LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 21

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)

Ba Tam Muội: Không, Vô Tướng, Vô Tác.
Bốn Thiền – Bốn Vô Lượng Tâm – Bốn Vô Sắc Định – Tám Bối Xả – Tám Thắng Xứ – Chín Thứ Đệ Định – Mười Nhất Thế Nhập
(Tiếp theo)

V/- 8 Bối Xả

Bối là trái – Xả là bỏ.

8 Bối Xả là 8 pháp quán nhằm xả bỏ cảnh giới thiền định của thế gian, và thành tựu các pháp thiền định xuất thế gian.

8 Bối Xả gồm có:

  1. Trong các sắc tướng, ngoài quán sắc nhằm xả bỏ cảnh giới Sơ Thiền
  2. Trong không có sắc tướng, ngoài quán sắc nhằm xả bỏ cảnh giới nhị thiền.

Quán thanh tịnh sắc, thân tác chứng, nhằm xả bỏ cảnh giới Tam Thiền

  1. và Tứ Thiền.
  2. Quán xả bỏ Hư Không Vô Biên Xứ
  3. Quán xả bỏ Thức Vô Biên Xứ
  4. Quán xả bỏ Vô Sở Hữu Xứ
  5. Quán xả bỏ Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ
  6. Quán xả bỏ Diệt Thọ Tưởng Định

VI/- 8 Thắng Xứ

Thắng ở đây có nghĩa là thù thắng. Khi hành giả tu quán 6 Bối Xả được viên mãn, thì thành tựu được 8 cảnh giới thù thắng gọi là 8 thắng sứ.

 8 Thắng Xứ là 8 pháp quán về cảnh sở quán, cũng như 8 công đức thu nhập được khi tu hành, thù thắng hơn nơi các pháp quán về 8 Bối Xả đã nói trước đây.

 8 Thắng Xứ gồm có:

1/- Trong tuy chưa hoại sắc, quán sắc tướng bên ngoài, nhiều hay ít, xấu hay tốt vẫn đều thù thắng.

2/- Quán hoại sắc tướng bên trong, quán sắc tướng bên ngoài nhiều hay ít, xấu hay tốt, vẫn đều thù thắng.

3/- Nhiếp tâm thâm nhập vào định, quán sắc tướng bên trong, quán sắc tướng bên ngoài, nhiều hay ít, xấu hay tốt, vẫn đều là thù thắng.

4/- Nhiếp tâm thâm nhập vào định, quán hoại sắc tướng bên trong và bên ngoài đều là thù thắng.

5/- Quán sắc xanh thanh tịnh thù thắng.

6/- Quán sắc vàng thanh tịnh thù thắng.

7/- Quán sắc đỏ thanh tịnh thù thắng.

8/- Quán sắc trắng thanh tịnh thù thắng.

VII. 10 Nhất Thế Nhập:

Khi 8 Bối Xả và 8 Thắng Xứ đã hội đầy đủ các duyên, thì hành giả sẽ quán khắp nơi đồng nhất, gọi là Quán Nhất Thế Nhập, cũng gọi là Nhất Thế Xứ.

10 Nhất Thế Nhập gồm có:

1/- Quán sắc xanh cùng khắp.
2/- Quán sắc vàng cùng khắp.
3/- Quán sắc đỏ cùng khắp.
4/- Quán sắc trắng cùng khắp.
5/- Quán đất cùng khắp.
6/- Quán nước cùng khắp.
7/- Quán gió cùng khắp.
8/- Quán lửa cùng khắp.
9/- Quán hư không cùng khắp.
10/- Quán thức tâm cùng khắp

VIII. 9 Thứ Đệ Định:

 9 Thứ Đệ Định là 9 pháp Thiền Định mà hảnh giả thứ lớp tu, từ Sơ Thiền… lên đến Diệt Thọ Tưởng Định.

 9 Thứ Đệ Định gồm có:

1/- Sơ Thiền
2/- Nhị Thiền
3/- Tam Thiền
4/- Tứ Thiền
5/- Hư Không Vô Biên Xứ
6/-Thức Vô Biên Xứ
7/- Vô Sở Hữu Xứ
8/-Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ
9/- Diệt Thọ Tưởng Định

Khi tu được 8 Bối Xả, hành giả sẽ được thâm tâm thanh tịnh, xa rời 5 dục lạc, xả bỏ các tâm chấp trước mà vẫn chẳng hoại nội ngoại sắc. Cũng có khi hành giả xả các nội ngoại sắc tướng.

Tu như vậy, hành giả được 2 thứ Bối Xả là:

  • 1. Quán cả nội và ngoại sắc tướng.
  • 2. Quán nội chẳng có sắc mà ngoại có sắc.

Vì sao phải có 2 cách quán như vậy? Vì chúng sanh thường thuộc trong 2 hạng. Đó là: Ái Hành và Kiến Hành.

– Hạng Ái Hành phần nhiều tham đắm dục lạc, nên bị ngoại cảnh trói buộc, bị kiết sử sai khiến.

– Hạng Kiến Hành, phần nhiều chấp thân kiến, nên bị kiết sử nơi nội tâm trói buộc.

 Bởi vậy nên nhiều người ái hành phải tu quán ngoại sắc bất tịnh, nhằm xả bỏ sự ràng buộc của ngoại cảnh. Còn người nhiều kiến hành phải tu quán tự thân bất tịnh, nhằm xả bỏ sự ràng buộc của các nội kiết sử.

Người mới phát tâm tu hành, vì rất khó nhiếp tâm ở một chỗ nên phải tu quán cả nội lẫn ngoại. Tu tập như vậy nên dần dần được cả nội tâm lẫn ngoại cảnh đều thanh tịnh.

Hỏi: Nếu chẳng có nội sắc tướng, thì hành giả nương vào đâu để quán ngoại sắc tướng.

Đáp: Người học Đạo hiểu Lý Duyên Sanh gọi là được liễu Đạo, nhưng chưa có thể gọi là đắc Đạo. Phải thực hành tu quán niệm. Khi quán thuần phục rồi mới thật gọi là đắc Đạo.

Ví như biết rõ sau khi chết, thân ta sẽ bị chôn vùi dưới đất, bị tan rã, mặc cho các côn trùng rỉa thịt, rúc xương, hoặc bị ngọn lửa thiêu cháy thành tro…, biết rõ thân này sẽ bị hủy hoại, trở thành đất. Như vậy là biết rõ tự thân của ta, rồi đây sẽ tán hoại thành vi trần. Đây là trường hợp quán “Bên trong không có sắc, quán sắc bên ngoài” vậy.

Hỏi: Vì sao trong 8 Thắng Xứ, chi có 2 Thắng Xứ quán thấy nội và ngoại sắc, còn 6 Thắng Xứ kia chỉ quán ngoại sắc mà thôi?

