LUẬN A TỲ ĐẠT MA THUẬN CHÁNH LÝ
Tác giả: Tôn giả Chúng Hiền
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 59

Phẩm thứ 6: BIỆN VỀ HIỀN THÁNH, phần 3

Nay nên xét chọn: Ở trong Thánh đế ngưòi tìm cầu kiến chân thật đầu tiên là tu hạnh gì? Trong địa của nghiệp ban đầu cầu kiến Thánh đế, đã hành tập nghi thức thật là nhiều rộng. Người muốn hiểu biết khắp, phải ở nơi chúng Thánh, tập hợp quán hành, suy tìm trong các luận. Nói tóm tắt, người đầu tiên tu hành tức nên đối với giải thoát, gồm đủ ý lạc sâu xa, quán xét đức của Niết-bàn, là trái với lỗi của sinh tử. Trước nhất cần nên vận dụng phương tiện để gần gũi bạn lành, vì bạn lành có khả năng làm gốc của chúng hành, gồm đủ các sức như văn, tư v.v…, nên được mang tên bạn lành. Thí dụ như lương y ở nơi cương vị chữa trị bệnh. Trước hết là quán xét kỹ về các người có bệnh: Những gì là bản tánh? Vì sao biến đổi khác? Mức độ như thế nào, có uy lực gì? Nơi chốn thời gian nào tập thành tánh gì? Chí hướng gì, có lỗi gì, pháp nào đã thuận theo? Ăn uống như thế nào? Hành tác nghiệp gì? Trụ nơi phần vị nào? Bệnh nhân từ trước đến nay đã quen uống thuốc gì?

Tiếp theo xem qua công năng chữa trị của các vị thuốc, theo chỗ thích hợp với chứng bệnh để trao cho, khiến tăng nhiệt thêm chất béo. Hoặc cho uống thuốc thang để đẩy lùi các bệnh. Phàm công sức trao cho thuốc như thế đều không vô ích. Bậc tôn kính đầy đủ bi trí cũng lại như thế. Trước hết quán xét về bệnh nặng do phiền não bức bách. Đầu tiên muốn các chúng đệ tử hành tập nghiệp, cần phải nhận biết rõ: Những gì là bản tánh của chúng? Là hành tham chăng? Nói rộng cho đến là hành xen tạp chăng? Vì sao biến đổi khác? Cái gì đã khiến biến đổi? Là đã trải qua trụ lâu hay là tạm thời như thế? Khiến trái với bản tánh là có công năng gì? Mức độ ra sao? Vì cầu đạt những thứ tốt đẹp ở đời hay là mong cầu có được công đức kiên cố xuất thế gian? Có uy lực gì? Thân đã dựa vào uy lực kia là rất vững chắc, nên đã có thể chịu đựng khổ nhọc. Nếu ở một mình nơi chốn vắng lặng, chuyên tinh thọ nhận hành trì, công đức Đỗ đa (Hạnh đầu đà) là hoàn toàn thuận hợp. Vì ở nơi xứ nào có? Ở nơi chốn này thì đức ấy mất. Xứ sinh cũng thuận hợp sinh các thứ được mất. Nên về lý cần quán xét là ở vào thời gian nào thì có? Ở thời gian này tức vui thích, nên ở vào thời này cũng thuận với tâm sinh vui thích, nên về lý cần phải quán xét. Hoặc là phần vị căn thành thục gọi là đúng thời. Tập thành tánh gì, từ trước đến nay là theo tánh ấy? Quen tập đức gì khiến nay thành tánh này? Có chí tánh gì? Là tánh khiếp nhược, thấp kém hay là tánh kiên cường, dũng mãnh? Có thể ở nơi chốn thanh vắng, do tánh chịu đựng khổ cực hay là rất dũng mãnh có thể gánh vác việc lớn lao khó nhọc?

Có lỗi lầm gì? Là tăng thượng mạn hay là bị lôi kéo dẫn dắt do ngôn thuyết của người khác? Vì có nhiều tầm tứ hay là tánh ngu tối? Là nhiều quanh co, dua nịnh hay là tánh thô tháo quấy nhiễu? Là vì tham nên cung kính, phụng sự, hay là vì yêu thích lợi dưỡng? Là nhiều kiến giải tà vạy hay là nhiều nghi hoặc? Pháp nào đã thuận theo là do từ phiền não nào? Đối tượng theo đuổi vững chắc hay là có thể nghiêng động?

Chúng đệ tử kia nên ăn uống như thế nào để thuận ích cho thân? Vì thân dựa vào ăn uống để trụ, nên cần phải quán xét. Chúng đệ tử kia có hành nghiệp gì trước đã thực hiện khiến thuận với trước mà tu, nên phải quan sát xem trụ ở phần vị nào? Công đức, lỗi lầm tùy thuộc phần vị, tuổi tác nên khác. Cần phải quán xét chỗ thích nghi kia để trao cho.

Những gì là thuốc pháp, là nên xả bỏ hẳn hay là nên trách mắng, đuổi đi? Là phải khen ngợi, khích lệ, hay là nên răn dạy, chỉ bày?

Tiếp theo nên quan sát các môn đối trị, tùy theo đối tượng ứng hợp thì trao cho khiến học, đều khiến đạt được lợi ích, công sức không uổng phí.

Do đấy, trong Khế kinh Đức Thế Tôn nói: Gần gũi bạn lành gọi là hoàn toàn phạm hạnh. Hành giả đã được bạn lành thâu giữ thuyết giảng chánh pháp, thì nên tu hạnh gì? Tụng nêu:

Sắp hướng đạo kiến đế

Nên trụ giới siêng tu

Văn, tư, tu tạo thành

Tức gọi cảnh nghĩa hợp.

Luận nói: Các hữu tình phát tâm, sắp hướng kiến đế, nên trước hết là an trụ nơi Thi la thanh tịnh. Sau đó, siêng năng tu văn tạo thành v.v… Nên Đức Thế Tôn chỉ rõ: Nương trụ nơi Thi la, ở trong hai pháp có thể siêng năng tu tập. Nghĩa là trước an trụ nơi giới thanh tịnh xong. Lại thường gần gũi với các Sư Du già, tùy theo Sư Du già chỉ dạy truyền trao, khiến siêng năng tinh tấn lãnh hội (văn), thâu nhận thuận với kiến đế. Nghe xong siêng cầu nghĩa của pháp đã nghe, khiến cho lời chỉ dạy của thầy sinh khởi tuệ tăng trưởng dần vượt hơn, dần sáng tỏ, cho đến thuần thục. Không phải chỉ ở đây sinh tâm biết đủ. Lại, đối với nghĩa của pháp, tự chuyên chú tư duy, lựa chọn.

