LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 13

Phẩm 10: TINH TẤN BA LA MẬT

Luận nói: Tuy nghe trụ nhẫn như vậy, phát khởi tinh tấn nhưng đối với điều nầy chưa nghe sẽ khởi hủy phạm. Như kệ trong kinh Nguyệt Đăng nói:

Trái pháp không hộ giới
Thì được bao nhiêu phước
Phá giới dẫu đa văn
Không thể thoát đường ác!

Luận nói: Do nghe đầy đủ mà khả năng thù thắng. Kinh Na La Diên Sở Vấn nói: “Thiện nam tử! Như những gì nghe hiểu mà đạt được tánh tuệ thù thắng. Nhờ việc nghe mà dứt trừ phiền não khiến ma phiền não không có cơ hội khởi lên”. Trong đây trình bày rộng như kinh Tối Thượng Đại Tiên Bổn Khởi nói: “Bồ-tát có đầy đủ tâm sâu xa tôn trọng dục pháp ở trong thế giới khác hiện ra trước chư Phật tùy nơi mà lắng nghe pháp. Nếu Bồ-tát tinh tấn muốn pháp thì ở nơi rừng núi tích chứa pháp tạng và được vô lượng pháp môn kinh điển dễ như trong lòng bàn tay. Lại nữa, các Bồ-tát tinh tấn muốn pháp mà được chư Phật hiện ra trước mắt và chư Thiên v.v… cùng với biện tài của Phật cho đến khi mạng sống sắp hết được Phật Thế Tôn và chư Thiên v.v… làm tăng tuổi thọ và sắc lực tươi tỉnh để mạng sống kéo dài trong ngàn năm vượt ngoài ý mong cầu trước đó. Đồng thời được Phật và chư Thiên gia trì thủ hộ cho đến sống một kiếp. Lại nữa, các Bồ-tát sống tôn trọng pháp thì được Phật Thế Tôn diệt trừ khổ già bệnh chết, được trao cho chánh niệm và thông suốt biện tài. Cho đến được trao cho chánh kiến, tùy theo kiến giải có thể thuyết. Lại nếu Bồ-tát tinh tấn muốn pháp thì không sợ tất cả sự đối địch của người khác v.v… Do đó, đối với tư lương tinh tấn, đa văn và các thiện xảo, Bồ-tát nên khéo tu tập như vậy”.

