LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 19

Phẩm 14: TỰ TÁNH THANH TỊNH

Phần 3

Luận nói: Ở đây nói nương vào nghĩa thù thắng của thế tục mà kiến lập nên các pháp. Phải biết như vầy: Nếu khi Thế Tôn dùng Nhất thiết trí quán sát thế gian thì hiện chứng biết rõ nương vào thế tục nói có sáu cõi hoặc trời, người, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, các chủng tộc trên dưới thọ báo giàu sang, nghèo khổ, thạnh suy, khổ lạc và chê khen, sắc và vô sắc… đều tương sanh. Nếu khi Như Lai xuất hiện ở thế gian thì các chúng sanh… đều được an trú nơi chỗ thiện mà phát khởi tịnh tín, ưa thích nói nghĩa thù thắng. Lúc ấy, Như Lai vì lợi ích cho chúng sanh nên theo như sở chứng của mình mà nói: Sự thật của các pháp vốn không có tạo tác, không có phân biệt, không có tri giác, không có hiển thị cũng không có ngôn thuyết. Như vậy, tất cả các pháp đều không. Nếu vậy thì sao Thế Tôn lại nói thọ ký Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng? Ở trong pháp nầy lấy gì làm sắc? Sao gọi là thọ, tưởng, hành, thức mà có thể thọ ký Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng? Do biết rõ sắc vốn không tức Bồ-đề sanh. Cho đến thức vốn không cũng đồng như cách nói ấy. Đối với các pháp đều không hề có chỗ chứng đắc thì sao gọi là Phật? Sao gọi là Bồ-đề? Sao gọi là Bồ-tát? Sao gọi là thọ ký? Nếu sắc là thứ vốn không cho đến thức cũng không thì chỉ nương vào thế tục trong một sát na mà kiến lập nên. Như vậy, ngôn thuyết chỉ là tưởng! Người trí đối với điều nầy chớ có khởi sân hận, phiền não. Như Thế Tôn nói: Thực tế của các pháp rốt ráo vô tận. Trời Hóa lạc kia không hiểu rõ nghĩa lý sâu xa nên chấp ngã cho là có cũng không chướng ngại. Thế Tôn lại nói: Các pháp Bồ-đề, tự tánh lìa sanh diệt. Nếu ai hiểu rõ điều ấy tức gần gũi vô lượng

Bồ-đề. Vì sao? Vì nếu lìa Bồ-đề thì không có Niết-bàn. Nếu không có vui thích Niết-bàn tức không có sợ hãi luân hồi. Thế Tôn, như chỗ chấp có của trời Hóa lạc, ngã thực chất không thể nắm bắt được, huống hồ có thể có sự thực có thể nắm bắt! Lúc ấy chủ cõi Ta Bà nghe Phật nói rồi, liền sanh lãnh hội và hiểu rõ mà nói kệ:

Như người trong mộng bị đói khát
Vội ăn trăm vị liệu có no
Khi rõ mộng kia tướng vốn không
Tự tánh các pháp cũng như vậy
Như người khéo nói các ngôn luận
Nghe rồi đều sanh sự yêu thích
Hoặc nói hoặc thích cả hai không
Trong đây không được sanh nghi hoặc
Ví như sắt cầm phát âm hay
Tiếng kia tự tánh vốn không có
Biết rõ uẩn, ái cũng như vậy
Diệu tuệ tìm kia không thể được
Ví như âm hưởng của ngọc kha
Nghe rồi tìm cầu chỗ nào sanh?
Tiếng kia xưa nay tự tánh không
Tức hiểu các pháp của Đại Tiên
Thí như các thức ăn ngon lành
Ăn rồi khiến thân được no đủ
Như vậy vị thân xưa nay không
Tức hiểu các pháp của Đại Tiên
Thí như Thiên đế hiện tràng báu
Các trời đều thấy sanh ái dục
Biết rõ tướng nầy xưa nay không
Tức hiểu các pháp của Đại Tiên
Thí như có người phân địa giới
Gượng gọi thành ấp xưa nay không
Cũng biết thành thân tự tánh không
Tức hiểu các pháp của Đại Tiên
Thí như tập hợp người đánh trống
Mọi người nghe rồi sanh vui thích
Tiếng kia tự tánh xưa nay không
Tức hiểu các pháp của Đại Tiên
Lại như đánh trống mượn duyên sanh
Nếu không thấm nhuần tiếng vẫn động
Tìm cầu tiếng ấy chốn nào đến
Tức hiểu các pháp của Đại Tiên
Lại như đánh trống xuất âm lớn
Kia không nghĩ ngợi và vang to
Như vậy phân biệt xưa nay không
Tức hiểu các pháp của Đại Tiên.

