SỐ 160
LUẬN BỒ-TÁT BẢN SANH MAN
Tác giả: Bồ-tát Thánh Dũng
Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Thiệu Đức, Huệ Tuân
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN I

Đảnh lễ Nhất Thiết Trí
Đức viên dung lặng diệu
Tướng mạo Thánh chi phần
Vô tác đồng chân như.
Tâm con tĩnh không tranh
Quên xưng tán bố thí
Do bốn đại là gốc
Sinh thanh tịnh không đổi.
Thuở xưa trong cõi người
Thường tu hạnh tịch tĩnh
Đem hoa Câu-tô-ma
Chắp tay mà rải cúng.
Xa lìa các tội ác
Giải thoát các phiền não
Được trời, người yêu thích
Giảng nói đạo Vô thượng.
Vì tâm ý vắng lặng
Đạt được pháp thanh tịnh
Tướng thế giới thường trụ
Vô tận, không tạo tác.
Chúng sinh nơi thế gian
Nghe công đức tương ứng
Khởi quyết định tin hiểu
Trụ tạng mật Như Lai,
Dứt hành nghiệp lưu chuyển
Diệt điên đảo hư vọng
Công năng của Thắng trí
Như đèn luôn chiếu khắp.
Các loài hữu tình ấy
Tự tánh vốn không nhiễm
Nương tựa Phật Thế Tôn
Dốc tu nghiệp chân, tịnh,
Tức nghe tên Tam bảo
Cùng Sư trưởng chỉ dạy
Tùy thuận học hạnh thiện
Trừ sạch tâm ngã mạn.
Thuở trước, Bậc Điều Ngự
Siêng tu đạo Bồ-tát
Theo Bố thí, Ái ngữ
Cùng Đồng sự, Lợi hành,
Tóm giữ nơi Thắng tuệ
Thoát cấu nhiễm trói buộc
Tạo lợi lạc chúng sinh
Tăng trưởng các pháp lành.
Do lực thí viên mãn
Sinh chủng tộc Phạm thiên
Chỉ dốc tăng nghiệp tịnh
Mà lấy đó làm gốc.
Nếu dấy khởi ngã mạn
Cùng không lực Thắng tuệ
Ở trong chủng loại mình
Lại sinh điều kiêu mạn,
Nơi trăm ngàn vạn thứ
Lìa hỷ lạc nơi sinh
Do điên đảo chấp giữ
Nên chẳng thể chứng đắc.
Lại chốn tịch tĩnh kia
Phước đức càng thù thắng
Đủ sắc tướng rộng lớn
Nhân nhỏ đâu đạt được,
Chính bỏ tục xuât gia
Bậc Đại Bồ-tát ấy
Đầy đủ trí tuệ lớn
Nên đảm đương gánh vác.
Ở nơi đời quá khứ
Luôn tu tập sáu độ
Đã đoạn trừ nhiễu, chướng
Lìa dứt khỏi luân hồi,
Tâm từ bi lớn rộng
Luôn thương xót muôn loài
Tự tánh thường chân thật
Thông thạo nhân nhiễm ô.
Bấy giờ trời Đê Thích
Quan sát nơi thế gian
Đến thử nghiệm hành tu
Tâm ấy không nghiêng, động.
Nên dứt lời ca ngợi:
Nay bậc Thiện nam này
Xuất hiện nơi thế gian
Là Đấng Tối Thù Thắng,
Nơi vô thường dời đổi
Tâm an trụ như thế
Đem thức ăn tịnh diệu
Cung kính dâng cúng dường.
Chư Thiên và người đời
Thảy đều được thiện lợi.
Nhớ xưa tu nhân tịnh
Hợp chân trí vô tướng
Hành giả tu như vậy
Trị diệt bệnh phiền não.
Trụ học xứ thanh tịnh
Chân thật không hư dối
Quan sát Thắng nghĩa đế
Lìa nhiễm, không tạo tác.
Mở cửa phương tiện Từ
Thí bình đẳng an lạc
Thắng giải được phát sinh
Không tà mạng mong cầu.
Dứt bỏ mọi hữu vi
Lên thẳng nơi cõi thật
Đạo thanh tịnh thành tựu
Mọi công đức tương ứng.
Nơi nhân duyên tạp nhiễm
Đều đoạn trừ rốt ráo
Luiôn tôn trọng, kính tin
Tạng bí mật Như Lai.
Lìa vọng chấp phân biệt
Dứt trừ sân, phiền não
Chớ thuận chủng tộc hơn
Mà sinh tâm tham đắm.
Như bóng luôn theo hình
Như mẹ sinh nơi con
Lực bi nguyện Bồ-tát
Thương xót khắp muôn loài
Dũng mãnh bỏ thân mình
Chẳng sinh tưởng sầu khổ.
Con nay đem chút thiện
Xin quy kính tán dương
Mong Thánh chúng gia hộ
Bồ-đề thảy thành tựu.

