LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 6

Phẩm 4: HỌC XỨ VỀ KHÔNG 3

Cũng như Kinh Nguyệt Thượng Đồng Nữ Sở Vấn nói:

Bấy giờ Đồng nữ Nguyệt Thượng thấy nhiều người muốn đến gần gũi, tức thì đứng giữa hư không cao bằng một cây đa-la nói bài kệ với những người này rằng:

Các người quán thân ta,

Sắc vàng ròng chói sáng,

Chẳng do tâm nhiễm dục,

Cảm chất thanh tịnh này.

Dục sinh vào cảnh giới,

Như hầm lửa cháy dữ.

Nhẫn dục, điều sáu căn,

Tịnh tu các phạm hạnh.

Nếu nhìn thấy phụ nữ,

Sinh tưởng mẹ hoặc em.

Sau được thân đoan chính,

Mọi người thường muốn thấy.

Trong các chân lông ta

Mùi thơm khắp thành quách.

Do tâm không tham nhiễm,

Huân tu thiện quả này.

Vốn không sinh tâm tham,

Không dục sao sinh dục?

Mâu-ni hiện chứng minh

Như thật không hư dối.

Ngươi xưa là cha ta,

Hoặc ta là mẹ ngươi.

Đắp đổi làm cha mẹ,

Sao tình sinh dục nhiễm ?

Ta hoặc thường hại ngươi,

Người khác lại hại ta.

Bạn thù giết hại nhau.

Tình nào sinh nhiễm dục?

Đoan chính chẳng do tham,

Tham chẳng sinh nẻo thiện.

Tham không thể xuất ly,

Cho nên phải xả bỏ.

Lại nhân tham dục này,

Mau đọa ba đường ác.

Dạ-xoa, Tì-xá-xà,

Và chúng A-tu-la,

Các quỷ Cưu-bàn-trà,

Đều do nơi tham dục.

Hoặc đui mù câm điếc,

Và thân thể lùn xấu,

Các tội lỗi thế gian

Đều do hành tham dục.

Hoặc được Chuyển luân vương,

Hoặc Đế Thích Thiên chủ,

Phạm vương, Đại tự tại,

Do rộng tu phạm hạnh.

Như voi, ngựa, bò, cọp,

Lạc đà, lừa, heo, chó,

Tính chẳng biết thân sơ,

Nên thường tìm nhiễm dục.

Sát-lợi và vua tôi,

Hoặc tín sĩ trưởng giả,

Nhà giàu có sang quý,

Do rộng tu phạm hạnh.

Nếu gông xiềng giam nhốt,

Các tai nạn nước lửa,

Hoặc móc mắt xẻo tai,

Hoặc chặt đứt chân tay,

Hay bắt làm đày tớ,

Đây là do tham dục.

Lại Kinh Tử Vương Sở Vấn có bài kệ nói về nghĩa quở trách dục nhiễm như sau:

Nói về người nhiễm dục,

Như ruồi thấy ghẻ lở.

Cũng giống như heo chó

Đánh hơi tìm thịt thối.

Vô trí khoái đàn bà,

Chạy theo cũng như vậy.

Ngu si không hiểu rõ,

Thè lưỡi liếm ô uế.

Ngu si mê đàn bà

Thì đủ các hắc ám.

Hiện ở cảnh giới ma,

Chết sẽ đọa đường ác.

Lại như trùng nhà xí

Tham đắm mùi tưởng ngon.

Như vẽ bình đựng phân,

Bề ngoài trông đẹp đẽ.

Như gió thổi trong túi

Đựng đầy các ô uế,

Ghèn nước mũi nước dãi,

Đại tiểu tiện bất tịnh.

Thân như đãy đựng bẩn,

Người ngu cho là đẹp.

Toàn thân chỉ có xương,

Được da thịt bọc gói.

Chỉ có một cái mặt,

Giống như ung nhọt lớn,

Cũng giống miệng ghẻ lở

Đầy cả các thứ trùng,

Và các thứ bất tịnh,

Thân này cũng như vậy.