Luận nói: Ở đây lại nói rõ nghĩa trước. Nghĩa là nhãn… tự tánh các pháp vốn không có. Nếu các pháp không có thì không thành tựu. Nếu không thành tựu thì không sanh diệt. Nhẫn đến nhãn căn vốn duyên với ba tướng ái, phi ái… đều không thể nắm bắt được, không có ngôn thuyết, cũng không có biểu thị. Ví như dùng tay không nắm chặt lại để vừa gạt trẻ nhỏ, chỉ cuồng ngôn chứ thật ra không có gì trong đó. Cho đến danh lượng cũng không có thật, không thể nắm bắt được. Nghĩa không thù thắng nầy quyết định sự không có. Như người ở trong mộng thấy núi lớn hiện ra đè lên mình khiến đứt đầu. Người trí hiểu rồi liền biết rõ tất cả đều do thức sanh khởi nên được giải thoát. Như Đại Thọ Khẩn-na-la Vương hỏi Thế Tôn: “Nếu bảo các pháp thảy đều trống không thì sao Thế Tôn thọ ký cho con? Con cũng không biết tự trụ ở lầu gác không tăng, không giảm cũng không tán hoại, sự thọ dụng vô tận, tướng ấy là thế nào?”. Phật bảo: “Ông phải biết rõ tất cả pháp kia tự tánh thanh tịnh, pháp giới vốn không giống như các cảnh tượng hiện ra trong gương, như tạo bánh xe, tụ tập mà hiển thị. Ta nói tác nghiệp tự tánh cũng lại như vậy. Lại như rừng cây do gió thổi mạnh nên cọ xát với nhau mà sanh ra lửa. Như vậy, tư duy xem lửa ấy từ đâu có? Ta nói tác nghiệp cũng lại như vậy. Như nói ở người sống lâu trăm tuổi thì nên biết không có sự tích tụ tuổi thọ có thể thấy được”. Lại nữa, Kinh Pháp Tập nói: “Nhãn và sắc vốn không có chống đối nhau, nhĩ và âm thanh cho đến ý và pháp cũng không hề chống đối nhau. Vì sao nói nhãn và sắc không hề chống đối nhau? Vì hai thứ nầy hòa hợp không có trái nghịch nhau. Cho đến ý và pháp hai thứ đều hòa hợp cũng lại như vậy. Nếu không hòa hợp thì ắt có chống đối nhau. Thế Tôn! Pháp không có sai khác nên không có sự chống đối nhau. Các pháp không hai nên mỗi thứ không biết nhau. Do không biết nhau nên không có phân biệt. Nếu lìa phân biệt thì không có sanh diệt, không có tăng giảm, không sanh ái lạc cũng không chán hoạn nạn cũng không trụ luân hồi, không chấp Niết-bàn. Thế Tôn! Nếu đối với các pháp không thích, không chán thì nên biết không có tính nhiễm tịnh v.v… Thế Tôn! Nếu nói ta biết như vậy, ta hiểu như vậy thì đều là chỗ phân biệt hư vọng. Thế Tôn! Nếu lại đối với các pháp của nhãn nầy… khéo hiểu biết rồi thì không nghĩ: Ta có thể phân biệt. Phải biết người nầy cùng với vạn vật không có sự chống đối nên có thể tùy thuận đạo hạnh Sa-môn, được thấy pháp, được gặp Phật, được thấy chúng sanh, được thấy tánh không. Thế Tôn! Thấy vốn không có chỗ gì thấy tức gọi là các pháp không thấy”. Kinh kia lại nói: “Bồ-tát Vô Sở Phát hỏi: Như như không đối với pháp nói thế nào? Phật bảo! Như như không kia không sanh, không diệt, do vậy các pháp đều không. Bấy giờ, Bồ-tát Vô Sở Phát nói: Do như vậy, như vậy nên Thế Tôn nói tất cả pháp đều không sanh, không diệt. Thế Tôn! Cớ gì lại nói các pháp hữu vi đều có sanh diệt? Nếu như vậy thì tháp miếu của Phật nhất định có sanh diệt! Phật bảo: Nầy thiện nam tử! Như Lai do tâm đại bi vì diệt trừ sự sợ hãi của chúng sanh trong thế gian mà tùy thuận tuyên nói pháp sanh diệt. Chứ thật ra trong đó không có pháp nào có thể nắm bắt được huống hồ có sanh diệt”. Như kinh Bát Nhã nói: “Trưởng lão Tu-bồ-đề! Sao gọi là pháp vô sanh? Tu-bồ-đề đáp: Xá-lợi-tử! Sanh không có gì để sanh nên gọi là pháp vô sanh”.