Duyên Khởi 1: GIEO MÌNH HIẾN THÂN CHO CỌP

Thuở ấy, Đức Thế Tôn cùng đại chúng đi đến tận khu rừng thuộc một làng lớn tên là Bát-già-la. Ngài bảo Tôn giả A-nan:

-Tôn giả sắp đặt cho Như Lai một tòa ngồi ở đây!

Công việc xong xuôi, Đức Phật thăng tòa bảo chư Tỳ-kheo:

-Các thầy muốn thấy xá-lợi của Như Lai nơi đời quá khứ trong khi tu hành khổ hạnh không?

Đại chúng đáp:

-Bạch Đức Thế Tôn, chúng con nguyện muốn được trông thấy.

Đức Thế Tôn khi ấy dùng tay ấn vào đất, tạo nên sáu thứ chấn động, bỗng nhiên từ dưới đất vọt lên tòa tháp bằng bảy báu hiện ra trước mặt đại chúng. Đức Thế Tôn rời tòa đảnh lễ tháp, nhiễu quanh bên phải rồi bảo Tôn giả A-nan:

-Tôn giả hãy đến mở cánh cửa tháp này, sẽ thấy một chiếc hộp làm bằng bảy báu, cẩn bằng các ngọc quý, lại mở nắp hộp đó sẽ thấy xá-lợi màu trắng như ngọc kha tuyết. Hãy đưa linh cốt của bậc Đại sĩ ấy lại cho ta.

Khi Đức Thế Tôn đã cầm linh cốt, bèn bảo đại chúng hãy xem kỹ và Ngài đọc kệ:

Bồ-tát công đức vượt

Siêng tu hạnh sáu độ

Dũng mãnh cầu Bồ-đề

Xả thân, tâm không tiếc.

Đức Phật bảo:

-Này các Tỳ-kheo, các thầy đều phải tỏ lòng kính lễ, vì xá-lợi này là do sự huân tập tu trí từ vô lượng hương Giới, Định, Tuệ.

Tất cả đại chúng đều kính lễ, tán thán là điều chưa từng có.

Khi ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật:

-Thưa Thế Tôn, Như Lai là Bậc Đại Sư vượt ra khỏi ba cõi, vì nhân duyên gì Ngài lại đảnh lễ nắm xương này?

Đức Phật đáp:

-Này A-nan, Như Lai từ nắm xương này nên nay mới thành Phật. Để báo đáp ân xưa nên hôm nay Ta kính lễ. Để dứt bỏ tâm còn nghi ngờ của các thầy, Như Lai sẽ nói về nhân duyên kiếp trước của Ta. Đại chúng phải chí tâm lắng nghe:

Này A-nan, vào thời quá khứ vô lượng kiếp về trước, có một Quốc vương tên là Đại-xa, nhà vua có ba người con: Vương tử thứ nhất tên là Ma-ha-ba-la, vương tử thứ hai tên là Ma-ha-đề-bà và vương tử thứ ba tên là Ma-ha Tát-đỏa. Bấy giờ, nhà vua tổ chức đi du ngoạn các cảnh núi non, đem ba vương tử theo, cùng tạm dừng nơi rừng tre lớn. Ngày sau, ba vương tử tiếp tục trên đường dạo chơi, thấy một cọp mẹ sinh bảy cọp con đã trải qua bảy ngày. Vương tử thứ nhất nói:

-Bảy cọp con mãi quây quần bên cọp mẹ, khiến cọp mẹ không rảnh thời giờ đi tìm mồi được, e cơn đói khát bức xúc ắt ăn thịt con. Vương tử thứ hai nghe lời nói ấy bèn than:

-Ôi! Mẹ con đám cọp này chẳng bao lâu sẽ chết hết, ta có cách nào cứu được mạng sống của chúng nó chăng?

