LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

GIẢI THÍCH PHẨM MỘT: TỰA

1. GIẢI THÍCH DUYÊN KHỞI

Đường lớn Trí Độ, Phật đi hết.

Biển lớn Trí Độ, Phật thấu suốt,

Nghĩa, tướng Trí Độ Phật vô ngại.

Kính lễ Phật, Trí Độ vô thượng.

Hai kiến có không, dứt không còn,

Thật tướng các pháp, Phật đã nói,

Thường trụ bất hoại sạch phiền não.

Kính lễ Pháp, mà Phật tôn trọng.

Biển cả Thánh chúng làm ruộng phước,

Bậc học, vô học để trang nghiêm,

Đã sạch giống ái của đời sau,

Ngã sở đã dứt, căn đã trừ.

Đã xả các sự nghiệp thế gian,

Là trú xứ của các công đức.

Tối thượng giữa tất cả chúng hội,

Kính lễ Đại đức Tăng chân tịnh.

Đã nhất tâm cung kính Tam Bảo,

Các Bậc Cứu Thế: Ngài Di-lặc (Maitreya),

Trí tuệ đệ nhất: Xá-lợi-phất (Sàriputta),

Vô tránh không hạnh: Tu-bồ-đề (Subhùti).

Tôi nay theo khả năng diễn nói,

Nghĩa thật tướng đại trí bờ kia.

Nguyện các Đại đức bậc Thánh trí,

Nhất tâm khéo thuận nghe tôi nói .

Hỏi:

Vì nhân duyên gì mà Phật thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật? Phép tắc của chư Phật không vì vô sự và nhân duyên nhỏ mà tự giảng pháp; cũng không như núi Tu-di (Sumeru) không vì vô sự và nhân duyên nhỏ mà rung động. Vậy, nay có nhân duyên to lớn gì mà Phật thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật?

Đáp:

Trong Tam Tạng, Phật dùng đủ loại thí dụ để thuyết Pháp cho hàng Thanh văn mà không thuyết đến đạo Bồ-tát. Duy trong kinh Bản mạt (Pùrvaparàntàka sutra) của Trung A-Hàm (Madhyamà), Phật tuy có thọ ký cho Bồ-tát Di-lặc rằng: “Đời sau ông sẽ được thành Phật hiệu là Di-lặc”, mà cũng không nói đến hạnh Bồ-tát. Nay Phật muốn giảng đủ các hạnh Bồ-tát cho Di-lặc v.v…cho nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Bala-mật.

Lại nữa, đối với vị Bồ-tát tu niệm Phật tam muội, Phật muốn khiến họ đối với tam muội này được tăng ích, nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Bala-mật. Như phẩm đầu trong Kinh Bát-nhã Ba-la-mật nói: “Phật hiện thần túc, phóng ra ánh sáng sắc vàng chiếu khắp mười phương thế giới nhiều như cát sông Hằng. Thị hiện thân lớn, sáng suốt trong sạch, đủ các thứ sắc đẹp đầy khắp hư không, Phật ở giữa chúng, đoan chánh thù diệu không ai sánh kịp; thí như núi chúa Tu-di nổi giữa biển cả, các Bồ-tát nhờ thấy sự thần biến của Phật, nên tăng thêm lợi ích đối với niệm Phật tam muội. Vì lẽ đó, Phật thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, Bồ-tát (Tất-đạt-đa) lúc mới sanh, phóng ra ánh sáng đầy khắp cả mười phương, đi bảy bước, nhìn khắp bốn phương, với âm thanh như sư tử rống, Ngài thuyết bài kệ:

Phần thai sanh đã hết,

Đây là thân cuối cùng,

Ta đã được giải thoát,

Lại sẽ độ chúng sanh.

Sau khi phát thệ như vậy, thân Ngài lớn dần, Ngài muốn từ bỏ thân thuộc, xuất gia tu đạo. Nửa đêm thức dậy, nhìn thấy các ca nhi, hậu phi, thể nữ, hình trạng như thây thối. Ngài liền sai Xa-nặc (Chandaka) thắng con ngựa trắng, nửa đêm vượt thành, đi được mười hai do tuần, đến trong cánh rừng có vị tiên nhân tên Bạt-già-bà (Bhàrgavà) đang ở, lấy dao cắt tóc, cởi y phục quý giá đổi lấy áo Tăng-già-lê thô xấu, rồi ở bên sông Ni-liên-thiền (Nairànjana), sáu năm tu khổ hạnh, ngày ăn một hạt mè hoặc một hạt gạo, nhưng tự nghĩ: “Đây không phải là Chánh đạo”. Bấy giờ Bồ-tát bỏ chỗ tu khổ hạnh, đến dưới gốc Bồ-đề, ngồi tòa Kim-cang, Ma vương đem mười tám ức vạn đồ chúng đến phá hoại Bồ-tát, Bồ-tát dùng sức công đức và trí tuệ hàng phục bọn Ma mà chứng quả Vô thượng Bồ-đề. Bấy giờ vị Vua trời cõi Phạm thiên, chúa tể của ba ngàn đại thiên thế giới, tên là Thi-khí (Sikkin) cùng với chư Thiên ở cõi Sắc, Thích-đềhòan-nhơn cùng với chư Thiên ở cõi Dục và Tứ Thiên Vương cùng đến trước Phật, khuyến thỉnh Thế Tôn khởi đầu quay bánh xe Chánh Pháp. Lại vì Bồ-tát nhớ đến thệ nguyện đại từ đại bi của mình nên nhận lời thỉnh cầu mà thuyết Pháp. Pháp sâu xa trong các Pháp là Bát-nhã Ba-lamật vậy. Vì thế Phật thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, có kẻ hoài nghi rằng Phật không chứng được Nhất thiết trí. Vì sao? Vì các Pháp vô lượng vô số, làm sao một người mà có thể biết tất cả Pháp? Phật trú trong Pháp Bát-nhã Ba-la-mật thật tướng thanh tịnh như hư không, vô lượng vô số, mà tự nói lên lời chân thật rằng: “Ta là Bậc Nhất thiết trí, muốn dứt hết thảy nghi ngờ của chúng sanh” ; vì thế, Phật thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, có những chúng sanh đáng được độ, nhưng vì đại công đức và trí tuệ của Phật vô lượng, khó biết khó hiểu, do đó mà họ bị thầy ác mê hoặc, tâm đắm chìm trong tà pháp, không vào được Chánh đạo. Vì hạng người đó, Phật khởi tâm đại từ, duỗi tay đại bi cứu vớt, đưa vào Phật đạo. Do đó, Phật tự thị hiện ra công đức tối diệu, phát ra đại thần lực, như trong phẩm thứ nhất của Kinh Bát-nhã Ba-la-mật nói: “Phật nhập vào Chánh định tên là Tam Muội Vương. Khi ra khỏi Chánh định, Phật dùng Thiên nhãn quán khắp mười phương thế giới, khắp các lỗ chân lông của Ngài đều tươi sáng, và từ dưới bàn chân có tướng bánh xe nghìn căm của Ngài phát ra sáu trăm ngàn vạn ức ánh sáng đủ màu. Từ ngón chân lên đến nhục kế, đâu đâu cũng phóng ra sáu trăm ngàn vạn ức ánh sáng đủ màu, chiếu khắp mười phương vô lượng vô số thế giới của chư Phật nhiều như cát sông Hằng, làm cho tất cả đều chói sáng”. Phật muốn tuyên thị thật tướng của hết thảy các Pháp, đoạn trừ nghi kết của hết thảy chúng sanh nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, có người ác tà, ôm lòng tật đố, phỉ báng rằng: “Trí tuệ của Phật không ra khỏi (trí tuệ của) loài người, mà chỉ dùng huyễn thuật làm mê hoặc đời”. Vì để dứt lòng cống cao tà mạng của những người đó, nên Phật hiện ra vô lượng thần lực, vô lượng trí tuệ lực từ trong Bátnhã Ba-la-mật, tự nói lên rằng: “Ta là đấng có đầy đủ vô lượng thần thông phước đức, tôn quý nhất trong ba cõi, che chở cho tất cả. Nếu ai phát một niệm ác thì mắc phải vô lượng tội, nếu phát một niệm tịnh tín thì được hưởng phước lạc cõi người, cõi trời, và chắc chắn sẽ được quả Niết-bàn”. Lại vì muốn khiến mọi người tin nhận Chánh pháp, nên nói: “Ta là Đại sư, có đủ Mười lực, Bốn vô sở úy, đứng ở hàng Thánh chúa, tâm được tự tại, bằng âm thanh như Sư tử hống mà quay bánh xe Chánh pháp, là tối tôn tối thượng trong tất cả thế giới”. Lại nữa, Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh hoan hỷ mà nói Kinh Bát-nhã Ba-la-mật này, rằng: “Các ngươi nên sanh tâm hoan hỷ lớn. Vì sao? Vì hết thảy chúng sanh đều bị mắc trong lưới tà kiến, bị bọn thầy ác dị học làm mê hoặc; còn ta thì từ trong lưới tà kiến thấy ác mà ra khỏi, là bậc Đại sư đủ Mười lực, khó có thể gặp, nay các ngươi đã gặp được, ta sẽ theo thời khai mở các Pháp tạng thâm áo như Ba mươi bảy phẩm trợ đạo v.v… như vậy các ngươi mặc tình thu lấy. Lại nữa, hết thảy chúng sanh vì bệnh kiết sử gây ra phiền não. Từ khi có sanh tử đến bây giờ, không ai trị được bệnh ấy, lại thường bị ngoại đạo thầy ác mê hoặc. Ta nay ra đời làm Đại Y vương tập hợp các thứ Pháp dược, các ngươi hãy uống đi”. Vì thế Phật thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, có người nghĩ: “Phật cũng như người, cũng có sanh tử, chịu sự đói khát, lạnh nóng, già bệnh.” Phật muốn trừ ý nghĩ đó nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật này, khai thị rằng: “Thân ta là không thể nghĩ nghì, các Phạm Thiên Vương và Tổ Phụ chư Thiên, dù trải qua kiếp số nhiều như cát sông Hằng, muốn suy lường thân Ta, tìm xét âm thanh Ta, còn không thể trắc lường, huống chi trí tuệ tam muội của Ta?”, như kệ nói:

Đối thật tướng các Pháp,

Các hàng Phạm Thiên vương,

Hết thảy Chúa trời đất,

Mê mờ không thể biết.

Pháp ấy rất thâm diệu,

Không ai đo lường được,

Phật ra đời khai mở,

Sáng như mặt trời chiếu.

Lại như khi Phật chuyển xe Pháp lần đầu tiên, Bồ-tát Ứng-trì từ tha phương đến muốn trắc lường thân Phật, vượt lên quá hư không vô lượng cõi Phật, đến thế giới của Phật Hoa-thượng, mà thấy thân Phật vẫn y như vậy, bèn nói kệ:

Hư không không biên giới,

Công đức Phật cũng thế,

Dẫu muốn lường thân Phật,

Uổng công không lường được.

Vượt quá cõi hư không,

Vô lượng các cõi Phật,

Thấy thân Thích Sư tử,

Vẫn như cũ không khác.

Thân Phật như núi vàng,

Phát xuất ánh sáng lớn,

Tướng tối tự trang nghiêm,

Như hoa nở mùa xuân.

Như thân Phật vô lượng, ánh sáng và âm hưởng cũng vô lượng. Các công đức và Giới, Định, Tuệ… của Phật cũng đều vô lượng, như Tam Mật ở trong Kinh Mật Tích, trong đó có nói rộng.

Lại, khi Phật mới sanh, chạm đến đất liền đi bảy bước, miệng tự cất tiếng nói, nói xong lặng im như các trẻ nít, không đi, không nói, ba năm được mớm sữa, các bà mẹ nuôi nấng, dần dần lớn khôn; nhưng thân Phật thì có vô số trong khắp các thế gian, vì độ chúng sanh mà hiện làm kẻ phàm phu. Song, kẻ phàm phu khi sanh, thân phần, các căn và ý thức chưa thành tựu, bốn oai nghi nơi thân là ngồi, nằm, đi, đứng và nói năng, im lặng cùng các cách thức của con người đều chưa hiểu rõ. Trãi qua ngày tháng năm dần dần học tập mới đủ các cách thức của người, chứ sao nay Phật mới sanh ra liền có thể nói được, đi được, rồi sau đó mới không thể nói và đi? Điều này thật là lạ? Nên biết, chỉ vì Phật dùng phương tiện lực hiện thân làm theo cách thức của người, đi đứng nằm ngồi như người để khiến chúng sanh tin theo Pháp thâm diệu. Nếu Bồ-tát mới sanh ra mà đã đi được, nói được, người đời tất sẽ nghĩ: “Nay mới thấy người như vậy, thế gian chưa từng có. Đây chắc là Trời, Rồng, Quỷ, Thần. Những điều người ấy học không phải là điều mà chúng ta làm được, vì sao? Vì nhục thân sanh tử của chúng ta do bị nghiệp kiết sử lôi kéo, không được tự tại nên những điều sâu xa như vậy của người ấy ai mà theo nổi?” Vì nghĩ thế mà họ tuyệt vọng, không được thành pháp khí của thánh hiền. Vì hạng người đó mà Phật sanh ra trong vườn Lâm-tỳ-ni, tuy có thể đi đến ngay dưới cội Bồ-đề mà thành Phật, song Ngài vẫn dùng sức phương tiện, thị hiện làm hài đồng, ấu thơ, thiếu niên rồi thành nhân. Theo từng thời kỳ mà hưởng thụ sự vui chơi, học tập nghệ thuật, trang phục, hưởng thọ ngũ dục, đủ cách thức của người thường, dần dần thấy sự khổ già bệnh chết mà sanh tâm nhàm chán, nửa đêm vượt thành xuất gia, đi đến chỗ của tiên nhân Uất-đặc-già (Udraka) và A-la-la (Àlala) thị hiện làm đệ tử, nhưng không thực hành theo pháp của các vị ấy. Tuy thường dùng thần thông, tự nhớ đời trước, trì giới hành đạo trong thời đức Phật Cadiếp, mà nay vẫn thị hiện tu khổ hạnh sáu năm cầu đạo. Bồ-tát tuy làm chủ ba ngàn đại thiên thế giới, mà vẫn thị hiện dẹp phá Ma quân, thành Vô thượng đạo; vì tùy thuận theo pháp thế gian, nên hiện ra các biến hóa đó. Nay ở trong Bát-nhã Ba-la-mật thị hiện đại thần thông và trí tuệ lực. Các người nên biết thân Phật nhiều vô số khắp các thế gian.

Lại nữa, có người đáng được độ mà hoặc vì mê vào chấp kiến nhị biên, hoặc vì vô trí nên chỉ cầu cái khoái lạc nơi thân; hoặc có người vì Đạo mà tu theo khổ hạnh. Những người như thế, đối với Đệ nhất nghĩa, họ bị mất phần Niết-bàn chánh đạo. Phật muốn phá hai lối cực đoan đó, đưa họ vào Trung đạo, nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, để phân biệt quả báo cúng dường sanh thân và pháp thân nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật. Như đã nói trong phẩm Xá-lợi tháp.

Lại nữa, vì muốn giảng thuyết không thối chuyển (A-bê-bạt-trí) và tướng của không thối chuyển (A-bê-bạt-trí), lại vì muốn nói rõ ma huyễn, ma ngụy, ma sự, lại vì nhân duyên để người ở đời đương lai cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật, lại vì muốn thọ ký cho hàng Tam thừa, nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật. Như Phật bảo A-nan: “Sau khi Ta nhập Niết-bàn, Bát-nhã Ba-la-mật này sẽ truyền đến phương Nam, từ phương Nam truyền đến phương Tây. Sau đó năm trăm năm (Phật lịch) sẽ truyền đến phương Bắc. Ở đây có nhiều thiện nam tử, thiện nữ nhơn tin pháp, cúng dường các thứ hoa hương, anh lạc, tràng phan, âm nhạc, đèn sáng trân bảo, cùng các tài vật khác; hoặc tự chép hoặc khuyên người khác chép, hoặc đọc tụng, hoặc nghe giảng thuyết, chơn chánh ghi nhớ, tu hành, đúng pháp mà cúng dường. Người này nhờ nhân duyên đó mà hưởng thọ các thứ dục lạc của thế gian và đến đời cuối cùng thì chứng Tam thừa mà vào Vô dư Niết-bàn”. Những việc nhân duyên như vậy xem trong các phẩm của kinh. Thế nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, vì muốn thuyết tướng Đệ nhất nghĩa Tất-đàn, nên Phật thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật. Có bốn thứ Tất-đàn: Một là Thế giới Tất-đàn, hai là Các các vị nhân Tất-đàn, ba là Đối trị Tất-đàn, bốn là Đệ nhất nghĩa Tất-đàn. Trong bốn Tất-đàn đã tổng quát hết thảy mười hai bộ kinh, tám vạn bốn ngàn Pháp tạng, đều là thật không trái ngược nhau. Trong Phật pháp tất cả đều thật. Có pháp thật vì theo Thế giới Tấtđàn, có pháp thật vì theo Các các vị nhân Tất-đàn, có pháp thật vì theo Đối trị Tất-đàn, có pháp thật vì theo Đệ nhất nghĩa Tất-đàn.

Sao gọi là Thế giới Tất-đàn? (Tất-đàn theo nghĩa phổ thông). Vì có những pháp theo nhân duyên hòa hợp nên có, chứ không có tính biệt lập. Ví như xe, do có càng, nhíp, trục, bánh hòa hợp nên có, chứ không có chiếc xe riêng. Con người cũng như thế, do năm uẩn (ngũ chúng) hòa hợp nên có chứ không có con người riêng.

