LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH

SỐ 1604

Tác giả: Bồ-tát Vô Trước.
Hán dịch: Tam Tạng pháp sư, Đời Đường, là Ba-la-phả-mật-đa-la.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm Thứ 11: NÓI VỀ TÍN

Giải thích: Đã nói về phần thuận theo Bồ-đề Vô thượng. Bồ-đề nghĩa là lòng tin. Nay sẽ nói về tướng của lòng tin nầy. Kệ nêu:

Đã sinh và chưa sinh,
Chánh thọ và tự thọ,
Tha lực cũng tự lực,
Có mê và không mê,
Hiện tiền, không hiện tiền,
Nghe pháp tìm hiểu nghĩa,
Mười ba quán sát thảy,
Phân biệt nơi tướng tin.

Giải thích: Lòng tin có mười ba tướng khác nhau:

1. Lòng tin đã phát sinh, là lòng tin ở quá khứ và hiện tại.
2. Lòng tin chưa phát sinh là lòng tin ở vị lai.
3. Lòng tin vì cảm thọ chân chính là tin ở bên trong.
4. Lòng tin cảm nhận tương tự là lòng tin bên ngoài.
5. Lòng tin vào sức giúp của người là lòng tin thô vì nó phát sinh là nhờ sức khuyến khích của bạn tốt.
6. Lòng tin vào sức mình là lòng tin sâu kín vì nó phát sinh từ sức mạnh của chính mình.
7. Lòng tin mê lầm là tin điều ác vì điên đảo.
8. Lòng tin không mê muội là lòng tin tốt vì không điên đảo.
9. Lòng tin hiện tại là tin gần không bị chướng ngại
10. Lòng tin không hiện tiền là tin xa vì có ngăn dứt.
11. Lòng tin vì nghe chánh pháp gọi là nghe mà tin, là do nghe mà phát sinh tin.
12. Lòng tin vì tìm hiểu nghĩa, gọi là tư tín là vì suy tư mà lòng tin phát sinh.
13. Lòng tin vì quán sát gọi là tu tín, là vì tu mà phát sinh.

Đã nói tướng khác nhau của lòng tin, kế là nói những thứ khác nhau của lòng tin. Kệ rằng:

Bị cướp, đoạn, không đoạn,
Có nhiều cũng có ít.
Có giấu, không che giấu,
Tương ưng, không tương ưng,
Có nhóm, không có nhóm,
Vào gần, có vào xa,
Đây có mười ba nghĩa,
Phân biệt chủng loại tin.

Giải thích: Cũng có mười ba thứ về chủng loại tin khác nhau:

1. Lòng tin có thể bị cướp đoạt, là lòng tin hạ phẩm.
2. Lòng tin có gián đoạn là lòng tin phẩm trung.
3. Lòng tin không bị gián đoạn là lòng tin phẩm thượng.
4. Lòng tin nhiều là lòng tin Đại thừa.
5. Lòng tin ít là lòng tin Tiểu thừa.
6. Lòng tin có che giấu là lòng tin bị chướng ngại nên không thể tiến mạnh lên.
7. Lòng tin không bị che giấu là lòng tin không bị chướng ngại, vì có công năng tiến mạnh hơn.
8. Lòng tin tương ưng là lòng tin tụ tập thuần thục, vì thường thực hành và cung kính thực hành.
9. Lòng tin không tương ưng là lòng tin tu chưa thuần thục, vì lìa xa hai hạnh vừa nói.
10.Lòng tin có chứa nhóm là tin có quả, vì có công năng chứng được Đại Bồ-đề.
11.Lòng tin không có chứa nhóm là lòng tin không có quả, vì không có công năng chứng được Đại Bồ-đề.
12. Lòng tin vào sâu nhất là lòng tin có công dụng, từ Sơ địa đến địa thứ bảy.
13. Lòng tin chứng nhập còn xa là lòng tin cực thanh tịnh, là từ địa thứ tám cho đến Phật địa.

Đã nói chủng loại lòng tin, kế là nói những chướng ngại của lòng tin. Kệ rằng:

Hay quên và biếng nhác,
Làm theo mê, bạn xấu,
Thiện kém cõi, nghĩ tà,
Sống buông lung ít học.
Nghe mừng và nghĩ mừng,
Nhân định tăng thượng mạn,
Nên biết những lỗi ấy,
Chướng ngại cho lòng tin.

Giải thích: Chướng ngại nghĩa là trái nhau.

Hay quên là chướng ngại lòng tin đã có.

Biếng nhác là chướng ngại lòng tin chưa được phát sinh.

Làm theo mê lầm là gây chướng ngại sự lãnh thọ chân chính, lại tin vào sự lãnh thọ tương tự là do trước đã có chấp và năng thọ và sở thọ.

Bạn xấu là chướng ngại lòng tin vào người khác, do dùng pháp trái ngược bắt người ta làm theo.

Gốc lành kém cõi là chướng ngại lòng tin của sức mình.

Nhớ nghĩ tà vạy là chướng ngại lòng tin không mù quáng.

Sống buông lung là chướng ngại lòng tin hiện tại.

Nghe ít là chướng ngại lòng tin nghe chánh pháp, do không thấu hiểu khi nghe.

Nghe mừng là chướng ngại việc tìm nghĩa để tin, do kém suy tư.

Suy nghĩ mà mừng và ngã mạn vì được định là chướng ngại việc suy niệm để tin, do ít tu tập và không quán xét tinh tế.

Hỏi: Những chướng ngại nào đã gây chướng ngại cho chủng loại lòng tin? Kệ rằng:

Không chán, không tu tập,
Có chán, có che giấu,
Không ưng và không nhóm,
Nên biết, chướng ngại tin.

Giải thích: Không tu tập là, làm cho lòng tin có thể bị cướp đoạt, lòng tin do nghe mà bị chướng ngại.

Không nhàm chán là chướng ngại lòng tin nhỏ, do không nhàm chán sinh tử.

Có nhàm chán là chướng ngại lòng tin lớn, do nhàm chán sinh tử.

