LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 23

Phẩm thứ nhất
 
Thập Tưởng
(10 Quán Tưởng Thuộc Nhóm Vô Thường)

KINH:

– Cũng được đầy đủ mời pháp quán tưởng thuộc nhóm Vô Thường là tưởng về vô thường; tưởng về khổ, tưởng về vô ngã; tưởng về nhàm chán và xa lìa các thức ăn uống, tưởng về thế gian chẳng có gì vui thú; tưởng về cảnh chết; tưởng về các tội lỗi quá sâu dày, tưởng về xuất ly ba cõi; tưởng về đoạn trừ ba độc; tưởng về tận diệt năm ấm.

LUẬN:

Đây là 10 pháp quán tưởng liên tiếp.

1. Tưởng về vô thường (Vô thường tưởng): Tưởng về thế giới cũng như chúng sanh đều vô thường, biến đổi, không bền

2. Tưởng về khổ (Khổ tưởng): Tưởng về hết thảy các pháp hữu vi đều là nhân duyên sanh khổ.

3. Tưởng về vô ngã (Vô ngã tưởng) : Tưởng về hết thảy các pháp hữu vi đều là hư vọng, chẳng có thật, chẳng có tự tánh, nên đều là vô ngã.

4. Tưởng về nhàm chán và xa lìa các thức ăn uống (Yểm ly thực tưởng) : Tưởng về hết thảy thức ăn và thức uống đều là bất tịnh. Do vậy mà chẳng nên chấp đắm. Trái lại phải sanh tâm nhàm chán, xa lìa.

5. Tưởng về thế gian chẳng gì vui thú (Nhất thiết thế gian bất khả lạc tưởng) : Tưởng mọi sự, mọi việc ở thế gian này chẳng gì là vui thú cả.

6. Tưởng về cảnh chết (Tử tưởng) : Như đã trình bày ở phần 9 quán tưởng về thây chết trước đây.

7. Tưởng về các tội lỗi sâu dày (Đa quá tội tưởng) : Tưởng về chúng sanh, từ vô thỉ đến nay, đã tạo ra vô lượng tội khiến phải trôi lăn trong dòng sanh tử.

8. Tưởng về xuất ly (Xuất ly tưởng) : Do nhàm chán cảnh thế gian, tưởng xuất ly 3 cõi, thoát ra khỏi dòng Sanh Tử.

9. Tưởng về đoạn trừ (Đoạn tưởng) : Tưởng về đoạn trừ sạch ba độc tham sân si, dứt sạch các lậu.

10. Tưởng về tận diệt (Tận Tưởng) : Tưởng về tận diệt năm ấm, khiến thân 5 ấm chẳng còn nối tiếp được nữa.

***

Hỏi: Vì sao có lúc gọi TRÍ, có lúc gọi NIỆM, có lúc gọi TƯỞNG?

Đáp: Lúc ban đầu phải dùng TRÍ, để chọn lựa thiện pháp thích hợp. Kế đó phải Niệm, để chuyển tướng, chuyển tâm. Sau cùng, khi đã chuyển tâm rồi, thì gọi là TƯỞNG. Đây là giai đoạn quyết định, chẳng còn nghi ngờ gì nữa cả.

Hỏi: Thế nào là “Tưởng về vô thường”?

Đáp: Dùng trí quán tưởng hết các pháp hữu vi đều là vô thường, đều là do duyên hòa hợp sanh; khi sanh chẳng từ đâu đến; khi diệt chẳng đi về đâu.

Tưởng về vô thường 2 thứ:

-Tưởng chúng sanh vô thường.
-Tưởng thế gian vô thường.

Như bài kệ sau đây:

Chúng sanh cùng thế gian,
Hết thảy đều vô thường.
Núi cao cùng rừng rậm,
Rồi cũng sẽ tán hoại.
sông sâu cùng biển lớn,
Rồi cũng sẽ cạn khô.
Đến trú xứ chư Thiên,
Đến thời, cũng tự diệt.
Vậy ở thế gian này,
Chẳng có gì vĩnh cửu.
Duy chỉ có Như Lai,
Pháp thân thường bất động.
Đến đi đều vô ngại,
Thường tự tại an nhiên,
Trí huệ lực vô thường,
Quang minh chiếu sáng ngời
Soi suốt cả mười phương,
Độ vô lượng chúng sanh.
Oai đức chẳng thể lường,
Vang danh khắp các cõi.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát cũng tu “Tưởng về Vô Thường”?

Đáp: Do chúng sanh điên đảo chấp Thường mà phải chịu biết bao khổ não, nên Bồ Tát phải dùng tưởng về Vô Thường để giáo hóa chúng sanh, chỉ rõ cho họ biết hết thảy các pháp hữu vi đều là vô thường, đều là khổ.

Phật dạy: “Trong 4 Thánh Đế, thì Khổ Đế dẫn đầu. Bởi vậy Bồ Tát phải tu về tưởng Vô Thường, để giáo hóa chúng sanh, chỉ cho họ con đường thoát khổ”.

Hỏi: Có người thấy được Vô Thường, chẳng sanh nhàm chán, mà trái lại còn cố bám víu lấy các lạc thú ở trên cuộc đời này.

Trong kinh có chép mẫu chuyện :

Có một bà Hoàng Hậu ở một nước nọ chết sớm, khiến vị vua sanh ưu sầu, buồn khổ. Quần thần khuyên giải rằng : “Đại Vương chớ buồn khổ nữa. Hoàng Hậu, trước khi sanh ra đời, đã là KHÔNG, nay Ngài chết đi cũng trở về KHÔNG vậy. Chẳng ai có thể thoát được cảnh chết cả”.

Nhà Vua đáp: “Ta cũng biết như vậy, nhưng Ta chỉ lo thời gian trôi qua nhanh quá, rồi đây tuổi trẻ cũng sẽ từ bỏ Ta”.

Như vậy người biết có Vô Thường lại càng sanh thêm nhiều kiết sử nữa. Vì sao nói : “Biết được Vô Thường sẽ sanh nhàm chán; biết được Vô Thường sẽ trừ được các kiết sử ?”.

Đáp: Biết rõ lý Vô Thường chưa đủ. Phật dạy: “Muốn thể nhập lý Vô Thường phải tu tưởng về Vô Thường”.

Hỏi: Thế nào gọi là “Tu tưởng về Vô Thường”?

Đáp: Tu tưởng về Vô Thường là tu các quán pháp hữu vi đều niệm niệm sanh diệt, như gió thổi bụi trần, như nước tuôn xuống dốc. Lại quán các pháp hữu vi đều là như huyễn, như hóa, chẳng bao lâu sẽ tán hoại.

Quán được như vậy là vào được cửa KHÔNG, là được Vô Sở Đắc.

