LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP I
QUYỂN 5

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)

Nói về:

Ma Ha Tát Đỏa

LUẬN:

Ma Ha Tát Đỏa còn được gọi tắt là Ma Ha Tát.

Hỏi: Thế nào là Ma Ha Tát Đỏa?

Đáp: MA HA là lớn, TÁT ĐỎA là chúng sanh.

Ma Ha Tát Đỏa là người có tâm dõng mãnh, không thối chuyển, hay gánh vác việc lớn, làm lợi ích chúng sanh.

Lại nữa, Ma Ha Tát Đỏa là bậc Thượng Thủ dẫn đầu trong chúng sanh, khởi tâm Đại Bi, thành lập Đại Thừa, thường hành Đại Đạo. Đây là bậc Đại Nhân, được chúng sanh tôn kính, nên được gọi là Ma Ha Tát Đỏa. Như bài kệ tán Phật sau đây:

Cúi lạy Thế Tôn, đấng Đại Giác,
Nhất Thiết Trí, cha lành ba cõi.
Riêng mình Ngài trên ngôi Vô Thượng,
Mười phương thế giới chẳng ai bằng.
Phàm phu hành thí mong cầu phước
Trói buộc trong vòng lợi với danh.
Phật Thế Tôn trải rộng lòng từ,
Thường bình đẳng chúng sanh muôn loại.

Lại nữa, Ma Ha Tát Đỏa là người thường hay thuyết pháp độ sanh, phá ngã kiến, ngã si, ngã mạn, ngã ái, phá sạch phiền não ở nơi mình, và ở nơi hết thảy chúng sanh.

Chúng sanh nhiều như nước trong biển lớn, người tu, dù trải qua vô lượng kiếp cũng chẳng sao đếm hết được.

Thế nhưng, Phật lại dạy Bồ Tát Vô Tận Ý rằng : “Ví như lấy hết mười phương thế giới, dẫn đến hết hư không vô biên hợp lại thành một biển lớn, lại ví như có vô lượng chúng sanh, mỗi chúng sanh cầm một sợi tóc, nhúng vào biển, lấy một giọt nước mang đi, thì biển lớn đó cũng có thể bị khô cạn, nhưng tâm Đại Bi của Phật chẳng bao giờ cùng tận, vì sao? Vì chư Phật, chư Bồ Tát có tâm rộng lớn muốn độ hết thảy chúng sanh, dẫn dắt họ đến nơi an lạc.

Người có Đại Tâm như vậy gọi là Ma Ha Tát Đỏa.

Trong kinh Bất Khả Tư Nghì, Ngài Ưu Đà Di Âu Xá Na, bạch với Ngài Bồ Tát Tu Đạt Đa rằng: “Chư Bồ Tát phát vô thượng Bồ Đề tâm chẳng phải vì 1 người, 2 người, 3 người…, trăm ngàn người, muôn ức người, cũng chẳng phải vì vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn chúng sanh, cũng chẳng phải vì chúng sanh nhiều như vi trần trong số lượng chẳng thể nghĩ bàn quốc độ, cũng chẳng phải vì chiêm bái, cúng dường một Đức Phật, cũng chẳng phải vì  chiêm bái cúng dường chư Phật nhiều như số vi trần trong số lượng chẳng thể nghĩ bàn 3000 Đại Thiên Thế Giới, cũng chẳng phải vì làm cho hạt giống Phật không thể đoạn dứt trong 1 hệ 3000 Đại Thiên Thế Giới, cũng chẳng phải vì làm cho hạt giống Phật không đoạn dứt trong số lượng nhiều như vi trần chẳng thể nghĩ bàn hệ 3000 Đại Thiên Thế Giới, cũng chẳng vì trang nghiêm một Phật độ, cũng chẳng phải vì trang nghiêm số lượng nhiều như vi trần chẳng thể nghĩ bàn Phật độ, cũng chẳng phải vì biết chư Phật và chúng đệ tử nhiều như vi trần trong số lượng chẳng thể nghĩ bàn hệ 3000 Đại Thiên Thế Giới; cũng chẳng phải vì đoạn phiền não cho một chúng sanh, cũng chẳng phải vì đoạn phiền não cho số chúng sanh nhiều như vi trần trong số lượng chẳng thể nghĩ bàn hệ 3000 Đại Thiên Thế Giới.

Ma Ha Tát Đỏa nguyện tận giáo hóa hết thảy chúng sanh trong khắp 10 phương, làm cho chúng sanh ở khắp các quốc độ đều được thanh tịnh, nguyện thọ trì hết thảy Phật pháp từ khắp các Phật độ, lại nguyện phân biệt hết thảy các Phật độ, nguyện tận biết hết thảy các Đức Phật và chúng đệ tử, nguyện phân biệt hết thảy các tâm niệm của chúng sanh, nhằm đoạn sạch các phiền não cho họ, nguyện tận biết căn cơ của hết thảy chúng sanh.

Vì các nguyện này nên chư Bồ Tát phát Vô Thượng Bồ Đề Tâm, bắt đầu trú trong 10 môn, rồi dần dần trong 100, trong 1000 môn, dẫn đến trong vô lượng môn. Bồ Tát phải biết hết thảy các pháp môn như vậy, mới được trí huệ lanh lợi, sáng suốt để hoằng pháp lợi sanh. Bồ Tát vì hết thảy chúng sanh trong các Phật độ mà trang nghiêm đạo tràng như vậy”.

Ngài Ưu Đà Di Âu Xá Na lại nói tiếp : “Tôi nguyện cho hết thảy chúng sanh đều được rốt ráo thanh tịnh, hết thảy phiền não đều được rốt ráo đoạn trừ”.

Bồ Tát Tu Đạt Na hỏi : “Đây là pháp tu giải thoát gì?”.

Ưu Đà Di Âu Xá Na đáp : “Pháp tu Giải Thoát này là Vô Ưu An Ổn Tạng. Tôi chỉ biết môn Giải Thoát này. Tôi chẳng sao biết được Đại Tâm của chư Bồ Tát, vì Tâm ấy mênh mông như nước trong biển lớn, thọ trì hết thảy các Phật pháp. Tâm của chư Bồ Tát bất động như núi Tu Di. Chư Bồ Tát như vị thầy thuốc giỏi, hay trừ bệnh phiền não, như mặt trời hay trừ các tối tăm, như mặt đất hay gánh vác hết thảy các vật nặng, nhận lãnh hết thảy các đồ xú uế, như gió hay đem lại sự mát mẻ cho chúng sanh, như lửa hay thiêu đốt các tà pháp Ngoại Đạo, như mây hay rưới mưa chánh pháp, như mặt trăng hay tỏa ánh sáng êm dịu khắp mọi nơi, như vị Đế Thích hay bảo hộ chúng sanh. Đạo Bồ Tát thậm thâm, rộng lớn như vậy làm sao tôi có thể hiểu rõ hết được. Chư Bồ Tát phát đại nguyện, làm những việc vĩ đại, nhằm thành tựu mục tiêu vĩ đại, nên được gọi là Ma Ha Tát Đỏa”.