Có che giấu là chướng ngại lòng tin không che giấu.

Không ưng là chướng ngại lòng tin có tương ưng.

Không chứa nhóm là chướng ngại lòng tin có chứa nhóm.

Đã nói về lòng tin bị chướng ngại. Kế là khen ngợi công đức của lòng tin. Kệ rằng:

Tin: Có phước đức lớn,
Không ăn năn, cả mừng,
Không hoại nhờ vững chắc,
Lên vị, và chứng pháp,
Lợi mình và lợi người,
Cũng được mau thông đạt,
Đem các công đức nầy,
Khen lợi ích lòng tin.

Giải thích: Phước đức lớn là khen ngợi lòng tin hiện tại.

Không ăn năn là khen ngợi lòng tin ở quá khứ, vì không đuổi theo sự đổi thay.

Cả mừng là khen lòng tin lãnh thọ chân chính và lãnh thọ tương tự vì tương ưng với định.

Không hư hoại là khen lòng tin do bạn gây nên không làm hư hoại chánh đạo.

Vững chắc là khen lòng tin do sức mạnh của mình không thụt lùi, hay xả nó.

Lên vị là khen lòng tin không mù quáng, khen lòng tin hiện tại, khen lòng tin nghe pháp tìm hiểu nghĩa, khen lòng tin có quán xét, khen lòng tin có lắng nghe.

Đắc pháp là khen lòng tin không bị xen hở.

Tự lợi là khen lòng tin chút ít.

Lợi người là khen có nhiều lòng tin.

Mau thông đạt là khen lòng tin theo pháp trắng, nghĩa là lòng tin không bị che đậy, lòng tin tương ưng, lòng tin có chứa nhóm, lòng tin nhập vào chỗ cùng cực, lòng tin chứng nhập mau chóng. Kệ rằng:

Như chó, rùa, nô, vua,
Thứ lớp dụ bốn tin,
Quen dục, quen các định,
Người lợi, mình lợi người.

Giải thích: Như chó đói chạy kiếm ăn không biết chán, lòng tin của kẻ quen chạy theo ham muốn, cũng giống như vậy, họ tin đủ thứ, bất cứ lúc nào.

Như ở dưới nước rùa mù giấu sáu thứ đầu đuôi, và bốn chân. Lòng tin của người quen theo các thứ định của ngoại đạo, cũng giống như vậy, vì họ chỉ biết tu tập định thế gian.

Như kẻ tôi tớ thấp hèn sợ chủ, lòng tin của người chỉ biết siêng năng làm lợi cho mình, cũng giống như vậy, vì lo sợ sự sống chết nên họ siêng năng vận dụng nhiều phương tiện.

Như vua nước lớn ban chiếu một cách tự tại, lòng tin của người lo làm lợi ích cho kẻ khác cũng giống như vậy, vì tăng mãi lên công việc giáo hóa, không dừng nghỉ. Bồ-tát thấu hiểu các thứ lòng tin, còn phân biệt rộng giúp các người được hiểu. Trong khi đó, họ còn khuyến khích các người phát sinh lòng tin đối với Đại thừa.

Đã khen ngợi công đức của lòng tin, kế là ngăn dứt tâm thấp kém.

Kệ rằng:

Thân người và nơi chốn,
Thời tiết đều vô hạn,
Được ba nhân Bồ-đề,
Chớ sinh tâm thấp hèn.

Giải thích: Thân người, nơi chốn, thời tiết đều vô hạn là chứng đạo Bồ-đề Vô thượng do ba nhân duyên không giới hạn:

1. Thân người không giới hạn, do chúng sinh trong cõi người vô hạn.
2. Nơi chốn không giới hạn, do các thế giới ở mười phương là vô hạn.
3. Thời tiết vô hạn do cùng tận bờ mé vị lai, trong từng sát-na là không giới hạn.

Được ba nhân Bồ-đề, chớ sinh tâm thấp hèn là do ba nhân không giới hân nầy, cho nên các Bồ-tát không nên thoái chí, sinh tâm thấp hèn đối với Bồ-đề Vô thượng.

Đã nói ngăn dứt tâm thấp hèn, kế là sẽ nói về phước đức vượt hơn hết. Kệ rằng:

Được phước do thí người,
Không do mình thọ dụng,
Nói Đại thừa cho người,
Không tìm pháp nghĩa (cho) mình.

Giải thích: Được phước là vì bố thí cho kẻ khác, không phải do mình thọ dụng là như đem thức ăn cho kẻ khác thì được phước lớn, do đó làm lợi cho kẻ khác, chẳng phải mình thọ dụng nên được phước lớn, vì tự lợi.

Hỏi: Nếu vậy thì Bồ-tát làm sao được phước?

Đáp: Do vì người khác mà nói pháp Đại thừa, chứ không tìm nghĩa pháp cho chính mình. Như vậy, do vì kẻ khác mà Bồ-tát nói kinh Đại thừa nên được phước đức lớn, chứ không vì lợi ích riêng mình mà nói kinh Tiểu thừa để có phước lớn.

Đã nói phước vượt hơn hết, kế là nói việc chứng quả. Kệ rằng:

Đại pháp khởi đại tín,
Tin lớn, có ba quả,
Tín tăng, và phước tăng,
Được thể công đức Phật.

Giải thích: Có lòng tin lớn đối với pháp Đại thừa, do lòng tin lớn nên có ba quả là người có trí sinh lòng tin sâu xa đối với pháp Đại thừa bậc Thánh. Do lòng tin sâu xa ấy nên có ba quả.

Hỏi: Là những quả nào?

Đáp: Lòng tin thêm lớn, và phước thêm lên, được thể công đức của Phật. Nói về là:

Được quả của lòng tin rộng lớn, do lòng tin tăng thêm.

Được quả phước lớn do phước tăng thêm.

Được quả Đại Bồ-đề, do được công đức không ai bằng và đại thể của Phật.

