LUẬN ĐẠI THỪA A-TỲ ĐẠT-MA TẠP TẬP

SỐ 1606

Tác giả: Bồ-tát An Tuệ
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang-đời Đại Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Quyển 13

PHẦN QUYẾT TRẠCH

Phẩm 3: ĐẮC (Phần 1)

Hỏi: Thế nào là đắc Quyết trạch?

Đáp: Nói lược có hai thứ:

  1. Lập ra Bổ-đặc-già-la.
  2. Lập ra hiện quán.

Quyết trạch thứ nhất là năng chứng, quyết trạch thứ hai là sở chứng. Bổ-đặc-già-la tuy chẳng phải thật có, nhưng do bốn duyên mà lập ra:

  1. Lời nói khác.
  2. Thuận thế gian.
  3. Lìa bố úy.
  4. Hiển bày công đức lỗi lầm của mình và người.

– Lời nói khác: Hoặc là đối với vô lượng sự sai khác của sắc…, vô lượng sai khác trong pháp tướng và pháp tưởng, tổng hợp lại để lập ra một hữu tình giả , tức là kêu gọi, vẫy gọi, qua lại… thì các thứ nói năng thực hiện không khó lắm.

– Thuận thế gian: Là không phải các thế gian, chỉ dựa vào pháp tưởng mà khởi nói năng, phần nhiều dựa vào tưởng hữu tình mà khởi nói năng, nên bậc Thánh vì hóa độ thế gian, thì phải đồng với thế gian kia mà phương tiện lập ra Bổ-đặc-già-la.

– Lìa sợ hãi: Là hữu tình thế gian chưa lãnh hội pháp tánh của duyên khởi sâu xa, nếu nghe tất cả hữu tình vô ngã thì liền sinh kinh sợ, không chịu chánh hóa độ.

– Hiển bày công đức lỗi lầm của mình và người: Là nếu lìa giả lập hữu tình sai khác mà chỉ nói tướng của pháp nhiễm tịnh, thì đó là tất cả không có sai khác, không thể biết rõ trong thân như vậy, tội lỗi như vậy đã dứt hay chưa dứt, trong thân như vậy công đức như vậy đã chứng hay chưa chứng, do đó mà lập ra Bổ-đặc-già-la.

Hỏi: Thế nào là lập ra?

Đáp: Lược có bảy thứ:

  1. Bịnh hạnh sai khác.
  2. Xuất ly sai khác.
  3. Nhậm trì sai khác.
  4. Phương tiện sai khác.
  5. Quả sai khác.
  6. Giới sai khác.
  7. Tu hành sai khác.

– Bịnh hạnh sai khác lại có bảy thứ:

  1. Tham hạnh.
  2. Sân hạnh.
  3. Si hạnh.
  4. Mạn.
  5. Tầm tư hạnh.
  6. Đẳng phân hạnh.
  7. Bạc trần hạnh.

– Xuất ly sai khác lại có ba thứ:

  1. Thanh văn thừa.
  2. Thừa Độc giác.
  3. Đại thừa.

– Nhậm trì sai khác lại có ba thứ:

  1. Vị cụ tư lương.
  2. Vị cụ dĩ cụ tư lương.
  3. Dĩ cụ tư lương.

– Phương tiện sai khác lại có hai thứ:

  1. Tùy tín hạnh.
  2. Tùy pháp hạnh.

– Quả sai khác lại có hai mươi bảy thứ: 1. Tín giải. 2. Kiến chí. 3. Thân chứng. 4. Tuệ giải thoát. 5. Câu giải thoát. 6. Dự lưu hướng. 7. Dự lưu quả. 8. Nhất lai hướng. 9. Nhất lai quả. 10. Bất hoàn hướng. 11. Bất hoàn quả. 12. A-la-hán hướng. 13. A-la-hán quả. 14. Cực thất phản hữu. 15. Gia gia 16. Nhất gian. 17. Trung nhập Niết-bàn. 18. Sinh nhập Niết-bàn. 19. Vô hành nhập Niết-bàn. 20. Hữu hành nhập Niết-bàn. 21. Thượng lưu. 22. Thoái pháp A-la-hán. 23. Tư pháp A-la-hán. 24. Hộ pháp A-la-hán. 25. Trụ bất động A-la-hán. 26. Kham đạt A-la-hán. 27.

Bất động pháp A-la-hán.

– Giới sai khác, là trong ba cõi, mỗi cõi đều có ba thứ. Cõi Dục có ba thứ:

  1. Dị sinh.
  2. Hữu học.
  3. Vô học.

Như cõi Dục có ba thứ, cõi Sắc và cõi Vô Sắc cũng vậy, cũng có Dục giới, Sắc giới Bồ-tát, lại có Độc giác có Dục, và Như Lai bất khả tư nghì .

– Tu hành sai khác lược có năm thứ:

  1. Bồ-tát Thắng giải hạnh.
  2. Bồ-tát Tăng thượng ý lạc hạnh.
  3. Bồ-tát Hữu tướng hạnh.
  4. Bồ-tát Vô tướng hạnh.
  5. Bồ-tát Vô công dụng hạnh. Như vậy tất cả Bổ-đặc-già-la có vô lượng sai khác.

Tham hạnh Bổ-đặc-già-la: Là có mạnh mẽ và thời gian dài tham dục, tuy đối với cảnh giới đáng ưa thấp kém, nhưng có thể phát khởi tham thượng phẩm, vì khi khởi thì thời gian lâu dài không dứt. Như người tham hạnh, cho đến người tầm tư hạnh cũng vậy, đều tùy theo tự cảnh, mạnh mẽ và lâu dài, như ly mà phối hợp giải thích.

Đẳng phần hạnh Bổ-đặc-già-la: Là phiền não trụ vị tự tánh, vì các phiền não xa lìa mạnh yếu mà trụ vị bình đẳng, tùy thế lực của cảnh giới mà phiền não hiện hành.

Bạc trần hạnh Bổ-đặc-già-la: Là phiền não mỏng nhẹ trụ vị tự tánh, như đã nói tướng phiền não vị tự tánh ở trước, bây giờ phiền não nầy so với phiền não kia là mỏng nhẹ, tuy đối với cảnh giới sở duyên Tăng thượng, nhưng phiền não có tánh mỏng nhẹ hiện hành, vì sự điều phục là sự tu tập năng lực sở thắng đối trị hơn hẳn trước kia.

Thanh văn thừa Bổ-đặc-già-la: Là trụ pháp tánh Thanh văn, hoặc định tánh hoặc bất định tánh là độn căn, tự cầu giải thoát, phát hoằng chánh nguyện, tu chán lìa tham, ý lạc giải thoát, dùng tạng Thanh văn làm cảnh sở duyên, tinh tiến tu hành pháp tùy pháp hành mà dứt hết khổ tế, phải biết trong đây lấy sự sai khác của chủng tánh, căn, nguyện, ý lạc, cảnh giới, hành quả mà nói Thanh văn thừa. Đối với căn tánh của Độc giác và Bồ-tát mà nói là độn căn, nếu không như thế thì trái với lợi căn như tùy pháp hành v.v…

Thừa Độc giác Bổ-đặc-già-la: Là trụ pháp tánh Độc giác, hoặc

định tánh hoặc bất định tánh là trung căn, tự cầu giải thoát, phát hoằng chánh nguyện, tu chán lìa tham, ý lạc giải thoát, và tu Bồ-đề Độc giác. Ý lạc tức là tạng Thanh văn là cảnh sở duyên, tinh tiến tu hành pháp tùy pháp hành, hoặc trước kia chưa khởi thuận phần quyết trạch, hoặc trước kia sanh khởi thuận phần quyết trạch, hoặc trước kia chưa đắc quả, hoặc trước kia đã đắc quả, sinh ra không có Phật ở đời, chỉ tư duy bên trong mà Thánh đạo hiện tiền, hoặc như lân giác ở một mình, hoặc trở lại độc thắng bộ hành mà được hết mé khổ. Nếu trước kia chưa khởi thuận phần quyết trạch thì cũng chưa đắc quả, như vậy mới thành lân giác độc trụ, ngoài ra sẽ thành Độc thắng bộ hành.

