LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP I
QUYỂN 19

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
37 Phẩm Trợ Đạo

KINH

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát chẳng trú pháp, mà trú trong Bát Nhã Ba La Mật. Vì các pháp là vô sanh, nên Bồ Tát được đầy đủ 4 Niệm Xứ, 4 Chánh cần, 4 Như Ý Túc, 5 Căn, 5 Lực, 7 Giác Chi, 8 Thánh Đạo.

LUẬN

Hỏi: 37 Phẩm Trợ Đạo là pháp của Thanh Văn. Vì sao trong đạo Bồ Tát cũng có nói đến 37 Phẩm Trợ Đạo ?

Đáp: Bồ Tát tu học hết thảy các thiện pháp, hết thảy các đạo.

Phật dạy ngài Tu Bồ Đề : “Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật phải tu học hết thảy các thiện pháp, hết thảy các đạo. Từ Sơ Càn Huệ Địa cho đến Thập Địa, Bồ Tát tu học hết cả 10 Địa mà chẳng thủ chứng, đến Phật Địa mới chứng”

Lại nữa, trong kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn có nói : “Chẳng phải chỉ Thanh Văn mới học 37 Phẩm Trợ Đạo, mà Bồ Tát cũng phải học, để tùy duyên hóa độ chúng sanh, chúng sanh muốn pháp nào thì Bồ Tát hành pháp ấy. Lại còn tùy chúng sanh lợi căn hay độn căn, có tâm đại bi hay không có tâm đại bi, mà Bồ Tát phương tiện dạy họ hành đạo nào thích hợp. Ví như Long Vương làm mưa rơi xuống, thấm nhuần cả mặt đất, khiến cho cây cỏ, dù lớn dù nhỏ cũng đều được lợi lạc”.

Hỏi: 37 Phẩm Trợ Đạo, tuy không hẳn là dành cho đạo Thanh Văn, mà cũng chẳng phải là đạo của Bồ Tát. Thế nhưng, Bồ Tát thường qua lại trong 5 đường sanh tử, chẳng thủ tướng Niết Bàn, mà 37 Phẩm Trợ Đạo lại nói về pháp Niết Bàn, không nói đến đại bi, cũng không nói đến Ba La Mật. Như vậy vì sao nói “Bồ Tát được đầy đủ 37 Phẩm Trợ Đạo” ?

Đáp: Bồ Tát tuy qua lại trong các nẻo đường sanh tử, nhưng cũng phải biết cả thế gian lẫn Niết Bàn . Biết như vậy rồi mới lập đại thệ nguyện hành Thật Pháp Bát Nhã Ba La Mật, dẫn đến thành Phật Đạo.

Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, dùng mũi tên giải thoát bắn lên không trung. Mũi tên Bát Nhã không rớt xuống thế gian, mà cũng chẳng rơi về Niết Bàn .

Nếu Bồ Tát trú trong sanh tử mà chẳng có được Thật Trí, thì chẳng có thể nhẫn thọ các việc khó khăn. Đến khi cần đạo quả Thật Trí, thì Bồ Tát liền chuyển thế gian thành Niết Bàn . Vì sao ? Vì Bồ Tát rõ biết cả 3 cõi đều theo duyên hòa hợp sanh, đều không có tự tánh. Vì không có tự tánh nên là KHÔNG. Vì là KHÔNG nên cũng chẳng chấp tướng Niết Bàn .

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “Bồ Tát không trú pháp mà trú Bát Nhã Ba La Mật. Do trú Bát Nhã Ba La Mật mà Bồ Tát được pháp Vô Sanh, được đầy đủ 4 Niệm Xứ.

Bồ Tát có trí huệ thâm sâu như vậy, nên xem “thế gian tức Niết Bàn”. Hàng Thanh Văn chẳng có trí huệ thâm sâu như Bồ Tát, nên chẳng thấy được “thế gian tức Niết Bàn”.

Trong kinh Phật dạy ngài Tu Bồ Đề rằng : “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng là như vậy”.

KHÔNG tức là Niết Bàn , Niết Bàn tức là KHÔNG, như bài kệ thuyết: 

Niết Bàn tức Thế Gian.
Thế gian tức Niết Bàn .
Niết Bàn và Thế gian,
Chẳng hai cũng chẳng khác.

Bồ Tát đã vào được Thật Tướng Pháp, nên chẳng nhàm chán thế gian, mà cũng chẳng đắm chấp Niết Bàn .

Hỏi: Tu 4 Niệm Xứ là đủ rồi, cán gì phải tu đầy đủ 37 Phẩm Trợ Đạo ?

Đáp: Mặc dù tu đầy đủ 4 Niệm Xứ cũng được Đạo, thế nhưng Bồ Tát vẫn dạy cho chúng sanh tu 4 Chánh Cần, 4 Như Ý Túc, 5 Căn, 5 Lực, 7 Giác Chi, 8 Thánh Đạo.

Vì sao ? Vì tâm tánh chúng sanh không đồng nhau, kiết sử có dày mỏng sai khác, nên Bồ Tát phải tùy từng đối tượng chúng sanh mà lựa chọn pháp thích hợp, nhằm dạy cho họ, dẫn họ vào Đạo vậy.

Phật pháp tuy là Thật Tướng Pháp, tuy là Nhất Tướng là Vô Tướng nhưng vì lợi ích cho chúng sanh mà Phật phương tiện lập ra 12 bộ kinh, 8 vạn 4 ngàn pháp môn để mỗi chúng sanh dễ bề chọn lựa pháp môn tu thích hợp với căn trí của mình.

Ví như thấy chúng sanh chìm đắm trong bể khổ sanh tử luân hồi, Phật thuyết 4 Thánh Đế : “Thân tâm đều là khổ. Nhân duyên sanh khổ chính là ái và các phiền não. Khi đoạn sạch phiền não thì hết khổ. Khi hết khổ thì liền thấy Niết Bàn”.

Lại nữa, thấy chúng sanh thường bị loạn tâm, nên Phật thuyết 4 Niệm Xứ .v.v.

Như vậy Phật là bậc Vương Y, dùng đủ loại thuốc khác nhau, tùy theo bệnh của mỗi chúng sanh mà chẩn mạch cho thuốc vậy.

Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây :

Trong một thời pháp, Phật hướng về một Tỳ Kheo và nói: “Này Tỳ Kheo! Nếu chẳng phải vật mà ngươi ưa thích, thì ngươi chẳng nên lấy”.

Vị Tỳ Kheo thưa : “Bạch Thế Tôn ! Pháp gì mà con chẳng ưa thích thì con không nên nhận”.

Phật dạy : “Đối với chúng sanh cũng là như vậy. Tùy theo chúng sanh thích nghi với pháp nào, thì ngươi nên dùng pháp ấy mà độ họ. Nếu cần 2 pháp thì nói Định và Huệ. Nếu cần 3 pháp thì nói Giới Định và Huệ, nếu cần 4 pháp thì nói 4 Niệm Xứ.

Chư vị Bồ Tát do có tín lực mạnh, lại có tâm đại bi, thương xót chúng sanh , nên học hết thảy các pháp, để tùy duyên độ họ. Phật tuy có vô lượng thần lực, nhưng chỉ dùng 10 Phật lực cũng đã đủ để độ chúng sanh rồi”.

—o0o—

Trong 37 Phẩm Trợ Đạo, có 10 pháp căn bản gồm : Tín, Giới, Tư Duy, Tinh Tấn, Niệm, Định, Huệ, Từ, Hỷ, Xả.

Lại nữa, nên biết:

– Tín có tín căn và tín lực.

– Giới có chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

– Tinh Tấn có Tấn căn, tấn lực, tấn giác và chánh tinh tấn.

– Huệ có huệ căn, huệ lực, huệ trạch pháp, chánh kiến.

– Nếu các niệm đều tùy thuận trí huệ đều ở trong sự duyên khởi mà chánh trú, thì gọi là Niệm Xứ.

– Nếu phá tà pháp, hành chánh đạo, thì gọi là Chánh Cần.

– Nếu nhiếp tâm an ổn ở trong duyên, thì gọi là Như Ý Túc.

– Nếu khiến được tâm đắc pháp, thì gọi là Lực

– Nếu được nhiều trí tâm, thì gọi là lợi căn thượng trí.

Bồ Tát dùng trí huệ như vậy nên thấy được Đạo, vào được nơi Thật Tướng Pháp.

Hỏi: Vì sao nói đến 4 Niệm Xứ trước, rồi sau mới nói đến 4 Chánh Cần ?

Đáp: Tu 37 Phẩm. Trợ Đạo là mở đường bước vào Đạo. Hành giả khi mới được nghe pháp, mới học kinh, trước hết phải biết cách giữ gìn pháp, nên phải tu 4 Niệm Xứ.

Theo pháp ấy cầu đạo quả mà siêng năng tinh tấn hành trì thì được 4 Chánh Cần.