 

Phẩm Thứ 12: THUẬT CẦU (Phần 1)

Giải thích: Như vậy, đã nói về các thứ tin, kế là nói lấy lòng tin cầu học các pháp. Kệ rằng:

Ba tạng hoặc gồm hai,
Thành ba có chín nhân,
Do huân, giác, tịch, thông,
Giải thoát việc sinh tử.

Giải thích: Ba tạng hoặc gồm hai là: Ba tạng là Tu-đa-la tạng, Tì-ni tạng, và A-tì-đàm tạng. Hoặc hai là ba tạng nầy có thượng thừa và hạ thừa khác nhau. Hơn nữa, đó cũng chỉ cho Thanh văn tạng và Bồ-tát tạng.

Hỏi: Ba tạng kia và hai tạng nầy, vì sao gọi là Tạng?

Đáp: Do nó gồm thâu, nghĩa là gồm tất cả nghĩa, nên biết.

Hỏi: Vì sao lập ba tạng?

Đáp: Có chín nhân duyên lập ba tạng.

Lập Tu-đa-la là đối trị với nghi lầm. Nếu trong kinh, ai nghi ngờ chỗ nầy chỗ nọ thì khiến họ được quyết định.

Lập tạng Tì-ni là đối trị với việc thọ dụng hai bên, để xa lìa phía hưởng lạc, ngăn dứt tội lỗi trong sự thọ dụng, để xa lìa phía khổ hạnh với sự thọ dụng không phạm tội.

Lập A-tì-đàm là đối trị với sự chấp đắm của tâm mình. Luận nầy có công năng chỉ bày ra pháp tướng không điên đảo.

Lại nữa, lập Tu-đa-la là nhằm nói về ba học lập Tì-ni để hoàn thành giới học, vì tâm học do trì giới nên tránh khỏi ăn năn. Vì tránh khỏi ăn năn nên theo thứ lớp được định. Lập A-tì-đàm là để hoàn thành tuệ học. Luận nầy có công năng lựa chọn pháp không điên đảo.

Lại nữa, thành lập Tu-đa-la là nói pháp và nghĩa một cách chân chánh. Lập Tì-ni là nhằm thành tựu pháp và nghĩa, vì siêng năng dùng phương tiện diệt phiền não. Thành lập A-tì-đàm là nhằm thông suốt pháp và nghĩa, vì biết lựa chọn nhiều thứ, đó là phương tiện. Vì chín nhân duyên nầy, nên lập ba tạng.

Hỏi: Công dụng riêng của ba tạng là vậy, còn công dụng chung của chúng ra sao?

Đáp: Công dụng chung của ba tạng là huân tập, là tỉnh sáng, là vắng lặng, là thông suốt. Vì thế, giải thoát sinh tử. Đó là đã nói về: Giải thoát sinh tử là dụng chung của ba tạng. Vì nghe giáo pháp mới huân tập, vì suy nghĩ mới tỉnh giác, do chỉ nên có định. Vì quán xét mà được thấu suốt. Do bốn nghĩa nầy nên các việc sinh tử được giải thoát. Kệ rằng:

Kinh, luật, A-tì-đàm,
Mỗi thứ có bốn nghĩa,
Hiểu đủ thành chủng trí,
Chỉ một kệ lậu tận.

Giải thích: Nếu nói lược thì ba tạng mỗi tạng đều có bốn nghĩa. Nếu thấu suốt các nghĩa ấy thì Bồ-tát thành tựu Nhất thiết chủng trí.

Nếu hiểu một câu kệ thì Thanh văn dứt hẳn các lậu.

Hỏi: Mỗi tạng có bốn nghĩa là sao? Kệ rằng:

Chỗ nương cùng với tướng,
Do pháp và do nghĩa,
Bốn thứ nghĩa như vậy,
Là nghĩa Tu-đa-la.

Giải thích: Tu-đa-la có bốn nghĩa là: y, tướng, pháp, nghĩa.

Y (nương tựa) là nơi chốn, là người, là dụng. Nghĩa là Như lai nói Tu-đa-la là tùy thuộc đất nước nào, Chư Phật nào, chúng sinh nao.

Tướng là tướng thế đế và tướng nghĩa đệ nhất đế.

Pháp là pháp ấm, nhập, giới, duyên sinh, đế lý, ăn uống, v.v… Nghĩa là giải thích lý do. Kệ rằng:

Do đối và do số,
Hàng phục và giải thích,
Bốn thứ nghĩa như thế,
Đó là nghĩa Tì-đàm.

Giải thích: A-tì-đàm có bốn nghĩa là: Đối, Số, Phục, Giải. Đối là pháp hướng tới Niết-bàn, nói về Đế, Bồ-đề phần, môn giải thoát. Số là pháp nối tiếp, nói sắc không khác nhau vô lượng tùng pháp sắc, phi sắc thấy được, không thấy được. Phục là pháp cao tột là trong tranh luận, phán quyết, pháp nghĩa đẩy lùi đối phương. Giải là giải thích pháp, nghĩa của Tu-đa-la và A-tì-đạt-ma dễ hiểu. Kệ rằng:

Tội khởi tịnh và xuất
Người chế giải phê phán
Bốn nghĩa lại bốn nghĩa
Đó gọi nghĩa Tỳ-ni.

Giải thích: Tì-ni có hai thứ gồm bốn nghĩa, bốn nghĩa đầu là: Tội, khởi, tịnh, xuất.

1. Tội là tự tính tội, là tội thuộc năm nhóm.
2. Khởi là tội phạm do nhân duyên, gồm bốn thứ:

a) Không biết tội mình.
b) Sống buông lung.
c) Phiền não, bịnh tật.
d) Không có lòng cung kính.

3. Tịnh là tội được trong sạch trở lại vì tâm lành, không cần trị phạt.
4. Xuất là tội được chỉ bày ra, gồm bảy thứ:

a. Ăn là ngăn dứt hẳn không dám tái phạm.
b. Thuận giáo là cho học Yết-ma trị phạt.
c. Khai hứa là thời gian trước ngăn cấm, thời gian sau lại cho phép.
d. Lại xả là vì hòa họp tăng cho phép người học xả bỏ, nên lúc trước phạm mà giờ đây được thanh tịnh.
e. Chuyển y là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam, nữ chuyển căn bị tội, đuổi ra, không cho ở chung trong chúng.
f. Quán sát chân thật là do quán xét mạnh mẽ pháp ưu đà na.
g. Chứng đắc thể tính là khi kiến đế thì thấy tội nhỏ nhiệm vô thể, vì chứng ngộ pháp không, có được pháp nhĩ.

