LUẬN ĐẠI TÔNG ĐỊA HUYỀN VĂN BỔN
Bồ-tát Mã Minh tạo luận
Hán dịch: Đời Trần, Tam Tạng Chân Đế
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

Phần thứ 1: ĐẠI QUYẾT TRẠCH QUY Y ĐỨC XỨ VÔ BIÊN

Đảnh lễ tất cả minh vô dư
Các “Tắc địa” phi nhất phi nhất
Chẳng đếm, chẳng suy vô lượng một
Cùng các chủng loại sanh và nẻo.
Vốn vô lượng số phẩm đoạn mạng
Cùng rất nhiều các pháp không có
Cùng không thể nói không thật có
Chung cùng phi thị nơi các pháp.

Luận nói: Ở trong hai hàng kệ này tức có tám phần. Thế nào là tám phần? Đó là:

1. Phần hiển thị người chủ đứng giữa Trung đạo.
2. Phần hiển thị phép tắc của con đường.
3. Phần hiển thị xa rời hỗn tạp hợp lại làm một.
4. Phần hiển thị chúng sanh ngu tối không kể xiết.
5. Phần hiển thị các loại xa rời thức.
6. Phần hiển thị giả có chứ không thật.
7. Phần hiển thị không hề có điều gì.
8. Phần hiển thị có đầy đủ không ngăn ngại.

Đây gọi là tám phần.

Ở trong phần hiển thị người chủ đứng giữa Trung đạo, có năm loại. Thế nào là năm loại?

Một là Ứng thân của người chủ tùy thuận và tùy chuyển.

Hai là Biến thân của người chủ có và không vô ngại.

Ba là Pháp thân của người chủ là bản thể, bản tánh.

Bốn là người chủ đầy đủ đạo thì gốc và ngọn đều bặt dứt.

Năm là người chủ tùy ý ứng hiện tự nhiên vô ngại. Đây gọi là năm loại.

Trong Kinh Tu Tập Hành Nhân Đại Đà La Ni nói như vầy: “Bấy giờ, Thiên tử Hoa Luân Bảo Quang Minh liền bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Bậc thầy dẫn dắt quan trọng nhất có bao nhiêu số lượng có thể nghĩ bàn và không thể nghĩ bàn, chỉ mong Thế Tôn giảng giải rõ để khai mở cho đệ tử chúng con, đệ tử chúng con nghe tên gọi ấy và thường chuyên lòng tụng niệm, ra khỏi kho vô minh đến được thành trì Niếtbàn! Đức Thế Tôn bảo Thiên tử: Nếu ta dùng sức thần thông, trong vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp, nói về tên gọi đó cũng không thể nói hết được, nay sẽ lược nói, vì đại chúng các ông Ta sẽ tuyên thuyết về nội dung quan trọng đó. Này người thiện nam! Bậc Giác ngộ đó kể ra thì bao la vĩ đại đầy đủ trọn vẹn vượt quá hằng sa số, nói sơ lược có năm loại. Thế nào là năm loại? Đó là:

1. Tùy thể Phật.
2. Biến thể Phật.
3. Pháp thể Phật.
4. Mạc trắc Phật.
5. Ứng chuyển Phật.

Cho đến nói rộng, như kệ tụng: “Đảnh lễ tất cả minh vô dư”. Do nghĩa gì mà tất cả các bậc Đạo sư đều gọi là Người chủ? Vì có ba nghĩa. Thế nào là ba nghĩa? Một là nghĩa Tự tại, vì là vua của các pháp. Hai là nghĩa Đảnh thượng, vì độc nhất trong ba cõi. Ba là nghĩa Châu biến, vì không nơi nào là không đến được. Đây gọi là ba nghĩa.