Vương tử thứ ba thầm nghĩ: “Thân này của ta, trải qua trăm ngàn đời xả bỏ một cách phung phí, tàn tạ, hư hoại chưa từng có được chút lợi ích gì. Hôm nay, ta sao chẳng thể xả bỏ?” Các vương tử nói, nghĩ như vậy, rồi tâm trạng bồi hồi, nấn ná bên mẹ con cọp đói giây lâu thì trở về.

Vương tử Tát-đỏa lại suy nghĩ: “Thân ta cần phải thành tựu được thiện nghiệp lớn, ở nơi biển sinh tử làm chiếc thuyền lớn. Nếu xả bỏ thân này, tức dứt bỏ trăm ngàn nỗi sợ hãi của vô lượng thứ ung nhọt bệnh dữ, vì thân này chỉ là nơi chứa những thứ bất tịnh, chỉ là gân xương kết hợp duy trì, thật đáng nhàm chán. Do vậy, ta nay nên từ bỏ nó, để cầu nẻo giải thoát rốt ráo vô thượng, vĩnh viễn xa lìa mọi thứ sầu, buồn, khổ não, vô thường, đạt được trăm phước trang nghiêm, thành tựu Nhất thiết trí, ban cho chúng sinh vô lượng pháp lạc.”

Lúc ấy, vương tử dấy lên đại dũng mãnh lớn lao, dùng nguyện lực từ bi tăng thêm nơi tâm mình, e ngại hai vương huynh có thể gây trở ngại cho chí nguyện, nên xin hai anh về cung trước, em sẽ về sau.

Bấy giờ, vương tử Ma-ha Tát-đỏa vội trở vào rừng tre, đến chỗ mẹ con cọp đói, cởi bỏ y phục vắt lên cành cây, rồi đặt thân mình nằm trước miệng cọp đói. Bồ-tát với tâm Từ bi nhẫn chịu, sẵn sàng xả thân. Nhưng cọp mẹ không thể làm gì được. Bồ-tát suy nghĩ: “Cọp mẹ nay đang đói, yếu chẳng thể vồ được thân ta liền dùng cành tre khô chọc vào cổ mình cho máu chảy ra, rồi trèo lên gộp đá cao, gieo mình xuống đất. Ngay lúc ấy, đại địa hiện đủ sáu thứ chấn động, như cuồng phong làm dậy sóng biển, nhô lên lặn xuống chẳng yên, mặt trời bỗng tối sầu như bị A-tu-la che mất ánh sáng. Trời tuôn mưa các loại hoa cùng hương bột vi diệu, lớp lớp rơi xuống phủ khắp rừng tre, nơi không trung, chư Thiên cùng xưng tán.

Lúc đó cọp đói liếm máu nơi cổ Bồ-tát rồi ăn hết thịt, chỉ để lại những khúc xương. Khi ấy, hai vương huynh lòng sinh sầu muộn, nên cùng chạy lại chỗ cọp đói, không giữ được cảm xúc, liền gieo mình trên đống xương còn lại của em, chết giâc hồi lâu mới tỉnh, buồn thương khóc lóc, bịn rịn mãi rồi mới trở về.

Bấy giờ, vương phu nhân đang ngủ trên lầu cao, trong giấc mộng chợt thấy điềm chẳng lành: Răng rụng, hai vú bị cắt lại thấy ba chim bồ câu non, trong đó một con bị chim ưng bắt mất. Phu nhân thức giấc, thấy hai vú mình còn chảy sữa. Một tỳ nữ nghe người bên ngoài nói: “Tìm kiếm vương tử vẫn chưa có!”, liền chạy vào cung cho phu nhân hay. Phu nhân nghe qua, lo âu buồn khóc, mắt đầy lệ, vội đến nơi vua đang ngự, tâu:

-Đại vương, chúng ta đã mất đứa con út yêu dấu!

Nhà vua nghe qua buồn nghẹn than:

-Ngày nay mất đứa con yêu quý, đau khổ biết bao!

