LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 18

Phẩm 14: TỰ TÁNH THANH TỊNH

Phần 2

“Nầy Đại vương! Địa giới bên ngoài nầy mang tính chất cứng rắn. Bấy giờ thế gian bắt đầu kiến lập cung điện của Phạm thiên do các báu lớn tạo thành, lại sanh cung điện của chư Thiên thuộc trời Tha hóa tự tại đều bằng bảy báu. Nầy Đại vương! Nếu không có tính cứng rắn của địa giới sanh thì các cung điện kia do đâu hình thành được, lại thành tựu đại địa với bề dày tám vạn bốn ngàn Du-thiện-na và chiều dài rộng sáu vạn Du-thiện-na, lại sanh núi Luân Vi, núi Đại Luân Vi an trụ kiên cố giống như kim cang. Lại sanh núi Tô-di-lô, núi Canh-kiên-đà, núi Tầnmẫn-đà, núi Y-xá-đà cho đến Hắc sơn! Như vậy ba ngàn đại thiên thế giới đã thứ tự thành lập và an trụ kiên cố. Nếu không có tính cứng rắn của giới địa sanh khởi thì các thứ kia từ chỗ nào sanh. Nầy Đại vương! Lại nữa, thế giới nầy khi muốn hoại diệt thì hoặc bị lửa thiêu, hoặc bị nước cuốn, hoặc bị gió thổi. Nhưng khi đại địa nầy bị lửa thiêu thì giống như dầu tô, lửa cháy nó càng bốc mạnh cho đến cháy rụi không còn thấy nữa. Nếu bị nước cuốn thì như đem muối bỏ vào trong nước, tất nhiên muối sẽ rã ra không tìm thấy. Nếu bị ngọn gió Tỳ-lam thổi mạnh thì ba ngàn đại thiên thế giới tất đều tan nát không còn sót lại thứ gì. Nầy Đại vương! Khi địa giới bên ngoài sanh khởi thì vốn là không, khi diệt cũng không, vì tự tánh không nên không có tướng nam nữ mà chỉ nói chỗ biểu hiện ra của nó. Như vậy, địa giới và tính chất của địa giới đều không thể nắm bắt được mà chỉ có chánh tuệ như thật để biết rõ. Sao gọi là giới nước bên trong? Nghĩa là nếu sở hữu trong thân nầy chấp thọ tính ẩm ướt. Điều ấy ra sao? Đó chính là nước dãi, mồ hôi, nước mũi, đàm, mở, mũ, tuỷ, máu, nước tiểu v.v… gọi là nước bên trong. Nầy Đại

vương! Nếu bất chợt gặp lại người thân yêu thì nước mắt chảy ra, hoặc bị khổ chèn ép khiến chảy nước mắt hoặc nghe pháp thâm diệu rồi tin tưởng tôn trọng khiến nước mắt chảy ra, hoặc bị gió lạnh thổi vào khiến nước mắt chảy ra. Như vậy, nước từ đâu đến và khi tướng nước khô cạn sẽ đi về đâu? Cho đến thế giới nầy khi tan hoại, khắp nơi nổi lên mây đen dày ba mươi hai lớp che kín ba ngàn đại thiên thế giới rồi làm mưa rơi tầm tả, điểm giọt lớn như chân voi, đêm ngày xối xả tương tục không ngừng. Như vậy, thời phần trải qua năm trung kiếp, nước ấy tích chứa tràn đầy đến cõi Phạm thiên. Nầy Đại vương! Nước lớn nầy từ đâu mà đến? Lại nữa thế giới nầy khi sắp muốn hoại thì có hai mặt trời xuất hiện. Khi hai mặt trời xuất hiện rồi thì nguồn nước sông, suối nhỏ thảy đều khô cạn, khi có ba mặt trời xuất hiện thì ao vô nhiệt não chảy ra bốn con sông cũng đều khô cạn. Khi có bốn mặt trời xuất hiện thì nước trong biển lớn giảm xuống một Du-thiện-na, hoặc hai, hoặc ba cho đến giảm xuống mười Du-thiện-na hoặc hai mươi Du-thiện-na. Rồi thứ tự khô cạn đến tám mươi du-thiện-na. Sau đó có dòng nước khác xuất hiện hoặc sâu bằng một cây đa-la, hoặc sâu đến