Luận nói: Điều nầy gọi là tích tập phước hạnh thanh tịnh để thành tựu Bồ-đề, lấy tâm từ thanh tịnh duyên với chúng hữu tình, khéo quán sát và nhận biết không có tướng chúng sanh. Nếu lại cúng dường mười phương chư Phật, bậc Lưỡng túc tôn thì xa lìa cấu nhiễm và điều ấy cũng không thể nhận thấy được. Nếu cung cấp, phụng dưỡng tất cả chúng sanh khổ não thì chính là tuân theo lời giáo huấn của bậc Điều ngự. Bậc tôn kính trong cõi người thường đem tâm đại bi để bạt trừ các khổ não cho chúng sanh, khiến họ được an ổn, vui thích, phát sanh trí tuệ thanh tịnh nhằm đoạn trừ phiền não. Đối với chánh lý nầy, họ đã hiểu rõ nên xa lìa nghi hoặc. Như vậy, quả báo cúng dường không khó đạt được. Khi đã hiểu chánh giáo của Đức Phật rồi theo chánh giáo ấy mà quán sát thân, nhớ nghĩ đến bát chánh đạo, thì đoạn trừ si mê và nhiễm ô. Phải nên xả bỏ tự thân để thừa sự chư Phật, không hy vọng có được diệu lạc của thế gian và các cõi trời mà luôn tu tập ma-tha, Tỳbát-sa-na để tịch tĩnh biến khắp nơi và được xuất ra khỏi đường khổ.

Sao gọi là kiến lập các pháp thế tục? Nghĩa là ở trong chỗ hư vọng mà biết hòa hợp tương ưng với phàm phu si mê điên đảo. Đối với những kẻ ấy phải tưởng như con mình để dìu dắt họ nương tựa vào chánh pháp, y chỉ thành tựu nhằm nói pháp thắng nghĩa không cho họ nghe tức không có tướng cố định nầy vì tất cả pháp vốn không có sanh. Như Kinh Vô Cấu Xứng nói: “Văn-thù-sư-lợi hỏi Duy Ma Cật: Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc? Đáp: Lấy tướng điên đảo làm gốc. Lại hỏi: Tướng điên đảo lấy gì làm gốc? Đáp: Lấy vô trụ làm gốc. Lại hỏi: Vô trụ lấy gì làm gốc? Đáp: Vô trụ tức là không có gốc. Nầy Văn-thù-sư-lợi! Từ gốc vô trụ tức có thể kiến lập tất cả các pháp”. Lại nữa, Kinh Bát Nhã nói: “Nên phải xả bỏ tại gia, an trú dũng mãnh để đoạn trừ phiền não khiến tâm thanh tịnh, bình đẳng mà tu tập Bát nhã Ba-la-mật-đa”. Kinh Pháp Tập nói: “Người khéo hiểu rõ nghĩa không thì tâm không nương tựa vào các thứ sở hữu của thế gian như lợi, suy, xưng, gièm, vui, buồn, khen, chê… Đối với các khổ não không sanh nhàm chán. Đối với các khoái lạc không sanh ái đắm, không bị các pháp thế gian phá hoại. Người khéo hiểu nghĩa không tức biết rõ tánh không không thì có pháp nào để nắm bắt hoặc xả bỏ. Nếu không nắm bắt và không xả bỏ tức không có tham trước và nhàm chán. Đây gọi là người khéo thấy nghĩa không tức đối với tất cả pháp không có chấp trước. Nếu không có chấp trước tức đối với các pháp không có sự tranh luận”.