Lại, bốn thứ nghĩa: Người, chế, giải, phán.

1. Người là người phạm tội.
2. Chế là ngăn cấm kẻ phạm tội ấy. Đại sư nhóm chúng, nói lỗi lầm y rồi chế ra việc bắt học đầy đủ.
3. Giải là như pháp đã chế nhưng phân biệt rộng thêm.
4. Phán là định nghĩa thế nào là bị tội, thế nào là không bị tội.

Phải vâng giữ như vậy.

Đã nói về cầu pháp, kế là nói về tìm kiếm duyên. Kệ rằng:

Phật nói pháp sở duyên,
Nên biết: Trong ngoài đủ,
Được hai, không hai nghĩa,
Hai cũng không thật có.

Giải thích: Đức Phật nói pháp sở duyên, nên biết, trong ngoài đầy đủ nghĩa là Phật nói tất cả đối tượng có ba thứ là: Trong, ngoài, cả hai.

Tự tính năng thù của thân là bên trong. Tự tính sở thủ là bên ngoài thân. Họp hai tự tính đó gọi là cả hai.

Được hai, không có hai nghĩa, hai duyên cũng không thật có là đối với hai duyên trong, ngoài, theo thứ lớp của nó, được nghĩa không hai.

Hỏi: Được nghĩa không hai là sao?

Đáp: Là khi sở thủ và nghĩa năng thủ, được gọi là không khác nhau. Hoặc nghĩa năng thủ và nghĩa sở thủ, được gọi là không khác nhau.

Lại nữa, gộp hai nghĩa làm một, vì hai duyên trong, ngoài được như như. Thế nên, hai duyên trong, ngoài ấy, không có hai nghĩa. Thế nên hai duyên nầy, cũng không thật có.

Hỏi: Đã nói có duyên, còn thế nào là được trí? Kệ rằng:

Ba duyên được ba trí,
Giữ gìn ý, lời cảnh.
Hiểu nghĩa sáng tỏ rồi,
An tâm, chỉ có danh.

Giải thích: Ba duyên, như trước đã nói ba cảnh trong, ngoài và cả hai.

Ba trí là ba tuệ: Văn, tư, tu. Vì nương vào ba duyên nên được ba tuệ.

Hỏi: Được là sao?

Đáp: Nếu đối với ba duyên, giữ thanh tịnh, ý nghĩa, lời nói, cảnh thì sẽ được văn tuệ.

Ý nghĩa, lời nói là phân biệt.

Thanh tịnh là tin tưởng chắc chắn.

Vâng giữ là lựa chọn các thứ tin tưởng. Do công dụng nầy mà được văn tuệ.

Nếu phân biệt rõ được ba duyên với ý nghĩa của nó thí đã có ánh sáng rồi, tức là được tư tuệ, là biết nghĩa và có ánh sáng không khác với ý tưởng và lời nói. Do đây mà được tư tuệ.

Nếu đối với ba duyên mà an tâm, biết các thứ chỉ là tên gọi, đó là được tư tuệ. Nghĩa là biết nghĩa và ánh sáng chỉ là tên gọi, do đó mà được tư tuệ.

Như trước đã nói: Hai duyên là không thật có. Cho nên phải biết, ba duyên kia là chỗ nương cho ba tuệ là văn, tư, tu. Đã nói tìm duyên rồi, kế là nói cầu tác ý. Kệ rằng:

Đầu tiên gọi chủng tính,
Việc làm, và chỗ nương,
Tin yên, và muốn sinh,
Nương định, cũng nương trí.
Biệt duyên các thứ duyên,
Thông đạt và tu chủng,
Tự tính và công lực,
Lãnh thọ và phương tiện,
Tự tại, lớn nhỏ thảy,
Như vậy có mười tám,
Gom hết các tác ý,
Hành giả nên siêng tu.

Giải thích: Mười tám tác ý là:

1. Tác ý chủng tính.
2. Tác ý việc làm.
3. Tác ý chỗ nương.
4. Tác ý yên ổn về lòng tin.
5. Tác ý ham muốn phát sinh.
6. Tác ý nương vào định.
7. Tác ý nương vào trí.
8. Tác ý biệt duyên.
9. Tác ý thứ duyên.
10. Tác ý thông đạt.
11. Tác ý tu chủng.
12. Tác ý tự tính.
13. Tác ý công lực.
14. Tác ý lãnh thọ.
15. Tác ý phương tiện.
16. Tác ý tự tại.
17. Tác ý việc nhỏ.
18. Tác ý việc lớn.

Tác ý chủng tính là vì tính chất cố định vì chủng tính ba thừa, như thừa Thanh văn v.v…

Tác ý việc làm là vì tròn đầy hai nhóm phước và trí.

Tác ý chỗ nương là vì sự khác nhau về ép ngặt hay không ép ngặt đối với người tại gia hay xuất gia.

Tác ý yên ổn lòng tin là tương ưng với niệm Phật.

Tác ý ham muốn phát sinh là theo lúc niệm Phật mà lòng tin tương ưng.

Tác ý nương vào định là ba thứ có giác, có quán, đẳng trì, tương ưng với Tam-muội.

Tác ý nương vào trí là ba phương tiện văn, tư, tu mà thứ lớp phát sinh trí tuệ.

Tác ý biệt duyên có năm thứ đối với Tu-đa-la, Ưu-đà-na, Già-đà, A-ba-đà-na:

– Lãnh thọ.
– Giữ gìn.
– Đọc tụng.
– Tư duy.
– Giảng nói.

