LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH

SỐ 1604

Tác giả: Bồ-tát Vô Trước.
Hán dịch: Tam Tạng pháp sư, Đời Đường, là Ba-la-phả-mật-đa-la.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 12

Phẩm Thứ 22: CÔNG ĐỨC

Giải thích: Đã nói các phần giác của Bồ-tát, kế đây là nói về các công đức của Bồ-tát. Kệ nêu:

Xả thân, bậc cao quý
Nhẫn, siêng tu cũng dài,
Không vị, vô phân biệt,
Sáu hạnh nói ít có.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc làm ít có của Bồ-tát.

Hạnh bố thí, nếu bố thí thân mạng mới là ít có, các bố thí khác là không phải ít có.

Trì giới hạnh là có thể từ bỏ địa vị thế gian mà mến mộ đạo cả, xuất gia thì đó là ít có. Ngoài ra là không ít có.

Hạnh nhẫn nhục là không còn đoái hòai đến thân mạng, nhẫn nhục đối với chúng sinh thấp kém, thì đó là ít có. Ngoài ra đều không phải ít có.

Hạnh tinh tấn: Có thể siêng năng tu tập mãi mãi cho đến tận cùng bờ mé sinh tử mà không bao giờ dừng nghỉ thì đó là ít có. Ngoài ra đều không phải ít có.

Hạnh thiền là đối với nguồn vui cao cả của định mà không ham hưởng không ở yên trong đó thì đó là ít có. Ngoài ra đều không phải ít có.

Hạnh trí tuệ là có thể phát sinh trí vô phân biệt thì đó là ít có. Ngoài ra đều không phải ít có.

Hàng Thanh văn phân biệt được Bốn đế mà có ý nhàm chán xuất ly. Bồ-tát thì không phải như vậy. Đó gọi là sáu hạnh ít có của Bồ-tát, Kệ rằng:

Sinh trong nhà Như lai,
Được thọ ký, lãnh chức,
Và chứng được Bồ-đề,
Nói bốn quả ít có.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về quả vị ít có. Bồ-tát có bốn thứ quả

1. Khi nhập vào Sơ địa là nhập vào nhà Như lai, là quả tu đà hoàn.
2. Sinh vào địa thứ tám và được thọ ký là quả Tư-đà-hàm.
3. Sinh vào địa thứ mười và được thọ chức là quả A nA-hàm.
4. Sinh vào Phật địa là quả A-la-hán.

Ba quả trước là Hữu học, quả thứ tư là Vô học.

Đã nói quả vị ít có của Bồ-tát, kế là nói về việc không phải ít có của Bồ-tát. Kệ rằng:

Lìa dục và được bi,
Thắng tu và bình đẳng,
Nương đây, tu các độ,
Hạnh nầy chẳng ít có.

Giải thích: Nếu đã được lìa dục mà Bồ-tát làm việc bố thí thì đó không phải là ít có, do Bồ-tát đã không còn bị nhiễm ở vật, của cải đã từ bỏ dễ dàng.

Nếu đã được đại bi mà Bồ-tát trì giới, nhẫn nhục thì đó không phải là ít có.

Nếu Bồ-tát đã được tu tập cao vượt, nghĩa là ở địa thứ tám do vô công dụng, do vô phân biệt, mà thức hành ba độ sau thì không phải ít có.

Nếu Bồ-tát đã chứng được tâm bình đẳng giữa mìng và người khi tu tất cả độ thì cũng không phải bi là ít có. Do khi làm lợi kẻ khác như làm lợi cho mình, mà không có tâm lui sụt.

Đã nói về việc không phải ít có của Bồ-tát, kế đây là nói về tâm bình đẳng của Bồ-tát. Kệ rằng:

Bồ-tát thương chúng sinh,
Khác năm thương (của) chúng sinh.
Thương thân, và quyến thuộc,
Con, bạn, và thân thuộc.

Giải thích: Bài kệ nầy nói Bồ-tát được tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Chúng sinh có năm thứ thương với tâm không được bình đẳng là:

1. Thương thân mình.
2. Thương quyến thuộc.
3. Thương con cái mình.
4. Thương bạn bè.
5. Thương người thân.

Bởi năm thứ thương yêu không được bình đẳng nầy, nên sự thương yêu chưa đến chỗ rốt ráo, như con người, cũng có lúc làm việc hại mình. Bồ-tát thương yêu chúng sinh với tâm bình đẳng, vì không từ bỏ, không lui sụt. Kệ rằng:

Không lệch và không phạm,
Nhẫn khắp, sinh thiện, lợi,
Thiền cũng vô phân biệt,
Sáu độ tâm bình đẳng.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc Bồ-tát thực hành sáu độ với tâm bình đẳng.

Không thiên vị nghĩa là bố thí với tâm bình đẳng đối với người cầu xin, Bồ-tát không nghiêng về thương hay ghét.

Không phạm là trì giới với tâm bình đẳng, cho đến những giới hạnh nhỏ nhiệm vẫn không thiếu sót.

Nhẫn khắp là nhẫn nhục với tâm bình đẳng, bao trùm cả chúng sinh cao sang hay thấp kém đều được nhận cả.

Phát sinh gốc lành: lợi tha là tinh tấn với tâm bình đẳng, là phát sinh các gốc lành, và phát khởi, siêng làm tất cả các lợi ích cho mình, cho người.

Thiền cũng vậy là học định với tâm bình đẳng. Bồ-tát tu định cũng làm phát sinh các gốc lành và phát sinh các lợi ích mà siêng năng tu tập.

Vô phân biệt là tu tuệ với tâm bình đẳng. Từ khi mới phát tâm cho đến rốt ráo, các độ sở hành đều là ba luân thanh tịnh. Đó gọi là thực hành các độ với tâm bình đẳng.

Đã nói về tâm bình đẳng của Bồ-tát, kế đây nói về việc đem lợi ích cho chúng sinh của Bồ-tát. Kệ rằng:

Giúp khí và giữ giới,
Nhận ác, giúp làm lành,
Nhập pháp cũng dứt nghi,
Sáu hạnh lợi chúng sinh.

Giải thích: Bài kệ nầy nói Bồ-tát dùng sáu Ba-la-mật làm các lợi ích cho chúng sinh.

Giúp chúng sinh có năng lực hiểu pháp và đem việc bố thí lợi ích mà giúp họ tu tập thành tựu, thành đồ đựng pháp tốt.

Giữ cấm giới là đem giới cấm làm lợi ích chúng sinh, tùy sức lãnh thọ của họ mà khiến họ giữ gìn.

Chịu đựng việc ác và dùng nhẫn nhục làm lợi ích chúng sinh, có công năng chịu đựng các ngang trái do chúng sinh gây cho mình.

Giúp làm lành là đem tinh tấn làm lợi ích chúng sinh. Giúp đỡ chúng sinh gây dựng nghiệp lành.

Nhập vào chánh pháp là đem thiền định làm lợi ích chúng sinh. Dùng năng lực thần thông khiến chúng sinh bỏ tà, về với chánh đạo.

Các nghi ngờ là đem trí tuệ làm lợi ích chúng sinh. Các nghi ngờ dù của phàm hay của thánh cũng đều đứt hết.

Đã nói về Bồ-tát dùng sáu độ làm lợi ích chúng sinh, kế đây là nói về Bồ-tát làm bảy việc dường như lợi ích:

1. Lợi ích tương tự như mẹ.
2. Lợi ích tương tự như cha.
3. Lợi ích tương tự như bạn lành.
4. Lợi ích tương tự như bạn đồng hành.
5. Lợi ích tương tự như tôi tớ khỏe mạnh.
6. Lợi ích tương tự như như Xà-lê.
7. Lợi ích tương tự như Hòa-thượng.

Hỏi: Lợi ích tương tự như mẹ là sao? Kệ rằng:

Tâm bình đẳng cõi Thánh,
Lớn lành, ngừa các ác,
Truyền dạy bằng học rộng,
Năm nhiệp như mẹ hiền.

