LUẬN A TỲ ĐẠT MA THUẬN CHÁNH LÝ
Tác giả: Tôn giả Chúng Hiền
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 41

Phẩm thứ 4: BIỆN VỀ NGHIỆP, phần 9

Lại, trong kinh nói nghiệp có bốn thứ. Nghĩa là: Hoặc có nghiệp dị thục là đen đen. Hoặc lại có nghiệp dị thục là trắng trắng. Hoặc lại có nghiệp dị thục là đen trắng, đen trắng. Hoặc lại có nghiệp không phải đen, không phải trắng, không có dị thục, là nghiệp có thể diệt trừ hết các nghiệp.

Kinh tuy lược chỉ rõ, nhưng không giải thích rộng. Nay nên giải thích về nghiệp ấy. Tướng của chúng là thế nào?

Tụng nêu:

Dựa đen đen cùng khác

Nói về bốn loại nghiệp

Sắc ác, thiện cõi dục

Vô lậu kia hay tận.

Nên biết như thứ lớp

Gọi đen, trắng, cùng phi.

Luận nói: Đức Phật dựa vào loại tánh nơi quả của nghiệp không đồng, đối tượng đối trị, chủ thể đối trị khác nhau để nói về bốn nghiệp như đen đen v.v… Các nghiệp bất thiện hoàn toàn gọi là đen. Do nhiễm ô đủ là đen. Không vừa ý là đen. Dị thục cũng đen là không vừa ý. Nghiệp thiện của cõi sắc hoàn toàn gọi là trắng, vì không bị tất cả phiền não bất thiện và nghiệp bất thiện xen tạp lấn áp. Dị thục cũng trắng vì là vừa ý.

Dựa vào ý nghĩa sâu xa nào trừ thiện cõi vô sắc?

Có thuyết nói: Trong đây nêu lên phần đầu để hiển bày phần sau. Hoặc trong cõi sắc có màu trắng (pháp thiện) vừa ý, cùng màu trắng sáng rõ, có thể nêu đặt, nên lập riêng danh xưng trắng. Trong cõi vô sắc, có màu trắng vừa ý, không có màu trắng sáng rõ để có thể thiết lập, nên không lập danh xưng trắng. Hoặc trong cõi sắc có đủ hai thứ trung hữu, sinh hữu đều tánh trắng, nên lập riêng danh xưng trắng. Như Khế kinh nói: Hoặc nam, hoặc nữ thành tựu hành diệu của thân… nói rộng cho đến: Sau khi chết chiêu cảm được ý có sắc thành như ánh sáng của chiếc áo trắng, hoặc đêm sáng rõ. Hoặc ở cõi sắc đầy đủ ba nghiệp cùng mười nghiệp đạo. Cõi vô sắc thì không như vậy. Nhưng trong Khế kinh có nói về: “Tĩnh lự vô lượng vô sắc đều gọi là nghiệp của dị thục trắng trắng”. Kinh kia đã căn cứ theo dị thục thuần tịnh, vừa ý để lập chung danh xưng trắng. Tuy nhiên Khế kinh kia là thuyết phi liễu nghĩa. Do ở nơi cõi trên tất cả pháp thiện của bốn uẩn, năm uẩn đều được nói là nghiệp. Các nhân của dị thục do nghiệp được hiển bày nên phi nghiệp cũng lập tên nghiệp, đủ chứng biết kinh kia là thuyết phi liễu nghĩa.

Nghiệp thiện của cõi dục, gọi là đen trắng, vì bị pháp ác xen tạp. Dị thục cũng đen trắng, vì xen lẫn với quả phi ái. Tên gọi đen trắng nay là dựa nơi sự cùng nối tiếp để lập, không phải là căn cứ nơi tự tánh. Vì sao? Vì không có một nghiệp nào cùng một dị thục nào là đen, cũng là trắng, là cùng trái nhau.

Nếu như vậy thì quả của nghiệp ác và quả của nghiệp thiện là xen tạp. Thế thì cũng nên gọi là trắng đen?

Vấn nạn này là phi lý, do trong cõi dục pháp bất thiện luôn hiện hành sinh mạng của chúng có thể lấn áp pháp thiện, nên quả khổ của nghiệp ác kia lẫn lộn với dị thục vui. Vì thiện của cõi dục yếu kém, không có công năng trấn áp, chế phục bất thiện, nên quả vui của nghiệp thiện kia cũng không có công năng xen lẫn nơi dị thục khổ, nên quả của nghiệp ác được mang tên thuần đen.

Có Sư khác cho: Nghiệp thiện của cõi dục thì ý lạc gia hạnh trắng đen xen tạp dấy khởi, do đấy nên lập hai tên đen trắng, không phải thể của một nghiệp có thiện có ác.

Vì sao? Như một người, vì lừa dối, hãm hại người khác, ý muốn khiến người khác tin, dựa nơi mình, nên trước hết là giả vờ hành thí, cho đến xuất gia. Như thế gọi là tuy ý lạc là đen nhưng gia hạnh là trắng. Hoặc lại có một người, đối với đám trẻ con của mình, vì muốn ngăn chận sự việc không lợi lạc cùng khiến chúng được ở yên trong sự việc lợi ích, an vui, do tâm thương xót nên khởi thân ngữ thô ác, dùng roi đánh đập, mắng nhiếc, bức bách hữu tình. Như thế gọi là tuy gia hạnh là đen nhưng ý lạc là trắng.

Nếu như vậy thì bất thiện tức nên gọi là trắng đen, vì như nghiệp thiện cũng có như trước ý lạc, gia hạnh trắng đen dấy khởi xen tạp như trước. Nhưng không phải là điều được thừa nhận, nên thuyết trước không lỗi.

Các nghiệp vô lậu có thể vĩnh viễn đoạn trừ hết ba nghiệp trước, gọi là nghiệp thứ tư. Nghiệp vô lậu này, không phải là nhiễm ô, nên được mang tên không phải là đen, đối với lý không có sai, vì không gắn liền với cõi, vì đoạn dứt dị thục, nên gọi là không có dị thục, cũng không có lỗi.

Đã là trắng thắng nghĩa, vì sao gọi là không phải trắng?

Đức Phật cũng ở trong kinh Đại Không kia nói với Tôn giả A-nan-đà: “Các pháp vô học là thuần thiện, thuần trắng, hoàn toàn vô tội”. Bản luận cũng nói: “Thế nào là pháp trắng? Nghĩa là các pháp thiện vô phú vô ký”. Ở đây, có mật ý nói tiếng không phải trắng. Mật ý ấy là gì? Nghĩa là trong đây nêu rõ đối trị ba nghiệp trước, lập làm thứ tư. Chớ nên khiến người được hóa độ sinh nghi như thế này: Vì sao trong đây pháp trắng có thể đối trị trắng? Vì hiển bày chủ thể đối trị là hơn đối tượng đối trị, nên căn cứ ở chỗ chiêu cảm dị thục để lập tên gọi không phải trắng, do không thể chiêu cảm dị thục trắng. Hoặc pháp vô học, đối với tất cả nhiễm trong thân đã vượt qua là có thể đạt được nên lập tên gọi thuần trắng. Không phải như pháp học không thể vượt qua được tất cả nhiễm trong thân nên không gọi là thuần trắng.

