LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 5

Phẩm 4: HỌC XỨ VỀ KHÔNG 2

Lại nữa, người mới thực hành Bồ-tát nói như thế này: Sao ngươi lại kiên trì gìn giữ giới Ba-la-đề-mộc-xoa và luật nghi ? Nên mau phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đọc tụng kinh điển Đại thừa thì nếu thân ngữ ý có tích tập phiền não, nghiệp báo bất thiện thảy đều được thanh tịnh. Cho đến nói như trước.

Đó gọi là tội căn bản thứ ba của người mới thực hành Bồ-tát.

Lại nữa, người mới thực hành Bồ-tát nói như thế này: Thiện nam tử ! Nếu có thể xa lìa đừng nghe đừng thụ trì đọc tụng pháp Thanh Văn thừa, cũng đừng vì người khác nói pháp Thanh Văn thừa này vì không thể được quả báo lớn, không thể vĩnh viễn đoạn trừ phiền não. Phải tin kinh điển Đại thừa, nghe thụ đọc tụng vì người khác nói kinh Đại thừa này, có thể sám hối trừ tội báo tất cả ác đạo, mau được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Như người ấy nói chấp thủ kiến chấp ấy thì cả hai đều bị tội.

Đó gọi là tội căn bản thứ tư của người mới thực hành Bồ-tát.

Lại nữa, người mới thực hành Bồ-tát có hai lối nói. Như thấy kinh điển Đại thừa vì lợi dưỡng nên rộng ca ngợi việc thụ trì đọc tụng, nghe nghĩa lý rồi vì người giảng nói mà nói rằng: Tôi là người tu Đại thừa. Thấy người khác được lợi mà tật đố. Lại nữa người kia được hoặc hoàn toàn hoặc một phần, liền sinh chê bai hủy báng miệt thị. Do tật đố tự cao nên nói pháp ta chứng đắc vượt quá hơn người, ở trong Đại thừa có những diệu lạc như vậy. Người này do tài lợi nên mắc tội nặng lớn, hướng đến đường ác rơi vào thắng xứ khác. Ví như có người muốn vào biển lớn sắm sửa thuyền bè sắp đến miền đất quý mà tự hủy hoại chiếc thuyền để tan thân mất mạng. Người mới thực hành Bồ-tát Ma-ha-tát cũng như vậy. Muốn vào trong biển lớn Đại thừa, nhưng do bởi tật đố nên tạo nhân duyên vọng ngữ hủy hoại chiếc thuyền của niềm tin và đoạn dứt mạng sống trí tuệ. Đây là hạng tiểu Bồ-tát ngu si ấu trĩ mới thực hành, do đố kỵ nên mắc phải đại trọng tội.

Đó gọi là tội căn bản thứ năm.

Lại nữa, thiện nam tử ! Trong đời vị lai sẽ có người tại gia xuất gia mới thực hành Bồ-tát đối với Không nghĩa rất sâu của kinh điển, các việc đại trang nghiêm của Tam-muội, tổng trì, các nhẫn các địa, thiện nhân Sa-môn và Bồ-tát thực hành kinh điển Đại thừa này, thụ trì đọc tụng rộng vì người nói. Nhưng đối với pháp ấy ta tự chứng được, do vì xót thương nên ta vì ngươi nói. Cần phải tu tập thì ngươi cũng chứng được pháp rất sâu như tri kiến của ta. Người kia nói không thật, chỉ có thể đọc tụng pháp rất sâu này và nói cho người khác, mà đối với pháp sâu xa này kỳ thật chưa chứng, vì mong cầu lợi dưỡng nên nói dối là ta chứng được pháp của ba đời chư Phật đã chứng, Bồ-tát thánh nhân không có ai hơn, mắc phải đại trọng tội. Tức là lừa gạt chư thiên người đời, đối với Thanh Văn thừa còn chưa có khả năng chứng đắc, huống chi ngộ nhập hiểu được thắng hạnh Đại thừa và A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ư ? Ví như có người sống ở nơi hoang dã đang ở dưới một cây ăn quả lớn đói khát rất cần ăn uống. Cây này có đầy đủ trái thơm ngon, vậy mà người này bỏ đi đến dưới một cây có trái độc ăn phải trái cây độc mà chết. Ta nói người này cũng giống như vậy. Trong cái khó được, đã được làm thân người, nương tựa thiện tri thức, gặp được pháp Đại thừa, nhưng vì tham lợi dưỡng giả dối đạo đức cho người là ti tiện, hành tướng như vậy mắc đại trọng tội. Do mắc trọng tội nên chắc chắn phải đến đường ác. Người như vậy sẽ bị tất cả Sát-đế-lợi, Bà-lamôn, Phệ-xá, Thủ-đà và những người trí xua đuổi, đều chớ nên gần gũi. Thiện nam tử !

Đó gọi là tội căn bản thứ sáu của Bồ-tát.

