LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH

SỐ 1604

Tác giả: Bồ-tát Vô Trước.
Hán dịch: Tam Tạng pháp sư, Đời Đường, là Ba-la-phả-mật-đa-la.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

Phẩm Thứ 18: CÚNG DƯỜNG

Giải thích: Đã nói về các hành do nghiệp gom nhóm, nhưng chưa nói về việc cúng dường Như lai, nay sẽ nói về sự cúng dường. Kệ nêu:

Nương vật, duyên, hồi hướng,
Nhân, trí, ruộng, nương,
Tám cúng dường như thế,
Cúng dường các Như lai.

Giải thích: Lược nói cúng dường Như lai gồm có tám thứ, tám thứ là:

1. Cúng dường chỗ nương.
2. Cúng dường vật.
3. Cúng dường duyên khởi.
4. Cúng dường hồi hướng.
5. Cúng dường nhân.
6. Cúng dường trí.
7. Cúng dường ruộng.
8. Cúng dường nương tựa.

Hỏi: Tám thứ ấy có nghĩa gì? Kệ rằng:

Hiện tại không hiện tại,
Y phục, ăn uống, thảy
Khởi tâm thiện tịnh sâu,
Do đầy đủ hai nhóm phước trí,
Thường nguyện sinh đời Phật,
Ba luân vô phân biệt,
Thành thục các chúng sinh,
Sau cùng mười một thứ.

Giải thích: Tám câu trong hai bài kệ trên đây nói về tám nghĩa ở trước, nên biết.

Hiện tại không hiện tại là nương vào cúng dường, là nương vào Chư Phật hiện tại và quá khứ, vị lai mà cúng dường.

Y phục, uống ăn thảy là vật cúng dường, vì cúng dường bằng y phục, v.v…

Phát tâm lành thanh tịnh sâu rộng là duyên khởi cúng dường, do đem tâm thanh tịnh tin sâu mà cúng dường.

Do đầy đủ hai nhóm là hồi hướng cúng dường do cúng dường bằng hai nhóm phước, trí đầy đủ.

Thường nguyện sinh đời gặp Phật là nhân cúng dường vì có nguyện đời trước, mong sinh ra gặp Phật, giúp ta có được lợi ích thiết thực cúng dường.

Ba luân vô phân biệt là trí cúng dường. Người cúng dường, vật cúng dường, người nhận cúng dường, cả ba món ấy không thật có.

Thành thục các chúng sinh là ruộng cúng dường. Chúng sinh là ruộng, dạy người kia cúng dường là khiến họ gieo trồng gốc lành.

Sau cùng là mười một thứ là nương cúng dường. Nương nầy có mười một thứ:

1. Nương vào vật là do căn cứ vào tài vật mà cúng dường.
2. Nương vào tư duy là nương vào vị suy nghĩ, nương vào vui theo suy nghĩ, nương vào hi vọng suy nghĩ.
3. Nương vào lòng tin là do Đại thừa mà phát tâm Bồ-đề.
4. Nương vào nguyện là do phát nguyện rộng lớn.
5. Nương vào lòng bi là do thương xót chúng sinh.
6. Nương vào nhẫn nhục là vì làm việc khó làm.
7. Nương vào hạnh là vì thực hành các Ba-la-mật.
8. Nương vào chánh niệm là vì sống đúng như pháp, không điên đảo.
9. Nương vào chánh kiến là vì thấu hiểu như thật.
10. Nương vào giải thoát là vì Thanh văn đã dứt trừ phiền não.
11. Nương vào chân thật vì được đại Bồ-đề.

Hỏi: Chủng loại khác nhau của cúng dường ra sao? Kệ rằng:

Nhân quả và trong, ngoài,
Thô, tế và lớn, nhỏ,
Cũng khác nhau xa gần,
Đó gọi cúng dường chủng.

Giải thích: Vì các đời khác nhau nên các thứ cúng dường cũng khác nhau. Quá khứ là nhân, hiện tại là quả. Hiện tại là nhân, vị lai là quả. Nhân quả như vậy thì gọi là khứ, lai, kim. Nên biết: Trong là tự mình cúng dường, ngoài là dạy bảo người cúng dường. Thô là lợi ích cúng dường, tế là thuận theo cúng dường. Nhỏ là cúng dường thấp kém. Lớn là cúng dường vượt trội. Có ngạo mạn là thấp kém, không ngạo mạn là cao thượng, do không còn phân biệt ba luân. Xa nghĩa là muốn cúng dường thời gian sau. Gần là cúng dường hiện tại.

Lại nữa, cúng dường cách đời khác là cúng dường xa. Cúng dường không xen hở là cúng dường gần.

Lại nữa, phát nguyện cúng dường ở vị lai là cúng dường xa. Phát nguyện cúng dường hiện tại là cúng dường gần.

Hỏi: Cúng dường Như lai phải như thế nào mới được gọi là cúng dường tối thượng? Kệ rằng:

Cúng dường các Như lai,
Tối thượng do tự ý,
Tin, tâm, thông, phương tiện,
Hòa họp năm tối thắng.

Giải thích: Năm thứ lớp ý cúng dường Như lai, nên biết, cách cúng dường nầy là tối thượng, năm thứ ấy là:

1. Cúng dường bằng lòng tin thanh tịnh.
2. Cúng dường bằng tâm sâu xa.
3. Cúng dường bằng thần thông.
4. Cúng dường bằng phương tiện.
5. Cúng dường bằng sự hòa hợp.

Lòng tin thanh tịnh là lòng tin thanh tịnh phát sinh từ chỗ giảng nói pháp Đại thừa để cúng dường.

Lòng tin sâu xa có chín thứ:

1. Tâm vị.
2. Tâm tùy hỉ.
3. Tâm hi vọng.
4. Tâm không nhàm chán.
5. Tâm rộng lớn.
6. Tâm vui mừng.
7. Tâm thắng lợi.
8. Tâm vô nhiễm.
9. Tâm sạch lành.

Chín thứ tâm nầy như đã nói trong pháp tu Ba-la-mật. Thần thông là nương vào các Tam-ma-đề, hư không tạng v.v… Phương tiện là trí vô phân biệt, thuộc về phương tiện.

Hòa họp là tất cả đại Bồ-tát cùng hòa họp một quả và tất cả quả.

