LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 12

Phẩm 8: THANH TỊNH

Phần 3

Như vậy, người ấy cùng với vô lượng trăm vạn ức Bồ-tát trụ ở mười đạo nghiệp thiện. Về sau lại sanh vào giòng dõi Sát-đế-lợi, Bà-lamôn, Trưởng giả với tài vật sung túc kho tàng vật báu vô hạn, sắc tướng đoan nghiêm và quyến thuộc v.v… mọi thứ đều đầy đủ. Kinh kia lại nói: “Nếu có người nữ được nghe danh hiệu của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thọ trì đọc tụng rồi sau sẽ được chuyển thân người nữ”. Kinh Văn Thù Trang Nghiêm Phật Sát Công Đức nói: “Diệu Cát Tường thưa: Con cũng cung kính Bồ-tát Thượng Tuệ, Bồ-tát Quang Tràng, Bồtát Như Ý Nguyện, Bồ-tát Tịch Căn. Nếu có người nữ nào thọ trì danh hiệu của bốn vị Bồ-tát nầy thì được chuyển thân nữ, về sau không còn thọ thân nữ nữa”.

Luận nói: Hành đối trị như trước đã nói, nay trình bày về lực chế chỉ. Kinh Địa Tạng nói: “Nếu Bồ-tát lìa sát sanh tức là bố thí cho tất cả chúng sanh sự không sầu, không sợ, và không buồn lo kinh hãi. Bồ-tát thường lấy quả báo thiện căn nầy đi vào biển sanh tử luân hồi năm nẻo để giúp hóa độ chúng sanh. Vì sát sanh nên chúng sanh tạo ra tất cả nghiệp chướng của thân, ngữ, ý hoặc tự giết, hoặc bảo người khác giết hay thấy người giết mà sanh tâm vui vẻ. Do đó, Bồ-tát xa lìa vòng sát sanh luẫn quẫn nên tất cả mọi nghiệp chướng bị tiêu diệt cho đến không thọ quả báo. Đối với thân hiện tại được thọ mạng lâu dài khiến chư Thiên và loài người luôn luôn ưa thích. Lại nữa, Thiện nam tử! Nếu Bồ-tát cho đến hết đời xa lìa việc lấy của không cho tức là bố thí cho tất cả chúng sanh sự không lo sợ và không bức xúc, không sanh loạn động. Bồ-tát ấy đối với tài lợi của tự thân thường an vui biết

đủ và quyết không mong cầu lấy tài lợi phi pháp. Đồng thời dùng thiện căn nầy làm cơ sở xa lìa trộm cắp, khiến tất cả nghiệp chướng tiêu trừ không còn sót lại và không thọ nhận quả báo ấy. Như vậy, mười đạo nghiệp bất thiện cũng có thể trực tiếp phá hoại sự tu thiện của tự thân”. Kinh Nguyệt Đăng nói: “Nghe sân hận mà tội diệt thì cũng như kẻ ngu phu không thật sân hận mà lại thóa mạ và phỉ báng. An trụ vào pháp nhẫn thì hàng phục hết các tội nghiệp đã tạo trong quá khứ và đối với sự khởi tâm sân của Bồ-tát…”.