Lại nữa, thiện nam tử ! Trong đời vị lai có vua Sát-đế-lợi có quốc sư Chiên-đà-la thật sự là hạng ngu xuẩn mà tự cho là trí tuệ sáng suốt khởi tâm kiêu mạn, có nhiều của cải và được thụ dụng lớn, bố thí các thứ để tu tạo nghiệp phúc. Ỷ thị bố thí nên tăng thêm ngã mạn, đến vua Sát-lợi phân biệt Sa-môn vô lượng lỗi lầm, cậy thế lực của vua trị phạt một cách phi lý bắt ép thuế khóa. Bấy giờ các Tì-kheo bị ép buộc hoặc lấy vật của tháp Phật, hoặc vật của tứ phương tăng, hoặc vật của hiện tiền tăng mà giao cho, các Chiên-đà-la đem dâng lên vua. Như vậy hai thứ đều bị trọng tội.

Thiện nam tử ! Đó gọi là tội căn bản thứ bảy của Bồ-tát.

Lại nữa, có vua Sát-đế-lợi cùng Sa-môn Chiên-đà-la cùng lập qui chế hạn định lấy phi pháp làm pháp, pháp nói là phi pháp, bỏ việc học các khế kinh Tì-nại-da, không y thời thuyết pháp và thuyết pháp rộng rãi, xả bỏ con mắt đại bi, các học xứ Bát-nhã Ba-la-mậtđa, học xứ phương tiện thiện xảo, và các học xứ nói trong các khế kinh. Xả bỏ hành tướng như vậy, các Tì-kheo hành pháp kia làm rối loạn những gì trước đã tu tập. Do làm rối loạn nên tổn hại mạng sống trí tuệ, bèn xả bỏ Xa-ma-tha Tì-bát-xá-na, khuyến khích làm những việc khác để được nhiều lợi lộc. Bấy giờ Tì-kheo kia không lấy gì chế phục các kết phiền não.

Lại nữa các Tì-kheo hoặc khi ấy hủy bỏ thâm tâm, khởi nhiều lỗi lầm về giới đức, tri kiến và phạm hạnh v.v…, thật sự chẳng còn là Sa-môn mà gọi Sa-môn, chẳng còn phạm hạnh mà tự gọi là phạm hạnh, thuyết pháp vấn nạn thì như tiếng ốc, làm cho vua đại thần cung kính cúng dường, đến nhà thế tục nói Tì-kheo hành pháp có vô lượng tội lỗi khiến vua và đại thần lập ra các hạn chế, thu lấy những dụng cụ sinh hoạt mà các Tì-kheo hành pháp thụ dụng. Như vậy cả hai thứ đều mắc tội nặng.

Sở dĩ vì sao ? Tì-kheo thiền định là ruộng phúc tốt, là chỗ nương tựa của người tạo nghiệp phúc, là công cụ để cầu Tam-muội tổng trì các nhẫn các địa, gìn giữ ứng khí làm ánh sáng cho đời, khai thị chính đạo. Nơi nghiệp phiền não địa, khiến các chúng sinh trụ Niết-bàn đạo.

Thiện nam tử ! Đó gọi là tội căn bản thứ tám của Bồ-tát.

Luận nói:

Như kia còn dẫn các khế kinh khác nói nếu các Bồ-tát nghe tên Bồ-tát Hư Không Tạng rồi, không nghi ngờ, muốn được trông thấy, sợ đọa đường ác mà sám hối tội nặng kia thì đến trước Bồ-tát Hư Không Tạng xưng niệm danh hiệu cung kính lễ bái.

Thiện nam tử ! Nếu như có phúc lực đứng trước người ấy hoặc thấy bản thân mình hoặc hiện thân Phạm vương, cho đến hoặc hiện thân đồng nam đồng nữ v.v… khiến sơ hành Bồ-tát từ chỗ ngồi đứng dậy sám hối những tội đã phạm và vì diễn nói phương tiện thiện xảo sâu xa của hạnh Đại thừa, cho đến trụ bậc không thoái chuyển.

Lại nữa, nói chung dẫu không hiện tiền trước mặt sơ hành Bồtát kia, thì đứng trước thiên tử A-lỗ-noa ở phương Đông thắp hương khuyến thỉnh như thế này:

Này A-lỗ-noa thiên có từ bi lớn đủ oai đức lớn soi khắp Diêmphù-đề bi mẫn che chở, mau khuyến thỉnh Bồ-tát Hư Không Tạng khởi đại bi mẫn nói cho ta giác ngộ, phương tiện hiển thị trong chiêm bao, cho ta biết tội báo đã phạm, cho ta sám hối để được trí tuệ phương tiện của thánh Đại thừa.

A-lỗ-noa thiên kia khi xuất hiện Diêm-phù-đề cùng đến với Bồ-tát Hư Không Tạng, dùng bản sắc tướng hiện ở trong chiêm bao, đứng trước người ấy sám các trọng tội nơi tướng ấy, nghĩa là phương tiện đại trí, phương tiện tri kiến, phương tiện trí thiện xảo, sơ hành Bồ-tát kia được Tam-ma-địa, gọi là không mất tâm Bồ-đề. Y vào Đại thừa này được kiên cố trụ.

