LUẬN CHÚNG SỰ PHẦN A TỲ ĐÀM
Tác giả: Tôn giả Thế Hữu
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Đại sư Cầu Na Bạt Đà La và Bồ Đề Da Xá
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 2

Phẩm 3: PHÂN BIỆT VỀ CÁC NHẬP

Như Đức Thế Tôn giảng nói cho Bà-la-môn Xà Đế Du Lô Na: Hết thảy Bà-la-môn nên biết v.v…

Tất cả: Nghĩa là mười hai nhập. Đó là nhãn nhập, sắc nhập, nhĩ nhập, thanh nhập, tỷ nhập, hương nhập, thiệt nhập, vị nhập, thân nhập, xúc nhập, ý nhập, pháp nhập.

**

* Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là sắc, bao nhiêu thứ là không phải sắc?

Đáp: Mười thứ là sắc, một thứ không phải sắc, một thứ cần phân biệt: Tức pháp nhập hoặc là sắc, hoặc là không phải sắc. Thế nào là sắc? Là pháp nhập gồm thâu nghiệp thân, khẩu là sắc, ngoài ra là không phải sắc.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là có thể thấy, bao nhiêu thứ là không thể thấy?

Đáp: Một thứ có thể thấy, mười một thứ là không thể thấy.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là hữu đối, bao nhiêu thứ là vô đối?

Mười thứ là hữu đối, hai thứ là vô đối.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là hữu lậu, bao nhiêu thứ là vô lậu?

Đáp: Mười thứ là hữu lậu, hai thứ cần phân biệt:

Ý nhập hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu. Thế nào là hữu lậu? Là ý hữu lậu hành tương ưng với ý nhập. Thế nào là vô lậu? Là ý vô lậu hành tương ưng với ý nhập.

Pháp nhập hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu. Thế nào là hữu lậu? Là pháp nhập gồm thâu nghiệp thân, khẩu hữu lậu, cùng thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm hữu lậu. Thế nào là vô lậu? Là nghiệp thân, khẩu vô lậu, cùng thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm vô lậu và pháp vô vi.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là hữu vi, bao nhiêu thứ là vô vi?

Đáp: Mười một thứ là hữu vi, một thứ cần phân biệt: Pháp nhập hoặc là hữu vi, hoặc là vô vi.

Thế nào là hữu vi? Là pháp nhập gồm thâu nghiệp thân, khẩu, cùng thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm.

Thế nào là vô vi? Là hư không số diệt, phi số diệt.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là hữu tránh, bao nhiêu thứ là vô tránh?

Đáp: Mười thứ là hữu tránh, hai thứ cần phân biệt: Hai thứ hoặc hữu lậu hữu tránh, hai thứ hoặc vô lậu vô tránh. Như hữu tránh, vô tránh cũng vậy.

Thế gian, xuất thế gian; có lỗi lầm, không lỗi lầm; dựa vào tại gia, dựa vào xuất gia; sử, không phải sử; thọ, không phải thọ; triền, không phải triền cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là hữu ký, bao nhiêu thứ là vô ký?

Đáp: Tám thứ là vô ký, bốn thứ cần phân biệt: Sắc nhập hoặc là hữu ký, hoặc là vô ký.

Thế nào là hữu ký? Là sắc nhập thiện hay bất thiện.

Thế nào là vô ký? Là trừ sắc nhập thiện, bất thiện, các sắc nhập còn lại.

Như sắc nhập, thanh nhập, ý nhập, pháp nhập cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là ẩn giấu (hữu phú), bao nhiêu thứ là không ẩn giấu (vô phú)?

Đáp: Tám thứ là không ẩn giấu, bốn thứ cần phân biệt: Sắc nhập hoặc là ẩn giấu, hoặc là không ẩn giấu.

Thế nào là ẩn giấu? Là cấu nhiễm.

Thế nào là không ẩn giấu? Là không cấu nhiễm

Như sắc nhập, thanh nhập, ý nhập, pháp nhập cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ nên tu, bao nhiêu thứ không nên tu?

Đáp: Tám thứ không nên tu, bốn thứ cần phân biệt: Sắc nhập hoặc nên tu, hoặc không nên tu. Thế nào là nên tu? Là sắc nhập thiện. Thế nào là không nên tu? Là sắc nhập bất thiện, vô ký.

Như sắc nhập, thanh nhập, ý nhập cũng như vậy.

Pháp nhập hoặc nên tu, hoặc không nên tu. Thế nào là nên tu? Là pháp nhập hữu vi thiện. Thế nào là không nên tu? Là pháp nhập bất thiện, vô ký và số diệt.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là uế nhiễm, bao nhiêu thứ là không uế nhiễm?

Tám thứ không uế nhiễm, bốn thứ cần phân biệt:

Sắc nhập hoặc uế nhiễm, hoặc không uế nhiễm. Thế nào là uế nhiễm? Là ẩn giấu. Thế nào là không uế nhiễm? Là không ẩn giấu.

Như sắc nhập, thanh nhập, ý nhập, pháp nhập cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là có tội, bao nhiêu thứ là không tội?

Đáp: Tám thứ không tội, bốn thứ cần phân biệt:

Sắc nhập hoặc có tội, hoặc không tội. Thế nào là có tội? Là sắc nhập bất thiện và ẩn giấu vô ký. Thế nào là không tội? Là sắc nhập thiện và không ẩn giấu vô ký.

Như sắc nhập, thanh nhập, ý nhập, pháp nhập cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là có báo, bao nhiêu thứ là không có báo?

Đáp: Tám thứ không có báo, bốn thứ cần phân biệt: Sắc nhập hoặc có báo, hoặc không có báo. Thế nào là có báo? Là sắc nhập thiện, bất thiện. Thế nào là không có báo? Là sắc nhập vô ký.

Như sắc nhập, thanh nhập cũng như vậy.

Ý nhập hoặc có báo, hoặc không có báo. Thế nào là có báo? Là ý nhập thiện, bất thiện, hữu lậu. Thế nào là không có báo? Là ý nhập vô ký, vô lậu.

Như ý nhập, pháp nhập cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là thấy (kiến), bao nhiêu thứ là không thấy?

Đáp: Một thứ là thấy, mười thứ là không thấy, một thứ cần phân biệt: Pháp nhập hoặc là thấy, hoặc là không thấy. Thế nào là thấy? Là tám thứ kiến, nên gọi là thấy. Tức là năm tà kiến, chánh kiến thế tục, kiến học, kiến vô học. Ngoài ra là không thấy.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là nội, bao nhiêu thứ là ngoại?

Đáp: Là sáu nội, sáu ngoại.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là thọ, bao nhiêu thứ là không thọ?

Đáp: Ba thứ là không thọ, chín thứ cần phân biệt: Nhãn nhập hoặc thọ, hoặc không thọ. Thế nào là thọ? Là thọ nhận tự tánh. Thế nào là không thọ? Là không thọ nhận tự tánh.

