LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 23

Phẩm 18: NIỆM TAM BẢO
Phần 2

Do tín v.v… nên luôn duyên nghĩ đến công đức của chư Phật. Như kinh Hộ Quốc Tôn Già Sở Vấn có kệ:

Cúi lạy đấng Điều ngự sắc vàng
Mặt như trăng sáng không tỳ vết
Công đức Thánh trí khó nghĩ lường
Ở trong ba cõi chẳng ai bằng.
Búi tóc Mâu-ni màu xanh biếc
Cao, đẹp thanh tịnh tợ Tu Di
Tướng lông mày trắng soi chiếu khắp
Đỉnh đầu của Phật không ai thấy
Mắt Như Lai tịnh như sen xanh
Như hoa Quân ma và Nguyệt kha
Thương yêu quán xem chúng hữu tình
Cho nên con nay cúi đầu lễ
Tướng lưỡi Như Lai màu tợ đồng
Rộng dài khéo phủ che cả mặt
Nói pháp cam lộ nhuận quần sanh
Cho nên con nay cúi đầu lễ
Như Lai bốn mươi răng đều, khít
Trắng sạch cứng sắc như kim cương
Nói lời chân thật phát hào quang
Cho nên con nay cúi đầu lễ
Sắc tướng Như Lai thật đặc thù
Oai quang chiếu sáng trăm ngàn cõi
Thích, phạm hộ thế và các Trời
Uy quang tuy có, đều bị át
Hai vai Như Lai như nai chúa
Lồng ngực rộng thon như sư tử
Bước đi thong thả như voi chúa
Sơn hà, đại địa đều chấn động
Thân tướng Như Lai rất trang nghiêm
Kim quang sáng rực bao trùm khắp
Ở trong thế gian không ai bằng
Chúng sanh thấy Phật không hề chán
Như Lai trải qua trăm ngàn kiếp
Nhũng gì ái lạc đều bố thí
Từ bi thương nghĩ chúng hữu tình
Cho nên con nay cúi đầu lễ
Chí Như Lai vui tu các độ:
Trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn
Thiền định, thắng tuệ đều viên minh
Cho nên con nay cúi đầu lễ
Như Lai rống tiếng sư tử lớn
Dũng mãnh phá tan các dị luận
Tam độc cấu uế dứt chẳng còn
Cho nên con nay cúi đầu lễ
Ba nghiệp Mâu-ni vượt ba cõi
Giống như hoa sen không dính nước
Tiếng mầu nhiệm Ca-lăng-tần-già
Cho nên con nay cúi đầu lễ
Biết rõ thế gian là huyễn hóa
Như kẻ diễn tuồng thay hình sắc
Như ánh mặt trời và trong mộng
Không ngã, không nhân không thọ giả
Pháp vốn không tịch không có sanh
Không thể liễu ngộ tùy lưu chuyển
Đại từ dẫn dắt khắp quần mê
Phương tiện tùy cơ nói chánh pháp
Xem xét khổ não ở thế gian
Các bệnh như tham… đều được đoạn
Như Lai Đại Y vương vô thượng
Đối trị từng người khiến giải thoát
Chỉ khổ lo buồn sanh, lão, tử
Ái biệt ly… cùng các họa hoạn
Mâu-ni cứu độ ở thế gian
Làm cho chán lìa và đoạn trừ
Địa ngục, quỷ, súc cõi hiểm ác
Chúng hữu tình theo dòng luân chuyển
Thương họ không gần, không thầy dẫn
Chỉ chúng ngu kia lên đường chánh
Chư Phật quá khứ xuất thế gian
Tự tại nói pháp lý nghĩa sâu
Thế Tôn dạy giống các Ngài dạy
Đều khiến chúng sanh chứng đạo Thánh
Tiếng Phật vang xa đến Phạm thiên
Thông suốt tất cả sanh các thiện
Càn-thát-bà và Khẩn-na-la
Các tiếng nhạc vang không thể phát
Tích chứa nhiều công đức thanh tịnh
Diễn thuyết vô biên lời chân thật