Hỏi: Thế nào gọi là Vô Sở Đắc?

Đáp: Nếu biết rõ, ở nơi mỗi niệm, các tướng Sanh, Trú, Dị, Diệt đều là bất khả đắc, đều là vô thường, thì chẳng thấy có gì “đắc” cả, nên được Vô Sở Đắc vậy.

Hỏi: Vì sao nói “Khổ là Vô Thường”?

Đáp: Như trước đây đã nói “Vì muốn phá chấp Thường, nên Phật thuyết về Vô Thường”. Lại nữa, vì các hàng Ngoại Đạo điên đảo chấp các tà kiến, chẳng rõ các duyên khởi sanh pháp, nên Phật thuyết Khổ Đế để hiển bày lý Vô Thường, nhằm đem họ về chánh tướng, dẫn họ vào đường giải thoát.

Phật dạy: “Người chỉ có danh, chẳng phải thật có. Khi chết rồi, thì danh cũng diệt theo”.

Có 2 pháp quán tưởng về Vô Thường. Đó là:

– Quán tưởng thân sanh diệt là tướng vô thường.

– Quán tưởng niệm niệm sanh diệt ở nơi thân là tướng vô thường.

Người y vào Giới, thì chấp Giới là hơn hết, Người y vào Huệ, thì chấp đa văn là hơn hết, Người y vào Thiền Định, thì chấp Thiền Định là hơn hết. Lại có người chấp 12 Hạnh Đầu Đà là hơn hết… Tất cả những người này đều chấp việc của mình là hơn hết, mà chẳng cầu mong Niết Bàn. Bởi vậy nên Phật dạy: “Tất cả các công đức ấy đều dẫn đến Niết Bàn cả. Thế nhưng, hành giả phải thường quán hết tất cả các quán tu cũng đều là vô thường, mới đến được Niết Bàn. Vì sao? Vì ở nơi hết thảy các pháp chẳng trú chấp mới là tu quán tưởng về Vô Thường vậy”.

Tu quán tưởng về Vô Thường khiến đoạn được dục ái, sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, kiêu mạn, vô minh. Bởi vậy nên Bồ Tát phải học hết thảy các pháp vô thường, dù hữu lậu, dù vô lậu, đề giáo hóa chúng sanh. Vì sao? Vì Bồ Tát phát đại tâm giáo hóa hết thảy chúng sanh, nên phải học hết thảy các pháp.

Hỏi: Các pháp hữu vi là vô thường, dẫn đến sanh các khổ. Các bậc Hiền Thánh cũng hành các pháp hữu vi, cũng thọ khổ chăng?

Đáp: Phàm phu chấp pháp, nên mới sanh khổ. Chư Bồ Tát và chư vị Hiền Thánh chẳng có chấp pháp, nên chẳng sanh khổ.

Hỏi: Các bậc Hiền Thánh cũng có các bệnh. Như vậy có thọ khổ không?

Đáp: Khổ có 2 thứ. Đó là:

  1. Thân khổ.
  2. Tâm khổ.

Các bậc Thánh Hiền có đầy đủ trí huệ, nên chẳng có thọ khổ ở tâm. Thế nhưng, đã thọ thân 4 Đại, có già bệnh, có đói khát, có nóng lạnh…là các ngài cũng có thọ khổ ở thân. Dù có thọ khổ ở thân nhưng các Ngài biết rõ đó chỉ là duyên nghiệp, nên chẳng cho là khổ.

Hỏi: Khổ thọ nhiếp về tâm và tâm sở pháp. Vì sao nói “Các bậc Thánh Hiền chỉ có thân khổ mà thôi”?

Đáp: Phàm phu, khi thọ khổ, thì tâm liền dấy sanh các phiền não. Đây là do vô minh dẫn đạo, nên khi phàm phu thọ khổ ở nơi thân, thì tâm sanh ra đủ thứ khổ: tham khổ, sân khổ, si khổ  v.v… Ví như phàm phu đánh mất một vật gì ưa thích, thì liền sanh khổ não, bức bách, đau xót như bị tên đâm, dao cắt vậy.

Trái lại, các bậc Thánh Hiền chẳng có ưu sầu, khổ não trước cảnh mất mát chia ly… Dẫn đến, khi thân thọ các khổ nóng lạnh, đói khát, bệnh hoạn…cũng chẳng cho là khổ, vì các Ngài biết rõ hết thảy các pháp hữu vi đều là vô thường, lại cũng tự biết rõ, đã có thân là có khổ.

Đối với các bậc Thánh Hiền, thì thân khổ là dư tàn của Tâm Khổ. Vì vô lậu tâm chẳng chấp hữa lậu pháp vậy.

Hỏi: Nếu nói “Vô Thường là Khổ”, thì Đạo cũng Khổ. Như vậy, vì sao lại dùng Đạo để diệt khổ?

Đáp: 5 ấm là vô thường. Chấp 5 ấm là thọ khổ.

Đạo là chân lý, là con đường đưa đến diệt khổ. Không thể nói Đạo là Khổ được.

Các bậc Hiền Thánh biết rõ vô thường là khổ, nên không chấp 5 ấm thân; lại rõ biết rõ vô ngã là như hư không, biết rõ vạn pháp đều do duyên hòa hợp sanh, nên khi Vô Thường đến, các Ngài cũng chẳng thấy có gì là khổ cả.

Ví như, có vị A La Hán, khi được Đạo, đã nói nên bài kệ rẳng:

Ta chẳng tham sự sống,
Lại cũng chẳng muốn chết.
Nhất tâm cầu trí huệ.
Thời đến, ta sẽ đi.

***

Lại nữa, như khi Phật nhập Niết Bàn, Ngài A Nan, vì chưa ly dục, nên khóc lóc thảm thiết. Các bậc A Na Hàm đã ly dục, đều kinh ngạc. Còn các bậc A La Hán, thì tâm chẳng có biến động.

Tuy theo Phật được đại lợi ích, tuy rất tín kỉnh Phật, mà chư vị A La Hán, trước cảnh chia ly, vẫn chẳng sanh khổ. Cho nên biết người đã được Đạo rồi, đã thấu rõ lý Vô Thường rồi, thì chẳng còn thấy khổ nữa.

Phàm phu, do chấp thân 5 ấm, do còn ái trước bà con thân thích, nên khi thấy Vô Thường đến với người thân của mình, thì liền sanh khổ.

Lại nữa, đã thọ thân là có thọ khổ. Chỉ có người si mê, ám trí, chẳng rõ lý Vô Thường, mới chạy theo dục lạc, cố tìm niềm vui trong cảnh khổ vậy.