Luận nói: Về lực chế chỉ như trên đã trình bày nay phải nói về lực y chỉ. Thuyết duyên khởi giải thích “Nếu có thể quy y Phật thì không đọa vào đường ác, xả thân người nầy rồi liền được sanh vào cõi trời. Nếu quy y Pháp, quy y Tăng thì cũng giống như trên đã nói…”. Kinh Từ Thị Giải Thoát nói: “Nếu Bồ-tát làm thanh tịnh các nghiệp chướng, các pháp bất thiện biến khắp cả đại địa nhưng khi kiếp hỏa khởi lên thì tất cả sở hữu đều thiêu đốt hết. Nhẫn đến ví như có người dùng một lượng điểm nước Hát-tra-ca với ngàn lượng sắt để tạo thành vàng ròng thì chẳng phải nhiều lượng sắt kia có khả năng khiến cho giọt nước trở lại thành sắt. Sự phát tâm Nhất thiết trí cũng lại như vậy, dùng một thiện căn để hồi hướng về trí tuệ có thể nhiếp thọ tất cả nghiệp chướng phiền não thành Nhất thiết pháp trí chứ chẳng phải nghiệp phiền não có thể khiến cho Nhất thiết tâm trí trở lại làm phiền não. Nầy Thiện nam tử! Nếu có người cầm một ngọn đuốc đi vào nhà tối tức thời có thể phá tan bóng tối ngàn năm cố hữu. Sự phát khởi tâm nhất trí cũng lại như vậy. Nếu đi vào nhà tâm u ám vô minh của một chúng sanh thì đều có thể phá tan trăm ngàn nghiệp chướng phiền não cố hữu không thể nói hết và phát ra ánh sáng trí tuệ. Thiện nam tử! Như Đại Long Vương trên đầu có chứa ngọc ma ni như ý nên không có oán thù khác làm cho hoảng sợ được. Tâm Bồ-đề nầy cũng lại như vậy. Nếu Bồ-tát có đầy đủ tâm đại bi thì dù có đi vào đường ác cũng không sợ hãi”. Kinh Ưu-ba-ly Sở Vấn nói: “Bồ-tát trụ Đại thừa nầy ở thời gian đầu ngày có phạm tội mà giữa ngày ấy không xa lìa tâm Nhất thiết trí, thì như vậy Bồ-tát được đầy đủ giới uẩn. Nếu giữa ngày có hủy phạm tội mà sau đó cuối ngày không xả bỏ tâm Nhất thiết trí thì Bồ-tát cũng được đầy đủ giới uẩn. Ta phải nói thứ tự như vậy. Phật bảo Ưu-ba-ly: Trụ nơi Đại thừa Bồ-tát nầy hoặc khi xả học xứ giới nhưng đối với Bồ-tát kia chớ có khởi việc ác cũng chớ có tùy chuyển. Nếu lại đối với hàng Thanh-văn kia lần lượt mà nói là có tội hủy phạm. Tuy nhiên, người Thanh-văn nói là mất giới uẩn nên phải biết như vậy cho đến nói rộng”.