ngực, hoặc hoặc sâu bằng cổ chân trâu cho đến độ sâu giảm thiểu bằng một lóng tay. Lúc ấy, nước trong biển lớn tất đều khô cạn không còn chút nào. Nầy Đại vương! Tướng nước ấy sanh ra không có nơi đến, diệt không có chỗ đi. Khi sanh nó vốn không, khi diệt nó cũng không, vì tự tánh vốn không chẳng có tướng nam hay nữ mà chỉ có thể nói lên chỗ biểu hiện của nó. Như vậy nước và tính chất của nước đều không thể nắm bắt được. Sao gọi là giới lửa ở trong thân? Vì trong thân chấp có tính chất nóng, ấm. Những thứ ấy là gì? Nghĩa là ấm áp, hẩm, nóng, nhấm nuốt, ăn uống thành thục biến hoại khiến an vui vì được no nê thì gọi là lửa ở bên trong. Sao gọi là lửa ở bên ngoài? Nghĩa là mình không thể cảm nhận được sự ấm áp, nóng bức khi lửa nầy sanh khởi. Nếu lại có người ở trong đồng trống muốn tìm thấy lửa nên hoặc lấy cỏ, hoặc dùng phân khô, hoặc lấy cây bông đâu-la để mồi lửa. Sau khi có lửa rồi, lại thiêu đốt cỏ cây núi rừng, xóm làng và các nơi khác khiến tất cả đều cháy rụi. Nầy Đại vương! Như vậy, lửa sanh ra không có chỗ đến và khi diệt không có chỗ đi, từ xưa đến nay lìa tự tánh. Sao gọi là gió ở trong thân? Đó là tính chất chuyển động nhẹ nhàng. Điều ấy là gì? Gió ở trong thân nầy hoặc khi lên cao hoặc khi xuống thấp, hoặc trụ nơi bụng, nơi ngực, nơi vai, hoặc phát khởi bệnh sởi, hoặc tụ thành khối, hoặc như dao cắt, hoặc như kim châm, hơi thở ra vào biến khắp cơ thể. Còn gió ở bên ngoài thân nghĩa là gió nầy từ bốn phương thổi đến, hoặc nhanh như tên, hoặc sắc như mũi nhọn. Nếu gió khởi lên cuồng bạo thì nó bẻ gãy rừng cây đổ ngã và phá hoại núi đồi. Nếu gió thổi lên nhẹ nhàng thì khiến cho tà áo bay và làm động cây Đa-la. Đây gọi là gió ở bên ngoài thân. Những điều còn lại như trước đã nói rõ. Sao gọi là giới không bên trong thân? Nghĩa là trong thân nầy có da, máu thịt v.v… biểu hiện tăng trưởng và xa lìa tính trở ngại. Các thứ ấy là gì? Đó là khoảng trống trong con mắt, lỗ tai, miệng, cổ họng, hoặc khi nuốt thức ăn vào trong tỳ vị thì vẫn có chỗ hở cho hơi thông suốt xuất ra. Nếu khi nghiệp duyên dẫn đến sanh ra sáu xứ thì các xứ đã sanh bao quanh giới không. Tuy nhiên giới không nầy từ đâu đến? Nếu hiển hiện ra bên ngoài thì xa lìa tính trở ngại và được gọi là giới không bên ngoài. Nầy Đại vương! Nếu sắc biến hoại thì tất cả đều không. Vì sao? Vì hư không nầy vốn vô tận, an trụ bất động như Niết-bàn và biến khắp tất cả xứ không có chướng ngại. Nầy Đại vương! Ví như có người ở nơi cao nguyên kia mà đào giếng, hồ thì ý ông nghĩ sao? Tướng không trong hồ, giếng ấy từ đâu đến?”. Vua đáp: “Không từ đâu đến cả”. Phật bảo: “Đại vương! Giả sử người kia dùng đất lấp giếng lại thì ý ông nghĩ sao? Khoảng không đó đi về đâu?”. Vua đáp: “Khoảng không ấy không đi về đâu cả. Vì sao? Vì hư không ấy không đi, không đến, không trụ vào tướng nam hay tướng nữ”. “Nầy Đại vương! Hư không bên ngoài xưa nay vốn không biến động. Vì sao? Vì tự tánh viễn ly nên phải dùng trí tuệ như thật mà biết rõ.

