LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP I
QUYỂN 15

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
 
Sẵn Đề Đa La Mật
(Nhẫn Nhục Ba La Mật)
(tiếp theo)

Hỏi: Thế nào gọi là Pháp Nhẫn?

Đáp: Nhẫn đối với các pháp, chịu đựng hết mọi nghịch cảnh, mọi thử thách, mọi niềm khổ đau v.v. do các pháp gây ra gọi là Pháp Nhẫn.

Pháp Nhẫn nhiếp về 6 tình, chẳng có hiển lộ ra bên ngoài, chẳng có thọ sáu trần, chẳng có sanh, chẳng có diệt. Vì sao ? Vì các tướng nội ở trong nội tâm, cũng như các tướng ngoại ở ngoại cảm cũng đều như như. Cả hai tướng ấy đều là bất khả đắc, đều là thanh tịnh, đều là vô tướng cả.

Nên biết hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp sanh, thật ra trong tâm chẳng có pháp.

Do hết thảy các pháp đều là tướng thanh tịnh, nên là “chẳng phải hai tướng” (bất nhị tướng), là “một tướng” (Nhất tướng), là “chẳng có tướng” (vô tướng) vậy.

Vì tướng các pháp “chằng phải hai”, “chẳng phải khác”, nên khi quán các pháp, Bồ Tát vẫn giữ được tâm thanh tịnh, bất động.

Trong kinh Duy Ma Cật, có thuyết rằng : “Sanh Diệt chẳng phải hai, Bất Sanh Bất Diệt chẳng phải hai; vạn pháp đều chẳng phải hai, chẳng phải khác. Như vậy gọi là Pháp Môn Bất Nhị”.

Khi ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi ngài Duy Ma Cật, ngài Duy Ma Cật làm thinh, chẳng nói một lời. Các Bồ Tát tán thán: Lành thay ! Như vậy mới thật là Pháp Môn Bất Nhị.

Pháp Nhẫn có 2 thứ. Đó là:

  1. Tâm Pháp Nhẫn.
  2. Phi Tâm Pháp Nhẫn.

Khi nói “có trong, có ngoài, có nóng, có lạnh, có gió, có mưa, có đói, có khát, có sanh, có già, có chết…”, thì gọi là Phi Tâm Pháp. Còn như “Sân nhuế, ưu sầu, dâm dục, kiêu mạn…”, thì gọi là Tâm Pháp.

Bồ Tát ở nơi cả hai pháp, đều nhẫn, đều giữ tâm không lay chuyển. Như vậy gọi là Pháp Nhẫn.

Hỏi: Đối với chúng sanh mà khởi sân nhuế, làm hại họ là có tội; thương xót, giúp đỡ chúng sanh thì được phước. Còn như nóng lạnh, mưa gió… chẳng phải là chúng sanh, dù ta có sân nhuế, có kiêu mạn… thì các pháp ấy vẫn chẳng có thêm bớt, chẳng có vui buồn… Như vậy thì nhẫn có lợi ích gì đâu?

Đáp: Tuy chẳng có thêm bớt, chẳng có vui buồn… nhưng nóng lạnh, mưa gió… cũng làm cho người não loạn, ưu khổ… có phương hại đến việc hành Đạo Bồ Tát, nên phải nhẫn.

Lại nữa, chẳng phải chỉ có các hành động sát hại, não loạn chúng sanh mới có tội, mà tâm phan duyên khởi các việc ác cũng đã có tội rồi vậy, nếu do vô ý mà sát chúng sanh, thì cũng chẳng phải là tội. Còn trái lại, chỉ dấy niệm từ đối với chúng sanh, dù chẳng cho họ gì cả cũng được phước rồi vậy.

Gió, mưa, nóng, lạnh… tuy chẳng có tăng, chẳng có giảm, song thường làm cho người sanh phiền não, khởi ác tâm, dẫn đến phạm tội. Bởi vậy, phải nhẫn nhục để tránh gây ra các tội lỗi.

Bồ Tát tự nghĩ rằng: “Đời trước ta đã gây tội, nên đời nay mới sanh ở cõi khổ. Khổ là do tự ta gây ra, nên ta phải nhẫn”.

Bồ Tát lại tự nghĩ rằng: “Do nghiệp cảm nhân duyên sai khác, mà chúng sanh thọ sanh vào các cõi tịnh, hoặc bất tịnh khác nhau.

Nếu đời nay ta sanh vào cõi bất tịnh, đói khát, quá nóng, quá lạnh, hoặc quá nhiều sự đau khổ bức bách ta, thì ta phải thệ nguyện khi ta thành Phật, trong cõi nước của ta chẳng có các khổ đau như ở cõi này. Dù ta ở trong cõi bất tịnh, khổ đau, ta vẫn tu Nhẫn Nhục, làm lợi lạc cho chúng sanh”.

Bồ Tát lại tự nghĩ : “Có 8 nạn mà các bậc Thánh Hiền cũng còn chẳng có thể tránh được, huống nữa là ta, nên ta phải tu Nhẫn Nhục. Dù làm thân người, không bền chắc, chịu các khổ Sanh Già Bệnh Chết, mà còn hơn làm thân Trời thanh tịnh, không Già, Bệnh, Chết nhưng lại chìm đắm trong sự khoái lạc triền miên. Nay ta tuy khổ mà đã được cả thân người, đã xuất gia, đã ly dục, nên ta phải tinh tấn tu Nhẫn Nhục, làm lợi ích cho chúng sanh”.