Luận nói: Bồ-tát nghe bao nhiêu loại hành thì mới hiểu nhập Tỳnại-da? Kinh Vô Tận Ý nói: “Do nghe tám mươi loại hành mà có thể thâm nhập và tin hiểu. Tám mươi loại hành ấy chính là hành mạnh muốn, hành tâm sâu xa, hành tâm kiên cố, hành tương ưng, hành không cao ngạo, hành không phóng dật, hành cung kính, hành tôn trọng cực độ, hành lìa danh tướng, hành nói lời thiện, hành thừa sự, hành nghe lợi ích, hành tác ý, hành không tán loạn, hành không bám trụ, hành thật tưởng, hành tưởng thuốc thang, hành tiêu trừ tất cả bệnh tật, hành chánh niệm, hành đạt hiểu biết, hành ý vui vẻ, hành ngộ nhập, hành lắng nghe pháp Phật mà không nhàm chán, hành xả rộng lớn, hành hiểu biết rõ mà điều phục, hành gần gũi đa văn, hành an vui chấp nhận sự tạo tác, hành thân dõng mãnh, hành tâm an vui, hành nghe không biếng nhác, hành nghe nghĩa lý, hành nghe pháp, hành nghe oai nghi, hành lắng nghe lời nói người khác, hành nghe diệu pháp chưa nghe, hành nghe thần thông, hành không thích thừa khác, hành nghe các pháp Ba-la-mật, hành nghe Bồ-tát tạng, hành nghe nhiếp sự, hành nghe phương tiện khéo léo, hành nghe phạm hạnh, hành nghe chánh niệm chánh trí, hành nghe thiện xảo đã sanh, hành nghe thiện xảo chưa sanh, hành hành quán bất tịnh, hành quán từ bi, hành quán duyên sanh, hành quán vô thường, hành quán khổ, hành quán vô ngã, hành quán tịch diệt, hành quán không, vô tướng, vô nguyện, hành vô tác, hành khéo làm, hành kiến lập chân thật, hành không giảm mất, hành sống một mình, hành giữ gìn tự tâm, hành tinh tấn không biếng nhác, hành quán sát thật các pháp, hành đối trị phiền não, hành mong cầu riêng phần pháp thiện, hành hàng phục phần phiền não của người khác, hành nương tựa thất thánh tài, hành đoạn sự bần cùng, hành tán thán trí các hữu, hành vui mừng gặp bực trí, hành bình đẳng của thánh chúng, hành tịnh tín của bậc phi thánh, hành kiến đế, hành xa lìa tai họa của các uẩn, hành suy lường tội lỗi của pháp hữu vi, hành nương theo nghĩa, hành nương theo pháp, hành biết tất cả việc ác, hành lợi ích mình và người, hành tu tập pháp thiện không phát khởi nghiệp khác, hành hướng đến sự thù thắng, hành tất cả pháp Phật vốn đạt được”. Kinh kia lại nói: “Nếu ở trong trợ pháp tương ưng tức đạt được nghiệp trí như vậy. Sao gọi là trợ pháp tương ưng? Nghĩa là ít việc, ít cầu mong và thận trọng trong lời nói việc làm. Lại nữa, từ đầu đêm cho đến cuối đêm luôn lắng nghe các pháp thế gian mà thuận theo lý tương ưng, luôn luôn tìm tòi suy tư việc làm lợi ích người khác, tâm không nhiễm ô nhằm trừ hết các ngăn che, chướng ngại. Đối vối sự phạm tội khác dùng trí tuệ để xuất ly mà không khởi việc tạo tác ác và phát khởi tâm hướng đến chánh hạnh kiên cố, thích pháp, kính pháp, vì pháp sâu xa, đầy đủ tinh tấn như cứu đầu cháy, hy vọng trí tuệ đạt đến nơi an nghỉ, không rời giới cấm, không bỏ trọng trách, hướng đến sự thù thắng và xả bỏ sự vô ích, thích một mình ở nơi yên tĩnh khởi tác ý hiện tiền và thực hành các công đức tháp Phật, gieo trồng chủng tử Thánh, vui mừng biết đủ không tạp loạn, vui thích pháp lạc không nghĩ đến lời nói của thế gian, cầu pháp xuất thế và thông đạt nghĩa lợi không có vọng niệm, tùy thuận chân đạo và biết duyên giữ giới dùng hổ thẹn để trang nghiêm, dùng trí chân thật kiên cố để phá hoại vô trí, lấy tuệ nhãn thù thắng làm sự thanh tịnh vi diệu để hiểu rõ sự ràng buộc của vô minh si ám, hiểu biết rộng lớn không có tà vạy, hiểu biết phân biệt, hiện chứng hiểu biết, không thuận theo người khác mà được, tự giữ gìn công đức của mình và khen ngợi công đức của người khác. Như vậy, nếu khéo tu tập không đọa vào nghiệp báo thì gọi là trí nghiệp thanh tịnh”. Trong văn Bát nhã có nói: “Nên nghe Kinh Luận Phương Quảng như thế nào? Phải nên học như vầy: Chẳng phải nghĩa lợi thì nên xa lìa. Như gọi là luận xứ của thế gian: Tiên Bốc luận, Trùng độc luận, Mặc trí luận, Đồng tử hý kịch luận cho đến luận Biệt bộ giải thoát v.v… Tất cả luận như vậy đều hình thành nên sự si ám. Nếu người khéo trụ vào tất cả thừa của Bồ-tát thì đều phải xa lìa các hý luận ấy”. Lại như kinh Vô Tận Ý nói: “Có bốn loại bố thí đối với Pháp sư làm trí tư lương được thành tựu. Sao gọi là bốn?

  1. Dùng giấy bút biên chép kinh.
  2. Trang hoàng pháp tòa.
  3. Cung cấp đủ các thứ như danh văn lợi dưỡng.
  4. Vì nhiếp thọ pháp, không đem lời dua nịnh để khen ngợi.