Lại nữa Đại vương! Sao gọi là thức? Nghĩa là nếu nhãn căn làm chủ duyên với hiển sắc, hình sắc và biểu sắc thì gọi là nhãn thức. Nếu sáu căn làm chủ duyên với sáu cảnh, mỗi thứ thiết lập riêng biệt thì gọi là sáu thức. Hơn nữa, thức nầy không vướng mắc vào căn cũng không trụ vào cảnh, chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở giữa. Tuy nhiên thức nầy mỗi mỗi đều hiểu rõ các sự việc kia rồi tức liền diệt mất nên nó sanh cũng không có chỗ đến, diệt không có chỗ đi. Nầy Đại vương! Khi thức sanh cũng là không, khi thức diệt cũng là không. Tự tánh ấy vốn không nên không trụ vào tướng nam hay tướng nữ mà chỉ nói chỗ biểu hiện của nó. Như vậy, thức và tính chất của thức đều không thể nắm bắt được mà chỉ dùng chánh tuệ như thật để biết rõ. Nầy Đại vương! Sao gọi là nhãn xứ? Nghĩa là bốn đại: đất, nước, gió, lửa tạo ra tịnh sắc. Nếu đất thanh tịnh thì nhãn xứ thanh tịnh. Nếu nước, lửa, gió thanh tịnh thì nhãn xứ thanh tịnh. Vì sao? Do đất thanh tịnh mà nhãn xứ được sanh. Nên biết trong đây không có pháp nào có thể nắm bắt được. Như vậy cho đến do gió thanh tịnh mà nhãn xứ được sanh và trong đó cũng không có pháp nào có thể nắm bắt được. Ví sao vậy? Vì không có chủ tể, không có tạo tác, giống như tự tánh Niết-bàn thanh tịnh. Nầy Đại vương! Như vậy, nhãn xứ nếu tìm cầu thì không thể đạt được. Vì sao? Do đất vốn không nên đất trở nên thanh tịnh, cho đến gió vốn không nên gió cũng trở nên thanh tịnh. Nếu tự tánh các pháp vốn không thì giới kia sao có thanh tịnh, cũng không có phẫn nộ tranh cãi? Dù thanh tịnh hay tranh cãi thì cũng đều không thể nắm bắt được. Lại nữa sắc nào có thể thấy? Nên biết nhãn xứ hoàn toàn không nên tự tánh cũng không. Do vậy trước sau đều không thể nắm bắt được và vị lai cũng không thể nắm bắt. Vì sao? Vì tự tánh lìa tất cả những pháp ấy. Nếu tự tánh không có thì không có tướng nam tướng nữ vậy làm gì có ái lạc! Nếu sanh ái lạc là cảnh giới của ma. Nếu không có ái lạc là cảnh giới của Phật. Vì sao? Vì nếu không có ái tức có thể lìa xa tất cả các pháp.

Nầy Đại vương! Sao gọi là nhĩ xứ? Nghĩa là tịnh sắc do bốn đại chủng tạo ra. Đại vương! Các pháp giải thoát hiện ra trước mắt, pháp giới không không thể thiết lập, không thể hiển thị, không thể nhớ nghĩ riêng biệt, không có chỗ nào hy vọng. Đại vương! Các căn luôn đắm trước cảnh giới. Khi nhãn duyên với sắc thì vướng mắc vào sự ưa thích nên nói sắc là cảnh giới của nhãn. Lại nữa, nhãn căn nầy duyên với cảnh sắc có ba loại tướng hiển hiện xem xét.

