LUẬN CHÚNG SỰ PHẦN A TỲ ĐÀM
Tác giả: Tôn giả Thế Hữu
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Đại sư Cầu Na Bạt Đà La và Bồ Đề Da Xá
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: NĂM PHÁP

* Hỏi: Những gì là Năm pháp?

Đáp: 1. Sắc. 2. Tâm. 3. Tâm pháp. 4. Tâm bất tương hành. 5. Vô vi.1

1. Thế nào là Sắc?

Đáp: Là bốn đại và sắc do bốn đại tạo ra.

Thế nào là bốn đại? Là địa, thủy, hỏa, phong giới.

Thế nào là sắc được tạo ra? Là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, sắc nhập, thanh nhập, hương nhập, vị nhập, phần ít của xúc nhập và sắc vô tác. Đó gọi là Sắc pháp.

2. Thế nào là Tâm?

Đáp: Là ý và sáu thức.

Thế nào là sáu thức? Là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Đó gọi là Pháp của tâm.

3. Thế nào là Tâm pháp?

Đáp: Là tâm tương ưng như pháp, tức là những thọ, tưởng, tư, xúc, ức, dục, giải thoát, niệm, định, tuệ, tín, tinh tấn, giác, quán, phóng dật, không phóng dật, căn thiện, căn bất thiện, căn vô ký, hết thảy kiết, phược, sử, phiền não, thượng phiền não, triền, hoặc trí, hoặc kiến, hoặc vô gián. Những thứ ấy và các tâm khác tương ưng cùng khởi, đó gọi là Pháp của tâm pháp (Tâm sở).

4. Thế nào là Tâm bất tương ưng hành?

Đáp: Là pháp không cùng tâm tương ưng, tức là những đắc, định vô tưởng, định diệt tận, Vô tưởng thiên, mạng căn, chủng loại, xứ đắc, sự đắc, nhập đắc, sinh, lão, trụ, vô thường, danh thân, cú thân, vị thân. Những thứ ấy và những loại khác không cùng tâm tương ưng, cùng khởi, đó gọi là Pháp tâm bất tương ưng hành.

5. Thế nào là Vô vi?

Đáp: Là gồm ba thứ vô vi: Hư không, số diệt, phi số diệt. Đó gọi là Pháp vô vi.

**

* Thế nào là Địa giới? Là cứng chắc.

Thế nào là Thủy giới? Là thấm ướt.

Thế nào là Hỏa giới? Là ấm nóng.

Thế nào là Phong giới? Là thổi động.

Thế nào là Nhãn căn? Là sắc tịnh làm chỗ dựa cho nhãn thức.

Thế nào là Nhĩ căn? Là sắc tịnh làm chỗ dựa cho nhĩ thức.

Thế nào là Tỷ căn? Là sắc tịnh làm chỗ dựa cho tỷ thức.

Thế nào là Thiệt căn? Là sắc tịnh làm chỗ dựa cho thiệt thức.

Thế nào là Thân căn? Là sắc tịnh làm chỗ dựa cho thân thức.

Thế nào là Sắc? Nghĩa là sắc, hoặc xấu, hoặc tốt, hoặc trung gian, do hai thức kia nhận biết, trước là nhãn thức, sau là ý thức. Đó gọi là Sắc.

Thế nào là Thanh? Thanh có hai thứ: Là thanh khởi lên nhân nhận nơi bốn đại, và thanh khởi lên không nhân nhận nơi bốn đại, do hai thức kia nhận biết, trước là nhĩ thức, sau là ý thức. Đó gọi là Thanh.

Thế nào là Hương? Nghĩa là hương, hoặc thơm, hoặc thối, hoặc ở giữa, do hai thức kia nhận biết, trước là tỷ thức, sau là ý thức. Đó gọi là Hương.

Thế nào là Vị? Nghĩa là vị, hoặc đáng vui thích, hoặc không vui thích, hoặc ở giữa, do hai thức kia nhận biết, trước là thiệt thức, sau là ý thức. Đó gọi là Vị.

Thế nào là Phần ít của xúc nhập? Là các xúc nhám, trơn, nhẹ, nặng, lạnh, nóng, đói khát, do hai thức kia nhận biết, trước là thân thức, sau là ý thức. Đó gọi là Phần ít của xúc nhập.

Thế nào là Sắc vô tác (Sắc vô biểu)? Là sắc thuộc về pháp nhập, chỉ có một thức nhận biết là ý thức. Đó gọi là Sắc vô tác.

*

Thế nào là Nhãn thức? Là dựa vào nhãn căn để hoạt động đối với sắc.

Thế nào là Nhĩ thức? Là dựa vào nhĩ căn để hoạt động đối với tiếng.

Thế nào là Tỷ thức? Là dựa vào tỷ căn để hoạt động đối với hương.

Thế nào là Thiệt thức? Là dựa vào thiệt căn để hoạt động đối với vị.

Thế nào là Thân thức? Là dựa vào thân căn để hoạt động đối với xúc.

Thế nào là Ý thức? Là dựa vào ý căn để hoạt động đối với pháp.

*

Thế nào là Thọ? Thọ có ba thứ: Đó là khổ thọ, lạc thọ và bất khổ bất lạc thọ (Thọ nhận không khổ không vui).

Thế nào là Tưởng? Tưởng có ba thứ: Đó là tưởng ít, tưởng nhiều, tưởng vô lượng.

Thế nào là Tư? Là tâm sở tạo tác có ba thứ nghiệp sinh là nghiệp thiện, nghiệp bất thiện, nghiệp vô ký.

Thế nào là Xúc? Là ba sự hòa hợp sinh ba thứ xúc: Xúc khổ, xúc vui, xúc không khổ không vui.

Thế nào là Ức (Tác ý)? Là tâm phát tỏ ngộ, có ba thứ: học, vô học, phi học phi vô học.

Thế nào là Dục? Là tâm muốn hành tác.