Như thế, như thế quyết định tuệ sinh, tự tư duy làm nhân quyết định tuệ sinh xong, tức có thể siêng năng tu tập, tu hai thứ đối trị tự tướng và cộng tướng của các phiền não v.v…

Nay ở trong đây, lược gồm thâu nghĩa: Nghĩa là người tu hành, trụ nơi giới siêng tu, dựa vào tuệ do văn tạo thành, khởi tuệ do tư tạo thành. Dựa vào tuệ do tư tạo thành, khởi tuệ do tu tạo thành.

Tướng của ba tuệ này sai biệt như thế nào?

Nghĩa là như thứ lớp duyên nơi danh cùng cảnh của nghĩa, lý thật thì ba tuệ thật ở vào thời kỳ thành mãn, tất cả đều chỉ duyên nơi nghĩa làm cảnh. Bấy giờ, khó biện về tướng riêng khác của ba tuệ. Nên nay lại căn cứ ở phần vị gia hạnh để biện minh nói về văn, tư, tu duyên nơi danh cùng nghĩa. Không phải chỉ duyên nơi cảnh của danh mà có quyết định tuệ sinh. Tuệ do văn tạo thành, không chỉ duyên nơi cảnh của danh, nhưng vì tùy theo danh, cú, văn, thân do sư đã thuyết giảng, nên đối với nghĩa có sai biệt, có tuệ quyết định sinh. Tuệ này gọi là tuệ do văn tạo thành.

Căn cứ theo hướng nhập phương tiện giảng nói, chỉ duyên nơi danh văn tuệ thành xong, là nhận biết về nghĩa riêng. Lại thêm siêng năng tinh tấn, tự xét kỹ, tư duy, lựa chọn, vì muốn khiến cho tư duy lựa chọn không nhầm lẫn sai lạc. Lại nhớ đến danh cú văn thân do thầy đã chỉ dạy, do đấy về sau đối với các nghĩa sai biệt sinh tuệ quyết định gọi là do tư tạo thành. Khi gia hạnh này do sức của nghĩa tư duy dẫn suy nghĩ đến danh, nên nói duyên nơi cùng cảnh. Tư tuệ thành rồi thì đẳng dẫn hiện tiền, không đợi danh ngôn tức chứng nghĩa sai biệt. Tuệ quyết định này gọi là do tu tạo thành.

Các Sư Du già ở trong đây đã lập dụ: Như người vẽ tranh nhiều màu sắc. Khi hành tập vẽ tranh nhiều màu sắc, đầu tiên là kính nhận bức vẽ gốc từ thầy, xét kỹ, ngắm nhìn hình tướng càng gần với bức vẽ gốc, theo đấy mà học, thường xóa bỏ, thường tập, cho đến thật quen thuộc. Sau đó thì bỏ hẳn bức họa gốc, thường tư duy, thường tập theo nhằm khiến cho sự hành tập không có nhầm lẫn sai sót. Lại đem so sánh bức tranh tập vẽ với bức họa gốc, khiến bức họa do mình vẽ là bằng với bản gốc, hoặc thêm bớt nhiều ít. Không như vậy thì chỗ hành tập không có lý tăng tiến.

Do đấy, thời gian sau, tác phẩm vẽ chuyển hơn. Không nhọc công nhìn ngắm bức họa gốc, mà tùy theo ý muốn của mình đều thành. Pháp hành tập ba tuệ, nên biết cũng như thế.

Sư Tỳ-bà-sa lại lập riêng dụ. Như có một loại hữu tình bơi lội, lặn sâu, nhanh ở nước. Người chưa từng học bơi lội, không thể lìa khỏi bờ và phao bơi. Người từng học lội nhưng chưa thành thạo, có thể tạm lìa bỏ bờ nhưng cách không xa, sợ bị chìm nên bơi trở lại vào bờ, hoặc giữ chặt chân vào chỗ dựa. Người từng học bơi và đã khéo thành thạo, có thể bơi không mệt nhọc, không cần nhìn đến bờ, chỗ nương dựa. Tuy bơi lặn lội ở chỗ nước thật sâu, có dòng nước xoáy mạnh rất nguy hiểm, mà vẫn có thể thoát khỏi bị chìm, tự tại bơi qua.

Như thế, nên biết ba tuệ là cùng riêng khác.

Kinh chủ cho là tư tuệ này không thành. Nghĩa là tư tuệ này đã duyên chung nơi danh, duyên nơi nghĩa, như thứ lớp, nên là do văn tu tạo thành.

Nay xem rõ ba tướng là không vượt quá dị biệt. Nghĩa là người tu hành dựa vào văn (lãnh hội) chí giáo, sinh khởi tuệ thù thắng, gọi là do văn tạo thành. Dựa vào tư duy về chánh lý, sinh khởi tuệ thù thắng, gọi là do tư tạo thành. Dựa vào tu đẳng trì, sinh khởi tuệ thù thắng, gọi là do tu tạo thành.

Kinh chủ kia vì chưa thấu đạt ý của Tỳ-bà-sa, nên nói như thế. Tuy nhiên, ý của Tỳ-bà-sa biện về ba tướng có riêng khác, không phải như vậy. Nghĩa là nếu khi có tuệ ở nơi gia hạnh, do sức của duyên nơi danh, dẫn sinh nghĩa được lãnh hội. Tuệ của đối tượng dẫn này, gọi là do văn tạo thành. Nếu lúc gia hạnh, do sức tư duy về nghĩa, dẫn đến suy niệm về danh mà hiểu, do đấy, về sau sinh tuệ quyết định, gọi là do tư tạo thành. Nếu không chờ đợi danh, chỉ quán nơi nghĩa, khởi tuệ nội chứng, gọi là do tu tạo thành. Như tông của Tỳ-bà-sa kia đã biện về ba tuệ này, tuy đều là tướng quyết định nhưng không có sai biệt. Dựa nơi đẳng trì của chánh lý thuộc chí giáo, vì nhân không đồng nên ba tướng có riêng khác.

Như thế, khi tông tôi đã biện về ba tuệ này thành, duyên nơi nghĩa, tướng tuy không riêng khác, nhưng dựa theo duyên nơi danh, duyên cùng có, duyên nơi nghĩa, vì gia hạnh riêng khác, nên ba tướng có dị biệt. Lại do tư tạo thành là tư duy về chánh lý, tuệ quyết định đã sinh làm gia hạnh này, uy lực kiên cường, không có sai lầm.

Lại nghĩ đến danh, cú, văn thân của sư đã chỉ dạy, là trợ bạn cho gia hạnh do tư tạo thành.

Căn cứ theo gia hạnh để nói duyên chung nơi danh, nghĩa, không phải ở phần vị thành mãn, cũng có thể duyên chung. Thế nên ở nơi phần vị sinh của ba tuệ quyết định, tuy đều cùng duyên nơi nghĩa, tướng không sai biệt, nhưng vì trong gia hạnh có sai biệt. Phái Tỳ-bà-sa đã căn cứ theo đấy để hiển bày riêng.