Lại nữa, trong kinh Bát Nhã Ba La Mật này, Phật cùng những vị Đại Đệ Tử của Phật, như Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na… cũng sẽ rộng thuyết về tướng và hạnh của các Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nói về:

Bồ Tát Công Đức
(Công Đức của Bồ Tát)

KINH:

Đều đã được các Đà La Ni môn và các Tam Muội môn, đã thật hành ba Tam Muội Không, Vô Tướng, Vô Tác, đã được đẳng nhẫn.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao lại dùng thứ lớp 3 sự việc trên đây để tán thán chư vị Bồ Tát Ma Ha Tát ?

Đáp: Vì muốn nói rằng các công đức của Bồ Tát thật đáng tán thán, đáng tin tưởng vậy. Vì hết thảy chúng sanh chẳng sao có thể tin được chỗ rốt ráo thậm thâm, thanh tịnh của chư pháp, nên phải nêu lên ba pháp ấy để tán thán chư Bồ Tát.

Lại nữa, Bồ Tát phải thành tựu đầy đủ ba công đức gồm Đà La Ni, Tam Muội và Đẳng Nhẫn, mới được gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát.

Hỏi: Thế nào là Đà La Ni?

Đáp: Đà La Ni, tiếng Trung Hoa dịch là Năng Trì, hoặc là Năng Già.

Năng Trì là có sức giữ gìn. Đà La Ni có sức giữ gìn các thiện pháp, chẳng để cho mất mát, ví như bình đựng nước có phẩm chất tốt, chẳng để cho nước thoát ra ngoài vậy.

Năng Già có nghĩa là sức ngăn che. Đà La Ni có sức ngăn che các niệm ác vừa móng khởi trong tâm, khiến chẳng có thể trở thành hiện hạnh.

Bồ Tát có được Đà La Ni rồi sẽ có tổng nhiếp được các tâm tương ưng, bất tương ưng, hữu lậu, vô lậu, hữu sắc, vô sắc,…dẫn đến sẽ có đủ 9 trí, chỉ trừ Lậu Tận Trí. Bởi vậy nên Bồ Tát ấy vừa nghe thuyết pháp là tin hiểu ngay, lại có niệm lực giữ gìn, chẳng để cho mất mát.

Đà La Ni bám sát Bồ Tát, chẳng để lạc về Nhị Thừa Địa, chẳng để rơi vào các hố ác. Ví như cha mẹ thương con, thấy con đi lạc đường hay sắp rơi xuống hố, tìm mọi cách để giữ con lại.

Lại nữa, Bồ Tát được Đà La Ni rồi, sẽ thắng hơn hết thảy các ma. Các Ma Vương, ma dân, đều chẳng có thể lay chuyển được tâm Bồ Tát, ví như người phàm chẳng có thể lay chuyển được núi Tu Di vậy.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ Đà La Ni?

Đáp: Có rất nhiều thứ Đà La Ni:

1. Có Văn Trì Đà La Ni. Người có được Đà La Ni này, nếu đã được nghe các ngữ ngôn nào rồi, đã được nghe các pháp Phật nào rồi, thì liền giữ gìn đầy đủ,  chẳng để cho mất mát, sai lạc.

2. Có Phân Biệt Trí Đà La Ni. Người có được Đà La Ni này, có khả năng phân biệt và rõ biết hết thảy chúng sanh, hết thảy các pháp dù lớn hay nhỏ, dù xấu hay tốt… Như bài kệ thuyết :

Voi ngựa cùng vàng bạc,
Đất đá cùng cỏ cây,
Nam Nữ cùng nước lửa,
Mỗi mỗi đều riêng khác.
Sang hèn cũng phân biệt,
Mỗi pháp một tên riêng
Được Đà La Ni này,
Thảy đều phân biệt rõ.

3. Có Nhập Âm Thanh Đà La Ni. Người có được Đà La Ni này, có khả năng nghe biết hết thảy các ngữ ngôn, mà chẳng vui cũng chẳng giận. Dù nghe lời khen ngợi tán dương, thì tâm vẫn chẳng vui, dù nghe lời chửi mắng chê trách, thì tâm vẫn chẳng oán giận.

* Chư Bồ Tát chưa được Lậu Tận thì làm sao có thể nhẫn được như vậy?

– Nhờ có lực Đà La Ni mà được như vậy. Bồ Tát tuy chưa lậu tận, nhưng do có thượng trí, lợi căn, nên có thể tư duy trừ bỏ tâm sân. Phàm phu, do tâm chấp ngã mà phân biệt thị phi, nên mới sanh vui, sanh giận. Người đã được Đà La Ni rồi, rõ biết ngữ ngôn đều tùy duyên sanh, tùy duyên diệt, nên chẳng bao giờ khởi tâm sân nhuế. Lại biết các pháp đều chẳng có ai tạo tác, thì làm sao có người mắng nhiếc, làm sao có người sân hận được. Lại biết các pháp là vô định, thay đổi theo không gian và thời gian, nên chẳng vui cũng chẳng giận.

Bồ Tát rõ biết các ngữ ngôn chỉ như gió thoáng qua, chẳng hề vướng mắc. Cũng như gặp trời mưa thì lấy dù che, gặp chỗ gai gốc thì mang guốc dép, gặp trời lạnh lẽo thì đốt lửa sưởi ấm, gặp trời nóng bức thì tìm nước uống cho đỡ khát. Bồ Tát gặp các người đến mắng nhiếc, đánh đập cũng vẫn bình tâm, tự chế ngự, chẳng bao giờ dấy tâm sân hận. Bồ Tát chỉ dùng Từ Bi để cải hóa họ, khiến cho họ xả bỏ tâm sân.

Bồ Tát rõ biết các pháp đều chẳng có sanh diệt, đều vốn là tự tánh không, nên gặp người đến mắng nhiếc, đánh đập mình, dẫn đến đe dọa mạng sống của mình cũng đều xem như cảnh trong mộng, chẳng hề khởi tâm sân nhuế hay oán giận.

Khi gặp người đến cung kính, tán thán cúng dường, Bồ Tát lại nghĩ rằng : “Nếu ta có công đức thì người khác đến cung kính cúng dường. Đó là cung kính cúng dường các công đức, chẳng phải là cung kính cúng dường ta. Ta chỉ ví như người cày xới đất đai, gieo các giống bón phân tưới nước vậy thôi. Nếu thấy người đến cúng dường, mà ta vui vẻ thọ nạp thì phước đức của người kia sẽ mỏng đi. Ta chẳng nên lấy đó làm niềm vui mừng, hãnh diện”.

Bồ Tát quán các pháp như mộng huyễn, nên chẳng thấy có ai tán thán, cũng chẳng thấy có ai vui mừng cả. Bồ Tát tư duy rằng : “Ta chưa tận dứt các lậu, vì sao ta lại vui mừng nhận các lời tán thán, nhận được sự cúng dường ! Duy chỉ có mình Đức Phật là đầy đủ các công đức, đáng được tán thán cúng dường”. Như vậy gọi là Nhập Âm Thanh Đà La Ni.