Thế nào là Giải thoát (Thắng giải)? Là tâm đã lãnh hội, hiện đang lãnh hội, sẽ lãnh hội.

Thế nào là Niệm? Là tâm không quên.

Thế nào là Định? Là nhất tâm.

Thế nào là Tuệ? Là quyết đoán đối với mọi pháp.

Thế nào là Tín? Là tâm tịnh.

Thế nào là Tinh tấn? Là tâm có thể tạo được sự dũng mãnh.

Thế nào là Giác (Tầm)? Là tâm thô.

Thế nào là Quán (Tứ)? Là tâm vi tế.

Thế nào là Phóng dật? Là không tu pháp thiện.

Thế nào là Không phóng dật? Là tu pháp thiện.

Thế nào là Căn thiện? Là có ba căn thiện: căn thiện không tham, căn thiện không sân, căn thiện không si.

Thế nào là Căn bất thiện? Là có ba căn bất thiện: căn bất thiện tham, căn bất thiện sân, căn bất thiện si.

Thế nào là Căn vô ký? Là có bốn căn vô ký: Đó là ái vô ký, kiến vô ký, mạn vô ký, vô minh vô ký.

Thế nào là Kiết? Là có chín kiết: Đó là kiết ái, kiết sân, kiết mạn, kiết vô minh, kiết kiến, kiết tha thủ, kiết nghi, kiết tật (ganh ghét), kiết xan (bỏn sẻn).

Thế nào là kiết ái? Là tham nơi ba cõi.

Thế nào là kiết sân? Là đối với chúng sinh tạo sự trái nghịch.

Thế nào là kiết mạn? Là có bảy thứ mạn: Đó là Mạn, tăng mạn, mạn mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, bất như mạn, tà mạn.

Thế nào là mạn? Là đối với kẻ kém cho mình là hơn, đối với kẻ hơn cho mình là bằng, khởi tâm xem thường, tự cao, tự đề cao.

Thế nào là tăng mạn? Đối với chỗ ngang bằng thì cho mình là hơn, đối với chỗ hơn cho mình là bằng, khởi tâm khinh người, tự cao, tự đề cao.

Thế nào là mạn mạn? Là đối với kẻ hơn cho mình là cao hơn nữa, khởi tâm khinh thường, tự cao, tự đề cao.

Thế nào là ngã mạn? Là đối với năm thọ ấm chấp về ngã, từ đó khởi tâm khinh kẻ khác, tự cao, tự đề cao.

Thế nào là tăng thượng mạn? Là chưa được pháp thù thắng cho là mình đã được, chưa tới cho là đã tới, chưa tiếp xúc cho là đã tiếp xúc, chưa chứng cho là đã chứng, từ đó sinh tâm khinh thường, tự cao, tự đề cao.

Thế nào là bất như mạn? Là đối với bậc cao tột kia cho là nhỏ không bằng mình, từ đó khởi tâm xem thường, tự cao, tự đề cao.

Thế nào là tà mạn? Là không có đức cho là có đức, từ đó khởi tâm khinh chê, tự cao, tự đề cao.

Bảy thứ mạn như thế gọi là kiết mạn.

Thế nào là kiết vô minh? Là không hiểu biết về ba cõi.

Thế nào là kiết kiến? Là có ba thứ kiến chấp: Thân kiến, biên kiến và tà kiến.

Thế nào là thân kiến? Là đối với năm thọ ấm chấp có ngã, ngã sở, từ đó khởi dục, khởi nhận lấy, khởi chấp giữ.

Thế nào là biên kiến? Là nơi năm thọ ấm, hoặc chấp thường, hoặc chấp đoạn, từ đó khởi dục, nhận lấy và chấp giữ.

Thế nào là tà kiến? Là hủy báng nhân quả, từ đó khởi dục, nhận lấy, chấp giữ.

Ba thứ kiến chấp như thế gọi là kiết kiến.

Thế nào là kiết tha thủ? Là có hai kiến chấp: kiến thủ, giới thủ.

Thế nào là kiến thủ? Là đối với năm thọ ấm cho là thắng diệu bậc nhất, từ đó khởi dục, nhận lấy, chấp giữ.

Thế nào là giới thủ? Là nơi năm thọ ấm cho là thanh tịnh, giải thoát, xuất yếu, từ đó khởi dục, nhận lấy, chấp giữ.

Hai kiến như thế gọi là kiết tha thủ.

Thế nào là kiết nghi? Là mê lầm về chân lý (Đế).

Thế nào là kiết tật? Là tâm giận thêm rộng.

Thế nào là kiết xan? Là tâm tham lam chấp chặt.

Đó gọi là chín kiết.

Thế nào là Phược? Nghĩa là kiết tức là phược (trói buộc). Lại có ba thứ trói buộc (phược): trói buộc của tham dục, trói buộc của giận dữ, trói buộc của ngu si.

Thế nào là Sử (Tùy miên)? Nghĩa là có bảy sử: sử tham dục (sự sai khiến của tham dục), sử sân giận, sử hữu ái, sử mạn, sử vô minh, sử kiến, sử nghi.

Thế nào là sử tham dục? Là có năm thứ: Tham thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến khổ. Tham thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến tập, diệt, đạo và tu đạo. Năm thứ như thế gọi là sử tham dục.

Thế nào là sử sân giận? Là có năm thứ: Giận dữ thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến khổ. Giận dữ thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến tập, diệt, đạo và tu đạo. Năm thứ như thế gọi là sử sân giận.

Thế nào là sử hữu ái? Là có mười thứ: năm thứ thuộc cõi Sắc, năm thứ thuộc cõi Vô sắc. Năm thứ thuộc cõi Sắc gồm: Ái thuộc cõi Sắc được đoạn trừ do kiến khổ. Ái thuộc cõi Sắc được đoạn trừ do kiến tập, diệt, đạo và tu đạo. Như năm thứ thuộc cõi Sắc, năm thứ thuộc cõi Vô sắc cũng như vậy. Mười thứ như vậy gọi là sử hữu ái.