Đã như vậy thì tư tuệ không phải là không thành. Người ở nơi vắng vẻ, nói tuệ do văn tạo thành tại phần vị hiện tiền, khinh an, sáng tỏ chưa hiện khắp nơi đối tượng nương dựa, cũng không trụ kiên cố. Ở phần vị tư tuệ hành, khinh an, sáng tỏ chưa hiện khắp đối tượng nương dựa, được chút ít an trụ vững chắc. Ở phần vị tu tuệ hiện hành, do sức của định đã dẫn đại chủng thù thắng, hiện có khắp trong thân nên liền có khinh an sáng tỏ thù thắng đầy khắp trong thân, cùng nối tiếp an trụ vững chắc. Do đấy, hành giả ở nơi phần vị này, đối tượng nương dựa là hết sức khinh an, dung mạo tươi nhuận đặc biệt khác thường. Tướng của ba tuệ có sai biệt là như thế. Phần vị còn lại thì bất định nhưng cũng có sáng tỏ, tuy nhiên không phải đều là thuộc về văn tuệ, tư tuệ. Ở đây hai tuệ gọi là tạo thành: Là nghĩa nhân nơi sức của văn, tư đã sinh khởi. Tu tuệ thứ ba, gọi là tạo thành, tức là nghĩa dùng tu làm tự tánh. Như nói: Mang khí do thức ăn vật báu tạo thành.

Các hữu tình muốn ở nơi tu tinh tấn, siêng năng tu học, làm sao thân khí được thanh tịnh, khiến tu mau chóng thành tựu? Tụng nêu:

Cùng thân tâm xa lìa

Không chẳng đủ dục lớn

Là đã được, chưa được

Cầu nhiều gọi là không.

Trị cõi ba cùng trái

Vô lậu, tánh không tham

Bốn Thánh chủng cũng vậy

Ba trước chỉ biết đủ.

Ba sinh đủ nghiệp sau

Vì trị bốn ái sinh

Sự dục ngã, ngã sở

Tạm dứt, vĩnh viễn trừ.

Luận nói: Thân khí thanh tịnh lược do ba nhân, đó là: (1) Thân tâm xa lìa. (2) Biết đủ, ít dục. (3) Trụ nơi bốn Thánh chủng.

Nghĩa là nếu người muốn khiến việc tu tập mau chóng thành tựu, thì chủ yếu trước hết là siêng năng tinh tấn, tinh luyện thân khí thanh tịnh. Muốn khiến thân khí được thanh tịnh đầu tiên là cần tu tập thân tâm xa lìa.

Thân xa lìa: Nghĩa là xa lánh bạn ác. Tâm xa lìa: Nghĩa là lìa bỏ tầm ác. Do thân tâm xa lìa bạn ác tầm ác nên thân khí thanh tịnh, tâm dễ được định. Hai thứ này do đâu dễ có thể thành tựu?

Do đối với các thứ y phục thức ăn uống v.v… luôn biết đủ, ít ham muốn. Nói biết đủ: Nghĩa là không gì là không biết đủ. Ít ham muốn: Nghĩa là không ham muốn nhiều. Các hữu tình mong cầu nhiều những vật dụng hỗ trợ đời sống, ban ngày thì quen thân với đám bạn xấu, đêm đến thì dấy khởi tầm tứ xấu ác. Do đấy, không cùng khiến tâm được định.

Vì sao hoàn toàn không có hai thứ sai biệt?

Nghĩa là đối với trường hợp đã được nhiều y phục v.v… tốt đẹp, thì hận không được nhiều hơn gấp bội các thứ y phục này. Tức ở trong đây hiển bày là cùng vượt hơn gấp bội. Lại, vì vui thích mong muốn nên gọi là không biết đủ. Nếu ở nơi trường hợp chưa được nhiều thứ y phục v.v… tốt đẹp, vì mong cầu có được, nên gọi là ham muốn nhiều. Các vật hiện có đủ khả năng đối trị khổ, nếu lại mong cầu nhiều, tức vượt quá phẩm thiện, là nghĩa ở đây. Như Khế kinh nói: Tùy theo những thứ có được thân an vui, khiến tâm dễ định và có thể thuyết pháp. Nên có người mong cầu vật trị khổ: Đây là hỗ trợ đạo, không phải là lỗi lầm. Nên Kinh chủ nói: Tức tạo ra thuyết này: Đối với các vật đã có được không tốt đẹp, không nhiều, buồn bã đối chiếu không vui vẻ, gọi là không biết đủ. Đối với các trường hợp chưa được y phục v.v…, mong cầu tốt đẹp, mong cầu nhiều, gọi là ham muốn nhiều, là không hợp với chánh lý. Vì sao? Vì nếu đã được vật, chưa có thể đối trị khổ, buồn bã đối chiếu không vui vẻ. Nếu đều chưa được vật có khả năng đối trị khổ, mà mong cầu được, thì điều ấy không chướng ngại định, đâu có lỗi lầm.

Lại đả kích Đối pháp đã biện về tướng, nói: Há không phải là lại cầu, cũng duyên nơi chưa được, hai thứ này sai biệt liền nên không thành.

Về lý cũng không đúng, vì không phải là phái Đối pháp. Nói đối với trường hợp đã được nhiều y phục v.v… tốt đẹp, lại riêng vui cầu các thứ chưa được còn lại như nhiều y phục đẹp đẽ, gọi là không biết đủ, vì sao nói là hai thứ sai biệt không thành?

Nếu như vậy thì điều đã nói có ý nghĩa gì?

Nghĩa là đối với trường hợp đã được đủ nhiều y phục v.v… tốt đẹp, có thể đối trị khổ, tức ở trong đây đã hiển bày cùng vượt hơn gấp bội. Lại sinh mong muốn, tức giận vì trước đã không được. Y phục v.v… này là nhiều gấp bội, đẹp gấp bội, gọi là không biết đủ.

Đối với trường hợp đã đạt được đủ, có thể đối trị khổ, lại mong cầu gấp bội, mới có thể làm chướng ngại định, tức không phải đối với trường hợp đã được, chưa có thể đối trị khổ, lại mong cầu gấp bội, liền có thể làm chướng ngại định, nên phái Đối pháp đã nói là không có lỗi. Hoặc không biết đủ, tuy lại mong cầu, vì so với ham muốn nhiều là khác, nên không có lỗi. Nghĩa là trước đã được các thứ vật dụng nuôi sống thân, không bị thiếu ít, nhưng lại mong cầu, thì mong cầu như thế, từ ở vật đã được, tâm không biết đủ đã dẫn sinh, nên quả thọ nhận tên của nhân, gọi là không biết đủ. Ở phần trước chưa được các vật dụng nuôi sống thân mạng, tâm không đoái nghĩ, quá lượng mong cầu, thì mong cầu như thế, gọi là ham muốn nhiều.