Rồi dùng lời an ủi phu nhân:

-Khanh chớ âu sầu, ta nay ra lệnh tập trung các đại thần, dân chúng cùng nhau ra khỏi thành phân tán tìm kiếm.

Lát sau, một đại thần trở về tâu vua: Theo tin nhận được, mới tìm thấy hai vương tử lớn, còn vương tử út thì vẫn chưa tìm ra.

Tiếp sau, vị đại thần thứ hai dáng sầu khổ, khóc lóc, đến chỗ vua cha, đem tất cả việc xả thân của vương tử xét tâu lên cho vua hay.

Nhà vua và phu nhân đau buồn không sao tự kìm chế được, liền cùng đến chỗ Bồ-tát xả thân, chỉ thấy để lại đống xương, liền ngã nhào lên trên ấy, vật vã, rồi cả hai cùng chết giấc không còn hay biết, quần thần vội lấy nước rưới khắp châu thân, giây lâu mới tỉnh. Khi ấy, phu nhân đầu bù tóc rối, lăn lộn trên đất, như cá phơi mình trên cạn, như bò mẹ lạc mất con, cùng hai vương tử buồn thương kêu khóc, rồi tâu vua ra lệnh làm lễ trà-tỳ, thâu lượm xá-lợi từ nhục thân của Bồ-tát an trí trong bảo tháp, để cúng dường.

Đức Phật bảo:

-Tôn giả A-nan nên biết, xá-lợi Ta đang cầm đây chính là xá-lợi của Ma-ha Tát-đỏa. Ta lúc ấy, tuy còn nhiều phiền não tham, sân, si… thường ở trong các cõi ác như địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, tùy duyên cứu giúp chúng sinh khiến thoát khỏi các nẻo ấy. Huống chi ngày nay, tất cả phiền não đều đã dứt hết, lại không còn các tập khí, được gọi là bậc Đạo sư của cõi trời, người, đầy đủ Nhất thiết trí, mà lại không thể vì tất cả chúng sinh ở trong mọi cảnh hiểm nạn thay thế chịu các đau khổ sao?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

-Vương tử Ma-ha Tát-đỏa khi xưa đâu phải là người nào xa lạ, chính là thân Ta ngày nay đang ở trong hội này. Quốc vương lúc đó, nay là phụ vương Tịnh Phạn, hậu phi bấy giờ nay là Ma-da phu nhân. Vương tử lớn nay là Bồ-tát Di-lặc, vương tử thứ hai nay là Bồ-tát Văn-thù. Cọp đói khi xưa, nay chính là di mẫu của ta. Bảy cọp con nay là: Đại-mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất và năm Tỳ-kheo nhóm ông Kiều-trần-như.

Khi Đức Thế Tôn nói về nhân duyên đời trước của mình như vậy, thì vô lượng a-tăng-kỳ đại chúng trời, người thảy đều buồn vui lẫn lộn, đồng phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật thu nhiếp thần lực, ngôi tháp nhiệm mầu bằng bảy báu hiện ra lúc trước, giờ này hốt nhiên biến mất.

 

Duyên Khởi 2: VUA THI-TỲ CỨU MẠNG CHIM BỒ CÂU

Đức Phật bảo với các vị Tỳ-kheo:

-Ta nhớ thuở xa xưa cách nay vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, trong cõi Diêm-phù-đề có vị Đại quốc vương tên là Thi-tỳ, thành chọn làm kinh đô tên là Đề-bà-để, đất đai trong nước phì nhiêu, dân chúng sống cảnh sung túc, an lạc. Đại vương thống lãnh tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, phu nhân, thể nữ tổng cộng hai vạn, có năm trăm thái tử và một vạn quần thần. Nhà vua đầy lòng từ bi, thi hành chính sách: nhân từ, khoan dung, độ lượng, thương yêu muôn dân như mẹ hiền thương con đỏ.

Bấy giờ Đế Thích, chủ cõi trời thứ Ba mươi ba, năm tướng suy kém hiện rõ, sắp bị thoái đọa. Thiên chủ có vị cận thần tên Thiên tử Tỳ-thủ, thấy dung mạo của Đế Thích như vậy nên tâu:

-Cớ gì tôn nghi của Thiên chủ có vẻ ưu sầu?

