LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH

SỐ 1604

Tác giả: Bồ-tát Vô Trước.
Hán dịch: Tam Tạng pháp sư, Đời Đường, là Ba-la-phả-mật-đa-la.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm Thứ 1: DUYÊN KHỞI

Kệ rằng:

Nghĩa trí soạn các nghĩa,
Câu lời, đều thanh tịnh,
Cứu giúp chúng sinh khổ,
Lấy từ bi làm tánh,
Khéo nói pháp phương tiện,
Gọi là tối thượng thừa,
Vì phát tâm rộng lớn,
Lược dùng năm nghĩa hiện.

Giải thích: Luận Đại thừa trang nghiêm kinh, ai có công năng trang nghiêm?

Đáp: Nghĩa trí có thể trang nghiêm.

Hỏi: Nghĩa trí làm sao trang nghiêm?

Đáp: Mở mang các nghĩa.

Hỏi: Dùng gì để mở mang?

Đáp: Dùng lời và câu.

Hỏi: Dùng những lời gì và câu gì?

Đáp: Dùng lời không nhơ, dùng câu không nhơ.

Lời không nhơ là lời có thể đưa đến thành Niết-bàn.

Câu không nhơ là câu và chữ tương ưng nhau. Nếu lìa lời và câu thì không sao thấu hiểu các nghĩa.

Hỏi: Vì sao phải trang nghiêm?

Đáp: Vì cứu giúp chúng sinh khổ.

Hỏi: Chúng sinh tự khổ, vì sao phải cứu giúp?

Đáp: Do Bồ-tát lấy đại bi làm thể nên sinh tâm thương xót.

Hỏi: Nếu cứu khổ cho người là trang nghiêm pháp nào?

Đáp: Là trang nghiêm pháp phương tiện do đức Như lai khéo nói.

Hỏi: Pháp phương tiện nào?

Đáp: Đó là pháp của tối thượng thừa.

Hỏi: Vì ai mà trang nghêm?

Đáp: Vì người phát tâm Đại thừa.

Hỏi: Dùng bao nhiêu nghĩa để trang nghiêm?

Đáp: Lược dùng năm nghĩa để chỉ bày.

Hỏi: Năm nghĩa ấy là gì?

Kệ đáp:

Như vàng đã thành đồ,
Như hoa lúc đang nở,
Thí như bữa ăn ngon,
Như giải thích văn tự,
Thí như mở rương báu,
Thảy đều được vui mừng.
Năm nghĩa pháp trang nghiêm,
Vui mừng cũng như vậy.

Giải thích: Năm thí dụ trong bài kệ là thí dụ cho năm nghĩa trang nghiêm. Cứ theo thứ lớp đó, thì có thể giúp cho người phát tâm Đại thừa tin mà hướng đến, nhận lời dạy bảo, tư duy, tu tập, chứng đắc.

Hỏi: Ý nghĩa đó thế nào?

Đáp: Thí dụ vàng là giúp họ tin vào và hướng đến, làm chuyển tâm họ. Dùng hoa đang nở để thí dụ là giúp họ thọ lãnh giáo pháp, chỉ bày cho họ. Dùng thức ăn để thí dụ là giúp họ tư duy chứng được vị ngọt của giáo pháp. Dùng giải thích văn tự để thí dụ là giúp họ tu tập, không nghĩ gì khác. Dùng mở rương báu để thí dụ là giúp họ tự giác ngộ, chứng Bồ-đề phần châu báu chân thật.

Bởi năm nghĩa trên đây mà phân biệt Đại thừa có công năng giúp cho các người cảm thấy vui mừng, ưa thích.

Hỏi: nếu tự tính pháp kia vốn đầy đủ công đức thì còn phải trang nghiêm làm gì? Để giải đáp câu hỏi nầy, Kệ rằng:

Ví như trang điểm đẹp,
Gương soi, sinh vui hơn,
Trang nghiêm pháp mầu rồi,
Đạt vui mừng bậc nhất.

Giải thích: Ví như lấy mỹ phẩm trang điểm cho pho tượng, nhưng nếu soi gương thì thấy vui sướng hơn. Vì sao? Vì có vừa ý, Bồ-tát cũng vậy, trang nghiêm bằng giáo pháp mầu nhiệm, cho tâm mình hòa nhập vào đó thì cảm thấy vui sướng hơn. Vì sao? Vì được nghe giáo pháp.

Hỏi: pháp kia có công đức gì mà phải cần đến sự trang nghiêm? Hay gắng gượng bắt người khác phải cung kính, tin nhận?

Kệ rằng:

Ví như uống thuốc đắng,
Hết bệnh thì thấy vui.
Dựa văn mà giải nghĩa,
Khổ vui cũng như vậy.
Như thờ vua gian khó,
Thờ vua được oai lực.
Pháp khó hiểu như vậy,
Nhân đó hiểu pháp tài,
Như thấy của báu sinh
Vô phân biệt không thích.
Nghe pháp mầu cũng vậy,
Không hiểu cũng không mừng.

Giải thích: ba bài kệ trên đây lần lượt chỉ bày pháp mầu có ba công đức:

Chỉ rõ công đức dứt trừ các ngăn che.

Chỉ rõ công đức do đó mà được tự tại.

Chỉ rõ công đức do đó mà được vui mừng.

Hỏi: Nghĩa nầy thế nào?

Đáp: Như uống thuốc đắng, lúc đầu thì đắng, khó uống, nhưng sau khoan khóai vì hết bịnh. Pháp nầy cũng thế, trụ vào văn thì thấy khó, chưa nếm vị ngọt được, nhưng lúc hiểu nghĩa mới thấy vui, bệnh ngăn che bị phá hết. Như thờ vua nghiêm khắc, lúc đầu thấy khổ, khó làm vua vừa ý, nhưng sau thì thấy vui do vua ban cho oai thế. Giáo pháp nầy cũng vậy, khi suy nghĩ thấy khổ, sâu kín khó hiểu, nhưng tư duy hết mức thì thấy vui vì được của báu, bậc Thánh lâu dài. Như thấy của báu, khi chưa nhận ra thì không thích, do cho là vô dụng, nhưng sau khi nhận biết rồi thì rất quý trọng vì biết có dụng. Pháp nầy cũng như vậy, lúc đang tu hành thì không thấy vui, cho là luống vô dụng, nhưng sau khi tu tập đến chỗ sâu, thì thấy vui sâu xa, vì biết công dụng của nó.

