LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 17

Phẩm 13: NIỆM XỨ

Phần 2

Luận nói: Như trên đã nói về thọ niệm xứ. Bây giờ nói rõ về tâm niệm xứ. Kinh Bảo Tích nói: “Phật bảo: Ca-diếp-ba! Đối với tâm nầy hoặc sanh ái lạc hoặc khởi nhàm chán tai họa hoặc có nhiều đắm trước. Đối với ba thời sao gọi là quán tìm? Nếu ở quá khứ thì đã diệt, hiện tại không trụ, tương lai thì chưa đến, chẳng phải ở trong chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở giữa v.v… tất cả đều không thể nắm bắt được. Lại nữa, tâm nầy không thể là sắc thấy, chẳng phải biểu hiện ra, chẳng phải đối trị, chẳng phải quán, chẳng phải chiếu, không trụ, không vướng mắc. Nhưng tâm nầy, tất cả Như Lai còn không hề thấy, chúng sanh khác sao có thể quán? Không có cảnh giới riêng, chỉ có tưởng pháp chuyển biến. Nầy Ca-diếp-ba! Tâm nầy vốn như huyễn, biến kế không thật. Do vốn chấp trước mà các pháp được sanh ra. Tâm như hư không bị các khách trần phiền não và tùy phiền não che lấp, tâm như dòng sông sanh diệt không thể trụ, tâm như đèn sáng do duyên mà khởi lên, tâm như ánh chớp trong khoảnh khắc không trụ lâu, tâm như bạn ác có thể sanh ra các khổ não, tâm như người đánh cá khổ mà tưởng vui, tâm như yêu quỷ thường tạo ra sự quấy nhiễu, tâm như Dạ-xoa chực để ăn tinh khí, tâm như giặc cướp cuồng điên phá hoại các thiện căn, tâm như con ngài thường xem sắc mình, tâm như trống trận chỉ biết thúc dục chiến tranh, tâm như nô tỳ tham ăn đồ dư thừa, tâm như ruồi nhặng luôn tiếp xúc với các thứ dơ dáy tanh hôi, tâm như con heo sống trong chốn bất tịnh mà cho là sạch thơm. Phật bảo: Ca-diếp-ba! Nếu người muốn cầu tâm nầy thì hoàn toàn không thể được. Do không đạt được nên không có chỗ đạt được. Đối với quá khứ, hiện tại, vị lai đều không thể nắm bắt được tức nó có thể siêu vượt lên sự có và chẳng có của ba thời”. Kinh Bảo Kiết nói: “Tâm nầy chẳng phải bên ngoài vốn có nên không thể thấy. Đối với uẩn, xứ, giới cũng không thể thấy. Như vậy tìm cầu tâm không thể thấy được thì do, sở duyên nào mà luôn luôn tâm được khởi lên? Nếu cho rằng từng tâm ấy duyên sự việc như vậy thì sao nói là tâm không thể thấy? Nên biết tâm ấy như dao kiếm sắc bén làm sao có thể tự đoạn mất. Lại nữa, tâm nầy như chỉ thẳng, chỉ làm sao có thể nói. Tâm không thể thấy cũng lại như vậy. Nhẫn đến tâm nầy như người đi xa, thân họ chuyển nhẹ nhàng nhanh chóng như gió đi đến trong cảnh giới như ý muốn không có chướng ngại. Nầy thiện nam tử! Nếu có người đối với sáu cảnh giới xứ nầy hệ thuộc vào mình và người nhưng tâm không ái trước, thân không tán loạn thì tức đã ở trong thiền