LUẬN A TỲ ĐẠT MA THỨC THÂN TÚC
Tác giả: A la hán Đề Bà Thiết Ma
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Uẩn Thứ I: MỤC KIỀN LIÊN, Phần 5

Tụng Ốt-đà-nam: Phần sau của tụng thứ tư.

Sa-môn Mục-liên nói: Không có quá khứ-vị lai, thì hiện tại sao có được? Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Nghĩa là trong Khế kinh Đức Thế Tôn khéo léo giảng dạy trình bày:

Có chín chỗ ở của loài hữu tình:

1. Có loài hữu tình có sắc, có các loại thân, có các loại tưởng, tức là loài người và một phần các cõi trời. Đó là chỗ ở thứ nhất.

2. Có loài hữu tình có sắc, có các loại thân, có một thứ tưởng, tức là cõi trời Phạm Chúng và những kẻ mới sinh lên đó. Đây là chỗ ở thứ hai.

3. Có loài hữu tình có sắc, có một loại thân, có nhiều thứ tưởng, tức là cõi trời Quang Âm. Đó là chỗ ở thứ ba.

4. Có loài hữu tình có sắc, có một loại thân và một thứ tưởng, tức là cõi trời Biến Tịnh. Đó là chỗ ở thứ tư.

5. Có loài hữu tình có sắc, không có tưởng, không có các tưởng sai khác (gọi là không tưởng khác), tức là cõi trời Vô Tưởng. Đây là chỗ ở thứ năm.

6. Có loài hữu tình không có sắc, vượt qua tất cả các loại sắc tưởng, các đối tượng đều không còn, các loại tưởng không còn tác ý nữa. Ở khoảng vô biên hư không, trụ đầy đủ vào Không vô biên xứ, tức là ở gần cõi trời Không vô biên xứ. Đó là chỗ ở thứ sáu.

7. Có loài hữu tình không có sắc, đều đã vượt qua tất cả các loại hư không vô biên, mà vào vô biên thức, trụ đầy đủ vào Thức vô biên xứ. Đây là chỗ ở thứ bảy.

8. Có loài hữu tình không có sắc, đã vượt qua tất cả các loại Thức vô biên xứ, không còn có chút gì cả, trụ đầy đủ vào Vô sở hữu xứ, tức là ở gần cõi trời Vô sở hữu xứ. Đây là chỗ ở thứ tám.

9. Có loài hữu tình không có sắc, đều đã vượt qua tất cả các loại Vô sở hữu xứ, trụ đầy đủ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tức là ở gần cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là chỗ ở thứ chín.

Người ấy đáp: Đúng như thế.

Này thầy, nếu bậc A-la-hán có thân đang sống ở cõi Dục và hiện nhập định diệt, thì phải nói là vị đó ở chỗ nào nơi chín cõi hữu tình?

Người ấy đáp: Vị ấy ở chỗ có các loại thân và các thứ tưởng.

Này thầy, do tưởng ở đời nào mà nói là có tưởng ở đời quá khứ- vị lai hay hiện tại?

Nếu nói do tưởng ở đời quá khứ, thì nên nói là có quá khứ, chứ không phải là không có quá khư. Nếu nói không có quá khứ thì không hợp đạo lý.

Nếu nói do tưởng ở đời vị lai, nên nói là có vị lai, chứ không phải là không có vị lai. Nếu nói không có vị lai thì không hợp đạo lý.

Nếu nói do tưởng ở đời hiện tại, không nên nói là hiện nhập định diệt. Nếu nói hiện nhập định diệt thì không hợp đạo lý.

Nếu nói không do tưởng ở cả ba đời quá khứ-vị lai- hiện tại, thì bậc A-la-hán có thân đang ở cõi Dục, hiện nhập định diệt, nên nói là không có tưởng, nên nói là loài hữu tình không có tưởng, nên nói là sống ở chỗ của loài hữu tình không có tưởng.

Sa-môn Mục-liên nói: Quá khứ-vị lai đều không, thì hiện tại sao có được? Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng? Nghĩa là trong Khế kinh, Đức Thế Tôn đã khéo giảng dạy, trình bày: Tất cả các loài hữu tình đều phải nhờ vào sự ăn uống mới sống còn? Người ấy đáp: Đúng như vậy.

Này thầy, chúng hữu tình chư Thiên không có tưởng đó thì nên bảo là họ có ăn uống không? Người ấy đáp: Họ chỉ có ý thức nghĩ tới việc ăn uống mà thôi.

Này thầy, việc ăn uống đó lúc ấy nên nói nó thuộc vào thời nào, quá khứ-vị lai hay hiện tại?

Nếu bảo là nó ở quá khứ, thì nên nói là có quá khứ, chứ không phải là không có quá khư. Nếu nói không có quá khứ thì không hợp đạo lý.

Nếu bảo là ở vị lai, nên nói là có vị lai, chứ không phải là không có vị lai. Nếu nói không có vị lai thì không hợp đạo lý.

Nếu nói ở hiện tại, không nên nói là loài hữu tình không có tưởng.

Nếu nói là loài hữu tình không có tưởng thì không hợp đạo lý.

Nếu nói cả quá khứ-vị lai- hiện tại nó đều không có, thì đối với Khế kinh mà Đức Thế Tôn khéo giảng dạy trình bày nói: Tất cả loài hữu tình đều phải nhờ vào ăn uống mà sống còn. Như thế, đối với kinh điển do Thế Tôn giảng nói, ông có ý chê bai chống báng, trái bỏ, đi ngược lại. Nếu ông chống báng, chê bai thì không hợp đạo lý.

Sa-môn Mục-liên có nói: Quá khứ-vị lai đều không, thì hiện tại làm sao có? Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Nghĩa là trong Khế kinh mà Đức Thế Tôn khéo giảng dạy trình bày có nói: Có sáu thức thân, đó là thức của mắt, thức của tai, thức của mũi, thức của lưỡi, thức của thân và thức của ý. Người ấy đáp: Đúng như vậy. Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Nghĩa là có người có khả năng đối với thức của mắt, mà đã quan sát- đang quan sát và sẽ quan sát thấy thức ấy là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Người ấy đã quan sát- đang quan sát và sẽ quan sát nhân của nó là nhân, là sự tụ tập, là sự sinh ra các loại, là duyên của mọi thứ.

Quan sát sự diệt của nó là diệt hết, là vắng lặng yên tĩnh, là mầu nhiệm, là lìa bỏ.