Tác ý các thứ duyên là có bảy thứ, danh duyên vào tên gọi, duyên vào câu văn, duyên vào chữ, duyên vào người, duyên vào vô ngã, duyên vào pháp vô ngã, duyên vào sắc, duyên vào vô sắc. Duyên vào sắc là duyên vào thân, duyên vào vô sắc là duyên vào sự lãnh thọ của tâm pháp.

Tác ý thông đạt có bốn thứ:

1. Thông đạt sự vật, là biết thể tính của khổ.
2. Thông đạt ý nghĩa là biết rõ nghĩa của khổ, không, vô thường, vô ngã.
3. Thông đạt quả, nghĩa là biết giải thoát.
4. Thông đạt giác ngộ là biết trí tuệ giải thoát.

Tác ý tu chủng là tu chủng có bốn thứ và ba mươi bảy thứ. Tu tập bốn thứ tu là: Tu về nhân vô ngã, tu về pháp vô ngã, tu về tri kiến và tu về trí tuệ.

Ba mươi bảy thứ tu là bốn thứ tu: Bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã, đó gọi là tu bốn món niệm xứ.

Lại nữa, tu tập bốn món là đắc, tập, đoạn, đối trị đó gọi là tu bốn món chánh cần.

Lại nữa, do tri túc đối trị với bốn món chướng ngại là tán loạn, nghi, trạo cử, trầm một. Và, bốn món tu: Dục, tấn, niệm, tuệ, đây gọi là bốn món tu thần túc.

Lại nữa, trụ tâm là muốn thành tựu việc xuất thế gian nên phát sinh lòng tin, siêng năng không quên, tâm an trụ trong năm pháp tu được lựa chọn, đó gọi là tu năm căn.

Lại nữa, năm món tu như vậy có công năng đối trị với năm chướng ngại, đó gọi là sức mạnh. Đó gọi là năm lực.

Lại nữa, bảy món tu Bồ-đề là nhớ nghĩ chân chính, lựa chọn, mạnh mẽ, vui mừng, điều nhu, tâm an trụ bình đẳng, đó gọi là bảy thứ tu phần giác.

Lại nữa, do được quyết định nên thành tựu nghiệp trì địa thanh tịnh, do tư duy phân biệt, do khéo vâng giữ ba giới đã thọ từ bậc thánh, do trước đã siêng năng tu tập và đắc đạo, do không quên mất pháp trụ tướng. Do tâm vô tướng an trụ chuyển y. Tám món tu như vậy, gọi là tám món tu phần đạo.

Tác ý tự tính, có hai thứ:

1. Xa-ma-tha.
2. Tỳ-bát-xá-na.

Hai thứ nầy là tự tính của đạo.

Tác ý công lực, có hai thứ:

1. Nhổ bỏ sự huân tập.
2. Nhổ bỏ tướng thấy.

Tác ý lãnh thọ là được Chư Phật, Bồ-tát dạy trao tất cả sự phát triển của chánh pháp, đều lãnh thọ vâng giữ.

Tác ý phương tiện là khiến cho định hiện hành khắp chốn, thì có năm phương tiện là:

1. Phương tiện hiểu số, là đối với danh từ, câu chữ, số, đều thông hiểu.
2. Phương tiện hiểu đầy đủ, có hai thứ là:

a) Hiểu đầy đủ một phần, đó là các chữ.
b) Hiểu đầy đủ không phải một phần, đó là hiểu danh từ, câu văn.

3. Phương tiện hiểu phân biệt, có hai thứ là:

a) Nương vào danh từ mà phân biệt ý nghĩa.
b) Nương vào ý nghĩa mà phân biệt danh từ, chứ chẳng phải phân biệt chữ.

4. Phương tiện hiểu theo thứ lớp là trước hiểu danh từ, sau chuyển sang hiểu nghĩa.
5. Phương tiện hiểu thông suốt, có mười một thứ là:

a) Thông hiểu khách trần.
b) Thông hiểu cảnh sáng.
c) Thông đạt nghĩa không thật có.
d) Thông đạt nghĩa không thật có không thật có.
e) Thông đạt pháp giới.
f) Thông đạt nhân vô ngã.
g) Thông đạt pháp vô ngã.
h) Thông đạt tâm thấp kém.
i) Thông đạt tâm cống cao.
j) Thông đạt pháp đã chứng được.
k) Thông đạt pháp được thành lập.

– Tác ý tự tại có ba thứ:

1. Mê lầm chướng ngại đã trở nên thanh tịnh.
2. Hai mê lầm chướng ngại hiểu biết, đã trở nên thanh tịnh cùng cực.
3. Công đức thanh tịnh cùng cực.

Tác ý việc nhỏ là mới bắt đầu được thanh tịnh.

Tác ý việc lớn là hai thứ thanh tịnh sau.

Đã nói cầu tác ý, kế là nói cầu nghĩa chân thật. Kệ rằng:

Lìa hai và mê y,
Không nói, không hí luận,
Ba ưng và hai tịnh,
Hai tịnh ba dụ hiển.

Giải thích: Lìa hai và mê y, không nói, không hí luận là trong đây, nên biết, ba tính đều là chân thật. Lìa hai là tính phân biệt và chân thật, vì năng thủ và sở thủ đều là không. Mê y là tính y tha và chân thật do đó khởi lên các phân biệt. Không nói, không hí luận là tính chân thật của chân thật vì tự tính không hí luận, không thể nói năng.

Ba ưng và hai thanh tịnh, hai tịnh sáng tỏ vì ba thí dụ là ba ưng là chân thật ban đầu, nên biết, chân thật thứ hai nên dứt, chân thật thứ ba nên thanh tịnh.

Hai tịnh là:

1. Tự tính thanh tịnh, vì xưa nay thanh tịnh.
2. Vô cấu thanh tịnh, do lìa xa khách trần.

Hai thứ thanh tịnh nầy, có thể nói về bằng ba thứ thí dụ là hư không, vàng và nước. Ba thí dụ như vậy, một là cả ba đều dụ cho tự tính thanh tịnh, như hư không chẳng hạn, chẳng phải không có tự tính thanh tịnh. Hai là cả ba câu đều dụ cho vô cấu thanh tịnh, như hư không chẳng hạn, chẳng phải không xa rời khách trần, nên thanh tịnh. Kệ rằng:

Pháp giới và thế gian,
Không hề có chút khác,
Do chúng sinh ngu tối,
Chấp không mà bỏ có.

