LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 14

Phẩm 11: NÓI VỀ A-LAN-NHÃ

Phần 2

Kinh Bảo Tích nói: “Lại nữa, hạnh A-lan-nhã, nếu có các phàm phu chưa đắc quả mà thấy hổ lang thì chớ có kinh sợ, mà nên phát tâm nầy: Ta đến chỗ A-lan-nhã nầy vốn đã có ý nguyện xả bỏ thân mạng thì chớ nên sợ hãi. Vì khởi tâm từ xa lìa tội lỗi nên không còn sợ hãi nữa. Nếu hổ lang đoạn lấy thân mạng ta, nuốt chửng thân ta thì nên khởi tâm như vầy: Ta được có cơ hội xả bỏ thân không kiên cố mà được thân kiên cố. Nếu chúng không ăn thịt ta thì khởi tâm: Loài hổ lang kia đâu có ưa phạm vào ta. Lại nữa, hạnh A-lan-nhã nếu có phi nhân đến hoặc đẹp hoặc xấu cũng không nên vui thích hoặc gây tổn hại. Nếu trước thấy có Phật hoặc chư Thiên đến chỗ A-lan-nhã nầy hỏi Tỳ-kheo về giáo pháp thì Tỳ-kheo đó phải nương vào khả năng mình tùy sở học mà nói pháp cho chư Thiên. Lại nữa, nếu khi có người hỏi những câu hỏi khó thì Tỳ-kheo ở trong A-lan-nhã hoặc không thể đáp khiến cho người ấy không sanh cung kính thì phải nói lời nầy: Ta nay chưa đạt đến quả vị vô học. Hoặc ta sẽ siêng năng tu theo lời Phật dạy, khi ấy nghe pháp đã hết, có thể thông đạt để giải quyết các nghi vấn. Ta nay chỉ có thể nghe được pháp nầy. Hơn nữa, tổng lược, nếu tu ở A-lan-nhã thì đối với cỏ thuốc, rừng cây còn không chấp trước, huống hồ sao gọi là sanh, sao gọi là diệt? Phải nên quán sát như vầy: Thân nầy không có ngã, không có chủ tể, không có tác giả, không có thọ giả, thì ai sanh ai diệt! Nên biết tất cả các pháp đều không có sanh diệt và thân nầy cũng vậy. Thí như cỏ cây, cầu, tường vách, ngói đá, không có ngã, không có chủ thể, không tác giả, không có thọ giả mà chỉ có nhân duyên hòa hợp sanh ra. Nhưng nếu nhân duyên ly tán thì tất cả hoại diệt. Lại nữa, ở trong nghĩa tối thắng không có một pháp được gọi là sanh hay gọi là diệt”. Kinh kia lại nói: “Hơn nữa, hạnh A-lan-nhã nên phát khởi tâm nầy từ ta cho đến chốn A-lan-nhã vốn đơn độc một mình không có bạn lữ. Nếu ta có khởi làm ác hay làm thiện thì bấy giờ chỉ có Thiên, Long, Dược-xoa, Phật v.v… biết được tâm sâu xa ấy và đều vì ta mà chứng minh. Lại nếu sống ở trong A-lan-nhã nầy dùng tâm bất thiện tự do phóng túng thì sẽ tạo ra các lỗi lầm. Nếu đến chốn xa xăm nầy một mình không có bạn lữ không có người thân không ngã không chấp thủ thì phải nên như thật giác tri. Đối với dục tầm, nhuế tầm và hại tầm cùng các pháp bất thiện khác đều phải như thật giác tri. Nếu ta ở trong chốn nầy mà không khác đối với các dục lạc hiện hữu trong những nơi phàm tình huyên náo tức là ta đã lừa dối Thiên, Long, Dược-xoa và chư Phật. Nếu như các tạo tác của ta không bị thiên long, Dược-xoa giải thích thì chư Phật thảy đều hoan hỷ”.