Như bài kệ sau đây:

Cỡi xe đã thấm mệt,
Mong cầu được nghỉ ngơi
Đứng lâu, chân cũng mỏi,
Mong cầu được ngồi yên.
Ngồi lâu rồi cũng chán,
Muốn được nằm thẳng lưng.
Nằm lâu lại buồn phiền.
Trước sau do sợ khổ.
Nhìn ngó, thở ra vào,
Ngưỡng lên cùng cúi xuống
Nằm ngồi cùng đi đứng,
Chẳng gì là chẳng khổ.

Hỏi: thân 5 ấm cùng hết thảy các pháp hữu vi đều là khổ. Vì sao Phật dạy Khổ Đế là thật khổ?

Đáp: Khổ do thân 5 ấm gây nên là khổ của phàm phu. Do nhân duyên điên đảo là Sanh, Già, Bệnh, Chết bức bách mà sanh khổ.

Phật dạy: “Thọ lạc trong Phật pháp cũng chưa hẳn là thật lạc.

Vì sao? Vì chỗ sanh các thọ cũng là vô định. Vả lại, nếu lạc là thật có, thì chẳng có đợi tâm sanh. Do vì lạc là chẳng thật có nên hết lạc là liền có khổ. Phàm phu điên đảo chạy theo các dục lạc thế gian, khiến ở đời này cũng như ở đời sau phải chịu vô lượng khổ đau.

Bởi vậy nên nói “Lạc là nhân sanh khổ:. Ví như có nhiều dòng suối, tuy đã bị nhiễm chất độc mà nước vẫn còn nhiều trong suối, khiến những người uống nhầm phải rước họa vào thân. Ngay ở bên trong các lạc thú đã có tiềm ẩn mầm mống khổ, mà chúng sanh chẳng có hay biết, nên cứ phải trầm luân mãi trong bể khổ Sanh Tử, Luân Hồi.

Như bài kệ sau đây:

Tận hưởng hết phước Trời,
Lại đọa vào Địa Ngục.
Ở nói chốn thuần khổ,
Nhớ lại cảnh Trời xưa,
Nào cung điện nguy nga
Bao Thiên nữ yêu kiều.
Nào nước biếc trăng thanh,
Vườn rừng đầy hoan lạc.
Nay giam mình hỏa ngục,
Giữa đám lửa thiêu thân,
Như rừng tre bốc cháy,
Khổ đau sao kể xiết !
Tiếc cảnh vui cõi Trời,
Tự than thân, trách phận,
Cũng chẳng có ích gì !
Vô Thường là như vậy.

Hỏi: Vì sao quán tưởng Vô Thường mà thấy được Khổ và Vô Ngã?

Đáp: Do chúng sanh chấp thân 5 ấm làm ngã, mà phải thọ khổ. Nên biết rằng thân này chẳng có tự tại; đến khi mạng chung, thân này sẽ bị hủy hoại. Bởi vậy nên là Vô Ngã.

Phàm phu chấp ngã, nên thọ thân khổ. Các bậc thánh hiền, thường tự tại, nên chẳng chấp ngã. Do chẳng chấp ngã nên các ngài chẳng có thọ khổ vậy.

Như bài kệ sau đây:

Hạng người không trí tuệ,
Do chẳng rõ Vô Thường
Chấp sắc thân làm ngã,
Có thật và kiên cố.
Thân này chẳng tự tại,
Do các duyên hợp sanh.
Khi Vô Thường đã đến,
Toàn thân đều hủy hoại.
Thân này chẳng ai thọ,
Tức là thân vô chủ.
Sở dĩ làm các việc,
Duyên khởi do sáu căn,
Xúc chạm với sáu trần;
Dẫn sanh có sáu thức.
Do có xúc tác duyên,
Khởi sanh ra các pháp,
Dẫn đến thọ các nghiệp.
Tợ lửa trong bầu trời,
Hòa hợp vật dẫn lửa,
Sanh ra có pháp lửa.
Căn, trần, thức hòa hợp,
Tác thành các nghiệp lực,
Tương trợ và tương tục,
Như mồng giống thành cây.
Tướng ngã bất khả đắc,
Hư vọng, chẳng có thật.
Chúng sanh điên đảo chấp
Mỗi pháp đều có tướng,
Như tướng lửa, tướng khói…
Riêng biệt, sai khác nhau,
Do tư duy, trú lượng,
Phân biệt có các pháp.
Thảy đều là sản phẩm
Của tâm và tâm sở.
Ngã tâm chẳng có tướng,
Nên là vô ngã tướng.

Hỏi: Có hơi thở ra vào là có ngã tướng; có tâm niệm vui buồn, thương ghét là có ngã tướng… Do có ngã khơi động, mới có sanh ngã kiến, ngã mạn, ngã ái… Nếu như nói chẳng có ngã, thì chỉ như trâu chẳng có người cỡi. Như vậy, làm sao chế ngự được tâm, làm sao khiến tâm đừng phóng dật, buông lung?

Lại nữa, nếu nói vô ngã, thì chỉ như đất, như gỗ. Như vậy, thì loài hữu tình có khác gì vô tình đâu?

Đáp: Đây là do thức. Có thức, mới có hơi thở ra vào, có thọ mạng, có hay biết…

Nếu thức lìa thân rồi, thì thân cũng chỉ như đất, như gỗ.

Lại nữa, nếu chấp thức là thân ngã, và chấp thân ngã là thường còn, thì thân này chẳng biến hoại. Sự thật chẳng phải như vậy.

Nên biết, hơi thở thuộc về sắc pháp. Còn thức tướng là do gió tâm động mà có, chẳng phải do ngã tướng vậy.

Hỏi: Khi nhập vào Vô Tâm Định, khi ngủ mê mà không mộng, vẫn có hơi thở ra vào mà người trong cuộc chẳng hay biết gì cả. Như vậy, ở các trường hợp này, có thức hay không có thức?

Đáp: Ở trong các trường hợp này, thức vẫn có. Lúc bấy giờ, 6 thức chỉ ngưng hoạt động, và sẽ trở lại hoạt động như cũ, khi xuất định hay khi tỉnh dậy.

Vậy nên phân biệt buồn vui, thương ghét… là thức tướng, chẳng phải là ngã tướng vậy.

Như bài kệ sau đây:

Nếu Ngã là thường còn,
Thì chẳng có đời sau,
Cũng chẳng có pháp sanh,
Chẳng có pháp Giải Thoát.
Nếu ai thấu rõ được
Vô Tướng và Vô Tác,
Thì rõ biết tội phước
Chẳng có người tạo tác,
Chẳng có người thọ lãnh.
Xả ngã và ngã sở,
Liền thoát được các khổ,
Chứng đắc quả Niết Bàn.
Nếu ngã là thực có
Chẳng ai thể xả được
Ngã cũng là Vô Thường,
Thân diệt, ngã diệt theo.
Ví như bờ đê vỡ,
Nước tuôn hết ra ngoài.
Khi chẳng còn chấp ngã,
Tội phước thảy đều tiêu.