Giải thích: Pháp giới và thế gian, không hề có chút khác là không phải pháp giới và thế gian có chút khác nhau. Vì sao? Vì pháp tánh và các pháp không khác nhau.

Do chúng sinh ngu muội quá lắm, chấp cái không, bỏ cái có, vì chúng sinh nhiều ngu si lắm, nên đối với pháp không có thật của thế gian, đúng ra không nên chấp, nhưng lại khởi lên chấp. Còn đối với pháp Như Như có thật, đúng ra không nên buông xả nhưng lại chối từ. Đã nói cầu tìm chân thật, kế là nói về cầu chân thật bằng thí dụ. Kệ rằng:

Như nhà ảo thuật kia,
Luống dối nói phân biệt,
Như các việc huyễn nọ,
Nói dụ hai thứ mê.

Giải thích: Như nhà ảo thuật, luống dối nói phân biệt là như nhà ảo thuật dựa vào sức mạnh của bùa chú biến ra cây đá để làm mê mẩn kẻ khác, cũng vậy phân biệt trống rỗng, tính y tha cũng vậy. Khởi lên các thứ phân biệt làm nhân cho điên đảo. Như các việc ảo thuật kia mà nói thí dụ cho thứ si mê, thí như huyễn hiện ra các thứ bằng vàng với nhiều tướng mạo. Như vậy, tính phân biệt khởi lên cũng vậy, là năng thủ và sở thủ, hai thứ mê ấy, hiển hiện bất cứ lúc nào. Kệ rằng:

Ảo thuật kia vô thể,
Được nhập nghĩa đệ nhất,
Ảo thuật có thể được,
Thông đạt thế đế thật.

Giải thích: Như trò ảo thuật kia, vì vô thể nên được chứng nghĩa đệ nhất, là: Như trò ảo thuật kia có nghĩa là việc ảo hóa, không có thật. Đây là dụ cho hai tướng y tha và phân biệt, chúng cũng không có thật thể. Do nguyên lý ấy mà thông đạt nghĩa đệ nhất đế.

Như ảo thuật có thể có được, thông đạt cái thật của thế gian là, có thể có được là việc ảo, món ảo, thể nó có thể có được. Thí dụ nầy chỉ luống dối phân biệt cũng như vậy, do nguyên lý nầy mà thông đạt thế đế. Kệ rằng:

Sự kia là vô thể,
Tức chứng cảnh chân thật,
Như vậy, vì chuyển y,
Liền được nghĩa chân thật.

Giải thích: Do sự kia vô thể tức chứng được cảnh chân thật là nếu ai biết rõ trò ảo thuật kia là vô thể, thì họ biết được cảnh thật như cây, v.v…

Như vậy, do chuyển y, nên liền chứng được nghĩa chân thật, là nếu biết hai thứ mê lầm kia là không có thật thể thì Bồ-tát khi chuyển y sẽ chứng được nghĩa của thể tính chân thật. Kệ rằng:

Nhân của mê vô thể,
Hết mê, đi tự tại,
Nhân điên đảo vô thể,
Vô đảo, chuyển tự tại.

Giải thích: Nhân của mê vô thể, hết mê đi tự tại là cây đá ở thế gian dù vô thể, nhưng chúng vẫn là nhân của lầm mê. Nếu ai hết mê thì đi lại tự tại, không nương vào kẻ khác.

Nhân của điên đảo vô thể, không đảo, chuyển tự tại, là khi chưa chuyển y, như thế thì dù không tự thể nhưng vẫn là nhân duyên của điên đảo. Nếu khi được chuyển y vì không điên đảo thì bậc Thánh cũng được tự tại, sống theo tự tại. Kệ rằng:

Việc nầy chỗ kia có,
Kia có thể cũng không,
Thể có ấy là không,
Cho nên nói là huyễn.

Giải thích: Trò huyễn thuật kia vẫn có đấy, nó có thể, cũng không, là việc nầy nói về trò ảo thuật có nhưng chẳng phải có. Vì sao? Vì cái có của nó là vật thể tưởng tượng hư ảo, mà nó hiển hiện ra đấy thôi.

Chẳng phải có, là thể thật của nó không thật có.

Thể có ấy là không, nên mới có là huyền ảo, nghĩa là dù có thể, hay không có thể cả hai đều không. Vì nghĩa nầy nên nói trò ấy là ảo thuật. Kệ rằng:

Vô thể, phi vô thể,
Phi vô thể, tức thể,
Vô thể, thể không hai,
Cho nên nói là huyễn.

Giải thích: Vô thể phi vô thể, phi vô thể tức thể, nghĩa là ở đây nói trò ảo thuật kia chẳng phải có mà có, Vì sao? Vì chẳng phải có là vì ảo thuật kia là không có tự thể, vì nó không có thật thể.

Mà có, nghĩa là trò ảo thuật kia chẳng phải vô thể vì có hình tượng hiện bày ra.

Thể vô thể không cả hai, nghĩa là vô thể và thể không hai. Vì nghĩa nầy cho nên nói trò kia là ảo hóa. Kệ rằng:

Nó có hai thứ sáng,
Mà không hai thể sáng,
Cho nên nói sắc thảy,
Có thể tức vô thể.

Giải thích: Nói có hai thứ sáng, mà không hai thể sáng nghĩa là ở đây làm sáng tỏ, vì phân biệt luống dối thấy có, mà không phải có. Vì sao ?

– Có là do hiện bày của hai thứ ánh sáng.
– Chẳng phải có là vì thật thể của nó, không thật có.

Cho nên nói sắc, v.v… có tự thể tức không có tự thể, nghĩa là do nghĩa nầy, nên nói sắc, v.v… có tự thể tức không có tự thể. Kệ rằng:

Vô thể phi vô thể,
Phi vô thể tức thể,
Cho nên nói sắc thảy,
Thể vô thể không hai.

