LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP I
QUYỂN 18

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
Bát Nhã Ba La Mật
(Trí Huệ Ba la Mật)

KINH

Do chẳng nhiễm trước hết thảy các pháp, mà Bồ Tát được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật.

LUN

Hỏi: Thế nào gọi là Bát Nhã Ba La Mật?

Đáp: BÁT NHÃ gốc chữ Phạn, thường được dịch là Trí Huệ. Đây chẳng phải là trí huệ thế gian, mà là trí huệ của bậc thoát trần, rõ biết Thật Tướng của hết thảy các pháp.

Vì danh từ “Trí Huệ” không thể diễn tả hết thâm nghĩa của Bát Nhã, nên trong kinh thường dùng các danh từ “Bát Nhã”, hoặc “Trí Huệ Bát Nhã”

Chư BồTát từ khi sơ phát tâm đã tu “Trí Huệ Bát Nhã”.

BA LA MẬT là đáo bỉ ngạn, có nghĩa là qua đến bờ bên kia, bờ của giải thoát, giác ngộ (đã giải nghĩa trước đây rồi)

Hỏi: Vì sao chư Bồ Tát sơ phát tâm chưa có được trí huệ hoàn toàn, mà cũng gọi trí huệ của các Bồ Tát ấy là “Bát Nhã Ba La Mật” ?

Đáp: Phật có thật Trí Huệ Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát cũng tu nhân đó, nên cũng gọi trí huệ của Bồ Tát là Bát Nhã Ba La Mật. Tuy chưa hoàn toàn, nhưng về sau sẽ được hoàn toàn.

Phật là đấng Nhất Thiết Chủng Trí. Bồ Tát tu hành Trí Huệ Bát Nhã Ba La Mật, để được Nhất Thiết Chủng Trí.

Hỏi: Phật đã như thật biết về Thật Tướng của các pháp. Còn Bồ Tát chỉ mới được các pháp vô lậu, lại chưa được huệ nhãn hoàn toàn thanh tịnh. Như vậy, vì sao nói “Bồ Tát cũng vào được Thật Tướng các pháp” ?

Đáp: Phật ví như người vào biển lặn đến tận đáy biển rồi. Còn Bồ Tát ví như người tuy chưa lặn sâu đến tận đáy biển, mà đã thấy suốt đến đáy biển rồi vậy.

Bồ Tát có đại trí huệ soi sáng, nên tuy còn cộng trú với phiền não, mà đã thấy rõ Phật tánh nơi phiền não; tuy còn lưu tồn phiền não, mà đã thấy được Thật Tướng các pháp vậy.

Hỏi: Thế nào gọi là “Bồ Tát đã thấy được Thật Tướng các pháp”?

Đáp: Như lời Phật dạy ngài Tu Bồ Đề “Nếu Bồ Tát quán hết thảy các pháp là chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải khổ, chẳng phải lạc, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã, chẳng phải có, chẳng phải không, thì gọi là Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, thấy rõ Thật Tướng các pháp. Lại nữa, Bồ Tát quán hết thảy ngôn ngữ đều đoạn, hết thảy tâm hành đều diệt, thấy rõ tâm chẳng sanh, cũng chẳng diệt, như như tịch tịch như tướng Niết Bàn”.

Như bài kệ thuyết:

Bát Nhã Ba La Mật,
Thật pháp chẳng điên đảo,
Niệm, tưởng ,quán đều dứt,
Ngôn ngữ, hành xứ diệt.
Tiêu trừ vô lượng tội,
Nhất tâm thường thanh tịnh,
Được diệu pháp như vậy,
Mới thật là Bát Nhã.
Như hư không chẳng nhiễm,
Văn tự chẳng thể bày,
Nếu quán được như vậy,
Tức thì liền thấy Phật.
Như thật quán các pháp:
Phật, Bát Nhã, Niết Bàn
Tuy ba, mà một tướng,
Chân thật, chẳng sai khác.
Chư Phật, chư Bồ Tát,
Thường lợi ích chúng sanh,
Đều do mẹ Bát Nhã
Sanh thành và dưỡng dục
Là mẹ của muôn loài,
Bát Nhã sanh chư Phật
Chư Bồ Tát, Thảnh Hiền
Cùng tất cả chúng sanh
Một pháp môn Bát Nhã
Phật thuyết dưới nhiều tên
Tùy tâm niệm chúng sanh,
Lập ra có sai khác.
Vào được trí Bát Nhã,
Tâm luận nghị liền dứt,
Ví như mặt trời mọc,
Đám sương mù liền tan.
Bát Nhã oai  đức lớn,
Nhưng tâm người phân hai:
Người vô trí sợ hãi,
Người trí rất hân hoan.
Người vào được Bát Nhã,
Là chủ của Bát Nhã:
Bát Nhã còn chẳng chấp,
Huống nữa chấp pháp khác.
Bát Nhã chẳng đâu đến,
Cũng chẳng đi về đâu.
Bậc trí nơi các pháp,
Đến đi đều vô ngại.
Người chưa được Bát Nhã,
Bị các pháp trói buộc;
Khi được Bát Nhã rồi,
Tức thì được giải thoát.
Người thấy được Bát Nhã,
Chẳng còn chấp danh tướng;
Chẳng chấp luôn Bát Nhã
Mới là chân giải thoát.
Việc đó quá hy hữu,
Ý nghĩa rất thâm diệu ,
Ví như trò ảo thuật,
Thấy thật, mà chẳng thật
Chư Phật, chư Bồ Tát,
Thanh Văn, Bích Chi Phật,
Giải thoát cùng Niết Bàn
Đều từ Bát Nhã sanh.
Phật thương xót chúng sanh,
Dùng ngôn ngữ thế gian,
Thuyết các phápGiả Danh
Tuy thuyết mà chẳng thuyết.
Bát Nhã Ba la Mật .
Ví như đám lửa lớn,
Bốn bên chẳng thể thủ.
Xả hết các pháp thủ,
Xả luôn  niệm “chẳng thủ”.
Nên là “ bất khả thủ”
Bất khả thủ mà thủ,
Mới thật gọi là thủ
Bát Nhã rất thậm thâm,
Tướng Bát Nhã bất hoại
Vượt trên hết ngôn ngữ,
Chẳng  y vào đâu cả.
Tán thán phápBát Nhã
Được công đức sâu dày,
Dù chưa thoát sanh tử,
Vẫn chẳng gì trói buộc.

Hỏi: Vì sao gọi Bát Nhã Ba La Mật là đại Ba Lan Mật?

Đáp: Vì Bát Nhã Ba La Mật là đại trí huệ, là trí huệ đáo bỉ ngạn, đưa qua bờ bên kia, bờ giải thoát giác ngộ.

Bát Nhã Ba La Mật là mẹ của chư Phật, của chư Bồ Tát, của chư Thánh Hiền. Bát Nhã Ba La Mật là pháp tối thượng đưa chúng sanh đến đại quả báo Niết Bàn.

Tất cả 5 Ba La Mật kia chẳng được như vậy, nên gọi Bát Nhã Ba La Mật là Đại Ba La Mật.

Hỏi: Vì sao gọi Bát Nhã Ba La Mật là đại trí huệ?

Đáp: Bát Nhã Ba La Mật nhiếp thu hết thảy các trí huệ.

Bồ Tát phải học hết thảy pháp mới được hết thảy trí huệ, gọi là Nhất Thiết Trí Huệ. Hết thảy các bậc Vô Học, Tận Trí, Vô Sanh Trí, Bích Chi Phật đều được Nhất Thiết Trí Huệ.

Hỏi: Giữa Bích Chi Phật và Thanh Văn có gì sai khác nhau?