Hai thứ sai biệt, tướng của chúng là như thế. Biết đủ, ít ham muốn có thể đối trị hai thứ này. Cùng với hai thứ này trái nhau, nên biết là cùng riêng khác. Nghĩa là đối trị không biết đủ là cùng trái với không biết đủ, tức tướng biết đủ này có thể đối trị ham muốn nhiều. Cùng trái với ham muốn nhiều là tướng ít ham muốn, là đối với vật đã được, có khả năng đối trị khổ, không lại mong cầu, gọi là biết đủ. Đối với vật chưa được, có thể đối trị trị khổ, không quá lượng cầu, gọi nghĩa ít ham muốn. Biết đủ, ít ham muốn, về cõi là hệ thuộc chung nơi ba. Cũng có khi vượt qua ba, là thuộc về vô lậu. Nghĩa là tâm thiện tương ưng hệ thuộc cõi dục. Biết đủ, ít ham muốn là hệ thuộc cõi dục, vô lậu nơi hai cõi là so sánh với cõi dục, nên nêu rõ.

Đối tượng đối trị hai thứ này chỉ thuộc cõi dục. Lấy gì để chứng biết cõi sắc, cõi vô sắc cũng có chủ thể đối trị là biết đủ, ít ham muốn?

Vì hiện thấy có người sinh ở cõi dục, từ cõi sắc, vô sắc v.v… khi đẳng dẫn khởi hai thứ đối tượng đối trị hiện hành là xa, nên hai thứ chủ thể đối trị hiện hành gia tăng.

Đã nói về tướng riêng của biết đủ, ít ham muốn, về tướng chung của hai thứ đó là không tham, do cả hai đều cùng có thể đối trị tham.

Tướng chung của đối tượng đối trị đó là dục tham.

Thánh chủng nên biết, như nói về chủ thể đối trị. Nghĩa là cũng chung nơi ba cõi, vô lậu là không tham. Như trong vô sắc, tuy không có cảnh oán, nhưng cũng có được căn thiện không sân, nên trong vô sắc, tuy không có y phục v.v…, nhưng cũng có được căn thiện không tham. Như cõi vô sắc kia không tham thân, thì cũng không tham các vật dụng nuôi sống thân, nên cõi vô sắc đầy đủ bốn Thánh chủng, thọ dục Thánh, là ở trong chủng Thánh có A-thế-da (ý lạc), nhưng không có gia hạnh nơi các Thánh chủng, nên gọi là Thánh chủng. Thánh chúng đều từ bốn Thánh chủng này sinh, lần lượt kế thừa, theo thứ lớp không dứt. Trước làm hạt giống của sau, thế gian đã cực thành. Pháp thân của chúng Thánh đều từ nơi y phục sinh. Các sức mạnh như biết đủ đã dẫn khởi, là chủng tộc Thánh, nên được danh xưng Thánh chủng.

Trong bốn thứ thì ba thứ trước, thể chỉ là biết đủ. Nghĩa là đối với y phục, thức ăn uống, vật dụng ngồi nằm, tùy trong chỗ hiện có được đều sinh biết đủ. Ba biết đủ này tức ba Thánh chủng. Căn thiện không tham có nhiều phẩm loại, trong đó, nếu đối trị tham của không biết đủ, thì đấy mới gọi là ba Thánh chủng trước. Thánh chủng thứ tư, nghĩa là vui đoạn, tu đoạn. Tức tu lìa trói buộc. Là Thánh đạo an vui. Nghĩa là đối với Thánh đạo kia, tình vui thích mến mộ sâu xa. Do vui đoạn và tu, gọi là vui đoạn. Tu tức là nghĩa vui thích mến mộ diệt và đạo. Hoặc tu của vui đoạn gọi là vui đoạn. Tu tức là nghĩa vui thích mến mộ đạo của diệt làm chứng Hoặc (phiền não) diệt nên vui tu đạo. Do đấy, có thể đối trị hữu tham, không hữu tham, nên đây cũng lấy không tham làm tánh.

Há không phải là loại thứ tư cũng có thể đối trị sân v.v…, tức nên cũng dùng không sân v.v… làm tánh? Không phải là không có nghĩa này, nhưng vì ba trước đã làm tư lương. Ba thứ trước chỉ là tánh không tham, loại thứ tư này cũng tự có thể đối trị tham, nên theo đấy hiển bày, nêu riêng.

Do đâu chỉ lập biết đủ làm Thánh chủng, không phải là ít ham muốn?

Vì người thiểu dục cùng đối với các vật như y phục v.v… là có ít mong cầu. Nghĩa là có người tánh của ý lạc là thấp kém, đối với cảnh chưa được không dám cầu nhiều. Nếu như đã được, phần nhiều là cùng cầu không dứt.

Người thấy rõ về biết đủ, đã có được một ít, hãy còn không cầu nữa, huống chi là được nhiều, nên chỉ biết đủ, được kiến lập làm Thánh chủng. Hoặc vì ngăn chận kẻ hành khổ hạnh là dục, nên không nói ít ham muốn (thiểu dục) dùng làm Thánh chủng, không phải tâm của ngoại đạo kia có dục vượt hơn, mà luôn có dục thấp kém huân tập cùng nối tiếp. Hoặc tùy theo chỗ đạt được sinh tâm hoan hỷ, không lại vui thích mong cầu, gọi là biết đủ. Đoạn ưa thích dục lạc thì đây là hơn hết. Hữu tình của cõi dục đa số ưa thích dục lạc. Ưa thích dục lạc này là trái với tâm xuất gia, ở trong phần lìa bỏ Hoặc, khiến tâm tối tăm, trì độn, có thể chướng ngại phạm hạnh, tĩnh lự hiện tiền. Vì lỗi lầm rất sâu, biết đủ có thể đối trị, nên chỉ biết đủ được kiến lập làm Thánh chủng. Không phải ở trong trường hợp chưa được nhiều y phục v.v…, khi khởi mong cầu, tâm sinh hoan hỷ, huống chi là đối với ít. Thế nên ít ham muốn (thiểu dục) ở trong chủ thể đối trị ưa thích dục lạc, vì không phải là hơn hết, nên không lập làm Thánh chủng.

Duyên nơi y phục v.v… đã sinh ra biết đủ, vì sao có thể nói là vô lậu? Ai nói biết đủ như thế là vô lậu?

Nếu như vậy thì Thánh chủng đâu thể đều chung nơi vô lậu?

Do Thánh chủng kia tăng thượng đã sinh khởi Thánh đạo. Vì Thánh chủng kia đã dẫn sinh, nên từ Thánh chủng đó được mang tên, nên nói Thánh chủng đều chung nơi vô lậu. Không thể nói: Duyên nơi y phục v.v… biết đủ hiện có đều chung nơi vô lậu. Vô lậu của ít ham muốn căn cứ theo đây nên giải thích. Nghĩa là thiểu dục kia tăng thượng đã xuất sinh Thánh đạo. Vì pháp kia đã dẫn sinh, nên theo Thánh chủng đó đặt tên, không phải Thánh đạo sinh do duyên nơi cảnh như y phục v.v…

Đức Thế Tôn vì sao thuyết giảng về bốn Thánh chủng?