  1. Với sắc đáng yêu thì khởi tưởng tham.
  2. Với sắc không đáng yêu thì khởi tưởng sân.
  3. Với sắc không yêu không ghét thì khởi tưởng xả.

Như vậy, cho đến ý chấp trước pháp làm cảnh giới của ý. Nếu ý duyên với sắc đáng yêu thì khởi lên chấp trước và sanh ra hành tham. Nếu ý chấp trước sắc không ưa thì sanh ra hành sân. Nếu ý đối với sắc không thích cũng không ghét thì sanh ra hành si. Như vậy, ba loại âm thanh vin vào duyên mà lãnh nạp các tướng theo như trước đã nói. Nầy Đại vương! Nên biết các căn như huyễn, cảnh giới như mộng. Ví như có người nằm ngủ mộng thấy các người nữ với lụa là tươi đẹp cùng nhau vui đùa thì ý ông nghĩ sao? Khi người ấy tỉnh rồi thì nhớ đến cảnh mộng ấy là có thật chăng?”. Vua đáp: “Không có thật, thưa Thế Tôn”. “Nầy Đại vương! Ý ông nghĩ sao? Người chấp mộng cho là thật, là bậc trí chăng?”. Vua đáp: “Không, thưa Thế Tôn. Vì sao? Vì những gì thấy trong mộng, các người nữ với lụa là tốt đẹp hoàn toàn không có, huống hồ cùng họ đùa vui. Nên biết người nầy tự chuốc lấy khổ sở chứ việc nhớ nghĩ về chuyện trong mộng thì không bao giờ nắm bắt được”. Phật bảo: “Đại vương! Đúng vậy! Đúng vậy! Hàng phàm phu ngu si khi mắt thấy sắc rồi tâm sanh yêu thích lại khởi chấp trước nên bị chúng dẫn dắt tạo tác hành nghiệp tham, ba loại nghiệp của thân, bốn thứ nghiệp của miệng và ba thứ nghiệp của ý. Ban đầu tạo tác rồi trong một khoảng khắc bị hoại diệt, không nương tựa vào bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, hay trên, dưới, trung gian mà trụ. Đối với cõi chết, khi mạng căn dứt thì nghiệp báo thảy đều hiện ra trước mắt, giống như khi tỉnh mộng rồi nhớ nghĩ lại chuyện trong mộng. Nầy Đại vương! Nên biết, thức làm chủ, nghiệp bám víu vào duyên cả hai thứ làm nhân cho nhau. Ban đầu thức sanh khởi hoặc hướng đến địa ngục, hoặc đọa vào cõi bàng sanh hay cảnh giới Diễm-ma-la và A-tu-la hoặc cõi trời, cõi người. Ban đầu thức sanh gọi là thọ nhận báo ấy rồi cùng với tâm phân biệt tương tục tùy chuyển. Về sau thức diệt gọi là uẩn tử. Lúc đầu thức sanh khởi gọi là uẩn sanh. Đại vương nên biết! Không có pháp nào tồn tại từ đời nầy đến đời khác. Vì sao? Vì chúng có tánh sanh diệt. Đại vương! Khi thân thức sanh thì không có chỗ đến, khi thức ấy diệt thì cũng không có chỗ đi. Khi nghiệp kia sanh cũng không chỗ đến, khi diệt cũng không có chỗ đi. Ban đầu khi thức sanh vốn không có chỗ đến, khi diệt cũng không có chỗ đi. Vì sao? Vì tự tánh vốn xa lìa sanh diệt. Như vậy, nếu biết rõ thân thức thì thân thức vốn là không, nghiệp của mình cũng vốn là không, thức ban đầu vốn là không, thức diệt cũng vốn là không, thức sanh cũng vốn là không. Nên phải biết rõ nghiệp trói buộc không có tác giả, thọ giả mà chỉ có sự tưởng tượng. Lại nữa Đại vương! Ví như có người nằm ngủ mộng thấy các oan gia đối đầu rồi cùng nhau khởi tranh cãi thì ông nghĩ sao? Người ấy khi tỉnh mộng lại cho rằng sự tranh cãi là có thật chăng?”. Vua đáp: “Thưa Thế Tôn! Không thể như vậy”. Phật bảo: “Đại vương! Ý ông nghĩ sao? Người ấy chấp trong mộng là có thực, là bậc trí chăng?”