LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 24

Phẩm thứ nhất
( tiếp theo)
Thập Lực
( 10 lực )

KINH

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát muốn biết các công đức của Phật như: 10 Phật lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, 18 bất cọng pháp, đại từ, đại bi thì phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN

Hỏi: Mười Phật lực là pháp vô thượng của chư Phật, lẽ ra phải nói trước. Nay vì sao lại nói 10 Phật lực sau các pháp khác?

Đáp: Trước đây đã nói đến 6 pháp Ba La Mật là pháp của Bồ Tát, và cũng có nói đến 37 Phẩm Trợ Đạo là pháo của Thanh Văn. Bồ Tát phải học đầy đủ các pháp ấy.

Vì hàng Thanh Văn chỉ cầu giải thoát cho riêng mình, ít làm việc lợi ích cho chúng sanh, nên Phật dạy Bồ Tát phải học đầy đủ 37 Phẩm Trợ Đạo, để làm pháp phương tiện độ sanh. Tuy Bồ Tát có học đủ 37 Phẩm Trợ Đạo mà vẫn vô đắc. Vì chúng sanh hành tà hạnh, nên Bồ Tát phải hành chánh hạnh, mà chẳng chứng Niết Bàn.

Nếu Bồ Tát chẳng có học các pháp của Thanh Văn, mà chỉ chê trách, thì chúng sanh sẽ chẳng tín thọ. Ví như, nếu bản thân đức Phật Thích Ca Mâu Ni không tu 6 năm khổ hạnh, mà chê trách pháp khổ hạnh là phi đạo, thì người đời sẽ chẳng tín thọ. Do vì Phật đã tu khổ hạnh hơn người, nên những lời phê phán của Phật về pháp môn khổ hạnh là đúng, là chánh lý, được người đời tin theo.

Bồ Tát tu đầy đủ các hạnh Bồ Tát và các hạnh Thanh Văn, quán triệt tất cả, mà chẳng thủ chứng. Như vậy mới thật đầy đủ Phật pháp, mới thật đầy đủ các pháp phương tiện để hóa độ chúng sinh. Như bài kệ sau đây:

Ai cũng đều sợ roi
Ai cũng tiếc thân mạng
Nếu lấy roi dạy người,
Chớ có làm hại họ.

Bồ Tát không bỏ chúng sanh, nên vì chúng sanh mà tu tập hết thảy các pháp môn. Tuy nhiên, vì Bồ Tát đã được trí KHÔNG, nên hành pháp Thanh Văn mà chẳng có thủ chứng pháp Thanh Văn. Bồ Tát dùng các pháp Thanh Văn, uyển chuyển hòa hợp các pháp ấy để làm lợi ích cho chúng sanh, mà chẳng đọa về Thanh Văn Địa.

Hỏi: Y theo 6 pháp Ba La Mật để tu các pháp dẫn đến 3 Vô Lậu Căn là quá đầy đủ rồi. Nay vì sao còn nói phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật nữa?

Đáp: Pháp của Thanh Văn có hạn lượng, nên là chưa đủ vậy. Bồ Tát muốn được các pháp thậm thân, vi diệu, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Lại nữa, Pháp Thanh Văn dễ giải, dễ biết, còn pháp của Bồ Tát, của Phật khó giải, khó biết nên phải học nhiều, tư duy sâu mới có thể giải, có thể biết được vậy.

Lại nữa, Thanh Văn chỉ tự lợi, tìm giải thoát cho riêng mình, chỉ cầu được biết khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, nên hàng Thanh Văn chỉ quen chữa 2 bệnh khổ và tập bằng 2 loại thuốc diệt và đạo. Còn Bồ Tát, vì lợi tha, phát nguyện thành vị đại lương y để chữa hết thảy bệnh của chúng sanh.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát phải tu học hết thảy các pháp của cả 3 Thừa, và phải tự trang bị 10 Phật lực vậy.

Hỏi: 10 Phật lực gồm những gì, và ý nghĩa ra sao?

Đáp: Đây là 10 lực trí huệ, mà Phật dùng để độ chúng sanh. 10 Phật lực gồm:

1. Thị xứ phi xứ trí lực: Do lực này mà biết rõ các sự lý hoặc đúng, hoặc không đúng; biết rõ việc tốt có quả tốt, việc xấu có quả xấu; biết rõ chúng sanh nào độ được, chúng sanh nào không độ được.

2. Nghiệp báo trí lực: Do lực này mà biết rõ các nhân duyên nghiệp báo của từng chúng sanh trong cả 3 đời, quá khứ, hiện tại và vị lai; biết rõ chúng sanh tạo nghiệp gì thì sẽ phải thọ quả báo gì.

3. Thiền giải thoát tam muội trí lực: Do lực này mà định tam muội nào; biết rõ trong lúc tham thiền đã tư duy như thế nào, cấu hay tịnh, hay đã được nhất thiết trí hay chưa; biết rõ chúng sanh có đắm vị thiền hay không đắm vị thiền.