Tinh tấn quá nhiều cũng có thể khiến tâm bị tán loạn, nên lại phải nhiếp tâm cho được điều hòa, nhu nhuyến, thì sẽ được 4 Như Ý Túc. Khi tâm đã được điều hòa nhu nhuyến rồi, mới sanh được 5 Căn :

– Vì Thật Tướng Pháp quá thâm diệu, khó tin, khó giải, nên chỉ người thâm tín mới vào được. Như vậy gọi là có Tín Căn.

– Khi Tín Căn đã bền vững rồi, mới tinh tấn cầu Đạo, chẳng hề tiếc thân mạng. Như vậy gọi là có Tấn Căn.

– Thường niệm Đạo, gọi là có Niệm Căn.

– Thường nhiếp tâm, gọi là có Định Căn.

– Thường quán Thật Tướng của 4 Đế, gọi là có Huệ Căn.

Với sự tăng trưởng của 5 căn, các kiết sử, phiền não dần dần bị phá. Khi đã tăng trưởng vững chắc như rễ cây đại thọ bám chắc vào đất, thì 5 căn có sức mạnh thâm nhập sâu vào Đạo pháp và trở thành 5 Lực.

Khi đã đầy đủ 5 Lực rồi, hành giả tiến tu 7 Chân Thật Pháp, cũng được gọi là 7 Giác Chi, hay 7 Giác Phần, hay 7 Bồ Đề Phần.

– Phân biệt Đạo pháp có 3 pháp. Đó là : Trạch Giác Chi, Tinh Tấn Giác Chi, Hỷ Giác Chi.

– Nếu 3 pháp này đã được chuyên nhất, đồng đều, thì phải tiến tu 3 pháp nữa. Đó là : Trừ Giác Chi, Định Giác Chi, Xả Giác Chi.

– Nếu khi hành Đạo mà tâm động thì phải tu chuyên nhất 2 Giác Chi Định và Niệm. Định Giác Chi và Niệm Giác Chi thường nhóm các thiện pháp, ngăn các ác pháp. Ví như người giữ cửa, thấy có lợi thì cho vào, không có lợi thì ngăn lại, không cho vào.

– Nếu tâm bị trầm một, thì phải niệm 3 Giác Chi Trạch, Tinh Tấn và Xả để thức tỉnh trở lại.

– Nếu tâm bị tán loạn thì phải niệm 3 Giác Chi Trừ, Định và Xả để nhiếp tâm trở về.

Như vậy là được đầy đủ 7 Chân Thật Pháp, chứng được vô vi, vào được Niết Bàn . Bởi vậy nên gọi 7 pháp này là 7 Bồ Đề Phần.

—o0o—

4 Niệm Xứ

4 Niệm Xứ gồm có:

– Thân Niệm Xứ : Quán thân bất tịnh
– Thọ Niệm Xứ : Quán thọ thị khổ
– Tâm Niệm Xứ : Quán tâm vô thường
– Pháp Niệm Xứ : Quán pháp vô ngã.

Phàm phu ở nơi Thân, Thọ, Tâm, Pháp thường khởi các tà niệm, rơi vào 4 chấp điên đảo là:

– Trong bất tịnh mà cho là tịnh.
– Trong khổ mà tưởng là vui.
– Trong vô thường mà tưởng là thường.
– Trong vô ngã mà chấp có ngã.

Như vậy 4 Niệm Xứ được lập ra nhằm phá 4 tà kiến chấp điên đảo của phàm phu về Thân, Thọ, Tâm, và Pháp.

Hỏi: Thế nào gọi là “Quán thân bất tịnh” ?

Đáp: Hành giả y tịnh giới, trú nhất tâm, quán thân có 5 thứ bất tịnh. Đó là:

– Chỗ sanh bất tịnh
– Chủng tử bất tịnh.
– Tự tánh xả bất tịnh
– Tự tướng bất tịnh
– Toàn thân rốtráobấttịnh

* Về chỗ sanh ra thân bất tịnh, có bài kệ:

Thân hôi hám ô uế,
Chẳng từ nơi hoa thơm,
Chẳng từ nơi núi báu,
Mà sanh chỗ bất tịnh.

* Về chủng tử thân bất tịnh, có bài kệ:

Cha mẹ do tà niệm,
Dấy lên lửa dâm dục,
Toàn thân bừng khí nóng,
Biến thành ra tinh khí.
Con, do duyên nghiệp cảm,
Chủng tử thức thọ tinh,
An trú trong huyết trắng,
Hình thành chủng tử thân.
Thân bất tịnh, điên đảo,
Chẳng tìm lối tinh sạch,
Mà theo uế đạo sanh,
Ấy chủng tử bất tịnh

* Về tự tánh xả bất tịnh, có bài kệ:

Từ chân lên đến đầu,
Bọc trong túi da mỏng,
Chứa toàn thứ bất tịnh,
Chẳng có gì tinh khiết
Phàm phu đắm chấp thân,
Dùng y phục trang sức,
Lấy hương hoa xông ướp,
Lo tắm rửa, bồi dưỡng.
Các thứ đem vào thân,
Dù thơm tho quý giá,
Chỉ trải qua một đêm,
Đã biến thành bất tịnh.
Dù đặc, lỏng, khí, hơi,
Thải ra đều xú uế,
Nước biển dù vô lượng,
Chẳng sao tẩy sạch được.

* Về tự tướng bất tịnh, có bài kệ:

Sắc thân bất tịnh này,
Có chín lỗ thoát ra :
Hai mắt, hai lỗ tai,
Hai lỗ mũi, lỗ miệng,
Hai lỗ đại, tiểu tiện,
Thải toàn thứ bất tịnh.
Từ các lỗ chân lông,
Thoát mồ hôi dơ bẩn…

* Về toàn thân rốt ráo bất tịnh, có bài kệ:

Thường xuyên khắp toàn thân,
Như cái túi bị thủng,
Tuôn ra chẳng ngừng nghỉ,
Toàn những thứ bất tịnh.
Thân, tự tướng bất tịnh,
Chết rồi sẽ tan rã,
Bỏ vào lửa thành tro,
Chôn dưới đất nát hoại,
Chưa chôn đã sình thối,
Trùng bọ tìm đến ăn,
Thân người chết như vậy,
Thật quả là bất tịnh.

—o0o—

Thân người bất tịnh như vậy, nên người tu phải dùng phép quán tưởng, như bài kệ thuyết:

Quán thân bất tịnh này,
Quyết sẽ về chỗ chết,
Khi vô thường đã đến,
Chẳng sao níu kéo được.
Như nước các nguồn sông,
Rải rác khắp nơi nơi,
Khi dồn vào biển cả,
Đều biến thành vị mặn.
Những đồ ăn thức uống,
Dù ngon ngọt thơm tho,
Khi chuyển vào đến bụng,
Đều biến thành bất tịnh.
Người tu hành biết vậy,
Nên nhàm chán thân này,
Vô thường và bất định,
Vui ít, khổ lại nhiều.
Có thân là có khổ,
Khổ trong lẫn khổ ngoài.
Khổ trong gồm bốn thứ:
Là Sanh, Già, Bệnh, Chết.
Ngoài cũng nhiều thứ khổ;
Do nóng lạnh, binh đao…
Đã sanh có thân này,
Chẳng sao tránh được khổ.

Hỏi: Vì sao nói “thân chỉ có khổ mà chẳng có lạc” ?

Đáp: Các bậc Thánh Hiền nói đến các khổ Sanh, Già, Bệnh, Chết là thuần khổ. Vậy mà phàm phu vẫn cứ tìm thú vui trong các khổ ấy. Ở trong khổ, phàm phu chọn nỗi khổ nhỏ làm niềm vui để tự an ủi lấy mình. Ví như người bị xử án tử hình, nếu được giảm án thành chung thân, sẽ cảm thấy vui mừng rồi vậy. Lại ví như người đi xa mệt mỏi, nếu tìm thấy được một nơi có bóng mát để nghỉ chân, sẽ được vui trong phút chốc, thế nhưng vừa hết mỏi mệt, nghĩ đến đoạn đường dài còn phải đi thì sẽ sanh khổ trở lại vậy. Như vậy là ở ngay trong vui đã tiềm tàng mầm mống khổ rồi.

Từ khi sanh ra đời đến khi nhắm mắt lìa đời chẳng có gì là vui cả, thế nhưng phàm phu vẫn cứ đắm mình trong 5 dục, tìm niềm vui trong chốc lát, để rồi phải gánh chịu bao nhiêu nỗi khổ về sau.

Người lành mạnh thấy người đang lâm bệnh nặng rủ lòng thương xót. Cũng như vậy, người đã ly dục rồi nhìn người đam mê dục lạc rất đáng thương. Lửa dục thiêu đốt thân tâm, gây biết bao nhiêu khổ đau phiền não. Càng thọ dục, càng thêm khổ. Bởi nhân duyên vậy, nên phải thường quán thân là bất tịnh, là vô thường, là nguồn gốc của khổ đau, rồi phải tu ly dục để diệt khổ, mới mong tìm được sự an lạc.