Quan sát đạo có thể đoạn dứt của nó, là đạo, là như, là hành, là xuất. Người ấy đáp: Đúng như thế. Nhưng quán thế nào? Quán về quá khứ-vị lai hay quán về hiện tại?

Nếu nói quán về quá khứ, thì nên nói là có quá khứ, chứ không phải là không có quá khư. Nếu nói không có quá khứ thì không hợp đạo lý.

Nếu nói là quán về vị lai, nên nói là có vị lai, chứ không phải là không có vị lai. Nếu nói không có vị lai thì là không hợp đạo lý.

Nếu nói là quán về hiện tại, nên nói là có một Bổ-đặc-già-la không phải trước, không phải sau, hai tâm cùng hòa hợp, một là sở quán, một là năng quán. Điều này không đúng lý.

Nếu nói không có một Bổ-đặc-già-la, không phải trước, không phải sau, hai tâm cùng hòa hợp, một là sở quán, một là năng quán, thì không nên nói là quán về hiện tại. Nếu nói quán về hiện tại thì không hợp đạo lý.

Nếu nói không có quán về cả ba thời quá khứ-vị lai, hiện tại, tức là không có thể đối với nhãn thức (thức của mắt) đã quan sát- đang quan sát và sẽ quan sát, thấy nó là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Đã quan sát- đang quan sát- sẽ quan sát thấy nhân của nó là nhân, là sự tập hợp, thấy diệt của nó, là sự diệt hết, là tĩnh lặng, là mầu nhiệm, là lìa bỏ.

Quan sát đạo có thể đoạn của nó thì thấy là đạo, là như, là hành, là xuất ly.

Nếu không có khả năng quan sát thì không thể đã chán sợ- đang và sẽ chán sợ. Nếu không có khả năng chán sợ thì không có thể đã lìa nhiễm- đang và sẽ lìa nhiễm. Nếu không có khả năng lìa nhiễm thì không có thể đã giải thoát- đang giải thoát và sẽ giải thoát. Nếu không có thể giải thoát thì không thể nào đã nhập Niết-bàn- đang nhập Niếtbàn, sẽ nhập Niết-bàn.

Cũng giống như nói về nhãn thức, các nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức… cũng giống như thế.

Sa-môn Mục-liên có nói: Quá khứ-vị lai đều không thì hiện tại sao có được? Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Nghĩa là ở Khế kinh Đức Thế Tôn đã khéo giảng dạy trình bày nói: Là các Bí-sô, cần phải đoạn trừ các lậu. Người ấy đáp: Đúng như thế. Nhưng phải đoạn như thế nào? Đoạn ở quá khứ-vị lai hay hiện tại?

Nếu nói đoạn ở quá khứ, thì nên nói là có quá khứ, chứ không phải là không có quá khư. Nếu nói không có quá khứ thì không hợp đạo lý.

Nếu nói đoạn dứt ở vị lai, nên nói là có vị lai, chứ không phải là không có vị lai. Nếu nói không có vị lai thì không hợp đạo lý.

Nếu nói đoạn dứt ở hiện tại, nên nói là có một Bổ-đặc-già-la không phải trước, không phải sau, hai tâm cùng hòa hợp, một là sở đoạn, một là năng đoạn (đối tượng được đoạn dứt và chủ thể đoạn dứt). Điều này không đúng lý.

Nếu nói không có một Bổ-đặc-già-la không phải trước, không phải sau, cả hai tâm cùng hòa hợp, một là sở đoạn, một là năng đoạn, thì không nên nói là đoạn dứt trong hiện tại. Nếu nói đoạn dứt trong hiện tại thì không hợp đạo lý.

Nếu nói không có đoạn dứt trong cả ba thời quá khứ-vị lai- hiện tại… thì trong Khế kinh Đức Thế Tôn đã khéo giảng nói đó, ông có ý chê bai chống báng, trái bỏ, đi ngược lại. Nếu ông đã chê bai, chống báng thì không hợp đạo lý.

Uẩn Thứ II: BỔ ĐẶC GIÀ LA, Phần 1 Tụng Ốt-đà-nam thứ nhất:

Hướng Bổ-đặc-già-la,
Tám thứ và ba tụ,
Ba thứ, tự tạo tác,
Nghe thấy, hiểu biết sau.

Luận về Bổ-đặc-già-la có nói: Nghĩa chắc thực, nghĩa hơn hết. Bổ-đặc-già-la là có thể có được, có thể chứng được. Các thứ hiện có đều có. Thế nên nhất định là có Bổ-đặc-già-la.

Luận về tánh không thì có người hỏi: Thầy có cho điều này là đúng chăng? Nghĩa là trong Khế kinh, Đức Thế Tôn khéo giảng dạy trình bày có nói: Trong năm cõi được an lập nhất định không có lẫn lộn được. Nghĩa là cõi Nại-lạc-ca (địa ngục), cõi bàng sinh, cõi quỷ, cõi trời và cõi người nhất định là có riêng biệt. Người ấy đáp: Đúng như vậy.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Nếu có một người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi thì sinh lên cõi bàng sinh? Người ấy đáp: Đúng như vậy.

Này thầy hãy lắng nghe kẻo rơi vào chỗ tranh luận bị thua. Nếu có năm cõi đã quyết định được lập thành không có lẫn lộn, tức là từ cõi Nại-lạc-ca cho đến cõi người, nhất định là riêng biệt có cõi Nại-lạc-ca, cho đến nhất định là riêng biệt có cõi người, thì không thể nói: Có người ở cõi Nại-lạc-ca chết rồi sẽ sinh vào cõi bàng sinh. Lời thầy nói đó là không đúng đạo lý.

Bây giờ nếu thầy nói có người từ cõi Nại-lạc-ca chết đi sẽ sinh vào cõi bàng sinh, thì không nên nói sự thành lập năm cõi nhất định là không lẫn lộn được. Nghĩa là từ cõi Nại-lạc-ca cho đến cõi người, nhất định là có riêng biệt, rõ ràng từ cõi Nại-lạc-ca cho đến cõi người. Vì khi nói năm cõi này được thành lập một cách nhất định không lẫn lộn được, nghĩa là từ cõi Nại-lạc-ca cho đến cõi người nhất định là có cõi Nại-lạcca riêng biệt cho đến nhất định có cõi người riêng biệt. Điều này không đúng lý, nếu người ấy bảo: Nhất định là có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sẽ sinh vào cõi bàng sinh.

Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Cõi kia tức là cõi kia. Người ấy đáp: Không đúng.