Như vậy đã nói về phần hiển thị người chủ đứng giữa Trung đạo. Tiếp theo nói về phần hiển thị phép tắc của con đường. Ở trong phần nầy có sáu loại. Thế nào là sáu loại? Đó là:

1. Phép tắc về âm thanh lời nói dẫn dắt chính xác tự tại vô ngại.
2. Phép tắc về bổn địa đã dựa vào bình đẳng cùng một loại xa rời các hư vọng.
3. Phép tắc về xuất hiện năng lực sanh trưởng mọi thứ trang nghiêm.
4. Phép tắc về viên mãn hoàn toàn thâu tóm tất cả không sót lại gì.
5. Phép tắc về chẳng danh – chẳng tướng – chẳng thể – chẳng dụng – không hề có tạo tác.
6. Phép tắc tự nhiên hiện rõ trước mắt luôn luôn tồn tại không thay đổi – không có giải thích rõ mà rốt ráo hoàn toàn trong sáng.

Đây gọi là sáu loại.

Trong Kinh Kim Cang Tam Muội Vô Ngại Giải Thoát Bổn Trí Thật Tánh, nói như vầy: “Lại nữa, này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu ta nói rộng, thì toàn bộ có mười ức bảy vạn ba ngàn năm mươi pháp môn, hành giả thực hiện không cố định theo một quy tắc nào của con đường. Nếu Ta nói tóm lược, thì toàn bộ có sáu loại quy tắc chuẩn mực, hành giả thực hiện nương theo. Như vậy, sáu quy tắc thâu tóm thông suốt hết thảy vô lượng vô biên tạng biển phép tắc. Thế nào là sáu loại? Đó là:

1. Quy tắc thuyết giảng.
2. Quy tắc bình đẳng.
3. Quy tắc chủng loại.
4. Quy tắc hướng thượng.
5. Quy tắc trái lại.
6. Quy tắc không đổi.

Cho đến nói rộng, như kệ tụng: “Các “Tắc địa” phi nhất phi nhất”. Do nghĩa gì tất cả các pháp tạng đều gọi là phép tắc? Vì ba nghĩa. Thế nào là ba nghĩa? Một là nghĩa về khu vực quý như vàng, phù hợp với người đương thời dễ dàng chuyển đổi pháp môn nhưng luôn luôn không thay đổi, như là khu vực kia. Hai là nghĩa về dẫn dắt, là thâu tóm dẫn dắt hành giả khiến hướng về lộ trình yên ổn, giống như người dẫn dắt. Ba là nghĩa về có năng lực giữ gìn, là khéo giữ gìn tự tướng, không phá hủy mất, giống như giữ gìn chu đáo. Đây gọi là ba nghĩa.

Như vậy đã nói về phần hiển thị phép tắc của con đường. Tiếp theo sẽ nói về phần hiển thị xa rời hỗn tạp hợp lại làm một. Ở trong phần này thì có ba loại. Thế nào là ba loại? Đó là:

1. Phiền não ràng buộc hợp lại làm một, là hết thảy vô lượng vô biên chủng loại phiền não vô minh tiếp tục phát sanh. Tuy bên trong không có hợp làm một mà bên ngoài lại có hợp làm một, vì số lượng như nhau, thành lập phù hợp với nghĩa một.

2. Giải thoát hợp làm một, là tất cả vô lượng vô biên các bậc Thánh nhân nơi Tam thừa, bên trong có nghĩa hợp nhất của đạo lý, bên ngoài có nghĩa hợp nhất của đồng trần.

3. Đầy đủ đều không phải (câu phi) hợp làm một, là tất cả vô lượng vô biên các chúng Đại Thánh bên trong phần vị kim cang, đầy đủ hai nghĩa của chủ thể phù hợp và đối tượng được phù hợp. Đây gọi là ba loại. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi trong Kinh Luận Nghị Đệ Nhất Vô Cực Vô Tận nói như vầy: “Đại dương Tăng chúng tuy không có số lượng, nhưng bản thể đó chỉ có ba loại. Thế nào là ba loại? Một là địa Vô căn vô tránh. Hai là địa Câu căn vô tránh. Ba là địa Hữu căn căn vô tránh”. Cho đến nói rộng. Như kệ tụng: “Chẳng đếm, chẳng suy vô lượng, một”. Do nghĩa gì mà tất cả các Tăng đều gọi là hợp làm một? Vì có hai nghĩa. Thế nào là hai nghĩa? Một là nghĩa về tích lũy tụ tập, là tập hợp vô lượng vô biên tất cả các trần rời rạc hỗn loạn. Hai là nghĩa về chủng loại như nhau, là làm cho dừng lại vô lượng vô biên tất cả sóng nước của thức. Đây gọi là hai nghĩa.

