LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 20

Phẩm 15: CHÁNH MẠNG THỌ DỤNG

Phần 2

Luận nói: Lại nói về sự thanh tịnh của giới. Như trong Kinh Hư Không Tạng nói: “Xa lìa tâm Thanh-văn và Phật-bích-chi đối với tâm Bồ-đề không sanh khởi thoái chuyển, lúc ấy giới mới được thanh tịnh. Thiện nam tử! Giống như thể tánh thanh tịnh trong hư không, Bồ-tát giữ giới thanh tịnh cũng như vậy. Hư không nầy vô cấu, Bồ-tát giữ giới cũng vô cấu như vậy. Hư không nầy tịch diệt, Bồ-tát giữ giới cũng tịch diệt như vậy. Hư không nầy vô hoại, Bồ-tát giữ giới cũng vô hoại như vậy. Lại như hư không không có cái gì vượt qua được nó, thì Bồ-tát giữ giới cũng như vậy, trong các chúng hữu tình không ai có thể vượt qua được. Lại như hư không thanh tịnh và bình đẳng, Bồ-tát thực hành hạnh nhẫn nhục ở trong chúng hữu tình nầy cũng bình đẳng và thanh tịnh như vậy. Ví như có người cầm búa bén vào rừng Sa-la chặt hết cành lá, nên biết cây kia không có sân hận, không sanh phân biệt là ai có thể chặt cây, cũng không phân biệt là dùng gì để đoạn (sở đoạn) – Bồ-tát thực hành hạnh nhẫn nhục cũng như vậy. Đó là sự nhẫn nhục tối thượng của Bồ-tát, như hư không vậy”. Trong Kinh Bảo Kế nói: “Thân nầy tinh tấn và thanh tịnh nghĩa là thân nầy cũng như bóng và tiếng vang, các ngôn thuyết vốn có tự tánh vô ký, biết rõ tâm nầy rốt ráo không tịch, nên khoát trên mình áo giáp đại bi, hạnh nguyện đầy đủ, tu sâu thiền định, đối với các pháp công đức không khiến cho khuyết giảm, đem tâm Bồ-đề quán sát chúng sanh không khuyết giảm, vui vẻ thực hành bố thí và những phương tiện để bố thí cũng không khuyết giảm, tâm từ bi hỷ xả ngày một thâm sâu không thể khuyết giảm, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự cũng không khuyết giảm, chánh niện chánh tri cũng không khuyết giảm, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo cũng không khuyết giảm. Cho đến thiền chỉ thiền quán cũng không khuyết giảm, xả bỏ nghiệp chướng phiền não tự tánh không hiểu biết. Tu tập kiểm thúc thân mình không cho phóng túng buông lung. Luôn siêng năng làm các Phật sự để thành thục chúng hữu tình, đều đạt được thanh tịnh mát mẻ, an trụ trong tịch tĩnh. Thiện nam tử! Đó gọi là hạnh thanh tịnh của Bồ-tát tu thiền Ba-lamật-đa, như thế cho đến trí tuệ Ba-la-mật-đa cũng nên biết như vậy”.

Phẩm 16: TĂNG TRƯỞNG THẮNG LỰC

Phần 1

Luận nói: Nói rõ về ba loại tăng trưởng thắng lực nghĩa là đối với các hạnh vốn có, thực hành thường không biết chán, độ khắp tất cả chúng sanh không sanh tâm lười biếng, thoái lui, cầu mong trí tuệ vi diệu của Phật kiên cố và dũng mãnh. Ba việc nầy không phải khả năng của những vị Thanh-văn có thể thực hành. Như kinh Bảo Vân nói: “Vì các chúng sanh tự tánh luôn khiếp nhược, chỉ có những vị Bồ-tát mới hiện rõ việc tăng trưởng ấy”.

