LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH

SỐ 1604

Tác giả: Bồ-tát Vô Trước.
Hán dịch: Tam Tạng pháp sư, Đời Đường, là Ba-la-phả-mật-đa-la.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm Thứ 10: BỒ-ĐỀ

Giải thích: Đã nói về Bồ-tát thành thục chúng sinh rồi. Kế là nói Bồ-tát chứng đắc Nhất Thiết chủng trí. Kệ nêu:

Đã làm các việc khó,
Đã nhóm các điều lành,
Đã vượt các thời gian,
Đã dứt các chướng ngại.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nhân tròn đầy của Nhất thiết chủng trí.

Tất cả các việc khó đã làm là có tràn đầy công hạnh cho nên có thể làm trăm ngàn việc khó làm, làm nhưng không thấy mỏi mệt.

Đã nhóm về các điều lành là đã xếp vào đầy đủ tất cả tự tính gốc lành Ba-la-mật.

Đã vượt qua tất cả thời gian là đã trải qua thời gian dài đầy đủ đại kiếp A-tăng-kì.

Đã dứt các chướng ngại: Là dứt trừ trọn vẹn tất cả các chướng ngại đối với pháp Đại thừa, nghĩa là những chướng ngại nhỏ nhiệm ở các địa. Kệ rằng:

Thành tựu Nhất thiết chủng,
Đây tức là thân Phật,
Như rương báu đã mở,
Các báu đều bày ra.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về quả tròn đầy của Nhất thiết chủng trí, nó có ba nghĩa khác nhau:

  1. Chí đắc.
  2. Tự tính.
  3. Thí dụ.

Thành tựu Nhất thiết chủng trí: là phân biệt chí đắc, do từ đây trở đi đã thành tựu Nhất thiết chủng trí.

Đây tức là thân Phật, nghĩa là tự tính phân biệt, là nói Nhất thiết chủng trí là thể của thân Phật.

Như rương báu đã mở, các báu đều bày ra nghĩa là thí dụ cho các phần Bồ-đề đều hiện ra trước mắt.

Đã nói Nhất thiết chủng trí là thân Phật. Kế là nói về không hai tướng. Kệ rằng:

Pháp trắng là thân Phật,
Chẳng không, cũng chẳng có,
Phật là nhân pháp bảo,
Pháp là nhân gốc lành.
 
Giải thích: Pháp trắng là thân Phật có nghĩa là vì thể của Phật là chuyển tất cả các pháp lành trong sáu Ba-la-mật.

Chẳng không cũng chẳng có là thể nầy chẳng phải là không. Vì sao? Vì chân như chẳng khác nhau. Cũng lại chẳng phải có, vì sao? Vì tự tính không thành tựu, đây gọi là không hai tướng.

Phật là nhân của pháp bảo nghĩa là Phật nói tất cả pháp và sức thần thông của Phật.

Pháp là nhân của gốc lành nghĩa là chúng sinh là ruộng, gốc lành là lúa thóc.

Như vậy, pháp bảo đã giáo hóa ruộng chúng sinh, khiến lúa thóc gốc lành sinh trưởng. Kệ rằng:

Đủ pháp cũng lìa pháp,
Như kho tàng, như mây,
Sinh mưa pháp, mưa pháp,
Nên thành dụ như thế.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nghĩa trước.

Đầy đủ pháp lành, cũng lìa pháp: Là Chư Phật có đủ các pháp lành, lìa tất cả pháp bất thiện.

Như kho tàng, như mây là Phật bảo như kho tàng, Pháp bảo như mây

Hỏi: Cái ấy, có nghĩa gì?

Đáp: Sinh ra mưa pháp, mưa pháp nên có thí dụ như vậy.

Phật bảo có công năng sinh ra pháp bảo, giống như một kho tàng mênh mông. Pháp bảo có công năng sinh trưởng gốc lành cho các chúng sinh, giống như vầng mây lớn.

Đã nói thân Phật là tướng không hai. Kế là nói thân Phật là chỗ quy y Vô thượng. Kệ rằng:

Chư Phật thường cứu giúp,
Chúng sinh ba nhiễm ô,
Các hoặc hành vi ác,
Cho đến sinh, già, chết.

Giải thích: Bài kệ nầy nói lược ý nghĩa của sự cứu giúp.

Chư Phật thường cứu giúp nghĩa là cứu giúp rốt ráo.

Hỏi: Cứu giúp bằng cách nào?

Đáp: Cứu giúp chúng sinh ba nhiễm ô là ô nhiễm do phiền não, ô nhiễm do nghiệp, nhiễm do đời sống.

Các mê lầm là phiền não nhiễm ô.

Các hành vi ác là nghiệp nhiễm ô.

Cho đến sinh, già, chết là đời sống ô nhiễm.

Hỏi: Vì sao phải cứu giúp?

Đáp: Cứu giúp ba thứ ô nhiễm ấy của chúng sinh, không buông xả bất cứ lúc nào. Đó là ý nghĩa rốt ráo. Kệ rằng:

Các hoạn và đường ác,
Thân kiến cũng Tiểu thừa,
Các chúng sinh như vậy,
Tất cả đều cứu giúp.

Giải thích: Bài kệ trên đây là sáng tỏ nghĩa lớn của việc cứu giúp.

Các họa như chúng sinh đui, điếc, câm, ngọng, điên khùng, thân tàn tật, nhưng do sức mạnh của Phật mà người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm nói được, người khùng trở lại tỉnh biết, người rối loạn được ổn định, người tàn tật được đầy đủ thân thể. Cứu giúp là như vậy.

Đường ác là chúng sinh trong địa ngục bị lửa cháy thân, thì cứu giúp họ khỏi khổ, không còn trở vào chốn ấy nữa. Cứu giúp là như vậy.

Thân kiến là chúng sinh đắm ngã, giúp họ hiểu được nhân vô ngã, chứng nhập Niết-bàn Nhị thừa. Cứu giúp là như vậy.

Tiểu thừa là tính của Nhị thừa. Chúng sinh không nhất định mới dùng phương tiện đắt dẫn vào Đại thừa. Cứu giúp là như vậy. Kệ rằng:

Phật là chỗ quy tốt,
Không ai sánh, Vô thượng,
Như các sợ hãi trước,
Ai, Phật cũng cứu thoát.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về chỗ nương tốt đẹp. Do không có gì dụ cho Phật được, nên không còn ai ở trên Phật. Thế nên, như trước đã nói, chúng sinh ba thứ nhiễm ô và các hoạn nạn khác nhau của chúng sinh, tất cả đều được Phật cứu giúp. Kệ rằng:

Thân Chư Phật trọn lành,
Hơn tất cả thế gian,
Pháp mầu hóa chúng sinh,
Để qua biển Đại bi.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nhân cao cả của sự nương.

Thân Chư Phật trọn lành, hơn các người ở trên đời, ấy là do tự lợi đến chỗ rốt ráo, do sức mạnh vô úy… Mà tự tính các công đức đều tròn đầy.

