LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 8

Phẩm 5: TẬP HỢP LÌA CÁC CHƯỚNG NẠN VỀ HỌC GIỚI 2

Lại nữa Kinh Hư Không Tạng nói:

Ví như âm thanh vào trong khe hở. Bồ-tát cũng vậy, nếu tâm có khe hở thì ma sẽ lợi dụng kẽ hở đó. Cho nên Bồ-tát làm cho tâm thường không có kẽ hở. Nếu tâm không kẽ hở thì các tướng viên mãn và viên mãn tính không.

Luận nói:

Huống chi các tướng lại viên mãn, tức hạnh Bồ-đề. Cũng không bỏ tu tập quán các tính không, rộng như Kinh Bảo Kế nói.

Lại nữa, như Kinh Vô Tận Ý nói:

Nghĩa là muốn phát khởi đoạn trừ pháp ác bất thiện, nói kia lại có các tâm tán loạn. Tam-ma-địa uẩn là thực hành đối trị, nói đây là Tam-ma-địa phần, cho đến là pháp ác bất thiện.

Phẩm 6: HỌC XỨ VỀ HỘ THÂN 1

Đây nói về việc xa lìa hư vô quả lợi.

Làm sao làm được ? Thường chính niệm thì được xa lìa hư vô quả lợi. Tức là nói không trái sự dạy bảo của Như Lai, giữ gìn quả báo, tôn trọng chính niệm, trong tất cả thân không động tự tính, an trụ chính niệm lợi ích chúng sinh, tùy theo chỗ làm, kiên cố chính niệm, thấy các người trí thì vui vẻ đối với việc họ làm, không động chính niệm, chẳng sợ thì giờ.

Với thân thuộc thì giữ lễ nghi chế độ.

Với bản thân thì giải thoát, chính niệm.

Với bốn oai nghi thì kiểm sát chính niệm.

Với oai nghi thì yên ổn ngay thẳng, giữ gìn không loạn, đủ sức chính niệm.

Khi nói cười, cẩn thận chớ lớn tiếng. Cử chỉ dung mạo thì đoan chính nhã nhặn, thành khẩn nghiêm túc giữ chính niệm.

Nếu nghe người nói thì biết tiếng người kia không cao không thấp một tiếng chính niệm cùng thực hành với người học chớ đi chỗ khác làm cho người sinh sợ hãi mà sinh lầm lỗi. Tự tâm cung kính làm cho người sinh tịnh tín. Gìn giữ tâm chính niệm như giữ con voi say, thường dùng Xa-ma-tha cột giữ lại. Đó là chính niệm.

Trụ nơi quan sát phải chiếu soi cái tâm ấy, đó là chính niệm. Ở trong chúng dồi dào phong phú, xả lìa các việc khác, gìn giữ một tâm niệm như đã nói. Đó là chính niệm.

Người thành tựu được chính niệm như vậy gọi là xa lìa hư vô quả lợi. Lại nữa, đối với chính niệm này rất được tôn trọng. Sự tôn trọng ấy, tất cả quan sát sự khinh chê hủy báng là sở đối trị, như vậy biết tôn sùng này rồi thì có sự bình đẳng rộng lớn.

Sao gọi là bình đẳng ?

Kinh Vô Tận Ý nói:

Xa-ma-tha, thế nào là Xa-ma-tha vô tận ? Nếu tâm không loạn gọi là tịch cận, tịch mật. Giữ gìn các căn tính không cao ngạo. Khéo giữ sâu sự cẩn mật không dao động. Chỉ một cảnh tính vô sinh vô tác, riêng ở nơi vắng lặng yên tĩnh xa lìa ồn ào, thân xa lìa chuyện vui chơi, tâm không loạn động, ý ưa trống vắng cũng không tìm cầu việc ác, cho đến giữ gìn oai nghi, biết thời biết lượng và biết dừng đủ, dễ dưỡng thành dễ viên mãn.

Luận nói:

Thế nào là đối với tôn trọng bình đẳng mà không thể sinh trí như thật ? Nghĩa là quá khứ Mâu-ni đã nói nếu nơi Tam-ma-hứ-đa tức biết là như thật.

Như Kinh Pháp Tập nói:

Nơi tâm đẳng dẫn, thấy được như thật. Thấy như thật là Bồ-tát ở nơi chúng sinh chuyển tâm đại bi, ta được pháp môn Tam-ma-địa như vậy, đối với tất cả pháp đều thấy như thật, vì thành tựu tất cả chúng sinh đem đại bi huân tu tăng thượng giới định tuệ học viên mãn, chứng thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Cho nên ta đối với tịnh giới khéo an trụ không động, được không mệt mỏi.