Hỏi: Vì sao gọi thân là vô ngã ?

Đáp: Vì thân chẳng được tự tại. Ví như người bị bệnh bại liệt chẳng có thể đi lại được, người bị bệnh yết hầu, chẳng có thể phát ra tiếng nói, chẳng có được tự tại vậy.

Người tu hành biết rõ “thân không tự tại” nên thường niệm thân là bất tịnh, là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Như vậy gọi là “Thân Niệm Xứ”.

Người tu hành lại nghĩ rằng “Chúng sanh, ở thân trước cũng như ở thân này, vì do 6 nội trần và 6 ngoại trần sanh ra 6 thức, mà có thọ khổ, có thọ lạc. Như bài kệ thuyết:

Tại Gia cùng xuất Gia,
Chư Thiên, Long, Bát Bộ,1
Và hết thảy chúng sanh,
Trong năm đạo, mười phương,
Thường ưa vui, ghét khổ.
Hạng phàm phu, vô trí,
Do điên đảo lầm lạc,
Đắm mình trong năm dục,
Chẳng cầu vui Niết Bàn.
Người tu hành rõ biết:
Lạc thọ là giả danh,
Nơi lạc sẵn có khổ;
Lạc thọ trong thế gian,
Đều từ điên đảo sanh;
Người cầu lạc thọ ấy,
Chỉ chuốc lấy toàn khổ.

Hỏi: Thế gian, do chấp điên đảo, mà phải thọ khổ. Như vậy thì Thiền Định Vô Lậu Lạc của chư vị Thánh Hiền có phải là thật lạc không?

Đáp: Vô Lậu Lạc là thật lạc, chẳng có dẫn sanh khổ.

Phật dạy “Vô Thường là Khổ” nhằm răn dạy người thế gian mê chấp các pháp hữu lậu, vô thường, sanh diệt, mà phải thọ khổ.

Chư vị Thánh Hiền đã được Vô Lậu Pháp, tâm chẳng còn chấp đắm, nên chẳng còn bị lửa vô thường thiêu đốt nữa.

Hỏi: Vô Lậu Lạc và Hữu Lậu Lạc khác nhau như thế nào ?

Đáp: Vô Lậu Lạc là thường, do trí huệ sanh, nên chẳng còn có các chấp. Còn Hữu Lậu Lạc là vô thường, do ái kiết dẫn sanh, và lấy ái làm gốc. Phải có Thật Trí Huệ mới xa lìa được Hữu Lậu Lạc. Do quán hết thảy pháp vô thường, mà có được Vô Lậu Lạc, do vậy chẳng còn sanh kiết sử. Ví như con dê bị trói chờ giờ làm thịt, rõ biết số phận mình sắp chết, nên dù ăn nhiều cũng chẳng có sanh mỡ. Chư vị Thánh Hiền thọ Vô Lậu Lạc mà tâm chẳng có đắm trước, lại dùng tâm vô lậu quán chúng sanh đắm mình trong năm dục, mà cũng chẳng có đắm trước. Vì sao? Vì rõ biết “dục lạc” là vô thường, là hoại tướng. Dẫn đến thọ khổ, chư vị ấy cũng chẳng sanh tâm sân nhuế. Do chẳng chấp sự thọ lạc cũng như sự thọ khổ, mà chư vị Thánh Hiền thường ở trong chánh niệm. Như vậy gọi là “Thọ Niệm Xứ”.

Lại nữa, chư vị Thánh Hiền quán tâm chúng sanh điên đảo, niệm niệm sanh diệt, vô thường, ngay nơi mỗi niệm cũngchẳng có trú, nên cũng chẳng có thọ khổ, thọ lạc. Vì sao ?. Vì tâm khi mới vừa thọ khổ, thọ lạc, thì liền thay đổi. Khi khổ hay lạc vừa mới dấy sanh, thì tâm liền đổi khác. Như vậy là niệm niệm tương tục thay đổi, thì làm sao có thể gọi là “Tâm thọ khổ, hay thọ lạc”?.

Lại nữa, tâm quá khứ đã diệt, tâm vị lai chưa sanh thì làm sao “có thọ khổ, có thọ lạc” ?

Lại nữa, tâm hiện tại, ở nơi mỗi niệm, cũng chẳng an trú, thì làm sao có thọ khổ, có thọ lạc?

Bởi vậy nên phải quán “Tâm hiện tại, tâm quá khứ, tâm vị lai đều là bất khả đắc”. Như vậy gọi là “Tâm Niệm Xứ”.

Hỏi: Niệm hiện tại có trú. Như vậy làm sao lại nói “ở hiện tại chẳng có thọ khổ, chẳng có thọ lạc”?

Đáp: Nên biết “Hết thảy pháp hữu vi đều là vô thường, nên chẳng có thời gian an trú”. Do vậy, ở hiện tại “chẳng có thọ khổ, chẳng có thọ lạc”?

Như lời Phật dạy “Hết thảy pháp hữu vi đều chẳng có trú thời, mặc dù giả lập ra có 3 tướng Sanh, Trú, Diệt”. Ví như sự mặc chiếc áo mới trải qua 3 giai đoạn: Chưa mặc, đang mặc, đã mặc. Thế nhưng ý niệm về“mặc áo mới” chẳng trú ở một thời điểm nào nhất định cả. Suy rộng, thì biết rõ các pháp, trải qua niệm niệm tương tục thay đổi, nên chẳng có trú thời. Đã chẳng có trú thời, thì làm sao có thọ khổ, có thọ lạc được?.

Phàm phu tương tục sanh tâm nên tưởng có các tướng khổ, tướng lạc, mà chẳng biết rằng các pháp hữu vi đều là vô thường, trước không, nay có, tạm có rồi lại không.

Phật dạy: “Phàm phu có thể biết được thân vô thường, mà chẳng biết được tâm vô thường”.

Thật vậy, nhìn về quá khứ, từ khi còn non trẻ, tráng kiện, nay đã già nua, đầu bạc, răng long, thì biết rõ thân này là vô thường, là như huyễn. Nhưng rất ít ai thấy được tâm vô thường.

Người tu, sau khi quán thân là vô thường, là bất khả đắc rồi, còn phải quán tâm là vô thường, là bất khả đắc; quán thức tâm do duyên hòa hợp sanh, chẳng có tự tại, nên cũng là vô ngã, bị các duyên bên ngoài chi phối. Như vậy gọi là “Tâm Niệm Xứ”.

Hỏi: Tâm hay sai khiến thân, như ông vua thống trị cả một nước, sai sử thần dân, điều binh, khiển tướng. Lại nữa, do có tâm sai khiến, thì thân mới thọ dục lạc. Như vậy, vì sao nói “Tâm là vô ngã”?.

Đáp: Nếu nói tâm có ngã, thì tâm cũng sai sử ngã. Như vậy là không cùng. Vì nếu tâm sai sử ngã, rồi ngã lại sai sử tâm, khiến tâm sai sử thân, thì chẳng bao giờ cùng tận được vậy.

Hỏi: Người lấy lửa thiêu đốt vật hẳn là phải có dụng tâm rồi, nhưng nếu không có thần, thì lấy gì sai sử được tâm người?

Đáp: Lửa tự có công năng thiêu đốt, chẳng phải đợi có người dụng tâm thiêu đốt, cũng chẳng phải đợi có thần sai sử tâm người mới thiêu đốt được vật.

Lại nữa, các pháp hữu vi có tướng, còn thần là chẳng có tướng. Nếu ta muốn thở ra, thở vào, muốn thọ khổ, thọ lạc, mà quy tất cả các tướng ấy đều là thần tướng, thì không thể được vậy. Vì sao?. Vì hơi thở ra vào là thân tướng, còn thọ khổ, thọ lạc là tâm tướng. Không thể nói tâm tướng và thân tướng đều là thần tướng được vậy.

—o0o—

Ngoài ra, chẳng có thể nói tâm và thân có ngã hay không có ngã được. Vì sao?. Vì nói như vậy là chẳng biết rõ về “Ngã”, và về “Vô Ngã”. Nên biết ở nơi tự thân, tự tâm cũng như ở nơi tha thân, tha tâm, thì cầu Ngã cũng đều là bất khả đắc cả, như trong phẩm NHƯ THỊ NGÃ VĂN đã nói rõ rồi.

Bởi nhân duyên vậy, nên phải quán “Hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp sanh, đều là KHÔNG, là hư vọng, chẳng thật có”. Như vậy gọi là Pháp Niệm Xứ.

—o0o—

Niệm Xứ có 3 nghĩa. Đó là:

  1. Tánh Niệm Xứ
  2. Cộng Niệm Xứ
  3. Duyên Niệm Xứ.

Hỏi: Thế nào gọi là “Tánh Niệm Xứ”?