Pháp mầu giáo hóa chúng sinh, để vượt qua biển Đại bi là: Khéo biết dùng phương tiện mà giáo hóa chúng sinh và từ biển đại bi, vượt qua các thứ, rốt ráo tới được bờ bên kia. Kệ rằng:

Tận cùng mé vị lai,
Trùm khắp thảy chúng sinh,
Thường đem lợi cho họ,
Là nói quy y lớn.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nghĩa lớn của sự quy y. Có ba nghĩa:

1. Chỉ rõ thời gian lớn lao đến tận cùng bờ mé sinh tử của tất cả chúng sinh.
2. Cảnh lớn lao, Phật lấy tất cả chúng sinh làm đối tượng giáo hóa.
3. Sự nghiệp lớn lao, bất cứ lúc nào cũng đem lại lợi ích thoát khổ cho chúng sinh, giúp họ ra khỏi các khổ não.

Đã nói quy y Vô thượng, ở đây nói tiếp tướng chuyển y của Như lai. Kệ rằng:

Hai chướng chủng hằng theo,
Diệt các phía, tận cùng.
Nên pháp trắng tròn đầy,
Chuyển y thành hai đường.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về sự chuyển y có hai là chứng đắc và lìa bỏ.

Hai chướng chủng hằng theo mãi, diệt chúng từ các phía đến tận cùng nghĩa là nói rõ phần cần đối trị giờ đã buông xả xa lìa, là hai hạt giống chướng của phiền não và của hiểu biết, từ vô thỉ đến giờ, chúng theo đuổi mãi, giờ đây chúng bị tận diệt hoàn toàn. Những thứ bao gồm 2 trong các địa làm các thứ đều bị cắt đứt hết.

Nên pháp trắng tròn đầy, chuyển y thành tựu hai con đường là, đây nói về thành tựu năng trị, nghĩa là thể Phật tương ưng với pháp trắng tối thượng tròn đầy. Bấy giờ nương theo đó mà chuyển lên thành tựu hai con đường.

1. Trí đạo xuất thế gian hoàn toàn thanh tịnh.
2. Chứng đắc vô biên cảnh giới trí đạo đã biết, đó gọi là chuyển y. Kệ rằng:

Như lai trụ nơi đó,
Không động, như núi chúa,
Còn thương người ưa diệt,
Huống đắm vào các cõi.
 
Giải thích: Bài kệ nầy nói về sự chuyển y của Như lai là hơn hết trong các chuyển y. Vì sao? Vì Như lai chuyển y, an trụ trong bờ bến vô lậu, như ngọn núi chúa đứng vững trong đất chắc, không bị lay động. Chuyển y như vậy rồi, Như lai còn thương xót khi thấy Thanh văn, Duyên giác là những người ưa thích Niết-bàn. Huống chi vô số chúng sinh sống ở biên địa thấp hèn mắc biết bao khổ não, hữu lậu. Kệ rằng:

Lợi tha và Vô thượng,
Không chuyển và không sinh,
Rộng lớn và không hai,
Không trụ cũng bình đẳng,
Thù thắng và trao khắp,
Là nói Như lai chuyển,
Nêu bày mười công đức,
Nghĩa khác nhau, nên biết.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về sự chuyển y của Như lai gồm có mười công đức khác nhau:

1. Chuyển có nghĩa lợi tha là Như lai đã chuyển y rồi còn làm lợi ích cho kẻ khác.

2. Chuyển Vô thượng là Như lai đã chuyển rồi, thường được tự tại đối với tất cả pháp, vượt hơn lối chuyển của Nhị thừa.

3. Chuyển mà không chuyển là Như lai chuyển y rồi, nhưng đối với các nhân duyên gây ô nhiễm Như lai không thể chuyển nó, mà các nhân ấy phải nương vào những cái khác mà chuyển chúng.

4. Chuyển bất sinh là Như lai đã chuyển y rồi, nên tất cả pháp nhiễm ô hoàn toàn không còn khởi lên nữa.

5. Chuyển một cách rộng lớn là Như lai đã chuyển y rồi, Như lai thị hiện chứng Đại Bồ-đề và nhập Niết-bàn.

6. Chuyển không hai là Như lai chuyển y rồi, thì thấy sinh tử, Niết-bàn không hai.

7. Chuyển không an trụ là Như lai đã chuyển y rồi, Như lai đều không trụ ở hữu vi, hay vô vi.

8. Chuyển bình đẳng là Như lai chuyển y rồi, Như lai cùng giải thoát phiền não ngăn lấp như Thanh văn, Duyên giác.

9. Chuyển cao quý là Như lai chuyển y rồi, tất cả pháp Phật như mười lực, bốn vô úy, chẳng pháp nào sánh bằng.

10. Chuyển dạy trao rộng khắp là Như lai đã chuyển y rồi, Như lai dùng tất cả thừa mà trao dạy trao bảo. Kệ rằng:

Như hư không trùm khắp,
Phật cũng trùm tất cả,
Hư không trùm các sắc,
Chư Phật trùm chúng sinh.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về thể Phật trùm khắp cả như hư không. Hai câu đầu là nói thẳng, hai câu sau là giải thích, thí dụ như hư không bao trùm các nhóm sắc. Thể tính Phật cũng vậy, là bao trùm tất cả nhóm chúng sinh. Nếu trước mắt, chúng sinh không thấy Phật, rồi bảo rằng tự thể Phật không bao trùm, thì nghĩa ấy là không đúng, vì chúng sinh chưa thành Phật. Kệ rằng:

Như đồ chứa nước bể,
Trăng không hiện ra được,
Chúng sinh lỗi như thế,
Bóng Phật cũng không hiện.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về thể của Phật dù có trùm khắp, nhưng chúng sinh không thấy, như đồ chứa nước bị bể (nước chảy hết) thì không thấy được bóng mặt trăng. Chúng sinh mắc nhiều lỗi lầm, cho nên không thấy hình Phật. Từ đó, nghĩa nầy được thành lập. Kệ rằng:

Như tính của đống lửa,
Dù cháy hay tắt ngấm,
Hóa thân Phật cũng thế,
Xuất hiện nhập Niết-bàn.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc Phật giáo hóa khi ẩn khi hiện, như tính lửa có lúc cháy, có lúc tắt. Sự giáo hóa của Chư Phật cũng vậy, có lúc thì hiện ra đời, có lúc thì hiện nhập Niết-bàn.