Như vậy đã nói về phần hiển thị xa rời hỗn tạp hợp lại làm một. Tiếp theo sẽ nói về phần hiển thị chúng sanh ngu tối không kể xiết.

Trong phần này có ba phần. Thế nào là ba phần? Đó là:

1. Phần Hữu loại mao sanh vô biên.
2. Phần Không loại mao sanh vô biên.
3. Phần Tự loại mao sanh vô biên.

Đây gọi là ba phần.

Nơi phần thứ nhất có bốn loại. Thế nào là bốn loại? Một là Noãn sanh. Hai là Thai sanh. Ba là Thấp sanh. Bốn là Hóa sanh. Đây gọi là bốn loại. Như vậy, bốn loại chúng sanh này có thể thâu tóm tất cả vô lượng danh số căn bản của hữu loại. Ở trong phần thứ hai có ba loại. Thế nào là ba loại? Một là Không loại ẩn náu trong ánh sáng. Hai là Không loại ẩn náu trong trạng thái tối tăm. Ba là Không loại ẩn náu trong gió mây. Đây gọi là ba loại. Như vậy, ba loại chúng sanh này, không vốn là chẳng phải không mà vì ẩn đi nên không, thuận theo đó quán sát kỹ về quyến thuộc của không loại, số đó rất nhiều không thể đưa ra mức lượng này được. Nơi phần thứ ba cũng có ba loại. Thế nào là ba loại? Một là chú thuật huyễn hóa tạo ra các tướng trạng vô lý nhưng tương tự chủng loại. Hai là làm thay đổi phương thuốc cấm tạo ra các tướng trạng vô lý mà tương tự chủng loại. Ba là thuận theo vốn có ngay trước mắt hiện ra hình bóng tương tự với chủng loại. Đây gọi là ba loại tương tự. Như vậy, ba loại chúng sanh này có thể thâu tóm hết thảy vô lượng vô biên các loại danh số căn bản của chủng loại tương tự (Tự loại). Trong Kinh Tập Loại Pháp Môn giải thích như vầy: Chủng loại có thức nói rộng thì có mười loại, nói tóm lược thì có ba loại. Thế nào là ba loại? Một là loại chúng sanh có tâm thức gần gũi đang có. Hai là loại chúng sanh không thể nhìn thấy nơi ẩn giấu. Ba là loại chúng sanh có tâm thức xa, dường như có chuyển động. Đây gọi là ba loại, cho đến nói rộng. Như kệ tụng: “Cùng các chủng loại sanh và nẻo”. Do nghĩa gì mà tất cả chúng sanh đều gọi là Mao sanh? Vì có hai nghĩa. Thế nào là hai nghĩa? Một là nghĩa về động chuyển không ổn định, vì tùy theo nơi thọ sanh không có pháp nào nhất định. Hai là nghĩa về rất nhiều không tính được, vì các phương diện không hề có số lượng. Đây gọi là hai nghĩa. Nay trong phần này, là muốn hiển thị hàng Thánh ít ỏi giống như sừng mà hạng phàm phu thì nhiều giống như lông.