Đáp: Đạo tuy là một, nhưng pháp dụng trí có sai khác nhau. Bích Chi Phật chẳng theo người khác nghe pháp, chẳng y theo pháp của người khác, chỉ tự dùng trí của mình, tư duy mà được Đạo. Bích Chi Phật có hai tên gọi đó là: Độc Giác và Duyên Giác.

* Độc Giác ra đời vào thời không có Phật. Chư vị ấy, do thấy thê gian là vô thường (Như do nhìn hoa rơi, lá rụng…) mà khởi sanh tâm vô lậu, tự đoạn sạch các kiết sử, vào được Đạo.

* Duyên Giác ra đời, hoặc vào thời không có Phặt, hoặc vào thời có Phật. Chư vị này, do quán lý Duyên Khởi, mà sanh tâm vô lậu, tự đoạn sạch các kiết sử, vào được Đạo.

—o0o—

Lại nữa, có hai hạng người được Bích Chi Phật Đạo. Đó là:

– Hạng người sanh vào thời không có Phật, nhưng trong quá khứ vốn đã có học Phật, đã chứng quả Tu Đà Hoàn, và sau đó đã trải qua 7 phen sanh tử, nay được thành Đạo. Chư vị này được gọi là Tiểu Bích Chi Phật.

– Hạng người đã tích tập công đức trong suốt cả 100 kiếp, chẳng ngừng tăng trưởng trí huệ, thường tu tập Thiền Định, thắng hơn A La Hán. Chư vị này được gọi là Đại Bích Chi Phật.

Chư vị Bích Chi Phật chỉ ở một mình, tự tu học, tự giác ngộ, rồi liền nhập Niết Bàn, không ra hoằng pháp độ sanh.

Trái lại, Bồ Tát nguyện phát tâm thành Phật để độ thoát chúng sanh, nên thường tinh tấn tu 6 pháp Ba La Mật, phá các phiền não, mà được Nhất Thiết Trí.

Hỏi: Khi nói Nhất Thiết Trí Huệ là đã nói bao gồm cả các trí huệ thế gian và xuất thế gian rồi. Như vậy vì sao nói “phải tu 3 Thừa Trí Huệ, mới được viên mãn Đạo thể”?.

Đáp: Ví như sữa trâu và sữa lừa, tuy đồng mà cũng khác. Sữa trâu có thể biến chế ra chất tô lạc (chất bơ), còn sữa lừa thì chẳng được như vậy.

Pháp Phật và pháp Ngoại Đạo đều dạy chúng sanh “Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm”, đều dạy nhiếp tâm tu Quán và tu Định, nhưng Đạo Quả thì rất sai khác. Vì sao? Vì pháp Phật dạy chúng sanh dùng trí huệ Bát Nhã quán chiếu. Còn hàng Ngoại Đạo, do bị tà kiến chấp ngã trói buộc, nên chẳng sao tự giải thoát được.

Pháp Ngoại Đạo là hoại tướng, ví như da trâu để lâu ngoài trời, dầm mưa, giãi gió, ắt phải bị hủy hoại. Còn pháp Phật là bất hoại tướng, giống như hư không, chẳng có gì có thể phá được vậy.

Pháp Phật chẳng chấp Thường, nên chẳng bị rơi vào Thường Kiến. Vì sao?. Vì nếu chấp Thường, thì chẳng có tội, chẳng có phước, chẳng cần phải lánh nạn, cũng chẳng cẩn phải tìm phước.

Phật pháp cũng chẳng chấp Đoạn, nên chẳng rơi vào Đoạn Kiến. Vì sao?. Vì nếu chấp Đoạn, thì cũng chẳng có tội, chẳng có phước, chẳng có đời sau, nên cũng chẳng cần tu hành, chẳng cần giữ giới; ví như da trâu, sau khi đã bị mưa gió hủy hoại, chẳng còn gì nữa cả.

Hỏi: Thiền định, trí huệ của hàng Ngoại Đạo như thế nào?.

Đáp: Ngoại Đạo dùng tâm chấp ngã mà vào Thiền Định; nên khởi sanh nhiều ái mạn. Do đắm trước thiền vị, nên chẳng có Thật Trí Huệ, Thật Thiền Định.

Hỏi: Ngoại Đạo cũng quán Không. Như vậy tại sao họ chẳng có được Thật Trí Huệ ?.

Đáp: Ngoại Đạo, tuy có quán Không, mà tâm họ còn chấp tướng Không, nên chẳng có được “Ngã Không” và “Pháp Không”. Bởi nhân duyên vậy, nên họ chẳng có được Thật Trí Huệ.

Hỏi: Khi vào Vô Tưởng Định, Ngoại Đạo cũng diệt hết các tâm. Như vậy vì sao nói họ còn chấp trước, họ không có được Thật Trí Huệ ?

Đáp: Vô Tưởng Định có định lực rất mạnh, khiến các tâm đều diệt. Thế nhưng đây chẳng phải là trí huệ lực. Vì sao ? Vì ở trong định ấy lại sinh ra Tưởng Niết Bàn. Như vậy là đọa vào điên đảo. Các tâm chỉ bị tạm diệt, để rồi sẽ sanh khởi trở lại.

Ví như người chẳng có mộng, thì khi ngủ tâm chẳng có hành, nhưng khi vừa tỉnh dậy, thì lại có các tâm hành như trước.

Hỏi: Vô Tưởng Định có các lỗi như vậy. Còn Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Định thì như thế nào ?

Đáp: ở trong định ấy vẫn còn tưởng vi tế mà thiền giả không biết đó thôi.

Theo Phật pháp thì Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Định do tâm thức y vào 4 chúng trú nhân, mà các chúng nhân đó đều thuộc về nhân duyên nên chẳng có thật sự an định. Vìsao ? Vì đã có nhân, có duyên thì là vô thường, mà đã vô thường thì có khổ, có không, có vô ngã, là còn phải được xả vậy.

Ngoại Đạo vì ái trước Trí Huệ nên chẳng có được Niết Bàn Giải Thoát. Họ chỉ y chỉ vào Sơ Thiền để xả “dục” ở Hạ Địa. Như vậy là còn chỗ sở y, còn có chỗ xả. Đến khi vào Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tướng Xứ thì họ chẳng còn có chỗ sở y nữa, khiến họ sợ mất cái “ngã”. Do vậy họ chẳng được Vô Sở Đắc mà bị đọa.

Lại nữa, Ngoại Đạo trì giới không đến chỗ rốt ráo, ví như chấp sát sanh khi tế Trời là chẳng phải tội. Phật pháp chẳng phải như vậy nên hơn xa pháp Ngoại Đạo .

Phật dạy “phải nhiếp tâm tu tập các pháp thiện”. Bởi vậy nên người Trí ở trong Phật Đạo, tu được rốt ráo các pháp thiện, khiến dễ thấy được Thật Pháp.

Biển Phật pháp mênh mông vô lượng, vô biên. Phật tùy theo căn trí của chúng sanh, mà thuyết ra các pháp có sai khác : Hoặc nói CÓ, hoặc nói KHÔNG, hoặc nói THƯỜNG, hoặc nói VÔ THƯỜNG, hoặc nói KHổ, hoặc nói LẠC, hoặc nói NGÃ, hoặc nói VÔ NGÃ, hoặc nói “Tu hành 3 nghiệp là nhiếp hết thảy các pháp thiện”, hoặc nói “Hết thảy các pháp là Không, là Vô Tướng, là Vô Tác .v.v.”

Như vậy pháp Phật thuyết ra có nhiều pháp môn khác nhau. Người vô trí khi nghe, chẳng sao có thể phân biệt được. Còn người trí vào được “3 Pháp Môn” nên biết rõ “Hết thảy lời Phật dạy đều là Thật Pháp, chẳng có trái nhau”.

Hỏi: “3 pháp môn” gồm những pháp môn gì?