Bụng như một bao lớn

Trong chứa các tạng phủ.

Và đầu xương gân mạch,

Máu tủy các chất bẩn.

Có tám vạn thứ trùng

Tiềm ẩn trong toàn thân.

Trong lồng lưới si mê

Nên người ngu chẳng thấy.

Lại từ trong chín lỗ,

Tiết bất tịnh hôi hám.

Hoặc nếu thấy nghe nói,

Người ngu sinh chấp tướng.

Tất cả chỗ xấu nhơ,

Yêu thích nên chẳng biết.

Mũi dãi làm thức ăn

Đây cảnh giới người ngu.

Hoặc mồ hôi hai nách,

Ô uế thật đáng chán,

Thích chuyện đáng chán này,

Như ruồi thấy ghẻ lở.

Ở trong pháp hạ liệt,

Tham dục là thấp nhất.

Người tạo ác nghiệp này,

Chết đọa vào đường ác.

Đọa ngục vô gián rồi,

Chịu các đại khổ báo.

Phật nói các người nữ,

Trong xấu cực kỳ xấu.

Cho nên khi chung đụng,

Phá tưởng hạ liệt này.

Nếu như khởi chấp trước,

Chỉ người ngu đua đòi.

Tạo ác nghiệp này nên

Phải lãnh quả như vậy.

Kinh ấy cũng nói:

Những hành tướng như vậy mà khổ sở tìm cầu cho được để tự nuôi sống bao che giữ chặt không bỏ. Thậm chí đói cơm rách áo bần cùng đi ăn xin còn bị đàn bà hàng phục tóm lấy, tự do sai sử như sai khiến đày tớ, trẻ con. Bởi đàn bà ham thích hưởng lạc và nuông chiều, ắt không thể tu bố thí trì giới và các thiện phẩm khác. Hơn nữa còn bị đàn bà ác mắng nhiếc yêu sách ràng buộc, nhưng do tâm tham đắm chấp trước nên nhịn chịu phục tùng. Hoặc đến nhà đàn bà khởi tâm tham dục nhìn ngắm thân xác, do nhân duyên dục mà chuyển tự tại.

Phật nói: Đại vương ! Người thèm khát ái dục là không thanh tịnh, là rất xấu ác, đối với hạnh thế gian đó còn là tội lỗi. Cho đến kệ nói:

Chung đụng với đàn bà,

Thấy, làm, và tùy hỷ,

Nghe rồi ý ưa thích,

Người ấy không xuất ly.

Lân la các khổ dục,

Thế thật là hèn hạ.

Do nghe pháp này nên,

Khéo nói, ngu si nói.

Tâm chạy theo đàn bà

Không khác chuột theo mèo.

Hoặc nghe Phật thuyết giáo,

Tạm thời được tỉnh ngộ.

Sau lại như tham này,

Như uống độc La-la,

Lại như heo thấy phân,

Là phát sinh ưa thích.

Tạm được trong giây lát,

Trở lại sinh chán sợ.

Người ngu đắm dục lạc,

Xa lìa điều Phật dạy.

Gần gũi dục thấp hèn,

Chết sẽ đọa đường ác.

Đam mê say dục lạc

Hủy giới phá tịnh mạng.

Tạo tác các tội nghiệp,

Chết sẽ đọa đường ác.

Nếu với chính pháp này,

Biết rõ các cảnh dục.

Không sinh tâm phóng dật,

Thường sinh cõi Tịnh thiên.

Với vô thượng Bồ-đề,

Đây chẳng phải khó được.

Nếu nghe pháp này rồi,

Giây lát được chính tuệ

Ngộ pháp môn xuất gia,

Xa lìa việc ham muốn.

Luận nói:

Lại nói về ách nạn này.

Kinh Tịch Tĩnh Quyết Định Thần Biến nói:

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: Giả sử nếu có người tàn sát tất cả hữu tình trong Diêm-phù-đề và đoạt lấy của cải,.