Hỏi: Như Phật nói: “Ta dùng Thiên nhãn thanh tịnh thấy các chúng sanh chết chỗ này sanh chỗ kia, chịu quả báo tùy theo nghiệp thiện ác. Người có nghiệp thiện thì sanh trong loài trời, người; người có nghiệp ác thì bị đọa vào ba đường ác”. Lại nữa, Kinh nói: “Một người ra đời, mà nhiều người được nhờ phúc lạc lợi ích; đó là Phật Thế Tôn vậy”. Như trong Pháp Cú nói: “Tự mình cứu lấy mình, người khác làm sao cứu được. Tự mình thực hành thiện trí là tự cứu hay nhất”. Như trong kinh Bình Sa Vương Nghinh Phật nói: “Người phàm không nghe pháp, người phàm đắm trước nơi ngã”. Lại trong Kinh Phật Nhị Dạ nói: “Phật từ đêm đắc đạo, đến đêm Bát Niết-bàn, những kinh giáo Phật thuyết khoảng thời gian giữa hai đêm ấy, tất cả đều thật, không điên đảo”. Nếu thật không có người thì tại sao Phật lại nói người (trong câu: Ta dùng Thiên nhãn thanh tịnh thấy các chúng sanh)!

Đáp: Người v.v… vì theo Thế giới Tất-đàn nên có, vì theo Đệ nhất nghĩa Tất-đàn nên không. Còn như như, pháp tánh, thật tế, vì theo Thế giới Tất-đàn nên không, vì theo Đệ nhất nghĩa Tất-đàn nên có. Người… cũng như thế, vì theo Đệ nhất nghĩa Tất-đàn nên không, vì theo Thế giới Tất-đàn nên có; vì có nhân duyên của năm uẩn cho nên có người. Ví như sữa do nhân duyên của sắc, hương, vị, xúc cho nên có, nếu sữa thật không thì nhân duyên của sữa cũng phải là không, nay nhân duyên của sữa thật có, nên sữa cũng phải là có. Chẳng phải như cái đầu thứ hai, cánh tay thứ ba của một người, là không có nhân duyên mà chỉ có giả danh. Các tướng (hình thức) như thế nên gọi là Thế giới Tất-đàn.

Sao gọi là Các các vị nhân Tất-đàn? (Tất-đàn trong ý nghĩa cá biệt với từng người). Quán sát tâm hành của từng người mà nói pháp cho họ. Đối trong một việc mà hoặc có người nghe được, có người không nghe được. Như trong Kinh nói: “Do nghiệp tạp báo mà tạp sanh ra trong thế gian, được tạp xúc tạp thọ”. Lại trong kinh Phá-quần-na nói: “Không có người xúc, không có người thọ”.

Hỏi: Giữa hai kinh này làm sao dung thông được?

Đáp: Vì có kẻ nghi ngờ đời sau, không tin tội phước, làm hạnh bất thiện, rơi vào Kiến chấp đoạn diệt (Đoạn kiến). Vì muốn dứt mối nghi của người đó trừ ác hạnh của họ, tức là vì muốn nhổ “Đoạn kiến” của người đó nên nói tạp sanh trong thế gian, được tạp xúc, tạp thọ. Lại ngoại đạo Phá-quần-na chấp có ngã, có thần, rơi vào chấp thường (Thường kiến), nên khi Phá-quần-na hỏi Phật: “Thưa Đại Đức Thế Tôn, ai thọ?”, nếu Phật trả lời có ai thọ thì kia bèn rơi vào chấp thường. Ngã kiến của người ấy tăng gấp bội, bền chắc, không thể di chuyển. Cho nên đối với người này Phật không nói là có người thọ, người xúc. Những tướng (hình thức) như thế gọi là Các Các Vị Nhân Tất-đàn.

Sao gọi là Đối Trị Tất-đàn? (Tất-đàn trong ý nghĩa đối trị theo bệnh). Có pháp, về ý nghĩa đối trị thì có, mà thật tính thì không như các thứ cỏ, thuốc, thức uống, ăn có tính chất nặng, nóng, béo, chua, mặn, đối với bệnh phong thì gọi nó là thuốc; còn đối các bệnh khác thì không phải thuốc. Nếu các thứ cỏ, thuốc, thức ăn, uống có tính nhẹ, lạnh, ngọt, đắng, rít, đối với bệnh nhiệt thì gọi nó là thuốc; còn đối bệnh khác thì không phải là thuốc. Nếu các thứ cỏ, thuốc, thức ăn, uống có tính chất nhẹ, cay, đắng, rít, nóng, đối với bệnh hàn thì gọi nó là thuốc; còn đối với bệnh khác thì không phải là thuốc. Cách trị tâm bệnh trong Phật pháp cũng như thế. Phép tư duy quán bất tịnh đối với bệnh tham dục thì gọi là pháp đối trị hay, còn với bệnh sân nhuế thì không gọi là hay không phải là pháp đối trị. Sao vậy? Quán thân xấu xa ô cấu gọi là quán bất tịnh, nếu là người sân nhuế mà quán thân xấu xa ô cấu, thì càng tăng thêm lửa sân nhuế. Tư duy về tâm Từ đối trị bệnh sân nhuế thì gọi là pháp đối trị hay; còn đối với bệnh tham dục thì không gọi là hay, không phải là pháp đối trị. Vì sao? Vì tâm Từ đối với chúng sanh thường cầu việc tốt, quán sát công đức, nếu là người tham dục mà cầu việc tốt, quán sát công đức thì càng tăng thêm lòng tham dục…Pháp quán nhân duyên, đối với bệnh ngu si thì gọi nó là pháp đối trị hay; còn với bệnh tham dục, sân nhuế thì không gọi là hay, không phải pháp đối trị. Vì sao vậy? Vì trước có tà quán mới sanh tà kiến, mà tà kiến tức là ngu si.

Hỏi: trong Phật pháp nói Mười hai Nhân duyên rất sâu xa, như nói: “Phật bảo A-nan, Pháp nhân duyên ấy rất sâu xa, khó thấy khó biết, khó tỏ ngộ, khó quán sát. Người có tâm vi tế, tuệ thiện xảo, mới hiểu được, còn người ngu si đối với pháp thiển cận còn khó hiểu, huống là pháp Nhân duyên rất sâu xa!”. Thế tại sao nay lại nói người ngu si nên quán pháp Nhân duyên?

Đáp: Người ngu si đây không phải như trâu dê ngu si, mà là người này muốn cầu đạo chân thật lại đem tà tâm quán sát nên sanh ra đủ thứ tà kiến, người ngu si như thế hãy nên quán sát Nhân duyên, đó gọi là pháp đối trị hay. Nếu với người có nhiều sân nhuế, tham dục, mong cầu khoái lạc, muốn nhiễu hại kẻ khác, thì Nhân duyên quán không là hay, không phải là pháp đối trị, chỉ có tư duy về bất tịnh, về tâm Từ mới là hay, là pháp đối trị với hai hạng người ấy. Vì sao? Vì hai phép quán này có thể nhỗ mũi tên độc sân nhuế và tham dục. Lại nữa, những chúng sanh điên đảo chấp thường, không biết rõ các pháp chỉ có trong tánh cách tương tợ tương tục. Những người như thế mà quán Vô thường là pháp đối trị Tất-đàn, chứ không phải đệ nhất Nghĩa Tất-đàn. Vì sao? Vì hết thảy các pháp, tự tánh là Không, như kệ nói:

Vô thường thấy là thường,

Ấy gọi là điên đảo.

Trong không, không vô thường,

Chỗ nào thấy có thường?

Hỏi: Hết thảy pháp hữu vi đều tương ưng đối với vô thường, ấy là Đệ nhất nghĩa. Vì sao? Vì hết thảy pháp hữu vi đều có ba tướng: sanh, trụ, diệt. Vì trước tiên là sanh, tiếp đến trụ, sau đó diệt; tại sao nay nói vô thường không phải là thật?

Đáp: Pháp hữu vi đúng ra không có ba tướng ấy. Vì sao? Vì ba tướng ấy không thật. Nếu các pháp sanh, trụ, diệt là tướng hữu vi thì trong tướng sanh lẽ cũng phải có đủ ba tướng; vì sanh là pháp hữu vi.

Như vậy mỗi một tướng lại đều có đủ ba tướng, thế thì vô cùng. Trụ và diệt cũng như thế. Nếu trong mỗi sanh, trụ, diệt lại không có sanh, trụ, diệt thì sanh, trụ, diệt đó không nên gọi là pháp hữu vi. Vì sao? Vì tướng của các pháp hữu vi không có. Do nghĩa đó, các pháp vô thường, không phải Đệ nhất nghĩa Tất-đàn.

Lại nữa, nếu tất cả đều thật sự là bản tánh vô thường, thì không có hạnh nghiệp và quả báo. Vì sao? Vì vô thường tức là sanh rồi diệt mất. Ví như hạt giống mục nát không thể sanh ra quả, như vậy thì không có hạnh nghiệp, không có hạnh nghiệp thì làm sao có quả báo? Nay theo pháp của các Hiền Thánh đều nói có quả báo, kẻ thiện trí có thể tín thọ;vậy không nên nói không có quả báo. Do đó, các pháp không phải là vô thường tánh. Vì nói có các nhân duyên vô lượng như thế, nên không được nói các pháp là vô thường tánh. Tất cả pháp hữu vi vô thường, khổ, vô ngã cũng như vậy. Các tướng như thế gọi là Đối trị Tất-đàn.