Đáp: Đây cũng như trường hợp 3 Bối Xả đầu, có một Bối Xả chỉ thấy nội sắc, còn 2 Bối Xả kia chỉ thấy ngoại sắc.

Hỏi: Vì sao quán “Bên trong có hoại sắc tướng, mà bên ngoài không có hoại sắc tướng”?

Đáp: Người tu hành quán thấy tướng chết ở nơi tự thân mình, sẽ biết rằng “Sau khi chết rồi, thân này sẽ bị tán hoại để trở về với 4 Đại, mà 4 Đại bên ngoài vẫn không tán hoại”. Bởi vậy nên không nói đến ngoại sắc hoại.

Lại nữa, người tu ly được sắc giới, nên chẳng thấy có ngoại sắc. Ví như khi chứng được pháp Bối Xả thứ 3, thì chứng được tâm thanh tịnh, nên chẳng còn bất tịnh nữa. cũng như người quán được 8 Thắng Xứ là vào được hết thảy Xứ trong định.

Quán 4 Đại thanh tịnh là quán đất, nước, gió, lửa đều thanh tịnh.

Quán 4 màu thanh tịnh là quán xanh, vàng, đỏ, trắng đều thanh tịnh.

Quán xanh thanh tịnh như quán hoa sen xanh,…Quán vàng đỏ và trắng cũng là như vậy.

Thành tựu được các quán như vậy là được Tịnh Bối Xả.

Hỏi: Đã nói đến Tịnh Bối Xả rồi thì còn nói đến 8 Thắng Xứ và 10 Nhất Thế Nhập làm gì nữa?

Đáp: Ban đầu tu 8 Bối Xả, khi đạt được 8 Bối Xả rồi thì tiến tu 8 Thắng Xứ, rồi 10 Nhất Thế Nhập.

Ví như, trong pháp quán bất tịnh, có quán bất tịnh và quán tịnh. Trong quán bất tịnh có 2 Bối Xả và 4 Thắng Xứ. Trong quán tịnh có 1 Bối Xả, 4 Thắng Xứ và 8 Nhất Thế Nhập.

Hỏi: Người tu hành lấy bất tịnh làm tịnh là điên đảo, sao nay lại nói chẳng có điên đảo?

Đáp: Ví như sắc là bất tịnh mà cho là tịnh là thật điên đảo. Trái lại, người tu hành khi đã được thanh tịnh rồi mà quán hết thảy sắc đều là giả danh, đều là bất tịnh, thì chẳng còn gì là điên đảo nữa. Vì sao? Vì tất cả đều do tâm tịnh quán mà có vậy. Người tu hành do tịnh quán mà biết rõ thân này sẽ trở thành 4 Đại, chẳng nên chấp. như vậy là không điên đảo.

Khi đã nhàm chán thân bất tịnh rồi thì tham, sân, si cũng tự tiêu diệt, hành giả sẽ được tỉnh ngộ, nên chẳng còn gì để đắm trước nữa. Hành giả lại nhiếp tâm thật quán để điều hòa thân. Hành giả rõ biết thân này do các duyên hòa hợp mà có, khi các duyên ly tán, thì thân này cũng tự tan rã, cho nên chẳng có đắm trước thân và cũng chẳng rong ruỗi theo 6 trần.

Bởi nhân duyên vậy, nên trong bước đầu tu tập 8 Bối Xả, hành giả quán bộ xương trắng (bạch cốt), quán mây trắng (bạch vân)…tùy theo các tướng mà quán nhằm đưa tâm trở về bản thể thanh tịnh.

Khi các sắc đã được thanh tịnh rồi, hành giả sẽ được tâm thanh tịnh, sanh hỷ lạc khắp toàn thân. Như vậy gọi là được Tịnh Bối Xả, cũng gọi là thân chứng được 6 tâm Bối Xả (6 căn và 6 trần thanh tịnh). Vì sao? Vì đã xả 5 dục, chẳng còn ham thích 5 dục nữa nên được Tịnh Bối Xả vậy.

Trong thời gian tu, nếu còn sanh kiết sử thì hành giả phải thanh tịnh quán các sắc, nhằm đoạn trừ tâm chấp trước. Vì sao? Vì các kiết sử do tâm chấp sanh ra. Ví như nhà huyễn sư làm ra các huyễn vật, rõ biết các huyễn vật ấy do mình tạo tác ra, nên chẳng sanh tâm vọng chấp vậy.

Khi tu 8 Bối Xả thuần thục rồi, thì sẽ được 8 Thắng Xứ, nghĩa là đạt được 8 cảnh giới thù thắng.

Nếu ở nơi tịnh quán mà Thắng Xứ chưa được rộng rãi, thì hành giả phải dung sức Bối Xả và sức Thắng Xứ, để quán 4 Đại là đất, nước, gió, lửa biến khắp hư không, lại quán 4 màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng cũng biến cùng khắp hư không, lại quán hư không cùng khắp, quán thức tâm cùng khắp. Như vậy là được 10 Nhất Thế Nhập (cũng gọi là 10 Nhất Thế Xứ).

Sau đó hành giả lại quán các sắc tướng, chuyển biến được các sắc tướng ấy từ xấu, tốt, từ không xấu, không tốt… một cách vô ngại.

Hỏi: 8 Bối Xả, 8 Thắng Xứ, 10 Nhất Thế Nhập là thật quán hay là giả quán? Nếu là thật quán thì vì sao thân có da có thịt…mà chỉ quán bộ xương trắng? Vì sao ở nơi thân có đủ 36 thứ dơ, mà chỉ quán có một tướng đất mà thôi?

Đáp: Có cả thật quán và giả quán.

Ví như quán thân vốn là bất tịnh là thật quán, quán thân do 4 Đại duyên hợp mà thành là thật quán, quán da, thịt, xương…đều là đất, và sẽ trở về với đất, quán nước mắt, nước mũi, nước miếng, mồ hôi, nước tiểu, máu,…đều là nước, quán hơi thở ra vào…đều thuộc về gió, quán khí nóng…thuộc về lửa. Quán như vậy là thật quán.

 Còn như quán bộ xương trắng, quán màu trắng có khắp cả 10 phương hư không là giả quán. Cũng như quán đất, nước, gió, lửa, quán xanh, đỏ, vàng, trắng ở cùng khắp 10 phương hư không đều là giả quán.

Muốn được 8 Bối Xả, hành giả trước đó phải tu 4 Vô Sắc Định. Các bậc Sa Môn, do tu 8 Bối Xả nên tuy thường duyên sắc mà chẳng hề chấp tướng sắc. Vì sao? Vì biết sắc tướng thanh tịnh biến khắp cả 10 phương hư không.