Văn-thù-sư-lợi ! Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân đối với Bồ-tát đoạn một thiện tâm tức gần đọa vào nẻo bàng sinh. Đối với khi tước đoạt lấy như đồng với sự đọa lạc kia. Vì đoạn thiện căn nên tội ấy quá hơn trước số a-tăng-kì.

Sở dĩ vì sao ? Đoạn thiện căn tức là đoạn diệt Phật xuất thế.

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: Lại nữa, chủng loại khác khi đối với Bồ-tát khởi xan tham tật đố, do nhân duyên đó phải biết tức là cầu ba thứ sợ hãi.

Những gì là ba ? Là sợ đọa địa ngục, sợ mù bẩm sinh, và sợ sinh nơi biên địa.

Kinh ấy lại nói:

Nếu được làm người thì nói không thành thật mà ưa phỉ báng, ác khẩu, giận dữ gây phiền não cho người. Sau thân này mạng chung lại đọa đại địa ngục sinh làm giống vật không có chân chịu nhiều khổ não quằn quại đến năm trăm du-thiện-na, bị các loài trùng nhỏ cắn rút thịt. Đó là loài rắn đáng sợ có ngàn cái đầu, do tội phỉ báng. Mỗi cái đầu của nó có năm trăm cái lưỡi. Mỗi cái lưỡi thè ra là năm trăm lưỡi cày sắt rực lửa. Đó là tội ngữ nghiệp bị lửa dữ đốt nấu.

Lại nữa nếu khởi tâm không điều hòa nhu thuận làm bức não Bồ-tát thì người này còn khó được sinh vào đường súc sinh, mà đọa vào đại địa ngục trải trăm ngàn câu-chi na-dữu-tha kiếp. Ở nơi địa ngục kia chết rồi làm thân con rắn độc lớn cực ác đáng sợ. Đói khát bức bách tạo các ác nghiệp, dẫu được ăn uống cũng không no đủ. Ở đây chết rồi dẫu sinh làm người cũng bị mù lòa bẩm sinh, không có trí tuệ, ác tâm không dứt, nói lời ác độc chống báng không kính thánh hiền. Sau khi làm người chết rồi lại đọa ác đạo trải ngàn câu-chi kiếp sinh ra không gặp Phật.

Kinh ấy lại nói:

Văn-thù-sư-lợi ! Bồ-tát ở nơi chỗ Bồ-tát cho đến khi phát tâm minh tịnh mà hoặc tâm coi thường thì cho đến nhiều kiếp ở trong đại địa ngục như mặc áo giáp. Văn-thù-sư-lợi ! Nghiệp của Bồ-tát ấy chắc chắn không thể đọa, chỉ trừ việc phỉ báng.

Văn-thù-sư-lợi ! Bồ-tát ví như kim cương ma-ni bảo không có gỗ đá nào có thể phá hủy. Văn-thù-sư-lợi ! Nghiệp của Bồ-tát ấy cũng như vậy, chắc chắn không thể đọa chỉ trừ phỉ báng Bồ-tát kia.

Trong Kinh Tín Lực Tài Nhập Ấn cũng nói như vầy:

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: Nếu lại có người đối với chúng sinh trong tất cả thế giới mười phương khởi giận dữ trói buộc thì đọa vào nơi tối tăm.

Văn-thù-sư-lợi ! Nếu đứng trước Bồ-tát cách chừng một cánh tay co duỗi, mà khởi tâm giận dữ thì tội còn nặng hơn trước đến số a-tăng-kì.

Văn-thù-sư-lợi ! Lại nữa nếu có người cướp hết tất cả của cải trong các Diêm-phù-đề, nếu người ở nơi Bồ-tát sinh mắng nhiếc thì tội này hơn tội trước số a-tăng-kì.