4. Lại có Tịch Diệt Đà La Ni, Vô Biên Đà La Ni, Trì Địa Quán Đà La Ni, Đại Đức Đà La Ni, Hoa Nghiêm Đà La Ni, Tịnh Âm Đà La Ni, Hư Không Tạng Đà La Ni, Hải Tạng Đà La Ni, Phân biệt chư Pháp Đà La Ni, Minh Nghĩa Chư Pháp Đà La Ni v.v….

Như vậy được thuyết có 500 Đà La Ni. Nếu nói rộng rộng thì có vô lượng Đà La Ni.

Hỏi: Tam Tam Muội gồm những Tam Muội gì?

Đáp: Đó là 3 Tam Muội “Không”, “Vô Tướng” và “Vô Tác”.

Quán 5 ấm vô ngã là được Không Tam Muội, Trú trong Không, chẳng dấy niệm tham, sân, si, mạn, nghi, kiến… là được Vô Tác Tam Muội.

Lại nữa, ly hết thảy các tướng, ly các tướng trần cảnh, các tướng Nam Nữ, các tướng sanh, trú, dị, diệt… là được Vô Tướng Tam Muội. Lại nữa, trú trong Vô Tướng, rõ biết hết thảy các pháp đều là tự tướng không, nên vào được Không Tam Muội. Trú trong Không, nên vào được Vô Tác Tam Muội.

* Sao gọi là Không?

– Là rõ biệt thật tướng của hết thảy pháp là không.

* Sao gọi là Vô Tác?

– Là quán hết thảy các pháp chẳng phải là CÓ, cũng chẳng phải là KHÔNG, là quán CÓ và KHÔNG bình đẳng, chẳng phải hai, cũng chẳng phải khác. Như bài kệ thuyết :

Thấy CÓ cũng nên sợ,
Thấy KHÔNG cũng nên sợ,
Vậy nên chẳng chấp CÓ
Cũng lại chẳng chấp KHÔNG

* Sao gọi là Vô Tướng?

– Là quán hết thảy các pháp đều chẳng có tướng, đều chẳng có thể thọ, đều chẳng có thể chấp. Như bài kệ thuyết:

Ngôn ngữ đều đoạn,
Tâm hành cũng diệt,
Chẳng sanh, chẳng diệt,
Như tướng Niết Bàn.

Lại có thuyết nói “Đầy đủ 18 pháp Không là được Không Tam Muội, Tâm chẳng mong cầu gì cả là được Vô Tác Tam Muội, phá sạch hết các tướng chẳng còn nhớ nghĩ là được Vô Tướng Tam Muội”.

Hỏi: Bồ Tát phải có đủ các pháp Thiền Định. Sao chỉ nói đến 3 Tam Muội Không, Vô Tướng, và Vô Tác mà thôi ?

Đáp: Ở trong 3 Tam Muội này mà tư duy thì sẽ rất gần với Niết Bàn, khiến tâm người chẳng cao, chẳng hạ, bình đẳng, bất động. Bởi vậy nên xưng tán 3 Tam Muội này.

Tu các thiền định khác còn có ái, mạn, kiến, còn tu 3 Tam Muội này dẫn hành giả vào Đệ Nhất Thật Nghĩa, vào cửa của Niết Bàn an lạc. Bởi vậy nên 3 Tam Muội này được gọi là 3 Giải Thoát Môn. Các pháp thiền định khác như 4 Vô Lượng Tâm, 4 Biện, 6 Thông, 9 Thứ Đệ Định, 8 Bối Xả, v.v. cũng đều là Tam Muội.

Lược nói có 23 Tam Muội, hoặc 65 Tam Muội, hoặc 500 Tam Muội. Nếu rộng nói, thì có vô lượng Tam Muội. Bồ Tát Ma Ha Tát được đầy đủ vô lượng Tam Muội trang nghiêm như vậy.

Lại nữa, trong kinh Bát Nhã Ba La Mật này có nói đến 108 Tam Muội. Chư Bồ Tát Ma Ha Tát, do thực hành 3 Tam Muội Không, Vô Tướng và Vô Tác, mà được đầy đủ các Tam Muội. Vì sao? Vì có được 3 Tam Muội này là được Thật Tướng Tam Muội, rõ được Thật tướng hết thảy các pháp. Như bài kệ thuyết:

Người giữ giới thanh tnh,
Mới thật là Tỳ Kheo.
Người thường quán pháp Không
Mới thật được Tam Muội.
Người thường hành tinh tấn,
Mới thật là hành đạo.
Người vào được Niết Bàn
Mới thật được an lạc.

Hỏi: Sao gọi là Đẳng Nhẫn?

Đáp: ĐẲNG là bình đẳng, ngang nhau.

Đẳng có 2 thứ : Đó là Chúng sanh Đẳng, và Pháp Đẳng.

NHẪN là nhẫn nhục, chịu đựng, mà chẳng có buồn phiền, chẳng có oán hận.

Nhẫn có 2 thứ : Đó là Chúng sanh Nhẫn và Pháp Nhẫn.

Hỏi: Sao gọi Chúng Sanh Đẳng Nhẫn?

Đáp: Ở nơi hết thảy chúng sanh thường giữ tâm bình đẳng, ái bình đẳng, lợi bình đẳng. Như vậy gọi là Chúng Sanh Đẳng.

Lại nữa, do tâm từ bi nên ở nơi hết thảy chúng sanh chỉ thường đẳng niệm mà chẳng có đẳng quán. Vì sao ? Vì Bồ Tát hành Phật đạo không điên đảo. Bồ Tát ở nơi Như Pháp Tướng, chẳng có khởi phân biệt thiện với bất thiện, lớn với nhỏ, người với vật v.v…. Bồ Tát như vậy là đã quán các pháp tướng bình đẳng rồi vậy.

Thật tướng của các pháp chẳng phải là tướng thiện, chẳng phải là tướng ác, chẳng phải là tướng lớn, chẳng phải là tướng nhỏ, chẳng phải là tướng người, chẳng phải là tướng vật, chẳng phải là tướng nhất, chẳng phải là tướng nhị, chẳng phải là tướng đồng, chẳng là tướng khác…. Nếu còn chấp tướng là lầm lỗi. Như bài kệ thuyết :

Pháp tùy duyên mà có,
Chẳng sanh cũng chẳng diệt,
Chẳng thường cũng chẳng đoạn,
Chẳng một cũng chẳng hai,
Chẳng đến cũng chẳng đi.
Phật đã thuyết như vậy.
Hãy giữ vững niềm tin,
Chớ nên khởi hý luận.

Lại nữa, ở nơi chúng sanh chẳng nên chấp tướng của từng chúng sanh riêng rẽ. Vì sao ? Vì hết thảy chúng sanh đều là tự tướng Không, nên các tướng chúng sanh đều bình đẳng, chẳng có sai khác. Nếu có người được tâm bình đẳng, vô ngại như vậy, thì phải biết người ấy đã thật sự nhập vào Bất Thối Chuyển Địa, và người ấy dã được Đẳng Nhẫn.

Bồ Tát được Đẳng Nhẫn, thương chúng sanh như mẹ thương con, chẳng sân hận, chẳng phiền não. Như bài kệ thuyết:

Quán thanh như tiếng vang
Quán hành như bóng gương
Người quán được như vậy,
Thường trú trong Đẳng Nhẫn.

