LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 27

Phẩm Thứ Nhất
(Tiếp theo)
Đại Từ – Đại Bi

Hỏi: Thế nào được gọi là Đại Từ Đại Bi?

Đáp: Đại Từ và Đại Bi là hai tâm đức rộng lớn của chư Phật và chư Đại Bồ Tát.

ĐẠI TỪ là từ đức rộng lớn, thường niệm hết thảy chúng sanh, giúp đỡ và đem lại niềm vui cho hết thảy chúng sanh,

ĐẠI BI là đức bi rộng lớn, thương xót hết thảy chúng sanh, cứu khổ cho hết thảy chúng sanh, độ chúng sanh ra khỏi ngục tù 3 cõi.

Trước đây cũng đã có nói “Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật phải tu 4 Vô Lượng Tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả”.

Từ là thương nhớ, ban vui, như bà mẹ hiền thương con, làm đủ mọi việc để làm cho con mình được vui.

Bi là thương xót, cứu khổ, như cha thấy con bị lao tù tìm đủ mọi cách để cứu thoát con ra khỏi chốn đau khổ.

Hỏi: Thế nào là Tiểu từ, tiểu bi?

Đáp: Ở nơi Tứ Vô Lượng Tâm, Từ chỉ là Tiểu Từ, Bi chỉ là Tiểu Bi. Ở nơi 18 Bất Cộng Pháp, Từ mới là Đại Từ, Bi mới là Đại Bi.

Ở nơi tâm của phàm phu, của hàng Thanh Văn, Từ chỉ là Tiểu Từ, Bi chỉ là Tiểu Bi. Ở nơi tâm của chư Phật và chư Đại Bồ Tát, thì Từ mới là Đại Từ, Bi mới là Đại Bi.

Hỏi: Vì sao nói “Bồ Tát hành Đại Từ, Đại Bi”?

Đáp: Từ và Bi nơi Đại Thừa Ma Ha Diễn gọi là Đại Từ, Đại Bi. Hàng Thanh Văn, do nặng về tư lợi hơn lợi tha, nên dù có thương nhớ chúng sanh, nhưng chưa thực sự đem lại sự an vui cho họ, dù có thương xót chúng sanh nhưng chưa thực sự cứu họ ra khỏi chốn khổ đau. Do vậy mà chỉ có Tiểu Từ Tiểu Bi mà thôi.

Chư Đại Bồ Tát, do tâm lợi tha rộng lớn, nên thương nhớ chúng sanh, đem lại niềm vui cho hết thảy chúng sanh, thương xót chúng sanh, độ họ ra khỏi các khổ. Do vậy mà Từ Bi của Bồ Tát mới gọi là Đại Từ, Đại Bi.

Từ Bi của Phật là Đại Từ Bi khởi sanh 10 lực, 4 Vô Sở Uý, 4 Vô Ngại Trí, 18 Bất Cộng Pháp. Từ Bi của Phật là đại pháp có oai lực phá tan 3 đường ác, ban cho chúng sanh 3 thứ vui, là vui ở cõi người, vui ở cõi trời, vui ở cõi Niết Bàn.

Tâm Từ Bi của Phật rộng lớn, biến khắp cả 10 phương, thông suốt cả 3 đời, thường niệm hết thảy chúng sanh, đến những côn trùng nhỏ bé cũng chẳng có bỏ sót.

Bồ Tát hành Đại Từ Đại Bi, phát nguyện độ hết thảy chúng sanh ra khỏi 3 đường ác. Vì lợi ích cho chúng sanh, Bồ Tát thường hành đại bố thí, chẳng hề thối chuyển, chẳng hề tiếc thân mạng mình, để đem lại cho chúng sanh đầy đủ các phước lạc, thiền định… nhằm dẫn họ vào Đạo Giải Thoát.

Hỏi: Tâm Phật rộng lớn, vô lượng, vô biên. Sao chỉ nói đến 2 tâm Đại Từ và Đại Bi mà thôi?

Đáp: Tất cả công đức của Phật đều là đại, rộng lớn, vô lượng vô biên cả. Đại Từ, Đại Bi là 2 tâm đức rộng lớn trong vô lượng vô số tâm đức của chư Phật và chư Đại Bồ Tát.