Vì thế trong kinh kia đã dựa vào nghĩa như thế, đối với pháp vô học nêu bày tiếng thuần trắng. Nay trong kinh này, do nghiệp vô lậu không phải thuận với ái. Lại vì không thể chiêu cảm dị thục trắng, nên gọi không phải là trắng. Các nghiệp vô lậu là đều có công năng diệt trừ hết ba nghiệp trước chăng? Không như thế. Vì sao? Tụng nêu:

Bốn pháp nhẫn lìa dục

Tám trước cùng vô gián

Mười hai tư vô lậu

Chỉ diệt thuần nghiệp đen.

Bốn tĩnh lự lìa dục

Tư vô gián thứ chín

Một diệt tạp thuần đen

Bốn khiến thuần trắng diệt.

Luận nói: Ở trong kiến đạo bốn pháp trí nhẫn cùng phần vị đã lìa dục nhiễm của tu đạo. Tám Thánh đạo vô gián trước cùng hành có mười hai tư chỉ dứt hết thuần đen. Thánh đạo vô gián thứ chín cùng hành đã lìa nhiễm của cõi dục. Một tư vô lậu song song, khiến đen trắng và thuần đen dứt hết. Thời gian nay là đoạn trừ chung thiện của cõi dục, cũng đoạn trừ nghiệp bất thiện thứ chín, nên lìa nhiễm nơi mỗi mỗi địa của bốn tĩnh lự. Đạo vô gián thứ chín cùng hành với tư vô lậu. Bốn tĩnh lự này, chỉ khiến nghiệp thuần trắng dứt hết, vì các nghiệp còn lại là không có dị thục, vì không phải là đối tượng biện minh, nên ở đây không luận. Vì thế trong đây chỉ nói mười bảy đạo vô gián cùng với tư Thánh cùng hành, có khả năng vĩnh viễn dứt hết ba nghiệp hữu lậu trước. Tuy dứt hết các nghiệp là công năng của Thánh tuệ, nhưng ở trong đây nói là đối trị gần. Tuy nghiệp thân ngữ cũng là đối trị gần nơi ba nghiệp kia, nhưng vì không tương ưng với tuệ, nên ở đây không nói.

Do đâu nghiệp thiện hữu lậu của các địa, chỉ do đạo sau cùng có thể đoạn trừ, không phải đạo khác? Vì các pháp thiện không phải là tự tánh đoạn, đoạn rồi nhưng cùng có hiện ở trước, nhưng do khi duyên nơi phiền não kia dứt hết mới gọi là đoạn dứt pháp thiện kia.

Bấy giờ, pháp thiện đạt được ly hệ, do đấy cho đến duyên nơi phiền não kia còn sót lại một phẩm, ở nơi nghĩa đoạn không thành, pháp thiện bấy giờ cũng còn bị trói buộc. Tụng nêu:

Có thuyết: Thọ địa ngục

Dục khác nghiệp đen lẫn

Có thuyết: Dục kiến diệt

Dục khác nghiệp đen cùng.

Luận nói: Thứ nhất, thứ ba đều có thuyết khác.

Có Sư khác nêu: Thuận với thọ của địa ngục, cùng trong cõi dục thuận với thọ nghiệp khác, như thứ lớp gọi là nghiệp thuần đen xen tạp. Nghĩa là dị thục của địa ngục, chỉ chiêu cảm nghiệp bất thiện, nên thuận với thọ của địa ngục kia, gọi là nghiệp thuần đen. Chỉ trừ địa ngục, trong phần cõi dục còn lại, dị thục đều chiêu cảm chung nghiệp thiện ác, nên thuận với thọ trong phần cõi dục kia, gọi là nghiệp đen trắng.

Như thế là đã nói như trước đã ngăn chận loại trừ. Nghĩa là thiện không thể xen lẫn với bất thiện.

Có Sư khác cho: Nghiệp nơi cõi dục do kiến đạo đoạn và nghiệp khác hiện có trong cõi dục, như thứ lớp gọi là nghiệp thuần đen cùng có. Nghĩa là kiến đạo đoạn không có thiện lẫn lộn, nên gọi là nghiệp thuần đen.

Nghiệp nơi cõi dục do tu đạo đoạn, vì có thiện bất thiện, nên gọi là nghiệp cùng có.

Giải thích này cũng phi lý, vì trong hai đối tượng đoạn đều cùng có nghiệp không thể chiêu cảm quả dị thục.

Nếu cho trong đây đã nói về ba nghiệp, là căn cứ ở chỗ có dị thục để nói không phải là không có dị thục, thì không nên phân biệt nói kiến của cõi dục đã bị diệt. Lại, nghiệp của lực mạnh, về lý tất không nên bị lực yếu kém xâm lấn xen tạp. Do vậy không nên nói các nghiệp bất thiện do tu đạo đoạn, cũng được mang tên xen tạp. Cũng không nên nói cõi dục có sức của thiện vượt hơn bất thiện, chế phục nghiệp ác, không phải là điều được thừa nhận. Vì sao? Vì thiện của cõi dục không thường hiện hành, không có khả năng chiêu cảm quả của một kiếp.

Lại, trong kinh nói có ba Mâu ni. Lại, trong kinh nói có ba thanh tịnh, đều cùng có tướng của thân, ngữ, ý, mỗi tướng như thế nào? Tụng nêu:

Nghiệp thân ngữ vô học

Tức ý ba Mâu Ni

Ba thanh tịnh nên biết

Tức các ba hành diệu.

Luận nói: Thân nghiệp vô học gọi là thân Mâu ni. Ngữ nghiệp vô học gọi là ngữ Mâu ni, tức ý vô học gọi là ý Mâu ni, không phải ý Mâu ni dùng ý nghiệp làm thể.

Do đâu chỉ nói hữu trong sắc uẩn, thức uẩn là Mâu ni, không phải ở nơi uẩn khác?

Có Sư khác nói: Nêu lên loại sau và đầu để làm rõ phần trung gian cũng có nghĩa nay là như thật nghĩa. Mâu ni thắng nghĩa chỉ dùng tâm làm Thể, nên Khế kinh nêu rõ: Vì tâm tĩnh lặng nên hữu tình tĩnh lặng. Tâm Mâu ni này do nghiệp thân, ngữ lìa các thứ ác, nên có thể dùng so sánh để nhận biết. Ý nghiệp ở trong ấy không có dụng có thể so sánh, chỉ do chủ thể, đối tượng hợp so sánh để lập Mâu ni.

Vì sao Mâu ni chỉ ở nơi vô học?

Vì A-la-hán là Mâu ni thật. Vì các phiền não được nói là vĩnh viễn tĩnh lặng. Ba thứ hành diệu của các thân ngữ ý có thể gọi là ba thứ hành diệu, vô lậu thanh tịnh của thân ngữ ý, vì vĩnh viễn lìa phiền não cấu uế của hành ác, nên có thể gọi là thanh tịnh. Hành diệu hữu lậu cũng còn là hành ác thì phiền não cấu uế làm sao thanh tịnh?

Hành diệu hữu lậu này cũng tạm thời có thể lìa phiền não cấu uế của hành ác, nên được tên gọi thanh tịnh. Hoặc sức của hành diệu hữu lậu này có công năng dẫn khởi thanh tịnh thắng nghĩa vô lậu, nên lập danh xưng thanh tịnh.

Nếu cho hành diệu hữu lậu này cũng có thể dẫn đến phiền não cấu uế, nghĩa là làm đẳng vô gián duyên của phiền não, thế thì không nên gọi là thanh tịnh?

