LUẬN A TỲ ĐẠT MA THUẬN CHÁNH LÝ
Tác giả: Tôn giả Chúng Hiền
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 21

Phẩm thứ 3: BIỆN VỀ DUYÊN KHỞI, phần 1

Đã dựa vào ba cõi để biện về phần đạt được tâm v.v… Nay nên xét chọn.

Ba cõi là gì? Ở trong ấy gọi là xứ có riêng bao nhiêu?

Tụng nêu:

Địa ngục, bàng sinh, quỷ

Người và sáu trời dục

Gọi cõi dục hai mươi

Do địa ngục, châu khác.

Mười bảy xứ trên đây

Gọi cõi sắc trong ấy

Ba tĩnh lự đều ba

Tĩnh lự thứ tư tám.

Cõi vô sắc không xứ

Do sinh có bốn thứ

Dựa đồng phần và mạng

Khiến tâm cùng nối tiếp.

Luận nói: Toàn bộ bốn nẻo dưới như Na-lạc-ca (Địa ngục) v.v… và một phần nẻo trời, quyến thuộc trung hữu cùng khí thế gian gọi chung là cõi dục. Một phần nẻo trời nghĩa là sáu trời thuộc cõi dục:

(1) Trời Bốn đại vương chúng. (2) Trời Ba mươi ba. (3) Trời Dạ ma. (4) Trời Đổ sử đa. (5) Trời Lạc biến hóa. (6) Trời Tha hóa tự tại.

Như thế, cõi dục như địa ngục v.v… cùng khí thế gian gồm có mười xứ. Do châu, địa ngục khác, nên phân làm hai mươi: Tám đại địa ngục gọi là địa ngục khác: (1) Địa ngục Đẳng hoạt. (2) Địa ngục Hắc thằng. (3) Địa ngục Chúng hợp. (4) Địa ngục Hào khiếu. (5) Địa ngục Đại khiếu. (6) Địa ngục Viêm nhiệt. (7) Địa ngục Đại nhiệt. (8) Địa ngục Vô gián.

Nói châu khác: Nghĩa là bốn châu lớn: (1) Châu Nam Thiệm bộ. (2) Châu Đông Thắng thân. (3) Châu Tây Ngưu hóa. (4) Châu Bắc Câu lô

Như thế tám địa ngục và bốn châu là mười hai cùng sáu trời dục, hai xứ bàng sinh, ngạ quỷ tức thành hai mươi.

Nếu là hữu tình giới thì từ trời Tự tại đến ngục vô gián. Nếu là khí thế giới thì cho đến phong luân, đều thuộc về cõi dục.

Đã nói về cõi dục và xứ không đồng. Trên cõi dục này, xứ có mười bảy. Nghĩa là xứ ba tĩnh lự, mỗi xứ đều có ba, xứ tĩnh lự thứ tư riêng có tám, khí và hữu tình, gọi chung cõi sắc.

Xứ tĩnh lự thứ nhất có ba: (1) Trời Phạm chúng. (2) Trời Phạm phụ. (3) Trời Đại phạm.

Xứ tĩnh lự thứ hai có ba: (1) Trời Thiểu quang. (2) Trời Vô lượng quang. (3) Trời Cực quang tịnh.

Xứ tĩnh lự thứ ba có ba: (1) Trời Thiểu tịnh. (2) Trời Vô lượng tịnh. (3) Trời Biến tịnh.

Xứ tĩnh lự thứ tư có tám: (1) Trời Vô vân. (2) Trời Phước sinh. (3) Trời Quảng quả. Và xứ năm Tịnh cư hợp thành tám. Năm Tịnh cư là: (1) Trời Vô phiền. (2) Trời Vô nhiệt. (3) Trời Thiện hiện. (4) Trời Thiện kiến. (5) Trời Sắc cứu cánh.

Vì được sinh do thiện rộng lớn, nên gọi là Phạm. Phạm này tức đại, nên gọi là Đại phạm. Do vị trời ấy đạt được định trung gian, vì sinh đầu tiên, vì mất sau cùng, vì uy đức v.v… là hơn, nên gọi là Đại. Vì là đối tượng thống lãnh, đối tượng giáo hóa hiện có của Đại phạm, nên gọi là Phạm chúng. Vì ở trước Đại phạm, theo hàng thứ lớp hộ vệ, nên gọi là Phạm phụ.