Lại có bốn sự hộ trì.

  1. Hộ trì tự thân
  2. Hộ trì pháp thiện.
  3. Hộ trì thế gian.
  4. Hộ trì việc lợi ích.

Lại có bốn loại trụ làm trí tư lương để được thành tựu.

  1. Trụ ở Pháp sư thuyết pháp.
  2. Trụ vào Pháp.
  3. Trụ ở sự lợi dưỡng.
  4. Trụ vào giác ngộ

Kinh Hoa Lâu Các nói: “Nếu người đem bảy thứ báu như núi Tu-

di cúng dường cho Bồ-tát tại gia thì không bằng lấy một ngàn đồng tiền cúng cho Bồ-tát xuất gia hoặc tin hiểu công đức xuất gia mà bố thí một lóng tay để tu pháp thí khó làm. Nếu tất cả các sở hữu, chỉ trừ xuất gia, có được kết quả lớn ấy thì Như Lai Tối thượng chẳng cần phải nói lý như vậy với tại gia, huống hồ người tại gia vô trí, tâm không đầy đủ pháp thiện”. Kinh Tối Thượng Sở Vấn nói: “Nếu nhất tâm xa lìa sự phạm tội đối với quyến thuộc của người khác thì gọi là vô tội. Người kia nếu không thể xa lìa tánh tội khó điều phục thì đối vối người tại gia kiến lập nên tội nầy”.

Phẩm 11: NÓI VỀ A LAN NHÃ Phần 1

Kinh Tối Thượng Sở Vấn nói: “Nương tựa vào A-lan-nhã rồi sau lại quay về nhà là tánh tội”. Kệ trong kinh Nguyệt Đăng nói:

Không khởi vướng dục
Xa lìa quyến thuộc
Xả bỏ tại gia
Được đạo vô thượng
Nếu lìa khỏi dục
Như tránh hầm lửa
Lo sợ ở nhà
Xa lìa quyến thuộc
Bồ-đề Vô thượng
Kia không khó được
Chưa có ba đời
Chư Phật Như Lai
Do thường tại gia
Trụ ở địa dục
Mà hay đạt được
Bồ-đề thắng diệu
Xả bỏ vương vị
Như bỏ đàm dãi
An trú chỗ không
Xa lìa các dục
Đoạn trừ phiền não
Hàng phục ma oán
Ly cấu, vô vi
Ngộ đạo Bồ-đề
Ăn uống, y phục
Hoa đẹp hương thơm
Mà được thừa sự
Bậc thánh trong đời
Như xuất gia rồi
Phụng hành chánh pháp
Nếu có như vậy
Người cầu Bồ-đề
Khéo lợi chúng sanh
Chán việc hữu vi
Hướng đến chốn không
Dù đi bảy bước
Thu được phước báu
Tối thắng vô song
Hoặc trực tiếp gặp
Chẳng chúng đồng phần
Ưa ở chúng hội.
Mong tài lợi ấy
Chúng sanh hành theo
Lìa nơi chốn không
Là nạn ngu si.

Kinh kia lại nói kệ:

Trí không tranh với ngu
Gay gắt phải nên bỏ
Lìa khỏi tâm ác nầy
Chớ tranh pháp người ngu
Trí không gần với ngu
Biết rõ bản tánh ngu
Gần nhau lâu ắt khiến
Sau sẽ thành oán ghét
Trí không bảo thủ ngu
Hiểu rõ bản tánh ngu
Gọi thể tánh ngu si
Tự nên cầu phá hoại
Do các phàm phu nầy
Đâu có thiện tri thức
Nếu pháp cùng ngôn thuyết
Không thuận, sân gây tội
Pháp ngu nầy rất độc
Nên người trí chẳng giữ
Pháp ngu cùng người ngu
Như phân với bất tịnh
Trí lại cùng người trí
Như sữa trong bình sữa.

