LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 10

Phẩm 7: HỌC XỨ VỀ HỘ THỤ DỤNG PHÚC 2

Kinh Bảo Tích nói:

Phật nói: Ca-diếp-ba ! Nếu Bồ-tát đủ bốn pháp đây thì diệt mất thiện pháp chưa sinh, thiện pháp đã sinh thì không tăng trưởng.

Những gì là bốn ? Là đắm sâu thế gian, quá mạn, lời lẽ giả dối, tham đắm lợi dưỡng. Ưa thích chủng tính, không ưa khen ngợi Bồtát. Đối vơi kinh điển chưa giảng nói, chưa nghe đã vội phỉ báng.

Lại nữa Thuyết nhất thiết hữu bộ nói:

Như vậy nếu thấy tháp thờ tóc, móng tay hoặc thân phần của thân thể, thấy rồi sinh lòng tin thanh tịnh, phát tâm cung kính, các Đại đức Tì-kheo, Tì-kheo-ni ấy từ mặt đất trở xuống quá tám vạn bốn ngàn du-thiện-na cho đến vòng kim luân, Tì-kheo ấy có phúc báo thụ dụng gấp ngàn lần bao nhiêu Chuyển luân thánh vương nhiều như số cát. Cho đến Cụ thọ Ưu-ba-li đến trước Như Lai chấp tay cung kính bạch Phật rằng:

Thế Tôn ! Như Phật đã nói thiện căn của Tì-kheo này rộng lớn như vậy. Thế Tôn ! Làm sao có thiện căn như vậy mà Thế Tôn bảo rằng: Ông đối với thiện căn này còn có thể tiêu tan diệt mất ?

Phật nói: Ưu-ba-li ! Nghĩa là nhẫn sự động loạn này mà tùy theo chỗ thấy, như phạm hạnh kia thân với phạm hạnh. Ưu-ba-li ! Do thiện căn đây cũng rộng lớn. Nhưng ông với thiện căn này còn có thể tiêu tan diệt mất.

Ưu-ba-li ! Cho nên phải học như vậy. Lại nữa nếu chứa củi để đốt, tâm có thể không hư hoại huống chi là thức thân kia.

Kinh Văn Thù Thần Biến nói:

Bị đối hại, nghĩa là trong trăm kiếp tích chứa điều thiện, việc thiện đó giảm mất gọi là đối hại.

Kinh Hoa Nghiêm nói:

Khắp cứu giúp chúng sinh như trước đã nói trong nhân duyên của dạ thần Diệu Đức.

Luận nói:

Ngay cùng lúc đó cùng nhau phỉ báng, tăng gốc bất thiện, giảm thọ, sắc lực an ổn đều giảm thiểu, không cho thấy chút nào lợi ích, chỉ nói đến theo đuổi tìm cầu tiếng tăm lợi dưỡng làm những việc cao ngạo.

Như Kinh Bảo Vân nói:

Phật nói: Thiện nam tử ! Bồ-tát nhận của bố thí trân báu nhiều như núi Tu-di, Bồ-tát cũng nhận của bố thí những vật tệ lậu xấu kém.

Sở dĩ vì sao ? Bồ-tát suy nghĩ như thế này: Do đây mà chúng sinh tham lam tật đố, tiếc vật của mình của người mà thường tranh giành. Do nhân duyên ấy chìm đắm trong biển sinh tử. Ta muốn chúng ở trong đêm dài kia được lợi ích an lạc cho nên thụ của thí của chúng, nhưng cuối cùng không lấy làm của mình, cũng không khởi tâm tham đắm, chỉ vì cúng dường chư Phật pháp tăng, rồi cũng chuyển thí cho tất cả chúng sinh, như kẻ bần khổ được có nuôi thân, cũng làm cho người thí được rất hoan hỷ, đầy đủ như trong kinh ấy nói được thí thì không kiêu mạn.

Kinh ấy lại nói:

Giả sử có người đến đem nhân duyên bố thí ca tụng ngợi khen, người ấy không sinh cao ngạo cũng không kiêu mạn.

Lại nữa, nếu đối với ta ca tụng ngợi khen thì khởi rồi liền diệt không tồn tại lâu.