Bồ Tát, vì thấy chúng sanh thọ vô lượng khổ đau, tâm và thân đều khổ, nên phát tâm Đại Từ Đại Bi.

Bồ Tát, vì thương xót chúng sanh, nên trải qua vô lượng đời ra vào sanh tử mà chẳng hề nhàm chán, dạy cho chúng sanh tu chứng Niết Bàn, mà chính mình vẫn chẳng nhập Niết Bàn.

Bồ Tát, tuy đã được Phật Đạo, đã thành tựu vô lượng thậm thâm giải thoát, mà đều xả tất cả, để sống hòa mình với chúng sanh, dùng mọi thí dụ, mọi nhân duyên nơi pháp.

Lại nữa, Bồ Tát, do có tâm Đại Từ Đại Bi mà giữ được tâm thường bất động, chẳng có sân nhuế, chẳng có oán giận trước sự mắng nhiếc, hủy báng, hành hung của kẻ ác, cũng như chẳng tỏ sự vui mừng trước sự tôn kính, tán thán, cúng dường của mọi chúng sanh.

–oOo–

Phật, vì lợi ích chúng sanh, mà trong vô lượng kiếp đã khéo làm những việc rất khó làm, chưa từng thấy ở thế gian.

Trong kinh Bổn Sanh có kể mẩu chuyện vua Thi Tỳ, tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni, đã chẳng tiếc thân mạng, tự cắt thịt mình trao cho chim ưng, để cứu mạng một con chim bồ câu nhỏ bé (xem thêm ở quyển 4 ở bộ luận này). Việc làm này đã khiến các hàng trời, rồng, quỷ thần xưng tán, khiến mặt đất dấy lên sáu điệu chấn động. Như vậy gọi là tâm Đại Từ Đại Bi.

Hỏi: Ở nơi thâm thiền định có vô lượng công đức trí huệ nên chẳng được gọi là Đại Từ Đại Bi. Nhưng dùng công đức trí huệ để nói pháp độ sanh, sao lại chẳng gọi là Đại Từ Đại Bi?

Như vậy tướng của Đại Trí Huệ và tướng của Đại Từ Bi sai khác nhau như thế nào?

Đáp: Tướng của Đại Trí Huệ rất khó thấy, khó biết. Chẳng có thể dùng tư duy, suy lường mà biết được trí huệ. Trí huệ của Phật rất vi tế, nhiệm mầu, đến ngài Xá Lợi Phất cũng chẳng có thể rõ biết được huống nữa là hàng phàm phu. Còn tướng của Đại Từ Bi dễ thấy, dễ biết.Ví như trước cảnh Bồ Tát xả thân để cứu mạng người khác, thì những ai trông thấy đều rõ biết tâm Đại Từ Đại Bi của Bồ Tát vậy.

Bởi nhân duyên vậy, nên phàm phu dễ tín thọ từ bi; còn trí huệ, thì chỉ những người đã được Đạo mới tín thọ được vậy. Ví như trẻ con thích uống các thứ thuốc ngọt, không thích uống các thứ thuốc đắng; chỉ có người trí mới biết được dược tánh của các thuốc hay, dù đắng nhưng uống vào sẽ nhanh chóng lành bệnh. Tướng của Đại Từ Đại Bi là thường niệm tướng, thường thương xót chúng sanh, thường ban vui cứu khổ cho chúng sanh, cho nên thường duyên 4 Vô Lượng Tâm của Phật và Bồ Tát.

Phật là đấng Đại Từ, Đại Bi, Đại Trí. Phật dùng Đại Từ, Đại Bi để nhiếp độ chúng sanh, mà chẳng có chấp tướng từ bi, khác hẳn với đại từ đại bi trong pháp của ngài Ma Ha Ca Chiên Diên. Vì sao? Vì ngài Ma Ha Ca Chiên Diên diễn bày đại từ đại bi qua sự tướng, nên chỉ là pháp hữu lậu vậy.

Hỏi: Hoa sen phải từ nơi bùn lầy vươn lên. Như vậy Đại Từ cũng phải từ nơi hữu lậu mới có được. Như vậy, vì sao nói Đại Từ Đại Bi là căn bản pháp, là vô lậu pháp, chẳng phải là hữu lậu pháp?