Sao gọi là Đệ nhất nghĩa Tất-đàn? (Tất-đàn trong ý nghĩa tuyệt đối) Hết thảy pháp tánh, hết thảy luận nghị, ngữ ngôn, hết thảy pháp và phi pháp, mỗi mỗi có thể phân biệt phá tán; còn pháp chân thật của Chư Phật, Bích chi Phật, A-la-hán hành trì thì không thể phá, không thể tán. Những gì không thông suốt ở trong ba thứ Tất-đàn trên thì ở trong đây không được. Nhưng thông như thế nào? Thông là xa lìa mọi lỗi lầm, không thể biến đổi, không thể vượt hơn. Vì sao? Vì trừ Đệ nhất nghĩa Tất-đàn, còn các luận nghị khác, các Tất-đàn khác, đều có thể bị phá hoại, như bài kệ trong Kinh Chúng Nghĩa nói:

Mỗi người theo kiến chấp,

Hý luận khởi cạnh tranh,

Nếu biết thế là sai,

Đó là biết chánh pháp

Không nhận pháp kẻ khác,

Ấy là người vô trí,

Những người có hý luận,

Thảy đều là vô trí.

Hoặc nương điều mình thấy,

Mà sanh các hý luận,

Nếu cho đó tịnh trí,

Thì ta cũng tịnh trí

Trong ba bài kệ này, Phật nói tướng trạng của Đệ nhất nghĩa Tấtđàn, rằng chúng sanh trong thế gian nương kiến chấp, tự nương pháp, tự nương hý luận của mình mà sanh ra cạnh tranh. Hý luận chính là gốc cạnh tranh, mà hý luận thì nương các kiến chấp sanh khởi, như kệ nói:

Có lãnh thọ pháp, mới có luận,

Không lãnh thọ pháp luận cái gì,

Các kiến, có hay không lãnh thọ,

Điều ấy, người này đã trừ sạch.

Hành giả như thật biết được điều ấy, thì đối hết thảy pháp, hết thảy hý luận, không lãnh thọ, không chấp trước, không thấy là thật, không cùng cạnh tranh với kẻ khác, và biết được vị cam lồ của Phật pháp. Nếu không được như thế, tức là hủy báng pháp. Nếu không lãnh thọ pháp của kẻ khác, không biết không nhận lấy, ấy là người vô trí. Như vậy thì những người có hý luận đều là người vô trí. Tại sao vậy? Vì mỗi người không chịu lãnh thọ pháp của nhau, như có người tự cho pháp của mình là đệ nhất chơn thật thanh tịnh; còn pháp của người khác là vọng ngữ, không thanh tịnh. Ví như pháp xử trị của thế gian, nào là hình phạt giết chém đủ thứ bất tịnh mà người thế gian tín thọ làm theo cho là thật thanh tịnh, nhưng đối với người xuất gia thánh thiện thì đó là điều rất bất tịnh. Những người xuất gia theo ngoại đạo, sống theo pháp tu ngũ nhiệt như đứng một chân, nhổ tóc v.v…hạng Ni-kiền-tử (Nirgranthaputra) cho đó là diệu tuệ; còn các người khác nói đó là pháp ngu si. Các pháp của hàng xuất gia ngoại đao và Ba-la-môn bạch y như thế đó, họ đều cho là tốt đẹp, ngoài ra là vọng ngữ.

Trong Phật pháp đây cũng có Tỳ-kheo Độc-tử bảo: “Như bốn đại hòa hợp có pháp con mắt, năm uẩn (ngũ chúng) hòa hợp có pháp con người”. Trong luận A-tỳ-đàm của Độc-tử nói: “Năm uẩn không lìa con người, con người không lìa năm uẩn, không thể nói năm uẩn là con người (ngã) hay lìa năm uẩn là con người. Con người (nhân ngã) thuộc vào pháp tạng thứ năm là bất khả thuyết pháp tạng”.

Hàng Đạo nhân phái Nhất Thiết Hữu (Bộ) thì nói: “Trong hết mọi thứ, trong hết mọi thời, trong hết mọi pháp môn, không thể tìm ra được con người, ví như lông rùa sừng thỏ là không có. Lại nữa, mười tám giới, mười hai nhập, năm uẩn thật có tự tánh mà trong đó không có con người (ngã)”.

Lại trong Phật pháp, có hàng Phương-quảng (Vaipulya) Đạo- nhân nói: “Hết thảy pháp không sanh không diệt, rỗng không, không có gì cả, ví như lông rùa sừng thỏ là không có”.

Hết thảy các hàng luận nghị như thế, tự giữ lấy pháp của mình, không tiếp nhận pháp của người khác, rằng: “Đây mới là thật, ngoài ra đều là vọng ngữ”. Nếu tự lãnh thọ lấy pháp của mình, tự cúng dường lấy pháp của mình, tự tu hành theo pháp của mình, thì các pháp của người khác, không thọ, không cúng dường cho là sai quấy. Và nếu cho như vậy là thanh tịnh, được nghĩa lợi đệ nhất, thì tất cả không có gì không phải thanh tịnh. Sao vậy? Vì tất cả người kia đều thọ lãnh pháp của mình.

Hỏi: Nếu các kiến chấp đều là sai, thì Đệ nhất nghĩa Tất-đàn sao lại đúng?

Đáp: Hết thảy đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt, khắp nơi đều không chỗ dựa, không hiển thị các pháp, thật tướng các pháp không đầu, không giữa, không cuối, không tận, không phá hoại, ấy gọi là Đệ nhất nghĩa Tất-đàn, như bài kệ ở trong Ma ha diễn nghĩa nói:

Ngôn ngữ không còn,

Tâm hành cũng hết,

Không sanh không diệt,

Pháp như Niết-bàn.

Nói các hành xứ,

Gọi thế gian pháp,

Nói không hành xứ,

Là Đệ nhất nghĩa.

Hết thảy thật, hết thảy phi thật,

Và hết thảy thật, cùng phi thật.

Hết thảy chẳng thật, chẳng không thật,

Ấy gọi thật tướng của các pháp.

Đệ nhất nghĩa Tất-đàn được nói đến trong các Kinh như vậy, nghĩa ấy rất sâu, khó thấy khó biết. Vì muốn nói nghĩa ấy, nên Phật thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, vì muốn cho các nhà đại luận nghị như Ông Phạm chíTrường Trảo v.v… sanh lòng tin đối với Phật pháp nên Phật thuyết Kinh Đại Bátnhã Ba-la-mật.

Có vị Phạm chí tên Trường Trảo, lại có vị tên là Tiên ni Bà-tha-cùđa-la, lại có vị tên là Tát-giá Ca-ma-kiện-đề, là những vị đại luận nghị của cõi Diêm-phù-đề, nói: “Hết thảy luận đều có thể phá, hết thảy lời nói đều có thể hoại, hết thảy lối chấp đều có thể lay chuyển, không có pháp chân thật nào đáng tin đáng cung kính”. Như trong Kinh Xá-lợiphất Bản Mạt nói: “Cậu của Xá-lợi-phất tên là Đại Câu-hy-la cùng với chị là Xá-lợi, luận nghị mà không bằng, Đại Câu-hy-la suy nghĩ: “Đây không phải sức của chi ta, chắc là bậc trí giả trong bào thai gởi lời nơi miệng mẹ. Người này chưa sanh mà đã vậy, lớn lên thì sẽ ra sao?” Suy nghĩ xong, Ông sanh tâm kiêu mạn; vì muốn học rộng các thứ luận nghị nên xuất gia làm kẻ Phạm chí, đi vào nước Nam Thiên Trúc, bắt đầu đọc kinh thơ. Mọi người hỏi: “Chí ông muốn cầu gì, học tập kinh gì?” Trường Trảo đáp: “Cả mười tám thứ kinh lớn đều muốn đọc hết” Mọi người nói: “Trọn cả đời Ông còn không hiểu một thứ, huống chi hiểu hết?” Trường Trảo tự nghĩ: “Trước kia vì kiêu mạn nên bị thua chị, nay lại bị các người này khinh nhục”. Vì hai chuyện đó nên tự thề rằng: “Ta không cắt móng tay, can phải đọc hết mười tám thứ đại kinh”. Mọi người nhân thấy móng tay dài mà gọi Ông là Phạm chí Trường Trảo. Ông dùng trí tuệ của đủ thứ kinh sách, đủ thứ lời châm chích rằng: “Đây là pháp, đây là phi pháp, đây là phải, đây là không phải, đây là thật, đây là không thật; đây là có, đây là không, phá luận nghị của người khác. Ví như voi cuồng sức lớn bất ngờ dày xéo, không ai chế ngự được.