Như nhãn nhập, sắc nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, hương nhập, thiệt nhập, vị nhập, thân nhập, xúc nhập cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là tâm, bao nhiêu thứ là không phải tâm?

Đáp: Một thứ là tâm, mười một thứ là không phải tâm.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ có duyên, bao nhiêu thứ không duyên?

Đáp: Một thứ là có duyên, mười thứ là không duyên, một thứ cần phân biệt: Pháp nhập hoặc là có duyên, hoặc là không duyên. Thế nào là có duyên? Là tâm pháp. Thế nào là không duyên? Là không phải tâm pháp.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là tâm pháp, bao nhiêu thứ là không phải tâm pháp?

Đáp: Mười một thứ là không phải tâm pháp, một thứ cần phân biệt: Pháp nhập hoặc là tâm pháp, hoặc là không phải tâm pháp. Thế nào là tâm pháp? Là có duyên. Thế nào là không phải tâm pháp? Là không duyên.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là nghiệp, bao nhiêu không phải là nghiệp?

Chín thứ không phải là nghiệp, ba thứ cần phân biệt: Sắc

nhập hoặc là nghiệp, hoặc không phải là nghiệp. Thế nào là nghiệp? Là thân hành tác là nghiệp, ngoài ra không phải là nghiệp.

Thanh nhập hoặc là nghiệp, hoặc không phải là nghiệp. Thế nào là nghiệp? Là miệng hành tác là nghiệp, ngoài ra không phải là nghiệp.

Pháp nhập hoặc là nghiệp, hoặc không phải là nghiệp. Thế nào là nghiệp? Là pháp nhập gồm thâu nghiệp thân, khẩu và tư, là nghiệp, ngoài ra không phải là nghiệp.

*

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là thiện, bao nhiêu thứ là bất thiện, bao nhiêu thứ là vô ký?

Đáp: Tám thứ là vô ký, bốn thứ cần phân biệt:

Sắc nhập hoặc là thiện, hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký. Thế nào là thiện? Là thân hành tác thiện. Thế nào là bất thiện? Là thân hành tác bất thiện. Thế nào là vô ký? Là trừ sắc do thân hành tác thiện, bất thiện, tức sắc do thân hành tác còn lại.

Thanh nhập hoặc thiện, hoặc bất thiện, vô ký. Thế nào là thiện? Là tiếng nói của miệng là thiện. Thế nào là bất thiện? Là tiếng nói của miệng là bất thiện. Thế nào là vô ký? Là trừ tiếng nói của miệng là thiện, bất thiện, tức những tiếng nói của miệng còn lại.

Ý nhập là thiện, hoặc bất thiện, vô ký. Thế nào là thiện? Là ý tư duy thiện tương ưng với ý nhập. Thế nào là bất thiện? Là ý tư duy bất thiện tương ưng với ý nhập. Thế nào là vô ký? Là ý tư duy vô ký tương ưng với ý nhập.

Pháp nhập hoặc thiện, hoặc bất thiện, vô ký. Thế nào là thiện? Là pháp nhập gồm thâu nghiệp thân, khẩu thiện, cùng thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm thiện và số diệt. Thế nào là bất thiện? Là pháp nhập gồm thâu nghiệp thân, khẩu bất thiện, cùng thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm bất thiện. Thế nào là vô ký? Là pháp nhập gồm thâu thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm vô ký và hư không, phi số diệt.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ do kiến đoạn, bao nhiêu thứ do tu đoạn, bao nhiêu thứ không đoạn?

Đáp: Mười thứ do tu đoạn, hai thứ cần phân biệt:

Ý nhập hoặc do kiến đoạn, hoặc do tu đoạn, hoặc không đoạn. Thế nào là do kiến đoạn? Như ý nhập nơi người tùy tín hành, tùy pháp hành, nhẫn vô gián cùng đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Tức là kiến đạo đoạn trừ tám mươi tám sử tương ưng với ý nhập. Thế nào là do tu đoạn? Như ý nhập nơi bậc tu học kiến tích đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Là tu đạo đoạn trừ mười sử tương ưng với ý nhập, cùng ý nhập hữu lậu không uế nhiễm. Thế nào là không đoạn? Là ý nhập vô lậu.

Pháp nhập hoặc do kiến đoạn, hoặc do tu đoạn, hoặc không đoạn. Thế nào là do kiến đoạn? Như pháp nhập nơi người tùy tín hành, tùy pháp hành, nhẫn vô gián cùng đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Tức là kiến đạo đoạn trừ tám mươi tám sử tương ưng với pháp nhập. Kẻ ấy đã khởi tâm bất tương ưng hành. Thế nào là do tu đoạn? Như pháp nhập nơi bậc tu học kiến tích đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Là tu đạo đoạn trừ mười sử tương ưng với pháp nhập. Kẻ ấy đã khởi nghiệp thân, khẩu, cùng khởi tâm bất tương ưng hành và pháp nhập hữu lậu không uế nhiễm. Thế nào là không đoạn? Là pháp nhập vô lậu.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ là học, bao nhiêu thứ là vô học, bao nhiêu thứ là phi học phi vô học?

Đáp: Mười thứ là phi học phi vô học, hai thứ cần phân biệt:

Ý nhập hoặc là học, hoặc là vô học, hoặc là phi học phi vô học. Thế nào là học? Là ý học tư duy tương ưng với ý nhập. Thế nào là vô học? Là ý vô học tư duy tương ưng với ý nhập. Thế nào là phi học phi vô học? Là ý hữu lậu tư duy tương ưng với ý nhập.

Pháp nhập hoặc là học, hoặc là vô học, hoặc là phi học phi vô học. Thế nào là học? Là nghiệp thân, khẩu hữu học, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm hữu học. Thế nào là vô học? Là nghiệp thân, khẩu vô học, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm vô học. Thế nào là phi học phi vô học? Là pháp nhập gồm thâu nghiệp thân, khẩu hữu lậu, cùng thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm hữu lậu và pháp vô vi.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ thuộc cõi Dục, bao nhiêu thứ thuộc cõi Sắc, bao nhiêu thứ thuộc cõi Vô sắc, bao nhiêu thứ không hệ thuộc?

Đáp: Hai thứ thuộc cõi Dục, mười thứ cần phân biệt:

Nhãn nhập hoặc thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc. Thế nào là thuộc cõi Dục? Là nhãn nhập thuộc cõi Dục do bốn đại tạo nên. Thế nào là thuộc cõi Sắc? Là nhãn nhập thuộc cõi Sắc do bốn đại tạo nên.

Như nhãn nhập, sắc nhập, nhĩ nhập, thanh nhập, tỷ nhập, thiệt nhập, thân nhập cũng như vậy.

Xúc nhập hoặc thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc. Thế nào là thuộc cõi Dục? Là xúc nhập thuộc cõi Dục do bốn đại tạo nên. Thế nào là thuộc cõi Sắc? Là xúc nhập thuộc cõi Sắc do bốn đại tạo nên.