Đế Thích đáp:

-Ta sắp mãn kiếp, lại nghĩ đến thế gian Phật pháp đã diệt, các vị Đại Bồ-tát lại không ứng hiện, tâm ta lo lắng không biết nương tựa vào đâu!

Thiên tử Tỳ-thủ lại tâu:

-Tâu Thiên chủ, nay tại cõi Diêm-phù-đề, có vua Thi-tỳ là người tinh tấn, ý chí kiên cố mong cầu Phật đạo, Thiên chủ nên đến đó xin quy y, quyết sẽ được thoát nạn.

Đế Thích nghe qua, không rõ hư thực thế nào: Nếu vua Thi-tỳ đúng là Bồ-tát, ta sẽ thử thách. Liền bảo Tỳ-thủ:

-Ngươi hóa thành chim bồ câu, ta biến làm chim ưng. Chim ưng đuổi bắt bồ câu, bồ câu chạy vào vương cung xin vua che chở, như vậy mới có thể xét biết nhà vua có phải là Bồ-tát đích thực hay không?

Tỳ-thủ tâu:

-Ngày nay, đối với Bồ-tát ta phải cung kính cúng dường, chớ nên quấy nhiễu, không được đem tai vạ bức não làm người khổ sở.

Khi ấy trời Đế Thích nói kệ:

Ta tâm vốn không ác

Như đem lửa thử vàng

Thử nghiệm Bồ-tát này

Rõ là bậc chân thật?

Nói kệ rồi, Thiên tử Tỳ-thủ bèn hóa làm chim bồ câu, Đế Thích thì biến làm chim ưng rượt đuổi gấp, suýt bắt được bồ câu, bồ câu hoảng sợ nên bay nấp vào dưới nách nhà vua Thi-tỳ xin cứu giúp che chở. Chim ưng đậu trước mặt nhà vua nói tiếng người:

-Nay chim bồ câu này là món ăn của tôi, hiện tôi quá đói, xin nhà vua trả lại chim bồ câu cho tôi.

Nhà vua đáp:

-Bản nguyện của ta là nhằm cứu độ tất cả chúng sinh, chim bồ câu này đã chui vào áo ta, dứt khoát ta không thể trả lại cho ngươi.

Chim ưng nói:

-Tâu đại vương, đại vương nói ngày nay ngài luôn thương xót, nhớ, nghĩ đến tất cả chúng sinh, nếu ngài dứt mất phần ăn của tôi, thì mạng sống của tôi lâm nguy sao ngài không cứu?

Nhà vua đáp:

-Nếu thay thế cho ngươi bằng các thứ thịt khác, ngươi có thể ăn được chăng?

Chim ưng thưa:

-Chỉ có thịt còn máu tươi nóng thì tôi ăn được.

Nhà vua thầm nghĩ: “Nếu giết một mạng để cứu một mạng thì chẳng đúng lý. Chỉ có thịt của thân ta mới có thể thay cho thịt kia, ngoài ra bao nhiêu mạng sống khác đều phải được bảo tồn”. Suy nghĩ như vậy rồi, nhà vua liền cầm dao bén cắt thịt nơi bắp vế mình, đem thịt ấy đưa cho chim ưng để đổi lấy mạng sống cho chim bồ câu.

Chim ưng nói:

-Vua là nhà thí chủ, nay đem thịt nơi thân mình để thay cho thịt chim bồ câu, thì thịt ngài phải cân xứng với thịt của bồ câu mới được.