Luận nói:

Xa-ma-tha này đối với tự tha tôn quý đều bình đẳng, siêu vượt vô lượng tội khổ, được vô lượng phú lạc thế gian xuất thế gian. Ta phải đến họ thỉnh cầu phát ý siêng năng tu tập, đến ngôi nhà đang cháy mà xin được nước cứu hỏa, rất được tôn trọng. Các đệ tử tu học phải trụ nơi hành tướng chính niệm như vậy. Cận chính niệm thì được xa lìa việc vô quả lợi. Nếu người xa lìa vô quả lợi thì nạn kia không sinh. Cho nên muốn giữ gìn thân, phải suy tìm gốc của niệm vì gần với chính niệm.

Kinh Tối Thượng Thụ Sở Vấn nói:

Bồ-tát tại gia nói người không ham vui đắm trước đối với các thứ rượu gạo, rượu trái cây, rượu mía và những nơi phóng dật thì không say sưa, không li bì, không ồn ào náo động cũng không quên mất, không cuồng loạn cao ngạo và lời ác mắng nhiếc v.v… vì do cận trụ chính niệm chính tri.

Kinh ấy cũng nói:

Bồ-tát xuất gia chính niệm chính tri mà không tán loạn.

Lại nữa Kinh Bảo Kế nói:

Nếu chính niệm thì tất cả phiền não không sinh. Nếu chính niệm thì tất cả việc ma đều không được tự tiện. Nếu chính niệm thì không thể rơi vào tà đạo ác đạo. Nếu chính niệm thì như người trấn thủ cửa ải, tất cả các pháp tâm tâm sở bất thiện đều không thể xâm nhập. Đó là nói về chính niệm chính tri.

Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa nói:

Đi biết là đi, đứng biết là đứng, ngồi biết là ngồi, nằm biết là nằm. Đối với thân đó là chính tri. Cho đến không trái với hạnh chính tri, nghĩa là có thể quan sát không thể quan sát, mặc y cầm bát, hoặc uống hoặc ăn hoặc ngủ hoặc thức, và với mỏi mệt, lấy bỏ, co duỗi, đi lại, đứng ngồi, nói nín v.v… đều an ổn tu hạnh chính tri.

Luận nói:

Giới và định thành tựu cho nhau.

Như Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói:

Nghĩa là công năng thanh tịnh vô cấu của giới này mau chóng được đẳng trì. Do định nhập vào thì tương ưng với giới cũng nhập vào. Cho nên do giới chính niệm chính tri được Tam-ma-địa. Do Tam-ma-địa nhất tâm cho nên được tịnh Thi-la.

Kinh ấy cũng nói:

Trong công năng thiền định được trụ trong vô hành cũng phi vô hành. Vì tương ưng với hành nên xa lìa cảnh giới. Vì không cảnh giới nên không khởi tập nhiễm. Như vậy là làm xong việc bảo hộ chặt chẽ cửa ngõ các căn.

Luận nói:

Đây là do tâm hoàn thành việc tu tập. Giới và định hai thứ đan vào nhau tăng trưởng. Đây là nói cái học của Bồ-tát làm lợi ích chúng sinh. Nghĩa là lấy sự hoàn thiện cái tâm làm căn bản.

Cho nên Kinh Bảo Vân nói:

Biết tất cả pháp đều dựa vào tâm.

Tâm là dẫn đường đi trước nên duyên khắp các pháp. Lại nữa thế gian do tâm quyết định mà không thấy chỗ sở duyên của tâm.

Tâm làm cho nghiệp thanh tịnh, nếu thanh tịnh rồi thì tâm không lưu chuyển.

Tâm không lưu chuyển tức tâm như ngọn lửa cháy, như dòng nước chảy xiết. Như vậy tâm có thể quan sát khắp thì được trụ chính niệm, tâm không duyên khắp thì tâm được tự tại.

Tâm tự tại nên đối với tất cả pháp tự tại.

Lại nữa Kinh Pháp Tập nói:

Nghĩa là nếu có pháp thì pháp không có nơi chốn cũng không có phương phần, tức đã là tự tâm tức là pháp được tôn kính, tức gọi là pháp. Cho nên ta khiêm kính tự tâm, xây dựng cực kỳ thù thắng, phải biết khéo phát khởi sự nhiếp thụ này.