Thầy hãy lắng nghe kẻo tranh luận bị thua. Nếu nhất định có người ở cõi Nại-lạc-ca chết rồi sẽ sinh vào cõi bàng sinh, thì nên nói cõi kia tức là cõi kia. Thầy nói lời ấy không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói cõi kia tức là cõi kia thì không nên nói nhất định là có người từ cõi Nạilạc-ca chết rồi sẽ vào cõi bàng sinh. Nếu thầy nói nhất định là có người ở cõi Nại-lạc-ca chết rồi sẽ sinh vào cõi bàng sinh thì không đúng đạo lý.

Nếu nói cõi kia tức là cõi kia, thì nên hỏi kẻ ấy: Thầy có cho điều này là đúng không, nếu cõi Nại-lạc-ca kia tức là cõi bàng sinh? Người ấy đáp: Không đúng. Vậy thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu cõi kia tức là cõi kia, thì nên nói cõi Nại-lạc-ca kia tức là cõi bàng sinh. Thầy nói lời đó không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói cõi Nại-lạc-ca kia tức là cõi bàng sinh, thì không nên nói cõi kia tức là cõi kia, vì nói như thế thì không đúng đạo lý.

Nếu thầy nói cõi kia khác với cõi kia, nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Nếu Nại-lạc-ca đoạn dứt thì chỉ sinh ở cõi bàng sinh? Đáp: Không đúng.

Thầy hãy lắng nghe kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu cõi kia khác với cõi kia, thì nên nói là Nại-lạc-ca đoạn dứt rồi thì chỉ sinh ở cõi bàng sinh, lời nói này của thầy không hợp đạo lý.

Nếu thầy không nói ở cõi Nại-lạc-ca đoạn dứt sẽ chỉ sinh ra ở cõi bàng sinh, thì không nên nói là cõi kia khác với cõi kia, vì nói như thế là không đúng đạo lý.

Nếu nói: Không thể nói cõi kia hoặc là cõi kia, hoặc là khác cõi kia. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Nếu có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh lên cõi bàng sinh. Nếu nói như thế, thì cũng không thể nói cõi ấy hoặc là cõi ấy, hoặc khác với cõi ấy? Đáp: Không đúng.

Thầy hãy lắng nghe thật kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu không thể nói cõi ấy hoặc là cõi ấy hoặc khác với cõi ấy, thì nên nói là có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sẽ sinh lên cõi bàng sinh. Lời nói như thế, cũng không thể nói cõi ấy hoặc là cõi ấy, hoặc khác với cõi ấy. Lời thầy nói đó không đúng đạo lý.

Nếu thầy không nói có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh lên cõi bàng sinh. Lời nói như thế, cũng không thể nói cõi ấy hoặc là cõi ấy, hoặc khác cõi ấy. Vậy thì không nên nói là không thể nói cõi ấy hoặc là cõi ấy hoặc là khác với cõi ấy. Vì nói không thể nói cõi ấy hoặc là cõi ấy hoặc là khác với cõi ấy, thì không đúng đạo lý.

Như nói về việc có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh vào cõi bàng sinh, thì việc có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sẽ sinh vào cõi quỷ cũng như thế.

Luận về Bổ-đặc-già-la có kẻ nói: Là nghĩa chắc thật, là nghĩa hơn hết. Các Bổ-đặc-già-la là có thể có được, có thể chứng được. Các thứ hiện có đều có. Thế nên nhất định là có Bổ-đặc-già-la.

Luận về tánh không thì có kẻ hỏi: Thầy có cho điều này là đúng không, nghĩa là nơi Khế kinh Đức Thế Tôn đã khéo giảng dạy trình bày, nói: Có năm cõi như thế, nhất định là được an lập không hề lẫn lộn, tức là cõi Nại-lạc-ca, cõi bàng sinh, cõi quỷ, cõi trời và cõi người…, quyết định là có cõi Nại-lạc-ca riêng biệt cho đến có cõi người riêng biệt. Người ấy đáp: Đúng như vậy.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Nếu có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh lên cõi người? Người ấy đáp: Đúng như thế.

Này thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu có năm cõi quyết định được thành lập không lẫn lộn, nghĩa là cõi Nại-lạcca cho đến cõi người, quyết định có cõi Nại-lạc-ca riêng biệt, cho đến cõi người riêng biệt, thì không nên nói là có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh lên ở cõi người. Nếu thầy nói như thế thì không đúng đạo lý.

Nay nếu thầy nói có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh lên cõi người, thì không nên nói là năm cõi quyết định được an lập không lẫn lộn. Nghĩa là từ cõi Nại-lạc-ca riêng biệt cho đến cõi người, thì quyết định là có cõi Nại-lạc-ca riêng biệt cho đến có cõi người riêng biệt. Nếu nói năm cõi này quyết định được an lập không hề lẫn lộn, nghĩa là từ cõi Nại-lạc-ca cho đến cõi người, quyết định là có cõi Nại-lạc-ca riêng biệt, cho đến có cõi người riêng biệt, thì không đúng đạo lý.

Người ấy nói nhất định là có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh lên ở cõi người. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng? Cõi ấy tức là cõi ấy? Người ấy đáp: Không đúng.

Thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu nhất định là có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh lên ở cõi người, thì nên nói cõi ấy tức là cõi ấy. Lời thầy nói như thế không đúng đạo lý.

Nếu thầy không nói cõi ấy tức là cõi ấy, thì không nên nói nhất định là có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh lên ở cõi người. Nếu nói nhất định có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh lên ở cõi người thì không đúng đạo lý.

Nếu nói: Cõi ấy tức là cõi ấy, nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Cõi Nại-lạc-ca kia tức là cõi người. Người ấy đáp: Không đúng.

Này thầy hãy lắng nghe cho kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu cõi kia tức là cõi kia, thì nên nói cõi Nại-lạc-ca kia tức là cõi người. Lời thầy nói không đúng lý. Nếy thầy không nói cõi Nại-lạc-ca kia tức là cõi người, thì không nên nói cõi kia tức là cõi kia. Nếu nói cõi kia tức là cõi kia thì không đúng đạo lý.

Lại nếu nói cõi kia tức là cõi kia, thì nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không, cõi Nại-lạc-ca đối với việc sinh ra các căn, lực, giác chi vô lậu…, thì không có khả năng, còn cõi người thì có khả năng làm được. Người ấy đáp: Đúng như vậy.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng, việc không có khả năng làm được, tức là có khả năng?

Đáp: Không đúng!

Thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu cõi kia tức là cõi kia, thì nên nói không có khả năng tức là có khả năng làm được. Nay lời thầy nói không có khả năng tức là có khả năng làm được, thì không nên nói cõi kia tức là cõi kia, nếu nói như thế thì không đúng đạo lý.

Còn như có lời nói: Cõi kia khác với cõi kia. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không, cõi Nại-lạc-ca dứt rồi thì chỉ sinh lên cõi người? Đáp: Không đúng.

Này thầy hãy lắng nghe kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu cõi kia khác với cõi kia, thì phải nói là ở cõi Nại-lạc-ca dứt rồi sẽ chỉ sinh vào cõi người. Thầy nói như thế không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói là cõi Nại-lạc-ca dứt rồi sẽ chỉ sinh vào cõi người, thì không nên nói là cõi kia khác cõi kia. Nếu nói cõi kia khác với cõi kia thì không đúng đạo lý.

Như có lời nói này: Không thể nói cõi kia hoặc là cõi kia, hoặc khác với cõi kia. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không, nếu có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh vào ở cõi người. Lời nói như thế, cũng không thể nói cõi kia hoặc là cõi kia, hoặc là khác? Đáp: Không đúng.

Thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu không thể nói cõi kia hoặc là cõi kia hoặc là khác, thì mới nên nói có kẻ từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh vào cõi người. Lời nói như thế, cũng không thể nói cõi kia hoặc là cõi kia hoặc là khác. Nay thầy nói thế thì không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói là có người ở cõi Nại-lạc-ca chết rồi sẽ sinh làm người. Lời nói như thế cũng không thể nói cõi kia hoặc là cõi kia hoặc là khác, thì không nên nói: Cõi kia hoặc là cõi kia hoặc là khác cõi kia. Nếu nói không thể nói cõi kia hoặc là cõi kia hoặc là khác cõi kia, thì không đúng đạo lý.

Như nói có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sẽ sinh lên cõi người, thì có người từ cõi Nại-lạc-ca chết rồi sinh lên cõi trời cũng như thế. Và như ở cõi Nại-lạc-ca, ở các cõi bàng sinh, cõi quỷ, cõi người, trời… cũng như vậy.

Trong này, có sự sai khác là đối với các cõi Nại-lạc-ca, cõi bàng sinh, cõi quỷ thì không nên nói là có khả năng làm được, chỉ có cõi người và Trời thì mới nói có khả năng. Và với cõi người cõi trời thì không nên nói là không có khả năng, chỉ có các cõi Nại-lạc-ca, cõi bàng sinh, cõi quỷ mới nói là không có khả năng làm được mà thôi.

Có kẻ luận về Bổ-đặc-già-la nói: Là nghĩa chắc thật, nghĩa hơn hết. Bổ-đặc-già-la là có thể có được, có thể chứng được. Các thứ hiện có đều có. Thế nên quyết định là có Bổ-đặc-già-la.

Có kẻ luận về tánh không đặt câu hỏi: Thầy có cho điều này là đúng không? Là trong Khế kinh, Đức Thế Tôn đã khéo giảng dạy trình bày, nói: Có tám thứ Bổ-đặc-già-la được thành lập, quyết định là không có lẫn lộn. Nghĩa là quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc quả Dự lưu, cho đến quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, hoặc quả A-la-hán, thì quyết định có riêng quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, quyết định có riêng quả Dự lưu, cho đến quyết định có riêng quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, quyết định có riêng quả A-la-hán. Người ấy đáp: Đúng như vậy.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng, các quả Dự lưu đều có thể tác chứng hướng, các Bổ-đặc-già-la đều chứng được quả Dự lưu? Người ấy đáp: Đúng như thế.

Này thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu có tám thứ Bổ-đặc-già-la quyết định được thành lập không lẫn lộn, nghĩa là quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc là quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, hoặc là quả A-la-hán, thì quyết định có riêng quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, quyết định có riêng quả Dự lưu, cho đến quyết định có riêng quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, và quyết định có riêng quả A-la-hán. Như thế thì không nên nói là các quả Dự lưu đều có thể tác chứng hướng, và các Bổ-đặc-già-la đều chứng được quả Dự lưu. Lời thầy nói đó không đúng đạo lý.

Nay nếu thầy nói các quả Dự lưu đều có thể tác chứng hướng, và các Bổ-đặc-già-la đều chứng được quả Dự lưu, thì không nên nói có tám loại Bổ-đặc-già-la quyết định được thành lập không hề lẫn lộn. Nghĩa là quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc là quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, hoặc là quả A la hán quyết định có riêng quả Dự lưu, có thể tác chứng hướng, hoặc quyết định có riêng quả Dự lưu, cho đến quyết định có riêng quả A-la-hán, có thể tác chứng hướng, thì quyết định là có riêng quả A-la-hán.

Nói tám thứ Bổ-đặc-già-la này, quyết định đã được thành lập không có lẫn lộn. Nghĩa là quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc là quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán, có thể tác chứng hướng. Hoặc là quả A-la-hán thì quyết định có riêng quả Dự lưu, có thể tác chứng hướng, quyết định có riêng quả Dự lưu, cho đến quyết định có riêng quả A-lahán, có thể tác chứng hướng, thì quyết định có riêng quả A-la-hán. Điều này không đúng đạo lý.

Người ấy nói: Các quả Dự lưu đều có thể tác chứng hướng, và các Bổ-đặc-già-la đều chứng được quả Dự lưu. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng? Nó tức là nó? Người ấy đáp: Không đúng.

Thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, và các Bổ-đặc-già-la nhất định là đạt được quả Dự lưu, thì nên nói là nó tức là nó. Thầy nói lời đó không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói nó tức là nó, thì không nên nói các quả Dự lưu đều có thể tác chứng hướng, và các Bổ-đặc-già-la nhất định đều chứng được quả Dự lưu. Nói quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, và Bổ-đặcgià-la nhất định đạt được quả Dự lưu, nói như thế là không đúng đạo lý.

Nếu nói nó tức là nó. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không, nếu người ấy tác chứng hướng tức là đã trụ vào quả? Người ấy đáp: Không đúng.

Thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu nó tức là nó, thì thầy nên nói: Người ấy chứng hướng tức là đã trụ vào quả. Lời nói này của thầy lại không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói người ấy chứng được hướng tức là đã trụ vào quả, thì không nên nói nó tức là nó. Nếu nó tức là nó thì không đúng đạo lý.