Trăm ngàn na-do-tha chúng sanh
Nghe rồi đều phát ý ba thừa
Nếu thường cúng dường đến Như Lai
Sẽ đạt được niềm vui thắng diệu
Giàu sanh tự tại được người kính
Sanh ra đời sau làm đế vương
Hoặc làm luân vương trị bốn châu
Đầy đủ bảy báu đều khác lạ
Thường đem thập thiện lợi chúng sanh
Do khởi tịnh nghiệp ở Như Lai
Hoặc làm Đao lợi chủ các trời
Hoặc Dạ-ma vương Đổ-sử-đa
Cho đến Tha hóa Đại Phạm thiên
Đều do cúng dường Đức Như Lai
Gặp Phật cúng dường như thế rồi
Cho đến tin kính pháp được nghe
Đều có thể vĩnh đoạn nhân khổ
Chứng được tịch tĩnh lìa trần cấu
Thế Tôn biết rõ đạo phi đạo
Mà khéo dừng ác quay về thiện
Khiến chúng sanh đạt được an lành
Cùng nhau an trú nơi thánh đạo
Nếu người cầu phước cúng dường Phật
Thường được kho phước thắng vô tận
Trong vô lượng kiếp không thể lường
Cho đến chứng được quả Bồ-đề
Cõi nước vi diệu thắng trang nghiêm
Như trời Tha hóa thật đáng yêu
Tùy theo nguyện lực sanh vào đó
Nghiệp thân, khẩu, ý thường thanh tịnh
Những phước báo vi diệu như thế
Là do cúng dường nơi Như Lai
Người ấy tuy sống ở thế gian
Như ở Long cung, Trời thọ vui
Danh xưng Như Lai thật rộng lớn
Hết thảy quốc độ đều hay biết
Thường ở trong vô biên đại chúng
Mười phương chư Phật đều xưng tán
Lìa hẳn các nhiệt não thế gian
Hiện thị đại bi không ai sánh
Đấng trung tôn tối thượng tịch tĩnh
Cho nên con nay cúi đầu lễ
Con nay đắc được năm thần thông
Trụ ở hư không mà tán thán
Đảnh lễ đấng đạo sư dõng mãnh
Phân biệt các pháp tịnh, không cấu
Nay người,trời đều đã tập hợp
Xưng dương công đức đấng Thiện thệ
Bao la rộng phước rất thắng diệu
Cùng với chúng sanh thành Chánh giác

Lại như trong kinh Pháp Tập nói: “Lại nữa, nầy thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn đầy đủ đại phước trí để tự trang nghiêm. Lấy đại từ bi làm cảnh sở hành, ở các thế gian làm người cứu hộ, làm đại y vương khéo nhổ các tên độc, thường trụ tịch tĩnh diệu Tam-ma-địa, không đắm sanh tử, cùng với Niết-bàn, xem các hữu tình cũng như cha mẹ. Với lòng đại từ bình đẳng thương xót tất cả thế gian không có ai hơn. Đem trí tương ưng soi sáng thế gian, đại trí ấy phủ khắp chúng hữu tình, hết thảy mọi người đều ưa vui thừa sự, xa lìa niềm vui cá nhân để tiêu trừ cái khổ cho người, giữ gìn chánh pháp, lấy pháp làm chủ, đắc pháp tự tại. Lấy pháp làm thức ăn, lấy pháp làm diệu dược (thuốc), lấy pháp làm bố thí, hết thảy đều xả bỏ, dùng trí chọn lựa thường không phóng dật, ở nơi hiểm nạn vì làm cầu đường, như đường vua đi bằng phẳng không vật chướng ngại. Cho đến sắc thân thanh tịnh người xem không chán. Chư Phật Thế Tôn có vô lượng công đức như thế ta nên thành tựu các công đức lợi ích kia. Đây gọi là Bồ-tát niệm Phật.