Bồ Tát lại tự nghĩ: “Đã thọ thân 4 đại, 5 ấm, ắt phải có các khổ. Dù người giàu, người nghèo, người xuất gia, người tại gia, chẳng ai tránh khỏi các khổ nạn. Người giàu sang vẫn thường sợ hãi bị mất của, ví như con dê béo sợ hãi,biết mình trước sau rồi cũng sẽ bị người ăn thịt. Nay ta đã xuất gia tu học, tuy có chịu các khổ, nhưng đời sau sẽ thọ phước báo, sẽ được Đạo. Còn người tại gia, tuy đời nay có hưởng các thú vui vật chất, nhưng đời sau sẽ thọ khổ. Phàm phu chỉ cầu vui ở đời này, mà chẳng biết lo tu hành khiến phải trầm luân mãi trong bể khổ Sanh Tử. Người xuất gia rõ biết Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã, nên tinh tấn tu hành, không rong ruổi theo các thú vui thế gian. Bởi vậy, dù thọ thân người là khổ, ta phải thường hành Nhẫn Nhục”.

Bồ Tát lại nghĩ : “Hết thảy thế gian đều khổ; ta ở trong đó làm sao ta lại cầu vui. Vậy nên ta phải tu nhẫn”.

Bồ Tát lại tự nghĩ: Ta từ vô lượng kiếp thường thọ các khổ, mà chẳng làm lợi ích gì cho chúng sanh cả. Nay vì chúng sanh, ta cầu Phật Đạo, tuy thọ các khổ, mà được đại lợi ích. Vậy nên đối với các khổ, dù trong, dù ngoài, ta phải đều nhẫn thọ”.

Bồ Tát lại tự nghĩ : “Ta, vì đại tâm, thệ nguyện vào chốn địa ngục, dù khổ nhiều cũng còn chịu được, huống nữa là chút ít khổ ở thân mà chẳng nhẫn được hay sao?”

Đối với các pháp nội và ngoại đều nhẫn thọ gọi là Pháp Nhẫn.

Hỏi: Thế nào gọi là Nội Tâm Pháp Nhẫn?

Đáp: Bổ Tát tự nghĩ: “tuy ta chưa được Đạo, chưa đoạn sạch kiết sử, nhưng nếu ta không nhẫn, thì ta đâu có khác gì phàm phu? Còn, khi ta đã được Đạo rồi, đoạn sạch kiết sử rồi, thì chẳng có pháp gì mà không nhẫn được. Vậy nên ta phải tu Nhẫn Nhục để đoạn sạch kiết sử, mới mong vào được Đạo.

Lại nữa, đói khát, nóng lạnh là ngoại ma, kiết sử, phiền não là nội ma. Ta phải phá được cả hai loại ma ấy mới thành Phật Đạo.

Như khi Phật đang tu khổ hạnh, các Ma Vương đến nói : “Mạng sống của ngài mong manh lắm rồi, ngài hãy mau mau trở về nước, tu hạnh bố thí sẽ hưởng được phước lạc trong nhiều đời. Ở trên Trời sung sướng lắm, ngài chớ nên phí công tìm Đạo, khổ thân tu khổ hạnh, ngài chẳng thể tìm được Đạo đâu ! Nếu ngài không nghe lời khuyên của chúng tôi, mà cứ si mê không đứng dậy thì chúng tôi sẽ đem đại quân đến đánh phá.”

Phật (lúc bấy giờ còn là Bồ Tát ) đáp lại rằng : “Ta đang đánh phá bọn quân nội ma của các ngươi đây. Nội ma TA còn chưa sợ huống nữa là ngoại ma. Rồi thuyết kệ:

Dục là đạo quân thứ nhất;
Ưu sầu là đạo thứ hai,
Đói khát là đạo thứ ba,
Ái nhiễm là đạo thứ tư,
Ham ngủ là đạo thứ năm,
Sợ hãi là đạo thứ sáu,
Đa nghi là đạo thứ bảy,
Thâm độc là đạo thứ tám,
Đắm lợi dưỡng, ham danh vọng,
Đó chính là đạo thứ chín,
Tự cao, khinh mạn người khác,
Là đạo thứ mười kế sau.
Quân các ngươi rất hùng hậu.
Hết thảy các hàng Trời Người,
Chẳng có ai đủ sức phá,
Nhưng vẫn thua người xuất gia.
Ta dùng Trí Huệ, Thiền Định,
Phá tan quân của các ngươi.
Khi TA viên thành Phật Đạo,
Sẽ độ hết thảy chúng sanh.

Bồ Tát dù chưa phá được các ma quân nhưng vẫn luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng, mặc áo giáp nhẫn nhục, dùng mũi tên trí huệ, và cung thiền định bắn phá giặc phiền não.

Như vậy gọi là “Nội Tâm Pháp Nhẫn”.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát nhẫn nhục, phá phiền não mà vẫn không tận đoạn kiết sử?

Đáp: Vì Bồ Tát muốn lưu hoặc để độ sanh. Nếu tận đoạn kiết sử, vào A La Hán Đạo thì sẽ như người bị bại chân, chẳng thể đi xa ngàn dặm được, chẳng thể thành tựu “tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn” được.

Bồ Tát tu nhẫn, tuy không đoạn sạch kiết sử mà vẫn không tùy theo kiết sử.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát khôngđoạn sạch kiết sử mà vẫn không tùy theo kiết sử?

Đáp: Bồ Tát có Chính Tư Duy, nên tuy còn phiền não mà vẫn chẳng tùy phiền não.

Lại nữa, khi tư duy, Bồ Tát quán KHÔNG, quán VÔ THƯỜNG, nên tuy có thọ 5 dục mà vẫn chẳng có sanh kiết sử.