Vì có ánh sáng nhỏ nhất trong các trời thuộc tự địa, nên gọi là Thiểu quang. Vì ánh sáng chuyển thắng lượng khó lường tính, nên gọi là Vô lượng quang. Vì ánh sáng tịnh chiếu khắp xứ của tự địa, nên gọi là Cực quang tịnh.

Do ý địa thọ lạc nên gọi là Tịnh. Ở trong tự địa thì tịnh này rất là yếu kém, nên gọi là Thiểu tịnh. Tịnh này chuyển tăng, lượng khó lường tính, nên gọi là Vô lượng tịnh. Vì tịnh này hiện bày rộng khắp, nên gọi là Biến tịnh. Ý hiển bày lại không có lạc nào có thể vượt qua xứ này.

Do địa cư trú của các trời trong không bên dưới là như mây hợp kín, nên gọi là Vân. Các trời trên đây lại là địa không có mây. Vì ở nơi đầu của các trời không mây, nên gọi là Vô vân. Lại có nơi chốn của hàng phàm phu phước đức vượt hơn có thể sinh đến đấy, nên gọi là Phước sinh. Cư trú ở nơi chốn trong quả của hàng phàm phu, thì đây là thù thắng nhất, nên gọi là Quảng quả.

Các Thánh lìa dục, dùng nước Thánh đạo rửa sạch các thứ cấu uế của phiền não, nên gọi là Tịnh. Thân tịnh đã dừng trụ ở đấy, nên gọi là Tịnh cư. Hoặc trụ ở đấy là tận cùng nơi biên vực sinh tử, như hoàn trả hết nợ, nên gọi là Tịnh. Tịnh là chỗ trụ, nên gọi là Tịnh cư. Hoặc trong trời này, không có phàm phu lẫn lộn, chỉ thuần là Thánh dừng trụ, nên gọi là Tịnh cư. Phồn nghĩa là phồn tạp. Hoặc cho là rộng nhiều. Do trong các xứ không có phồn tạp thì đây là đầu tiên. Trong các trời rộng nhiều, thì trời này là kém nhất, nên gọi là Vô phiền.

Hoặc gọi là vô cầu, vì không mong cầu hướng nhập nơi cõi vô sắc.

Đã khéo điều phục trừ bỏ các chướng ngại xen tạp trong việc tu tập tĩnh lự phẩm trung, thượng, ý lạc điều hòa, lìa các nhiệt não, nên gọi là Vô nhiệt. Hoặc khiến phiền não phẩm hạ sinh khởi, gọi là Nhiệt. Đây là xa lìa đầu tiên, nên được mang tên Vô nhiệt. Hoặc lại nhiệt là nghĩa sáng rỡ, tức tu tĩnh lự phẩm thượng và quả, ở đây cũng chưa chứng đắc, nên gọi là Vô nhiệt.

Đã được tu nhiều tĩnh lự phẩm thượng, vì quả đức dễ hiện bày rõ, nên gọi là Thiện hiện.

Tu nhiều các thứ phẩm khác hết sức vi tế để phòng giữ định, vì kiến giải rất trong suốt, nên gọi là Thiện kiến.

Lại không có xứ nào trong các xứ có sắc, có thể vượt qua nơi đây, nên gọi là Sắc cứu cánh. Hoặc trời này đã đạt đến biên vực sau cùng của thân, là chỗ dựa của chúng khổ, nên gọi là Sắc cứu cánh.

Có thuyết nói: Sắc là sắc tích tụ đã đến biên vực sau kia, nên gọi là Sắc cứu cánh. Mười bảy xứ này: Các khí thế gian và các hữu tình, gọi chung là cõi sắc.

Có thuyết khác cho: Nói riêng về danh xưng mười bảy xứ. Trong tĩnh lự thứ nhất đã lập chung làm hai xứ. Tĩnh lự thứ tư thì nói riêng về vô tưởng.

Sư kia tức nên nói: Xứ có mười tám. Do trời Đại phạm kia so với trời Phạm phụ về thọ lượng, thân lượng, không có tầm, hưởng v.v… vì đều có khác.

Há không phải vô tưởng đối với trời Quảng quả chỉ là phàm phu v.v… có sai biệt?

Tức trước cũng nên nói xứ có mười tám.

Vấn nạn này là phi lý. Vì sinh nơi trời Vô tưởng tức là quả của nghiệp hệ thuộc trời Quảng quả.

Nếu như vậy sinh thân của Đại phạm đã thọ nhận cũng là quả của nghiệp hệ thuộc trời Phạm phụ. Tức không nên nói riêng là một xứ trời. Vì nghiệp hệ thuộc phẩm thượng của trời Phạm phụ đã chiêu cảm quả của Đại phạm. Nghiệp của Đại phạm này so với trời Phạm phụ kia có ít sai biệt, nên chiêu cảm thọ mạng v.v… cũng có một ít không đồng.