Giải thích: Như người mẹ hiền làm năm việc lợi ích cho con mình:

1. Mang thai.
2. Sinh nở.
3. Nuôi lớn.
4. Ngăn ngừa có hại.
5. Dạy bảo.

Bồ-tát làm lợi ích cho chúng sinh bằng năm việc cũng như vậy:

1. Tâm bình đẳng đối với chúng sinh.
2. Đặt chúng sinh vào đất Thánh.
3. Nuôi lớn các gốc lành.
4. Ngăn dứt các việc ác.
5. Truyền dạy bằng cách cho họ học rộng.

Đó gọi là năm việc tương tự như năm việc của bà mẹ. Thế nào là lợi ích tương tự như cha?

Kệ rằng:

Giúp lòng tin, giới, định,
Giúp giải thoát, khuyến thỉnh,
Cũng là ngăn chướng sau,
Năm nghiệp như cha lành.

Giải thích: Ví như người cha lành làm năm việc lợi ích cho con:

1. Cho con thân nầy.
2. Dạy con nghề khéo léo.
3. Cưới gả cho con.
4. Nhờ bạn lành dạy bảo.
5. Không mắc nợ ai để sau nầy con khỏi trả.

Bồ-tát cũng có năm việc như vậy:

1. Giúp chúng sinh có lòng tin làm hạt giống cho thánh thể.
2. Giúp chúng sinh học giới, định tăng thượng để làm nghề khéo léo.
3. Giúp chúng sinh an vui giải thoát, coi đó là sự cưới gả.
4. Giúp chúng sinh khuyến thỉnh Chư Phật coi đó là bạn lành.
5. Ngăn dứt các chướng ngại coi đó là dứt nợ nần.

Đó gọi là năm sự nghiệp tương tự như cha mà Bồ-tát làm.

Hỏi: Thế nào là lợi ích tương tự như bạn lành?

Kệ rằng:

Mật, sâu, và quở phạm,
Khen, giữ, và dạy trao,
Giúp biết các việc ma,
Năm việc như bạn lành.

Giải thích: Ví như bạn lành đã làm năm việc lợi ích cho mình là:

1. Dùng lời kín đáo để che chở.
2. Giúp mình dứt bỏ việc ác.
3. Khen ngợi việc làm tốt.
4. Giúp đỡ những việc mình làm.
5. Ngăn dứt quen theo thói xấu.

Việc ác có bốn thứ:

1. Săn bắn.
2. Làm việc gian dối, phi nghĩa.
3. Ham rượu chè.
4. Ham bài bạc.

Năm việc của Bồ-tát cũng như vậy:

1. Ai chưa lãnh hội nổi giáo pháp thì Bồ-tát dùng lời kín đáo sâu xa.
2. Ai phạm giới thì Bồ-tát quở trách đúng như pháp.
3. Ai giữ giới trọn vẹn thì Bồ-tát khéo léo khen ngợi.
4. Ai lo tu hành thì Bồ-tát dạy trao cho mau chứng quả.
5. Đối với việc ma, Bồ-tát giúp chúng sinh biết rõ. Đó gọi là năm việc tương tự như bạn lành của Bồ-tát Hỏi: Thế nào là tương tự đồng lữ đem lợi ích?

Kệ rằng:

Cho vui và cho lợi,
Thường vui, lợi cũng thường,
Cho đến không li tán,
Năm việc như đồng lữ.

Giải thích: Ví như bạn đồng lữ có trí khôn, làm năm việc lợi ích cho mình là:

1. Cho vui.
2. Cho lợi ích.
3. Thường cho vui.
4. Thường cho lợi ích.
5. Không trái lìa.

Bồ-tát cũng có năm việc như vậy:

1. Cho chúng sinh niềm vui không trái ngược. Ở đời, thành tựu sự nghiệp gọi là vui. Do đó, được thọ vui.
2. Cho lợi không trái ngược. Thành tựu việc xuất thế gọi là lợi. Do đó là đối trị các phiền não.

Ba việc còn lại, có thể hiểu lấy.

Đây gọi là việc tương tự như bạn đồng lữ của Bồ-tát.

Hỏi: Thế nào là lợi ích tương tự như tôi tớ khỏe mạnh?

Kệ rằng:

Thành sinh, mở xuất ly,
Nhẫn hại, hai việc thành,
Chỉ bày phương tiện khéo,
Năm việc như tớ mạnh.

Giải thích: Thí như tôi tớ khỏe mạnh làm năm việc lợi ích cho chủ:

1. Tận tuỵ với tất cả công việc.
2. Được tính trung thực, không gian dối.
3. Chịu đựng các việc đánh mắng của chủ.
4. Làm việc kỹ lưỡng tốt đẹp.
5. Biết phương tiện khéo léo.

Bồ-tát cũng có năm việc như vậy:

1. Thành thục chúng sinh.
2. Chỉ bày đường chính yếu xuất ly.
3. Chịu đựng các việc ác.
4. Đem vui cho thế gian.
5. Đem đến lợi ích xuất thế gian.

Đó gọi là năm sự nghiệp tương tự như tôi tớ khỏe mạnh của Bồtát.

Hỏi: Thế nào là lợi ích tương tự như xà lê?

Kệ rằng:

Trao khắp, bày cốt yếu,
Mặt thư thái, nói êm,
Không mong cầu trả ơn,
Năm việc như Xà-lê.

Giải thích: Người chứng Vô sinh nhẫn gọi là xà lê. Ví như bậc Xà-lê làm năm việc lợi ích cho đệ tử:

1. Dạy cho đệ tử hiểu các pháp.
2. Dạy cho đệ tử lối tu mau chứng.
3. Thân cảm giác được dung nhan thư thái.
4. Miệng biết được lời ngọt ngào.
5. Tâm không trông mong.

Bồ-tát có năm việc cũng như vậy, nên biết.

Hỏi: Thế nào là lợi ích như Hòa-thượng?

Kệ rằng:

Giúp đầy và giải thoát,
Dứt chướng, cho vui thế gian,
Và cho lợi xuất thế,
Năm việc như Hòa-thượng.

Giải thích: Ví như Hòa thượng làm năm việc lợi ích cho đệ tử:

1. Hóa độ cho xuất gia.
2. Cho đệ tử được thọ giới.
3. Ngăn cấm các lỗi.. Giữ chắc của cải.
4. Dạy trao giáo pháp.

Bồ-tát cũng có năm việc như vậy:

1. Giúp chúng sinh làm tròn hai nhóm.
2. Giúp chúng sinh được giải thoát.
3. Giúp chúng sinh dứt hất các chướng.
4. Cho vui thế gian.
5. Cho lợi xuất thế gian.

Đó gọi là năm việc làm như Hòa-thượng của Bồ-tát.

Đã nói về bảy việc lợi ích tương tự của Bồ-tát, kế đây là là nói về sáu điều trả ơn của chúng sinh. Kệ rằng:

Không đắm và không phạm,
Biết việc, cũng hạnh lành,
Tu sáu độ như vậy,
Là đền ơn Bồ-tát.

Giải thích: Như Bồ-tát đã làm lợi ích cho chúng sinh, thì chúng sinh báo đền công ơn của Bồ-tát cũng như vậy.

Không đắm là bố thí, để đền ơn Bồ-tát.

Không phạm: Giữ giới để đền ơn Bồ-tát.

Biết việc: là tu nhẫn để đền ơn. Bồ-tát rất quý mến hạnh nhẫn nhục, chúng sinh biết vậy mà làm theo, là đền ơn Bồ-tát.

Làm lành: là thực hành ba độ còn lại để trả ơn. Dùng tinh tấn thực hành thiền định, trí tuệ tức là được giải thoát. Ba độ sau gộp chung gọi là hạnh lành.

Đã nói về sáu điều mà chúng sinh đền ơn Bồ-tát, kế là nói về năm điều hi vọng của Bồ-tát. Kệ rằng:

Sáu thêm và sáu bớt,
Thành sinh và tiến địa,
Đại giác là năm chỗ,
Hi vọng có năm thứ.

Giải thích: Các vị Bồ-tát thường phát khởi hi vọng đối với năm chỗ:

1. Hi vọng sáu độ tăng trưởng.
2. Hi vọng sáu tệ tổn giảm.
3. Hi vọng thành thục chúng sinh.
4. Hi vọng tiến lên các địa.
5. Hi vọng Bồ-đề Vô thượng.
Đó gọi là năm thứ hi vọng.

