LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 3

Phẩm 1: TẬP HỢP HỌC XỨ VỀ BỐ THÍ 3

Như Phật nói trong Kinh Vô Tận Ý:

Bồ-tát phải quán sát tự thân, đối với chúng sinh nên làm gì ? Nghĩa là bốn đại chủng, đất nước lửa gió, có nhiều thứ cửa ngõ, có nhiều thứ tác động, có nhiều thứ hệ thuộc, có nhiều thứ khí cụ, có nhiều thứ thụ dụng, tùy theo chúng sinh hành động, hoặc toàn phần hoặc từng phần. Thân này của ta do bốn đại họp thành cũng vậy, có nhiều thứ cửa ngõ, có nhiều thứ tác động, có nhiều thứ hệ thuộc, có nhiều thứ khí cụ, có nhiều thứ thụ dụng, làm chỗ nương tựa to lớn đối với chúng sinh, cho nên dẫu thân có khổ cũng không mệt mỏi chán nản.

Luận nói:

Xả thụ dụng phúc, như Kinh Kim Cương Tràng nói:

Bồ-tát dùng các thứ bố thí mười phương vô lượng người bần cùng khốn khổ. Người thụ thí tin hạnh của Bồ-tát, nghe tiếng Bồtát, duyên vào lời nói của Bồ-tát đều đến họp. Vì Bồ-tát bố thí trước có phát thệ nguyện. Do nghe Bồ-tát tâm có nguyện xả bỏ tất cả mà bố thí lòng hoan hỷ không chán, làm cho người xin thỏa mãn toại nguyện. Tùy theo người đến mà phát tâm sám tạ.

Như có bài kệ rằng:

Ta nên đến người thí,

Ngươi biết không thể được.

Các người từ xa đến,

Không cực nhọc hay sao ?

Như vậy đối với người đi xin, phải cúi đầu đảnh lễ trình bày sám tạ, tắm rửa thân thể sắp đặt chỗ ngồi rồi tùy theo yêu cầu mà cấp cho tất cả. Như là xe có nạm ngọc mạt-ni, đầy đủ các đồ trang sức của các bà quý phái trong Diêm-phù-đề. Hoặc thí xe dát vàng có thị vệ theo hầu và đầy đủ các thứ trang sức của các cô gái thanh tân. Hoặc xe có khảm ngọc phệ lưu ly cùng với đầy đủ như trước các thứ âm nhạc ca vịnh khả ái nhất. Hoặc xe nạm ngọc pha-chi-ca, bốn mặt hiện bốn cô gái đẹp cầm các đồ trang hoàng, sắc tướng tuyệt trần và cũng đầy đủ như trước nói.

Xe có nạm ngọc mạt-ni trên giăng lười báu thả rũ, do voi trắng kéo và nài voi ăn mặc đẹp đẽ uy nghiêm. Tướng bảo luân tương xứng với xe. Lại nữa trên xe tôn trí tòa sư tử, trang trí các báu vật, có che lọng báu, bốn chung quanh trang hoàng trướng báu. Bốn mặt có trồng trụ phướn, đốt và trát các thứ hương thơm, rải khắp các hoa đẹp. Lại nữa bên trên có trăm ngàn kỹ nữ múa hát, nhịp nhàng hòa theo bước đi của người đánh xe. Cho đến các loại hương bột hòa quyện, khiến nghe mùi hương này tâm ý vui thích, nam nữ tính hạnh điều hòa.