Kinh kia lại nói kệ:

Thường ở thế gian
Xứ vui vô tận
Không có ít phần
Hoặc vui không vui
Chỉ ở suối rừng
Tùy được thọ dụng
Sa-môn thật vui!
Những gì có được
Tất cả đều không
Không có vướng bận
Trói buộc lấy mình
Như gió thổi không
Như hạnh Độc giác
Cho đến thế gian
Các sự rất vui
Tâm thường như gió
Không hề vướng mắc
Hoặc vui, không vui
Không có tập hợp
Nói khổ não nầy
Không vui an trú
Hoặc nói vui kia
Không khổ không trái
Vì lìa hai bên
Chỉ pháp lạc nầy
Khác vui trong đời.
Kinh kia lại nói:
Khi đã đắc thường
Khéo tạo tương ưng
Lìa xa các tội
Không tranh phần ít
Lý tương ưng kia
Trụ A-lan-nhã
Được công đức nầy
Mà thường đạt lấy
Không mong hữu vi
Không thích thế gian
Không tăng hữu lậu
Trụ trong rừng núi
Được thắng năng nầy
Không khởi phần tội
Thường vui tịch tĩnh
Thân ngữ ý mật
Và hành viễn ly
Người trụ “không nhàn”
Được nhiều công đức
Được chán lìa kia
Nhanh ngộ giải thoát
Giải thoát tịch tĩnh.
Người ở rừng núi
Tức ở giải thoát
Nơi A-lan-nhã
Được công đức nầy
Nương vào suối rừng
Mà thường xa lìa
Thành ấp xóm làng
Vui xa lìa rồi
Thường như Độc-giác
Không có bạn lữ
Chẳng phải đợi lâu
Được thù thắng định.

Lại nữa, kệ trong kinh Hộ Quốc nói:

Xả bỏ tại gia
Vô lượng lỗi lầm
Cũng thường không thích
Lo nghĩ hiểm, sâu
Được vui núi rừng
Các căn diệu lạc
Công đức tịch tĩnh
Không có nam nữ
Vui cười luận nói.
Ví có người đến
Như hạnh Độc-giác
Tâm tịnh không nhơ
Không ưa tài lợi
Ý không đam mê
Luôn luôn muốn ít
Thường xa lìa đây
Dối cầu cung kính!

Kinh Tối Thượng Sở Vấn nói: “Ta không nên tạo ra sự tập hợp của chúng sanh, chẳng phải đối với một chúng sanh mà khởi thiện căn, hoặc do chỗ nghe trước đủ trong một sát na mà đem tâm tham trước tài lợi bất tịnh. Nếu có gặp trời người cũng đều phải xả bỏ”. Kinh Bảo Lâu Các nói: “Phật bảo: Ca-diếp-ba! Thí như có người ở trong vũng nước lớn nhưng lại bị khát nước mà chết. Nầy Ca-diếp-ba! Sa-môn, Bà-la-môn nầy cũng lại như vậy, ở trong nhiều pháp môn thọ trì đọc tụng mà không thể đoạn trừ khát ái, tham, sân, si, ở trong biển pháp lớn lại bị các thứ phiền não khát ái bức bách cho đến chết thì sau sẽ đọa vào đường ác”.