4. Thượng hạ căn trí lực: Do lực này mà biết rõ căn cơ của từng chúng sanh,, chún sanh nào lợi căn, chúng sinh nào độn căn.

5. Chủng chủng dục trí lực: Do lực này mà biết rõ chúng sanh ham muốn gì, biết rõ 5 thứ dục, lạc của chúng sanh, biết rõ các thiện dục của chúng sanh.

6. Chủng chủng tánh trí lực: Do lực này mà biết rõ tánh đức của từng chúng sanh, biết rõ chúng sanh hướng tâm về đâu.

7. Đạo trí lực: Do lực này mà biết rõ mức tầm hiểu đạo của từng chúng sanh.

8. Túc mạng trí lực: Do lực này mà biết rõ đời trước của từng chúng sanh, từ 1 đời, 2 đời,… dẫn đến 100 đời, 1000 đời …

9. Sanh tử trí lực: Do lực này mà biết rõ từng chúng sanh thành tựu các nghiệp thiện hay nghiệp ác như thế nào, và khi mạng chung sẽ đi đến cảnh giới nào trên đường sanh tử. Phật có Phật nhãn thanh tịnh hơn Thiên nhãn của hết thảy hàng chư Thiên, nên biết rõ hơn hết các thảy các hàng Trời Người.

10. Lậu tận trí lực: Do lực này mà biết rõ chúng sanh nào đã đoạn tận các tập khí, đã được vô lậu tâm giải thoát, vô lậu trí giải thoát, đã biết tự mình chẳng còn sanh lại nữa.

Hỏi: 10 Phật lực là pháp tu của Phật và Bồ Tát, hàng Thanh Văn chưa tu được. Như vậy, nêu ra đây có ích gì?

Đáp: Hàng Thanh Văn tuy chưa tu được, nhưng nghe nói đến 10 lực, cũng sanh nhiều công đức. Còn Bồ Tát khi nghe nói đến, liền tinh tấn tu hành cho được đầy đủ.

Lại nữa, Thanh Văn cũng như Bồ Tát, niệm 10 Phật lực mới thấy rõ công đức của Phật.

Phật có tri kiến vô ngại, có đại từ, đại bi, nên được gọi là đấng Cứu Thế. Phật được Phật đạo, thành tựu viên mãn 10 lực, 4 vô sở úy, 4 vô lượng tâm, đã được thậm thâm trí huệ, nên công đức của Phật mênh mông như biển cả. Phật đã thành tựu viên mãn pháp Giải Thoát tối thượng, nên được gọi là Thế Tôn.

Bởi nhân duyên vậy, nên Thanh Văn và Bồ Tát, niệm 10 Phật lực có được vô lượng công đức.

Hỏi: Vì sao nói “Bồ Tát muốn được 10 Phật lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, 18 bất cọng pháp, đại từ, đại bi phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật?

Đáp: Khi Phật ở thành Vương Xá, trên núi Kỳ Đà Quật, có đủ 4 bộ chúng, có cả hàng Ngoại Đạo, có Thiên long, quỷ thần cùng với đại chúng ở khắp nơi tập hội, Phật đã nhập vào Tam Muội Vương Tam Muội. Lúc bấy giờ có đại quang minh chiếu khắp hằng hà sa thế giới, có 6 điệu chấn động làm rung chuyển cả đại địa.

Nhiều người nghĩ: “Phật dùng thần lực làm rung chuyển thế giới chăng?”

Phật biết tâm của chúng sanh có chỗ nghi, nên dạy rằng: “Ta có pháp trí lực. Ta dùng 10 trí lực làm rung cảm cả thế giới. Người nào muốn được trí huệ như Ta, thì phải học Bát Nhã Ba La Mật”.

Rồi Phật dạy tiếp: “Có một số đệ tử của Ta, tin theo Ngoại Đạo, nghĩ Ta đã dùng huyễn thuật để mê hoặc nhân tâm. Nay ta muốn phá trừ nghi cho họ, nên mới dùng 10 trí lực, 4 vô sở úy,… để độ chúng sanh. Lại nữa, vì Ta thấy các Bồ Tát tu khổ hạnh, mệt mỏi nên Ta muốn dạy cho họ hành trí lực để được vô lượng công đức”.

Ví như người chủ đoàn buôn khuyến dụ những người dưới quyền chớ nên giải đãi, phải siêng năng, tinh tấn để chóng đến đích, chóng thu nhặt được nhiều vật quý báu. Cũng như vậy, Phật muốn khuyến dụ các Bồ Tát tinh tấn tu tập 10 Phật lực, để được vô lượng Đạo quả.

Hỏi: Trí lực của Phật vô lượng. Vì sao chỉ nói có 10 lực thôi?

Đáp: Chư Phật có vô lượng trí lực. Thế nhưng chỉ cần 10 lực này cũng đủ để độ chúng sanh rồi.

