LUẬN ĐẠI TÔNG ĐỊA HUYỀN VĂN BỔN
Bồ-tát Mã Minh tạo luận
Hán dịch: Đời Trần, Tam Tạng Chân Đế
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 2

Phần thứ 3: ĐẠI QUYẾT TRẠCH MỘT LOẠI KIM CANG ĐẠO LỘ

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch quy y đức xứ nhân duyên. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch một loại kim cang đạo lộ.

Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Địa nhất chủng kim cang
Gồm có năm thứ vị
Là lần lượt rốt ráo
Cho đến viên mãn cùng
Cùng với phần câu thị
Như vậy, năm loại vị
Ở trong các kinh điển
Giải thích đủ không sót.

Luận nói: Trong địa Pháp thân (Bổn địa) vô ngại trên con đường của một loại kim cang, toàn bộ có bao nhiêu phần vị? Nói rộng tuy có vô lượng, nhưng nói tóm lược thì có năm loại. Như vậy, năm phần vị này là quy tắc chung cho tất cả, là căn bản của tất cả, là tàng trữ trong tất cả, là sanh ra tất cả. Như kệ nói: “Địa nhất chủng kim cang, gồm có năm thứ vị”. Thế nào gọi là năm loại phần vị vốn có? Đó là:

1. Phần vị không vượt quá mà theo thứ tự dần dần chuyển đổi.
2. Phần vị chủ quản bộ rốt ráo không còn sót.
3. Phần vị rộng lớn viên mãn khắp nơi.
4. Phần vị tất cả các pháp đều chẳng phải (câu phi).
5. Phần vị tất cả các pháp đều chính là câu thị.

Đây gọi là năm loại phần vị căn bản. Như kệ nói: “Là lần lượt và rốt ráo, cho đến viên mãn cùng, cùng với phần câu thị”. Như vậy, năm phần chỉ là tự các nhà tạo luận tuyên thuyết mẫu mực nhất định để so sánh. Năm phần vị như thế, dứt khoát là so sánh nói chứ không phải muốn tuyên nói về lượng. Như kệ nói: “Như vậy, năm loại vị, ở trong các kinh điển, giải thích đủ không sót”. Số lượng danh tự chủ yếu của phần vị y chỉ vào, tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Số căn bản y chỉ
Gồm có năm mốt loại
Là hư giả quang minh
Bốn mươi loại danh tự
Chân kim cang bất động
Mười danh tự căn bản
Cùng với địa Đại cực
Là số lượng nương dựa.

Luận nói: Danh tự đã nương dựa của năm loại phần vị vốn có đều sai biệt, số lượng đó có bao nhiêu? Nói rộng tuy có vô lượng, nhưng nói tóm lược thì có năm mươi mốt loại danh tự. Như vậy, năm mươi mốt loại danh tự căn bản, chính là tất cả trời đất – tất cả cha mẹ – tất cả thể tánh – tất cả chỗ dựa. Như kệ nói: “Số căn bản y chỉ, gồm có năm mốt loại”. Thế nào gọi là năm mươi mốt số? Đó là trong phần hư giả quang minh có bốn mươi loại, trong phần Chân kim cang có mười loại. Trong năm mươi loại này, thêm vào địa Đại cực tự nhiên Đà-la-ni, vì vậy thành lập số năm mươi mốt. Trong phần danh tự, số lượng bốn mươi loại ấy có những tướng thế nào? Đó là mười loại tâm ái lạc, mười loại tâm thức tri, mười loại tâm tu đạo, mười loại tâm bất thoái, tất cả đều sai biệt. Thế nào gọi là mười loại tâm ái lạc? Đó là:

1. Tất-xoa-đa.
2. A-ma-kha-thi.
3. Đế-độ-tỳ-lê-da.
4. Hòa-la-chỉ-độ.
5. Xa-ma-đà-đề-thi.
6. Ma-ha-a-tỳ-bạt-trí-đa.
7. A-la-bà-ha-ni.
8. Bà-di-đa-a-lê-la-ha-đế.
9. Thi-la-câu-thi-a-thi-la.
10. Ma-ha-tỳ-kha-a-tăng-na.