Lại như nói nó tức là nó. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không, các quả Dự lưu đều có thể tác chứng hướng, và các Bổđặc-già-la đều không thành tựu được quả vị, hoặc quả Dự lưu thành tựu được quả vị? Người ấy đáp: Đúng như thế.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Người ấy không thành tựu tức là thành tựu? Đáp: Không thể đúng được.

Này thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Hoặc quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, còn Bổ-đặc-già-la không thành tựu được quả, chỉ có quả Dự lưu thành tựu được quả vị, thì nên nói người ấy không thành tựu tức là đã thành tựu. Lời nói của thầy không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói người ấy không thành tựu tức là thành tựu, thì không thể nói nó tức là nó. Nếu nói nó tức là nó thì không đúng đạo lý.

Nếu nói: Nó khác với nó. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng, các quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, dứt rồi thì chỉ sinh được quả Dự lưu? Đáp: Không đúng.

Thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo lại bị xem là tranh luận thua. Nếu nó khác với nó thì có thể nói các quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, dứt rồi liền sinh quả Dự lưu. Thầy nói như thế là không đúng lý. Nếu thầy không nói các quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, dứt rồi thì sẽ sinh được quả Dự lưu, thì không nên nói: Nó khác với nó. Nếu nói nó khác với nó thì không đúng đạo lý.

Nếu nói: Không thể nói nó hoặc là nó, hoặc là khác nó. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng: Các quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, và chứng được quả Dự lưu? Lời nói như thế cũng không thể nói nó hoặc là nó, hoặc là khác nó.

Đáp: Không đúng.

Này thầy nên lắng nghe kẻo bị thua. Nếu không thể nói nó hoặc là nó, hoặc là khác nó, vậy thì nên nói các quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, và chứng được quả Dự lưu. Lời nói như thế cũng không thể nói là hoặc là nó, hoặc là khác nó. Lời nói ấy của thầy không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói: Các quả Dự lưu đều có thể tác chứng hướng, và chứng được quả Dự lưu. Lời nói như thế cũng không thể nói hoặc là nó, hoặc là khác, thì không nên nói không thể nói là nó hoặc là nó, hoặc là khác. Thầy nói lời nói ấy không đúng đạo lý. Như quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, và mong đến quả Dự lưu. Lời nói như thế cũng không thể nói hoặc là nó, hoặc là khác, thì không nên nói là không thể nói nó hoặc là nó, hoặc là khác. Thầy nói lời nói ấy không đúng đạo lý.

Như nói về quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, và mong đến quả Dự lưu, thì các quả Nhất lai có thể tác chứng hướng, và mong đến quả Nhất lai cũng vậy. Ở đây có sự sai khác là các quả Nhất lai có thể tác chứng hướng, không nên nói nhất định là không thành tựu quả.

Có kẻ luận về Bổ-đặc-già-la nói thế này: Là nghĩa chắc thật, là nghĩa hơn hết. Bổ-đặc-già-la là có thể có được, có thể chứng, các loại hiện có đều có. Thế nên nhất định có Bổ-đặc-già-la.

Luận về tánh không đã hỏi: Thầy có cho điều này là đúng không, nghĩa là nơi Khế kinh, Đức Thế Tôn đã khéo léo giảng dạy trình bày, có nói: Có tám loại Bổ-đặc-già-la, quyết định được lập thành không hề lẫn lộn. Nghĩa là quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc là quả Dự lưu, cho đến quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, hoặc là quả A-la-hán, thì quyết định có riêng quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, quyết định có riêng quả Dự lưu, cho đến quyết định có riêng quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, thì quyết định có riêng quả A-la-hán? Người ấy đáp: Đúng như vậy.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng? Các quả Bất hoàn đều có thể tác chứng hướng, và chứng được quả Bất hoàn? Người ấy đáp: Đúng như thế.

Thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo lại bị xem là tranh luận thua. Có tám loại Bổ-đặc-già-la, quyết định được thành lập không hề có lẫn lộn. Nghĩa là quả Dự lưu có thể tác chứng hướng. Hoặc là quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán có thể tác chứng hướng. Hoặc là quả A-la-hán quyết định có riêng quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, quyết định có riêng quả Dự lưu cho đến quyết định có riêng quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, hoặc quyết định có riêng quả A-la-hán, thì không nên nói các quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng, và được quả Bất hoàn. Lời thầy nói đó thì không đúng đạo lý. Nay nếu thầy nói các quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng, và chứng được quả Bất hoàn, thì không nên nói là có tám loại Bổ-đặc-già-la, quyết định được thành lập không hề lẫn lộn. Nghĩa là quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc là quả Dự lưu, cho đến quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, hoặc là quả A-la-hán, nên quyết định có riêng quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, thì quyết định là có riêng quả Dự lưu, cho đến quyết định là có riêng quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, hoặc quyết định có riêng quả A-la-hán.

Nói có tám loại Bổ-đặc-già-la, quyết định đã được thành lập không hề lẫn lộn, nghĩa là quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc là quả Dự lưu, cho đến quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, hoặc quả A-la-hán, quyết định có riêng quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, thì quyết định chỉ có quả Dự lưu, cho đến quyết định có riêng quả A-la-hán mới có thể tác chứng hướng, tức là quyết định có riêng quả A-la-hán…, thì không đúng đạo lý. Người ấy nói: Các quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng thì nhất định là được quả Bất hoàn. Nên hỏi người ấy rằng: Thầy có cho điều này là đúng không: Nó tức là nó? Người ấy đáp: Không đúng thế.

Này thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo lại bị xem là tranh luận thua. Nếu quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng, và chứng được quả Bất hoàn, thì nên nói nó tức là nó. Nhưng lời ấy của thầy không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói nó tức là nó, thì không nên nói là các quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng, nhất định sẽ được quả Bất hoàn. Vì nếu nói quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng nhất định chứng được quả Bất hoàn, là không đúng đạo lý.

Nếu như nói: Nó tức là nó, nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không: Người tác chứng hướng tức là đã trụ vào quả? Đáp: Không đúng thế.

Này thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo lại bị xem là tranh luận thua. Nếu nó tức là nó, thì nên nói người ấy tác chứng hướng tức là đã trụ vào quả. Thầy nói như thế thì không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói người ấy tác chứng hướng tức là đã trụ vào quả, thì không nên nói nó tức là nó. Nếu nói nó tức là nó thì không đúng đạo lý.