Đáp: Đó là:

 – Côn Lạc Môn

– A Tỳ Đàm Môn

 – Không Môn

Hỏi: Thế nào gọi là “Côn Lạc Môn”?

Đáp: Khi Phật còn tại thế, ngài Ma Ha Ca Chiên Diên đã ghi lại lời Phật dạy, gồm 320 vạn lời. Sau khi Phật diệt độ rồi, vì người đời trí huệ sút kém, nên các bậc Tăng Sĩ soạn lại còn 38 vạn 4 ngàn lời, lập thành một pháp môn gọi là Côn Lạc Môn.

Những người nào vào được Côn Lạc Môn mà luận nghị, thì sẽ được biện tài vô ngại, luận thuyết vô cùng tận.

Trong Côn Lạc Môn có 2 phần chính. Đó là:

– Tùy Tướng Môn
– Đối Trị Môn.

Ngoài ra còn rất nhiều môn khác nữa.

Ví như bài kệ Phật thuyết sau đây, nhiếp về Tùy Tướng Môn:

“Chớ làm việc ác,
Nên làm việc lành,
Tự tịnh ý mình
Đó là Phật pháp.

Lời nói xúc tích trong bài kệ ấy bao gồm cả 4 Niệm Xứ, mà cũng chẳng ly 4 Chánh Cần, 4 Như Ý Túc, 5 Căn,5 Lực.

Lại nữa, bài kệ do ngài Tỳ Kheo Mã Tịnh thuyết cho ngài Xá Lợi Phất nghe, nhiếp về Đối Trị Môn:

Các pháp theo duyên sanh,
Lại cũng theo duyên diệt.
Phật, vị đại sa môn,
Bổn sư tôi thuyết vậy.

Chỉ trong một bài kệ ngắn như vậy mà có đủ cả 3 Đế (Chân Đế, Tục Đế, Đạo Đế). Cả 3 Đế chẳng rời nhau. Đây là Tùy Tướng Môn vậy. Cũng nên nhắc lại rằng “Đối Trị Môn” là pháp môn phá chấp trước, phá tà kiến của chúng sanh, nhằm đem lại sự hiểu biết chân thật. Như Phật thuyết Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã là nhằm đối trị 4 tà chấp điên đảo của Ngoại Đạo và phàm phu về Thưởng, Lạc, Ngã, Tịnh vậy. Tuy chẳng nói về 4 Niệm Xứ, mà đã hàm chứa đầy đủ ẩn nghĩa của 4 Niệm Xứ ở bên trong.

Khi nói đến 4 Điên Đảo là nói đến Tà Kiến, tức là gián tiếp nói về các kiết sử, phiền não. Còn khi nói đến các Căn Bản Phiền Não là nói bao gồm chung tất cả các phiền não chính và các tùy phiền não ngọn ngành. Ví như khi nói “3 độc” là nói bao gồm cả 15 thứ ái trước thuộc về Tham, 5 thứ sân nhuế thuộc về Sân và 15 thứ vô minh thuộc về Si. Sau khi đã cho chúng sanh biết rõ ràng “tất cả các kiết sử và phiền não đều do “3 Độc Tham; Sân, Si”, Phật mới dạy chúng sanh tu 8 Thánh Đạo, rộng hơn nữa, tu 37 phẩm Trợ Đạo, nhằm giúp họ đối trị 3 độc và đưa họ vào Phật Đạo.

Hỏi: Thế nào gọi là “A Tỳ Đàm Môn”?

Đáp: Pháp Phật dạy thậm thâm vi diệu. Khi Phật còn tại thế, các bậc lợi căn, thượng trí, vừa nghe xong lời Phật dạy là liền chứng được đạo quả. Thế nhưng đa số người học Phật, do độn căn, thiểu trí, nên chẳng sao thâm nhập được vào biển Phật pháp mênh mông. Bởi nhân duyên vậy, các đệ tử của Phật mới soạn ra các bộ luận, để giải rộng rộng về nghĩa lý thâm sâu, siêu việt của Phật pháp, nhằm giúp người học Phật được mở mang trí huệ dễ dàng trong việc tu học vậy.

Trong Phật pháp có rất nhiều bộ luận giải lời Phật dạy, được gọi chung là A Tỳ Đàm. Ví như chỉ một lời ngắn gọn của Phật : “Hết thảy các pháp hữu vi đều là vô thường”, nếu chẳng được khai triển, giảng giải rõ ràng, thì rất khó có thể hiểu được.

Thật vậy, nếu không có Chánh Ức Niệm thì chẳng sao nhập được vào Chánh Vị. Phải ở nơi Đệ Nhất Pháp mới nhập được vào Chánh Vị, mới chứng được 4 quả Thanh Văn. Bởi vậy nên về sau, các đệ tử của Phật mới giải rõ về các tướng của Đệ Nhất Pháp. Các luận giải như vậy nhiếp về “A Tỳ Đàm Môn”.

Hỏi: Thế nào gọi là “Không Môn” ?

Đáp: Như nói về “Sanh Không”, và “Pháp Không”… là nói về “Không Môn”.

Trong một buổi pháp thoại với vua Tần Bà Sa La. Phật dạy : Này Đại Vương! Sắc, khi sanh, là không sanh Sắc, khi diệt, là không diệt. Cũng như vậy, các hành khi sanh là không sanh, khi diệt là không diệt. Bởi vậy, ở trong đó chẳng có Ngã, chẳng có Thần, chẳng có Nhân, cho nên nói “Các pháp là Vô Ngã, Vô Thần, Vô Nhân”. Từ vô thỉ đến nay, các pháp đều do duyên hòa hợp sanh mà giả danh là có. Người vô trí, y theo danh từ để cầu Thật pháp nên bị lầm lạc, chẳng sao được như nguyện.

Lại nữa, trong kinh Đại Không Phật có dạy : “Do vô minh duyên khởi, mới có Sanh, có Già, có Chết, hay nói rộng hơn, có đủ cả 12 Nhân Duyên”.

Nói như vậy là nói về “Sanh Không” và “Pháp Không”. Đặt câu hỏi ai sanh, ai già, ai chết đều rơi về tà kiến cả. Sở dĩ có Sanh, có Già, có Chết là vì có Hữu, có Thủ, dẫn đến có Ái, có Thọ, có Xúc, có Lục Nhập, có Danh Sắc, có Thức, có Hành. Tất cả đều do Vô Minh. Như vậy, nếu có người nói thân tức là thần, thần khác với thân v.v. đều là tà kiến cả.

Lại nữa, trong kinh Phật dạy: “Sanh đã KHÔNG thì Già, Chết cũng KHÔNG, vì đều là hư vọng cả. Dẫn đến Vô Minh cũng là như vậy. Cho nên các pháp đều là hư vọng, đều chẳng thật có, đều là vô tướng cả. Như vậy là nói về “Pháp Không”.       

Lại nữa, trong kinh Phạm Võng Phật dạy : “62 kiến chấp của hàng Ngoại Đạo đều là tà kiến chấp cả”.

Ví như nói “thần là thường”, “thế gian là thường” là tà kiến, mà nói “thần là vô thường”, “thế gian là vô thường” cũng là tà kiến. Vì sao ? Vì tự tánh của hết thảy các pháp đều là KHÔNG. Biết rõ như vậy mới vào được nơi Thật Pháp vậy.

Hỏi: Nói “thần là thường” là tà kiến còn hợp lý, vì thần là tánh KHÔNG. Nhưng vì sao nói “Thế gian là thường” cũng là tà kiến ?

Đáp: Thế gian vốn chẳng phải thường mà phàm phu điên đảo cho là thường. Thế nhưng nói “Thần là vô thường”, nói “thế gian là vô thường” cũng vẫn là tà kiến. Vì sao ? Vvì thần cũng như thế gian đều là tự tánh KHÔNG, nên chẳng phải thường, cũng chẳng phải vô thường.