Sau khi Trường Trảo Phạm chí dùng sức luận nghị như vậy dẹp phá các luận sư xong, trở về nơi sinh quán là thôn Na la trong thành Vươngxá nước Ma-già-đà, hỏi người ta rằng: “Đứa con của chị tôi sanh ra nay nó ở đâu?” Có người trả lời: “Con của Chị Ông sanh ra, vừa được tám tuổi đã đọc hết các thứ kinh sách, đến mười sáu tuổi thì luận nghị hơn cả mọi người. Có đạo nhân Thích chủng họ Cù Đàm, con của chị ông theo làm đệ tử của vị ấy”. Trường Trảo nghe thế liền khởi kiêu mạn, sanh lòng không tin, nói rằng: “Đứa con của chị ta thông minh như thế, ông kia dùng thuật gì mà có thể dối gạt để nó cạo tóc làm đệ tử được?” Nói thế rồi, đi ngay đến chỗ Phật.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất vừa thọ giới được nửa tháng, đang đứng hầu bên Phật, cầm quạt quạt Phật. Trường Trảo Phạm chí gặp Phat hỏi han xong, ngồi xuống một bên, suy nghĩ rằng: “Mọi thứ luận nghị đều có thể bị phá, mọi lời nói đều có thể bị hoại, mọi thứ chấp thủ đều có thể bị lay chuyển. Vậy trong đó cái gì là thật tướng của các pháp? Cái gì là Đệ nhất nghĩa? Cái gì là tánh? Cái gì là tướng? Không điên đảo?” Suy nghĩ như vầy: “Như nước biển lớn, mà muốn đến tận đáy nó, tìm cầu đã lâu mà chẳng được một pháp nào thật để có thể nhập tâm. Vậy thì ông ấy dùng luận nghị gì mà lôi được con của chị ta?” Suy nghĩ xong, Trường Trảo liền nói với Phật rằng: “Này Ông Cù Đàm! Hết thảy pháp ta đều không chấp nhận”. Phật hỏi Trường Trảo: “Hết thảy pháp ông đều không chấp nhận, vậy cái kiến chấp (hết thảy đều không chấp nhận) ấy, ông có chấp nhận không?” Phật gạn hỏi câu đó có nghĩa: “Ông đã uống vào độc tà kiến, nay tuôn ra độc khí, nói rằng: Hết thảy pháp ta đều không chấp nhận, vậy cái kiến chấp (quan điểm) đó ông có chấp nhận không?”.

Bấy giờ Trường Trảo Phạm chí như ngựa hay vừa thấy bóng roi là biết sợ và chạy theo đường chánh. Trường Trảo Phạm chí cũng thế, nghe lời nói của Phật như bóng roi đi vào tâm, liền vứt bỏ cống cao, hổ thẹn cuối đầu, suy nghĩ như vầy: “Phật đặt ta vào hai cửa thua. Nếu ta nói là ta chấp nhận, thì đây là cửa thua rõ rệt, nên nhiều người biết họ sẽ nói: tại sao nói hết thảy pháp ta đều không chấp nhận, nay lại nói kiến chấp đó ta chấp nhận? Rõ ràng là nói dối, đó là cửa thua rõ rệt bị nhiều người biết. Cửa thua thứ hai tế nhị hơn, vì nói ta đều không chấp nhận thì không may người biết”. Trường Trảo suy nghĩ vậy rồi, đáp lại Phật: “Cù Đàm! Het thảy pháp ta không chấp nhận, kiến chấp này cũng không chấp nhận”. Phật bảo “Phạm Chí, ông không chấp nhận hết thảy pháp, kiến chấp ay cũng không chấp nhận. Không chấp nhận gì cả thì có gì khác với mọi người đâu, cần gì cống cao mà sanh kiêu mạn?”. Bị hỏi như vậy không thể đáp được, tự biết mình đã rơi vào chỗ thua, liền sanh khởi tín tâm, cung kính đối với Nhất thiết trí của Phật, Trường Trảo Phạm chítự nghĩ rằng: “Ta bị thua mà Thế Tôn không nêu bày chỗ thua của ta, không nói phai quấy, không để ý. Tâm Phật nhu nhuyến thanh tịnh bậc nhất. Tất cả ngôn ngữ luận nghị đã dứt, được đại pháp thậm thâm. Ngài là Bậc đáng cung kính, tâm thanh tịnh bậc nhất, không ai hơn Phật”. Được Phật thuyết pháp dứt tà kiến của ông, liền ngay tại chỗ ngồi ông xa lìa trần cấu, đối với các pháp được con mắt pháp thanh tịnh.

Bấy giờ Xá-lợi-phất nghe những lời ấy, chứng được A-la-hán. Trường Trảo Phạm chí bèn xuất gia làm Sa-môn chứng được A-la-hán có đại oai lực. Nếu Trường Trảo Phạm chíkhông nghe hơi hám của Bátnhã Ba-la-mật là pháp tương ưng đệ nhất nghĩa lìa bốn câu, thì chút lòng tin còn không có huống gì chứng được đạo quả của bậc xuất gia? Phật vì muốn dắt dẫn hạng đại luận nghị sư lợi căn như thế, nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật này.

Lại nữa, các Đức Phật có hai cách thuyết pháp: Một là quán tâm người nghe rồi tùy căn cơ có thể hóa độ, hai là quán tướng các pháp. Nay Phật muốn nói thật tướng của các pháp nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Bala-mật. Như trong phẩm thuyết về “Tướng bất tướng”, các vị Thiên tử hỏi Phật: “Bát-nhã Ba-la-mật này sâu xa, làm sao mà tác thành tướng?” Phật dạy các Thiên tử: “Không tức là tướng, vô tướng, vô tác tướng, vô sanh diệt tướng, vô hành tướng, thường bất sanh tướng, như tánh tướng, tịch diệt tướng v.v…”

Lại nữa, có hai cách thuyết pháp: Một là có chỗ tranh cãi, hai là không chỗ tranh cãi. Có chỗ tranh cãi như trong các Kinh khác đã nói, nay muốn nói chỗ không tranh cãi, cho nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Bala-mật. Có tướng, không tướng, có vật, không vật; có y cứ, không y cứ, có đối, không đối; có trên, không trên; thế giới, phi thế giới; những pháp môn hai phần cũng thế.

Hỏi: Phật tâm đại từ bi thì chỉ nên nói pháp không tranh cãi, cớ sao lại nói pháp có tranh cãi?

Đáp: Pháp không tranh cãi đều là vô tướng, thường tịch diệt, bất khả thuyết. Nay nói bố thí và các pháp vô thường, khổ, không v.v… đều là vì tịch diệt, không vì hý luận mà thuyết. Những người lợi căn biết ý Phật không khởi lên sự tranh cãi; còn kẻ độn căn không biết ý Phật, chấp lấy tướng, trước lấy tâm, nên khởi lên sự tranh cãi. Bát-nhã Ba-la-mật này là “Tính rốt ráo không” của các pháp, nên không có chỗ để tranh cãi. Nếu rốt ráo không mà có thể nắm, có thể tranh cãi thì không gọi là rốt ráo không. Vì rốt ráo không thì có và không hai sự đều dứt, thế nên Bát-nhã Ba-la-mật gọi là chỗ không tranh cãi.

Lại nữa, trong các Kinh khác thường dùng ba lối để nói các pháp, đó là thiện, bất thiện và vô ký. Nay muốn nói tướng các pháp chẳng phải thiện, chẳng phải bất thiện, chẳng phải vô ký, cho nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật. Pháp học, pháp vô học, pháp phi học phi vô học, pháp do kiến đế đoạn (kiến sở đoạn), pháp do tư duy đoạn (tu sở đoạn), pháp không đoạn (phi sở đoạn), pháp có thể thấy có đối ngại, pháp không thể thấy không đối ngại, pháp thượng trung hạ, pháp tiểu, đại, vô lượng, các pháp môn có ba tính chất như vậy.

Lại nữa, trong các kinh khác tùy theo căn cơ hàng Thanh văn, Phật nói pháp Tứ niệm xứ, nơi đây Tỳ-kheo quán trong thân ba mươi sáu vật để trừ bệnh tham dục, quán ngoài thân, trong ngoài thân cũng như vậy. Nay vì muốn dùng lối khác để nói pháp Tứ niệm xứ, nên Phật thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật, như nói: “Bồ-tát quán trong thân, với thân không sanh giác quán, không thấy có thân, vì là không sự đắc. Như vậy quán ngoài thân, quán trong ngoài thân, với thân không sanh giác tưởng, không thấy có thân vì là không sự đắc. Đối với thân niệm xứ, quán thân mà không sanh giác tưởng, là một việc rất khó. Ba niệm xứ Thọ, Tâm, Pháp cũng vậy. Như vậy những pháp môn có bốn phần như: Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Bốn thiền, Bốn đế v.v… cũng đều như thế”.