Lại như kinh ấy nói vì các chúng sinh mà xả thân mình, thừa sự chư Phật, nhiếp thụ chúng sinh. Hoặc xả bỏ ngôi vị Chuyển luân vương, đất đai thành trì cung điện, tất cả những gì quý báu uy nghiêm. Như có người xin cũng xả bỏ, cả đến quyến thuộc nam nữ thê thiếp nhà cửa nhân dân, toàn bộ hay một phần cũng đều xả thí tất cả. Như vậy, những thức ăn uống trân cam mỹ vị cũng đều xả bỏ, mà các thứ đắng cay mặn nhạt trở thành điều hòa thích hợp thân tâm, sắc lực an trụ, đến đâu thì khiến bệnh khỏi, đều được an lạc. Cũng vậy, đèn sáng hương thơm tràng hoa y phục giường ghế phòng nhà, đồ nằm thuốc chữa bệnh Bồ-tát tùy theo đó cấp cho. Cho đến những dụng cụ khác như những thứ báu vật đựng đầy trong vô lượng vô số bát bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng cúng dường Phật Thế Tôn khởi tâm tin hiểu tôn trọng không thể nghĩ bàn. Hoặc cúng thí Bồ-tát thiện tri thức v.v… phát tâm hi hữu. Hoặc cúng thí tất cả thánh chúng Thanh Văn, Duyên Giác, Bổ-đặc-già-la, những người ở trong giáo pháp của Phật phát tâm thanh tịnh. Hoặc thí cha mẹ, A-xà-lê, và các sư trưởng, phát khởi tâm tôn trọng thân cận thừa sự cầu học. Hoặc thí những người thiếu thốn khốn khổ, đối với các chúng sinh phát tâm từ mẫn không ngại. Nói tóm lại, nếu Bồ-tát muốn thí xe voi thì bảy chi tiết trụ vững, cao sáu mươi thước, có đủ sáu ngà, mặt mắt thanh tịnh như sắc hoa sen, dây vàng đan lưới trang sức thân tướng, cùng các báu trang sức khác, vòi của nó nhấc lên ném các thứ màu vòng ròng rất đẹp, đi hàng ngàn du-thiện-na người xem không chán mắt. Nếu thí xe ngựa thì tùy ý đi bốn phương, bước đi ngay ngắn, thân được an ổn, người đánh xe cùng nô bộc đi theo ăn uống đầy đủ, trang nghiêm như cõi trời. Thí hàng trăm hàng ngàn hoặc thí thiện tri thức, cha mẹ, sư trưởng những bậc tôn trọng, cho đến những kẻ thiếu thốn khốn khổ tất cả thế gian đều có thể nhận thí, tâm không lẫn tiếc, cũng không chấp trước. Đại bi đại xả là tâm thanh tịnh sâu xa của Bồ-tát, phát sinh công đức nhiều như vậy. Cho đến Bồ-tát hoặc thí giường, tòa ngồi, như hiền vương tòa và bục gác chân bằng phệ lưu ly, ghế báu, giường sư tử, có dây vàng màn báu rũ xuống đó đây, nệm êm với nhiều đồ trang sức, xông ướp các thứ hương thơm, dựng cột cờ cao đẹp, bằng ngọc báu đại ma-ni và trang nghiêm bằng nhiều thứ quý báu, vô lượng trăm ngàn câu-chi na-dữu-tha, thả rũ các lưới báu, mỗi mỗi mắt lưới treo các chuông báu nhỏ, gió thơm thổi động phát ra tiếng nghe vui tai. Hoặc thí tòa ngồi lớn, ngước mắt nhìn lên cao, có vô số hàng dãy rợp đất, tất cả quốc vương Đại tự tại chủ, ngồi ở các tòa đó làm lễ quán đảnh được vô ngại luân, ra lệnh cho các tiểu vương phụng hành y theo giáo lệnh. Như vậy cho đến Bồ-tát thí lọng báu lớn cũng dùng các thứ báu trang hoàng như thân báu, chuông báu dây báu lưới báu rũ xuống quá tai quá cổ. Lại nữa chung quanh kết các tua chuỗi bằng ngọc phệ lưu ly, ngọc mạt-ni v.v… Lại nữa trong các lưới như nan nhĩ thiên ( ? ) phát ra âm hưởng vi diệu thanh tịnh hòa nhã với những đuốc báu trang nghiêm số đến trăm ngàn như kho báu họp lại. Lại nữa bốn chung quanh đốt các thứ hương vô giá như chiên đàn, trầm thủy trăm ngàn câu-chi na-do-tha các hương quý. Lại có lọng báu thanh tịnh như sắc vàng Diêm-phù-đàn tụ lại, cũng dùng vô lượng trăm ngàn câu-chi na-dữu-đa trang hoàng nghiêm sức. Dùng vô số trăm ngàn câu-chi na-dữu-tha nhiều lọng, đem tâm bố thí các người đến xin, đứng trước mặt tùy người xin mà cấp cho. Hoặc thí tháp miếu trang nghiêm chân thật sau khi chư Phật diệt độ. Hoặc thí Bồtát cầu pháp, các thiện tri thức và hiện sinh Bồ-tát pháp sư. Nếu cha mẹ, tăng bảo, vâng theo lời dạy của Phật cho đến tất cả đều có thể là người thụ thí, đều dùng thiện căn như vậy mà hồi hướng. Như ban đầu khi mới có các thiện, đều phải thân cận phát nguyện thiện căn này thường được trụ ở thế gian làm chỗ nương tựa, được chính tự tại nơi pháp thanh tịnh. Nếu các chúng sinh, do thiện căn này, tội báo địa ngục đều được trừ diệt, súc sinh Diệm-ma-la giới dứt các khổ tụ.