Nếu trời Đại phạm so với trời Phạm phụ kia, về thọ lượng v.v…

là khác, hợp làm một xứ, tức như trời Thiểu quang thọ lượng v.v… tuy khác, nên hợp làm một xứ, là thành lỗi lầm lớn.

So sánh này là không đúng. Vì Đại phạm là một, chủ yếu là dựa nơi đồng phần để lập danh xưng xứ trời, không phải là một Phạm vương có thể gọi là đồng phần. Tuy thọ lượng v.v… so với các vị khác là không đồng, nhưng do một thân thì không thành đồng phần, nên cùng với Phạm phụ hợp lập một trời, cao thấp tuy khác nhưng địa thì không dị biệt.

Trời Thiểu quang v.v… vì so với Đại phạm này là trái nhau, do đó Sư kia không nên nêu dẫn để so sánh.

Thượng tọa đối với cõi sắc đã lập mười tám trời, nên nói thế này: Tu các tĩnh lự, mỗi tĩnh lự đều có ba phẩm, nghĩa là thượng, trung, hạ. Tùy theo nhân của ba phẩm, sinh nơi ba xứ trời. Tĩnh lự thứ nhất, Đại phạm thiên vương, tự loại cùng so sánh, được có đồng phần, cùng với xứ Phạm phụ, hơn kém có khác. Như xứ A-luyện-nhã bên cạnh thôn xóm, tuy là gần bên nhau, nhưng xứ không đồng.

Hữu tình vô tưởng ở nơi định thứ tư, làm xứ thứ tư, so với trời Quảng quả thì có khác biệt, nên xứ thành mười tám.

Điều này cũng không hợp lý, vì địa của tĩnh lự thứ nhất, xứ tức nên có bốn. Hữu tình vô tưởng nên lìa Quảng quả thì không lập riêng.

Nếu cho tùy thuận tu ba phẩm tĩnh lự, các địa của tĩnh lự về xứ đều có ba, thì Đại phạm vương về thọ mạng v.v… là hơn, nên khác với nhân hạ, trung, thượng của định thứ nhất, dùng riêng trung gian đã chiêu cảm do nghiệp của định vượt hơn, nên Đại phạm khác với ba định đầu. Do nghiệp riêng đã chiêu cảm thành xứ thứ tư. Hoặc tức nên Đại phạm không có riêng nhân. Hữu tình vô tưởng so với Quảng quả kia, về thọ lượng, thân lượng v.v… là không có sai biệt, nên không có nhân khác. Vì xứ không phải là thứ tư, nên lập mười tám, về lý tất không thành.

Lại, nếu tất nhiên tức nên Sắc cứu cánh về thọ lượng, thân lượng là ba mươi hai ngàn, hoặc sáu mươi bốn, nhưng đều cùng không thừa nhận. Thế nên không thể căn cứ nơi phần tu ba phẩm tĩnh không đồng để lập xứ có khác. Nhân tuy có bốn, xứ chỉ lập ba. Nhân chỉ có ba mà xứ lập bốn.

Lại, tĩnh lự thứ nhất xứ nếu có ba tức nên Đại Phạm vương so với xứ Phạm phụ, cao rộng, cách xa, như trời trên dưới, cũng nên thọ lượng thân lượng đều tăng gấp bội, tức là tất cả phần kiến lập là không thành. Nhưng trời Phạm chúng thọ lượng là nửa kiếp, thân lượng cũng có nửa du-thiện-na đến trời Đại phạm về lượng đều là một rưỡi. Nếu lập xứ Đại phạm làm thứ ba tức nên thọ lượng cùng với thân lượng tăng đến hai, tức là trở lên, đều nên tăng gấp bội, vậy là các đối tượng kiến lập đều không thành tựu.

Thế nên các Đại Luận sư ở nước Ca-thấp-di-la đều nói nơi chốn cư trú của Đại Phạm vương, tức xứ Phạm phụ. Do đấy, nên xứ của cõi sắc chỉ có mười sáu.

Đã nói như thế là khéo thuận với Khế kinh. Trong bảy thức trụ, chỉ nêu lên phần biên, như trời Cực quang tịnh và trời Biến tịnh.

Nếu cho không như thế, thì Khế kinh nên nói: Như xứ Đại phạm không phải là trời Phạm chúng.