Đây gọi là mười tâm ái lạc.

Thế nào gọi là mười loại tâm thức tri? Đó là:

  1. Lư-già-độ.
  2. Lưu-đế-ca-độ.
  3. Lưu-la-già.
  4. Lưu-ma-ha.
  5. An-bà-sa.
  6. Tỳ-bạt-trí.
  7. A-tỳ-bạt-trí.
  8. Tất-xoa-già.
  9. Tất-a-la.
  10. Lưu-san-ca.

Đây gọi là mười tâm thức tri.

Thế nào gọi là mười tâm tu đạo? Đó là:

  1. Độ-già-kha.
  2. Độ-an-nhĩ.
  3. Độ-chỉ-la.
  4. Độ-hòa-sai.
  5. Độ-lợi-tha.
  6. Độ-sanh-bà-đế.
  7. Độ-sa-tất.
  8. Độ-a-ha.
  9. Độ-Phật-a.
  10. Độ-xoa-nhất-bà.

Đây gọi là mười tâm tu đạo.

Thế nào gọi là mười tâm bất thoái? Đó là:

  1. La-đế-lưu-sa.
  2. La-đàm-sa.
  3. Tất-tự-già.
  4. Pháp-tất-tha.
  5. Phật-độ-đà.
  6. La-xoa-tất.
  7. Sư-la-văn-già.
  8. Bà-ha-đế.
  9. Bà-la-đề-phất-đà.
  10. Đạt-ma-biên-già.

Đây gọi là mười tâm bất thối. Như kệ nói: “Phần hư giả quang minh, bốn mươi loại danh tự”.

Thế nào là mười tâm chân kim cang? Đó là:

  1. Cưu-ma-la-già.
  2. Tu-hà-già-nhất-bà.
  3. Tu-na-ca.
  4. Tu-đà-hoàn.
  5. Tư-đà-hàm.
  6. A-na-hàm.
  7. A-la-hán.
  8. A-ni-la-hán.
  9. A-na-ha-ha.
  10. A-ha-la-phất.

Đây gọi là mười tâm chân kim cang. Như kệ nói: “Chân kim cang bất động, mười danh tự căn bản”. Trong năm mươi danh tự này, lại thêm vào danh tự Bà Già Bà Phật Đà, hãy quán sát kỹ. Đây gọi là năm mươi mốt loại danh tự. Như kệ nói: “Cùng với địa Đại cực, là số lượng nương dựa”. Trong năm mươi mốt loại tâm như vậy, phần vị kia không vượt quá nhưng theo thứ tự dần dần chuyển đổi, an lập thuộc về tướng trạng thế nào? Kệ nói:

Trong năm mốt phần vị
Thứ tự chuyển không vượt
Trong một đủ tất cả
Gọi là vị dần chuyển.

Luận nói: Chỉ một hành giả, trong tướng vị sai khác của năm mươi mốt loại hồi hướng tiến vào, như thứ tự ấy không vượt bỏ pháp nào. Vì sao như vậy? Vì phần nầy địa có lượng pháp như thế. Như kệ nói: “Trong năm mốt phần vị, thứ tự chuyển không vượt”. Như vậy thì hành giả dùng hành tướng nào dần dần chuyển đổi? Đó là vốn có chuyển đổi đầy đủ. Thế nào gọi là tướng chuyển đổi đầy đủ? Nghĩa là trong phần vị của một tâm tín vốn có năm mươi tâm còn lại chuyển đổi, cho đến trong địa Đại cực vốn có năm mươi tâm còn lại chuyển đổi. Nếu vậy thì nội dung như nhau hay là nội dung khác nhau? Thực sự thì nội dung khác nhau nhưng lại đồng nhất. Vì sao như vậy? Vì trong một tâm tín vốn có tất cả các phần vị, không sót bất cứ phần vị nào. Nhưng trong một tín vốn có tất cả các phần vị, trong phần vị khác còn lại như nhau có đủ tất cả các phần vị, do nghĩa gì trong một tâm tín có đủ các phần vị còn lại, lại cần phải chuyển đổi dần dần? Do đầy đủ trong một vốn có mà không thể nào đầy đủ trong nhiều vốn có, do đó cần phải chuyển đổi. Nay trong năm mươi mốt phần vị nơi phần này, tất cả vốn có đầy đủ thảy đều đầy đủ, mới gọi là phần vị dần dần chuyển. Như kệ nói: “Trong một đủ tất cả, gọi là vị dần chuyển”. Trong Kinh Ma Ha Diễn Kim Cang Chủng Tử nói như vầy: “Hành giả bước chân đi trên con đường kim cang, dùng hai việc lớn mà quyết định chuyển đổi. Thế nào gọi là hai quyết định chuyển? Một là Biến độ thông đạt chuyển. Hai là Cụ cụ tăng trưởng chuyển. Đây gọi là hai quyết định chuyển. Nói về Biến độ thông đạt chuyển, là con đường lớn thông suốt khắp nơi trải qua năm mươi mốt loại. Nói về Cụ cụ tăng trưởng chuyển, là trong mỗi một phần vị thâu tóm nhiều phần vị”. Cho đến nói rộng. Như vậy, đã nói về phần không vượt bỏ qua mà theo thứ tự dần dần chuyển đổi. Tiếp theo sẽ nói về phần chủ quản toàn bộ rốt ráo không còn sót. Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Trong năm mốt phần vị
Tùy theo trước được vào
Thâu tóm được tất cả
Gọi rốt ráo không sót.