Đáp: Bồ Tát, tuy chưa được thành Phật nhưng chẳng còn dụng tâm hữu lậu khi hành Đại Từ Đại Bi. Vì sao? Vì hành Đại Từ Đại Bi với tâm hữu lậu là có lỗi lầm vậy.

Thanh Văn và Bích Chi Phật, vì chưa được vô ngại giải thoát vì ở nơi thiền định còn nhiều chỗ nghi nên vẫn còn thích hữu lậu. Phật và Bồ Tát chẳng như vậy, nên tâm Đại Từ Đại Bi của Phật và Bồ Tát là thuần vô lậu.

Hỏi: Phật vì chúng sanh mà khởi đại từ đại bi tâm. Như vậy, nếu chẳng dùng hữu lậu thì làm sao độ thoát chúng sanh được?

Đáp: Trí huệ của Phật chẳng thể nghĩ bàn được. Dù thường ly chúng sanh, mà vẫn thường dùng tâm đại từ đại bi để nhiếp độ chúng sanh. Vì sao? Vì ở trong khắp 10 phương, tầm cầu tướng của chúng sanh là bất khả đắc. Bởi vậy nên Phật dùng tâm đại từ đại bi để nhiếp độ chúng sanh, mà chẳng có chấp thủ tướng chúng sanh.

Trong kinh nói rằng khi Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Phật “ Từ tâm có bao nhiêu duyên?” Phật dạy: “Có 3 duyên là duyên chúng sanh, duyên pháp và vô duyên”.

Chỉ có Phật mới hành được cả 3 duyên. Vì sao? Vì tướng chúng sanh là rốt ráo bất khả đắc. Bởi vậy nên nói các bậc Nhất Thiết Trí đã dọn sạch các lậu nên thường dùng hữu lậu để độ sanh mà vẫn thường ở nơi tánh vô lậu.

Hỏi: Trí lậu vô duyên được hết thảy các chỗ hay còn có chỗ chẳng duyên được?

Đáp: Trí lậu vô duyên được hết thảy pháp vô lậu cũng như hữu lậu.

Hỏi: Vì sao trí vô lậu duyên được các pháp hữu lậu?

Đáp: Bồ Tát tuy ở nơi tánh vô lậu mà vẫn giữ dư tàng hữu lậu để làm lợi ích cho chúng sanh, nên vẫn duyên được các pháp hữu lậu.

Pháp hữu lậu chỉ là pháp đối đãi. Do đối đãi nên mới có phân biệt, có suy lường mới cân nhắc hơn thua phải trái như lấy cân mà cân lường các vật vậy.

Trí hữu lậu chỉ duyên được các pháp hữu lậu. Còn trí vô lậu duyên nhiếp hết thảy các pháp hữu lậu cũng như vô lậu.

Hỏi: Vì sao trí vô lậu lại duyên nhiếp được hết thảy pháp hữu lậu và vô lậu?

Đáp: Các pháp hữu lậu chỉ là giả danh, là hư dối, chẳng thật có, nên chẳng phải là pháp chân thật.

Trong kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn, sau khi nói đầy đủ về 10 trí rồi, có nói thêm trí thứ 11 là Như Thật Trí. Đây là trí như thật biết tổng tướng và biệt tướng của hết thảy các pháp vô ngại. Khi 10 trí kia đã vào trong Như Thật Trí thì được hòa đồng với Như Thật Trí thành 1 trí duy nhất, gọi là Vô Lậu Trí, ví như nước từ trăm sông chảy dồn vào biển, hòa đồng với nước biển trở thành nước biển cả vậy.

–oOo–

Ngoài ra cũng nên biết Đại Từ Đại Bi của Phật có đầy đủ các tam muội như: Tam Muội Vương Tam Muội, Sư Tử Du Hý Tam Muội v.v…

***

Phẩm thứ nhất
( Tiếp theo)
Đạo Trí Huệ – Đạo Chủng Huệ

KINH

Bồ Tát Ma Ha Tát muốn được đầy đủ đạo trí huệ, đạo chủng huệ, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật, muốn dùng đạo trí huệ để được đầy đủ đạo chủng huệ phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN

Có rất nhiều đạo môn phân biệt như sau:

1. Đạo Môn

Đạo duy nhất hướng về Niết Bàn. Ở trong thiện pháp. Thân tâm không phóng dật, nhất tâm niệm Đạo.