Giả sử có hai ba lần lúc này lúc khác chỗ này chỗ khác ca tụng ngợi khen thì phải có trí hiểu biết như thế nào ? Là phải biết rằng các pháp vô thường không trụ, không có sức mạnh, làm cho tâm hạ thấp chớ sinh cao ngạo cũng không kiêu mạn. Như vậy, Bồ-tát đối với những sự ca tụng ngợi khen về tiếng tăm lợi dưỡng đều phải trụ nơi chính niệm.

Kinh ấy cũng nói:

Ví như đứa Chiên-đà-la lang thang trên cõi đời tự nghĩ thân phận thấp hèn mà không kiêu mạn, ở đâu cũng nghĩ mình là đứa ăn xin.

Kinh ấy lại nói:

1. Bồ-tát nếu bỏ nhà xuất gia, bị thân bằng quyến thuộc lìa bỏ, nghĩ mình như đã chết rồi, do đó mà đè bẹp được ngã mạn.

2. Đã hủy hoại cái vẻ đẹp đẽ bề ngoài, mặc áo tu, thân hình khác tục, do đó mà đè bẹp được ngã mạn.

3. Cạo bỏ râu tóc, cầm cái bát ăn xin, đi xin khắp nơi không kể người thân hay không thân, do đó mà đè bẹp được ngã mạn.

4. Như đứa Chiên-đà-la hạ tiện đi xin ăn, do đó mà đè bẹp được ngã mạn.

5. Do xin ăn nên được sống thành ra hệ thuộc vào người khác, do đó mà đè bẹp được ngã mạn.

6. Tuy bị người khinh chê là kẻ ăn xin nên cũng được người ta thí cho, do đó mà đè bẹp được ngã mạn.

7. Tôn trọng cúng hiến A-xà-lê, do đó mà đè bẹp được ngã mạn.

8. Oai nghi đi đứng thong thả ngay ngắn khiến người phạm hạnh trông thấy hoan hỷ, do đó mà đè bẹp được ngã mạn.

9. Đối với Phật pháp chưa được, nguyện rồi sẽ được, do đó mà đè bẹp được ngã mạn.

10. Đối với tâm giận dữ, thực hành nhiều nhẫn nhục trong hữu tình, do đó mà đè bẹp được ngã mạn.

Lại nữa Kinh Hải Ý nói:

Nếu Bồ-tát được thân thanh tịnh, đủ tướng trang nghiêm tay chân mềm mại, thù diệu khả ái, được phúc sinh thân, các căn không thiếu, thân phần viên mãn. Nhưng đối với thân hình đẹp đẽ cũng không say mê kiêu ngạo, không lấy sự trang nhã cao sang mà cầu thú vui trong sự chạm xúc. Nếu các chúng sinh có các thứ sắc tướng thì Bồ-tát bấy giờ vì cầu pháp nên khiêm tốn hạ mình cung kính.

Kinh ấy lại nói:

Ví như biển lớn ở vùng đất thấp có các sông ngòi và các dòng chảy đều mau chóng đổ vào.

Thế Tôn ! Bồ-tát kính trọng sư trưởng tâm không làm cao, cũng giống như vậy. Tất cả pháp môn rất sâu và các thiện pháp vi tế mau chóng vào tai.

Thế Tôn ! Cho nên Bồ-tát an trụ chính niệm. Nếu ngã mạn làm cao không trọng sư trưởng, cũng không cung kính lễ bái, phải biết là Bồ-tát đã bị cái móc câu của ma chế ngự rồi.

Lại nữa, như Phẩm xuất thế gian nói:

Phật nói: Phật tử ! Bồ-tát có mười thứ việc ma. Những gì là mười ?

1. Đối với Hòa thượng, A-xà-lê, cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn trụ nơi chính hạnh hướng đến chính đạo mà không khởi tôn trọng, đó là việc ma.

2. Với các pháp sư nói pháp thù thắng, nói pháp rộng lớn, trong Đại thừa biết Niết-bàn đạo, và các khế kinh được tổng trì vương không ngừng nghỉ, thế mà đối với pháp sư không khởi tôn trọng và không làm thiện xảo đối với những gì được nghe, đó là việc ma.

3. Ở trong pháp hội nghe thuyết đại pháp mà đối với pháp sư không khen ngợi không khởi tịnh tín, đó là việc ma.

4. Hay khởi quá mạn, giữ lấy kiến chấp của mình khinh miệt người khác, hiểu biết sai lầm tâm không lựa chọn, đó là việc ma.

5. Hay khởi quá mạn tự không hiểu biết, đối với A-la-hán Bổđặc-già-la thật có đức hạnh mà lại che giấu cho rằng không bằng mình, đáng ngợi khen thì không ngợi khen, đó là việc ma.