Trong kinh có chép mẩu chuyện sau đây :

Một vị đại thần được lệnh vua, đem buộc con dê lớn cho ăn uống đầy đủ trong 3 ngày, trước khi đem làm thịt. Con dê được bổ dưỡng trở nên được béo mập hơn trước nhiều.

Khi giết dê, nhà vua thấy dê béo mập mà chẳng có mỡ, bèn hỏi vị đại thần : “Vì sao con dê này béo mập mà lại chẳng có mỡ ?”.

Vị đại thần đáp : “Vì nó sợ chết nên tan hết mỡ trong thân”.

Bồ Tát cũng như vậy. Vì rõ biết Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã là đáng sợ nên chẳng dấy sanh kiết sử. Bồ Tát tuy có vô lượng công đức phước báo, mà tâm vẫn nhu nhuyến, nên các kiết sử mỏng dần, khiến sự tu Nhẫn Nhục được dễ dàng vậy. Ví như sư tử chúa trong rừng thường dung tha các thú nhỏ, để cho sống an ổn, còn cọp beo thì chẳng có rộng lượng như vậy. Vì sao ? Vì sư tử chúa có trí tuệ, phân biệt được đúng, sai, còn cọp beo không có trí tuệ nên chẳng được như sư tử chúa vậy.

Bồ Tát quán sân nhuế cùng các hạnh bất thiện khác, đồng thời cũng quán nhẫn nhục cùng các thiện công đức khác, nên thường tu nhẫn, không tùy theo các kiết sử.

Bồ Tát có trí huệ, có thể đoạn sạch kiết sử, rõ biết kiết sử là giặc ở nội tâm, nhưng vì sống vớỉ chúng sanh, nên Bồ Tát vẫn lưu kiết sử để phương tiện độ chúng sanh mà chẳng tùy theo kiết sử. Bổ Tát trói giặc kiết sử lại, không cho buông lung để tu tập các công đức. Ví như bắt được giặc, không sát hại mà chỉ giam kín ở một nơi, khuyến dụ giặc giúp mình tạo sự nghiệp lớn vậy.

Lại nữa, Bồ Tát rõ biết Thật Tướng các pháp nên không dùng các kiết sử để làm các việc ác, mà chỉ dùng vào các thiện công đức.

Lại nữa, Bồ Tát thâm nhập Diệu Pháp, nên ở nơi phiền não chẳng sanh sân, ở nơi công đức chẳng sanh chấp đắm.

Do có trí huệ nên Bồ Tát thường hành động theo trí huệ.

Như bài kệ thuyết:

Bồ Tát đoạn trừ bất thiện pháp,
Nơi thiện pháp chẳng sanh chấp đắm,
Có công đức phước báo vô lượng,
Thành tựu viên mãn các sự nghiệp.
Bồ Tát đầy đủ lực trí huệ,
Khiến kiết sử không làm não hại,
Rõ biết Thật Tướng hết thảy pháp,
Sanh Tử, Niết Bàn chẳng phải hai.

Bởi nhân duyên vậy, mà tuy chưa được Đạo, Bồ Tát ở nơi hết thảy pháp vẫn có thể nhẫn được. Như vậy gọi là Pháp Nhẫn.

Lại nữa, Bồ Tát quán hết thảy các pháp đều là Nhất Tướng, nghĩa là chỉ có một tướng, rõ biết các thức, từ Nhãn thức đến Ý thức chỉ là một, cũng rõ biết Khổ, Tập, Diệt, Đạo, Khổ Đế Tập Pháp, Khổ Tập Tỳ Trí, Tập Đế Diệt Pháp, Tập Diệt Tỳ Trí, Diệt Đế Đạo Pháp, Diệt Đạo Tỳ Trí v.v. đều là Tự Tướng KHÔNG. Bởi vậy nên rõ biết hết thảy pháp đều là Nhất Tướng.

Lại nữa, Bồ Tát rõ biết tướng Tương Ưng Duyên của hết thảy các pháp, ví như nhãn thức tương ưng duyên với Sắc pháp. Tất cả 6 thức đều như vậy, đều là giả danh. Như vậy các pháp môn, dù vô lượng cũng chỉ là một. Đây là nghĩa Pháp Môn Bất Nhị, là Pháp Nhẫn.

Lại nữa, Bồ Tát quán các pháp, do tương quan đối đãi mà phân ra 2, như : trong và ngoài, trên và dưới, có và không, thường và vô thường, ngã và vô ngã, hữu lậu và vô lậu, hữu vi và vô vi, hữu đối và vô đối, tâm pháp và phi tâm pháp v.v. Như vậy có vô lượng Nhị Môn. Bồ Tát phá Nhị Môn mà cũng chẳng chấp Nhất Môn mới là Pháp Nhẫn.

Trong Kinh có chép mẩu chuyện sau đây :

Có một vị Tỳ Kheo tư duy, quán sát về 14 nạn vấn của Ngoại Đạo mà chẳng sao thấu rõ được, bèn đến bạch Phật : “Bạch Thế Tôn ! Kính xin Thế Tốn giải rõ cho con nghe về 14 nạn vấn của Ngoại Đạo. Nếu Thế Tôn chẳng giải được con xin dược phép đi cầu đạo khác”.

Phật dạy : “Kni ngươi đến xuất gia với ta, cầu Đạo với ta, ngươi có đặt điều kiện phải giải thích rõ 14 nạn vấn của Ngoại Đạo rồi mới xuất gia chăng ?”

Vị Tỳ Kheo đáp : “Bạch Thế Tôn ! Con chẳng có đặt điều kiện gì cả”

Phật dạy : “Vì muốn độ thoát khỏi Sanh Già Bệnh Chết, hay vì muốn hiểu rõ về 14 nạn vấn là các pháp hý luận mà ngươi hỏi ta ?”.