Lại nếu nói nó tức là nó, nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không: Các quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng lại có giận dữ, thì quả Bất hoàn ấy nên xa lìa giận dữ? Người ấy đáp: Đúng như thế.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không: Người ấy có giận dữ tức là lìa bỏ giận dữ? Đáp: Không đúng thế.

Này thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo lại bị xem là tranh luận thua. Nếu nó tức là nó, thì nên nói người ấy có giận dữ tức đã lìa bỏ giận dữ. Nếu thầy nói như thế thì không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói người ấy có giận dữ tức là lìa bỏ giận dữ, thì không nên nói nó tức là nó, nếu nói nó tức là nó thì không đúng đạo lý.

Nếu có lời nói: Nó khác với nó, nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng, các quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng, dứt rồi chỉ sinh được quả Bất hoàn. Đáp: Không đúng.

Thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu nó khác với nó, thì nên nói là các quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng, dứt rồi liền sinh lên quả Bất hoàn. Thầy nói như thế là không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói các quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng, dứt rồi liền sinh lên quả Bất hoàn, thì không nên nói: Nó khác với nó. Nếu nói nó khác với nó thì không đúng đạo lý.

Như có lời nói: Không thể nói nó hoặc là nó hoặc là khác nó. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không: Các quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng, sẽ được quả Bất hoàn. Lời nói như thế cũng không thể nói: hoặc là nó, hoặc là khác? Đáp: Không đúng như thế.

Thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu không thể nói: Nó hoặc là nó, hoặc là khác tức thì nên nói là các quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng, chứng được quả Bất hoàn. Lời nói như thế cũng không thể nói hoặc là nó, hoặc là khác. Lời thầy nói đó không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói các quả Bất hoàn có thể tác chứng hướng sẽ chứng được quả Bất hoàn. Lời nói như thế, cũng không thể nói hoặc là nó, hoặc là khác, thì không nên nói là không thể nói nó hoặc là nó hoặc khác nó. Nếu nói là không thể nói nó hoặc là nó, hoặc là khác nó, thì không đúng đạo lý.

Có kẻ luận về Bổ-đặc-già-la đã nói: Là nghĩa chắc thật (đế), là nghĩa hơn hết. Bổ-đặc-già-la là có thể được, có thể chứng, các loại hiện có đều có. Thế nên nhất định là có Bổ-đặc-già-la.

Luận về tánh không đã hỏi: Thầy có cho điều này là đúng chăng, nghĩa là trong Khế kinh, Đức Thế Tôn đã khéo giảng dạy trình bày, có nói: Có tám loại Bổ-đặc-già-la, quyết định được thành lập không hề lẫn lộn. Nghĩa là quả Dự lưu có thể tác chứng hướng hoặc là quả Dự lưu, cho đến quả A-la-hán có thể tác chứng hướng hoặc là quả A-la-hán, tức là quyết định có riêng quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc quyết định có riêng quả Dự lưu, cho đến quyết định có riêng quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, nên quyết định có riêng quả A-la-hán. Người ấy đáp: Đúng như thế.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không, là quả Ala-hán có thể tác chứng hướng chứng được quả A-la-hán? Người ấy đáp: Đúng như thế.

Này thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu có tám loại Bổ-đặc-già-la quyết định được thành lập thì không hề lẫn lộn, nghĩa là quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc là quả Dự lưu, cho đến quả A-la-hán đều có thể tác chứng hướng, hoặc là quả A-la-hán, nên quyết định có riêng quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc quyết định có riêng quả Dự lưu, cho đến quyết định có riêng quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, tức là quyết định có riêng quả A-la-hán, không nên nói quả A-la-hán có thể tác chứng hướng được quả A-la-hán. Thầy nói như thế không đúng đạo lý.

Nay nếu thầy nói quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, được quả A-la-hán, thì không nên nói là có tám loại Bổ-đặc-già-la, quyết định được thành lập không hề lẫn lộn. Nghĩa là quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc là quả Dự lưu, cho đến quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, hoặc là quả A-la-hán, tức là quyết định có riêng quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, quyết định chỉ có riêng quả Dự lưu, cho đến quyết định có riêng quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, hoặc quyết định có riêng quả A-la-hán.

Nói có tám loại Bổ-đặc-già-la, quyết định được thành lập không lẫn lộn. Nghĩa là quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc là quả Dự lưu, cho đến quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, hoặc là quả A-lahán, tức là quyết định có riêng quả Dự lưu có thể tác chứng hướng, hoặc quyết định có riêng quả Dự lưu, cho đến quyết định có riêng quả A-lahán có thể tác chứng hướng, nên quyết định có riêng quả A-la-hán, thì không đúng đạo lý.

Người ấy nói: Quả A-la-hán có thể tác chứng hướng nhất định phải được quả A-la-hán. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không: Nó tức là nó? Đáp: Không đúng.

Này thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu có quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, nhất định phải được quả A-lahán, thì nên nói nó tức là nó. Thầy nói lời ấy không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói nó tức là nó, thì không nên nói quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, nhất định phải được quả A-la-hán. Nếu nói quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, nhất định phải được quả A-la-hán thì không đúng đạo lý.

Nếu nói nó tức là nó, nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không: Người ấy tác chứng hướng tức là đã trụ vào quả? Đáp: Không đúng.

Thầy hãy lắng nghe kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu nó tức là nó thì nên nói: Người ấy có thể tác chứng hướng tức là đã trụ vào quả… Thầy nói lời đó không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói người ấy tác chứng hướng tức là đã trụ vào quả, thì không nên nói nó tức là nó. Nếu nói nó tức là nó thì không đúng đạo lý.

Lại nếu nói nó tức là nó, nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không: Các quả A-la-hán có thể tác chứng hướng mà chưa hoàn toàn lìa bỏ tham, chưa hoàn toàn lìa bỏ kiêu mạn, chưa hoàn toàn lìa bỏ vô minh…, do hữu học và còn tạo tác. Khi các quả A-la-hán đã hoàn toàn lìa bỏ tham, đã hoàn toàn lìa bỏ kiêu mạn, đã hoàn toàn lìa bỏ vô minh, việc đó là do vô học và việc làm đã xong? Người ấy đáp: Đúng như thế.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng? Người đó đang tạo tác tức là việc làm đã xong? Đáp: Không đúng.

Này thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu nó tức là nó, vậy thì nên nói người ấy đang tạo tác tức là việc làm đã xong. Thầy nói như vậy không hợp đạo lý. Nếu thầy không nói người ấy đang tạo tác tức là việc làm đã xong, thì không thể nói nó tức là nó. Nếu nói nó tức là nó thì không đúng đạo lý.