Hỏi: Có lúc Phật dạy “Quán pháp hữu vi là Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã. Người tu được như vậy là được Đạo”. Nay vì sao lại nói “Quán vô thường cũng rơi vào tà kiến” ?

Đáp: Phật tùy duyên hóa độ chúng sanh. Có khi Phật nói về Vô Thường, có, khi Phật nói về Bất Sanh Diệt .v.v.

Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây :

Có một hôm ông Ma Na Nam đến trước Phật, bạch Phật rằng : “Bạch Thế Tôn ! Con cũng như nhiều người ở thành Ca Tỳ La Vệ, vì quá khốn khổ, nên tâm dao động, tự hỏi khi chết rồi sẽ về đâu ?”

Phật dạy : “Này Ma Na Nam ! Ngươi chẳng nên sợ. Ngươi chắc chắn sẽ không sanh về chốn ác thú, mà sẽ sanh đến chỗ thiện. Ví như cây đã nghiêng về hướng Đông rồi thì khi có người chặt nó, nó sẽ ngã về hướng Đông. Bởi vậy nên, người làm điều thiện, do có Tín, có Giới, có Văn, có Huệ, lại có phát tâm hành Bố Thí, thì khi chết chắc chắn sẽ được lợi ích, được sanh lên cõi trời. Cho nên biết Tướng là vô thường, mà Tánh chẳng phải vô thường vậy”.

Hỏi: Nếu Vô Thường là chẳng có thật, thì vì sao Phật lại thuyết về Vô Thường ?

Đáp: như trên đã nói, Phật tùy duyên mà nói pháp. Do muốn phá chấp Thường, mà Phật thuyết về Vô Thường. Còn đối với những người không tin có đời sau, Phật lại thuyết về các nhân duyên tội phước, dù trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chẳng mất.

Như vậy là Đối Trị Tất Đàn, chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn.

Nên biết rằng hết thảy các pháp ở nơi Thật Tướng đều chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường.

Lại nữa, có nhiều lúc Phật thuyết về “Pháp KHÔNG”. Thật Tướng của hết thảy pháp đã là KHÔNG, thì chấp Thường, chấp Vô Thường cũng đều là tà kiến cả vậy.

Trong kinh có chép mẫu chuyện về một ông Phạm Chí ở thành Ca Tỳ La Vệ đến vấn nạn Phật như sau:

Ông Phạm Chí hỏi Phật : “Có một thứ Đạo cứu cánh hay có nhiều thứ Đạo cứu cánh?”

Phật dạy: “chỉ có một thứ Đạo cứu cánh. Chẳng phải có nhiều”.

Ông Phạm Chí ại nói: “Phải có nhiều Đạo cứu cánh, chẳng phải chỉ có một thôi đâu !”

Phật nói: “Nếu có nhiều thứ Đạo cứu cánh, thì chẳng phải là Đạo Chân Thật. Vì sao?. Vì hết thảy Tà Đạo chẳng thể gọi là Đạo Cứu Cánh được”.

Rồi Phật hỏi tiếp: “ông đã được Đạo rồi chăng?”

Ông Phạm Chí đáp: “Trong hết thảy các pháp để được Đạo, thì pháp của Đạo tôi là bậc nhất”.

Lúc bấy giờ Phật quay về phía một vị Tỳ Kheo, nguyên là một vị trưởng lão Phạm Chí, đang đứng hầu quạt sau lưng Phật, và hỏi ông Phạm Chí rằng: “Ông có biết Tỳ Kheo này là ai chăng?”, ông Phạm Chí cúi đầu, hổ thẹn.

Phật nhân đây thuyết kệ rằng:

Ai  cũng  nói  Cứu  Cánh,
Nhưng ai cũng chấp trước,
Lại tranh nhau hơn, thua.
Tức là Không Cứu Cánh.
Trong các buổi luận nghị,
Khi biện minh lý nghĩa,
Tranh hơn, thua, phải, trái,
Ắt có sanh vui, buồn:
Người thắng sanh kiêu mạn,
Kẻ thua lại Ưu sầu.
Bởi vậy nên người trí
Chẳng tùy nơi hai pháp.
Luận nghị rồi sẽ biết:
Pháp của đệ tử TA
Chẳng hư, cũng chẳng thật,
Trọn chẳng có chỗ hoại.
Nay ngươi mun cầu gì,
Dụng ý hoại pháp TA ?
Ngươi đem trí cầu thắng,
Mà lại tự hại mình.

—o0o—

Trong kinh Thanh Văn cũng có nhiều chỗ nói về “Pháp KHÔNG”, nhưng chẳng phải như trong Kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn.

Trong Kinh Đại Thừa, khỉ nói về Pháp KHÔNG đã nói lên rằng “Tự Tướng của hết thảy các pháp đều là KHÔNG; tức là Pháp Tánh vốn thường tự KHÔNG vậy”.

Như lời Phật dạy ngài Tu Bồ Đề: “Sắc tự KHÔNG; Thọ, Tưởng, Hành, Thức tự KHÔNG; 12 Nhân Duyên, 37 Phẩm Trợ Đạo, 10 Phật Lực, 4 Vô sở úy, 18 Bất Cộng Pháp, Đại Từ, Đại Bi, Tát Bà Nhã dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề cũng đều tự KHÔNG cả.

Hỏi: Nói “Các pháp tánh thường tự KHÔNG” như vậy, sao chẳng bị đọa về tà kiến?

Đáp: người vô trí chấp chẳng có tội, chẳng có phước, chẳng có đời sau, lại chấp người tự sanh rồi tự diệt như cây cỏ, đất đá. Vậy là tà kiến. Vì sao?. Vì họ chẳng quán được “nội thân, ngoại thân cũng đều là tự tướng KHÔNG cả”.

Người theo tà kiến thường làm các việc ác, đoạn các thiện căn.

Trái lại, người tu quán KHÔNG chẳng khởi tâm chấp; đến việc thiện còn chẳng chấp, huống nữa là khởi tâm làm việc ác.

Người theo tà kiến phá “Không Môn” về cả 2 mặt: Nhân và Quả. Có người chỉ phá quả mà không phá nhân, có người phá cả nhân lẫn quả. Ví như người nói “Không nhân, không duyên, không tội, không phước, tất cả đều là không cả”, là người phá cả nhân lẫn quả vậy.

Hỏi: Người quán KHÔNG cũng nói tất cả đều là KHÔNG. Như vậy, giữa người tà kiến và người quán KHÔNG đâu có khác gì?

Đáp: Người theo tà kiến cho rằng “Các pháp đoạn diệt rồi là thành KHÔNG”. Trái lại, người tu theo Đại Thừa thì biết rõ “Các pháp đều ở nơi thể Chân Không, chẳng thể phá; chẳng thể hoại. Như vậy 2 bên hoàn toàn khác nhau, như lửa và nước, như Cam Lồ và độc được vậy. Lại nữa, thể Chân Không chẳng phải có, mà cũng chẳng phải KHÔNG. Đây là “KHÔNG Tam Muội”; còn người theo tà kiến tuy cũng nói KHÔNG, mà chẳng phải thật KHÔNG vậy.

Người tu quán KHÔNG, do trước đã có tu bố thí, trì giới, thiền định, nên tâm được nhu nhuyến; lại do các kiết sử đã mỏng, nên mới vào được Chân Không.

Trái lại, người vô trí chấp KHÔNG là do tà kiến, chẳng phải là do trí huệ mà biết được Tánh KHÔNG của các pháp vậy. chỉ ví như người nghe nói “muối làm tăng thêm mùi vị của thức ăn, có muối các thức ăn mới trở nên thơm ngon hơn”,  rồi bốc cả nắm muối bỏ vào nồi canh khiến chẳng sao ăn được vậy.