Như vậy đã nói về phần hiển thị chúng sanh ngu si không kể xiết. Tiếp theo sẽ nói về phần hiển thị các loại xa rời thức. Phần này có hai loại. Thế nào là hai loại? Đó là:

1. Cộng nghiệp kiến lập chủng loại đoạn mạng.

2. Biệt nghiệp kiến lập chủng loại đoạn mạng. Đây gọi là hai loại. Trong phần thứ nhất có bốn loại. Thế nào là bốn loại? Một là chủng loại đoạn mạng do Phong luân trên mặt đất. Hai là chủng loại đoạn mạng do Thủy luân trên mặt đất. Ba là chủng loại đoạn mạng do Kim luân trên mặt đất. Bốn là chủng loại đoạn mạng do Hỏa luân trên mặt đất. Đây gọi là bốn loại cọng nghiệp. Bốn luân như vậy, có thể thâu tóm tất cả danh số căn bản của vô lượng vô biên cộng nghiệp để kiến lập phẩm loại đoạn mạng. Nói về biệt nghiệp kiến lập chủng loại đoạn mạng, nghĩa là thân chúng sanh, không phải là các loại phải nhận chịu nghiệp báo mang lông đội sừng… Trong Kinh Nghiệp Hạnh Bổn Nhân nói như vầy: “Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi! Nói về chúng sanh cư trú ở thế gian này có hai loại: Thế nào là hai loại? Một là Tổng luân thế gian. Hai là Biệt trì thế gian. Đây gọi là hai loại thế gian. Hai loại thế gian này, khéo có thể thâu tóm chủ quản vô lượng vô biên chúng sanh y chỉ cư trú ở thế gian, cho đến nói rộng”. Như kệ tụng: “Vốn vô lượng số phẩm đoạn mạng”. Do nghĩa gì mà tất cả các loại xa rời thức đều gọi là đoạn mạng? Đó là chủng loại không có trí phân biệt rõ.

Như vậy đã nói về phần hiển thị các loại xa rời Thức. Tiếp theo sẽ nói về phần hiển thị giả có chứ không thật. Phần này có năm loại. Thế nào là năm loại? Đó là:

1. Giả có giống như ánh trăng trong nước.
2. Giả có giống như thành trì của Càn-thát-bà.
3. Giả có giống như thấy sóng nắng, dợn nắng.
4. Giả có giống như biến hóa huyền ảo tạo ra.
5. Giả có giống như âm thanh vọng lại trong hang động.

Đây gọi là năm loại giả có. Trong Kinh Đại Bảo Vô Tận Liên Hoa Địa Địa nói như sau: “Năm loại hư giả như ánh trăng trong nước… là nói về thí dụ, thâu tóm toàn bộ năm vạn năm ngàn năm trăm năm mươi danh số căn bản giải thích về sự giả tạo bằng cách nói thí dụ”. Cho đến nói rộng, như kệ tụng: “Cùng rất nhiều pháp không và có”. Do nghĩa gì mà tất cả vô lượng pháp giả có nói theo thí dụ, đều trình bày về không có? Nghĩa là tự tánh không có thật nên gọi đó là không, không có cái thật ấy chứ không phải là hoàn toàn không có nên gọi đó là có.

Như vậy đã nói về phần hiển thị giả có chứ không thật. Tiếp theo sẽ nói về phần hiển thị không hề có điều gì. Phần này có bốn loại. Thế nào là bốn loại? Đó là:

1. Không hề có sự việc giống như người nữ vô sanh mà có con.
2. Không hề có sự việc giống như ngựa – thỏ mà lại có sừng.
3. Không hề có sự việc giống như rùa – ba ba mà lại có lông.
4. Không hề có sự việc giống như La-hán mà lại nhiễm vướng.

Đây gọi là bốn loại không hề có. Trong Kinh Bổn Địa nói như vầy: “Lại nữa, này Phật tử! Trước đây ông đã hỏi pháp như thế nào gọi là phẩm loại không hề có, ấy là bốn loại như người nữ vô sanh mà có con… đang giải thích này, nếu Ta nói rộng thì số đó là vô lượng”. Cho đến nói rộng, như kệ tụng: “Cùng không thể nói không thật có”. Do nghĩa gì mà tất cả các pháp thuộc về lý không đều gọi là sự việc không có? Vì có hai loại. Thế nào là hai loại? Một là thể tánh của pháp thuộc về lý không hoàn toàn trống không chẳng có gì (không không) giống như bốn thí dụ đang nói ở đây. Hai là cái không này nếu không giải thích thì pháp không kia đúng là không. Đây gọi là hai loại không.