Bởi nhân duyên vậy, nên người tu phải quán tưởng về vô ngã. Khi đã chuyển được vô ngã rồi, thì sẽ chẳng còn các triền phược nữa.

Hỏi: Vô Thường, Khổ và Vô Ngã là một pháp hay ba pháp riêng rẽ?

Đáp: Chỉ là một pháp thôi. Thế nhưng, vì chúng sanh còn ở nơi hữu lậu pháp, nên phải phân biệt nói 3 pháp riêng rẽ. Đó là:

  1. Quán tưởng về Vô Thường.
  2. Quán tưởng về Khổ.
  3. Quán tưởng về Vô Ngã.

Phật khai thị 5 ấm là phải xa lìa, nên khi biết rõ 5 ấm là KHÔNG, thì liền thoát được khổ.

Phàm phu do 5 căn xúc trần khởi sanh 5 thức. Rồi 5 thức ngoài cùng ý thức tư duy, trù lượng, phân biệt các trần cảnh, mới sanh ra có ngã tâm, dẫn đến phải thọ vô lượng đau khổ.

Phật thuyết vô thường nhằm dạy chúng sanh đoạn các chấp về thường kiến; thuyết vô ngã nhằm dạy chúng sanh đoạn các chấp về ngã kiến, thuyết khổ nhằm khai thị cho chúng sanh Niết Bàn an lạc.

Hỏi: Thế nào là “Quán tưởng về nhàm chán và xa lìa các thức ăn uống”?

Đáp: Là quán tưởng thức ăn, dù thơm ngon đến đâu, mỗi khi đã qua cửa miệng, đã vào bụng rồi, thì cũng đều trở thành bất tịnh. Lại quán tưởng thức ăn nguyên thuộc về 4 Đại bên ngoài; khi ăn vào biến thành chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng thân, làm tăng trưởng 4 Đại bên trong. Rồi các chất cặn bã thải ra lại trở về với 4 Đại bên ngoài. Quán như vậy sẽ chẳng thấy còn sự khác biệt giữa 4 Đại bên trong và 4 Đại bên ngoài nữa, khiến chẳng còn thấy có thật ngã và thật sở ngã nữa.

Lại quán tưởng bát cơm ta ăn do công lao của bao nhiêu người khác, nào là cày bừa, nào là gieo cấy, nào là bón phân tưới nước, nào là giặt hái xay xát v.v… Quán như vậy sẽ thấy bát cơm ta ăn chẳng phải là của riêng ta vậy.

Hết thảy các thức ăn, thức uống đều như vậy cả, nên ta chớ nên sanh tâm tham đắm.

Người tu hành tự suy nghĩ: “Nếu ta tham ăn, tham uống, thì ta sẽ đọa vào địa ngục, nuốt hòn sắt nóng. Khi ở địa ngục ra, lại phải làm thân trâu ngựa…để đền nợ cũ, hoặc làm heo, làm chó ăn các đồ dơ bẩn. Người xuất gia thường quán như vậy, nên sanh tâm nhàm chán các thức ăn uống. Đã nhàm chán các thức ăn uống, thì cũng sẽ nhàm chán các dục lạc, dẫn đến nhàm chán luôn cả 5 ấm.

***

Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây:

Có một ông Bà La Môn tu pháp tinh khiết, duyên những thứ bất tịnh trong nước. Ông nghĩ nếu ăn đồ khô thì sẽ tránh được các thứ bất tịnh. Lúc bấy giờ, có một bà lão bán một thứ bánh khô rất thơm ngon. Ông Bà La Môn ăn vào liền sanh tâm hoan hỷ. Một thời gian sau, bánh của bà lão chẳng còn mùi thơm ngon như trước nữa. Ông Bà La Môn hỏi bà lão: “Vì sao bánh của bà chẳng còn có mùi vị thơm ngon như trước nữa?”

Bà lão đáp: “Bà chủ của tôi có một mụn nhọt, mỗi ngày phải lấy bột trộn với sữa, cam thảo…đắp lên mới được êm dịu, khỏi nhức nhối. Tôi đã lấy thứ bột ấy để làm bánh nên được hương vị thơm ngon đến như vậy. Nay mụn nhọt của bà chủ đã lành hẳn, tôi chẳng còn thứ bột ấy để làm bánh nữa’’.

Nghe xong ông Bà La Môn, đập đầu, đấm ngực, cố nôn ọe, nhưng cũng chẳng sao nôn mửa ra được. Ông buồn rầu vì đã có người phá pháp môn tinh khiết của ông, bèn giã từ bà lão, quay trở về nước.

***

Người tu hành cũng như vậy. Khi ăn một thức ăn ngon vào miệng, phải nên quán thức ăn ấy vốn từ nơi bất tịnh ra. Nay nếu tham ăn, thì về sau sẽ phải thọ khổ báo. Do vậy mà lìa được “Thực dục”.1, chẳng còn ham đắm vị ngon nữa. Lìa được dục này rồi, thì 4 dục kia là tài, sắc, danh, và thùy cũng dần dần được xả bỏ. Khi đã lìa được 5 dục, thì sẽ xả bỏ được 5 hạ phần kiết sử.

Cũng có thuyết nói đó là : sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục và xúc dục.

Hỏi:Tu 4 tưởng về vô thường, về khổ, về vô ngã, về nhàm chán và xa lìa các thức ăn uống có được tương ưng với Vô Lậu Trí không?

Đáp: Tu 4 pháp quán tưởng ấy chỉ mới vào được Kiến Đạo.

Sau đó phải tu thêm 4 pháp quán tưởng nữa là:

  1. Quán tưởng thế gian chẳng có gì vui thú.
  2. Quán tưởng về cảnh chết.
  3. Quán tưởng về các tội lỗi quá sâu dày.
  4. Quán tưởng về xuất 3 ly cõi.

Tu như vậy mới vào được Tu Đạo tương ưng với Vô Lậu Trí.

Ban đầu, hành giả tu quán Thân Niệm Xứ, quán thân bất tịnh để nhàm chán thân này. Kế đó, lại tu quán về 8 thứ khổ, là: khổ về sanh (Sanh khổ), khổ về già (Lão khổ), khổ về bệnh (bệnh khổ), khổ về chết (tử khổ), khổ về xa lìa người thân (ái biệt ly khổ), khổ về phải gần kẻ oán ghét (oán tắng hội khổ), khổ về mong cầu chẳng được như ý (cầu bất đắc khổ), khổ về 5 ấm chẳng được điều hòa (ngũ ấm xí thạnh khổ).

Lại phải tu quán 3 độc tham sân si là cội gốc của muôn vàn tội lỗi.