Đáp: Quán Tánh Niệm Xứ là quán trí huệ ở nơi thân, nơi thọ, nơi tâm, nơi pháp.

Quán trí huệ nơi thân nhiếp về Thân Niệm Xứ; quán trí huệ nơi thọ nhiếp về Thọ Niệm Xứ; quán trí huệ nơi tâm nhiếp về Tâm Niệm Xứ; quán trí huệ nơi pháp nhiếp về Pháp Niệm Xứ.

Hỏi: Thế nào gọi là “Cộng Niệm Xứ”?

Đá : Quán Cộng Niệm Xứ là quán các nhân duyên sanh Đạo, dù hữu lậu hay vô lậu, do nơi thân, nơi thọ, nơi tâm, nơi pháp.

Quán nhân duyên sanh Đạo nơi thân nhiếp về Thân Niệm Xứ; quán nhân duyên sanh Đạo nơi thọ nhiếp vềThọ Niệm Xứ; Quán nhân duyên sanh Đạo nơi tâm nhiếp về Tâm Niệm Xứ; và quán nhân duyên sanh Đạo nơi pháp nhiếp về Pháp Niệm Xứ.

Hỏi: Thế nào gọi là Duyên Niệm Xứ ?

Đáp: Quán hết thảy các sắc do 5 căn xúc 5 trần, sanh 10 nhập, là Duyên Niệm Xứ, nhiếp về Thân Niệm Xứ.

Quán 6 căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) duyên 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sanh ra các cảm thọ, là Duyên Niệm Xứ, nhiếp về Thọ Niệm Xứ.

Quán 6 căn duyên 6 trần, sanh ra 6 thức là Duyên Niệm Xứ, nhiếp về Tâm Niệm Xứ.

Quán các tưởng duyên các hành, sanh các pháp hữu lậu, hữu vi, vô lậu, vô vi, dẫn đến 3 pháp vô vi bất tương ưng là Duyên Niệm Xứ, nhiếp về Pháp Nỉệm Xứ.

Các Duyên Niệm Xứ cũng là Tánh Niệm Xứ, vì đều do Tánh Trí Huệ mà có vậy.

—o0o—

Tánh Niệm Xứ là vô sắc, chẳng thể thấy được, lại cũng là vô đối. Tánh Niệm Xứ có thể hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu. Nếu là hữu lậu thì là hữu báo; nếu là vô lậu thì là vô báo. Tất cả đều là pháp hữu vi. Do nhiếp ngoại nhập, mà giả danh có 3 đời.

Dùng trí huệ biết rõ: Hữu lậu là có đoạn, vô lậu là chẳng có đoạn (phi đoạn); để từ đó tiến tu các pháp vô cấu.

Vô lậu chẳng phải thọ pháp (phi thọ pháp), chẳng do 4 Đại tạo thành (phi 4 Đại tạo).

Hữu Lậu Niệm Xứ tương ưng với nhân hữu lậu; Vô Lậu Niệm Xứ tương ưng với nhân vô lậu. Tuy nhiên đối với Vô Lậu Niệm Xứ, thì tất cả các nhân hữu lậu và vô lậu đều tương ưng cả.

Tất cả 4 Niệm Xứ đều nhiếp 6 niệm thiện. Các niệm bất thiện và vô ký thì không nhiếp về 4 Niệm Xứ.

Hoặc có 4 Niệm Xứ chẳng phải hữu lậu (4 Niệm Xứ phi hữu lậu); hoặc có hữu lậu chẳng phải 4 Niệm Xứ (hữu lậu phi 4 Niệm Xứ); hoặc có 4 Niệm Xứ và cũng có hữu lậu; hoặc chẳng có 4 Niệm Xứ chẳng phải là hữu lậu (phi 4 Niệm Xứ phi hữu lậu). Đây là Vô Lậu Tánh.

Hoặc có 4 Niệm Xứ cũng hữu lậu, mà chẳng phải 4 Niệm Xứ (phi 4 Niệm Xứ). Đây là Trừ Hữu Lậu Tánh.

Hoặc có 4 Niệm Xứ dư tàng hữu lậu phần. Dư tàng của 4 Niệm Xứ là Hữu Lậu Pháp Hữu Lậu Tánh.

Hoặc có 4 Niệm Xứ chẳng phải 4 Niệm Xứ (phi 4 Niệm Xứ). Đây chẳng phải là hữu lậu pháp (phi hữu lậu pháp), và là Trừ Vô Lậu Tánh.

Hoặc có 4 Niệm Xứ dư tàng ở vô lậu pháp.

—o0o—

Cộng Niệm Xứ chẳng có sắc (phi sắc), nhưng vẫn có sắc dư tàng, nên có các nghiệp thân, nghiệp khẩu.

Do là phi sắc, nên Cộng Niệm Xứ là vô đối, là chẳng thể thấy được (bất khả kiến).

Cộng Niệm Xứ, dù là hữu lậu, dù là vô lậu, cũng đều là pháp hữu vi, là hữu lậu niệm xứ. Do vậy, nên hữu lậu niệm xứ là hữu báo; vô lậu niệm xứ là vô báo.

Cộng Niệm Xứ, trong 3 đời, nhiếp được các nghiệp thân, nghiệp khẩu ở cõi sắc; còn dư tàng của Cộng Niệm Xứ thì nhiếp được tâm ý thức nội cũng như ngoại.

Do tu trí huệ, mà biết được hữu lậu là đoạn, vô lậu là chẳng phải đoạn (phi đoạn), để từ đó tiến tu các pháp vô cấu, thành Đạo quả. Hết thảy 3 đời đều chẳng phải thọ pháp (phi thọ pháp). Các nghiệp thân và khẩu là do 4 Đại tạo, mà dư tàng chẳng phải do 4 Đại tạo (phi 4 Đại tạo). Tất cả đều là pháp hữu tướng.

Dù là hữu lậu niệm xứ, thì niệm xứ ấy cũng là vô lậu. Vì sao?. Vì có các nghiệp thân, nghiệp khẩu, mà tâm chẳng tương ưng với hành. Đây cũng là chẳng có nhân tương ưng (phi tương ưng nhân); chỉ dùng dư tàng để làm nhân tương ưng mà thôi.

Sau khi xả phần Niệm rồi, còn lại 5 phần thiện. 5 phần thiện này tùy loại, phân nhiếp 4 Niệm Xứ, và 4 Niệm Xứ cũng nhiếp 5 phần thiện này.

—o0o—

Về Duyên Niệm Xứ, có 1 Niệm Xứ là sắc, đó là Thân Niệm Xứ; còn 3 Niệm Xứ kia chẳng phải là sắc. Lại có 1 Niệm Xứ có thể phân biệt được, đó là Thân Niệm Xứ.

Đối với 10 Nhập, thì Thân Niệm Xứ chỉ quán được 1, vì có 1 phần Thân Niệm Xứ là hữu lậu. Thọ Niệm Xứ cũng có 1 phần hữu lậu. Tâm Niệm Xứ, nếu tương ưng với ý là hữu lậu; nếu tương Ưng với vô lậu ý là vô lậu. Pháp Niệm Xứ là hữu lậu.

Nếu Thân Niệm Xứ hành hữu lậu thiện, và hữu lậu bất thiện, thì là hữu báo; còn Vô Ký Thân Niệm Xứ là vô báo. Thọ Niệm Xứ, Tâm Niệm Xứ và Pháp Niệm Xứ cũng là như vậy.

Lại nữa, phải phân biệt Hữu Vi Pháp Niệm Xứ theo nhân duyên sanh; Vô Vi Pháp Niệm Xứ thì không theo nhân duyên sanh.

Lại nữa, phải phân biệt Hữu Vi Pháp Niệm Xứ nhiếp cả 3 đời; còn Vô Vi Pháp Niệm Xứ thì không nhiếp 3 đời.

Lại nữa, phải phân biệt có 1 Niệm Xứ nhiếp sắc, đó là Thân1 Niệm Xứ; còn 3 Niệm Xứ kia nhiếp danh, có 1 Niệm Xứ nhiếp nội nhập, đó là Thân Niệm Xứ; còn 3 Niệm Xứ kia nhiếp cả nội nhập và ngoại nhập.

Dùng trí huệ để biết rõ: Hữu lậu là có đoạn, vô lậu là chắng có đoạn. Nhờ vậy, khi tu Thân Niệm Xứ mới phân biệt được các pháp thiện nên tu, các pháp bất thiện và vô ký chẳng nên tu. Thọ Niệm Xứ, Tâm Niệm Xứ, Pháp Niệm Xứ cũng là như vậy.

Ở nơi tội cấu cũng phải nên phân biệt: Nếu ở nơi Thân Niệm Xứ mà còn nhiễm trước, là còn cấu, phải nên xả; nếu chẳng còn nhiễm trước là đã được vô cấu. Đối với Thọ Niệm Xứ, Tâm Niệm Xứ và Pháp Niệm Xứ cũng là như vậy.