Ý nhập hoặc thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc, hoặc thuộc cõi Vô sắc, hoặc không hệ thuộc. Thế nào là thuộc cõi Dục? Là ý tư duy tương ưng với ý nhập thuộc cõi Dục. Thế nào là thuộc cõi Sắc? Là ý tư duy tương ưng với ý nhập thuộc cõi Sắc. Thế nào là thuộc cõi Vô sắc? Là ý tư duy tương ưng với ý nhập thuộc cõi Vô sắc. Thế nào là không hệ thuộc? Là ý vô lậu tư duy tương ưng với ý nhập.

Pháp nhập hoặc thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc, hoặc thuộc cõi Vô sắc, hoặc không hệ thuộc. Thế nào là thuộc cõi Dục? Là pháp nhập thuộc cõi Dục gồm thâu nghiệp thân, khẩu, gồm thâu thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm. Thế nào là thuộc cõi Sắc? Là pháp nhập thuộc cõi Sắc gồm thâu nghiệp thân, khẩu, gồm thâu thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm. Thế nào là thuộc cõi Vô sắc? Là pháp nhập thuộc cõi Vô sắc gồm thâu thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm. Thế nào là không hệ thuộc? Là vô lậu gồm thâu nghiệp thân, khẩu, gồm thâu thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và pháp vô vi.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ thuộc về quá khứ, bao nhiêu thứ thuộc về vị lai, bao nhiêu thứ thuộc về hiện tại?

Đáp: Mười một thứ thuộc hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, một thứ cần phân biệt: Pháp nhập. Nếu là hữu vi thì hoặc thuộc quá khứ, hoặc thuộc vị lai, hoặc thuộc hiện tại. Nếu là vô vi thì không phải quá khứ, không phải vị lai, không phải hiện tại.

*

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ thuộc khổ đế, bao nhiêu thứ thuộc tập đế, bao nhiêu thứ thuộc diệt đế, bao nhiêu thứ thuộc đạo đế, bao nhiêu thứ không thuộc về đế?

Đáp: Mười thứ thuộc khổ đế, tập đế, hai thứ cần phân biệt: Ý nhập nếu là hữu lậu thì thuộc về khổ đế, tập đế. Nếu là vô lậu thì thuộc về đạo đế.

Pháp nhập nếu là hữu lậu thì thuộc về khổ đế, tập đế. Nếu là vô lậu thì thuộc về đạo đế hữu vi. Nếu là số diệt thì thuộc về diệt đế. Hư không, phi số diệt thì không thuộc về đế.

Hỏi: Mười hai nhập nầy: Bao nhiêu thứ do kiến khổ đoạn, do kiến tập đoạn, do kiến diệt đoạn, do kiến đạo đoạn? Bao nhiêu thứ do tu đoạn, bao nhiêu thứ không đoạn?

Đáp: Mười thứ do tu đoạn, hai thứ cần phân biệt:

Ý nhập hoặc do kiến khổ đoạn, hoặc do kiến tập đoạn, hoặc do kiến diệt đoạn, hoặc do kiến đạo đoạn, hoặc do tu đoạn, hoặc không đoạn.

Thế nào là do kiến khổ đoạn? Là như ý nhập nơi người tùy tín hành, tùy pháp hành tu khổ nhẫn vô gián cùng đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Là do kiến khổ đoạn hai mươi tám thứ sử tương ưng với ý nhập.

Thế nào là do kiến tập đoạn? Là như ý nhập nơi người tùy tín hành, tùy pháp hành tu tập nhẫn vô gián cùng đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Là do kiến tập đoạn mười chín sử tương ưng với ý nhập.

Thế nào là do kiến diệt đoạn? Là như ý nhập nơi người tùy tín hành, tùy pháp hành tu diệt nhẫn vô gián cùng đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Là do kiến diệt đoạn mười chín sử tương ưng với ý nhập.

Thế nào là do kiến đạo đoạn? Là như ý nhập nơi người tùy tín hành, tùy pháp hành tu đạo nhẫn vô gián cùng đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Là do kiến đạo đoạn hai mươi hai sử tương ưng với ý nhập.

Thế nào là do tu đoạn? Là như ý nhập nơi bậc tu học kiến tích đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Là do tu đạo đoạn trừ mười sử tương ưng với ý nhập cùng ý nhập hữu lậu không cấu nhiễm.

Thế nào là không đoạn? Là ý nhập vô lậu.

Pháp nhập hoặc do kiến khổ đoạn, hoặc do kiến tập đoạn, hoặc do kiến diệt đoạn, hoặc do kiến đạo đoạn, hoặc do tu đoạn, hoặc không đoạn.

Thế nào là do kiến khổ đoạn? Là như pháp nhập nơi người tùy tín hành, tùy pháp hành tu khổ nhẫn vô gián cùng đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Là do kiến khổ đoạn hai mươi tám sử tương ưng với pháp nhập. Người kia đã khởi tâm bất tương ưng hành.

Thế nào là do kiến tập đoạn? Là như pháp nhập nơi người tùy tín hành, tùy pháp hành tu tập nhẫn vô gián cùng đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Là do kiến tập đoạn mười chín kiết sử tương ưng với pháp nhập. Người kia đã khởi tâm bất tương ưng hành.

Thế nào là do kiến diệt đoạn? Là như pháp nhập nơi người tùy tín hành, tùy pháp hành tu diệt nhẫn vô gián cùng đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Là do kiến diệt đoạn mười chín sử tương ưng với pháp nhập. Người kia đã khởi tâm bất tương ưng hành.

Thế nào là do kiến đạo đoạn? Là như pháp nhập nơi người tùy tín hành, tùy pháp hành tu đạo nhẫn vô gián cùng đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Là do kiến đạo đoạn hai mươi hai sử tương ưng với pháp nhập. Người kia đã khởi tâm bất tương ưng hành.

Thế nào là do tu đoạn? Là như pháp nhập nơi bậc tu học kiến tích đoạn trừ. Đoạn trừ như thế nào? Là do tu đạo đoạn trừ mười sử tương ưng với pháp nhập. Người kia đã khởi nghiệp thân, khẩu, khởi tâm bất tương ưng hành, và pháp nhập hữu lậu không uế nhiễm.

Thế nào là không đoạn? Là pháp nhập vô lậu.

**

* Hỏi: Năm ấm, mười hai nhập: Là năm ấm gồm thâu mười hai nhập hay là mười hai nhập gồm thâu năm ấm?

Đáp: Mười hai nhập gồm thâu năm ấm, không phải năm ấm gồm thâu mười hai nhập. Pháp nào không gồm thâu? Là pháp nhập vô vi.

Hỏi: Năm ấm, mười tám giới: Là năm ấm gồm thâu mười tám giới hay là mười tám giới gồm thâu năm ấm?

Đáp: Mười tám giới gồm thâu năm ấm, không phải năm ấm gồm thâu mười tám giới. Pháp nào không gồm thâu? Là pháp giới vô vi.