2. Đạo Môn

Có rất nhiều nhóm 2 Đạo Môn như:

Thiện và ác, thế gian và xuất thế gian, định đạo và huệ đạo, hữu lậu đạo và vô lậu đạo, kiến đạo và tu đạo, học đạo và vô học đạo, tín hành đạo và pháp hành đạo, hướng đạo và quả đạo, tín giải thoát đạo và huệ giải thoát đạo v.v…

Nói rộng có vô lượng “2 đạo môn”.

3. Đạo Môn

Có rất nhiều nhóm 3 Đạo Môn như:

Địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Ngay trong đạo súc sanh cũng có 3 là địa hành, thủy hành và không hành. Ngay trong đạo quỷ thần cũng có 3 là tịnh quỷ, thần quỷ và ngạ quỷ.

Lại có Thiên đạo ( đạo trời), Nhân đạo (đạo người) và Niết Bàn đạo.

Ngay nơi loài người cũng có 3 hạng là người thọ dục và hành ác, người thọ dục mà chẳng có hành ác, người chẳng thọ dục cũng chẳng có hành ác. Ngay nơi loài Trời cũng có 3 hạng là Trời cõi Dục, Trời cõi Sắc và Trời cõi Vô Sắc. Niết Bàn cũng có 3 bậc là Niết Bàn Thanh Văn Đạo, Niết Bàn Bích Chi Phật Đạo và Niết Bàn Phật Đạo. Lại có 3 thừa giáo là Thanh Văn Thừa, Bích Chi Phật Thừa và Bồ Tát Thừa. Ngày trong Thanh Văn có 3 đạo là học đạo, vô học đạo và phi vô học đạo. Ngay trong Phật đạo cũng có 3 là Ba La Mật đạo, phương tiện đạo và tịnh thế giới đạo.

Lại có 3 cấp tu là sơ phát ý đạo, tu thiện đạo và thành tựu thế giới đạo.

Lại có 3 lối tu là tu giới đạo, tu định đạo, và tu huệ đạo v.v…

Nói rộng có vô lượng “3 đạo môn”.

4. Đạo Môn

Có rất nhiều nhóm 4 Đạo Môn như:

Có phàm phu đạo, Thanh Văn đạo, Bích Chi Phật đạo và Phật đạo. Có TứThánh Đế  gồm khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.

Có 4 quả Sa Môn là Tu Đà Hoàn, Tư Đa Hàm, A Na Hàm và A La Hán. Có 4 Niệm Xứ gồm thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ và pháp niệm xứ. Có 4 chánh cần gồm: ác đã sanh khiến đoạn dứt, ác chưa sanh khiến đừng cho sanh, thiện đã sanh khiến thêm tăng trưởng và thiện chưa sanh khiến được sanh.

Có 4 vô lượng tâm gồm từ, bi, hỷ, xả vô lượng tâm.

Có 4 tăng thượng đạo là dục tăng thượng đạo, tinh tấn tăng thượng đạo, tâm tăng thượng đạo và huệ tăng thượng đạo.

Có 4 trường hợp tu đạo là: đời nay vui mà tu đạo, vì nhàm chán sanh tử mà tu đạo, vì vô lậu mà tu đạo và vì phân biệt huệ mà tu đạo v.v…

Nói rộng có vô lượng “4 đạo môn”.

5. Đạo Môn

Có rất nhiều nhóm 5 Đạo Môn như:

Có 5 đạo chúng sanh là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người và trời.

Có 5 vô học đạo là giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.

Có 5 cõi Tinh Cư Thiên là Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Vô Kiến Thiên, Vô Hiện Thiên và Sắc Cứu Cánh Thiên.

Có 5 thừa đạo là: nhân thừa, thiên thừa, Thanh Văn Thừa, Bích Chi Phật thừa và Bồ Tát thừa.

Có 5 phân biệt đạo là: phân biệt sắc pháp đạo, phân biệt tâm pháp đạo, phân biệt tâm số pháp đạo, phân biệt bất tương ưng hành đạo và phân biệt vô vi đạo.