Luận nói:

Hoặc kinh ấy có nói về nghi thức niệm chân ngôn khuyến thỉnh như sau: Đến nơi rừng sâu xa xôi vắng vẻ đốt hương trầm thủy, hương Đa-già-la, hương Kiên hắc các thứ khắp mười phương năm vóc lễ kính, chắp tay tụng chân ngôn như sau:

( Phiên âm Hán: )

Đát tha tô một lý xá tô một lý xá ca lô ni cát tả la tả la vĩ tả la tán tả la ca lô ni cát mâu lô lô mâu la vĩ nga đà lý ma tả nhị bột lỗ nhã ma đa ca lô ni cát tiến đa ma ni bố la cát ca lô ni cát tát lý phược sa di tát tha ba dã a nghê dã đà lý tát phổ ngung lỗ để vĩ vi cát ngung niết lý sắt trí vĩ vi cát ngung bố la dã ca lỗ ni cát bố la la diễn đổ ma ma xá tát lý phược bát thám tả a du cát nga để tát phược hạ

( Phiên âm Phạn: )

Tadyathā sumṛṣa sumṛṣa kāruṇika caratu caratu vicara sañcara kāruṇika murara murara vegadhāri namucame bhujayata kāruṇika cintāmaṇi pūraya kāruṇika sarvāśāṃ me sthāpāya ājñādhārī sphugu sphugu rativivekagu dṛṣtivivekagu pūraya kāruṇika pūrayantu mamāśāṃ sarvathā cāśokagati svāhā.

Nói về nghi thức chân ngôn trước là tất cả bệnh khổ, tất cả sợ hãi, tất cả não hại thảy đều tiêu diệt, mọi sự mong cầu đều thành tựu.

Luận nói:

Nếu là Sát-đế-lợi, nếu là Bồ-tát, thế nào là tội lỗi và thắng phương tiện ?

Hoặc là người trì giới, thế nào gọi là tội, thế nào là lỗi lầm ?

Nghĩa là người trì giới, người không có lỗi lầm, khởi nhiều đả phá gọi là chấp lấy kiến giải của mình. Do đó dần dà sinh sợ diệt các tội. Nếu đối với tính tội lớn này, nhổ bỏ gốc khổ hoàn toàn không tạo, thì có thể kham nổi giới Bồ-đề tâm, như thật quán sát liên tục tư duy.

Cho nên Kinh Phương Tiện Thiện Xảo nói về tội căn bản này như sau:

Thiện nam tử ! Đối với biệt giải thoát giới học, Thức-xoa-mana trong trăm ngàn kiếp chỉ ăn củ quả, giải thoát tất cả chúng sinh, nhịn chịu lời nói ác. Nếu đối với Thanh Văn Bích-chi-phật hành tương ưng tác ý, đó gọi là tội nặng căn bản của Bồ-tát.

Thiện nam tử ! Người bị tội căn bản này, ví như Thanh Văn mà không kham nhiệm đối với hữu dư y Niết-bàn.

Thiện nam tử ! Tội nói ở đây đối với Thanh Văn Duyên Giác tác ý thì không xuất ly, cũng như vậy không kham nhiệm Niết-bàn Phật địa.

Luận nói:

Các tội nặng này là do chấp ngã. Trì giới là diệu lạc là nghĩa thế nào ?

Nhiếp Luận Thích nói:

Phá hoại vật Tam Bảo,

Dầu nhỏ như hạt cải,

Báng chính pháp: hai tội.

Là Mâu-ni đã nói.

Nếu Tì-kheo phá giới,

Còn mặc áo ca-sa,

Chẳng nghe theo xuất gia,

Đánh đập trói nhốt ngục,

Tạo tội ngũ vô gián.

Lại hoặc chấp tà kiến,

Và phá hoại xóm làng,

Đó là căn bản tội.

Như Thế Tôn đã nói.

Chỉ thích nói không suông,

Kỳ thật không hiểu biết.

Dẫu ở trong trí Phật,

Không tu đường chính giác,

Bỏ biệt giải thoát này,

Mong vào quả Đại thừa,

Lại khiến các người học,

Chẳng dứt trừ tham chấp.

Chỉ muốn đến người khác,

Rêu rao đức của mình.

Muốn mình sáng hơn người

Để thu nhiều lợi dưỡng.

Hoặc nói điều tà vọng:

Ta được nhẫn rất sâu.

Hoặc trách phạt Sa-môn

Nên lấy vật Tam Bảo.

Do lấy như vậy rồi

Rời bỏ Xa-ma-tha.

Hoặc Tì-kheo hành pháp,

Với sở thích thụ dụng.

Đó là căn bản tội.

Đọa vào đại địa ngục.