Đại thừa Bổ-đặc-già-la: Là trụ pháp tánh Bồ-tát, hoặc định tánh hoặc bất định tánh là lợi căn, vì cầu giải thoát, phát hoằng đại nguyện, tu Niết-bàn vô trụ xứ ý lạc, lấy tạng Bồ-tát làm cảnh sở duyên, tinh tiến tu hành pháp tùy pháp hành, thành thục chúng sinh tu tịnh cõi Phật, đắc thọ đại ký, chứng thành Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng. Đắc thọ đại ký là trụ địa Bồ-tát thứ tám, chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn.

Vị cụ tư lương Bổ-đặc-già-la: Là duyên đế pháp tăng thượng làm cảnh, pháp khởi nhuyến phẩm thanh tín thắng giải, thành tựu nhuyến Phẩm Thuận Giải Thoát Phần, chưa chắc chắn lúc sinh.

Dĩ cụ vị cụ tư lương Bổ-đặc-già-la: Là duyên đế pháp tăng thượng làm cảnh, phát khởi trung phẩm thanh tín thắng giải, thành tựu Trung Phẩm Thuận Giải Thoát Phần, đã chắc chắn lúc sinh.

Dĩ cụ tư lương Bổ-đặc-già-la: Là duyên đế pháp tăng thượng làm cảnh, pháp khởi thượng phẩm thanh tín thắng giải, thành tựu Thượng Phẩm Thuận Giải Thoát Phần, sinh ngay lúc nầy.

Lại nữa, vị cụ tư lương: Là duyên đế pháp tăng thượng làm cảnh, trong các đế thành tựu hạ phẩm đế sát pháp nhẫn, thành tựu Hạ Phẩm Thuận Phần Quyết Trạch, chưa chắc chắn lúc sinh.

Dĩ cụ vị cụ tư lương: Là duyên đế pháp tăng thượng làm cảnh, trong các đế thành tựu trung phẩm đế sát pháp nhẫn, thành tựu Trung Phẩm Thuận Phần Quyết Trạch, đã chắc chắn lúc sinh.

Dĩ cụ tư lương: Là duyên đế pháp tăng thượng làm cảnh, trong các đế thành tựu thượng phẩm đế sát pháp nhẫn, thành tựu Thượng Phẩm Thuận Phần Quyết Trạch, sinh ngay lúc nầy.

Như vậy ba thứ Bổ-đặc-già-la do thành tựu thuận phần giải thoát và thuận phần quyết trạch, đều có ba phẩm, dựa theo có thể dẫn sinh thuận phần quyết trạch và đế hiện quán sát, thì như thứ lớp là chưa định thời gian sinh, đã định thời gian sinh và sinh ngay lúc đó. Đối với đế pháp tăng thượng thanh tín thắng tướng, là thuận giải thoát phần, tức là đối với pháp nầy thì đế sát pháp nhẫn tướng là thuận phần quyết trạch, như thứ lớp mà tín tăng thượng, tuệ tăng thượng. Trong đây, ba phẩm thuận phần quyết trạch, là trừ pháp Thế bậc nhất ra, vì tánh của pháp Thế bậc nhất chỉ có một sát-na thì không nối tiếp, tức là khi pháp nầy sinh thì chắc chắn nhập hiện quán mà không phải vị trước. Từ hạ phẩm và trung phẩm thuận giải thoát và thuận phần quyết trạch có nghĩa có thể thoái chuyển, ba phẩm nầy chỉ thoái chuyển hiện hành mà không phải thoái chuyển tập khí. Đã dựa vào Niết-bàn rồi trước hết khởi gốc lành, tức là không khởi mới lại nữa. Dựa vào hạ phẩm thuận phần giải thoát gốc lành nầy, đức Bạc-già-phạm nói: “Nếu có cụ thế gian chánh kiến tăng thượng, tuy trải qua ngàn kiếp nhưng cũng không đọa vào ba đường ác”.

Lại nữa, có bốn thứ thuận phần giải thoát:

  1. Y bằng thuận phần giải thoát.
  2. Thắng giải thuận phần giải thoát.
  3. Ái lạc thuận phần giải thoát.
  4. Thú chứng thuận phần giải thoát.

Từ pháp thiện dục cho đến tất cả gốc lành vì cầu giải thoát đều gọi là y bằng thuận phần giải thoát. Đối với tất cả thắng giải câu hành gốc lành của tương ưng giáo pháp kia, gọi là thắng giải thuận phần giải thoát; duyên tất cả gốc lành của giải thoát cảnh tác ý nối tiếp thanh tịnh hỷ cùng sinh, gọi là ái lạc thuận phần giải thoát; ngay trên tất cả gốc lành của ái lạc nầy mà sinh chắc chắn phát khởi thuận phần quyết trạch, gọi đó là thú chứng thuận phần giải thoát.

Lại nữa, có sáu thứ thuận phần quyết trạch:

  1. Thuận theo thuận phần quyết trạch.
  2. Thắng tiến thuận phần quyết trạch.
  3. Thông đạt thuận phần quyết trạch.
  4. Dư chuyển thuận phần quyết trạch.
  5. Nhất sinh thuận phần quyết trạch.
  6. Nhất toà thuận phần quyết trạch.

Nếu đầu tiên sanh khởi duyên đế cảnh hành hạ phẩm gốc lành, gọi là thuận theo thuận phần quyết trạch; tức trên gốc lành nầy chuyển thành trung phẩm, gọi là thắng tiến thuận phần quyết trạch, vì mong hạ phẩm trước là tăng thắng; tức trên gốc lành nầy tăng đến thượng phẩm thì trong đời nầy chắc chắn có thể thông đạt đế lý, gọi đó là thông đạt thuận phần quyết trạch. Lại người bất định chủng tánh cũng ngay trong vị nầy, vì hồi hướng tối thắng Bồ-đề và các Độc giác để cầu vô sư tự chứng Bồ-đề, chuyển đến các đời khác, gọi là Dư Chuyển Thuận Phần Quyết Trạch; hoặc trong đời nầy chắc chắn có thể thông đạt, gọi là Nhất Sinh Thuận Phần Quyết Trạch; hoặc đối với toà nầy chắc chắn có thể thông đạt, gọi đó là Nhất Tòa Thuận Phần Quyết Trạch.

Tùy tín hạnh Bổ-đặc-già-la: Là tư lương đã đủ tánh là độn căn, thuận theo kẻ khác dạy bảo mà tu đế hiện quán.

Tùy pháp hành Bổ-đặc-già-la: Là tư lương đã đủ tánh là lợi căn, tự nhiên thuận theo đế pháp tăng thượng mà tu đế hiện quán.

Tín giải Bổ-đặc-già-la: Là Tùy tín hạnh đã đến quả vị.

Kiến chí Bổ-đặc-già-la, là Tùy pháp hành đã đến quả vị.

Thân chứng Bổ-đặc-già-la, là các Hữu học đã chứng đắc đủ tám định giải thoát, ngay trên quả bất hoàn gọi là thân chứng, do thân chứng đắc tám định giải thoát, vì cụ túc trụ. Bát giải thoát, là hữu sắc quán các sắc, sau sẽ nói rộng thêm.

Tuệ giải thoát Bổ-đặc-già-la, là đã hết các lậu, nhưng chưa chứng đủ tám định giải thoát, chỉ có rốt ráo dứt tuệ, là sự đối trị phiền não chướng.