Sở dĩ vì sao ? Nghĩa là nếu ở nơi tâm có công đức tội lỗi này, không công đức tội lỗi này, Bồ-tát đối với hai thứ tâm ấy chỉ cầu làm xong công đức mà không tạo tội lỗi. Nói tâm như vậy là pháp được tôn kính. Pháp được tôn kính tức là Bồ-đề.

Thế Tôn ! Con đối với pháp ấy khai diễn thành tựu chính giác an ổn như vậy.

Lại nữa Kinh Hoa Nghiêm nói:

Nghĩa là nơi tự tâm xây dựng tất cả hạnh Bồ-tát, tự tâm xây dựng việc độ thoát tất cả chúng sinh. Cho đến, thiện nam tử ! Nơi tự tâm ta phải an trụ như vậy. Phải biết tự tâm đầy đủ tất cả thiện căn. Phải nơi tự tâm trị sạch Pháp vân địa. Phải nơi tự tâm kiên cố pháp không chướng ngại.

Lại nữa như Thiện Tài khuyên tu tinh tiến muốn thấy Ma-da phu nhân, thấy chủ thành thần tên là Bảo Nhãn, dạy dỗ nhiêu ích nói như thế này:

Thiện nam tử ! Phải giữ gìn tâm mình như bảo vệ thành trì, nghĩa là xua đuổi tất cả cảnh giới sinh tử luân hồi.

Phải trang nghiêm thành trì tâm của mình, nghĩa là chuyên tâm cầu đến mười lực của Như Lai.

Phải trị sạch thành trì của tâm, nghĩa là rốt ráo đoạn trừ xan tham tật đố nịnh bợ lừa gạt.

Phải tăng trưởng thành trì của tâm, nghĩa là tăng trưởng hạnh đại tinh tiến cầu nhất thiết trí.

Phải phòng hộ thành trì của tâm, nghĩa là đập nát bánh xe ma, ngăn cản tất cả chúng ma phiền não và ác tri thức. Mở rộng lớn thành trì của tâm, nghĩa là dùng đại bi phồ cập tất cả thế gian.

Phải che mát thành trì của tâm, nghĩa là dùng cái lọng rộng đại pháp đối trị các pháp bất thiện.

Phải bảo hộ chặt chẽ thành trì của tâm, nghĩa là ngăn tất cả sở hữu trong ngoài thế gian không cho xâm nhập.

Phải giữ nghiêm túc thành trì của tâm, nghĩa là muốn xua đuổi các pháp bất thiện.

Cho đến, thiện nam tử ! Do Bồ-tát tịnh tu được thành trì cùa tâm như vậy thì có thể tích chứa tất cả thiện căn.

Sở dĩ vì sao ? Do Bồ-tát tịnh tu thành trì của tâm nên không có các chướng ngại, nghĩa là hiện tiền không trụ, hoặc duyên Phật duyên nghe pháp v.v… Luận nói:

Cho nên trụ nơi Bồ-tát học này, đối với tâm hành được tâm không động v.v…Không động ngoại cảnh, không khởi vọng niệm bất chính tri, nghĩa là đối với Tam-ma-hứ-đa tâm kia loạn động, hoặc đối với cảnh khác mà có phan duyên, nếu được chính niệm chính tri thì ngoại cảnh không chuyển, vì kia tự tại không một phan duyên, cho đến cầu kia an trụ như trước đã nói công dụng rộng lớn làm lợi ích giải thoát chúng sinh, được tu tịnh tín như vậy.

Thế nào là được nhất thiết xứ ? Hy vọng nhuận trạch không gấp không hoãn, dạy phúc hạnh này không bỏ chúng sinh. Nói không bỏ chúng sinh tức là làm hạnh Bồ-tát.

Như Kinh Pháp Tập nói:

Bồ-tát Hỷ Kiến bạch Phật rằng: Thế Tôn ! Bồ-tát dùng hạnh như vậy, chúng sinh thấy đều sinh vui mừng hoan hỷ.

Bởi vì sao ? Thế Tôn ! Bồ-tát chỉ có việc làm duy nhất là hóa độ chúng sinh không làm việc gì khác.

Thế Tôn ! Đó gọi là Bồ-tát pháp tập.

Luận nói:

Như vậy lại tạo lỗi lầm gì ư ?

Nghĩa là khinh chê hủy báng chư Phật và khinh thế gian đọa trong địa ngục như tro nóng phủ lúa non, đốt cháy nung nấu, cẩn thận chớ nên khinh chê hủy báng, như trước đã nói nhiều.