 

Phẩm Thứ 2: THÀNH LẬP TÔNG

Giải thích: Có người nghi pháp Đại thừa nầy chẳng phải do Phật nói. Nếu vậy thì vì sao lại có được những công đức ấy? Nay, tôi phá bỏ tấm lưới ngờ vực, thành lập Đại thừa thật là do Phật nói, bằng bài Kệ sau:

Không nhớ, cũng đồng hành,
Không hành cũng thành tựu.
Thể, phi thể năng trị,
Văn lạ, tám nhân thành.

Giải thích: Lược: có tám nhân duyên thành lập giáo pháp Đại thừa:

  1. Không ghi nhớ.
  2. Cùng thực hành.
  3. Không thực hành.
  4. Thành tựu.
  5. Thể.
  6. Chẳng phải thể.
  7. Năng trị.
  8. Văn tự khác nhau.

1. Không ghi nhớ: là pháp trước, Phật sau mới chính thức ra đời. Nếu Đại thừa nầy chẳng phải chánh pháp, thì vì sao từ đầu, Đức Thế Tôn không thọ ký? Ví như pháp vị lai có khác thì Đức Thế Tôn thọ ký ngay. Do vậy, sự không thọ ký ấy, nên biết là Phật nói.

2. Cùng thực hành: thừa Thanh văn và Đại thừa không phải trước, không phải sau, mà là cùng lúc, thì làm sao ông biết giáo pháp Đại thừa nầy hoàn toàn chẳng phải Phật nói?

3. Không thực hành: là vì giáo pháp Đại thừa sâu rộng không phải điều mà người suy tính đắn đo có thể tin được, huống là có thể thực hành. Các bộ luận của ngoại đạo không thể được sâu rộng? Cho nên không thực hành, vì thế biết giáo pháp Đại thừa nầy là Phật nói.

4. Thành tựu: là nếu ông nói: Do người khác đã chứng được Bồ-đề rồi, nói có Đại thừa, chứ không phải đợi đến nay Phật mới nói có giáo pháp Đại thừa. Nếu ông nghĩ lối chấp ấy, thì trở thành nghĩa của tôi rồi. Do người kia chứng Bồ-đề rồi thì cũng chính Đức Phật nói như thế.

5. Thể: là nếu ông nói: Phật khác có tự thể Đại thừa, còn Phật nầy không có tự thể Đại thừa. Nếu ông chấp như vậy thì nó cũng thành nghĩa của tôi, do tự thể của Đại thừa không có khác mà chỉ là một.

6. Chẳng phải thể: là nếu ông nói: Phật nầy không có tự thể Đại thừa, thì thừa Thanh văn cũng không có tự thể. Nếu ông nói thừa Thanh văn là do Phật nói nên có tự thể, còn Đại thừa vì không phải Phật nói cho nên không có tự thể. Lối chấp ấy quả là một sai lầm lớn. Vì nếu không có Phật thừa mà bảo có Phật ra đời nói thừa Thanh văn, thì lý ấy không đúng.

7. Năng trị: là do nương theo pháp nầy tu hành mà chứng được trí vô phân biệt, do trí vô phân biệt mà các phiền não bị phá tan. Do vậy, nên chẳng được nói là không có Đại thừa.

8. Văn tự khác nhau: là pháp Đại thừa rất sâu, không phải y như văn nghĩa. Không nên hoàn toàn chạy theo văn, lấy nghĩa, nói rằng không phải Phật nói. Hơn nữa, nếu ông nói: từ buổi đầu không thấy thọ ký Đại thừa, là vì Phật gác qua một bên với tâm vô công dụng. Nếu ông cứ chấp kiểu ấy là không đúng. Kệ rằng:

Chư Phật ba nhân duyên,
Hiện thấy cũng hộ pháp.
Trí Như lai vô ngại,
Bỏ qua, không phải vậy.

Giải thích: nếu bảo Đại thừa không phải Phật nói đó là một chướng ngại lớn. Chư Phật có ba nhân duyên, không thọ ký là:

1. Do trí vô công dụng hiện diện mãi là mắt thường thấy.

2. Vì thường siêng năng, chân chính giữ gìn chánh pháp.

3. Sức mạnh trí tuệ của Như lai không gì chướng ngại được. Do ba nhân duyên nầy mà ông lại bảo là bỏ qua, không ký là không đúng. Lại nữa, nếu ông nói có tự thể thì tự thể thừa Thanh văn là thể của Đại thừa. Vì sao? Vì thừa nầy chứng Đại Bồ-đề. Nếu ông chấp như thế thì nghĩa không đúng. Kệ rằng:

Phi toàn phi, không trái,
Phi hành, chẳng dạy, trao,
Cho nên thừa Thanh văn,
Không phải là Đại thừa.

Giải thích: có bốn nhân chẳng thể dùng: thừa Thanh văn làm thể của Đại thừa, bởi giáo lý không hoàn toàn, nên chẳng phải không trái nhau. Vì không phải là giáo pháp thực hành, bởi không có trao truyền nên chẳng phải hoàn toàn, nghĩa là: thừa Thanh văn không được dạy trao hạnh lợi tha, mà chỉ dạy trao cho họ tự mình chán ngán, xa lìa ham muốn mà giải thoát.

Chẳng phải không trái nhau: nếu bảo thừa Thanh văn lấy phương tiện tự lợi để dạy trao cho người khác, tức là đã dạy trao hạnh lợi tha, thì nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Vì đem tự lợi an ổn cho kẻ khác, nhưng họ cũng phải tự cầu Niết-bàn siêng hành nhiều phương tiện, bởi vậy, không thể dùng công hạnh tự lợi nầy mà chứng Đại Bồ-đề được.

Chẳng thực hành là nếu ông nói rằng có thể chứng quả Đại Bồ-đề bằng cách thực hành lâu dài hạnh thừa Thanh văn thì nghĩa ấy không đúng, vì chẳng phải phương tiện, vì thừa Thanh văn không phải Đại Bồđề. Phương tiện thì không phải vì thực hành lâu năm. Và, không phải bất cứ phương tiện nào cũng có thể chứng quả Đại thừa, khác gì nặn sừng chờ sữa, không thể có được.