Câu phần giải thoát Bổ-đặc-già-la, là đã dứt các lậu và đã chứng đủ tám định giải thoát, do phần phiền não chướng và phần định chướng đều được giải thoát.

Quả Dự lưu hướng Bổ-đặc-già-la, là trụ thuận vị quyết trạch phần và trụ Kiến đạo vị mười lăm tâm sát-na. Trong đây có ý nói, bắt đầu từ nhất toà thuận phần quyết trạch cho đến chưa đắc sơ quả đều gọi là Dự lưu quả hướng.

Quả Dự lưu Bổ-đặc-già-la, là vị Kiến đạo mười sáu tâm sát-na, tức là Kiến đạo nầy cũng gọi là Nhập Chánh tánh chắc chắn.

Hỏi: Ai đối với vị Kiến đạo sau rốt tâm đắc sơ quả?

Đáp: Nếu người đối với cõi Dục chưa lìa dục, sau khi nhập chánh tánh chắc chắn thì đắc quả Dự lưu. Nói là thứ lớp, tuy ít phần lìa dục nhưng cũng gọi là chưa lìa dục. Người kia sau khi nhập chánh tánh chắc chắn, đến tâm vị thứ mười sáu thì đắc quả Dự lưu. Nếu người lìa dục gấp bội thì sau khi nhập chánh tánh chắc chắn sẽ đắc quả Nhất lai, là trước hết dùng đạo thế tục đã dứt cõi Dục tu đạo đã dứt sáu phẩm phiền não, gọi là đã lìa dục. Người kia sau khi nhập chánh tánh chắc chắn đến vị tâm thứ mười sáu thì đắc quả Nhất lai. Nếu người đã lìa dục thì sau khi nhập chánh tánh chắc chắn sẽ đắc quả Bất hoàn, là trước hết dùng đạo thế tục đã dứt cõi Dục đã dứt chín phẩm phiền não của tu đạo, gọi là đã lìa dục; người kia sau khi nhập chánh tánh chắc chắn, đến vị tâm thứ mười sáu thì đắc quả Bất hoàn.

Hỏi: Nếu đã dứt hẳn do Kiến đạo dứt tất cả phiền não thì đắc quả Dự lưu, vì sao chỉ nói dứt hẳn ba kiết thì đắc quả Dự lưu?

Đáp: Vì thuộc về tối thắng, do ba thứ chướng giải thoát mà đắc rất thù thắng. Vì sao? Vì đối với giải thoát là nhân không phát thú, tuy đã phát thú nhưng lại làm nhân của tà xuất ly và nhân của bất chánh xuất ly, do Tát-ca-da kiến chấp năm thủ uẩn sinh ái lạc sâu của ngã, ngã sở, trong nhóm khổ lớn không sinh chán trái, đối với thắng giải thoát không có tâm phát khởi. Hoặc có chúng sinh tuy đã phát khởi hướng tới giải thoát nhưng do giới cấm thủ và nghi, nghiêng chấp tà đạo, nghi ngờ chánh đạo, thì là tà xuất ly và bất chánh xuất ly. Lại nữa, ba kiết nầy là mê nhân của cảnh nơi đối tượng nhận thức, mê nhân của kiến, mê nhân của đối trị. Vì sao? Vì Tát-ca-da kiến mê cảnh sở tri, trong khổ lớn luống dối tăng thêm tướng ngã ngã sở. Do giới cấm thủ mê nơi của năng tri, đối với kiến điên đảo thì làm nhân của thanh tịnh xuất ly. Do nghi mê chánh đối trị nên đối với ba ngôi báu không chắc chắn.

Hướng Quả Nhất lai Bổ-đặc-già-la: Là trong tu đạo đã dứt năm phẩm phiền não cõi Dục mà an trụ trong tu đạo kia. Vì sao? Vì Kiến đạo sau khi đã dứt cõi Dục cho đến trung trung phẩm phiền não và trụ nơi đoạn đạo kia.

Quả nhất lai Bổ-đặc-già-la: Là trong tu đạo đã dứt phẩm phiền não thứ sáu của cõi Dục mà an trụ trong tu đạo kia. Vì sao? Vì đã dứt hẳn trung nhuyến phẩm phiền não, đoạn đạo rốt ráo lập ra quả nầy.

Hướng Quả Bất hoàn Bổ-đặc-già-la: Là trong tu đạo đã dứt phẩm phiền não thứ bảy và thứ tám của cõi Dục mà an trụ trong tu đạo kia. Vì sao? Vì sau quả Nhất lai đã dứt Nhuyến Thượng và Nhuyến Trung phẩm phiền não, trụ đoạn đạo kia mà lập ra quả nầy.

Quả Bất hoàn Bổ-đặc-già-la: Là trong tu đạo đã dứt phẩm phiền não thứ chín của cõi Dục mà an trụ trong tu đạo kia. Vì sao? Vì tu đạo kia đã dứt hẳn nhuyến nhuyến phẩm phiền não, trụ đoạn đạo rốt ráo mà lập ra quả nầy.

Hỏi: Nếu đã dứt hẳn do Kiến đạo mà dứt tất cả phiền não và đã dứt hẳn do Tu đạo mà dứt tất cả phiền não trong cõi Dục thì đắc quả Bất hoàn, vì sao chỉ nói dứt hẳn năm kiết thuận hạ phần mà đắc quả Bất hoàn vậy?

Đáp: Vì sự thâu nhiếp của tối thắng.

Hỏi: Thế nào là tối thắng?

Đáp: Vì năm kiết nầy có thể làm nhân thắng của đường dưới, cõi dưới nên gọi là tối thắng. Vì sao? Vì đường dưới là Địa ngục, Súc sinh và Ngạ quỷ. Cõi giới là cõi Dục. Vì Tát-ca-da kiến, Giới cấm thủ và Nghi là nhân tối thắng, khiến cho các hữu tình không vượt qua đường dưới, vì tham dục và sân hận làm nhân tối thắng, khiến cho các hữu tình không thoát khỏi đường dưới cõi dưới.

Hướng Quả A-la-hán Bổ-đặc-già-la: Là dứt hẳn tám phẩm phiền não của hữu đảnh an trụ trong đạo rốt ráo kia.

Quả A-la-hán Bổ-đặc-già-la: Là dứt hẳn chín phẩm phiền não của hữu đảnh mà an trụ trong đạo rốt ráo kia.

Hỏi: Nếu A-la-hán dứt hẳn tất cả phiền não của ba cõi, vì sao chỉ nói dứt hẳn năm kiết thuận thượng phần thì đắc quả A-la-hán?

Đáp: Vì thuộc về tối thắng.

Hỏi: Thế nào là tối thắng?

Đáp: Vì năm kiết nầy là nhân của thủ thượng phần và nhân của bất xả thượng phần nên gọi là tối thắng. Vì sao? Vì ái thủ của cõi Sắc và cõi Vô Sắc từ cõi Dục sinh lên cõi Sắc, cõi Vô Sắc, do trạo cử, mạn và vô minh không xả sự sinh lên nầy nên lấy ái, mạn, nghi của Tĩnh lự trên đã gây hại của cõi sắc và Vô Sắc.

Cực thất phản hữu Bổ-đặc-già-la: Tức là Dự lưu, đối với cõi trời cõi người sinh tạp thọ qua lại đến tối đa bảy lần thì được hết mé khổ.

Gia gia Bổ-đặc-già-la: Tức là Dự lưu, hoặc ở cõi trời, hoặc trong cõi người, từ nhà đến nhà được dứt mé khổ. Vì sao? Tức là quả Dự lưu tiến đến hướng nhất lai quả, hoặc ở cõi trời hoặc trong cõi người, chắc chắn qua lại thọ tối đa hai hữu (đời) mới nhập Niết-bàn.