Tạo quả báo này như Kinh Bảo Vân nói:

Khinh chê hủy báng giới cấm, không sinh tịnh tín, nhất tâm xả bỏ các chúng sinh v.v….

Lại như kia nói thế nào là học xứ của Bồ-tát ?

Cho đến vì các Bồ-tát không đi đến nơi không nên đi, không nói không phải lúc, biết thời biết phương, nếu không như vậy tức làm cho chúng sinh không khởi tịnh tín. Huống chi là hộ trì chúng sinh và vì oai nghi đạo hạnh của thân mình cầu lợi ích Bồ-đề, đầy đủ viên mãn sự vui mừng điều hòa nhu thuận, đối với hiện tiền hợp tập không nhiều chấp trước.

Lại nữa Kinh Pháp Tập nói:

Nếu hộ trì cấm giới tức hộ trì các chúng sinh nên sợ phương kia. Nghĩa là ở nơi nhà người nữ chớ cùng ở nơi vắng vẻ, bảo hộ thế gian không cho phép cố làm. Lại nếu sử dụng dưới nước trên đất v.v.. những vật đại tiểu tiện, đờm dãi đồ khạc nhổ vật bất tịnh phải bỏ nơi kín đáo vắng vẻ, có tâm lợi ích bảo hộ trời người không cho phép cố làm.

Kinh Chính Pháp Niệm Xứ nói:

Bồ-tát còn không dùng đồ ăn thừa thí cho người khác. Nếu cố vất bỏ đồ thừa sẽ đọa vào loài ngạ quỷ.

Lại nữa Kinh Bồ Tát Biệt Giải Thoát nói:

Hướng đến thanh tịnh, không nên vất tăm xỉa răng trước người khác, cũng không trước người khác khạc nhổ đờm dãi. Như vậy là biết xấu hổ đối với người tôn trọng. Tất cả những chỗ thấy đó đều là chẳng phải phạm hạnh.

Rốt lại kinh nói:

Người tu phạm hạnh thấy nghĩa này rồi sợ phải tội nặng. Lại như kinh ấy nói không nên nói lớn tiếng, nói lớn tiêng cũng không phải phép tắc.

Như Kinh Phạm Thiên Sở Vấn nói:

Phải biết Bồ-tát như người phụ nữ mới về làm dâu.

Lại nữa, Kinh Bồ Tát Biệt Giải Thoát nói:

Xa lìa những điều mà người thế gian không thích làm, như là không ăn đầy miệng, không ăn nhai ra tiếng, không ngồi sải chân, không để hở nách.

Luận nói:

Như vậy tự phải xa lìa. Người thấy nghe rồi, không vui vẻ giữ gìn. Lại nữa bỏ đi chẳng muốn nói chuyện cũng chẳng hỏi, tùy theo nghĩa có thể thấy mà hiểu.

Cho nên Kinh Hải Ý nói:

Không nói lời yếu ớt, không nói lời thô bạo, không nói lời nóng nảy, không nói lời không thật, không nói lời tham thuận thấp hèn, không nói lời thấp hèn, không nói lời che giấu, không nói lời sân hại, không nói lời động loạn, không nói lời đùa cợt, không đối mặt nói lời đấu tranh.

Lại nữa Kinh Như Lai Bí Mật nói:

Lại nữa thiện nam tử ! Bồ-tát không nói lời ái trước, lời bạo ác, lời si loạn, lời nhiễm ô, lời ghi nhớ thiếu sót, lời tự mình cao cường, lời ly tán kẻ khác, lời tự khen công năng của mình, lời phá hoại công năng kẻ khác, lời không cứu giúp, lời ghi nhận tăng thượng mạn.

Kinh Thập Địa cũng nói như vầy: Nghĩa là nếu phát ngôn vui cho quyến thuộc mình mà phá hoại quyến thuộc kẻ khác thì hãy dứt bỏ những lời nói như vậy.

Nghĩa là phải phát ngôn dịu dàng mềm mỏng đẹp ý dễ nghe, vui vẻ rõ ràng không sai lầm, người nghe hiểu thấu, nhiều người ưa thích hoan hỷ. Bình đẳng ngợi khen lợi ích an vui tất cả chúng sinh, quyến thuộc mình và người đều vui mừng phấn khởi, diệt tham sân si tất cả phiền não. Hành tướng như thế nếu phát ngôn cho đến đối với người, trước nên tươi cười nên trừ tổn hại

Lại nữa, Kinh Hư Không Tạng nói:

Vì bậc tôn trưởng mà nói thì suy nghĩ kỹ càng, vì người mà nói thì không che giấu. Phải vui vẻ tiếp thụ những lời như vậy.