Người vô trí, khi nghe nói “KHÔNG môn” là Giải Thoát Môn” liền sanh tâm giải đãi, chẳng chịu tu các công đức, mà lại muốn được “Pháp KHÔNG”, khiến phải đoạn mất thiện căn.

Người vào được 3 Giải Thoát Môn rồi, do biết được rõ nghĩa của Phật pháp, nên chẳng rơi vào đối đãi, ở nơi mọi sự việc đều được vô ngại, tức là đã được Bát Nhã Ba La Mật rồi vậy.

Những người nào không rõ nghĩa Bát Nhã Ba La Mật mà vào trong pháp môn A Tỳ Đàm, thì luôn rơi ngay vào chấp CÓ, chấp KHÔNG; dẫn đến vào trong pháp môn Côn Lạc cũng là như vậy.

Trái lại Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, rõ biết hết thảy các pháp là vô Tướng, mà cũng biết rõ hết thảy tướng của các pháp, biết rõ hết thảy tướng đều là một, không khác. Nói rõ hơn, Vô Tướng, cũng tức là Nhất Tướng vậy.

Hỏi: Làm sao Bồ Tát biết được “Hết thảy các tướng đều chỉ là một”?

Đáp: Bồ Tát quán hết thảy các pháp chỉ là một tướng, không khác (Nhất Tướng). Vì sao?. Vì hết thảy các pháp đều do duyên sanh, đều là như huyễn, như hóa, chỉ là giả danh, chẳng có thật.

Do từ nơi một tâm (Nhất Tâm) mà duyên sanh ra các pháp, nên tướng của hết thảy các pháp đều chỉ là một tướng (Nhất Tướng)

Hỏi: Vì sao ở nơi không có pháp (nơi vô pháp) mà lại có sanh tâm ?

Đáp: Nói KHÔNG (vô) cũng tức là đã nói có (hữu) rồi vậy. Vì sao ? Vì KHÔNG là do đối đãi với có mà thành Bồ Tát quán các pháp là VôTướng, là Nhất Tướng, quán nơi các pháp chẳng có Tự Tướng, cũng chẳng có Tha Tướng. Do nói có pháp, mới có sanh tâm. Ví như nếu nói trâu là pháp, thì dê cũng là pháp, lại nếu nói pháp là KHÔNG, thì trâu, dê đều là KHÔNG cả.

Bồ Tát quán hết thảy các pháp đều do một nhân sanh, nên đều là một. Vì sao ? Vì hết thảy các pháp đều do một tâm sanh ra, nên hết thảy các pháp tướng đều chỉ là một tựớng (Nhất Tướng).

Ví như nói 1 hợp với 1 thành 2, 1 hợp với 2 thành 3… như vậy nếu khẳng định 1 là có thật thì 2, 3 đều là hư dối. Mà 2,3… đã là hư dối thì 1 cũng chẳng có thật vậy…

Bồ Tốt lại quán các pháp là Vô Sở Nhân, tức là chẳng có nhân sanh ra, nên quán thân người là sanh diệt là vô thường. Vì sao ? Vì nếu quán có nhân sanh thì là vô cùng vô tận. Nhân sanh ấy phải do nhiều nhân trước tiếp nối nhau trong quá khứ, rồi nhân ấy lại dẫn sanh ra nhiều nhân sau tiếp nối nhau trong tương lai. Cứ như vậy mãi nên là vô cùng vô tận.

Nếu nhân đã sanh diệt, là vô thường thì nhân ấy chẳng phải là nhân, tức là vô nhân vậy. Tướng có mà lại là KHÔNG, tức là Vô Tướng, pháp có mà lại là KHÔNG tức là Vô Pháp, Nhân có mà lại là KHÔNG tức là Vô Nhân.

Bồ Tát lại quán hết thảy các pháp đều có tướng. Ví như đất có tướng cứng, tướng nặng, nước có tướng ướt, tướng lạnh, lửa có tướng nónggió có tướng động, hư không có tướng dung chứa các vật. Các tướng còn được phân biệt, giải thích rõ ràng. Như nói “cỏ đây, có kia”, “trái, phải”, “trên dưới”, “Đông Tây” .v.vlà nói về phương Tướng, nói “có tâm độc ác, làm hại chúng sanh” là nói về Tội Tướng; nói “có tâm từ bi, thương xót chúng sanh” là nói về Phước Tướng, nói “có tâm không chấp trước các pháp” là nói về Giải Thoát Tướng, nói “có tâm chấp trước các pháp” là nói về Phước Tướng, nói “ở nơi hiện tiền rõ biết hết thảy pháp vô ngại” là nói về Phật Tướng .v.v.

Quán hết thảy các pháp đều có tướng như vậy rồi, Bồ Tát lại quán hết thảy các pháp đều là vô tướng. Vì Sao ? Vì hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp sanh nên đều là tự tướng KHÔNG, là tự tánh KHÔNG. Ví như do các duyên “sắc, hương, vị, xúc” hòa hợp với nhau mà “đất” được tạo thành, được gọi tên là “đất”. Chẳng phải chỉ riêng sắc làm ra. Vì nếu chỉ có riêng sắc làm ra đất, thì đất chẳng có hương, chẳng có vị, chẳng có thể xúc chạm được hay sao ? Thế nhưng “đất” là một pháp mà “sắc, hương, vị, xúc” là 4 pháp. Làm sao 4 pháp có thể thành 1 pháp, và 1 pháp có thể là 4 pháp được ? Bởi vậy nên đất chẳng phải là sắc, chẳng phải là hương, chẳng phải là vị, chẳng phải là xúc, mà ngược lại nếu rời 4 pháp này ra thì cũng chẳng sao có được đất vậy.

Hỏi: Trên đây nói “Đất chẳng phải là sắc, hương, vị, xúc”, nhưng lại nói “Đất do duyên hòa hợp của 4 pháp ấy mà được tạo thành”. Như vậy đất có an trú nơi 4 pháp ấy không ?

Đáp: Khi nói “Đất do duyên hòa hợp của 4 pháp ấy sanh”, thì đất chẳng phải là 4 pháp ấy, chẳng an trú nơi 4 pháp ấy, mà cũng chẳng ly 4 pháp ấy. Ví như cha mẹ sanh con thì con chẳng phải là cha mẹ, chẳng ở nơi cha mẹ, nhưng cũng chẳng ly cha mẹ mà tự có được vậy.

Ngoài ra, phải lấy mắt nhìn sắc của đất, lấy mũi ngửi hương của đất, lấy lưỡi nếm vị của đất, lấy thân xúc chạm với đất, và dùng nhãn thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức phối hợp với ý thức để phân biệt thì mới có thể biết được đất. Trái lại nếu không dùng đến căn và thức để nhận biết đất thì chẳng có pháp mang tên “đất” vậy. Cho nên danh và tướng của đất đều giả lập, chẳng thật có.

Hỏi: Đất có tướng cứng. Nói như vậy cũng có lỗi chăng?

Nếu nói như vậy là có lỗi, thì vì sao trong A Tỳ Đàm cũng nói đến danh tướng, và nói đất là sắc pháp do 4 đại tạo hành ?

Đáp: Đây là tùy thuận thế gian mà nói có danh, có tướng, lại vì thế gian chấp sắc tướng, nên nói đất là sắc pháp do 4 Đại tạo thành. Thế nhưng, danh và tướng đều là giả lập, chẳng phải thật có.

Trước đây nói “đất là sắc” là có lỗi lầm, nay nói “đất có tướng cứng” cũng lỗi lầm nữa.