Luận nói: Trong phần vị có năm mươi mốt Biệt tướng, hoặc có hành giả dùng tín để tiến vào. Hoặc có hành giả lấy địa Chân kim cang mà tiến vào. Hoặc có hành giả lấy địa Đại cực mà tiến vào. Như vậy, những hành giả đều tùy theo số lượng trước đó được đi vào phần vị, thâu tóm hết tất cả và tất cả mọi vị, rốt ráo không sót lại, cũng không có di chuyển, cũng không có ra vào, từng phần vị một đều hết sức rõ, vì vậy nói là phần vị môn Tổng trì. Như kệ nói: “Trong năm mốt phần vị, tùy theo trước được vào, thâu tóm được tất cả, gọi rốt ráo không sót”. Trong Kinh Nan Nhập Vi Tằng Hữu Hội giải thích như vầy:

Hồi hướng tức tâm tín
Tâm tín tức Phật địa
Phật địa là Thập địa
Cuối cùng, thứ tự gì?

Cho đến nói rộng. Như vậy là đã nói về phần chủ quản toàn bộ rốt ráo không còn sót. Tiếp theo sẽ nói về phần rộng lớn viên mãn khắp nơi. Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Năm mốt loại phần vị
Một lúc, không trước sau
Vì cùng chuyển, cùng hành
Gọi viên mãn khắp chốn.

Luận nói: Năm mươi mốt phần vị không có trước sau mà ngay một lúc cùng chuyển đổi, ngay một lúc cùng thực hành không có sót lại. Cũng trong phần vị của năm mươi mốt Biệt tướng, vốn có vô lượng vô biên các phần vị, không có trước sau mà ngay một lúc cùng chuyển đổi, ngay một lúc cùng thực hành không sót, vì vậy nói là phần vị viên mãn.

Như kệ nói: “Năm mốt loại phần vị, một lúc không trước sau, vì cùng chuyển cùng hành, gọi viên mãn khắp chốn”.

Trong Kinh Pháp Giới Pháp Luân Vô Tận Trung Tạng nói như vầy: “Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nghe Đức Thế Tôn giảng giải, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay đảnh lễ đến trước bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Thế nào gọi là người chuyển đổi vượt ngang không hướng về tu đạo? Nếu như thích hợp thỉnh cầu Thế Tôn vì các đại chúng, tuyên thuyết khai thị đại sự như vậy. Đức Thế Tôn liền bảo Văn-thù-sư-lợi: Một con đường, một khu vực cùng một loại không khác, rất nhiều hình ảnh cùng hành đạo, không trước không sau mà phát khởi ngay một lúc, trong một lúc cùng chuyển đổi – trong một lúc dừng lại nắm giữ – trong một lúc chứng nhập – trong một lúc an lập, gọi là người chuyển đổi vượt ngang không hướng về tu đạo”. Cho đến nói rộng. Như vậy đã nói về phần rộng lớn viên mãn khắp nơi. Tiếp theo sẽ nói về phần tất cả các pháp đều chẳng phải (câu phi). Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Vô lượng vô biên pháp
Hết thảy các loại vị
Đều chẳng phải kiến lập
Gọi nơi phần câu phi.