6. Biết rõ pháp ấy luật ấy đúng là Phật nói, nhưng vì ghét người mà thành ghét pháp người ấy nói, hủy báng chính pháp rồi thụ trì khác đi, đó là việc ma.

7. Ttự cầu chỗ ngồi trên, cho rằng mình hành đọ pháp không nên gần với những ngứời chấp sự. Đối với bậc kỳ cựu đại đức tu hành phạm hạnh đã lâu, không đứng dậy đón tiếp, đó là việc ma.

8. Cau mày khó chịu diện mào không ôn hòa cung kính, nói năng thô tháo để tâm dò xét lỗi làm, đó là việc ma.

9. Do tăng thượng mạn nên ưa đùa giỡn, không thân cận người có đức, không sinh cung kính, cũng không tư vấn hỏi han cho biết những gì là thiện những gì là bất gthiện, những gì nên làm những gì không nên làm. Lại nữa làm những gì thì trong đêm dài được lợi ích an lạc. Lại nữa làm những gì thì trong đêm dài không được an lạc lợi ích. Si mê u tối hung hiểm là do tăng thượng mạn níu giữ không cho ra nơi sáng suốt, đó là việc ma.

10. Do tăng thượng mạn che khuất, dẫu Phật ra đời cũng lại xa lìa, làm hư hoại thiện căn đời trước, hoàn toàn không khởi cái mới, nói những điều không nên nói gây nhiều đấu tranh. Nghĩa là pháp hành này trở lại thành chỗ sa vào tà ác lớn. Đối với tâm Bồ-đề, căn, lực, thánh tài, đây đều không đạt được, trong trăm ngàn kiếp thường không gặp Phật huống chi là nghe pháp.

Đó là mười thứ việc ma.

Phật nói: Phật tử ! Bồ-tát bỏ mười thứ việc ma này sẽ được mười thứ nghiệp trí tuệ.

Luận nói:

Trong đây nghiệp trí tuệ là nói khéo trụ trong việc hóa độ tất cả chúng sinh.

Kinh Hộ Quốc nói:

Người kia đọa vào tội ác Miệt-lệ-xa, sinh nơi biên địa bần cùng hạ tiện, mù lòa câm điếc, đần độn không có oai đức, gần gũi kẻ ngu mê chấp trước ngã mạn.

Lại như Kinh Pháp Tập nói:

Nghĩa là các Bồ-tát muốn có cõi Phật thì lấy cõi chúng sinh làm cõi Phật. Do đó được các Phật pháp. Không hoại chính pháp, nghĩa là thiện hạnh, ác hạnh, không hạnh nào không y chỉ vào chúng sinh mà chuyển. Cho nên người làm ác dựa vào tội ác khởi. Người làm thiện dựa vào nhân thiên v.v…

Kinh Bảo Quang Minh Đà La Ni nói:

Phật nói: Phật tử ! Bồ-tát sơ phát tâm này trước đối với tất cả chúng sinh phát mười thứ tâm. Những gì là mười ? Đó là tâm lợi ích, tâm an lạc, tâm thương xót, tâm nhuận trạch, tâm ái lạc, tâm nhiếp thủ, tâm bảo vệ, tâm bình đẳng, tâm dạy dỗ, tâm ngợi khen. Mười thứ phát tâm này là để đi vào sức tin hiểu.

Kinh Tài Ấn nói:

Ta đã được tất cả chúng sinh làm đệ tử, lại khiến các chúng sinh ấy được tất cả chúng sinh làm đệ tử, cho nên đều được an ổn. Nói tóm lại, ta đã trước trụ tâm nơi cung kính lễ bái, rồi cũng giáo hóa tất cả chúng sinh phải trụ tâm nơi cung kính lễ bái.

Lại nữa Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết nói:

Nếu lạc thuyết thế gian thanh tịnh không khó thì tùy chỗ hóa độ điều phục tất cả hữu tình sinh về cõi Phật thanh tịnh.

Luận nói:

Nếu ngồi xổm rửa chân suy nghĩ nên làm sao có thể yêu thích tôn trọng ?

Cho nên Kinh Hoa Nghiêm nói:

Bấy giờ có một ông vua tên là Pháp Âm Cái ở trong đại chúng ngồi tòa sư tử, có nhiều người đồng thời chấp tay đứng trước mặt cung kính làm lễ nhà vua. Cho đến khi ấy vua Pháp Âm Cái trông thấy các người đi xin, sinh đại hoan hỷ và rất thương xót.