Có 5 thứ đoạn đạo là: khổ đế đoạn đạo, tập đế đoạn đạo, đạo diệt đế đoạn đạo, đạo đế đoạn đạo và tư duy đoạn đạo.

Lại có 5 dục thiên đạo, 5 như pháp ngữ đạo, 5 phi pháp ngữ đạo v.v…

Nói rộng có vô lượng “5 đạo môn”.

6 Đạo Môn

Có rất nhiều nhóm 6 Đạo Môn như:

Có 6 chủng đạo là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, trời và A Tu La.

Lại có 6 trần đạo, 6 trần hòa hợp đạo, 6 thần thông đạo, 6 A La Hán đạo, 6 định đạo, 6 Ba La Mật đạo v.v…

Nói rộng có vô lượng “6 đạo môn”.

7 Đạo Môn

Có rất nhiều nhóm 7 Đạo Môn như:

Có 7 giác chi, 7 địa vô lậu đạo, 7 tưởng định đạo, 7 tịnh đạo, 7 thiên nhân đạo, 7 pháp phước đạo, 7 trợ định đạo v.v…

Nói rộng có vô lượng “7 đạo môn”.

8 Đạo Môn

Có rất nhiều nhóm 8 Đạo Môn như:

Có 8 thánh đạo, 8 giải thoát đạo, 8 bối xả đạo v.v…

Nói rộng có vô lượng “8 đạo môn”.

9 Đạo Môn

Có rất nhiều nhóm 9 Đạo Môn như:

Có 9 thứ đệ định, 9 A La Hán đạo, 9 Bồ Tát địa, 9 phương tiện Ba La Mật để độ thoát chúng sanh và tịnh Phật quốc độ v.v…

Nói rộng có vô lượng “9 đạo môn”.

10 Đạo Môn

Có rất nhiều nhóm 10 Đạo Môn như:

Có 10 vô học đạo, 10 tưởng đạo, 10 nhất thiết xứ, 10 thiện đạo, 10 bất thiện đạo, 10 Bồ Tát địa v.v…

Nói rộng có vô lượng “10 đạo môn”.

–oOo–

Nói rộng hơn nữa có 162 nhóm đạo môn dẫn đến có vô lượng nhóm đạo môn.

Biết rõ hết thảy các đạo môn, thì gọi là “tận trí biến tri”. Như vậy gọi là “đạo chủng huệ”.

Hỏi: Bát Nhã Ba La Mật là đạo môn bậc nhất của Bồ Tát, chỉ là một tướng (nhất tướng), là chẳng có tướng (vô tướng). Vì sao nay lại nói đến nhiều đạo môn như vậy?

Đáp: Tất cả các đạo môn cũng chỉ là một, là thật tướng pháp cả.

Người sơ học phải học qua các đạo môn rồi sau mới có thể quy tất cả về một tướng duy nhất (nhất tướng), mà chẳng còn sanh các niệm sai biệt. Cũng như đến thời kiếp tận, thì lửa thiêu đốt tất cả, khiến tất cả đều trở thành hư không.

Bồ Tát dẫn đạo chúng sanh, nên phải học hết thảy đạo môn thế gian và xuất thế gian vậy.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát ở nơi nhất tướng mà còn phân biệt được các đạo môn thế gian và xuất thế gian?

Đáp: Thế gian do ức tưởng điên đảo mà phân biệt các pháp có đối đãi, có sai khác, mà chẳng biết rằng hết thảy các pháp đều là như mộng, như huyễn, đều là tự tướng KHÔNG. Ở nơi vô tướng và vô tác mà các căn, trần, thức hòa hợp, duyên khởi sanh ra có các pháp, rồi phàm phu điên đảo chấp đắm vậy thôi.

Như vậy là do bị lưới tà kiến bủa vây mà phàm phu điên đảo chấp các tướng để phải chịu qua lại mãi trong các nẻo đường sanh tử.

Hỏi: Thế nào gọi là xuất thế gian?

Đáp: Như Thật biết hết thảy các pháp là xuất thế gian. Vì sao? Vì người trí rõ biết thế gian và xuất thế gian đều là bất khả đắc cả. Chỉ vì do đối đãi mà có phân biệt giữa thế gian và xuất thế gian nhưng cả hai đều chẳng có định tướng, đều là bất khả đắc cả.