Nhất gian Bổ-đặc-già-la: Tức là một lai, hoặc ở cõi trời chỉ thọ nhất hữu thì được dứt mé khổ. Vì sao? Tức là quả Nhất lai tiến đến quả hướng Bất hoàn, hoặc ở cõi trời chỉ thọ 1 hữu mà đắc Nhập Niết-bàn. Vì chỉ có một khe hở mà dung chứa một đời nên gọi là Nhất gián.

Trung nhập Niết-bàn Bổ-đặc-già-la: Là sinh kiết đã dứt còn khởi kiết thì chưa dứt, hoặc trung hữu vừa khởi thì Thánh đạo liền hiện tiền được dứt mé khổ; hoặc trung hữu khởi rồi, vì đến sinh hữu vừa khởi tư duy thì Thánh đạo hiện tiền được dứt mé khổ; hoặc tư duy đã phát hướng sinh hữu, chưa đến sinh hữu thì Thánh đạo liền hiện tiền được dứt mé khổ. Trong đây hiển bày ba thứ trung bát, do năng lực của phiền não trụ cõi xứ sinh khiến cho sinh hữu nối tiếp, đây là phiền não đã hết, chỉ do năng lực phiền não khiến cho sau khi qua đời thì các uẩn tiếp tục khởi, tùy miên nầy còn thừa chưa hết. Hoặc trung hữu vừa khởi là do năng lực tập quán Thánh đạo hiện tiền dứt các tùy miên còn sót, tức là tại vị nầy mà nhập Nhập Niết-bàn. Hoặc trung hữu sanh khởi rồi, vì vãng sinh hữu xứ vừa mới phát khởi tư duy thì Thánh đạo hiện tiền dứt tùy miên còn sót nhập Niết-bàn. Hoặc đã tư duy rồi vãng sinh hữu xứ, chưa đắc sinh hữu thì Thánh đạo hiện tiền, đoạn các tùy miên còn sót nhập Niết-bàn. Như vậy ba thứ so với xứ sinh hữu, thì vị chưa phát, vị vừa phát và vị đã phát đi xa sai khác mà lập ra, thuận theo với kinh Thất Thiện Trượng Phu Thú.

Sinh Nhập Niết-bàn Bổ-đặc-già-la: Là hai kiết đều chưa dứt, chỉ vừa mới sinh cõi Sắc rồi thì Thánh đạo liền hiện tiền, được dứt mé khổ.

Vô hành Nhập Niết-bàn Bổ-đặc-già-la: Là sinh cõi Sắc kia rồi thì không do gia hạnh mà Thánh đạo hiện tiền được dứt mé khổ. Không do gia hạnh, là do năng lực của tập quán đời trước, mà Thánh đạo vô lậu tùy ý hiện tiền, vì vô công dụng.

Hữu hành Nhập Niết-bàn Bổ-đặc-già-la: Là sinh cõi Sắc kia rồi thì do gia hạnh mà Thánh đạo hiện tiền được dứt mé khổ. Do gia hạnh nên, trái với vô hành trên.

Thượng lưu Bổ-đặc-già-la: Là trong các địa của cõi Sắc đều đã thọ sinh rồi, cho đến sau rốt nhập sắc rốt ráo, đối với Thánh đạo vô lậu kia hiện tiền thì được dứt mé khổ. Lại có trường hợp đến hữu đảnh thì Thánh đạo hiện tiền được dứt mé khổ. Trong đây hiển bày hai thứ thượng lưu: 1. Cực chí sắc rốt ráo; 2. Cực chí hữu đảnh. Rốt ráo, là Bổđặc-già-la đa ái vị, do nhiều đời khởi nhuyến tĩnh lự, trung tĩnh lự… Ái vị sai khác, nên bắt đầu từ trời phạm chúng cho đến sắc trời Cứu cánh, đối với tất cả xứ đều thứ lớp thọ một đời, cho đến sau rốt nhập sắc rốt ráo đắc nhập Niết-bàn. Cực chí hữu đảnh, là không tạp tu tĩnh lự thứ tư, chỉ lánh nơi tịnh cư, như trước thứ lớp sinh tất cả xứ cho đến Hữu đảnh mới Nhập Niết-bàn.

Lại nữa, tạp tu tĩnh lự thứ tư có năm phẩm sai khác:

  1. Hạ phẩm tu.
  2. Trung phẩm tu.
  3. Thượng phẩm tu.
  4. Thượng thắng phẩm tu.
  5. Thượng cực phẩm tu.

Vì năm phẩm tạp tu tĩnh lự thứ tư nầy như thứ lớp của nó mà sinh năm tịnh cư.

A-la-hán Thoái pháp : Là tánh độn căn, hoặc du tán hoặc bất du

tán, hoặc tư duy hoặc bất tư duy, đều có thể thoái thất hiện pháp lạc trụ. Tư duy, là muốn hại tự thân. Bất tư duy, là không muốn hại tự thân. Thoái hiện pháp lạc trụ, là thoái lui định của các Tĩnh lự thế gian.

A-la-hán Tư pháp: Là tánh độn căn, hoặc du tán hoặc bất du tán, hoặc bất tư duy, liền có thể thoái thất hiện pháp lạc trụ, nếu tư duy rồi có thể không thoái thất.

A-la-hán Hộ pháp: Là tánh độn căn, hoặc du tán thì liền có thể thoái thất hiện pháp lạc trụ. Nếu không du tán thì liền có thể không thoái thất.

Trụ bất động A-la-hán: Là tánh độn căn, hoặc du tán hoặc bất du tán đều có thể thoái thất hiện pháp lạc trụ, cũng không thể luyện căn. Luyện căn, là chuyển hạ độn căn thành thượng lợi căn, nên pháp bất động không nói có thể luyện căn, vì tánh là căn cơ bén nhạy.

A-la-hán Kham đạt: Là tánh độn căn, hoặc du tán hoặc bất du tán đều có thể thoái thất hiện pháp lạc trụ, có thể luyện căn được.

A-la-hán Bất động pháp: Là lợi căn tánh, hoặc du tán hoặc bất du tán đều có thể thoái thất hiện pháp lạc trụ.

Cõi Dục dị sinh Bổ-đặc-già-la: Là đối với cõi Dục hoặc sinh ra hoặc lớn lên, không được thánh pháp.

Cõi Dục Hữu học Bổ-đặc-già-la: Là đối với cõi Dục hoặc sinh ra hoặc lớn lên, đã đắc thánh pháp, nhưng cũng còn thừa kiết sử.

Cõi Dục Vô học Bổ-đặc-già-la: Là đối với cõi Dục hoặc sinh ra hoặc lớn lên, đã được thánh pháp, không còn thừa kiết sử. Như cõi Dục có ba thứ, như vậy cõi Sắc và cõi Vô Sắc đều có ba thứ, tùy theo tướng của nó mà biết.

Bồ-tát cõi Dục, cõi Sắc: Là cùng với diệt lìa cõi Vô Sắc sinh tĩnh lự tương ưng trụ lạc tĩnh lự mà sinh cõi Dục hoặc sinh cõi Sắc.

Hỏi: Vì sao Bồ-tát không sinh cõi Vô Sắc?

Đáp: Nếu Bồ-tát đã chứng đắc oai đức tối thắng, hễ thọ sinh thì đều là muốn tạo an vui lợi ích cho chúng sinh, vì cõi Vô Sắc không phải nơi thành thục chúng sinh. Diệt lìa cõi Vô Sắc sinh tĩnh lự, là có thể dứt trừ cõi Vô Sắc sinh tất cả thắng định. Trụ lạc tĩnh lự, là không thoái thất tĩnh lự, vì Bồ-tát nầy khéo léo hồi chuyển, vì muốn thành thục sự hóa độ hữu tình, nêu hoặc sinh cõi Dục hoặc sinh cõi Sắc.

Độc giác cõi Dục, là khi không có Phật ra đời, mà sinh vào cõi Dục, tự nhiên chứng đắc Bồ-đề Độc giác.