Rồi Phật dạy tiếp : “Ý ngươi nghĩ sao ? như có một người bị tên độc bắn trúng, được bà con thân thích đem đi chữa trị, mà người ấy chẳng chịu nghe, chẳng cho nhổ mũi tên ra, lại muốn xem mũi tên ấy từ đâu bắn đến đây, do ai bắn, làm bằng sắt hay làm bằng gỗ, nếu làm bằng gỗ thì gỗ lấy từ loại cây gì, lấy ở khu rừng nào v.v. lại muốn biết rõ loại thuốc độc tẩm đầu mũi tên là loại thuốc gì, lấy ở đâu v.v. Người ấy muốn rõ biết tất cả rồi mới chịu cho đưa đi chữa trị. Hành động như vậy có hợp lý chăng ?”

Vị Tỳ Kheo đáp : “Bạch Thế Tôn ! Không như vậy được, Người ấy sẽ phải chết trước khi rõ biết các sự việc như vậy”.

Phật dạy : “Ngươi cũng là như vậy. Mũi tên tà kiến đã bắn vào thân ngươi rồi. Ngươi hãy mau mau nhổ mũi tên ấy ra, đừng bỏ phí thời gian để tìm hiểu những điều hý luận vô ích. Đến khi chết đến rồi, ngươi cũng vẫn chưa tìm được Giải Thoát, Giác Ngộ”.

Vị Tỳ Kheo quá hổ thẹn, tư duy, thâm nhập lời Phật dạy, liền đắc quả vị A La Hán.

 —o0o—

Lại nữa, Bồ Tát rõ biết Thật Tướng của các pháp, biết như vậy để không còn chấp pháp nữa. Như vậy gọi là Pháp Nhẫn.

Lại nữa, trong Phật pháp có rất nhiều pháp môn thanh tịnh, vi diệu. Nếu nhất tâm tín thọ, không nghi, mới là Pháp Nhẫn.

Như lời Phật dạy “các pháp tuy KHÔNG, nhưng chẳng đoạn, chẳng diệt. Các duyên sanh pháp, tương tục vô thường, ở nơi mỗi niệm đều có sanh tội, phước. Các căn, các huệ chuyển biến không ngừng, niệm niệm không phân biệt, chẳng có trước sau. Trong vô lượng đời các nghiệp cảm nhân duyên là như vậy đó”.

Bồ Tát rõ biết 5 ấm, 12 nhập, 18 giới đều là Tự Tánh KHÔNG, mà chúng sanh mê muội chẳng biết, nên phải lưu chuyển mãi trong các nẻo đường sanh Tử. Như vậy đủ các pháp thậm thâm vi diệu. Bồ Tát tuy chưa được Đạo mà thường thâm tín thọ, không nghi. Như vậy gọi là Pháp Nhẫn.

Lại nữa, A La Hán, Bích Chi Phật chỉ cầu Niết Bàn thanh tịnh, còn Bồ Tát tuy chưa được Phật Đạo mà chỉ cầu Nhất Thiết Trí, lại vì thương xót chúng sanh, muốn biết rõ Thật Tướng các pháp. Như vậy gọi là Pháp Nhẫn.

Hỏi: Thế nào gọi là “quán Thật Tướng các pháp?

Đáp: Quán biết các pháp chẳng thể hoại được, như vậy gọi là “quán Thật Tướng các pháp”.

Hỏi: Vì sao nói “Thật Tướng các pháp là tướng chẳng thể phá hoại được”?

Đáp: Thật Tướng các pháp là tướng chẳng thể phá hoại được, như trong Phật pháp thường nói “hết thảy ngôn ngữ đều đoạn, hết thảy tâm hành đều diệt, thanh tinh như tướng Niết Bàn”.

Thật Tướng các pháp chẳng phải là thường. Vì sao? Vì nếu là thường thì chẳng có tội, chẳng có phước, chẳng cần phải tu hành, chẳng có Giải Thoát.

Lại nữa, Thật Tướng các pháp cũng chẳng phải là doạn diệt. Vì sao? Vì nếu là đoạn diệt thì cũng chẳng có tội, chẳng có phước, chẳng có tăng, chẳng có giảm. Vì các quả báo nhân duyên không mất nên các pháp không đoạn diệt

Hỏi: Vì sao nói “trong Phật pháp hết thảy pháp chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng thật có”?

Đáp: Trong Phật pháp “Thường Pháp” và “Vô Thường Pháp” đều chẳng thật có.

Do duyên sanh pháp là bất sanh, bất diệt, bất tận, ví như hư không, mà phương tiện nói tướng của các pháp là thường.

Lại do 5 ấm, 12 nhập, 18 giới v.v. đều có các tướng sanh, trú, diệt, mà phương tiện nói tướng của các pháp là vô thường.

Hỏi: Vì sao nói Thường và Vô Thường đều chẳng thật có”?

Đáp: Các bậc Thánh dùng 2 lối diễn tả ý nghĩa. Đó là

  1. Phương tiện ngữ
  2. Chân thật ngữ

Ví như, vì chúng sanh chấp “thường” nên Phật phương tiện nói “vô thường” để đối trị. Nói “vô thường” để chúng sanh nhàm chán, không còn chấp đắm dục lạc thế gian.

Phật muốn chúng sanh ly dục nên thuyết kệ rằng:

Nếu quán pháp Vô Sanh,
Tức ly được pháp Sanh.
Nếu quán pháp Vô Vi,
Tức ly pháp hữu vi.

Hỏi: Thế nào gọi là “Pháp sanh” ?