Vì các đệ tử đã từ bỏ của cải, đời sống, sự nghiệp thế tục, quy y Phật xuất gia, vì Thánh chủng kia đã hiển bày chỉ rõ ở trong Thánh pháp Tỳ-nại-da của Phật có khả năng hỗ trợ đạo sinh đủ sự nghiệp. Nghĩa là có hữu tình chán lìa sinh tử, ở nơi gia đình xuất gia cầu giải thoát, có vật dụng sinh sống gì? Ở trong chỗ tùy theo y phục v.v… đã có được, sinh biết đủ sâu xa tạo tác sự nghiệp gì để vui thích vô cùng nhằm đoạn trừ tu tập. Khác với đây là không thể chứng đắc Niết-bàn.

Do đâu Thánh chủng chỉ bốn, không tăng không giảm? Vì ngang bằng với đây là đầy đủ nhân sinh Thánh.

Nghĩa là nhân sinh Thánh lược có hai thứ: (1) Dứt bỏ lỗi. (2) Thâu giữ đức.

Như thứ lớp tức là ba loại trước và loại thứ tư, thế nên chỉ bốn, không tăng, không giảm. Hoặc các thiện do văn, tư, tu tạo thành, đều là nương dựa giải thoát của Thánh chủng. Nhưng vì đối trị bốn thứ ái sinh, vì vậy Đức Thế Tôn lược nói bốn thứ. Do Khế kinh đã nói có bốn ái sinh. Nên Khế kinh nói: Bí-sô! Nên lắng nghe! Ái nhân nơi y phục, lúc nên sinh thì sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên chấp thì chấp.

Như thế, ái nhân nơi ăn uống, ngọa cụ cùng có không có đều nêu bày như thế.

Vì đối trị bốn thứ này, nên chỉ nói bốn Thánh chủng.

Đối với thuốc men luôn biết đủ, vì sao không phải là Thánh chủng?

Vì không nói ở nơi pháp kia có ái sinh, vì đối trị ái sinh, nên kiến lập Thánh chủng. Kinh chỉ thuyết giảng có bốn thứ ái sinh. Thế nên đối với thuốc men không lập Thánh chủng. Hoặc tức gồm thâu ở trong ba thứ trước. Nghĩa là thuốc có khi thuộc về ở trong y phục, có khi thuộc về ở trong thức ăn uống, có khi thuộc về ở trong các thứ ngọa cụ, nên biết đủ đối với thuốc men không lập riêng Thánh chủng. Hoặc nếu ở trong đó đã dẫn các lỗi như kiêu mạn v.v…, vì đối trị kiêu mạn kia, nên kiến lập Thánh chủng. Đối với thuốc men không có lỗi dẫn sinh kiêu mạn v.v…, nên Thánh chủng không có đối với thuốc sinh biết đủ.

Hoặc tất cả người đều thọ dụng. Nghĩa là đối với biết đủ kia, có thể lập Thánh chủng, vì không phải Tôn giả Phược-củ-la v.v… kia từng không có bệnh phải thọ dụng thuốc. Hoặc tất cả thời nên thọ dụng, thì biết đủ ấy có thể lập Thánh chủng, vì không phải tất cả thời đều thọ dụng thuốc. Hoặc Y phương luận cũng thấy nói có đối với thuốc sinh biết đủ. Trong Tỳ-nại-da mới thấy nói có. Thánh chủng biết đủ như y phục v.v…, chỉ ở nơi pháp nội có.

Có thuyết cho: Tuy có biết đủ đối với thuốc, nhưng không kiến lập làm Thánh chủng, vì các thứ thuốc có công năng thuận với phạm hạnh. Nghĩa là thế gian hiện thấy, người ưa thích học giới, đối với thuốc sinh biết đủ là chướng ngại phạm hạnh. Hoặc Đức Phật vì muốn tạm dứt, vĩnh viễn trừ bỏ sự dục của ngã, ngã sở, nên nói bốn Thánh chủng. Nghĩa là vì tạm dứt trừ sự dục của ngã sở, nên nêu rõ ba Thánh chủng trước. Vì vĩnh viễn diệt trừ cùng sự dục của ngã, nên nói về Thánh chủng thứ tư.

Kinh chủ ở đây đã tự giải thích nói: Sự của ngã sở: Nghĩa là y phục v.v… Sự của ngã: Nghĩa là tự thân duyên nơi tham kia gọi là dục. Nếu tạo ra giải thích này, về nghĩa không khác với trước. Trong tụng không nên phân biệt thành văn, câu, so với trước đã nói đối trị bốn ái sinh, lời nói tuy có khác, nhưng về nghĩa thì không dị biệt. Do đấy, Sư Tỳ-bà-sa của bộ tôi, lại căn cứ ở môn khác để giải thích câu văn này. Ngã sở, ngã chấp, lập dùng tên dục. Nghĩa là vì tạm thời dứt trừ chấp về ngã sở, nên Đức Thế Tôn thuyết giảng ba Thánh chủng trước. Tức đối với các thứ y phục v.v… đã sinh biết đủ và tăng thượng của biết đủ kia đã dẫn Thánh đạo. Vì vĩnh viễn diệt trừ cùng chấp sự của ngã, nên Đức Thế Tôn thuyết giảng Thánh chủng thứ tư. Tức ưa thích đoạn tu và tăng thượng kia đã dẫn Thánh đạo, đều gọi là Thánh chủng. Ý của môn này là làm rõ, khiến hữu thân kiến tạm ngừng dứt cùng vĩnh viễn dứt trừ, nên nói bốn Thánh chủng.

Như thế là đã nói về trường hợp: Sắp hướng kiến đế nơi đối tượng ứng hợp tu hành và tu hành xong.

Vì tu hành nhanh chóng thành tựu nên tịnh trị thân khí, đã tập hợp tư lương của Thánh đạo như thế. Muốn chánh nhập tu thì do môn nào nhập? Tụng nêu:

Nhập tu chính hai môn

Quán bất tịnh, niệm thở

Nơi tầm tham tăng thượng

Như thứ lớp nên tu.

Luận nói: Hành của các loài hữu tình có dị biệt là rất nhiều, nên môn nhập tu cũng có nhiều thứ. Tuy nhiên, phần nhiều hữu tình kia đều dựa vào hai môn để nhập: (1) Quán bất tịnh. (2) Trì tức niệm (Quán sổ tức).