Như Lai Bất khả tư nghị, là ở cõi Dục bắt đầu hiển bày an trụ cung điện Diệu bảo ở tầng trời Đổ-sử-đa, thị hiện sở hành đại hạnh của tất cả các Phật Bồ-tát. Việc làm của tất cả Bồ-tát, là từ thị hiện ở tầng trời Đổ-sử-đa cho đến hiện đại thần biến hàng phục quân ma. Việc làm của các Phật, là từ thị hiện thành Đẳng Chánh Giác cho đến thị hiện Đại Nhập Niết-bàn.

Bồ-tát Thắng giải hạnh, là trụ trong địa thắng giải hạnh, thành tựu Hạ Trung Thượng Nhẫn của Bồ-tát, do chính an trụ chủng tánh Bồ-tát đó, bắt đầu từ lúc mới phát đại Bồ-đề nguyện cho đến chưa nhập địa cực hỷ, chưa đắc xuất thế chân thật nội chứng, gọi là Bồ-tát thắng giải hạnh .

Bồ-tát Tăng thượng ý lạc hạnh, là tất cả Bồ-tát trong mười địa, do đã chứng đắc xuất thế nội chứng ý lạc thanh tịnh.

Bồ-tát Hữu tướng hạnh, là tất cả Bồ-tát trụ trong địa Cực Hỷ, địa Ly Cấu, địa Phát Quang, địa Diễm Tuệ, địa Cực Nan Thắng, và địa Hiện Tiền, vì sáu địa nầy tuy không có hỷ lạc nhưng làm đã xen lẫn các tướng.

Bồ-tát Vô tướng hạnh, là tất cả Bồ-tát trụ trong địa viễn hành, vì nếu Bồ-tát nầy khởi tác dụng cho đến tùy dục lạc đó có thể khiến cho các tướng không hiện hành.

Bồ-tát Vô công dụng hạnh, là tất cả Bồ-tát trụ trong địa bất động, địa Thiện tuệ, và địa Pháp vân, vì Bồ-tát nầy đã được thuần thục trí Vô phân biệt.

Lại nữa, như nói dự lưu Bổ-đặc-già-la, ở đây có hai thứ:

  1. Tiệm xuất ly.
  2. Đốn xuất ly.

– Tiệm xuất ly, nói rộng như trước.

– Đốn xuất ly, là đã nhập đế hiện quán rồi, dựa vào định vị chí mà phát đạo xuất thế gian dứt ngay tất cả phiền não ba cõi, dứt riêng từng phẩm, chỉ lập hai quả, là quả Dự lưu và quả A-la-hán. Dứt riêng từng phẩm, là trước hết dứt ngay đã dứt thượng thượng phẩm tùy miên của tu đạo trong cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô Sắc, như vậy cho đến nhuyến nhuyến phẩm. Dứt ngay ba cõi, là như đã dứt của Kiến đạo, không giống như giới địa của đạo thế gian xoay vần dứt riêng từng phẩm.

Hỏi: Nghĩa nầy lấy gì làm chứng?

Đáp: Như kinh Chỉ Đoan nói: “Tất cả sắc cho đến thức, hoặc quá khứ hoặc vị lai hoặc hiện tại, nói rộng cho đến hoặc xa hoặc gần, cộng chung các thứ nầy lược làm một phần, một khối, một tích, một tụ, tóm lược như vậy rồi, phải quán tất cả đều là Vô thường, tất cả đều là khổ, cho đến nói rộng”. Dựa vào quán như vậy chỉ có thể lập ra quả đầu tiên và quả cuối, do hai quả nầy như thứ lớp mà dứt hẳn tất cả phiền não trong ba cõi do Kiến đạo và tu đạo dứt, vì là sự hiển của vô dư. Không lập quả thứ hai và quả thứ ba, vì hai quả nầy đã là bậc kiến đế, chỉ có dứt do tu đạo cõi Dục dứt, vì là sự hiển của vô dư và hữu dư. Lại nữa, dựa vào bậc đốn xuất ly như vậy, Như Lai trong kinh phân biệt nói: “Quả Dự lưu vô gián tức là lập ra quả A-la-hán”. Như vậy Bổ-đặc-giàla phần nhiều đối với hiện pháp hoặc khi lâm chung mới khéo làm xong thánh ý. Nếu không thể làm xong là do nguyện lực, tức là dùng nguyện lực để sinh lại cõi Dục, ra đời không có Phật tại thế thì thành thắng quả của Độc giác. “Nếu không thể làm xong”, là chưa có thể lìa các dục không còn thừa. “Tức là dùng nguyện lực để sinh lại cõi Dục”, là người kia có thể mau chóng chứng nhập Niết-bàn.

Lập ra hiện quán lược có mười thứ:

  1. Pháp hiện quán.
  2. Nghĩa hiện quán.
  3. Chân hiện quán.
  4. Hậu hiện quán.
  5. Bảo hiện quán.
  6. Bất hành hiện quán.
  7. Rốt ráo hiện quán.
  8. Thanh văn hiện quán.
  9. Độc giác hiện quán.
  10. Bồ-tát hiện quán.

– Pháp Hiện quán: Là trong các đế pháp tăng thượng đã đắc thượng phẩm thanh tín thắng giải tùy tín mà hành. Vì sao? Vì pháp của khế kinh… trong các đế tăng thượng do nghe âm thanh từ người khác mà tăng thượng duyên lực, đã đắc sự thuộc về thượng phẩm thanh tín thắng giải của sau rốt thuận phần giải thoát gốc lành nên nói là dùng pháp hiện quán để hiện quán các đế.

– Nghĩa Hiện quán: Tức là trong pháp của các đế tăng thượng, đối với đế sát pháp nhẫn của các đế cảnh, thì nhẫn nầy ở vào vị thuận phần quyết trạch . Vì sao? Vì ngay trong chỗ nói pháp như trên thì tác ý như ly, duyên Tăng thượng lực đối với khổ… cảnh của bốn đế đã đắc sự thuộc về thượng phẩm đế sát pháp nhẫn của thuận phần quyết trạch sau cùng. Đế sát pháp nhẫn nầy do ba thứ sự hiển phát tác ý như ly. Lại nữa, thành ba phẩm là thượng nhuyến, thượng trung, thượng thượng. Thượng nhuyến, là ngay nhuyến vị trong đời nầy. Thượng trung, là Đảnh vị và Nhẫn vị. Thượng thượng, là pháp Thế bậc nhất vị.

– Chân Hiện quán: Là đã đắc tất cả Thánh đạo trong mười sáu tâm sát-na vị của Kiến đạo. Lại cũng trong Kiến đạo mà đắc hiện quán bên an trụ đế, trí thế tục. Do trí xuất thế duyên năng lực Tăng thượng nuôi lớn hạt giống của trí thế tục kia, gọi là đắc trí thế tục nầy nhưng mà không hiện tiền, vì xen hở tâm sát-na của Kiến đạo không có gián đoạn, vì không dung chứa hiện khởi tâm thế gian, ở vị tu đạo thì trí thế tục nầy mới hiện tiền.

– Hậu Hiện quán: Là tất cả tu đạo, do tất cả đạo thế gian và đạo xuất thế gian sau Kiến đạo đều gọi là hậu hiện quán.

– Bảo hiện Quán : Là đối với Phật chứng tịnh, đối với pháp chứng tịnh, đối với tăng chứng tịnh, vì Thánh đệ tử của Phật đối với Tam bảo đã đắc chắc chắn chứng tín thanh tịnh, nói đức Bạc-già-phạm là bậc chân chánh đẳng giác, pháp Tỳ-nại-da là chân thiện diệu thuyết, Thánh đệ tử chúng là hành giả chân tịnh.