Điều này cũng phi lý. Vì khi tâm thiện khởi, không phải vì tâm nhiễm khởi gia hạnh, nên tâm nhiễm vô gián, vô lậu không sinh, vì tâm thiện hữu lậu có thể dẫn đến vô lậu, nên thiện hữu lậu được mang tên thanh tịnh, vì thuận với tâm vô lậu, có thể trừ bỏ cấu uế.

Nêu bày hai hành diệu nay là dứt trừ hữu tình chấp Mâu ni tà, thanh tịnh tà.

Lại trong kinh nói có ba hành ác. Lại trong kinh nói có ba hành diệu, đều cùng có tướng thân ngữ ý, mỗi tướng như thế nào?

Tụng nêu:

Nghiệp thân, ngữ, ý ác

Gọi là ba hành ác

Cùng tham, sân, tà kiến

Trái là ba hành diệu.

Luận nói: Tất cả hai nghiệp thân ngữ bất thiện, phần gần trước sau cùng với căn bản và tư bất thiện, như thứ lớp gọi là hành ác của thân, ngữ, ý. Nhưng hành ác của ý lại có ba thứ, nghĩa là không tham, sân, tà kiến không phải là ý nghiệp.

Há không phải Khế kinh cũng nêu bày tham v.v… gọi là ý nghiệp? Vì sao nay nói tham, sân, tà kiến không phải là ý nghiệp?

Vì là tư lương của nghiệp nên cũng gọi là nghiệp, như tư lương của lậu cũng gọi là lậu v.v…

Sao nhận biết tham v.v… không phải là ý nghiệp?

Do A-cấp-ma và chánh lý. A-cấp-ma, nghĩa là Khế kinh nói: Vì tham, sân, tà kiến là tập duyên của nghiệp, nên nhận biết tham v.v… không phải tức tánh của nghiệp. Lại, Khế kinh nói: Các ái, nghĩa là biểu, tức là ý nghiệp, nên nhận biết không phải ái tức Thể của ý nghiệp. Phần còn lại so sánh nên như thế.

Chớ có chấp nói nghiệp tức là tập nghiệp, nên Khế kinh nói: “Nghiệp ái có khác”. Nhưng Kinh chủ nói thừa nhận có phiền não, tức là ý nghiệp. Điều này có lỗi gì?

Như thế đã thừa nhận trái với Khế kinh trước và chánh lý sau, há không phải là lỗi lầm lớn?

Nếu cho, như nói: Tham có thể khiến ý tạo các hành ác. Kinh này tuy nói tham tức là nhân duyên của hành ác thuộc ý, không phải không thừa nhận tham là thuộc về hành ác của ý. Như thế tuy nói ái là nhân của nghiệp, ái này cũng tức nên không phải không là nghiệp.

Sự so sánh kia không phải là bằng nhau, vì kinh này không nói ái có thể khiến tâm khởi biểu nghiệp. Nghĩa là như kinh kia nói tham có thể khiến ý tạo các hành ác. Không phải kinh này nói ái có thể khiến tâm khởi các biểu nghiệp. Vì sao dẫn lời nói của Kinh chủ kia để so sánh với kinh này? Làm rõ biểu nghiệp nhân nơi ái cũng là nghiệp.

Như trong kinh nói các si tức là vô minh.

Kinh này chỉ chỉ rõ si là Thể của vô minh, chứng tỏ không phải si, tức không phải là vô minh.

Như thế, kinh này nói các sự mong cầu tức là ái. Các ái, là biểu, tức là ý nghiệp.

Biện về nghĩa sai biệt của tướng đã thành hiện rõ. Nếu không phải mong cầu liền không phải là ái, nếu không phải là biểu, thì cũng không phải là ý nghiệp. Chỉ trừ giả nêu thì không có lỗi. Ý nghiệp gọi là biểu, như trước đã giải thích.

Chánh lý là gì?

Nghĩa là nếu phiền não tức là nghiệp, thì mười hai duyên khởi và ba chướng v.v… có sai biệt tức nên không có. Do đấy, chứng biết tham v.v… không phải là nghiệp. Là bậc thông tuệ đã chê trách, nhàm chán. Lại vì có thể chiêu cảm quả phi ái, nên hành này tức ác, nên gọi là hành ác. Ba hành diệu là trái với hành ác nay, nên biết. Nghĩa là tất cả thiện nơi hai nghiệp thân ngữ, phần gần trước sau cùng với căn bản và các tư thiện, như thứ lớp gọi là hành diệu của của thân, ngữ, ý. Tuy nhiên, hành diệu của ý lại có ba thứ, không tham, không sân và chánh kiến, không phải là nghiệp. Hành diệu được người trí khen ngợi, vì chiêu cảm quả ái, hành này tức diệu, nên gọi là hành diệu. Chánh kiến, tà kiến tuy không phải tăng ích tổn hại người khác, nhưng vì là gốc của hành kia, nên cũng thành thiện, ác.

Lại, trong kinh nói có mười nghiệp đạo, hoặc thiện, hoặc ác. Vậy tướng của chúng là thế nào? Tụng nêu:

Mười nghiệp đạo đã nói

Thuộc trong hành ác, diệu

Phẩm thô là tánh kia

Như ứng thành thiện, ác.

Luận nói: Ở trong hành diệu ác đã nói ở trước, nếu thô hiển bày dễ nhận biết, thì thâu tóm làm mười nghiệp đạo. Như ứng hợp nếu thiện thì thâu tóm hành diệu trước. Nghiệp đạo bất thiện thì thâu tóm hành ác trước.

Có những hành diệu, hành ác nào không thâu tóm chăng?

Tức gia hạnh, hậu khởi v.v… vì các hành kia không thô, hiện rõ. Lại, ở trong mười nghiệp đạo bất thiện, nếu hành ác của thân, khiến hữu tình khác phải bị mất mạng, mất của cải, mất thê thiếp v.v… thì nói là nghiệp đạo, vì khiến xa lìa. Nếu là lỗi lầm rất nặng do hành ác của ngữ thì nói là nghiệp đạo, vì khiến xa lìa. Nếu là tham, sân v.v… nặng, thuộc hành ác của ý thì nói là nghiệp đạo, vì khiến xa lìa. Gia hạnh, hậu khởi cùng lỗi lầm nhẹ khác kể cả tư bất thiện đều không phải là nghiệp đạo. Nghiệp đạo thiện của thân trong nghiệp đạo thiện đối với hành diệu của thân là không thâu tóm một phần. Nghĩa là gia hạnh, hậu khởi và thân nghiệp thiện khác, tức lìa uống rượu, đoạn trừ không thí cho v.v…

Nghiệp đạo thiện của ngữ đối với hành diệu của ngữ, không thâu tóm một phần, nghĩa là ái ngữ v.v…

Nghiệp đạo thiện của ý đối với hành diệu của ý, không thâu tóm một phần, nghĩa là các tư thiện.

Bảy nghiệp đạo trước trong mười nghiệp đạo là đều nhất định có biểu, vô biểu chăng? Không như vậy thì thế nào? Tụng nêu:

Ác sáu định vô biểu

Kia tự tạo dâm hai

Thiện bảy thọ sinh hai

Định sinh chỉ vô biểu.