 

Phẩm Thứ 19: GẦN GŨI

Giải thích: Đã nói cúng dường Như lai, thế nào là gần gũi thiện tri thức? Kệ rằng:

Như trước cúng dường Phật,
Nói lược có tám thứ,
Là gần gũi bạn lành,
Nên biết tám cũng vậy.

Giải thích: Nên biết, gần gũi thiện tri thức cũng y cứ vào tám thứ.

Hỏi: ý nghĩa của tám thứ ấy ra sao? Kệ rằng:

Điều tĩnh trừ, đức tăng,
Hữu dũng, A-hàm, phú,
Giác chân, khéo nói pháp,
Bi sâu, lìa thoái giảm.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về sự nương gần gũi bậc nhất. Nếu thiện tri thức có đủ mười công đức thì nên gần gũi, mười công đức là:

1. Điều phục.
2. Vắng lặng.
3. Trừ hoặc.
4. Đức hạnh tăng.
5. Có sức mạnh.
6. Kinh phú.
7. Giác chân.
8. Khéo nói.
9. Lòng thương sâu.
10. Lìa lui sụt.

Điều phục tương ưng với giới, do căn được điều phục.

Vắng lặng là tương ưng với định do thu nhiếp bên trong.

Trừ hoặc là lòng tin, ý niệm tương ưng với tuệ, do phiền não bị dứt trừ.

Đức hạnh tăng là do giới, định, tuệ đầy đủ, không thiếu giảm.

Có sức mạnh là do làm lợi ích cho người, không biết mỏi mệt.

Kinh phú là được học rộng.

Giác chân là thấu hiểu nghĩa chân thật.

Khéo nói là do không điên đảo.

Lòng thương sâu là do dứt hi vọng.

Lìa lui sụt là cung kính nói pháp bất cứ lúc nào.

Kệ rằng:

Kính, cúng dưỡng, giúp hầu,
Thân, tâm cũng tương ưng,
Mong vui, biết thì giờ,
Nhún nhường làm duyên khởi.

Giải thích: Nửa trên bài kệ là nói về vật gần gũi. Nửa dưới bài kệ là nói về duyên khởi gần gũi. Vật gần gũi có ba:

1. Của cải, nghĩa là cung kính cúng dường.
2. Thân thể, nghĩa là thuận theo giúp đỡ, hầu hạ.
3. Tâm là khi giúp đỡ, hầu hạ thì thân và tâm phải tương ưng nhau.

Duyên khởi gần gũi cũng có ba thứ:

1. Mong vui.
2. Biết đúng lúc.
3. Bỏ tâm ngã mạn.

Kệ rằng:

Do xa lìa tham đắm,
Vì cầu hạnh thuận theo,
Thuận theo như lời dạy,
Khiến người ấy vui mừng.

Giải thích: Nửa trên bài kệ nói về hồi hướng gần gũi. Nửa dưới bài kệ nói về nhân gần gũi.

Hồi hướng gần gũi là do không phải ham mê lợi dưỡng mà là do thuận theo tu hành.

Nhân gần gũi là Bồ-tát tu hành theo những gì được dạy trao vì nhân gần gũi thiện tri thức. Vì sao? Vì sự thuận theo nầy mà Bồ-tát khiến cho vị thiện tri thức kia sinh tâm vui mừng. Kệ rằng:

Khéo hiểu rõ ba thừa,
Tự nương khiến thành tựu,
Thành sinh về tịnh độ,
Vì pháp không vì của.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về ruộng trí nương, có ba thứ gần gũi:

Hiểu rõ ba thừa tự mình nương theo cho thành tựu là nói về trí gần gũi. Hiểu rõ ba thừa là do trí.

Thành thục chúng sinh và cõi đất sạch là nói về điền gần gũi.

Ruộng có hai thứ:

1. Ruộng chúng sinh.
2. Ruộng cõi Phật.

Hỏi: Hai món nầy sao gọi là ruộng?

Đáp: Do chính mình được nghe pháp, rồi nối nhau mà lập, theo nơi ở cõi nước Phật mà tu nhân thanh tịnh.

Vì pháp chứ không phải vì của cải: nói về y chỉ gần gũi. Bồ-tát chỉ đem giáo pháp lợi sinh đầy đủ, làm chỗ nương, cho nên gần gũi thiện tri thức. Không phải lấy của cải đầy đủ làm chỗ nương.

Hỏi: Sự khác nhau về gần gũi thiện tri thức ra sao?

Kệ rằng:

Nhân quả và tùy pháp,
Trong, ngoài và thô, tế,
Hơn, kém cũng gần, xa,
Đó là chủng khác nhau.

Giải thích: Nhân quả khác nhau là gần gũi thiện tri thức trong quá khứ làm nhân. Hiện tại gần gũi là quả. Gần gũi trong hiện tại là nhân, gần gũi trong vị lai là quả.

Tùy pháp khác nhau là pháp môn mà thiện tri thức truyền bá ra, theo sự khác nhau mà tu tập.

Trong, ngoài khác nhau là chính mình gần gũi là trong. Dạy kẻ kẻ khác gần gũi là ngoài.

Thô, tế khác nhau: chính mình nghe là thô, suy nghĩ bên trong là tế.

Hơn, kém khác nhau: gần gũi với kẻ kiêu căng là kém. Gần gũi với người không kiêu căng là cao cả.

Gần, xa khác nhau là gần gũi ngay trong đời nầy là gần. Gần gũi trong kiếp sau là xa.

Lại nữa, gần gũi trong kiếp sau là gần. Gần gũi cách đời là sau xa.

Lại nữa, gần gũi không xen hở là gần, gần gũi cách đời là xa.

Lại nữa, phát nguyện ở hiện tại là gần gũi, là gần. Phát nguyện ở vị lai là gần gũi xa.

Hỏi: Có mấy thứ gần gũi thiện tri thức được gọi là tối thượng?

Kệ rằng:

Gần gũi bạn lành cao,
Năm tự ý, như trước,
Tin, tâm, chung phương tiện,
Hòa hợp thảy khác nhau.

Giải thích: Như việc cúng dường Chư Phật đã nói ở trước, do năm thứ lớp ý nên gọi là tối thắng, là những thứ: Tịnh, tín, thâm tâm, thần thông, phương tiện, hòa họp. Sự tối thắng của gần gũi thiện tri thức cũng giống như vậy.

Bởi lòng tin trong sạch là lòng tin phát sinh trong sạch khi ở chỗ đang giảng kinh Đại thừa.

Vì lòng tin sâu xa là tâm cũng có chín thứ là vị tâm cho đến thiện tịnh tâm, do gần gũi tu hành.