Hỏi: 8 Bối Xả và 4 Vô Sắc Định khác nhau như thế nào?

Đáp: Phàm phu được 4 Vô Sắc Định tự cho mình đã đắc pháp rồi, nên chấp chặt quả vị ấy. Còn các vị Thánh Hiền khi đã được 4 Vô Sắc Định rồi, liền xả, vì sao?

Vì biết đó cũng chỉ là dư tàng của thức mà thôi.

Như vậy, người tu 8 Bối Xả tuy đã được đầy đủ Không Vô Biến Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ rồi, đều xả tất cả. Lại quán ngược lại vơi Diệt Thọ Tưởng Định, nên gọi là Diệt Thọ Tưởng Bối Xả.

Hỏi: Vì sao không gọi Vô Tưởng Định là Tưởng Xả?

Đáp: Người chấp tà kiến, không tu các pháp Bối Xả mà thẳng vào trong định, cho đó Niết Bàn, trú chấp nơi đó nên bị đọa. Về sau, nếu biết mình sai lầm sẽ sanh tâm luyến tiếc.

Riêng Vô Tưởng Định thì không bị đọa.

Phàm phu do còn kiến chấp nên không được 8 Bối Xả. Vì sao? Vì do nhàm chán sự náo loạn mà muốn tìm sự an lạc trong định, rồi lại tưởng mình đã thân chứng Niết Bàn vậy.

Người tu 8 Bối Xả, quán nội và ngoại sắc tướng như sau:

Về quán nội sắc:

– Quán nội sắc xấu hay tốt.

– Quán nội sắc xấu, tốt nhiều hay ít.

– Quán nội sắc xấu, tốt nhiều hay ít, bất kể.

– Không còn biết đến sắc xấu hay tốt nữa.

Về quán ngoại sắc:

– Quán phân biệt các màu xanh, vàng, đỏ, trắng

– Quán phân biệt màu nhiều, màu ít

– Quán không phân biệt màu nhiều màu ít

– Quán chẳng cần biết đến các màu nữa.

– Quán như vậy lâu ngày sẽ dẫn đến định, khiến được như như tịch tịnh.

Tuy nhiên người tu cần phải biết rõ:

– Nếu quán nội sắc nhiều ngoại sắc ít, thấy nội thân bất hoại, thì đó là quán ít (thiểu quán). Do vì thiều duyên quán, nên pháp tu chưa được tăng trưởng.

– Nếu duyên quán nhiều thì đó là quán nhiều (đa quán). Người sơ học quán như vậy sẽ khó được nhiếp tâm.

– Lại có người quán thân tướng bất tịnh, quán nội thân lẫn ngoại sắc đều do các thiện ngiệp hay bất thiện nghiệp duyên khởi tác thành, rồi nương theo các tướng mà quán.

– Lại có người quán ngoại sắc bất tịnh, cho đó là xấu. Sau đó hoặc do lãng quên, hoặc do hối tiếc, trở lại quán ngoại sắc đó là thanh tịnh đó là tốt.

– Phải nên biết rằng, nếu hành giả nhiếp cả thân lẫn tâm vào một chỗ nơi ngoại sắc, thì thường xảy ra hai biến chứng. Đó là: thường hay sanh dâm dục, hoặc thường hay sanh sân nhuế.

Trái lại, người tu hành đoan chánh, nên không sanh tâm dâm dục, và ở nơi sắc cũng không sanh tâm sân nhuế. Vì sao? Vì đã rõ biết thân do 4 Đại duyên hợp tạo thành, chỉ ví như bọt nước, chẳng có bền chắc. Bởi vậy, nên dù ở nơi cảnh tốt đẹp hay xấu xa, hành giả vẫn an trú ở nơi cảnh bất tịnh cũng vẫn an nhiên tự tại. Đây là do đã đoạn sạch kiết sử, đã hàng phục được hết các phiền não, nên mới được cảnh thù thắng, được Thắng Xứ vậy.

Hỏi: Làm thế nào người tu hành có thể quán cả nội sắc lẫn ngoại sắc được?

Đáp: Vì 8 Thắng Xứ đã thâm nhập nội tâm, nên khi thấy nội thân bất tịnh, thì đồng thời cùng thấy được ngoại sắc bất tịnh.

Quán nội thân bất tịnh có 2 cách:

Quán 36 thứ dơ bẩn ở nơi thân đều bất tịnh cả.

Quán thân này sau khi da thịt tan rã, lục phủ ngũ tạng bị hủy hoại rồi thì chỉ còn bộ xương trắng mà thôi.

Phải nên biết quán 36 thứ dơ bẩn nơi thân là quán xấu (xú quán) còn quán bộ xương trắng như vỏ ốc là quán tốt (hảo quán).

***

Trong A Tỳ Đàm nói:

Hành giả quán thân, sau khi chết sẽ bị đem đi chôn vùi dưới đất, hoặc đem đi hỏa thiêu, hoặc bị côn trùng rúc rỉa nên quán thấy toàn là đất, toàn là lửa, toàn là côn trùng… chẳng còn thấy thân nữa. Hành giả được giải thoát vì đã quán ở bên trong chẳng có sắc, ở bên ngoài thì sắc chẳng có hoại.

Lại nữa, khi quán thân là xương trắng (bạch cốt) rồi, nếu để tâm duyên nơi khác, thì phải liền nhiếp tâm về bộ xương trắng. Từ nơi pháp quán này, hành giả quán thấy toàn cõi Diêm Phù Đề cũng chỉ toàn là xương trắng, nên chẳng còn phân biết tướng Nam, tướng Nữ; ở nơi tướng Nam cũng như tướng Nữ đều thấy được tướng tinh khiết. Quán như vậy nên được Thắng Xứ. Đây cũng giống như người cỡi ngựa, nếu kiềm chế được ngựa gọi là thắng, cỡi được ngựa phá được quân giặc gọi là thắng. Cũng như vậy, người tu hành dung pháp quán bất tịnh mà phá được 5 dục nên gọi là thắng vậy.

Hỏi: Quán xanh, vàng, đỏ, trắng nơi các Thắng Xứ, và quán xanh, vàng, đỏ, trắng nơi các Nhất Thế Nhập có gì khác nhau?

Đáp: Trong khi quán tất cả màu xanh, mà hành giả duyên tất cả màu xanh là thanh tịnh, thù thằng, thì được Thắng Xứ. Khi đã được Thắng Xứ rồi, hành giả lại duyên màu xanh cùng khắp, thì được Nhất Thế Xứ (cũng gọi là Nhất Thế Nhập)

Quán vàng, đỏ, trắng cũng là như vậy.