Lại nữa Bồ-tát Hư Không Tạng đứng trước Phật nói việc sám hối trong chiêm bao xả bỏ tâm Bồ-đề có kệ rằng:

Nếu có người đến xin,

Tham tiếc chẳng bố thí.

Đã vậy còn phẫn nộ,

Đánh đuổi các chúng sinh.

Người nhất tâm thanh tịnh,

Cũng không được cung kính.

Vì bị tâm nhiễm dục,

Mà phỉ báng chính pháp.

Kinh Địa Tạng nói:

Phật bảo Đại Phạm: Nếu người y theo lời dạy của ta xuất gia mà phạm giới làm việc ác trong ôm sự hủ bại như con ốc sên ô uế, tự xưng Sa-môn thật chẳng phải Sa-môn, tự xưng phạm hạnh thật chẳng phải phạm hạnh, thường bị các thứ phiền não làm khuynh đảo bại hoại.

Tì-kheo như vậy tuy phá cấm giới làm các ác hạnh, vẫn còn được tất cả trời, rồng, con người v.v…chỉ bày việc làm phúc đức. Cho nên thiện tri thức này tuy chẳng phải pháp khí mà cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, đối với chúng sinh mở đường các thứ thiện căn. Do gần sinh nẻo thiện hiển thị đường chính, cho nên nếu người nương theo giáo pháp ta mà xuất gia, giữ giới hoặc phá giới, ta còn không cho phép Chuyển luân thánh vương dựa vào pháp luật thế tục mà đánh đập thân thể, xiềng xích giam nhốt lao ngục hành hình giết chết, huống chi là những điều phi pháp khác. Tì-kheo như vậy theo pháp ta trong Tì-nại-da gọi là cái thây chết.

Lại nói người kia như con bò có ngưu hoàng, như con xạ có hương.

Lại nói:

Nếu người y theo giáo pháp của ta mà xuất gia dầu là khí hay phi khí không nên não hại. Não hại tức hủy phạm ba đời chư Phật, mắc tội lỗi lớn đốt cháy thiện căn đọa ngục vô gián.

Kinh ấy lại nói:

Mặc áo ca-sa hình tướng giải thoát, đó là do chư Như Lai lập ra.

Bấy giờ lại có vô lượng trăm ngàn chúng Thanh Văn và Bồ-tát nghe Phật nói đều sám hối tội nghiệp chướng xưa đã tạo.

Hoặc nói: Thế Tôn ! Con xưa kia ở trong thánh ngôn lượng của Như Lai và đệ tử Phật là khí phi khí, có nhiều hành vi phẫn hận mắng nhiếc sỉ nhục các thứ chê bai, tạo nghiệp tội chướng đọa ba đường ác thụ các thứ khổ khó chịu đựng khó kham nổi. Tóm lại, thưa Thế Tôn ! Con nay xin sám hối tất cả nghiệp chướng như vậy.

Hoặc nói: Thế Tôn ! Con nhớ xưa kia ở trong giáo pháp Thanh Văn và đệ tử Phật là khí phi khí, gây khủng bố sợ hãi nói lời ác mắng nhiếc đánh đập.

Lại nữa hoặc nói xâm đoạt y bát trong đệ tử Phật không cho thụ dụng.

Lại nữa hoặc nói đối với người xuất gia ép buộc hoàn tục phi lý sai sử.

Lại nữa hoặc nói đối với đệ tử Phật là khí phi khí, có tội không tội, gông cùm giam nhốt, tội nghiệp chướng đó trong nhiều kiếp đọa các đường ác, thụ các thứ khổ khó chịu đựng khó kham nổi.

Cho đến bạch rằng: Thế Tôn ! Các tội nghiệp chướng này nay xin sám hối tất cả không dám tạo trở lại. Xin Thế Tôn bi mẫn nhiếp thụ cứu vớt tội báo rộng lớn của chúng con.

Kinh Chướng Ngại Xuất Gia cũng nói:

Nếu người có bốn pháp đại xá, sinh ra gặp các nạn này. Đó là mù bẩm sinh, ngu si, câm, hoặc Chiên-đà-la ưa hủy báng chẳng có gì hay tốt, thường làm nô bộc, hoặc làm nữ nhân Phiến-trà Bán-trạch-ca v.v…, làm thân lạc đà, lừa, heo, chó, rắn độc.

Những gì là 4 ? Đại xá này là quá khứ chư Phật làm sức tăng thượng khiến chúng sinh phát tâm xuất ly, tâm xuất gia, tâm thánh đạo, nhưng làm chướng ngại, đó là thứ nhất. Lại nữa ưa tham của hối lộ, tham con cái, không tin nghiệp báo, nghĩa là với những sự giàu có thì tự do tự tại, còn đối với nam nữ thê thiếp có xuất gia thì gây khó khăn, đó là thứ hai. Còn lại hai thứ là phỉ báng chính pháp và làm hại Sa-môn, Bà-la-môn v.v… Luận nói:

Mười nghiệp bất thiện là ách nạn, có khổ báo rất lớn.