Đáp: Pháp do duyên hòa hợp mà có nên gọi tà Pháp Sanh. Do duyên hòa hợp mà có nên là vô thường, là không tự tại. Do duyên hòa hợp mới có các tướng Sanh, Già,Bệnh, Chết… Đã có tướng, thì tướng sẽ phải bị hoại.  Như vậy Pháp Sanh là pháp hữu vi.

Nên biết, do Đối Trị Tất Đàn mà nói có “thường”, “vô thường”, nhưng cả hai đều chẳng phải là Thật Tướng. Nói “Thường” hay nói “Vô Thường” cũng đều lầm lỗi như nhau.

Lại nữa, nói “Chẳng phải thường”, hay nói “chẳng phải vô thường”cũng không thể được. Vì sao ? Vì nói “chẳng phải thường” là nhằm phá “Vô thường”, nói “Chẳng phải vô thường” nhằm phá “thường” vậy. Cũng ví như nói “chẳng phải có” nhằm phá “không”, nói “chẳng phải không” nhằm phá “có”. CÓ và KHÔNG đều chẳng thật. Cũng như vậy, “thường” và “vô thường” đều là những tuớng hữu vi, chẳng phải là Thật Tướng.

Hỏi: Trong Phật pháp có nói về “Vô tướng”, chẳng phải CÓ, chẳng phải KHÔNG. Ngoại Đạo cũng có nói đến “chẳng phải CÓ, chẳng phải KHÔNG”. Như vậy có gì sai khác ?

Đá : Phật pháp nói “Thật Tướng các pháp là chẳng phải CÓ chẳng phải KHÔNG”, nhưng chẳng có trú, chẳng có chấp.

Còn Ngoại Đạo tuy cũng nói về “chẳng phải CÓchẳng phải KHÔNG”, nhưng có trú chấp, rơi vào hý luận.

Lại nữa, Phật pháp tùy duyên mà nói “chẳng phải CÓ, chẳng phải KHÔNG” mà chẳng có chấp đắm nên chẳng có thể phá hoại được.

Tất cả 14 nạn vấn của Ngoại Đạo đều chẳng thật có dẫn đến 62 tà kiến chấp của Ngoại Đạo cũng đều chẳng thật có.

Phải tin nơi Phật pháp thanh tịnh thì tâm mới đượcthanh tịnh, mới chẳng còn bị các tướng bên ngoài làm lay chuyển. Như vậy mới gọi là Pháp Nhẫn.

Lại nữa, CÓ và KHÔNG là hai bên đối đãi. Chấp “có Sanh” là chấp “hữu tướng”, chấp “có hoại” là chấp “vô tướng”. Chúng sanh phần nhiều chấp cả hai bên, mà cả hai bên đều chẳng thật có. Vì sao ? Vì chấp trước có nay KHÔNG thì đọa về đoạn kiến. Hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp, mà giả danh CÓ. Do duyên hòa hợp mà có tướng sanh, mà tướng sanh cũng là giả danh, là bất khả đắc vậy.

Hỏi: Vì sao nói “Các pháp do duyên hòa hợp sanh, chỉ là giả danh có, và đều là bất khả đắc cả”?

Đáp: Các pháp do duyên hòa hợp mà giả danh có, nhưng thật ra chẳng do ai làm ra cả. Vì nếu pháp là thật có thì chẳng cần dùng đến tâm thức để hay biết, mà đã dùng tâm thức để hay biết thì có cũng chẳng phải là CÓ vậy. Vì như tướng cứng do thân căn xúc chạm mà biết. Nếu chẳng có thân căn thì cũng chẳng có tướng cứng vậy.

Hỏi: Dù thân căn có biết, dù thân căn không biết thì đất đá vẫn thường có tướng cứng. Như vậy vì sao nói “Nếu chẳng có thân căn thì cũng chẳng có tướng cứng” ?

Đáp: Vì do trước đã từng nghe nói đến tướng cứng, nên nay mới biết tướng cứng. Nếu như trước đó chẳng bao giờ nghe nói đến tướng cứng, thì nay cũng chẳng có tuớng cứng.

Lại nữa, nếu nói “tướng của đất, của đá là thường cứng”, thì vì sao pha trộn với một số chất khác, đất đá có thể trở thành mềm ?

 Lại nữa, như tướng của nước là lỏng, nhưng vì sao khi gặp khí lạnh, nước lại đông thành nước đá ? Vì sao khi được đun sôi, nước lại bốc thành hơi nước ? Như vậy vật chất chẳng có tướng nhất định.

Các nhà Bác Học có thể biến đổi chất này thành chất khác, Có làm thành KHÔNG, KHÔNG làm thành CÓ.

Các bậc Hiền Thánh, khi nhập thiền định, có thể khiến nước biến thành đất đá, đất đá biến thành nước v.v…

Như vậy các pháp đều có thể biến chuyển. Ví như do tham sân, si mà khởi chấp có, rồi sanh ra các kiến phược, khởi đấu tranh. Bởi vậy nên mới có Sanh Pháp.

Lại nữa, do mê muội mà chúng sanh đắm chấp pháp, chẳng phải là pháp đã khiến chúng sanh đắm chấp vậy. Nên biết, Pháp có hai thứ. Đó là:

  1. Pháp Sắc
  2. Pháp Vô Sắc

Pháp Sắc khi chia chẻ đến cực vi trần, sẽ tán diệt, chẳng còn gì nữa. Như vậy là vô thường, là KHÔNG, nên nói là chẳng thật có. Thời gian của một lần khảy móng tay có đến 60 sát na, trong đó tâm tham, sân, si sanh diệt tương tục. Thế nhưng, khi dùng trí huệ quán thì tín tâm thanh tịnh cũng sanh diệt tương tục như vậy. Quán tâm sanh diệt như quán dòng nước chảy tương tục, như quán ngọn đèn cháy do dầu tương tục thấm vào tim đèn, lại quán các pháp thiện, pháp ác bình đẳng. Quán được như vậy thì chẳng đọa về hai chấp “CÓ, KHÔNG”

Bồ Tát có tín lực vững mạnh mới biết như vậy, nên gọi là Tín Nhẫn.