Tóm lại, khi 8 Bối Xả và 8 Thắng Xứ được duyên đầy đủ rồi gọi là Nhất Thế Nhập (cũng gọi là Nhất Thế Nhập).

Hỏi: Vì sao Vô Sở Hữu Sứ và Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Sứ lại không được gọi là Nhất Thế Xứ?

Đáp: Khi tâm được tỏ rõ, an ổn, khoái lạc rồi thì tướng tâm rộng lớn vô biên.

Phật dạy: “Trong hết thảy Xứ đó điều có thức duyên hết thảy các pháp. Trong hết thảy pháp đó đều thấy thức duyên rõ rang nên được gọi là Nhất Thế Xứ”

Vô Sở Hữu Xứ chẳng được như vậy nên không được gọi là Nhất Thế Xứ. Còn Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ, thì tâm rỗng lặng, khó thủ được tướng rộng lớn nên cũng không được gọi là Nhất Thế Xứ.

Hư không Vô Biên Xứ ở gần sắc xứ hay duyên sắc, thức vô biên xứ cũng hay duyên sắc. Khi khởi thức vô biên xứ hay siêu nhập vào tứ thiền. Tứ thiền khi khởi, cũng hay siêu nhập vào thức Vô Biên Xứ. Bởi vậy nên Hư Không Vô Biên Xứ và Thức Vô Biên Xứ đều gọi là Nhất Thế Xứ.

Trái lại, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ xa rời Sắc và Không nên chẳng được gọi là Nhất Thế Xứ.

***

Chỉ có 3 Bối Xả thứ nhất, thứ 2 và thứ 3 có vận hành duyên xứ, nên có Thắng Xứ và Nhất Thế Xứ. Ví như tu Bối Xả thứ nhất và thứ hai là tu Bối Xả mà có Thắng Xứ ở Sơ Thiền và Nhị Thiền, tu Tịnh Bối Xả, tức Bối Xả thứ ba, có được 4 Thắng Xứ dẫn đến Nhất Thế Xứ. Khi vào được trong Tứ Thiền rồi, thì nhiếp được hai Thắng Xứ là Không Xứ và Thức Xứ. Thức Xứ cũng nhiếp được 3 Bối Xả cùng 8 Thắng Xứ.

***

7 Bối Xả đều có duyên Dục Giới. Riêng Bối Xả thứ 8 do duyên Vô Sắc Giới và vô lậu pháp nên có diệu công đức ở nơi căn bản thiện. Vì sao? Vì Vô Sắc Giới vốn không có duyên Hạ Địa, nên khi vào được Diệt Thọ Tưởng Định, thì chẳng còn có tâm và tâm sở pháp. Do vậy mà không có duyên Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ. Tu Bối Xả ở nơi đây chỉ 4 duyên vô sắc ấm và vô lậu pháp mà thôi.

Hỏi: Thế nào gọi là 9 Thứ Đệ Định?

Đáp: Người tu hành thứ lớp và Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, Phi Hữu Tưởng Phi Vô Xứ Định, dẫn đến Diệt Thọ Tưởng Định, mà không để cho các tạp tâm xâm nhập. Tu thứ lớp như vậy gọi là tu 9 Thứ Đệ Định.

Hỏi: Tu các pháp môn khác cũng có thứ đệ. Sao chỉ nói đến 9 Thứ Đệ Định mà thôi?

Đáp: Vì công đức của 9 Thứ Đệ Định chẳng có gián đoạn. Hành giải phải thứ lớp tu lên dần, chẳng bao giờ có tạp niệm xen vào.

Tu 9 Thứ Đệ Định được thân tâm an định, trí tuệ tăng trưởng. Người tu hành tự biết mình được vào Sơ Thiền, rồi thứ lớp vào Nhị Thiền, vào Tam Thiền, vào Tứ Thiền..v.v…Chẳng cho bất cứ một niệm nào khác xen vào. Do vậy mà được nhất tâm tinh tấn huân tập và tăng trưởng các công đức, dung tâm nhu nhuyến đoạn các ác pháp. Ở nơi tâm niệm, hành giả thấy rõ từng niệm một, biết rõ các niệm là hữu lậu hay là vô lậu.

Người tu thiền, nếu chưa đạt được chỗ nầy là chưa được tâm kiên cố vậy.

Các bậc Thánh Hiền đều đã được như vậy, nên được tâm kiên cố, vững mạnh, thành tựu vô lượng công đức.

***

Đến đây, 8 Bối Xả 8 Thắng Xứ, 9 Thứ Đệ Định và 10 Nhất Thế Nhập đã được trình bày xong.

Phẩm thứ  Nhất
(Tiếp theo)
Cửu Tưởng
(9 Quán Tưởng Về Thây Người Chết)

KINH:

Cũng được đầy đủ 9 pháp quán tưởng về thây chết là: tưởng thây sình chương, tưởng thây bị nứt nẻ, tưởng máu mủ ứ đọng nơi thây, tưởng thây rục rã, tưởng thây màu xanh chàm, tưởng thây bị giòi bọ rúc rỉa, tưởng thây tan nát, tưởng thây còn lại đống xương trắng, tưởng thây bị thiêu thành tro.

LUẬN:

Hỏi: Người tu hành phải quán 9 tưởng ấy để ly dục rồi mới vào thiền định, hay là được các thiền định rồi mới quán 9 tưởng ấy?

Đáp: Trước phải tán thán các phước báo để người mới vào được hoan hỷ, sanh tín tâm thanh tịnh, rồi sau mới dạy cho họ quán 9 tưởng này.

Hỏi: Quán 9 Tưởng có hiệu lực như thế nào?

Đáp: Người tu hành, trì giới thanh tịnh, mới dễ thọ 9 quán tưởng này.

Khi quán thấy người chết cứng lạnh, bất động, bặt dứt hơi thở, rất đáng ghê rợn, người tu hành sanh tâm nhàm chán, liễu ngộ lý Vô Thường, khiến ly được 5 dục.