Phẩm 12: TRỊ TÂM

Phần 1

Luận nói: Nên ở trong chốn A-lan-nhã nầy mà tu tập thiền định. Như Kinh Bát Nhã nói: “Người tu thiền định Ba-la-mật-đa thì được tâm không loạn động và làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Vì sao? Nếu người với tâm loạn động thì đối với định thế gian còn không thể đạt được huống hồ đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-Bồ-đề. Do vậy chỉ có người tu thiền định Ba-la-mật mới khiến tâm bất loạn và chứng quả Anậu-đa-la-tam-miệu-tam-Bồ-đề”. Kinh kia lại nói: “Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát mới phát tâm tu tập thiền định Ba-la-mật thì đối với tất cả tướng trí tương ưng mà tác ý tức khéo nhập vào thiền định. Nếu mắt thấy sắc không nắm giữ tướng ấy, thì cũng không chấp thủ sự tốt đẹp của hình hài. Nếu đối với nhãn căn không tu tập chế ngự tức là nương vào tà vọng mà gây tổn não khiến tâm ác bất thiện tùy đó mà lưu chuyển. Người hộ trì nhãn căn tức là chế ngự điều đó khiến nó diệt tận. Như vậy, tai nghe âm thanh, mũi ngưỡi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhận biết v.v… tất cả đều không chấp thủ nắm bắt sự tốt đẹp của hình tướng bên ngoài. Nếu đối với ý căn không tu phòng hộ thì các tâm bất thiện và phi pháp theo đó mà lưu chuyển. Người hộ trì ý là chế ngự điều ấy khiến nó đi đến diệt tận tức đi đứng, nằm ngồi, lời nói, im lặng v.v… thảy đều không xa lìa thiền định, được thiền định thì tay chân không dao động miệng không tập nói cũng không đùa giỡn và các căn không tán loạn. Nếu thân và tâm không càn lỗi thì ba nghiệp được thanh tịnh, đối với giáo lý hiển, mật như đạo luật nghi, cho đến hạnh hỷ túc dễ nuôi dưỡng và hoàn mãn, khéo nhập vào hành xứ, xa lìa sự náo động, đối với sự được mất không hề phân biệt cao thấp v.v… Như vậy, đối với sự khổ vui, khen chê hoặc sống lâu, hoặc chết yểu không hề phân biệt cao thấp v.v… bình đẳng không sai khác. Nếu có gặp oán gia hay người thân thì tâm thường an nhiên bất động. Dù gặp bậc thánh hay phàm phu thì việc lắng nghe của người ấy cũng không có tạp nhiễm. Đối với sự vui buồn cũng xem giống như một tướng duy nhất không có cao thấp, bình đẳng không sai biệt, vượt thoát khỏi sự thuận và nghịch. Vì sao? Vì đối với tự tướng không xem giống như không chân thật tức thấy các pháp không sanh không diệt cho đến nói rộng”.

Luận nói: Người ưa thích tu tập xa lìa biếng nhác mà người luôn tác ý dứt trừ sự cao cử, lấy hai pháp kia làm cơ sở đối trị. Kệ trong kinh Hộ Quốc nói:

Qua vô lượng ức kiếp
Nơi có Phật ra đời
Do bậc Đại Tiên nầy
Khoảnh khắc được lợi ích
Xa lìa sự phóng dật
Giải thoát các dục nhiễm
Pháp hữu vi hư vọng
Như thấy trong mộng huyễn
Trái lìa, chẳng trụ lâu
Các ái cũng không thường
Như nỗ lực tìm cầu
Các địa Ba-la-mật
Cho đến ngộ Bồ-đề
Tinh tấn không nghi hoặc.

Kệ trong kinh Đại Hý Lạc lại nói:

Khổ già bệnh chết
Như hầm lửa đốt
Ba cõi cháy rực
Không chừa một ai
Chưa lìa luân chuyển
Thường ở ngu ám
Như ong bị nhốt
Trong cái ống dài
Ba cõi vô thường
Như người hát kịch
Như mây mùa thu
Chợt sanh chợt diệt
Mạng người biến hoại
Còn hơn nước dốc
Thật là nhanh chóng
Như ánh điện chớp
Tại thành cõi trời
Khắp ba đường ác
Vô minh liền khởi
Ái, hữu sanh ra
Bị chuyển năm đường
Như vòng cối xay
Thường thích sắc đẹp
Và âm thanh hay
Hương vị trong sạch
Xúc ưa mịn trơn
Tham trước điều nầy
Như tù bị trói
Như nai mắc lưới
Như khỉ bị nhốt
Thường nghĩ lo sợ
Tạo tưởng oan gia
Người thích dục lạc
Thật nhiều ưu não
Như dao sắc bén
Cũng như thuốc độc
Người trí xa lìa
Như bỏ bình phân
Người ngu đắm trước
Làm nhân sợ hãi
Làm gốc các khổ
Ái, hữu trói buộc
Bệnh tưởng già suy.
Người thích dục lạc
Sợ không quay về
Xưa có bậc thánh
Biết rõ dục nầy
Sợ như hầm lửa
Như vũng bùn lớn
Như dao dính mật
Như lánh kiếm không
Lại các bậc trí
Biết rõ dục nầy
Như bình phân dơ
Như đầu rắn độc
Như con lừa gỗ
Như bôi máu người
Như đầu chó chết
Như oan gia ác.
Lại các thánh trí
Biết rõ dục nầy
Như trăng trong nước
Như tiếng vang núi
Như ảnh trong gương
Như người hát kịch
Như thấy trong mộng.
Lại dục lạc nầy
Người trí hiểu rõ
Như huyễn như lửa
Như bọt nước nổi
Trụ trong khoảnh khắc
Biến kế khởi lên
Hư vọng không thật
Chỉ nói nhiều năm
Giữ gìn sắc tướng
Người vui ý nầy
Thật hành động ngu!
Khi già bệnh đến
Hoại khổ lấn át
Mất vẻ tươi nhuận
Như dòng nước khô
Tài lực thịnh vượng
Kho tàng chất đầy
Người thích điều nầy
Thật hành động ngu
Hoặc đến tài lợi
Sau sớm hủy diệt
Xa lìa cõi người
Như rừng thanh vắng
Thí như hoa, quả, cây
Người ưa thích nắm lấy
Bần cùng, khi già yếu
Chán bỏ như chim yến
Sắc tráng kiện, nhiều của
Ưa sanh ý vui thích
Khi bần cùng già yếu
Chán bỏ như thây chết
Lại tướng già suy nầy
Tuổi cao quá yếu ớt
Như lửa của sấm sét
Thiêu đốt cây cháy khô
Gìa yếu nầy đáng sợ
Cũng như nhà mục nát
Cho nên bậc Mâu-ni
Dạy nhanh cầu xuất ly
Lại như rừng Sa-la
Bị dây leo bám chặt
Như quyến thuộc nam nữ
Cây khô nhanh yếu mục
Như người bị sa lầy (bùn)
Thiếu nhanh nhẹn dõng mãnh
Tướng già cũng như thế
Không lanh lợi, xốc vác
Già biến hình dung xấu
Thế lực oai hùng suy
Thường tìm thú vui riêng
Đến chết không sáng suốt
Trăm thứ bệnh não hại
Quyết chẳng vui an ổn
Tướng ấy ở thế gian
Hừng hực, như thú dữ
Quán như khổ, lão bệnh
Là khổ não thế gian
Đều xả, tầm diệu lạc
Nói nhanh cầu xuất yếu.
Lại như sương và tuyết
Hại cỏ cây tươi tốt
Bệnh khổ ở thế gian
Hoại sắc lực mạng căn.
Tích chứa nhiều kho đụn
Tìm cầu rất nhiều thứ
Thường như người bệnh tật
Ưa khởi việc sân nhuế
Và oan gia báo hại
Thiêu đốt như mặt trời
Và đến khi chết rồi
Tài, mạng đều tán hoại
Như dòng sông không (trở) lại
Như cây rơi, lá, quả
Như nhánh cây giữa sông
Chìm nổi không tự tại.
Tùy nghiệp quả khó dừng
Riêng đi, không bè bạn
Cái pháp tử diệt nầy
Lại như cá ma-kiệt
Ăn nuốt vô lượng chúng
Như kim sí ăn rồng
Và chúa thú đánh nhau
Như hầm lửa cháy rực
Thiêu rụi các cỏ cây.

Lại nữa, kinh Giáo Thị Thắng Quân Đại vương nói: “Phật bảo: Đại vương! Ví như bốn phương có bốn ngọn núi mọc lên kiên cố kết nối với nhau như là một, không có chỗ hở cũng không có lỗ nhỏ. Trong đó, thế giới bị đè nén và tất cả mọi thứ đều bị hủy diệt không ai có thể lấy sức lực để chạy thoát và dùng thế lực của bùa chú, tài vật v.v… nhằm khiến nó thoái chuyển. Phật bảo: Đại vương! Ở đời có bốn sự sợ hãi lớn cũng lại như vậy, không ai có thể nhanh chân chạy thoát và dùng thế lực của bùa chú, tài vật v.v… để chuyển biến chúng. Sao gọi là bốn thứ?

Đó là suy, già, bệnh và chết. Phật bảo Đại vương:

  1. Khi thế lực suy yếu đến thì bức bách sự hưng thạnh.
  2. Khi tướng già hiện ra thì làm hư hoại sự khoẻ mạnh.
  3. Khi khổ bệnh nhóm họp lại thì bức não sự điều hòa, thuận ý.
  4. Khi cái chết thâm nhập đến thì bức não đến thọ mạng.