Lại nữa, trong các Kinh khác Phật nói năm uẩn (ngũ chúng) là vô thường, khổ, không, vô ngã. Nay vì muốn dùng lối khác nói về năm uẩn, nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật. Như Phật bảo Tôn Tu-bồ-đề: “Bồ-tát quán sắc là thường hành thì không hành Bát-nhã Ba-la-mật; quán thọ, tưởng, hành, thức là thường hành, thì không hành Bát-nhã Bala-mật; quán thọ, tưởng, hành, thức là vô thường hành, thì không hành Bát-nhã Ba-la-mật. Như vậy các thứ năm pháp như: Năm thọ ấm, Năm đạo v.v… cũng đều như thế.

Ngoài ra các pháp môn sáu, bảy, tám v.v… cho đến vô lượng cũng đều như thế. Như Đại Bát-nhã Ba-la-mật vô lượng vô biên, nên nhân duyên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật cũng vô lượng vô biên; việc này rất rộng.

Nay đã lược nêu các nhân duyên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-lamật xong.

 

2. GIẢI THÍCH NHƯ THỊ NGÃ VĂN NHẤT THỜI

KINH: Như thị, Ngã văn, Nhất thời

LUẬN: Hỏi: Phật Kinh vì sao bắt đầu bằng lời : “Như vậy” (Như Thị)?

Đáp: Phật pháp như biển cả, có tin thì vào được, có trí thì qua được. Nghĩa của chữ “Như vậy” chính là tin.

Người nào trong tâm có đức tin thanh tịnh, thì người ấy có thể vào được Phật pháp. Nếu không có tin thì người ấy không thể vào được Phật pháp. Không có tin thì nói việc ấy không “Như vậy”, ấy là tướng của bất tin. Người có tin thì nói việc ấy “Như vậy”. Ví như da trâu chưa mềm thì không thể gấp xếp, người không có tin cũng vậy; ví như da trâu đã mềm, có thể sử dụng tùy chỗ dùng, người có tin cũng vậy.

Lại nữa, trong Kinh nói tin là cánh tay. Cũng như người có cánh tay đi vào trong núi báu, tùy ý lấy báu, nếu người không có cánh tay thì không lấy được gì. Người có tin cũng như vậy, vào trong núi báu, Phật pháp có đủ thứ căn vô lậu, lực vô lậu, Bảy Giác chi, Tám Chánh đạo, Bốn thiền, Bốn định, tùy ý thu lấy. Người không có tin cũng như không có cánh tay. Người không có cánh tay, vào trong núi báu không thể thu lấy được gì. Người không có tin cũng vậy, vào trong núi báu Phật pháp không thu lấy được gì. Phật tự nghĩ: “Nếu người có tin, người ấy có thể vào trong biển pháp rộng lớn của Ta, có thể chứng được Bốn quả Samôn, không uổng công cạo đầu mặc áo Ca-sa. Nếu không tin, thì người ấy không thể vào trong biển pháp của ta, cũng như cây khô không thể sanh hoa quả. Không chứng được quả Sa-môn, tuy có cạo đầu mặc áo Ca-sa, tụng nhiều thứ kinh, giỏi vấn nạn, khéo giải đáp đi nữa thì ở trong Phật pháp chỉ uổng công chẳng có được gì”. Cho nên nghĩa “Như vậy” là bước đầu đi vào Phật pháp, vì là tướng của tin trọn vẹn vậy.

Lại nữa, Phật pháp sâu xa, chỉ có Phật mới biết được. Người có tin, tuy chưa làm Phật mà do tin lực, có thể vào được Phật pháp, như Phạm Thiên Vương khi thỉnh Phật bắt đầu quay bánh xe Chánh Pháp, đọc bài kệ thỉnh Phật:

Diêm-phù-đề đã sanh,

Nhiều thứ pháp bất tịnh,

Xin mở cửa cam lồ,

Mà chỉ đường thanh tịnh!

Phật đáp:

Pháp ta rất khó hiểu

Dứt được các kiết sử.

Tâm ưa đắm ba cõi.

Kẻ ấy không tỏ được

Phạm-thiên vương bạch Phật: “Bạch đại đức Thế Tôn! Trong thế giới, tâm trí có thượng, trung, hạ. Kẻ khéo trực tâm nhu nhuyến, dễ được độ thoát, hạng người ấy nếu không được nghe Chánh pháp, họ sẽ rớt lại trong các ác nạn. Ví như hoa sen trong nước, có thứ mới sanh, có thứ già, có thứ chưa lên khỏi mặt nước, nếu không gặp được ánh sáng mặt trời thời không nở được. Phật cũng như ánh sáng mặt trời, vì tâm đại Từ-bi thương xót chúng sanh, nên Phật hãy vì họ mà thuyết pháp”. Phật nghĩ: “Phép của chư Phật trong ba đời: Quá khứ, vị lai và hiện tại là đều vì độ chúng sanh mà thuyết pháp. Ta cũng nên như thế”. Tư duy như vậy rồi, Phật nhận lời của chư thiên Phạm-thiên vương mà thuyết pháp, dùng kệ đáp:

Ta nay mở cửa cam lồ vị.

Nếu người có tin hãy vui mừng

Ở trong loài người nói Diệu pháp

Chẳng phải não loạn ai mà thuyết.

Trong bài kệ này, Phật không nói người bố thí được vui mừng, cũng không nói người đa văn, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ được vui mừng, mà chỉ nói người tin (được vui mừng). Ý Phật: Như vậy pháp của Ta thậm thâm vi diệu bậc nhất, là pháp vô sở đắc, không thể lường, không thể đếm, không thể nghĩ bàn, không động, không tựa; không vướng mắc, không là bậc Nhất thiết trí thì không thể hiểu. Cho nên, trong Phật pháp lấy sự tin làm bước đầu. Do sức tin được vào, không phải do bố thí, trì giới v.v… mà có thể bắt đầu vào được Phật pháp, như kệ nói:

Người thế gian, tâm động,

Ưa đắm quả phước báo,

Mà không ưa nhận phước,

Cầu có, không cầu diệt,

Trước nghe pháp tà kiến

Tâm đắm mà thâm nhập

Pháp sâu xa của Ta,

Không tin làm sao hiểu!

Như đại đệ tử của Đề-bà-đạt tên Câu-ca-ly, vì không tin pháp nên đọa trong đường ác. Người ấy không tin, đối với Phật pháp tự đem trí tuệ để mong cầu, không thể được. Vì sao? Vì Phật pháp rất sâu vậy. Như Phạm-thiên vương dạy Câu-ca-ly với kệ: Muốn lường pháp vô lượng, Kẻ trí há lường sao? Muốn lường pháp vô lượng, Kẻ ấy tự che lấp.

Lại nữa, nghĩa của “Như vậy” là, nếu người có tâm khéo trực tin, người ấy có thể nghe pháp, nếu không có tướng như thế thì không hiểu được, như nói:

Chăm chú nghe pháp như khát uống.

Nhất tâm đi vào trong ngữ, nghĩa.

Vui mừng nghe pháp tâm bi, hỷ,

Người như vậy nên vì họ nói.

Lại nữa, trong nghĩa của “Như vậy” là, bước đầu đi vào Phật pháp, lợi trong đời này, lợi trong đời sau, lợi về Niết-bàn, các điều lợi đều lấy tin làm căn bản và sức mạnh.

Lại nữa, các hàng ngoại đạo xuất gia, tâm cứ nghĩ cho pháp của mình là diệu, thanh tịnh bậc nhất. Những người như thế, tự khen pháp hành của mình mà chê bai pháp của người khác. Thế nên đời này đấu tranh lẫn nhau, đời sau bị đọa địa ngục, thọ đủ thứ khổ vô lượng, như kệ nói:

Vì ái nhiễm pháp mình,

Chê bai pháp người khác

Tuy là người trì giới,

Không khỏi khổ địa ngục.

Trong Phật pháp đây, vứt bỏ hết thảy ái, hết thảy kiến chấp, hết thảy tâm kiêu mạn, tự ngã; hết thảy đều dứt bỏ, không vướng mắc. Như trong kinh Phiệt Dụ nói: “Các ngươi nên hiểu pháp Ta như là chiếc bè, thì bấy giờ thiện pháp còn nên bỏ huống là bất thiện pháp? Với Bát-nhã Ba-la-mật mà Phật còn không niệm tới, không tựa vào, huống là với pháp khác mà có niệm tới, có tựa vào sao? Vì vậy, nên bước đầu của Phật pháp gọi là “Như vậy”. Ý Phật như vầy: Đệ tử của Ta không ái trước vào pháp, không nhiễm trước vào pháp, không bạn đảng với pháp, mà chỉ cầu lìa khổ, được giải thoát, không hý luận vào các pháp tướng”, như trong kinh A-bà-đà-kỳ (Arthavargìyasutra), Ma-kiền-đề (Makandika) nói kệ hỏi:

Với các pháp cố định.

Thì sanh lắm vọng tưởng.

Dứt bỏ hết trong ngoài,

Thì làm sao đắc đạo?

Phật đáp:

Chẳng kiến, văn, giác, tri,

Cũng chẳng do trì giới,

Chẳng không phải kiến văn,

Chẳng không do trì giới.