Tu quán như vậy rồi, hành giả sẽ thấy được “thế gian này chẳng có gì vui thú”, để rồi khởi sanh nhàm chán thế gian.

Như bài kệ sau đây:

Nơi khí hậu khắc nghiệt,
Nơi hẻo lánh xa xôi,
Nơi thường xảy đao binh,
Nơi triền miên bệnh tật,
Nơi thường xuyên đói khát,
Nơi chẳng ai tu phước…
Đâu đâu cũng đều khổ,
Chẳng nơi nào an vui.

***

Sau đó hành giả lại quán thân này vô thường, sớm muộn gì rồi cũng sẽ chết.

***

Hành giả lại quán chúng sanh, từ vô thỉ kiếp đến nay, đã tạo nên bao tội lỗi, khiến phải trầm luôn mãi trong bể Sanh Tử, Luân Hồi, qua lại trong 3 cõi.

***

Rồi, hành giả nhàm chán thế gian, nhàm chán Sanh Tử, quán tưởng xuất ly ra khỏi 3 cõi.

Hỏi: Tu quán tưởng về “xuất ly 3 cõi” là đủ rồi. Vì sao còn phải tu thêm các quán tưởng về “đoạn trừ 3 độc” và về “tận diệt 5 ấm” làm gì nữa?

Đáp: Với pháp quán tưởng vể “xuất ly 3 cõi”, hành giả có thể bước vào Vô Lậu Đạo.

Tuy nhiên, hành giả còn phải tu quán tưởng về “đoạn trừ 3 độc”, để được sạch hết các lậu; rồi còn phải tu quán tưởng về “tận diệt 5 ấm”, khiến 5 ấm thân chẳng còn nối tiếp được nữa, mới thật sự vào dòng Thánh.

Tu quán tưởng về “đoạn trừ 3 độc’’ dẫn vào Hữu Dư Niết Bàn. Tu quán tưởng về “tận diệt 5 ấm” dẫn vào Vô Dư Niết Bàn.

Như vậy, 3 pháp tu quán tưởng về “xuất ly 3 cõi”, về “đoạn trừ 3 độc” và về “tận diệt 5 ấm” là những pháp phương tiện dẫn vào địa vị Thập Địa Bồ Tát và vào Vô Dư Niết Bàn.

***

Phẩm thứ nhất
(tiếp theo)
 
Thập Nhất Trí
(11 trí)

KINH:

Cũng được đầy đủ 11 trí là: thế trí, pháp trí, tỷ trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tha tâm trí, tận trí, vô sanh trí, như thật trí.

LUẬN:

Đây là 11 trí, từ trí thế gian đến trí xuất thế gian, từ trí hữu lậu đến trí vô lậu.

1- Thế Trí là trí thế gian, hữu lậu.

2- Pháp Trí là trí quán tưởng 4 Đế nơi cõi dục. Quán như vậy sẽ dẫn vào Vô Lậu Trí. Đây là pháp quán trung đạo.

3- Tỷ Trí (hay Loại Trí) là trí quán tưởng 4 Đế ở nơi 2 cõi Sắc và vô Sắc. Đây là pháp tu quán chỗ đồng và chỗ khác nhau giữa 2 cõi này. Quán như vậy sẽ dẫn vào Vô Lậu Trí.

4- Khổ Trí là trí quán tưởng Khổ Đế ở nơi cõi Dục. Dùng trí này quán 5 ấm là vô thường, là khổ, là KHÔNG, là vô ngã. Quán như vậy cũng sẽ dẫn vào Vô Lậu Trí.

5- Tập Trí là quán tưởng Tập Đế ở nơi cõi Dục. Dùng trí này quán các nghiệp khổ báo dẫn chúng sanh vào trong 6 đường. Quán như vậy cũng sẽ dẫn vào Vô Lậu Trí.

6- Diệt Trí là trí quán tưởng Diệt Đế ở nơi cõi Dục. Dùng trí này quán diệu lý đoạn khổ và tập, tức là đoạn các khổ và các nguyên nhân sanh ra khổ. Quán như vậy cũng sẽ dẫn vào Vô Lậu Trí.

7- Đạo Trí là trí quán tưởng Đạo Đế ở nơi cõi Dục, dùng trí này vào được chánh Đạo. Quán như vậy cũng sẽ dẫn vào Vô Lậu Trí.

8- Tha Tâm Trí là trí quán tưởng Tha Tâm và Tha Pháp. Dùng trí này thấy rõ tâm niệm của người khác, từ đó chọn pháp môn nào thích hợp để giáo hóa họ. Quán như vậy cũng sẽ dẫn vào Vô Lậu Trí.

9- Tận Trí (hay Lậu Tận Trí) là trí quán tưởng đoạn dứt các phiền não, kiết sử.Dùng trí này thấy Khổ, đoạn Tập, chứng Diệt, tu Đạo. Quán như vậy cũng sẽ dẫn vào Vô Lậu Trí.

10- Vô Sanh Trí là trí biết rõ ràng 4 Đế, chứng được lý Vô Sanh niệm và Vô Lậu trí huệ.

11- Như Thật Trí là trí như thật biết tổng tướng và biệt tướng của hết thảy các pháp, chẳng gì ngăn ngại.

***

Thế Trí duyên hết thảy các pháp ở nơi cõi Dục.

Pháp trí duyên hết thảy các pháp ở nơi cõi Dục, nhằm đoạn diệt sự ràng buộc của cõi Dục (đoạn Dục giới kế).

Tỷ Trí duyên các pháp ở nơi hai cõi Sắc và Vô Sắc, nhằm đoạn diệt sự ràng buộc của các cõi này.

Khổ Trí và Tập Trí duyên 5 ấm hữu lậu.

Diệt Trí duyên Diệt Đế, dứt trừ các khổ.
Đạo Trí duyên Đạo Đế, dẫn vào Vô Lậu Đạo.
Tha Tâm Trí duyên tha tâm hữu lậu và vô lậu.
Tận Trí và Vô Sanh Trí đều duyên 4 Đế.

***

Trong 10 trí nêu trên đây, có 1 trí hữu lậu, 8 trí kia đều dẫn vào Vô Lậu Trí. Riêng Tha Tâm Trí duyên hữu lậu tâm, mà hữu lậu tâm cũng duyên Vô Lậu Pháp Trí.

***

Khi dùng Pháp Trí và Tha Tâm Trí, là có nhiếp Khổ Trí, Tập Trí, Diệt Trí và Đạo Trí, và cũng có nhiếp một phần Pháp Trí, Tỷ Trí, Thế Trí, Đạo Trí, và cũng có nhiếp một phần nhỏ Tận Trí và Vô Sanh Trí.

– Khi dùng Thế Trí là cũng có nhiếp một phần nhỏ Tha Tâm Trí.