Đã nói về năm thứ hi vọng của Bồ-tát. Kế là nói bốn thứ quả bất không của Bồ-tát. Kệ rằng:

Dứt sợ và phát tâm,
Trừ nghi cũng lập hạnh,
Bốn việc hóa chúng sinh,
Chắc chắn không quả suông.

Giải thích: Bốn việc làm lợi ích chúng sinh của Bồ-tát hẳn là quả bất không:

1. Nói pháp sâu xa cho chúng sinh, khiến họ không còn sợ hãi.
2. Giúp họ phát tâm Bồ-đề chắc chắn được quả Phật.
3. Khiến họ dứt nghi không còn nghi lại nữa.
4. Nói pháp sáu độ giúp họ tu tập vững chắc.

Đó gọi là bốn nghiệp của quả bất không.

Đã nói bốn thứ quả bất không của Bồ-tát, kế là nói về sáu thứ chánh hạnh của Bồ-tát. Kệ rằng:

Lìa cầu, lìa thân sau,
Khởi khắp các công đức trùm,
Tu thiền, xả Vô sắc,
Trí họp hạnh phương tiện.

Giải thích: Lìa mong cầu là bố thí theo hạnh chân chánh, không đền ơn.

Lìa thân sau là giữ giới, nhẫn nhục theo chánh hạnh nên không mong thân sau.

Khởi khắp các công đức là: Tinh tấn theo chánh hạnh.

Tu thiềnxả cõi Vô sắc là tu thiền định theo chánh hạnh.

Trí họp với hạnh phương tiện là: Hạnh Bát-nhã theo chánh hạnh. Ba luân thanh tịnh là Bát-nhã. Hồi hướng là phương tiện. Như Kinh Bảo Tích nói: “Bố thí không cầu đền ơn, nói rộng như vậy”.

Đã nói sáu hạnh chánh của Bồ-tát, kế là nói về sáu độ của Bồ-tát có phần tiến và thoái. Kệ rằng:

Tham của và phá giới,
Biếng nhác, thờ ơ (điều) lành,
Ham mùi vị, phân biệt,
Là thoái, ngược là tiến.

Giải thích: Nhân duyên đưa đến thoái lui là điều mà sáu độ đối trị.

Trái lại với những điều bị đối trị ấy là năng đối trị, nên biết, đó là nhân duyên đưa đến tiến lên.

Đã nói về sáu độ của Bồ-tát với phần tiến và thoái của nó. Kế là, nói về công đức chân, tợ của sáu độ của Bồ-tát. Kệ rằng:

Nhận giả và tướng giả,
Vui, siêng năng dối trá,
Thân tĩnh, miệng nói khéo,
Là tự, ngược là chân.

Giải thích: Chấp nhận giả là dường như bố thí. Nghĩa là nói với người xin rằng: ông hãy lấy tất cả mà dùng tùy ý, nhưng khi người ấy đến lấy thì keo kiệt không cho.

Tướng giả dối là giống như người giữ giới, nghĩa là che giấu các điều xấu, bên ngoài hiện oai nghi tốt đẹp.

Vui mừng giả vờ là giống như nhẫn nhục, nghĩa là dùng lời ngon ngọt suông, nhưng có âm mưu chờ lúc hại người.

Siêng năng giả dối là giống như tinh tấn, nghĩa là nói suông rằng: Ta mong cầu được quả Phật, nhưng thật trong lòng thì cầu quả báo thế gian.

Thân trầm tĩnh là giống như thiền định, nghĩa là thân, miệng thì tỏ vẻ đoan trang lặng lẽ nhưng biết trong tâm đang bị những điều đen tối quấy động.

Miệng ăn nói khéo léo là giống như Bát-nhã, nghĩa là với người thì nói rất hay, nhưng chính mình thì không thực hành được điều gì.

Đó là sáu điều không chân chính, trái với những điều bất chân ấy tức là chân chính.

Đã nói công đức chân, tự của Bồ-tát, kế là nói về Bồ-tát xua tan sáu tệ của chúng sinh. Kệ rằng:

Với hạnh sáu độ ấy,
Trừ sáu tệ chướng kia,
Bồ-tát độ chúng sinh,
Mỗi địa đều như vậy.

Giải thích: Chúng sinh có sáu tệ, ngăn che sáu Ba-la-mật. Đó là tham lam, bỏn sẻn, phá giới, giận dữ, lười biếng, tâm tán loạn và ngu si. Theo thứ lớp ấy mà Bồ-tát cấp cho chúng sinh những gì cần thiết giúp họ thực hành bố thí, cho đến giúp họ thực hành Bát-nhã, khiến sáu tệ kia bị xua tan hết, tức là cho họ hạnh bố thí cho đến thực hành Bát-nhã.

Đã nói về Bồ-tát xua tan sáu tệ của chúng sinh. Kế là, nói về Chư Phật trao thọ ký cho Bồ-tát nhận. Kệ rằng:

Thọ ký có hai thứ,
Người khác và thời khác,
Chuyển ký và đại ký,
Món nầy lại có hai.

Giải thích: Thọ ký có hai thứ là:

1. Người khác nhau.
2. Thời gian khác nhau.

Sự khác nhau về người được thọ ký, có bốn thứ:

1. Người chưa phát tâm được thọ ký, nghĩa là vị trí, tính chất họ.
2. Được thọ ký khi đã phát tâm.
3. Thọ ký ở hiện tiền.
4. Thọ ký không hiện tiền.

Thọ ký do thời gian khác nhau, có hai thứ:

1. Thọ ký có giới hạn thời gian.
2. Thọ ký trong thời gian không giới hạn.

Lại nữa, còn có hai thứ thọ ký:

1. Chuyển thọ ký.
2. Đại thọ ký.

Chuyển thọ ký nghĩa là thọ ký cho Bồ-tát kia, sau nầy sẽ được gặp Như lai như thế, với hoàn cảnh như thế.

Hỏi: Thế nào là đại thọ ký?

Kệ rằng:

Bát địa, được vô sanh,
Dứt mạn, dứt công dụng,
Chư Phật và Phật tử,
Cùng một thể đồng như.

Giải thích: Đại thọ ký là khi ở địa thứ tám, Bồ-tát chứng được vô sinh nhẫn, do chướng ngại đã dứt, nên tự bảo: Ta sẽ thành Phật từ từ, do dứt trừ tất cả tướng phân biệt công dụng, cho nên được cùng một thể với Chư Phật và Bồ-tát.

Hỏi: Thế nào là đồng một thể?

Đáp: Do không còn thấy sự khác nhau giữa Chư Phật, Chư Bồ-tát và thân mình. Vì sao? Vì đồng nhất như. Kệ rằng:

Cõi nước và tên gọi,
Hoàn cảnh và tên kiếp,
Quyến thuộc và pháp trụ,
Ký lại có sáu thứ.

Giải thích: Lại có sáu thứ thọ ký:

1. Ở cõi nước như vậy.
2. Có tên gọi như vậy.
3. Trải qua hoàn cảnh như vậy.
4. Có kiếp tên như vậy.
5. Có quyến thuộc như vậy.
6. Chánh pháp còn ở đời trong hoàn cảnh như vậy.

Đã nói về việc Chư Phật thọ ký, kế là, nói về sáu thứ quyết định của Bồ-tát. Kệ rằng:

Của thành và sinh cao,
Không lui và tu tập,
Định nghiệp, vô công dụng,
Sáu việc chắc chắn thành.

Giải thích: Vì sáu độ tăng thượng nên Bồ-tát có được sáu thứ quyết định.

1. Quyết định thí của thành tựu. Vì thí ấy nên Bồ-tát thành tựu của cải, lớn lao.
2. Quyết định nơi sinh tốt đẹp. Vì giữ giới nên thường được sinh vào nơi nào mình thích.
3. Quyết định không lui sụt. Vì chịu đựng các khổ nên không nao núng.
4. Quyết định tu tập. Vì mãi siêng năng nên tu điều lành không bao giờ dừng nghỉ.
5. Quyết định định nghiệp. Vì tu thiền thành tựu nên nghiệp chúng sinh không bao giờ lui sụt.
6. Quyết định vô công dụng. Vì trí được nhẫn vô sinh, vô phân biệt nên an trụ tự tại.