Nếu lại nói: Nó khác với nó. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng? Là các quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, khi đã dứt thì được sinh lên quả A-la-hán? Đáp: Không đúng.

Này thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu nói nó khác với nó thì mới có thể nói rằng các quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, dứt rồi liền sinh lên quả A-la-hán. Nếu thầy nói thế thì không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói các quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, dứt rồi liền được sinh lên quả A-la-hán, thì không nên nói là nó khác với nó. Nếu nói nó khác với nó thì không đúng đạo lý.

Nếu lại nói: Không có thể nói nó hoặc là nó, hoặc là khác. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Là các quả A-lahán có thể tác chứng hướng được quả A-la-hán. Nói như thế thì cũng không thể nói hoặc là nó, hoặc là khác? Đáp: Không đúng thế.

Này thầy hãy lắng nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu không thể nói nó hoặc là nó, hoặc là khác, thì nên nói các quả A-la-hán có thể tác chứng hướng được quả A-la-hán. Lời nói như thế cũng không thể nói hoặc là nó, hoặc là khác. Thầy nói lời đó thì không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói các quả A-la-hán có thể tác chứng hướng, chứng được quả A-la-hán, nói như thế thì cũng không thể nói hoặc là nó, hoặc là khác, thì không nên nói là không thể nói cái đó hoặc là nó, hoặc là khác. Nếu nói không thể nói cái đó hoặc là nó, hoặc là khác, thì không đúng đạo lý.

Có kẻ luận về Bổ-đặc-già-la đã nói: Là nghĩa chắc thật, là nghĩa hơn hết. Bổ-đặc-già-la có thể được, có thể chứng, các loại hiện có đều có. Thế nên nhất định là có Bổ-đặc-già-la.

Luận về tánh không đã hỏi: Thầy có cho điều này là đúng không? Nghĩa là trong Khế kinh, Đức Thế Tôn đã khéo giảng dạy trình bày, có nói: Có ba nhóm được quyết định thành lập không hề lẫn lộn, đó là nhóm Bất định, nhóm Tà tánh định, nhóm Chánh tánh định, thì quyết định là có riêng nhóm Bất định, có riêng nhóm Tà tánh định, có riêng nhóm Chánh tánh định? Người ấy đáp: Đúng như thế.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không, là có người ở nhóm Bất định nhập vào nhóm nhất định là Tà tánh? Đáp: Không đúng.

Này thầy hãy nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu có ba nhóm quyết định được thành lập không hề lẫn lộn, nghĩa là có nhóm Bất định, nhóm Tà tánh định, nhóm Chánh tánh định, thì quyết định là có riêng nhóm Bất định, có riêng nhóm Tà tánh định và có riêng nhóm Chánh tánh định, thì không thể nói là có người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Tà tánh định. Vì thầy nói như thế là không đúng đạo lý.

Nay nếu thầy nói là có người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm

Tà tánh định, thì không nên nói có ba nhóm quyết định được thành lập không hề lẫn lộn. Nghĩa là có nhóm Bất định, nhóm Tà tánh định, nhóm Chánh tánh định tức là nhất định có riêng nhóm Bất định, có riêng nhóm Tà tánh định và có riêng nhóm Chánh tánh định. Nói có ba nhóm quyết định được thành lập không hề lẫn lộn, nghĩa là có nhóm Bất định, nhóm Tà tánh định, nhóm Chánh tánh định, nên quyết định có riêng nhóm Bất định, có riêng nhóm Tà tánh định và có riêng nhóm Chánh tánh định…, thì không đúng đạo lý.

Vì người ấy nói: Nhất định là có người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Tà tánh định. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không. Cái đó tức là nó? Đáp: Không đúng.

Này thầy hãy nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu nhất định là có người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Tà tánh định thì nên nói cái đó tức là nó. Nhưng điều thầy nói đó là không đúng đạo lý. Nếu thầy không nói cái đó tức là nó, thì cũng không nên nói nhất định là có người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Tà tánh định, vì nó không đúng đạo lý.

Nếu lại nói: Cái đó tức là nó. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng? Nghĩa là những người đang ở nhóm Bất định tức là cũng ở nhóm Tà tánh định? Đáp: Không đúng.

Này thầy nên lắng nghe kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu cái đó tức là nó thì mới có thể nói những người đang ở nhóm Bất định cũng tức là đang ở nhóm Tà tánh định. Nếu thầy nói như thế thì không đúng đạo lý. Còn nếu thầy không nói những người đang ở nhóm Bất định cũng tức là đang ở nhóm nhất Tà tánh định, thì không nên nói cái đó tức là nó. Nếu cái đó tức là nó thì không đúng đạo lý.

Lại nếu như nói cái đó tức là nó, nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không, nghĩa là khi trụ vào nhóm Bất định thì vẫn có được khả năng làm sinh ra các loại căn – lực – giác chi vô lậu, còn khi trụ vào nhóm Tà tánh định thì không có khả năng đó? Người ấy đáp: Đúng như vậy.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Là người ấy có khả năng làm được tức là không có khả năng? Đáp: Không đúng.

Thầy nên nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu cái đó tức là nó thì mới có thể nói rằng người ấy có khả năng làm được cũng tức là không có khả năng. Vì nếu thầy nói thế thì không đúng đạo lý. Còn nếu thầy không nói: Người ấy có khả năng làm được cũng tức là không có khả năng, thì không nên nói cái đó tức là nó. Vì nếu nói cái đó tức là nó thì không đúng đạo lý.

Lại có lời nói: Cái đó khác với nó. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Những người đã trụ vào nhóm Bất định, khi dứt rồi thì liền sinh vào nhóm Tà tánh định? Đáp: Không đúng.

Này thầy hãy nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu cái đó khác với nó mới có thể nói những người đang trụ ở nhóm Bất định, khi dứt rồi thì liền sinh vào nhóm Tà tánh định. Thầy nói điều đó không đúng đạo lý. Còn nếu thầy không nói người đang trụ ở nhóm Bất định, khi dứt rồi thì liền sinh vào nhóm Tà tánh định, như thế không nên nói cái đó khác với nó. Nếu nói cái đó khác với nó thì không đúng đạo lý.

Lại có lời nói này: Không thể nói cái đó hoặc là nó, hoặc là khác nó. Nên liền hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Những người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Tà tánh định. Như lời nói đó thì cũng không thể nói hoặc là nó, hoặc là khác nó? Người ấy đáp: Không đúng.