Kinh Pháp Tập nói:

Phật bảo Bồ-tát Hư Không Tạng rằng: Bồ-tát không nói lời nói khiến người sinh giận, không nói lời nói khiến người sinh phiền não, không nói lời nói khiến người không hiểu biết, không nói lời nói khiến người vô ích, không nói lời nói khiến người không sáng suốt, không nói lời nói khiến chúng sinh không hoan hỷ vui thích. Bồ-tát không nên nói những lời nói như vậy.

Lại nữa, Kinh Hải Ý nói:

Lược nói đối với người không sinh hỷ hộ rằng lại có một pháp nhiếp thụ Đại thừa. Nghĩa là tự mình lầm lỗi mà thường quan sát, đối với các chúng sinh tùy chỗ có thể bảo hộ giữ gìn.

Luận nói:

Sự hộ thân này không làm não hại người khác. Và như vậy người khác cũng không làm não hại ta.

Ở đây luận về sự tích tập lợi ích rộng lớn của Bồ-tát. Phải biết thường giữ ý này. Tức là yên tĩnh, không động, tôn trọng, yêu thích, hổ thẹn, sợ sệt đối với sự tịch tĩnh của người khác. Một lòng thân cận và thường tự tại đối với chúng sinh. Những sự tịnh tín v.v… hoặc biến hoặc hóa hãy giữ như ý này. Sự hộ thân làm sao không có thuốc thang và quần áo. Thuốc thang gồm có hai thứ là thuốc dùng thường xuyên và thuốc dùng vì bệnh.

Thuốc dùng thường xuyên là như Kinh Bảo Vân nói:

Cho nên người đi khất thực phải chia làm bốn phần, một là phân chia cho người đồng tu phạm hạnh, hai là thí cho người nghèo khổ, ba là cho ngạ quỷ súc sinh, bốn là phần cho mình ăn. Nhưng trong khi ăn uống chớ khởi tâm ham muốn, cũng không cầu nhiều, cho đến nuôi cho bản thân có sắc lực. Xem sự ăn uống là để không mệt mỏi, không làm cho thân nặng nề.

Sở dĩ vì sao ? Người mệt mỏi thì đối với cái vui của thiện phần này sau hoặc bị thân nặng nề và hay buồn ngủ. Phải biết những người khất thực như thế này hiện tiền được thiện phần như vậy.

Kinh Bảo Tích nói:

Nếu Tì-kheo vào thành phố làng xóm khất thực, nên dùng pháp trang nghiêm mà đi khất thực.

Sở dĩ vì sao ? Nghĩa là nếu thấy sắc khả ái hay không khả ái, thấy rồi không nên khởi ý trái hay thuận. Cũng vậy, thanh, hương, vị, xúc, pháp khả ái hay không khả ái, thấy rồi đều không nên khởi ý trái hay thuận.

Phải nhiếp giữ các căn khiến không tán loạn, nhìn chăm chú phía trước khoảng một tầm, không bỏ tác ý pháp đang tư duy. Không lấy cái ăn che lấp cái tâm mà đi khất thực. Nếu nơi được thức ăn không sinh đắm trước. Nơi không khất thực được không sinh giận. Nếu đi đến mười nhà hoặc quá mười nhà mà không khất thực được chớ sinh buồn rầu. Trong tâm phải nghĩ rằng các trưởng giả và Bà-lamôn này vì bận nhiều việc không thí thực cho ta, cho đến chưa từng nhiếp thụ nơi họ huống chi là thí thực cho ta. Như vậy người đi khất thực sẽ không sinh buồn rầu.

Lại nữa khi khất thực thấy có chúng sinh hoặc nam hoặc nữ, đồng nam đồng nữ cho đến súc sinh phải khởi tâm từ bi.

Nếu các chúng sinh thấy ta hành khất và thí cho ta bữa ăn thì đều sẽ sinh thiên.

Nếu được thức ăn ngon dở, nhận rồi nhìn xem bốn phía người bần cùng trong thành phố làng xóm này, ta sẽ dùng thức ăn này phân chia cho họ.

Nếu thấy có người bần cùng thì sẽ phân chia cho họ.

Nếu không thấy có người bần cùng cũng phát tâm này: Ta đã chân thật quan sát các nơi xem chúng sinh, ta sẽ thí cho các thức ăn trung thượng vị đã khất thực được.