Đã nói sáu thứ quyết định của Bồ-tát, kế là nói về sáu điều cần phải làm của Bồ-tát. Kệ rằng:

Cúng dường và học giới,
Tu bi, siêng làm lành,
Lìa ồn, sâu pháp lạc,
Là sáu việc phải làm.

Giải thích: Các vị Bồ-tát để sáu độ thành tựu, nên trong các địa, phải làm sáu việc:

1. Cần phải cúng dường, đây là thành tựu độ bố thí. Nếu không cúng dường qua thời gian lâu dài thì độ bố thí không tròn đầy. Ý nghĩa cúng dường trong phẩm Cúng Dường đã nói.
2. Cần phải học giới, đây là thành tựu độ giới. Nếu không học giới trong thời gian dài thì độ giới không tròn đầy.
3. Cần phải tu tập đại bi, đây là thành tựu độ nhẫn. Nếu không tu nhẫn trong thời gian lâu dài thì đối với những việc không lợi ích thì, nhẫn sẽ không tròn đầy.
.4 Cần phải siêng làm điều lành, đây là thành tựu độ tinh tấn. Nếu để tâm buông lung, không tu các pháp độ tinh tấn sẽ không tròn đầy.
5. Cần phải lìa nơi ồn náo, đây là thành tựu độ định. Nếu ở trong xóm làng đầy ồn náo khiến tâm rối loạn thì độ thiền định không tròn đầy.
6. Cần phải ham mê chánh pháp, đây là thành tựu độ trí tuệ. Nếu không nghe pháp của Chư Phật, không biết thỏa mãn, như biển nuốt các dòng sông nhưng không bao giờ tràn đầy thì độ trí tuệ không tròn đầy.

Đã nói sáu điều cần phải làm của Bồ-tát, sau đây là nói về sáu điều cần phải thường làm của Bồ-tát. Kệ rằng:

Chán trần, và tự tỉnh,
Chịu khổ, tu pháp lành,
Không vị, vô phân biệt,
Sáu hạnh phải làm mãi.

Giải thích: Để thành tựu sáu độ, nên Bồ-tát phải thường làm sáu việc:

1. Nhàm chán trần dục, là biết sai lầm của năm dục. Như phân nhơ dù ít vẫn hôi thúi, quả báo bố thí dù nhiều vẫn khổ. Do tâm không bi mê đắm nên có công năng thực hành ba phép bố thí. Nhờ tu mãi hạnh nầy mà đàn độ tròn đầy.

2. Tự tĩnh, nghĩa là sáu thời đêm ngày, thường quán xét những việc làm của ba nghiệp. Biết sai lầm thì sửa đổi. Thường tu tỉnh việc ấy thì độ giới tròn đầy.

3. Chịu đựng khổ nhọc. Nếu có ai đến gây những việc hư hại, thì mình phải biết chịu đựng các khổ về nóng lạnh v.v… Tu tập mãi hành nầy thì độ nhẫn tròn đầy.

4. Tu pháp lành, pháp lành là sáu Ba-la-mật. Đối với các địa tu mãi pháp nầy thì độ tinh tấn tròn đầy.

5. Không ham mê vị là không đắm chìm trong nguồn vui cao thiền định mà thường sinh trở lại trong cõi dục. Tu mãi pháp nầy thì độ thiền định tròn đầy.

6. Vô phân biệt là đối với tướng mạo khác của ba Luân, không khởi phân biệt. Tu mãi pháp nầy thì độ trí tuệ tròn đầy.

Đã nói sáu điều mà Bồ-tát phải thường thực hành. Kế là nói về sáu chủng loại vượt bậc của sáu độ của Bồ-tát. Kệ rằng:

Pháp thí và thánh giới,
Vô sinh khởi Đại thừa,
Định, bi, trí như thật,
Sáu hạnh nầy vượt cao.

Giải thích: Bố thí có nhiều thứ, nhưng bố thí pháp là tối thượng.

Giới có nhiều thứ, nhưng giới không sai sót mà bậc Thánh ưa thích, được gọi là tối thượng. Nhẫn có nhiều thứ, nhưng nhẫn vô sinh ở tám địa, được gọi là tối thượng. Tinh tấn có nhiều thứ, nhưng lấy tâm Đại thừa độ giúp chúng sinh khỏi khổ được gọi là tối thượng. Định có nhiều thứ, nhưng thiền định xuất thế thứ tư gộp với đại bi được gọi là tối thượng. Trí tuệ có nhiều, nhưng lấy trí tuệ thông đạt các pháp làm tối thượng.

Đã nói chủng loại sáu độ vượt bậc của Bồ-tát. Kế là nói về bốn thứ giả lập ra. Kệ rằng:

Lập pháp và lập đế,
Lập lý cũng lập thừa,
Năm, bảy, bốn ba thứ,
Giả lập ra khác nhau.

Giải thích: Bốn thứ giả lập ra là:

1. Giả lập ra pháp.
2. Giả lập ra đế.
3. Giả lập ra đạo lý.
4. Giả lập ra thừa.

Hỏi: Mỗi thứ ấy còn có bao nhiêu thứ nữa?

Đáp: Giả lập ra pháp có năm thứ khác nhau.

Giả lập ra đế, có bảy thứ khác nhau.

Giả lập ra đạo lý, có bốn thứ khác nhau.

Giả lập ra thừa có ba thứ khác nhau.

Năm thứ giả lập ra pháp là: Kệ rằng:

Đó làm năm minh xứ,
Đều chủng loại Đại thừa,
Tu-đa, kỳ-dạ thảy,
Chủng loại có khác nhau.

Giải thích: Giả lập ra pháp có năm thứ: Tức là Năm minh Luận. Năm minh nầy đều là chủng loại khác nhau của Tu-đa-la, Kỳ-dạ, của Đại thừa. Năm Minh xứ, như trong phần phẩm giác đã nói. Giả lập đế, có bảy thứ là. Kệ rằng:

Luân chuyển và không tướng,
Duy thức và y chỉ,
Tà hạnh cũng thanh tịnh,
Chánh hạnh như bảy thứ.

Giải thích: Bảy thứ khác nhau là bảy thứ như:

1. Như luân chuyển.
2. Như không tướng.
3. Như Duy thức.
4. Như y chỉ.
5. Như tà hạnh.
6. Như thanh tịnh.
7. Như chánh hạnh.

Như luân chuyển là sinh tử, tức tâm, tâm pháp của ba cõi. Tâm pháp nầy phát sinh từ phân biệt. Sự phân biệt nầy lại sinh từ nhân duyên, không phát sinh từ nhân của trời Tự Tại cũng không phải sinh không có nhân. Do phân biệt cảnh giới không nên bất cứ lúc nào cũng chỉ có hai tính là y tha, phân biệt luân chuyển.

Như không tướng là pháp vô ngã, tất cả các pháp đều lấy cùng một không như làm tướng.

Như Duy thức là trí vô phân biệt.

Như y chỉ là khổ đế, món nầy có hai thứ:

1. Khí thế gian.
2. Chúng sinh thế gian.

Như tà hạnh là tập đế, đây chính là ái.

Như thanh tịnh là diệt đế, món nầy có hai thứ:

1. Chướng phiền não thanh tịnh.
2. Chướng trí tuệ thanh tịnh.

Như chánh hạnh như là đạo đế.

Bảy thứ như thế ấy gọi là giả lập đế. Trong đây nên biết ba thứ như thị, hai tính phân biệt và y tha nghĩa là như luân chuyển, như y chỉ, như tà hạnh.

Bốn thứ như thị tính chân thật là như không tướng, như Duy thức, như thanh tịnh và như chánh hạnh như.

Hai tính y tha, phân biệt thuộc về thế tục đế.

Chân tính là thuộc về chân đế.

Giả lập ra đạo lý có bốn thứ. Kệ rằng:

Quả chánh tư, chánh kiến,
Lấy lượng trạch pháp thảy,
Cũng nói không nghĩ bàn,
Đạo lý, có bốn thứ.

Giải thích: Giả lập ra đạo lý có bốn thứ:

1. Đạo lý đợi nhau.
2. Đạo lý nhân quả.
3. Đạo lý thành tựu.
4. Đạo lý pháp nhiên.