Nhà vua sai lấy cân, hai đầu đòn để hai đĩa cân, chính giữa treo móc cân điều chỉnh cho bằng, rồi đem chim và thịt đặt vào mỗi đĩa. Nhà vua đã cắt hết thịt nơi bắp vế mà đòn cân vẫn lệch về phía bồ câu. Cho đến cắt thịt nơi cánh tay, thịt nơi hông… rốt cuộc nơi toàn thân vua không còn một chút thịt mà vẫn không cân bằng so với thân hình nhỏ nhẹ của chim bồ câu. Nhà vua muốn đem cả thân mình đặt trên đĩa cân, nhưng sức khỏe không như ý muốn, nên quỵ chân ngã nhào, chết giấc trên đất, không còn hay biết, giây lâu mới tỉnh. Vua dùng sức dũng mãnh, tâm tự trách: “Từ vô số kiếp đến nay ta bị cái thân này làm khổ lụy, luân hồi trong sáu nẻo chịu đủ muôn nỗi sự đau khổ, chưa từng đem lại phước lợi gì cho chúng sinh, nay chính là lúc tạo được phước lợi, sao lại biếng trễ như thế?” Đại vương suy nghĩ như vậy, tự gượng mình đứng dậy, leo vào trong đĩa cân, tâm rất hoan hỷ, được điều chưa từng có. Lúc ấy, đại địa hiện đủ sáu thứ chấn động, tất cả cung điện của chư Thiên đều bị lay chuyển. Chư Thiên nơi cõi Sắc trụ trong hư không ca ngợi, thấy Bồ-tát tu khổ hạnh, làm được việc khó làm ai nấy đều buồn cảm rơi lệ như mưa, rồi lại rải các loại hoa trời để bày tỏ sự cúng dường. Lúc đó, trời Đế Thích và Thiên tử Tỳ-thủ đều hiện nguyên hình, đứng trước nhà vua nói:

-Công đức tu hành khổ hạnh của đại vương thực khó có thể nghĩ bàn! Ở trong ba cõi, đại vương đem công đức ấy nhằm mong cầu quả vị Chuyển luân vương, Phạm vương, Đế Thích, hay muốn làm những gì?

Nhà vua đáp:

-Bản nguyện của ta chẳng phải cầu phước báo tôn vinh nơi thế gian, chỉ nguyện đem công đức này để cầu thành Phật đạo.

Đế Thích lại hỏi:

-Ngày nay thân nhà vua đau nhức đến xương tủy, có sinh tâm hối hận chăng?

Nhà vua đáp:

-Không chút-hối hận. Ta thấy nơi thân ông có khổ nạn hết sức lớn.

Đế Thích nói:

-Nhà vua nói không hối hận, vậy lấy gì làm bằng chứng?

Nhà vua bèn phát nguyện:

-Ta từ khi phát tâm cho đến lúc này, không có chút mảy may hối tiếc. Nếu chỗ mong cầu quyết định thành Phật của ta là chân thật không hư dối đúng như bản nguyện thì xin khiến cho các chi phần nơi thân thể của ta hiện nay tức khắc bình phục như cũ.

Phát lời thệ nguyện xong, chỉ trong khoảnh khắc, thân thể nhà vua trở lại như trước. Chư Thiên, người đời đều ca ngợi là điều chưa từng có, không thể tự kìm chế được lòng vui mừng vô hạn.

Đức Phật bảo đại chúng:

-Vua Thi-tỳ thuở xưa đâu phải là người xa lạ, chính là thân Ta ngày nay.

Lúc ấy, chúng hội nghe lời Phật nói, thảy đều khác miệng cùng lời thưa hỏi:

-Thuở xưa, Đức Thế Tôn nhằm cứu độ chúng sinh, tu các hạnh xả bỏ thân mạng để cầu đại pháp lớn, đến khi thành đạo, biển pháp đã viên mãn, cờ pháp đã dựng, trống pháp đã đánh, đuốc pháp đã thắp, chính là lúc căn cơ của chúng sinh đã thuần thục, nhân duyên thích hợp, vì sao Như Lai lại lìa bỏ tất cả chúng sinh, muốn nhập Niết-bàn mà chẳng thuyết pháp? Đến khi trời Phạm thiên tán thán tiền thân của Như Lai vì dốc cầu pháp đã xả bỏ ngàn đầu, lúc ấy, Ngài mới nhận lời, đến vườn Nai thuộc nước Ba-la-nại, ba lần chuyển xe chánh pháp, cùng quán pháp Tứ diệu đế. Tam bảo từ đấy mới xuất hiện tại thế gian.

Duyên Khởi 3: NHƯ LAI KHẤT THỰC

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngự tại giảng đường Trùng các trong tinh xá Trúc lâm, thuộc nước Ma-kiệt-đà. sắp đến giờ thọ trai, Phật cùng Tôn giả A-nan đắp y mang bình bát vào thành khất thực, thấy một cặp vợ chồng già yếu, hai mắt bị mù, lại thêm nghèo khổ, chỉ có một đứa con duy nhất tuổi vừa lên bảy. Người con này thường đi xin về nuôi dưỡng song thân, khi nào xin được thức ăn ngon, trái cây tươi tốt thì dâng cho cha mẹ ăn trước còn đồ ăn không ngon, trái cây bầm héo thì tự ăn.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan thầm nghĩ: “Đứa bé này tuổi còn thơ ấu mà có hạnh chí hiếu, sớm hôm lo lắng ân cần không để cha mẹ thiếu thốn”.