Thế nào gọi là niệm pháp? Bồ-tát đã biết chư Phật Thế Tôn có vô lượng vô biên công đức đều từ pháp mà sanh ra, từ pháp mà biến hóa ra, từ pháp mà được, từ pháp mà tăng trưởng, từ pháp mà có, từ pháp mà hiện cảnh giới, theo pháp mà y cứ (chỉ), từ pháp mà thành tựu, cho đến các sự việc khoái lạc của thế gian và xuất thế gian cũng từ pháp mà sanh. Cho nên ta cầu mong quả vui Bồ-đề của chư Phật thì nên tôn trọng pháp. Y vào cảnh giới của pháp, y vào chỗ quy về của pháp, nương vào pháp mà quyết định, nương vào pháp để giữ tâm kiên cố, y vào pháp để mà tu hành. Đây gọi là Bồ-tát niệm Pháp.

Lại nữa, Bồ-tát đối với chúng sanh phải bình đẳng mà thuyết pháp, do pháp không có cao thấp, nên ta và pháp tâm đều bình đẳng vậy, lại pháp thì không có diện mạo, nhưng vì chúng sanh nên mới tuyên thuyết, vì pháp không có tướng bè phái, nên ta cùng với pháp kia, tâm đều bình đẳng. Pháp thì không thời tiết, vì chúng sanh nên phải tuyên thuyết vậy, nhưng trong pháp ấy tâm có thể lãnh thọ được nên ta cùng với pháp kia tâm đều bình đẳng chẳng khác. Pháp chẳng phải nơi thù thắng mà vì chúng sanh nên nói, đối với người căn cơ thấp kém thì không nói. Do pháp ấy mọi người đều có thể nhận được, nên ta cùng với pháp kia tâm đều bình đẳng. Pháp chẳng phải thanh tịnh mà vì nói cho mọi người, nhưng không nói cho người bất tịnh. Vì pháp lìa nhiễm ô, nên ta và pháp kia, tâm đều bình đẳng. Lại pháp chẳng phải đối với Thánh nhân mà nói, còn chúng sanh thì không nói. Vì pháp rời các kiến phân biệt nên ta với pháp kia tâm đều bình đẳng vậy. Pháp chẳng phải nói ban ngày mà ban đêm không nói, cũng cũng chẳng phải đêm nói mà ngày chẳng nói. Vì pháp luôn luôn gia công hành trì, nên ta cùng pháp kia, tâm đều bình đẳng. Pháp chẳng phải điều phục cũng không phải trái vượt, vì pháp không có gì để chấp trước, nên ta cùng với pháp, tâm đều bình đẳng. Pháp chẳng phải giảm mất cũng chẳng phải tăng trưởng, vì pháp như hư không nên ta và pháp kia tâm đều bình đẳng. Pháp không chán chúng sanh mà chúng sanh có thể hộ trì pháp, do đó ta và pháp kia tâm đều bình đẳng. Pháp không phải cầu để trở về mà cho thế gian làm chỗ trở về nương tựa, ta cùng với pháp kia tâm đều bình đẳng. Pháp không có tổn hại phiền não, vì pháp lìa các tướng bị hại vậy, nên ta cùng với pháp kia tâm đồng bình đẳng, pháp không có oán thán ghen ghét, vì pháp xa lìa các kiết sử, nên ta cùng pháp ấy tâm đồng bình đẳng. Pháp không sợ sự luân hồi cũng không sợ ưa nơi Niết-bàn, vì pháp không có phân biệt nên ta cùng pháp kia tâm đều bình đẳng. Bồ-tát phải như thế mà luận tập chánh niệm. Đây gọi là niệm Pháp.