– Như vậy gọi là Chúng Sanh Đẳng Nhẫn.

Hỏi:  Sao gọi là Pháp Đẳng Nhẫn?

Đáp: Là quán hết thảy các pháp thiện ác, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi… đều bình đẳng. Quán được như vậy mà vào trong Bất Nhị Môn, trong Thật Tướng Môn, là thâm nhập vào Thật Tướng của các pháp. Quán được như vậy rồi, thì được Tâm Nhẫn, chẳng khởi tranh cãi, chẳng có gì ngăn ngại. Như bài kệ thuyết:

Các pháp vẫn thường chẳng “sanh”, chẳng “diệt”
Cũng lại chẳng phải “chẳng sanh”, “chẳng diệt”
Chẳng “sanh diệt”, chẳng phải “chẳng sanh diệt”
Cũng chẳng phải “chẳng phải chẳng sanh diệt

Như vậy gọi là Pháp Đẳng Nhẫn.

Khi đã được Giải Thoát rồi, thì ở nơi Không mà vẫn chẳng chấp Không (Không – Phi Không). Bởi vậy, nên tâm được bình đẳng, xả sạch các hý luận, đoạn sạch các ngôn ngữ, thâm nhập vào trong Thật Pháp, được tâm “Không”, vô ngại, bất động, không còn thối chuyển nữa. Như vậy là được Vô Sanh Nhẫn.

Pháp Đẳng Nhẫn là pháp môn trợ đạo đầu tiên dẫn đến Giải Thoát.

KINH:

Đã được vô ngại Tổng Trì

LUẬN:

Hỏi: Trước đây đã nói đến các Đà La Ni rồi, sao nay còn nói đến Vô Ngại Đà La Ni nữa ?

Đáp: Vô Ngại Đà La Ni là đệ nhất trong các Đà La Ni.

Ví như đối với toàn dân trong nước, vua là trên hết. Cũng vậy, trong tất cả các Giải Thoát, thì Vô Ngại Giải Thoát là trên hết. Các hàng Ngoại Đạo, dẫn đến các Thanh Văn, Bích Chi Phật, các Tân Học Bồ Tát chẳng có được Đà La Ni này. Chỉ có các Bồ Tát Ma Ha Tát, có vô lượng công đức, có đại trí huệ, mới có được Đà La Ni này.

Vô Ngại Đà La Ni là căn bản của hết thảy các Đà La Ni. Bởi vậy nên các Bồ Tát muốn ra hoằng pháp độ sanh, thường phải tu học Vô Ngại Đà La Ni này.

KINH:

Đã được Ngũ Thông

LUẬN:

Ngũ Thông tức là 5 thần thông, gồm có : Như Ý Thông, Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông và Túc Mạng Thông.

Hỏi: Sao gọi là Như Ý Thông?

Đáp: Như Ý Thông có 3 thứ. Đó là Năng Đáo, Chuyển Biến, và Thánh Như Ý.

* Năng Đáo có 4 thứ. Đó là:

  • Thân bay như chim, chẳng bị ngăn ngại.
  • Biến xa thành gần, chẳng có đi mà vẫn đến.
  • Biệt tích ở nơi này, xuất hiện ở nơi khác;
  • Chỉ trong một niệm là đến được nơi cần đến.
* Chuyển Biến là :
  • Biến nhỏ thành lớn, biến lớn thành nhỏ;
  • Biến ít thành nhiều, nhiều thành ít v.v….
Ngoại Đạo cũng chuyển biến được, nhưng chẳng thể quá hạn 7 ngày. Phật và Bồ Tát chuyển biến vô ngại, tự tại, chẳng có hạn định thời gian lâu mau.
* Thành Như Ý có tác dụng vào 6 trần bên ngoài. Ví như :
  • Biến vật bất tịnh thành vật tịnh;
  • Biến vật tịnh thành vật bất tịnh v.v….

Chỉ có Phật và Bồ Tát mới có Thành Như Ý thần thông.

Do tu 4 Như Ý Túc, mà được Như Ý Thần Thông.

Hỏi:  Sao gọi là Thiên Nhãn Thông?

Đáp: Thiên Nhãn Thông là do con mắt được cấu tạo bởi sắc thanh tịnh của 4 đại. Người có Thiên Nhãn Thông, có khả năng thấy được Tự Địa, tức là cõi mình đang ở và thấy Hạ Địa, tức là các cõi dưới, thấy được chúng sanh trong cả 6 đường, thấy được các vật, từ xa đến gần, từ thô đến tế. Hết thảy các sự vật, dù ẩn dù hiện, Thiên Nhãn đều chiếu thấu xa. Thiên Nhãn có hai thứ, đó là:

1. Do phước đức báo đời trước mà có được, cũng với Thiền Định và Quang Minh.

2. Do công đức tu hành ở hiện đời mà có được.

Có thuyết nói “chư Bồ Tát đã được Vô Sanh Pháp Nhẫn rồi, chẳng còn ở  trong 6 đường chúng sanh nữa, nhưng vì hạnh nguyện hóa độ chúng sanh, mà thị hiện sanh thân khắp mười phương thế giới.”

* Bồ Tát được công đức thù thắng hơn các vị A La Hán, mà Thiên Nhãn chỉ là công đức nhỏ. Vì sao lại chẳng tán thán Huệ Nhãn, Pháp Nhãn và Phật Nhãn, mà lại tán thán Thiên Nhãn của Bồ Tát?

– Nên biết Thiên Nhãn có 3 thứ, đó là Giả Hiệu Thiên Nhãn, Sanh Thiên Nhãn và Thanh Tịnh Thiên Nhãn.

Thiên Nhãn của các vị Chuyển Luân Thánh Vương mới chỉ là Giả Hiệu Thiên Nhãn.

Thiên Nhãn của các vị Trời, từ Tứ Thiên Vương cho đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, là Sanh Thiên Nhãn.

Thiên Nhãn của chư Phật Pháp Thân và chư Bồ Tát, là Thanh Tịnh Thiên Nhãn. Phải ở nơi Thanh Tịnh Thiên, mà tu được Thanh Tịnh Thiên Nhãn mới được gọi là Thiên Nhãn Thông.

Chư Phật pháp thân và chư Bồ Tát Pháp thân, mới cơ được Thanh Tịnh Thiên Nhãn, phàm phu, Ngoại Đạo, chưa ly dục, chẳng có thể được Thiên Nhãn này.

Hỏi: Sao gọi là Thiên Nhĩ Thông?

Đáp: Thiên Nhĩ Thông là do tai được cấu tạo bởi sắc thanh tịnh của 4 đại. Người có Thiên Nhĩ Thông được tự tại nghe hết thảy các tiếng của loài Trời, loài Người, và của các chúng sanh trong ba đường ác.

Do thường ức niệm các thứ âm thanh của muôn loài, muôn vật, nhằm cứu thoát họ ra khỏi chốn khổ đau, mà Bồ Tát thành tựu được Thiên Nhĩ Thông.