Rồi mang thức ăn đi đến A-lan-nhã, người tu hạnh đầu-đà rửa tay chân sạch sẽ, đầy đủ nghi thức của Sa-môn, oai lực gia trì ngồi kết già mà thụ thực.

Trước khi ăn nghĩ rằng: Trong thân này có tám vạn trùng cùng được bữa ăn này đều được an ổn. Ta nay dùng bữa ăn này nhiếp thụ cho các trùng. Ta được Bồ-đề lại dùng pháp hóa độ. Nếu không đủ thì phát tâm như vầy: Nếu ăn thiếu thì thân ta được nhẹ nhàng, bớt đi đại tiểu tiện, dứt các tội lỗi, thân tâm nhẹ nhàng yên ổn, lại ít buồn ngủ.

Cho đến khất thực được nhiều thì phần khất thực phải làm xả pháp. Đối với chỗ khất thực được, phát tâm như thế này: Loài chim bay hay loài thú như nai cũng cần ăn uống ta sẽ thí cho chúng.

Lại nữa Tì-kheo khất thực đối với các vị ẩm thực không nên sinh tưởng ăn ngon. Cho đến như Chiên-đà-la đồng tử nên tịnh thân tâm không nên tịnh thực.

Bởi vì sao ? Ăn món ăn ngon rồi, tất cả sẽ thành ô uế bất tịnh. Cho nên nay ta không nên cầu ăn ngon. Cho đến không khởi tâm rằng đây là người nam thí thực chẳng phải người nữ thí, đây là người nữ thí thực chẳng phải người nam thí. Đồng nam đồng nữ cũng như vậy. Lại nói đây là món ăn ngon không phải món ăn dở.

Nếu vào làng xóm phải được cung kính chẳng phải chẳng cung kính, nên được nhà giàu, hoặc nam hoặc nữ đồng nam đồng nữ các thứ thức ăn ngon chứ chẳng phải được thức ăn của nhà nghèo hèn.

Không được khởi tất cả các ý nghĩ không tốt như vậy. Cho đến nếu có chúng sinh đắm trước sự ăn uống tạo ác nghiệp rồi đọa vào địa ngục.

Lại nữa có người tri túc không tham đắm mùi vị ăn uống, bỏ ngon nhận cái dở mà thiệt căn vẫn cảm thấy đủ vui. Nếu người tiết chế sự ăn uống khi mạng chung được sinh lên cõi trời cõi người hoặc các nẻo thiện khác thụ hưởng thức ăn ngon cõi trời cõi người.

Ca-diếp-ba ! Như vậy Tì-kheo hành khất thực, xa lìa sự tham ái mùi vị, điều phục tâm mình. Giả sử ăn đậu nấu cũng không buồn rầu. Bởi vì sao ? Vì cầu thánh đạo mà nuôi sống thân mạng nên mới ăn.

Nói tóm lại, Phật nói: Này Ca-diếp-ba ! Nếu Tì-kheo hành khất thực gặp lúc mưa lớn mây mù không thể khất thực được, hãy tư duy pháp trang nghiêm, lấy lòng từ làm thực phẩm. Trụ trong tác ý như vậy nhịn ăn đến hai hoặc ba đêm, nên tưởng như thế này: Các loài ngạ quỷ đọa trong cõi Diêm-ma-la kia do làm ác nên hàng trăm năm muốn ăn đến khô cổ cũng không được. Ta nay an trụ trong pháp rất sâu, không nên phát khởi ý nghĩ là thân tâm sẽ ốm yếu. Huống chi siêng tu thánh đạo, nay ta kham chịu sự đói khát này.

Nói một cách chung là khiến người tại gia sửa soạn tịnh thực, còn mình thì trải tòa ngồi thuyết pháp. Khi kia làm tịnh thực, thụ thực xong, đứng dậy mà đi.

Ca-diếp-ba ! Tì-kheo khất thực không nên tự khoe khoang nịnh bợ. Thế nào là nịnh bợ ? Nếu nói với người cúng dường là thức ăn dở mà lại không đủ, hoặc nói mang về cho chúng cùng ăn, hoặc nói ăn thiếu khiến đói khát. Biểu thị những hành tướng như vậy gọi là nịnh bợ, các Tì-kheo khất thực phải bỏ những điều này.

Thế nào là chân thật ? Nghĩa là ăn hết trong bát dầu dở dầu ngon dầu tịnh bất tịnh đều nên ăn hết không sinh phiền hà. Chỉ tịnh nội tâm dùng pháp điều phục. Vì trụ trong thánh đạo, để nuôi sống thân này nên mới đi khất thực.