Sau đây là rộng giải về 10 Phật lực:

Lực th nhất: Thị xứ phi xứ trí lực.

Hỏi: Thế nào gọi là “Thị xứ phi xứ trí lực”?

Đáp: Phật biết rõ các nhân duyên quả báo.

Kinh Đại Tánh nêu thí dụ: Như nói: “Người Nữ làm được Chuyển Luân Thánh Vương”. Như vậy là phi xứ. Vì sao? Vì người nữ chẳng có tự tại, nên chẳng có thể làm được Chuyển Luân Thánh Vương, chẳng thể làm Phật.

Nếu người nữ được giải thoát, vào Niết Bàn, thì cũng phải chuyển thân nam, mới được Đạo.

Như nói: “Hai vị  Chuyển Luân Thánh Vương ra đời cùng một lần”. Nói như vậy là phi xứ. Vì sao? Vì Chuyển Luân Thánh Vương ra đời chẳng phải do ác nghiệp, mà do sự thành tựu phước báo.

Như nói: “Người tạo ác nghiệp mà không thọ nghiệp báo”. Như vậy cũng là phi xứ. Vì sao? Vì người ấy chẳng có thể sanh lên cõi Trời, và cũng chẳng có thể vào Niết Bàn an lạc.

Như nói: “Người tâm tán loạn được vào Niết Bàn”. Như vậy cũng là phi xứ.

Trái lại:

Như nói: “Người tu hành thanh tịnh, không bị vô mình che tâm, vào được Phật Đạo” . Như vậy là thị xứ.

–oOo–

Sau đây là một số thí dụ trích dẫn từ kinh Đại Tánh.

Người khinh miệt pháp sư, người phá giới, người ngu si mà vào được Đạo … là phi xứ.

–oOo–

Phật biết rõ thị xứ và phi xứ, biết rõ người nào đáng độ, người nào không đáng độ. Ví như có người thuộc hạng Thủ Đà La đáng được độ, mà ngài Xá Lợi Phất không biết đến, nhưng lại được Phật độ vậy.

Lực thứ hai: Nghiệp báo trí lực

Hỏi:  Thế nào là “Nghiệp báo trí lực”?

Đáp: Phật biết rõ nghiệp báo của từng chúng sanh, trong cả 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Phật biết rõ ở trong tâm của mỗi chúng sanh có các nghiệp báo thiện, bất thiện và vô kí, biết rõ chúng sanh thọ nghiệp hay không thọ nghiệp, thọ hậu báo hay thọ sanh báo.

Hết thảy các nhân duyên nghiệp báo, tịnh hay nhiễm của hết thảy chúng sanh, Phật đều biết rõ. Ví như, Phật biết rõ có vị Trời đang hưởng phước lạc, mà do tội nghiệp thâm  trọng, sẽ phải đọa vào địa ngục; biết rõ Trì Lưu Ly Thiên Vương giết hại 7 vạn 2 ngàn đạo sĩ; biết rõ ngài Mục Kiền Liên, tuy có đại thần thông, mà chẳng tự cứu mạng được; biết rõ bà mẹ của Bạc Câu La tự gieo mình vào lửa, tự trầm mình xuống nước mà vẫn không chết; lại cũng tự biết rõ có những nước, mà chính bản thân Phật đi đến khất thực cũng không được cúng dường.

Lại nữa, Phật cũng biết rõ, chẳng phải chỉ cõi Dục mới có 3 thứ thọ nghiệp báo, mà ở những cõi đầy lạc thú cũng vẫn bị khổ. Phật cũng biết rõ có người, tuy ở nơi đầy lạc thú, mà tâm vẫn tự tại, chẳng có thọ khổ, chẳng có thọ lạc, như trường hợp vua Phất Ca La có đầy đủ phước duyên, hóa hiện ra cả ngàn đóa sen ngàn cánh màu vàng, lớn bằng bánh xe, khiến những người đến cầu Đạo đều xuất gia, đều viên thành Đạo quả.

Lại nữa, Phật cũng biết rõ chúng sanh tạo nghiệp ở đâu trong 3 cõi tạo nghiệp ở cõi Trời, ở cõi Người,… Nếu ở cõi Diêm Phù Đề, thì Phật biết rõ chúng sanh tạo nghiệp ở nước nào, ở thành nào, ở tụ lạc nào… Đâu đâu Phật cũng đều biết rõ cả.