 Lại nữa, Bồ Tát do thiền định mà tâm được sáng suốt, nên chẳng thấy có pháp nào có tướng nhất định cả.Bồ Tát ở nơi các pháp đều chẳng thọ, chẳng nghi, thường nhẫn, nên gọi là Pháp Nhẫn.

Phàm phu do vô minh che tâm mà đối với các pháp hữu vi là các pháp vô thường, khổ, vô ngã, chấp là thường, là lạc là ngã, đối với các pháp Tự Tướng KHÔNG mà chấp là thật có. Do chuyển tướng các pháp nên có chấp “CÓ – KHÔNG” vậy.

Bồ Tát dùng trí huệ phá được vô minh, rõ biết Thật Tướng các pháp, rõ biết được Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã nên chẳng còn chấp pháp. Như vậy gọi là Pháp Nhẫn.

Lại nữa, Bồ Tát rõ biết các pháp từ vô thỉ đến nay chuyển biến tương tục, không ngừng, nên chẳng còn chấp pháp. Như vậy gọi là Pháp Nhẫn.

Hỏi: Nếu nói “Các pháp từ vô thỉ đến nay vẫn thường KHÔNG, thì nay cũng là KHÔNG. Như vậy là ác tà kiến rồi. Vì sao lại cho là Pháp Nhẫn ?

Đáp: Nếu quán các pháp rốt ráo là KHÔNG, mà tâm chấp tướng KHÔNG ấy mới là ác tà kiến.

Nếu quán các pháp rốt ráo KHÔNG, mà tâm chẳng chấp tướng KHÔNG ấy là chẳng có sanh ác tà kiến. Như vậy mới gọi là Pháp Nhẫn.

Như bài kệ thuyết:

Biết Tánh pháp thường KHÔNG,
Tâm cũng chẳng chấp KHÔNG,
Như vậy là Pháp Nhẫn,
Vô tướng vào Phật Đạo,
Khai mở cửa Trí Huệ,
Quán Thật Tưng các pháp,
Giữ tâm không thối chuyển,
Không tùy theo các quán.
Trí Huệ quán như vậy,
Lợi lạc cho chính mình,
Cùng lợi cho tất cả,
Mới thật là Pháp Nhẫn

Bồ Tát tu Nhẫn Nhục chẳng thấy có pháp Nhẫn Nhục, chẳng thấy mình đang hành Nhẫn Nhục, cũng chẳng thấy có người đang đến mắng nhiếc mình, đến làm hại mình. Có đủ cả 3 pháp thanh tịnh như vậy, mói gọi là Thanh Tịnh Pháp Nhẫn.

Như vậy là Bồ Tát trú trong Thật Tướng Bát Nhã Ba La Mật, đầy đủ Sẵn Đề Ba la Mật.

Hỏi: Thế nào gọi là “Giữ tâm bất động”?

Đáp: Bồ Tát trú trong Thật Tướng Bát Nhã Ba La Mật, đẩy đủ Sẵn Đề Ba la Mật nên tâm chẳng còn chấp đắm pháp, chẳng khởi sân nhuế, chẳng nói lời ác, chẳng làm điều ác, tâm thường thanh tịnh, bất động .

—o0o—

Tỳ Lê Gia Ba la Mật
(Tinh Tấn Ba La Mật)

KINH

Do thân tâm tinh tấn, chẳng giải đãi mà Bồ Tát được đầy đủ Tỳ Lê Gia Ba La Mật.

LUẬN

Hỏi: Vì sao lại xếp Tinh Tấn sau Bố Thí,Trì Giới, Nhẫn Nhục?

Đáp: Vì người thế gian vẫn thường hành Bố Thí, Trì Giới và Nhẫn Nhục.

Bố Thí là do tánh tốt muốn giúp đỡ người khác. Chẳng cần phải siêng năng, tinh tấn cũng có thể làm việc bố thí được.

Trì Giới là do tánh tốt, chẳng muốn làm việc ác. Cũng có trường hợp vì sợ mang tội mà phải trì giới.

Nhẫn Nhục là do Tánh tốt, chẳng muốn chống trả lại người đến mắng nhiếc, hành hung mình. Cũng có trường hợp vì cầu Hiếu Đạo, vì cầu Phật Đạo… mà phải tự nhẫn.

Nay muốn rõ Thật Tướng các pháp, muốn tu Thiền Định, muốn tu Trí Huệ, thì cần phải tinh tấn, phải nhất tâm.

Lại nữa, muốn vào Phật Đạo phải song tu “Phước-Huệ”:

–  Trước tu Bố Thí, Trì Giới và Nhẫn Nhục để được phước đức.

– Nay tu Tinh Tấn để được Vi Diệu Thiền Định, TríHuệ.

Chẳng phải do nhàm chán Sanh Tử, cũng chẳng phải do cầu được vui cõi Niết Bàn mà có thể vào được cửa Trí Huệ. Hành giả phải tinh tấn tu thiền mới vào được vậy. Vì sao? Vì ở cõi Dục, do tâm thường bị loạn động, nên chẳng thấy được Thật Tướng các pháp. Thô quán chưa đủ, cốt phải thường tinh tấn, không giải đãi, mới được Thiền Định, Trí Huệ.