Kinh ấy lại nói:

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: Giả sử có người đốt phá tháp Phật điện thờ Phật nhiều như số cát sông Khắc-già, nếu lại có người đối với Bồ-tát Ma-ha-tát tin hiểu Đại thừa, mà khởi tâm giận dữ lại còn thêm mạ nhục phỉ báng, tội này hơn tội trước số a-tăng-kì.

Sở dĩ vì sao ? Vì từ các Bồ-tát xuất sinh chư Phật Thế Tôn, từ chư Phật mới có tháp Phật điện thờ Phật, sinh các lợi lạc và chư thiên v.v… Nếu khinh chê hủy báng chư Bồ-tát tức khinh chê hủy báng chư Như Lai. Nếu cung kính chư Bồ-tát tức cung kính chư Như Lai. Muốn cầu pháp cúng dường cao tột thì nên cúng dường chư Bồ-tát.

Đó tức cúng dường chư Như Lai.

Luận nói:

Phúc báo của cúng dường này, như Kinh Tịch Tĩnh Quyết Định Thần Biến nói:

Nếu người hộ pháp và thuyết pháp tức xa lìa tất cả ác đạo được làm Thiên Đế Thích và Phạm Thế Chủ, Dạ-ma, Đâu-suất, Tự Tại Thiên v.v… Sau sinh làm người thì làm Chuyển luân thánh vương, trưởng giả, cư sĩ, đầy đủ của cải, niệm tuệ tương ưng, an ổn không có nỗi lo sợ.

Luận nói:

Những Bồ-tát nào đối với Bồ-tát trong việc làm thiện mà khởi ác tâm ? Đó là các dị sinh.

Như Kinh Tín Lực Tài Nhập Ấn nói:

Văn-thù-sư-lợi ! Nếu có người trong tất cả thế giới chúng sinh số như vi trần, ngày ngày dùng trăm vị ẩm thực của trời và y phục của trời bố thí như biển kiếp của cát sông Khắc-già, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân đối với người thành tựu thập thiện cúng dường như vậy, như người Thanh Văn, người Bích-chi-phật, người Đại thừa, người trụ Đại thừa giới đức tương ưng lạc thuyết biện tài cùng người vô trí hý luận tư vấn khuyên bảo nghe thụ, đều phải cúng dường, cho đến như vậy diệt được bao nhiêu tội ?

Phật nói: Thiện nam tử ! Ví như có người buổi sáng dùng các của báu đầy cõi Diêm-phù-đề bố thí cho đệ tử Phật. Giữa ngày và cuối ngày cũng làm như vậy, bố thí như vậy mãn trăm ngàn năm, người ấy được phúc nhiều chăng ?

Bạch rằng: Rất nhiều, thưa Thế Tôn ! Người ấy phúc nhiều vô lượng vô số. Phúc đức ấy không ai có thể lường được, chỉ có Như Lai mới biết mà thôi.

Phật nói: Thiện nam tử ! Nếu có vua Sát-đế-lợi chân thiện, cũng làm cúng dường như trước nói, được phúc nhiều chăng ?

Như vậy nói chung phúc báo nhiều hơn trước số vô lượng a-tăng-kì.

Phật nói: Năm trăm năm sau người bảo hộ chính pháp nhãn, khéo bảo hộ mình bảo hộ người và bảo hộ đời, đối với những người làm đệ tử trong giáo pháp của ta, dù đó là hạng pháp khí hay chẳng phải pháp khí, chỉ cạo tóc mặc áo ca-sa, đều phải bảo hộ tốt chớ gây não hại, thì cõi nước mình và người đều được sung túc an lạc diệt trừ tội xấu, chư thiên chư tiên gia tăng bảo vệ thọ mạng dài lâu, mình và người phiền não đều tàn diệt, trụ nơi chính giác đạo của sáu Ba-la-mật lìa các tội ác, không chìm đắm lâu trong biển luân hồi, thường lìa bạn ác gần thiện tri thức, cùng phụng sự chư Phật và chúng Bồ-tát, an lạc nơi các cõi Phật, không bao lâu sẽ được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Bấy giờ trong chúng tất cả nghiệp đạo, một Ưu-bà-tắc trong một ngày có thể thí ẩm thực, với đệ tử Phật cũng bố thí như vậy, công đức bố thí này quá hơn phúc báo trước đến số a-tăng-kì.