Vì thần thông là nương vào Tam-ma-đề, hư không tạng mà gần gũi.

Vì phương tiện là nương vào trí vô phân biệt.

Vì hòa hợp là các vị Bồ-tát dùng một quả mà nhập vào tất cả quả.

 

Phẩm Thứ 20: PHẠM TRỤ

Giải thích: bốn phạm trụ mà Bồ-tát đã tu tập như thế nào? Kệ rằng:

Phạm trụ có bốn thứ,
Mỗi thứ có bốn tướng,
Trị chướng và hợp trí,
Chuyển cảnh và thành sinh.

Giải thích: Phạm trụ là bốn thứ vô lượng từ, bi, hỉ, xả. Nên biết bốn vô lượng của Bồ-tát, mỗi thứ đều có bốn tướng:

1. Trị chướng là những gì phải trị và dứt trừ.
2. Họp trí là do được trí vô phân biệt nên đối trị cao quý.
3. Chuyển cảnh là do duyên chúng sinh, duyên pháp, không duyên.
4. Thành thục chúng sinh là vì có nghiệp cao cả mà thành tựu chúng sinh.

Hỏi: Những gì là chúng sinh là chúng sinh duyên? Và về không duyên thì pháp nào là pháp có duyên, vô duyên? Kệ rằng:

Vui, khổ, mừng, phiền não,
Đó là duyên chúng sinh,
Duyên pháp là nói pháp kia,
Không duyên tức như kia.

Giải thích: Bốn thứ nhóm chúng sinh là chúng sinh duyên:

1. Nhóm chúng sinh cầu vui.
2. Nhóm chúng sinh có khổ.
3. Nhóm chúng sinh đang sống trong vui mừng.
4. Nhóm chúng sinh phiền não.

Từ là cho vui cho nhóm chúng sinh đang cầu vui.

Bi là nhổ khổ đối với nhóm chúng sinh đang chịu khổ.

Hỉ là đối với chúng sinh đang vui sống thì không lìa họ.

Xả là đối với nhóm chúng sinh phiền não thì giúp họ lìa khỏi khổ ấy. Đó gọi là chúng sinh duyên, pháp duyên là nói bốn pháp phạm trụ kia, đó gọi là pháp duyên.

Vô duyên là như Bồ-tát sử dụng trí vô phân biệt, nên gọi là vô duyên, Kệ rằng:

Và vì như nghĩa kia,
Vị nhẫn được thanh tịnh,
Thuộc về nghiệp thân miệng,
Cũng hết các phiền não.

Giải thích: Bốn thứ hạnh kia, nên biết, lòng từ vô duyên, vì như duyên nên khi chứng được Bát địa Vô sinh nhẫn thì các gốc lành đều tròn đầy, do lòng từ ấy hoàn toàn thanh tịnh. Lòng từ là chỗ nương của hai nghiệp thân, miệng, các phiền não thuộc về nó cũng bị dứt hết. Như nơi mà phiền não dựa là tự thể ý thức bị cắt đứt. Việc cắt đứt nơi dựa buộc ấy, thì trong kinh thường nói.

Hỏi: Sự khác nhau của bốn phạm trụ kia ra sao? Kệ rằng:

Có động và bất động,
Cũng ăn và không ăn,
Nên biết bốn phạm trụ,
Hạnh như thế khác nhau.

Giải thích: Nên biết, bốn phạm trụ, có bốn thứ hạnh khác nhau:

1. Động.
2. Bất động.
3. Ăn.
4. Không ăn.

Động là phần vị lui sụt.

Bất động là phần trụ và phần thắng. Không thể lui sụt.

Ăn là nhiễm ô, vì vướng vào lạc thú ngon ngọt nên mất tâm Đại thừa.

Không ăn là bất nhiễm ô.

Những hạnh lui sụt đó là sự khác nhau của phạm trụ. Các vị Bồtát an trụ bất động và không ăn, chứ chẳng phải trụ trong động và có ăn (nhiễm ).

Hỏi: Sự khác nhau của các phạm trụ là gì? Kệ rằng:

Sáu trước và hai trước,
Địa dưới cũng tâm thấp,
Tương tự thảy là thấp,
Trái với dưới là trên.

Giải thích: Trên dưới khác nhau là tự tính của địa bất định thì sáu phẩm trước là dưới. Hai phẩm trước của tất cả địa định cũng là dưới, nghĩa là mỗi phẩm nhuyến nhuyến trung hạ đều địa cũng là dưới. Có nghĩa là do các Bồ-tát thuộc bảy địa dưới quán sát địa trên, tâm thấp kém cũng là dưới, nghĩa là các Thanh văn. Tương tự cũng là dưới, là Bồ-tát chưa chứng pháp nhẫn Vô sinh. Như đã nói dưới, trái với dưới là trên, nên biết.

Hỏi: Bốn phạm trụ nầy có thể chứng bao nhiêu quả? Kệ rằng:

Báo sinh vào cõi dục,
Nhóm mãn cũng thành sinh,
Không lìa và lìa chướng,
Đầy đủ năm là quả.

Giải thích: Bồ-tát an trụ trong phạm trụ làm nhân, đầy đủ, được năm quả:

1. Sinh trong chúng sinh cõi Dục, quả nầy là quả báo.
2. Hai nhóm phước trí tròn đầy là quả tăng thượng.
3. Thành thục chúng sinh là quả trượng phu.
4. Sinh bất cứ đâu cũng không lìa khỏi phạm trụ là quả chỗ nương.
5. Sinh bất cứ đâu cũng thường lìa khỏi chướng kia, là quả báo lìa tướng.

Hỏi: Trong phạm trụ nầy, có những việc nào là tướng của Bồtát?

Kệ rằng:

Nếu gặp duyên chướng nặng,
Và tự sống buông lung,
Muốn biết tướng của Bồ-tát,
Phạm tâm không lui sụt.

Giải thích: Nên biết, Bồ-tát có hai việc mà phạm tâm bất động đó là tướng của Bồ-tát:

1. Gặp những nhân duyên chướng nặng, tâm Bồ-tát cũng không bao giờ thay đổi đó là tướng của Bồ-tát.
2. Nếu tự buông lung đi nữa khi chưa cần đối trị thì tâm Bồ-tát vẫn không thay đổi. Đó là tướng của Bồ-tát, huống chi lúc vô lượng hiện tiền ( tức phải đối trị).