Cả 3 Niệm Xứ Thân, Thọ và Tâm đều có quả. Nhưng riêng Pháp Niệm Xứ có thể có quả hay không có quả. Ví như nói về số duyên tận là quả mà chẳng có quả (quả phi hữu quả).

Cả 3 Niệm Xứ Thọ, Tâm và Pháp đều không thọ thânsố.

Riêng Thân Niệm Xứ, nếu đọa về thân số, thì có thọ quả, còn nếu không đọa về thân số, thì không thọ quả. Vì sao?. Vì 3 Niệm Xứ Thọ, Tâm và Pháp chẳng do 4 Đại tạo (phi 4 Đại tạo); chỉ riêng Thân Niệm Xứ thì phần lớn do 4 Đại tạo, phần nhỏ chẳng do 4 Đại tạo.

Lại nữa, phải có 2 trong 4 Niệm Xứ mới có tương ưng nhân; nếu chỉ có một thì không có tương ưng nhân. Trong 4 Niệm Xứ, thì Thọ Niệm Xứ, Tâm Niệm Xứ và Pháp Niệm Xứ có tương ưng nhân; còn Thân Niệm Xứ không có tương ưng nhân.

Trên đây là nói về 6 pháp thiện phân nhiếp 4 Niệm Xứ, và ngược lại 4 Niệm Xứ cũng phân nhiếp 6 pháp thiện. Các pháp bất thiện và vô ký cũng tùy theo chủng loại mà tương ưng.

Hỏi: Thế nào gọi là nội thân ? Thế nào gọi là ngoại thân ? Quán nội thân và quán ngoại thân là đủ rồi. Sao còn nói“quán nội ngoại thân” làm gì nữa ?

Đáp: Nội thân là tự thân, ngoại thân là tha thân.

Nội thân theo nghĩa hẹp là tự thân, tức là thân của chính mình, theo nghĩa rộng thì bao gồm luôn những gì ở nơi thân mình.

Ngoại thân theo nghĩa hẹp là tha thân, tức là thân của người khác, nhưng theo nghĩa rộng thì bao gồm luôn cả những gì ở bên ngoài thân mình.

Ví như : 5 căn, 5 tình thuộc về nội thân, 5 trần thuộc về ngoại thân. 4 Đại tạo sắc nơi thân mình thuộc về nội thân, 4 Đại ở bên ngoài thuộc về ngoại thân. Đầu, mắt, chân, tay của mình thuộc về nội thân, vợ, con , ruộng vườn.v.v. thuộc về ngoại thân.

Người tu hành sau khi quán nội thân rồi, phải quán ngoại thân. Sau đó lại quán nội, ngoại thân là một tướng, chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Ví như: sau khi quán tự thân mình chứa toàn thứ bất tịnh, lại quán thây người chết tanh hôi, sình thối, rồi quán tướng của tử thi làm tướng của tự thân mình. Nhờ vậy mà ly được các dục. Cũng ví như khi gặp một người con gái đẹp, khiến mình sanh tâm đam mê, thì phải liền quán thân người, con gái ấy cũng bất tịnh, chẳng khác gì thân của chính mình. Nhờ vậy mà sanh nhàm chán.

Lại như, do quán nội ngoại thân mà rõ biết thân mình cũng chẳng ngoài 4 Đại, 4 Đại tạo ra thân mình và 4 Đại ở bên ngoài cũng chẳng khác vậy.

Hỏi: Vì sao nói “quán hết thảy các sắc pháp là Thân Niệm Xứ” ?

Đáp: Người tu hành cầu ở trong nội thân có “Thường, Lạc, Ngã Tịnh”. Thế nhưng sự mong cầu ấy cũng là bất khả đắc, Vì sao ? Vì chính ngoại vật là chỗ đắm trước của nội thân.

Như vậy, sau khi quán nội thân bất khả đắc rồi, lại phải quán ngoại thân cũng bất khả đắc.

Quán nội thân bất khả đắc, quán ngoại thân bất khả đắc chỉ là Biệt Tướng Quán. Nay quán nội ngoại thân đều bất khả đắc là Tổng Tướng Quán. Như vậy là đầy đủ quán Thân Niệm Xứ vậy.

Hỏi: Khi quán Thọ Niệm Xứ, làm thế nào để phân biệt được nội thọ và ngoại thọ?

Đáp: Phật dạy: “Có 2 thứ thọ, đó là thân thọ và tâm thọ. Thân thọ là ngoại thọ, còn tâm thọ là nội thọ”.

Lại nữa, thọ do 5 thức ngoài tương ưng với 5 trần là ngoại thọ, thọ do ý thức tương ưng với nội trần là nội thọ.

Do nhân duyên có 12 nhập nên mới có sanh ra các thọ. Bên trong có 6 nội nhập, bên ngoài có 6 ngoại nhập sanh ra các thọ.

Tâm thọ ở trong rất vi tế, còn thân thọ ở ngoài thì thô trọng. Cũng như có hai thứ thọ khổ ở trong và ở ngoài khác nhau. Khổ ở bên ngoài là thân khổ, còn khổ ở bên trong là tâm khổ. Thân khổ do 400 bệnh gây ra, lại do bị đâmm chém, giam cầm, cướp bóc.v.v. Tâm khổ do sợ hãi, ưu sầu.v.v.

Thân tâm khổ là hai thứ khổ trong và ngoài hòa hợp.

Ví như bị quan quân bắt bớ, giam cầm, bị giặc cướp, bị thú dữ hay rắn độc bức bách, bị bão táp, bị lũ lụt, bị sấm sét đe dọa.v.v. khiến cho cả thân lẫn tâm đều thọ khổ.

Lại nữa, thọ do duyên nội pháp là nội thọ, thọ do duyên ngoại pháp là ngoại thọ.

Trong kinh có nói đến 108 thứ nội thọ, các thọ khác là ngoại thọ.

Hỏi: Tâm dung nội nhập. Như vậy làm sao quán được nội tâm ?

Đáp: Tâm dung nội nhập nhưng lại duyên các pháp ở bên ngoài. Bởi vậy nên gọi là nội tâm duyên ngoại pháp.

Khi nói “Nội tâm duyên…”, thì nên biết “ý thức là nội tâm”, còn “5 thức ngoài là ngoại tâm”, “tâm nhiếp vào thiền định là nội tâm” còn “tâm tán loạn là ngoại tâm”.

Lại nữa, trong có 5 Cái, 7 Giác Chi tương ưng tâm là nội tâm, ngoài cũng có 5 Cái, 7 Giác Chi tương ưng tâm là ngoại tâm.

Hỏi: Pháp Niệm Xứ nhiếp ngoại nhập. Như vậy làm sao quán được ngoại pháp ?

Đáp: Trừ các thọ ra, ý thức hay duyên các tâm sở pháp, các pháp bất tương ưng hành và các vô vi pháp.

Các tâm sở pháp nhiếp về nội pháp. Các pháp bất tương ưng hành và các pháp vô vỉ nhiếp về ngoại pháp .

Như vậy trừ các thọ ra, còn bao nhiêu tâm sở pháp, do ý thức duyên, đều là nội pháp cả.

II) 4 Chánh Cần

4 Chánh Cần gồm có :

– Điều ác đã sanh, phải trừ dứt.
– Điều ác chưa sanh, phải ngăn đừng cho sanh.
– Điều lành chưa sanh phải khiến cho sanh.
– Điều lành đã sanh phải khiến tăng trưởng.

Như vậy tu 4 Chánh Cần, hành giả ngăn được hai chủng pháp bất thiện nhóm họp, đồng thời làm nảy sanh và tăng trưởng 2 chủng pháp thiện.

Nếu tu 4 Niệm Xứ, mà có tâm giải đãi thì các phiền não ngăn che tâm tinh tấn. Như vậy sẽ chẳng có được 4 Chánh Cần.

Trái lại nếu siêng năng tinh tấn, tu 4 Niệm Xứ, thi sẽ được đầy đủ 4 Chánh Cần.

Hỏi: Các hạnh tu về 4 Chánh Cần và về 8 Chánh Đạo đều nhiếp về Tinh Tấn Giác Chi cả. Như vậy vì sao tu 4  hạnh nêu trên đây thì được 4 Chánh Cần, còn tu 8 hạnh thì được 8 Chánh Đạo ?

Đáp: Nếu tinh tấn tu 4 hạnh nêu trên đây thì được tâm dõng mãnh, chẳng còn lầm lạc, nên gọi là Chánh Cần.

Được đầy đủ 4 Chánh Cần rồi, nếu tinh tấn tu thêm 4 pháp nữa thì tâm càng dõng mãnh thêm, càng kiên cố thêm, khiến chẳng còn sợ bị đọa về tà pháp, nên vào được Chánh Đạo. Như vậy là 4 hạnh tinh tấn này, cộng thêm 4 hạnh tinh tấn nữa là nhân duyên sanh Chánh Đạo.