Văn-thù-sư-lợi ! Nếu ở nơi các Ưu-bà-tắc thành tựu mười thiện nghiệp đạo số như vi trần trong tất cả thế giới, ngày ngày dùng trăm vị ẩm thực của trời y phục của trời nhiều như biển kiếp của số cát sông Khắc-già mà bố thí, nếu lại có người nơi một Tì-kheo có thể thí ẩm thực trong một ngày, phúc đức này hơn trước đến số a-tăng-kì.

Kinh Nhập Định Bất Định Ấn nói:

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: Giả sử có hữu tình trong tất cả mười phương thế giới đều bị móc mắt đến mãn một kiếp, lại có thiện nam tử thiện nữ nhân khởi tâm thương xót đối với các hữu tình, làm cho mắt trở lại bình phục mãn một kiếp.

Văn-thù-sư-lợi ! Nếu lại có người ở nơi Bồ-tát tin hiểu Đại thừa, đem tâm thanh tịnh mà đến chiêm ngưỡng, thì phúc báo hơn trước vô lượng a-tăng-kì.

Văn-thù-sư-lợi ! Giả sử có người có thể làm cho tất cả chúng sinh bị giam nhốt trong lao ngục khắp mười phương được thoát, lại được hưởng diệu lạc của Chuyển luân thánh vương, hoặc lạc thú của Phạm thiên, nếu lại có người ở nơi Bồ-tát tin hiểu Đại thừa, đem tâm thanh tịnh chiêm ngưỡng ngợi khen, phúc báo này hơn trước vô lượng a-tăng-kì.

Lại nữa Kinh Địa Tạng nói:

Thế Tôn ! Nếu vua Sát-đế-lợi chân thiện, cư sĩ chân thiện, tể tướng quan liêu chân thiện, Sa-môn chân thiện, Bà-la-môn chân thiện v.v… tự bảo hộ bảo hộ người khác bảo hộ cho đời, đối với đệ tử Phật dù pháp khí dù chẳng phải pháp khí, cho đến chỉ cạo tóc mặc một tí áo ca-sa, đều phải bảo hộ.

Thiên chủ và quyến thuộc của chư thiên, cho đến người tùy tùng cùng gia nhân quyến thuộc đều đứng dậy chấp tay cung kính bạch Phật rằng:

Thế Tôn ! Nếu đời vị lai cho đến năm trăm năm sau có vua Sátđế-lợi chân thiện, cư sĩ chân thiện, tể tướng quan liêu chân thiện, Samôn chân thiện, Bà-la-môn chân thiện v.v… bảo vệ chính pháp nối tiếp dòng giống Tam Bảo hưng thịnh như vậy, tóm lại, có bao nhiêu quyến thuộc chúng con như vua Sát-đế-lợi chân thiện, cư sĩ chân thiện, tể tướng quan liêu chân thiện sẽ tăng trưởng mười thứ bảo vệ.

Những gì là mười ?

  1. Tăng ích thọ mạng.
  2. Rộng hộ trì chính pháp.
  3. Thường không bệnh khổ.
  4. Có nhiều quyến thuộc.
  5. Của cải đầy kho.
  6. Thọ mạng không yểu.
  7. Giàu sang tự tại.
  8. Tiếng khen đồn khắp.
  9. Có bạn lành.
  10. Đầy đủ trí tuệ.

Đó là mười thứ, như đã nói rộng.

Luận nói:

Phải biết quả báo rộng lớn này là nhập vào thánh địa.