Đạo lý đợi nhau, đối đãi nhau là chánh tư duy, vì phải đợi suy nghĩ chân chánh thì cái thấy đúng (chánh kiến) mới phát sinh để xuất thế gian. Nếu lìa chánh tư duy thì không còn phương tiện nào khác.

Đạo lý nhân quả là chánh kiến và quả của nó.

Đạo lý thành tựu là dùng hiện lượng v.v… Lựa chọn các pháp.

Đạo lý pháp nhiên: cái gọi là chỗ không thể nghĩ bàn, do pháp đã thành nên đã thành gọi là như.

Hỏi: Vì sao chánh tư duy rồi mới phát sinh chánh kiến? Do pháp nầy đã thành tựu nên không còn suy nghĩ nữa.

Hỏi: Vì sao chánh kiến có công năng dứt trừ phiền não và được quả vắng lặng? Do pháp nầy đã thành tựu nên không còn suy nghĩ nữa.

Các nghĩa như thế đều là đạo lý pháp nhiên.

Bốn thứ như thế gọi là giả lập ra đạo lý.

Bài kệ sau đây cho biết về ba thứ giả lập ra thừa:

Tâm, thuyết, hành, tụ, quả,
Năm có hạ, trung, thượng
Nương khác (nhau) ba phẩm nầy,
Lập ra có ba thừa.

Giải thích: Nương vào năm nghĩa của ba phẩm mà lập ra ba thừa.

Năm nghĩa gồm:
1. Tâm. 2. Thuyết.3. Hạnh. 4. Nhóm, 5. Quả.

Ba phẩm là hạ, trung, thượng. Nếu năm việc nầy của Thanh văn đều thuộc phẩm hạ thì tâm thấp kém là tâm chỉ cầu giải thoát cho mình.

Thuyết hạ là nói giáo pháp nhằm lợi mình, hạnh hạ việc làm để lợi mình. Nhóm hạ là phước trí nhỏ hẹp, chỉ trong phạm vi ba đời, quả hạ là chứng quả Thanh văn.

Còn Duyên giác thì đủ năm việc nầy đều thuộc phẩm trung, như năm việc nầy đầy đủ của Bồ-tát thì thuộc phẩm thượng. Tâm thượng là bốn thứ tâm ơn, như kinh Kim cương Bát-nhã nói:

Thuyết thượng là như tâm ơn kia suy nghĩ như vậy mà nói pháp.

Hạnh thượng là như pháp đã nói như vậy mà làm như vậy.

Nhóm thượng làm những việc như thế mà làm thì được nhóm đầy đủ như vậy.

Quả thượng là như nhóm đầy đủ kia mà chứng Bồ-đề Vô thượng.

Lại nữa, hoặc thừa Thanh văn nghe người nói pháp rồi tự suy ngẫm bên trong, do trí vô phân biệt mà chứng quả. Hoặc thừa Duyên giác tự mình suy ngẫm, không phải nghe người khác nói, dùng trí vô phân biệt mà chứng quả. Hoặc thừa Bồ-tát, không nghe người khác nói, dùng trí vô phân biệt mà chứng quả, ba hạng như vậy gọi là giả lập ra thừa.

Đã nói bốn thứ giả lập ra, kế đây là nói Bồ-tát cầu hiểu bốn thứ, Kệ rằng:

Tên vật lẫn làm khách,
Hai tính đều là giả,
Hai khác không thật có,
Gọi là bốn nghĩa cầu.

Giải thích: Bốn điều cần tìm hiểu các pháp của Bồ-tát là:

1. Tìm hiểu tên gọi.
2. Tìm hiểu sự vật.
3. Tìm hiểu tự tính.
4. Tìm hiểu khác nhau.

Tìm hiểu tên gọi là suy nghĩ tên gọi chỉ là khách đối với vật.

Tìm hiểu sự vật là suy nghĩ vật chỉ là khách đối với tên.

Tìm hiểu tự tính là suy nghĩ tự tính của tên gọi và biết tự tính của vật đều là giả.

Tìm hiểu sự khác nhau là suy nghĩ sự khác nhau của tên gọi và sự khác nhau của vật, biết chúng chỉ là không, nên chắc chắn là không thật có.

Đã nói về bốn việc tìm hiểu, kế là nói phân biệt biết bốn thứ như thật. Kệ rằng:

Chân trí có bốn thứ,
Tên thảy không thật có,
Hai lợi, nghiệp Đại thừa,
Thành tựu trong các địa.

Giải thích: Đối với các pháp, các Bồ-tát có bốn thứ biết như thật:

1. Duyên vào tên gọi mà biết như thật.
2. Duyên vào vật mà biết như thật.
3. Duyên vào tự tính mà biết như thật.
4. Duyên vào sự khác nhau mà biết như thật.

Hiểu biết như thật là biết tất cả tên gọi đều không thật có.

Làm hai lợi ích là nghiệp Đại thừa, thành tựu trong các địa là trong các địa, Bồ-tát khởi lên việc làm lớn lao làm lợi mình và lợi người. Đó gọi là biết nghiệp như thật. Kệ rằng:

Trụ trì và thọ dụng,
Hạt giống, hợp ba nhân,
Nương và tâm, pháp,
Hạt giống có trói buộc.

Giải thích: Ba nhân là:

1. Nhân trụ trì.
2. Nhân thọ dụng.
3. Nhân hạt giống.

Nhân trụ trì là khí thế giới. Nhân thọ dụng là cảnh giới năm dục. Nhân hạt giống là thức A-lê-da. Thức nầy là nhân của hạt giống các pháp trong, ngoài. Ba nhân nầy như sợi dây tức là năng tạo buộc.

Hỏi: Sự tạo buộc ấy, là tạo buộc những gì?

Đáp: Chỗ nương và tâm pháp, hạt giống cũng bị tạo buộc do ba thứ:

1. Nương.
2. Tâm pháp.
3. Thức A-lê-da.

Hỏi: Nương là nương cái gì? Đáp: Là sáu căn, mắt v.v… Hỏi: Thức A-lê-da là những gì?

Đáp: Nó là hạt giống của các pháp trong ngoài thuộc ba cõi, trong đây chỉ có thức A-lê-da là thức có thể ràng buộc. Không có nhân ngã có thể buộc được. Đó gọi là biết như thật về sự trói buộc. Kệ rằng:

Đặt tướng ở trước tâm,
Cho đến trụ tự nhiên,
Tất cả đều quán sát,
Đến được Đại Bồ-đề.

Giải thích: Đặt ở tướng trước tâm là tướng an ổn là phương tiện văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ, do người duyên vào đối tượng mà phân biệt khởi lên. Gọi là tướng an ổn, cho đến an trụ tự nhiên là do tướng kia tự tính nó hiện tiền, không còn phân biệt nên gọi là trụ tự nhiên.

Tất cả đều phải quán xét là hai sở duyên kia là thể của đối tượng, vô phân biệt. Dùng phương tiện nầy để đối trị các tướng. Hai đối tượng ấy nên quán xét chúng theo thứ lớp, là trước phải quán xét tướng an ổn, sau quán xét tướng an trụ tự nhiên. Hai phương pháp quán xét nầy đều không phải thể của sở duyên. Sự quán xét ấy hễ khởi bốn thứ trái ngược thì nó bị tiêu diệt theo thứ lớp.

Cho đến được đại Bồ-đề là nếu người tu hành chỉ quán xét tướng người thì chỉ được Bồ-đề Thanh văn, Duyên giác. Nếu quán xét tướng của tất cả pháp tức là Bồ-đề Vô thượng. Như thế tùy theo cái gì mình bị 66 trói buộc mà được giải thoát, đó gọi là biết như thật về giải thoát.

Hỏi: Giải thoát nầy do đâu mà biết được do đâu mà diệt hết?

Kệ rằng:

Nếu trí duyên chân như,
Xa lìa hai chấp ấy,
Cũng biết nhân huân nhóm,
Tính y tha sạch làu.

Giải thích: Nếu biết đủ ba tính thì dứt sạch hết tính y tha.

Nếu trí duyên vào chân như là biết được tính chân thật.

Xa lìa hai chấp kia là biết tính phân biệt.

Cũng biết nhân của huân nhóm là biết được tính y tha.

Tính y tha sạch làu nghĩa là vì biết ba tính nên sự huân tập nhóm bị diệt hết. Huân tập nhóm là thức A-lê-da.

