LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Tỳ Kheo Ni
THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
Dịch ra Việt Văn

 

MỤC LỤC

Nhuận Bút & Biên Tập
Bản biên dịch ra tiếng Việt này được 2 vị:
Tỳ Kheo THÍCH THIỆN TRÍ
Cư Sĩ Tâm Viên LÊ VĂN LÂM
đảm trách nhuận bút và biên tập

Toàn bộ Luận gồm 100 quyển, được in thành 5 Tập, mỗi Tập 20 quyển:
Tập I từ quyển 1đến quyển 20
Tập II từ 21 đến quyển 40
Tập III từ quyển 41 đến quyển 60
Tập IV từ quyển 61 đến quyển 80
Tập V từ quyển 81 đến quyển 100

***

Lời Tựa

Muôn sự muôn vật đều do sinh sinh mà được hình thành. Thế nhưng cội gốc của sinh sinh lại là vô sinh. Từ vô thỉ đến nay và mãi mãi về sau, tính vô sinh ấy vẫn thường bất động. Do duyên khởi biến hóa mà giả danh có các sự vật. Thật ra, tất cả các sự các vật đều là hư vọng, là không thật có, là vô tự tính. Phàm phu do chìm đắm trong mê muội, mà khởi các vọng chấp cho rằng các sự vật là thật có.

Trong kinh A Hàm, Phật dạy rằng: “Các sự thấy nghe hay biết của chúng sinh đều do nhiễm trước nơi cảnh sở duyên mà có”. Chúng sinh do bị vô minh ngăn che tâm trí, nên khởi sinh các tà kiến chấp, vì vậy mà bị các pháp sai sử.

Chỉ có trí huệ Bát Nhã mới làm tan biến được mà vô minh u ám, mới hiển bày được thật tướng của các pháp. Dùng trí huệ Bát Nhã soi chiếu đến tận gốc rễ sẽ liễu ngộ được lý siêu việt chân thường, dẫn đến chỗ tuyệt tư cảnh giới. Trái lại, nếu dùng danh tự ngôn ngữ mà diễn đạt thì sẽ trái với chỗ thậm thâm vi diệu; còn nếu dùng lý trí mà tư duy, thì sẽ mất đi chỗ y chỉ.
Ở nơi Tam tạng Pháp Bảo, hàng Thanh Văn cũng không liễu tri đến chỗ thâm diệu; còn người tạp học thì phải chịu thúc thủ chẳng sao bước vào được cửa Không, chỉ ví như cá muốn hóa rồng, phí công mà chẳng sao được như nguyện, đành phơi mang trước cửa Long cung.

Thật may mắn thay! Vào cuối thời Chánh pháp có ngài Mã Minh, và vào thời Tượng Pháp có ngài Long Thọ ra đời hoằng dương chánh pháp, chấn chỉnh di phong của Phật, làm sáng tỏ nghĩa kinh, quét sạch đám mây mù đen tối.

Ngài Long Thọ thương xót chúng sinh ở nơi Tượng pháp và Mạt pháp, chẳng có thiện duyên thấu rõ đạo mầu, nên đã thị hiện thân phàm phu, nhằm khai ngộ và dẫn dắt chúng sinh dần dần vào chánh đạo. Ngài không ngại khó khăn tìm đến chốn Long cung sưu tầm huyền chỉ thậm thâm của Đức Thế Tôn. Do có trí huệ thuần thục, nên ngài thấu suốt cùng tột đến chỗ bí ẩn u huyền của những lời thâm diệu. Ngài làm ra bộ Thích luận này để khai ngõ vào Đại Thừa Phật pháp, làm quy củ dẫn thẳng vào thật tướng các pháp. Nhờ vậy mà các tà hoặc, các vong kiến đều bị quét sạch.

Ở đầu bộ luận, ngài thành lập các câu hỏi khác nhau, rồi dùng lời lẽ mỹ diệu giải thích rõ ràng. Sau cùng dẫn đến chỗ vô chấp, là chỗ thâm diệu, tận thiện, tận mỹ.

Nếu lời kinh quá súc tích, khó giải, khó hiểu, thì phần luận giải của Ngài với lời lẽ khúc chiết, với lối trình bày rõ ràng, cặn kẽ, khiến cho người tu học thấu triệt được ý nghĩa thâm sâu vi diệu chứa đựng trong lời dạy của Đức Bổn Sư. Chẳng ai có thể vấn mạn được nữa.

Những câu hỏi nêu trên, những thí dụ đa dạng và phong phú đã khiến người tu học, muôn đời về sau được ngộ ý chỉ của Ngài.
Bộ Thích luận này được Ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch ra Hán văn.

Ngài La Thập thông minh xuất chúng, trí huệ tuyệt vời. Ngay từ nhỏ, Ngài đã thông minh kinh điển, thuyết pháp vô ngại. Ngài đọc trường tập này xong, hết lòng tán thán rằng: “Nếu sau này có được những tài năng lỗi lạc, có những luận biện ngôn từ mỹ diệu thì đó chính là nhờ nơi bộ luận này cả. Phải lấy bộ luận này làm gương mẫu, phải bằng vào những lý luận cao siêu ở nơi bộ luận này, mới mong thấy rõ được tâm tôn của Đức Thế Tôn.”

Đến đời nhà Trần, niên hiệu Hoằng Thỉ thứ ba, tháng 12 ngày 20, bộ luận này mới được đem đến đất Trường An.