Kinh Tối Thượng Thụ Sở Vấn nói:

Nếu người khất thực nơi người quen thân, có thể tùy theo chỗ hiểu biết mà làm trọn vẹn lợi ích tự tha. Bồ-tát hành khất thực nói khất thực không phải vì hộ thân mà như uống thuốc.

Kinh Nhập Lăng Già nói về ý nghĩa không ăn cá thịt là Bồ-tát tu hạnh đại từ nên tất cả thịt đều không được ăn.

Đại lược như bài kệ rằng:

Quán tưởng thịt từ đâu ?

Từ máu mủ bất tịnh.

Người tu hạnh thanh tịnh,

Phải lìa bỏ ăn thịt.

Tất cả thịt và hành,

Không uống các thứ rượu,

Và hẹ, tỏi cũng vậy,

Tu hành phải lìa xa.

Nằm tư thế Cát tường,

Xa lìa chuyện đổ dầu.

Lỗ hổng các chúng sinh

Trong đó thật sợ hãi.

Cho đến:

Vì lợi giết chúng sinh,

Hoặc kinh doanh bán thịt.

Hai loại tội nghiệp này,

Chết đọa Đại hào khiếu.

Lược tóm lại:

Hôi hám thật đáng chán,

Thường sinh ngục Đảo huyền,

Và sinh Chiên-đà-la,

Hoặc thợ săn, đồ tễ,

Sinh trong La-sát nữ,

Ăn thịt các chủng loại,

Mèo, chồn cùng Dạ-xoa…

Người này sinh nơi ấy.

Luận nói:

Nếu biết đầy đủ thì trong các Phẩm cấm ăn thịt có nói là vì thành tựu lợi ích rộng lớn, nói là không lỗi lầm. Nếu Tì-kheo ở Diêmphù-đề khi sắp hoại diệt nói câu Tam-ma-địa này thường khiến chúng sinh đoạn trừ được việc ăn thịt và cũng được Tam-ma-địa này. Tu đại từ bi thì không lỗi lầm.

Kinh Bảo Vân nói:

Phải biết không ăn thịt ở nơi hoang dã phát sinh lợi ích chúng sinh như vậy. Như thấy trong các Tì-nại-da khác có nói ăn ba thứ tịnh nhục nhưng cuối cùng đều phải một lòng xả bỏ. Được tịnh các kiến, đoạn trừ ngã mạn. Người ưa tu phúc dần dần dạy bảo lìa bỏ ăn thịt.

Như Kinh Nhập Lăng Già nói:

Vì các người học kia đọc tụng giải thuyết, dần dần hệ thuộc nương tựa vào câu văn hay. Người tu hành kia hệ thuộc vào ba thứ. Ta vì họ nói để đoạn trừ, tức là đoạn trừ cái tính gần với sự giết hại kia. Cho nên nói là thứ thuốc thường dùng.

Còn thuốc dùng vì bệnh duyên, thì như Thanh Văn Tì Nại Da nói:

Cho đến ta vì lợi ích phạm hạnh, hóa chúc y bát, chữa trị cho thân, huống chi còn khắp cứu tất cả chúng sinh. Do đó Bồ-tát thấy cái thân khó được, nên trong sát-na được thắng phúc này. Thế Tôn thấy lợi ích này làm tự y dược. Đối với người tu hành đó là thắng kiến.

Cho nên Kinh Bảo Vân nói:

Nếu đoạn được ba thứ ăn, khi ấy chân thật hoặc không chân thật, những hành tướng như vậy là trụ giữ thân mạng, chớ lấy chớ ăn. Còn như bơ dầu, khoai củ, cọng, nước trái cây, dầu cho thấy khởi tâm đối trị mà không thể ăn, nhưng nếu Bồ-tát bị bệnh nặng thì có thể ăn.

Còn như tật bệnh đến gần chết thì chớ nên làm ác mà đoạn mất phần thiện kia, không khởi nghi hoặc đoạn trừ tâm ấy, phải coi như uống thuốc.

Kinh Tối Thượng Thụ Sở Vấn nói:

Thụ dụng y để mặc, với Sa-môn có ý nghĩa là sự hổ thẹn, cho nên dùng y che thân, chớ để phơi bày thân thể. Người, trời, A-tu-la trông thấy y ca-sa tưởng như tháp Phật. Phải biết như giữ tháp Phật. Nếu không tu đối trị lìa tham nhiễm để được thanh tịnh thì tăng trưởng phiền não. Phá hoại y ca-sa bị tội này vì không thích tu hành trong pháp phục trang nghiêm, trong việc làm thiện trở lại thành làm ác. Y ca-sa này vì cầu thánh đạo, biết đối trị, nên trong một sát-na, thân cũng phải thụ trì.