Luận nói: Trong bảy nghiệp đạo ác, thì sáu thứ nhất định có vô biểu, nghĩa là sát sinh v.v… trừ hạnh tà dục, không phải sáu thứ như thế. Nếu sai người khác làm, đến thời gian căn bản thì có biểu sinh. Nếu có tự tạo nơi sáu nghiệp đạo kia, thì cả sáu đều có hai thứ biểu vô biểu. Nghĩa là khi khởi biểu thì người kia liền chết v.v… về sau mới chết v.v… Cùng với sai người làm là đồng, vì khi căn bản thành, chỉ có vô biểu. Chỉ hành tà dục, tất gồm đủ cả hai thứ. Chủ yếu là do tự thân thực hiện đến cuối cùng, không phải sai khiến người khác làm, như tự mình sinh vui mừng.

Bảy nghiệp đạo thiện, nếu từ thọ sinh, tất đều gồm đủ hai, nghĩa là biểu, vô biểu. Thọ sinh Thi la, tất dựa vào biểu, nên luật nghi thuộc về tĩnh lự vô lậu gọi là định sinh. Ở đây, chỉ là vô biểu, vì chỉ dựa vào sức của tâm mà được sinh.

Gia hạnh, hậu khởi là như căn bản chăng? Không như vậy thì thế nào? Tụng nêu:

Gia hạnh định hữu biểu

Vô biểu hoặc có không

Hậu khởi trái với đây.

Luận nói: Gia hạnh của nghiệp đạo tất định có biểu. Vô biểu của vị này hoặc có, hoặc không có. Nếu triền mãnh liệt theo tâm thuần tịnh khởi, thì có vô biểu. Khác với đây thì không có. Hậu khởi trái với trước thì nhất định có vô biểu. Ở vị này thì biểu nghiệp hoặc có, hoặc không có. Vô biểu của sát-na thứ hai là bắt đầu, gọi là hậu khởi, nên ở đây nhất định có. Nếu vào lúc ấy, khởi tùy theo nghiệp trước, thì cũng có biểu. Khác với đây, tức là không có.

Ở trong nghĩa này, làm sao kiến lập phần vị căn bản, gia hạnh hậu khởi?

Lại, trong bất thiện, nghiệp sát sinh là trước nhất, như người giết mổ dê, khi sắp hành sát, trước phát khởi tâm giết hại, trải qua sự việc hỏi thăm giá cả. Vì mua dê, nên ăn lương thực của mình, dong ruổi đường xa, hỏi thăm nơi chốn người chăn dê. Đến rồi thì cân đo, tiếp xúc, trả giá, dắt dê về, cột lại, nuôi nấng cho nó mập. Chuẩn bị vào chỗ giết mổ dê, thì cầm dao, tìm huyệt, đâm chặt thân dê đến mạng nó chưa chết, đều gọi là gia hạnh. Tùy thuộc vào biểu nghiệp này, ngay khi dê kia mạng chung, tức biểu nghiệp, vô biểu nghiệp của khoảng sát-na này, được gọi là nghiệp đạo căn bản của sát sinh. Vô biểu nghiệp sát sinh sau sát-na này tùy chuyển không dứt, gọi là hậu khởi của sát sinh. cùng vào thời gian sau, các sự việc như lột da, cắt thịt, rửa sạch, cân bán, thu lợi để nuôi sống mình và người thân, những thứ biểu nghiệp này cũng gọi là hậu khởi.

Như kẻ giết mổ dê, ba phần đã như vậy, các thứ bất luật nghi khác, như chỗ ứng hợp nên nói.

Nghiệp không cho mà lấy có ba phần. Tức như kẻ trộm, khi sắp hành động trộm, trước hết là phát khởi tâm trộm, sai người hoặc tự mình qua lại, rình nghe, thấy vật hiện có của người khác. Vì đi đến dể trộm lấy, nên ăn uống, xắn bó quần áo gọn ghẽ, đem theo dụng cụ trộm, lén đến nhà người khác, khoét vách làm thang leo lên, theo đấy mà vào, bước đi nhè nhẹ, thò tay sờ nắn tài sản của người khác. Trước khi các đồ vật chưa lìa khỏi chỗ cũ, đều gọi là gia hạnh. Đồ vật chính thức rời khỏi nhà của chủ, biểu nghiệp, vô biểu nghiệp trong sát-na này gọi là nghiệp đạo căn bản. Sau sát-na ấy, tùy theo vô biểu nghiệp, cùng đem tài sản ra khỏi nhà, cất giấu, thọ dụng v.v… biểu nghiệp hiện có này, đều gọi là hậu khởi.

Nghiệp hành tà dục có ba phần. Tức như người nam đối với người nữ, trước hết dấy khởi tâm ái, sắp hành động phi lễ, sai người xem mặt, mai mối qua lại, rồi chưng diện đến nhà người nữ kia, nói, cười, cầm tay, chạm xúc, trước khi chưa có kết quả, đều gọi là gia hạnh. Sự việc chính thức hoàn tất, biểu nghiệp, vô biểu nghiệp trong sát-na này gọi là nghiệp đạo căn bản.

Có thuyết nói: Hoàn tất nghĩa là vào sang môn.

Có Sư khác cho: Tức là tiết ra chất bất tịnh.

Sau sát-na này, tùy theo vô biểu nghiệp, cùng tỏ vẻ e thẹn khác, cầm nắm, chạm xúc, nói năng, các biểu nghiệp hiện có như thế đều gọi là hậu khởi.

Nghiệp nói lời hư dối có ba phần. Là như một loại người khéo làm việc lừa dối, nhân mưu cầu của cải vật dụng để nuôi sống thân mạng. Trước hết, nhận lấy tình cảm, cầu xin, hứa thuận, làm chứng giả, phát khởi ý lừa dối đi đến trong chúng, vì thuật lại thân mình có thể làm chứng thật, nói tôi đối với người kia không phải oán, không phải thân, nhận biết trong các thứ ác không gì hơn là lừa dối, biết trong các thiện không gì hơn là lời nói thật. Tôi đã đối với người kia, không có mong cầu gì, há tự mình không tội, lại mang lấy những thứ đâm thọc, độc hại, chỉ sợ người hiền thẳng bị lẫn lộn phải chịu hình phạt.

Trước khi chưa thành chứng, đều gọi là gia hạnh. Nếu đang đối trước chúng, phát ngôn với tưởng trái ngược, nói dối trá, trong sự việc không thấy v.v… nói là thấy v.v… lừa dối là mình đã nhận hiểu. Biểu nghiệp, vô biểu nghiệp trong sát-na này, gọi là nghiệp đạo căn bản.

Có thuyết nêu: Chỗ lừa dối được chấp thuận mới thành.

Nếu như vậy tức nên không có lý lừa dối Hiền Thánh, nhưng lừa dối Hiền Thánh là lỗi rất nặng.

Do đấy nên biết thuyết trước là tốt.

Sau sát-na này tùy theo vô biểu nghiệp, cùng có được của cải vật dụng để nuôi sống thân mình, biểu nghiệp hiện có ấy, đều gọi là hậu khởi.

Nghiệp nói lời ly gián có ba phần. Lại như một loại người phát khởi tâm phá hoại người khác, sai khiến truyền chung. Hoặc thân tự đi đến dối trá làm vẻ thân thiện hơn, mong tin theo lời nói của mình. Trước khi chưa phá hoại người khác, đều gọi là gia hạnh.

Phát khởi lời nói ly gián, khiến người khác nhận lãnh, biểu nghiệp, vô biểu nghiệp của sát-na này, gọi là nghiệp đạo căn bản.