Giải thích: Vô thể phi vô thể, phi vô thể tức thể, đây là nói do luống dối phân biệt, chẳng phải có nhưng thấy có. Vì sao ?

Chẳng phải có là do hai thứ ánh sáng kia không có tự thể vì chúng không có thật thể.

Nhưng có, là do hai thứ ánh sáng kia chẳng phải vô thể, vì ánh sáng hiện rõ.

Cho nên nói sắc, v.v… là vô thể, thể không hai, là do nghĩa nầy, nên nói sắc vô thể và thể không hai.

Hỏi: Thể và vô thể sao không một bề nhất định mà lại cho rằng hai thứ đó không khác nhau? Kệ rằng:

Có biên là ngăn lập,
Không biên là ngăn,
Lui Đại về Tiểu diệt,
Ngăn kia cũng như vậy.

Giải thích: Theo thứ lớp trên thì:

1. Vì ngăn hữu biên.
2. Vì ngăn vô biên.
3. Vì ngăn hướng về Niết-bàn Tiểu thừa.

Cho nên không được nói một bề nhất định.

Hỏi: Thế nào là ngăn hữu biên?

Đáp: Hữu biên là ngăn thành lập. Đây là nói về, do đối với vô thể mới biết là vô thể, nên không thể an lập là có.

Hỏi: Ngăn dứt vô biên là sao?

Đáp: Ngăn dứt vô biên là ngăn dứt sự chê bai. Điều nầy nói về là do đối với có thể biết thế tục Đế, chẳng nên không chê bai là không.

Hỏi: Thế nào là ngăn dứt sự hướng về Niết-bàn Tiểu thừa?

Đáp: Nhằm ngăn dứt những người thoái lui Đại thừa, hướng về Niết-bàn của Tiểu thừa như vậy.

Đây nói về vô thể và thể không khác nhau. Do vậy, không nên nhàm chán tự thể để nhập Niết-bàn Tiểu thừa. Kệ rằng:

Sắc thức là nhân mê,
Thức thức là thể mê,
Nhân sắc thức là không,
Thể thức thức cũng không.

Giải thích: Sắc thức là nhân mê, thức thức là thể mê, là người kia mê mờ về cảnh nên gọi là sắc thức. Thể của năng mê đó gọi là phi sắc thức.

Sắc thức vô thể, nên thể của thức thức cũng là không, vì sắc thức đã không nên phi sắc thức cũng không. Vì sao? Vì nhân là không, nên quả của nó cũng không. Kệ rằng:

Ảo tượng và chấp ảo,
Mê nên nói có hai,
Như vậy, không có hai,
Mà có hai khả đắc.

Giải thích: Ảo tượng chấp ảo tượng, mê nên nói có hai, là kẻ ngu mê đối với ảo tượng, chấp lấy ảo tượng. Vì mê mờ cho nên nói có hai việc năng thủ và sở thủ.

Như vậy, không hai, mà có hai khả đắc là: Hai việc kia dù là không, nhưng có hai cái có thể có do mê hiển hiện ra.

Hỏi: Thí dụ trên đây, là muốn nói về điều gì? Kệ rằng:

Cốt tượng, giữ lấy cốt,
Quán nên cũng nói hai,
Không hai mà nói hai,
Khả đắc cũng như vậy.

Giải thích: Cốt tượng giữ lấy cốt, quán nên cũng nói hai, là người quán hạnh đối với cốt tượng và duyên lấy cốt vì xem xét mà bảo có hai việc là năng quán và sở quán. Không hai mà nói hai, khả đắc, cũng như vậy, là hai việc kia dù không có, nhưng có hai cái có thể, có là vì quán hiển hiện ra.

Hỏi: Quán như vậy rồi thì pháp nào là sở trị, pháp nào là năng trị?

Kệ rằng:

Nên biết thể sở trị,
Pháp đó tướng của mê,
Thể vô thể như vậy,
Có, chẳng có như huyễn.

Giải thích: Nên biết thể sở trị, pháp đó tướng của mê là trong đây nên biết, thể của sở trị là tướng của pháp mê. Tướng của pháp mê là thể như vậy, như vậy.

Như vậy, thể vô thể có, chẳng có như huyễn là thể như thế mà nói có vì luống dối phân biệt.

Nói không phải có là vì hai thể: Năng thủ và sở thủ, và phi thể chẳng khác nhau. Như vậy, cái có cũng như ảo mà cái không cũng như ảo, nên nói tướng mê của pháp nầy là như ảo. Kệ rằng:

Nên biết thể năng trị,
Các pháp Niệm, xứ, thảy,
Thể như vậy vô tướng,
Như huyễn cũng như vậy.

Giải thích: Nên biết thể năng trị, các pháp Niệm, xứ, thảy, là trong đây, nên biết: Thể của năng trị tức là các pháp. Các pháp: là pháp Niệm, xứ, v.v… do Phật nói. Thể là như vậy, như vậy, thể như vậy nên không có tướng, như huyễn cũng như vậy là thể kia cũng như huyễn. Vì sao? Vì như kẻ phàm phu mê chấp cho là có thể như vậy, như vậy. Như Chư Phật đã nói các pháp không có thể như vậy, như vậy, thể không có tướng thể. Nhưng Phật, Thế Tôn vẫn thị hiện vào thai, ra thai, vượt thành, xuất gia thành Chánh giác. Như vậy dù vô tướng nhưng vẫn hiển hiện sáng tỏ, cho nên như huyễn.

Hỏi: Nếu các pháp cùng là như huyễn thì lấy nghĩa nào mà bảo rằng một bên là năng trị và một bên là sở trị? Kệ rằng:

Như vua huyễn hùng mạnh,
Khiến vua huyễn khác lui,
Pháp thanh tịnh như vậy,
Năng dứt hết pháp nhiễm.