Kia dùng các thiện căn như vậy hồi hướng, ta đối với các thiện căn cũng như vậy.

Khi ở trong phòng trong nhà, nguyện các chúng sinh diệt các khổ tụ.

Khi gặp trường hợp cứu vớt, nguyện các chúng sinh thoát các phiền não.

Khi gặp nơi nương tựa, nguyện các chúng sinh lìa các sợ hãi.

Nếu khi đi đâu, nguyện các chúng sinh đến được mọi nơi.

Nếu khi đối hướng, nguyện các chúng sinh được nhẫn rốt ráo.

Khi thấy ánh sáng, nguyện các chúng sinh được tuệ không tăm tối. Khi thấy ánh sáng chớp, nguyện các chúng sinh phá tối vô minh. Khi được đèn đuốc, nguyện các chúng sinh rốt ráo tịnh trụ.

Gặp lúc mạnh mẽ, nguyện các chúng sinh nhập sâu chính lý, pháp không thể nghĩ bàn.

Khi gặp dũng tướng, nguyện các chúng sinh được trí uẩn vô ngại. Cho đến lời nói không trau chuốt trống rỗng, ý sâu kiên cố hồi hướng, tâm một cảnh hồi hướng, tâm hoan hỷ hồi hướng, tâm cực hỷ hồi hướng, tâm nhu nhuyến hồi hướng, tâm đại từ hồi hướng, tâm ái lạc hồi hướng, tâm nhiếp thụ hồi hướng, tâm thủ hộ hồi hướng, tâm an ổn hồi hướng, dùng tất cả như vậy mà hồi hướng.

Lại nữa thiện căn này của ta nguyện cho các chúng sinh được thành tựu đến nơi thanh tịnh, được thành tựu chỗ sinh thanh tịnh, được thành tựu phúc tướng nghiêm thân thanh tịnh, được thành tựu không tổn hoại, được thành tựu bố thí rộng rãi, được thành tựu tâm lâu xa, được thành tựu không mất niệm, được thành tựu thông đạt tuệ giải, được thành tựu vô lượng giác ngộ, được thành tựu viên mãn tất cả công đức trang nghiêm của thân nghiệp ý nghiệp.

Lại nữa dùng vô lượng thiện căn cùng các chúng sinh cúng dường chư Phật. Do cúng dường rồi được không tổn giảm. Ở nơi Phật Thế Tôn sám các tội ác, thân cận Như Lai ứng cúng chính đẳng chính giác nghe thuyết pháp, nghe rồi lìa các nghi hoặc, thụ trì các pháp đã được nghe, được liên tục đầy đủ chính hạnh. Do cúng dường Như Lai nên được thành sự nghiệp, tâm siêng năng tu tập không các tội ác.

Lại nữa, ta trồng gốc thiện này cuối cùng lìa các bần cùng được đầy đủ bảy thứ thánh tài. Theo chư Phật học được thiện căn vượt trội, có thể thành tựu khắp tín giải rộng lớn, ngộ nhập trí nhất thiết trí.

Trong các thế gian có con mắt không ngại, đủ tướng trang nghiêm, thân thanh tịnh nhiếp thụ tất cả công đức, lời nói trang nghiêm nên thành tựu các căn. Mười lực buộc nơi tâm, phân biệt tích tập, đối với hạnh đi du hóa đó đây hay dừng trụ lại một nơi nào, không hạnh nào không viên mãn.