Thế nào là sử mạn? Là có mười lăm thứ: năm thứ thuộc cõi Dục, năm thứ thuộc cõi Sắc, năm thứ thuộc cõi Vô sắc. Năm thứ thuộc cõi Dục gồm: Mạn thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến khổ. Mạn thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến tập, diệt, đạo và tu đạo. Như năm thứ thuộc cõi Dục, năm thứ thuộc cõi Sắc, cõi Vô sắc cũng như vậy. Mười lăm thứ như vậy gọi là sử mạn.

Thế nào là sử vô minh? Là có mười lăm thứ: năm thứ thuộc cõi Dục, năm thứ thuộc cõi Sắc, năm thứ thuộc cõi Vô sắc. Năm thứ thuộc cõi Dục gồm: Vô minh thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến khổ. Vô minh thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến tập, diệt, đạo và tu đạo. Như năm thứ thuộc cõi Dục, năm thứ thuộc cõi Sắc, cõi Vô sắc cũng như vậy. Mười lăm thứ như vậy gọi là sử vô minh.

Thế nào là sử kiến? Là có ba mươi sáu thứ: mười hai thứ thuộc cõi Dục, mười hai thứ thuộc cõi Sắc, mười hai thứ thuộc cõi Vô sắc. Mười hai thứ thuộc cõi Dục gồm: Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới thủ thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến khổ. Tà kiến, kiến thủ thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến tập. Tà kiến, kiến thủ thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến diệt. Tà kiến, kiến thủ, giới thủ thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến đạo. Như mười hai thứ thuộc cõi Dục, mười hai thứ thuộc cõi Sắc, cõi Vô sắc cũng như vậy. Ba mươi sáu thứ như vậy gọi là sử kiến.

Thế nào là sử nghi? Là có mười hai thứ: bốn thứ thuộc cõi Dục, bốn thứ thuộc cõi Sắc, bốn thứ thuộc cõi Vô sắc. Bốn thứ thuộc cõi Dục gồm: Nghi thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến khổ. Nghi thuộc cõi Dục được đoạn trừ do kiến tập, diệt, đạo. Như bốn thứ thuộc cõi Dục, bốn thứ thuộc cõi Sắc, cõi Vô sắc cũng như vậy. Mười hai thứ như vậy gọi là sử nghi.

Thế nào là Phiền não thượng phiền não? Gọi là phiền não tức là thượng phiền não. Lại có thượng phiền não không phải là phiền não, tức là trừ phiền não, là các hành ấm nhiễm ô khác.

Thế nào là Triền? Là có tám triền: thùy miên, hôn trầm, trạo cử, hối, xan (keo kiệt), tật (ganh ghét), không hổ, không thẹn. (Mười triền thì thêm hai thứ nữa là phẫn, phú).

Thế nào là Trí? Là có mười trí: Pháp trí, tỷ trí (Loại trí), tri tha tâm trí, đẳng trí (Thế tục trí), khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sinh trí.

Thế nào là pháp trí? Là trí vô lậu nhận biết hành khổ nơi cõi Dục. Là trí vô lậu nhận biết hành nhân nơi cõi Dục. Là trí vô lậu nhận biết hành diệt nơi cõi Dục. Là trí vô lậu nhận biết về con đường đoạn trừ các hành nơi cõi Dục. Lại nữa, pháp trí cũng duyên nơi trí vô lậu thuộc địa của pháp trí.

Thế nào là tỷ trí? Là trí vô lậu nhận biết hành khổ thuộc cõi Sắc, Vô sắc. Là trí vô lậu nhận biết hành nhân thuộc cõi Sắc, Vô sắc. Là trí vô lậu nhận biết hành diệt thuộc cõi Sắc, Vô sắc. Là trí vô lậu nhận biết về con đường đoạn trừ các hành thuộc cõi Sắc, Vô sắc. Lại nữa, tỷ trí cũng duyên nơi trí vô lậu thuộc địa của tỷ trí.

Thế nào là tri tha tâm trí? Là như trí tu, quả tu đạt được không mất, tức có khả năng nhận biết được tâm, tâm pháp hiện tại của các chúng sinh khác nơi cõi Dục, cõi Sắc, cũng nhận biết về tâm, tâm pháp vô lậu.

Thế nào là đẳng trí? Là tuệ hữu lậu.

Thế nào là khổ trí? Là trí vô lậu tư duy về năm thọ ấm là vô thường, khổ, không, vô ngã.

Thế nào là tập trí? Là trí vô lậu tư duy về nhân hữu lậu, nhập nơi tập nên có duyên.

Thế nào là diệt trí? Là trí vô lậu tư duy về diệt, diệt dứt là xa lìa vi diệu.

Thế nào là đạo trí? Là trí vô lậu tư duy về đạo, đạo như dấu vết xe.

Thế nào là tận trí? Là ta đã biết khổ, ta đã đoạn tập, ta đã chứng diệt, ta đã tu đạo. Đối với các pháp ấy khởi lên tuệ trí, kiến, nhận biết sáng rõ không gián đoạn.

Thế nào là vô sinh trí? Là ta đã biết khổ, không còn biết nữa; ta đã đoạn tập, không còn đoạn nữa; ta đã chứng diệt, không còn chứng nữa; ta đã tu đạo, không còn tu nữa. Đối với các pháp ấy khởi tuệ trí, kiến, nhận biết sáng rõ không gián đoạn.

Lại nữa, dục lậu của ta đã dứt hết, gọi là tận trí; không còn sinh nữa, gọi là vô sinh trí. Hữu lậu, vô minh lậu trong ta đã dứt hết, gọi là tận trí; không còn sinh nữa, gọi là vô sinh trí.