Dùng mắt có thể thấy được sắc tướng của đất, nhưng chẳng có thể thấy được tướng cứng vậy. Lại nữa, nếu mắt thấy được tưởng cứng của đất, thì cũng phải thấy được tướng ướt của nước, tướng nóng của lửa, tướng di dộng của gió.

Các tướng cứng, ướt, nóng, di động nếu trên đây là biệt tướng của từng chất chính (Đại) trong 4 chất chính cấu tạo ra vạn vật (4 Đại), xét theo từng chủng loại riêng (Đại chủng). Thế nhưng ở nơi mỗi chất đều có sự hiện diện của 3 chất kia, cho nên nói “đất do 4 Đại tạo thành”.

Hỏi: 4 Đại chẳng rời nhau, trong đất cũng có nước, gió, lửa, trong lửa cũng có đất, nước, gió v.v… như vậy thì làm sao còn có thể là đất, là lửa… được nữa ?

Đáp: Chẳng có thế nói như vậy được. Hãy lấy thí dụ về lửa. Nếu trong lửa có mặt cả 4 Đại, thì tất cả 4 Đại đều nóng cả. Vì nếu 3 Đại kia mà không nóng, thì lửa chẳng được gọi là lửa. Còn tất cả đều nóng, thì 3 Đại kia phải bỏ tánh riêng và đều gọi chung là lửa.

Lại nữa, nếu nói trong đất thành phần lửa ít, thì dù ít lửa cũng vẫn là lửa, không khác. Nếu thành phần lửa nhiều mà biết được thì thành phần lửa ít cũng phải biết được. Nếu chẳng có biết được thì tướng của các nhân tác thành đất, thành lửa đều bất khả đắc, dẫn đến tướng của hết thảy pháp cũng đều bất khả đắc cả.

Hỏi: Có người nghĩ rằng “pháp vô tướng là pháp có tướng “vô tướng’”. Nghĩ như vậy có đúng chăng ? Có phải vì pháp là KHÔNG mà nói là vô tướng chăng ?

Đáp: Dùng Vô Tướng là để phá Pháp Tướng. Nếu lại còn chấp có tướng Vô Tướng, thì cũng vẫn là chấp Pháp Tướng vậy.

Phải vào được Thật Tướng các pháp mới hiểu rõ được thâm nghĩa. Nên biết Vô Tướng cũng tức là Tự Diệt Tướng vậy. Ví như lửa và củi. Khi lửa đã đốt cháy hết củi rồi thì lửa tự tắt.

Các bậc Thánh Hiền hành Vô Tướng Tam Muội là hành Vô Tướng Pháp vậy. Bồ Tát quán hết thảy các pháp chẳng có hợp, chẳng có tan, chẳng có sắc, chẳng có hình, chẳng có đối, chẳng có thuyết được… và rõ biết hết thảy các pháp đều là Nhất Tướng, nghĩa là chỉ một tướng, đều là Vô Tướng, nghĩa là tự tướng KHÔNG vậy.

Hỏi: Thế nào gọi là “Quán các pháp là vô tướng” ?

Đáp: Đó là quán hết thảy pháp đều nhiếp trong “2 pháp”. Ví như Danh và Sắc – Sắc và Vô Sắc – Hữu Đối và Vô Đối – Hữu Vi và Vô Vi – Hữu Lậu và Vô Lậu. v.v.

Dẫn đến có 200 thứ “2 pháp” như trong kinh Thiên Vấn có nói rõ.

* Lại có các thứ “2 pháp” khác.

Ví như: Nhẫn nhục và nhu hòa – Cung kính và cúng dường – Tài thí và pháp thí – huệ phân biệt và huệ tu đạo – Giới Cụ Túc và Chánh kiến Cụ Túc – Tướng chánh trực và tướng nhu hòa

– Định và Huệ – Niệm huệ và xảo huệ – Minh liễu và giải thoát – Thế Đế và Đệ Nhất Nghĩa Đế – Đợi thời giải thoát và bất hoại tâm giải thoát – Hữu Dư Niết Bàn và Vô Dư Niết Bàn – Sự cứu cánh và nguyện cứu cánh – Nghĩa cụ túc và ngữ cụ túc – Thiểu dục và tri túc – Pháp tùy và pháp hành – Tận trí và vô sanh trí .v.v.

Như vậy có vô lượng thứ “2 pháp”.

* Lại có các thứ “3 pháp”.

Ví như : 3 đạo “kiến đạo, tu đạo và vô học đạo” – 3 tánh “đoạn tánh, ly tánh và diệt tánh” – 3 cách tu “tu giới tu định và tu huệ” – 3 thứ Bồ Đề “Bồ Đề Phật, Bồ Đề Bích Chi Phật và Bồ Đề Thanh Văn” – 3 thừa “Phật thừa, Bích Chi Phật thừa và Thanh Văn thừa” – 3 pháp quy y “Quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng” – 3 pháp tăng thượng “Tự tăng thượng, tha tăng thượng và pháp tăng thượng” – 3 nghiệp “thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp” – 3 phước xứ “bố thí, trì giới và thiện tâm” – 3 khí tượng “Văn khí tượng, huệ khí tượng và ly dục khí tượng” – 3 luân “biến hóa luân, khai tha tâm luân và giáo hóa luân” – 3 giải thoát môn “Không, vô tướng và vô tác” v.v…

Như vậy có vô lượng thứ “3 pháp”

* Lại có các thứ “4 pháp”.

Ví như : 4 niệm xứ – 4 chánh cần – 4 như ý túc – 4 Thánh Đế – 4 Thánh chúng – 4 quả Sa Môn – 4 trí – 4 đạo

– 4 nhiếp pháp – 4 y – 4 thông đạo thiện căn – 4 Thiên Nhân luân – 4 kiến pháp – 4 vô sở úy – 4 vô ngại pháp – 4 vô lượng tâm v.v…

Như vậy có vô lượng thứ “4 pháp”.

* Lại có các thứ “5 pháp”

Ví như : 5 chúng vô học – 5 xuất tánh – 5 xứ giải thoát – 5 căn – 5 lực – 5 trí – 5 A Na Hàm – 5 Tịnh Cư Thiên – 5 trí đạo – 5 trí Tam Muội – 5 thánh phân chi tam muội – 5 như pháp ngữ đạo v.v…

Như vậy có vô lượng thứ“5 pháp”.

* Lại có các thứ “6 pháp”.

Ví như: 6 pháp xả – 6 pháp ái kính – 6 thần thông – 6 bậc A La Hán – 6 Địa kiến đế đạo – 6 niệm tùy thuận – 6 định – 6 Ba La Mật v.v…

Như vậy có vô lượng thứ “6 pháp”

*Lại có các thứ “7 pháp”

Ví như : 7 giác chi – 7 Thánh tài – 7 y chỉ – 7 tưởng định – 7 diệu pháp – 7 tịnh – 7 tài phước – 7 phi tài phước -7 pháp trợ định v.v…

Như vậy có vô lượng thứ “7 pháp”

* Lại có các thứ “8 pháp”.

Ví như : 8 Thánh Đạo – 8 Bối xả – 8 thắng xứ – 8 đại nhân giác – 8 Tinh Tấn – 8 trượng phu – 8 bậc A La Hán v.v.

Như vậy có vô lượng thứ “8 pháp”.

* Lại có các thứ “9 Pháp”.

Ví như : 9 thứ đệ định – 9 danh sắc đẳng diệt – 9 vô lậu trí – 9 vô lậu địa – 9 địa tư duy đạo v.v…

Như vậy có vô lượng thứ “9 pháp”.

* Lại có các thứ “10 pháp”.

Ví như : 10 vô học pháp – 10 tưởng – 10 trí – 10 nhất thế nhập – 10 thiện đại địa – 10 Phật lực v.v…

Như vậy có vô lượng thứ “10 pháp”.