Có Sư khác cho: Người khác khi bị phá hoại mới thành nghiệp.

Nếu như vậy thì Thánh thâm giao, bền chắc, khó hủy hoại, tức nên không có tội nói lời ly gián phá hoại Thánh. Nhưng phá hoại Thánh thì mắc tội rất nặng. Do đấy nên biết thuyết trước là tốt. Sau sát-na nay, tùy theo vô biểu nghiệp cùng tâm khiến chỗ bị phá hoại không có tái hợp, biểu nghiệp hiện có này, đều gọi là hậu khởi.

Nghiệp nói lời thô ác có ba phần. Tức như một loại người sắp phát khởi lời nói thô ác, khởi tâm giận dữ, toan tính bứt rứt, giậm chân, nhướng mày trợn mắt, cắn răng bặm môi. Trước khi chưa phát khởi lời nói đều gọi là gia hạnh. Ngay khi đang phát ra lời nói thô ác, khiến người khác nhận lãnh, biểu nghiệp, vô biểu của của sát-na này gọi là nghiệp đạo căn bản.

Có Sư khác nói: Gây não hại người khác thì mới thành.

Nếu như vậy Thánh nhân có đủ sức nhẫn, đã không thể mắng nhiếc não hại, tức nên không có lỗi. Nhưng mắng nhiếc Hiền Thánh là mắc tội rất nặng.

Do đấy nên biết thuyết trước là tốt. Sau sát-na này, tùy nơi vô biểu nghiệp, cùng ở sau chỗ đã mắng nhiếc, thuật lại lời nói thô ác, biểu nghiệp hiện có này đều gọi là hậu khởi.

Nghiệp nói lời uế tạp có ba phần. Lại như một loại người phát khởi tâm đùa cợt, trước hết là nhận lấy của cải người khác, gom góp các chuyện thêu dệt để bàn bạc, đem theo dụng cụ đùa cợt đi đến trong chúng. Trước khi thốt lời đùa cợt đều gọi là gia hạnh.

Đang khi phát ra lời lẽ đùa cợt giữa chúng, biểu nghiệp, vô biểu nghiệp của sát-na này, gọi là nghiệp đạo căn bản. Sau sát-na ấy, tùy nơi vô biểu nghiệp cùng đạt được tài lợi, nhận dùng, cất giấu, biểu nghiệp hiện có này đều gọi là hậu khởi.

Có Sư khác cho: Tham, sân, tà kiến, vừa hiện ở trước, tức gọi là nghiệp đạo, nên không có gia hạnh hậu khởi có sai biệt.

Thuyết nêu bày như thế, cũng gồm đủ ba phần. Có tư bất thiện, đối với tham sân v.v… có thể làm các sự việc hỗ trợ trước sau.

Lại, các nghiệp đạo lần lượt đối chiếu nhau, tức cùng có hỗ tương làm gia hạnh, hậu khởi.

Như có một loại người muốn hại kẻ oán đối, đặt ra các thứ mưu mô, hợp kết thành duyên sát hại. Hoặc giết chúng sinh để cầu xin sức trợ giúp. Hoặc trộm vật của người khác để hỗ trợ cho việc sát hại. Hoặc dâm với vợ người kia, xui khiến giết chồng. Hoặc biết bạn thân của kẻ oán kia rất mạnh mẽ, sức mình yếu kém, nên mưu kế sát hại khó thành. Vì thế trước hết đối với bạn thân của kẻ oán đối kia, khởi bốn lỗi về ngữ để phá hoại tâm người kia, khiến người ấy đối với kẻ oán đối nọ không để ý cứu giúp, rồi tìm cách dẫn dụ người ấy vào bè nhóm mình. Hoặc đối với tài sản của kẻ kia, tâm sinh tham đắm. Hoặc tức ở nơi kẻ kia khởi tâm giận dữ. Hoặc khởi tà kiến nuôi lớn nghiệp giết hại, sau đấy mới giết. Đã giết kẻ oán đối xong, thời gian sau lại giết hại người thân của kẻ ấy, cướp đoạt của vật, hành dâm với người yêu của họ, cho đến lại khởi tà kiến hiện tiền.

Như thế gọi là nghiệp đạo sát sinh. Dùng mười nghiệp đạo ác làm gia hạnh, hậu khởi. Nghiệp đạo còn lại như chỗ ứng hợp nên biết.

Có Sư khác nêu: Tham v.v… không ứng hợp có thể làm gia hạnh, vì không phải chỉ tâm khởi, gia hạnh tức thành, do chưa có sự tạo tác. Thuyết nêu như thế thì tham v.v… tuy không phải là tánh của nghiệp đã tạo tác, nhưng tham v.v… kia, lúc duyên nơi cảnh sinh, không phải là không có lực dụng. Do có lực dụng, nên được mang tên gia hạnh, rồi tạo phương tiện dẫn sinh các nghiệp đạo.

Nay nên luận bàn tường tận như trước đã nêu bày. Tùy nơi biểu nghiệp này, ngay khi người kia mạng chung, thì biểu nghiệp, vô biểu nghiệp trong khoảng sát-na ấy, được gọi là nghiệp đạo căn bản của sát sinh.

Điều này tức nên phi lý. Vì sao? Vì đối tượng sát sinh là ở nơi phần vị tử hữu. Còn chủ thể sát sinh thì biểu nghiệp, vô biểu nghiệp trong sát-na kia, tức thành nghiệp đạo, hay là người kia sau khi chết mới thành nghiệp đạo.

Nếu đối tượng sát sinh (kẻ bị giết) trụ ở phần vị tử hữu, thì chủ thể sát sinh (người giết) nghiệp đạo tức thành. Tuy trước đã nói lại giống như không lỗi. Nhưng đối với nghĩa của tông, quyết định là trái nhau. Do đối tượng sát sinh cùng với chủ thể sát sinh đều cùng lúc bỏ mạng, nên cũng có thể nói: Chủ thể sát sinh, về nghiệp đạo sát đã thành, thừa nhận người bị giết cũng còn sống, nghiệp đạo sát đã thành.

Chủ thể sát sinh này khi ở nơi phần vị tử hữu, người bị giết bấy giờ đã gọi là chết thật sự, tức là người của chủ thể sát sinh nên thừa nhận đã có được nghiệp đạo sát sinh của một sát-na này. Tuy nhiên, Tông không thừa nhận cùng với người bị giết đều cùng thời mạng chung, thành tội của nghiệp đạo. Nếu sau khi người kia đã chết, nghiệp đạo mới thành, tức như trước đã nói là không hợp lý. Không phải kẻ bị giết lúc đang mạng chung, có thể được gọi là mạng của họ đã đoạn. Vì sao trước nói: Người kia đang mạng chung, biểu nghiệp, vô biểu nghiệp của khoảng sát-na nay được gọi là nghiệp đạo căn bản của sát sinh, nhưng nay thì nói sau khi chết nghiệp đạo mới thành.