Tại sao lại nói điều nầy? Phật bảo: Đại vương! Cũng như sư tử là chúa của loài thú nên có sắc tướng và sức mạnh đều đầy đủ, móng vuốt, răng đều cứng cáp bén nhọn đi vào trong đàn nai nắm lấy con nai để tùy nghi ăn cho thỏa thích. Con nai kia tuy vùng vẫy nhưng nằm gọn trong miệng thú dữ không thể chạy thoát được. Phật bảo: Đại vương! Mũi tên “chết” bắn vào người cũng lại như vậy, dù cang cường đến đâu người kia cũng không thể chạy thoát được, không quay về, không ai cứu giúp cũng không nơi nương tựa, mỗi mỗi phần chi thể máu thịt khô kiệt, đói khát gây nhiệt não, há miệng thở dốc, tay chân bấn loạn, mọi việc đeo đuổi mong cầu đều không thể được, đàm dãi chảy ra rất dơ dáy, thân thể tanh hôi, mạng sống còn sót lại từ từ hoại diệt. Trung hữu trước mắt tùy theo nghiệp duyên mà khởi, sứ giả Diêm-ma thật đáng sợ, dẫn dắt đi vào trong đêm tối khiến hơi thở ra vào cuối cùng chấm dứt. Chỉ có một mình ra đi chẳng có bạn bè nên vội vã đầu thai qua thế giới khác tức đọa vào đường hiểm ác và nơi hắc ám. Bước vào nơi đồng trống, hướng đến rừng rậm sâu chìm trong biển rất tối tăm, bị gió nghiệp thổi rơi, các nơi hướng đến sâu rộng không hề nhận biết trước. Ngoài ra, không chỗ nương tựa. Phật bảo: Đại vương! Chỉ có pháp và pháp là nơi quy hướng về, là sự cứu vớt, là chỗ nương tựa. Phật bảo: Đại vương! Người hấp thụ pháp thiện nầy giống như kẻ đang bị lạnh được lửa, như kẻ nóng bắt gặp nước mát, như kẻ khát gặp nước trong sạch, như kẻ đói gặp được thức ăn ngon, như kẻ bị bệnh gặp thầy thuốc giỏi, như kẻ sợ hãi gặp được bạn bè giúp sức. Phải biết pháp là nơi quay về nương tựa vững chắc. Phật bảo: Đại vương! Các pháp thiện nầy có thế lực lớn cũng lại như vậy. Nếu người không có quay về nương tựa, thì vì họ làm cho trở về nương tựa. Nếu người không nương tựa thì vì họ làm cho nương tựa. Nầy Đại vương! Do đó nên biết người hiện hữu vô thường và hiện diệt tận. Vì pháp vốn như vậy. Chỉ có chết là đáng sợ. Phật bảo: Đại vương! Chỗ nương tựa của vua đều chẳng phải là pháp thiện. Vì sao? Vì thân nầy từ xưa đến nay được gìn giữ cẩn thận và được trang sức thêm bởi các thứ ăn uống ngon lành, thực phẩm thượng diệu nhưng khi mạng chung lại bị đói khát bức não mà chết. Như vậy thân nầy tuy dùng các thứ tơ lụa mịn màng thượng diệu khả ái nên khiến đi đứng nằm ngồi tùy ý với trang sức nhưng khi chết mùi xấu uế bất tịnh luôn chảy ra. Nầy Đại vương! Lại nữa, thân nầy tuy dùng nhiều thứ hương thơm bôi lên và lấy các hoa đẹp trang sức vô lượng nhưng khi mạng chung không lâu thì mùi hôi thối bốc ra. Lại nữa, được hoàng hậu, phi tần quyến thuộc bao quanh với nhiều kỹ nữ ca múa vui vẻ và các người hầu kề cận khiến ý hòa vui nhưng khi mạng chung lại sanh sợ hãi với các khổ não bủa vây. Phật bảo: Đại vương! Thân nầy tuy ở cung điện, đền đài, lầu gác cửa đóng then cài, xe cộ sang trọng, được trang sức bởi tơ lụa rực rỡ óng ánh, nhiều thứ hương hoa và đèn đuốc sáng tỏ, và có các màn trướng giăng phủ trên sàng tòa, nệm chiếu, đồng thời đốt các thứ danh hương, rãi các thứ hoa thơm, đem các bình báu, lò hương để khắp nơi và dùng ngọc báu vi diệu trang nghiêm đầy đủ vô cùng tốt đẹp nhưng khi mạng chung phải đến nằm ở mã cao khiến thịt, xương, lông, tóc, gân, máu trở nên hôi thối và thây chết ấy nằm trên đất không hay biết gì. Phật bảo: Đại vương! Thân nầy thường ngồi trên xe voi, xe ngựa đánh trống cổ vũ tạo ra âm nhạc lớn, căng phướn lọng bảo cái và cầm lấy quạt hầu với vô lượng tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh dõng mãnh dẫn đường trước sau đồng thời có trăm ngàn quan chức, dân chúng trong các thành ấp chắp tay cung kính nhưng chẳng bao lâu lại trở thành thây chết nằm trên xe khiến mọi người đưa tiễn ra khỏi thành, cha mẹ, thê thiếp, anh em, chị em, nô tỳ, nô bộc là những người đã từng theo hầu, lòng vấn vương sầu não, đầu tóc rối bù, lấy tay đánh vào đầu khóc than thảm thiết. Lúc ấy, đối với ta, không có chỗ cầu cứu, không thân thích, không có chủ, dân chúng trong thành ấp đều thương xót luyến tiếc, đưa ta đến nơi nghĩa địa. Hoặc thân ta lại bị chim quạ, diều hâu, cáo, chó sói, chồn lấy làm thức ăn. Nhẫn đến phần xương còn lại được chất củi thiêu đốt hoặc chôn vùi trong đất bị gió táp mưa sa, nát như bụi nhỏ rơi vãi khắp nơi. Phật bảo: Đại vương! Thân nầy là huyễn hóa, cuối cùng rồi cũng hoại diệt. Tất cả các hành đều là vô thường. Nhẫn đến nói rộng như trong kinh”.