Đã nói chuyển y của Như lai, kế là nói sự nghiệp của Như lai thường vô dụng công. Kệ rằng:

Châu như ý, trống trời,
Tự nhiên thành việc mình,
Phật hóa và Phật nói,
Vô tư cũng thế ấy.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về Phật sự không dụng công, như ngọc báu như ý dù vô tâm, nhưng có công năng làm các thứ biến hóa hiện. Như lai cũng vậy, dù không dụng tâm cho công việc, nhưng tự nhiên có công năng làm phát sinh các thứ biến hóa. Như trống trời dù là vô tâm, nhưng tự nhiên có công năng phát ra nhiều thứ âm thanh, Như lai cũng vậy, dù không dụng tâm cho công việc, nhưng tự nhiên có công năng nói nhiều thứ pháp mầu, Kệ rằng:

Nương không, nghiệp không dứt,
Nhưng nghiệp có thêm bớt,
Nương cảnh việc không dứt,
Nhưng sự có sinh, diệt.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về Phật sự không xen hở. Như người đời nương theo hư không mà họ làm việc không bị đứt quãng, Chư Phật cũng vậy là nương vào cảnh giới vô lậu mà làm Phật sự cũng không đứt quãng. Như người đời nương vào hư không mà làm việc có thêm, có bớt, Chư Phật cũng vậy, là nương vào cảnh giới vô lậu mà làm Phật sự cũng có sinh diệt.

Đã nói về tâm không dụng công nhưng vẫn không buông xả Phật sự, kế là, nói pháp giới vô lậu sâu xa. Kệ rằng:

Như trước sau cũng vậy,
Xa lìa tất cả chướng
Chẳng tịnh chẳng bất tịnh,
Phật nói gọi là như.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về tướng thanh tịnh của pháp giới dù trước hay sau cũng vậy.

Cái gọi là chẳng tịnh vì tự tính không ô nhiễm.

Xa lìa tất cả chướng, gọi là chẳng phải bất tịnh là bởi sau đó khách trần đã ra đi.

Chẳng tịnh, chẳng bất tịnh, Phật gọi là như, nghĩa là chẳng tịnh, chẳng bất tịnh, đó gọi là tướng pháp giới thanh tịnh. Kệ rằng:

Thanh tịnh, không, vô ngã,
Phật nói ngã bậc nhất,
Bởi Chư Phật ngã tịnh,
Nên Phật gọi Đại ngã.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về tướng của pháp giới Đại ngã.

Thanh tịnh không, vô ngã, là cảnh giới vô lậu nầy, lấy vô ngã bậc nhất làm tự tính.

Phật nói ngã bậc nhất nghĩa là vô ngã bậc nhất nầy gọi là thanh tịnh như. Thanh tịnh như ấy tức tự tính ngã của Chư Phật, bởi ngã của Chư Phật là thanh tịnh.

Cho nên Phật gọi đại ngã là bởi ngã nầy của Phật là thanh tịnh tột cùng, vì vậy Phật lấy hiệu đại ngã là bởi nghĩa ấy. Chư Phật lập ra ngã bậc nhất trong cảnh giới vô lậu. Đó gọi là tướng của pháp giới đại nga. Kệ rằng:

Phi thể, phi phi thể,
Như vậy, nói thể Phật,
Cho nên soạn luận nầy,
Quyết định pháp vô ký.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về tướng của vô ký pháp giới.

Tạo thể là hai tướng nhân, pháp không thể nói.

Chẳng phải phi thể là như tướng là thật có.

Như vậy nói Phật thể là do nhân duyên nầy, nên nói thể Phật là chẳng phải thể, chẳng phải phi thể.

Cho nên soạn luận nầy, quyết định là pháp vô ký nghĩa là:

Sau khi chết, Như lai còn.

Sau khi chết, Như lai không còn.

Sau khi chết, Như lai còn và cũng không còn.

Sau khi chết, Như lai không còn, chẳng phải không còn.

Bốn trường hợp như vậy không thể ký, nên pháp giới là tướng vô ký. Kệ rằng:

Như sắt nóng, đã nguội,
Như mắt và thuốc chữa,
Tâm trí dứt cũng vậy,
Không nói có vô thể.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về tướng giải thoát của pháp giới.

Như sắt nóng đã nguội, như mắt và thuốc chữa nghĩa là hai vật thể sắt nóng đã nguội và thuốc chữa mắt có thể nói chẳng phải thể, chẳng phải không thể. Vì sao ?

Chẳng phải thể nghĩa là do nóng và thuốc không có tướng.

Chẳng phải vô thể nghĩa là do tướng nguội là có thể.

Tâm trí dứt cũng vậy, không nói là có thể nghĩa là bằng tâm trí mình, Chư Phật cho ham mê là sức nóng, cho vô minh là thuốc chữa.

Nếu dứt trừ hai món ấy, thì cũng gọi là chẳng phải tự thể, chẳng phải không có tự thể. Vì sao? Vì chẳng phải thể là do tham và vô minh đã dứt. Chẳng phải không có tự thể nghĩa là do tâm tuệ giải thoát là có, nên gọi là tướng giải thoát của pháp giới.

Đã nói tướng sâu xa. Kế là nói về nơi chốn của sự sâu xa, Kệ rằng:

Vô lậu giới Chư Phật,
Chẳng một cũng chẳng nhiều,
Do thuận theo thân trước,
Chẳng thân như hư không.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nơi chốn sâu xa của pháp giới. Pháp giới vô lậu của Chư Phật chẳng phải một, chẳng phải nhiều. Vì sao ?

Chẳng phải một là do thuận theo thân trước.

Chẳng phải nhiều là do chẳng phải thân. Vì sao gọi là chẳng phải thân?

Đáp: Vì như hư không. Đây gọi là nơi chốn sâu xa của pháp giới.

Đã nói nơi sâu xa, kế là nói về nghiệp sâu xa, Kệ rằng:

Thí như kho báu lớn,
Là chỗ các báu nương,
Pháp giới tịnh cũng thế,
Là chỗ pháp Phật nương.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nghiệp nương của pháp giới, do pháp giới thanh tịnh là chỗ nương của các Bồ-đề phần quý báu như mười lực, bốn vô úy… Kệ rằng:

Như mây giăng kín khắp,
Mưa rưới trăm thóc sinh,
Pháp giới tịnh cũng vậy,
Dòng lành thục chúng sinh.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nghiệp thành thục chúng sinh trong pháp giới, vì từ pháp giới thanh tịnh, dòng gốc lành tuôn chảy để thành thục chúng sinh. Kệ rằng:

Như mặt trời, trăng tròn,
Vầng sạch sáng tròn đầy,
Pháp giới tịnh cũng vậy,
Nhóm gốc lành tròn đầy.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nhóm nghiệp của pháp giới đã tới chỗ rốt ráo, gọi là phước trí của pháp giới thanh tịnh. Như vậy, hai nhóm đã tròn đầy. Kệ rằng:

Thí như mặt trời mọc,
Toả ánh sáng khắp nơi,
Pháp giới tịnh cũng vậy,
Nói pháp độ chúng sinh.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nghiệp nói chánh pháp trong pháp giới. Kệ rằng:

Như mặt trời sáng chiếu,
Đồng việc soi thế gian,
Pháp giới tịnh cũng vậy,
Phật chung việc giáo hóa.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về những việc mà giáo hóa đã làm trong pháp giới. Thì như nhiều mặt trời, nhiều ánh sáng cùng lúc chan hòa, cùng lúc làm một việc, như chiếu nóng, khô, v.v… Cũng vậy, nhiều Phật, nhiều trí tuệ chan hòa, cùng lúc làm một việc, như biến hóa, v.v… Kệ rằng:

Như mặt trời soi sáng,
Cùng lúc không giới hạn,
Cõi tịnh, ánh Phật chiếu,
Hai việc cũng như vậy.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nghiệp vô phân biệt của pháp giới. Như mặt trời chiếu khắp không giới hạn cùng lúc, ánh sáng Phật chiếu khắp không hạn lượng và cùng lúc cũng như vậy. Kệ rằng:

Như ánh sáng mặt trời,
Có lúc mây che khuất,
Trí Phật trong cõi tịnh,
Có lúc chúng sinh che.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nghiệp không tạo tác của pháp giới. Như mặt trời bị mây che mất ánh sáng, ánh sáng của Phật bị che khuất vì lỗi lầm của chúng sinh, do quá nhiều năm trược, nên không có việc được làm. Kệ rằng:

Như đổ nhiều lượng tro,
Nhuộm áo, các màu sắc,
Sức hạnh nguyện cõi tịnh,
Giải thoát các thứ trí.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nghiệp trí giải thoát của pháp giới. Như nhuộm áo bằng tro đậm, nhưng có chỗ ăn màu, có chỗ không ăn màu. Cõi tịnh của ba thừa cũng như vậy, vì sức mạnh của hạnh nguyện mà Chư Phật giải thoát được các thứ trí, còn Nhị thừa không giải thoát được các trí. Kệ rằng:

Cõi vô lậu sâu xa,
Ba thứ: Tướng, xứ, nghiệp,
Chư Phật nói như vậy,
Như nhuộm, vẽ hư không.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về một lần nữa nghĩa sâu xa đã nói ở trước, của ba thứ tướng, xứ, nghiệp sâu xa cõi vô lậu. Cõi vô lậu nầy, Đức Thế Tôn nói lược có ba thứ sâu xa:

1. Tướng sâu xa.
2. Xứ sâu xa.
3. Nghiệp sâu xa.

Tướng sâu xa có bốn thứ:

1. Tướng thanh tịnh.
2. Tướng Đại ngã.
3. Tướng vô ký.
4. Tướng giải thoát.

Theo thứ lớp, thì bốn bài kệ trước nói về một món là xứ sâu xa. Nghĩa là không trụ vào một hay nhiều. Bài kệ thứ năm nói về nghiệp sâu xa có tám thứ:

1. Nghiệp nương vào chân thật.
2. Nghiệp thành thục chúng sinh.
3. Nghiệp tới chỗ rốt ráo.
4. Nghiệp nói chánh pháp.
5. Nghiệp làm việc giáo hóa.
6. Nghiệp không còn phân biệt.
7. Nghiệp của trí không còn tạo tác.
8. Nghiệp của trí giải thoát.

Theo thứ lớp ấy, thì tám bài kệ sau có nói rõ.

Chư Phật nói như vậy, như nhuộm, vẽ trên hư không là cõi vô lậu nầy, không có hí luận, cũng như hư không, nên sâu xa.

Nói nghĩa khác nhau của sâu xa như vậy là như nhuộm, vẽ trên hư không. Phải biết nghĩa ấy. Kệ rằng:

Tất cả không khác nhau,
Vì được như thanh tịnh,
Nên nói các chúng sinh,
Gọi là Như lai tạng.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về pháp giới là Như lai tạng. Không có sự khác nhau là tất cả chúng sinh, tất cả Chư Phật không có chỗ khác nhau, nên gọi là Như.

Được Như thanh tịnh là chứng thanh tịnh như, lấy đó làm tự tính, nên gọi là Như lai. Do nghĩa ấy, nên có thể nói tất cả chúng sinh đều gọi là Như lai tạng.

Đã nói cõi vô lậu sâu xa. Kế là nói sự biến hóa của Chư Phật. Kệ rằng:

Thanh văn và Duyên giác,
Bồ-tát và Như lai,
Mới dạy, lui thế gian,
Đến Phật, lui Bồ-tát.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về biến hóa tăng thượng. Tất cả biến hóa của thế gian, biến hóa của Thanh văn là có thể thoái lui. Tất cả biến hóa của Thanh văn, biến hóa của Duyên giác có thể thoái lui. Tất cả biến hóa của Duyên giác, biến hóa của Bồ-tát đều có thể thoái lui. Tất cả biến hóa của Bồ-tát, biến hóa của Chư Phật đều có thể thoái lui. Không có sự biến hóa của một người nào có thể làm thoái lui sự biến hóa của Chư Phật, cho nên sự biến hóa của Như lai là đạt được tăng thượng tột cùng. Kệ rằng:

Phật biến hóa như vậy,
Vô lượng không nghĩ bàn,
Tùy người, tùy thế giới,
Tùy lúc, các thứ hiện.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về sự biến hóa sâu xa. Có hai thứ sâu xa:

1. Vô lượng.
2. Không thể nghĩ bàn.

Hỏi: Việc đó ra sao?

Đáp: Tùy trình độ con người, tùy thế giới, tùy lúc mà làm các thứ biến hóa hoặc nhiều hoặc ít các thứ biến hóa. Vô lượng như vậy, cũng là bất tư nghì. Cho nên sự biến hóa của Như lai thật là sâu xa.

Từ đó trở xuống là nói về biệt chuyển biến hóa. Kệ rằng:

Năm căn chuyển như vậy,
Biến hóa được tăng thượng,
Các nghĩa khắp việc làm,
Ngàn hai trăm công đức.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về sự chuyển của năm căn biến hóa. Biến hóa nầy được hai thứ tăng thượng:

1. Được các nghĩa trùm khắp các việc làm, nghĩa là mỗi căn đều dùng lẫn cho nhau tất cả cảnh giới.
2. Được một ngàn hai trăm công đức, là mỗi căn đều được một ngàn hai trăm công đức. Kệ rằng:

Như vậy, ý căn chuyển,
Biến hóa được tăng thượng,
Cực tịnh, vô phân biệt,
Thường hành theo biến hóa.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về chuyển ý căn biến hóa. Ý căn là thức nhiễm ô. Do chuyển thức nầy nên chứng được trí vô phân biệt rất thanh tịnh. Trí nầy, theo việc làm với hạnh của mình mà biến hóa tất cả. Kệ rằng:

Như thế nghĩa chuyển thọ,
Biến hóa được tăng thượng,
Tịnh độ như ý muốn,
Thọ dụng đều hiện ra.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về chuyển nghĩa thọ biến hóa. Nghĩa là năm trần, thọ là năm thức. Vì hai thứnầy chuyển mà cõi nước thanh tịnh. Các mong cầu đều hiện trước mặt, tùy ý mà thọ dùng. Kệ rằng:

Phân biệt chuyển như vậy,
Biến hóa được tăng thượng,
Nghiệp mà các trí làm,
Thời thường hành vô ngại.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về chuyển phân biệt biến hóa. Phân biệt là ý thức, vì thức nầy huyển nên các việc mà các trí đã làm được biến hóa bất cứ lúc nào mà không có chướng ngại. Kệ rằng:

An lập chuyển như vậy,
Biến hóa được tăng thượng,
Câu: Trụ Phật bất động,
Là không trụ Niết-bàn.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về chuyển an lập biến hóa. An lập là khí thế giới nầy. Do chuyển an lập nầy cho nên an trụ trong pháp giới vô lậu bất động của Phật. Chứng không nhập Niết-bàn, thường khởi tăng thượng biến hóa. Kệ rằng:

Chuyển dục nhiễm như vậy,
Biến hóa được tăng thượng,
Trụ Phật vui Vô thượng,
Thị hiện vợ, bất nhiễm.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về chuyển dục nhiễm biến hóa. Vì sự chuyển nầy nên được hai thứ biến hóa:

1. Được an vui trú Vô thượng.
2. Được bất nhiễm đối với vợ. Kệ rằng:

Chuyển không tưởng như vậy,
Biến hóa được tăng thượng,
Theo muốn, được tất cả,
Đến đâu không chướng ngại.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về chuyển không tưởng biến hóa. Vì chuyển nầy nên được hai thứ biến hóa:

1. Các mong muốn đều được, vì chứng được hư không tạng.
2. Được đi lại không có gì chướng ngại, vì chứng được hư không giải. Kệ rằng:

Vô lượng chuyển như thế,
Vô lượng hóa như thế,
Việc làm không nghĩ bàn,
Chư Phật nương vô cấu.

Giải thích: Bài kệ nầy tổng kết nghĩa trước. Vì vô lượng chuyển nên được vô lượng biến hóa. Nghiệp không thể nghĩ bàn của Chư Phật như thế, vì tất cả đều nương vào cảnh giới vô lậu, nên biết nghĩa ấy.

Đã nói biến hóa của Chư Phật, kế là nói Chư Phật thành thục chúng sinh. Kệ rằng:

Giúp tập cũng khiến lớn,
Giúp thục, cũng khiến thoát,
Thục và thục không sót,
Do thế gian vô tận.
 
Giải thích: Bài kệ nầy nói về thứ lớp nhân của thành thục. Ai chưa gom góp gốc lành thì giúp họ gom góp. Ai đã góp gốc lành thì giúp họ tăng thêm. Gốc lành đã thêm lên thì giúp họ thành thục. Gốc lành đã thành thục thì giúp họ giải thoát, khiến họ được thanh tịnh cùng cực.

Chư Phật trong mười phương như vậy đều khéo nói. Thành thục rồi lại thành thục, không nhập Niết-bàn. Vì sao? Vì các thế gian không cùng tận. Kệ rằng:

Khó được đã có đủ,
Nơi nơi chỗ vật quy,
Ít có, chẳng ít có,
Bởi được phương tiện khéo.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về đã thành thục hạnh Bồ-tát, chẳng phải đó là tướng ít có.

Khó được đã có đầy đủ, nơi nào cũng làm chỗ qui hướng cho các người, nghĩa là công đức tối thượng của Bồ-đề Vô thượng, đây là chưa từng có, nay đã tương ưng đầy đủ. Do sự tương ưng ấy mà làm chỗ nương cho các người trong các thế giới ở mười phương.

Ít có, chẳng ít có là không cứ là đâu, đều thành thục chúng sinh như vậy, đó là ít có. Nhưng ít có nầy cũng chẳng phải ít có. Vì sao? vì được phương tiện khéo léo.

Phương tiện khéo léo là thuận theo đạo lý, trình độ mà thực hiện hạnh thanh tịnh. Kệ rằng:
 
Chuyển pháp hay pháp chìm,
Đắc đạo cũng Niết-bàn,
Nơi nơi phương tiện khởi,
Chân pháp giới bất động.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nhân thành thục cùng khắp.

Chuyển pháp và pháp chìm xuống, đắc đạo cũng Niết-bàn, nghĩa là trong một sát-na, nơi nầy thị hiện chuyển vô lượng pháp luân, nơi khác thị hiện chánh pháp tàn rụi. Nơi nầy thị hiện đắc Đại Bồ-đề, nơi khác thị hiện nhập Niết-bàn. Ấy là bởi hành động của chúng sinh khác nhau.

Nơi nơi phương tiện khởi, chân pháp giới bất động, nghĩa là nếu có chúng sinh đáng nên thành thục thì Như lai từ nơi họ ở mà biến hóa vào những nơi ấy. Nhưng đối với pháp giới vô lậu, Như lai cũng không lay động. Kệ rằng:

Không khởi ý phân biệt,
Thành thục quá, hiện, vị,
Hóa chúng sinh các nơi,
Thường thị hiện ba môn.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về về nhân duyên tự nhiên thành thục.

Không khởi ý phân biệt, thành thục quá khứ, hiện tại, vị lai là các Đức Phật không nghĩ như vầy: Ta đã từng thành thục chúng sinh, ta sẽ thành thục chúng sinh, ta đang thành thục chúng sinh. Vì sao? Vì không còn phân biệt.

Giáo hóa chúng sinh các nơi, thường thị hiện ba môn, là dù vô công dụng trong, bất cứ lúc nào, biến trọn các gốc lành thành ba pháp môn mà thành thục chúng sinh khắp các thế giới ở mười phương. Ba môn là giáo pháp của ba thừa. Kệ rằng:

Như trời sáng tự nhiên,
Chiếu tối, lúa mọc lên,
Mặt trời pháp cũng vậy,
Diệt mê thục chúng sinh.