Thế nào là Kiến? Trí tức là kiến, hoặc có kiến không phải là trí. Đó là tám nhẫn vô gián: 1. Khổ pháp nhẫn. 2. Khổ tỷ nhẫn. 3. Tập pháp nhẫn. 4. Tập tỷ nhẫn. 5. Diệt pháp nhẫn. 6. Diệt tỷ nhẫn. 6. Đạo pháp nhẫn. 7. Đạo tỷ nhẫn. Đấy gọi là kiến.

Thế nào là Vô gián? Hoặc trí hoặc kiến tức là Vô gián.

*

Thế nào là Đắc? Là đắc pháp.

Thế nào là Định vô tưởng? Là nơi cõi Biến tịnh thiên lìa dục, địa trên chưa lìa dục, tạo ra tưởng xuất yếu (xuất ly), trước tư duy về phương tiện, tâm và tâm pháp diệt. Đó gọi là Định vô tưởng.

Thế nào là Định diệt tận? Là nơi Vô sở hữu xứ lìa dục, địa trên chưa lìa dục, tạo ra tưởng ngừng dứt, là phương tiện trước hết, tâm, tâm pháp vắng lặng. Đó gọi là Định diệt tận.

Thế nào là Vô tưởng thiên? Là chúng sinh sinh lên cõi trời Vô tưởng, tâm, tâm pháp diệt. Đó gọi là Vô tưởng thiên (Cõi trời Vô tưởng).

Thế nào là Mạng căn? Là thọ mạng trong ba cõi.

Thế nào là Chủng loại? Là chủng loại của chúng sinh.

Thế nào là Xứ đắc? Là được phương, xứ.

Thế nào là Sự đắc? Là được ấm.

Thế nào là Nhập đắc? Là được các nhập (xứ) trong, ngoài.

Thế nào là Sinh? Là ấm chuyển đổi.

Thế nào là Lão? Là ấm thành thục.

Thế nào là Trụ? Là hành khởi, chưa hoại.

Thế nào là Vô thường? Là hành khởi đi vào hoại diệt.

Thế nào là Danh thân? Là Tăng ngữ.

Thế nào là Cú thân? Là đầy đủ văn tự.

Thế nào là Vị thân? Là tự thân (câu chữ được nối kết) nói là vị thân.

*

Thế nào là Hư không? Là rỗng lặng không bao giờ đầy, dung nạp các sắc tới lui không trở ngại.

Thế nào là Số diệt? Là diệt của số diệt, là giải thoát.

Thế nào là Phi số diệt? Là diệt của phi số diệt, là phi giải thoát.

***

Phẩm 2: PHÂN BIỆT VỀ TRÍ

Có mười trí: Đó là Pháp trí, Tỷ trí, Tri tha tâm trí, Đẳng trí, Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí, Tận trí, Vô sinh trí.

*

* Hỏi: Thế nào là pháp trí duyên?

Đáp: Là pháp trí duyên nơi hành thuộc cõi Dục cùng duyên vô lậu.

Hỏi: Thế nào là tỷ trí duyên?

Đáp: Là tỷ trí duyên nơi hành thuộc cõi Sắc, Vô sắc cùng duyên vô lậu.

Hỏi: Thế nào là tri tha tâm trí duyên?

Đáp: Là tri tha tâm trí duyên nơi tâm và tâm pháp hiện tại của người khác thuộc cõi Dục, cõi Sắc cùng duyên vô lậu.

Hỏi: Thế nào là đẳng trí duyên?

Đáp: Là đẳng trí duyên nơi hết thảy các pháp.

Hỏi: Thế nào là khổ trí duyên?

Đáp: Là khổ trí duyên nơi năm thọ ấm.

Hỏi: Thế nào là tập trí duyên?

Đáp: Là tập trí duyên nơi nhân hữu lậu.

Hỏi: Thế nào là diệt trí duyên?

Đáp: Là diệt trí duyên nơi số diệt.

Hỏi: Thế nào là đạo trí duyên?

Đáp: Là đạo trí duyên nơi pháp học và pháp vô học.

Hỏi: Thế nào là tận trí duyên?

Đáp: Là tận trí duyên nơi hết thảy pháp hữu vi và duyên nơi số diệt.

Hỏi: Thế nào là vô sinh trí duyên?

Đáp: Là vô sinh trí duyên nơi hết thảy pháp hữu vi và duyên nơi số diệt.

*

* Hỏi: Do đâu nói Pháp trí duyên nơi hành thuộc cõi Dục cùng duyên vô lậu?

Đáp: Nghĩa là pháp trí nhận biết hành khổ thuộc cõi Dục, nhận biết hành nhân, nhận biết hành diệt, nhận biết về con đường đoạn trừ các hành thuộc cõi Dục. Thế nên nói pháp trí duyên nơi hành thuộc cõi Dục cùng duyên vô lậu.

Hỏi: Do đâu nói tỷ trí duyên nơi hành thuộc cõi Sắc, Vô sắc cùng duyên vô lậu?

Đáp: Nghĩa là tỷ trí nhận biết hành khổ thuộc cõi Sắc, Vô sắc, nhận biết hành nhân, nhận biết hành diệt, nhận biết về con đường đoạn trừ các hành thuộc cõi Sắc, Vô sắc. Thế nên nói tỷ trí duyên nơi hành thuộc cõi Sắc, Vô sắc cùng duyên vô lậu.

Hỏi: Do đâu nói tri tha tâm trí duyên nơi tâm, tâm pháp hiện tại của kẻ khác thuộc cõi Dục, cõi Sắc cùng duyên vô lậu?

Đáp: Nghĩa là tri tha tâm trí nhận biết về tâm, tâm pháp hiện tại của kẻ khác thuộc cõi Dục, cõi Sắc cùng duyên vô lậu. Thế nên nói tri tha tâm trí duyên nơi tâm, tâm pháp hiện tại của kẻ khác thuộc cõi Dục, cõi Sắc cùng duyên vô lậu.