Như bài kệ thuyết:

CHẾT chẳng chọn giàu nghèo,
Chẳng phân thiện và ác,
Người sang và kẻ hèn
Người già và trẻ nít.
Cầu xin cũng chẳng tha,
Dối trá cũng chẳng thoát,
Trốn đâu cũng chẳng được,
Chẳng ai tránh khỏi CHẾT.
“Ái biệt ly” là khổ,
Nhưng ai cũng phải chịu.
Người người đều sợ CHẾT,
Nhưng chẳng ai tránh khỏi.
Làm người nên nhớ nghĩ:
Chớ nên đắm năm dục,
Nếu CHẾT đến bất kỳ,
Như trâu dê chẳng khác.
Đã được sanh làm người,
Đã biết phân tốt xấu,
Phải cầu Đạo Cam Lồ,
Ra khỏi biển sanh tử.
Lại có bài kệ thuyết:
Thân người rất khó được,
Nay sinh được làm người,
Đủ sáu căn, sáu tình,
Thông minh, nhiều trí tuệ,
Nếu chẳng cầu Đạo pháp,
Chẳng dùng phương tiện trí,
Tu các thiện nghiệp đạo,
Thật hổ danh người trí.
Nếu chẳng làm việc lành,
Lại buông lung, phóng túng,
Vô luôn, đắm năm dục,
Tuy người, chẳng khác thú.
Trước chẳng tu thiện nghiệp,
Phải đọa ba đường ác;
Nay được lại thân người,
Phải lo tu công đức.
Hãy quán sát tận mắt:
Thây người chết sình chương,
Như đãy da thổi phồng,
Đầy máu mủ tanh hôi.
Hãy quán thân phù du:
Vón xưa kia đẹp đẽ,
Da dịu mát, thơm tho,
Mũi thẳng, vòm trán cao;
Nay đến thời hủy hoại,
Tan rã và tanh hôi;
Nếu đem chôn xuống đất,
Côn trùng đến rúc rỉa;
Nếu đem phơi trên núi,
Chim thú đến tranh ăn.
Người tu quán như vậy
Liền sanh tâm nhàm chán.
Thây trải qua năm tháng,
Xương gân đều rời rã.
Chẳng còn tướng phân biệt,
Chẳng còn tướng nam nữ.
Thân do thân hợp sanh,
Lại theo duyên ly tán.
Thân tướng xưa yêu quí,
Giờ đây chẳng còn nữa.
Da thịt hủy hoại hết,
Chỉ còn nắm xương khô.
Người tu quán như vậy
Liền được tâm ly dục.

Lại nữa người tu hành quán tưởng về bộ xương trắng (bạch cốt tướng) theo 2 góc cạnh khác nhau: Tịnh và bất tịnh.

Quán tịnh là quán bộ xương sạch, chẳng còn dính thịt, dính mỡ. Toàn bộ xương màu trắng tinh như tuyết.

Quán bất tịnh là bộ xương còn dính thịt, dính mỡ. Bộ xương như vậy, trông nhầy nhụa, tanh hôi.

***

Lại nữa, người tu hành quán thấy người chết đem đi thiêu. Quán thấy từng phần thi thể cháy khét, rồi tưởng nhớ lại người đó trước đẹp đẽ yêu kiều, hương hoa xông ướp, nay chỉ còn vỏn vẹn một nhúm tro tàn.

Người tu hành, nhờ quán 9 tưởng như vậy, mà liễu ngộ được lý Vô Thường, đoạn dứt được phiền não, dập tắt được lửa dâm.

Hỏi: Nhóm Vô Thường cũng có 10 tưởng có công năng diệt được tâm dâm dục sao không nói đến?

Đáp: Đúng như vậy, nhóm Vô Thường cũng có 10 tưởng, có công năng diệt được tâm dâm dục, và diệt được 3 độc (tham, sân, si) 10 tưởng ấy sẽ được nêu rõ ở quyển 23.

Hỏi: 2 nhóm tưởng khác nhau như thế nảo?

Đáp: Người chưa vào được thiền định, còn bị tham sân si mê hoặc, nên phải dùng 9 quán tưởng về thây người chết.

Trái lại, người đã vào được thiền định, tâm đã được nhu nhuyến, dùng các quán tưởng của nhóm vô thường để diệt trừ tận gốc tâm dâm dục vậy.

Có thuyết nói “9 quán tưởng về thây người chết ví như dây trói giặc, còn 10 quán tưởng của nhóm Vô Thường ví như gươm bén đâm chết giặc, tận trừ hậu họa”

Lại có thuyết nói “9 quán tưởng cũng như 10 quán tưởng, nêu trên đây, đều có công năng giúp hành giả ly dục, dẫn đường đến Niết Bàn”. Vì sao? Vì dù dùng 9 quán tưởng hay 10 quán tưởng, hành giả cũng đều quán thân người là vô thường, là hủy hoại, nay còn đi đứng, nằm ngồi, ăn uống,..nhưng chẳng bao lâu nữa cũng sẽ phải chết. Thân này sau khi chết, sẽ bị hủy hoại như miêu tả nơi 9 quán tưởng. Thân này bị hủy hoại tức là vô thường. Đã là vô thường thì là khổ, chẳng có được tự tại nên là vô ngã. Hành giả quán như vậy, nên chẳng còn chấp đắm các thức ăn ngon. Vì các thức ăn dù thơm ngon đến đâu sau khi qua cửa miệng, xuống đến bụng cũng đều biến thành bất tịnh cả.

Lại có thuyết nói “quán 9 tưởng là quán cảnh chết đương nhiên sẽ đến với mình, nên hành giả sanh nhàm chán các dục lạc thế gian, đoạn được các phiền não, quán triệt 5 ấm đều không, dẫn đến được thoát ly sanh tử, vượt ra khỏi ngục tù của 3 cõi. Lấy 9 tưởng làm nhân tu sẽ được diệu quả là 10 tưởng vậy”.

 Trong kinh có nói  “Cả 2 nhóm tưởng đều là Cam Lồ vị. Tu 9 tưởng sẽ trừ được các nhiểm hoặc, không còn chấp đắm các dục lạc của thế gian, không còn bị các sắc trần mê hoặc nữa. Tu 9 tưởng để quán thấy thân người sống rồi cũng sẽ trở thành nắm xương trắng, cho nên chẳng còn thấy ai đáng để mình phải si mê, đáng để mình phải ái sủng cả. Do quán như vậy, mà dần dần ly được dục tâm, tu được bất tịnh quán, dẫn đến thành tựu được tịnh tưởng vậy. Khi tham dục đã giảm, thì sân cũng nhẹ, si cũng mỏng, nên hành giả vượt qua được 98 kiết giả, vào được Kim Cương Tam Muội, phá nát níu phiền não. Như vậy là do tu 9 quán tưởng, và tu quán bất tịnh, mà hành giả thành tựu được đại sự nghiệp vậy. Ví như người đang bị trôi dạt giữa biển lớn mà ôm được thây người chết cũng có thể đưa vào bờ an toàn”.

Hỏi: 9 tưởng nhiếp về Niệm Xứ vào trong 4 Niệm Xứ?

Đáp: Ở cõi Dục chúng sanh duyên sắc thân, nên 9 tưởng nhiếp về Thân Niệm Xứ.

Lại nữa, do 9 tưởng nhiếp về cõi Dục nên người đã ly dục không tu 9 tưởng.