Giải thích: Bài kệ nầy thí dụ để nói về nghĩa tự nhiên. Như mặt trời không siêng sử dụng phương tiện mà tự nhiên phát ra ánh sáng đi các nơi chốn, xua tan bóng tối, làm cho lúa thóc mọc lên, chín tới, Chư Phật cũng vậy, dù không dùng công sức, nhưng ánh sáng mặt trời giáo pháp của Chư Phật vẫn chiếu sáng các nơi, phá tam mê lầm mà thành thục chúng sinh. Kệ rằng:

Một đèn, mồi các đèn,
Gồm hết sáng vô tận,
Một thục hóa nhiều thục,
Hóa vô tận cũng thế.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nhân duyên lần lượt thành tựu. Như ánh lửa một ngọn đèn mồi qua nhiều ngọn đèn khác thì ánh đèn rất lớn nầy là xếp vào vô lượng vô số, chỉ từ một ánh đèn, mà không bao giờ hết ánh sáng. Chư Phật cũng vậy, một Đức Phật thành tựu, giáo hóa nhiều người thành tựu. Cái rất lớn nầy đã xếp vào vô lượng vô số chúng sinh, nhưng sức mạnh của sự giáo hóa của Chư Phật cũng không bao giờ hết. Kệ rằng:

Biển cả nhận trăm sông,
Không chán cũng không tràn,
Cõi Phật gom các thiện,
Không đầy cũng không thêm.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nhân duyên thành thục không nhàm chán, thí như biển cả xếp vào trăm sông nhưng không bao giờ chán, cũng không bao giờ tràn đầy, do nó có công năng dung chứa. Cõi Phật cũng vậy, vẫn mãi xếp vào vô lượng gốc lành thanh tịnh mà vẫn không đầy đủ, vẫn không tăng thêm là do ít có. Đã nói Chư Phật thành thục chúng sinh. Kế là, nói pháp giới thanh tịnh của Chư Phật. Kệ rằng:

Hai chướng đã trừ hẳn,
Pháp Như, được thanh tịnh,
Các vật và duyên trí,
Tự tại cũng không hết.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nghĩa của tính pháp giới.

Hai chướng đã trừ hẳn, pháp như đạt thanh tịnh là tướng thanh tịnh, thì phiền não che chướng, hiểu biết chướng đều đã bị quét sạch hoàn toàn. Các vật và duyên trí, tự tại cũng không cùng tận, gọi là tướng tự 6 tại, do các vật và duyên trí kia, hai thứ lớp tại mãi vô tận. Kệ rằng:

Nhất thiết chủng như trí,
Tu nhân tịnh pháp giới,
Lợi lạc hóa chúng sinh,
Quả nầy cũng vô tận.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nghĩa của nhân pháp giới.

Nhất thiết chủng như trí, tu nhân tịnh pháp giới là pháp giới thanh tịnh tu tập tất cả chủng như môn trí làm nhân bất cứ lúc nào.

Lợi lạc giáo hóa chúng sinh, quả nầy cũng vô tận nghĩa là giáo hóa chúng sinh, đem lợi lạc cho các chúng sinh, hai kết qủa đó thường không bao giờ hết. Kệ rằng:

Khởi nghiệp thân, miệng, tâm,
Hằng thời hóa ba nghiệp,
Hai môn, và hai nhóm,
Phương tiện đều tròn đầy.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nghĩa nghiệp của pháp giới.

Phát khởi ba nghiệp thân, miệng, tâm thời thường giáo hóa nghĩa là khởi thân nghiệp, khẩu nghiệp, tâm nghiệp bất cứ lúc nào nghĩa là bất cứ lúc nào, giáo hóa chúng sinh.

Hai pháp môn, hai nhóm, phương tiện đều tròn đầy nghĩa là do đầy đủ một môn hai nhóm làm phương tiện.

Hai môn là môn Tam-muội, và môn Đà-la-ni.

Hai nhóm là nhóm phước, và nhóm trí tuệ. Kệ rằng:

Tự tính và pháp thực,
Vị biến hóa khác nhau,
Do đây pháp giới tịnh,
Mà Chư Phật đã nói.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về nghĩa vị trí của pháp giới.

Tự tính và pháp thực, vị biến hóa khác nhau là vị trí khác nhau của tự tính thân, thực thân, hóa thân.

Do pháp giới thanh tịnh mà Chư Phật đã nói, là nếu pháp giới không thanh tịnh thì các vị trí nầy sẽ không được thành lập. Đã nói pháp giới thanh tịnh của Chư Phật, kế là nói về ba thân của Chư Phật.

Kệ rằng:

Tính thân và thực thân,
Hóa thân hợp ba, thân
Nên biết, thân thứ nhất,
Chỗ nương hai thân kia.

Giải thích: Tất cả Chư Phật đều có ba thân:

1. Tự tính thân, do tướng chuyển y.
2. Thực thân là do đại tập trong chúng làm pháp thực.
3. Hóa thân do làm việc giáo hóa, đem lợi ích cho chúng sinh.

Nên biết, trong ba thân nầy, tự tính thân là chỗ nương cho hai thân là thực thân và hóa thân, do tự tính là căn bản. Kệ rằng:

Thực thân đối các cõi,
Thọ dụng có khác nhau,
Chúng sinh gọi thân nghiệp,
Tất cả đều khác nhau.

Giải thích: Thực thân là các nghiệp của các thân, các tên gọi, các cõi nước, của đồ chúng, trong tất cả thế giới. Như vậy, các sự thọ dụng không giống nhau. Kệ rằng:

Thân nhỏ nhiệm bình đẳng,
Họp với thân thọ dụng,
Nên biết, thân thọ dụng,
Là nhân của hóa thân.

Giải thích: Bình đẳng là tự tính thân mà tất cả Chư Phật đều bình đẳng không khác.

Nhỏ nhiệm nghĩa là do thân nầy khó biết.

Thân thọ dụng là do ăn mà sống.

Thân nầy và thân bình đẳng hòa hợp nhau, do nương vào đây, thân thọ dụng mới phát sinh. Nên biết, thân thọ dụng lại là nhân của hóa thân. Do muốn thọ dụng nên mới thị hiện ra tất cả. Kệ rằng:

Hóa Phật vô lượng hóa,
Cho nên gọi hóa thân,
Hai thân thành hai lợi,
Tất cả thứ kiến lập.

Giải thích: Do hóa thân nên Chư Phật hóa ra vô lượng thân khác nhau, vào bất cứ lúc nào. Phật do hóa thân nầy nên gọi là hóa thân.

Hai thân là thực thân và hóa thân.

Hai lợi là lợi mình, lợi người.

Thực thân lấy thành tựu việc tự lợi làm tướng, hóa thân lấy thành tựu lợi người làm tướng. Hai lợi ích như vậy, mà các thứ đều được thành tựu, kế là lập ra thực thân và hóa thân. Kệ rằng:

Công xảo và xuất sinh,
Đắc đạo, Nhập Niết-bàn,
Bày phương tiện lớn ấy,
Giúp họ được giải thoát.

Giải thích: Lại nữa, hóa thân là giáo hóa tất cả chúng sinh, bất cứ lúc nào, hoặc hiện tay nghề khéo, hoặc hiện ra nhiều thứ, hoặc hiện được đạo Bồ-đề, hoặc hiện nhập Niết-bàn. Thị hiện tất cả các thứ phương tiện lớn lao ấy, đều muốn giúp cho chúng sinh được giải thoát.

Đó là thành tựu tướng lợi tha. Kệ rằng:

Nên biết, ba thân Phật,
Đều thuộc về thân Phật,
Chỗ nương tự tha lợi,
Đều thị hiện ba thân.

Giải thích: Nên biết, ba thân nầy thuộc về tất cả các thân của Chư Phật. Nó làm chỗ nương cho việc thị hiện làm các việc lợi mình, lợi người. Kệ rằng:

Do nương tâm nghiệp đó,
Ba Phật đều bình đẳng,
Tự tính nối không hở,
Ba thân Phật thường trụ.