Phẩm 9: NHẪN NHỤC

Luận nói: Nhẫn nhục nầy chẳng những không xa rời mà còn có nhiều pháp môn chuyển hóa, lại khéo thủ hộ khiến giới uẩn tăng trưởng. Như vậy, xa lìa được nghiệp chướng ràng buộc và phá các kiết phiền não. Cho đến nghe nhẫn mà không thể nhẫn làm giảm mất sự tinh tấn, nên lười biếng thoái lui. Hoặc lại không nghe, không biết phương tiện đẳng trì, do không có phương tiện làm thanh tịnh các phiền não nên lười biếng thoái lui, chỉ vì nghe tu tập rồi mà thực hành còn tạp loạn. Nghĩa là chịu khổ chuyên cần đọc tụng ở trong rừng núi sâu, hành giả tạm dừng tạp loạn nhưng tâm không có phương tiện đẳng trì. Sự đình chỉ nầy cũng thuộc về đẳng trì còn không có quả nhỏ, huống hồ làm thanh tịnh các phiền não. Giả sử có tu pháp quán nầy cũng làm mất ít pháp thiện, huống gì nói làm thanh tịnh các phiền não. Kinh Pháp Tập nói: “Bàn về nhẫn nầy thì có ba loại. Đó là: Nhẫn an trụ ở khổ, nhẫn quán sát thật pháp và nhẫn chịu oán thù làm hại. Nhẫn an trụ ở khổ tức đạt được cứu cánh sự đối trị khổ sở và diệt trừ chấp trước ái lạc cùng hai loại phiền não khác tức sân nhuế và lười biếng”. Kinh Nguyệt Đăng nói: “Người chấp trước vào ái lạc cũng không thể xả bỏ khổ”. Kinh Bảo Vân nói: “Nếu dung nạp hoài nghi, ưu, bi, khổ não thì phải trụ vào phương tiện nhẫn mà điều phục”. Kinh Tối Thượng Thọ Sở Vấn nói: “Lại nữa, Trưởng giả Bồ-tát tại gia nên phải xa lìa sự tổn hại không như lý, chớ bám vào tám pháp của thế gian như vợ, nô bộc và các sự thọ dụng tiền tài lúa gạo… cũng không nên lấy sự cao ngạo làm niềm vui. Giả sử gặp phải các điều xấu ác cũng không chịu hạ thấp mình sầu não. Nên quán thế nầy: Các tướng hữu vi, đều là huyễn hóa tạo thành nên khi khởi lên cao ngạo thì liền chấm dứt, diệt trừ tội báo. Nghĩa là biết rõ cha mẹ, con cái, nô bộc, thân thuộc, bạn bè… nầy vốn chẳng phải của ta và ta vốn cũng chẳng phải là họ”. Như có kệ nói:

Nếu có tập căn bản
Do gì khởi sầu não
Hoặc không Tập căn bản
Sao lại khởi ưu sầu.

Gọi là tập căn bản, là vì si, khuể, não, mê man mỏi mệt, lười biếng, hoặc chấp trước sức mạnh khởi lên lỗi lầm lớn, nếu si mê nuối tiếc ăn năn thì tuổi thọ thoáng chốc chẳng còn lâu, nên phải xa lìa những việc không ích lợi nầy, đó là việc khó.

Luận nói: Sao gọi là xả bỏ sầu não ấy? Nghĩa là phải phát khởi tâm xem thường đối với chúng. Kinh Tối Thượng Sở Vấn nói: “Đối với xả ly nầy tức là khiến tâm nhu nhuyến như nhìn thấy sợi tơ mỏng”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nên như vua Thắng Tài, Đồng nữ phát khởi tâm như vậy để diệt trừ các phiền não, dùng tâm “Vô Năng Thắng” để phá hoại các sân nộ, dùng tâm bất động ở trong biển chúng sanh mà không thoái đọa cảnh giới của thâm tâm”.

Luận nói: Người tu tập như vậy thì không cho đó là khó. Như có người ngu chấp rằng nếu không cần cù vác cày làm ruộng, săn bắn, chế phục được khổ nhọc mà hy vọng đạt được kết quả vi tế, thì cũng như đối với tâm trần cấu uế không hối não mà lại mong cầu các hành diệu lạc nầy. Niềm vui của các Bồ-tát là làm việc tối thắng để đạt đến quả vô thượng. Lại như các người hèn mọn không có chút lợi ích gì đối với tự thân khó làm mà còn không trừ bỏ, chỉ vì tự trói buộc sự suy nghĩ, ương bướng nên thọ nhận như quyết hơn thua. Huống gì những thứ nầy từ lâu đã vô ích, chịu nhiều khổ não! Do đâu mà đối với chút ít pháp thiện không thể hy vọng nắm bắt? Các hình phạt ở địa ngục và các giặc hại ở thế gian, cũng như ngục tốt đang cầm giữ tội trọng để xử phạt không bỏ sót. Tùy tội tạo tác mà gặp quả báo thật là thống khổ, não hại chẳng chút oan ức. Cho nên, Bồ-tát ở thời gian lâu xa, không có ràng buộc, cần lao khổ nhẫn phá trừ giặc phiền não hết sạch không còn thiếu sót, ở trong ba cõi đầu đội mũ thù thắng, cầm giữ pháp khí phá tan các ma oán giải cứu chúng sanh bị trói buộc. Do trước có tu tập khắc phục khổ não mà nay được thành tựu. Đối với chúng sanh tu tập khổ tưởng lạc, nghĩa là khi các khổ khởi lên thì theo đó mà tu tưởng an vui. Nếu trụ vào tưởng an vui tức có thể thành tựu quả nầy mà đắc thiền định nên gọi là vượt lên trên các pháp lạc. Kinh Phụ Tử Tập Hội nói: “Phật dạy có loại thiền định siêu vượt các pháp lạc. Nếu Bồ-tát được các định nầy thì đối với các cảm thọ sự duyên như là lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ… chẳng phải chỉ một nhân duyên như nó vốn có mà đạt được tưởng an vui. Ví như có người cắt đứt tay chân, tai mũi… rồi ngay chỗ đó tưởng được an vui. Và dùng roi đánh vào thân mình mà tưởng an vui, hoặc bị trói buộc trong lao ngục khổ sở mà tưởng an vui. Nghĩa là tưởng có y áo, tưởng có đèn dầu, tưởng có thức ăn… Hoặc tạo mặt cú vọ, tạo mặt sư tử, tạo mặt hung bạo cho đến tạo ra tiền vàng, tạo ra việc ăn uống, dâng rượu v.v… mà tưởng an vui. Hoặc bị móc mắt phá hoại mạng căn gây ra các sự tổn hại và đoạn đầu mà tưởng an vui, tưởng không khổ không vui. Vì sao thế? Vì Bồ-tát nầy có nguyện lực tu tập trong suốt đêm dài sanh tử như vầy: Hoặc ta vì người chạy theo khiến cho được gần diệu lạc, hoặc ta vì người phạm tội