Luận nói: Tham, sân, si nầy… đều là một nhóm phiền não. Nếu đối trị tu tập thì nhân đó mà được xa lìa. Kinh Bảo Vân nói: “Đối trị tham nghĩa là khi duyên tham khởi lên tức đều có thể xa lìa nó. Sao gọi là đối trị tham và khởi duyên đối trị tham? Người tham nếu khéo biết rõ thì khi duyên tham nổi lên phải nên tu pháp quán bất tịnh. Sao gọi là quán bất tịnh? Nghĩa là nếu đối với thân, tóc, lông, móng tay, răng, da, máu, thịt, gân, xương, tủy, mỡ màng, mỡ nước, não, mồ hôi, nước mắt, nước mũi, phân, nước tiểu, đàm dãi, cổ họng, tim, phổi, gan, mật, lá lách, thận, sanh tạng thục tạng, thây chết, nước ố rỉ ra, Bồ-tát đối với các vật như thế và khởi tâm quán sát. Người thấp hèn, ngu si, bất thiện biết rõ những thứ ấy còn không tham ái huống hồ các bậc trí! Đây gọi là Bồ-tát tu pháp quán bất tịnh”. Lại như Kinh Bát Nhã nói: “Lại nữa, Thiện Hiện! Bồ-tát khi tu hành Bát nhã Ba-la-mật-đa phải đối với thân nầy hiểu biết như thật. Nầy Thiện Hiện! Thí như thợ mổ trâu và học trò của ông ta khi giết trâu rồi lại dùng dao sắc bén phân chia con trâu ra làm bốn phần, hoặc ngồi hoặc đứng phải quán sát như thật. Nầy Thiện Hiện! Khi Bồ-tát tu hành Bát nhã Ba-la-mật cũng lại như vậy. Đối với thân tứ đại đất, nước, gió, lửa, Bồ-tát phải quán sát như thật. Nhẫn đến nầy Thiện Hiện! Lại như người cày ruộng hoặc các Trưởng giả, khi mùa vụ hoàn tất họ thu hoạch được nhiều thứ hoa màu như đậu, lúa mạch, lúa nước, bo bo, cây gai, hạt cải… và có người sáng suốt phân biệt rõ chúng. Như biết rõ các thứ hoa màu kia, đây là đậu, lúa, đây là lúa nước, bo bo, đây là cây gai hạt cải… Nầy Thiện Hiện! Bồ-tát khi tu tập Bát nhã Ba-la-mật-đa cũng lại như vậy. Đối với thân nầy từ đầu đến chân, tóc lông, móng tay, răng chứa đầy các thứ bất tịnh. Bồ-tát phải như thật quát sát thân ấy là chỉ có tóc, lông, móng tay, răng, đầu, mắt, mỡ, tủy, gan, mật, lá lách, thận, sanh tạng, thục tạng… toàn là những thứ bất tịnh. Hơn nữa nếu đến nơi gò mả hoang vắng thì quán sát tất cả các thứ tướng trạng hiện ra trước mắt. Nghĩa là quát sát thây chết bị bỏ nơi chốn gò mả hoặc trải qua một ngày hai ngày đến năm ngày sình lên ứ đọng rất thối, rồi da bị thủng, thịt rữa ra khiến máu mủ chảy thật tanh hôi. Khi thấy được sự việc nầy, Bồ-tát tư duy: Ta cùng với thân ấy không khác. Và từ đó biết rõ nó là như vậy, bản tánh cũng như vậy, pháp tánh cũng như vậy, chưa từng giải thoát. Lại nữa, Thiện Hiện! Bồtát khi tu hành Bát nhã Ba-la-mật-đa đối với thân bên ngoài phải tùy