Hỏi: Sự sạch làu nầy có công đức gì? Kệ rằng:

Trí duyên chân như ấy,
Quán xét không tướng khác,
Có, không có hiện thấy,
Tưởng tác tự tại thành.

Giải thích: Quán xét không thấy tướng khác là do không nhận thấy có khác nhau biệt tướng và Như. Ở đây là nói sự khác nhau giữa Nhị thừa và Bồ-tát là nhận thấy sự khác nhau của tướng Nhị thừa và tướng Không. Thấy như vậy rồi liền buông xả các tướng. Trong cõi vô tướng, phát sinh tác ý làm duyên nhập vào Tam-muội vô tướng. Bồ-tát thì không như vậy, là ngoài chân như, không thấy có các tướng riêng. Trong cõi vô tướng, cũng thấy là vô tướng, trí Bồ-tát tu tập mỗi thứ tướng tu.

Có, chẳng có hiện thấy là: Có tên cảnh giới chân như, chứ không phải có tên tướng mạo trong ấy, là vì hiện thấy.

Bởi tưởng nên các việc tự tại thành là muốn trổ phép thần thông hay làm tất cả các việc đều vì tưởng nhớ phân biệt mà thành tựu. Đó là lợi ích của sự nhận biết như thật.

Hỏi: Làm thế nào nói về hai cái thấy của phàm phu và Bồ-tát?

Kệ rằng:

Che thật, thấy không thật,
Nên biết là phàm phu,
Thấy thật, che không thật,
Đó gọi là Bồ-tát.

Giải thích: Phàm phu không dụng công thì không thấy chân như.

Họ chỉ thấy những cái không chân thật. Bồ-tát không dụng công mà thấy chân như, chẳng thấy cái không chân thật.

Hỏi: Đã thấy sự khác nhau giữa phàm phu và Bồ-tát. Thế nào là chuyển y và được giải thoát?

Kệ rằng:

Không thấy, thấy nên biết,
Cảnh không nghĩa, có nghĩa,
Chuyển y và giải thoát,
Do đã được tự tại.

Giải thích: Cảnh giới vô nghĩa là các tướng. Đây là không thấy. Cảnh giới có nghĩa là chân như. Đây là thấy, như thế gọi là chuyển y. Thấy cảnh giới chấp là không có tự thể. Và thấy chân như có tự thể. Như thế gọi là giải thoát. Vì sao? Vì được tự tại. Tự tại là theo ý mình chuyển biến tự nhiên, các cảnh giới không hiện hành. Như kinh nói: Có tướng là bị trói buộc. Nếu đã bị trói buộc thì không có giải thoát. Không hiện hành tất cả cảnh giới tức là giải thoát.

Hỏi: Thế nào là biết như thật về phương tiện tịnh độ?

Kệ rằng:

Chúng sinh cùng một chủng,
Cảnh, địa đều thấy khắp,
Đó là chướng tịnh độ,
Nên biết, cũng nên xả.

Giải thích: Chúng sinh đồng một chủng loại, cảnh, địa đều thấy cùng khắp là khí thế giới là đại cảnh địa. Tất cả chúng sinh cùng thấy một chủng loại, như nhau nên họ đều nói đây là đại địa.

Đó là chướng tịnh độ, nghĩa là họ thấy như vậy tức là gây chướng ngại cho phương tiện tịnh độ.

Phải biết: Cũng nên xả: là khi biết tưởng ấy là chướng ngại nên Bồ-tát liền siêng năng xả bỏ tưởng ấy. Đó gọi là đối trị.

Đã nói g bốn thứ biết như thật của Bồ-tát, kế là nói về năm thứ vô lượng của Bồ-tát. Kệ rằng:

Ứng hóa và ứng tịnh,
Ứng đắc và ứng thành,
Ứng thuyết là năm việc,
Bồ-tát năm vô lượng.

Giải thích: Năm việc vô lượng là:

1. Việc ứng hóa vô lượng, do xếp vào tất cả chúng sinh giới.
2. Việc ứng tịnh vô lượng, do xếp vào tất cả khí thế giới.
3. Việc ứng đắc vô lượng, do xếp vào tất cả pháp giới.
4. Việc ứng thành vô lượng, do xếp vào tất cả chúng sinh đáng được giáo hóa.
5. Việc ứng thuyết vô lượng, do xếp vào mười hai bộ kinh làm phương tiện giáo hóa chúng sinh.

Đã nói về năm thứ vô lượng của Bồ-tát, kế là nói về Bồ-tát nói pháp có tám quả. Kệ rằng:

Phát tâm và đắc nhẫn,
Tịnh nhãn và lậu hết,
Pháp trụ học cùng dứt,
Thọ dụng là tám quả.

Giải thích: Do siêng năng nói pháp nên Bồ-tát được tám thứ quả:

1. Những người nghe pháp, có người phát tâm Bồ-đề.
2. Có người được vô sinh nhẫn.
3. Có người được mắt pháp trong sạch, vì họ đã lìa khỏi các nhơ bẩn. Đây thuộc về hạ thừa.
4. Có người sạch hết các lậu.
5. Khiến chánh pháp còn lâu dài ở thế gian. Việc nói chánh pháp nầy được nhiều người lần lượt vâng giữ thọ trì.
6. Đối với nghĩa chưa học thì giúp họ học nghĩa pháp.
7. Những ai chưa dứt ngờ vực thì giúp họ ngờ vực.
8. Hết sạch ngờ vực thì khiến họ sống với chánh pháp, hưởng chất ngọt của đại vui mừng mà không có gì chướng ngại được.

Đã nói Bồ-tát nói pháp được tám thứ quả, kế đây là nói bảy ý nghĩa lớn của Đại thừa. Kệ rằng:

Duyên, hạnh, trí, cần, xảo.
Quả, sự đều đầy đủ,
Nương bảy nghĩa lớn nầy,
Mà lập ra Đại thừa.

Giải thích: Khi đã đầy đủ bảy nghĩa lớn thì gọi là Đại thừa.

1. Duyên lớn, vì lấy Tu-đa-la pháp rộng lớn làm duyên.
2. Hạnh lớn vì việc làm lợi ích cho chính mình và người đầy đủ.
3. Trí lớn, vì thông suốt cùng lúc hai thứ nhân vô ngã, pháp vô ngã.
4. Siêng năng lớn, vì tu hành trải qua ba đại A-tăng-kì kiếp.
5. Xảo lớn, vì không xả sinh tử và không bị nhiễm ô.
6. Quả lớn, vì đạt được sức mạnh của không sợ hãi và pháp bất công.
7. Sự nghiệp lớn: vì thường thị hiện đại Bồ-đề, đại Niết-bàn.

Đã nói về bảy ý nghĩa lớn của Đại thừa, kế đây là nói về tám pháp nhiếp hóa của Đại thừa. Kệ rằng:

Tính, tín, tâm, hạnh, nhập,
Thành, tịnh, Bồ-đề cao,
Tám thứ việc như vậy,
Đều thuộc về Đại thừa.

Giải thích: Tám việc vừa nói, là gồm thâu tất cả Đại thừa:

1. Chủng tính, như phẩm Tính đã nói.
2. Tin pháp, như phẩm Tín đã nói.
3. Phát tâm, như phẩm Phát Tâm đã nói.
4. Hạnh, như trong phẩm Hóa Độ đã nói.
5. Nhập đạo, như trong phẩm Giáo Thọ đã nói.
6. Thành thục chúng sinh là bảy địa đầu.
7. Tịnh Phật quốc độ là địa bất thoái thứ tám.
8. Bồ-đề thắng là cõi Phật.

Bồ-đề có ba thứ: Bồ-đề của Thanh văn, Bồ-đề của Duyên Giác, Bồ-đề của Phật. Bồ-đề của Phật là rộng lớn là tốt đẹp. Từ cõi Phật nầy, thị hiện Đại Bồ-đề, Đại Niết-bàn.

Đã nói tám pháp nhiếp hóa của Đại thừa, kế là nói về năm hạng người khác nhau của Bồ-tát. Kệ rằng:

Hạnh Tín và tịnh hạnh,
Hạnh Tướng, hạnh vô tướng,
Cho đến hạnh vô tác,
Nương các địa khác nhau.