Luận nói: Ở đây nói rõ trong một sát na tâm được thanh tịnh. Nghĩa là do ngã mạn nên khinh bỉ chúng sanh. Nếu biết rõ ngã kiến xưa nay không có, nên nhất tâm chuyên chú để đoạn trừ ngã mạn thì người ấy nhanh chóng được tâm thanh tịnh. Như vậy, quán sát tất cả xứ, chỗ của chúng sanh mà thường vui tôn trọng, xa lìa sự bám víu vào duyên và sự phân biệt mình, người khác, đồng bình đẳng với tất cả không hề trái ngược nhau như thế, việc học hạnh nầy thì không lấy gì làm khó. Ví như ngọc báu như ý là điều ưa thích của con người chứ chẳng phải chỉ riêng mình. Do vậy, đối với người khác phải sanh tôn trọng. Nghĩa là do điên đảo phân biệt mà chấp trước nên đối với loài hữu tình sanh khởi keo kiệt hoặc khen chê. Tất cả điều ấy đều do sự trói buộc của ngã mạn. Vì duyên nầy nên sanh khởi khen chê làm tăng trưởng nhiệt não như lửa ngục A-tỳ. Âm thanh ấy vốn không có tâm khen ngợi, sao có tuệ hư vọng nầy sanh khởi ưa thích? Tại sao đối với lời nói của người khác mà sanh thích thú? Vì đối với niềm vui của người khác hoặc sanh khởi chẳng phải của ta. Nên biết, phải thường bình đẳng để tự mình giữ lấy an ổn, tĩnh lặng. Nếu hiểu rõ sự phân biệt các tướng trói buộc, thoát ly, khen chê v.v… như vậy tức là biết rõ tất cả đều không có quả lợi ích. Lại nữa, đối với tài lợi sanh nhiều niềm vui và não hại là do thói quen tích tập ganh ghét, xảo trá và mong cầu. Nên biết dù thuận hay nghịch đối với tài lợi ấy đều đưa đến tội nặng. Chỉ có thuận theo chánh lý mà khởi đối trị nhằm bạt trừ ngã mạn mới khiến tâm nhanh chóng trở nên thanh tịnh, xa lìa lỗi lầm ngôn ngữ và chuyên vui tịch mặc chỉ trừ sự răn dạy nối tiếp biểu hiện. Hiểu rõ các pháp hư vọng vốn không có thật kiên cố, là gốc sanh các khổ, không thể bám trụ lâu.