Lại nữa, Phật cũng biết rõ nhân duyên nghiệp báo của từng chúng sanh trong quá khứ, từ 1 đời, 2 đời, … cho đến 100 đời, 1000 đời…

Lại nữa, Phật cũng biết rõ các thiện nghiệp và bất thiện nghiệp của từng chúng sanh, ví như biết rõ có người sẽ chết vì bị tra tấn đâm chém, sẽ chết vì bị đầu độc hay vì tự sát…, biết rõ người nào có hành bố thí, bố thí những tài vật gì, bố thí cho ai, bố thí ở đâu; biết rõ người nào thọ giới, hoặc tự nhiên giữ giới, hoặc tâm sanh giới, hoặc khuyết giới, hoặc sanh nhất hạnh giới, hoặc thiểu phần giới, hoặc cụ túc giới, hoặc thiện đạo giới v.v…

Lại nữa, Phật cũng biết rõ chúng sanh nào có đầy đủ nhân duyên để được quả báo. Ví như hạt giống, khi đã hội đủ nhân duyên đất, phân, nước, v.v…, thì sẽ này mầm, sanh cây vậy.

Chúng sanh do nghiệp báo dẫn dắt, mà phải qua lại trong 6 đường, thọ thân các loài, trầm luân mãi trong biển Sanh Tử. Nghiệp tâm như nhà họa sĩ vẽ ra biết bao nhiêu hình tượng khác nhau. Người tu chánh hạnh, tạo nghiệp thiện, thì sẽ được quả báo tốt, người tu ta hạnh, tạo nghiệp ác thì sẽ phải thọ quả báo xấu.

–oOo–

Trong kinh Phân Biệt Nghiệp, Phật bảo ngài A Nan: “Này, A Nan! Cũng có người làm ác mà được sanh vào xứ lành; cũng có người làm thiện lại phải sanh vào xứ ác”.

Ngài A Nan hỏi: “Bạch Thế Tôn! Tại sao lại có sự việc như vậy?”

Phật dạy: “Người ấy ở đời này làm việc ác mà quả báo ấy chưa chín, còn ở đời trước làm thiện mà phước nghiệp, quả báo đã chín rồi, nên tuy đời này làm ác mà được hưởng phước quả báo của đời trước, được dẫn sanh vào xứ lành vậy. Trái lại, người ở đời này làm việc thiện mà phước quả báo ấy chưa chín, còn ở đời trước làm việc ác mà tội nghiệp của quả báo ấy đã chín muồi, nên tuy đời nay làm việc thiện mà phải chịu quả báo của đời trước, khiến phải sanh vào xứ ác vậy. Lại có người thường làm việc ác mà khi gần chết chuyển tâm ác thành thiện, thì cũng được sanh về cõi lành”.

Ngài A Nan hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nghiệp quả chín rồi và nghiệp quả chưa chín thì đúng là như vậy. Nhưng người gần chết chỉ chuyển tâm ác thành thiện trong một thời gian quá ngắn ngủi, thì làm sao chuyển nghiệp dễ dàng hơn cả người tu trọn đời như vậy được?”

Phật đáp: Khi gần chết, sức tâm rất mãnh liệt, như ngọn lửa rất nhỏ có thể gây ra đám cháy lớn, như một ít chất độc có thể gây chết chóc vậy. Người gần chết có sức tâm dõng mãnh hơn người tu cả trăm năm. Tối hậu tâm là đại tâm, nên khi xả thân là xả nghiệp vậy. Ví như khi thế trận đang lâm nguy, mà có người dõng mãnh, chẳng tiếc thân mạng, xông vào cứu nguy, thì có thể chuyển bại thành thắng vậy. Có người, ngay trước khi xả thân mạng, thoát nhiên đốn ngộ, được quả A La Hán”.

–oOo–

Trên đây nêu rõ những thí dụ về tội nghiệp báo, phước nghiệp báo và chuyển nghiệp báo. Hàng Thanh Văn chỉ biết các ác nghiệp báo và thiện nghiệp báo mà thôi. Chỉ có Phật mới biết rõ nghiệp báo của vô lượng chúng sanh một cách rốt ráo, vô ngại.

Lực thứ ba: Thiền giải thoát tam muội trí lực

Hỏi: Thế nào là “Thiền giải thoát tam muội trí lực?”

Đáp: Phật dùng trí huệ phân biệt tâm chúng sanh vào trong các thiền định có cấu, có tịnh.

Các thiền như 4 Thiền hữu lậu và vô lậu, 8 Giải Thoát Thiền Ba La Mật, tức là 8 Giải Thoát Thiền Tam Muội v.v… đều gọi là thiền định. Người vào thiền định phải định tâm, không để tâm tán loạn, không sanh ái kiến, không để cho phiền não trói buộc, mới gọi là được chân thiền định.

Phật phân biệt rõ người vào thiền định mà còn khởi vi tế phiền não ngay trong chân như, hoặc còn phân biệt các danh tự ở ngay trong định, hoặc đã được định tâm, hoặc chưa được định tâm, hoặc thường hành thiền, hoặc không thường hành thiền.