Sao gọi là niệm Tăng? Trong đây lại nói: Chính là người thuyết pháp, người hành pháp, người tư duy pháp, là người có ruộng phước nơi pháp, người nhậm trì pháp, người y chỉ nơi pháp, là người cúng dường pháp, người thực hành pháp như pháp, là người thể nhập cảnh giới pháp, là người của hành xứ pháp, là người thành tựu pháp, là người có tự tánh chất trực, là người có tự tánh thanh tịnh, là người tùy thuận giáo huấn, là người phát đại từ bi, khéo tuyển trạch cảnh giới trí, là người thường tu tập pháp thanh tịnh.

Luận nói: Bồ-tát niệm Tăng như thế, tất đạt được các công đức chân thật của chúng sanh như kinh Vô Cấu Xưng có kệ viết:

Hoặc là lão bệnh tử
Hoặc là chư chúng sanh
Biết rõ như huyễn hóa
Thông suốt không còn ngại
Hoặc kiếp nầy thiêu rụi
Trời đất liền trong sáng
Mọi người hay vọng tưởng
Soi khiến biết vô thường
Vô số ức chúng sanh
Đều đến thỉnh Bồ-tát
Một thời đến nhà kia
Dạy quay về đạo Phật
Cấm kinh thư, chú thuật
Khéo léo các kỹ nghệ
Hết lòng làm việc nầy
Nhiêu ích các quần sanh
Các đạo pháp thế gian
Đều xuất gia trong đó
Do giải nghi cho người
Mà không đọa tà kiến
Hoặc làm nhật nguyệt thiên
Phạm vương chư thế giới
Hoặc lúc làm đất nước
Hoặc lại làm gió lửa
Trong đời có bệnh dịch
Hiện làm các thảo dược
Nếu có người uống thuốc
Hết bệnh tiêu các độc
Trong đời có đói khát
Hiện thân làm thức ăn
Trước hết cứu đói khát
Rồi lấy pháp dạy người
Trong đời có đao binh
Vì kia khởi từ bi
Dạy các chúng sanh kia
Khiến trụ vô tịnh địa
Nếu có chiến tranh lớn
Làm hai bên ngang sức
Bồ-tát hiện oai lực
Hàng phục khiến an hòa
Trong tất cả quốc độ
Chúng sanh ở địa ngục
Liền sanh đến cõi kia
Thoát khỏi các khổ não
Trong tất cả các cõi
Chúng sanh ăn nuốt nhau
Liền hiện sanh đến kia
Làm những việc lợi ích
Như thọ dụng ngũ dục
Và cũng lại hành thiền
Khiến tâm ma mê loạn
Không thể nhiễu kẻ kia
Trong lửa sanh hoa sen
Có thể gọi hy hữu
Trong dục mà hành thiền
Hy hữu cũng như vậy
Hoặc hiện làm dâm nữ
Trang điểm các sắc đẹp
Trước vì muốn dẫn dụ
Sau khiến vào trí Phật
Hoặc làm chủ trong ấp
Hoặc chỉ đường thương nhân
Quốc sư cùng đại thần
Vì lợi ích chúng sanh
Những chúng sanh bần cùng
Hiện làm kho vô tận
Vì khuyên dại kẻ kia
Khiến phát tâm Bồ-đề
Tâm ta tâm kiêu mạn
Liền hiện đại lực sĩ
Phá dẹp các cống cao
Khiến trụ đạo vô thượng
Kia có các lo sợ
Đứng trước mà an ủi
Đầu là ban vô úy
Sau khiến phát đạo tâm
Hoặc hiện lìa dâm dục
Làm tiên chứng năm thông
Khai đạo các quần sanh
Khiến trụ giới, nhẫn, từ
Người muốn được cung phụng
Hiện làm kẻ đầy tớ
Để vui lòng kẻ kia
Bèn phát đại đạo tâm
Tùy ước muốn kẻ kia
Được vào nơi Phật đạo
Dùng sức phương tiện khéo
Cấp cho kia thấy đủ
Đạo vô thượng như thế
Chỗ hành vô bờ bến
Trí tuệ trùm các cõi
Độ thoát vô lượng chúng
Giả như tất cả Phật
Trong vô số ức kiếp
Tán thán công đức ấy
Còn không thể cùng tận.