Cũng nên biết rằng, khi tu 4 Chánh Cần, hành giả có có thể sanh loạn tâm. Nếu lúc bấy giờ hành giả lấy định để nhiếp tâm về thì sẽ được Như Ý Túc.

Ví như món ăn thiếu muối chẳng có vị, nếu có thêm chút ít muối liền trở thành thơm ngon. Lại ví như người đi đường xa phải tìm ngựa tốt, sẽ đi được đến nơi nhanh chóng theo như ý mong muốn.

Người tu hành cũng vậy, tu 4 Niệm Xứ để được Thật Trí Huệ, tu 4 Chánh Cần để được Chánh Tinh Tấn, làm cho trí huệ tăng trưởng thêm lên, nên tu 4 Chánh Cần mà thường nhiếp tâm, không để tán loạn thì sẽ được Như Ý Túc.

—o0o—

III)- 4 Như Ý Túc

4 Như Ý Túc gồm có:

– Dục Như Ý Túc.
– Niệm Như Ý Túc
– Tinh Tấn Như Ý Túc
– Tư Duy Như Ý Túc

Nếu khi tu 4 Chánh Cần mà trí huệ còn kém, thì phải tu thêm 4 định để nhiếp tâm. Tâm có định thì trí huệ mới được nhu nhuyến, viên mãn. Bởi nhân duyên vậy, nên gọi 4 định này là 4 Như Ý Túc.

Hỏi: Vì sao không gọi 4 Niệm Xứ, 4 Chánh Cần là Như Ý Túc?

Đáp: Dù lực Tinh Tấn và lực Trí Huệ nhiều, nhưng nếu lực thiền định còn ít thì chưa có thể được Như Ý Túc.

Phải lấy tư duy làm chủ mới vào được định. Có định đầy đủ rồi mới duyên khỏi sanh Đạo, dù là hữu lậu, dù là vô lậu.

Nếu dùng định cùng với 5 thiện căn, rộng phân biệt các pháp hữu lậu và vô lậu thì gọi là Cộng Như Ý Túc. Nếu làm chủ được cả 4 định thì gọi là Tánh Như Ý Túc.

—o0o—

IV) – 5 Căn

5 căn gồm có : Tín Căn – Tấn Căn – Niệm Căn – Định Căn – Huệ Căn.

Hỏi: 5 Căn có ý nghĩa gì ?

Đáp: Nếu có lòng tin vững chắc nơi Đạo pháp, khiến từ đó phát sanh nhiều hạnh lành thì gọi là có Tín Căn

Nếu thường siêng năng tinh tấn cầu Đạo pháp, hành các hạnh lành thì gọi là có Tấn Căn.

Nếu thường niệm Đạo chẳng niệm gì khác, thì gọi là có Niệm Căn.

Nếu thường nhất tâm niệm Đạo, không hề tán loạn, thì gọi là có Định Căn.

Nếu thường tu quán chiếu2 khiến trí huệ được tăng trưởng, sáng suốt, lanh lợi, nhu nhuyến, thì gọi là có Huệ Căn.

V) – 5 Lực

5 Lực gồm có : Tín Lực – Tấn Lực – Niệm Lực – Định Lực – Huệ Lực.

Khi 5 Căn đã được tăng trưởng vững mạnh rồi, sẽ trở thành 5 sức mạnh, chẳng gì có thể phá hoại được gọi là 5 Lực.

—o0o—

VI) –7 Giác Chi

7 Giác Chi gồm :

– Niệm Giác Chi
– Trạch Giác Chi
– Tinh Tấn Giác Chi
– Hỷ Giác Chi
– Trừ Giác Chi (tức Khinh an Giác Chi)
– Định Giác Chi
– Xả Giác Chi

7 Giác Chi là 7 phần Giác, họp lại thành quả Bồ Đề. Bởi vậy nên 7 Giác Chi còn được gọi là 7 Giác Phần hoặc 7 Bồ Đề Phần.

Trong 4 Niệm Xứ cũng có nghĩa của 7 Giác Chi, bao gồm cả các pháp hữu vi và các pháp vô vi.

Nếu ở nơi pháp vô vi thì là vô sắc, vô đối, vô lậu nên chẳng có thể thấy được.

Nếu ở nơi pháp hữu vi thì làm duyên khởi nhiếp các pháp thiện trong 3 đời. Đây là nhiếp ngoại nhập.

Nếu tu Huệ thì rõ biết được là bất khả đoạn, vì là chẳng có đoạn (phi đoạn). Nếu tu Vô Cấu thì cũng có quả mà chẳng có thọ pháp (phi thọ pháp), vì chẳng phải do 4 Đại tạo thành (phi 4 Đại tạo). Tuy có Thượng Pháp mà chẳng có tương ưng nhân.

Có 2 pháp thiện nhiếp 7 Giác Chi, còn các pháp bất thiện và vô ký thì không nhiếp 7 Giác Chi.

Như vậy 7 Giác Chi cũng hàm chứa trong 4 Niệm Xứ vậy.

—o0o—

VII)- 8 Thánh Đạo

8 Thánh Đạo gồm có: 

– Chánh Kiến
– Chánh Tư Duy
– Chánh Ngữ
– Chánh Nghiệp
– Chánh Mạng
– Chánh Tinh Tấn
– Chánh Niệm
– Chánh Định

8 Thánh Đạo còn gọi là 8 Chánh Đạo, là 8 con đường chánh. Theo 8 con đường này mà tu tập thì sẽ được thoát khổ, sẽ đến được cõi Niết Bàn an lạc.

Tu 4 Niệm Xứ, Huệ Căn, Huệ Lực sẽ được Chánh Kiến.

Tu Trạch Giác Chi sẽ được Chánh Tư Duy. Khi quán 4 Vô Lậu Thánh Đế, tâm được tương ưng với Vô Lậu Huệ, biết trù lượng các phương tiện chánh đáng nên cũng được Chánh Tư Duy.

Tu 4 Chánh Cần, tu Tinh Tấn Giác Chi sẽ được Chánh Tinh Tấn .

Tu 4 Niệm Xứ, tu Niệm Giác Chỉ sẽ được Chánh Niệm.

Được 4 Như Ý Túc, Định Căn, Định Lực, Định Giác Chi là có được Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng.

Khi được Chánh Mạng rồi, dùng Vô Lậu Huệ xả 5 tà mạng.

Cũng nên biết 5 việc làm nêu sau đây là những việc làm không chánh đáng, nên gọi là Tà Mạng. Đó là:

– Vì lợi dưỡng, mà hiện các pháp thuật kỳ lạ, nhằm mê hoặc người khác.

– Vì lợi dưỡng mà phô trương các công đức của mình.

– Vì lợi dưỡng mà xem Bodi toán, đoán vận mạng tốt xấu… để nhằm mê hoặc người khác.

– Vì lợi dưỡng mà hiện những oai nghi, khiến người khác sanh sợ hãi mà phải cung kính, cúng dường mình.

– Vì lợi dưỡng mà tán thán sự cúng dường, thúc đẩy người khác đem tài vật cùng dường để nuôi sống mình.

Nói tóm lại, 8 Thánh Đạo gồm 8 Chánh Hạnh chia ra làm 3 nhóm:

– 3 hạnh thuộc về Giới
– 3 hạnh thuộc về Định
– 2 hạnh thuộc về Huệ.

Trước đây đã nói về Định Phần và Huệ Phần. Nay nói về Giới Phần.

Giới Phần thuộc về tánh sắc nên chẳng có thể thấy được.

Giới Phần duyên khởi cả ba đời. Tu pháp Vô Cấu sẽ có được quả của Giới Phần.

Trong 3 Giới Phần có 1 Giới Phần nhiếp các pháp hữu lậu thiện.

Các pháp hữu lậu bất thiện và vô ký không nhiếp về Giới Phần.

Còn các pháp vô lậu thiện đều nhiếp về cả 3 Giới Phần.

—o0o—

Sau đây là phần trình bày về tiến trình tu tập 37 Phẩm Trợ Đạo theo pháp Thanh Văn và theo pháp Bồ Tát.

IX)- Tiến trình tu tâp 37 Phẩm Trợ Đao, theo pháp Thanh Văn:

Trong A Tỳ Đàm nói về tiến trình tu tập 37 Phẩm Trợ Đạo như sau:

– Ở Sơ Thiền có đủ cả 37 Phẩm. Khi chưa vào Sơ Thiền chỉ có 36 Phẩm, trừ Hỷ Giác Chi.

– Vào Nhị Thiền có 36 Phẩm, trừ Chánh Hạnh.

– Ở chặng giữa Tam Thiền và Tứ Thiền có 35 Phẩm, trừ Hỷ Giác Chi và Chánh Hạnh.

– Vào 3 Định Vô sắc có 32 Phẩm, trừ Hỷ Giác Chi, Chánh Hạnh, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng.