Hỏi: Do đâu nói đẳng trí duyên nơi hết thảy các pháp?

Đáp: Nghĩa là đẳng trí nhận biết hết thảy các pháp là khéo léo, không khéo léo, không phải khéo léo, không phải không khéo léo. Thế nên nói đẳng trí duyên nơi hết thảy các pháp.

Hỏi: Do đâu nói khổ trí duyên nơi năm thọ ấm?

Đáp: Nghĩa là khổ trí nhận biết năm thọ ấm là vô thường, khổ, không, vô ngã. Thế nên nói khổ trí duyên nơi năm thọ ấm.

Hỏi: Do đâu nói tập trí duyên nơi nhân hữu lậu?

Đáp: Nghĩa là tập trí nhận biết được nhân hữu lậu, nhân nơi tập nên có duyên. Thế nên nói tập trí duyên nơi nhân hữu lậu.

Hỏi: Do đâu nói diệt trí duyên nơi số diệt?

Đáp: Nghĩa là diệt trí nhận biết về sự diệt dứt của số diệt, là sự lìa xa vi diệu. Thế nên nói diệt trí duyên nơi số diệt.

Hỏi: Do đâu nói đạo trí duyên nơi pháp học và pháp vô học?

Đáp: Nghĩa là đạo trí nhận biết về đạo, biết đạo như dấu vết xe. Thế nên nói đạo trí duyên nơi pháp học và pháp vô học.

Hỏi: Do đâu nói tận trí duyên nơi hết thảy pháp hữu vi cùng số diệt?

Đáp: Nghĩa là tận trí đã nhận biết: Ta đã biết khổ, đã đoạn tập, đã chứng diệt, đã tu đạo. Thế nên nói tận trí duyên nơi hết thảy pháp hữu vi cùng số diệt.

Hỏi: Do đâu nói vô sinh trí duyên nơi hết thảy pháp hữu vi cùng số diệt?

Đáp: Nghĩa là vô sinh trí đã nhận biết: Ta đã biết khổ, không còn biết nữa. Ta đã đoạn tập, không còn đoạn nữa. Ta đã chứng diệt, không còn chứng nữa. Ta đã tu đạo, không còn tu nữa. Thế nên nói vô sinh trí duyên nơi hết thảy pháp hữu vi cùng số diệt.

*

* Hỏi: Pháp trí là bao nhiêu trí? Là phần ít của bao nhiêu trí?

Đáp: Pháp trí tức là pháp trí, là phần ít của bảy trí: tri tha tâm trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sinh trí.

Hỏi: Tỷ trí là bao nhiêu trí? Là phần ít của bao nhiêu trí?

Đáp: Tỷ trí tức là tỷ trí, là phần ít của bảy trí: tri tha tâm trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sinh trí.

Hỏi: Tri tha tâm trí là bao nhiêu trí? Là phần ít của bao nhiêu trí?

Đáp: Tri tha tâm trí tức là tri tha tâm trí, là phần ít của bốn trí: pháp trí, tỷ trí, đẳng trí, đạo trí.

Hỏi: Đẳng trí là bao nhiêu trí? Là phần ít của bao nhiêu trí?

Đáp: Đẳng trí tức là đẳng trí, là phần ít của một trí: tri tha tâm trí.

Hỏi: Khổ trí là bao nhiêu trí? Là phần ít của bao nhiêu trí?

Đáp: Khổ trí tức là khổ trí, là phần ít của bốn trí: pháp trí, tỷ trí, tận trí, vô sinh trí.

Như khổ trí, các thứ tập trí, diệt trí cũng như vậy.

Hỏi: Đạo trí là bao nhiêu trí? Là phần ít của bao nhiêu trí?

Đáp: Đạo trí tức là đạo trí, là phần ít của năm trí: pháp trí, tỷ trí, tri tha tâm trí, tận trí, vô sinh trí.

Hỏi: Tận trí là bao nhiêu trí? Là phần ít của bao nhiêu trí?

Đáp: Tận trí tức là tận trí, là phần ít của sáu trí: pháp trí, tỷ trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí.

Như tận trí, vô sinh trí cũng như vậy.

*

* Hỏi: Thế nào là pháp trí tức là pháp trí?

Đáp: Nghĩa là pháp trí nhận biết hành khổ thuộc cõi Dục, nhận biết hành nhân thuộc cõi Dục, nhận biết hành diệt thuộc cõi Dục, nhận biết về con đường đoạn trừ các hành thuộc cõi Dục. Thế nên nói pháp trí tức là pháp trí.

Thế nào pháp trí là tri tha tâm trí? Là pháp trí nhận biết kẻ khác đã đạt được con đường diệt trừ các hành nơi cõi Dục, biết tâm, tâm pháp vô lậu. Thế nên nói pháp trí là tri tha tâm trí.

Thế nào pháp trí là khổ trí? Là pháp trí nhận biết năm thọ ấm nơi cõi Dục là vô thường, khổ, không, vô ngã. Thế nên nói pháp trí là khổ trí.

Thế nào pháp trí là tập trí? Là pháp trí nhận biết hành nhân nơi cõi Dục, nhân nơi tập nên có duyên. Thế nên nói pháp trí là tập trí.

Thế nào pháp trí là diệt trí? Là pháp trí nhận biết hành diệt nơi cõi Dục, là sự diệt dứt, xuất ly vi diệu. Thế nên nói pháp trí là diệt trí.

Thế nào pháp trí là đạo trí? Là pháp trí nhận biết về con đường đoạn trừ các hành nơi cõi Dục, biết đạo như dấu vết xe. Thế nên nói pháp trí là đạo trí.