Hỏi: Năm ấm, hai mươi hai căn: Là năm ấm gồm thâu hai mươi hai căn hay là hai mươi hai căn gồm thâu năm ấm?

Đáp: Hai ấm và phần ít của hai ấm gồm thâu hai mươi hai căn. Hai mươi hai căn cũng gồm thâu hai ấm và phần ít của hai ấm. Pháp nào không gồm thâu? Là một ấm và phần ít của hai ấm.

Hỏi: Năm ấm, chín mươi tám sử: Là năm ấm gồm thâu chín mươi tám sử hay là chín mươi tám sử gồm thâu năm ấm?

Đáp: Phần ít của một ấm gồm thâu chín mươi tám sử. Chín mươi tám sử cũng gồm thâu phần ít của một ấm. Pháp nào không gồm thâu? Là bốn ấm và phần ít của một ấm.

*

Hỏi: Mười hai nhập, mười tám giới: Là mười hai nhập gồm thâu mười tám giới hay là mười tám giới gồm thâu mười hai nhập?

Đáp: Lần lượt cùng gồm thâu nhau theo chỗ ứng hợp của chúng.

Hỏi: Mười hai nhập, hai mươi hai căn: Là mười hai nhập gồm thâu hai mươi hai căn hay là hai mươi hai căn gồm thâu mười hai nhập?

Đáp: Sáu nội nhập và phần ít của một ngoại nhập gồm thâu hai mươi hai căn. Hai mươi hai căn cũng gồm thâu sáu nội nhập và phần ít của một ngoại nhập. Pháp nào không gồm thâu? Là năm ngoại nhập và phần ít của một ngoại nhập.

Hỏi: Mười hai nhập, chín mươi tám sử: Là mười hai nhập gồm thâu chín mươi tám sử hay là chín mươi tám sử gồm thâu mười hai nhập?

Đáp: Phần ít của một ngoại nhập gồm thâu chín mươi tám sử. Chín mươi tám sử cũng gồm thâu phần ít của một ngoại nhập. Pháp nào không gồm thâu? Là mười một nhập và phần ít của một ngoại nhập.

*

Hỏi: Mười tám giới, hai mươi hai căn: Là mười tám giới gồm thâu hai mươi hai căn hay là hai mươi hai căn gồm thâu mười tám giới?

Đáp: Mười hai nội giới và phần ít của một ngoại giới gồm thâu hai mươi hai căn. Hai mươi hai căn cũng gồm thâu mười hai nội giới và phần ít của một ngoại giới. Pháp nào không gồm thâu? Là năm ngoại giới và phần ít của một ngoại giới.

Hỏi: Mười tám giới, chín mươi tám sử: Là mười tám giới gồm thâu chín mươi tám sử hay là chín mươi tám sử gồm thâu mười tám giới?

Đáp: Phần ít của một ngoại giới gồm thâu chín mươi tám sử. Chín mươi tám sử cũng gồm thâu phần ít của một ngoại giới. Pháp nào không gồm thâu? Là mười bảy giới và phần ít của một ngoại giới.

*

Hỏi: Hai mươi hai căn, chín mươi tám sử: Là hai mươi hai căn gồm thâu chín mươi tám sử hay là chín mươi tám sử gồm thâu hai mươi hai căn?

Đáp: Chúng lần lượt không gồm thâu nhau.

***

Phẩm 4: PHÂN BIỆT VỀ BẢY SỰ

* Gồm có: Mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm, năm thạnh ấm, sáu giới, mười pháp đại địa, mười pháp phiền não đại địa, mười pháp tiểu phiền não đại địa, năm phiền não, năm xúc, năm kiến, năm căn, năm pháp, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân, sáu ái thân.

Hỏi: Thế nào là mười tám giới?

Đáp: Là nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới.

Hỏi: Thế nào là mười hai nhập?

Đáp: Là nhãn nhập, sắc nhập; nhĩ nhập, thanh nhập; tỷ nhập, hương nhập; thiệt nhập, vị nhập; thân nhập, xúc nhập; ý nhập, pháp nhập.

Hỏi: Thế nào là năm ấm?

Đáp: Là sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm.

Hỏi: Thế nào là năm thạnh ấm?

Đáp: Là sắc thạnh ấm, thọ thạnh ấm, tưởng thạnh ấm, hành thạnh ấm, thức thạnh ấm.

Hỏi: Thế nào là sáu giới?

Đáp: Là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, hư không giới, thức giới.

Hỏi: Những gì là mười pháp đại địa? Là thọ, tưởng, tư, xúc, ức, dục, giải thoát (thắng giải), niệm, định, tuệ.

Hỏi: Những gì là mười pháp phiền não đại địa?

Đáp: Là bất tín, giải đãi (lười biếng), vong niệm (quên niệm), loạn, vô minh, tà tuệ, tà ức, tà giải thoát, trạo, phóng dật.

Hỏi: Những gì là mười pháp tiểu phiền não đại địa?

Đáp: Là phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, kiêu, hại.

Hỏi: Những gì là năm phiền não?

Đáp: Là dục tham, sắc tham, vô sắc tham, sân giận, nghi.

Hỏi: Những gì là năm xúc?

Đáp: Là đối xúc, tăng thượng ngữ xúc, minh xúc, vô minh xúc, phi minh phi vô minh xúc.

Hỏi: Những gì là năm kiến?

Đáp: Là thân kiến, biên kiến, tà kiến, thủ kiến kiến, thủ giới kiến.

Hỏi: Những gì là năm căn?

Đáp: Là lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn.

Hỏi: Những gì là năm pháp?

Đáp: Là giác, quán, thức, vô tàm, vô quý.

Hỏi: Những gì là sáu thức thân?

Đáp: Là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.

Hỏi: Những gì là sáu xúc thân?

Đáp: Là nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc.

Hỏi: Những gì là sáu thọ thân?

Đáp: Là thọ do nhãn xúc sinh, thọ do nhĩ xúc sinh, thọ do tỷ xúc sinh, thọ do thiệt xúc sinh, thọ do thân xúc sinh, thọ do ý xúc sinh.

Hỏi: Những gì là sáu tưởng thân?

Đáp: Là tưởng do nhãn xúc sinh, tưởng do nhĩ xúc sinh, tưởng do tỷ xúc sinh, tưởng do thiệt xúc sinh, tưởng do thân xúc sinh, tưởng do ý xúc sinh.

Hỏi: Những gì là sáu tư thân?

Đáp: Là tư do nhãn xúc sinh, tư do nhĩ xúc sinh, tư do tỷ xúc sinh, tư do thiệt xúc sinh, tư do thân xúc sinh, tư do ý xúc sinh.

Hỏi: Những gì là sáu ái thân?

Đáp: Là ái do nhãn xúc sinh, ái do nhĩ xúc sinh, ái do tỷ xúc sinh, ái do thiệt xúc sinh, ái do thân xúc sinh, ái do ý xúc sinh.