Hai cách giải thích như thế, nên khéo quyết định rõ ràng. Quyết định sau khi chết nghiệp đạo mới thành. Nhưng trước đã nói người đang mạng chung, tức đối với sự việc đã qua trở lại nói tiếng hiện tại. Như có đại vương từ phương xa đã đến, mà hỏi: Nay, đại vương từ đâu đến? Hoặc đây là đối với nhân, giả nêu là quả. Nghĩa là người bị giết, lúc chính thức mạng chung, hữu tình của chủ thể giết là biểu nghiệp gia hạnh, đối với việc giết có dụng, không phải là biểu của nghiệp đạo. Biểu của nghiệp đạo này nối tiếp gia hạnh sinh, vì đối tượng dẫn khởi kia, nên gọi là quả của gia hạnh. Tuy nhiên, nhân đối với sát sinh có công năng hơn hẳn, thế nên đối với nhân, giả nói là quả, thật sự không phải là nghiệp đạo mà nói tiếng nghiệp đạo.

Há không phải biểu nghiệp của thời gian này có tác dụng, tức nên lập thời gian này là nghiệp đạo?

Không phải chủ yếu có công năng mới thành nghiệp đạo. Chớ cho vô biểu nghiệp mất tên gọi nghiệp đạo. Vô biểu nghiệp này ở trong sát sinh có công dụng gì? Như vô biểu nghiệp, thì biểu nghiệp cũng nên như thế. Lại, về lý không nên lập biểu của gia hạnh, tức là nghiệp đạo. Vì hữu tình của đối tượng sát sinh ở phần vị mạng chung, vì mạng vẫn còn, nên chủ yếu ở biểu của gia hạnh cùng với sinh mạng đã bị giết, là cùng thời diệt. Sau tử hữu của người kia, không có mạng đồng loại. Biểu nghiệp, vô biểu nghiệp trong một sát-na có thể thành nghiệp đạo. Biểu của niệm sau này, đối với việc sát sinh không có công năng, hãy còn không phải là sát sinh, huống chi là có tội? Chỉ nên vô biểu được mang tên nghiệp đạo, tuy không có công năng sát hại, là quả của sát hại.

Há không phải là lý của biểu sau cũng nên như thế chăng?

Biểu của sát hại làm nhân đã dẫn khởi. Nghĩa là do quả của gia hạnh khi tròn đủ, thì hai thứ này đều cùng thành nghiệp đạo căn bản, tuy đối với việc đoạn mạng người khác, thì hai thứ này không có công năng, nhưng có nhận lấy dụng của quả phi ái ở vị lai. Vì tư ưa thích giết hại, nên gọi là nghiệp đạo sát sinh. Như Bản luận nói: Từng có sinh đã hại, nhưng sát sinh chưa diệt? Đáp: Có. Như sinh mạng đã đoạn, nhưng gia hạnh của kẻ kia chưa dứt.

Lời nói này có nghĩa gì?

Nghĩa ở đây, do lúc sát sinh, khởi gia hạnh sát hại, gồm có ba thứ: (1) Chỉ do bên trong. Nghĩa là nắm tay đánh v.v… (2) Chỉ do bên ngoài. Nghĩa là ném đá v.v… (3) Cùng do cả hai. Nghĩa là vung dao v.v…

Trong ba thứ gia hạnh của sát hại này, có trường hợp sinh mạng đã bị giết, tuy đã đoạn, nhưng người giết sinh tưởng chưa trừ, nên đối với việc sát sinh không bỏ gia hạnh.

Do đấy, Bản luận đã nói như thế. Như sinh mạng đã đoạn, nhưng gia hạnh sát của người kia chưa dứt, nên đối với gia hạnh sát hại nói tiếng sát sinh, nên được nói là sát sinh chưa diệt.

Hành này cũng ở sau nghiệp đạo, vì sao gọi là gia hạnh?

Sư Tỳ-bà-sa giải thích như thế này: Hành này là khởi ở sau, nên nói tiếng gia hạnh. Vì sao? Vì người giết, tưởng là gia hạnh giết như chưa dứt, đối với sinh mạng bị giết đã mạng chung, tưởng cũng chưa sinh nên mới lập tên gọi gia hạnh.

Vì sao chỉ nói gia hạnh này ở nơi hậu khởi?

Nên nói như thế này, cùng ở nơi căn bản. Vì sao? Vì người đã bị giết tiếp theo thời gian của một sát-na sau thuộc tử hữu. Và thời gian sau này có nhiều khoảng sát-na mà gia hạnh của chủ thể sát sinh đều cùng chưa dứt.

Vì thế tức nên nói đây là ở nơi hậu khởi cùng đối với căn bản nói tiếng gia hạnh, không nhọc sức nói nữa. Và đối với căn bản, do ở nơi tiếng hậu khởi cũng thâu tóm căn bản. Chủ yếu là đối với kẻ bị giết, thời gian sau tử hữu, chủ thể giết hại mới thành căn bản của sát sinh.

Há không phải căn bản cùng với hậu khởi kia đều sinh sau tử hữu đối với đối tượng sát sinh, cùng có thể gọi là hậu khởi của sát sinh.

Do vậy nên tin Sư Tỳ-bà-sa ở nơi Bản luận đã nói, là giải thích tốt nhất.

Lại, trong kinh nói: Bí-sô nên biết, sát sinh có ba thứ: (1) Từ tham sinh. (2) Từ sân sinh. (3) Từ si sinh.

Cho đến tà kiến có ba thứ cũng như thế.

Há như các nghiệp đạo nơi lúc đạt cứu cánh đều do ba căn.

Đức Phật nêu rõ: Không phải các nghiệp đạo nơi lúc đạt cứu cánh đều do ba căn, vì gia hạnh có khác.

Thế nào là có khác? Tụng nêu:

Gia hạnh, ba căn khởi

Do vô gián kia sinh

Như tham v.v… ba căn sinh.

Luận nói: Lúc gia hạnh của nghiệp đạo bất thiện sinh, mỗi mỗi do ba căn bất thiện khởi.

Vì dựa nơi trước cùng khởi, nên nói như thế. Gia hạnh sát sinh do tham khởi: Như có kẻ tham phần thân, răng tóc của người kia. Hoặc vì được của cải, hoặc vì đùa vui, hoặc vì cứu giúp tự thân của thân hữu, nên từ tham dẫn khởi gia hạnh sát sinh.

Từ sân khởi: Như vì trừ diệt kẻ oán đối, đã phát khởi tâm giận dữ, khởi gia hạnh sát sinh.

Từ si khởi: Như người Ba Thích Tư nói như thế này: Cha mẹ già bệnh, nếu khiến mạng chung, liền sinh thắng phước, do khiến giải thoát các khổ của hiện tại, nên mới được thân hơn, căn thông sáng.

Lại cho sát sinh là pháp cúng tế thích hợp. Lại, các vua v.v…

dựa vào pháp luật thế gian, giết hết kẻ oán địch, trừ diệt bọn người hung dữ, cho là thành phước lớn, nên khởi gia hạnh sát hại.

Lại, ngoại đạo nói: Rắn, rít, ong v.v… là loại độc hại của con người, nên giết chúng liền đạt được phước. Dê, nai, trâu và các loài cầm thú khác, vì vốn dùng để cung cấp thức ăn nên giết chúng thì không có tội.

Lại, nhân nơi tà kiến giết hại chúng sinh. Những gia hạnh này đều từ si khởi.

Gia hạnh trộm cắp từ tham khởi: Như vì của cải, lợi dưỡng, được cung kính, danh xưng, hoặc vì cứu vớt tự thân, bạn thân, nên từ tham dẫn khởi gia hạnh trộm cắp.

Từ sân khởi: Như vì trừ diệt kẻ oán đối, phát khởi tâm phẫn nộ, khởi gia hạnh trộm cắp.