Cũng nên biết “tu 9 tưởng dẫn đường vào 37 Phẩm Trợ Đạo, tu 37 Phẩm Trợ Đạo dẫn đường vào Niết Bàn: vào Niết Bàn là ly hết thảy các khổ não, diệt duyên sanh ấm, thọ Niết Bàn thường lạc”.

Hỏi: Hàng Thanh Văn do nhàm chán sanh tử mới tu 9 tưởng để chóng vào Niết Bàn. Còn Bồ Tát vì thương xót chúng sanh, không vào Niết Bàn. Như vậy vì sao Bồ Tát cũng tu 9 tưởng?

Đáp: Bồ Tát thấy chúng sanh chìm đắm trong bể khổ, mà chẳng tự biết khổ, chẳng tự diệt khổ, nên vì thương xót chúng sinh mà tu 9 tưởng để dạy chúng sanh tu 9 tưởng vậy.

Lại nữa, Bồ Tát vì thương xót chúng sanh, tu học hết thảy các pháp. Bồ Tát tu 9 tưởng để tự nhàm chán thân 4 Đại, và dạy cho chúng sanh nhàm chán thân 4 Đại. Bồ Tát cùng tu vô thường, tu Bất Tịnh Quán để tự mình phá các chấp điên đảo, dạy cho chúng sanh phá các chấp điên đảo, dạy cho chúng sanh thấy rõ thân là bất tịnh, là vô thường, là do duyên hòa hợp sanh, chẳng có tự tánh, là Không, là vô tướng vậy.

Trong kinh nói: “Nếu thấy sắc là vô tướng thì chẳng nên đắm sắc. Nếu quán được sắc thân là vô tướng, thì chẳng nên đắm chấp sắc thân, mà trái lại phải nhàm chán sắc thân. Quán được như vậy thì dù ở ngay trong sắc thân mà vẫn xuất ly sắc tướng, dù ở ngay trong sắc thân mà vẫn quán được sắc tướng là vô tướng, để tìm đường đến giải thoát, giác ngộ.

Do nhân duyên tịnh quán, nên Bồ Tát phát đại nguyện đồng cư với chúng sanh trong đời “năm trược” mà chẳng có chìm đắm trong tướng bất tịnh, cũng như chẳng có tham đắm tướng Niết Bàn”.

Như vậy là Bồ Tát phân biệt rốt ráo nghĩa của 9 quán tưởng.

 ***

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
Bát Niệm
(8 Niệm)

KINH:

Cũng  được đầy đủ 8 niệm là: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm xả, niệm Thiên, niệm hơi thở ra vào, niệm chết.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao tu 9 tưởng rồi, sau đó mới tu 8 niệm?

Đáp: Các đệ tử của nhà Phật tìm chỗ vắng lặng, đồng không, nhà trống, mồ hoang, rừng rậm, núi cao để tu 9 tưởng

Khi đã nhàm chán thân rồi, thì phải tu Tịnh Tưởng.

Phật dạy các Tỷ Kheo rằng: “Này các Tỷ Kheo ! Khi ở chốn đồng không, nhà trống, mồ hoang, rừng rậm, núi cao tu 9 tưởng mà sanh tâm sợ hãi, thì các ngươi phải niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Niệm như vậy các ngươi liền được tâm thanh tịnh, giải tỏa được các niềm sợ hãi. Nếu các ngươi không niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, thì phải tìm đến các đệ tử của Phật, chấp tay cung kính, lễ bái, cúng dường. Như vậy các niềm sợ hãi cũng liền được tiêu diệt”.

Phật lại dạy các Tỷ Kheo rằng: “Hàng chư Thiên chiến đấu với A Tu La, khi lâm trận, niệm “Thất Bảo Tràng”, khiến các niềm sợ hãi liền tiêu diệt.

Do nhân duyên “8 niệm trừ được khủng bố, sợ hãi”, nên Phật dạy các đệ tử thường phải tu 8 niệm.

Hỏi: Trong kinh nói “Do nhân duyên niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng mà trừ được các sợ hãi”. Nay vì sao nói phải tu 8 niệm?

Đáp: Tỷ Kheo niệm bố thí, niệm trì giới, niệm nhẫn nhục cũng trừ được khủng bố, sợ hãi.

Trong 8 niệm nêu trên đây, nếu chỉ niệm với hơi thở ra vào* cũng có thể trừ được khủng bố, sợ hãi. Với quán pháp hơi thở ra vào thì đến tế giác còn trừ được, huống nữa là thô quán.

*Quán hơi thở ra vào còn được gọi là quán sổ tức (Anabama)

Lại nữa, niệm 5 ấm sanh diệt cũng khiến hành giả chẳng còn sợ chết nữa.

Sau khi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng để trừ khủng bố, sợ hãi nơi thân, hành giả lại còn phải niệm tâm mình để trừ sợ hãi nơi tâm.

I. Niệm Phật

Hỏi: Thế nào gọi là niệm Phật?

Đáp: Hành giả nhất tâm niệm Phật sẽ được  Nhất Thiết Trí Huệ, thành tựu được Tâm Đại Bi. Hành giả niệm chư Phật trong cả 3 đời, đã vì xót thương chúng sanh khởi tâm Đại Bi, tu 6 pháp Ba La Mật.

Lại nữa, hành giả niệm thân Phật phóng đại quang minh, chiếu khắp 10 phương thế giới, phá tan màn vô minh hắc ám, niệm chư Phật, từ sơ phát tâm đến khi nhập Kim Cang Tam Muội, luôn luôn giữ thân, khẩu, ý thường thanh tịnh, niệm chư Phật thường hành tư lợi, lợi tha, bền vững như cỗ xe có đủ cả 2 bánh, biết rõ các pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian, nên khéo điều ngự được chúng sanh 3 cõi.

Lại nữa, hành giả niệm chư Phật khéo dùng 3 Thừa Đạo, diệt tận gốc 3 độc tham, sân, si, khiến chúng sanh được 3 thừa Đạo quả, được vô lượng lợi ích cho mình và cho người.

Lại nữa, hành giả niệm chư Phật có đại trí huệ, có đại oai đức, niệm Phật từ khi mới sinh ra đời, đã có minh quang chiếu sáng khắp cả 3000 Đại Thiên Thế Giới, có Phạm Thiên Vương cầm bảo cái che đầu, có Đế Thích lấy Thiên Bảo Y bọc thân, có Long Vương lấy nước diệu hương tắm rửa.