**

* Thế nào là nhãn giới? Là như mắt đối với sắc đã thấy, đang thấy, sẽ thấy, tùy theo sắc kia nên mỗi mỗi đều có phần.

Thế nào là sắc giới? Là như sắc đối với mắt đã thấy, đang thấy, sẽ thấy, tùy theo các thứ kia nên đều có phần.

Thế nào là nhãn thức giới? Là như mắt thấy sắc khởi nhãn thức. Mắt là yếu tố tăng thượng để thấy sắc. Hoặc nhãn thức đối với sắc, hoặc thức phân biệt để nhận biết sắc. Đó gọi là nhãn thức giới.

Thế nào là nhĩ giới? Là như tai đối với tiếng đã nghe, đang nghe, sẽ nghe, tùy theo âm thanh kia nên mỗi mỗi đều có phần.

Thế nào là thanh giới? Là như tiếng đối với tai đã nghe, đang nghe, sẽ nghe, tùy theo âm thanh kia nên đều có phần.

Thế nào là nhĩ thức giới? Là như tai nghe tiếng khởi nhĩ thức. Tai là yếu tố tăng thượng để nghe tiếng. Hoặc nhĩ thức đối với tiếng, hoặc thức phân biệt để nhận biết tiếng. Đó gọi là nhĩ thức giới.

Thế nào là tỷ giới? Là như mũi đối với hương đã biết, đang biết, sẽ biết, tùy theo hương kia nên mỗi mỗi đều có phần.

Thế nào là hương giới? Là như hương đối với mũi đã biết, đang biết, sẽ biết, tùy theo hương kia nên đều có phần.

Thế nào là tỷ thức giới? Là như mũi biết hương khởi tỷ thức. Mũi là yếu tố tăng thượng để nhận biết hương. Hoặc tỷ thức đối với hương, hoặc thức phân biệt để nhận biết hương. Đó gọi là tỷ thức giới.

Thế nào là thiệt giới? Là như lưỡi đối với vị đã nếm, đang nếm, sẽ nếm, tùy theo vị kia nên mỗi mỗi đều có phần.

Thế nào là vị giới? Là như vị đối với lưỡi đã nếm, đang nếm, sẽ nếm, tùy theo vị kia nên đều có phần.

Thế nào là thiệt thức giới? Là như lưỡi nếm vị khởi thiệt thức. Lưỡi là yếu tố tăng thượng để nếm vị. Hoặc thiệt thức đối với vị, hoặc thức phân biệt để nhận biết vị. Đó gọi là thiệt thức giới.

Thế nào là thân giới? Là như thân đối với xúc chạm đã xúc chạm, đang xúc chạm, sẽ xúc chạm, tùy theo xúc chạm kia nên mỗi mỗi đều có phần.

Thế nào là xúc giới? Là như xúc đối với thân đã biết rõ, đang biết rõ, sẽ biết rõ, tùy theo xúc chạm kia nên đều có phần.

Thế nào là thân thức giới? Là như thân xúc chạm khởi thân thức. Thân là yếu tố tăng thượng để nhận biết xúc. Hoặc thân thức đối với xúc, hoặc thức phân biệt để nhận biết xúc. Đó gọi là thân thức giới.

Thế nào là ý giới? Là như ý đối với pháp đã biết, đang biết, sẽ biết, tùy theo pháp kia nên mỗi mỗi đều có phần.

Thế nào là pháp giới? Là như pháp đối với ý đã biết, đang biết, sẽ biết, tùy theo pháp kia nên đều có phần.

Thế nào là ý thức giới? Là như ý duyên nơi pháp khởi ý thức. Ý là tăng thượng duyên nơi pháp. Hoặc ý thức đối với pháp, hoặc thức phân biệt để nhận biết pháp. Đó gọi là ý thức giới.

*

Nhãn nhập cho đến pháp nhập nói rộng cũng như vậy.

*

Thế nào là sắc ấm? Là mười thứ sắc nhập và sắc thuộc về pháp nhập.

Thế nào là thọ ấm? Là sáu thọ thân. Đó là thọ do nhãn xúc sinh cho đến thọ do ý xúc sinh.

Thế nào là tưởng ấm? Là sáu tưởng thân. Đó là tưởng do nhãn xúc sinh cho đến tưởng do ý xúc sinh.

Thế nào là hành ấm? Nghĩa là hành ấm có hai thứ: tâm tương ưng, tâm không tương ưng.

Thế nào là hành ấm của tâm tương ưng? Nghĩa là những tâm pháp: tư, xúc, ức, dục, giải thoát, niệm, định, tuệ, tín, tinh tấn, giác, quán, phóng dật, không phóng dật, căn thiện, căn bất thiện, căn vô ký, hết thảy kiết, phược, sử, phiền não, thượng phiền não, triền, hết thảy trí, hết thảy kiến, hết thảy vô gián v.v…, những pháp như thế đối chiếu tương ưng với tâm. Đó gọi là hành ấm của tâm tương ưng.

Thế nào là hành ấm của tâm không tương ưng? Nghĩa là các thứ: đắc, chánh thọ (định) vô tưởng, chánh thọ diệt tận, Vô tưởng thiên, mạng căn, thân, chủng loại, xứ đắc, sự đắc, nhập đắc, sinh, trụ, dị, diệt, danh thân, cú thân, vị thân, những pháp như thế đối chiếu không tương ưng với tâm. Đó gọi là hành ấm của tâm không tương ưng.

Hai pháp kia gọi chung là thuộc về hành ấm.

Thế nào là thức ấm? Là sáu thức thân. Đó là nhãn thức thân cho đến ý thức thân.

*

Thế nào là sắc thạnh ấm? Là như sắc hữu lậu được thọ nhận nhiều. Sắc ấy hoặc đối với quá khứ, hiện tại, vị lai khởi dục, đã khởi, đang khởi, hoặc tham, hoặc sân, hoặc si, mỗi mỗi tâm số phiền não đó đã khởi, đang khởi, đó gọi là sắc thạnh ấm.

Thọ thạnh ấm, tưởng thạnh ấm, hành thạnh ấm cũng như vậy.

Thế nào là thức thạnh ấm? Là như thức hữu lậu được thọ nhận nhiều. Thức ấy hoặc đối với quá khứ, hiện tại, vị lai khởi dục, đã khởi, đang khởi, hoặc tham, hoặc sân, hoặc si, mỗi mỗi tâm số phiền não đã khởi, đang khởi, đó gọi là thức thạnh ấm.

*

Thế nào là địa giới? Là tướng cứng chắc, cho đến phong giới, như nơi phẩm Năm Pháp đã nói.

Thế nào là hư không giới? Là không biên sắc.

Thế nào là thức giới? Là năm thức thân và ý thức thân hữu lậu.

*

Thế nào là thọ? Là thọ nhận, biết rõ về khổ, lạc, không khổ không lạc, như đau đớn v.v… nơi ba cảnh giới chuyển biến.