Như vậy đã nói về phần hiển thị không có điều gì. Tiếp theo sẽ nói về phần hiển thị có đầy đủ không ngăn ngại. Trong phần này có mười loại. Thế nào là mười loại? Đó là:

1. Tâm chủ pháp.
2. Tâm niệm pháp.
3. Sắc chủ pháp.
4. Sắc tử pháp.
5. Chẳng phù hợp với pháp.
6. Pháp vô vi.
7. Chẳng phải hữu vi chẳng phải pháp vô vi.
8. Cũng là hữu vi cũng là pháp vô vi.
9. Câu câu pháp.
10. Câu phi pháp.

Đây gọi là mười loại pháp. Nói về Tâm chủ pháp, là pháp căn bản của tâm thức có thể là một thức, tám thức v.v… Nói về Tâm niệm pháp, là tất cả các pháp số tương ưng cùng với tâm này. Nói về Sắc chủ pháp, là thích hợp với một chủ thể tạo ra đại chủng (Địa Thủy Hỏa Phong) của các pháp. Nói về Sắc tử pháp, là thích hợp với một đối tượng tạo ra các loại sắc pháp. Nói về Chẳng phù hợp với pháp, là các pháp thích hợp với một pháp chẳng phải sắc chẳng phải tâm. Nói về Pháp vô vi, là bốn loại pháp vô vi: Hư không v.v… Nói về chẳng phải hữu vi chẳng phải pháp vô vi, là bổn tánh các pháp bình đẳng với một tâm. Nói về cũng là hữu vi cũng là pháp vô vi, là tướng tác nghiệp dụng của một tâm bình đẳng với các pháp của bổn tánh. Nói về Câu câu pháp, là phần thứ nhất của pháp đại bổn. Nói về Câu phi pháp, là phần rốt ráo của pháp đại bổn. Như vậy mười pháp, nay trong phần này là một có một không có, một sanh một diệt, một nghịch một thuận, một phẩm một loại, không tách rời nhau, vì vậy nói hiển thị có đầy đủ không ngăn ngại. Trong Kinh Tối Thắng Đức Vương Quảng Đại Hư Không giải thích như vầy: “Bất khả thuyết, bất khả thuyết, bất khả thuyết về số vi trần của mười phương thế giới, biển lớn có vô lượng vô biên pháp môn, một cố định – một dấy lên – một cư trú – một dừng lại, rốt ráo không thể phân tách và cũng không thể rời bỏ. Do nghĩa này cho nên kiến lập gọi là môn Quảng đại viên mãn hư không địa địa vô tận vô cực pháp giới đại hải”. Cho đến nói rộng, như kệ tụng: “Chung cùng phi thị nơi các pháp”.

Phần thứ 2: ĐẠI QUYẾT TRẠCH QUY Y ĐỨC XỨ NHÂN DUYÊN

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch quy y đức xứ vô biên. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch quy y đức xứ nhân duyên.

Tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Vì có mười loại nhân duyên lớn
Tạo thành biển quy y đức xứ
Đó là lễ, ân và gia lực
Quảng đại – thù thắng cùng vô ngã
Quyết định – đại hải và tán hóa
Bao gồm thị hiện thân mình có
Như vậy mười loại nhân duyên lớn
Đại sĩ viên mãn mới đầy đủ
Không phải cảnh giới phàm – Thánh nghĩ
Bồ-tát tùy vào phần cũng không thể.