Lại nữa, đối với chỗ thành tựu diệu lạc của chư Như Lai, nguyện cho các chúng sinh cũng đều được như vậy.

Như trong Lục Thập Hồi Hướng Nghi Quỹ có nói:

Nguyện các chúng sinh đạt được sự ăn uống trí tuệ, tâm hiểu rõ khắp cả những gì không nên ăn, ăn quyết định không lựa chọn, vui vẻ không ăn thịt, cho đến không sinh ưa muốn.

Nguyện các chúng sinh như mây đổ mưa, được một pháp vị.

Nguyện các chúng sinh được các vị ngon, đối với tối thượng pháp lạc được dừng nghỉ sung mãn. Tất cả Phật pháp hết sức khéo tư duy, không sinh chấp tướng, đó là cỗ xe không hư hoại, là cỗ xe cao tột, là cỗ xe vượt trội hơn cả, là cỗ xe nhanh chóng, là cỗ xe có sức mạnh vĩ đại.

Nguyện các chúng sinh vui thấy chư Phật không chán đủ.

Nguyện các chúng sinh được gặp thiện tri thức không gián đoạn.

Nguyện các chúng sinh không thấy thuốc độc.

Nguyện các chúng sinh dứt trừ phiền não.

Nguyện các chúng sinh thấy vầng mặt trời thanh tịnh.

Nguyện các chúng sinh phá tối tăm rồi tùy ý lạc mà nói, như vậy thân tướng chiếu rõ tự tính.

Nguyện các chúng sinh thấy ánh quang minh thù thắng, không thấy các não hại chỉ thấy thích ý, yêu thích hiền thiện mong muốn niềm hoan hỷ tột độ được đến nơi chư Phật.

Nguyện các chúng sinh huân tu bố thí, xả hết tất cả. Nguyện các chúng sinh huân tu nhẫn nhục, được tâm không động.

Nguyện các chúng sinh huân tu tinh tiến, mặc áo giáp tinh tiến lớn.

Nguyện các chúng sinh huân tu tĩnh lự, y hiện tại trước Phật được Tam-ma-địa.

Nguyện các chúng sinh huân tu Bồ-tát hồi hướng.

Nguyện các chúng sinh huân tu tất cả bạch pháp, giải thoát tất cả pháp bất thiện.

Nguyện các chúng sinh được các thứ tư cụ của trời.

Nguyện các chúng sinh khởi hạnh đại trí, được tư cụ của thánh giả.

Nguyện các chúng sinh dùng tâm Bồ-đề huân tập các phàm phu được các thứ diệu lạc.

Nguyện các chúng sinh lìa các hành khổ luân hồi được các thứ an ổn.

Nguyện các chúng sinh được trụ cõi Phật thanh tịnh, chứng các pháp xúc. Nghĩa là được công đức trụ, tương ưng trụ, rộng lớn bất động tối thượng của chư Phật trụ.

Nguyện các chúng sinh được gần với du chỉ của Phật.

Nguyện các chúng sinh được vô lượng ánh sáng chiếu các pháp Phật.

Nguyện các chúng sinh được ánh sáng vô ngại, có thể dùng một ánh sáng chiếu các pháp giới.

Nguyện các chúng sinh được thân an lạc, được thân Như Lai.

Nguyện các chúng sinh giống như vua của ngành dược, có thể luận rốt ráo các phương thuốc.

Nguyện các chúng sinh giống như cây thuốc được không tổn hại.

Nguyện các chúng sinh như thầy thuốc hay, ở đời diệt trừ các bệnh tật, được nhất thiết trí đến chỗ an lạc.

Nguyện các chúng sinh là vị thuốc hay ở đời, như trong thâm tâm giã giần hòa hợp.

Nguyện các chúng sinh trừ các bệnh khổ. Nguyện các chúng sinh được thân có sức mạnh.

Nguyện các chúng sinh được sức mạnh làm nát núi Luân Vi.