Thế nào là tưởng? Là tưởng, cùng tưởng, tưởng tăng thượng, đối với hình tượng tướng mạo chuyển biến.

Thế nào là tư? Là tư duy, cùng tư duy, tư duy tăng thượng, khởi tâm hành nơi nghiệp.

Thế nào là xúc? Là xúc chạm, cùng xúc chạm, xúc tăng thượng, dựa duyên vào tâm hòa hợp chuyển biến.

Thế nào là ức? Là tâm phát khởi tỏ ngộ, là nhớ nghĩ, tư duy về cảnh giới của tâm hành.

Thế nào là dục? Là ham muốn nơi duyên, kiên trì, tham chấp sâu xa để tạo ra dục lạc.

Thế nào là giải thoát? Là tâm giải thoát, ý đối với duyên đều cởi bỏ.

Thế nào là niệm? Là nhớ nghĩ, thuận theo sự nhớ nghĩ không bỏ, đối với duyên không bỏ quên, rối loạn.

Thế nào là định? Là tâm cùng trụ, không động dời trước cảnh, không tán, không loạn, gồm thâu vào một mối.

Thế nào là tuệ? Là tâm đối với pháp, dấy khởi sự lựa chọn, quyết đoán, biết rõ, soi sáng quan sát.

*

Thế nào là bất tín? Là tâm không tin nhận, không chánh tư duy, không tu gốc đức, không trồng hạnh thiện, không tạo nghiệp tốt, ý không thanh tịnh.

Thế nào là giải đãi? Là tâm yếu kém, không siêng năng dũng mãnh, ý không nhanh nhẹn.

Thế nào là vọng niệm? Là nhớ nghĩ hư vọng, hướng bên ngoài, ghi nhớ điều tà vạy.

Thế nào là loạn? Là tâm tán loạn, chuyển động dong ruổi, duyên không dừng dứt.

Thế nào là vô minh? Là ngu si nơi ba cõi, tối tăm không hiểu biết.

Thế nào là tà tuệ? Là không thuận theo chánh niệm, hiểu sai, quyết đoán sai lầm.

Thế nào là tà ức? Là ý hành tác cấu nhiễm, quanh co thọ nhận cảnh giới không chánh tư duy.

Thế nào là tà giải thoát? Là ý hành tác cấu nhiễm để cởi bỏ nơi duyên.

Thế nào là trạo? Là tâm vội vã, hấp tấp, không dựa nơi tịch tĩnh.

Thế nào là phóng dật? Là bỏ chính phương tiện, làm chuyện không nên làm, nơi các pháp thiện không siêng tu tập.

*

Thế nào là phẫn? Là đối với sự việc không đem lại lợi ích, tâm khởi giận nối tiếp giận dữ.

Thế nào là hận? Là nếu sự việc không thuận theo ý muốn tức khởi tâm giận dữ.

Thế nào là phú? Là che giấu tội mình tạo ra.

Thế nào là não? Là tâm nóng bức như bị thiêu đốt.

Thế nào là tật? Là đối với sự hiềm khích không muốn kẻ khác có lợi, khởi tâm đố kỵ.

Thế nào là xan? Là tâm thọ nhận, luôn chấp giữ kiên cố, không xả bỏ.

Thế nào là cuống? Là lừa dối kẻ khác.

Thế nào là siểm? Là khởi tâm hành quanh co.

Thế nào là kiêu? Là tâm say mê sự đề cao, tự cao.

Thế nào là hại? Là bực bội nơi các chúng sinh, khiến tâm gây bức bách.

*

Thế nào là dục tham? Là dục tham cùng tham, kết tụ thành nơi chốn tham, yêu thích chấp chặt.

Thế nào là sắc tham? Là sắc tham cùng tham, kết tụ thành nơi chốn tham, yêu thích chấp chặc.

Thế nào là vô sắc tham? Là vô sắc tham cùng tham, kết tụ thành nơi chốn tham, yêu thích chấp chặt.

Thế nào là sân giận? Là khởi tâm gây tổn hại đối với các chúng sinh, hủy báng bức bách.

Thế nào là nghi? Là mê lầm, không hiểu rõ về chân lý.

*

Thế nào là đối xúc? Là năm thức thân tương ưng với xúc.

Thế nào là tăng thượng ngữ xúc? Là ý thức thân tương ưng với xúc.

Thế nào là minh xúc? Là xúc vô lậu.

Thế nào là vô minh xúc? Là xúc cấu uế.

Thế nào là phi minh phi vô minh xúc? Là xúc hữu lậu không cấu uế.

*

Thế nào là thân kiến? Là đối với năm thạnh ấm, khởi kiến chấp về ngã, ngã sở. Đối với kiến chấp kia đã nhận lấy, yêu thích, tham vướng.

Thế nào là biên kiến? Là đối với năm thạnh ấm hoặc chấp đoạn, hoặc chấp thường. Đối với kiến chấp kia đã nhận lấy, yêu thích, tham vướng.

Thế nào là tà kiến? Là phỉ báng nhân quả, hủy hoại điều nên làm. Đối với kiến chấp kia đã nhận lấy, yêu thích, tham vướng.

Thế nào là thủ kiến kiến? Là đối với năm thạnh ấm chấp cho là bậc nhất, là tối thượng, tối thắng. Đối với kiến chấp kia đã giữ lấy, yêu thích, vướng mắc.

Thế nào là thủ giới kiến? Là đối với năm thạnh ấm khởi kiến chấp cho là thanh tịnh, là giải thoát, là xuất yếu. Đối với kiến chấp kia đã giữ lấy, yêu thích, tham vướng.

*

Thế nào là lạc căn? Là như xúc của lạc thọ đã tiếp xúc, hoặc khởi thân ý vui thích, khởi tưởng nhận biết.

Thế nào là khổ căn? Là như xúc của khổ thọ đã tiếp xúc, hoặc khởi thân khổ cùng khổ, khởi tưởng nhận biết.

Thế nào là hỷ căn? Là như xúc của hỷ thọ đã tiếp xúc, hoặc khởi tâm vui mừng, sinh tưởng nhận biết, lãnh thọ.

Thế nào là ưu căn? Là như xúc của ưu thọ đã tiếp xúc, hoặc khởi tâm khổ sinh tưởng nhận biết, lãnh thọ.

Thế nào là xả căn? Là như xúc của thọ không khổ không lạc đã tiếp xúc, hoặc khởi sự nhận biết nơi thân tâm không lãnh thọ, không phải không lãnh thọ.

*

Thế nào là giác? Là như tâm nhận biết, nhận biết khắp, nhận biết về sắc, nhận biết về sắc tăng thượng, nhận biết về loại giác v.v…, tâm thô tư duy chuyển biến.

Thế nào là quán? Là như tâm hành, ít hành, theo chỗ vi tế mà hành, tâm chuyển thuận theo nẻo tinh tế.

Thế nào là thức? Là sáu thức thân, tức là nhãn thức cho đến ý thức.

