đà La Ni buộc tâm vào việc cầm chổi quét, mà phát sinh được thiền định và trừ được cấu tâm, chứng quả A La Hán.

Có vô lượng Đà La Ni giúp hành giả những phương tiện đặc thù trên đường hành đạo.

Ví như người vào được Văn Trì Đà La Ni rồi, thì vừa nghe pháp là liền nhớ, thường nhất tâm niệm pháp, khiến trí tuệ ngày càng thêm tăng trưởng. Rồi do ức tưởng ức duy, mà biết được những việc chưa biết, thấy được những việc chưa thấy.

Bồ Tát được Văn Trì Đà La Ni rồi, dù trong thiền định vẫn nhớ hết thảy những lời đã nghe, đến một câu, một chữ cũng chẳng quên. Bồ Tát nghe âm thanh, lời nói chỉ do niệm phân biệt khởi sinh ra, chỉ là hư dối, chẳng thật có. Phàm phu chấp nơi âm thanh, nơi lời nói, nên khi âm thanh, lời nói đã diệt rồi, mà vẫn còn nhớ nghĩ mãi; hoặc nhớ mãi lời người mắng nhiếc mình, mà khởi tâm sân hận; hoặc nhớ mãi lời nói người tán dương, tâng bốc mình mà vui mừng, khởi tâm kiêu mạn, tự mãn… Trái lại, Bồ Tát biết rõ âm thanh, lời nói liền sinh, liền diệt chỉ như tiếng âm vang, chẳng có tác giả làm ra, chẳng có trú xứ, đều là tự tướng KHÔNG, nên chẳng chấp âm thanh, chẳng chấp lời nói. Bồ Tát quán chúng sinh KHÔNG, nên dù bị mắng nhiếc cũng chẳng có sân hận, dù được xưng tán cũng chẳng có vui mừng, sung sướng.

Lại ví dụ như người vào được Danh Tự Nhập Đà La Ni, thì nghe một chữ đã có thể vào được thật tướng của hết thảy pháp; nghe chữ “A” liền biết được hết thảy pháp bất sinh v.v…

Hỏi: Vì sao nói Đà La Ni là phương tiện dẫn vào thiền định, vào tam muội?

Đáp: Bồ Tát được Đà La Ni rồi, sẽ được vô ngại vào các tam muội, nên nói Đà La Ni là phương tiện dẫn vào Thiền Định, tam muội. Có 500 Đà La Ni chính. Đây là thiện pháp công đức tạng của Bồ Tát.

Có hai thứ tam muội. Đó là:

  1. Tam muội của Thanh Văn.
  2. Tam muội của Bồ Tát.

Tam muội của Thanh Văn gồm có KHÔNG tam muội, Vô Tướng tam muội, Vô Tác tam muội; lại có Hữu Giác Hữu Quán tam muội, Vô Giác Hữu Quán tam muội, Vô Giác Vô Quán tam muội, lại có Ngũ Trí tam muội (năm trí tam muội)1 v.v…

Hết thảy các thiền định đều gọi là tam muội. Hành giả phải nhất tâm, không tán loạn mới vào được tam muội. Nếu tâm tán loạn, thì chẳng sao vào được diệu pháp.

–oOo–

Đại Thừa có vô lượng tam muội, như Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, Giải Thoát Tam Muội, Nhất Thiết Pháp tam muội v..v…

Có những tam muội hiển thị các đức tướng thanh tịnh nơi thân, như:

– Oai Tướng Tam Muội. Bồ Tát vào tam muội này có oai đức sáng chói hơn cả mặt trời, mặt trăng.

– Diệm Sơn tam muội. Bồ Tát vào tam muội này có oai đức hơn cả Đế Thích, hơn cả Phạm Thiên Vương, vượt ra khỏi ba cõi.

– Thanh Như Lôi Âm tam muội. Bồ tát vào tam muội này có được phạm âm tỏa khắp cả mười phương.v.v…

 Như vậy, có vô lượng, vô biên Đà La Ni và Tam muội.

Hỏi: Người trì giới thanh tịnh, nhất tâm tinh tấn, chế tâm ở một chỗ, có vào được tam muội không?

Đáp: Có thể vào được tam muội. Thế nhưng, vì có vô lượng tam muội. Nếu nói nhiều quá, thì sẽ khiến người nghe sinh thối tâm, nên chỉ nói đến một số tam muội chính. Như vậy cũng đủ nhiếp các tam muội khác rồi vậy.