Luận nói: Nay trong kệ này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị về phần câu phi, là chẳng phải nhân – chẳng phải quả – chẳng phải vị – chẳng phải địa – chẳng phải hữu – chẳng phải vô – chẳng phải danh – chẳng phải nghĩa – chẳng phải sự – chẳng phải lý – chẳng phải hoại – chẳng phải thường – chẳng phải sanh – chẳng phải diệt, tất cả và tất cả hết thảy đều chẳng phải. Như kệ nói: “Vô lượng vô biên pháp, hết thảy các loại vị, đều chẳng phải kiến lập, gọi nơi phần câu phi”. Nếu vậy thì do nghĩa gì mà kiến lập phần vị danh tự? Vì nghĩa chẳng phải (Phi) mới thiết lập thành những phần vị. Trong Kinh Đại Minh nói như sau: “Không có từng phần vị một mà chỉ có một địa quan trọng nhất”. Cho đến nói rộng. Như vậy đã nói về phần tất cả các pháp đều chẳng phải (câu phi). Tiếp theo sẽ nói về phần tất cả các pháp đều chính là (câu thị). Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Tất cả vô số pháp
Cũng là thân kim cang
Do nghĩa thân như nhau
Gọi là phần câu thị.

Luận nói: Vô lượng vô biên tất cả mọi phần vị – tất cả các pháp, tất cả đều là thân kim cang, bình đẳng không có sai biệt và chỉ dựa theo một thân, vì vậy nói là phần câu thị. Vì sao như vậy? Vì nay trong phần này, không có một pháp nào không phải là thân kim cang chân thật. Như kệ nói: “Tất cả vô số pháp, cũng là thân kim cang, do nghĩa thân như nhau, gọi là phần câu thị”. Trong Kinh Chủng Kim Đại Địa nói như sau: “Đạo nhân không có bệnh nên chỉ thấy hình bóng tích tụ chứ không trông thấy thân phân tán”.

Phần thứ 4: ĐẠI QUYẾT TRẠCH KIM CANG BẢO LUÂN SƠN VƯƠNG

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch nhất chủng kim cang đạo lộ. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch Kim Cang Bảo Luân Sơn Vương. Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Tiệm – Thị – Tận – Mãn – Phi
Một lúc, cùng trước sau
Với câu thị câu phi
Một khác, thời – xứ chuyển.

Luận nói: Nay trong kệ này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị về thân bình đẳng không sai biệt, trong thể của Kim Cang Đại Lực Bảo Luân Sơn Vương có năm phần vị căn bản, đó là Chuyển dần dần theo thứ tự – Các pháp bình đẳng như vậy – Rốt ráo không còn sót – Viên mãn khắp mọi nơi – Bặt dứt tất cả – hoàn toàn chẳng phải. Năm loại phần vị này, chuyển trong một lúc – chuyển có trước sau, đồng thời có chuyển – đồng thời chẳng phải chuyển, cũng ngay một lúc chuyển – cũng chuyển vào lúc khác nhau, cũng cùng một xứ chuyển – cũng chuyển ở nơi khác nhau, đầy đủ trong đầy đủ – tự tại giữa tự tại không có chướng ngại.

Trong Kinh Đại Nghiêm Tận Địa Hư Không Pháp Giới nói như vầy: “Lại nữa, này Long Minh! Điều ông hỏi trước đây, thế nào gọi là kim cang bổn thân quảng đại địa là địa vô chướng vô ngại hằng sa công đức phẩm, là điều thù thắng vi diệu vô cùng không thể nghĩ bàn, không thể nghĩ bàn được, con đường của năm loại kim cang đi đến tất cả mọi nơi, tự tánh căn bản tàng trữ trong vô tận, sanh ra và nuôi lớn lên kho tàng của sở y chỉ”. Cho đến nói rộng.