– Khi dùng Tha Tâm Trí, là có nhiếp một phần  Pháp Trí, Tỷ Trí, Thế Trí, Đạo Trí và cũng có nhiếp một phần nhỏ Tận Trí và Vô Sanh Trí.

– Khi dùng Khổ Trí và Pháp Trí, là có nhiếp Tỷ Trí, và một phần nhỏ Tận Trí và Vô Sanh Trí.

– Khi dùng Tập Trí và Diệt Trí thì cũng là như vậy.

– Khi dùng Đạo Trí là có nhiếp Thế Trí, Pháp Trí, Tỷ Trí, Tha Tâm Trí, và một phần nhỏ Tận Trí và Vô Sanh Trí.

– Khi dùng Tận Trí, thì phải có đủ, Thế Trí, Pháp Trí, Tỷ Trí, Tha Tâm Trí, và một phần nhỏ Khổ Trí, Tập Trí, Diệt Trí và Đạo Trí.

– Khi dùng Vô Sanh Trí cũng như vậy.

– Thế Trí tương ưng với 10 căn, trừ huệ căn.

Còn 9 trí kia tương ưng với 8 căn, trừ huệ căn, ưu căn và khổ căn.

***

– Pháp Trí, Tỷ Trí, Diệt Trí và Khổ Trí tương ưng với KHÔNG Tam Muội.

– Pháp Trí, Tỷ Trí, Diệt Trí, Tận Trí và Vô Sanh Trí tương ưng với Vô Tướng Tam Muội

– Pháp Trí, Tỷ Trí, Khổ Trí, Tập Trí, Diệt Trí, Đạo Trí, Tha Tâm Trí tương ưng với Vô Tác Tam Muội.

***

Khi tu về vô thường, về khổ, về vô ngã, thì tương ưng với Thế Trí, Pháp Trí, Tỷ Trí, Diệt Trí, Tận Trí và Vô Sanh Trí.

– Có thuyết nói Thế Trí cũng tương ưng với tưởng về xuất ly.

***

Tu Pháp Trí là có duyên luôn 9 trí, trừ Tỷ Trí.

– Tu Thế Trí, Tha Tâm Trí và Vô Sanh Trí là duyên luôn cả 10 trí.

***

– Khi tu Thế Trí là có đủ 16 tâm hạnh là của 4 Thánh Đế, gọi là 16 thắng hạnh. Khi được 16 thắng hạnh và vào được Vô Lậu Tâm, thành tựu Nhất Thế Trí.

– Nơi đệ nhị tâm tăng khổ trí và pháp trí. Nơi đệ tứ tâm tăng tỷ trí. Nơi đệ lục tâm tăng tập trí. Nơi đệ thập tâm tăng diệt trí. Nơi đệ thập tứ tâm tăng đạo trí. Nếu  được ly dục, thì tăng thêm tha tâm trí, được bất hoại giải thoát, và cũng tăng thêm vô sanh trí.

– Lúc ban đầu, đã ở trong vô lậu tâm rồi, nhưng chưa tu trí. Qua đệ nhị tâm tu 1 trí hiện tại, 2 trí vị lai. Qua đệ tứ tâm tu thêm 2 trí hiện tại, 3 trí vị lai. Qua đệ lục tâm tu thêm 1 trí hiện tại, 2 trí vị lai. Qua đệ bát tâm tu thêm 2 trí hiện tại, 3 trí vị lai. Qua đệ thập tâm tu thêm 2 trí hiện tại, 3 trí vị lai. Qua đệ thập nhị tâm tu thêm 2 trí hiện tại, 3 trí vị lai. Qua đệ thập tứ tâm tu thêm 1 trí hiện tại, 2 trí vị lai. Qua đệ thập lục tâm tu thêm 2 trí hiện tại, 6 trí vị lai.

– Nếu ly dục, thì tu 17 tâm, được 7 trí. Ví như Tu Đà Hoàn, ly dục, ở trong 17 tâm có thêm 7 trí, trừ tha tâm trí, tận trí và vô sanh trí.

– Tu đệ cựu giải thoát tâm là có được 8 trí. Người tu Tín Giải Thoát mà chuyển thành Kiến Đạo, thì ở nơi Trung Đạo song tu, hữu lậu và vô lậu, tu 6 trí, trừ tha tâm trí, thế trí, tận trí và vô sanh trí.  Ở cõi Dục, vào 7 Địa, được Vô Ngại Đạo rồi, thì tu 7 trí, trừ tha tâm trí, tận trí và vô sanh trí.

– Vào Giải Thoát Đạo, thì tu 8 trí, trừ tận trí và vô sanh trí.

– Ly Hữu Đảnh, được Vô Ngại Đạo, thì tu 6 trí, trừ tha tâm trí, thế trí, tận trí và vô sanh trí.

– Bậc Vô Học, có 9 Giải thoát, thì tu cả 10 trí, tu hết thảy thiện căn hữu lậu và vô lậu.

– Có người tu Giải Thoát, được 9 trí, cũng tu được hết thảy thiện căn hữu lậu.

***

Trên đây đã nêu đầy đủ các trường hợp tu 10 trí và tu hết thảy thiện căn hữu lậu và vô lậu như đã trình bày trong A Tỳ Đàm.

***

Lại có thuyết nói tu pháp trí có thể biết rõ các pháp ở nơi cõi Dục, biết 5 ấm là vô thường, là khổ, là KHÔNG, là vô ngã, biết các pháp đều do duyên hòa hợp sanh.

Phật, vì ông Phạm Chí Tu Thi Ma, nói: “Trước hết, nên dùng pháp trí để thấy rõ các pháp, sau đó đã dùng tỷ trí và Niết Bàn trí. Ví như lửa thiêu đốt các vật rồi, mới dùng trí so sánh để biết ở quá khứ và ở vị lai lửa cũng có công năng thiêu đốt như vậy.

Hỏi: Vì sao gọi trí biết tha tâm và tha pháp là tha tâm trí?

Đáp: Tâm là chủ, trí là dụng, nên nói gọn là tha tâm trí. Nếu đã biết rõ tâm người rồi, thì liền biết cần phải dùng pháp môn gì để nói cho họ nghe.

 Hỏi: Vì sao có thuyết nói “thế trí là giả trí” ?

Đáp: Các bậc Thánh Hiền, ở nơi thật trí, biết rõ chúng sanh chỉ là giả danh, chẳng có thật. Ví như cái nhà do nhân duyên của móng, nền, vách, cột, kèo, mái…họp thành, mà giả danh gọi là nhà. Con người cũng như vậy, do nhân duyên 5 ấm hòa hợp mà có ra thân người, nhưng thân người cũng chỉ là giả danh, chẳng có thật nghĩa.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói trí thế gian chỉ là giả trí mà thôi.