Nên chỉ hai pháp này gọi là môn thiết yếu, vì các loài hữu tình nhập đều do hai môn ấy. Không như vậy thì như thứ lớp tham tầm tăng. Nghĩa là người tham tăng thì nhập dựa vào môn đầu. Người tầm tăng thượng thì nhập dựa nơi trì tức niệm. Như không phải một chứng bệnh, một thứ thuốc có thể diệt trừ. Căn cứ theo môn đối trị gần để nói về quán bất tịnh, có thể đối trị bệnh tham, không phải là không đối trị các bệnh khác. Trì tức niệm (Quán sổ tức) đối trị tầm, nên biết cũng như thế. Nhưng trì tức niệm thì duyên nơi cảnh vi tế không sai biệt. Đối tượng duyên hệ thuộc nơi phần tự nối tiếp, không phải như quán bất tịnh duyên nhiều nơi ngoại cảnh, có khả năng chấm dứt tầm tán loạn.

Đã nêu bày chung về người tham cùng tầm tăng, nhập tu như thứ lớp. Do hai môn trước, ở đây, trước tiên nên biện về quán bất tịnh. Tướng của quán như thế là thế nào? Tụng nêu:

Vì trị chung bốn tham

Lại biện quán vòng xương

Rộng đến biển, lại lược

Gọi vị mới tập nghiệp.

Trừ chân đến nữa đầu

Gọi là tu thuần thục

Buộc tâm giữa chân mày

Gọi vị vượt tác ý.

Luận nói: Tu quán bất tịnh chính là đối trị tham. Nhưng tham có sai biệt lược nêu có bốn thứ: (1) Tham hiển sắc. (2) Tham hình sắc. (3) Tham xúc chạm đẹp đẽ. (4) Tham được cung phụng.

Đối trị bốn tham dựa nơi hai thứ xét chọn: (1) Quán bên trong tử thi. (2) Quán bên ngoài tử thi.

Người lợi căn thì đầu tiên dựa vào quán trước. Người độn căn thì đầu tiên dựa vào quán sau. Nghĩa là người lợi căn, trước hết là đối với nội thân: Da là biên vực tận cùng. Từ chân lên đỉnh đầu, từ đỉnh đầu trở xuống, quán xét khắp vòng khiến tâm nhàm chán.

Vì muốn điều phục đối trị tham của hiển sắc, nên chuyên tùy niệm đến trong phần nội thân: Mủ, máu, váng mỡ, tinh, nước dãi, nước mũi, tủy, não. Các thứ hiển sắc biến đổi khác như đại, tiểu tiện v.v… Cùng nên tùy niệm về các bệnh đã sinh. Những thứ hiển sắc biến đổi khác trên da của nội thân: Vàng, trắng, xanh, đen, như mây như khói, lang lổ, đen sậm, không sáng, không sạch. Do đấy, khiến tâm sinh tưởng rất nhàm chán, tức có thể điều phục, đối trị tham duyên nơi hiển sắc. Vì nhận biết thân này là như thế v.v…, không phải là xứ sở nương dựa của hiển sắc đáng yêu thích, nên đối với tất cả đều được lìa nhiễm.

Vì muốn điều phục đối trị tham của hình sắc, nên quán xét riêng các chi của nội thân là ba mươi sáu vật như tóc, lông v.v… tụ tập, an lập, hòa hợp tạo thành. Lìa những thứ này thì đều không có các thứ hình sắc như lông, tóc v.v…

Lại dùng thắng giải về các chi phần của thân bị chia cắt làm hai, hoặc nhiều, ném rải rác trên mặt đất. Vô số loại cầm thú đang tranh giành nhau để cắn xé ăn nuốt. Xương thịt rời rạc, chi thể phân lìa. Do đấy, khiến tâm sinh nhàm chán tột cùng, tức có thể điều phục, đối trị tham duyên nơi hình sắc.

Vì muốn điều phục đối trị tham xúc chạm đẹp đẽ, nên dùng thắng giải về phần trừ bỏ da, thịt, chỉ quán hài cốt rít nhám như gạch ngói. Do đấy khiến tâm sinh nhàm chán tột cùng, tức có thể điều phục đối trị tham duyên nơi xúc chạm đẹp đẽ.

Vì muốn điều phục đối trị tham được cung phụng, nên dùng thắng giải để quán xét về nội thân, như ngủ say, sầu muộn, điên đảo, bệnh động kinh v.v… Không thể tự tại vận động chi thân, như khi già bệnh, hoặc đến, chưa đến, bị những sự việc như thế vây buộc nơi thân. Lại quán về nội thân hành không tự tại, vì đều hệ thuộc nơi các duyên nên sinh, trong ấy đều không hề có một ít phần thân nào để có thể làm đối tượng nương dựa cho các oai nghi được cung phụng, huống là còn vọng chấp là chủ thể được cung phụng. Ngưới kia quyết định có sự việc của chủ thể được cung phụng, nhưng danh xưng cung phụng là đã chỉ rõ về nghĩa. Nghĩa là dùng các thứ phần thân kia làm duyên, quyết định có thể làm các sự việc của oai nghi như múa ca, cười vui, ngậm miệng, kêu la, đùa cợt v.v…

Quán sự việc của người kia đều không có tánh cố định, như cây đàn sắt v.v… đã phát ra âm khúc, tất cả đều giống như ảo hóa đã tạo. Do đấy, khiến tâm sinh nhàm chán tột cùng, tức có thể điều phục đối trị tham duyên nơi cung phụng. Đó gọi là tập nghiệp đầu tiên của người lợi căn. Tuệ do tư thành quán xét về nội thân, có thể điều phục bốn thứ tham, khiến chúng không hiện khởi.

Nếu là người độn căn, do căn độn nên phiền não mãnh liệt, khó có thể trừ diệt, phải nhờ vào sức của duyên bên ngoài mới có thể điều phục đối trị. Nên trước hết là quán xét sáng rõ về bên ngoài tử thi, dần dần khiến phiền não của tự tâm được chế ngự trừ bỏ. Nghĩa là hành giả kia, đầu tiên khi muốn quán về bên ngoài tử thi, trước hết là khởi tâm từ đi đến xứ bỏ thân. Như Đức Thế Tôn nói: Người tu hành đầu tiên, muốn cầu tìm phương tiện để nhanh chóng diệt trừ dục tham, phải khởi tâm từ theo đường tĩnh lặng, siêng năng tinh tấn tu quán, cho đến nói rộng. Đến xứ kia xong, là nhằm điều phục đối trị bốn thứ tham, nên như bốn thứ con đường tĩnh lặng đã đi qua. Tu quán bất tịnh, quán về tướng của tử thi bên ngoài để so sánh với nội thân. Tướng kia đã như thế, thì ở đây cũng nên như vậy.