Nguyện các chúng sinh được lượng khí vô hạn tận cõi hư không, niệm căn rộng lớn, tất cả những gì nói ra đều bao gồm thế gian xuất thế gian, ấn trì được không mất niệm.

Nguyện các chúng sinh được thiện tịnh khí, liễu ngộ chư Phật trong ba đời, phân biệt thanh tịnh không chấp trước ngoan cố.

Nguyện các chúng sinh chỗ muốn đi đến, được đi đến tất cả mọi nơi trên đất Phật.

Nguyện các chúng sinh đối với tất cả chúng sinh khác được tâm không tổn hại.

Nguyện các chúng sinh trong một sát-na tâm duyên các pháp giới và đi đến tất cả thế giới không mệt nhọc vất vả, do không chán mệt được thân thông luân.

Nguyện các chúng sinh được hạnh diệu lạc cùng các Bồ-tát đi đến đạo tràng.

Nguyện các chúng sinh đối với thiện tri thức và vô lượng thiện căn được tâm không lìa bỏ, biết ơn báo ơn tùy chỗ giữ gìn.

Nguyện các chúng sinh cùng thiện tri thức đồng một lợi lạc.

Nguyện các chúng sinh thâm tâm hoan hỷ, chỉ nhiếp thụ điều thiện, cùng thiện tri thức an lạc ở chung tùy tu phúc hạnh.

Nguyện các chúng sinh đối với thiện tri thức có các thiện căn thanh tịnh nghiệp báo đồng một đại nguyện. Nguyện các chúng sinh trụ hạnh Đại thừa, vĩnh viễn xa lìa u ám, đối với nhất thiết trí được vô cùng tận.

Nguyện các chúng sinh sâu giữ thiện căn, được chư Như Lai che chở.

Nguyện các chúng sinh giữ gìn trí đức, giải thoát tất cả hoặc nhiễm thế gian.

Nguyện các chúng sinh đầy đủ bạch pháp, không khởi tán loạn, ở trong Phật pháp được hạnh bất hoại.

Nguyện các chúng sinh mở rộng mười lực, che chở bao bọc tất cả. Nguyện các chúng sinh được thâm tâm lớn hiểu rõ rốt ráo.

Nguyện các chúng sinh ngồi tòa sư tử được thần thông của Phật, ở trong thế gian quán sát như vậy.

Như Kinh Hư Không Tạng nói:

Ta tích chứa thiện căn pháp trí thiện xảo, không thứ gì không làm y trụ cho chúng sinh.

Luận nói:

Xả bỏ sự thụ dụng quá khứ và vị lai, như Kinh Vô Tận Ý nói: Nếu tâm sở pháp của thiện tâm, niệm niệm hồi hướng Bồ-đề, đó là thiện xảo. Nếu vị lai thiện căn quyết định Bồ-đề, thì hiện tiền nơi các sự nghiệp khởi thiện tâm, đều dùng hồi hướng A-nậu-đa-la Tammiệu Tam-bồ-đề.

Luận nói:

Như vậy tu tập tâm tâm sở pháp, tín giải viên mãn, tất cả xả thí. Lại nữa hành động của tâm và phương tiện của thân xả bỏ các nhiếp thụ. Ở đây nói nhiếp thụ tức giải thoát gốc khổ của tam hữu. Trong đó những thứ đã tạo trong vô lượng kiếp a-tăng-kì chiêu cảm vô lượng phú lạc thế gian và xuất thế gian, đối với thân tự nhiên thụ dụng như ý. Ta phải dùng tài lợi cứu vớt các chúng sinh lên bờ kia. Ngoài ra, Bồ-tát hành thí đối với đạo Bồ-đề như có nói trong Kinh Bảo Vân.

Phẩm 2: VỀ GIỚI HỘ TRÌ CHÍNH PHÁP 1

Luận nói:

Người này đối với thân đã xả, sao còn gọi là hộ ? Nghĩa là nếu đem cái mình tự thụ dụng thí cho các chúng sinh. Thế nào là thụ dụng ? Những gì là thí ? Nếu không thụ dụng cũng không bảo vệ giữ gìn. Cho nên hộ tự thân thì nên đem sự thụ dụng làm lợi ích chúng sinh.