Phật biết rõ từng trường hợp như vậy nhằm chuyển hóa, hoặc đối trị thích hợp với từng đối tượng. Ví như đối với người còn nhiều sân nhuế, thì lấy từ tâm để đối trị; đối với người còn tham đắm dục lạc, thì dạy pháp bất tịnh quán để đối trị; đối với người ngu si, thì dạy cách tư duy; đối với người trầm một, thì lấy thiện dục tâm mà đối trị. Người vào định phải nên phân biệt như vậy. Ví như, ở một nơi nào đó, khi đang vào thiền mà sanh tâm mệt mỏi, thì phải quán ngay rằng: “Nay ta chưa được thiền mà sanh tâm mệt mỏi,thì phải quán ngay rằng: “Nay ta chưa được thiền định. Ta phải tinh tấn hơn nhiều nữa mới được thiền định”.

Phật cũng biết có người dễ nhập định, dễ xuất định; có người khó nhập định, khó xuất định, cần phải làm cho họ sanh thiện dục tâm, say mê thiền định, mới có thể giúp họ vào thiền định dễ dàng hơn, rồi sau đó họ sẽ dần dần được định tâm bền vững, dẫn đến chứng được Đạo quả.

Chỉ có Phật lực mới được thậm thâm “Thiền Giải Thoát Tam Muội Trí Lực” mà thôi.

Lực thứ tư: Thượng hạ căn trí lực

Hỏi: Thế nào gọi là “Thượng hạ căn trí lực”?

Đáp: Phật biết rõ chúng sanh độn căn, độn trí hoặc lợi căn, lợi trí. Độn căn, độn trí thì gọi là hạ. Lợi căn, lợi trí thì gọi là thượng.

Phật dùng trí lực này để phân biệt rõ người nào vào được Sơ Thiền, người nào không vào được; người nào vào được Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, người nào không vào được; người nào vào được Diệt Tận Định, người nào không vào được; người nào chứng được đạo quả, được giải thoát v.v…

Phật tùy theo căn trí của chúng sanh mà chọn lựa pháp tu thích hợp để dạy cho họ. Có người Phật dạy tu hạnh Thanh Văn; có người Phật dạy tu hạnh Bồ Tát; có người Phật dùng lời lẽ ngọt ngào; có người Phật dùng lời lẽ cứng rắn. Nói tóm lại, tùy theo căn trí của chúng sanh, mà Phật dùng các phương tiện thiện xảo thích hợp, miễn sao khiến họ sanh được tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn, để rồi dần dần có được chánh trí.

Phật biết rõ có người rất lợi căn, mà lại bị các kiết sử che tâm, như ông Ương Quần Lê Ma La,…; có người vừa lợi căn lại vừa không bị các kiết sử che tâm, như ngài Mục Kiền Liên, Ngài Xá Lợi Phất,…; có người tuy độn căn, mà không bị các kiết sử che tâm như ngài Châu Lợi Bàn Đà v.v… Đối với hạng người độn căn, thì Phật dạy cho họ Kiến Đế, khiến họ đoạn được độn căn; đối với người lợi căn mà có nhiều kiết sử, thì Phật dạy họ tư duy khiến các kiết sử dần dần được đoạn trừ.

Lại nữa, Phật biết rõ có người, tuy có triền phược, nhưng nhờ có sức tinh tấn tu hành mà có thể được giải thoát, như ông Ương Quần Lê, trước muốn hại Phật, hại mẹ, mà về sau lại được giải thoát; có người, tuy tu ly dục, mà bị triền phược, khiến có thể bị đọa, như có một vị Tỷ Kheo, đã được Tứ Thiền mà sanh tâm tăng thượng mạn, nên bị đọa địa ngục; có người sa vào ác đạo rồi rất khó thoát ra; có người chỉ thọ khổ ở địa ngục trong một thời gian ngắn, rồi được thoát khổ, sanh lên cõi trên.

Chỉ có Phật mới biết rõ căn trí của hết thảy chúng sanh như vậy.

Lực thứ năm: Chủng chủng dục trí lực

Hỏi: Thế nào gọi là “Chủng chủng dục trí lực”?

Đáp: Phật biết rõ dục tâm của chúng sanh, biết chúng sanh ham muốn gì; biết rõ những chúng sanh đắm chấp dục lạc, cũng như biết rõ những chúng sanh ham thích thiện dục.

Dục tâm của mỗi chúng sanh mỗi khác. Phật biết rõ tất cả. Ví như Phật biết rõ Ngài Xá Lợi Phất thích trí huệ, Ngài A Nan thích đa văn, Ngài Ma Ha Ca Diếp thích tu hạnh Đầu Đà và hạnh viễn ly, bà Đa Bát Đa La thích tu hạnh bố thí, Ngài La Hầu La thích tu trì giới, ông Đề Bà Đạt Đa ham mê tài lợi và danh vọng thế gian, ông Nan Đà đắm chấp dục lạc v.v… Như vậy, ngay trong chúng đệ tử của Phật, dục tâm của mỗi vị mỗi sai khác, Phật đều biết cả.