Do phương tiện này, dần dần có thể khiến tâm cũng đối với nội thân sinh khởi tưởng nhàm chán sâu xa, tức có thể điều phục đối trị bốn thứ tham như trước đã nói. Do đối với nội thân thấy rõ tự tánh, nên quán bất tịnh là nhanh chóng được thành mãn. Tức nên tu tám tưởng để điều phục đối trị bốn thứ tham.

Vì nhằm điều phục đối trị tham của hiển sắc, nên tu tưởng về tử thi xanh bầm tím cùng tưởng về màu đỏ khác. Vì nhằm điều phục đối trị tham của hình sắc, nên tu tưởng bị chim thú ăn thịt và tưởng phân ly. Vì muốn điều phục đối trị tham chạm xúc đẹp đẽ, nên tu tưởng về tan hoại và tưởng về hài cốt. Vì muốn điều phục đối trị tham được cung phụng, nên tu tưởng về tử thi sình trương cùng tưởng máu mủ tuôn ra. Thừa nhận duyên nơi vòng xương tu quán bất tịnh, có thể điều phục đối trị chung bốn thứ tham như thế, do trong một vòng xương lìa đủ cảnh của bốn tham. Lại nên biện về tu quán về vòng xương, cho đến khi dẫn phát các căn thiện. Bổ-đặc-già-la căn cứ nơi đối tượng tu hành, nêu rõ có ba vị: (1) Đầu tiên tập nghiệp. (2) Tu đã thành thục. (3) Siêu vượt tác ý.

Lại, người hành quán, khi muốn tu quán bất tịnh như thế, trước hết phải buộc tâm nơi phần thân mình, hoặc ở nơi ngón chân, hoặc ở khoảng giữa lông mày, hoặc nơi giữa sóng mũi, hoặc ở nơi trán v.v…, tùy theo nơi chốn ưa thích, chuyên chú không dời đổi, vì khiến đẳng trì được kiên cố. Từ lúc nhập trở đi, gọi là đầu tiên tập nghiệp. Nói nhập là làm rõ lần đầu tiên buộc giữ tâm. Dựa nơi tưởng về các xứ như ngón chân v.v… của tự thân, cho đến có thể quán thấy xương trắng lượng nhỏ như đồng tiền. Do sức của thắng giải rộng dần, tăng dần, cho đến thấy đủ vòng xương của toàn thân. Nghĩa là ở nơi phần vị này, các Sư Du già dựa nơi tưởng tư duy về da thịt rửa nát, rơi rớt dần, khiến cho xương sạch, lượng nhỏ như đồng tiền lúc đầu, cho đến hiện bày khắp thân đều thành xương trắng. Hành giả kia đối với phần vị này có nhiều tưởng chuyển. Nói tưởng chuyển là hiển bày không bỏ đối tượng duyên, thường thường chuyển sinh tưởng của thắng giải khác.

Có Sư khác nói: Hành quán chưa thành tác ý, chỉ do sức của tưởng nên chuyển biến. Hành quán thành rồi, tức do sức của tuệ. Vì phần vị này chưa thành nên do tưởng chuyển. Nên biết trong đây đã nói về tác ý là hiển bày chung cho tất cả tâm tâm sở pháp, đều do sức của tưởng cùng nối tiếp mà chuyển. Thấy toàn thân rồi, lại dùng phương tiện nhập. Duyên nơi môn quán bất tịnh quán về xương trắng bên ngoài. Nghĩa là vì dần dần khiến thắng giải tăng, nên quán vòng xương bên ngoài, ở nơi biên thân mình, dần dần hiện bày đầy khắp một giường, một phòng, một chùa, một vườn, một ấp, một thửa ruộng, một nước, cho đến khắp mặt đất, lấy biển làm biên giới. Ở trong khoảng đó, vòng xương là đầy dẫy. Vì khiến thắng giải lại tăng dần, nên đối với sự đã mở rộng, tóm lược dần mà quán. Cho đến chỉ quán về vòng xương của chính thân mình. Ngang tới phần tóm lược dần này là quán bất tịnh thành, gọi là phần vị đầu tiên tập nghiệp của Sư Du già. Vì khiến cho thắng giải của phần lược quán chuyển tăng, nên ở trong phần xương mình, lại trừ xương chân, tư duy về xương khác, buộc giữ tâm mà trụ. Dần dần cho đến trừ nửa xương đầu, tư duy về một nửa xương, buộc giữ tâm mà trụ. Ngang tới phần lược chuyển này là quán bất tịnh thành, gọi là phần vị Sư Du già đã tu thành thục. Vì khiến cho thắng giải của phần lược quán được tự tại, trừ phân nửa xương đầu, buộc giữ tâm giữa khoảng lông mày, chuyên chú một duyên trong lặng mà trụ. Ngang tới phần giản lược tột cùng này là quán bất tịnh thành, gọi là phần vị siêu vượt tác ý của Sư Du già. Nên biết đến đây thì quán bất tịnh thành, vì các đối tượng ứng hợp thảy trọn vẹn.

Người trụ nơi chốn vắng lặng nói như thế này: Quán ấy bấy giờ có tướng cứu cánh. Nghĩa là có tướng tịnh bỗng nhiên hiện tiền. Do đấy, hoặc khiến hơi thở vào giảm thiểu, hoặc khiến phát khởi tâm không vui thích. Nhận biết rõ về địa đã tu là cứu cánh. Vì tướng của sắc tịnh khởi làm nhiễu loạn tâm. Như người ôn tụng về các văn tụng đã thuộc. Lại do đạt được pháp trước chưa có được, tiến tới chứng đắc căn thiện hơn hẳn thứ khác, như nước trong thửa ruộng tràn đầy, tuôn chảy khắp. Tướng như thế gọi là tướng cứu cánh của quán này.

Có Sư khác cho: Nếu vào thời gian bấy giờ, không đối với duyên bên ngoài, khởi gia hạnh nhận biết rõ, gọi là quán bất tịnh. Đối tượng duyên viên mãn rốt ráo, tự tại, hoặc nhỏ hoặc lớn, nên tạo ra bốn trường hợp, tức tư duy như lý. Nay nên xét chọn.

Quán bất tịnh này đã thuộc về tác ý thắng giải, về lý nên gọi là tác ý điên đảo, tức nên thể của quán này không phải là thiện. Không phải thể của đối tượng duyên này đều là xương, đều là xương đã bị phân giải, há không phải là điên đảo? Quán bất tịnh này lại không thể nói, đều là thuộc về tác ý thắng giải, vì quán bất tịnh gồm có hai thứ: (1) Dựa nơi tự thật. (2) Dựa nơi thắng giải

Dựa nơi tự thật: Nghĩa là do tác ý tương ưng với sức của tuệ, nên quán xét như thật về chi nội thân của chính mình với các thứ bất tịnh hiện có. Các sắc hoặc hình, hoặc hiển có sai biệt. Như hai Thương khư của chín Tiên cốt. Hoặc như tóc, lông, móng v.v… trong thân. Nói rộng là có đủ ba mươi sáu vật. Các vật này được gọi là dựa nơi tự thật để quán. Do cùng với tác ý tự tướng tương ưng, thế nên không thể vĩnh viễn đoạn trừ phiền não.