định, tâm nhất cảnh tánh không có chướng ngại. Đây gọi là tâm niệm xứ”. Lại nữa, Kinh Vô Tận Ý nói: “Lấy hành tương ưng để trang nghiêm tu tập đối với pháp tánh, tâm không giảm mất. Sao gọi là trang nghiêm tâm pháp tánh kia, đồng đối với huyễn hóa? Nghĩa là nếu tự bỏ tất cả sở hữu để có thể hồi hướng về tâm pháp tánh kia thì gọi là trang nghiêm thanh tịnh cõi nước của chư Phật. Về pháp niệm xứ thì cũng như thuyết kia nói. Bồ-tát đối với pháp không quán pháp, thì hành trì pháp không thể quán. Nếu chẳng phải pháp Phật, chẳng phải đạo Bồ-đề thì tất cả pháp đều chẳng phải xuất ly. Nếu biết rõ điều nầy rồi thì đạt được tam muội đại bi. Đối với tất cả pháp chẳng có phiền não, chẳng phải không có phiền não tức đạt được tam luân vô tưởng. Vì sao? Vì hiểu rõ tánh các pháp không có hai tướng, các phiền não ấy không có tánh tích tụ, không có tánh tham và không có tánh si. Nếu có thể như vậy mà liễu ngộ Bồ-đề, hiểu thấu tính phiền não tức tính Bồ-đề thì gọi là pháp niệm xứ”. Kinh Bảo Kế nói: “Nầy thịên nam tử! Bồ-tát nên dùng pháp quán pháp niệm xứ. Nếu pháp khởi lên tức gọi là sanh, và nếu pháp hoại tức gọi là diệt. Nghĩa là đối với pháp như thế: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, dưỡng giả, sĩ phu, Bổ-đặc-già-la, ý sanh nho đồng, già chết v.v… nếu tập tức tập hành, nếu không tích tập tức không tích tập hành, nếu hành thiện, bất thiện và hành bất động thì chưa có pháp nào lìa khỏi nhân duyên mà sanh khởi. Nhẫn đến đối với pháp xứ nầy quán tìm không xả bỏ Nhất thiết trí tâm Bồ-đề”. Như kinh Đại Hý Lạc nói: “Hành hữu vi nầy chỉ có tâm tạo tác, giống như bình đất vô thường tán hoại. Hành như thành không bị mưa làm tan biến do dùng đất đắp lên không kiên cố nên dần dần diệt mất. Cũng như cát tích tụ bên bờ sông vốn mang tính tạm bợ nên dễ bị cuốn trôi. Hành như ngọn đèn trước gió sanh diệt bất thường, hành như bọt nước không thể tụ tập lâu dài, hành như cây chuối không có thực thể, lại như dùng nắm tay không để dối gạt kẻ ngu. Cho đến hoặc lấy cỏ, dây sắn v.v… xe lại để làm dây cột thì phải dùng con lăn để kéo giãn ra và nó chỉ có một tác dụng duy nhất là để ràng buộc. Tất cả mọi thứ đều nương tựa lẫn nhau mà tụ tập chuyển biến. Do vậy nếu nói có trước có sau đều không thể được. Như người dùi lấy lửa, hai tay cùng với miếng gỗ chuyên cần không ngừng thì lửa khiến sanh các duyên kia nếu lìa, thế lửa theo đó diệt mất. Hành quyết định như thế, đã quyết định xong, hoặc mình hoặc người liền có thể siêu vượt hành đoạn và thường. Như người buôn có trí tuệ ở các đường nguy hiểm mà vốn am hiểu toàn diện nên được thông thoát”.