Hỏi: Tu Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục được đại phước, rồi sau đó Thiền Định, Trí Huệ tự nhiên đến, cần gì phải tu Tinh Tấn?

Đáp: Phật Đạo rất khó vàoPhải tinh tấn, không giải đãi mới thâm nhập được vào Thiền Định, mới thật có Trí Huệ.

Tu Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục tuy có được phước đức, nhưng chẳng thể vào được Đạo. Ví như vị Tỳ Kheo La Tần, đã được quả A La Hán, đi khất thực suốt 7 ngày chẳng được gì, đã không đủ tinh tấn, nhẫn nhụcnên ngay khi về đến tịnh xá liền nhập Hỏa Định tự thiêu thân vào Niết Bàn.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “Chẳng phải có phước đức mà vào được Đạo; phải siêng năng, tinh tấn mới vào được Đạo vậy.

Hỏi: Tinh Tấn có những lợi ích gì?

Đáp: ở ngoài đời cũng như trong Đạo, tất cả lợi ích đều do tinh tấn mà có được.

Muốn tự độ thân mình thường phải tinh tấn. Bồ Tát muốn độ hết thảy chúng sanh lại càng phải tinh tấn nhiềuhơn nữa. Như bài kệ thuyết:

Như pháp hành tinh tấn,
Chẳng hề tiếc thân mạng,
Quyết định được trí huệ,
Cu gì mà chẳng được!
Người nông phu siêng làm,
Ắt được mùa gặt hái.
Người đi bộ đường xa,
Siêng đi, ắt phải đến.
Người cầu lên cõi Trời
Vào Niết Bàn an lạc,
Nếu muốn được như nguyện,
Phải dùng sức tinh tấn.
Gieo nhân, mới được quả,
Tự tu, mới tự chng.
Hiền Thánh được trí huệ,
Do tinh tấn tu hành.
Trong nhà lửa “Ba Cõi”,
Chìm mình trong biển lửa,
Người trí phải quyết đoán,
Mới mong thoát ách nạn.
Phật dạy ngài A Nan:
“Thường hành Chính Tinh Tấn,
Siêng năng, không giải đãi.
Thẳng đến nơi Phật Đạo.
Cố gắng và siêng tu,
Như đào giếng tìm nước.
Tinh tấn được như vậy,
Các nguyện đều thành tựu.
Hãy như pháp hành đạo.
Tinh tấn, không giải đãi
Được vô lượng phước báo
Trọn chẳng bào giờ mất.

Tinh tấn là căn bản của các pháp thiện. Hết thảy các pháp thiện đều từ tinh tấn sanh. Tinh tấn sanh phước đức, ví như trời mưa thấm ướt đất, làm cho hạt giống nảy mầm. Nếu không tinh tấn, thì phước đức không sanh.

Chư Bồ Tát kham nhẫn, thọ hết các khổ của chúng sanh, vào tận Địa Ngục để cứu khổ cho chúng sanh cũng nhờ nơi sức tinh tấn.

Nếu chẳng thường tinh tấn, thì không thành tựu được 4 Như Ý Túc, 7 Giác Chi, 8 Thánh Đạo, 5 Căn, 5 Lực, 37 Phẩm Trợ Đạo… chẳng có thể vào dược Phật Đạo.

Hỏi: Bồ Tát muốn được hết thảy Phật pháp, muốn độ hết thảy chúng sanh, muốn diệt hết thảy phiền não, muốn tất cả đều được như ý, mà tinh tấn chỉ là một mồi lửa nhỏ, thì làm sao có thể thiêu cháy trọn hết thảy các nghiệp được?

Đáp: Bồ Tát từ sơ phát tâm, muốn hết thảy chúng sanh được hoan hỷ, thường làm lợi ích cho chúng sanh mà chẳng hề tiếc thân mạng. Vì sao ? Vì nếu tiếc thân mạng thì chẳng có thể làm được việc lợi ích cho chúng sanh. Do vậy mà Bồ Tát bỏ tâm giải đãi, thường tu tinh tấn, tự nghĩ rằng: “giải đãi như đám mây đen che lấp trí huệ, chẳng cho tăng trưởng. Giải đãi là pháp bất thiện, chỉ tạo niềm vui trong chốc, mà dẫn sanh bao nhiêu nỗi khổ về sau. Giải đãi ví như món ăn có tạp độc giết Huệ Mạng. Giải đãi ví như lửa hừng cháy, thiêu đốt cả rừng công đức.

Như bài kệ thuyết:

Giải đãi chẳng tu được.
Dù được cũng phải mất.
Giải đãi tự khinh mình
Cũng bị người đời khinh
Chìm đám trong tối tăm,
Chẳng có được oai đức,
Chẳng sanh được trí huệ,
Chẳng nghe được Diệu Pháp.
Chng mong cu trí huệ,
Chẳngtinh tấn tiến lên
Dù được nghe Pháp Mu,
Cũng chẳng được lợi ích.
Những lỗi lầm như vậy,
Đều do giải đãi sanh.
Lánh xa thiện tri thức.
Gần gũi kẻ ngu hèn
Chìm đắm trong tối tăm
Như heo ngủ trong chuồng.
Nếu là người tại gia,
Chẳng thành được sự nghiệp,
Do ham mê tài lợi,
Khiến phước đức đắm chìm
Nếu là người xuất gia,
Chẳng được hai điều lợi,
“Sanh Thiên, vào Niết Bàn”
Danh dự cũng mất theo.
Những lỗi lm như vậy
Đều do giải đãi sanh.
Trong bè lũ bọn giặc,
Giải đãi đứng hàng đầu,
Xúi tâm chẳng muốn trừ,
Nhũng lỗi lầm như vậy.
Dẫn đến hàng Tỳ Kheo,
Nếu sanh tâm giải đãi
Dù thấy Phật nghe pháp,
Vẫn chẳng tránh khỏi đọa,
Muốn phả giặc giải đãi,
Phải tinh tấn tiến lên
Nên biết “hành Tinh Tấn.
Dẫn đường đến Niết Bàn”.