chỗ mà tu tập quán chiếu. Nhẫn đến quán sát thây chết bị vất bỏ nơi gò mả hoặc trải qua một ngày hai ngày cho đến bảy ngày và bị chim thú, diều hâu, quạ, cáo, chó sói, chồn lấy làm thức ăn. Đồng thời bị nhiều loại trùng kiến… đục khoét. Khi thấy vậy rồi, Bồ-tát tư duy: Ta với thân nầy không có khác nhau. Và từ đó biết rõ pháp cũng như vậy, bản tánh cũng như vậy, pháp tánh cũng như vậy chưa từng giải thoát. Lại nữa, hoặc quán sát thây chết ở nơi gò mả bị giòi rúc rỉa hôi thối bất tịnh liền tư duy: Ta với thân nầy cũng lại như vậy. Các điều còn lại thì đều như trên đã nói. Thậm chí đến những nơi thảm thương quán thây chết bị vức bỏ với thịt nát xương tan, gân chằng chịt và máu mủ chảy ra nhơ nhớp rồi nghĩ: Ta cùng với thây chết nầy chẳng khác gì. Những điều tương tự thì như trên đã nói. Lại nữa, hướng đến nơi bi thương quát sát thây chết bị vứt bỏ với máu thịt tan biến chỉ còn tướng xương hiện ra và gân ràng rịt mà nghĩ: Ta cùng với thân nầy không khác. Lại nữa, hướng đến nơi bi thương quán sát thây chết bị vứt bỏ chỉ có các xương tan nát trôi dạt về chỗ khác tức là xương đầu, xương chân, xương lưng, xương vai, xương cổ v.v… và nghĩ: Ta cùng với thân nầy cũng lại như vậy. Các điều khác thì cũng như trước đã nói. Lại nữa, Thiện Hiện! Bồ-tát khi tu hạnh Bát nhã Ba-la-mật-đa phải hướng đến nơi thây chết bị vứt bỏ thật bi thương để quán chiếu chỉ có xương bị gió thổi, mưa ngâm khiến trắng toát như ngọc trắng. Do vậy Bồ-tát nghĩ: Ta cùng với thân nầy cũng giống nhau. Các thứ khác thì như trên đã nói. Nầy Thiện Hện! Bồ-tát khi tu hạnh Bát nhã Ba-la-mật-đa phải hướng đến nơi bi thương quán sát thây chết bị bỏ đi chỉ có xương trải qua nhiều năm biến hoại thành sắc xanh như bụi đất bị đập vụn thành vi trần và nhận thấy: Ta cùng với thân nầy cũng lại như vậy. Từ đó biết rõ nó là như vậy, bản tánh cũng như vậy, pháp tánh cũng như vậy chưa từng giải thoát”.

Luận nói: Dùng pháp quán bất tịnh để đối trị tham, dùng quán từ bi để đối trị sân hận, đây chính là sự bình đẳng v.v… Nếu không thích quán chúng sanh mà ở đây đối với sự ăn uống phát khởi ưa thích tức là đối với sự diệu lạc của người khác còn có mong cầu xưng tán không có gì là không yêu thích. Từ, nghĩa là độ thoát nhân duyên tham dục, không vướng mắc vào ái nhiễm. Nghĩa nầy có ba thứ. Kinh Vô Tận Ý nói: “Bồ-tát mới phát tâm phải tu duyên từ đối với chúng sanh, đã tu tập hành Bồ-tát thì phải tu pháp duyên từ. Nếu đạt Vô sanh pháp nhẫn, Bồ-tát tu vô duyên từ”.