Công đức tu tập cúng dường của Bồ-tát như trong kinh Bảo Quang Minh Đà-la-ni có kệ:

Phóng ánh sáng chuỗi ngọc trang nghiêm
Biển mây chuỗi ngọc thật vi diệu
Chuỗi đẹp như thế biến cùng khắp
Cúng dường rộng lớn làm Phật sự
Phóng ánh sáng lớn hương trang nghiêm
Mỗi mỗi biển mây thơm vi diệu
Hương diệu như thế biến cùng khắp
Cúng dường rộng rãi làm Phật sự
Phóng ánh sáng lớn hoa trang nghiêm
Mỗi mỗi biển mây hoa vi diệu
Hoa diệu như thế biến khắp nơi
Cúng dường rộng rãi làm Phật sự
Phóng ánh sáng lớn anh lạc quý
Mỗi thứ biển mây anh lạc đẹp
Anh lạc như thế biến cùng khắp
Cúng dường rộng rãi làm Phật sự
Phóng ánh sáng lớn hiện cờ báu
Xanh, vàng, đỏ, trắng để trang sức
Các thứ báu quý hợp lại thành
Dùng để trang nghiệp quốc độ Phật
Lưới báu ma ni chiếu lẫn nhau
Giăng cờ trong hội làm lọng báu
Rủ châu anh lạc nói Phật âm
Trang nghiêm mà che trên Như Lai
Nơi mỗi Như Lai dâng cúng dường
Trong tay dâng cúng đồ trang nghiêm
Vô lượng chư Phật cũng như thế
Biến hiện tự tại trong thiền định
Trí lực thần thông diệu khó lường
Rộng làm lợi ích các hàm thức
Biến hiện thù thắng trong thiền định
Để làm trăm ngàn cửa phương tiện
Pháp môn cúng dường chư Như Lai
Pháp bố thí khéo bỏ tất cả
Đạt nhiều công đức trong pháp trì giới
Pháp nhẫn nhục bất động vô tận
Khuyên tinh tấn dõng mãnh thực hành
An trụ nơi thiền định tịch tĩnh
Thông hiểu nghĩa lý, trí thù thắng
Tịnh tu phạm hạnh môn thần thông
Vui vẻ thực hành tứ nhiếp pháp
Tích tập phước trí lợi quần sanh
Tứ đế làm duyên sanh giải thoát
Tu tập căn lực pháp giải thoát
Chứng quả Thanh văn đến giải thoát
Quán Duyên giác tiến đến thanh tịnh
Tu tập pháp thần biến thượng thừa
Hoặc hiện ra vô thượng khổ não
Biết rõ vô ngã, vô thọ giả
Tu bất tịnh quán lìa tham dục
Chứng quả tam muội chân thường lạc
Các pháp môn thanh tịnh như thế
Bình đẳng khắp với các chúng sanh
Cúng dường đắc quả giải thoát kia
Hiện ra đủ tướng hợp thời cơ
Thần thông thuyết pháp khó nghĩ bàn
Tùy thuận thành tựu chư hữu tình
Được sanh an lạc và cung kính
Nên nghĩ xa lìa nhân thế gian
Cầu chứng thanh tịnh Tam-ma-địa
Nếu gặp đói khát các hoạn nạn
Tùy theo nhu cầu mà cung cấp
Rộng lòng thương xót chúng hữu tình
Lìa xa lo sợ thường an ổn
Đem thức ăn, uống thật thượng diệu
Các loại y phục các kho tẩm
Của cải trong nước có tổn giảm
Ở thế gian kia khởi thí lớn
Hoặc hiện thân tướng rất thù đặc
Mỗi mỗi trang nghiêm đủ oai lực
Thoa hương thơm ngát các vòng hoa
Sắc tướng cao vời không ai hơn