Hỏi: Sao gọi là Tha Tâm Thông?

Đáp: Tha Tâm Thông là bước đầu dẫn đến Tha Tâm Trí.

Tha Tâm Thông là thần Thông biết rõ tâm niệm của người khác. Do khi tu, Bồ Tát thường quán “Sanh, Trú, Di, Diệt”, thường quán như vậy, lại thường quán thấy người có tướng vui, có tướng buồn, có tướng sân, có tướng si v.v. mà được Tha Tâm Thông, mà rõ biết được các tâm niệm của chúng sanh.

Hỏi:  Sao gọi là Túc Mạng Thông?

Đáp: Túc Mạng Thông là Thần Thông biết rõ được các việc làm của mình trong quá khứ, hoặc một đời, hoặc 10 đời, hoặc 100 đời, hoặc vạn ức đời… Các bậc Đại A La Hán và Bích Chi Phật biết được 8 vạn kiếp. Các vị Bồ Tát và các Đức Phật biết đến vô lượng kiếp.

KINH:

Các Ngài chẳng còn giải đãi.

LUẬN:

Sự lười biếng, giải đãi phá tài lợi, và phúc lợi của người tại gia, phá quả được sanh cõi Trời, và được vào Niết Bàn an lạc của người xuất gia.

Giải đãi là tội lớn của các hai mạng người tại gia và xuất gia.

Như bài kệ thuyết:

Giải đãi đánh mất thiện tâm,
Si ám phá tan minh trí.
Diệu nguyện đều bị tiêu diệt,
Đại nghiệp cũng chẳng viên thành.

Bởi vậy, nên người xuất gia cũng như người tại gia đều chẳng nên giải đãi.

KINH:

Đã xả bỏ lợi dưỡng và danh vọng

LUẬN:

Lợi dưỡng và danh vọng là giặc phá các công đức. Ví như mưa lụt, gió bão, sương mù, nắng hạn làm hại các loại hạt giống; lợi dưỡng và danh vọng phá hết các mầm công đức khiến chẳng có thể tăng trưởng được.

Trong kinh, Phật có nêu thí dụ “Một sợi tóc nhỏ, nhưng nếu dùng để trói người, thì sợi tóc ấy cũng có thể cắt thịt sâu đến tận xương. Người tham lợi dưỡng cũng lại như vậy, có thể thiêu sạch từng công đức”. Như bài kệ thuyết:

Vào được rừng Chiên Đàn,
Chỉ mong lượm nhặt lá,
Vào tận núi Thất Bảo,
Chỉ tìm kiếm thủy tinh,
Vào trong biển Phật Pháp,
Chẳng cầu vui Niết Bàn.
Mà chỉ cầu lợi dưỡng;
Là mình tự hại mình.
Vậy nên Đệ tử Phật,
Muốn nếm vị Cam Lồ,
Hãy vứt bỏ tạp độc,
Cầu Niết Bàn an lạc.
Như sương mù, mưa bão,
Làm hư hại ngũ cốc,
Người đắm lợi cúng dường,
Phá Tàm Quý, Đầu Đà 1
Đời nay đốt thiện căn,
Đời sau đọa Địa Ngục.
Như Đề Bà Đạt Đa,
Vì lợi, phải đọa lạc.

KINH:

Thuyết pháp chẳng cầu báo

LUẬN:

Bồ Tát, vì lòng Đại Từ thương xót hết thảy chúng sanh, mà nói pháp, chẳng phải vì cầu lợi lộc, danh vọng, hay cơm áo mà nói vậy. Bồ Tát, ở nơi Vô Sanh Pháp Nhẫn, thuyết pháp với tâm thanh tịnh. Như bài kệ thuyết:

Học nhiều, trí rộng, khéo nói năng,
Nếu hành bất chánh, chẳng như pháp,
Dù muốn thuyết pháp chuyển tâm người,
Chỉ như sấm sét mà không mưa.
Học rộng, nghe nhiều, có trí huệ,
Nhưng nói quê mùa, không khéo léo,
Chẳng thể hiện, bày kho Pháp Báu,
Như không sấm sét và mưa nhỏ.
Không học vấn nhiu, không trí huệ,
Không hay thuyết pháp, chẳng hay hành,
Là tệ Pháp Sư, không tàm quý,
Ví như mây nhỏ, không sấm mưa.
Học nhiều, trí rộng, khéo nói năng,
Khéo thuyết các phát chuyển tâm người,
Chánh tâm hành pháp, không sợ hãi,
Như mây nhiều, sấm nhiều, mưa to.
Bậc Đại Pháp Sư cầm gương pháp,
Hiển bày trí huệ chiếu khắp nơi,
Trì tụng, diễn nói, gióng chiêng pháp,
Như thuyền lớn đưa người qua biển
Cũng như ong chúa nhóm vị hoa,
Thuyết như lời Phật, đúng ý Phật,
Hiển bày Minh pháp độ chúng sanh;
Pháp Sư như vậy rất khó gặp

KINH:

Các lời nói ra đều được tín thọ

LUẬN:

Các hàng Trời, Người, A Tu La, dẫn đến các bậc Hiền Thánh thường tín thọ những lời nói ra của các vị Bồ Tát. Đây là quả báo do chẳng hề nói những lời bất chánh, tà vạy, thêu dệt. Như bài kệ thuyết:

Đọa vào chốn Ngạ Quỷ,
Lửa từ miệng bốc ra
Bốn phương nghe tiếng vọng :
“Đây là khẩu nghiệp báo”.
Người chẳng trọng thành tín,
Dù cho thấy nghe nhiều.
Thuyết pháp giữa đại chúng,
Chẳng được người tín thọ.
Vậy nên khi thuyết pháp,
Muốn được người tín thọ,
Phải luôn luôn chí thành,
Chớ nói lời thêu dệt.

KINH:

Các Ngài đã được thậm thâm pháp nhẫn.

LUẬN:

Hỏi:  Sao gọi là Thậm Thâm Pháp ?

Đáp:  Pháp “12 Nhân Duyên” là Thậm Thâm Pháp. Như Phật dạy Ngài A Nan rằng : “12 Nhân Duyên là pháp thậm thâm, rất khó giải, khó biết”.

Lại nữa, pháp nào phá được 62 lưới tà kiến, vượt ra  khỏi ba thời, thì gọi là Thậm Thâm Pháp. Như lời Phật dạy các Tỷ Kheo : “Do ít trí tuệ, nên phàm phu, khi tán thán Phật, chỉ tán thán các giới thanh tịnh, giới ly dục của Phật, mà chẳng biết tán thán các pháp thậm thâm khó giải, khó biết. Tán thán các pháp thậm thâm khó giải, khó biết, mới thật là tán thán Phật”. Kinh Phạm Võng có nói rộng về điểm này.

Lại nữa, Ba Giải Thoát Môn là Thậm Thâm Pháp. Như lời Phật dạy chư Thiên rằng : “Thậm thâm nghĩa của chư pháp là nghĩa KHÔNG, VÔ TƯỚNG và VÔ TÁC”.