Hỏi: Thân 5 ấm là Vô Thường, là khổ, là KHÔNG, là vô ngã. Như vậy vì sao chỉ nói đến Khổ Trí mà thôi?

Đáp: Ở nơi Khổ Đế, nên chỉ nói đến Khổ Trí mà thôi.

Lại nữa, nếu nói là vô thường, không và vô ngã, thì chúng sanh vẫn còn chấp lạc. Bởi vậy nên Phật nói Khổ Đế nhằm dạy chúng sanh xa lìa 5 ấm, biết rõ 5 ấm chỉ là giả danh, chỉ là pháp hữu lậu, chẳng thật có. Mà đã là pháp hữu lậu tức là đã có khổ rồi vậy.

Hỏi: Tiến trình tu các trí như thế nào?

Đáp: Do tu Khổ Trí mà biết rõ các khổ tướng, nhàm chán các khổ, khiến các tập, tức các nhân sanh ra khổ, chẳng sanh được.

Do Tập Trí mà biết rõ các pháp hữu vi đều do duyên hòa hợp sanh và đều là nhân sanh ra các khổ, phải nên nhàm chán, dần dần xa lìa các pháp hòa hợp, vào được Diệt Trí.

– Do Diệt Trí mà biết rõ các pháp thường tịch diệt.

– Do Đạo Trí mà biết rõ các pháp thường thanh tịnh.

– Do Tận Trí mà biết rõ các pháp đều là vô sở hữu.

– Do Vô Sanh Trí mà biết rõ các pháp là chẳng có thật, chẳng có sanh diệt, là tự tánh Không, nên vào được Như Thật Trí.

Như Thật Trí là trí như thật biết hết thảy biệt tướng và tổng tướng của hết thảy các pháp, như thật biết 10 trí đều có tướng, có duyên mỗi mỗi sai khác.

Ở nơi 10 trí mà có Pháp Nhãn và Huệ Nhãn mới là Như Thật Trí. Chỉ có Phật mới đầy đủ Như Thật Trí.

Khi 10 trí đã hội nhập vào Như Thật Trí rồi, thì chẳng còn có danh, chẳng còn có tướng riêng rẽ nữa. Lúc bấy giờ, chỉ còn Như Thật Trí mà thôi. Ví như trăm sông đều có danh, có tướng khác nhau, nhưng khi đã chảy vào biển rồi thì đều mất danh, mất tướng riêng. Tất cả các sông đó đều đã nhập hội về biển, nên lúc bấy giờ chỉ còn có biển mà thôi vậy.

***

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)

Hữu Giác Hữu Quán Tam Muội
Vô Giác Hữu Quán Tam Muội
Vô Giác Vô Quán Tam Muội

KINH:

Cũng được đầy đủ ba Tam Muội, là Hữu Giác Hữu Quán Tam Muội, Vô Giác Hữu Quán Tam Muội, Vô Giác Vô Quán Tam Muội.

LUẬN:

Hết thảy các thiền định đều nhiếp tâm thanh tịnh, nên đều gọi là Tam Muội, hoặc là Tam Ma Đề.

Ví như con rắn ở giữa khoảng trống bò quanh co qua lại, chẳng theo một phương nào nhất định cả. Nhưng khi đã chui vào ống tre, thì nó bò thẳng trong lòng ống tre.

Người tu thiền cũng vậy. Khi tâm hành xứ đã được chánh trực, đoan nghiêm rồi thì sẽ trú được nơi chánh tâm mà vào Tam Muội.

Như vậy mới gọi là Chánh Tam Muội. Trái lại, khi người tu chưa vào được Sơ Thiền, thì còn có giác, có quán. Lên Đệ Nhị Thiền, thì không có giác mà có quán. Khi vào Đệ Tam Thiền mới không có giác và không có quán nữa.

Hỏi: Tam Muội tương ưng với tâm thanh tịnh. Vì sao chỉ nói đến giác và  quán mà thôi?

Đáp: Giác và quán thường làm rối loạn tâm. Dù vào trong Tam Muội rồi cũng rất khó xả giác và quán.

Có thuyết nói: “Tâm có giác, có quán là tâm tán loạn, chẳng có thể vào được Tam Muội”.

Phật dạy: “Vào tam muội mà có giác, có quán, thì ở nơi định tâm, giác và quán cũng sẽ trở thành vi tế, rồi dần dần cũng sẽ được tam muội hoàn toàn”.

Nên biết rằng “Nếu giác và quán sanh trong tam muội, thì cũng sẽ có thể hoại tam muội”. Ví như gió đem mưa đến, thì gió cũng thường làm tan mưa vậy. Hành giả khi mới vào thiền thường sanh thiện giác quán, nhưng khi đã được Sơ Thiền rồi, thì giác chẳng còn nữa. Khi được Đệ Nhị Thiền rồi, thì giác quán đều mất cả, nên vào Đệ Tam Thiền chẳng còn giác quán nữa.

Hỏi: Giác và quán sai khác nhau như thế nào?

Đáp: Thô thì gọi là giác. Tế thì gọi là quán.

Nên biết:

– 3 ác giác quán gồm tham, sân, si.

– 3 thiện giác quán gồm vô tham, vô sân, vô si.

Cả ba thiện giác quán này thường đến với hành giả, khi tu tam muội. Tuy nhiên, nếu giác quán nhiều, thì dễ bị mất tam muội. Cũng như gió thổi đẩy thuyền đi, nhưng nếu gió quá lớn, thì thuyền có thể bị đắm vậy.

Hỏi: Vì sao chỉ nói đến 3 tam muội này?

Đáp: Các tam muội khác vi diệu, nên người mới tu khó có thể vào được.

Ở cõi dục khi chưa vào được Sơ Thiền, hành giả còn có giác, có quán, nên khởi tu Hữu Giác Hữu Quán Tam Muội. Giác quán tương ứng với hết thảy các pháp thiện, bất thiện và vô ký, nên hành giả phải khởi sanh thiện giác quán.

Khi ly được giác quán rồi, thì hành giả mới tu Vô Giác Quán Tam Muội. Lúc bấy giờ, nơi hết thảy sắc tâm chẳng còn tương ưng với các hành và các pháp vô vi.

Tu Hữu Giác Hữu Quán Tam Muội là còn ở cõi Dục, chưa đến được cõi trời Phạm Thiên.

Tu Vô Giác Hữu Quán Tam Muội là, ở trong thiền định, tu lên các cõi trời Đại Phạm Thiên,  ở cõi Sắc.

Tu Vô Giác Vô Quán Tam Muội là, ở trong thiền định, tu lên các cõi trời Quang Âm Thiên, Biến Tịnh Thiên, Quảng Quả Thiên, ở cõi Sắc. Ở nơi đây có thượng diệu tam muội. Vì sao? Vì hành giả tu theo các tam muội KHÔNG. Vô Tướng và Vô Tác, dần dần dẫn đến được Kim Cang Định.