Lại nữa, hành giả niệm Phật khi mới sinh ra đời, có 6 điều chấn động, niệm Phật, lúc bấy giờ đứng dây, đi 7 bước, quán sát cả 4 phương, nói kệ rằng:

Đây là thân rốt sau,
Thị hiện nơi thai phần.
Ta sẽ vì chúng sinh,
Hiển bày lý giải thoát.

Hành giả niệm Phật, sau khi nói kệ xong, hiển thị thế gian pháp, trở lại làm thân hài nhi bình thường, niệm vua Tịnh Phạn mời vị Tiên Nhân A Tư Đà đến xem tướng Phật, niệm Tiên Nhân A Tư Đà, thấy Phật đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, tâu với vua Tịnh Phạn rằng “sau này, Thái Tử nếu xuất gia, sẽ trở thành đấng Nhất Thiết Trí, thành Phật”.

Lại nữa, hành giả niệm Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm, khiếm nhìn Phật chẳng bao giờ nhàm chán, quên cả 5 dục lạc, niệm Phật có vô lượng công đức, khiến hàng Trời, Người đều cung kính cúng dường.

Lại nữa, hành giả niệm Phật có đầy đủ 10 danh hiệu. Chỉ cần niệm 10 danh hiệu Phật cũng khiến cho các tâm tà vạy đều tiêu sạch. Niệm Phật có từ tâm thanh tịnh, không làm não hại chúng sanh là được đầy đủ trì giới, dẫn đến Phật Đạo. Bởi nhân duyên vậy, nên niệm Phật cũng là niệm giới vậy.

Hỏi: Người niệm Phật thì được thân, khẩu và ý thanh tịnh. Người thuyết pháp mà thường niệm Phật, thì trừ được các niềm nghi nơi người nghe pháp. Còn người tu định mà niệm Phật thì như thế nào?

Đáp: Phải nên biết rằng “Người có đầy đủ trí huệ cũng là người có đầy đủ thiền định vậy”.

Ví như thấy hoa sen lớn, thì biết ngay nước hồ sen sâu, thấy đèn sáng thì biết ngay là đèn còn dầu, thấy người có thần thông, biến hóa vô lượng, thì biết ngay người ấy có thần lực sâu dày. Như trong kinh nói, Phật đến nước A Đầu Ma, ngồi dưới gốc cây tọa thiền giữa lúc trời mưa to gió lớn, sấm sét vang rền. Sét đánh chết 4 con trâu mà tâm Phật vẫn bất động. Khi mưa đã tạnh, gió đã ngừng, bầu trời đã trở lại quang đãng, Phật mới xuất thiền, đứng dậy và đi kinh hành. Vị cư sĩ theo hầu Phật, bạch với Phật rằng: “Bạch Thế Tôn ! Lúc nãy sét sáng lòe, đánh chết 4 con trâu cày, Thế Tôn có hay biết chăng?”

Phật dạy: “Ta chẳng có nghe, chẳng có thấy”.

Vị cư sĩ thưa: “Bạch Thế Tôn! Lúc bấy giờ Thế Tôn nhập vào Vô Tâm Tưởng Định chăng?”

Phật dạy: “Ta cũng chẳng vào định ấy”.

Vị cư sĩ thưa: “Thật là đều chưa từng có. Chư Phật có thiền định thâm sâu, nên chẳng thấy ánh chớp, cũng chẳng nghe tiếng sét vậy”.

***

Trong kinh, Phật nói với các Tỷ Kheo rằng: “Phật ra vào thiền định tự tại, vô ngại, đến Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên cũng còn chẳng thể hay biết được. Ví như Phật vào Tam Muội Vương Tam Muội, vào Sư Tử Du Hý Tam Muội, khiến 10 phương thế giới đều có 6 điệu chấn động, lại phóng đại quang minh khiến chúng sinh khắp 10 phương đều thấy được”.

***

Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây:

Có một thời, Ngài A Nan sanh niệm quá khứ, nghĩ đến Phật Nhiên Đăng thọ mạng lâu dài, lại xuất thế vào thời tâm chúng sanh, thuần thục dễ hóa độ, rồi ngài lại sinh niệm nghĩ đến Phật Thích Ca Mưu Ni xuất thế vào thời chúng sanh thọ mạng ngắn ngủi, làm Phật sự chưa tròn 100 năm là đã nhập Niết Bàn.

Niệm nghĩ như vậy đủ rồi, ngài A Nan đến bạch Phật về ý nghĩ của mình. Vừa nghe xong Phật liền nhập vào Tam Muội, rồi từ nhục kế ở trên đỉnh đầu, Phật phóng hào quang sáng chói như ánh sáng mặt trời chiếu khắp cõi Diêm Phù Đề. Tiếp đó, từ các lỗ chân lông, Phật phóng hào quang chiếu khắp 10 phương thế giới, trên mỗi hào quang có hoa sen báu ngàn cánh, trên mỗi đóa hoa sen có một vị Hóa Phật ngồi tọa thiền. Các vị Hóa Phật cũng phóng ra vô lượng hào quang, hóa ra vô lượng hoa sen báu và vô lượng Hóa Phật trong hằng sa thế giới khắp 10 phương, nhằm hóa độ chúng sanh. Trong số các vị hóa Phật, có vị đang thuyết pháp, có vị đang tọa thiền, có vị đang đi kinh hành, có vị đang vận dụng thần thông phun lửa, phun nước….dùng mọi phương tiện nhằm độ chúng sanh ở khắp 10 phương sớm thoát ra khỏi 5 đường.

Ngài A Nan nhờ thần lực của Phật mà thấy được các cảnh giới ấy. Thế rồi, Phật nhiếp thần lực, xuất Tam Muội, bảo ngài A Nan: “Này A Nan ! Ngươi có thấy, có nghe gì chăng?”

Ngài A Nan thưa: “Bạch Thế Tôn! Nương theo oai thần của Phật, con có thấy, có nghe tất cả”.

Phật dạy: “Nếu Phật có thần lực như vậy, thì có thể làm rốt ráo các Phật sự không?”

Ngài A Nan thưa: “Bạch Thế Tôn ! Phật chỉ dùng thần lực trong một buổi mà các Phật sự đều được rốt ráo cả. Thật là việc chưa từng thấy. Bạch Thế Tôn ! Biển Phật pháp mênh mông, vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn được. Khi vào thiền định, thì trí huệ của Phật cũng là như vậy. Vì sao? Vì trong vô số kiếp, Phật đã nhất tâm, tinh tấn tu các công đức, cầu trí huệ, chẳng tiếc thân mạng”.

Mẫu chuyện trên đây cho thấy rằng:

Người nhất tâm, tinh tấn tu Đại Bi, Đại Trí, Đại Huệ mới có được đầy đủ trí huệ, còn người chỉ tu Đại Bi, tuy có trí huệ nhưng chẳng có được đầy đủ như vậy.