Lại nữa, Thậm thâm pháp là pháp giải rõ Thật Tướng của hết thảy các pháp. Thật tướng ấy chẳng thể phá hoại, chẳng thể lay động được. Thật vậy, nếu không để cho tâm tưởng và trí lực chi phối, chỉ định tâm trú trong Thật Tướng của các pháp, thì mới gọi là được Thậm Thâm pháp. Vì sao ? Vì nếu dùng tâm tư và trí lực mà quán các pháp, thì chỉ là lầm lỗi, ví như người bị nắng lóa mắt, chẳng sao thấy rõ màu sắc của các vật. Phải gạt bỏ ảnh hưởng của tâm tưởng và trí lực, phải dùng Huệ Nhãn thanh tịnh mới có thể thấy được Thật Tướng của các pháp. Ví như thủy tinh trong suốt đặt trước một vật nào, thì vật ấy hiện rõ màu thật của nó vậy. Phàm phu, do bị tâm tưởng và trí lực chi phối, nên thấy các pháp đều có tướng sai khác; Bồ Tát quán Thật Tướng của các pháp chẳng phải KHÔNG, cũng chẳng phải CHẲNG CÓ, nên thâm nhập vào được Thậm Thân Pháp, chẳng còn biến chuyển, chẳng còn ngăn ngại nữa.

Bồ Tát đã vào chỗ Thậm Thâm pháp, đã qua đến bờ bên kia, nên nói “đã được Thậm Thâm Pháp Nhẫn”.

KINH:

Đã được lực Vô Úy

LUẬN:

Chư Bồ Tát Ma Ha Tát đã thành tựu đầy đủ 4 Vô Sở Úy.

Hỏi: Bồ Tát chưa được Nhất Thiết Trí, như vậy vì sao nói “đã được 4 lực Vô Úy” ?

Đáp: Có 2 thứ Vô Úy. Đó là : – Vô Úy của Bồ Tát, – Vô Úy của Phật.

Bồ Tát, chưa được Nhất Thiết Trí, nên chưa có được Vô Úy của Phật, nhưng đã được Vô Úy của Bồ Tát.

Hỏi: 4 lực Vô Úy của Bồ Tát gồm những gì?

Đáp: Đó là:

1/ Giữ gìn được các pháp đã nghe, nên được Văn Trì Đà La Ni, lại thường nhớ, thường niệm, chẳng bao giờ quên, nên trong đại chúng, Bồ Tát thuyết pháp không có sợ hãi.

2/ Muốn hết thảy chúng sanh đều được giải thoát, nên dùng các phương tiện để tùy nhân duyên, tùy căn cơ của chúng sanh, mà nói pháp cho họ nghe. Vì vậy, ở trong đại chúng, Bồ Tát thuyết pháp không sợ hãi.

3/ Khi gặp người đến vấn nạn, Bồ Tát vẫn như pháp mà trả lời, nên ở trong đại chúng, Bồ Tát thuyết pháp không sợ hãi.

4/ Khi gặp chúng sanh đến nghe pháp, hay đến vấn nạn, Bồ Tát vẫn như pháp mà trả lời nhằm đoạn nghi cho họ, nên ở trong đại chúng, Bồ Tát thuyết pháp không sợ hãi.

KINH:

Đã vượt qua các ma sự

LUẬN:

Có 4 loại ma. Đó là:

  1. Phiền não m
  2. Ngũ ấm ma
  3. Tử ma
  4. Thiên ma.

Bồ Tát, tu Bồ Tát Đạo, do phá Phiền Não Ma, mà được Pháp Thân; phá Ngũ Ấm Ma, mà được Pháp Tánh Thân; phá Tử Ma, mà thường được nhất tâm. Do ở nơi hết thảy pháp đều chẳng đắm trước, nên vào được Bất Động Tam Muội, phá được Thiên Ma.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “đã qua các ma sự”.

Lại nữa, trong kinh, ở phẩm Giác Ma, Phật thuyết về các ma sư, và các ma nghiệp, có nói rằng “Bồ Tát chẳng còn bị các ma sự và ma nghiệp trói buộc nữa”, nên nói “đã qua các ma sự”.

Lại nữa, ngoài Thật Tướng pháp ra, thì tất cả các pháp vụn vặt, các kiết sử, các phiền não v.v. đều gọi là ma. Ví như tham dục, cầu phước, ấm, giới, nhập v.v. đều gọi là ma cả. Bồ Tát đã tận đoạn tất cả các ma sự đó, nên nói “đã qua các ma sự”.

Hỏi: Ở trong kinh nào gọi các tham dục,  triền phược, kiết sử, phiền não là ma?

Đáp: Trong kinh Tập Tạng, Phật thuyết kệ cho các Ma Vương như sau:

Dục là đạo quân thứ nhất
Ưu sầu là đạo thứ hai
Đói khát là đạo thứ ba
Ái nhiễm là đạo thứ tư
Ham ngũ là đạo thứ năm
Sợ hãi là đạo thứ sáu
Đa nghi là đạo thứ bảy
Thâm độc là đạo thứ tám
Đắm lợi dưỡng, ham danh vọng
Đó chính là đạo quân thứ chín
Tự cao khinh mạn người khác
Là đạo quân thứ mười kế sau
Quân các ngươi như vậy đó
Hết thảy người ở thế gian
Cùng hết thảy các hàng Trời
Chẳng ai đủ sức phá được
TA dùng mũi tên Trí Huệ.
Dùng sức cung nỏ thiền định
Phá tan ma quân của ngươi
Như bình đất tan trong nước.
Đệ tử của TA tinh tấn
Thường nhất tâm tu trí huệ
Dũng mãnh, không thối chuyển
Nhằm cứu độ hết chúng sinh
Tùy thuận Như Pháp tu hành
Quyết đến Niết Bàn tịch tịnh
Ngươi, dù chẳng muốn buông tha
Vẫn chẳng sao phá được họ.

Ma Vương nghe Phật thuyết kệ như vậy, hết sức ưu sầu, liền bỏ ra đi. Những ma quân cũng biến đi, chằng còn hiện nữa.

Hỏi: Vì sao nói “5 ấm, 12 nhập, 18 giới” là ma?

Đáp: Ở núi Mạc Câu La, Phật có dạy các đệ tử rằng: “Sắc ấm là ma. Dẫn đến Thụ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như vậy cả”.

Lại nữa, ngay ở chỗ muốn có”Sắc Thân” ở đời sau cũng là vọng động; dẫn đến muốn có “Vô Sắc Thân”, “Hữu Tưởng Thân”, “Vô Tưởng Thân”, “Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Thân” cũng đều là vọng động cả.

Nếu đã động, thì liền bị ma dẫn dắt, bị ma trói buộc. Phải không vọng động, mới được tự tại, mới được giải thoát khỏi các ác ma. Chẳng những chỉ có 5 ấm, 12 nhập, 18 giới… là ma, mà dẫn đến muốn được thân Tự Tại Thiên Vương cũng gọi là ma sự.

Hỏi: Sao gọi là ma?

Đáp: Vì cướp huệ mạng, phá hoại đạo pháp, làm tổn giảm các công đức, làm mất thiện căn, nên gọi là ma.