Trong Kinh Như Lai Bí Mật nói: “Bấy giờ, vua A-xà-thế lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ-tát tu đủ bao nhiêu pháp đạt được lực thù thắng lớn lao như vậy? Phật nói: Đại vương! Bồ-tát tu mười pháp mới đạt được lực thù thắng như thế. Những gì là mười? Một là Bồ-tát thà bỏ thân mạng của mình chứ không bỏ chánh pháp vô thượng. Hai là vì tất cả chúng sanh làm những việc khiêm hạ mà không dấy khởi tâm kiêu mạn. Ba là thương xót những chúng sanh kém cỏi yếu đuối và không nảy sanh tâm làm tổn hại chúng. Bốn là thấy chúng sanh đói khát mà cho chúng những thức ăn ngon ngọt. Năm là thấy chúng sanh sợ sệt mà ban cho chúng sự không sợ. Sáu là thấy chúng sanh bệnh tật mà cho thuốc để cứu giúp chúng. Bảy là thấy chúng sanh nghèo khốn mà ban ơn để chúng được đầy đủ. Tám là nhìn thấy tháp miếu, hình tượng tranh ảnh của Phật đều lau chùi sạch sẽ. Chín là luôn nói lời vui vẻ để an ủi chúng sanh. Mười là nhìn thấy chúng sanh phải gánh vác trọng trách, chịu khốn khổ, não phiền mà vì trút bỏ gánh nặng cho chúng. Nếu Bồtát đầy đủ mười pháp như vậy thì mới có được lực tối thắng”.

Kinh Hải Ý nói: “Bồ-tát nếu có thể phát khởi sự tinh tấn thường kiên cố siêng năng thực hành, ham thích phát khởi sự tinh tấn không lúc nào ngừng nghỉ, thì các Bồ-tát nầy không gì là khó chứng đắc đạo Bồđề Vô thượng”. Vì sao? Kinh Hải Đức lại nói: “Do tinh tấn mà chứng được Bồ-đề. Người lười biếng thì đã xa Bồ-đề, quả Phật lại càng rời xa hơn. Người không lười biếng có thể thực hành bố thí, cho đến người không lười biếng mới có thể tu tập trí tuệ”.

Kinh Nguyệt Đăng nói: “Như hoa Ưu-bát-la sanh ra trong nước, phải biết dần dần mà được tăng trưởng. Người tu học phải dần dần tu học các hạnh bố thí v.v…”.

Kinh Năng Đoạn Kim Cương nói: “Nếu Bồ-tát khéo trụ hành bố thí, thì phước tụ thu hoạch được không thể nào sánh được”. Lại nữa, kinh Đại Bát Nhã nói: “Nầy Xá-lợi-tử! Nếu Đại Bồ-tát muốn tu tập Bát nhã Ba-la-mật-đa thì không thể bố thí ít ỏi mà có được quả báo viên mãn lớn lao. Phải bố thí cho tất cả chúng sanh vàng bạc, châu báu, ruộng vườn, nhà cửa v.v… đủ loại cần dùng tùy theo ý thích của chúng. Phải dùng tất cả trí tuệ để làm những phương tiện khéo léo mà hồi hướng cho tất cả chúng sanh trong vô lượng A-tăng-kỳ nầy, phải học Bát nhã Ba-la-mật-đa”.

Luận nói: Nói rõ tâm đại bi như hư không hàm chứa tự tánh thanh tịnh thọ nhận những phước đức nhanh chóng tăng trưởng. Nếu không có tâm đại bi thì chẳng phải hạnh của Bồ-tát, đại bi là căn bản thiết lập các thiện. Như vậy tâm sâu xa, kiên cố đại bi luôn hiển hiện ở trước, dũng mãnh tu tập làm những việc thích hợp tương ưng thì có thể đạt được giới thanh tịnh. Cho nên, có bài kệ tụng:

Như người giỏi chiến đấu
Vững tâm là lợi khí
Nếu có chút thoái, lười
Thì đối phương bắt lấy.