Bởi vậy, nên muốn độ chúng sanh cần phải tu  trí huệ, đoạn các pháp ái, diệt 62 tà kiến của Ngoại Đạo, không rơi vào Nhị Biên, không thọ 5 dục lạc. Phật pháp vô lượng, vô biên, cần phải tinh tấn tu học.

Lại nữa, trí huệ của Phật chẳng gì hơn được (vô thượng), chẳng gì sánh kịp (vô tỷ). Từ trong tâm thiền định, Phật hiển bày hiện pháp, khiến các phiền não, từ thô đến tế, chẳng sao lay động được. Lại nữa, Phật khéo tu 37 Phẩm Trợ Đạo, 4 Thiền, 4 Vô Lượng Tâm, 4 Vô Sắc Định, 8 Bối Xả, 9 Thứ Đệ Định, 10 Phật Lực, 4 Vô Ngại Trí, 18 Bất Cộng Pháp, được Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát mới được đầy đủ trí huệ như vậy. Hàng Luận Sư Ngoại Đạo chẳng có thể nào biết được.

Lại nữa, Phật pháp có 3 Tạng, 12 bộ kinh, 8 vạn 4 ngàn pháp môn, cho thấy trí huệ của Phật thậm thâm vi diệu, chẳng thể nghĩ bàn được. Phàm phu dùng nhục nhãn, dùng nhục nhĩ, dùng thế trí chẳng sao có thể suy lường được.

Ví như gặp đám mưa lớn, tất cả cỏ cây, từ nhỏ đến lớn, đều được thấm nhuần lợi lạc. Trí huệ của Phật vô lượng, vô biên, nên các Đại Luận Sư Ngoại Đạo, các chư Thiên, Phạm Thiên Vương… đều được thấm nhuần mưa pháp, dẫn đến xin quy y theo Phật.

Lại nữa, trí huệ của Phật vô ngại, thanh tịnh. Phật chẳng có tướng quán Thường, tướng Hữu Biên, tướng Vô Biên, tướng Hữu Lậu, tướng Vô Lậu, tướng Hữu Vi, tướng Vô Vi, tướng Sanh Diệt, tướng Bất Sanh Diệt, tướng KHÔNG, tướng Bất Không…trái lại, Phật thường thanh tịnh, vô ngại, kiên cố như gốc cây lớn, chẳng ai có thể lay chuyển được. Vì sao? Vì nếu quán Sanh Diệt thì không quán Bất Sanh Diệt, nếu quán Bất Sanh Diệt, thì không quán Sanh Diệt. Nếu Sanh Diệt là thật thì Bất Sanh Diệt là không thật và ngược lại, nếu Bất Sanh Diệt là thật, thì Sanh Diệt là không thật vậy. Không quán bên này, không quán bên kia mới được trí vô ngại. Bởi vậy, nên niệm Phật được đầy đủ lợi ích.

Lại nữa, niệm Phật được đầy đủ giải thoát. Đây là chân giải thoát, vì sao? Vì thành tựu vô lượng trí huệ là được Vô Ngại Giải Thoát, thành tựu được 3 Giải Thoát Môn là được đầy đủ giải thoát.

Lại nữa, do dẹp phá ma quân mà được giải thoát, do ly phiền não mà được giải thoát, nên Bồ Tát ra vào các thiền định được tự tại vô ngại.

Lại nữa, Bồ Tát ở nơi Kiến Đế Đạo được 18 pháp giải thoát như:

– Khổ Pháp Trí tương ưng với hữu vi giải thoát.

– Khổ Loại Trí đoạn hết các kiết sử, tương ưng với vô vi giải thoát. v.v…

Nơi 18 pháp ấy, nếu chưa trừ được các kiết sử, thì chỉ tương ưng với Hữu Vi Giải Thoát, nếu trừ hết kiết sử, thì mới tương ưng với Vô Vi Giải Thoát.

Như vậy, các pháp Giải Thoát hòa hợp, tăng trưởng, dẫn đến được đầy đủ giải thoát.

 Lại nữa, niệm Phật được Giải Thoát tri Kiến, khiến được đầy đủ giải thoát. Niệm Phật được giải thoát tri kiến trong hai trường hợp:

1/- Niệm Phật được giải thoát phiền não, vì “Tận Trí Chứng Tri”, nghĩa là dùng trí huệ soi chiếu mà rõ biết Thật Tướng pháp, nhờ vậy mà diệt trừ được tận gốc các phiền não.

2/- Niệm Phật nên nhập vào được cửa KHÔNG, cửa Vô Tướng và cửa Vô Tác. Nhờ vậy mà được giải thoát.

Đối với chưa có được các phương tiện tu hành, Phật dạy cho họ các phương tiện tu học để được giải thoát. Thế nhưng hành trình đến bờ giải thoát của chúng sanh sai khác nhau rất nhiều:

– Có người phải tu lâu mới được giải thoát, có người vừa mới tu liền được giải thoát.

– Có người nghe pháp nhiều mà được giải thoát, có người thuyết pháp nhiều mà được giải thoát.

– Có người phải dùng đến lời nặng mới khiến họ giải thoát, có người phải dùng lời nhu hòa mới khiến họ giải thoát.

– Có người nương theo thần thông mà được giải thoát.

– Có người khi đang dâm dục nhiều mà chợt nhàm chán, khiến được giải thoát.

– Có người khi đang sân nhuế nhiều mà chỉ vừa rời bỏ sân nhuế là liền được giải thoát.

– Ngài Nan Đà và ngài Ưu La Tần thuộc về hai hạng người sau cùng nêu trên đây.

– Như vậy có rất nhiều nhân duyên dẫn đến giải thoát.

***

Lại nữa, niệm Phật được vô lượng công đức chẳng có thể nghĩ bàn được. Bởi nhân duyên vậy, nên niệm Phật dẫn đến các Địa hoặc hữu lậu. Nếu là hữu lậu, thì là hữu báo; nếu là vô lậu, thì là vô báo, tương ưng với 3 căn Lạc, Hỷ và Xả.

Lại nữa, niệm Phật dẫn đến được Nhất Thiết Trí, được Đại Từ Đại Bi, được 10 Phật Lực, được 4 Vô Sở Úy, được 4 Vô Ngại Trí, được 18 Bất Cộng Pháp.

Người tu hành ở cõi này nhất tâm niệm Phật Tam Muội được các quả báo lành như vậy. Còn nếu nhất tâm niệm Vô Lượng Thọ Phật, niệm cõi Cực Lạc, được sanh về cõi Phật đó.

Trong A Tỳ Đàm có nói rõ về các trường hợp niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng được vô lượng quả báo.

 (Hết quyển 21)