Giải thích: Bồ-tát có năm loại khác nhau:

1. Người tín hạnh là các địa trước tu tập một A-tăng-kỳ kiếp.
2. Người tu tịnh tâm hành, là người mới nhập Sơ địa.
3. Người hạnh tướng là ở địa thứ hai đến địa thứ sáu.
4. Người hạnh vô tướng, nghĩa là ở địa thứ bảy.
5. Người hạnh vô tác là ở ba địa sau.

Đã nói năm loại Bồ-tát khác nhau. Kế là nói về các tướng khác nhau của Bồ-tát. Kệ rằng:

Không đắm và thanh tịnh,
Dẹp giận, nuôi siêng năng,
Bất động và thấy thật,
Có dục gọi Bồ-tát.

Giải thích: Bài kệ nầy dùng pháp môn tự lợi để nói tướng của Bồ-tát. Không đắm là có công năng làm việc bố thí. Không bị vướng mắc các ham muốn. Thanh tịnh là có công năng giữ giới. Dẹp giận thì có công năng nhẫn nhục. Nuôi đức siêng năng thì có thể tinh tấn. Không bị lay động là có thể tu định, thấy chân thật là có thể tu trí. Có dục là có năng lực ưa thích đại Bồ-đề.

Thực hành bảy việc nầy, gọi là tướng của Bồ-tát. Kệ rằng:

Tùy nhiếp và vô hại,
Chịu tổn, nuôi sức dũng,
Không buông lung, học rộng,
Lợi họ, gọi là Bồ-tát.

Giải thích: Bài kệ nầy dùng pháp môn lợi tha để nói về tướng của Bồ-tát. Thuận theo nhiếp hóa là bố thí. Dùng bốn nhiếp pháp mà gom chúng sinh về. Không gây hại là giữ giới. Tự tánh của mình là không gây hại cho ai. Chịu đựng người hại là nhẫn. Kẻ khác đến gây việc ngược ngạo, nhưng đây không có ý trả thù, gây hại họ. Nuôi sức mạnh mẽ là tinh tấn. Cứu giúp chúng sinh trong đau khổ mà không lui sụt. Sống không buông lung là định. Không say đắm chất ngọt thiền định, mà sinh vào cõi thấp. Học rộng là trí tuệ, có công năng dứt hết các lưới nghi ngờ của chúng sinh.

Siêng năng làm lợi ích cho kẻ khác như vậy là tướng của Bồ-tát.

Kệ rằng:

Chán của, và xả dục,
Quên oán siêng hành thiện,
Tướng khéo, không ác kiến,
Nội trụ gọi Bồ-tát.

Giải thích: Bài kệ nầy dùng pháp môn trụ công đức để nói về tướng Bồ-tát. Nhàm chán của cải là trụ vào công đức bố thí, biết rõ lỗi của bỏn sẻn của cải sẽ đoạ vào đường ác, đời sau sẽ nghèo túng.

Xả bỏ ham muốn là trụ vào công đức giữ giới, nếu mê đắm năm dục thì không có công năng xuất gia thọ trì cấm giới.

Quên thù oán là trụ vào công đức nhẫn nhục, nên có ai đến hại mình, nhưng mình không có tâm báo oán. Có tâm báo oán thì như khắc bức hoạ trên đá. Không có lòng báo oán thì như vẽ trên nước. Một đàng sinh vào đường ác, một đàng sinh vào đường lành.

Làm lành siêng năng là trụ vào công đức tinh tấn, do hoặc thực hành sáu pháp Ba-la-mật để đem lợi ích cho mình và người.

Tướng khéo là trụ vào công đức của thiền định, khéo phân biệt ba thứ tướng: Chỉ, cử, xả.

Không có ác kiến là trụ vào công đức của trí tuệ, tất cả các thứ tướng đều không thật có.

Yên trụ bên trong là trụ vào công đức của thệ nguyện. Bên trong nghĩa là trụ bất động của luận Đại thừa. Kệ rằng:

Đủ bi và khởi thẹn,
Chịu khổ, và xả vui,
Giữ niệm, khéo nhiếp định,
Không xả, gọi Bồ-tát.

Giải thích: Bài kệ nầy dùng pháp môn bất thoái để nói tướng của Bồ-tát. Đầy đủ lòng thương là bố thí không lui sụt. Thương xót kẻ khổ nên thường bố thí.

Sinh tâm hổ thẹn là giữ giới không lui sụt. Bồ-tát nghĩ rằng đời nầy, đời sau và pháp, con người, cho nên không làm điều sai quấy.

Chịu khổ là nhẫn nhục không lui sụt, là chịu đựng tất cả gió mưa nóng rét và các việc do kẻ khác gây hại. Bỏ vui mừng là tinh tấn không lui sụt là do có công năng làm mãi công việc với siêng năng, đem vui cho các người , không màng đến vui thú riêng. Giữ niệm chắc chắn là thiền định không lui sụt là người khéo gom tâm về bằng sức mạnh của niệm. Thiền định khéo là tuệ không lui sụt, trí vô phân biệt có đầy đủ. Không buông lơi là nguyện không lui sụt, là không buông bỏ pháp Đại thừa. Kệ rằng:

Trừ khổ không gây khổ,
Nhận khổ không sợ khổ,
Giải khổ không nghĩ khổ,
Muốn khổ gọi Bồ-tát.

Giải thích: Bài kệ nầy dùng pháp môn lìa khổ để nói tướng của Bồ-tát. Trừ khổ là bố thí. Đem vật cho ai là khiến họ hết nghèo cùng.

Không gây khổ là giữ giới, do khi sống giữ giới thì mới không gây khổ cho kẻ khác.

Nhận khổ là nhẫn nhục, khi làm việc lợi ích cho mình, cho người thì có thể chịu các khổ não.

Không run sợ khổ là tinh tấn, khi làm những việc khó làm thì thường không bị lui sụt.

Giải thoát khổ là định là khi lìa khỏi ham muốn cõi Dục là giải thoát khổ khổ.

Không nghĩ đến khổ là tuệ, khi ba luân thanh tịnh thì không sinh ra ý niệm phân biệt.

Muốn khổ là nguyện là do thu phục, giáo hóa chúng sinh nên an vui trong sinh tử. Kệ rằng:

Pháp lạc và pháp tính,
Pháp quở, pháp siêng năng,
Pháp tự tại, pháp sáng,
Hướng pháp, gọi Bồ-tát.

Giải thích: Bài kệ nầy dùng pháp môn nhiếp hóa để nói về tướng của Bồ-tát. Pháp lạc là bố thí, dùng các pháp như ái ngữ, v.v… để bố thí.

Tự tính các pháp là giới, tự tính là che chở, giữ gìn.

Pháp quở trách là nhẫn nhục do pháp nầy chê bai sự giận dữ.

Pháp siêng năng là tinh tấn, siêng thực hành pháp Đại thừa.

Pháp tự tại là định, do các thiền là tự tại.

Pháp sáng tỏ là tuệ, do đầy đủ Bát-nhã Vô thượng.

Hướng đến pháp là nguyện, một bề thẳng đến an vui đại Bồ-đề.

Hỏi: Thế nào là Pháp?

Đáp: Do tất cả Ba-la-mật đều là pháp tùy chuyển. Kệ rằng:

Tài, chế, thiện, lạc, hộ,
Pháp, thừa nơi bảy ấy,
Bảy thứ không buông lung,
Đó gọi là Bồ-tát.

Giải thích: Bài kệ nầy dùng pháp môn không buông lung để nói tướng của Bồ-tát.

1. Không buông lung của cải do bố thí nầy, không bố thí các của cải không bền chắc, mà là bố thí những thứ thật bền chắc.
2. Chế là không buông lung, đó là vì trì giới, như Phật nói: Việc gì được phép thì làm, việc gì không được phép thì không nên làm.
3. Hộ là không buông lung, là vì nhẫn nhục, giữ gìn tâm niệm mình và người, không gây thiệt hại cho cả hai.
4. Thiện là không buông lung, là vì tinh tấn thường sinh, siêng năng thực hành sáu độ.
5. Vui không buông lung, vì tu các thiền định, được vui định, nhưng không mê đắm cảnh định ấy.
6. Pháp không buông lung, vì pháp nầy có công năng biết pháp đúng như thật.
7. Thừa không buông lung, là do đại nguyện, nên dù ma vương đến phá hoại, nhưng tâm Bồ-đề cũng không lui sụt. Kệ rằng:

Không toại, và tội nhỏ,
Không nhẫn, lui cũng loạn,
Kiến nhỏ, và thừa khác,
Bảy thẹn gọi Bồ-tát.