* Lại có các thứ “11 pháp”, “12 pháp”, “13 pháp” v.v…

Ví như : 11 pháp trợ Thánh Đạo – 12 pháp nhân duyên – 13 pháp xuất thế – 14 tâm biến hóa – 15 tâm kiến đế đạo – 16 hạnh A Na Ba Na – 17 Thánh hạnh – 18 bất cộng pháp – 19 ly địa… 89 quả hữu vi – 89 quả vô vi -162 tư duy đạo có công năng phá giặc phiền não .v.v.

Như vậy có vô lượng tướng pháp khác nhau, có sanh, có diệt, có tăng, có giảm, có đắc, có thất, có cấu, có tịnh .v.v. hết thảy đều biết cả.

Bồ Tát biết hết thảy các pháp rồi, lại đưa các pháp vào tánh KHÔNG. Ở nơi các pháp KHÔNG cũng chẳng chấp đắm quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật, Vị Bồ Tát . Vì sao ? Vì Bồ Tát phát tâm đại bi thương xót chúng sanh, nên dùng các phương tiện dẫn chúng sanh vào 3 Thừa Đạo.

Ví như nhà Hóa Học dùng tác dụng của các hóa chất để biến chất này thành chất khác vậy.

Hỏi: Nếu đã nói “pháp tánh là KHÔNG” thì vì sao còn phân biệt các pháp tướng để làm gì nữa ?

Đáp: Vì các pháp vốn là tự tánh KHỔNG, nên Bồ Tát không nói tánh KHỔNG là có thể được, có thể chấp, lại cũng không nói các pháp tướng sai khác nhau là không có được vậy.

KHÔNG, nói ở đây chính là tự tánh KHÔNG. Là vô quái ngại. Đây là “Bất Khả Đắc Không”. Bồ Tát rõ biết “Bất Khả Đắc Không”, nên dùng trí huệ Bát Nhã dạy cho chúng sanh biết rằng “Thật Tướng của các pháp là Bát Nhã Ba La Mật”.

Hỏi : Hết thảy 96 bộ kinh thơ của thế gian đều có nói đến Thật Tướng các pháp. Kinh Thanh Văn, kinh Ngoại Đạo cũng có nói đến Thật Tướng các pháp. Vì sao các kinh thơ này không được gọi là Bát Nhã Ba La Mật ?

Vì sao chỉ riêng kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn mới nói “Thật Tướng các pháp chính là Bát Nhã Ba La Mật” ?

Đáp: Chẳng phải như vậy.

Các kinh thơ của thế gian chỉ nêu lên những pháp về thuật an dân, trị nước, giáo dục gia đình. Các kinh thơ này không nói về Thật Tướng Pháp.

Hàng Ngoại Đạo do tâm đắm trước tà kiến chấp nên chẳng có thể thấy được Thật Tướng Pháp.

Hàng Thanh Văn tu 4 Thánh Đế, tuy có quán về Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã, lại cũng có quán về Thật Tướng Pháp, nhưng vì không có đầy đủ trí huệ, không hay vì chúng sanh nói pháp, nên dù đã có Thật Trí Huệ, mà trí huệ đó vẫn chưa được gọi là Bát Nhã Ba La Mật.

Ví như khi Phật nhập vào Tam Muội, thì hàng Thanh Văn dẫn đến ngài Xá Lợi Phất cũng không thấu rõ được. Vì sao ? Vì A La Hán từ khi sơ phát tâm không phát đại nguyện độ thoát hết thảy chúng sanh, không đầy đủ tâm đại bi, không cầu hết thảy công đức, không cúng dường hết thảy chư Phật khắp 10 phương, không cầu Thật Tướng của hết thảy các pháp, mà chỉ cầu thoát sanh tử. Trái lại, Bồ Tát từ sơ phát tâm, đã phát đại nguyện, có tâm đại bi, cầu hết thảy các công đức, lại cũng thường tu quán Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã, lại cũng thường quán ngoại duyên ở nơi Thật Tướng là chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải khổ, chẳng phải lạc, chẳng phải có, chẳng phải không,chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã… Bồ Tát tu quán như vậy mà chẳng có chấp, chẳng có đắc, không bỏ pháp thế gian, mà cũng không trú Đệ Nhất Pháp. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật biến khắp, thanh tịnh nên không phá, không hoại Tục Đế vậy.

Hỏi: Nếu nói “Thật Tướng Bát Nhã Ba La Mật là vô tướng, pháp Bát Nhã Ba La Mật là pháp vô sở đắc”, thì làm sao người tu hành có thể thấy, có thể tu được pháp Bát Nhã Ba La Mật ?

Đáp: Phật tùy căn tánh chúng sanh mà phương tiện thuyết pháp. Nếu y theo pháp Phật mà hành trì thì sẽ được Đạo. Ví như leo lên chỗ cao phải dùng thang, muốn vượt sông vượt biển phải dùng thuyền bè vậy.

Bồ Tát từ khi sơ phát tâm, đã nghe Phật cùng chư Đệ Tử của Phật thuyết về pháp KHÔNG, đã rõ biết hết thảy pháp là rốt ráo KHÔNG, nên tâm chẳng còn chấp trước, đã diệt hết các hý luận, đã thấy rõ Đệ Nhất Pháp Thật Tướng là tướng Niết Bàn an lạc, tịch tịnh.

Thế nhưng, vì muốn độ thoát chúng sanh nên Bồ Tát không thủ tướng Niết Bàn, mà nghĩ rằng “TA nay chưa đầy đủ phước đức, trí huệ nên chưa thường dẫn đạo chúng sanh. Bởi vậy nên ta phải tu 6 pháp Ba La Mật, hành đại pháp thí, tu trí huệ, để có đầy đủ phương tiện dẫn đạo chúng sanh, đưa họ vào 3 Thừa Đạo.”

Bồ Tát dạy cho chúng sanh biết rõ :

– Do nhân duyên trì giới mà được sanh làm Trời, làm Người tôn quý, được thoát khỏi 3 đường ác.

– Do nhân duyên nhẫn nhục mà tiêu trừ được tâm sân nhuế, mà được thân đoan chánh.

– Do nhân duyên tinh tấn mà phá được tâm giải đãi trong nhiều đời, được thân Kim Cang, lại dùng tâm tinh tấn ấy để phá sạch kiêu mạn, đưa đến Niết Bàn thiền định.

– Bồ Tát thành tựu các công đức ấy rồi, lại vì chúng sanh thuyết pháp ly dục và thuyết Bát Nhã Ba La Mật.

Trong kinh nói “Tỳ Kheo nhất tâm quán Thật Tướng Pháp, tu hành Đàn Ba La Mật , tu 10 thiện Đạo, tu Thi La Ba La Mật…nhưng nếu chưa đầy đủ thiền định, trí huệ thìvẫn chưa được ly dục, nên lại phải tu nhẫn nhục mới ly được các dục”.

Với 3 Độ (Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn) nêu trên đây, Bồ Tát chỉ mới khai thị được một “biệt môn”, đó là “phước môn” mà thôi.

Bồ Tát lại dạy chúng sanh rằng : “Các quả phước báo cũng vô thường, khi hưởng hết phước lạc rồi thì cũng sẽ bị đọa. Do vậy mà phải sanh tâm nhàm chán sự thọ phước báo hữu lậu, cầu Thật Tướng Pháp, nhất tâm tu quán, tu thiền định, trừ 5 dục, 5 cái, tinh tấn hành Bát Nhã Ba La Mật.

Trước đây nói về 3 Độ trì giới, tinh tấn và nhẫn nhục. Đối với 3 Độ này, người tu, dù ít tinh tấn cũng còn có thể tu được. Nay nói về tu Bát Nhã Ba La Mật, là pháp tu Thật Tướng Pháp, nên người tu phải nhất tâm cầu thiền định, mới mong có được Trí Huệ Bát Nhã.