– Bất hành Hiện quán: Là đã chứng đắc luật nghi vô tác, tuy ở vào học vị nhưng nói: “Ta nay đã hết Địa ngục, Súc sinh, Ngạ quỷ, đã hết điên đảo đọa vào đường ác, ta không còn tạo nghiệp đường ác chiêu cảm Dị thục đường ác”. Đã chứng đắc luật nghi vô tác, là đã chứng đắc thuộc giới Luật nghi mà bậc Thánh yêu mến. Do đắc luật nghi nầy, nên sự đối trị Dị thục địa ngục… không hiện hành lại nữa, vì địa ngục… đã hết hẳn không hiện hành, gọi là Bất hành Hiện quán.

– Rốt ráo Hiện quán: Như đã nói đạo rốt ráo trong đạo đế, là đã dứt tất cả thô nặng rồi, đắc tất cả đắc lìa hệ.

– Thanh văn Hiện quán: Là đã nói bảy thứ hiện quán ở trước, vì nghe âm thanh của người khác mà chứng đắc, gọi là Thanh văn Hiện quán.

– Độc giác Hiện quán: Là đã nói bảy thứ hiện quán ở trước, không do âm thanh của người khác mà chứng đắc, gọi là Độc giác Hiện quán.

– Bồ-tát Hiện quán, là các Bồ-tát trong phần đã nói bảy thứ hiện quán ở trước, khởi tu tập nhẫn mà không khởi chứng, vì đắc khéo léo trong điều phục phương tiện của Thanh văn Độc giác mà thương xót chúng sinh, vì không đối với hạ thừa mà xuất ly, nhưng trong địa cực hỷ của Bồ-tát, nhập các chánh tánh chắc chắn của Bồ-tát, gọi là Bồ-tát hiện quán. Đã nói hiện quán, bây giờ sẽ nói sai khác.

Hỏi: Thanh văn hiện quán và Bồ-tát hiện quán có gì khác nhau ?

Đáp: Nói lược có mười một thứ:

  1. Cảnh giới sai khác.
  2. Nhậm trì sai khác.
  3. Thông đạt sai khác.
  4. Thệ nguyện sai khác.
  5. Xuất ly sai khác.
  6. Nhiếp thọ sai khác.
  7. Lập ra sai khác.
  8. Quyến thuộc sai khác.
  9. Thắng sinh sai khác.
  10. Sinh sai khác.
  11. Quả sai khác.

– Cảnh giới sai khác: Là duyên Đại thừa phương quảng làm cảnh.

– Nhậm trì sai khác: Là mãn đại kiếp a-tăng-xí-da, tư lương phước trí tròn đầy.

– Thông đạt sai khác: Là do pháp Bổ-đặc-già-la lìá vô ngã pháp tăng thượng, phương tiện dắt dẫn trí xuất thế gian, vì đều thông đạt hai vô ngã.

– Thệ nguyện sai khác: Là có thể thông đạt tất cả hữu tình bình đẳng với mình , cũng như tự thân thệ nguyện thâu nhiếp lợi ích.

– Xuất ly sai khác: Là dựa vào mười địa mà xuất ly.

– Nhiếp thọ sai khác: Là thuộc về Niết bàn vô trụ.

– Lập ra sai khác: Là khéo tu trị tịnh độ của chư Phật.

– Quyến thuộc sai khác: Là nhiếp thọ tất cả chúng sinh đã giáo hóa làm quyến thuộc.

– Thắng sinh sai khác: Là như người thế gian có mang trong bụng, họ kế tục chủng tộc của người cha không dứt tuyệt, như vậy Bồ-tát tiếp nối hưng thịnh Phật chủng khiến cho không dứt tuyệt, đó là tướng Phật tử.

– Sinh sai khác: Là trong hội đại tập của Như Lai.

– Quả sai khác lại có mười thứ:

  1. Chuyển y sai khác.
  2. Công đức tròn đầy sai khác.
  3. Năm tướng sai khác.
  4. Ba thân sai khác.
  5. Niết-bàn sai khác.
  6. Chứng đắc hòa hợp trí dụng sai khác.
  7. Chứng thanh tịnh sai khác.
  8. Hòa hợp tác nghiệp sai khác.
  9. Phương tiện thị hiện thành đẳng chánh giác nhập Nhập Niết- bàn sai khác.
  10. Năm thứ cứu giúp sai khác.

– Chuyển y sai khác: Là chỗ nương thô nặng của Nhất thiết chủng của nhiễm và bất nhiễm dứt hẳn, chỗ nương của tất cả công đức vô thượng dứt hẳn chuyển.

– Công đức tròn đầy sai khác: Là lực, Vô sở úy, pháp Phật bất cộng… vô biên công đức dứt hẳn thành mãn.

– Năm tướng sai khác: Là thanh tịnh… nơi năm tướng sai khác: a. Thanh tịnh sai khác, là dứt hẳn tất cả phiền não gồm cả tập khí. b. Viên tịnh sai khác, là khắp tu trị tịnh độ của Phật. c. Thân sai khác, là Pháp thân tròn đầy. d. Thọ dụng sai khác, là tất cả thời và xứ hội đại tập cùng với các Bồ-tát thọ dụng vô số đại pháp lạc. e. Nghiệp sai khác, là tùy sự thích ứng của nó mà khởi các thứ biến hóa, khắp trong mười phương vô lượng vô biên thế giới làm các Phật sự.

– Ba thân sai khác: Là chứng đắc tròn đầy thân tự tánh, thân thọ dụng và thân biến hóa.

– Niết-bàn sai khác: Là đối với Niết-bàn giới vô dư, vì muốn lợi lạc tất cả hữu tình, tất cả công đức không bị đoạn dứt.

– Chứng đắc hòa hợp trí dụng sai khác: Là chứng đắc tối cực thanh tịnh pháp giới nhất vị, đối với pháp giới nhất vị kia có thể nương vào Nhất thiết chủng diệu trí dụng, công năng của mỗi một Phật bằng với công năng của tất cả các Đức Phật.

– Chướng thanh tịnh sai khác: Là dứt hẳn tất cả phiền não chướng và sở tri chướng.

– Hòa hợp tác nghiệp sai khác: Là tác dụng hóa độ dẫn dắt mỗi một hữu tình, đều là lực tăng thượng của tất cả các Phật.

– Phương tiện thị hiện thành đẳng chánh giác nhập Niết-bàn sai khác: Là đối với tất cả thế giới trong mười phương, tùy sự thích ứng của nó cho đến mé sau thường thị hiện thành chánh giác, khiến cho tất cả chúng sinh hóa độ được thành thục giải thoát.

– Năm thứ cứu giúp sai khác: Là cứu giúp năm việc như tai họa ngang trái, v.v… a. Cứu giúp tai hoa ngang trái, là khi Như Lai đi vào thành ấp… khiến cho người mù, người điếc… được mắt được tai… b. Cứu giúp phi phương tiện: Là khiến cho đắc chánh kiến thế gian, xa lìa tất cả kiến chấp tà ác. c. Cứu giúp đường ác, là khiến cho sinh Kiến đạo vượt qua các đường ác. d. Cứu giúp tát-ca-da, là khiến cho chứng quả A-la-hán thoát hẳn ba cõi. e. Cứu giúp thừa, là khiến cho các Bồ-tát không ưa thích hạ thừa.

Hỏi: Như kinh nói: “Công đức tối thắng của bốn vô lượng…” là thuộc về hiện quán nào?

Đáp: Là thuộc về hậu hiện quán và rốt ráo hiện quán. Vì sao? Vì tối thắng công đức như vậy, các Thánh đệ tử hoặc đối với sự phát khởi của tu đạo hoặc đạo rốt ráo, nên thuộc về hai hiện quán.