Cho nên Kinh Quan Âm nói:

Phát tâm chính giác là thiện lợi tất cả chúng sinh. Cho nên nếu chỉ đi nhiễu bên phải tháp Phật ta còn nói công đức đó rộng lớn.

Các Phật tử ! Nếu ai chẳng thích chư thiên xa lìa người thiện thì đó là cảnh giới địa ngục, như trước đã nói rộng.

Luận nói:

Chưa thể khai thị cho người khác thì hãy chấm dứt sự phân biệt này.

Kinh Tịnh Chư Nghiệp Chướng nói:

Tất cả những gì nói chướng ngại đều là ách nạn cả.

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: Sao gọi là chướng ngại ? Nghĩa là tham là chướng, sân là chướng, si là chướng, bố thí là chướng, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ đều là chướng ngại.

Sở dĩ vì sao ? Phàm phu khi bố thí, vì bỏn sẻn hối tiếc không khởi tịnh tín. Do không khởi tịnh tín nên phát sinh tâm tổn hại. Do tổn hại nên sinh hối hận rầu buồn tội đọa đại địa ngục. Người hộ giới vì chê bai những người phá giới, khiến những người khác nghe thấy tội lỗi rồi không sinh tịnh tín. Do không tịnh tín liền đọa ác đạo. Người tu nhẫn kia do nhẫn kiêu ngạo, hôn mê vẩn đục trong tâm, do nhẫn hôn mê là gốc của phóng dật liền đọa chốn khổ. Người phát tinh tiến liền khởi ngã mạn, nói các Tì-kheo khác tu hành biếng nhác, không cùng ăn của tín thí và dùng chung ly nước. Do phát tinh tiến mà khởi ngã mạn khinh chê người khác như kẻ ngu phu. Người tu thiền định do nơi tĩnh lự Tam-ma-bát-để phát sinh ái lạc, liền cho như vậy là ta được hạnh Tam-ma-địa còn các Tì-kheo khác là tâm hành tán loạn làm sao thành Phật được, rộng như trong kinh ấy nói.

Lại nữa Kinh Tùy Chuyển Chư Pháp Kinh nói:

Chỉ dạy Bồ-tát trừ tội nghỉệp chướng thì được Bồ-đề còn xa.

Chỉ dạy oai nghi thì được Bồ-đề còn xa.

Chỉ dạy oai nghi đạo hạnh thì được Bồ-đề còn xa.

Nhưng Bồ-tát kia ở nơi Bồ-tát sinh tưởng hạ liệt, tự thân phát ý tưởng tự cao tự đại cho rằng ta trừ được một ít nghiệp chướng. Bồ-tát này ở nơi Bồ-tát kia hoặc dạy khiến nên trụ Phật tưởng. Bồ-tát ở nơi Bồ-tát chớ nên khởi tâm chê bai vì kia không bỏ Bồ-đề.

Phật nói: Thiên tử ! Bồ-tát như vậy không đoạn một phần nhỏ thiện căn, nếu Bồ-tát trong hạnh không hai, dẫu không phát tâm Bồđề dưới đến Bồ-tát thông minh lanh lợi còn không khởi tâm khinh miệt, huống chi là người phát tâm Bồ-đề.

Như Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội nói:

Phật bảo Bồ-tát Kiên Ý rằng: Làm sao người chưa phát tâm Bồ-đề mà được thụ ký ? Nếu người được sinh trong năm nẻo luân hồi như trời, người, bàng sinh, địa ngục, cõi Diêm-ma-la, người này các căn lanh lợi tin hiểu rộng lớn, Như Lai biết rõ người này cho đến bao nhiêu trăm ngàn câu-chi na-dữu-đa kiếp sẽ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến như vậy trăm ngàn a-tăng-kì kiếp thì được quả Bồ-đề.

Tóm lại, Phật nói: Kiên Ý ! Đó là nói Bồ-tát này là trường hợp chưa phát tâm Bồ-đề mà đã được thụ ký.