Như Kinh Bảo Tích nói:

Nguyên nhân sự việc này là Phật bảo Ca-diếp-ba: Nếu muốn trang nghiêm thân mà không giữ gìn kín đáo, là làm mất công đức của Sa-môn. Pháp là y ca-sa. Tuy mặc trên thân mà tâm không tôn trọng.

Lại nữa, Ca-diếp-ba ! Sắc tướng như vậy thì tên giống như Samôn, nhưng vì nhân duyên đó phải đọa địa ngục.

Ca-diếp-ba ! Vì sắc tướng tương tự Sa-môn, nên ở trong địa ngục mặc áo sắt nóng trùm trên đầu, bát và tọa cụ đều làm bằng sắt. Có bao nhiêu dụng cụ thụ dụng đều bốc lửa rực cháy. Kinh ấy nói Sa-môn sắc tướng tương tự chịu khổ như vậy.

Lại nữa, Kinh Bảo Vân nói:

Nếu Bồ-tát vì người có tật bệnh, cơ thể yếu đuối không ở trong tăng phường, phải phát tâm rõ ràng như vầy: Nghĩa là công đức đầu-đà của Phật Như Lai để lựa chọn đối trị phiền não. Ta cũng tu tập đoạn các phiền não như ở trong tăng phường. Nhưng ta không thích ở trong tăng phường và cũng không xin. Giả sử có được cho như vậy và tùy chỗ tiếp nhận, phải biết đó cũng chẳng phải làm thỏa mãn vì ta.

Kinh ấy lại nói:

Về nghi thức ngọa cụ thì phải hai chân chồng lên nhau nằm nghiêng hông bên phải, pháp phục đắp lên người, chính niệm chính tri, khởi tưởng sáng suốt. Không đắm trước ngủ nghê làm thích, cũng không thích hông bên kia hông bên này và thoải mái tay chân, cho đến an trụ bốn đại chủng trong hơi thở điều hòa. Tất cả mọi sự thụ dụng ở đó đều được tạo lập vì lợi ích chúng sinh. Nếu ta thích thụ dụng thái quá, thì sẽ sinh mệt mỏi chán nản và tội lỗi.

Như Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói:

Được thức ăn mùi vị ngon là thức ăn không tương ưng giải thoát. Nghĩa là được thức ăn kia thí trói buộc, như con voi con nằm, chẳng phải hạnh đầu-đà.

Lại, Kinh Bảo Tích nói:

Lại nữa Thế Tôn nói về việc thụ dụng của tín thí. Lúc bấy giờ trong chúng có Tì-kheo đã thoát khỏi ách, nghe pháp luật này rồi buồn khóc mà nói rằng:

Thế Tôn ! Con nay thà chịu chết không muốn đắc quả, cũng không muốn thụ dụng một bữa ăn của tín thí.

Phật nói: Hay lắm, hay lắm, này thiện nam ! Lời nói thanh tịnh này, hành tướng như vậy xấu hổ đủ việc làm ác, sợ tội thế gian.

Phật nói: Ca-diếp-ba ! Ta biết tín thí đây có hai thứ gọi là giải thoát. Những gì là hai ? Nếu Tì-kheo thoát khỏi ách và các Tì-kheo khác học theo cách làm của ta thấy các hành là vô thường, lãnh nạp các thụ là khổ, tin hiếu các pháp là vô ngã, cầu Niết-bàn tịch tĩnh thì dẫu ăn của tín thí lượng như núi Tu-di và các thí khác cũng hoàn toàn thanh tịnh.

Nếu thụ vật của thí chủ và thức ăn của tín thí mà đủ đại quang minh thì được đại phúc báo.

Sở dĩ vì sao ? Vì dùng cái tăng thượng xan tham khiến làm việc phúc. Đó là tâm từ Tam-ma-bát-để.

Lại nữa, Ca-diếp-ba ! Nếu Tì-kheo thụ y phục ẩm thực của thí chủ thí rồi, tư duy nhập vô lượng Tam-ma-địa, làm cho việc làm phúc cầu quả báo của thí chủ cũng được vô lượng. Ca-diếp-ba ! Giả sử nước biển của ba ngàn đại thiên thế giới khô hết, phúc báo này cũng không hết được.

HẾT QUYỂN 8