Đức Phật khất thực xong trở về tinh xá, thọ trai xong thì rửa chân trải tòa ngồi, vì đại chúng sắp diễn nói kinh pháp.

Tôn giả A-nan đến trước Đức Phật, chắp tay bạch:

-Bạch Đức Thế Tôn, chính trong khi con hầu Thế Tôn vào thành khất thực, thấy một em bé dắt cha mẹ mù lòa xin ăn đây đó, phụng dưỡng cha mẹ hết lòng hiếu thảo. Hằng ngày làm được mãi như thế thì thật là khó.

Đức Phật bảo:

-Này A-nan, chẳng những chỉ kẻ tại gia, mà hàng xuất gia đều phải lấy hiếu hạnh làm việc trước tiên. Xét về công đức, thì công đức của sự hiếu thảo đối với cha mẹ là không thể lường tính. Vì sao?

Ta nhớ vào thời quá khứ, vô lượng kiếp về trước, lúc ấy Ta là đồng tử tuổi cũng lên bảy. Vì lòng hiếu thuận, nên từng cắt thịt thân mình để cứu mạng sống của cha mẹ trong cơn nguy cấp. Từ đó đến nay, Ta nhờ công đức này thường làm Đế Thích hay vua cõi người, cho đến hiện tại, thành Phật đều do phước đức ấy.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, con muốn được nghe nguyên nhân việc cứu mạng sống cho song thân vào đời trước của Ngài, việc ấy như thế nào?

Đức Phật bảo:

-Này A-nan, hãy nên lắng nghe, Ta sẽ vì Tôn giả mà kể lại chuyện ấy.

Về thời xa xưa, tại cõi Diêm-phù-đề này có một nước lớn tên là Đắc-xoa-thi-la, nhà vua tên là Đề-bà, có mười vị thái tử, mỗi người trị vì một tiểu quốc. Thái tử út tên là Thiện Trụ. Đất nước của vua ấy sung túc, yên ổn, dân chúng sống trong cảnh thái bình. Lúc ấy có vua hung ác ở nước láng giềng tên La-hầu, muốn xâm chiếm đất nước của vua Thiện Trụ. Vua La-hầu kết giao với đám hung bạo, cử binh tướng đến tấn công. Vua Thiện Trụ binh lực thua sút, nên phải bỏ chạy về nước của cha mình để lánh nạn.

Vua Thiện Trụ có một thái tử rất yêu quý tên là Thiện Sinh, tuổi còn thơ ấu không thể xa lìa, nến nhà vua vừa dắt vợ vừa dìu con vội vã chạy trốn khỏi nước. Đường về cố hương có hai ngả: Một ngả chỉ đi bảy ngày thì đến quê nhà, còn một ngả nữa đường sá chật hẹp hẻo lánh quanh co, phải trải qua mười bốn ngày mới tới. Nhà vua cố gắng mang theo lương thực dự trữ đủ bảy ngày, nhưng trên đường chạy trốn kẻ địch, tâm thần hoảng loạn, nên đi nhầm ngả đường quanh co hẻo lánh, thành ra mới đi được một nửa thì lương thực đã cạn, những ngày kế tiếp cả ba người đều đói khát mỏi mệt, xem khắp chung quanh hầu như không còn gì để sống.         Vì sự cấp bách cùng kế phải hy sinh một người để bảo tồn mạng sống cho hai người, nên nhà vua mới bảo vợ dẫn con đi trước, còn mình thì đi sau rút gươm sắp chém thân vợ dùng để nuôi thái tử và mạng sống của thân mình. Thái tử Thiện Sinh lúc ấy bỗng nhiên nhìn lại phía sau thấy cha mình đang giơ kiếm sắp chém mẫu hậu nên vội vã tâu:

-Xin phụ vương chớ giết mẫu thân con, thà cắt thịt thân con dùng làm lương thực! Con chưa từng nghe có người con nào lại ăn thịt mẹ mình.