Kinh Chính Pháp Niệm Xứ nói:

Về tội báo sát sinh, nay lược nói: Trong địa ngục lại có loại chim gọi là chim bay đi trong lửa không bị đốt cháy, thấy người trong địa ngục thì mừng lắm, trước tiên mổ đầu người rồi uống máu. Lại có loài chim gọi là chim phá đầu lâu ăn não tủy.

Lại có loài chim ăn lưỡi, ăn lưỡi tội nhân, ăn rồi lại mọc lưỡi khác mềm mại hơn trước như lá hoa sen, nghĩa là tùy tưởng mà sinh ra.

Lại có các thứ chim như nhổ răng, rút cổ họng, nhổ lông, ăn phổi, ăn nội tạng, ăn xương sống, ăn chỗ kín, phá xương ống hút tủy.

Lại có loại chim mỏ như cây kim chỉ rút máu. Lại có các thứ chim ở trong xương, chim nhổ móng tay móng chân, chim ăn gân mạch, chim nhổ tóc chỉ ăn gốc sợi tóc. Như vậy trong đại địa ngục A-tì ba ngàn do-tuần là nơi ở của ác Dạ-xoa và các giống chim. Trong trăm ngàn năm cứ ăn rồi cái khác lại sinh, chịu khổ não lớn.

Kinh ấy lại nói:

Tất cả lưới khổ bao vậy chung quanh. Lại có địa ngục gọi là rơi từ bờ vực hiểm nghèo. Khi rơi xuống đó hy vọng kêu cứu chung quanh thì chỉ toàn có lửa chẳng có bạn bè. Chỉ có dây oan nghiệp theo đuổi trói buộc khiến vào các địa ngục lớn.

Lại nữa rơi vào bờ vực hiểm nghèo thì khi bỏ chân xuống bị lửa đốt cháy tiêu, nhấc chân lên thì sống lại mềm nhũn hơn trước, bởi mềm nhũn nên chịu rất khổ thống. Kinh sợ như vậy, đầu mắt tay chân tất cả chi tiết thân phần đều cháy tiêu. Những chỗ như thế này trên đời thật ít có, gọi là rơi vào bờ vực hiểm nghèo.

Lại nữa nói về chỗ rơi này có gió nghiệp thổi cao đến ba ngàn du-thiện-na. Sau khi rơi xuống đất có giống diều hâu kênh kênh giành nhau mổ thịt ăn, cho đến gió thổi tung lên lại rơi xuống đất, trải trăm ngàn năm chịu khổ như vậy.

Kinh ấy lại nói:

Tiếp đến có chỗ rơi xuống bánh xe quay, có đến cả ngàn bánh xe ít có trên đời, lửa mạnh cháy dữ dội, dầu kim cương cũng không làm hư hoại được. Các bánh xe này quay rất nhanh cho đến các thân phần đều bị đốt cháy. Nhấc chân bước đi thì bị đinh đâm, như vậy đi vào núi Nhương-cô-tra thì có giống trùng Nhương-cô-tra ăn thịt tội nhân. Bị ăn thịt rồi lại sinh nhiều hơn trước chịu rất thống khổ. Sinh rồi lại ăn ăn rồi lại sinh, thân nhục lại nhiều hơn trước, đó là do tạo sát sinh mà bị quả như vậy.

Luận nói:

Quà báo của tội không cho mà lấy. Nay ta sẽ nói về nghiệp ác này.

Ở trong địa ngục có rất nhiều dụng cụ như vòng lửa quay tròn, thành Càn-thát-bà, tương tự như con nai khát nước. Do ác nghiệp si thấy có nhiều thứ châu báu y phúc của cải. Do nghiệp si nên cố chạy vào trong chỗ lửa cháy để lấy những vật ấy. Rồi cũng chính nghiệp mình tạo ra Diêm-ma-la ngục tốt cầm dao bén đến trong lưới sắt cắt đứt chi phần thiêu đốt tất cả chỉ còn lại xương. Đó là do từ vô thủy đến nay không xả tài vật mà chịu khổ báo này.

Luận nói:

Nay ta sẽ nói về tạo dục tà hạnh. Người tạo tội này vừa tạm thoát ở nơi chỗ khổ trước rồi ác nghiệp xoay chuyển tăng hơn lửa tụ lại đọa vào nơi ác tà kiến. Do nghiệp đã tạo thấy có người như người trước đã gặp. Thấy rồi tức thì lửa tham từ vô thủy phát sinh liền chạy đến người nữ ấy. Do nghiệp đã tạo người nữ ấy biến thành sắt, bị người ấy cắn vào môi rồi ăn thịt, ăn cho đến hết chỉ còn chừng bằng một hạt cải, ăn rồi lại sống, sống rồi lại bị ăn. Người ấy bị lửa tham thiêu đốt chịu rất khổ thống khó có thể nhịn nổi. Bị lửa dục thiêu đốt như vậy nên đối với người nữ bị làm như vậy mà chẳng nghĩ gì khổ não. Người nữ kia đều là sắt cứng như kim cương thân bốc lửa rực rỡ, túm lấy tội nhân bóp nát như cái kén, tất cả thân phần đều cháy tiêu. Cháy tiêu tan rồi trở lại sống lại như trước.