Luận nói: Do vậy nên quyết định nương vào A-lan-nhã hoặc nơi tương tự. Lại nữa, kinh Bảo Vân nói: “Nếu trụ ở nơi dễ đi khất thực không gần cũng không xa thành ấp, xóm làng, nơi gần suối, ao hồ để tắm rửa thanh tịnh không dơ bẩn và ít sợ hãi, nơi có lá, hoa quả đều đầy đủ, xa lìa hiễm ác và trụ nơi chỗ hang động hết mực thanh tịnh. Như vậy, Bồ-tát trụ ở chỗ nầy trước hết phải nên đêm ngày sáu thời tự đọc tụng kinh điển tiếng không cao thấp, khéo đóng kín các căn khiến tâm không chạy theo ngoại cảnh. Ở trong tịnh mạng nầy buộc niệm lại một chỗ rồi khéo gìn giữ tướng ấy, không tham đắm sự ngủ nghỉ. Nếu có vua, vương thần, Sát-đế-lợi, Bà-la-môn và các quan khác hoặc người thân thiết đến nơi A-lan-nhã thì Tỳ-kheo kia nói như vầy: Hay thay Đại vương! Như chỗ đã sắp xếp có thể ngồi vào. Nếu khi vua ngồi thì Tỳkheo cũng ngồi. Vua không ngồi, Tỳ-kheo cũng không ngồi. Nếu các căn của vua động loạn thì nên nói lời khen ngợi: Đại vương được thiện lợi lớn. Đất nước của vua có nhiều Sa-môn, Bà-la-môn đầy đủ giới đức an trú trong đó, không bị người ác oán tặc gây não hại. Nếu các căn của vua thiện tịnh, có thể kham nhẫn pháp thì hãy thuyết pháp thiện xảo cho vua nghe. Nếu vua không thích pháp thiện xảo thì hãy nói pháp chán lìa. Nếu xét vua không thích pháp chán lìa thì phải nói cho vua biết về Như Lai có đầy đủ từ bi và oai đức. Nếu người đến gặp mình là Sát-đếlợi, Bà-la-môn và các quan khác thì phải tùy nghi thuyết pháp hóa độ. Nếu những người kia là kẻ đa văn có khả năng nhận lãnh pháp khí thì phải giảng cho họ nghe diệu pháp để hàng phục tâm họ. Những chúng sanh kia do tin ưa pháp nầy mà được vui vẻ lớn”. Kinh Tối Thượng Thọ Sở Vấn nói: “Lại nữa, Trưởng giả! Bồ-tát xuất gia sống ở A-lan-nhã nên quán sát nghĩa như vầy: Tại sao ta ở trong A-lan-nhã? Nơi ấy chẳng phải chỉ có tướng Sa-môn mà có nhiều thứ độc hại, chẳng phải quán sát, chẳng phải tĩnh lặng, chẳng phải luật nghi, chẳng phải tương ưng, chẳng phải chỗ mong muốn cùng ở. Đó là chẳng phải người hay chim thú, đạo tặc, Chiên-đà-la ác xấu cùng ở. Những người kia không đầy đủ công đức của Sa-môn. Bấy giờ, Ta sống chốn A-lan-nhã phải nên làm viên mãn nghĩa của Sa-môn. Nầy Trưởng giả! Bồ-tát xuất gia thực hành ở Alan-nhã phải nên quán sát như vầy: Ta dùng nghĩa gì mà đến nơi A-lannhã? Ta vì sự sợ hãi nầy. Sao gọi là sợ hãi? Nghĩa là sợ hãi nơi huyên náo, sợ hãi tập hợp, sợ tham, sân, si, sợ kiêu mạn, phú hận, sợ ganh ghét và tài lợi, sợ hương sắc vị xúc, sợ ma uẩn, sợ ma phiền não, sợ tử ma, sợ thiên ma, sợ điên đảo vô thường mà cho là thường, sợ vì điên đảo mà cho vô ngã là ngã, sợ vì điên đảo mà cho bất tịnh là tịnh, sợ điên đảo cho chấp khổ là vui, sợ tâm, ý, thức, sợ lìa chướng khởi chướng, sợ thân kiến, sợ ngã và ngã sở, sợ nghi ngờ ba đời, sợ bạn ác, sợ quyến thuộc ác, sợ danh dự lợi dưỡng, sợ không thấy nói thấy, sợ không nghe nói nghe, sợ không biết nói biết, sợ không hiểu nói hiểu, sợ Sa-môn cấu uế, sợ sân nộ hỗ tương nhau, sợ ba cõi, sợ sanh trong các cõi hữu và ba đường ác. Tóm lại, sợ tất cả những tác ý bất thiện. Ta vì sợ hãi các hành tướng ác như vậy nên đến sống ở A-lan-nhã. Nầy Trưởng giả! Bồ-tát xuất gia sống trong A-lan-nhã phải nên học như vậy. Nếu khi cái sợ sanh khởi thì, tất cả