Thế nào pháp trí là tận trí? Tức pháp trí nhận biết: Ta đã biết hành khổ thuộc cõi Dục. Ta đã đoạn hành tập thuộc cõi Dục. Ta đã chứng hành diệt thuộc cõi Dục. Ta đã tu theo con đường đoạn trừ các hành nơi cõi Dục. Thế nên nói pháp trí là tận trí.

Thế nào pháp trí là vô sinh trí? Tức pháp trí nhận biết: Trong cõi Dục nầy, ta đã biết hành khổ, nên không còn biết nữa. Trong cõi Dục nầy, ta đã đoạn trừ hành tập, nên không còn đoạn trừ nữa. Trong cõi Dục nầy, ta đã chứng hành diệt, nên không còn chứng nữa. Trong cõi Dục nầy, ta đã tu tập theo con đường đoạn trừ các hành, nên không còn tu tập nữa. Thế nên nói pháp trí là vô sinh trí.

Hỏi: Thế nào là tỷ trí tức là tỷ trí?

Đáp: Nghĩa là tỷ trí nhận biết hành khổ thuộc cõi Sắc, Vô sắc, nhận biết hành nhân thuộc cõi Sắc, Vô sắc, nhận biết hành diệt thuộc cõi Sắc, Vô sắc, nhận biết về con đường đoạn trừ các hành thuộc cõi Sắc, Vô sắc. Thế nên nói tỷ trí tức là tỷ trí.

Thế nào tỷ trí là tri tha tâm trí? Nghĩa là tỷ trí nhận biết kẻ khác đã đạt được con đường đoạn trừ các hành nơi cõi Sắc, Vô sắc, nhận biết về tâm, tâm pháp vô lậu trong cõi Sắc, Vô sắc. Thế nên nói tỷ trí là tri tha tâm trí.

Thế nào tỷ trí là khổ trí? Nghĩa là tỷ trí nhận biết năm thọ ấm trong cõi Sắc, Vô sắc là vô thường, khổ, không, vô ngã. Thế nên nói tỷ trí là khổ trí.

Thế nào tỷ trí là tập trí? Nghĩa là tỷ trí nhận biết về hành nhân trong cõi Sắc, Vô sắc, nhân nơi tập nên có duyên. Thế nên nói tỷ trí là tập trí.

Thế nào tỷ trí là diệt trí? Nghĩa là tỷ trí nhận biết về hành diệt trong cõi Sắc, Vô sắc, là vắng bặt dừng dứt, xuất ly vi diệu. Thế nên nói tỷ trí là diệt trí.

Thế nào tỷ trí là đạo trí? Nghĩa là tỷ trí nhận biết về con đường đoạn trừ các hành trong cõi Sắc, Vô sắc, thấy con đường như dấu vết xe. Thế nên nói tỷ trí là đạo trí.

Thế nào tỷ trí là tận trí? Nghĩa là tỷ trí nhận biết: Trong cõi Sắc, Vô sắc, ta đã biết hành khổ. Trong cõi Sắc, Vô sắc, ta đã đoạn hành nhân. Trong cõi Sắc, Vô sắc, ta đã chứng hành diệt. Trong cõi Sắc, Vô sắc, ta đã tu theo con đường đoạn trừ các hành. Thế nên nói tỷ trí là tận trí.

Thế nào tỷ trí là vô sinh trí? Nghĩa là tỷ trí nhận biết: Trong cõi Sắc, Vô sắc, ta đã biết hành khổ, nên không còn biết nữa. Trong cõi Sắc, Vô sắc, ta đã đoạn hành nhân, nên không còn đoạn nữa. Trong cõi Sắc, Vô sắc, ta đã chứng hành diệt, nên không còn chứng nữa. Trong cõi Sắc, Vô sắc, ta đã tu theo con đường đoạn trừ các hành, không còn tu nữa. Thế nên nói tỷ trí là vô sinh trí.

Hỏi: Thế nào là tri tha tâm trí tức là tri tha tâm trí?

Đáp: Nghĩa là tri tha tâm trí nhận biết về tâm, tâm pháp hiện tại của kẻ khác nơi cõi Dục, cõi Sắc và nhận biết về tâm, tâm pháp vô lậu. Thế nên nói tri tha tâm trí tức là tri tha tâm trí.

Thế nào tri tha tâm trí là pháp trí? Nghĩa là tri tha tâm trí nhận biết kẻ khác đã đạt được con đường đoạn trừ các hành nơi cõi Dục cùng tâm, tâm pháp vô lậu. Thế nên nói tri tha tâm trí là pháp trí.

Thế nào tri tha tâm trí là tỷ trí? Nghĩa là tri tha tâm trí nhận biết kẻ khác đã đạt được con đường đoạn trừ các hành nơi cõi Sắc, Vô sắc cùng tâm, tâm pháp vô lậu. Thế nên nói tri tha tâm trí là tỷ trí.

Thế nào tri tha tâm trí là đẳng trí? Nghĩa là tri tha tâm trí nhận biết về tâm, tâm pháp hữu lậu của kẻ khác. Thế nên nói tri tha tâm trí là đẳng trí.

Thế nào tri tha tâm trí là đạo trí? Nghĩa là tri tha tâm trí nhận biết về tâm, tâm pháp vô lậu của kẻ khác. Thế nên nói tri tha tâm trí là đạo trí.

Hỏi: Thế nào là đẳng trí tức là đẳng trí?

Đáp: Nghĩa là đẳng trí nhận biết về tính chất xảo tiện, không xảo tiện, không phải xảo tiện, không phải không xảo tiện của tất cả các pháp. Thế nên nói đẳng trí tức là đẳng trí.

Thế nào đẳng trí là tri tha tâm trí? Nghĩa là đẳng trí nhận biết về tâm, tâm pháp hữu lậu của kẻ khác. Thế nên nói đẳng trí là tri tha tâm trí.

Hỏi: Thế nào là khổ trí tức là khổ trí?

Đáp: Nghĩa là khổ trí nhận biết năm thọ ấm là vô thường, khổ, không, vô ngã. Thế nên nói khổ trí tức là khổ trí.