Lược nói như bài kệ rằng:

Nữ sắc: Tội căn bản,

Phá hủy các tài lợi.

Nếu ai tham nữ sắc,

Làm sao được an lạc.

Cho đến

Đời này và đời khác,

Tội nữ sắc: số một.

Xa lìa nữ sắc thì

Thân được vui yên ổn.

Luận nói:

Nay nói về nghiệp vọng ngữ. Có ngục tốt Diêm-ma-la nắm lấy tội nhân dùng dao rạch miệng rút lưỡi. Đó là quả báo của vọng ngữ. Vì sức của nghiệp ác nên lưỡi rộng đến năm trăm du-thiện-na. Khi kéo lưỡi ra, các ngục tốt Diêm-ma-la cùng nhau trải lưỡi lên trên nền đất bằng sắt nóng. Do nghiệp tự tạo mà có trăm ngàn lưỡi cày bằng sắt, đầu lưỡi cày nóng đỏ, có những con bò to lớn khỏe mạnh kéo cày cày qua cày lại trên lưỡi tội nhân máu me đầm đìa. Cày xong lưỡi thụt vào. Nói tóm lại, rồi lưỡi lại kéo ra mềm mại hơn trước như tướng lưỡi của trời, tội nhân khóc lóc rất đau khổ trải vô lượng trăm ngàn năm khó kham chịu nổi. Tội nhân nơi địa ngục kia khi lưỡi tạm rút vào rất kinh hoàng, với tướng trạng ác ấy chạy đi khắp nơi lại rơi vào hầm lửa đốt cháy. Trong lúc đau khổ như vậy hy vọng kêu cứu thì lại có ngục tốt Diêm-ma-la tay cầm cán đao bửa tội nhân từ đầu xuống chân nát ra như bụi.

Luận nói:

Tội nói hai lưỡi đâm thọc cũng như tội vọng ngữ. Lưỡi bị kéo ra ba trăm du-thiện-na, ngục tốt Diêm-ma-la cầm đao nóng đỏ cắt lấy lưỡi, chồn sói dã can đánh hơi tìm kiếm ăn. Tội nhân kêu khóc rất đau đớn. Lưỡi cắt rồi lại mọc ra cái khác như trước nói.

Luận nói:

Nay nói về quả báo của ác khẩu. Ngục tốt Diêm-ma-la nắm lấy tội nhân dùng dao rạch miệng cắt lưỡi. Do đói khát cầu xin ăn uống khiến tự ăn lấy lưỡi mình và uống lấy máu mình. Do nghiệp lực của ác khẩu, lưỡi cắt rồi lại mọc, quằn quại trên đất kêu khóc, tròng mắt đảo vòng rất khổ thống. Ngục tốt Diêm-ma-la quở trách rằng do tự mình làm ai chịu thay cho ngươi. Rồi nói bài tụng rằng:

Lưỡi phóng như buông cung,

Lời nới như tên độc.

Ai hay nói lời ác,

Đến đây xem quả báo.

Luận nói:

Nay nói về quả báo của nói thêu dệt. Ngục tốt Diêm-ma-la cầm dao rạch miệng tội nhân rót nước đồng sôi, trước đốt cháy lưỡi, rồi đốt cháy yết hầu, rồi đốt cháy tim gan, rồi đốt cháy ruột rà cho đến nội tạng rồi theo xuống dưới ra ngoài. Ngục tốt Diêm-ma-la nói bài tụng rằng:

Trước sau chẳng liên hệ,

Vô nghĩa chẳng tương ưng.

Chẳng liên hệ ngươi nói,

Quả kia đến nay chịu.

Thường không tụng kinh Phật,

Không thích lời chân thật,

Thì kia đâu phải lưỡi,

Khác chi mớ thịt bằm.

Luận nói:

Nay nói về quả báo của sự xan tham. Tội nhân trong địa ngục ấy do nghiệp tạo ra vọng thấy trên đất đầy cả của báu có người bảo vệ. Tội nhân nơi địa ngục kia do nghiệp si ác từ vô thủy đến nay cho nên tham, ưa làm nhiều nghiệp bất thiện, đối với quả địa ngục khởi cái thấy điên đảo. Thấy vậy rồi vì tham lấy nhiều nên tay cầm dao bén vội đến chỗ các báu vật kia. Những người khác ở địa ngục ấy cũng cầm dao bén mau mau đến giao chiến cướp đoạt, thậm chí ăn thịt lẫn nhau đến hết cả thịt chỉ còn lại chừng bằng hạt cải, chỉ xương còn lại thốt ra tiếng kêu khóc. Bài kệ kia sơ lược nói như sau:

Thấy người khác giàu có,

Nghĩ mình cũng muốn được.