Bấy giờ tôn giả Đại Ca-diếp-ba đến trước Phật bạch rằng: Thế Tôn ! Từ đây về sau đối với tất cả chúng sinh phải khởi tưởng như Thế Tôn.

Sở dĩ vì sao ? Vì chúng con không có trí tuệ như vậy làm sao biết chúng sinh nào sẽ thành thục căn Bồ-đề, chúng sinh nào thì không ?

Thế Tôn ! Chúng con không biết hành tướng như vậy. Nếu đối với chúng sinh khởi tưởng hạ liệt sẽ tự thương tổn.

Phật nói: Hay lắm, Đại ca-diếp-ba ! Ông khéo nói lời này. Vì ý nghĩa đó chính quán tự tại lời nói của ta trong pháp này. Không xác định một cách không đúng về xuất gia tại gia về người nam người nữ. Nếu xác định không đúng sẽ tự tổn thương. Chỉ có Như Lai mới ứng lượng đúng chúng sinh mà thôi.

Đại Ca-diếp-ba ! Nếu các Thanh Văn và Bồ-tát nên đối với tất cả chúng sinh khởi tưởng Thế Tôn.

Luận nói:

Bồ-tát đối với các Bổ-đặc-già-la sao có phần ít không hóa độ, không hộ thân ? Thấy có như vậy là vì phiêu tướng ( ? ) quyết định được Bồ-đề. Đối với Phật tử ấy không nên khinh miệt mà phải bảo hộ.

Như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói:

Hoặc là dựng miếu đá,

Chiên đàn và trầm hương

Gỗ mật cùng thứ khác

Gạch ngói hoặc đất sét.

Hoặc ở nơi hoang dã,

Đắp đất làm miếu Phật,

Dù trẻ con chơi đùa

Vun cát làm tháp Phật

Những hạng người như vậy

Đều đã thành Phật đạo

Cho đến:

Hội họa vẽ tượng Phật

Trăm phúc tướng trang nghiêm

Tự làm khuyên người làm

Đều đã thành Phật đạo.

Dù trẻ con chơi đùa

Dùng cỏ cây hoặc bút,

Hoặc dùng ngón tay, móng tay

Mà vẽ làm tượng Phật

Những hạng người như vậy

Đều đã thành Phật đạo

Nếu người nơi tháp miếu

Tượng báu và tượng vẽ,

Dùng hoa hương phướn lọng,

Tâm cung kính cúng dường,

Hoặc khiến người tấu nhạc

Đánh trống thổi sừng ốc,

Tiêu, địch, cầm, không hầu,

Tì bà cùng phèn la,

Âm nhạc hay như vậy

Đem dâng trọn cúng dường.

Hoặc dùng tâm hoan hỷ

Ca ngâm khen đức Phật

Cho dù một tiếng nhỏ

Đều đã thành Phật đạo.

Hoặc người tâm tán loạn

Dù dùng một bông hoa

Cúng dường nơi tượng vẽ

Sẽ thấy vô số Phật.

Hoặc có người lễ lạy

Hoặc chỉ có chấp tay

Hay chỉ đưa một tay

Hoặc chỉ hơi cúi đầu

Như để cúng dường tượng

Sẽ thấy vô số Phật Lại nói:

Nếu người tâm tán loạn

Vào ở nơi tháp miếu,

Một tiếng Nam mô Phật

Cũng đã thành Phật đạo.

Nơi chư Phật quá khứ

Tại thế hay diệt rồi

Có người nghe pháp này

Đều đã thành Phật đạo.

Lại nữa Kinh Đại Bi nói:

Phật bảo A-nan: Ví như người đánh cá đặt câu và mồi trong ao nước lớn để bắt cá khiến cá ăn mồi. Cá đã ăn mồi rồi.

Sở dĩ vì sao ? Biết cá này còn ở trong ao không lâu sẽ lấy ra.

Lại nữa biết như vậy vì lưỡi câu cần câu dây nhợ chắc chắn lại buộc vào cây trên bờ. Bấy giờ người câu cá đến nơi thấy biết được cá liền kéo câu lên bờ rồi tùy ý muốn mà thu dùng.