Như Thiện Tài Đồng tử đến chỗ thiện tri thức Thánh Từ, liền nghĩ: Thân ta trong nhiều đời ở quá khứ không có tâm dũng mãnh không có ý kiên định, không có nhân thanh tịnh nên đã bị luân chuyển, tâm ưa thích trôi dạt trong phân biệt điên đảo, tự mình suy nghĩ sai lệch, ưa huân tập hạnh dục, chấp giữ sự nghiệp không ích lợi của thế gian, hoặc tự mình vốn được lợi ích, mà khởi tâm không bình đẳng, thảy đều buông bỏ hết. Ngay hiện tại nầy phải khởi tâm thật dũng mãnh, biết phân biệt chọn lọc mà tư duy chân thực, đối với các việc làm của các Bồ-tát phải chánh thực hành, siêng năng tu tập, đối với chúng sanh luôn thăng tiến tâm mình để mang lại nhiều lợi ích. Phát khởi tinh tấn dũng mãnh, làm nhiều lợi ích như chư Phật, trang nghiêm các căn để tăng trưởng nguyện lực, đọc tụng kinh điển, tịnh tâm tin hiểu, nhiếp trì thân tâm, không sanh cao ngạo. Luôn ưa thích ra khỏi biển khổ não, lo buồn, sanh, già bệnh, chết, đời sau ưa thích thực hành các hạnh Bồ-tát thường làm, phải đi thẳng đến tất cả các quốc độ của Phật cung kính học theo những lời dạy của Như Lai, gần gũi cúng dường các Pháp sự khéo thuyết pháp, vui thích tìm tòi các pháp tương ưng với chánh pháp của Phật, phụng sự, cung cấp các thiện tri thức, khai thị diễn thuyết tất cả pháp của chư Phật. Bồ-tát nếu tư duy và quán sát như vậy thì mới tăng trưởng được thân trí nguyện lực, độ thoát tất cả chúng sanh, gieo trồng các gốc công đức. Như Kinh Vô Tận Ý nói: “Bồ-tát chỉ có một điều là dũng mãnh kiên cố đến cùng, vươn đến và giữ gìn A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-Bồ-đề. Nỗ lực tự tu không cần cầu đâu khác, lấy áo giáp tinh tấn mà tự trang nghiêm cho chính mình. Như chúng sanh làm tất cả nghiệp thiện, ta cũng như vậy sẽ làm việc đó. Những vị Bồ-tát như tâm ban đầu vốn tu các hạnh ta cũng sẽ thực hành như vậy, bố thí chẳng phải là bạn ta nhưng ta là bạn của bố thí. Trì giới nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ chẳng phải là bạn ta nhưng ta là bạn của chúng. Ba-la-mật không thể sai khiến ta nhưng ta có thể sai khiến các ba-la-mật. Tất cả các thiện căn cũng đều như vậy. Cho đến tòa kim cương ở đạo tràng phá hoại các chúng ma trong khoảng sát-na dùng trí tuệ tương ưng bình đẳng chứng đắc A-nậu-đa-latam-miệu-tam-Bồ-đề”.

Như trong Kinh Kim Cang Tràng nói: “Giống như mặt trời xuất hiện trên thế gian chỉ có một mình không có bè bạn, trải qua nhiều cảnh giới mà không thoái chuyển. Như đối với người mù bẩm sanh, không sanh lo, chán, đối với vua A-tu-la, không sanh lo chán, đối với thành Càn-thát-bà không sanh lo, chán, ở chỗ xấu ác nhất của Diêm-phù-đề cũng không sanh lo chán, đối với các vi trần cùng khắp thế giới trong bốn thiên hạ nầy cũng không sanh lo, chán, đối với các chướng ngại: mây khói núi cao v.v…. cũng không sanh lo, chán. Các Đại Bồ-tát xuất hiện trên thế gian nầy cũng như vậy, dùng trí vô phân biệt mà chánh niệm liễu tri. Nếu chúng sanh bị tổn hại thì Bồ-tát chịu những tổn hại ấy cho chúng sanh mà tâm không lo, chán và thoái chuyển. Nếu đối với Bồ-tát có thiện căn rộng lớn mà sanh tâm tật đố, Bồ-tát không sanh tâm lo, chán họ và không thoái chuyển. Nếu có chúng sanh do tà kiến mà chìm đắm trong ô nhiễm thì Bồ-tát không lo, chán họ và không có tâm thoái chuyển. Nếu thấy chúng sanh bị sân nhuế trói buộc thì Bồ-tát cũng không thể xa rời họ. Nếu chúng sanh bị ngu si che lấp phiền não nghiệp chướng nặng nề, lại còn phá hoại hết những hạt giống Bồ-đề, tất cả những người trên thế gian nầy đều không thể cứu giúp và che chở được nhưng Bồ-tát lại không sanh tâm khinh mạn đối với họ. Vì sao như vậy?