Giải thích: Theo thứ lớp ba thân kia, thì tất cả Chư Phật đều bình đẳng, là vì chỗ nương. Tự tính thân của tất cả Chư Phật đều bình đẳng là vì pháp giới không khác nhau, do tâm thực thân của tất cả Chư Phật đều bình đẳng vì tâm Phật không khác nhau, do nghiệp.

Hóa thân của tất cả Chư Phật đều bình đẳng là vì cùng làm việc giống nhau.

Lại nữa, tất cả Chư Phật đều thường trụ vì tự tính là thường. Tự tính thân của Chư Phật là thường trụ vì nó hoàn toàn vô lậu, vì nó chẳng phải thường còn có xen hở. Tất cả thực thân của Chư Phật là thường trụ vì nói pháp không khi nào dứt, vì nối nhau mà còn mãi. Tất cả hóa thân của Chư Phật là thường trụ, dù có hiện ở đây, diệt nơi kia đi nữa.

Đã nói thân Chư Phật, kế là nói trí của Chư Phật. Kệ rằng:

Gương bốn trí bất động,
Chỗ nương của ba trí,
Tám, bảy, năm, sáu thức,
Thứ lớp mà chuyển được.

Gương bốn trí bất động, ba trí nương vào đó nghĩa là tất cả Chư Phật đều có bốn trí:

1. Cảnh trí.
2. Bình đẳng trí.
3. Quán trí.
4. Tác sự trí.

Cảnh trí (gương trí) lấy bất động làm tướng, thường làm chỗ nương cho ba trí kia. Vì sao? Ba trí kia động.

Thức thứ tám, bảy, sáu, năm thứ lớp mà chuyển được, nghĩa là chuyển thức thứ tám thành cảnh trí. Chuyển thức thứ bảy thành bình đẳng trí. Chuyển thức thứ sáu thành quán trí. Chuyển năm thức trước thành tác sự trí. Nên biết nghĩa ấy. Kệ rằng:

Cảnh trí duyên vô phân,
Nối tiếp thường không dứt,
Không ngu những gì biết,
Các tướng không hiện tiền.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc thức thứ tám chuyển thành cảnh trí.

Cảnh trí duyên vô phân biệt là đối với các cảnh giới nó không duyên theo phần đoạn.

Nối tiếp thường không dứt, nghĩa là nó hiện diện trong bất cứ lúc nào, không bao giờ ngừng dứt.

Không ngu những gì biết, là biết hết các cảnh giới, các chướng ngăn hết hẳn.

Các tướng không hiện tiền, là lìa khỏi các hành tướng đối với tất cả cảnh giới, duyên theo vô phân biệt. Kệ rằng:

Cảnh trí, nhân các trí,
Là kho tàng Đại trí,
Các thân khác, trí khác,
Từ đây hiện bóng hình.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về công dụng của cảnh trí.

Cảnh trí là nhân các trí, là kho tàng Đại trí, nghĩa là trí Nhất thiết chủng, trí bình đẳng, đều lấy trí cảnh làm nhân. Cho nên trí nầy được thí dụ là một kho tàng vĩ đại. Vì nó là kho tàng của các thứ trí. Những thân khác, trí khác đều từ đây hiện bóng là thân khác, là thân thọ dụng, trí khác là trí bình đẳng. Vì bóng hình thân kia, bóng hình trí kia, tất cả đều do trí nầy phát sinh, nên Phật nói trí nầy là cảnh trí. Kệ rằng:

Trí bình đẳng chúng sinh,
Tu tịnh chứng Bồ-đề,
Không trụ ở Niết-bàn,
Vì chưa phải rốt ráo.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc thức thứ bảy chuyển thành trí bình đẳng.

Trí bình đẳng chúng sinh, tu tịnh chứng Bồ-đề, là khi Bồ-tát chứng pháp hiện tiền thì liền được trí bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Nếu tu tập trí nầy đạt thanh tịnh tối cực tức là được Bồ-đề Vô thượng.

Không trụ ở Niết-bàn, vì chưa phải rốt ráo, có nghĩa là do chúng sinh là vô tận nên không có chỗ rốt ráo, không rốt ráo cho nên không trụ Niết-bàn. Do nghĩa này nên nói là trí bình đẳng. Kệ rằng:

Đại từ và đại bi,
Đều thường còn, không dứt,
Chúng sinh có lòng tin,
Hình Phật hiện trước mặt.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về công dụng của trí bình đẳng.

Đại từ, đại bi là hai thứ thường còn, không dứt nghĩa là Chư Phật, Như lai thường theo chúng sinh bất cứ lúc nào. Vì sao? Vì đại từ, đại bi không bao giờ hết.

Nếu chúng sinh có lòng tin thì hình bóng Phật liền hiện trước mặt nghĩa là Phật hiện bóng hình theo những gì mà họ tin tưởng. Vì vậy cho nên có chúng sinh thấy Như lai màu xanh, có chúng sinh thấy Như lai màu vàng. Như vậy, hai trí trước đây chính là pháp thân… Kệ rằng:

Thức quán trí nhận biết,
Thời thường không chướng ngại,
Trí nầy như kho lớn,
Tổng trì Tam-muội nương.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc thức thứ sáu chuyển thành quán trí. Đối với tất cả cảnh giới quán trí đã biết thì không có gì chướng ngại nó được. Nó được ví như kho tàng lớn làm chỗ nương cho tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-muội. Vì sao? Do hai môn như vậy, đều phát sinh từ thức nầy. Kệ rằng:

Thường ở trong Đại chúng,
Các thứ đều thị hiện,
Cắt đứt các lưới nghi,
Rưới mưa đại pháp khắp.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về ý nghĩa công dụng của quán trí như bài kệ đã nói. Quán trí nầy chính là thực thân. Kệ rằng:

Sự trí đối các cõi,
Tạo các thứ biến hóa,
Vô lượng, không nghĩ bàn,
Cũng vì lợi chúng sinh.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc chuyển năm thức trước thành trí tác sự. Trí tác sự nầy, đối với tất cả thế giới, có công năng làm ra các thứ biến hóa, vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Các công dụng của nghiệp như vậy, đều đem lợi ích cho tất cả chúng sinh. Trí tác nầy chính là hóa thân. Kệ rằng:

Gom giữ và đẳng tâm.
Khai pháp cũng làm việc,
Như thế nương bốn nghĩa,
Thứ lớp bốn trí khởi.

Giải thích: Gom giữ là nghe pháp rồi gom giữ thọ trì đẳng tâm là đối với tất cả chúng sinh, được bình đẳng giữa mình và người.

Nói pháp là giảng nói chánh pháp.