– Nơi Hữu Đảnh có 22 Phẩm, trừ 7 Giác Chi và 8 Thánh Đạo.

 – Ở Dục Giới cũng có 22 Phẩm.

Tất cả những nghĩa nêu trên đây là y theo pháp Thanh Văn mà biệt giải.

—o0o—

X)- Tiến trình tu tập 37 Phẩm Trợ Đạo, theo pháp Bồ Tát.

Hơn hết thảy Thanh Văn và Bích Chi Phật, Bồ Tát tu tập 37 Phẩm Trợ Đạo nhằm vào Bồ Tát vị, lần lần được Nhất Thiết Trí

1/- Tu 4 Niệm Xứ:

Quán Thân Niệm Xứ:

Bồ Tát quán thân là vô thường, là khổ, đầy dẫy bất tịnh, và biết rõ do nhân duyên đời trước đã tạo nhiều nghiệp hữu lậu, nên đời nay mới phải thọ thân 4 Đại này.

Ví như chiếc xe có 2 bánh, do sức trâu kéo, di chuyển từ đời này sang đời khác. Chiếc xe dụ cho chúng sanh, sức trâu dụ cho thức, 2 bánh xe dụ cho 2 đời nhân duyên.

Bồ Tát quán thân là vô thường, phá hoại, nên là bất khả đắc. Thân đời trước, thân đời nay, thân đời sau cũng đều bất khả đắc cả.

Bồ Tát lại quán trong thân có 8 vạn côn trùng phá hoại thân, quán thân bị các khổ nạn như đói khát, nóng lạnh, bệnh hoạn… thường xuyên làm khổ thân.

Bồ Tát lại quán thân này chẳng tự tại, là tự tướng KHÔNG, chỉ do các duyên hòa hợp mà giả lập ra có thân vậy. Quán như vậy rồi, Bồ Tát tự nghĩ rằng: “Ta chẳng nên tiếc thân mạng. Vì sao?. Vì thân nghiệp chẳng có hợp, chẳng có tán, chẳng có đi, chẳng có đến, chẳng có sanh, chẳng có diệt.

Bồ Tát lại quán thân là vô ngã, nên là tự tướng KHÔNG. Vì là tự tướng KHÔNG nên chẳng có tướng Nam, tướng Nữ… tất cả các tướng của thân này đều chẳng phải hai, chẳng phải khác, đều là vô tướng. Bồ Tát quán như vậy, vào được nhà Bồ Tát, biết rõ thân là vô tác, chỉ do các nhân duyên hòa hợp sanh, nên là hư vọng, chẳng thật có Bồ Tát lại quán nơi các nhân duyên cũng chẳng có tướng nhân duyên, lại quán “sanh” cũng chẳng có tướng sanh. Bồ Tát tư duy như vậy, nên rõ biết thân này từ vô thỉ đến nay là vô tướng, vô tác, vô sanh. Thế nhưng phàm phu do mê muội, chấp thân này là thật có. Quán thân như vậy là quán Thật Tướng của thân, xa lìa được các nhiễm trước, thường buộc niệm vào thân vậy.

Như vậy là lược nói về “Quán Thân Niệm Xứ của BồTát”.

Quán Thọ Niệm Xứ :

Bồ Tát quán “nội thọ” có 3 thứ, là : Khổ – Lạc – Phi Khổ Lạc.

Bồ Tát lại quán khác thọ, khi sanh, chẳng từ đâu đến, khi diệt, cũng chẳng đi về đâu, các thọ chỉ do vọng tưởng điên đảo sanh, và do quả báo nghiệp từ đời trước.

Bồ Tát lại quán các thọ là KHÔNG, là vô ngã, là vô thường, là phá hoại. Dẫn đến quán các thọ trong cả 3 đời cũng đều là KHÔNG, là vô tướng, là vô tác.

Bồ Tát quán như vậy, nên vào được 3 Giải Thoát Môn.

Như vậy là lược nói về “Quán Thọ Niệm Xứ của Bồ Tát”.

Quán Tâm Niệm Xứ :

Bồ Tát quán tâm có 3 tướng Sanh, Trú, Dỉệt, nhưng cũng biết rõ khi sanh, tâm chẳng từ đâu dến, khi diệt cũng chẳng đi về dâu, chi do các nhân duyên trong ngoài hòa hợp mà có “sanh” vậy thôi.

Bồ Tát biết rõ“tâm” chẳng thật có, ở cả 3 đởí “tâm” là bất khả đắc. Do ngoài có 6 trần làm nhân duyên, mà sanh có các tưởng điên đảo về tâm, tưởng có tâm tương tục sanh diệt, mà gượng ép nói có tâm vậy thôi. Thật sự muốn tìm tâm chẳng sao có thể tìm được. Vì sao?. Vì tướng tâm là bất khả đắc, tướng tâm là vô tướng vậy.

Trước sau tâm cũng chẳng phải là thật pháp. Tâm là vô sắc, vô hình, chỉ do điên đảo vọng tưởng mà sanh có tâm. Thật ra, tâm là KHÔNG, là vô ngã, là vô ngã sở, là vô

Thường là chẳng thật có. Đây là do tùy thuận tâm quán mà biết tâm là vô sắc, nên vào được trong “tâm vô sắc pháp” vậy.

Người trí quán các tướng tâm sanh cũng như diệt đều là bất khả đắc. Khi chẳng còn phân biệt cấu tịnh nữa, thì tâm trở nên thanh tịnh. Khi tâm đã trở nên thanh tịnh rồi, thì chẳng còn bị các khách trần từ bên ngoài làm nhiễm ô nữa.

*Quán Pháp Niệm Xứ :

Bồ Tát quán hết thảy pháp chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở chặng giữa, chẳng có trong 3 đời, mà chỉ theo các nhân duyên hòa hợp sanh, nên tướng của pháp là bất khả đắc. Các pháp đều là như huyễn, hư vọng. Tánh của các pháp vốn là thanh tịnh, chẳng có nhiễm ô. Lại nữa, pháp chẳng có thể biết được, chỉ do các tâm và các tâm sở pháp mà vọng chấp có tâm vậy.

Bồ Tát quán các pháp đều là KHÔNG, là vô ngã, do các nhân duyên hòa hợp sanh. Vì là tự tánh KHÔNG nên là vô tướng, vì là vô tướng nên là vô tác. Bồ Tát quán như vậy nên chẳng thấy có “pháp”, được Thật Trí Huệ vào được Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Người trí, tùy thuận các pháp tướng là KHÔNG, niệm thân, thọ, tâm, pháp mà chẳng chấp có niệm, nên được Vô Sở Niệm vậy.

2/- Tu 4 Chánh Cần

* Cũng như tu 4 Niệm Xứ, Bồ Tát phân biệt quán KHÔNG, quán Vô Sở Hữu.

3/-Tu 4 Như Ý Túc:

(Như tu 4 Niệm Xứ và 4 Chánh Cần)

4/-Tu 5 Căn :

Tu Tín Căn

Bồ Tát tin hết thảy pháp đều do nhân duyên hòa hợp sanh, mà phàm phu do điên đảo chấp, cho là các pháp đều thật có vậy.

Bồ Tát lại tin hết thày các pháp đều là vô thường là khổ, là không, là biến hoại, lại tin hết thảy các pháp là KHÔNG nên là vô tướng, là vô tác, là bất sanh bất diệt.

Do tin hết thảy các pháp là KHÔNG, là vô tướng, là vô tác nên tinh tấn tu trì giới, thiền định, trí huệ, được giải thoát, giải thoát tri kiến, được tín căn thanh tịnh. Được tín căn thanh tịnh rồi, Bồ Tát dùng tín căn làm dẫn đạo, trú trì trong giới pháp, nhất tâm tin nơi nghiệp quả báo, khởi thọ pháp Phật, tin kính chúng tăng, trú trong Phật đạo, thành tựu được tâm nhu nhuyến, nhẫn nhục, thông đạt vô ngại.

Như vậy gọi là được đầy đủ Tín Căn.

Tu Tấn Căn

Bồ Tát ngày đêm thường tinh tấn trừ 5 cái, nhiếp hộ 5 căn, nghe kinh pháp, đọc tụng, viết chép kinh pháp, xa lìa các pháp bất thiện, siêng năng tinh tấn hành Đạo, được Chánh Tinh Tấn Thiện Căn.

Như vậy gọi là được đầy đủ Tấn Căn.

Tu Niệm Căn

Bồ Tát thường nhất tâm niệm muốn được đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, thường nhất tâm nệm 4 Thánh Đế, 5 Căn,5 Lực, 7 Giác Chi, 8 Thánh Đạo, Thiền Định, Giải Thoát, lại thường nhất tâm niệm các pháp bất sanh bất diệt.

Bồ Tát niệm như vậy, được Vô Sanh Trí, đầy đủ các pháp thậm thâm, được thanh tịnh quán hạnh, chẳng quên các pháp.