Kinh Bồ Tát Biệt Giải Thoát nói:

Xá-lợi tử ! Hộ người khác tức hộ tự thân. Xá-lợi tử ! Hành tướng như vậy nếu Bồ-tát thành tựu hộ người khác, giả sử gặp trường hợp bị mất mạng, đối với nghiệp này ta tất không nên làm.

Lại nữa Kinh Vô Úy Thụ Sở Vấn nói:

Như cái xe lớn chở rất nặng, chỉ người trí mới hiểu rõ đối với pháp.

Kinh Vô Tận Ý cũng nói như thế này:

Vì hộ các chúng sinh, dẫu thân có khổ cũng không sinh mệt mỏi, huống chi xả bỏ thiện tri thức ư ?

Cho nên Kinh Hoa Nghiêm nói:

Thiện nam tử ! Bồ-tát do thiện tri thức hộ trì, không đọa vào đường ác. Do thiện tri thức mà đầy đủ siêu vượt học xứ của Bồ-tát. Do thiện tri thức dạy dỗ dắt dẫn mà được xuất ly thế gian. Do thiện tri thức mà được thân cận Bồ-tát không quên mất hạnh. Do thiện tri thức mà được nhiếp thụ tất cả hạnh ít có của Bồ-tát. Do thiện tri thức nương theo con đường chính giác trừ nghiệp hoặc chướng ra khỏi thành trì sinh tử đến nơi thanh tịnh.

Thiện nam tử ! Cho nên thân cận thừa sự thiện tri thức phải tác ý như vậy.

Nghĩa là tâm mình như đất đai gánh chở tất cả không biết mệt mỏi, tâm như kim cương chí nguyện không thể hư nát. Tâm như núi Luân Vi dẫu gặp khổ nhọc cũng không khuynh động.

Tâm như kẻ nô bộc tùy công việc mà làm không kể hèn mọn.

Tâm như người làm thuê rửa sạch bụi nhơ, không kiêu mạn.

Tâm như cỗ xe lớn chở nặng đi xa không hư hỏng.

Tâm như con ngựa tốt không hung bạo.

Tâm như thuyền bè qua lại không mệt.

Tâm như đứa con hiếu đối với cha mẹ luôn có sắc mặt kình thuận vâng lời.

Lại nữa, thiện nam tử ! Đối với bản thân khởi tưởng bệnh khổ, đối với thiện tri thức khởi tưởng như vua của các thầy thuốc, tùy theo giáo lệnh khiến có ý tưởng như điều chế thuốc hay, tu các chính hạnh tưởng như chữa bệnh.

Lại nữa, thiện nam tử ! Đối với bản thân khởi tưởng sợ hãi. Đối với thiện tri thức khởi tưởng dũng kiện, tùy theo giáo lệnh tưởng như binh khí, tu các chính hạnh tưởng như phá oán.

Lại nữa, trong Giải Thoát Quán Ưu Bà Di có nói:

Thiện nam tử ! Bồ-tát đối với thiện tri thức, tùy chỗ dạy bảo nên suy nghĩ như cúng dường chư Phật Thế Tôn. Bồ-tát đối với thiện tri thức không nói trái nghịch, vì được gần nhất thiết trí. Đối với thiện tri thức không nghi ngờ, không lìa tác ý, được gần các thiện tri thức được các lợi ích hiện tại.

Lại như Thiện Tài đến gặp Tì-kheo Kiên Cố Tràng, đầu mặt làm lễ dưới chân, đi nhiễu bên phải trăm ngàn vòng rồi lui đứng sang một bên. Bấy giờ Tì-kheo Kiên Cố Tràng quan sát lễ kính, rồi lại quán sát kỹ lại cũng lễ kính như vậy, tư duy quan sát khắp rồi hỏi: Người từ đâu đến làm tướng như vậy ? Đối với công đức lợi ích hiện tiền cầu niệm kiên cố vô lượng hạnh nguyện, không bỏ ý nầy, hi vọng thấy tướng và nhận được âm thanh, cho đến lúc làm lễ mà đi buồn bã khóc lóc mong gặp thiện tri thức thấy nhất thiết trí, đến nơi Tì-kheo Hải Vân rồi làm lễ mà đi.