Hỏi: Chướng ngại phạm trụ là những gì? Kệ rằng:

Bốn phạm có, bốn chướng,
Là giận, buồn, lo, muốn,
Bồ-tát đủ chướng ấy,
Phát sinh nhiều lỗi lầm.

Giải thích: Những gì mà phạm trụ đối trị là bốn chướng ngại, theo thứ lớp là:

1. Sân.
2. Quấy loạn.
3. Lo.
4. Ham muốn.

Do những chướng nầy nên phạm là vô thể. Nếu các chướng ngại ấy còn thì chúng gây ra nhiều lỗi lầm.

Hỏi: Nhiều lỗi lầm là sao? Kệ rằng:

Các phiền não như vậy,
Phát sinh gây ba hại,
Hại mình và hại người,
Và hại cả Thi-la.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về ba lỗi lầm tai hại: Một là tự hại, là tự làm khổ cho suy nghĩ. Hai là hại kẻ khác làm khổ cho kẻ khác phải bận lòng suy nghĩ. Ba là hại giới luật là cả mình lẫn người đều khổ tâm vì phải suy nghĩ. Kệ rằng:

Có hối cũng mất lợi,
Mất hộ, bị thầy bỏ.
Trị phạt, tiếng xấu đồn,
Như thế sáu quở trách.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về sáu thứ quở trách lỗi lầm:

1. Tự quở trách bằng suy nghĩ, ăn năn.
2. Bị người quở trách do mất lợi dưỡng.
3. Bị chư thiên quở trách do mất sự che chở.
4. Bị Đại sư quở trách do bị Đại sư từ bỏ.
5. Bị người phạm hạnh quở trách do bị người trí tuệ phạm hạnh trị phạt đúng pháp.
6. Bị người mười phương quở trách, do tiếng xấu đồn xa.

Kệ rằng:

Hậu thân đoạ các nạn,
Khiến phạm trụ cũng lui,
Tâm sở bị đại khổ,
Lại nữa sinh ba lỗi.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về đời sau còn phạm ba lỗi:

1. Rơi vào nhiều tai nạn, do nghiệp ác nầy nên phải chịu quả ác đời sau.
2. Công hạnh bị lui mất, do phạm trụ đã lui mất những cái chưa được, lui mất ngay trong hiện tại cả đến mai sau.
3. Đời sống khổ do pháp tâm sở sinh vào đường ác nên phải chịu nhiều sầu, khổ.

Hỏi: Đã nói về lỗi lầm, còn công đức thì sao? Kệ rằng:

Người khéo trụ phạm trụ,
Lìa khỏi các điều ác,
Sinh tử không làm nhơ,
Không xả cứu chúng sinh.

Giải thích: Ai an trụ phạm trụ thì được hai công đức:

1. Xả phiền não, như trước đã nói phải lìa khỏi các lỗi lầm.
2. Không xả chúng sinh là do thành thục chúng sinh, sinh tử không làm ô nhiễm.

Hỏi: Đã nói công đức nầy, làm sao biết là tối tôn, tối thượng.

Kệ rằng:

Như người có con một,
Có đức, rất yêu thương
Bồ-tát đối tất cả,
Khởi phạm hơn người kia.

Giải thích: Thí dụ nầy nói về bốn phạm trụ của Bồ-tát là tối tôn, tối thượng.

Hỏi: Lòng đại bi lấy chúng sinh nào làm đối tượng? Kệ rằng:

Hừng hực và thắng oán,
Khổ bức cũng che tối,
Sống nguy, sẽ bị trói,
Ăn độc, đi lạc đường,
Có kẻ sống trái đạo,
Người ốm o, sần sùi,
Mười loại chúng sinh đó,
Sở duyên tâm đại bi.

Giải thích: Tâm đại bi của Bồ-tát, lược lấy mười loại chúng sinh làm cảnh giới:

1. Chúng sinh hừng hực ham muốn, là hạng ham mê dục nhiễm.
2. Chúng sinh thắng được ma oán, nghĩa là khi tu hành bị ma làm chướng ngại.
3. Chúng sinh bị khổ bức, là những kẻ ở trong ba đường.
4. Chúng sinh bị dìm trong bóng tối là những kẻ thường làm ác, vì họ không biết nghiệp báo.
5. Chúng sinh ở trong chỗ nguy hiểm là những kẻ không ưa cảnh Niết-bàn, do họ quen sống mãi trong sinh tử nguy hiểm không bao giờ dứt.
6. Chúng sinh bị trói buộc hoàn toàn là ngoại đạo với cố chấp sai lầm. Họ có ý muốn giải thoát nhưng bị trói quá chặt trong các kiến chấp sai lầm.
7. Chúng sinh ăn nhằm thức ăn có độc là những kẻ ăn vị ngon ngọt của định. Như món ăn ngon nọ có lẫn chất độc thì người bị hại. Định thiện cũng vậy. Ham mê dục lạc thì mất đường về.
8. Chúng sinh đi lạc đường là những kẻ kiêu căng bởi họ lầm lẩn đường giải thoát chân thật.
9. Chúng sinh sống trong phi đạo đức là hạng người hạ thừa bất định do lui mất ý chí.
10. Chúng sinh ốm o nhăn nheo là hạng Bồ-tát chưa đầy đủ hai nhóm. Mười loại chúng sinh ấy, là cảnh giới sở duyên của Bồ-tát đại bi.

Đã nói cảnh giới đại bi, kế là nói đắc quả của đại bi. Kệ rằng:

Chướng dứt và nhân giác,
Ban vui, quả đáng yêu,
Tự lưu năm chỗ nương,
Người ấy, gần với Phật.

Giải thích: Dứt trừ chướng ngại là tướng lìa quả do các chướng ngại bị dứt.

Nhân giác ngộ là quả tăng thượng, do lợi ích chúng sinh.

Ban vui là quả trượng phu, những gì mà trượng phu làm.

Quả đáng yêu là quả của quả báo ấy là được quả báo đáng yêu.

Tự lưu là nương vào quả, do ban tình thương cao cả cho chúng sinh ở đời vị lai.

Như vậy, năm quả ấy, đều nương vào đại bi mà có được. Nên biết, như vậy là Bồ-tát không còn xa cách Phật, Bồ-đề.

Đã nói đắc quả đại bi, kế đây là nói đại bi không trụ.

Kệ rằng:

Khổ sinh tử làm thể,
Lấy vô ngã làm tính,
Không chán, không buồn rầu,
Đại bi giác siêu việt.