Luận nói: Vì nhân duyên gì mà quy y đức xứ? Do có mười loại nhân duyên lớn, làm thành nơi quy y. Như kệ tụng: “Vì có mười loại nhân duyên lớn, tạo thành biển quy y đức xứ”. Thế nào gọi là mười loại nhân duyên? Đó là:

1. Nhân duyên lễ kính tôn trọng sâu xa có thể thực hành sự lễ kính đối với xứ sở công đức quy y, phá vỡ tâm kiêu mạn khiến phải hàng phục để thiện căn được tăng thêm, như kệ nói: “Lễ”.

2. Nhân duyên nhớ lại và nghĩ đến ân đức để đền đáp trân trọng, có thể tạo tác những luận giáo thù thắng vi diệu, nói rõ cho tất cả chúng sanh cuồng loạn biết về tất cả mọi nơi công đức để hết thảy đều hoan hỷ, như kệ nói “Ân”.

3. Nhân duyên cầu mong tiếp thêm năng lực để thành tựu mọi việc làm, nếu để tạo tác pháp môn luận bàn về Đại thừa, những đức xứ ấy không tiếp thêm năng lực giúp đỡ, thì không thể nào phân biệt được biển cả của pháp môn, như kệ nói: “Và gia lực”.

4. Nhân duyên khai mở phân rộng làm cho biết rõ, dùng ngôn từ vi diệu chỉ ra các giải thích thông sáng, hiện rõ, văn nghĩa bí mật vi diệu, rất sâu xa trong các kinh pháp ấy nhiều như biển lớn khiến rộng lớn hơn nữa, như kệ nói: “Quảng đại”.

5. Nhân duyên khuyến khích mọi người làm cho phát sanh thù thắng, là với những luận giáo mở bày rõ mọi văn nghĩa đã tạo ra, nếu không quy y vào đó thì chúng sanh kia, rốt ráo không thể tin tưởng tiếp nhận để vâng mạng thực hành, như kệ nói: “Thù thắng”.

6. Nhân duyên tu tập công hạnh nhẫn nhục vô ngã, phát khởi tâm niệm rộng lớn để hoan hỷ tôn trọng và quy hướng, như kệ nói: “Cùng với vô ngã”.

7. Nhân duyên sanh ra công đức quyết định, quy y đức xứ như với những luận giáo, đã tạo ra, hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc thấy người thấy, hoặc nghe người nghe, hoặc cư trú cùng một cõi nước, hết thảy mọi người đều không thay đổi, sanh ra, tăng thêm vô lượng vô biên hết thảy mọi phẩm loại công đức thiện căn, quyết định và quyết định không sai lầm trái ngược, như kệ nói “Quyết định”.

8. Nhân duyên kho tàng quý báu vô tận của biển lớn, tích tập vô lượng vô biên tất cả các loại năng lực khác nhau, tạo thành đại dương thù thắng viên mãn, có đủ bảo luân như ý – tạng kim cang đức, vì mong muốn cứu độ vô lượng vô biên các loại chúng sanh đang nghèo khốn và đau khổ, như kệ nói: “Đại hải”.

9. Nhân duyên của phương tiện khéo để giáo hóa, trong sự đầy đủ tuy không quy y nơi nào khác, mà phân tán ra giáo hóa làm lợi ích cho chúng sanh, như kệ nói: “Và cả tán hóa”.

10. Nhân duyên hiện bày rõ thân vốn có thời quá khứ, là tất cả đức xứ đã quy y thảy đều thâu tóm chủ quản từ nơi tự thân, như kệ nói: “Bao gồm thị hiện thân mình có”. Đây gọi là tướng trạng của mười loại nhân duyên lớn. Nhân duyên thù thắng và rộng lớn như vậy, người nào đã thực hiện được? Phật hay Bồ-tát thực hiện? Bồ-tát và Bồ-tát tương đương không thể thực hiện được, huống là hạng phàm phu, Nhị thừa? Như kệ nói: “Như vậy mười loại nhân duyên lớn, Đại sĩ viên mãn mới đầy đủ, không phải cảnh giới phàm – Thánh nghĩ, Bồ-tát tùy phần cũng không thể”.