Chẳng phải là dạy trao như Đại thừa thì không có dạy trao thừa Thanh văn. Cho nên thừa Thanh văn không được gọi là Đại thừa. Hơn nữa, nay tôi sẽ chỉ cho ông rõ về nghĩa trái nhau ấy, qua bài Tụng sau:

Phát tâm và dạy tráo,
Phương tiện và giữ gìn,
Thời tiết hạ, thượng thừa,
Năm việc đều khác nhau.

Giải thích: giữa Đại thừa và thừa Thanh văn, có năm thứ trái nhau:

  1. Phát tâm khác nhau.
  2. Dạy trao khác nhau.
  3. Phương tiện khác nhau.
  4. Gìn giữ khác nhau.
  5. Thời tiết khác nhau.

Phương tiện của thừa Thanh văn là phát tâm, dạy trao, siêng hành phương tiện đều là tự mình chứng được Niết-bàn. Giữ gìn chánh pháp cũng ít, phước trí chứa nhóm nhỏ hẹp. Thời hạn tu tập cũng ít, tối đa chỉ có ba đời, là được giải thoát. Còn Đại thừa thì không như vậy. Những phương tiện phát tâm, dạy trao, siêng tu đều vì lợi kẻ khác, giữ gìn giáo pháp cũng nhiều, phước trí chứa nhóm lớn lao. Thời kỳ tu đạo cũng lâu dài là trải qua ba đại A-tăng-kì kiếp, như vậy là tất cả trái nhau. Vì thế không nên dùng hạnh Tiểu thừa mà đạt quả Đại thừa.

Lại nữa, nếu ông nói lời Phật có ba tướng:

  1. Chứng nhập Tu-đa-la.
  2. Chỉ bày Tì-ni.
  3. Chẳng trái với pháp không.

Ông dùng cái không tự tính của các pháp mà dạy trao thì trái với ba tướng nói trên, nên chẳng phải Phật nói. Nếu ông chấp như vậy, thì 0 không đúng lý. Kệ rằng:

Nhập từ kinh Đại thừa,
Hiện tự phiền não diệt,
Nghĩa sâu xa rộng lớn,
Chẳng trái tự pháp không.

Giải thích: nay pháp Đại thừa nầy cũng không trái với ba tướng, vì ngộ nhập từ Tu-đa-la Đại thừa hiện từ phiền não Tỳ-ni, do Bồ-tát đã phân biệt là phiền não, vì tính chất sâu rộng, sâu xa, đó là pháp không của Bồ-tát. Chẳng trái với pháp không nầy nên Bồ-tát chứng đại Bồ-đề. Thế nên, Đại thừa nầy không trái với ba tướng. Hơn nữa, trước đây đã nói về việc không thực hành, nay tôi sẽ chỉ bày thêm nghĩa nầy để ông tin hiểu nhận lãnh. Kệ rằng:

Có nương và bất định,
Duyên tục cũng không khắp,
Lui khuất người đắn đo,
Sao hiểu nghĩa Đại thừa?

Giải thích: Có năm nhân duyên mà người suy tính đắn đo kia không thể nhập vào cảnh giới Đại thừa là do trí tuệ họ có chỗ nương, bất định, duyên theo thế tục, do không được phổ biến, do lui bước, do khuất phục.

– Họ có nương nghĩa là trí phát sinh nhờ vào chỉ dạy, chứ chẳng phải chứng trí.

– Bất định là có lúc lại có trí khác phát sinh.

– Duyên theo tục là suy tính đắn đo Thế đế, không theo kịp Nghĩa đệ nhất đế.

– Không phổ biến là dù bám theo thế tục đế, nhưng hiểu nó rất ít, không hiểu tất cả.

– Thoái lui, khuất phục là do tranh cãi đến cùng cực thì đành im lặng. Còn Đại thừa thì không chấp chặt vào phần đầu cho đến không bao giờ bị, lui sụt khuất phục.

– Không lui sụt và chịu khuất phục thì trong vô lượng kinh, có đến hằng trăm, ngàn bài kệ nói pháp Đại thừa. Vì hiểu tận những pháp ấy cho nên tài ăn nói không cùng tận. Cho nên Đại thừa không phải là đối tượng của người suy tính đắn đo.

Hỏi: ông nói thừa Thanh văn không phải là phương tiện chứng quả Phật Bồ-đề, nếu vậy thì nghĩa ra sao?

Kệ rằng:

Rộng lớn và sâu xa,
Thành thục vô phân biệt,
Nói hai phương tiện nầy,
Tức là Thừa Vô thượng.

Giải thích: Rộng lớn nghĩa là các thứ thần thông có được do phương tiện rất siêng năng, giúp cho các người tin hiểu.

Sâu xa là trí vô phân biệt. Vì khó thực hành theo thứ lớp một là thành thục chúng sinh, hai là thành thục Phật pháp. Tức nói hai pháp nầy là phương tiện đạt đến Bồ-đề Vô thượng. Hai phương tiện nầy là tự thể của Thừa Vô thượng.

Hỏi: Nếu vậy thì có người đâm ra hoảng sợ, lỗi ấy ra sao?

Kệ rằng:

Không nên sợ mà sợ,
Do sợ bị đốt cháy.
Sợ hãi dẫn phi phước,
Sinh lỗi lầm lâu dài.

Giải thích: Nếu người không phải chỗ sợ hãi mà vọng sinh lo sợ thì kẻ ấy rơi vào đường ác bị lửa đốt cháy. Vì sao? Vì sự sợ hãi ấy, đưa đến chứa nhóm thật lớn cái chẳng phải phước. Do lỗi nầy khiến người ấy trải qua nhiều kiếp chịu nhiệt não lớn vô lượng.

Hỏi: Ngoài ra, kẻ ấy sinh tâm sợ hãi, còn lí do nào khác nữa không?

Kệ rằng:

Phi tính, chẳng bạn pháp,
Tuệ ít, sức nhân ít,
Sợ pháp sâu mầu nầy,
Lui mất đại Bồ-đề.

Giải thích: Nếu người sinh tâm sợ hãi là do bốn nhân duyên:

  1. Chẳng phải chủng tính, do lìa tính Bồ-tát.
  2. Không phải bạn pháp, do lìa thiện trí thức.
  3. Sức mạnh trí tuệ ít ỏi do chưa hiểu nổi pháp không của Đại thừa.
  4. Sức nhân ít ỏi do kiếp trước không gieo trồng gốc lành tự tính Ba-la-mật.