Phật bảo A-nan: Ta nay cũng vậy, làm cho chúng sinh đối với Phật Thế Tôn tâm sinh tịnh tín trồng các gốc thiện. Cho đến dùng một tín tâm các chúng sinh kia tuy ác nghiệp khác che khuất sát-na đọa lạc, nếu Phật Thế Tôn đối với các chúng sinh kia dùng trí Bồ-đề giữ lấy sợi dây thì sẽ kéo chúng sinh ra khỏi biến luân hồi đặt lên bờ Niết-bàn.

Luận nói:

Cho nên đều phải lễ kính, tưởng như Phật. Phải biết đây cũng còn có nghĩa là làm lễ trong ý tưởng. Nếu là người mới phát tâm Bồđề thì đem thân đảnh lễ. Như Đồng tử Thiện Tài nơi Đại Bồ-tát Bảo Vân mới phát đạo ý đã đem thân kính lễ. Tất cả đó là nghĩa rốt ráo.

Như Kinh Thâm Tâm Giáo Giới nói:

Vì các Bồ-tát đối với chỗ độ sinh mà cung kính lễ bái, còn nói một nơi nào đó, thì lễ không lễ không mâu thuẫn. Do vậy sự lễ kính có các liên quan liên hệ, nếu không lễ như vậy sẽ không có phúc báo. Làm sao lễ một lễ mà được thấy chư Phật, không có chuyện đó.

Luận nói:

Nếu bảo rằng đây là học xứ của Bồ-tát, đây chẳng phải học xứ của Bồ-tát, đều là hủy báng chính pháp, và đó gọi là một chướng nạn. Cho nên trong Kinh Tập Chư Pháp Phương Quảng có nói:

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: Vì sao đối với một ít phần pháp Như Lai đã nói hoặc khởi tịnh tưởng và bất tịnh tưởng đều là hủy báng pháp ? Kẻ hủy báng chính pháp tức là hủy báng khinh mạn chư Phật pháp tăng. Hoặc nói đây là giải thoát, đây chẳng phải giải thoát đều là hủy báng chính pháp.

Ta chẳng nói riêng có pháp thuộc Thanh Văn thừa, thuộc Duyên Giác thừa, thuộc Đại thừa. Những người ngu si trong pháp ta làm ra đủ thứ nói đây là Thanh Văn, đây là Duyên Giác, đây là Bồ-tát. Do khởi các tưởng khác như vậy nên sinh hủy báng chính pháp nói đây là học xứ của Bồ-tát, đây chẳng phải học xứ của Bồ-tát.

Hủy báng chính pháp là nói vị pháp sư này có biện tài này, hay không có biện tài này cũng gọi là hủy báng pháp.

Lại nữa nói đây là pháp, đây là phi pháp, đều gọi là hủy báng pháp.

Nói quá khứ Phật xuất thế không có được tổng trì nào, cũng gọi là hủy báng pháp.

Nói sư thuyết pháp cũng không có tổng trì, đều gọi là hủy báng pháp.

Đối với sư thuyết pháp nói đó là hạnh sai lầm, cũng là hủy báng pháp.

Nghĩa là nói sư thuyết pháp không có đầy đủ biện tài này, là hủy báng pháp.

Dạy vẽ phóng túng, là hủy báng pháp.

Dạy vẽ oai nghi đạo hạnh, là hủy báng pháp.

Dạy giới không đúng, là hủy báng pháp.

Thiếu biện tài, là hủy báng pháp.

Không hiểu rõ pháp sáng suốt, là hủy báng pháp.

Không hiểu rõ triệu thỉnh chân ngôn Đà-la-ni, là hủy báng pháp.

Với giáo thuyết của Như Lai chỉ biết văn tự mà không hiểu ngộ, đều gọi là hủy báng pháp.

HẾT QUYỂN 6