–oOo–

Phàm phu thường bị 3 độc tham sân si che tâm, ma gây ra biết bao tội lỗi. Bởi vậy nên Phật dạy các đệ tử phải biết rõ các tướng của 3 độc nơi chúng sanh, để chọn các pháp phương tiện thích nghi nhằm hóa độ cho họ. Ví như đối với người nhiều đam dục, thì dạy họ

Lực thứ sáu: Chủng chủng tánh trí lực

Hỏi: Thế nào gọi là “Chủng chủng tánh trí lực”?

Đáp: Phật phân biệt rõ tánh đức của chúng sanh mỗi mỗi sai khác nhau. Sở dĩ mỗi chúng sanh có căn tánh riêng vì đã chứa nhóm các tập quán khác nhau. Lâu ngày, các tập quán ấy trở thành căn tánh, trở thành dục tâm riêng, rồi mỗi chúng sanh theo căn tánh, trở thành dục tâm riêng, rồi mỗi chúng sanh theo căn tánh riêng của mình mà hành động.

Phật biết rõ căn tánh của từng chúng sanh; biết rõ chúng sanh có thiện căn hoặc ác căn; biết rõ chúng sanh nào độ được, chúng sanh nào không thể độ được.

Phật cũng biết rõ ở nơi mỗi chúng sanh, có sự liên hệ mật thiết giữa các kiến chấp trong hiện tại với sự hình thành các kiết sử và nhiễm dục tâm trong tương lai. Tuy nay dục tâm chưa sanh, mà Phật đã thấy trước chiều hướng sanh khởi của dục tâm nơi mỗi chúng sanh, dẫn đến thấy trước quả báo mà mỗi chúng sanh, dẫn đến thấy trước quả báo mà mỗi chúng sanh sẽ phải thọ.

Do vậy, Phật biết rõ chúng sanh nào độ được, chúng sanh nào không độ được; biết rõ chúng sanh nào có thể độ được ngay ở đời này, hoặc đời sau mới độ được, hoặc phải chịu cảnh mù lòa mới độ được, hoặc chỉ có Phật mới độ được, hoặc chỉ có Bồ Tát mới độ được, hoặc chỉ có Thanh Văn mới độ được, hoặc chỉ cần nói ít đã có thể độ được, hoặc phải tán thán mới độ được,  hoặc phải chế phục mới độ được, hoặc có sự tiếp sức mới độ được, hoặc nghe pháp xong phải đợi thời gian suy nghĩ mới độ được, hoặc phải dùng lời ngọt ngào mới độ được, hoặc phải vạch rõ sự phân biệt giữa tà kiến và chánh kiến mới khiến tự độ được.

Lại nữa, Phật biết rõ, trong chúng sanh, có người chấp có, có người chấp KHÔNG, có người chấp thường, có người chấp đoạn, có người nhiều tà chấp, có người thích vắng lặng, có người thích náo nhiệt, có người ham ăn uống, có người ham vui chơi, có người quý thiền định, có người quý trì giới, có người quý trí huệ…. Phải biết rõ căn tánh riêng của từng chúng sanh mới có thể dẫn dắt họ vào Đạo được.

Lại nữa, Phật biết rõ trong chúng sanh, có người sợ sanh tử, có người không sợ sanh tử, có người phiền não nặng nề, có người phiền não nhẹ mỏng, có người thích nghiên cứu thâm sâu, có người chỉ ham nghe những pháp dễ hiểu, có người biết 12 nhập, có người biết 18 giới, có người biết 12 nhân duyên, có người biết Thánh Đế v.v… Hết thảy căn tánh sai khác nhau của chúng sanh, Phật đều thấy, đều biết rõ, nên chỉ có Phật mới có được “Chủng chủng tánh trí lực” vô ngại mà thôi.

Lực thứ bảy: Đạo trí lực

Hỏi: Thế nào gọi là “ Đạo trí lực”

Đáp: Phật biết rõ tầm mức hiểu Đạo của từng chúng sanh, biết rõ các lối hiểu Đạo của thế gian và xuất thế gian.

Có người nói nghiệp tức là Đạo, vì theo họ, chúng sanh do duyên nghiệp mà được dẫn sanh vào trong 5 đạo. Có người nói có nghiệp mà đoạn được nghiệp là vào được 3 Thừa Thánh Đạo, là được vô lậu tư duy. Có người nói 5 trí tam muội, 5 phần pháp thân là Đạo. Có người nói trú ở nơi hét thảy xứ để làm lợi ích cho chúng sanh là Đạo. Có người nói 4 Thiền là chỗ chí Đạo, vì theo họ thì vào được 4 Thiền khiến tâm chẳng còn bị loạn động. Có người nói Thân Niệm Xứ là chỗ chí Đạo, vì là gốc của hết thảy các lợi ích. Có người nói Vô Lậu Đạo mới là Thánh Đạo. Có người nói thiện, ác đều nhiếp vào trong Thánh Đạo cả v.v…

Kinh Mao Thọ nói: “Phật chánh biến tri, minh liễu lý đạo hơn hết”. Như vậy chỉ có Phật mới có thậm thâm “Đạo trí lực” mà thôi.