Lại nữa, Kinh Bồ Tát Biệt Giải Thoát nói:

Xá-lợi tử ! Bồ-tát ưa muốn thiện pháp, trân bảo của thế gian không gì không xả bỏ, đem thân thừa sự không gì không cung kính, cung cấp sai bảo và bao nhiêu ngữ nghiệp không gì không mạnh mẽ, đối với Hòa thượng A-xà-lê hết sức tôn trọng.

Sở dĩ vì sao đến như thế ? Vì đoạn dứt trói buộc mà cầu pháp như vậy. Vì đoạn sinh lão bệnh tử ưu bi khổ não mà cầu pháp như vậy. Phát tâm như của báu trừ nghèo cùng khốn khổ của chúng sinh mà cầu pháp như vậy. Phát tâm như thuốc men làm an lạc tất cả chúng sinh mà cầu pháp như vậy.

Kinh Tối Thượng Thụ Sờ Vấn nói:

Lại nữa trưởng giả ! Hoặc ở nơi Bồ-tát được nghe một bài kệ bốn câu, thụ trì đọc tụng vì người giảng nói, và tích tập các hạnh tương ưng của Bồ-tát như bố thí, trì giới, nhsãn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ. Phải sinh tôn trọng pháp A-xà-lê, cho đến dùng văn chương kệ tụng ngợi khen. Nếu trong một kiếp ở nơi A-xà-lê thân cận phụng sự thường hành chính trực thì tất cả tài lợi thụ dụng cúng dường trưởng giả cũng chưa đủ đối với sự tôn trọng A-xà-lê.

Luận nói:

Thế nào là tôn trọng đối với pháp ?

Kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa nói:

Thiện nam tử ! Người nên khởi tâm tôn trong trọng yêu thích thiện tri thức. Bấy giờ Thường Thảm Bồ-tát Ma-ha-tát tác ý muốn tôn trọng hành tướng như vậy. Tiếp đến đi vào một thành, vào trong thành rồi nghĩ rằng ta sẽ bán thân ta để lấy được thứ gì cúng dường Pháp Thượng Bồ-tát Ma-ha-tát. Nhưng ta ở trong đêm dài, vì dục nhân duyên mà thụ thân sinh tử, lưu chuyển các thú vô lượng vô biên, chưa từng vì pháp và làm lợi ích chúng sinh.

Rồi Bồ-tát Thường Thảm cất cao tiếng rao rằng:

Nghe đây ! Ai mua người này không ? Ai mua người này không ? Tóm lại khi ấy ma Ba-tuần từ chỗ ngồi đứng dậy làm cho các Bàla-môn, trưởng giả không nghe được tiếng rao kia nên muốn tự bán mình cũng không được.

Bồ-tát ấy một khi đến đâu đều không ai nghe cả bèn khóc lóc tự than rằng: Quái lạ tiền bạc sao mà khó kiếm như vậy, ta muốn bán thân mà cũng không được ! Bấy giờ có một vị vua trên cõi trời tên Thước-ca-la giả dạng làm một Phạm chí đến nói với Bồ-tát Thường Thảm rằng:

Thiện nam tử ! Vì sao người ở đây buồn thảm khóc lóc như thế này ?

Bồ-tát Thường Thảm nói: Này Phạm chí ! Nay tôi ưa muốn thiện pháp, vì muốn làm pháp cúng dường tôi tự bán thân mà không ai mua.

Phạm chí nói với Bồ-tát Thường Thảm: Tôi không cần người vì không làm gì cả, chỉ cần tim máu xương tủy của người, ông có bán không ?

Bấy giờ Thường Thảm Bồ-tát tự nghĩ: Nay ta thỏa mãn sẽ được thiện lợi lớn, nhất định sẽ hiểu biết phương tiện thiện xảo của Bátnhã Ba-la-mật-đa. Thân ta còn bán được, tiếc gì tim máu xương tủy ! Rồi phát tâm phấn khởi, tâm phân biệt rõ, tâm cực hoan hỷ thưa Phạm chí rằng: Đây thân này xin tùy ý. Bồ-tát Thường Thảm tay phải cầm đao bén đâm vào cánh tay chảy máu, cắt thịt cánh tay xong chẻ xương mà đứng đó.