Phải nên biết rằng 5 ấm như 5 mũi tên lửa, thiêu rụi rừng công đức, hủy hoại các thiện căn. Trong Phật pháp ví 5 ấm như loài rắn độc Ma La; hàng Ngoại Đạo gọi 5 ấm là Dục Chủng.

Tất cả những gì tạo nên nghiệp báo như vậy đều gọi là ma.

Hỏi: Sao lại là ma sự?

Đáp: Như trong phẩm Giác Ma có nói: “Chúng sinh qua lại ở thế gian, trong 6 đường, thụ các nghiệp nhân duyên khổ lạc. Các nghiệp nhân duyên ấy thành tựu sức mạnh của Ma Vương. Tất cả các nghiệp nhân duyên ấy là ma sự, là oan gia của các đức Phật, là giặc cướp của các bậc Thánh, phá hoại các công đức của những người đang muốn ngược dòng Sinh Tử.

Nên biết “không vui Niết Bàn” cũng gọi là ma sự.

Ma sự có 3 thứ. Đó là:

1. Ma sự do tham ái. Ví như đùa cợt, nói nhiều, ca múa, nói năng bừa bãi, nhìn ngó xằng bậy v.v…

2. Ma sự do sân nhuế. Ví như trói buộc, đánh đập, chửi mắng, tra khảo, cắt chặt v.v. những chúng sinh khác.

3. Ma sự do ngu si. Ví như đốt nóng thân mình, ướp lạnh thân mình, tự nhổ tóc, nhịn đói, nhảy vào lửa, nhảy xuống hố sâu, trầm mình dưới nước v.v.

Lại nữa, tất cả các việc lỗi lầm, bất tịnh, nhiễm trước v.v. trong thế gian cũng đều gọi là ma sự cả.

Lại nữa, oán ghét chẳng có duyên cớ, không cầu vui Niết Bàn và đạo Niết Bàn, chìm đắm trong dục lạc, không nhàm chán thế gian v.v… cùng vô lượng sự việc như vậy đều gọi là ma sự.

Bồ Tát đã xả bỏ hết thảy các sự việc ấy nên gọi là “đã qua các ma sự”.

KINH:

Đã được giải thoát khỏi các nghiệp chướng

LUẬN:

Bồ Tát chẳng còn các nghiệp chướng, nên gọi là “Đã được giải thoát khỏi các nghiệp chướng”.

Hỏi: Có 3 Chướng là Phiền Não Chướng, Báo Chướng và Nghiệp Chướng. Vì sao ở đây chỉ nói đến Nghiệp Chướng mà thôi?

Đáp: Trong 3 Chướng, thì Nghiệp Chướng là lớn nhất. Vì các Nghiệp Lực chứa nhóm vô lượng nghiệp nhân, chuyển từ kiếp này qua kiếp khác, dẫn đến trăm, ngàn, muôn kiếp cũng chẳng mất, cũng chẳng hoại. Khi hội đủ duyên hòa hợp, thì nghiệp nhân dẫn sinh nghiệp quả, rồi nghiệp quả lại trở thành nghiệp nhân dẫn sinh nghiệp quả mới, tương tục mãi mãi. Ví như hạt lúa, hạt cỏ nằm trong đất, khi gặp đủ duyên hòa hợp như phân, nước, thời tiết tốt, thì nẩy mầm, sinh ra cây lúa, cây cỏ; những cây lúa, cây cỏ mới này, lớn lên lại đơm hoa, kết hạt, làm nghiệp nhân cho những cây hoa, cây cỏ trong tương lai. Bởi nhân duyên vậy, nên Nghiệp Chướng an trú lâu dài, và dẫn dắt chúng sinh trôi lăn trong dóng sinh tử.

Các đức Phật là những đấng Nhất Thiết Trí, tối tôn trọng, oai nghiêm như núi Tu Di chúa, mà còn chẳng chuyển được nghiệp của chúng sinh, huống nữa là phàm phu. Như bài kệ thuyết:

Dòng Sinh Tử Luân Hồi
Do nghiệp nhân phiền não
Có sức chuyển tự tại
Chẳng ai ngăn cản được
Nghiệp nhân từ đời trước
Chuyển thành nhiều nghiệp quả
Nghiệp lực là mạnh nhất
Thế gian chẳng gì bằng
Người tạo nghiệp đời trước
Đời sau thụ quả báo
Cứ thế lưu chuyển mãi
Chìm đắm trong sinh tử
Dù biển lớn khô cạn
Núi Tu Di tan biến
Nghiệp duyên từ đời trước
Vẫn chẳng tiêu, chẳng hết
Nghiệp tích lũy từ lâu
­­Đuổi theo kẻ tạo nghiệp
Y như người cho vay
Chẳng rời kẻ thiếu nợ
Các nghiệp quả báo ấy
Chẳng sức nào lay chuyển
Trốn tránh cũng chẳng được
Van xin cũng chẳng tha
Nghiệp bám sát chúng sinh
Trong khắp cả 3 cõi,
Như gai Kha Lê La
Đâm vào khó tháo gỡ
Như gió thổi khoảng trống
Như nước chảy xuôi dòng.
Nghiệp cứ tương tục chuyển
Bất hoại như hư không
Nghiệp lực dù vô lượng
Chẳng theo người không tạo
Lại nhớ mãi, chẳng quên
Dù bay lên không trung
Dù trốn trong núi tuyết
Dù lặn sâu đáy biển
Chẳng đâu lẫn trốn được
Nghiệp luôn theo đuổi ta
Phút chốc cũng chẳng rời
Như sao hiện theo trăng
Mãi đến khi thụ báo.

***

KINH:

Khéo thuyết các pháp nhân duyên.

LUẬN:

Hỏi: Sao gọi là “Khéo thuyết pháp Nhân Duyên”?

Đáp: Khéo nói về các sự và nghiệp của các phiền não lần lượt triển chuyển, tương tục sinh khởi, là khéo thuyết về các nhân duyên sinh pháp. Ví như trong 12 Nhân duyên, nói 3 chí Vô Minh, Ái và Thủ là phiền não; 2 chi Hành và Hữu là nghiệp, 7 chi còn lại thuộc về danh sự.

Lại nữa, trong 12 Nhân Duyên, nói 2 chi Vô Minh và Hành thuộc về quá khứ; 2 chi cuối thuộc về vị lai; 8 chi giữa thuộc về hiện tại.

Đây là nói về 3 sự là Phiền Não, Nghiệp và Khổ triển chuyển xen nhau làm duyên khởi:

  • Duyên khởi Phiền Não Nghiệp
  • Duyên khởi Nghiệp Khổ
  • Duyên khởi Khổ Khổ
  • Duyên khởi Khổ Phiền Não
  • Duyên khởi Nghiệp Phiền Não
  • Duyên khởi Phiền Não Khổ
  • Duyên khởi Khổ Nghiệp.

Cứ như vậy mãi xoay vần, gọi là triển nghiệp, xen nhau làm duyên nghiệp.