Luận nói: Do sự chiêu tập của nghiệp duyên phiền não v.v… đã hình thành nên uẩn, xứ và giới nên đối với nghĩa thù thắng không thể đạt được.

Phẩm 14: TỰ TÁNH THANH TỊNH

Phần 1

Luận nói: Trước đã nói niệm xứ. Kế đến giải thích Bổ-đặc-giàla quyết định thành tựu tánh không tương ưng để đoạn trừ các căn bản phiền não và các phiền não khác không thể hành tập trở lại. Kinh Như Lai Bí Mật nói: “Phật bảo: Tịch Tuệ! Ví như có cây tên là Bát-la-xa, nếu chặt đứt gốc nó thí tất cả nhánh lá đều khô héo. Nầy Tịch Tuệ! Ở đây cũng lại như vậy, nếu đoạn trừ thân kiến thì có thể trừ diệt tất cả phiền não”.

Luận nói: Việc phân biệt tánh không có vô lượng hình tướng. Như kệ trong Kinh Nguyệt Đăng nói:

Nếu người tin hiểu pháp Như Lai
Đối giới Phật học không hủy phạm
Đều luôn xa lìa các người nữ
Biết tự tánh pháp thường không tịch
Cứu trừ tất cả sầu, lo, khổ
Hoặc cho y dược khiến an ổn
Nhanh chóng thành bậc “Lưỡng túc tôn”
Biết pháp tự tánh thường không tịch
Hoặc đối thân mạng đoạn chi tiết
Gậy cây đập đánh không sân, não
Lực nhẫn tối thượng trong cõi người
Biết pháp tự tánh thường không tịch
Nếu trong trăm đời đọa đường ác
Thường được nhậm trì tướng vi diệu
Cũng lại thấu đạt năm thần thông
Mà thường an trú nơi chư Phật.

Hơn nữa, Kinh Bát Nhã nói: “Nầy Xá-lợi-tử! Bồ-tát muốn thành tựu thân Phật với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp thì đối với tất cả chúng sanh phải nhớ nghĩ tâm Bồ-đề không khiến tổn hoại, đối với hạnh Bồ-tát không quên mất, xa lìa ác tri thức và các lầm lỗi, gần gũi tất cả Phật, Bồ-tát và thiện tri thức, vì hàng phục các thiên ma mà làm thanh tịnh các nghiệp chướng, đối với tất cả pháp luôn được vô ngại và phải học hạnh Bát nhã Ba-la-mật-đa. Nầy Xá-lợi-tử! Bồ-tát như vậy phát khởi nhất tâm niệm thảy đều có thể siêu vượt hằng hà sa thế giới ở phương Đông và tất cả phương sở đều tu học Bát nhã Ba-la-mật-đa. Nầy Xá-lợi-tử! Bồ-tát giả thiết trụ trong mười phương cõi nước Phật phải học Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng lại như vậy, cho đến học rộng ra như các pháp vô ngã. Nếu trừ diệt nghiệp chướng ràng buộc tức thấy được tự tánh vô diệt của các pháp”. Kinh Phụ Tử Hợp Tập nói: “Phật bảo Đại vương! Như vậy có sáu giới và sáu xúc xứ, mười tám chỗ quán tìm của ý. Bổ-rô-sa nầy nhờ duyên mà được sanh khởi. Sao gọi là sáu giới? Nghĩa là đất, nước, lửa, gió, không, thức. Sao gọi là sáu xúc xứ? Nghĩa là nhãn xúc xứ thì thấy sắc, nhĩ xúc xứ thì được nghe âm thanh, tỷ xúc xứ thì được ngửi mùi hương, thiệt xúc xứ thì nếm được mùi vị, thân xúc xứ thì nhận biết sự va chạm, ý xúc xứ thì nhận biết các pháp. Sao gọi là mười tám chỗ quán tìm của ý? Nghĩa là mắt thấy sắc rồi hoặc sanh vui thích hoặc sanh khổ não hoặc trụ nơi xả bỏ. Như vậy sáu căn mỗi mỗi đều duyên với ba sự kia. Đây gọi là mười tám chỗ quán tìm của ý. Nầy Đại vương! Sao gọi là giới đất ở trong? Nghĩa là trong thân phát sanh các thứ rít nhám, tóc, lông, móng tay, răng v.v… Nếu giới đất ở trong không sanh tức không có diệt thì không có hành tập. Nầy Đại vương! Nếu khi người nữ đối với thân như vốn tư duy về Bổ-rô-sa, Bổ-rô-sa ấy cũng sanh ái lạc. Do hai hòa hợp mà Yết-la-lam phát sanh. Lại nữa như chỗ tư duy tương tự hòa hợp mà được sanh thì không có điều nầy. Hoặc hai người nữ thì không có điều nầy hai Bổ-rô-sa cũng không có điều nầy. Nếu các người ấy tự tư duy mà được phát sanh thì cũng không có điều nầy vì tự thể không thật, chẳng phải tương ưng. Sao gọi đây là tính cứng rắn? Nầy Đại vương! Tính cứng rắn nầy tương tợ mà lập nên và cuối cùng thân nầy sẽ hoại diệt chỉ có nơi mả cao hoang vắng làm chỗ quy về. Tính cứng rắn ấy từ đâu đến? Cũng chẳng phải ở bốn phương trên dưới mà đi. Nầy Đại vương! Giới đất ở trong nên biết như vậy”.