Giải thích: Bài kệ nầy dùng môn có hổ thẹn để nói về tướng Bồ-tát.

1. Hổ thẹn vì không toại ý do hổ thẹn cho tính bỏn sẻn, tham lam.
2. Hổ thẹn vì tội nhỏ do thấy tội nhỏ thật đáng ghê sợ.
3. Hổ thẹn vì không nhẫn là hổ thẹn do thiếu nhẫn nhục.
4. Hổ thẹn vì lui sụt là do biếng nhác.
5. Hổ thẹn vì tán loạn là hổ thẹn do lui sụt khi tu định.
6. Hổ thẹn do kiến thức hẹp hòi là hổ thẹn do lối chấp nhỏ hẹp khác, không thông đạt pháp vô ngã.
7. Hổ thẹn do thừa khác, là hổ thẹn vì phát tâm Tiểu thừa, mà bỏ đại Bồ-đề. Kệ rằng:

Đời nầy, đời sau, xả,
Khởi siêng cũng được thông,
Nói bình đẳng, quả lớn,
Bảy nhiếp gọi Bồ-tát.

Giải thích: Bài kệ nầy dùng pháp môn nhiếp hóa chúng sinh để nói tướng của Bồ-tát.

1. Nhiếp hóa đời nầy: nghĩa là dùng bố thí nhiếp hóa chúng sinh hiện tại.
2. Nhiếp hóa đời sau, nghĩa là dùng trì giới nhiếp hóa chúng sinh đời vị lai. Do sinh vào nơi tốt đẹp mới có thể nhiếp hóa.
3. Nhiếp hóa bằng xả bỏ nghĩa là dùng nhẫn nhục để nhiếp hóa những kẻ có ý não loạn.
4. Nhiếp hóa bằng khởi dậy siêng năng nghĩa là tinh tấn nhiếp hóa những kẻ biếng nhác.
5. Nhiếp hóa được thông suốt, nghĩa là dùng thiền định gom chúng sinh nơi nầy, sinh nơi kia mà dạy bảo.
6. Nhiếp hóa bằng lời nói bình đẳng, nghĩa là dùng trí tuệ thu phục, giáo hóa chúng sinh hạ, trung, thượng. Với tâm bình đẳng nói cho họ nghĩa không thêm, bớt.
7. Nhiếp hóa bằng quả lớn lao: nghĩa là dùng đại nguyện, khi được thành Phật thì nhiếp hóa hết chúng sinh, không sót một ai.

Nghĩa các bài kệ nầy đều dùng pháp môn khác lạ để nói sáu độ và đại nguyện. Đó là tướng Bồ-tát, nên biết.

Đã nói về tướng khác nhau của Bồ-tát, kế là nói về sự khác nhau của tên gọi Bồ-tát. Kệ rằng:

Nên biết: Các Bồ-tát,
Cũng gọi Ma-ha-tát,
Cũng gọi người có tuệ,
Cũng gọi thượng thành tựu,
Cũng gọi người hàng phục,
Cũng gọi hàng phục trì,
Cũng gọi năng hàng phục,
Cũng gọi ngã hàng phục,
Cũng gọi là mạnh mẽ,
Cũng gọi là thượng Thánh,
Cũng gọi là Đạo sư,
Cũng gọi đại danh xưng,
Cũng gọi có lòng bi,
Cũng gọi phước đức lớn,
Cũng gọi tự tại hành,
Cũng gọi người chánh thuyết.

Giải thích: Mười sáu tên gọi nầy đều dựa vào nghĩa mà lập. Tất cả Bồ-tát đều có tất cả tên trên đây. Nếu có ai nghe tên gọi ấy thì nên biết đó là Bồ-tát.

Đã nói về tên gọi khác nhau của Bồ-tát, kế là nói về các nghĩa khác nhau của Bồ-tát. Kệ rằng:

Thật giác, đại nghĩa giác,
Tất cả giác, hằng giác,
Cùng với phương tiện giác,
Năm giác gọi Bồ-tát.

Giải thích: Vì có năm điều giác ngộ nên gọi là Bồ-tát:

1. Thật nghĩa giác: hiểu biết người, pháp vô ngã.
2. Đại nghĩa giác: hiểu thấu nghĩa mình và người.
3. Nhất thiết giác: là biết rõ tất cả nghĩa.
4. Hằng giác: là hiện tướng nhập Niết-bàn nhưng vẫn biết vô tận.
5. Phương tiện giác: là biết tùy hoàn cảnh việc mà sử dụng phương tiện.

Kệ rằng:

Tùy ngã và tiểu kiến,
Cùng với các thức thân,
Cùng với phân biệt dối,
Bốn giác gọi Bồ-tát.

Giải thích: Lại do bốn thứ giác nầy nên gọi là Bồ-tát:

1. Tùy ngã giác: do biết tâm mình, tâm là thức A-lê-da.
2. Tiểu kiến giác là thấu hiểu ý mình. Ý là bốn hiểu sai lầm, như ngã kiến, v.v… nương vào thức A-lê-da.
3. Thân thức giác do biết rõ các thức là sáu thức thân.
4. Hư phân biệt giác do biết được phân biệt không chân thật, phân biệt không chân thật tức là tâm, ý, thức ở trước.

Tất cả Bồ-tát chỉ có biết. Đó là phân biệt không chân thật.

Kệ rằng:

Vô cảnh và chân nghĩa,
Vĩnh vô cũng tròn đầy,
Cũng nói không thật có đắc,
Năm giác gọi Bồ-tát.

Giải thích: Lại nữa, do năm giác nầy gọi là Bồ-tát:

1. Vô cảnh giác: là hiểu thấu tính y tha.
2. Chân nghĩa giác: là hiểu thấu tính chân thật.
3. Vĩnh vô giác: là hiểu thấu tính phân biệt.
4. Tròn đầy giác: là hiểu thấu tất cả cảnh, tất cả chủng loại.
5. Bất khả đắc giác: là hiểu thấu ba luân thanh tịnh.

Ba luận là:

1. Ứng giác là cảnh giới của Bồ-tát.
2. Y giác là thân của Bồ-tát.
3. Giác tính là trí của Bồ-tát.

Ba việc nầy không thật có, nên gọi là bất khả đắc giác. Kệ rằng:

Thành tựu và nơi chốn,
Thai tạng, thứ lớp hiện,
Và do dứt nghi sâu,
Năm giác gọi Bồ-tát.

Giải thích: Lại nữa, do năm giác nầy nên gọi là Bồ-tát:

1. Thành tựu giác là thành quả Phật.
2. Xứ sở giác: là ở cung trời Đâu-suất.
3. Thai tạng giác: là vào thai mẹ.
4. Tùy thứ hiện giác là sinh ra, hưởng dục lạc, xuất gia, tu hành, thành đạo.
5. Đoạn thâm nghi giác là vì chúng sinh mà xoay bánh xe pháp Đại thừa. Kệ rằng:

Đắc bất đắc và trụ,
Đối ta cũng đối người,
Có nói và không nói,
Có mạn, dứt kiêu mạn,
Chưa thục, đã thành thục,
Mười một thứ như thế,
Tất cả đều giác biết,
Nên gọi là Bồ-tát.

Giải thích: Lại, do mười một điều giác nầy nên gọi là Bồ-tát:

Đắc bất đắc và trụ là giác như thứ lớp trên từ quá khứ, hiện tại cho đến vị lai.

Đối với ta và người là thấu hiểu trong và ngoài.

Có nói, không nói là biết thô và tế.

Có kiêu mạn, dứt kiêu mạn là thấu biết kém và thấu biết hơn.
Chưa thành thục, đã thành thục là thấu biết xa, thấu biết gần. Chưa thành thục là hiểu kẻ kia lâu xa mới có giác, đã thành thục là biết kẻ kia giác gần.