. Vua đáp: “Thưa Thế Tôn! Không. Vì sao? Vì ở trong mộng vốn không hề có oan gia đối đầu, huống gì lại có sự cùng nhau tranh cãi! Người ấy không nên tự chuốc lấy ưu não vì nó không có thật”. Phật bảo: “Đại vương! Như vậy, phàm phu ngu si khi mắt thấy sắc xấu liền sanh ưu não rồi chán ghét phá hoại và tạo tác lỗi lầm mà hành nghiệp sân. Các điều khác thì như trước đã nói. Lại nữa, Đại vương! Ví như có người ở trong mộng thấy bị Tỳ-xá ngăn cản não hại khiến tâm sanh phiền muộn, si mê sợ hãi thì ý ông nghĩ sao? Người ấy khi tỉnh mộng nhớ lại chuyện bị yêu quỷ quấy nhiễu là thật chăng?”. Vua đáp: “Thưa Thế Tôn! Không phải như vậy! Vì sao? Vì trong mộng không hề có quỷ quấy nhiễu huống hồ là sự si mê”. Phật bảo: “Đại vương! Như vậy, hàng phàm phu ngu si khi mắt thấy sắc ấy do si mê không biết rõ nên tạo ra hành nghiệp si. Các điều khác thì như trước đã nói. Lại nữa, Đại vương! Ví như có người ở trong mộng được nghe nhiều người trỗi lên các thứ âm nhạc vi diệu như tiếng ca, tiếng không hầu, tiếng đàn, tiếng sáo v.v… thì ông nghĩ sao? Người ấy khi tỉnh mộng nhớ nghĩ những thứ đó là thật chăng?”. Vua đáp: “Thưa Thế Tôn! Không phải như vậy”. Phật bảo: “Đại vương! Ý ông nghĩ sao? Người ấy chấp trong mộng cho là thật là người trí chăng?”. Vua đáp: “Thưa Thế Tôn! Không. Vì sao? Vì ở trong mộng, những người kia còn không có, huống hồ lại có các âm thanh thuộc âm nhạc vi diệu. Người ấy không nên tự chuốc lấy khổ sở vì những điều kia hoàn toàn không có”. Phật bảo: “Đại vương! Như vậy, kẻ phàm phu ngu si khi nghe âm thanh hay rồi sanh ưa thích và sanh chấp trước mà tạo ra hành nghiệp tham. Như vậy, hương v.v… mỗi thứ ba loại quyết định như trước nên biết. Nầy Đại vương! Đối pháp nầy nên khéo tự an ổn ý và nhớ nghĩ: Ta làm sao ở trong cõi trời, đối với người làm mắt sáng làm đèn đuốc lớn để chiếu soi, làm thuyền trưởng để khiến vượt qua bờ bên kia, làm đại thương chủ dẫn mọi người đến kho báu, người chưa được giải thoát ta khiến họ được giải thoát, người chưa an ổn khiến họ được an ổn, người chưa chứng Niết-bàn khiến họ chứng Niết-bàn. Đại vương nên biết! Các căn vốn như huyễn cảnh giới như mộng, nhưng phàm phu lại đắm trước không có nhàm chán. Vào thời quá khứ, cách đây vô lượng cõi nước, có vị Chuyển luân vương tên là Vô Lượng Xứng với oai đức danh tiếng, giàu sang, tự tại thống trị bốn châu rất là tối thắng, tùy ý muốn mà được thọ dụng, tất cả rừng cây trong nước của vị ấy thường có hoa quả bốn mùa. Lúc ấy, dân chúng trong nước đều an ổn không có phiền não. Lại nữa, trời thường làm mưa với đủ các thứ diệu hương, kim ngân, trân báu đầy đủ và mọi nhu cầu không bao giờ thiếu sót. Nhưng vào một thời, đột nhiên vua tiến thẳng lên trời Đao Lợi gặp chủ Đế Thích đòi chia tòa để ngồi. Do tham dục không nhàm chán nên muốn xâm phạm đến địa vị kia. Tuy nhiên, vua vừa nghĩ vậy xong liền thoái đọa khiến quần thần chung quanh đều thấy điều đó. Thí như váng sữa bỏ vào trong cát nóng thì nó tồn tại không lâu và sẽ tan biến. Vì vua ấy sắp mạng chung cũng lại như vậy. Bấy giờ, có vị vua tên Tác-ái thấy sự việc nầy rồi liền nói: “Ta nên làm thế nào để nói việc ấy cho tất cả thế gian biết”. Lúc ấy, vua Vô Lượng Xứng nói với Tác Ái: “Ông ở đời vị lai nên nói như vầy: Vua Vô Lượng Xứng kia do tham lam không biết chán nên đã tự chuốc lấy cái chết”. Nầy Đại vương! Các căn vốn như huyễn, cảnh giới như mộng nên phải tự an ổn chớ tin thuận theo. Thân nầy như tự tánh của ánh sáng mặt trời không hề có thật. Tự tánh của sắc, thọ, tưởng, hành, thức không thật, cũng lại như vậy”.