Do những nhân duyên ấy, nên chợt sinh lòng sợ hãi đối với pháp sâu xa mầu nhiệm. Do tư tưởng đó nên đối với hai nhóm phước trí của Đại Bồ-đề, đáng lẽ được nhưng lại không được gì cả. Đó gọi là lui sụt.

Nay ông nên biết lỗi lui sụt ấy hết sức sâu nặng. Đã nói lỗi sợ hãi và nhân duyên sợ hãi, kế đây là, tôi sẽ nói về nhân duyên không sợ hãi.

Kệ rằng:

Không khác tức cùng không,
Có khác, tức chỗ hiểm,
Không dụ nói các thứ,
Nói tiếp, nói nhiều môn.
Không có, như văn nghĩa,
Thể Chư Phật sâu xa.
Người thông minh chánh quán,
Phải biết, không nên sợ.

Giải thích: Không khác tức cả hai đều không. Nếu ông nói thừa Thanh văn tức Đại thừa vì thể tính chẳng khác với Đại thừa, nếu vậy thì thừa Thanh văn, Bích Chi Phật thừa lại không có tự thể. Vì sao? Vì được thành Phật. Và, như thế tất cả đều là Phật thừa, thì vì sao lại phải sợ hãi?

Có khác tức chỗ hiểm nghĩa là nếu ông cho Tiểu thừa có khác với thể của Đại thừa, thì thể nầy là Đạo Nhất thiết trí. Đó là chỗ nguy hiểm bậc nhất, vì rất khó vượt qua. Việc nầy là niềm tin, kính mến thì vì sao lại phải lo sợ?

Không thí dụ là trong cùng một lúc, không có hai Đại thừa cùng xuất hiện để so sánh nhau, thì vì sao chỉ sợ một mà lại không sợ hai?

Nói các thứ là nay Đại thừa nầy, chẳng phải chỉ nói không, nhưng cũng nói nhóm Đại phước trí. Ông nên hiểu rõ ý đó. Vì sao ông chỉ sợ cái không? Nói tiếp trong các lúc, quyết định tiếp tục nói pháp không, chứ chẳng phải pháp mà ông vừa nghe, thì vì sao lại sợ?

Nói nhiều môn là trong kinh nói nhiều môn khác nhau nhằm nói về công dụng quan trọng của Đại thừa, là phá hết các phân biệt để có trí vô phân biệt. Nếu nói những gì khác thì không có công dụng, nghĩa là Như lai chỉ nói không, mà không nói như pháp tánh thật tế, v.v… Đã nói có nhiều pháp môn thì vì sao chỉ sợ pháp không?

Chẳng phải có như văn nghĩa, là giáo pháp Đại thừa sâu rộng không như văn nghĩa nói. Thế thì vì sao ông lại theo văn để hiểu nghĩa, rồi lại sợ không?

Thể Chư Phật sâu xa là Phật tính sâu xa, thật khó nhận biết, nên phải hiểu cho sáng tỏ. Việc ấy vì sao phải lo sợ? Do những nhân duyên như vậy, cho nên người thông minh chánh quán thì, đối với Đại thừa, không nên sợ hãi. Đã nói lý do không nên sợ hãi, kế là, sẽ nói về ai là người có công năng thực hành pháp trí này? Kệ rằng:

Theo kế văn, tư, tu,
Đắc pháp và đắc tuệ.
Trí nầy hành pháp nầy,
Chưa được, chớ chẳng hủy.
 
Giải thích: Nếu ai, từ đầu, nương vào bậc thiện tri thức, thì phát sinh nghe đúng, sau đó, đối với cảnh giới chân thật, được phát sinh chính trí. Rồi từ ba công năng ấy, được chứng pháp quả. Sau cùng, từ công năng và pháp quả trên mà phát sinh trí giải thoát. Với trí nầy, người ấy sẽ thâm nhập và thực hành pháp nầy trong thời gian lâu dài. Nếu ông tự xét thấy không có trí nầy, thì không nên nói chắc rằng giáo pháp Đại thừa không phải Phật nói.

Đã nói ai là người có công năng thực hành pháp trí nầy, kế là pháp cú trong bài kệ nầy sẽ ngăn được sợ hãi, Kệ rằng: Không hiểu, hiểu không sâu, Sâu, chẳng suy lường hiểu. Hiểu sâu được giải thoát, Các sợ không như thế.

Giải thích: Không hiểu, nếu ông nói giáo pháp sâu xa như vậy, không phải là pháp mà tôi có thể hiểu nỗi, nên tôi lo sợ, điều ấy không đúng.

Hiểu không sâu, nếu ông nói cái hiểu của Phật cũng không sâu. Nếu Phật hiểu biết sâu, sao ông lại bảo không sâu, rồi sinh tâm lo sợ. Điều ấy không đúng.

Hiểu sâu chẳng phải nghĩ lường mà hiểu: là nếu ông nói vì sao cái hiểu sâu nầy không phải là thuộc lãnh vực suy lường, rồi sinh tâm lo sợ. Điều ấy không đúng.

Hiểu sâu được giải thoát là nếu ông nói vì sao chỉ hiểu được nghĩa sâu nầy mới có công năng giải thoát, chứ giải thoát không dành cho kẻ suy lường, rồi sinh tâm lo sợ, điều ấy không đúng. Như vậy, đã ngăn dứt sự sợ hãi bằng pháp cú ở trên. Kế là, do không tin nên thành lập Đại thừa, Kệ rằng:

Do tin, giới: bạn nhỏ,
Không hiểu Đại pháp sâu.
Do ông không hiểu rõ,
Ta thành Thừa Vô thượng.

Giải thích: Do lòng tin nhỏ có nghĩa là lòng tin hẹp hòi kém cõi. Lãnh vực nhỏ là hạt giống huân và A-lại-da nhỏ bé.

Bạn nhỏ là bạn bè bà con của lòng tin tương tự. Ai có ba việc nhỏ nói trên thì không tin có Đại thừa riêng. Vì không có lòng tin ấy, nên pháp mà ta lập là pháp Vô thượng. Đã nói về việc thành lập Đại thừa.