Hết thảy các phiền não gọi là Vô Minh, Từ Vô Minh sinh ra nghiệp và nghiệp quả, như tạo thành một thế giới, nên gọi là Hành. Từ Hành sinh ra tâm cấu hay tịnh, rồi hình thành các thân đầu tiên. Như trâu nghé tự biết trâu mẹ là mẹ của mình, chúng sinh biết được tự tướng của mình; đó là nhờ Thức. Mặc dù trong 5 ấm, Thức cùng với Thụ, Tưởng, Hành đều là vô sắc, nhưng Thức lại trú nơi sắc, nên mới có Danh Sắc. Ở nơi Danh và Sắc sẽ sinh ra 6 Tình, là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý, 6 Tình còn được gọi là 6 Nhập. Khi Căn, Trần và Thức hòa hợp, thì sinh ra Xúc. Từ Xúc sinh ra Thụ. Ở nơi Thụ mà có đắm trước, thì gọi là khát Ái. Do nhân duyên khát Ái, mà có mong cầu, nên mới sinh ra Thủ. Do có Thủ, mà tạo ra nghiệp nhân cho đời sau, nên gọi là Hữu. Do Hữu mà trở lại thụ 5 ấm cho đời sau, nên có Sinh. Đã có thân 5 ấm, sinh ra, thì sẽ có già, có chết, tức là có Lão Tử vậy. Do sợ già, sợ chết, mà khởi sinh ưu sầu, khổ não. Thế rồi, các khổ não lại hòa hợp, lại triển chuyển tương tục, mãi mãi.

Nếu nhất tâm quán Thật Tướng các pháp, thì sẽ được thanh tịnh, sẽ dứt được Vô Minh. Khi Vô Minh đã dứt, thì hành cũng dứt theo, dẫn đến các khổ cùng đều tận dứt.

Trên đây tóm lược nghĩa của 12 tướng Nhân Duyên. Nếu chẳng chấp tà kiến, mà dùng phương tiện để vì người diễn nói, thì gọi là khéo thuyết các pháp Nhân Duyên.

Lại nữa, trong khi quán 12 Nhân Duyên, mà tâm đoạn sạch các pháp ái, chẳng có đắm rõ được Thật Tướng các pháp, thì cũng gọi là khéo thuyết các pháp Nhân Duyên.

Phật dạy ngài Tu Bồ Đề rằng: “Vô Minh chẳng cùng tận; si ám cũng chẳng cùng tận; dẫn đến khổ, tập cũng chẳng cùng tận, như hư không vậy”. Bồ Tát phải biết như vậy, mới xả được si ám, vào chỗ Vô Sở Nhập, tọa Đạo Tràng, được Tát Bà Nhã.

***

KINH:

Từ nhiều A Tăng Kỳ Kiếp đến nay, các Ngài đã phát đại nguyện.

LUẬN:

Nghĩa của A Tăng Kỳ Kiếp đã nói trước đây rồi.

Phật thí dụ “Có một hòn núi đá dài 4 ngàn dặm, lại có một người sống thọ, cứ mỗi 100 năm tán đá thành bụi, thì hòn núi kia có thể tan biến; thế nhưng kiếp số vẫn chẳng hết được”

Bồ Tát cũng như vậy, trải qua vô số kiếp, phát đại nguyện độ hết thảy chúng sinh, đoạn hết các kiết sử cho họ, dẫn họ vào Niết Bàn an lạc.

***

KINH:

Thường có nhan sắc tốt tươi, thường dùng lời nói êm dịu, nhu hòa, khi thưa hỏi người.

LUẬN:

Bồ Tát thường tu Đại Từ, Đại Bi, đã đoạn sạch các tà ngữ, nên được nhan sắc tươi đẹp, vui vẻ. Như bài kệ thuyết:

Nếu gặp người cầu đạo
Hãy cho bằng bốn cách:
Mắt nhìn người vui vẻ
Chào đón và thăm hỏi
Cúng dường chỗ ngồi tốt
Mọi sự theo ý muốn
Tâm bố thí như vậy
Phật Đạo trong tầm tay
Nếu bỏ được bốn tà
“Lưỡng Thiệt cùng Vọng Ngữ
Ác Ngữ và Ý Ngữ”
Chắc được quả báo tốt
Người nhu hòa cầu Đạo
Nguyện độ thoát chúng sinh
Xả bốn tà khẩu nghiệp
Như ngựa tốt có cương.

*

KINH:

Ở trong đại chúng, được vô sở úy.

LUẬN:

Bồ Tát, do đức độ sâu dày, do đã thành tựu vô lượng công đức, do có trí huệ siêu quần, lại do đã được tối thượng Luận Biện Đà La Ni, nên ở trong đại chúng chẳng có sợ hãi. Như kệ thuyết:

Đức trí mỏng bên trong
Lời nói hay bên ngoài
Chỉ như tre rỗng ruột
Phô trương lớp vỏ ngoài
Đức trí dày bên trong
Lời thiện mỹ bên ngoài
Ví như hạt kim cương
Trong ngoài đều hoàn hảo

Lại nữa, do đã thành tựu 4 Vô Sở Úy, nên Bồ Tát được dung mạo đoan chính, sinh vào nhà quyền quý, được đầy đủ Trì Giới, Thiền Định, Trí Huệ.

Do đã thành tựu đầy đủ Trí Huệ, đã thông suốt hết thảy các sự lý, nên Bồ Tát chẳng có gì sợ hãi. Như bài kệ thuyết:

Kẻ trí độn, đức mỏng
Chẳng dám ngồi tòa cao
Như sói thấy sư tử
Ẩn trốn, chẳng dám ra
Người trí, không sợ hãi
Ngồi trên tòa sư tử
Thuyết như sư tử rống
Muôn thú đều khiếp phục

Lại nữa, Bồ Tát, do đã thành tựu vô lượng vô biên công đức, đã diệt sạch các ác hạnh, nên chẳng có gì sợ hãi. Như bài kệ thuyết:

Người đã diệt sạch ác
Đến tội nhỏ chẳng còn
Công đức lớn như vậy
Chẳng nguyện gì chẳng thành
Bậc Đại Trí rõ biết
“Sinh Tử tức Niết Bàn”
Dù sống giữa người ác
Tâm vẫn thường bất động.

***

KINH:

Từ vô số kiếp đến nay, các ngài đã từng khéo thuyết các diệu pháp.

LUẬN:

Bồ Tát đã khéo tu các thiện căn. Chẳng những trong một đời, mà trong vô lượng kiếp, Bồ Tát đã chứa nhóm vô lượng các công đức trí huệ, đã vì chúng sinh phát Vô Thượng Bồ Đề tâm.

Như bài kệ thuyết:

Khởi niệm bất chính cùng khinh mạn
Người vì chúng sinh phát Đại Tâm
Đã là tội lớn, chẳng thể bàn
Huống nữa còn manh tâm ác hại.

Bồ Tát, trong vô số kiếp tu hành, đã được giải thoát, rõ biết Thật Tướng các pháp, lại thành tựu đầy đủ Ba Giải là Văn Giải, Sự Giải và Chứng Giải2. nên ở trong đại chúng thuyết pháp chẳng có gì ngăn ngại, lời nói ra được mọi người tín thọ.