Trí Huệ do tinh tấn sanh. Bồ Tát rõ biết hết thảy pháp đều là tự tánh KHÔNG, nhưng vì thương xót chúng sanh, nên vẫn tinh tấn hành các pháp thiện, mà chẳng vội chứng Niết Bàn. Như vậy mới gọi là Tỳ Lê Gia Ba la Mật.

Bồ Tát dùng sức tinh tấn phá ma quân, phá giặc kiết sử, mà được hành Phật Đạo. Bồ Tát tuy rõ biết hết thảy pháp là “Vô tướng” vẫn dùng đủ mọi phương tiện nhằm độ thoát chúng sanh, khỏi các khổ “Sanh, Già, Bệnh, Chết”. Đến khi diệt độ, Bồ Tát nhập vào Kim Cang Tam Muội, xả báo thân như xả bỏ cỏ rác.

Trong Kinh có nêu các mẩu chuyện sau đây:

* Khi ngài A Nan vì các Tỳ Kheo, nói về 7 Giác Ý, Phật hỏi ngài A Nan rằng : “này A Nan! ngươi nói về Tinh Tấn Giác Ý chăng?”.

Phật hỏi ba phen. Ngài A Nan ba phen đáp : “Bạch Thế Tôn ! Đúng vậy”.

Phật đứng dậy bảo ngài A Nan rằng : “Người ham dục lạc phải tu hành tinh tấn, có tu mới có đắc, không tu không đắc, phải đắc mới vào được Phật Đạo”.

* Có thời Phật dạy : “người tu hành chẳng nên phóng dật. Ví như người đi đường xa, phải thường nhấc chân bước tới. Như vậy mới gọi là hành Tinh Tấn. Không để cho các việc đang làm, phải trì trệ, mới là không phóng dật. Được như vậy, mới thường sanh Tinh Tấn, mới dẫn đến Phật Đạo.

—o0o—

Bồ Tát vì muốn độ thoát chúng sanh mà thường Tinh Tấn, nhất tâm, không phóng dật. Ví như người bưng bát dầu đầy đi trong đại chúng, phải nhất tâm không buông lung, phóng dật, mới mong giữ được dầu không bị vung vãi ra bên ngoài.

Nhất tâm, không phóng dật được nhiều lợi ích, được an ổn ở đời này và cả ở đời sau.

Nhất tâm, không phóng dật khiến các nguyện đều được thành tựu. Chuyên tâm tu hành là phương tiện hữu hiệu để phá giặc phiền não kiết sử. Thường tư duy, Tinh Tấn dẫn đường vào Phật Đạo.

Trong Kinh có chép mẩu chuyện sau đây:

Có 1 vị Tỳ Kheo tu thiền định ở một khu rừng vắng thanh tịnh. Tu như vậy lâu ngày, vị Tỳ Kheo sanh tâm giải đãi. Ma hiện đến dùng kệ nói với vị Tỳ Kheo rằng:

Tu trong rừng thanh vắng,
Cớ sao sanh giải đãi?
Ngày qua sao chẳng sợ?
Đêm tàn sao chẳng lo?

Vị Tỳ Kheo quá sợ ngồi ngay dậy, tư duy về các lời ấy. Rồi đêm đến, vị Tỳ Kheo lại thấy 1 vị thần 10 đầu hiện lên, miệng phun lửa, nhe răng nhọn như các lưỡi kiếm, trừng mắt đỏ ngầu, dang tay ra để bắt mình.

Từ đó vị Tỳ Kheo quá sợ hãi, chẳng dám giải dãi nữa, nhất tâm Tinh Tấn niệm pháp, và ít lâu sau chứng quả A La Hán.

Như vậy, vị Tỳ Kheo đã tự chế ngự, Tinh Tấn tu hành không phóng dật mà chứng thành đạo quả

—o0o—

Lại nữa, Bồ Tát tu hành tinh tấn, chẳng tiếc thân mạng, miễn sao làm được lợi ích cho chúng sanh. Bởi vậy nên, khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi Bồ Tát vẫn thường hành Tinh Tấn, chẳng bao giờ xao lãng đạo nghiệp. Bồ Tát quyết tâm tinh tấn, dùng mọi phương tiện độ thoát chúng sanh ra khỏi nhà lửa ba cõi, ví như người bị nhà cháy quyết tâm tinh tấn, dùng sức nước dập tắt ngọn lửa, để cứu thoát người thân ra khỏi cơn nguy biến vậy.

Lại nữa, do nhân duyên thường quán Tinh Tấn mà Tinh Tấn càng được tăng trưởng thêm mãi, giúp Bồ Tát nhẫn thọ được mọi sự khổ đau, trong quá trình hành Đạo Bồ Tát. Khi gặp người đến hành hung, dẫn đến đòi xin đầu, mắt, tủy não… Bồ Tát vẫn tự nhẫn, tự nghĩ rằng: Ta có đầy đủ sức phương tiện Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Trí Huệ mà còn tiếc thân mạng chăng ? Ta phải luôn luôn vì hết thảy chúng sanh siêng năng Tinh Tấn độ hết chúng sanh, đưa họ vào Phật Đạo.

(Hết quyển 15)