Các oai nghi, hình sắc như thế
Mỗi người khi thấy ưa cung phụng
Cần tùy phương tiện tuyên pháp âm
Khiến cho chúng sanh phát đạo tâm
Hoặc hiện tiếng Ca-lăng-tần-già
Tiếng Câu-kế-la và tiếng Câu-noa
Khẩn-na-la và tiếng trống diệu
Đều tuyên nghĩa giải thoát Như Lai
Phật tuyên pháp ngữ ở thế gian
Bốn vạn tám ngàn chân pháp tạng
Như thế phân biệt các pháp môn
Làm cho chúng sanh tăng lợi ích
Tùy cơ thuyết pháp khiến phát tâm
Có thể cùng họ đồng tu tập
Hoặc hiện chướng nạn các nguy ách
Mỗi mỗi bức bách khó chịu đựng
Nên dùng tâm đại bi dũng mãnh
Thay chúng sanh kia mà chịu khổ
Nếu nơi không có pháp giải thoát
Không nơi thanh vắng để xuất ly
Dùng phước lực vua mà sùng kính
Khiếm cho kia phát lòng tịnh kính
Nếu ở thế gian tham ái buộc
Tức thì siêu vượt nhân thế gian
Ở trong cõi dục đoạn trừ hết
Đây là chiếu sáng ở thế gian
Nếu đã đầy đủ các công đức
Đó gọi là đại trượng phu hành pháp
Diệu hạnh Mâu-ni cần khéo tu
Người ấy được sanh nước Cực lạc
Thọ mạng làm giàu không thể tính
Niềm vui thắng diệu tiêu nghi hoặc
Không còn cảnh sanh, lão, bệnh, khổ
Ở trong vô thường được tự tại
Phát khởi tham sân các lỗi lầm
Hừng hực thiêu đốt không tạm ngừng
Bổn tướng như thế hoàn như củ
Khuyến hóa chúng sanh khiến giác ngộ
Mười lực, bốn vô úy Như Lai
Các công đức mười tám bất cộng
Ta nay xưng tán nguyện quy y
Thường ở thế gian làm lợi ích
Cũng giống như những nhà ảo thuật
Có thể hiện ra các hình tướng
Như Lai xuất hiện ở trên đời
Thần thông biến hóa cũng như vậy
Dùng các thiện xảo phương tiện khéo
Rộng tu nhiêu ích chư hữu tình
Thanh tịnh an lạc khó nghĩ lường
Giống hư hoa sen rời nước đục
Hoặc hiện nói các lời hý luận
Anh lạc trang nghiêm nhảy múa quanh
Hãy xem kỹ các thứ tài nghệ
Hiện các sắc tướng như ảo hóa
Hoặc vì chủ thôn làng tụ lạc
Hoặc vì Trưởng giả hoặc thân buôn
Hoặc vì phụ tướng đến tể thần
Biện luận không hơn bậc đại trí
Làm cây đại thọ nơi đồng trống
Hoặc làm kho trân bảo vô tận
Theo sở cầu được ngọc như ý
Ở nơi mê mờ mà dẫn đạo
Hoặc hiện ra làm các sự nghiệp
Đủ loại sắc màu cùng khéo léo
Cạnh tranh buôn bán và trồng trọt
Khiến hiểu thế gian khó trường tồn
Hiện kẻ oán thân không yêu ghét
Hoặc khiến an ổn được kiết tường
Suốt thông phương thuốc cứu quần sanh
Phương tiện chỉ bày độ Mâu-ni
Đều khiến trời người lìa nghi hoặc
Khiến cho kẻ xuất gia ngoại đạo
Phát tâm quy hướng Nhất thiết trí
Các khổ hạnh ngoại đạo như thế
Cố chấp giữ không vâng lời Như Lai
Lỏa hình lìa nhiễm xưng Sa-môn
Mỗi người khéo phụng lời tôn sư