Giả sử trong ba ngàn cõi đều là Chuyển luân thánh vương trải vô số kiếp được các diệu lạc quá hơn trước nói, cho đến vua trời Tịnh Cư tròn số kiếp không giới hạn tu hành pháp môn tịch tĩnh giải thoát cũng quá hơn trước nói, thiện nam tử ! Ví như có người chỉ thực hành yêu thương nuôi dưỡng cha mẹ anh em chị em bạn bè nam nữ thê thiếp, một thời gian lâu chia cách sau tình cờ gặp nhau ở một nơi hoang dã cùng nhau an ủi hỏi han, cực kỳ yêu mến quý trọng nhìn nhau không rời.

Thiện nam tử ! Vua Pháp Âm Cái này cũng như vậy, trông thấy các người đến xin rất yêu thích tâm sinh hoan hỷ,phát sinh vô cùng hy hữu, cho đến đối với những người đến xin này tưởng như con mình, sinh tưởng như cha mẹ, sinh tưởng như phúc điền, tưởng như thiện tri thức, tưởng như sức kiên cố, tưởng như rất khó được gặp, tưởng như làm được việc khó làm, tưởng như làm nhiều, tưởng như đã hoàn thành được việc cao tột, tưởng như trụ gần đạo Bồ-đề, tưởng như được A-xà-lê răn dạy. Nếu như những người đến biết chỗ thừa sự của tính chúng sinh thì bình đẳng không ngại xả bỏ tất cả, dẫu bỏ thân mình cho ý muốn của chúng, như lau chùi làm cho nơi ấy sạch sẽ trang nghiêm xả bỏ sự lợi lạc của riêng mình v.v… Luận nói:

Nếu chủ nhân là tịnh tín thì người hầu hạ kẻ tùy tùng cũng phải có lòng tin thanh tịnh, dạy dỗ đầy đủ lợi ích. Phải có ý nghĩ như vậy. Từ trước đến nay mỗi khi Tì-kheo có bệnh, xưa Phật Thế Tôn còn làm việc giúp đỡ.

Như Tì Kheo Tạp Tụng Luật nói:

Phật nói: Phật tử ! Người chớ nên ghét bỏ Tì-kheo bệnh này. Ta là bậc tôn quý trong hàng Tì-kheo mà còn phục vụ giúp đỡ, cầm y áo cho Tì-kheo bệnh này cho đến giặt giũ tắm rửa.

Nghe Phật nói thế, bấy giờ Cụ-thọ A-nan-đà bạch Phật rằng: Thế Tôn ! Như Lai chớ nên giặt y cho Tì-kheo bệnh này, vì nó che đậy đồ bất tịnh. Xin để con giặt.

Phật bảo A-nan: Ông hãy giặt y cho Tì-kheo bệnh này. Như Lai sẽ tự tay dội nước cho.

Bấy giờ Cụ-thọ A-nan-đà giặt y cho Tì-kheo bệnh, trong khi Như Lai tự tay dội nước v.v… Rồi Cụ-thọ A-nan-đà nói với Tì-kheo bệnh: Được rồi ! Thầy nên ngồi dậy, tôi sẽ đưa thầy ra ngoài tắm rửa.

Trong khi tự tay dội nước, Như Lai nói với A-nan bài kệ rằng:

Ông phục vụ rộng lớn,

Giúp đỡ sinh hoan hỷ.

Đừng ưu khổ tổn não

Mà lìa bỏ chúng sinh.

Nếu người tịnh tín này,

Thành tựu ruộng phúc tốt,

Sở hữu trong thế gian,

Chẳng ngoài các chúng sinh,

Ví như ý, hiền bình,

Muốn rượu, sữa, nước ép,

Tôn trọng lời chư thiên,

Cho nên sinh cung kính.

Giống như cô dâu mới,

Làm việc quên nghỉ ngơi.

Cứu vô lượng chúng sinh,

Rồi sau mới giải thoát.

Nếu hiện tiền tôn trọng,

Cung kính đội trên đầu.

Chúng sinh trong búi tóc,

Nhất tâm không dám động.

Dẫu đọa ngục A-tì,

Nếu nay tạo, phải tạo.

Cửa cứu độ rộng lớn,

Tu hành thiện như vậy.