Giải thích: Tất cả sinh tử đều lấy khổ làm thể, lấy vô ngã làm tính. Đối với khổ, Bồ-tát biết nó chắc thật. Đối với vô ngã chứng được Vô thượng giác. Được tri giác như vậy rồi, nhưng vì lòng đại bi nên không chán lìa sinh tử, là vì giác ngộ siêu việt và cũng không hề bị phiền não gây rối. Thế nên Bồ-tát đạt không trụ Niết-bàn, cũng không trụ sinh tử.

Đã nói đại bi không trụ. Kế là nói công đức của đại bi. Kệ rằng:

Khi thấy tự tính khổ,
Biết khổ, thương kẻ khổ,
Cũng biết xả phương tiện,
Thường tu, không nhàm chán.

Giải thích: Bồ-tát quán xét thế gian khổ, khi thấy tự tính của khổ thì Bồ-tát sinh tâm thương xót các người đang chịu khổ. Bồ-tát dùng phương tiện xa lìa cũng mong cầu hiểu biết như thật. Biết rõ như vậy, Bồ-tát thường tu không nhàm chán, đó gọi là công đức của đại bi.

Đã nói công đức của đại bi. Kế là nói sự khác nhau của đại bi.

Kệ rằng:

Tự tính và lựa chọn,
Tập khí trước, chướng dứt,
Nên biết, bi Bồ-tát,
Có bốn thứ khác nhau.

Giải thích: Đại bi nầy, theo thứ lớp có bốn thứ khác nhau:

1. Tự tính, thành tự nhiên.
2. Lựa chọn, vì thấy công đức và lỗi lầm.
3. Tập khí đời trước vì đời trước tu lâu dài.
4. Chướng dứt vì đã lìa ham muốn, các phiền não phải đã dứt rồi, trở nên thanh tịnh. Lại có, sáu thứ khác nhau. Kệ rằng:

Chẳng đẳng cũng chẳng thường,
Chẳng sâu cũng chẳng thuận,
Chẳng đạo, chẳng không đắc,
Trái sáu bi như thế.

Giải thích: Có sáu thứ khác nhau, trái với bi đại bi, tức là sáu thứ khác nhau của đại bi, là:

1. Bình đẳng.
2. Thường hằng.
3. Rất sâu.
4. Thuận theo.
5. Tịnh đạo.
6. Không thể được.

Bình đẳng là đối với cảm thọ do vui buồn v.v…, tất cả các cảm thọ của chúng sinh, Bồ-tát biết hết, đó là khổ.

Thường hằng là cho đến Niết-bàn vô dư cũng vô tận.

Rất sâu: các Bồ-tát nhập địa thấy mình và người đều bình đẳng.

Thuận theo là đối với các khổ não của chúng sinh, Bồ-tát theo chân lý mà cứu giúp.

Tịnh đạo là các phiền não phải đối trị, được dứt trừ.

Không thể được là khi chứng pháp nhẫn vô sinh, thì các pháp không thật có.

Đã nói về về sự khác nhau của đại bi, sau đây nói đại bi như cây.

Kệ rằng:

Bi, nhẫn, tư, nguyện, sinh,
Thành thục, nói thứ lớp,
Gốc to đến quả to,
Cây bi thành sáu việc.

Giải thích: Cây đại bi nầy nên biết do sáu việc mà thành:

1. Đại bi.
2. Nhẫn nhục.
3. Tư duy.
4. Thắng nguyện.
5. Thắng sinh.
6. Thành thục.

Những món ấy là sáu vị rễ, thân, cành, lá, hoa trái.

Hỏi: Việc ấy như thế nào?

Đáp: Cây nầy lấy đại bi làm gốc, lấy nhẫn nhục làm thân, lấy tư duy lợi ích chúng sinh làm nhánh cành. Lấy thắng sinh nguyện làm lá, lấy những gì mình sinh tốt đẹp làm bông. Lấy thành thục chúng sinh làm trái.

Hỏi: Vì sao sáu việc nầy diễn biến trước sau như vậy? Kệ rằng:

Không bi, thì không nhẫn,
Sáu thứ lớp như vậy,
Thắng sinh nếu không được,
Không thành thục chúng sinh.

Giải thích: Nếu không có tâm đại bi thì không thể khởi nhẫn nan hành khổ lớn.

Nếu không có nhẫn để làm những việc khó làm của khổ lớn, thì không thể làm phát mạnh lên tư duy đem lợi ích cho chúng sinh.

Nếu không có tư duy mạnh mẽ đem lợi ích cho chúng sinh thì không có khởi nguyện sinh về nơi tốt đẹp.

Nếu không nguyện sinh về nơi tốt đẹp thì không thể hướng tới nơi sinh tốt đẹp.

Nếu không hướng tới chỗ sinh tốt đẹp thì không thể thành thục chúng sinh.

Hỏi: Trước sau tương tự như thế thì thành lập tương tự như thế nào? Kệ rằng:

Rễ sinh do bi nhuần,
Thân trỗi do thích rộng,
Niệm chánh là cành lớn,
Nguyện nối lá dài lớn,
Nội duyên thành các hoa,
Ngoại duyên thành các quả,
Nên biết gốc bi thảy,
Như vậy thứ lớp thành.

Giải thích: Trong đây thành lập tương tự là lòng bi lấy chất ướt của từ khiến sinh sôi nảy nở. Người có lòng từ thấy kẻ khác khổ liền sinh tâm bi để cứu khổ, nên lấy bi làm gốc.

Nhẫn nhục thí lấy ý niệm vui khiến nó vươn lên. Bồ-tát làm lợi ích cho người nên trong cảnh khổ, Bồ-tát sinh ý tưởng vui. Khi ý tưởng vui đã có thì nó giúp cho nhẫn nhục có bề thế hơn, nên khiến nhẫn nhục được rộng lớn, vì vậy lấy nhẫn làm thân.

Suy nghĩ do chánh niệm nên tư thêm tăng trưởng hơn lên. Do nhẫn đã rộng lớn nên có công năng làm phát sinh chánh niệm cho việc làm lợi ích cho người, nên nói lấy suy nghĩ làm cành.

Nguyện nối nhau khiến cây rưởng thành. Do niệm trước diệt, niệm sau sinh, như lá già rụng để lá non mọc ra, nên lấy nguyện làm lá.