Chư vị A La Hán, Bích Chi Phật ở trong tam muội này quán chư Phật khắp 10 phương, vào Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, và Đoạn Nhất Thiết Nghi Tam Muội, để sau cùng vào Tam Muội Vương Tam Muội, là tam muội của chư Phật.

***

Phẩm thứ nhất
( tiếp theo)

Vị Tri Dục Tri Căn
Tri căn – Dĩ Tri Căn

KINH

Cũng được đấy đủ 3 căn là: Vị Tri Dục Tri Căn (căn chưa biết mà muốn biết); Tri Căn (căn biết)Dĩ Tri Căn (căn đã biết).

LUẬN

Đây là 3 căn dẫn thẳng đến Niết Bàn.

1. Căn chưa biết mà muốn biết (Vị Tri Dục Tri Căn). Tuy chưa được vô lậu mà muốn biết vô lậu. Người tu Tín Hành và Pháp Hành thấy được 4 Đế, gọi là Vị Tri Dục Tri Căn.

Căn này do 9 căn khác hòa hợp đó là 5 căn (Tín, tấn, niệm, định, huệ), 3 căn (hỷ, lạc, xả) và ý căn.

Phải có tín giải mới thấy được Vị Tri Dục Tri Căn.

2. Căn biết (Tri Căn). Khi ở trong Đạo mà tư duy chuyển 9 căn, thì gọi là được Tri Căn.

3. Căn đã biết (Dĩ Tri Căn). Khi 9 căn đã chuyển ở nơi Vô Học Đạo, thì gọi là được Dĩ Tri Căn.

Hỏi: Vì sao trong số 22 căn mà chỉ nói có 3 căn này thôi?

–oOo–

Đáp: Vì 19 căn kia chẳng có lanh lợi, chẳng có đầy đủ. Lại nữa, 3 căn này lanh lợi, dẫn thẳng đến Niết Bàn. Người tu 3 căn này, thì ở nơi các pháp hữu vi thường làm chủ nên 3 căn này thắng hơn các căn khác nhiều.

Hỏi: 10 tưởng cũng có hữu lậu, có vô lậu. Như vậy vì sao chẳng nói đến?

Đáp: 10 tưởng đều là các pháp trợ Đạo, để cầu Niết Bàn. Còn như 5 căn (Tín, tấn, niệm, định, huệ) tuy là thiện pháp, mà chưa rốt ráo cầu Niết Bàn.

3 căn này thanh tịnh rồi mới biến thành 3 Vô Lậu Căn, nhiếp trọn hết thảy các căn khác. Vì sao? Vì trong 3 Vô Lậu Căn này đã có ý căn rồi vậy.

Lại nữa, lúc bấy giờ cả 3 thọ chỉ thu gọn về một, là xả thọ.

Bởi nhân duyên vậy, nên chỉ nói đến 3 căn này thôi.

Người được Vị Tri Dục Tri Căn là người tu ở Đệ Lục Địa. Còn Tri Căn, thì phải lên đến Đệ Cửu Địa mới có được.

Cả 3 căn này đều nhiếp 6 tưởng tương ưng với 4 Đế.

Vị Tri Dục Tri Căn, làm nhân, thứ lớp sinh ra Tri Căn và Dĩ Tri Căn.

 Trong A Tỳ Đàm có nói rõ “Vị Tri Dục Tri Căn thứ lớp chuyển các hữu lậu căn, dẫn sanh Tri Căn và Dĩ Tri Căn”.

Nhờ Vị Tri Dục Tri Căn mà 5 căn (Tín, tấn, niệm, định, huệ) tăng trưởng, chuyển thành 5 lực, dẫn đến rõ biết được Thật Tướng các pháp.

Ví như người vào thai mẹ phải nhờ nơi tinh cha huyết mẹ, mới có được thân căn, có được mạng căn. Rồi khi nào bào thai đã hình thành đủ 5 căn (Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) thì mới duyên được 5 trần.

Bồ Tát cũng như vậy, khi sơ phát tâm muốn làm Phật mà chưa có đủ 5 căn (Tín, tấn, niệm, định, huệ), thì dù có nguyện biết rõ Thật Tướng các pháp cũng chẳng sao biết được. Khi Bồ Tát đã được 5 căn này đầy đủ và tăng trưởng thành 5 lực rồi, thì mới rõ được Thật Tướng các pháp.

–oOo–

Lại nữa, 4 Đại và 4 Đại tạo sắc, phải hòa hợp mới hình thành được các căn và các thức; còn như có 4 Đại và 4 Đại tạo sắc mà chẳng có sự hòa hợp, thì cũng chẳng có thể hình thành được các căn và các thức được. Người tuy đã có Tín căn mà chưa thanh tịnh, thì chưa thành tựu được tín lực. Trái lại, Bồ Tát tin các pháp đều chẳng có sanh,chẳng có diệt, đều như như, thanh tịnh như hư không. Khi Bồ Tát tin như vậy, thì nói năng đều đoạn, tâm hành đều diệt, nên tín căn mới chuyển thành tín lực vậy. Được như vậy rồi, mới thường tinh tấn, chẳng còn thối chuyển, khiến cho các bất thiện pháp chẳng còn sanh nữa.

Cho nên nói “5 lực nhiếp Thật Tướng các pháp” là vậy đó.

– Do tín căn chuyển thành tín lực mà tín tâm được thanh tịnh kiên cố, khiến các bất thiện pháp chẳng còn sanh nữa.

– Do tấn căn chuyển thành tấn lực, mà thường tinh tấn, chẳng thối chuyển trên đường hành Đạo.

– Do niệm căn chuyển thành niệm lực, chỉ nhiếp các thiện pháp, khiến các bất thiện pháp không còn xâm nhập vào được.

– Do định căn chuyển thành định lực, khiến các căn không còn tán loạn, không còn đắm trước 5 dục, chỉ hướng về Thật Tướng Pháp.

–oOo–

Khi năm căn đã trưởng thành, chuyển thành 5 lực rồi thì Bồ tát y nơi ý căn, mà vào Bồ tát vị, được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Như vậy gọi là được Vị Tri Dục Tri Căn.

Khi được Vô Sanh Pháp Nhẫn rồi, Trú Bất Thối Chuyển Địa, được thọ ký, đầy đủ 10 Địa, dẫn đến tọa đạo tràng, được Kim Cang Tam Muội. Trong khoảng thời gian đó gọi là được Tri Căn. Lúc bấy giờ là đã đoạn sạch các tập khí phiền não.

Khi được Vô Thượng Bồ Đề, được trí huệ đầy đủ, vào được nơi Thật Tướng các pháp, thì mới gọi là được Dĩ Tri Căn.