Kế là nói về việc ngăn dứt chê bai Đại thừa. Kệ rằng:

Theo nghe mà được giác,
Chưa nghe, chớ chê bai.
Vô lượng pháp chưa nghe,
Người chê thành nghiệp si.
 
Giải thích: Nếu được nghe ít mà ông giác ngộ thì không nên theo sự nghe đó mà sinh tâm nói xấu. Đối với giáo pháp ông chưa nghe, nên không tin, còn có thể được. Vì sao? Vì không chứa nhóm điều lành.

Chưa nghe là phải cẩn thận rất lắm, chớ nói xấu chê bai. Nếu ông vô phân biệt rõ mà còn chê bai thì chỉ tăng thêm nghiệp ngu khờ mà thôi, vì ông đã tự phá hoại giáo pháp mà trước đây ông được nghe.

Đã ngăn dứt việc chê bai giáo pháp Đại thừa, kế là nói về ngăn dứt việc tà tư. Kệ rằng:

Khi theo văn hiểu nghĩa,
Sư tâm mất chân tuệ,
Chê bai coi thường pháp,
Do đó, sinh lỗi to.

Giải thích: Sư Tâm là chấp chặt tri kiến của mình, đó không phải là người khôn, vì chỉ tìm nghĩa có một phía.

Mất chân tuệ là cái hiểu chân thật chưa có nên lui sụt.

Nói lời gièm chê là nói xấu đối với kẻ nói điều lành.

Coi thường pháp là: Ganh ghét người được nghe pháp, do chấp vào việc làm không phước đức ấy nên thân sau chịu quả khổ sâu nặng. Đó gọi là tội lỗi rất lớn.

Đã nói về việc ngăn dứt tư duy xấu. Kế là sẽ nói về ý ác, phải ngăn dứt. Kệ rằng:

Ý ác, tự tính ác,
Không để sinh bất thiện,
Huống dời đổi điều thiện,
Phải bỏ lỗi to ấy.

Giải thích: Ý ác là tâm ganh ghét. Tự tính ác là tâm ấy là tự tính tội. Đối với giáo pháp còn không để sinh lỗi lầm, huống chi trong giáo pháp mà sinh lỗi lầm? Cho nên phải mau dứt bỏ các lỗi ấy.

 

Phẩm Thứ 3: QUY Y

Giải thích: Như trên đã thành lập Đại thừa, kế là nói nương Đại thừa mà gồm nhiếp qui y vượt trội. Kệ rằng:

Người quy y Tam Bảo,
Quy Đại thừa, bậc nhất,
Phát hăng hái cùng khắp,
Được quả không ai bằng.

Giải thích: Trong tất cả những quy y Tam bảo thì quy y Đại thừa là bậc nhất, vì sao? Vì tự tính bản đại nghĩa vượt trội, bốn Đại nghĩa là:

  1. Nghĩa biết khắp tất cả.
  2. Nghĩa mạnh mẽ.
  3. Nghĩa đắc quả.
  4. Nghĩa không ai bằng. (Nghĩa nầy sẽ nói sau)

Vì bốn nghĩa nầy cho nên đa số rớt lại vì nó khó khăn. Những người muốn quy y thì không có công năng hay có công năng. Ai có công năng nhập vào là người vượt trội. Đã nói quy y vượt trội, sau đây khuyến khích sự quy y vượt trội ấy. Kệ rằng:

Khó khởi cũng khó thành,
Phải lập chí ý lớn,
Vì thành lợi mình, người,
Nên quy y cao vượt.

Giải thích: Khó khởi là khó khởi chí nguyện vươn cao, bởi nguyện ấy rộng lớn.

Khó thành là công hạnh vượt trội, vì phải trải qua vô lượng kiếp. Vì khó khăn như vậy, nên cần phải kích thích một ý chí lớn, vì sao? Vì muốn thành tựu việc lợi tha, tự lợi. Có hạnh và nguyện mới làm lợi ích cho người được, nên hạnh nguyện trở thành tiếng gọi tốt. Tự lợi là đại nghĩa, vì đại nghĩa là quả của tự thể.

Bốn nghĩa như trước, đã nói, nay trước nói nghĩa khắp tất cả.

Kệ rằng:

Chúng sinh khắp, nương khắp,
Trí khắp, vắng lặng khắp,
Đó gọi là trí tuệ,
Bốn thứ khắp tất cả.

Giải thích: Quy y Đại thừa có bốn thứ khắp tất cả:

  1. Chúng sinh trùm khắp tất cả, muốn cứu giúp chúng sinh.
  2. Đi trùm khắp tất cả, phải khéo hiểu biết ba thừa.
  3. Trí hiểu biết bao trùm tất cả, thông đạt hai vô ngã.
  4. Tịch diệt trùm tất cả bởi thể của Niết-bàn sinh tử là một vị, vì vô phân biệt lỗi lầm và công đức.

Đã nói nghĩa bao trùm tất cả, sau đây sẽ nói về nghĩa mạnh mẽ.

Kệ rằng:

Trông mong Phật Bồ-đề,
Không lui hạnh khó làm.
Chư Phật bình đẳng giác,
Dũng mãnh thắng có ba.

Giải thích: Quy y Đại thừa có ba thứ mạnh mẽ vượt trội:

1. Nguyện mạnh mẽ vượt trội. Khi quy y Phật là mong cầu chứng quả Bồ-đề, nên các người đều cảm thấy vui mừng vì nhận biết mình sẽ nhận được công đức cao quý.

2. Công hạnh mạnh mẽ vượt trội. Khi bắt đầu tu là không lui sụt hay bị khuất phục trước những việc khó làm.

3. Quả mạnh mẽ vượt trội, đến khi thành Phật thì giác ngộ ngang với tất cả Phật.

Lại nữa, vì sự mạnh mẽ nầy, mà các Phật tử thường được thiện sinh.

Kệ rằng:

Phát tâm và trí độ,
Xếp vào đầy đại bi,
Hạt giống và mẹ ruột,
Trong thai mẹ nuôi hơn.