đều do ngã chấp mà khởi lên. Nói tóm lại, sống trong A-lan-nhã xa lìa ngã chấp tức là vô ngã, vô ngã sở, vô ngã tướng, vô ngã tưởng, vô ngã ái, vô ngã kiến, không bị ngã trói buộc, không bị ngã toan tính, lìa bỏ ngã, không thể vì thủ hộ tâm như vậy mà trụ ở Alan-nhã thì điều nầy không có lợi ích. Lại nữa, Trưởng giả! Người trụ ở chỗ thanh tịnh thì không tưởng đến bản thân, không tưởng đến người khác. Nếu đối với các pháp không nói tức ở trong các pháp không có tạp loạn. Nầy Trưởng giả! Thí như chỗ A-lan-nhã có cỏ thuốc, rừng cây không sợ hãi kinh hoàng, cũng không có sợ đến nỗi lông tóc dựng đứng. Bồ-tát xuất gia trụ ở A-lan-nhã cũng lại như vậy. Đối với thân phát khởi tưởng như cỏ thuốc, rừng cây, cầu, tường vách, ngói, đá v.v… Tâm vốn như huyễn thì làm gì có chỗ sanh khởi phân biệt và có sự sợ hãi đến nỗi dựng tóc gáy. Như vậy, tâm sâu xa đối với thân mà quán sát: Thân nầy không có ngã, chúng sanh, thọ giả, dưỡng giả mà do ý sanh khởi nên hư vọng biến khắp. Sự sợ hãi nầy chỉ là giả danh, hư vọng, biến kế nên không cần phân biệt. Như cỏ thuốc, rừng cây ở chốn A-lan-nhã kia không có chủ tể cũng không có sự nhiếp phục. A-lan-nhã nầy không có sự nhiếp thuộc cũng lại như vậy. Đối với tất cả pháp đã biết như vậy rồi thì nên khởi hạnh ấy. Vì sao? Người trụ ở chốn thanh vắng giống như thây chết sình lên không có chủ tể cũng không có sự nhiếp thuộc. Lại nữa, Trưởng giả! Bồ-tát xuất gia giống như trụ ở chốn thanh vắng. Đối với điều nầy đã biết nương vào lời Phật dạy trụ ở A-lan-nhã tức được tròn đầy pháp thiện và gieo trồng thiện căn sâu xa. Sau đó đi đến xóm làng thành ấp, vương cung mà thuyết pháp cho chúng sanh nghe. Lại nữa, Trưởng giả! Bồ-tát xuất gia đọc tụng giảng nói, giải thích nghĩa lý kinh điển, đi vào trong chúng kia mà được cung kính, thân gần Hòa thượng, A-xà-lê và bậc Trưởng lão nhưng đối với các tân Tỳ-kheo cũng nên tôn kính mà không lười biếng, thảy đều tự mình sắp xếp việc làm không khiến họ phiền não, cũng chớ khiến họ phải tôn trọng mình. Phải nên quán sát như vậy. Lại nữa, Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác được chư Thiên, loài người, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng sanh tôn trọng cúng dường, thế nên cho đến có các việc làm thảy đều tự mình sắp xếp chu đáo, không mong cầu có người giúp việc. Huống hồ ta nay muốn cầu quả vị vô học như vậy là chính phụng sự cho tất cả chúng sanh! Nếu ta phụng sự người khác với tất cả sự cung cấp, thì các việc làm của ta thảy đều tự thành tựu, không mong cầu sự phụng sự cung cấp nào khác. Vì sao? Nầy Trưởng giả! Vì đây là người tôn trọng phụng sự ở trong pháp công đức của Tỳ-kheo nhận lấy sự hủy phạm. Người tạo ra sự nhận lấy nầy để nhân đó được phụng sự. Ta chớ vì pháp nầy mà tạo ra sự nhận lấy kia”. Kinh kia lại nói: “Lại nữa, Trưởng giả! Pháp Bồ-tát ở A-lan-nhã kia nếu thấy hoặc nghe Hòa thượng, A-xà-lê bị bệnh thì dù xa xôi mấy cũng nên đến hỏi thăm. Nghĩa là từ sớm đi đến chỗ kia nên khởi tâm ấy. Giả sử được người khác mời thỉnh đọc tụng giảng thuyết kinh điển và bày trí Tăng phòng như A-lan-nhã để ở thì tâm chớ có chấp trước. Như vậy, trụ trong A-lan-nhã cầu pháp không nhàm chán và đối với tất cả sự việc đều khởi tưởng như đối với chốn thanh vắng.