Do vì lòng đại bi của Bồ-tát nên không thấy chúng sanh bị lỗi lầm. Cũng như mặt trời hiện ở thế gian nầy, soi rọi muôn nơi, tất cả đều rõ ràng không chỗ nào u ám. Lại có chúng sanh bị ngu si che lấp, không tin chư Phật, không nghe chánh pháp, không biết chúng Tăng, tự mình tạo tác đủ loại nhân tố khổ đau, hoặc bị đọa lạc trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Bấy giờ thấy chúng sanh đã tạo ra những nghiệp như vậy tâm của Bồ-tát không loạn động, không có chọn lựa và không kinh sợ, phát khởi tâm dũng mãnh kiên cố không thoái chuyển, quyết định thay thế và nhận chịu khổ não cho chúng sanh. Cho đến nạn khổ về sanh già bệnh chết, nạn về tám việc không nhàn rỗi, nạn về luân hồi, nạn về ác kiến, nạn phá hoại pháp thiện, nạn sanh khởi vô trí v.v… ta phải làm cho chúng sanh giải thoát hoàn toàn những nạn ấy. Nếu chúng sanh bị vô minh che lấp, lưới ái lôi kéo, các kết hữu trói buộc, các khổ vây bủa, không sanh khởi hiểu biết, không cầu xuất ly, luôn luôn ôm lòng nghi hoặc, cùng sở nguyện mâu thuẫn, trôi lăn trong biển cả luân hồi. Ta phải an trụ và dùng tất cả trí tuệ để quán sát, khiến cho tất cả chúng sanh đều thành tựu lợi ích và được giải thoát. Chỉ có ta là người mới có thể cứu vớt được chúng sanh. Giả sử tất cả thế gian nầy đều là chúng sanh thọ khổ trong cõi ác dẫy đầy, ta dùng tất cả các thiện căn đã tích tập để hồi hướng bình đẳng cho đến thời gian trải qua những đời sống cuối cùng, tất cả cõi ác đều tiêu sạch hết không còn, mỗi mỗi chúng sanh đều được giải thoát. Nếu có một người chưa thoát ly khổ não thì ta lấy thân mình thay thế để họ được thoát khổ. Đem thân mình chịu toàn bộ sự thống khổ là muốn cho chúng sanh có được an ổn vui tươi. Mỗi mỗi đều an vui, nói lời chân thật, chớ dối trá lẫn nhau, không sanh lòng tổn hại. Ta phải vì tất cả chúng sanh phát khởi tâm Nhất thiết trí xa lìa ngũ dục, đạt đến cảnh giới của Hạnh Bồ-tát, an trụ trong Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng. Sở dĩ như vậy là do chúng sanh chìm đắm trong ngũ dục nên hệ thuộc cảnh giới ma là điều các Phật, Thế Tôn chê trách. Nên biết tham dục là gốc của các khổ. Vì duyên tham dục nên tạo ra tranh tụng, chiến đấu lẫn nhau, khởi ra các phiền não sau sẽ bị đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cho đến đoạn cả nghiệp sanh thiên, xa rời chư Phật, thì do đâu có thể phát khởi trí vô thượng! Các chúng sanh nầy bị chìm đắm trong dục, cháy bừng thiêu đốt tạo vô lượng lỗi lầm. Ta dùng thiện căn bình đẳng hồi hướng làm cho chúng sanh thảy đều được xả ly. Vui thích cầu trí tuệ của chư Phật để được Niết-bàn an vui. Ta vì họ mà làm thầy. Dùng phương tiện trí tuệ khiến chúng sanh đến được bờ kia. Lại như mặt trời chiếu rọi khắp bốn châu, làm cho các cảnh giới hàm linh hiện rõ, hoặc cung điện nhà vua xóm làng thành ấp, dân chúng cùng nhau làm nên sự nghiệp, lúa thóc chín vàng, cỏ cây xanh tốt. Đó là oai đức chiếu rọi muôn phương của mặt trời, trong thế gian nầy, chỉ có một mặt trời không thể có được cái thứ hai. Như vậy, tâm phát khởi lúc ban đầu của những vị Bồ-tát, thấy chúng sanh không thể gieo trồng hạt giống thiện căn liền nghĩ: Ta phải che chở cứu giúp cho muôn loài chúng sanh, ta phải làm cho tất cả chúng sanh đều được giải thoát, ta phải làm cho chúng sanh đều sáng suốt, ta phải dạy dỗ tất cả chúng sanh, ta phải làm cho tất cả chúng sanh tiến sâu vào sự giải thoát, ta phải nhiếp độ tất cả chúng sanh, ta phải làm cho tất cả chúng sanh đều thuần thục, cùng được an ổn đoạn sạch nghi hoặc. Lại như vầng mặt trời xuất hiện trên thế gian nầy, chiếu sáng cùng khắp không tìm cầu đâu khác. Bồ-tát-ma-ha-tát cũng đều như vậy, Bồ-tát xuất hiện trên cõi đời nầy, nhìn thấy chúng sanh khổ, không đợi thỉnh cầu, mới cứu giúp chở che, không có chút thiện căn nào mà không hồi hướng cho tất cả chúng sanh, vì các chúng sanh mà làm trang nghiêm.