Ví như nâng được cái bâu áo là nâng được cả cái áo lên; như bắt được ong chúa là bắt được trọn vẹn bầy ong vậy, cũng như Sơ Thiền và Nhị Thiền là cửa ngõ dẫn vào các pháp thiền định, tam muội khác.

 Tu các pháp tam muội thuần thục sẽ dẫn vào Kim Cang tam muội.

–oOo–

Lược nói, thì tam muội của Thanh Văn gồm có ba tướng là:

  1. Nhập
  2. Trú
  3. Xuất

Khi nhập và xuất, thì chẳng phải là tam muội. Chỉ khi trú mới gọi là tam muội.

Tam muội của Bồ Tát là các pháp Ba La Mật. Ví như trong 3 Ba La Mật: Giới, Định và Tuệ, thì Giới sinh Định, Định Sinh Tuệ. Khi được Tuệ Ba La Mật, thì tận đoạn các phiền não, dẫn đến Niết Bàn.

Còn rất nhiều tam muội khác nữa, không có đề cập đến nơi đây. Như nói bố thí là nhân duyên sinh phước đức; nguyện là nhân duyên sinh tâm nhu nhuyến; từ bi là nhân duyên niệm chúng sinh. Tất cả các hạnh đó đều dẫn vào tam muội. Lại như quán thế gian vô thường, như nhiếp tâm hành nhẫn nhục,… cũng đều dẫn vào tam muội. Lại như nhiếp tâm không tán loạn, tinh tấn trừ năm cái… cũng đều dẫn vào tam muội. Tu các Địa, từ Sơ Địa đến Thập Địa cũng đều dẫn vào tam muội cả.

Hỏi: Đà La Ni môn và Tam muội môn giống nhau hay khác nhau như thế nào?

Đáp: Khi đang tu, thì có khác. Khi đã tu viên mãn rồi, đã được tâm tương ưng rồi, thì chẳng có khác nữa.

Tu tam muội thuần thục lâu ngày, thì tam muội trở thành Đà La Ni. Đây là do sức tu hành, huân tập thuần thục, mà tam muội đã trở thành tính, tương ưng với thật tướng trí tuệ, nên có được Đà La Ni vậy. Ví như các đồ gốm như bình, chén, đĩa,…nung lâu trong lửa, thì chất đất sét trở thành cứng rắn, bền chắc. Lúc bấy giờ có thể dùng đựng nước, mà chẳng để cho nước thấm qua nữa.

Như trên đã nói, Đà La Ni còn là phương tiện để đưa hành giả qua sông thiền định.

Bồ Tát tu được hai môn tam muội và Đà La Ni thuần thục, thì sẽ được vô lượng công đức ở cả ba đời.

Hỏi: Vì sao ở trong pháp Thanh Văn không có nói đến Đà La Ni, mà chỉ trong pháp Đại Thừa mới nói đến?

Đáp: Vì hàng Thanh Văn ít có siêng năng tu tập các công đức mà chỉ dùng trí tuệ để cầu giải thoát sinh tử cho riêng mình, nên không có được các công đức Đà La Ni. Ví như người khát nước chỉ biết tìm đến nước để tự giải khát cho riêng mình mà không nghĩ đến việc dùng bình chứa nước lớn để trữ cho đại chúng uống vậy.

Lại nữa, trong pháp Thanh Văn chỉ nói đến các pháp là vô thường, là sinh diệt. Như vậy là chẳng có thể có được Đà La Ni. Vì sao? Vì theo pháp Đại Thừa, thì các pháp chẳng có sinh, chẳng có diệt, chẳng thật có, nên nói về tướng vô thường là chẳng Đà La Ni.

Lại nữa, trong pháp Thanh Văn nói đến các thiện pháp ở quá khứ. Như vậy là chẳng được Đà La Ni. Vì sao? Vì theo pháp Đại Thừa thì quá khứ là bất khả đắc, nên nói về thiện pháp ở quá khứ là chẳng phải Đà La Ni vậy.

–oOo–

Đà La Ni đời đời theo Bồ Tát. Còn các Tam muội, thì chẳng phải như vậy. Vì sao? Vì khi Bồ Tát xả thân rồi, thì đã rời bỏ hết các tam muội.

–oOo–

Trên đây đã phân biệt rõ Đà La Ni và Tam muội.

Phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật mới có được đầy đủ các Đà La Ni môn và các Tam muội môn.

(Hết quyển 28)