Luận như thế bỏ hết.

Cũng bỏ ngã, ngã sở.

Không thủ các pháp tướng

Như thế mới đắc đạo.

Ma-kiền-đề lại hỏi:

Nếu không do kiến văn,

Chẳng phải do trì giới.

Chẳng phải không kiến văn,

Chẳng phải không trì giới.

Như tâm tôi quán sát.

Giữ câm lặng, đắc đạo?

Phật đáp:

Ông theo nẻo tà kiến,

Ta biết ông dốt đạo,

Ông không thấy vọng tưởng,

Ông bấy giờ tự câm!.

Lại nữa, tự cho pháp ta chơn thật, còn pháp người khác là nói dối, pháp của ta bậc nhất, còn pháp của người khác không thật; đó là gốc của đấu tranh. Nay nghĩa “Như vậy” là dạy người khác không tranh. Nghe những gì người khác nói, người nói thì không lỗi. Vì vậy, các kinh Phật đều mở đầu bằng lời “Như vậy”.

Lược nói chữ nghĩa”Như vậy” xong.

Nay sẽ nói đến nghĩa chữ “Tôi.

Hỏi: Nếu trong Phật pháp nói hết thảy pháp đều không, hết thảy không có tự ngã, thế tại sao kinh Phật lại bắt đầu bằng lời: “Như vậy tôi nghe”?

Đáp: Đệ tử của Phật tuy hiểu là vô ngã, song tùy theo pháp thế tục mà nói ngã, chẳng phải thật ngã. Ví như lấy tiền vàng mà mua tiền đồng, không ai cười vậy. Vì sao? Vì phép bán mua là vậy. Đây nói” “Tôi” cũng như thế, trong pháp vô ngã mà nói ngã, là tùy thuận theo thế tục mà không nên nạn vấn, như trong kinh Thiên Vấn có kệ:

Có Tỳ-kheo La-hán.

Các lậu đã dứt sạch.

Với thân cuối cùng ấy,

Nói “Tôi đây” được chăng?

Phật đáp:

Có Tỳ-kheo La-hán,

Các lậu đã dứt sạch,

Với thân cuối cùng ấy,

Có thể nói “Tôi đây.

Trong Thế giới pháp (Thế giới Tất-đàn) mà nói là ngã, chẳng phải là trong pháp Đệ nhất nghĩa (Đệ nhất nghĩa Tất-đàn). Vì vậy, đối với các pháp không, vô ngã mà nói ngã, không có lỗi.

Lại nữa, ngữ ngôn của thế giới có ba thứ căn bản: Một là tà kiến, hai là kiêu mạn, ba là danh tự. Trong đó hai thứ bất tịnh và một thứ tịnh. Hết thảy người phàm đều có ba thứ gốc ngôn ngữ: Làtà kiến, kiêu mạn và danh tự. Người tu hành thấy đạo thì có hai thứ gốc ngôn ngữ: Là kiêu mạn, danh tự; còn các bậc đã dứt hết lậu hoặc thì chỉ một thứ gốc ngữ ngôn, là danh tự. Trong tâm họ tuy không trái với thật pháp, nhưng tùy thuận người trong thế giới mà truyền đạt chung gốc ngôn ngữ ấy, để trừ tà kiến cho đời, nên thuận theo thế tục mà không tranh cãi. Vì vậy, cho nên trừ hai gốc ngôn ngữ bất tịnh và theo thế tục mà chỉ chung một thứ ngôn ngữ. Đệ tử Phật tùy theo thế tục mà nói ngã nên không có lỗi.

Lại nữa, nếu người đắm vào tướng vô ngã mà nói đây là thật, ngoài ra đều vọng ngữ, thì với người ấy nên nạn rằng: “Ông nói hết thảy pháp thật tướng là vô ngã, sao còn nói “Như vậy tôi nghe”? Còn nay các đệ tử Phật đối với hết thảy pháp không, không sở đắc, trong tâm họ không đắm trước, cũng không đắm trước thật tướng của các pháp, huống gì trong vô ngã mà tâm còn đắm trước sao? Vì vậy không nên nạn rằng tại sao đệ tử Phật còn nói “Tôi”, như bài kệ trong Trung luận nói:

Nếu có cái bất không.

Tất phải có cái không.

Bất không còn không có,

Hà huống là có không?

Phàm người thấy bất không.

Mà cũng lại thấy không.

Không thấy: Thấy, không thấy,

Ấy thật là Niết-bàn. Của bất nhị an ổn.

Phá trừ các tà kiến.

Chỗ chư Phật đi qua,

Ấy là pháp vô ngã”.

Lược nói nghĩa chữ “Tôi” xong.

Nay sẽ nói nghĩa chữ “Nghe.

Hỏi: “Nghe” như thế nào? Dùng nhĩ căn? Dùng nhĩ thức? Hay dùng ý thức nghe? Nếu nhĩ căn nghe, thì nhĩ căn không có giác tri không thể nghe? Nếu nhĩ thức nghe, thì nhĩ thức trong thoáng chốc, không thể phân biệt cũng không thể nghe. Nếu ý thức nghe, thì ý thức cũng không thể nghe. Vì sao? Vì trước do năm thức nhận biết năm trần, rồi sau ý thức mới nhận biết, ý thức không thể biết năm trần trong hiện tại mà chỉ nhận biết năm trần trong quá khứ và vị lai. Nếu ý thức nhận biết năm trần trong hiện tại thì người mù cũng có thể thấy sắc và người điếc cũng có thể nghe tiếng. Vì sao? Vì ý thức không bị hư?

Đáp: Chẳng phải nhĩ căn nghe tiếng, cũng chẳng phải nhĩ thức, cũng chẳng phải ý thức. Việc nghe tiếng đây là do nhiều nhân duyên hòa hiệp mới nghe được tiếng, không thể bảo một pháp có thể nghe tiếng. Vì sao? Vì nhĩ căn không tri giác, không thể nghe tiếng, nhĩ thức là vô sắc, vô đối, vô xứ nên cũng không thể nghe tiếng, còn tiếng thì không có thức tri giác cũng không có căn cũng không thể biết được tiếng. Bấy giờ nhĩ căn không bị hư, tiếng ở chỗ có thể nghe và ý muốn nghe. Căn, trần và ý hòa hợp nên nhĩ thức phát sanh, tùy nhĩ thức liền sanh ý thức; có thể phân biệt các thứ nhân duyên mà được nghe tiếng. Vì thế không nên vấn nạn: “Nghe” như thế nào và ai nghe? Tuy nghe tiếng, mà trong Phật pháp không một pháp năng tác, năng kiến, năng tri, như kệ nói:

Có nghiệp cũng có quả.

Không kẻ làm nghiệp quả.

Nghĩa ấy sâu bậc nhất,

Pháp này do Phật nói.

Tuy không, chẳng phải đoạn.

Tương tục, cũng chẳng thường.

Tội phước vốn không mất,

Pháp như vậy, Phật nói.

Lược nói nghĩa chữ “Nghe” xong.

Nay sẽ nói về chữ “Một”.

Hỏi: Trong Phật pháp không thật có những pháp số lượng, thời gian vì nó không thuộc vào ấm, nhập, giới, sao lại nói là “Một” thời?

Đáp: Tùy theo thế tục mà nói có “Một” thời, không có lỗi. Như vẽ trên đất, cây làm thành tượng trời, vì niệm tưởng trời mà lễ bái nên không lỗi. Nói “Một” thời cũng như vậy. Tuy thật không có “Một” thời, mà tùy thế tục nói có “Một” thời nên không lỗi.

Hỏi: Không nên nói không có “Một” thời, như Phật tự nói: “Một người xuất hiện trên thế gian, nhiều người được lợi lạc. Người đó là ai?

Chính là Phật Thế Tôn vậy”, như kệ nói:

Ta hành đạo không thấy bảo hộ.

Chí hành đạo một mình không bè bạn.

Tích chứa một hạnh mà thành Phật,

Tự nhiên thấu suốt nẻo Thánh đạo

Ở nhiều chỗ Phật đã nói Một như thế, vậy tất phải có cái “Một”.

Lại nữa, vì có pháp Một hòa hợp, nên vật ấy gọi là Một. Nếu thật không có pháp Một thì cớ sao trong Một vật chỉ Một tâm sanh, không phải hai, không phải ba? Trong hai vật là hai tâm sanh, không phải Một, không phải ba? Trong ba vật là ba tâm sanh, không phải hai, không phải Một? Nếu thật không có các con số thì trong Một vật nên có hai tâm sanh, trong hai vật chỉ nên một tâm sanh. Số ba, bốn, năm, sáu … cũng như thế. Do đó, biết chắc rằng trong Một vật có pháp Một, vì pháp ấy hòa hợp nên trong Một vật chỉ Một tâm sanh?

Đáp: Nếu Một với vật là Một, hay Một với vật là khác, cả hai đều sai lầm.

Hỏi: Nếu là “Một” thì có sai lầm gì?