Làm việc là tạo dựng nhiều sự nghiệp giáo hóa. Dựa vào nghĩa cảnh trí đệ nhất phát sinh. Dựa vào nghĩa thứ hai bình đẳng trí phát sinh. Dựa vào nghĩa thứ ba quán trí phát sinh. Dựa vào nghĩa thứ tư tác sự trí phát sinh. Kệ rằng:

Tính khác và không dối,
Tất cả cũng vô thỉ,
Không khác, nên không một,
Nương đồng nên không nhiều.

Giải thích: Bài kệ nầy nói về Chư Phật chẳng phải một chẳng phải nhiều.

Chẳng phải một nghĩa là vì tính chất khác nhau. Không luống dối là vì tất cả, là vì vô thí, là vì không khác.

Tính chất khác nhau là vì vô biên Chư Phật tính đều khác nhau. Thế nên nói chỉ có một Đức Phật và sẽ chứng Bồ-đề thì nghĩa ấy không đúng, nên chẳng phải chỉ là một.

Không luống dối là nếu nhóm phước trí là trống rỗng thì lẽ ra các Bồ-tát khác, sẽ không chứng Bồ-đề. Vì hai nhóm không luống dối, cho nên nghĩa kia không đúng, nên Phật chẳng phải một.

Tất cả, là nếu nói chỉ có một Phật thì lẽ ra, Phật không thể đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, vì Phật lập ra tất cả chúng sinh đều thành Phật, nghĩa ấy không đúng, nên Phật chẳng phải một.

Vô thỉ là nếu nói, ban đầu chỉ có một Đức Phật, thì Phật lẽ ra thành Phật mà không cần hai nhóm phước và trí. Nghĩa ấy không đúng, cho nên Phật chẳng phải một.

Không khác là nếu nói có một Phật riêng không cần hai nhóm phước, trí, thì nghĩa ấy không đúng, nên Phật chẳng phải một.

Không nhiều là vì cùng nương một nơi như nhau, vì pháp thân Chư Phật đều nương vào cảnh giới vô lậu. Đã nói trí của Chư Phật, kế là nói nhập vào phương tiện của Phật. Kệ rằng:

Phân biệt nếu thường có,
Chân thật mãi không có,
Phân biệt nếu mãi không,
Thì chân thật thường có.

Giải thích: Nếu phân biệt tự tính là thường có thì tự tính chân thật không bao giờ có, vì không thật có. Nếu tự tính của phân biệt là hoàn toàn không thì tự tính của chân thật là thường có, vì có thể nắm bắt được. Kệ rằng:

Muốn tu pháp tối thượng,
Không thấy tất cả tu,
Muốn chứng tối thượng đắc,
Không thấy tất cả đắc.

Giải thích: Tu pháp tối thượng như thế thì cái tu ấy không thể nắm bắt (bằng ý niệm được). Nếu chứng được tối thượng kia thì sự chứng ấy, là không thật có. Kệ rằng:

Tôn trọng và lâu dài,
Quán pháp ít có Phật,
Duyên đây sớm thành Phật,
Cách xa Phật Bồ-đề.

Giải thích: Đối với Phật, Thế Tôn, nếu Bồ-tát nào hết lòng tôn trọng và siêng năng mãi mãi, quán pháp chưa từng có của Phật, cứ bám vào quán tâm ấy, tinh tấn mãi mãi và nói: Ta sẽ mau chứng Bồ-đề Vô thượng, thì nên biết, Bồ-tát ấy đã đi hết sức xa đối với Phật Bồ-đề. Vì sao? Vì Bồ-tát kia đã tỏ ra kiêu mạn. Kệ rằng:

Quán pháp chỉ phân biệt,
Nghĩa nầy như trước biết,
Bồ-tát vô phân biệt,
Nói đó mau thành Phật.

Giải thích: Nếu Bồ-tát quán sát tất cả pháp pháp, chỉ do phân biệt, quán sát phân biệt kia cũng vô phân biệt thì đã nhập vào quả vị vô sinh nhẫn. Từ ý nghĩa nầy mà nói là được Bồ-đề. Đã nói nhập vào phương tiện của Phật, kế là nói về việc cùng làm của Chư Phật. Kệ rằng:

Nên biết, các dòng sông,
Phát nguồn khác, sự khác,
Nước ít trùng sống ít,
Vì chưa ra biển cả.
Khi các sông ra biển,
Một nương, việc cũng một,
Nước lớn, côn trùng nhiều,
Cũng lại thường không cạn,
Như vậy, các hiểu khác,
Ý khác, nghiệp cũng khác,
Hiểu kém lợi ích nhỏ,
Do chưa nhập thể Phật,
Tất cả nhập thể Phật
Một hiểu, cũng một ý.
Hiểu lớn lợi ích lớn,
Nhóm cực cũng vô tận.

Giải thích: Nước sông thí dụ cho sự hiểu biết khác nhau của Bồtát nương vào chỗ khác dụ cho ý khác nhau của Bồ-tát. Nước biển dụ cho một vị giải thoát của Như lai, cùng nương một nơi dụ cho một ý của tất cả Như lai. Do nước sông khác nhau nên việc sử dụng nước cũng khác nhau. Do nước ít nên côn trùng sống ít. Vì sao? Do chúng chưa chảy hết ra biển như nhau. Các Bồ-tát cũng vậy, do hiểu biết khác nhau nên việc làm cũng khác nhau. do hiểu biết ít, nên làm lợi cho chúng sinh cũng ít. Vì sao? Do chưa nhập vào thể Phật, các nguồn sông nếu chảy hết ra biển thì chúng cùng một chỗ nương, cùng một thể như nhau. Do nước một vị nên công dụng cũng một. Do nước mênh mông nên côn trùng cũng sống thênh thang. Nếu các Bồ-tát nhập vào thể Phật như nhau thì cùng một ý như nhau, tức cùng chung một hiểu biết. Do chung một hiểu biết nên việc làm cũng như nhau. Do hiểu biết sâu rộng nên làm lợi ích cho chúng sinh cũng lớn lao và cùng nhóm cực của chúng sinh cũng không cùng tận. Đã nói thể dụng của Chư Phật, kế là sẽ nói về một bài kệ để khuyến tâm mong cầu. Kệ rằng:

Pháp trắng tròn, không sánh,
Nhân lợi lạc chúng sinh,
Lạc trụ vô tận tạng,
Người trí nên cầu phát.

Giải thích: Pháp trắng tròn đầy không gì sánh bằng là do Phật đã thành tựu lợi mình.

Là nhân đem lại lợi lạc cho chúng sinh là do Phật thành tựu lợi ích cho kẻ khác.

Lạc trụ vô tận tạng là do gốc lành của Phật đã hoàn toàn thanh tịnh không chút lỗi lầm, là kho tàng của an vui không cùng tận, không 2 còn gì cao hơn.

Người trí nên cầu phát tâm Bồ-đề ai là người có hiểu biết, nên cầu mong được sống yên ổn trong nguồn vui tối thắng đó, mà phát tâm Đại Bồ-đề.