thì cũng vì để thừa sự tôn trọng, cung kính cúng dường khiến cho tất cả thời xứ được gần diệu lạc. Hoặc như gặp lời nói ác chê bai hay kẻ dùng dao gây đánh đập đến nỗi hủy hoại mạng căn thì tất cả điều ấy chỉ vì được niềm vui Bồ-đề và thành quả A-nậu-đala-tam-miệu-tam-Bồ-đề. Đầy đủ tác ý, sự nghiệp và nguyện lực như vậy, cũng lại đầy đủ tất cả chúng sanh tùy biết tưởng lạc gần gũi tu tập nên đối với nghiệp báo kia có nhiều sự tu chỉnh mà đạt được các pháp lạc thiền định. Nếu khi Bồ-tát chứng đắc cho đến tất cả pháp lạc thiền định thì đạt được tâm bất động khiến các ma sự hoại diệt. Nhờ phương tiện nầy mà viên mãn tất cả pháp xả thí, thành tựu tất cả pháp khổ hạnh khó làm, kiên trụ tất cả pháp nhẫn nhục, sách động tất cả pháp tinh tấn và hỗ trợ tu tập các thiền định trí tuệ nên thường an vui”. Kinh Nguyệt Đăng nói: “Thường vui vẻ tôn trọng và thường trụ chánh giác”. Kinh Vô Tận Ý nói: “Sao gọi là vui vẻ? Nghĩa là vui vẻ mà niệm pháp tín thanh tịnh, phát khởi tâm dõng mãnh không sanh biếng nhác, không có các bức xúc, không cầu năm thứ dục lạc, không lìa tất cả pháp lạc. Do tâm kiến lập thân vui, biết vui khởi lên ý an lạc điều hòa, nên mong cầu thân tướng đẹp đẽ trang nghiêm của Như Lai, khéo léo nghe pháp, không hề chán, nương vào thật pháp để thực hành. Nhờ vào pháp mà sanh khởi sự vui thích và tin tưởng thanh tịnh. Tuy nhiên đối với chúng sanh hiểu rõ thì không trở ngại, lấy dục, cần tối thắng mà cầu pháp Phật không bỏ pháp dục, tin hiểu rộng lớn diệu pháp của chư Phật, đã chỉ bày các thừa giải thoát đã phát tâm tối thượng trừ bỏ sự xẻn tiếc. Nếu mới phát tâm bố thí, đang bố thí, bố thí xong phải ba luân thanh tịnh, vui vẻ mà bố thí. Đối với giới luật vi diệu cũng thường thanh tịnh. Do trì giới thanh tịnh thu nhiếp các sự hủy phạm mà siêu vượt sự sợ hãi của các đường ác, hướng về giới cấm của Phật giữ gìn không thiếu sót. Nếu có người khác xấu đến chửi mắng, làm nhục, thì lời nói, đạo tâm không ra sức đáp trả, chỉ vui vẻ, điềm nhiên cố nhẫn chịu chuyển thành ý tôn trọng cho đến không có sự kiêu mạn. Dung mạo thường ôn hòa khiêm cung xa lìa sự cau có. Trước hết dùng lời ái ngữ không có dua nịnh hiểm độc và ý trong sáng không tà vạt, tâm không thô tháo. Thấy người khác hơn mình cũng không tìm cách ức chế, không dò xét và bêu rêu lỗi lầm sai trái của người khác, nên tu pháp hòa kính và đối với chúng Bồ-tát thường cung kính như Phật. Do kính trọng pháp của chư Phật mà tiếc cho thân mạng lỗi lầm, nên đối với các bậc sư trưởng xem như cha mẹ của mình, đối với chúng sanh thì giữ gìn giống như con một. Đối với Hòa thượng, A-xà-lê cung kính tưởng như Phật. Đối với các chánh hạnh thì đều tôn trọng hàng đầu, yêu thích thực hành các pháp Ba-la-mật như mến tiếc tay chân, đối với các sự thuyết pháp xem như báu vật, các lời dạy bảo sống trong chánh pháp như thân cận ngũ dục, đối với hạnh hỷ túc thì xem như không có bệnh não, cầu pháp thắng diệu xem như hy vọng gặp thuốc hay, phải bày tỏ lỗi lầm thì xem như giải bày bệnh cho thầy thuốc. Như vậy, nên điều phục chế ngự các căn khiến chúng không còn lười biếng. Đây gọi là hỷ”.