Đời sống chắc thật do duyên bên trong. Do chính mình thành thục thì đời sống không luống dối, cho nên lấy đời sống làm hoa.

Thành thục là lấy duyên bên ngoài làm hạt. Do thân kẻ khác được thành thục thì lợi ích không luống dối, cho nên lấy thành thục chúng sinh làm trái.

Thứ lớp như thế mà thành lập nên biết.

Đã nói đại bi như cây to, kế là, khen ngợi công đức đại bi.

Kệ rằng:

Đại bi làm lợi ích,
Đối khác sao không khởi,
Trong khổ, sinh vui cao,
Sinh vui là do bi.

Giải thích: Nghĩa nầy, như kệ đã nói

Đã khen ngợi công đức của đại bi, kế là nói Đại bi không bị dính mắc. Kệ rằng:

Bồ-tát bi tự tại,
Vắng lặng còn không trụ,
Vui thế gian, thân mạng,
Làm sao sinh ái đó?

Giải thích: Tất cả các người trên đời đều ưa thích thế gian và mạng sống của thân mình.

Tất cả Thanh văn, Duyên giác dù không còn ưa thích thế gian và mạng sống, nhưng họ vẫn còn khởi lên tâm tham đắm vào Niết-bàn. Bồ-tát thì không như vậy, đại bi tự tại, nên Niết-bàn kia mà còn không ham trú vào đó, huống là trụ chấp vào hai thứ yêu mến kia của cõi đời này?

Đã nói đại bi không dính mắc. Kế là nói sự yêu mến cao thượng của đại bi. Kệ rằng:

Tham ái đều bị chướng,
Thương đời cũng là đời,
Bồ-tát khởi bi ái,
Chướng hết cũng qua đời.

Giải thích: Thương mến cao thượng có hai nghĩa:

1. Chướng hết.
2. Qua đời.

Các tham như thương mến v.v… Thì tự thể nó là chướng. Thể của lòng bi kia đem thực hành giữa đời dù không bị chướng ngại gì nhưng vẫn coi nó là của thế gian. Tự thể tình thương của Bồ-tát đã sạch hết các thứ chướng ngại, vượt cao hơn thế gian, nên là tối thắng.

Hỏi: Chướng ngại hết là sao? Kệ rằng:

Có khổ và vô trí,
Biển cả và bóng tối,
Cứu vớt bằng phương tiện,
Thế nào chẳng chướng hết?

Giải thích: Khổ ba cõi như biển cả, không có trí tuệ là bóng tối.

Đại bi làm phương tiện cứu vớt.

Lòng thương mến nầy đã dứt hết các chướng ngại.

Hỏi: Thế nào là qua đời. Kệ rằng:

La-hán và Duyên giác,
Không có bi như vậy,
Huống có gì hơn đời,
Thì sao vượt hơn đời?

Giải thích: A-la-hán, Bích-chi Phật còn không có lòng thương mến đại bi, huống chi thế gian khác mà thật có. Nếu vậy thì đâu có gì vượt hơn đời.

Đã nói sự thương mến cao thượng của lòng đại bi, kế đây là nói lòng đại bi không nhàm chán. Kệ rằng:

Các Bồ-tát giàu được bi,
Bỏ khổ mà khởi khổ,
Đầu tiên khởi khổ sợ,
Khi chứng rất vui mừng.

Giải thích: Xả khổ nghĩa là Bồ-tát đem lòng đại bi mà xả khổ cho kẻ khác. Rước khổ về mình là xả khổ của kẻ khác rồi thấy mình khổ.

Đầu tiên khởi khổ sợ: là hàng Bồ-tát ở địa Tín hành. Hạng nầy khởi khổ sợ là do họ chưa nhận ra lý bình đẳng giữa ta và người, do họ chưa tiếp xúc với cái khổ thật.

Sau khi chứng đắc thì rất vui mừng nghĩa là khi chứng là hàng Bồ-tát ở tịnh tâm địa. Hạng nầy khởi ý khổ nhưng họ lại an vui, do họ đã hiểu được lý bình đẳng giữa ta và người, do họ đã tiếp xúc với khổ thật.

Đã nói lòng đại bi không nhàm chán, kế là nói về cái khổ cao hơn hết của lòng đại bi. Kệ rằng:

Bi khổ rất ít có,
Khổ hơn tất cả vui,
Bi ấy sinh niềm vui,
Đó chẳng có gì khác?

Giải thích: Nỗi khổ của lòng đại bi rất ít có là từ khổ của người khác mà sinh tâm đại bi. Từ tình thương rộng lớn ấy phải cưu mang mà thấy mình có khổ. Cái lòng bi khổ ấy thì có gì ít có mà vượt hơn nó? Cho nên nó là rất ít có.

Nỗi khổ hơn tất cả niềm vui là cái khổ của lòng đại bi nầy. Nó vượt hơn tất cả cái vui của thế gian.

Hỏi: Vì sao ?

Đáp: Vui nầy phát sinh do lòng đại bi thương xót kẻ khác khổ, các Bồ-tát lại lấy khổ đại bi nầy làm niềm vui, từ đại bi phát sinh khổ ấy.

Niềm vui vì làm xong việc ấy còn không có, huống chi là có cài gì khác, là những gì mà niềm vui kia làm được rồi, còn không có, huống chi có cái gì khác trên đời nầy mà thật có đâu?

Đã nói về khổ siêu việt của đại bi, kế là nói về bố thí cao tột của lòng đại bi. Kệ rằng:

Thí và bi cùng khởi,
Năng làm Bồ-tát vui,
Được vui trong ba cõi,
So đây chẳng một phần.

Giải thích: Nếu bố thí và đại bi phát sinh cùng lúc thì nó sẽ làm

Bồ-tát vui cao tột. Các thứ vui trong ba cõi, so với cái vui của đại bi bố thí thì nó không được một phần tương tự.

Đã nói về về bố thí cao vời của đại bi. Kế là, nói về chịu đựng khổ của lòng đại bi. Kệ rằng:

Tự tính khổ sinh tử,
Không xả là do bi,
Khởi khổ nhân lợi người,
Sao lại xả, không tu?

Giải thích: Các khổ đều gộp chung trong khổ sinh tử. Các vị Bồtát không từ bỏ sinh tử là do lòng đại bi. Bồ-tát phát sinh khổ là do làm lợi ích cho người. Khi Bồ-tát chưa từ bỏ sinh tử là khi mà Bồ-tát vẫn còn chịu các khổ.