Người tu hành chẳng chấp thế gian mà cũng chẳng chấp xuất thế gian nên phá được ái mạn khiến chẳng còn cùng với thế gian đấu tranh vậy. Vì sao? Vì người tu hành rõ biết thế gian là hư dối, nên chẳng dấy tâm phân biệt, rõ biết 5 ấm là giả hợp, là bất khả đắc, chẳng từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu. Người tu hành quán 5 ấm là vô tướng, vô tác. Như vậy gọi là xuất thế gian.

Lại nữa, người tu hành quán thế gian và xuất thế gian đều là bất khả đắc, quán trong hợp có lý, trong ly có hợp, nên chẳng có niệm tưởng phân biệt thế gian và xuất thế gian. Như vậy gọi là xuất thế gian.

Người tu hành chẳng xả thế gian mà cũng chẳng chấp thế gian, mới thực sự vào trong chấp thế gian đạo. Lúc bấy giờ cả hai đạo, hữu lậu và vô lậu đều hòa đồng với nhau, đều trở thành nhất tướng, thành vô tướng vậy. Như vậy gọi là đạo chủng huệ.

KINH:

Muốn dùng đạo chủng huệ để được đầy đủ nhất thiết trí phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật, muốn dùng nhất thiết trí để được nhất thiết chủng trí phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Nhất Thiết Trí và Nhất Thiết Chủng Trí khác nhau như thế nào?

Đáp: Tuy đồng, nhưng cũng có sai khác.

Nhất Thiết Trí nhiếp về tổng tướng, Nhất Thiết Chủng Trí nhiếp về biệt tướng. Nhất Thiết Trí là nhân, Nhất Thiết Chủng Trí là quả.

Nhất Thiết Trí nhằm tổng phá hết thảy pháp trong vô minh, Nhất Thiết Chủng Trí quán từng Đế riêng rẽ. Lại như Nhất Thiết Trí quán khổ đế, biết rõ 8 tướng khổ ở nơi hết thảy chúng sanh chịu khổ. Lại như quán chung cả 6 căn, 6 trần, 6 thức nhiếp về Nhất Thiết Trí, quán riêng rẽ về từng căn, trần, thức nhiếp về Nhất Thiết Chủng Trí.

Chư vị A La Hán rõ biết tổng tướng của các pháp như rõ biết về vô thường, về khổ, về không, về vô ngã, rõ biết về 12 nhập, về 18 giới v.v… gọi là được Nhất Thiết Trí.

Tuy nhiên, hàng Thanh Văn khó có thể biết được hành nghiệp của mỗi người trong 3 đời; cũng chẳng có thể biết được hành nghiệp của hết thảy chúng sanh trong cõi Diêm Phù, và rộng hơn nữa trong 3000 đại thiên thế giới, chẳng có thể biết được ngôn ngữ của các loài, chẳng có thể biết được do duyên gì mà chúng sanh có quả báo tốt hay xấu, sang hay hèn, giàu hay nghèo,… do duyên gì mà chúng sanh được Đạo hay bị đọa vào 3 đường ác v.v…

Như vậy hàng Thanh Văn ở ngay nơi pháp hiện tiền còn chẳng có thể hay biết đầy đủ, thì làm sao có thể biết được thâm nghĩa của các tâm và tâm sở pháp, biết được hết thảy thiền định, trí huệ cùng hết thảy các pháp. Bởi vậy nên hàng Thanh Văn chưa có được Nhất Thiết Chủng Trí.

Chỉ có Phật mới tận biết hết thảy các pháp, nên chỉ có Phật mới được gọi là đấng Nhất Thiết Chủng Trí mà thôi.

–oOo–

Các hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật chỉ có được Nhất Thiết Trí, vì ở nơi các pháp chỉ biết được một phần, chưa biết được khắp tất cả, chỉ biết được tổng tướng mà chưa biết được hết tất cả các biệt tướng của các pháp. Phật là đấng Nhất Thiết Chủng Trí, như thật biết tất cả tổng tướng và biệt tướng của hết thảy các pháp.

(Hết quyển 27)