Đáp: Nếu Một với cái bình là “Một”, như Nhân-đề-lê (Thích-đềhòa-nhơn – Indra) với Thích-ca (Saka) là Một. Nếu vậy thì ở đâu có Một tức ở đó đều có bình; cũng như ở đâu có Nhân-đề-lê là ở đó có Thích-ca. Nay các vật như áo v.v… đều phải là bình, vì Một với bình là “Một”. Như vậy ở đâu có Một ở đó đều là bình. Giống như bình, áo v.v… đều làMột vật, không có phân biệt.

Lại nữa, Một thuộc về “số”, bình cũng nên thuộc về “số”. Thể của bình có năm pháp. Một cũng nên có năm pháp. Bình là vật có sắc chất có đối ngại, vậy Một cũng nên có sắc chất, có đối ngại. Nếu ở đâu có Một mà không gọi là bình, thì nay không nên cho bình với Một là “Một”. Hoặc nói Một không bao gồm bình, hoặc nói bình cũng nên không bao gồm một, vì bình với Một không khác. Lại muốn nói Một phải nói bình, muốn nói bình phải nói Một, như thế thì lộn xộn.

Hỏi: “Một” bị sai lầm như vậy, còn trong phương diện khác có lỗi gì?

Đáp: Nếu Một khác với cái bình thì bình chẳng phải là Một, nếu bình khác với một thời Một chẳng phải bình. Nếu bình hợp với Một, mà bình được gọi làm Một, nay Một hợp với bình, sao không gọi Một là bình? Vì vậy không thể gọi bình và Một khác nhau.

Hỏi: Tuy bình hợp với “Một” nên bình là Một (Một cái bình), nhưng số Một không phải là bình, thì sao?

Đáp: Các số bắt đầu bằng số Một, Một với bình là khác nên bình không làm Một. Một không, nên nhiều cũng không. Vì sao? Trước Một rồi sau mới nhiều. Như vậy, trong phương diện khác với bình, thì pháp “Một” cũng không thể có riêng được. Vì sao? Vì trong cảhai phương diện tìm pháp “Một” không thể được. Vì không thể được thì làm sao nói có pháp “Một” thuộc vào năm ấm, mười tám giới, sáu nhập được?

Nhưng đệ tử Phật tùy theo ngôn ngữ thế tục mà gọi là “Một”, mà trong tâm thực không hề chấp trước, trái lại biết các con số chỉ có trên danh tự. Vì thế trong Phật pháp nói đến chữ “Một thì, Một người, Một thầy” mà không rơi vào lỗi tà kiến.

Lược nói về “Một” xong.

Nay sẽ nói về “Thời”.

Hỏi: Xứ Thiên Trúc có hai thứ tiếng chỉ cho “Thời” là Ca-la (Kàlà) và Tam-ma-gia (Samya). Sao Phật không nói Ca-la mà nói Tam-magia?

Đáp: Nếu nói Ca-la thì có điều gì nghi ngờ?

Hỏi: Nói cho nhẹ nhàng thì nên nói Ca-la vì Ca-la có hai chữ, Tamma-gia có ba chữ nặng lời khó đọc hơn?

Đáp: Vì để trừ tà kiến nên nói Tam-ma-gia không nói Ca-la. Có người nói: “Hết thảy trời đất hay việc tốt xấu đều lấy “Thời” (Ca-la) làm nhân”, như trong Thời kinh có bài kệ nói:

Thời đến, chúng sanh thành thục.

Thời tới thì bị thôi thúc.

Thời, có thể giác ngộ người,

Cho nên chính “Thời” làm nhân.

Thế giới như bánh xe,

Thời biến như xe quay,

Người cũng như bánh xe,

Đi lên hoặc đi xuống.

Hỏi: Lại có người nói: “Trong trời đất hay việc tốt xấu hết thảy mọi vật không phải do “Thời” làm ra, song “Thời” là cái nguyên nhân không thay đổi, là thật hữu. Pháp “Thời” rất vi tế, không thể thấy, không thể biết, do kết quả của hoa trái v.v… mà biết là có “Thời”. Năm qua, năm nay, lâu xa, gần, chậm, mau mà thấy các tướng đó, tuy không thấy “Thời” mà biết là có “Thời”. Vì sao? Vì thấy quả mà biết có nhân”. Do đó nên biết có pháp “Thời”. Pháp “Thời” không biến hoại, nên thường?

Đáp: Như hòn đất là “Thời” hiện tại, đất bụi là “Thời” quá khứ, cái bình là “Thời” vị lai. Tướng của “Thời” là thường nên “Thời” quá khứ không làm “Thời” vị lai. Kinh sách các ông cho “Thời” là một vật, vì thế “Thời” quá khứ không làm “Thời” vị lai, cũng không làm “Thời” hiện tại; vì như vậy thì lộn xộn. Trong “Thời” quá khứ cũng không có “Thời” vị lai, vì thế nên không có “Thời” vị lai. “Thời” hiện tại cũng như thế.

Hỏi: Ông đã nhận đất bụi là “Thời” quá khứ, nếu có “Thời” quá khứ thì chắc chắn có “Thời” vị lai; vì thế thật có pháp “Thời”?

Đáp: Ngươi không nghe tôi vừa nói, cái bình ở “Thời” vị lai, đất bụi ở “Thời” quá khứ. “Thời” vị lai không làm “Thời” quá khứ, trong tướng “Thời” vị lai là “Thời” vị lai, sao lại gọi là “Thời” quá khứ. Thế nên “Thời” quá khứ cũng không.

Hỏi: Sao lại không có “Thời”, chắc chắn phải có “Thời”, hiện tại có tướng hiện tại, quá khứ có tướng quá khứ, vị lai có tướng vị lai?

Đáp: Nếu như hết thảy “Thời” của ba đời đều có tướng riêng (tự tướng), như vậy thì hết thảy là “Thời” hiện tại, không có “Thời” quá khứ và “Thời” vị lai. Nếu có vị lai thì đó không gọi là vị lai mà nên gọi là hiện tại; vì thế lời hỏi ấy không đúng.

Hỏi: “Thời” quá khứ, “Thời” vị lai không phải là tướng hiện tại, hiện hành. “Thời” quá khứ có tướng quá khứ hiện hành. “Thời” vị lai có tướng vị lai hiện hành, thế nên mỗi pháp tướng đều có “Thời”?

Đáp: Nếu quá khứ là qua đi, thì phá mất tướng quá khứ; nếu quá khứ mà không qua đi, thì không có tướng quá khứ; “Thời” vị lai cũng như thế. Vì thế, pháp thời đã không thật có thì làm sao có thể sanh trời đất, việc tốt xấu và các vật hoa quả, v. v…; vì để trừ các thứ tà kiến như vậy nên không nói thời theo tiếng “Ca-la” mà nói thời theo tiếng “Tamma-gia”.

Thấy sự sanh diệt của năm ấm, mười tám giới, sáu nhập mà giả danh là “Thời” chứ không có “Thời” riêng (ngoài sự sanh diệt). Như nói các danh tự: Phương, thời, ly, hợp, nhất, dị, trường, đoản v. v… đều là vượt ra ngoài tâm kẻ phàm phu chấp trước cho là pháp thật có; vì thế nên trừ bỏ được pháp ngữ ngôn danh tự của thế giới (thế gian).

Hỏi: Nếu không có “Thời”, tại sao lại có học giới cho phép ăn đúng thời, cấm ăn phi thời?

Đáp: Trước đây tôi đã nói; theo pháp danh tự thế gian có “Thời”, mà không phải thật pháp, ông không nên vấn nạn. Cũng như phép kiết giới ở trong Tỳ-ni chỉ là thật theo thế gian mà không phải là pháp tướng đệ nhất thật. Vì tướng pháp tự ngã không có thật thể, cũng vì chúng nhân mà quở trách, cũng vì muốn hộ trì Phật pháp được tồn tại lâu dài, mà chế định lễ pháp cho đệ tử, cho nên chư Phật thế Tôn kiết giới, ở trong đó không nên tìm xem có gì thật? Có danh tự gì? Cái nào tương ưng? Cái nào không tương ưng? Cái nào là pháp có tướng như vậy? Cái nào là pháp không có tướng như vậy? Vì thế, việc ấy không nên vấn nạn.

Hỏi: Nếu ăn phi thời, thuốc phải thời, y phải thời, đều là Ca-la, vì sao không nói là Tam-ma-gia?

Đáp: Những điều dạy trong Tỳ-ni, hàng cư sĩ áo trắng không được nghe, thì hàng ngoại đạo làm sao được nghe để mà sanh tà kiến (nên không nói Tam-ma-gia mà nói Ca-la)? Còn kinh khác đều được phép nghe, nên trong đây dùng tiếng Tam-ma-gia. Tam-ma-gia là giả danh, khiến người nghe không sanh tà kiến. Lại trong Phật pháp phần nhiều nói Tam-ma-gia mà ít nói Ca-la; vì ít nên không nên cật nạn.

Lược nói nghĩa riêng của năm chữ “Như Thị, Ngã, Văn, Nhất, Thời” xong.