Đã nói chịu khổ của lòng đại bi, kế đây là là nói về quả của bố thí lòng đại bi. Kệ rằng:

Ba quả bi, thí, của
Lòng bi thường thêm lớn,
Ái sinh và nhiếp sinh,
Giúp sinh lại ba vui.

Giải thích: Ba quả của lòng đại bi, bố thí, tiền của thường thêm lớn mãi là đại bi của Bồ-tát có thể tăng trưởng ba thứ quả là:

1. Tăng trưởng lòng thương, do công phu tu tập khiến tự thể nó lớn thêm mãi.
2. Tăng trưởng bố thí do lòng thương tự tại làm cho bố thí tăng lên mãi.
3. Tăng trưởng của cải do bố thí tự tại làm của cải gia tăng thêm mãi.

Ái sinh và nhiếp sinh: giúp của cải cho chúng sinh, lại có ba niềm vui là từ ba quả lại phát sinh ba niềm vui:

1. Từ nhân bi mà phát sinh thương mến, phát sinh an vui.
2. Từ nhân bố thí mà phát sinh xếp vào, phát sinh an vui.
3. Từ nhân của cải mà phát sinh của cải, phát sinh an vui.

Đã nói quả tăng trưởng của đại bi, sau đây là nói về sự khuyến tấn của đại bi. Kệ rằng:

Bi phát triển, thí tăng,
Thành sinh, vui cũng sinh,
Dẫn đến lại đem đi,
Đại bi khuyến như thế.

Giải thích: Lòng đại bi khuyến tấn Bồ-tát làm sáu thứ công đức, nghĩa của đại bi bảo: Bồ-tát các vị hãy tu tập, mình tự giúp lấy mình phát triển lên, các vị không nên màng của cải, khiến bố thí tiến lên mãi, các vị nên dùng bố thí thành thục chúng sinh. Ông nên dùng bố thí làm an vui phát sinh. Nếu ông bố thí, ấy gọi là dắt hai nhóm Bồ-đề, và giúp kẻ khác hướng về mình. Nếu ông bố thí là đem hai nhóm dắt dẫn và khiến kẻ khác nhắm đến đại Bồ-đề.

Đã nói về sự khuyến tấn của lòng đại bi, sau đây nói về nguốn vui cao trội của đại bi. Kệ rằng:

Người khổ thương kẻ khổ,
Không thí làm sao vui?
Muốn mình tự được vui,
Ban vui cứu khổ người.

Giải thích: Người khổ mới có lòng thương kẻ khổ, là do lòng thương mà các Bồ-tát phát sinh các khổ, đó gọi là người khổ.

Không thí làm sao vui, nghĩa là do lòng đại bi nên Bồ-tát coi khổ của người là khổ của mình. Do vậy, nếu không ban vui cho người khác thì làm sao mình có được niềm vui?

Muốn mình tự được vui, thì ban vui và cứu khổ cho người: nghĩa là khi Bồ-tát ban vui cho chúng sinh và nhổ khổ cho họ thì Bồ-tát đã tạo niềm vui cho chính mình.

Đã nói về về nguồn vui cao vượt của đại bi, kế đây là nói về sự dạy trao của đại bi. Kệ rằng:

Bi dạy tự bố thí,
Thí người, không cầu mình,
Nguyện không nhận báo thí,
Mà nguyện bố thí nữa.

Giải thích: Bài kệ nầy dạy thực hành bố thí không cầu mong trả ơn.

Người có lòng đại bi dạy tự bố thí, bố thí cho người mà không cầu vui cho mình là nghĩa của đại bi chỉ bảo: Khi ông thực hành bố thí, thí cho kẻ khác thì chớ cầu vui cho mình. Người khác không có niềm vui thì mình cũng không có niềm vui. Vì sao? Vì niềm vui không khác nhau.

Không nhận quả báo của bố thí, mà nguyện đem bố thí nữa là nếu ta bố thí đạt quả thì xin là không nhận. Nếu khi đạt quả thì sẽ đem nó mà bố thí nữa. Kệ rằng:

Thí và quả bố thí,
Thí trùm khắp tất cả,
Chúng sinh vui, ta vui,
Cho người, ta không cần.

Giải thích: Bài kệ nầy dạy quả của bố thí là thí và quả mà thí có được đều đem thí trùm khắp cho tất cả chúng sinh. Vì sao? Vì người có lòng bi thì lấy cái vui của người làm cái vui của mình. Do vậy, nên tất cả quả bố thí của Bồ-tát đều được bố thí cho tất cả chúng sinh. Đã nói về sự trao truyền của đại bi là như thế. Kệ rằng:

Không màng của đem thí,
Của nhiều lại nhiều hơn,
Không dùng tự đem đến,
Lại lần lượt thí hết.

Giải thích: Bài kệ nầy dạy bố thí mà không màng đến của cải. Những ai bố thí không màng đến của cải thì người đó không muốn của cải nhưng của cải cứ đến. Đạo lý ấy hết sức rộng, hết sức nhiệm mầu, là vì tâm đại bi. Nếu được của cải như thế, lại đem bố thí nữa, thế là của cải đến rồi lại cứ đến nữa. Bồ-tát thí rồi lại thí nữa. Vì sao? Vì Bồ-tát không tìm cái vui riêng, nên muốn việc bố thí của mình không bao giờ hết. Kệ rằng:

Thương là vì đại bi,
Thí hết và thường thí,
Thực hành thí như vậy,
Thận trọng không cầu quả.

Giải thích: Bài kệ nầy dạy bố thí không gián đoạn.

Kệ rằng:

Nếu tu không ưa thí,
Thì không có quả,
Thí không một sát-na,
Do không thích bố thí.

Giải thích: Bài kệ nầy chỉ bố thí không nhàm chán.

Kệ rằng:

Không làm không có quả,
Có quả, có người làm,
Có lỗi, mong trả ơn,
Ta không giống như vậy.

Giải thích: Bài kệ nầy dạy bố thí mà không cầu trả ơn. Bồ-tát nói với người thí: “Nếu có ai làm công cho ông thì ông mới trả công (quả) như thế là ông có lỗi vì chờ kẻ ấy trả ơn. Ta thì không như vậy. Ấy là ông không giống ta. Lại nữa, nếu ai làm việc cho ông thì ông chỉ trả công cho người ấy, vậy là ông còn chờ đợi kẻ ấy trả ơn. Ta thì không như vậy, là quả của các việc làm, ta đều ban cho tất cả chúng sinh, như vậy là ông không giống ta”.