Lực thứ tám: Túc mạng trí lực

Hỏi: Thế nào gọi là “Túc mạng trí lực”?

Đáp: Túc mạng trí lực là trí huệ lực biết rõ các việc ở đời trước của mình và của người. Túc mạng trí lực phải hội đủ cả 3 nghĩa. Đó là:

  1. Thông
  2. Minh
  3. Lực

Phàm phu chỉ có “Thông”, chỉ thông suốt được chỗ mình mong muốn theo trí thế gian.

Thanh Văn có cả “Thông”  và “ Minh”, có Vô Lậu Huệ, biết rõ nghiệp nhân duyên.

Chỉ có Phật mới đầy đủ cả “Thông”, “Minh” và “ Lực”.

Thanh Văn, do biết được các nghiệp nhân duyên, nên có cả Thông lẫn Minh. Phải tu đến Đệ Bát Địa, vào được Kiến Đạo, mới có được một phần Túc Mạng Trí Lực. Bởi nhân duyên vậy, nên có thuyết nói rằng: “Thông biến thành Minh, khiến có thể thấy được Căn Bản Trí. Từ đó dẫn sanh Túc Mạng Trí”. Lại có thuyết nói “Do biết tập khí nhân duyên, nên Thông biến thành Minh.”

Hỏi: Phật, khi còn là Bồ Tát, được ly dục rồi, được Vô Sở Hữu Xứ rồi, sau đó mới vào được Thánh Đạo. Như vậy, vì sao lại nói “Trong đêm thành Đạo, Phật bắt đầu được Sơ Minh”?

Đáp: Phật, vì chúng sanh mà nói: “Trong đêm thành Đạo, lúc ban đầu Ta được Sơ Minh”.

Ví như con vua, khi chưa lên ngôi, thì còn gọi là Vương Tử. Khi đã lên ngôi rồi, nhà vua vẫn nói với thần dân rằng: “Lúc ban đầu sanh ra, Ta là Vương Tử”. Phật cũng như vậy. Tuy Thông đã chuyển thành Minh trước đó rồi, nhưng khi được Túc Mạng Minh, Phật nói như vậy cũng chẳng có gì sai cả.

Hỏi: Thông và Minh khác nhau như thế nào?

Đáp: Thông là biết được túc mạng của mình và của người trong quá khứ. Minh là biết được các hạnh nghiệp nhân duyên của mình và của người trong quá khứ.

Thông là biết được việc sanh chỗ này chỗ kia của mình và của người. Minh là biết được các hạnh nghiệp nhân duyên dung hợp của mình và của người.

– Phật dùng Túc Mạng Minh, biết rõ quá khứ của mình và biết rõ quá khứ của từng chúng sanh trong vô lượng kiếp về trước.

– Chỉ có Phật mới có đầy đủ “Túc mạng trí lực”.

Lực thứ chín: Sanh tử trí lực

Hỏi: Thế nào gọi là “Sanh tử trí lực”?

Đáp: Phật dùng Phật nhãn thấy chúng sanh trong vô lượng thế giới thành tựu các nghiệp thiện ác như thế nào, và khi mạng chung sẽ bị các nghiệp lực dẫn sanh ở cảnh giới nào trong các đường sanh tử. Chúng sanh sanh ở đâu, chết ở đâu Phật đều biết rõ cả.

Với Thiên nhãn cũng thấy được chỗ sanh, chỗ chết của chúng sanh, nhưng chỉ hạn chế trong một phạm vi nhỏ hẹp. Ví như Phạm Thiên chỉ thấy trong phạm vị Phạm Thế Giới. Trái lại, với Phật nhãn, Phật thấy được chúng sanh trong vô lượng thế giới.

Lại nữa, Thiên Nhãn chỉ có Thông, mà chưa có được Minh. Còn Phật nhãn có đầy đủ cả Thông lẫn Minh.

Như vậy, chỉ có Phật mới đầy đủ “ Sanh Tử trí lực”.

Lực thứ mười: Lậu tận trí lực

Hỏi: Thế nào gọi là “Lậu tận trí lực”?

Đáp: Phật biết rõ tự mình đã tận đoạn các tập khí, đã được Vô Lậu Tâm Giải Thoát, Vô Lậu Trí Giải Thoát, vĩnh viễn chẳng còn sanh lại nữa. Phật cũng biết rõ nhưng chúng sanh nào đã tận đoạn các tập khí, đã được Vô Lậu Tâm Giải Thoát, Vô Lậu Trí Giải Thoát, vĩnh viễn chẳng còn sanh lại nữa.

Thanh Văn chỉ có tư duy đoạn kiết sử. Trái lại Phật là bậc Nhất Thiết Trí, nên ở nơi Nhất Tâm đoạn sạch hết thảy các chướng, cũng ở nơi Nhất Tâm được hết thảy các pháp. Phật lại dùng trí huệ đoạn hết thảy phiền não cho chính mình và cho chúng sanh.