Này thầy nên nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu không thể nói cái đó hoặc là nó, hoặc là khác nó, thì có thể nói những người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Tà tánh định. Như lời nói đó thì cũng không thể nói hoặc là nó, hoặc là khác. Thầy nói thế nên không đúng đạo lý. Nếu như thầy không nói những người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Tà tánh định. Như lời nói đó thì cũng không thể nói cái đó hoặc là nó hoặc khác nó…, thì không nên nói là không thể nói cái đó hoặc là nó hoặc khác nó. Nếu nói không thể nói cái đó hoặc là nó hoặc khác nó, thì không đúng đạo lý.

Có kẻ luận về Bổ-đặc-già-la nói: Là nghĩa chắc thật, là nghĩa hơn hết. Bổ-đặc-già-la có thể được, có thể chứng, các loại hiện có đều có. Thế nên nhất định là có Bổ-đặc-già-la.

Luận về tánh không thì hỏi: Thầy có cho điều này là đúng chăng, nghĩa là trong Khế kinh, Đức Thế Tôn đã khéo giảng dạy trình bày: Có ba nhóm quyết định được thành lập không hề lẫn lộn, nghĩa là có nhóm Bất định, nhóm Tà tánh định, nhóm Chánh tánh định, thì quyết định là có riêng nhóm Bất định, có riêng nhóm Tà tánh định, có riêng nhóm Chánh tánh định? Người ấy đáp: Đúng thế.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không, tức là có người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Chánh tánh định? Người ấy đáp: Đúng như vậy.

Thầy hãy nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu có ba nhóm quyết định được thành lập không hề lẫn lộn, nghĩa là có nhóm Bất định, nhóm Tà tánh định, nhóm Chánh tánh định, thì quyết định là có riêng nhóm Bất định, có riêng nhóm Tà tánh định, có riêng nhóm Chánh tánh định…, thì không thể nói là có người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Chánh tánh Định. Thầy nói thế là không đúng đạo lý. Còn nếu thầy nói có nhiều người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Chánh tánh định, thì không nên nói là có ba nhóm quyết định thành lập không hề lẫn lộn. Nghĩa là có nhóm Bất định, có nhóm Tà tánh định, có nhóm Chánh tánh định, thì quyết định là có riêng nhóm Bất định, có riêng nhóm Tà tánh định, có riêng nhóm Chánh tánh định… Nói có ba nhóm quyết định được thành lập không hề lẫn lộn, nghĩa là có nhóm Bất định, có nhóm Tà tánh định, nhóm Chánh tánh định, tức quyết định là có riêng nhóm Bất định, có riêng nhóm Tà tánh định và có riêng nhóm Chánh tánh định …, như thế thì không đúng đạo lý.

Người ấy lại nói: Nhất định là có người từ nhóm Bất định mà nhập vào nhóm Chánh tánh định. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không: Cái đó tức là nó? Đáp: Không đúng.

Thầy hãy nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu nhất định có người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Chánh tánh định, thì mới có thể nói là cái đó tức là nó. Lời thầy nói như thế là không đúng đạo lý. Còn nếu như thầy không nói cái đó tức là nó, thì thầy mới có thể nói nhất định là có người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Chánh tánh định. Vì nếu nói nhất định là có người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Chánh tánh định thì không đúng đạo lý.

Nếu cứ nói cái đó tức là nó. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Là những người đang trụ vào nhóm Bất định thì cũng tức là trụ vào nhóm Chánh tánh định? Đáp: Không đúng.

Này thầy nên nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu cái đó tức là nó thì nên nói những người đang trụ vào nhóm Bất định cũng tức là trụ vào nhóm Chánh tánh định. Thầy nói điều đó lại không đúng đạo lý. Còn nếu thầy không nói những người đang trụ ở nhóm Bất định cũng tức là trụ vào nhóm Chánh tánh định thì không nên nói cái đó tức là nó, vì nếu nói cái đó tức là nó, thì không đúng đạo lý.

Lại nếu cứ nói là cái đó tức là nó. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không? Những người đang trụ ở nhóm Bất định là hữu lượng phước điền, còn trụ vào nhóm Chánh tánh định thì có vô lượng phước điền? Người ấy đáp: Đúng như vậy.

Lại hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng: Những người hữu lượng phước điền tức là có vô lượng phước điền? Đáp: Không đúng.

Thầy nên nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu cái đó tức là nó thì mới có thể nói những người hữu lượng phước điền tức là vô lượng phước điền, vì thầy nói như thế thì không đúng đạo lý. Còn như thầy không nói những người hữu lượng phước điền tức là có vô lượng phước điền, thì không nên nói cái đó tức là nó. Vì nếu nói cái đó tức là nó, thì không đúng đạo lý.

Còn như có lời nói: Cái đó là khác với nó. Nên hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng chăng, là những người trụ vào nhóm Bất định, dứt rồi liền sinh và trụ vào nhóm Chánh tánh định? Đáp: Không đúng.

Này thầy hãy nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu cái đó khác với nó thì nên nói những người đang trụ ở nhóm Bất định khi dứt rồi, liền sinh vào nhóm Chánh tánh định. Thầy nói điều đó là không đúng đạo lý. Còn nếu thầy không nói những người đang trụ ở nhóm Bất định, khi dứt rồi thì được sinh vào ở nhóm Chánh tánh định, thì không nên nói cái đó khác với nó. Nếu nói cái đó khác với nó thì không đúng đạo lý.

Nếu lại nói lời này: Không thể nói cái đó hoặc là nó hoặc khác nó. Nên liền hỏi người ấy: Thầy có cho điều này là đúng không: Có những người trụ từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Chánh tánh định. Nếu nói như thế thì cũng không thể nói hoặc là nó hoặc khác nó? Người ấy đáp: Không đúng.

Này thầy nên nghe kỹ kẻo bị xem là tranh luận thua. Nếu không thể nói cái đó hoặc là nó, hoặc là khác thì nên nói có những người từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Chánh tánh định. Lời nói như thế cũng không thể nói hoặc là nó, hoặc là khác nó. Lời thầy nói thế là không đúng đạo lý. Còn nếu như thầy không nói có những người trụ từ nhóm Bất định nhập vào nhóm Chánh tánh định, thì nói như thế cũng không thể nói hoặc là nó, hoặc là khác nó, tức là không nên nói không thể nói cái đó hoặc là nó, hoặc là khác nó. Nếu nói không thể nói cái đó hoặc là nó, hoặc là khác nó, thì không đúng đạo lý.