Hỏi: Hiện quán kia thế nào gọi là 1. Vô lượng. 2. Giải thoát. 3. Thắng xứ. 4. Biến xứ. 5. Vô tránh. 6. Nguyện trí. 7. Vô ngại giải. 8. Thần thông. 9. Tướng tùy hảo. 10. thanh tịnh. 11. Lực. 12. Vô úy. 13. Niệm trụ. 14. Bất hộ. 15. Pháp không quên mất. 16. Vĩnh đoạn tập khí. 17. Đại bi. 18. Mười tám pháp bất cộng của Phật. 19. Nhất thiết chủng diệu trí. Các công đức như vậy Như Lai trong các kinh là nói theo Thanh văn thừa hay nói theo Đại thừa mà nói?

Đáp: Những công đức nầy tùy sự thích ứng của nó, lược lấy năm môn là chỗ nương, cảnh giới, hành tướng, tự thể và trợ giúp để hiển bày tướng của nó.

– Vô lượng, là bốn vô lượng: 1. Từ vô lượng. 2. Bi vô lượng. 3. Hỷ vô lượng. 4. Xả vô lượng.

Hỏi: Từ là gì?

Đáp: Là nương vào Tĩnh lự đối với các hữu tình ban cho lạc tương ưng ý lạc, trụ trong cụ túc, hoặc định hoặc tuệ và cụ túc kia tương ưng các tâm tâm pháp. Trong đây là nói Từ vô lượng, lấy Tĩnh lự làm chỗ nương, hữu tình làm cảnh giới, nguyện hữu tình và cảnh giới kia tương ưng với lạc làm hành tướng, định tuệ làm tự thể. Tất cả công đức đều thuộc về Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xá-na, các tâm tâm pháp làm trợ giúp, phải biết tất cả công đức của bi… tùy sự thích ứng của nó cũng vậy.

Hỏi: Bi là gì?

Đáp: Là đối với các hữu tình khởi ý lạc lìa khổ, trụ trong cụ túc, hoặc định hoặc tuệ và cụ túc kia tương ưng các tâm tâm pháp, lấy chỗ nương và tự thể làm trợ giúp, tương tự với từ .

Hỏi: Hỷ là gì?

Đáp: Là đối với các hữu tình không lìa lạc ý lạc, trụ trong cụ túc hoặc định hoặc tuệ và cụ túc kia tương ưng các tâm tâm pháp.

Hỏi: xả là gì?

Đáp: Là nương vào Tĩnh lự, đối với các hữu tình khởi ý lạc lợi ích, trụ trong cụ túc, hoặc định hoặc tuệ và cụ túc kia tương ưng các tâm tâm pháp. Ý lạc lợi ích, đối với sự ban cho lạc tương ưng là đồng với chỗ từ bỏ ái… của hữu tình, nghĩ rằng: “Phải khiến cho hữu tình kia giải thoát phiền não”, như vậy ý lạc, gọi là hành tướng của xả. Ý lạc lợi ích với hành tướng tròn đầy, gọi là trụ cụ túc.

– Giải thoát, là tám giải thoát, nói rộng như trong kinh.

Hỏi: Thế nào là quán hữu sắc các sắc giải thoát?

Đáp: Là nương vào tĩnh lự, bên trong chưa điều phục sắc tưởng của kiến giả, hoặc hiện an lập sắc tưởng của kiến giả, quán sắc đã thấy, trụ trong cụ túc, hoặc định hoặc tuệ và cụ túc kia tương ưng các tâm tâm pháp, cho đến làm chướng giải thoát biến hóa. Hữu sắc, là đối với nội thân chưa dựa vào định Vô Sắc để phục trừ sắc tưởng của kiến giả, hoặc sắc tưởng của kiến giả an lập hiện tiền. Quán các sắc, là dùng ý giải để quán sát thấy các sắc tốt xấu… giải thoát, là có thể giải thoát tất cả chướng biến hóa.

Hỏi: Thế nào là quán nội Vô Sắc tưởng ngoại các sắc giải thoát?

Đáp: Là bên trong đã điều phục sắc tưởng của kiến giả, hoặc hiện an lập vô sắc tưởng kiến giả, quán chỗ thấy sắc, trụ trong cụ túc, hoặc định hoặc tuệ. Còn lại như trước đã nói. Nội thân đã nương vào Vô Sắc để phục trừ sắc tưởng của kiến giả, hoặc Vô Sắc tưởng của kiến giả an lập hiện tiền, là kiến giả danh tưởng hiện ở trước. Còn lại như trước đã nói.

Hỏi: Thế nào là tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ?

Đáp: Là bên trong các sắc tịnh và sắc bất tịnh đã được tưởng xoay vần cùng đối đãi, xoay vần tưởng tương nhập và xoay vần tưởng nhất vị, trong tịnh giải thoát kia đã đắc cụ túc, hoặc định hoặc tuệ như trước đã nói, cho đến làm giải thoát tịnh và bất tịnh biến hóa phiền não sinh khởi chướng. Trong đây hiển bày các sắc tịnh, bất tịnh dựa vào tưởng xoay vần cùng đối đãi, xoay vần là tưởng tương nhập và xoay vần tưởng nhất vị. Vì sao? Vì chờ các sắc tịnh trong các sắc khác là bất tịnh, chờ sắc bất tịnh trong các sắc khác là thanh tịnh, chẳng phải không cùng đối đãi nhau. Vì sao? Vì khi chỉ thấy một loại thì tịnh bất tịnh có cảm giác là không có. Lại, trong tịnh là sự tùy nhập của tánh bất tịnh, trong bất tịnh là chỗ tùy nhập của tánh tịnh. Vì sao? Như bị che lấp dưới làn da mỏng thì gọi chung là tịnh, nhưng trong đó hiện có ba mươi sáu vật bất tịnh như tóc, lông… như vậy xoay vần tất cả sắc hợp thành tưởng nhất vị thanh tịnh, đã hiểu như vậy rồi thì đắc tùy sở lạc sắc. Người giải thoát tự tại có thể dứt chướng biến hóa của sắc tịnh, sắc bất tịnh và phiền não sinh khởi chướng trong đây.

Hỏi: Những gì gọi là phiền não biến hóa?

Đáp: Là đối với sắc tịnh biến hóa công dụng gia hạnh trái với sắc bất tịnh biến hóa.

Hỏi: Thế nào là vô biên hư không xứ giải thoát?

Đáp: Là đối với thuận theo giải thoát vô biên hư không xứ, trụ trong cụ túc, hoặc định hoặc tuệ như trước đã nói. Như vô biên hư không xứ giải thoát, Vô biên thức xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng Phi phi tưởng xứ giải thoát cũng vậy, cho đến làm giải thoát vắng lặng, giải thoát gia hạnh không dính mắc chướng, bốn thứ như vậy nếu là đã đắc của Thánh đệ tử, có thể thuận Vô lậu, tánh thanh tịnh đó mới gọi là giải thoát, vì giải thoát ái vị. Vắng lặng Giải thoát, là siêu cõi Sắc và cõi Vô Sắc, trong đó thanh tịnh gọi là không dính mắc, vị đắm nhiễm Vô Sắc là chướng này.

Hỏi: Thế nào là tưởng thọ diệt giải thoát?

Đáp: Là dựa vào Phi tưởng Phi phi tưởng xứ giải thoát mà vượt qua các Tĩnh lự giải thoát khác, trụ trong tâm tâm pháp diệt tự chân giải thoát cụ túc trụ, để giải thoát chướng tưởng thọ diệt. Đây là hiển tưởng thọ diệt giải thoát, dùng Phi tưởng Phi phi tưởng xứ làm chỗ nương, không có cảnh giới hành tướng làm trợ giúp vì tâm tâm pháp không có, tâm tâm pháp diệt làm tự thể. Lại nữa, giải thoát nầy là tương tự chân giải thoát, tròn đầy làm tánh, vì Thánh đệ tử do đạo xuất thế gian mà đắc chuyển y, thì các tâm tâm pháp nầy tạm thời không hiện khởi, vì trong vị nầy rất vắng lặng, ý nhiễm ô không hiện hành.