Trong Kinh Tịnh Thuyết có nói: “Phật, vì chúng sanh, phân biệt 98 sử và 196 triền. Chỉ có Phật mới biết rốt ráo như vậy. Phật dạy chúng sanh tu Khổ Pháp Trí, Khổ Tưởng trí để đoạn các kiết sử, dẫn đến Đạo Tưởng”.

Như vậy, chỉ có Phật mới đầy đủ “Lậu tận trí lực”.

Hỏi: Vì sao nói 10 lực là tối thắng?

Đáp: Người có được 1 trí lực là có thể dung nhiếp được cả 10 trí lực. Nhưng chỉ có người được Lậu tận trí lực mới vào được Niết Bàn. Bởi vậy nên nói 10 trí lực đều là Vô Ngại Giải Thoát.

Hỏi: Chỉ riêng Phật mới có 10 trí lực. Như vậy, các đệ tử của Phật làm sao mà có được?

Đáp: Vì muốn đoạn nghi cho người vô trí, vì muốn họ sanh tín tâm thanh tịnh, nên nói” Chỉ có Phật mới có 10 lực, 4 vô sở úy, mới là bậc có đầy đủ uy đức an lập đại chúng, giáo hóa chúng sanh. Hàng Ngoại Đạo dẫn đến chư Thiên chẳng ai có được như vậy”.

Hỏi: Người đời còn không tự tán thán. Như vậy, vì sao Phật lại tán thán 10 Phật lực?

Đáp: Tự khen, tự chê đều chẳng nên làm, như bài kệ thuyết:

Tự khen và tự chê,
Khen người cũng chê người,
Cả bốn việc như vậy
Người trí chẳng nên làm.

Phật chẳng còn chấp ngã, nhưng vì muốn độ chúng sanh mà nói ra 10 Phật lực. Đây là vì thương xót chúng sanh chẳng phải tự tán thán như vậy. Ví như trước cảnh con buôn gian xảo, phỉnh gạt khách hàng, người có lương tri mạnh dạn nói lên lời chân thật, để khách hàng khỏi bị lường gạt. Ví như người thầy thuốc, thương xót người bệnh nặng, mà cho uống toàn thuốc tốt để người bệnh mau được bình phục. Phật, vì lợi ích chúng sanh, mà nói ra 10 Phật lực chẳng phải vì tự tán thán hay vì danh vọng vậy.

Ví như ánh sáng mặt trời xé tan màn đêm u ám, sưởi ấm muôn loài, khủ trừ các khí độc, đem lại bầu trời trong sáng, an lành và vui tươi. 10 Phật lực có công năng phá tan mê ám của chúng sanh, tăng ích trí tuệ, dẹp sạch tà giáo, nên Phật đã vì hàng Thanh Văn nói ra ý nghĩa của 10 lực.

Phật có đầy đủ 10 Phật lực, nên mới có thể vì đại chúng Trời, Người, quỷ thần nói pháp vậy.

Phật là đấng tối tôn, tối trọng, vì hết thảy chúng sanh tu hết thảy các pháp, nên tự nói ra các pháp, mà chẳng có sợ hãi. Phật trong nhiều đời nhiều kiếp thường sanh trong nhà quyền quý, vương giả nên chẳng có sợ hãi. Chỉ những người ở các nước nhỏ, thường bị đe dọa xâm lăng mới hay sợ hãi; còn Phật sanh ở nước Ca Tỳ La Vệ, giàu mạnh, nên chẳng có sợ hãi. Chỉ những người sắc diện khô cằn mới hay có mặc cảm, hay sợ hãi; còn Phật diện mạo oai nghiêm, tuấn tú nên chẳng có sợ hãi. Chỉ những người nói năng vụng về, ngang ngược mới hay sợ hãi; còn Phật nói ra lời chân thật, không mau, không chậm, nghĩa lý phân minh, khúc chiết, thanh cao, ly dục, không nhiễm trước, vô ngại, giải thoát, nên khi dẫn luận, khi thuyết pháp, Phật chẳng có chút sợ hãi.

Người nghe Phật nói trừ được ngu si, ấm muội, tăng thêm trí huệ, nên hoan hỷ tín thọ, muốn được nghe mãi chẳng có nhàm chán, lại trừ được mê lầm, tội lỗi, nên được thanh tịnh, an ổn.

Phật tùy đối tượng chúng sanh, dùng đủ các thứ thí dụ, đủ các nhân duyên để khai thị Đạo Giải Thoát. Các luận nghị thế gian đều chẳng có thể sánh kịp. Bởi vậy, nên trong bất cứ tình huống nào, Phật cũng chẳng hề có sợ hãi.

Do Phật có đầy đủ 10 Phật lực, nên được đầy đủ Vô Sở Úy vậy.

(Hết quyển 24)