Thế nào là vô tàm? Là như tâm không biết hổ, không chán sợ lỗi lầm, không hề chán lìa, không cung kính, không nhu hòa, không biết tự lo sợ, không tự thấy xấu hổ, tâm buông thả mặc tình.

Thế nào là vô quý? Là không thẹn đối với kẻ khác, không sợ hãi đối với tội lỗi, không thấy tội lỗi, nơi các lỗi lầm xấu ác không thấy hổ thẹn đối với kẻ khác.

*

Thế nào là nhãn thức? Là mắt duyên nơi sắc khởi nhãn thức. Mắt là yếu tố tăng thượng duyên nơi sắc. Nhãn thức đối với sắc hoặc nhận biết, hoặc phân biệt về sắc. Đó gọi là nhãn thức.

Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức cũng như vậy.

*

Thế nào là nhãn xúc? Là mắt duyên nơi sắc khởi nhãn thức, ba thứ ấy (mắt, sắc, nhãn thức) hòa hợp sinh ra xúc. Mắt là yếu tố tăng thượng duyên nơi sắc. Nhãn thức đối với sắc hoặc tiếp xúc, cùng tiếp xúc. Đó gọi là nhãn xúc.

Nhĩ, tỷ, thiệt, thân xúc cũng như vậy.

Thế nào là ý xúc? Là ý duyên nơi pháp khởi ý thức, ba thứ ấy hòa hợp sinh ra xúc. Ý là yếu tố tăng thượng duyên nơi pháp. Ý thức đối với pháp hoặc tiếp xúc, cùng tiếp xúc. Đó gọi là ý xúc.

*

Thế nào là thọ do nhãn xúc sinh? Là mắt duyên nơi sắc khởi nhãn thức, ba thứ ấy hòa hợp sinh ra xúc, xúc duyên nơi thọ. Mắt là yếu tố tăng thượng duyên nơi sắc để có nhãn xúc, nhân nơi nhãn xúc, tích tập nhãn xúc, sinh nhãn xúc, có nhãn xúc, ý tư duy tương ưng. Nhãn thức đối với sắc hoặc nhận biết, thọ nhận cùng thọ nhận. Đó gọi là thọ do nhãn xúc sinh.

Thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân xúc sinh ra cũng như vậy.

Thế nào là thọ do ý xúc sinh? Là ý duyên nơi pháp khởi ý thức, ba thứ ấy hòa hợp sinh ra xúc, xúc duyên nơi thọ. Ý là yếu tố tăng thượng duyên nơi pháp để có ý xúc, nhân nơi ý xúc, tích tập ý xúc, sinh ý xúc, có ý xúc, ý tư duy tương ưng. Ý thức đối với pháp hoặc nhận biết, thọ nhận cùng thọ nhận. Đó gọi là thọ do ý xúc sinh.

*

Thế nào là tưởng do nhãn xúc sinh? Là mắt duyên nơi sắc sinh ra nhãn thức, ba thứ ấy hòa hợp sinh ra xúc, xúc duyên nơi tưởng. Mắt là yếu tố tăng thượng duyên nơi sắc để có nhãn xúc, nhân nơi nhãn xúc, tích tập nhãn xúc, sinh nhãn xúc, có nhãn xúc, ý tư duy tương ưng. Nhãn thức đối với sắc hoặc tưởng, cùng tưởng, tưởng tăng thượng, tưởng phân biệt. Đó gọi là tưởng do nhãn xúc sinh.

Tưởng do nhĩ, tỷ, thiệt, thân xúc sinh cũng như vậy.

Thế nào là tưởng do ý xúc sinh? Là ý duyên nơi pháp khởi ý thức, ba thứ ấy hòa hợp sinh ra xúc, xúc duyên nơi tưởng. Ý là yếu tố tăng thượng duyên nơi pháp để có ý xúc, nhân nơi ý xúc, tích tập ý xúc, sinh ý xúc, có ý xúc, ý tư duy tương ưng. Ý thức đối với pháp hoặc tưởng, cùng tưởng, tưởng tăng thượng, tưởng phân biệt. Đó gọi là tưởng do ý xúc sinh.

*

Thế nào là tư do nhãn xúc sinh? Là mắt duyên nơi sắc khởi nhãn thức, ba thứ ấy hòa hợp sinh ra xúc, xúc duyên nơi tư. Mắt là yếu tố tăng thượng duyên nơi sắc để có nhãn xúc, nhân nơi nhãn xúc, tích tập nhãn xúc, sinh nhãn xúc, có nhãn xúc, ý tư duy tương ưng. Nhãn thức đối với sắc hoặc tư duy, cùng tư duy, tư duy tăng thượng, tư duy chuyển tâm hành nơi nghiệp. Đó gọi là tư do nhãn xúc sinh.

Tư do nhĩ, tỷ, thiệt, thân xúc sinh cũng như vậy.

Thế nào là tư do ý xúc sinh? Là ý duyên nơi pháp khởi ý thức, ba thứ ấy hòa hợp sinh ra xúc, xúc duyên nơi tư. Ý là yếu tố tăng thượng duyên nơi pháp để có ý xúc, nhân nơi ý xúc, tích tập ý xúc, sinh ý xúc, có ý xúc, ý tư duy tương ưng. Ý thức đối với pháp hoặc tư duy, cùng tư duy, tư duy tăng thượng, tư duy chuyển tâm hành nơi nghiệp. Đó gọi là tư do ý xúc sinh.

*

Thế nào là ái do nhãn xúc sinh? Là mắt duyên nơi sắc khởi nhãn thức, ba thứ ấy hòa hợp sinh ra xúc, xúc duyên nơi ái. Mắt là yếu tố tăng thượng duyên nơi sắc. Nhãn thức đối với sắc hoặc tham, tích tụ tham, thành nơi chốn tham, chấp chặt, yêu thích. Đó gọi là ái do nhãn xúc sinh.

Ái do nhĩ, tỷ, thiệt, thân xúc sinh cũng như vậy.

Thế nào là ái do ý xúc sinh? Là ý duyên nơi pháp khởi ý thức, ba thứ ấy hòa hợp sinh ra xúc, xúc duyên nơi thọ, thọ duyên nơi ái.

Ý là yếu tố tăng thượng duyên nơi pháp. Ý thức đối với pháp hoặc tham, tích tụ tham, thành nơi chốn tham, chấp chặt, yêu thích. Đó gọi là ái do ý xúc sinh.

**

* Hỏi: Nhãn giới gồm thâu bao nhiêu giới, bao nhiêu nhập, bao nhiêu ấm?

Nhãn giới thâu tóm pháp, gồm thâu bao nhiêu giới, bao nhiêu nhập, bao nhiêu ấm?

Nhãn giới không thâu tóm pháp, gồm thâu bao nhiêu giới, bao nhiêu nhập, bao nhiêu ấm?

Nhãn giới thâu tóm, không thâu tóm pháp, gồm thâu bao nhiêu giới, bao nhiêu nhập, bao nhiêu ấm?