Thiện Sinh ân cần, thành khẩn khóc lóc van xin để mẫu hậu được toàn tánh mạng.

Thiện Sinh lại tâu với vua cha:

-Nguyện đem thịt của thân con cứu sống song thân, nếu cắt thịt thì xin chớ cắt hết một lượt, có thể cắt ăn từ từ, đủ kéo dài số ngày theo đường đi còn lại. Nếu cắt hết một lần, mạng con chết rồi thì thịt kia sẽ thôi rữa, ắt phải bỏ đi, đối với việc cứu đói như thế chẳng thành.

Khi ấy, vua cha cùng mẫu hậu đồng nói với Thiện Sinh:

-Ngày nay cha mẹ làm điều tội lỗi này thật không phải là bản ý của chúng ta. Nhưng hai ta sao nhẫn tâm cầm dao trực tiếp cắt thịt con mình.

Lúc ấy, vương tử đã định ý sẵn, bèn cầm dao bén tự cắt thịt thân mình, quỳ dâng cho cha mẹ. Nhà vua và phu nhân thấy việc như vậy, buồn khóc thảm thiết, hồi lâu mới đành lòng ăn thịt con. Trải qua mấy ngày, thịt trên thân con đều hết mà chưa đến nơi, cơn đói khát lại càng bức bách khó chịu đựng được. Ở khoảng giữa những đốt xương chỉ còn chút ít thịt, đủ để duy trì mạng sống thoi thóp của vương tử vào những giờ phút cuối cùng. Thiện Trụ và phu nhân đều dùng lời thương yêu an ủi con mình, gục đầu vào nhau lưu luyến, rồi đành phải bỏ đi.

Khi đó, vương tử thầm nghĩ: “Ta đã đem thịt mình cứu sống song thân, mong cho cha mẹ về đến quê cũ, thân được an ổn, hưởng cảnh thái bình. Nguyện đem thiện căn này mau chứng Bồ-đề nhằm cứu độ tất cả chúng sinh trong mười phương, xa lìa các khổ, hưởng được niềm vui chân thường.” Lúc vương tử phát nguyện ấy, Tam thiên đại thiên thế giới hiện đủ sáu thứ chấn động, tất cả chư Thiên nơi cõi Dục, cõi sắc đều kinh ngạc, liền dùng Thiên nhãn quán sát thế gian, mới biết Bồ-tát tu hiếu hạnh như thế. Các vị Thiên tử ở trong hư không chắp tay tán dương công đức, nước mắt rơi xuống như mưa.

Bấy giờ, trời Đế Thích biến làm cọp, sói muốn đến ăn thịt để thử tâm Bồ-tát. Vương tử tự nghĩ: “Các loài thú dữ ấy muốn đến ăn thịt ta, ta hiện chỉ còn nắm xương thừa này, xin đem tâm hoan hỷ bố thí tất cả không chút hối tiếc buồn rầu.”

Tức thì, Đế Thích liền hiện nguyên hình ca ngợi vương tử:

-Thật là ít có! Đã có thể dùng thịt nơi thân mình để cứu mạng sống cho cha mẹ, tâm hiếu thảo như vậy, không ai sánh kịp!         Ngài cầu mong những gì, xin nói cho chúng tôi biết.

Vương tử đáp:

-Ta chỉ dốc cầu đạt được Phật đạo vô thượng.

Thiên đế lại hỏi:

-Tôi nay thấy thân ngài, vì hiếu dưỡng đối với cha mẹ mà da thịt đều hết, sự đau khổ đó thật khó nhẫn chịu, ngài có hối hận chăng?

Vương tử đáp:

-Nếu đúng như thật là tâm ta không chút hối hận, cùng nhất định vào đời vị lai ta sẽ thành Phật, thì xin khiến cho thịt trên thân ta đầy đủ lại như cũ.

Nói lời thệ nguyện ấy xong, tức khắc thân thể được bình phục như trước. Khi ấy, Đế Thích và chư Thiên cùng hết lời tán thán:

-Hay thay! Hay thay!

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

-Vua Thiện Trụ thuở xưa nay chính là phụ vương Tịnh Phạn, vương phu nhân khi đó nay là phu nhân Ma-da, còn vương tử Thiện Sinh là thân Ta.