Tự ngã là chủ tể,

Nghĩa ngã không thể được.

Với các tạo tác kia,

Không bi mạn sai khiến.

Hỷ lạc tịnh các căn,

Khổ nên vào phiền não.

Do hỷ, mặc các căn

Vì làm hóa độ này.

Chúng sinh nếu tại khổ

Toàn thân như lửa cháy

Tâm vui theo các dục,

Có phương tiện thương xót.

Thương những kẻ tạo khổ,

Nên ta cầu khổ đây.

Nếu mệt mỏi nhẫn chịu,

Nếu tội phải sám hối.

Dẫu ở nơi Thế Tôn,

Đầu chân đều tan hoại.

Ta bỏ các thế gian

Vì phụng sự Như Lai.

Ta tạo các chúng sinh,

Thương xót không nghi hoặc.

Thấy những người như vậy,

Mà sao không tôn kính ?

Ta phụng sự Như Lai,

Chính thành nơi tự lợi.

Vì trừ khổ thế gian,

Nên ta giữ tịnh giới.

Giả như có người mạnh,

Xô ngã cả đám đông.

Nguyện luôn thấy chúng sinh,

Không bị ai làm được.

Lại nếu đám người mạnh,

Thế lực đều như vua,

Huống không uy như vậy,

Sao có thể trị phạt.

Dẫu gặp thời bạo chúa,

Quan cai trị, ngục tốt,

Ra sức tâm bi mẫn,

Cứu giúp các hữu tình.

Quá giận thì làm gì ?

Thà đồng địa ngục khổ.

Nếu bức não chúng sinh,

Tạo ra cũng phải chịu.

Đại hỷ thí cái gì ?

Lẽ đâu cho chính giác.

Nếu hoan hỷ chúng sinh,

Tạo đây cũng phải chịu.

Ngươi sau sẽ thành Pật,

Ra cứu độ chúng sinh.

Sao không tạm quán tưởng,

Hiện tiền trụ xưng tán.

Nguy nga thân thanh tịnh,

Và tuổi thọ dài lâu.

Rồi được nhẫn sinh tử,

Diệu lạc Chuyển luân vương.

Nếu từ tâm cúng dường,

Là Đại thân chúng sinh.

Do Phật tịnh phúc báo,

Là Phật bậc Đại thân.

Luận nói:

Tu từ tâm quán, như Kinh Nguyệt Đăng nói:

Cho đến cúng dường vô lượng vô số trăm ngàn vạn ức không thể đếm kể ca-la, tần-bà-la các cõi Phật, cúng dường như vậy rồi, không bằng dùng một từ tâm như vậy lần lượt cúng dường cung kính, thường được xa lìa sự làm cao ngạo và tác ý không đúng lý.

Luận nói:

Giải thích về người có nhất tâm, như Kinh Bảo Vân nói:

Thiện nam tử ! Thế nào là Bồ-tát tác ý không đúng lý ? Nghĩa là Bồ-tát này một mình ở chỗ nhàn tĩnh không tạp loạn mà có ý nghĩ như thế này: Ta do một mình ở chỗ vắng vẽ yên tĩnh không tạp loạn cho nên chì một mình ta có thể thuận theo pháp luật của Như Lai. Còn các ông Tì-kheo, Bà-la-môn v.v… đều ở nơi tạp loạn, đa số tham đắm nghiệp luân hồi, không thể tùy thuận pháp luật của Như Lai. Đó là Bồ-tát có tác ý không đúng lý.

Kinh ấy cũng nói:

Khi Bồ-tát khởi tinh tiến, đối với sự tinh tiến này không chống lại giáo hối, nghĩa là không tự khoe khoang cái đức của mình, cũng không miệt thị người khác. Như vậy gọi là thiện tuệ phát sinh, tự mình tu tập mà cũng cầu hối ngứời khác. Bồ-tát như vậy là được khiêm hạ tinh tiến.

Luận nói:

Đây đã lược nói về sự hộ thụ dụng phúc. Nếu hồi hứớng Bồ-đề thì như Kinh Vô Tận Ý nói:

Phật nói: Xá-lợi tử ! Nếu người đem chút ít thiện căn hồi hướng Bồ-đề, cho đến khi ngồi Bồ-đề đạo tràng không bị tan mất. Ví như một giọt nước rơi vào biển lớn, cho đến kiếp số không cùng tận cũng không mất.