Dựa nơi thắng giải: Nghĩa là do sức của thắng giải, nhờ vào tưởng tư duy về các tướng bất tịnh, thì đây không phải là thuộc về tác ý điên đảo, vì cùng với tánh phiền não là trái nhau.

Phàm là điên đảo thì đối tượng mong muốn của gốc là không thể hoàn thành. Ở đây, tùy theo đối tượng mong muốn là có thể điều phục loại trừ phiền não, vì sao nói là điên đảo?

Nếu cho cảnh này không phải đều là xương, mà cho đều là xương, đâu thể không phải là điên đảo?

Về lý cũng không đúng, vì hiểu theo như chỗ ứng hợp. Nghĩa là các kẻ đối với gốc cây, khởi nhận biết là con người, thì không tạo nên hiểu biết này: Tôi nay đối với gốc cây, dùng tướng con người để ngắm xem, nên là điên đảo.

Nay, hành giả tu quán tạo ra tư duy như thế này: Trong các cảnh giới, tuy không phải đều là xương, tôi nay vì nhằm điều phục các phiền não, nên dùng thắng giải quán khắp là xương, đã tùy theo đối tượng mong muốn, như chỗ ứng hợp mà hiểu, có thể điều phục trừ bỏ phiền não, đâu thể là điên đảo?

Uy lực của quán này có khả năng chế ngự phiền não khiến tạm thời không hiện hành. Đã có sức của phương tiện thiện xảo như vậy, vì sao không phải là thiện? Thế nên không có lỗi như đã vấn nạn.

Quán bất tịnh này là tánh gì? Có bao nhiêu địa duyên? Cảnh nào, xứ sinh nào, hành tướng nào, duyên nơi đời nào? Là hữu lậu hay là vô lậu? Là lìa dục đắc hay là gia hạnh đắc? Tụng nêu:

Tánh không tham mười địa

Duyên dục, sắc người sinh

Duyên tự đời bất tịnh

Hữu lậu chung hai đắc.

Luận nói: Như trước đã hỏi, nay theo thứ lớp đáp. Nghĩa là quán này lấy không tham làm tánh, tác ý trái ngược làm nhân đã dẫn khởi. Nhàm chán việc ác và từ bỏ cùng với tham là trái ngược nhau, nên biết trong đây gọi là quán bất tịnh. Gọi quán bất tịnh tức nên là tuệ, về lý cũng không đúng. Vì quán đã thuận, nên cho là quán bất tịnh, có thể đối trị gần tham, nên chính thức dùng không tham làm tánh. Tham nhân nơi tướng tịnh, do sức của quán trừ diệt, nên nói không tham là đối tượng thuận của quán. Các quán bất tịnh đều là không tham, không phải các pháp không tham đều là quán bất tịnh. Chỉ có thể điều phục đối trị tham của hiển sắc v.v… mới gọi là thể của quán này. Đâu là căn cứ theo tự tánh, nếu gồm luôn tùy hành thì dùng đủ bốn uẩn, năm uẩn làm tánh. Dựa chung vào mười địa. Nghĩa là bốn tĩnh lự và bốn cận phần, trung gian, cõi dục, chỉ từng ấy địa, ở đây là cùng có. Quán này chỉ duyên nơi cảnh của sắc xứ nơi cõi dục, vì hiển hình của cõi dục là cảnh của quán này.

Nếu như vậy thì vì sao trong Khế kinh nói: Nhĩ căn được phòng hộ do luật nghi, trụ nơi quán bất tịnh, cho đến nói rộng. Câu nói này là nêu bày về các người đã bị sắc tham khiến khuất phục. Những người kia tất là do duyên nơi tham như tiếng v.v… mà bị chế ngự. Muốn điều phục loại trừ kẻ duyên nơi sắc tham, tất trước hết phải trụ nơi luật nghi của nhĩ căn. Do đấy mới có thể trụ nơi quán bất tịnh.

Có thuyết nêu: Quán này chỉ dựa vào khả năng dẫn dắt của ý thức, thức còn lại vì hành tướng đều trái ngược. Nếu có người trụ nơi luật nghi của nhĩ căn, thì người ấy tất trước hết nên trụ nơi quán bất tịnh. Sức mạnh của quán bất tịnh này có thể duyên khắp tất cả sắc xứ thuộc về cõi dục.

Nếu cho như thế, thì như Tôn giả A-nê-luật-đà không thể quán các thiên nữ cho là bất tịnh. Tôn giả Xá-lợi-tử v.v… đối với sắc thân của Phật, cũng không thể quán cho là bất tịnh. Vì sao nói quán này duyên khắp sắc xứ của cõi dục?

Vấn nạn này là không đúng. Vì Thắng Vô Diệt có khả năng quán sắc của chư thiên là bất tịnh, Đức Phật có khả năng quán sắc thân vi diệu của Phật là bất tịnh. Do đấy, quán này nhất định có thể duyên khắp sắc xứ của cõi dục làm cảnh. Do đấy đã làm rõ là duyên nơi nghĩa không phải là danh. Cũng đã làm rõ thành duyên chung nơi ba tánh. Người đầu tiên tập nghiệp chỉ dựa vào nẻo người, có thể sinh khởi pháp quán này, không phải người của châu Bắc câu lô. Trong nẻo trời, không có sắc xanh bầm tím v.v…, nên không thể đầu tiên khởi. Ở đây trước khởi sau sinh, xứ kia cũng được hiện tiền. Hành tướng của quán này chỉ chuyển theo bất tịnh, vì là tánh thiện, nên thể là tịnh. Vì căn cứ theo hành tướng, nên nói là bất tịnh. Là gia hạnh thuộc thân niệm trụ, không phải là căn bản. Tuy cùng với ba căn hỷ, lạc, xả tương ưng, nhưng chỗ nhàm chán đều cùng hành như khổ tập nhẫn trí, tùy ở nơi đời nào duyên nơi cảnh của đời mình. Nếu pháp không sinh duyên chung nơi ba đời, hành tướng của quán này không phải thuộc về mười sáu hành tướng như vô thường v.v…, nên chỉ là hữu lậu chung nơi gia hạnh đắc và lìa nhiễm đắc. Khi lìa nhiễm của địa địa kia, thì đạt được định của địa địa kia, cũng tức đạt được quán này của địa kia. Lìa nhiễm đắc xong, vào thời gian sau, cũng do gia hạnh, khiến được hiện khởi. Người chưa lìa nhiễm thì chỉ là gia hạnh đắc.

Trong đây, tất cả Thánh và phàm phu của hữu sau cùng đều chung cả chưa được và từng được. Ngoài ra chỉ là từng được.

HẾT – QUYỂN 59