Là tham sinh quả độc,

Mà nay đến nơi đây.

Luận nói:

Nay nói về quả của sân giận do nghiệp sân tạo ra. Sư tử, rắn, cọp đứng trước mặt tội nhân, quá sợ hãi bỏ chạy khắp nơi nhưng vì nghiệp bất thiện không nơi nào thoát khỏi bị chúng bắt được trước ăn cái đầu rồi đến hai nách, rắn thì phun nọc độc tranh ăn với bò cạp, cọp ăn nơi lưng, rồi lửa đốt hai chân, ngục tốt Diêm-ma-la từ xa đâm và bắn, như vậy v.v… Luận nói:

Tà kiến có vô lượng quả báo. Chỉ nói sơ lược một ít. Nghĩa là trong địa ngục có những trận mưa đao kiếm sắc nhọn và mưa đá cứng như kim cương để đâm chém tàn phá. Lại có mười một nơi lửa tụ lại, như lửa đói khát từ trong miệng phát ra đốt cháy chung quanh.

Luận nói:

Những dục vọng này là nguồn gốc của tội lỗi cần phải sám hối. Lại như kinh nói: Có địa ngục lớn gọi là cái lu bằng lửa. Chúng sinh tạo nghiệp gì đọa vào đó ? Nghĩa là nếu thật chẳng phải Sa-môn mà tự xưng Sa-môn, hoặc nghe tiếng người nữ ca múa mà thâm tâm tác ý không tỉnh ngộ, do nghe tiếng ca điệu múa mà khoái thích đến xuất bất tịnh, nói tóm lại do đó đọa vào địa ngục bị những cơn mưa hoàn sắt nóng làm cho tứ chi thân thể nát như bụi, rồi lại có những trận mưa nước sôi nấu đốt như vậy.

Lại nữa nghĩ nhớ xưa kia dục tà hạnh nói có địa ngục gọi là Bát-nột-ma, nghĩa là do nghĩ nhớ trong chiêm bao làm những dục tà hạnh. Tùy theo địa ngục đó tội nhân bị nấu trong vạc lửa. Ngục tốt Diêm-ma-la cầm chĩa ba bằng sắt lớn mà đánh mà đâm, như kinh kia nói rộng.

Lại nữa có trường hợp tu phạm hạnh mà lại hồi hướng nguyện sinh trong chúng thiên nữ, nói là đọa địa ngục tên Đại Bát-nột-ma, nơi đó có bờ sông gọi là sông nước mặn sôi sục tràn đầy như nước kim loại tan chảy khiến thân thể cháy tiêu lông tóc như cỏ, thịt nát như bùn, xương tụ lại như đá, ruột rà như là cá v.v… ở trong địa ngục này trải qua thời gian vô lượng.

Lại nữa tà dục là hai người nam có vô lượng tướng hủy hoại chính hạnh. Như kinh ấy nói, người hủy hoại chính hạnh như vậy thấy trong sông nước mặn kia có đứa trẻ nít lặn hụp. Do ác nghiệp xưa sinh ra rất ưa thích liền vào trong sông tức thì bị các khổ trói buộc bức bách.

Lại nữa nói dục tà hạnh có những quả báo cực ác, nghĩa là khởi tính tội đối với loài bàng sinh, trong địa ngục kia có bò, nai v.v… bằng sắt nóng tướng rất bất thiện. Dục tâm nổi lên muốn tiếp cận với chúng súc sinh đó, đầy bụng lửa cháy bị thỉêu đốt nung nấu, trải trăm ngàn năm, cho đến như kinh ấy nói rộng.

Lại nữa tà dục cưỡng bức Tì-kheo-ni tịnh giới v.v… hủy hoại chính hạnh đọa đại địa ngục, rộng như kinh ấy nói.

Lại nữa tà hạnh hành dục một cách phi đạo, do lửa dục của mình quá mạnh xâm hai thô bạo người khác, hoặc đối với hàng cận trụ tại gia nam nữ thụ tám giới, hoặc xưng là thầy dạy mà hủy hoại chính hạnh đọa đại địa ngục chịu vô lượng khổ quá hơn trước đã nói.

Kinh Thất Chủng Hợp Tập nói:

Có người Ba-la-môn nói với người đồng tu phạm hạnh rằng: Tôi biết nhà anh ta hai căn hòa hợp. Có khi ở nhà anh ta thấy cử chỉ đi đứng mà khởi yêu thích. Đó là nói Bà-la-môn phạm hạnh hợp tập, chẳng phải lìa pháp hòa hợp, nhưng tu phạm hạnh mà không thanh tịnh. Ở nhà như vậy cùng chung vui đùa hoặc tâm ý yêu thích, đó là phạm hạnh mà không thanh tịnh. Ở nhà như vậy yêu thích thừa sự có các thứ trang nghiêm có tiếng ca điệu múa, ở giữa hai vách mà khởi yêu thích, đó gọi là hòa hợp. Trong năm dục lạc như vậy quan sát mà sinh yêu thích hồi hướng phạm hạnh nguyện sinh về thiên xứ, đó gọi là pháp hợp tập mà chẳng phải lìa hòa hợp.