Mặc dù vua nhà Tần, đã hư cấm từ lâu, nhưng Ngài La Thập nhờ ngày trước đã được xem tâm tôn của Phật, nên trọn ngày nghiên cứu, không hề mệt mỏi, các lời đối đáp trong toàn bộ luận này. Ngài tự nghĩ rằng: “Lời lẽ trong bộ luận quá thậm thâm, quá vi diệu. Hận mình tâm chẳng thấy rõ được ý chỉ của đấng Luận chủ. Lại tiếc cho Pháp Mầu mênh mông chưa được trải khắp nơi, ta nguyện quên đi ngu huệ của mình để mạnh dạn làm nghĩa hiệp của sa môn”. Nghĩ như vậy rồi, Ngài mời các bậc công khanh, sĩ khí, khoảng 500 người, nhóm họp ở Vị Tân, cấm tục tại Tiêu Diêu Viên đường ở đất Lâm Giang, cùng xem huyền chương, khảo chính, xét trong bộ luận gốc chữ Phạn có 10 vạn bài kệ, mỗi bài có 32 chữ, cộng thành 320 vạn lời. Nhờ vậy mà Ngài rõ được ý chỉ của bộ luận, lấy chỗ quy về đường thẳng, chẳng còn chướng ngại, vướng mắc gì nữa cả.

Bên Thiên Trúc có chép rằng: “Rốt sau thời Chánh Pháp có ngài Mã Minh, đầu thời Tượng Pháp có Ngài Long Thọ, là những vị luận chủ tuyệt luân trong môn Đạo học. Hai Ngài phá sạch hết các tà kiến, hư ngôn, thẳng đường vào thật giáo, chẳng còn bị các tà luận làm trở ngại nữa. Bởi vậy nên ở bên Thiên Trúc cũng như nhiều nước khác, đã lập miếu tôn thờ hai Ngài, lại cho rằng: “Mặt trời trí huệ của Phật đã được hai Ngài làm thêm rực rỡ, phá tan hết màn tối tăm u ám, khiến người tu học ngộ được chân thật lý”.

Sự đóng góp của Pháp Bảo Tạng của hai Ngài là công quả của hàng Thập Địa Bồ Tát. Hai Ngài thật xứng đáng là những vị Bồ Tát Bố Xứ vậy.

Bộ luận này truyền đến Trung Quốc thật quả là điều may mắn. Ngài Pháp Sư Cưu Ma La Thập thấy rõ lời văn chữ Phạn quá uẩn khúc, mà người Tần lại thích lối văn giản dị, nếu dịch cho đầy đủ thì phải đến cả 1000 quyển, nên Ngài chỉ lược dịch cô đọng vào 100 quyển mà thôi. Tuy chỉ lược dịch có phần ít, mà đã hiển bày được chỗ thậm thâm vi diệu cao siêu của diệu lý Chân Thừa.

Nếu dùng bút mà tranh luận, thì trọn đời chẳng sao hết được. Ước mong các bâc cao minh liễu đạt được huyền chỉ tring bản văn lược dịch này.

Trích bài tựa
Do Ngài Trường Anh Thích Tăng Duệ
Phụng soạn

***

Lời Nói Đầu

Bộ Luận Đại Trí Độ do Ngài Bồ Tát Long Thọ tạo tác, nhằm tuyên bày giáo nghĩa thậm thâm vi diệu của Pháp Đại Thừa Bát Nhã Ba La Mật.

Bộ Luận Đại Trí Độ này được Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu La Thập phiên dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Trong thời gian phiên dịch, Ngài đã nhóm họp 500 vị thiện hữu tri thức, cấm túc tại Tiêu Diêu Viên Đường, ở Lâm Giang, nghiên cứu huyền chương, khảo chánh và lược dịch từ 1000 quyển, cô đọng lại thành 100 quyển.

Tôi nhận thấy công tác phiên dịch các tạng Pali, Sankrit, Hán.v.v. ra Việt văn đã được nhiều tôn túc cao minh thực hiện. Thế nhưng cho đến nay bộ Luận Đại Trí Độ này vẫn chưa được phiên dịch ra Việt văn.

Bởi nhân duyên ấy, dù tuổi già sức yếu, tôi cũng xin nguyện đóng góp vào công tác phiên dịch và mạnh dạn dịch bộ này từ Hán văn ra Việt văn, nhằm đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu và học hỏi của hàng Tăng ni và Phật tử.

Bát Nhã Ba La Mật nghĩa quá thậm thâm vi diệu, chẳng có thể dùng nghĩa văn tự ngôn ngữ nào mà diễn tả được. Do vậy nên công tác phiên dịch vô cùng khó khăn, chẳng sao tránh khỏi những điều sai sót. Kính mong các bậc Tôn Túc Cao Minh hoan hỷ chỉ giáo cho.

Vì muốn cho lời văn trong bản dịch được phù hợp với lối hành văn hiện đại, nên tôi đã nhờ Thượng Tọa Thích Thiện Trí và Cư Sĩ Tâm Viên Lê Văn Lâm giúp tôi trong việc nhuận bút và biên tập.

Sau gần trọn 5 năm làm việc liên tục, bộ Luận Đại Trí Độ này mới được hoàn tất.

Bằng tịnh tín tâm lực, tôi xin nguyện đem công đức phiên dịch này hồi hướng đến khắp pháp giới chúng sinh đều trọn thành Phật đạo.

NAM MÔ VIÊN MÃN TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT
Mùa An Cư Đinh Mão (PL. 2531)
Tỳ Kheo Ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
Chùa Hồng Ân- Huế