Từ si khởi: Như các vua chúa v.v… dựa vào pháp luật thế gian, chiếm đoạt tài sản của người ác, cho là pháp nên như vậy, không có tội trộm cắp.

Lại, Bà-la-môn nói như thế này: Của cải vật dụng nơi thế gian vào thời kỳ kiếp đầu tiên, là do Đại Phạm thiên vương thí cho các Phạm chí. Về sau, vì uy lực của Phạm chí suy yếu, nên bị các bộ tộc thấp kém tùy tiện lấn chiếm, thọ dụng. Nay các Phạm chí, đối với của cải của người khác ở thế gian, hoặc chiếm đoạt, hoặc trộm lấy đủ thứ áo cơm, hoặc đủ các loại vật dụng khác, hoặc chuyển cho người khác, đều như dùng của cải của chính mình, không có tội trộm cắp. Nhưng ngay khi Phạm chí kia nhận lấy, tức đã có tưởng là vật của người khác. Lại, nhân nơi tà kiến trộm lấy của cải vật dụng của người khác.

Những gia hạnh này đều gọi là từ si khởi.

Gia hạnh tà dâm từ tham khởi: Như đối với vợ của người khác, khởi tâm tập nhiễm, hoặc mưu cầu của cải, hoặc vì sự cung kính. Các gia hạnh này đều từ tham sinh.

Từ sân sinh: Như vì trừ diệt kẻ oán đối, phát khởi tâm giận dữ, khởi gia hạnh dâm.

Từ si khởi: Như người Ba Thích Tư đối với mẹ hành phi phạm hạnh thì khen ngợi. Lại các ngoại đạo nói như thế này: Tất cả người nữ như mâm cối, hoa quả chín, thức ăn, là cầu thang, đường sá, cầu thuyền, các người trong thế gian đều nên cùng thọ dụng.

Lại như Phạm chí khen ngợi con bò trong cúng tế, có các nam nữ thọ trì giới cấm của bò, hớp nước, ăn cỏ, hoặc đứng, hoặc đi, không phân biệt thân sơ, tùy gặp, tùy hợp.

Các gia hạnh này là từ si sinh.

Nói lời hư dối v.v… từ tham sinh: Như vì của cải, lợi dưỡng, được cung kính, danh tiếng, cứu giúp mình và người thân, khởi bốn gia hạnh.

Từ sân sinh: Như vì trừ diệt kẻ oán đối, đã phát khởi tâm giận dữ khởi bốn gia hạnh.

Từ si khởi: Như nhân nơi tà kiến, khởi bốn thứ gia hạnh như nói lời hư dối v.v…

Lại, nói lời hư dối từ si khởi: Như luận ngoại nói:

Nếu người nhân cười đùa

Gả cưới đối nữ vương

Cùng cứu mạng, cứu của

Nói hư dối không tội.

Lại, lời nói uế tạp từ si khởi. Như dựa nơi Phệ đà cùng tà luận khác để học tập, đọc tụng, ngâm vịnh, truyền trao cho người khác, cho là không có tội lỗi, là đều từ si khởi.

Gia hạnh như tham v.v… vì sao từ nơi ba?

Do từ ba căn vô gián sinh. Nghĩa là từ ba căn bất thiện như tham v.v… vô gián, đều cùng sinh ba nghiệp đạo.

Do đấy, đã làm rõ từ tham sân si, vô gián tương ưng sinh ba gia hạnh. Dựa nơi nghĩa vô gián cũng sinh nghiệp đạo.

Đã nói về bất thiện từ ba căn sinh, còn thiện thì thế nào? Tụng nêu:

Thiện ở trong ba vị

Đều ba căn thiện khởi.

Luận nói: Các thứ gia hạnh, căn bản, hậu khởi hiện có của nghiệp đạo thiện đều từ căn thiện không tham, không sân, không si dấy khởi. Do ba vị thiện đều là đẳng khởi của tâm sở thiện, nên tâm thiện tất cùng với ba thứ căn thiện cùng tương ưng.

Ba vị thiện nay, tướng của chúng là thế nào?

Nghĩa là xa lìa ba vị bất thiện trước, ba vị hiện có nên biết là thiện. Lại như khi Cần sách thọ cụ giới, đến vào giới đàn, lễ chúng Bí-sô, chí thành phát khởi lời nói, thỉnh Thân giáo sư, cho đến một lần bạch Tam yết ma v.v… đều gọi là gia hạnh của nghiệp đạo thiện.

Yết ma thứ ba xong, biểu nghiệp, vô biểu nghiệp trong một sátna, gọi là nghiệp đạo căn bản. Từ đấy về sau, cho đến nói về bốn sự nương dựa cùng nương dựa vào trước còn lại để nối tiếp tùy chuyển, thì biểu nghiệp, vô biểu nghiệp này đều gọi là hậu khởi.

Như trước đã nêu không phải các nghiệp đạo ở nơi vị cứu cánh, đều do ba căn. Nên nêu rõ do căn nào đạt cứu cánh (đạt tới tột cùng) nơi nghiệp đạo nào? Tụng nêu:

Sát, thô ngữ, giận dữ

Cứu cánh đều do sân

Trộm, hạnh tà và tham

Cứu cánh đều do tham

Tà kiến, si cứu cánh

Thuận do ba còn lại.

Luận nói: Nghiệp đạo sát sinh, thô ngữ, giận dữ trong nghiệp đạo ác, là do giận dữ đạt tới tột cùng, chủ yếu là không đoái nghĩ tới. Lúc tâm rất thô ác hiện ở trước thì ba thứ này thành.

Đối với các hành không cho mà lấy, hạnh tà dục, tham, ba nghiệp đạo này do tham đạt tới tột cùng, chủ yếu là có đoái nghĩ đến. Lúc tâm hết sức nhiễm ô hiện ở trước, thì ba thứ ấy thành. Tà kiến đạt tới tột cùng, chủ yếu là do ngu si. Do si phẩm thượng hiện tiền thì thành.

Ba thứ nói lời hư dối, ly gián, tạp uế, mỗi mỗi đều thừa nhận do cả ba đạt tới tột cùng. Vì khi tham, sân v.v… hiện ở trước, thì mỗi mỗi thứ có thể khiến ba thứ kia thành.

Nghiệp đạo tham, sân, tức là căn tham, sân, vì sao nói do tham, sân đạt tới tột cùng? Như lúc nghiệp đạo hạnh tà dục sinh, nhất định có căn tham có thể đạt tới tột cùng. Không phải lúc hai nghiệp đạo tham, sân sinh, có riêng tham, sân có thể đạt tới tột cùng.

Vì thế nên nói ba thứ tham, sân v.v… mỗi mỗi thứ đều do căn si đạt tới tột cùng. Vì không phải là không có si, khiến ba pháp ấy khởi.

Có Sư khác ở đây giải thích: Tức nêu cho pháp này do pháp này đạt tới tột cùng. Vì lúc tự thể sinh tức là nghiệp đạo. Vì lý kia là tận cùng nên tạo ra giải thích như thế. Nhưng thật sự thì tham v.v… lúc đang hiện ở trước, rất may là có căn si, có thể đạt tới tột cùng.

Do đâu không thừa nhận chỗ chấp về tự thể?