Như vậy gọi là được đầy đủ Niệm Căn.

Tu Định Căn

Bồ Tát khéo biết vào định, trú định, và sanh định. Bồ Tát ở trong định mà chẳng sanh đắm chấp định vị, khéo biết chỗ duyên, nên tự tại dạo chơi trong các cảnh thiền định, xuất nhập các thiền định một cách vô ngại, tự tại.

Như vậy gọi là được đầy đủ Định Căn.

Tu Huệ Căn

Bồ Tát biết rõ Khổ và Tập Thánh Đế, thành tựu trí huệ ly các pháp Niết Bàn, ở trong 3 cõi mà chẳng có đắm chấp vì biết rõ 3 cõi đều là vô tướng, vô tác, lại thường ở trong 3 Giải Thoát Môn cần cầu Phật pháp, được trí huệ giải thoát lại thường ở trong chốn dục lạc mà tâm thường ly 5 dục, được trí huệ tự tại. Bởi vậy nên Bồ Tát ở trong thế gian mà chẳng sanh ưu phiền, ở trong Niết Bàn mà cũng chẳng sanh hoan hỷ.

Như vậy gọi là được đầy đủ Huệ Căn.

—o0o—

BồTát đầy đủ 5 Căn rồi, khéo biết tướng của các căn của các chúng sanh: Biết những chúng sanh có nhiễm dục căn, có sân nhuế căn, có ly sân nhuế căn, có ngu si căn, có ly ngu si căn, lại biết có những chúng sanh sẽ phải đọa vào địa ngục hoặc sẽ sanh làm ngạ quỷ, làm súc sanh, hoặc sẽ sanh làm người, làm Trời, lại biết có những chúng sanh có lợi căn, có độn căn, có tội căn, có vô tội căn, lại biết có những chúng sanh sanh cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô Sắc, lại biết những chúng sanh có thiện căn dày, hoặc có thiện căn mỏng, lại biết có những chúng sanh có tâm xả, hoặc có tâm bất định, hoặc có tâm xan tham, hoặc có tâm bố thí, hoặc có tâm sân nhuế, hoặc có tâm nhẫn nhục, lại biết những chúng sạnh biết cung kính Tam Bảo, hoặc không biết cung kính Tam Bảo, lại biết những chúng sanh trì giới tịnh hoặc phá giới, lại biết những chúng sanh tinh tấn hoặc giải đãi, lại biết những chúng sanh ngu si, hoặc có trí huệ, những chúng sanh biết sợ, hoặc không biết sợ, những chúng sanh tăng thượng mạn, hoặc không tăng thượng mạn, những chúng sanh đọa về tà đạo, hoặc không đọa về tà đạo v.v…

Bồ Tát tu đầy đủ 5 Căn như vậy, nên phá sạch hết thảy phiền não, thệ nguyện độ hết thảy chúng sanh.

5/- Tu 5 Lực

Bồ Tát tu 5 căn đầy đủ, được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Lúc bấy giờ 5 căn trở thành 5 Lực, khiến các hàng Thiên Ma chẳng còn có thể phá hoại tâm Bồ Tát được nữa.

6/-Tu 7 Giác Chi

Bồ Tát ở nơi hết thảy các pháp đều chẳng khởi niệm nên được thanh tịnh Niệm Giác Chi. Vì Sao ? Vì hết thảy các pháp, dù là thiện, dù là bất thiện, dù là vô ký cũng đều là bất khả đắc cả.

Bồ Tát thấy rõ các pháp đều là bất khả đắc nên được thanh tịnh Trạch Giác Chỉ.

Bồ Tát chẳng vào trong 3 cõi, phá hết thảy các giới tướng nên được thanh tịnh Tinh Tấn Giác Chi.

Bồ Tát ở nơi hết thảy các pháp, thường định, chẳng có loạn, nên được thanh tịnh Định Giác Chi.

Lại nữa, Bồ Tát ở nơi hết thảy các pháp, đều chẳng có y chỉ, nên được thanh tịnh Xả Giác Chi.

Tóm lại, Bồ Tát ở nơi 7 Giác Chi đều quán KHÔNG. Như vậy gọi là được đầy đủ 7 Giác Chi.

—o0o—

Sở dĩ chỉ lược nói về 7 Giác Chi này, vì trước đã luận giải nhiều về các hạnh Tinh Tấn, Niệm, Định và Huệ rồi.

Do quán Thật Trí Huệ mà được Chân Hỷ. Được Chân Hỷ do trước đã trừ hết các thô tâm, và sau trừ hết thảy các pháp tướng, nên được Chân Tâm, khoái lạc.

Như vậy là có Trừ Giác Chi rồi mới có được Hỷ Giác Chi.

Lại nữa, khi quán Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã, quán sanh diệt, quán bất sanh diệt, quán có (hữu), quán không (vô), quán chẳng phải có (phi hữu), quán chẳng phải không (phi vô) thì phải tu hạnh xả. Như vậy là được Xả Giác Chi.

6/- Tu 8 Thánh Đạo

Tu Chánh Kiến:

Bồ Tát ở nơỉ hết thảy các pháp đều chẳng có trú, tức  là trú nơi Vô Sở Trú vậy. Như vậy gọi là được đầy đủ Chánh Kiến.

Tu Chánh Tư Duy :

Bồ Tát quán tướng của Tư Duy, rõ biết hết thảy tướng tư duy đều là tà, nên đoạn được hết thảy tướng tư duy phân biệt. Như vậy gọi là được Chánh Tư Duy.

Bồ Tát chánh tư duy như vậy chẳng còn phân biệt chánh và tà, vì quán hết thảy các pháp đều bình đẳng, nên chẳng còn sanh tâm chấp đắm.

Tu Chánh Ngữ :

Bồ Tát suy nghĩ : “Lời nói tự nó chẳng có tướng. Khi hết thảy nghiệp khẩu đã diệt rồi, thì mới là Thật Tướng của ngôn ngữ”.

Như vậy gọi là được đầy đủ Chánh Ngữ.

Bồ Tát có thật ngữ, nên mỗi khi nói năng đều trú trong Thật Tướng. Trong kinh có nói : “Bồ Tát trú trong Chánh Ngữ, thường giữ nghiệp khẩu thanh tịnh. Bồ Tát biết rõ Thật Tướng của ngôn ngữ, nên tuy có nói năng, mà chẳng hề đọa về tà ngữ”

Tu Chánh Nghiệp:

Bồ Tát tu Chánh Nghiệp rõ biết hết thảy các nghiệp đều bất khả đắc .

Hỏi: Nếu nói “Nghiệp là KHÔNG”, thì vì sao Phật có thuyết về thiện nghiệp, về ác nghiệp ?

Đáp: Đây là tùy theo căn trí của chúng sanh mà Phật phương tiện nói như vậy. Ở nơi Thật Tướng, hết thảy các nghiệp thiện và ác đều là tự tướng KHÔNG cả.

Hỏi: Nếu nói “chẳng có 3 đời” thì làm sao có chỗ thọ nghiệp ?

Đáp: Tướng quá khứ, tướng hiện tại, tướng vị lai đều là bất khả đắc cả. Bởi vậy nên ở nơi một thời chẳng có chỗ thọ nghiệp.

Bồ Tát quán hết thảy các nghiệp đều bình đẳng vô sai biệt, chẳng chấp Chánh Nghiệp là thiện, cũng chẳng chấp tà nghiệp là ác, chẳng chấp có hành Chánh nghiệp, không hành tà nghiệp. Như vậy nên được Thật Trí Huệ, gọi là được Chánh Nghiệp. Vì sao ? Vì trong Bình Đẳng Pháp, chẳng có chánh, có tà. Biết như vậy mới thật là như thật biết về các nghiệp.

Vì như thật biết các nghiệp, nên người trí chẳng có tạo nghiệp, cũng chẳng bỏ nghiệp, thường ở trong Chánh Nghiệp, chẳng có tà nghiệp. Như vậy gọi là đầy đủ Chánh Nghiệp.

Tu Chánh Mạng:

Bồ Tát trú nơi Thật Trí Huệ, chẳng chấp Chánh Mạng, cũng chẳng xả tà mạng, chẳng chấp Chánh Pháp. Cũng chẳng trú tà pháp.

Bồ Tát thường trú trong thanh tịnh Thật Trí Huệ nhập vào Bồ Tát vị, chẳng thấy có Chánh Mạng, cũng chẳng thấy có tà mạng.

Bồ Tát hành thật trí huệ như vậy, nên gọi là có Chánh Mạng,

Tu Chánh Tinh Tấn :
*Tu Chánh Niệ :
*Tu Chánh Định
Đã nói trước đây rồi

—o0o—

Như vậy là Bồ Tát tu 37 Phẩm Trợ Đạo hơn hết thảy hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, vào Bồ Tát vị lần lần được Nhất Thiết Chủng Trí.

(Hết quyển 19)