Giải thích: Bồ-tát sinh tốt đẹp có bốn nghĩa:

  1. Hạt giống hơn, vì lấy tâm Bồ-đề làm hạt giống.
  2. Mẹ ruột hơn: là lấy Bát-nhã Ba-la-mật-đa làm mẹ ruột.
  3. Thai tạng hơn, lấy hai nhóm phước trí nhóm trì làm thai tạng.
  4. Mẹ nuôi hơn: lấy đại bi nuôi lớn làm mẹ nuôi. Lại nữa, thiện sinh, vì mạnh mẽ nên thường được thân tốt đẹp.

Kệ rằng:

Diệu tướng, thành sinh lực,
Vui lớn, phương tiện lớn,
Như thế bốn thành tựu,
Đó gọi là thân tốt.

Giải thích: Bồ-tát có bốn thứ thân thắng:

  1. Sắc thắng là được thân thắng tuyệt diệu trang nghiêm và các tướng vua Chuyển luân.
  2. Lực thắng: Là được thành thục chúng sinh nhờ sức tự tại.
  3. Lạc thắng là chứng vui vô biên vắng lặng thượng phẩm ở cõi nước Phật.
  4. Trí thắng cứu tất cả chúng sinh bằng phương tiện hết sức khéo léo.

Bốn thành tựu nầy gọi là Phật tử thiện sinh, được gọi là sắc thành tựu, lực thành tựu. Lạc thành tựu, trí thành tựu. Hơn nữa, do đức mạnh mẽ nầy mà được tướng như vương tử. Kệ rằng:

Trước trao pháp tự tại,
Khéo nói, khéo xếp vào,
Do bốn nhân duyên nầy,
Hạt giống Phật không dứt.

Giải thích: Dòng giống vua không dứt mất do bốn nhân duyên:

  1. Lên ngôi nhận chức.
  2. Tăng thêm không trái.
  3. Có tài phán quyết khéo.
  4. Thưởng phạt rõ ràng.

Phật tử thiện sinh cũng vậy:

  1. Trước hết dạy trao, là tất cả Chư Phật ban cho ánh sáng rực rỡ, giúp nhận chức.
  2. Pháp tự tại là trí tuệ tự tại đối với tất cả pháp, không trái với các pháp khác.
  3. Năng xảo thuyết là khéo nói pháp trước Phật và chúng sinh.
  4. Thiện trị phạt là đối với người học giới phạm lỗi thì trị tội ai có công đức thì được dẫn dắt che chở.

Lại nữa, nhờ sức mạnh mẽ nầy mà được tương tự như các quan đại thần.

Bài tụng nói:

Nhập độ, thấy phần giác,
Trì mật lợi chúng sinh.
Do bốn nhân duyên nầy,
Được giống với Đại thần.

Giải thích: Có bốn nhân duyên được công đức: của bậc đại thần 1. Được vào cung cấm của vua.

  1. Được thấy đồ quý báu của vua.
  2. Giữ kín lời nói kín của vua.
  3. Được vua ban thưởng tự tại.

Bồ-tát mạnh mẽ cũng vậy:

  1. Thường khéo nhập vào các Ba-la-mật.
  2. Thường thấy đại Bồ-đề phần quý báu trong các kinh, vì không quên bỏ các pháp.
  3. Thường giữ chắc các thân, miệng, ý mật của Như lai.
  4. Thường có công năng làm lợi ích cho vô biên chúng sinh.

Đã nói nghĩa mạnh mẽ rồi, sẽ nói ý nghĩa đắc qua. Kệ rằng:

Phước đức và tôn trọng,
Có vui khổ cũng diệt,
Chứng vui chứng, pháp ấm.
Hết tập, có diệt xả.

Giải thích: Người quy y Đại thừa sẽ chứng được tám quả:

1. Khi tin, hiểu sẽ chứng được nhóm phước đức lớn.

2. Khi phát tâm thì được ba cõi tôn trọng.

3. Khi cố ý sinh về đâu thì nhận được vui trong ba cõi.

4. Khi hiểu rõ mình và người đều bình đẳng như nhau thì diệt được nhóm khổ lớn, cũng diệt được sức gây khổ cho cácchúng sinh.

5. Khi nhập vào vô sinh nhẫn là chứng được vui tối thượng.

6. Khi chứng đắc Bồ-đề thì chứng ngộ bóng che pháp lớn lao. Pháp bóng che là pháp thân. Pháp thân được gọi là to lớn, là cao cả, là thường, là nhóm thiện, được gọi bằng tên lớn là pháp tạng Tu-đa-la vô biên. Nó là trên hết trong các pháp nên gọi là cao cả. Không bao giờ cùng tận nên gọi là thường. Do sức vô úy, các pháp lành nhóm họp về nên gọi là nhóm thiện.

7. Huân tập hết các nhóm, diệt hẳn phiền não, không còn sót.

8. Chứng đắc có diệt, xả. Có xả là không trụ vào sinh tử. Diệt xả là không trụ Niết-bàn.

Đã nói về nghĩa đắc quả, sau đây nói về nghĩa không bằng.

Kệ rằng:

Đại thể và đại nghĩa,
Vô biên và vô tận,
Do khéo thế, xuất thế,
Thành thục thần thông đó.

Giải thích: Quy y Đại thừa thì tất cả các gốc lành đều do bốn nhân nầy mà phát khởi; tất cả Thanh văn, Bích-chi Phật đều không sánh bằng. Bốn nhân là:

Đại thể; Đại nghĩa; Vô biên và Vô tận.

Hỏi: Những việc ấy như thế nào?

Đáp: Là đại thể, gốc lành thế gian, đã vượt khỏi Nhị thừa Đại nghĩa là gốc lành xuất thế gian. Nhị thừa xuất thế chỉ lo tự lợi. Vô biên là gốc lành đã thành thục, có công năng thành thục vô biên chúng sinh. Vô tận là gốc lành thần thông. Đến Niết-bàn vô dư cũng là vô tận.

Đã nói ý nghĩa cao quý của quy y rồi, ở đây nói tiếp về sự khác nhau của quy y. Kệ rằng:

Mong cầu và đại bi,
Chủng trí cũng không lui,
Ba xuất và hai được,
Có sáu thứ khác nhau.

Giải thích: Có sáu thứ quy y khác nhau là:

Tự tính, Nhân, Quả, Nghiệp, Tương ưng và Phẩm loại.