Luận nói: Nói về học xứ trang nghiêm của Bồ-tát thì như kinh Đại Vân nói: “Nếu vui ở địa ngục, bàng sanh thì đối với địa ngục tâm thường định giới. Tuy ở địa ngục mà luôn được tự tại. Lại nữa, thích địa ngục tức đối với địa ngục, tâm sanh yêu đắm và keo kiệt ganh ghét. Khiến cho lửa địa ngục đã cháy càng cháy mạnh hơn”.

Luận nói: Bàn về việc an trụ khổ nhẫn thì như kinh Hải Ý nói: “Có ba loại nhẫn. Phật bảo Hải Ý: Bồ-tát như chỗ phát tâm Nhất thiết trí của mình thì hoặc bị phi nhân hủy phạm tịnh giới. Nghĩa là các ma, dân ma, thiên ma, quyến thuộc ma dùng sức lực khiến sứ giả của ma cố đến xâm hại kích động, đánh đập… Bồ-tát ở trong lúc ấy phải dùng tâm Bồ-đề kiên cố sâu xa làm pháp khí khiến không phá hoại được, cũng không thể hủy hoại tâm đại bi tinh tấn giải thoát tất cả chúng sanh, cũng không thể hủy hoại làm cho dòng Tam bảo dứt đoạn, cũng không thể hủy hoại các pháp Phật và sự tích tập các gốc thiện tương ưng ở trong đó, cũng không thể hủy hoại sự thành tựu tướng hảo tu tập hành phước, cũng không thể hoại sự tinh tấn dõng mãnh trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, cũng không thể hoại việc cầu tất cả pháp, không tiếc thân mạng, cũng không thể hủy hoại việc độ tất cả chúng sanh và không tham trước lợi lạc bản thân. Nói chung đối với các việc ấy Bồ-tát đều lấy tâm sâu xa tác ý đầy đủ như vậy. Nếu bị sự ác tặc của tất cả chúng sanh hoặc gặp kẻ sân si chửi mắng, đánh đập thì Bồ-tát đều có thể nhẫn thọ. Nếu tất cả chúng sanh đem tâm xấu ác đến não hại bức bách thì Bồ-tát cũng kham nhẫn, không mỏi mệt, nhàm chán mà thoái mất. Ngược lại, Bồ-tát lấy thế lực dõng mãnh tinh tấn để điều phục, trụ trong pháp khổ nhẫn mà khởi tâm nhiếp thọ. Lại nếu có người đem tâm ác đến hoặc đánh đập gây tác hại bức bách thì Bồ-tát đối với tâm như vậy không ra sức đáp trả. Cho đến nếu có người ở trong mười phương thế giới dùng các binh khí truy đuổi người kia đến cùng, đến một địa phương nọ cho đến khi đi đứng nằm ngồi cũng bị truy bắt. Chính ở nơi đây gặp một người phát tâm Bồ-đề, tâm bố thí cho đến tâm trí tuệ, nghe người kia nói mà phát khởi một tâm thiện căn: Ta nên đến địa phương kia cho dù có bị đoạn tiệt thân mình dù rơi lả tả như lá cây hay bất cứ điều gì xảy ra ta cũng đều kham nhẫn. Lại nếu tất cả chúng sanh trong thế gian đều khởi sân nhuế nói lời ác chửi mắng hủy nhục, thậm chí đoạn cắt thân ta ra từng đoạn rã rời như lá cây rơi lã tã thì lúc ấy đối với chúng sanh nầy ta không hề khởi một chút tâm nhiễu động. Vì sao? Vì thân nầy của ta ở trong kiếp quá khứ vô lượng vô số kiếp luân hồi sanh tử chẳng điều gì mà không làm hoặc ở địa ngục, súc sanh, Diễm-ma-la, cho đến nay sanh trong loài người đắm trước việc ăn uống, thọ dụng các dục và nghe điều phi pháp, đồng thời gian khổ tìm cầu sự nuôi dưỡng tà mạng gặp phải nhiều bức bách. Do vậy, đối với thân mạng chưa từng có kết quả lợi ích. Mặc dù có đủ loại hành động mưu tính, nhưng duyên vào chúng chẳng thể được tự lợi, lợi tha. Giả sử lại sống ở rốt cùng của sanh tử khiến các chúng sanh cắt đoạn thân ta thành từng mảnh vụn thì thà thọ khổ ta cũng không bao giờ xả bỏ Nhất thiết trí, lại cũng không bỏ tất cả chúng sanh và sự ham muốn pháp thiện. Vì sao? Vì thân nầy của ta tuy có nhiều thứ bức não khổ thiết hủy hoại, mà so với khổ não trăm lần ngàn lần ở địa ngục cho đến các phần của trường phái Ưu-ba-ni-sát