Kinh Vô Tận Ý nói: “Bồ-tát không kể số kiếp để cầu Bồ-đề, từ những lúc còn trôi lăn trong sanh tử cho đến ngày nay trải vô lượng kiếp, không thể sánh lường, ở biết bao thời kiếp ấy mà làm trang nghiêm cho đến một lần thấy chư Phật liền phát khởi đạo tâm, trải qua chư Phật nhiều như hằng sa mà luôn thừa sự, cúng dường không biếng trễ, mới có thể hiểu rõ tâm sở hành của tất cả chúng sanh, chính gọi là Bồ-tát vô tận trang nghiêm, như là tu tập Bố thí ba-la-mật, Bồ-đề phần mà có thể đầy đủ tướng hảo trang nghiêm”.
Kinh Bảo Vân nói: “Bồ-tát thấy chúng sanh đui mù không có tuệ nhãn cang cường khó điều phục được, lại còn phá giới ắt phải bị đọa vào đường ác. Bấy giờ Bồ-tát khởi tâm chán nản sâu sắc muốn xa lìa chúng, cầu sanh Tịnh độ và nguyện rằng, ta không còn nghe tiếng ác”. Nghĩ như thế xong, rồi lại nghĩ: “Những chúng sanh nầy ngu si câm ngọng, không cầu về cảnh giới Niết-bàn, không sanh tín tâm, xa rời chư Phật, ta phải điều phục và cứu độ họ. Lúc Bồ-tát phát khởi tâm nầy tất cả Ma cung thảy đều chấn động, chư Phật mười phương đồng thanh tán thán. Vị Bồ-tát nầy không lâu sẽ ngồi ở đạo tràng chứng được A-nậuđa-la-tam-miệu-tam-Bồ-đề”.

Luận nói: Từng bước tư duy quán sát như vậy thì sẽ tăng trưởng được vô lượng phước đức, phải giữ tâm ngay thẳng sâu xa, bền vững mà tu tập.

Kinh Pháp Tập nói: “Trong pháp Phật tâm ngay thẳng là căn bản nhất. Nếu Bồ-tát mà không có tâm ngay thẳng thì sẽ xa rời tất cả pháp của chư Phật. Nếu tâm được ngay thẳng vững chãi thâm sâu thì đối với pháp vi diệu chưa từng nghe cũng sanh lòng khát vọng đợi chờ. Hoặc ở trong rừng sâu hiểm trở cũng gặp được pháp âm vi diệu mà được liễu sanh thoát tử. Cho nên Bồ-tát cũng thực hành như vậy. Như người có đủ hai chân để đi thì Bồ-tát cũng đủ tâm ngay thẳng thâm sâu như vậy mới có thể thực hành tất cả các pháp của chư Phật. Như người có tấm thân để thừa hưởng thọ mạng thì Bồ-tát cũng có tâm ngay thẳng thân sâu để có được Bồ-đề của chư Phật. Như người có thân mạng để thừa hưởng tài lợi thì Bồ-tát cũng đầy đủ tâm ngay thẳng thâm sâu để có được các thánh tài của chư Phật. Thí như có một cây đuốc sáng rực rỡ, Bồ-tát có được tâm ngay thẳng thâm sâu thì mới có thể hiểu rõ các pháp của chư Phật. Thí như có một đám mây có thể mưa một trận mưa lớn, Bồ-tát có được tâm ngay thẳng thâm sâu mới có thể tuyên thuyết pháp vũ của chư Phật. Cho nên Bồ-tát phải hiểu rõ tâm ngay thẳng thâm sâu đó là thiện căn để tự giữ lấy chính mình. Như một gốc cây thối nát thì không thể sanh ra cành lá hoa quả. Bồ-tát mà không có tâm ngay thẳng thâm sâu thì trong các pháp thiện không thể nào phát sanh và tăng trưởng được, cũng không giữ được Bồ-đề của chư Phật.