Phẩm 15: CHÁNH MẠNG THỌ DỤNG

Phần 1

“Lại nữa, Trưởng giả! Nếu là Bồ-tát tại gia thì nên vui với sự thọ dụng chánh mạng bình đẳng xa lìa sự sanh hoạt phi pháp trong đời sống…”. Kinh Bảo Vân nói: “Sao gọi là Bồ-tát đối với sự bố thí không lấy thân nghiệp giả hiện oai nghi? Nếu khi nhấc chân bước đi thì không nên giả bộ nhẹ nhàng khoan thai. Nếu khi hạ chân xuống thì không làm ra vẻ đăm chiêu hiện tướng suy tư. Thế nào là Bồ-tát nói năng không giả bộ, không vì lợi dưỡng? Ngược lại, phải thực sự thể hiện lời nói nhỏ nhẹ, lời nói mềm mỏng, lời nói ưa thích và lời nói tùy thuận. Sao gọi là tâm Bồ-tát không có dối trá không vì lợi dưỡng? Nghĩa là lời nói thể hiện tâm ít ham muốn, ít tham cầu và não phiền nóng nảy bên trong. Sao gọi là Bồ-tát hay xả ly, vì lợi dưỡng nên hiện ra dị tướng? Nếu thấy người bố thí quyết không nên tự nói: Ta thiếu y phục, ngoại cụ, thức ăn uống, thuốc trị bịnh, mong thí chủ rũ lòng ân huệ bố thí. Sao gọi là Bồ-tát hay xả ly, vì lợi dưỡng nên nói lời sáo rỗng, kích động? Nếu thấy người bố thí thì không nên nói dối trá: Thí chủ ấy… đem vật như vậy bố thí cho ta, ta dùng vật nầy với mục đích để báo đáp ân của thí chủ. Lại nói: Vì ta thiểu dục, trì giới, đa văn nên người kia bố thí. Ta đã khởi tâm thương xót mà nhiếp thọ phẩm vật đó. Cho đến thân hành ác, vì lợi dưỡng nên bôn ba qua lại nhà thí chủ mà phá giới cấm. Nếu thấy bậc đồng phạm hạnh khác được các lợi dưỡng liền khởi tâm tổn hại thì gọi là Bồ-tát lìa bỏ hiểm nạn mà cầu lợi dưỡng. Sao gọi là Bồ-tát xả ly lợi dưỡng phi pháp? Nghĩa là Bồ-tát nầy không toan tính quyền lực mà hành luống dối, tùy theo người khác tin, không nên khởi tâm xâm phạm làm tổn hại. Sao gọi là Bồ-tát xa lìa bất tịnh và lợi dưỡng? Nghĩa là Bồ-tát nầy đối với vật thuộc tháp miếu của Phật, vật của Pháp, vật của Tăng chúng không nên lạm dụng. Nếu có dùng được cũng không dám nhận. Sao gọi là Bồ-tát xa lìa việc đắm trước lợi dưỡng? Nghĩa là Bồ-tát nầy đối với các vật dụng mình có được thì không nên ôm giữ lấy một mình, không tự khoe khoang giàu có, cũng không tích chứa mà tùy thời đem cúng cho Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí… hoặc đem cho cha mẹ, thân thuộc, bạn bè, hoặc tự thọ dụng. Và khi thọ dụng thì không nên sanh nhiễm trước. Nếu Bồ-tát lúc ấy không được lợi dưỡng thì tâm không sanh khổ cũng không có nhiệt não. Và nếu thí chủ không bố thí thì Bồ-tát đối với người ấy cũng không sanh tâm sân hận”. Lại nữa, Kinh Vô Tận Ý nói: “Không có chúng sanh nào mà không thể kham nhẫn thọ thí như người kia đã đồng ý đem thí cho. Nếu có người đến xin thì không nên khởi phiền não mà bố thí, không bị người khác bức bách mà bố thí, không mệt mỏi mà bố thí, không sanh dị tướng mà bố thí, không quay mặt đi mà bố thí, không khinh dể mà bố thí, không ruồng bỏ mà bố thí, không bất kính mà bố thí, không phân biệt mà bố thí, phải tự tay mà bố thí phải nương đúng thời mà bố thí, phải bình đẳng mà bố thí, không gây não hại chúng sanh mà bố thí”. Lại như Kinh Tối Thượng Thọ Sở Vấn nói: “Bồ-tát khi hành bố thí Ba-la-mật-đa, nếu có người đến xin vật cần thiết thì phải nương vào việc làm của mình mà cung cấp cho họ. Nếu người thích rượu thì Bồ-tát khiến họ sanh chánh niệm tức là ban đầu nên đem rượu cho họ uống rồi sau đó khuyên họ đoạn trừ rượu. Như vậy, chính là Bồ-tát dùng phương tiện thanh tịnh để nhiếp thọ chúng sanh. Nếu trong tâm người ấy ưa thích uống rượu không dứt thì Bồ-tát dùng lời khuyên bảo, trách cứ các lỗi lầm của rượu cũng như dao kiếm sắt bén nên nhất định phải khuyên họ xa lìa chứ không nên tiếp tục uống. Như vậy, người bố thí tức không phạm phải tội lỗi xấu ác”.

Luận nói: Ở đây nói sự thanh tịnh của việc thực hành bố thí để dần dần đi và các lãnh địa giải thoát như trong các kinh khác đã trình bày rõ việc chế và đoạn trừ. Kinh Hư Không Tạng nói: “Đó chính là sự bố thí thanh tịnh của ta, nhân bố thí thanh tịnh, thấy bố thí thanh tịnh, tướng bố thí thanh tịnh, chủng tánh bố thí thanh tịnh, trong sát na quả báo bố thí thanh tịnh, tâm như hư không bố thí thanh tịnh. Cho đến như hư không không có bờ mé, Bồ-tát hành bố thí cũng lại như vậy, thí như hư không thật rộng lớn vô ngại, Bồ-tát hành bố thí hồi hướng rộng lớn cũng lại như vậy. Như hư không không có sắc tướng, Bồ-tát lìa sắc mà hành bố thí cũng lại như vậy. Như hư không không có tưởng, không có tạo tác, không có biểu hiện, không có tướng, Bồ-tát hành bố thí cũng lại như vậy. Như hư không biến khắp các cõi Phật, Bồ-tát lấy đại bi duyên với các hữu tình mà rộng hành bố thí cũng lại như vậy. Như hư không dung chứa tất cả, Bồ-tát hành bố thí thu nhiếp các hữu tình cũng lại như vậy. Cho đến như người biến hóa bố thí cho người biến hóa thì không có thọ dụng cũng không có phân biệt, ý đạt hiểu các pháp không có gì mong cầu, lìa ngã và ngã sở, đạt được được tự tánh thanh tịnh, dùng trí tuệ thù thắng để đoạn trừ các phiền não, dùng trí phương tiện mà không xả bỏ hữu tình. Đây chính là Bồ-tát tu hạnh bố thí Ba-la-mât-đa giống như hư không”.