Mong cầu là tự tính, chí tâm cầu thể Phật, lấy đại bi làm nhân, cứu giúp tất cả chúng sinh. Lấy chủng trí làm quả, nên được Bồ-đề Vô thượng. Lấy không thoái lui làm nghiệp, là hạnh lợi tha khó làm bất thoái bất khuất. Tương ưng với xuất ly ba cõi, đầy đủ hạnh xuất ly của ba thừa. Hai chứng đắc là phẩm loại, là được pháp tánh thế tục, được thô tế khác nhau.

Đã nói công đức khác nhau, kế là, nói về công hạnh khác nhau.

Kệ rằng:

Quy y có nghĩa lớn,
Nhóm công đức thêm lớn,
Lòng thương trùm thế gian,
Rộng dòng pháp Đại Thánh.

Giải thích: Ý nghĩa lớn là việc làm lợi ích cho mình và người. Làm lợi ích cho mình làm cho công đức thêm lớn. Lại có nhiều thứ, như suy tính, đếm kể, thời hạn đều là không lường hết. Do không suy tính được, không biết số lượng bao nhiêu, nên lúc nào cũng làm, không có phạm vi, giới hạn. Làm việc đem lợi ích cho người thì tác ý và tâm thương xót bao trùm lên tất cả các chúng sinh. Siêng năng vận dụng rộng rãi phương tiện mở mang truyền bá pháp bậc Đại Thánh. Giáo pháp Đại Thánh là giáo pháp Đại thừa.

 

Phẩm Thứ 4: CHỦNG TÍNH

Giải thích: Đã nói về ý nghĩa quy y, kế là nói về chủng tính khác nhau. Kệ rằng:

Có thắng tính giống nhau,
Lỗi ác và công đức,
Dụ cho vàng, của báu,
Chín thứ, đều có bốn.

Giải thích: Chủng tính có chín thứ khác nhau:

Hữu thể, Tối thắng, Tự tính, Tướng mạo, Phẩm loại, Tội ác, Công đức, Thí dụ là vàng, Thí dụ của báu.

Chín thứ ấy, mỗi thứ đều có bốn thứ khác nhau, bài kệ nầy nêu chung. Kệ khác sẽ giải thích riêng. Trong đây, trước là phân biệt hữu thể. Kệ rằng:

Do cõi và lòng tin,
Do việc làm, và quả,
Từ bốn khác nhau đó,
Nên biết: Có thể tính.

Giải thích: Chủng tính hữu thể có bốn thứ khác nhau:

  1. Khác nhau về cõi.
  2. Khác nhau do lòng tin.
  3. Khác nhau do việc làm.
  4. Khác nhau do quả.

1. Khác nhau về cõi là chúng sinh có vô lượng cõi khác nhau, như có nhiều cõi mà kinh nói. Do cõi khác nhau như vậy nên có khác nhau về chủng tính của ba Thừa, nên biết.

2. Khác nhau bởi lòng tin là chúng sinh có các thứ lòng tin có thể được, ấy là do sức mạnh của nhân khởi hoặc do sức mạnh của duyên lực nên đối với ba Thừa, chỉ tin theo nhất thừa, chứ chẳng phải tin tất cả. Nếu không có chủng tính khác nhau thì cũng không có lòng tin khác nhau.

3. Khác nhau do việc làm là chúng sinh làm hạnh có thể tiến nhập vào đạo hay không thể tiến nhập vào đạo. Nếu không có chủng tính khác nhau thì việc làm cũng không khác nhau.

4. Khác nhau vì quả là chúng sinh đối với quả Bồ-đề có hạ, trung, thượng, quả có những tương tự. Nếu chủng tính không khác nhau thì quả cũng không khác nhau. Vì bốn chỗ khác nhau nầy, nên biết, chủng tính là có tự thể.

Đã nói về chủng tính có tự thể, kế là, nói về chủng tính tối thắng.

Kệ rằng:

Tịnh minh và gồm khắp,
Nghĩa lớn cũng vô tận,
Do thiện có bốn thắng,
Là chủng tính bậc nhất.

Giải thích: Có bốn nhân duyên tạo thành chủng tính Bồ-tát được tối thắng là:

  1. Do gốc lành trong sáng thanh tịnh.
  2. Do gốc lành gôm về hết các thứ.
  3. Do gốc lành có ý nghĩa lớn.
  4. Do gốc lành không cùng tận.

Vì sao? Không phải hàng Thanh văn có được gốc lành tươi sáng, trong sạch như vậy. Không phải tất cả Các người, gốc lành của họ có sức xếp vào một cách vô úy, gốc lành của những người khác thì không làm lợi cho kẻ khác. Gốc lành những người khác khi đạt được Niết-bàn thì có hạn lượng. Gốc lành của Bồ-tát không phải như vậy. Vì bốn nhân duyên nầy mà chủng tính của Bồ-tát là tối thắng.

Đã nói về chủng tính tối thắng, kế là nói về Tự tính chủng tính.

Kệ rằng:

Tính chủng và tập chủng,
Sở y và năng y,
Nên biết hữu pít có,
Do công đức nghĩa độ.

Giải thích: Chủng tính Bồ-tát: có bốn thứ lớp tánh:

  1. Tính chủng tự tính.
  2. Tập chủng tự tính.
  3. Sở y tự tính.
  4. Năng y tự tính.

Theo thứ lớp của bốn thứ nầy, lại nữa kia có là do thể của nhân có.

Nếu thể nhân không có thì thể của quả cũng không có.

Hỏi: Nếu vậy sao gọi là tính?

Đáp: Công đức có ý nghĩa cứu độ. Cứu độ làm phát sinh ý nghĩa của công đức. Vì lý ấy nên gọi là tính.

Đã nói về tự tính chủng tính, kế là nói về tướng mạo chủng tính.

Kệ rằng:

Đại bi và đại tin,
Đại nhẫn và đại hạnh,
Nếu có tướng như thế,
Thì gọi tính Bồ-tát.

Giải thích: Bồ-tát có bốn thứ tướng mạo của:

  1. Tướng đại bi là bởi thương xót chúng sinh đang chịu khổ.
  2. Tướng của lòng tin lớn là ham thích tất cả giáo pháp Đại thừa.
  3. Tướng đại nhẫn vì có công năng chịu đựng, làm được các việc khó làm.
  4. Tướng đại hạnh là vì tự tính gốc lành làm pháp khắp các Bala-mật.