Hoặc thường hành trì hạnh xả thân
Cho là tối thượng không gì hơn
Bện búi tóc, giới Đồng tử
Ai cũng hành trì lời thầy dạy
Hoặc dùng lửa dữ để nung thân
Hoặc giữ giới cấm thờ chó, trâu v.v…
Thường mang y phục bằng da nai
Mỗi người y theo lời thầy dạy
Được trí cõi trời thường an lạc
Không thiện không ác cũng không nhân
Chỉ ăn cây, quả, uống nước trong
Mỗi người khéo vâng lời thầy dạy
Hoặc ngồi chòm hỏm đứng một chân
Hoặc nằm trên gai hoặc bôi tro
Cầm trương khiến tam được an ổn
Mỗi người khéo giữ lời thầy dạy
Cho đến hết thảy các ngoại đạo
Chúng rất bền chí tu khổ hạnh
Để khiến vĩnh đoạn nhân các khổ
Trong lòng đều muốn cầu giải thoát
Những dự kiến thế gian như thế
Đều do nghe theo lời thầy dạy
Ta nay vì độ chúng tà kia
Khai thị nghĩa chân thật Như Lai
Hoặc nói câu Đại thừa vi diệu
Hoặc nói câu bí mật chân ngôn
Hoặc hiện nói thẳng câu tỏ ngộ
Hoặc ưa câu nói ở trong không
Hoặc dùng câu phân biệt văn tự
Câu quyết định diệu nghĩa kim cang
Dùng trí tuệ dẹp câu dị luận
Vứt bỏ câu ngôn luận phi pháp
Hoặc chỉ câu minh chú cho người
Hoặc hiện câu chư Thiên thắng diệu
Câu Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà
A-tu-la cùng với Bộ đa
Câu Khẩn-na-la, Nga-lỗ-noa
Câu của Ma-hầu-la…
Mỗi người hiểu được những lời kia
Tuyên dương pháp giải thoát Như Lai
Do vì được ngộ nghĩa chân thật
Ở trong pháp Phật tâm quyết định
Ngôn từ, trí, cảnh diệu khó lường
Đây là Tam-ma-địa tối thượng
Do đạt được Tam-ma-địa kia
Có thể chiếu khắp ánh sáng tịnh
Ánh sáng ấy nhiếp hóa quần sanh
Khiến được nhẹ nhàng thường tịch tĩnh
Hoặc phóng ánh sáng tên Thiện kiến
Chúng sanh được chiếu mà khởi tin
Có thể quan sát nhân các thiện
Đầy đủ trí bất không vô thượng
Do ánh sánh ấy chiếu khắp cả
Được thấy vô biên Phật Pháp Tăng
Tháp miếu Như Lai nhiều dấu linh
Mỗi mỗi xưng dương dâng cúng dường
Lại phóng quang minh tên thắng đăng
Ánh sáng ấy không gì sánh kịp
Vì muốn nghiêm tịnh ở thế gian
Phá các hắc ám nhỏ nhiệm nhất
Ánh sáng ấy chiếu chúng sanh rồi
Ai nấu cầm đèn để dâng cúng
Cúng dường Như Lai chẳng nghĩ bàn
Lại dùng nhiều đèn mà bố thí
Hoặc dùng đèn sáp hay đèn dầu
Hoặc dùng nhựa thông hoặc tre sậy
Đến đèn báu quý các hương thơm
Thí rồi nguyện Nhiên Đăng Ký
Lại phóng ánh sáng tên Câu Triệu
Có thể tập hợp các hữu tình
Do đây dạy dỗ chúng mê kia
Giải thoát luân hồi biển ái hữu
Từ quang như thế đã chiếu rồi
Đều khiến chúng sanh được khai ngộ
Sẽ khiến lìa hẳn bốn bộc lưu
Hiện trừ ưu não thường an lạc.