Trừ nhãn giới thâu tóm pháp, pháp còn lại gồm thâu bao nhiêu giới, bao nhiêu nhập, bao nhiêu ấm?

Trừ nhãn giới không thâu tóm pháp, pháp còn lại gồm thâu bao nhiêu giới, bao nhiêu nhập, bao nhiêu ấm?

Trừ nhãn giới thâu tóm, không thâu tóm pháp, pháp còn lại gồm thâu bao nhiêu giới, bao nhiêu nhập, bao nhiêu ấm?

Như nhãn giới, cho đến ái do ý xúc sinh cũng như vậy.

Đáp: Nhãn giới gồm thâu một giới, một nhập, một ấm; không gồm thâu mười bảy giới, mười một nhập, năm ấm.

Như nhãn giới, nhãn giới thâu tóm pháp cũng như vậy.

Nhãn giới không thâu tóm pháp gồm thâu mười bảy giới, mười một nhập, năm ấm; không gồm thâu một giới, một nhập, một ấm.

Nhãn giới thâu tóm, không thâu tóm pháp gồm thâu mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm.

Trừ nhãn giới thâu tóm pháp, pháp còn lại gồm thâu mười bảy giới, mười một nhập, năm ấm; không gồm thâu một giới, một nhập, một ấm.

Trừ nhãn giới không thâu tóm pháp, pháp còn lại gồm thâu một giới, một nhập, một ấm; không gồm thâu mười bảy giới, mười một nhập, năm ấm.

Trừ nhãn giới thâu tóm pháp, pháp còn lại như nhãn giới, không gồm thâu.

Trừ nhãn giới không thâu tóm pháp, pháp còn lại như nhãn giới.

Trừ nhãn giới thâu tóm, không thâu tóm pháp, nếu hỏi pháp khác như hư không, không sự việc, không bàn luận.

Như nhãn giới, chín sắc giới, mười sắc nhập cũng như vậy.

Nhãn thức giới gồm thâu một giới, một nhập, một ấm; không gồm thâu mười bảy giới, mười hai nhập, năm ấm.

Như nhãn thức giới, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới, sáu thức thân cũng như vậy.

Ý giới gồm thâu bảy giới, một nhập, một ấm; không gồm thâu mười một giới, mười một nhập, bốn ấm.

Như ý giới, ý nhập, thức ấm, thức pháp cũng như vậy.

Pháp giới gồm thâu một giới, một nhập, bốn ấm; không gồm thâu mười bảy giới, mười một nhập, hai ấm.

Như pháp giới, pháp nhập cũng như vậy.

Sắc ấm gồm thâu mười một giới, mười một nhập, một ấm; không gồm thâu tám giới, hai nhập, bốn ấm.

Thọ ấm gồm thâu một giới, một nhập, một ấm; không gồm thâu mười tám giới, mười hai nhập, bốn ấm.

Như thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thọ đại địa, tưởng đại địa cũng như vậy.

Sắc thạnh ấm gồm thâu mười một giới, mười một nhập, một ấm; không gồm thâu tám giới, hai nhập, năm ấm

Thọ thạnh ấm gồm thâu một giới, một nhập, một ấm; không gồm thâu mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm.

Như thọ thạnh ấm, tưởng thạnh ấm, hành thạnh ấm, năm sắc giới, tám pháp đại địa, mười pháp phiền não đại địa, mười pháp tiểu phiền não đại địa, năm phiền não, năm xúc, năm kiến, năm căn, bốn pháp, năm, sáu cũng như vậy.

Thức thạnh ấm gồm thâu bảy giới, một nhập, một ấm; không gồm thâu mười ba giới, mười hai nhập, năm ấm.

Như thức thạnh ấm, thức giới cũng như vậy.

Nhãn thức giới tương ưng với một giới, một nhập, ba ấm; không tương ưng với mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm.

Như nhãn thức giới, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới, thức thạnh ấm, thức giới, sáu thức thân cũng như vậy.

Ý giới tương ưng với một giới, một nhập, ba ấm; không tương ưng với mười tám giới, mười hai nhập, ba ấm.

Như ý giới, ý nhập, thức ấm, thức pháp cũng như vậy.

Pháp giới tương ưng với tám giới, hai nhập, bốn ấm; không tương ưng với mười một giới, mười một nhập, hai ấm.

Như pháp giới, pháp nhập, hành ấm, tám pháp đại địa cũng như vậy.

Thọ ấm tương ưng với tám giới, hai nhập, ba ấm; không tương ưng với mười một giới, mười một nhập, ba ấm.

Như thọ ấm, tưởng ấm, thọ đại địa, tưởng đại địa cũng như vậy.

Thọ thạnh ấm tương ưng với tám giới, hai nhập, ba ấm; không tương ưng với mười ba giới, mười hai nhập, năm ấm.

Như thọ thạnh ấm, tưởng thạnh ấm cũng như vậy.

Hành thạnh ấm tương ưng với tám giới, hai nhập, bốn ấm; không tương ưng với mười ba giới, mười hai nhập, năm ấm.

Như hành thạnh ấm, pháp giác, quán cũng như vậy.

Bất tín tương ưng với tám giới, hai nhập, bốn ấm; không tương ưng với mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm.

Như bất tín, các pháp phiền não đại địa khác cũng như vậy.

Dục tham, sân giận, vô minh xúc, phi minh phi vô minh xúc, vô tàm, vô quý cũng như vậy.

Phẫn tương ưng với ba giới, hai nhập, bốn ấm; không tương ưng với mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm.

Như phẫn, các pháp tiểu phiền não đại địa còn lại, vô sắc giới tham, nghi, minh xúc, năm kiến, sáu thọ thân cũng như vậy.

Sắc tham tương ưng với sáu giới, hai nhập, bốn ấm; không tương ưng với mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm.

Đối xúc tương ưng với bảy giới, hai nhập, bốn ấm; không tương ưng với mười ba giới, mười hai nhập, năm ấm.

Tăng thượng ngữ xúc tương ưng với ba giới, hai nhập, bốn ấm; không tương ưng với mười bảy giới, mười hai nhập, năm ấm.

Như tăng thượng ngữ xúc, sáu xúc thân, sáu tư thân cũng như vậy.

Lạc căn tương ưng với tám giới, hai nhập, ba ấm; không tương ưng với mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm.

Như lạc căn, xả căn cũng như vậy.

Khổ căn tương ưng với bảy giới, hai nhập, ba ấm; không tương ưng với mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm.

Hỷ căn tương ưng ba giới, hai nhập, ba ấm; không tương ưng với mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm.

Như hỷ căn, ưu căn cũng như vậy.

Thọ do nhãn xúc sinh ra tương ưng với ba giới, hai nhập, ba ấm; không tương ưng với mười bảy giới, mười hai nhập, năm ấm.

Như thọ do nhãn xúc sinh ra, thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc sinh ra, sáu tưởng thân cũng như vậy.

HẾT – QUYỂN 2