Khi ấy có người con gái một trưởng giả ở trên lầu cao xa trông thấy sự việc liền đến nơi Bồ-tát Thường Thảm kia hỏi rằng: Sao người làm khổ thân mình đến thế ?

Khi người con gái nghe nói đến việc cúng dường bèn nói: Thiện nam tử ! Việc cúng dường ấy có những công đức thiện lợi ra sao ?

Đáp: Thưa đồng nữ ! Vị Bồ-tát kia vì ta dạy rõ cho ta học được phương tiện thiện xảo của Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Học như vậy là vì chúng sinh làm chỗ quay về. Nói tóm tắt như vậy.

Lại nữa, đồng nữ bảo Bồ-tát Thường Thảm rằng:

Thiện nam tử ! Ở nơi A-xà-lê để cầu pháp rộng lớn như vậy, cứ mỗi một pháp nghĩa thì phải xả thân cho đến số kiếp nhiều như cát sông Khắc-già để cầu, bởi vì pháp kia rộng lớn.

Này thiện nam ! Nay tôi có đủ vàng bạc ngọc báu mạt-ni, phệ lưu ly v.v… người có thể đến nơi Bồ-tát Pháp Thượng rộng làm việc thiện lợi. Rồi cùng với cô gái nhỏ với năm trăm quyến thuộc đồng đến nơi Bồ-tát Pháp Thượng.

Bấy giờ Pháp Thượng Bồ-tát Ma-ha-tát liền từ tòa ngồi đứng dậy vào nhà, rồi như vậy bảy năm nhập Diệu Tam-ma-địa. Bồ-tát Thường Thảm cũng bảy năm không khởi dục, không khởi phỉ báng, không khởi hại tâm, không đắm trước vị ngon, chỉ nghĩ một niệm là khi nào Bồ-tát Pháp Thượng sẽ xuất định. Như vậy đến trước pháp tòa nơi thuyết pháp và hết các chỗ khác rải các thứ hoa các thứ trân bảo. Khi ấy trưởng giả nữ cùng năm trăm quyến thuộc cũng học làm theo các oai nghi của Bồ-tát Thường Thảm.

Bấy giờ trên hư không có tiếng báo Bồ-tát Thường Thảm rằng: Bồ-tát Pháp Thựong này sau bảy ngày sẽ xuất định đến trong thành kia tùy nghi thuyết pháp. Bồ-tát Thường Thảm nghe tiếng nói ấy rồi rất vui mừng đẹp ý quét đất dọn dẹp sạch sẽ. Bấy giờ trưởng giả nữ cùng năm trăm quyến thuộc trang trí trước pháp tòa các thứ bảy báu rất đẹp. Còn Bồ-tát Thường Thảm thì tưới nước quét dọn các nơi tìm khắp chung quanh không có nước. Nơi đó có ma Ba-tuần tên là Ẩm Tương giấu hết nước để làm cho Bồ-tát tâm sinh khổ não mà thoái lui mất ý đạo tăng thêm gốc chẳng lành. Bấy giờ Bồ-tát Thường Thảm biết là ma Ba-tuần giấu rồi liền cắt thân tưới máu trên đất. Vì sao vậy ? Vì nơi đây đất có nhiều bụi sẽ làm bẩn thân Bồ-tát Pháp Thượng, ta nay vì pháp dẫu phá bỏ thân này nào có tiếc chi ! Lại nữa ta xưa kia vì nhân duyên dục nhiễm mà qua lại luân hồi trong sinh tử, chưa bao giờ vì pháp xả thân. Nghĩ vậy rồi cầm dao bén đâm vào mình chảy máu rưới khắp trên đất, các quyến thuộc của nữ trưởng giả cũng học được như vậy. Bấy giờ ma Ba-tuần chẳng làm gì được.

Cho nên kinh Đại Thừa Tứ Pháp có nói:

Phật bảo các Tì-kheo rằng Bồ-tát trọn đời, cho đến gặp phải nhân duyên mất mạng nhất định không được bỏ thiện tri thức.

HẾT QUYỂN 3