Thế nào khổ trí là pháp trí? Nghĩa là khổ trí nhận biết năm thọ ấm thuộc cõi Dục là vô thường, khổ, không, vô ngã. Thế nên nói khổ trí là pháp trí.

Thế nào khổ trí là tỷ trí? Nghĩa là khổ trí nhận biết năm thọ ấm thuộc cõi Sắc, Vô sắc là vô thường, khổ, không, vô ngã. Thế nên nói khổ trí là tỷ trí.

Thế nào khổ trí là tận trí? Nghĩa là khổ trí nhận biết: Ta đã biết khổ v.v… Thế nên nói khổ trí là tận trí.

Thế nào khổ trí là vô sinh trí? Nghĩa là khổ trí nhận biết: Ta đã biết khổ, nên không còn biết nữa v.v… Thế nên nói khổ trí là vô sinh trí.

Hỏi: Thế nào là tập trí tức là tập trí?

Đáp: Nghĩa là tập trí nhận biết về nhân hữu lậu, nhân nơi tập nên có duyên. Thế nên nói tập trí tức là tập trí.

Thế nào tập trí là pháp trí? Nghĩa là tập trí nhận biết về hành nhân nơi cõi Dục, nhân nơi tập nên có duyên. Thế nên nói tập trí là pháp trí.

Thế nào tập trí là tỷ trí? Nghĩa là tập trí nhận biết về hành nhân nơi cõi Sắc, Vô sắc, nhân nơi tập nên có duyên. Thế nên nói tập trí là tỷ trí.

Thế nào tập trí là tận trí? Nghĩa là tập trí nhận biết: Ta đã đoạn tập v.v… Thế nên nói tập trí là tận trí.

Thế nào tập trí là vô sinh trí? Nghĩa là tập trí nhận biết: Ta đã đoạn tập, nên không còn đoạn nữa v.v… Thế nên nói tập trí là vô sinh trí.

Hỏi: Thế nào là diệt trí tức là diệt trí?

Đáp: Nghĩa là diệt trí nhận biết về diệt là sự dừng dứt, vắng lặng, sự xuất ly vi diệu. Thế nên nói diệt trí tức là diệt trí.

Thế nào diệt trí là pháp trí? Nghĩa là diệt trí nhận biết về hành diệt nơi cõi Dục là sự dừng dứt, xuất ly vi diệu. Thế nên nói diệt trí là pháp trí.

Thế nào diệt trí là tỷ trí? Nghĩa là diệt trí nhận biết về hành diệt nơi cõi Sắc, Vô sắc là sự dừng dứt, là sự xuất ly vi diệu. Thế nên nói diệt trí là tỷ trí

Thế nào diệt trí là tận trí? Nghĩa là diệt trí nhận biết: Ta đã chứng diệt v.v… Thế nên nói diệt trí là tận trí.

Thế nào diệt trí là vô sinh trí? Nghĩa là diệt trí nhận biết: Ta đã chứng diệt, nên không còn chứng nữa v.v… Thế nên nói diệt trí là vô sinh trí.

Hỏi: Thế nào là đạo trí tức là đạo trí?

Đáp: Nghĩa là đạo trí nhận biết về đạo, biết đạo như dấu vết xe. Thế nên nói đạo trí tức là đạo trí.

Thế nào đạo trí là pháp trí? Nghĩa là đạo trí nhận biết về con đường đoạn trừ các hành trong cõi Dục, biết đạo như dấu vết xe. Thế nên nói đạo trí là pháp trí.

Thế nào đạo trí là tỷ trí? Nghĩa là đạo trí nhận biết về con đường đoạn trừ các hành trong cõi Sắc, Vô sắc, biết đạo như dấu vết xe. Thế nên nói đạo trí là tỷ trí.

Thế nào đạo trí là tri tha tâm trí? Nghĩa là đạo trí nhận biết về tâm, tâm pháp vô lậu của kẻ khác. Thế nên nói đạo trí là tri tha tâm trí.

Thế nào đạo trí là tận trí? Nghĩa là đạo trí nhận biết: Ta đã tu đạo v.v… Thế nên nói đạo trí là tận trí.

Thế nào đạo trí là vô sinh trí? Nghĩa là đạo trí nhận biết: Ta đã tu đạo, nên không còn tu nữa v.v… Thế nên nói đạo trí là vô sinh trí.

Hỏi: Thế nào là tận trí tức là tận trí?

Đáp: Nghĩa là tận trí nhận biết: Ta đã biết khổ, ta đã đoạn tập, ta đã chứng diệt, ta đã tu đạo. Thế nên nói tận trí tức là tận trí.

Thế nào tận trí là pháp trí? Nghĩa là tận trí nhận biết: Ta đã nhận biết hành khổ thuộc cõi Dục, ta đã đoạn hành tập thuộc cõi Dục, ta đã chứng hành diệt thuộc cõi Dục, ta đã tu đạo đoạn trừ hành thuộc cõi Dục. Thế nên nói tận trí là pháp trí.

Thế nào tận trí là tỷ trí? Nghĩa là tận trí nhận biết: Ta đã biết hành khổ thuộc cõi Sắc, Vô sắc. Ta đã đoạn hành tập thuộc cõi Sắc, Vô sắc. Ta đã chứng hành diệt thuộc cõi Sắc, Vô sắc. Ta đã tu đạo đoạn trừ hành thuộc cõi Sắc, Vô sắc. Thế nên nói tận trí là tỷ trí.

Thế nào tận trí là khổ trí? Nghĩa là tận trí nhận biết: Ta đã biết khổ. Thế nên nói tận trí là khổ trí.

Thế nào tận trí là tập trí? Nghĩa là tận trí nhận biết: Ta đã đoạn tập. Thế nên nói tận trí là tập trí.