Đã nói về tướng mạo chủng tính, kế là sẽ nói về phẩm loại chủng tính. Kệ rằng:

Quyết định, không quyết định,
Không thoái, hoặc thoái lui,
Gặp duyên như thứ lớp,
Phẩm loại có bốn thứ.

Giải thích: Phẩm loại chủng tính Bồ-tát, nói lược có bốn thứ:

  1. Quyết định.
  2. Không quyết định.
  3. Không lui sụt.
  4. Lui sụt.

Theo thứ lớp, quyết định là gặp duyên không lui sụt. Không quyết định là gặp duyên lui sụt.

Đã nói về phẩm loại chủng tính, kế là sẽ nói về lỗi của chủng tính.

Kệ rằng:

Nên biết, tính Bồ-tát,
Nói lược, có bốn lỗi,
Quen hoặc và bạn ác,
Nghèo khổ, thuộc người khác.

Giải thích: Lỗi chủng tính Bồ-tát, nói lược có bốn thứ:

  1. Quen mê hoặc, là việc công đức thì không làm mà việc phiền não thì thường làm.
  2. Bạn ác là xa lìa thiện trí thức mà chung đụng với hạng tính nết thấp kém nhơ bẩn.
  3. Nghèo khổ nghĩa là những đồ đạc cần dùng đều thiếu hụt.
  4. Thuộc về người khác nghĩa là buộc trói vào quyền kẻ khác, mình không được tự tại.

Đã nói về lỗi của chủng tính, kế là sẽ nói về công đức của chủng tính. Kệ rằng:

Công đức cũng bốn thứ,
Dù rơi vào đường ác,
Vào chậm nhưng ra mau,
Khổ mỏng, lòng thương sâu.

Giải thích: Bồ-tát chủng tính dù có những lỗi lầm như trước, hoặc rơi vào đường ác, nên biết, ngay trong đó, Bồ-tát vẫn còn đủ bốn công đức:

  1. Đi chậm vào do không phải thường đoạ vào đó.
  2. Ra mau, không thể ở lâu.
  3. Khổ mỏng do bậc bội nóng bức nhẹ.
  4. Lòng thương sâu sắc do thành tựu tâm thương xót chúng sinh.

Đã nói công đức của chủng tính, kế là sẽ nói về chủng tính được dụ như vàng, Kệ rằng:

Như tính vàng tốt nhất,
Phát sinh ra bốn thứ,
Các thiện và các trí,
Các tịnh và các thông.

Giải thích: Có bốn ý nghĩa làm cho vàng trở nên đẹp hơn hết:

  1. Rất nhiều.
  2. Chiếu sáng.
  3. Không nhơ bẩn.
  4. Mềm mại.

Chủng tính Bồ-tát cũng vậy:

  1. Làm chỗ nương cho vô lượng gốc lành.
  2. Làm chỗ nương cho vô lượng trí tuệ.
  3. Làm chỗ nương cho việc làm thanh tịnh các phiền não ngăn lấp, ngăn lấp những hiểu biết.
  4. Làm chỗ nương cho tất cả thần thông biến hóa.

Đã nói chủng tính của Bồ-tát được thí dụ như tính chất tốt của vàng, kế đến sẽ nói về chủng tính được dụ cho của báu. Kệ rằng:

Thí như tính của báu,
Nhân của bốn thành tựu,
Đại quả và đại trí,
Đại định và đại nghĩa.

Giải thích: Tính chất của Bồ-tát quí giá là chỗ nương cho bốn việc được thành tựu:

  1. Làm chỗ nương cho thành tựu chân chính.
  2. Làm chỗ nương cho thành tựu về sắc.
  3. Làm chỗ nương cho thành tựu về hình.
  4. Làm chỗ nương cho thành tựu về lượng.

Chủng tính Bồ-tát cũng như vậy:

  1. Do nhân đại Bồ-đề.
  2. Do nhân đại trí.
  3. Do nhân đại định, do tâm an trụ.
  4. Do nhân đại nghĩa mà thành tựu cho vô biên chúng sinh.

Đã phân biệt rộng về tính, kế là phân biệt về vô tính. Kệ rằng:

Hoàn toàn làm việc ác,
Cắt đứt hết pháp trắng,
Không có phần giải thoát,
Lành ít cũng vô nhân.

Giải thích: Không có pháp nhập Niết-bàn là không có tính, ở đây lược, có hai thứ:

  1. Pháp thời biên nhập Niết-bàn.
  2. Pháp rốt ráo không có Niết-bàn.

Pháp thời biên nhập Niết-bàn có bốn hạng người:

  1. Một mực làm việc ác.
  2. Dứt các pháp lành.
  3. Không có gốc lành cho phần giải thoát.
  4. Gốc lành không đầy đủ.

Pháp rốt ráo không có Niết-bàn là không có nhân. Tính không nhập Niết-bàn đó có nghĩa là chỉ ham sinh tử, không ham Niết-bàn. Đã nói về vô thể tính, kế là nói khiến nhập pháp Đại thừa. Kệ rằng:

Giảng rộng pháp, sâu lớn
Khiến tin, giúp cực nhẫn,
Rốt ráo Đại Bồ-đề,
Hai biết, hai tính thắng.

Giải thích: Giảng rộng để đi sâu vào pháp Đại thừa là bởi làm lợi cho kẻ khác. Nghĩa là người không có trí thì giúp cho họ có lòng tin lớn, khi đã có lòng tin lớn (Đại thừa) thì giúp cho họ có sức chịu đựng rất cao, có thể làm được việc không thoái lui. Đã có sức chịu đựng rộng lớn thì giúp họ thành tựu Bồ-đề Vô thượng.

Hai trí (hiểu biết) là phàm phu và Thanh văn, nếu được chứng đắc như hai hạng người kia, thì biết được tính tròn đầy của tự tính thật là cao quý.

Hỏi: Thắng là gì? Kệ rằng:

Thêm lớn cây Bồ-đề,
Sinh vui và diệt khổ,
Lợi mình, người là quả,
Thắng nầy như gốc lành.

Giải thích: Chủng tính như vậy mới có công năng làm cho thêm lớn công đức rất lớn của cây Đại Bồ-đề, có công năng được nguồn vui cho mình, người, đó là quả lớn.

Cho nên thể tính nầy là cao vời hơn hết, như gốc cây an lành, Bồtát cũng như vậy.