Đã nói về về chỉ dạy cách bố thí của đại bi. Kế là, nói về hạnh bố thí của đại bi. Kệ rằng:

Vô chướng và tịnh cú,
Thí người, cũng tự lường,
Không cầu, không dính mắc,
Đại bi thí như vậy.

Giải thích: Không bị chướng ngại là không cướp của cải kẻ khác để làm việc bố thí.

Tịnh thí là đem của cải bố thí đúng như pháp, nghĩa là không bố thí thức ăn độc, vũ khí, rượu.

Bố thí kẻ khác là khi bố thí để nhiếp hóa người thì đặt họ vào việc làm lành.

Cũng tự lường là không khiến vì bố thí mà quyến thuộc bị thiếu hụt.

Không mong trả ơn là có ở trước mặt người thế tục, hay không, tâm mong cầu, hoặc không cầu xin ra miệng, nhưng hễ thấy họ thiếu thốn là đem cho ngay, ấy là do không hề lựa chọn nơi gieo phước.

Không dính mắc là không mong trả ơn, không do quả báo.

Kệ rằng:

Tận, quảng, thắng, thường vui,
Lìa chấp cũng thanh tịnh,
Hồi hướng về hai nơi,
Bồ-đề và gốc lành.

Giải thích: Cùng tận, nghĩa là bố thí vật trong, vật ngoài.

Rộng nghĩa là bố thí nhiều.

Cao cả là bố thí vật tốt.

Thường là thường bố thí.

Vui mừng là bố thí không có giận dữ, nghĩa là kẻ đến xin, có khi họ gây hại cho ta, nhưng ta vẫn chịu đựng mà vui vẻ bố thí.

Lìa khỏi dính mắc là do không đặt hi vọng vào cái gì, là không mê đắm, như đã nói ở trước.

Thanh tịnh là bố thí đúng như pháp, tịnh cú thì như trước đã nói.

Hồi hướng công đức về Bồ-đề là hồi hướng về đại Bồ-đề.

Hồi hướng về gốc lành là hồi hướng thuận theo căn khí lành.

Đã nói hạnh bố thí của đại bi, kế là sẽ nói sự khác nhau về thọ dụng của đại bi. Kệ rằng:

Có của tự tiêu dùng,
Và dùng thí chúng sinh,
Được vui, thí vui cao,
Ba vui nuôi lớn tâm.

Giải thích: Bồ-tát tự thọ dụng của cải lòng vui mừng, và vui mừng do đem của cải ấy bố thí cho các người . Sánh với các vui bố thí thì hai niềm vui nầy là cao cả. Vì sao? Vì ba niềm vui nầy nuôi dưỡng tâm, ba niềm vui là:

1. Vui bố thí.
2. Vui vì nhiếp hóa chúng sinh.
3. Vui do nhóm Bồ-đề đầy đủ.

Đã nói về về thọ dụng khác nhau của đại bi, kế là nói về các độ được tăng trưởng đo đại bi. Kệ rằng:

Xan, ác, sân, buông lung,
Đắm duyên và chấp tà,
Như vậy, sáu tệ xấu,
Bi giúp tăng sáu độ.

Giải thích: Bỏn sẻn là một chút vật cũng không thể xả.

Ác là phá giới, gây rắc rối cho người khác.

Sân hận là do mất chút lợi nhỏ mà rất nổi giận.

Buông lung là không siêng thực hành các pháp lành.

Đắm duyên là bị năm dục làm loạn tâm.

Mê đắm tà vạy là ngoại đạo không trí tuệ.

Như vậy, sáu thứ tệ xấu là tâm thương xót của đại bi vì họ mà nói ra những lỗi lầm, để giúp cho sáu Ba-la-mật được thêm lớn.

Đã nói về về đại bi giúp tăng trưởng các độ. Đại bi nầy từ bốn duyên mà sinh, nên cũng phải nói rõ.

Kệ rằng:

Khổ, vui, không khổ vui,
Sức nhẫn và bạn lành,
Tự thể nối lưu chuyển,
Nghĩa bốn duyên đại bi.

Giải thích: Khổ, vui, không khổ vui là nói về chủ thể đối tượng, và cả hai. Ba thọ, ba khổ cùng phát sinh tâm bi.

Hỏi: Đã là xả thọ sao còn gọi là khổ?

Đáp: Do hành khổ.

Sức mạnh nhân là nói về nhân duyên.

Bạn lành là nói về duyên phát triển hơn nữa.

Tự thể nối nhau lưu chuyển là nói về duyên thứ lớp.

Hỏi: Đại bi đã phát sinh như vậy rồi, làm thế nào được bình đẳng?

Kệ rằng:

Hành tướng và tư duy,
Thuận theo và lìa chướng,
Không được cũng thanh tịnh,
Sáu nghĩa bi bình đẳng.

Giải thích: Đại bi bình đẳng có sáu thứ:

1. Hành tướng bình đẳng, do ba phần bị cảm thọ của chúng sinh bình đẳng, biết là khổ.
2. Tư duy bình đẳng là do thương xót bình đẳng.
3. Tùy thuận bình đẳng, do cứu vớt bình đẳng.
4. Lìa chướng bình đẳng, do không gây hại bình đẳng.
5. Bất đắc bình đẳng là do ba luân là mình, người, lòng bi đều bình đẳng, không thật có.
6. Thanh tịnh bình đẳng là bình đẳng có được khi vào vô sinh nhẫn nơi tám Địa.

Hỏi: Đã nói về về đại bi như thế, nhưng còn bốn phạm trụ thì phải tu tập như thế nào để thành Vô thượng? Kệ rằng:

Từ thảy khiến Vô thượng,
Tự ý tu cũng năm.
Tín, tâm, thông, phương tiện,
Hòa hợp như trước nói.

Giải thích: Cúng dường Chư Phật, gần gũi bạn lành, như bài kệ trước đã nói, đều do năm thứ lớp ý tu tập mà trở nên Vô thượng. Phạm trụ cũng vậy, do lòng tin thanh tịnh là nơi nói kinh Đại thừa đối với phạm trụ sinh tịnh tín. Do tâm sâu sắc là dùng chín thứ tâm để tu tập phạm trụ. Do thần thông là do nương vào các định hư không mà tu tập. Do phương tiện là thuộc về chỗ nương vào trí vô phân biệt. Do hòa hợp là chứng một quả nhập vào tất cả quả.