Tám giải thoát nầy cũng gọi là Thánh trụ, vì là chỗ trụ của các Thánh, nhưng các bậc Thánh phần nhiều nương vào hai thứ mà trụ, vì cho rằng thứ ba và thứ tám là giải thoát tối thắng, nên trong kinh đối với hai giải thoát nầy nói: “Thân khởi chứng cụ túc trụ” không phải các thứ giải thoát khác, mà là hai thứ nầy, như thứ lớp, giải thoát hữu sắc và giải thoát Vô Sắc, các chướng dứt không sót, vì chứng chuyển y tròn đầy, nên gọi là tối thắng.

– Thắng xứ, là tám thắng xứ, nói rộng như trong kinh. Bốn thắng xứ trước do sự lập ra của hai thứ giải thoát. Bốn thắng xứ sau thì do một giải thoát lập ra, vì từ giải thoát kia mà lưu xuất. Vì sao? Vì nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc thiểu, hoặc tốt hoặc xấu hoặc kém hoặc hơn, đối với các sắc kia thấy biết thù thắng, đắc tưởng như thật, là Thắng xứ bậc nhất.

Nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc nhiều, hoặc tốt hoặc xấu, nói rộng cho đến đắc như thật tưởng, là Thắng xứ thứ hai.

Hai thắng xứ nầy lưu xuất từ hữu sắc quán các sắc giải thoát. Nội Vô Sắc tưởng quán ngoại Vô Sắc ít, nói rộng cho đến đắc như thật tưởng, là thắng xứ thứ ba.

Nội Vô Sắc tưởng quán ngoại sắc nhiều, nói rộng cho đến đắc như thật tưởng là Thắng xứ thứ tư.

Sự lưu xuất của hai thắng xứ nầy từ nội Vô Sắc tưởng quán ngoại các sắc giải thoát, nên bốn thắng xứ trước là do sự lập ra của hai giải thoát. Nội Vô Sắc tưởng quán ngoại các sắc, hoặc màu sanh sanh thì hiển sắc sanh và hiện ánh sáng sanh, giống như hoa Ô-mạc-ca, hoặc như Bàla-ni-tư nhuộm áo màu sanh đậm, hoặc màu sanh sanh thì hiển sắc sanh và hiện ánh sáng sanh, như vậy nội Vô Sắc tưởng quán ngoại các sắc, hoặc màu sanh cho đến ánh sáng sanh cũng vậy. Đối với các sắc kia thấy biết thù thắng thì đắc tưởng như thật, là Thắng xứ thứ năm.

Tưởng nội Vô Sắc quán ngoại các sắc, hoặc màu vàng cho đến ánh sáng vàng, giống như hoa Yết-ni-ca, hoặc như Bà-la-ni-tư nhuộm áo màu vàng đậm, hoặc màu vàng nói rộng cho đến đắc tưởng như thật, là Thắng xứ thứ sáu.

Tưởng nội Vô Sắc quán ngoại các sắc, hoặc màu đỏ cho đến ánh sáng đỏ, cũng như hoa Ban-đậu-thời-phược-ca, hoặc như Bà-la-ni-tư nhuộm áo màu đỏ đậm, hoặc đỏ nói rộng cho đến đắc tưởng như thật, là Thắng xứ thứ bảy.

Tưởng nội Vô Sắc quán ngoại các sắc, hoặc màu trắng trắng thì hiển trắng và hiện ánh sáng trắng, giống như màu sao Ô-sa-tư, hoặc như bà-la-ni-tư nhuộm áo màu trắng tinh, hoặc màu trắng trắng thì hiển trắng và hiện ánh sáng trắng, như vậy tưởng nội Vô Sắc quán ngoại các sắc, hoặc màu trắng trắng thì hiển trắng và hiện ánh sáng trắng cũng vậy. Đối với các sắc kia thấy biết thù thắng, thì đắc tưởng như thật, là thắng xứ thứ tám. Như vậy bốn thắng xứ từ tịnh giải thoát thân, là chỗ lưu xuất của tác chứng cụ túc trụ.

Trong đây, giải thoát là ý lãnh hội sở duyên. Thắng xứ là khéo điều phục sở duyên. Cảnh nhiều ít… là tùy ý tự tại, hoặc khiến cho ẩn mất, hoặc tùy theo dục mà chuyển. Nên ít sắc, là sắc của hữu tình số, vì lượng của nó nhỏ, nên nhiều sắc, là sắc của phi số hữu tình, như nhà, rừng, đất, núi… vì lượng của nó lớn. Sắc tốt sắc xấu, là thuộc về sắc tịnh và sắc bất tịnh. Sắc kém sắc hơn, hoặc người hoặc trời, tùy thứ lớp của nó. Người đối với các sắc kia tốt đẹp là tự tại chuyển. Biết (tri), là do đạo Xa-ma-tha, thấy (kiến) là do đạo Tỳ-bát-xá-na. Đắc tưởng như thật, là trong đã thắng và chưa thắng mà đắc vô tưởng tăng thượng mạn. “Hoặc sanh”, là câu chung. “Hiển sanh”, là sanh câu sinh (màu sanh sinh đồng thời). “Hiện sanh”, là sanh hòa hợp. “Ánh sáng sanh”, là hiển sanh và hiện sanh kia phát ra ánh sáng sanh trong sạch. Như sanh, vàng đỏ trắng cũng vậy. Trong một nơi mà nói hai thí dụ là để hiển hai hiển sắc câu sinh và hòa hợp, là nếu màu sanh thì nêu chung hoa và y (áo) hai vật màu sanh, hiển sanh, là nói theo hoa sanh, vì câu sinh. Hiện sanh, là dựa vào y sanh mà nói, vì có hòa hợp mới thành. Ánh sáng sanh, là nói theo hai thứ, vì hai thứ kia đồng thời có ánh sáng tươi sạch. Như vậy trong hai thí dụ “Hoặc màu sanh sanh thì hiển…”, là câu chung giải thích câu như tướng phải biết. Như sanh, vàng đỏ trắng cũng vậy.

Còn lại như trong giải thoát có nói.

Hỏi: Thế nào là còn lại?

Đáp: Là tưởng nội hữu sắc quán ngoại sắc tưởng… như hữu sắc quán các sắc… tùy theo tướng mà giải thích. Đã nói cảnh giới thắng xứ, thắng sở duyên của thắng xứ.

– Biến xứ: Là trong biến mãn trụ cụ túc, hoặc Định hoặc Tuệ và Cụ túc kia tương ưng tâm tâm pháp, gọi là Biến xứ. Biến mãn, là lượng của nó rộng lớn cùng khắp vô biên. Cùng khắp lại có mười thứ: 1. Địa. 2. Thủy. 3. Hoả. 4. Phong. 5. Sanh. 6. Vàng. 7. Đỏ. 8. Trắng. 9. Vô biên không xứ. 10. Vô biên thức xứ. Đều là cùng khắp.

Hỏi: Vì sao đối với biến xứ mà lập ra địa, thủy…?

Đáp: Vì biến xứ nầy quán sắc của sở y, năng y đều là đầy khắp, nếu trong đây không lập ra địa thủy… thì biến xứ liền lìa chỗ nương là đại chủng, cũng không thể quán sự tạo sắc của sanh vàng… làm tướng đầy khắp, do đó để quán sở y, năng y đều là đầy khắp mà lập ra địa thủy… ngoài ra tùy sự thích ứng mà nói như trong giải thoát, là Vô biên không xứ v.v…

Phải biết trong đây nương vào giải thoát mà tu tạo, do thắng xứ nên khởi phương tiện, do biến xứ mà thành mãn, tức là đối với giải thoát được rốt ráo.