Giải thích: Như vua huyễn hùng mạn, khiến vua huyễn khác rút lui là tịnh pháp năng trị cũng như ông vua huyễn nầy, do có công năng đối trị gia tăng lên mãi đối với pháp ô nhiễm. Các pháp nhiễm ô bị đối trị kia, cũng giống như vua huyễn thuật vì đối với cảnh giới tăng lên mãi. Như vậy, pháp thanh tịnh có công năng khiến pháp nhiễm diệt hết. Như vua huyễn mạnh mẽ có công năng làm các vua huyễn khác phải rút lui. Bồ-tát cũng vậy, biết pháp là như huyễn hóa, Bồ-tát có công năng dùng pháp tịnh đối trị pháp nhiễm ô, cho nên không kiêu ngạo.

Hỏi: Đức Thế Tôn chỗ nào cũng nói những thí dụ như: huyễn, như chiêm bao, như nắng chói lòa hiện ra các vật ảo, như hình, như tượng, như tiếng vọng, như trăng dưới nước, như hóa. Như vậy, tám thí dụ ấy, mỗi thí dụ nhằm nói về điều gì? Kệ rằng:

Như huyễn đến như hóa,
Thứ lớp dụ các hành,
Hai, sáu, hai, hai sáu,
Một, một, một có ba.

Giải thích: Như huyễn đến như hóa thứ lớp dụ là các hành, huyễn là dụ cho sáu nhập bên trong, do ngã không có tự thể, chỉ là thứ ánh sáng nói về thôi.

Chiêm bao là thí dụ cho sáu nhập bên ngoài, do sự thọ dụng sáu trần thể là không.

Ánh sáng chói lòa là để dụ cho hai pháp tâm và tâm sở, do phát sinh si mê.

Hình tượng còn dùng để dụ cho sáu nhập bên trong, do đây là bóng hình của nghiệp đời trước.

Bóng còn dùng để dụ cho sáu nhập bên ngoài, do ảnh của nội nhập khiến nội nhập phát sinh tăng lên mãi.

Tiếng vang dụ cho pháp được nói, giáo pháp như tiếng vang.

Trăng đáy nước dụ cho pháp nương vào định. Định như mặt nước, giáo pháp như mặt trăng. Mặt nước lắng yên, không xáo động, thì giáo pháp liền hiển hiện.

Biến hóa là dụ cho hóa thân của Bồ-tát, tùy ý thọ sinh và không bị ô nhiễm do việc mình làm.

Hai, sáu, hai, hai mươi sáu, một, một, một có ba nghĩa là:

Hai sáu nghĩa là sáu nhập bên trong và sáu nhập bên ngoài.

Hai là hai thí dụ huyễn, mộng. Thí dụ đó nói về tâm và tâm sở. Nó được dụ sáng tỏ do ánh nắng chói lòa (mà mắt thấy các vật hiện ra).

Còn hai, sáu là sáu nhập bên trong và sáu nhập bên ngoài, chúng được sáng tỏ bới hai dụ ảnh và tượng.

Một, một, một là nói thọ sinh trong pháp Tam-muội. Nó được dụ bằng ba thứ: Tiếng vang, trăng đáy nước và hóa thân.

Đã mói xong về nghĩa chân thật, kế là nói về cầu trí năng tri. Kệ rằng:

Không chân và tựa chân,
Chân và tựa chẳng chân,
Bốn thứ trí như vậy,
Biết được tất cả cảnh.

Giải thích: Bất chân và tựa chân, chân và tựa bất chân là không chân thật, là trí phân biệt không chân thật, vì không thuận theo vào trí phân biệt xuất thế gian.

Tựa chân là trí phân biệt bất chân, chẳng phải bất chân. Từ thông đạt phần đầu tiên, vì thuận theo vào trí xuất thế gian.

Chân: là trí vô phân biệt xuất thế gian, vì chứng chân như.

Tựa không chân nghĩa là trí vô phân biệt, chẳng phải vô phân biệt, vì trí thế gian có được sau khi xuất thế gian.

Bốn thứ trí như vậy, biết được tất cả cảnh là vì đầy đủ bốn trí nầy nên hiểu biết tất cả các cảnh.

Đã nói cầu trí, kế là nói về cầu nhiễm ô và thanh tịnh. Kệ rằng:

Từ giới và hai sáng,
Si và các hoặc khởi,
Các phân biệt như thế,
Nên xa lìa hai thật.

Giải thích: Từ giới và hai sáng, si và các hoặc khởi: là giới có nghĩa là từ hạt giống thức A-lê-da. Hai thứ ánh sáng là ánh sáng của năng thủ và ánh sáng của sở thủ. Hai thứ phân biệt nầy phát sinh là vì chúng cộng tác với vô minh và các thứ mê lầm khác.

Các thứ phân biệt, cũng xa lìa hai thật là: Hai sự thật là sự thật về sở thủ và sự thật về năng thủ. Hai thứ sự thật đầy ô nhiễm như vậy, phải tìm cách xa lìa. Kệ rằng:

Được ba duyên kia rồi,
Nên học từ giới, xứ,
Hai sáng như vậy diệt,
Như chuốt tên, thuộc da.

Giải thích: Được ba duyên kia rồi, nên học từ giới, xứ: là ba duyên trong, ngoài và cả hai, như đã nói ở trước. Từ giới nghĩa là các thứ phân biệt, nên hiểu như vậy. Xứ là tên gọi nơi chốn. Tên gọi nơi chốn nầy nên an tâm. Nên học là tu tập hai pháp chỉ quán.

Hai thứ ánh sáng ấy, nên làm tắt ngấm đi là dụ như chuốt tên, thuộc da, nghĩa là hai thứ phân biệt của hai ánh sáng kia tắt rồi, ví như thuộc da cho thật mềm, như chuốt tên phải uốn cho đầu tên thẳng. Việc chuyển y cũng như vậy, nhất nhất phải tu tập chỉ hoặc quán. Khi đạt hai thứ giải thoát tâm và tuệ thì hai thứ ánh sáng kia không phát sinh nữa. Sự thanh tịnh như vậy lẽ ra cầu đến được.