Thế nào tận trí là diệt trí? Nghĩa là tận trí nhận biết: Ta đã chứng diệt. Thế nên nói tận trí là diệt trí.

Thế nào tận trí là đạo trí? Nghĩa là tận trí nhận biết: Ta đã tu đạo. Thế nên nói tận trí là đạo trí.

Hỏi: Thế nào vô sinh trí tức là vô sinh trí?

Đáp: Nghĩa là vô sinh trí nhận biết: Ta đã biết khổ, nên không còn biết nữa. Ta đã đoạn tập, nên không còn đoạn nữa. Ta đã chứng diệt, nên không còn chứng nữa. Ta đã tu đạo, nên không còn tu nữa. Thế nên nói vô sinh trí tức là vô sinh trí.

Thế nào vô sinh trí là pháp trí? Nghĩa là vô sinh trí nhận biết: Trong cõi Dục, ta đã biết hành khổ, nên không còn biết nữa. Trong cõi Dục, ta đã đoạn hành tập, nên không còn đoạn nữa. Trong cõi Dục, ta đã chứng hành diệt, nên không còn chứng nữa. Trong cõi Dục, ta đã tu đạo đoạn trừ hành, nên không còn tu nữa. Thế nên nói vô sinh trí là pháp trí.

Thế nào vô sinh trí là tỷ trí? Nghĩa là vô sinh trí nhận biết: Trong cõi Sắc, Vô sắc, ta đã biết hành khổ, nên không còn biết nữa.

Trong cõi Sắc, Vô sắc, ta đã đoạn hành tập, nên không còn đoạn nữa. Trong cõi Sắc, Vô sắc, ta đã chứng hành diệt, nên không còn chứng nữa. Trong cõi Sắc, Vô sắc, ta đã tu đạo đoạn trừ hành, nên không còn tu nữa. Thế nên nói vô sinh trí là tỷ trí.

Thế nào vô sinh trí là khổ trí? Nghĩa là vô sinh trí nhận biết: Ta đã biết khổ, nên không còn biết nữa. Thế nên nói vô sinh trí là khổ trí.

Thế nào vô sinh trí là tập trí? Nghĩa là vô sinh trí nhận biết: Ta đã đoạn tập, nên không còn đoạn nữa. Thế nên nói vô sinh trí là tập trí.

Thế nào vô sinh trí là diệt trí? Nghĩa là vô sinh trí nhận biết: Ta đã chứng diệt, nên không còn chứng nữa. Thế nên nói vô sinh trí là diệt trí.

Thế nào vô sinh trí là đạo trí? Nghĩa là vô sinh trí nhận biết: Ta đã tu đạo, nên không còn tu nữa. Thế nên nói vô sinh trí là đạo trí.

*

* Hỏi: Mười trí nầy: Bao nhiêu thứ là hữu lậu, bao nhiêu thứ là vô lậu?

Đáp: Một trí hữu lậu, tám trí vô lậu, một trí cần phân biệt: Là tri tha tâm trí, hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu.

Thế nào là hữu lậu? Là tri tha tâm trí nhận biết về tâm, tâm pháp hữu lậu của kẻ khác.

Thế nào là vô lậu? Là tri tha tha tâm trí nhận biết về tâm, tâm pháp vô lậu của kẻ khác.

Hỏi: Mười trí nầy: Bao nhiêu thứ duyên hữu lậu, bao nhiêu thứ duyên vô lậu?

Đáp: Hai trí duyên hữu lậu là khổ trí, tập trí. Hai trí duyên vô lậu là diệt trí, đạo trí. Sáu trí cần phân biệt:

Pháp trí hoặc duyên hữu lậu, hoặc duyên vô lậu. Thế nào là duyên hữu lậu? Là pháp trí duyên nơi khổ, duyên nơi tập. Thế nào là duyên vô lậu? Là pháp trí duyên nơi diệt, duyên nơi đạo.

Như pháp trí, tỷ trí, tận trí, vô sinh trí cũng như vậy.

Tri tha tâm trí hoặc duyên hữu lậu, hoặc duyên vô lậu. Thế nào là duyên hữu lậu? Là tri tha tâm trí nhận biết về tâm, tâm pháp hữu lậu của kẻ khác. Thế nào là duyên vô lậu? Là tri tha tâm trí nhận biết về tâm, tâm pháp vô lậu của kẻ khác.

Đẳng trí hoặc duyên hữu lậu, hoặc duyên vô lậu. Thế nào là duyên hữu lậu? Là đẳng trí duyên nơi khổ, duyên nơi tập. Thế nào là duyên vô lậu? Là đẳng trí duyên nơi diệt, duyên nơi đạo, cùng duyên nơi hư không, phi số diệt.

*

* Hỏi: Mười trí nầy: Bao nhiêu thứ là hữu vi, bao nhiêu thứ là vô vi?

Đáp: Hết thảy là hữu vi.

Hỏi: Mười trí nầy: Bao nhiêu thứ duyên hữu vi, bao nhiêu thứ duyên vô vi?

Đáp: Bốn trí duyên hữu vi là tri tha tâm trí, khổ trí, tập trí, đạo trí. Một trí duyên vô vi là diệt trí. Năm trí cần phân biệt:

Pháp trí hoặc duyên hữu vi, hoặc duyên vô vi. Thế nào là duyên hữu vi? Là pháp trí duyên nơi khổ, duyên nơi tập, duyên nơi đạo. Thế nào là duyên vô vi? Là pháp trí duyên nơi diệt.

Như pháp trí, tỷ trí, tận trí, vô sinh trí cũng như vậy.

Đẳng trí hoặc duyên hữu vi, hoặc duyên vô vi. Thế nào là duyên hữu vi? Là đẳng trí duyên nơi khổ, duyên nơi tập, duyên nơi đạo. Thế nào là duyên vô vi? Là đẳng trí duyên nơi diệt và hư không.

HẾT – QUYỂN 1