cũng không bằng một phần của nó. Lại nữa, ở trong pháp Phật không xả bỏ tâm đại bi vốn duyên với tất cả chúng sanh. Nếu vì có gì đó mà khởi sân nhuế, ta phải lấy pháp mà đoạn trừ. Sao gọi là pháp? Nghĩa là sự ái lạc đối với thân, sự hệ thuộc ở thân, sự chấp trước ở thân. Xả bỏ thân nầy tức là xả bỏ sân nhuế. Phật bảo Hải Ý: Đối với tu pháp như vậy mà thâm nhập vào tức là có khả năng chịu đựng tất cả sự bức não của chúng sanh. Nếu không luyến tiếc thân mình mà có thể xả bỏ, cũng không có ái lạc tức là có thể tu tập bố thí Ba-la-mật. Lại nữa, nếu khi thân muốn hoại diệt và dùng đại từ không xả bỏ chúng sanh tức là có thể tu trì giới Ba-la-mật. Nếu khi thân sắp hoại diệt mà vẫn như nghĩa giải thoát để chịu đựng nhẫn thọ, lúc nhẫn phát ra khiến tâm không dao động tức là có thể tu nhẫn nhục Ba-la-mật. Nếu dùng lực chuyên cần dõng mãnh không xả bỏ nhiếp thọ tâm Nhất thiết trí ở trong sanh tử mà phát khởi các thiện hạnh tức là có thể tu tập tinh tấn Ba-la-mật. Nếu khi thân hoại diệt, ở tâm phát hiện Nhất thiết trí không bỏ Bồ-đề, như thật quán sát sự vắng lặng thù thắng thì có thể tu thiền định Ba-la-mật. Nếu khi tâm muốn hoại mà quán sát thân huyễn mộng như cỏ cây, ngói đá… hiểu rõ thân nầy là vô thường, khổ, vô ngã tịch tĩnh tức như thế quán sát thật đế thân nầy, đây tức có thể tu Thắng tuệ Ba-la-mật. Hơn nữa, giả sử có người đem tâm ác đến giận dữ, hủy nhục mình thì nên nghĩ rằng người ấy biếng nhác, xa lìa pháp thiện. Ta nay nên phát khởi sự chuyên cần tinh tấn tu tập để gieo trồng các gốc thiện chớ có nhàm chán, bèn nguyện cho người ấy trước ngồi ở đạo tràng rồi cuối cùng Ta mới thành tựu chánh giác”. Nói chung, tất cả chúng sanh ấy gọi là chưa điều phục, chưa tịch tĩnh, chưa cẩn mật hộ trì nhưng vì làm lợi ích cho họ nên ta phải mặc áo giáp nhẫn nhục để trang nghiêm. Nhẫn đến, ta nương vào pháp nầy để biết rõ sao gọi là sân, sao gọi là không sân, cả hai thứ đều không thể được. Lại nếu sân, chẳng sân hoặc mình hoặc người, sân với người sân đều không thể được. Đã không được gì còn xa lìa cái thấy nầy, đây gọi là nhẫn. Kinh Bát Nhã nói: “Nếu các chúng sanh có tranh chấp thì Bồ-tát nên khởi tâm nầy: Ta phải khuyên họ tránh khỏi. Ta nay đối với sự tranh chấp nầy không gặp trở ngại. Nếu có khởi tranh chấp thì ta nên đối với chúng sanh làm cầu nhẫn hòa. Nếu ta bị người khác đem lời ác chửi mắng hủy nhục thì nên bảo rằng ông tại sao nói lời nầy? Và không nên ra sức đáp trả. Vì chỉ có người ngu si và dê câm mới không khởi lên tranh chấp. Người khác hoặc đem lời ác đến hủy nhục mình thì nên đừng đem tâm gây tổn hại họ mà phải thân gần họ để nói lời pháp thiện, không nên tương tợ người kia khởi lên lỗi xấu nầy. Hơn nữa, nếu ta nghe tội lỗi của người khác thì cũng không làm giống họ. Vì sao? Vì ý của ta không có sân giận. Lại nếu tất cả chúng sanh muốn có các thứ diệu lạc thì ta nên cho họ diệu lạc, cho đến Niết-bàn thành tựu chứng quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-Bồ-đề. Tuy nhiên, ta đối với người khác không hề khởi sân nhuế và đối với mình, người cũng không khởi hạnh ngu si mà chỉ tu tập tinh tấn kiên cố. Nhờ vào tinh tiến kiên cố nên dù có thân hoại mạng chung cũng không hề sân giận hiềm khích”. Lại nữa, kinh Bồ Tát Biệt Giải Thoát nói: “Nếu đối với chúng sanh sân nộ thì phải như vậy mà an ủi, thật khéo an ủi an trụ nhẫn nầy được tùy thuận pháp hỷ”.