Vì trong nghiệp đạo còn lại, thì pháp khác đạt tới tột cùng. Tuy có nghĩa này, nhưng không thừa nhận. Tức chớ nên cho các nghiệp đạo đều do si đạt tới tột cùng. Vì khi các nghiệp đạo thành nhất định có si cùng có, nên không có lỗi như thế. Do khi sát sinh, trộm cắp v.v… tuy đều có si, nhưng vì tham, sân mạnh hơn.

Nếu như vậy thì tà kiến tức nên không do si, vì tà kiến đều cùng có si, là không mạnh. Không phải như thế. Vì tà kiến cùng khởi si là mạnh. Vì bấy giờ không có căn bất thiện nào khác. Không phải thể của tà kiến là căn bất thiện, nên căn bất thiện này cùng có si, thì nghĩa căn là hơn.

Nếu như vậy thì tham v.v… tức nên không do si, vì tham và sân là căn, nên là hơn. Còn si cùng hành là kém, nên không thể nói nghiệp đạo tham, sân do si đạt tới tột cùng.

Căn cứ ở chủ thể đạt tới tột cùng, bấy giờ thì si mạnh. Lại không có căn nào khác, nên đạt tới tột cùng là do tham v.v… Tự thể đối với tự nó, không có can trợ lực, đâu có thể nói tự mình đạt tới tột cùng nơi tự mình, nên đạt tới tột cùng do si, về lý là không lỗi.

Có Sư khác ở đây lại giải thích: So với tham, sân đều cùng có một quả nơi các pháp, đều có thể tùy theo chỗ hơn để lập tên tham, sân. Si kia cùng với tham, sân là cùng thời sinh, nên cũng có thể nói tham, sân kia đạt tới tột cùng.

Trong giải thích này cũng cùng có nêu hỏi, vấn nạn, vì e văn phiền tạp, nên lại dừng.

Các nghiệp đạo ở nơi xứ nào dấy khởi? Tụng nêu:

Hữu tình đủ danh sắc

Khởi xứ như danh thân v.v…

Luận nói: Như trước đã nói về bốn phẩm nghiệp đạo: Ba, ba, một, ba, tùy theo thứ lớp ấy, ở nơi bốn xứ như hữu tình v.v… mà sinh. Nghĩa là ba thứ như sát sinh, là ở xứ hữu tình khởi. Ba thứ như trộm cắp v.v… thì ở nơi xứ nhiều vật dụng khởi. Chỉ một thứ tà kiến thì ở nơi xứ danh sắc khởi. Ba thứ như nói lời hư dối thì ở nơi xứ như danh thân v.v… khởi.

Do gì để kiến lập nghiệp đạo sát sinh thành?

Nghĩa là do gia hạnh và do quả đầy đủ. Đối với hai phần này, tùy khi thiếu một, thì không tiếp xúc xác nhận tội căn bản của sát sinh.

Từng có người sát sinh khởi gia hạnh sát hại và khiến quả đầy đủ, nhưng kẻ ấy không bị xác nhận là tội sát sinh chăng?

Cũng có. Vì sao? Tụng nêu:

Cùng chết và chết trước

Không căn nương dựa riêng.

Luận nói: Nếu người giết hại khởi gia hạnh giết hại nhất định muốn giết người khác, cùng với kẻ bị giết cùng thời bỏ mạng, hoặc chết ở trước, thì nghiệp đạo của người giết kia là không thành. Vì sao? Vì kẻ bị giết, mạng họ vẫn còn sống, nên không thể tức khiến hữu tình của chủ thể giết, đã tiếp xúc tội sát sinh. Vì người bị giết mạng chưa đoạn, nên không phải người giết, mạng ấy đã hết mà có thể mắc tội giết, vì riêng dựa vào phần sinh. Nghĩa là thân là đối tượng nương dựa của gia hạnh sát sinh, hiện nay đã đoạn dứt. Tuy có đồng phần thân của loại riêng sinh nhưng không phải là chỗ dựa của tội. Đây là từng chưa khởi gia hạnh sát sinh để thành nghiệp đạo sát sinh. Về lý tức không nên như thế.

Nếu như vậy thì câu hỏi trong đây là phi lý?

Đã có thân là đối tượng nương dựa của gia hạnh sát sinh, không phải tức có thể khiến cho quả sát sinh được đầy đủ, vì đối với hai phần trước là thiếu một.

Vì sao do uẩn này ở trong tâm mà có thể hỏi, nói: Từng có người giết, khởi gia hạnh sát sinh cùng khiến cho quả đầy đủ? Nếu cho trong đây là căn cứ theo một sự cùng nối tiếp, rồi nói đây là khởi gia hạnh, tức quả này đầy đủ, thế thì cũng là tội giết đã được tiếp xúc, vì thừa nhận sự sinh trước sau cùng nối tiếp là một.

Lại, nhân đã nói là không có sức để có thể minh chứng, vì chủ thể giết hại, có chết sống không khác. Nghĩa là căn cứ theo chỗ nương dựa vào thân để thiết lập phần vị sống của người kia. Cũng có niệm niệm khác diệt, khác sinh, không phải khởi gia hạnh nơi thân, tức có thẻ khiến cho quả đầy đủ.

Vì sao nói dựa nơi riêng khác nên không phải đã tiếp xúc với tội sát sinh?

Nếu cho vì đồng phần sau khi chết là khác, nên so với sống là có khác, tức trở lại thành thiếu một phần, vì câu hỏi là phi lý. Câu hỏi này là hợp lý, vì nhân có công năng minh chứng. Vì sao? Vì nghĩa có riêng khác. Nghĩa là người hỏi trước đặt ra câu hỏi này nói: Từng có một sự cùng nối tiếp khởi gia hạnh sát sinh, cũng khiến cho quả đầy đủ, nhưng người kia không bị cho là có tội sát sinh chăng?

Sinh trước sau đã cùng nối tiếp là một, không phải thiếu một phần. Đối với người đáp sau, nên nêu ra lời đáp này: Vì sinh thân trước sau và đồng phần là quả của nghiệp riêng, vì dựa riêng nơi sinh, nên không vì sinh trước đã tạo tiếp xúc tội.

Nếu không thừa nhận như thế, thì sát hại không phải là cha mẹ, nên thành vô gián chăng?

Lại, không phải nẻo người, tức nên thành tội nghịch, mà không thừa nhận như vậy, nên dựa vào nhân riêng có sức để có thể minh chứng.

Nếu có nhiều người tập hợp thành đoàn quân, muốn giết kẻ oán đối, hoặc săn bắt thú v.v… trong số ấy, tùy khi có một hành sát sinh, thì người nào được thành nghiệp đạo sát sinh? Tụng nêu:

Nếu đồng sự như quân

Đều thành như tác giả.

Luận nói: Ở trong đoàn quân v.v… nếu tùy theo đấy có một người tạo sự việc sát sinh, như tự tạo tác, thì tất cả đều thành nghiệp đạo sát sinh, do những người kia đồng thừa nhận cùng làm một sự việc. Như vì một sự việc, thì lần lượt bảo nhau, nên một người sát sinh, thì những người còn lại đều cùng đắc tội.

Nếu có uy lực khác bắt buộc phải gia nhập trong đoàn này, nhân tức đồng tâm thì cũng thành tội sát. Chỉ trừ nếu có người lập lời thề, trong thời hạn cần thiết, nhằm cứu giúp chính mình, nên tuy mạng chung cũng không hành sát sinh. Do không có tâm giết hại, nên không đắc tội sát sinh.

HẾT – QUYỂN 41