Thiền định và trí huệ khó tu, khó được, nên người tu phải nhất tâm tinh tấn mới được vậy.

Hỏi: Phải hành cả 5 Độ kia mới được Bát Nhã Ba La Mật hay sao ?

Đáp: Có 2 trường hợp hành Bát Nhã Ba La Mật. Đó là:

– Hành Bát Nhã Ba La Mật chung với 5 Ba La Mật kia.

– Hành riêng Bát Nhã Ba La Mật.

Ví như 4 Đại hòa hợp chẳng rời nhau. Khi tu Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng rời 5 Ba La Mật kia, thì gọi là tương ưng trí hành, được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật.

Có người chỉ tu 1 hoặc 2, hoặc 3, hoặc 4 Ba La Mật mà cũng được Bát Nhã Ba La Mật.

Ví như :

– Người tu Bố Thí mà biết rõ, giải rõ Thật Tướng Pháp, là được Đàn Ba La Mật, là vào được Bát Nhã Ba La Mật.

– Người tu Trì Giới, không não hại chúng sanh mà tâm không hối, lại nữa, ở nơi các tướng chẳng sanh tâm phân biệt, thương ghét, ở nơi hết thảy chúng sanh, hành các pháp bình đẳng là được Thi La Ba La Mật, vào được Bát Nhã Ba La Mật. Nếu còn ghét người làm tội, thương người không tội… là còn làm não hại chúng sanh .

Bồ Tát thường hành bố thí, trì giới với tâm bình đẳng. Như vậy mới được Đàn Ba La Mật, được Thi La Ba La Mật , mới vào được Bát Nhã Ba La Mật.

Lại nữa, Bồ Tát nếu không tu pháp Nhẫn, thì không thường nhẫn hết thảy chúng sanh. Bồ Tát thường hành pháp nhẫn nên chẳng thấy có người đến đánh mắng mình, cũng chẳng thấy có mình thọ sự đánh mắng của người khác, mà chỉ tự nghĩ rằng : “Do nghiệp nhân duyên đời trước, mà nay phải thọ quả báo vậy thôi”.

Bồ Tát quán như vậy rồi, chẳng còn thấy có mình nhẫn, chẳng thấy có người để nhẫn, chẳng thấy có pháp nhẫn, nên vào được chỗ rốt ráo tịch tịnh. Được pháp ấy rồi thì chẳng còn làm não loạn chúng sanh, vì lúc bấy giờ, pháp Nhẫn đã tương ưng với Trí Huệ Bát Nhã Ba La Mật.

Lại nữa, ở nơi hết thảy pháp, Bồ Tát thường tinh tấn nên phân biệt, biết được hết thảy các pháp, rõ biết Thật Tướng của hết thảy các pháp. Như vậy là Tinh Tấn trở thành Trí Huệ. Bồ Tát lại biết rõ Thật Tướng của Tinh Tấn là ly “sanh tâm”, là như thật tướng bất động. Tinh Tấn như vậy dẫn sanh Bát Nhã Ba La Mật . Bồ Tát lại biết rõ Tinh Tấn cũng là như huyễn, như mộng, chẳng phải thật có, nên chẳng sanh tâm, chẳng nhiếp niệm, được tâm thường như như bất động, nên vào được Thật Tướng các pháp.

Bồ Tát chẳng dùng thấy, nghe, hay, biết, mà vẫn vào được Thật Tướng các pháp. Vì Sao ? Vì biết rõ 6 căn, 6 trần đều là hư dối. Chỉ do nhân duyên quả báo mà có chỗ thấy, chỗ nghe, chỗ hay, chỗ biết vậy thôi. Tất cả đều do nghiệp lực cả. Đã là do nghiệp lực thì đều là hư vọng, chẳng thể tin được.

Lại nữa, Bồ Tát rõ biết chỉ có chư Phật mới có Thật Tướng Trí Huệ, muốn được Thật Tướng Trí Huệ phải y nơi thiền định, nhất tâm quán Thật Tướng các pháp. Như vậy mới được Thiền Ba La Mật , mới vào được nơi Bát Nhã Ba La Mật.

—o0o—

Có người không tu 5 Ba La Mật kia, mà chỉ nghe đọc kinh rồi tư duy mà thông đạt được Thật Tướng các pháp. Như vậy là dùng phương tiện trí mà được Thật Tướng Pháp vậy.

Cũng có người chỉ nghe thuyết về Khổ Đế, mà được cả 4 Thánh Đế. Cũng có người phải nghe đủ cả 4 Thánh Đế mới được Đạo.

—o0o—

Phật dạy các Tỳ Kheo : “Các ngươi đoạn được tham dục, là vào được Đạo A Na Hàm”.

Vì sao ? Vì đoạn được tham dục thì sân, si… đều dứt cả.

Tu 6 pháp Ba La Mật cũng như vậy. Tất cả 6 pháp Ba La Mật đều phá các hạnh ác, như bố thí phá xan tham… Bởi vậy nên Bồ Tát tu 6 pháp Ba La Mật mà chẳng trú hết thảy các hạnh pháp, vào được Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao? Vì các hạnh đều hư dối, chẳng thật có. Các hạnh dù là thiện, dù là ác cũng chẳng nên chấp.

Hỏi: Đã nói “Trí Huệ Bát Nhã”, thì vì sao còn phân biệt 3 hạnh là     Phạm Hạnh, Thiện Hạnh, Thánh Hạnh?

Đáp: Hành mà “vô sở hành” mới gọi là Thánh Hạnh. Vì sao? Vì Thánh Hạnh chẳng rời 3 Giải Thoát Môn. Còn Thiện Hạnh và Phạm Hạnh vẫn còn là chúng sanh hạnh, còn chúng sanh tướng. Các bậc Thánh Hiền dùng “vô trước tâm hành” mới chẳng có lỗi lầm. Vì sao? Vì hành mà vô sở hành mới thật sư là pháp vô sở đắc. Do vô sở đắc nên chẳng sanh hư vọng, mà thường thanh tịnh, vào được Thật Tướng Pháp. Câu “SẮC tức thị KHÔNG, KHÔNG tức thị SẮC” trong kinh Bát Nhã Ba La Mật nêu lên ý nghĩa vô sở đắc vậy.

KHÔNG ở đây có nghĩa là từ xưa đến nay vốn thường tự KHÔNG.

Bởi nhân duyên vậy, nên chẳng nên hỏi “phải hành bao nhiêu pháp Ba La Mật mới được Bát Nhã Ba La Mật”.

Phật, vì thương xót chúng sanh nên đã phân biệt nói có 3 hạnh, mà chưa vội nói về Đệ Nhất Nghĩa.

Hỏi: Nếu nói “Hành vô sở hành mới là pháp vô sở đắc”, thì người tu hành y vào đâu để cầu Đạo ?

Đá : Vô sở đắc có 2 nghĩa:

1)- Người thế gian mong cầu việc gì mà chẳng được như ý muốn, thì gọi là vô sở đắc.
2)- Người có Trí Huệ Bát Nhã, biết rõ Thật Tướng của các pháp là tướng vô sở đắc.

Vô sở đắc nêu trên đây, chẳng phải là không có phước đức trí huệ để tăng ích thiện căn. “Đắc”  mà chẳng chấp mới thật là “vô sở đắc”. Phàm phu khi hành các thiện công đức, thường chấp có chỗ đắc của mình. Như vậy là “Hữu sở đắc”.

Trái lại Phật và chư vị Bồ Tát thường vô sở đắc.

—o0o—

Đến đây chỉ mới lược nói về nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật. Ở các chương sau sẽ giải rộng thêm nhiều.

(Hết quyển 18)