Phẩm 8: HỌC XỨ VỀ THANH TỊNH 1

Luận nói:

Nói về hộ thân có 3 thứ thanh tịnh. Nay sẽ nói nghĩa này. Thế nào là thân mình thụ dụng thanh tịnh đều được an ổn ? Nếu người nào nơi thân thị hiện ẩm thực thanh tịnh thì thành thục chính đẳng Bồ-đề.

Như Kinh Bí Mật Đại Thừa nói:

Lại nữa Bồ-tát ở trong một thành lớn hoặc trong một nơi hoang dã có vô số trăm ngàn chúng sinh ở trong đó mà Bồ-tát Ma-ha-tát hiện tướng chết với một thân chúng sinh trong cõi bàng sinh to lớn đủ cho chúng ăn thịt xác thân. Sau khi mạng chung được sinh cõi trời và các nẻo thiện. Do nhân duyên đó cho đến sau cùng nhập Niết-bàn. Đó gọi là nguyện đời trước thanh tịnh của Bồ-tát.

Ở trong đêm dài sinh tử này báo đáp nguyện đời trước làm việc lợi ích, đến khi lâm chung khiến ăn thịt xác thân, do nhân duyên đó được sinh cõi trời, cho đến cuối cùng nhập Niết-bàn. Nghĩa là nếu thành tựu trì giới, thành tựu tư duy, thành tựu chỗ mong cầu, nguyện đời trước là như vậy.

Kinh ấy lại nói:

Hiện ánh sáng pháp thân vì các chúng sinh làm việc lợi ích, Tịch Huệ phải biết, ví như vị y vương cứu đời gom các thứ thuốc tốt, giã rây hòa hợp làm thành hình một người nữ đẹp đẽ ai cũng thích nhìn, đi đứng ngồi nằm đoan chính mà hay làm các việc bố thí. Có các quốc vương, vương tử, đại thần, quan trưởng, trưởng giả, cư sĩ đến nơi vị y vương cứu đời này, thì người nữ được tạo thành bởi các thứ thuốc tốt này tiếp đón hầu hạ. Do tiếp đón hầu hạ mà tất cả đều được nhẹ nhàng an ổn được hết bệnh khổ.

Phật bảo Tịch Huệ: Ngươi hãy quan sát vị y vương cứu đời này trồng sâu diệu lạc trừ bệnh cho thế gian mà các y sư đều không có trí như vậy.

Tịch Huệ ! Bồ-tát hiện ánh sáng pháp thân cũng như vậy. Cho đến nam tử nữ nhân, đồng nam đồng nữ và các chúng sinh bị tham sân si đốt cháy nung nấu khắp thân. Nếu trong khoảnh khắc một cái khảy móng tay tất cả phiền não xa lìa sự thiêu đốt thì thân được an ổn nhẹ nhàng. Đó gọi là nguyện đời trước của Bồ-tát cực kỳ thanh tịnh.

Luận nói:

Ý nghĩa thanh tịnh của thân đây, ví như cây lúa bị cỏ bao phủ không tươi tốt được. Đó là mầm Bồ-đề bị phiền não phủ che cũng không phát triển. Nếu không tư duy đối trị, làm sao có thể giải thoát, khiến được phát triển. Ngươi hãy nhất tâm quan sát kỹ các thế gian. Tội nghiệp thanh tịnh thì thân này thanh tịnh, gọi là chính giác.

Lại nữa về người tội thanh tịnh, Kinh Tứ Pháp nói:

Phật nói: Từ Thị ! Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu bốn pháp, thì diệt được các tội lỗi tích tụ do trước tạo ra. Những gì là bốn ?

1. Sám hối tội lỗi, thực hành đối trị, sức ngăn chận, sức y chỉ. Lại nữa, sám hối tội lỗi là cải hối những nghiệp bất thiện đã làm.

2. Thực hành đối trị đã tội tội bất thiện rồi giờ đây phải tạo nhiều thiện nghỉệp, và đối đãi bằng các việc lợi ích.

3. Ngăn chận, tức do đọc tụng cấm giới nên không bị hủy phạm.

4. Sức y chỉ, nghĩa là quy y Phật pháp tăng bảo, cũng không hủy bỏ tâm Bồ-đề. Do có thể y chỉ sức này nhất định diệt được các tội kia.

Phật nói: Từ Thị ! Đó là Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu bốn pháp diệt các tội lỗi đã tạo tích tụ từ lâu.

HẾT QUYỂN 10