Luận nói:

Nếu nghĩ muốn đến cảnh giới dục như vậy, đó là ách nạn.

Kinh Ha Dục nói:

Phật nói: Tì-kheo ! Phải sợ con đường này mà đoạn trừ dục tâm kia. Phải khởi tâm hết sức sợ hãi như chông gai. Hai con đường này là cực kỳ hiểm ác, chỉ có người bất thiện mới gần gũi con đường như vậy. Đó là con đường mà người chính sĩ lìa xa. Các ngươi chớ nên có chút suy nghĩ ham muốn. Thế Tôn nói đây là nhiều khổ, nhiều nạn, nhiều tội lỗi đáng khinh bỏ.

Phật nói: Tì-kheo ! Lại nữa dục nhiễm này như bệnh ung thư trong chứa độc bẩn, như cái móc câu tài lợi là nguồn gốc các tội. Dục như mộng mị, là pháp hư vọng, là chết, là không, là vô thường, là tội lỗi. Sao người ngu lại yêu thích nó ? Thậm chí nó như con nai bị bao vây, con cá mắc lưới, con bướm sa vào lửa đèn, như con khỉ bị vấy phân, như Bà-la-môn bị giới thủ trói buộc. Dục nhiễm cũng giống như thế.

Nói chung, kẻ tìm cầu dục lạc ví như bầy thú đi suốt đêm để rồi vào miệng sư tử không biết bao nhiêu mà kể, bò chết trong miệng cọp không biết bao nhiêu mà kể, cho đến không biết bao nhiêu ếch nhái đã vào miệng hàng trăm con rắn.

Lại như đêm dài lén gần dục sự như làm đạo tặc bị bắt chặt đầu không kể xiết, như xâm nhập làng xóm sát hại nhân dân cho đến bị nhốt bị trói chặt đầu không kể xiết, chịu đau khổ cực hình máu ra lai láng đến nước bốn biển hãy còn ít. Tóm lại, huống chi thân này có nhiều điểm đáng chê, như gân xương tụ lại da thịt gói bọc, lỗ chân lông có nhiều trùng đục ăn như ung thư đầy nhơ nhớp.

Lại nữa thân này có bao nhiêu thứ bệnh khổ như đau mắt, đau tai cho đến bệnh trĩ bệnh lậu mụt nhọt ghẻ lở. Kinh ấy còn nói: Thân này là khổ, là sầu não, sự già nua bức bách chân tay run rẩy lưng còng không còn sức lực, mặt nhăn tóc bạc, các căn đã quá muồi khổ hoại theo luật suy tàn mau chóng. Cho đến thân thể hôi hám đáng chán ghét không thể đến gần.

Tóm lại, Phật nói: Tì-kheo ! Sao đối với dục lại có thể tham ái mà triền miên đắm trước theo đuổi tìm cầu ? Nếu sau khi ta diệt độ, chính pháp sắp suy tàn, các ngươi hãy cẩn thận đối với ái dục chớ nên gần gũi, sẽ phải đọa vào đường dữ kia, đâu có đợi đến già chết ta mới răn dạy cho.

Phật nói: Dừng lại ! Dừng lại ! Phải đoạn trừ dục tâm. Nghĩa là nếu không đúng thời cầu dục, không bằng đúng thời cầu pháp.

Lại nữa Kinh Tối Thượng Thụ Sở Vấn nói:

Phải biết xa lìa dục tà hạnh, vui vẻ bằng lòng với vợ mình, không có sự thèm muốn nhìn ngắm người khác, chấm dứt ý ấy, chỉ một khổ duy nhất là nhẫn chịu đè bẹp ý tưởng tác ý tương đương với dục. Nếu khởi dục hãy theo đó quán bất tịnh. Phải biết gần gũi với kẻ dục thì ý dục nhiễm sẽ dễ bộc phát. Thường lìa sự trói buộc, chớ khởi tham đắm, quán tưởng bất tịnh đối với thân vô thường. Gìn giữ niệm trụ như vậy như ta đã làm, khởi phân biệt đúng đắn chớ sinh thèm muốn đối với dục nhiễm, huống chi không nên biểu thị bộc lộ cái ác. Kinh ấy lại nói:

Bồ-tát đối với quyến thuộc của mình phải có ba ý tưởng. Những gì là ba ?

Là tạm thời cùng vui vẻ nhưng không cùng với đời sau.

Chỉ cùng chung ăn uống nhưng không cùng chung lãnh thụ nghiệp báo.

Chỉ cùng sung sướng không cùng khổ não.

Cho đến điều này lại còn ba thứ là tưởng phá giới, tưởng phá định, tưởng phá tuệ. Lại có ba thứ nữa là tưởng như giặc cướp, tưởng như oan gia, tưởng như ngục tốt ở địa ngục.

HẾT QUYỂN 5