Hữu tình Vô tưởng so với xứ Quảng quả, về thọ lượng v.v… là không khác. Vì sao lập riêng?

Sư kia lại nói: Tĩnh lự thứ nhất không phải là không có thọ lượng cùng kiến lập có sai biệt, do ba trời kia là tăng nửa nửa.

Nếu như vậy Đại phạm tức nên cũng tăng gấp bội, tức là phần kiến lập trời trên đều hoại. Không có lỗi lầm này. Vì thừa nhận trời Thiểu quang so với trời Đại phạm cũng tăng một nửa. Sự việc này chỉ là vọng chấp. Chưa thấy trời cõi sắc, xứ riêng cực thành, vì có tăng một nửa. Lại làm hoại chánh lý. Vì sao? Vì đã thừa nhận dựa nơi việc tu ba phẩm tĩnh lự, được quả của ba phẩm, kiến lập ba trời. Theo lý nào trời ở giữa tăng gấp bội so với xứ dưới, nhưng ở xứ trên ấy thì lại hơn một nửa so với giữa? Nên lời Sư kia đã nói, chỉ dựa vào vọng chấp. Vì thế kiến lập các trời của cõi sắc chỉ Sư của nước tôi đã nói là không loạn.

Đã nói về cõi sắc và xứ không đồng. Trong cõi vô sắc đều không có xứ, do pháp vô sắc là không có phương sở, vì quá khứ vị lai vô biểu vô sắc, không trụ nơi phương sở, về lý đã quyết định rõ. Nên chỉ dị thục sinh hơn kém có sai biệt, nói có bốn thứ: (1) Không vô biên xứ. (2) Thức vô biên xứ. (3) Vô sở hữu xứ. (4) Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Bốn thứ như thế gọi là cõi vô sắc. Bốn thứ này không phải là do xứ có trên dưới, chỉ là do sinh, nên hơn kém có khác. Lại, làm sao nhận biết cõi vô sắc kia không có phương xứ? Nghĩa là ở nơi xứ này, người được định kia mạng chung, tức ở nơi xứ này sinh.

Lại, từ khi người kia mất, sinh nơi cõi dục, sắc, tức ở nơi xứ này là trung hữu khởi. Tuy do sinh nên bốn thứ không đồng, nhưng không có phương xứ trên dưới có sai biệt. Bốn thứ do đâu có thứ lớp như thế? Do lìa dục dần được dần định. Hoặc tức do sinh theo thứ lớp như thế. Tùy nơi sức của nhân sinh, nên có quả ít, nhiều. Như cõi có sắc, tất cả hữu tình chủ yếu là dựa vào sắc thân, tâm v.v… cùng nối tiếp. Ở nơi cõi vô sắc hữu tình thọ sinh, dùng gì làm nương dựa? Tâm v.v… cùng nối tiếp. Vì sao ở nơi cõi vô sắc này bỗng nhiên lại sinh nghi?

Do trong các pháp đều không có ngã. Tâm, tâm ở pháp ở trong cõi dục, sắc, nương dựa vào sắc thân, có thể nối tiếp cùng chuyển. Ở cõi vô sắc đã không có sắc thân, tâm v.v… tức nên không có nghĩa cùng nối tiếp chuyển. Nên nay đối với cõi ấy có thể lại sinh nghi. Nên biết hữu tình của cõi vô sắc kia đã dựa vào đồng phần và mạng. Tâm v.v… cùng nối tiếp không phải ngã làm chủ thể nương dựa và âm thanh gồm thâu bất tương ưng hành còn lại. Nghĩa là đắc, phi đắc và cùng với sinh v.v… không phải ở trong sinh v.v… ấy đã hiển bày đồng phần v.v… là thật có tự thể. Vì trước đã thành, nên chỉ hiển bày dụng của đồng phần kia. Nghĩa là có thể làm duyên. Duyên, nghĩa là chủ thể nương dựa, khiến tâm v.v… nối tiếp.

Bốn thức như nhãn v.v… mỗi mỗi đều dùng ý vô gián diệt cùng sắc căn của tự thân, làm chỗ dựa cho ý và làm tánh của chủ thể nương dựa, do sắc căn của tự thân đã dựa nơi đại chủng. Thân căn và đại chủng, đồng phần, mạng căn, đắc v.v… sinh v.v… chỉ làm tánh nương dựa. Thân thức, tức dùng ý và thân căn làm chỗ nương dựa của thân thức kia và làm tánh của chủ thể nương dựa. Chỉ do thân căn đã dựa nơi đại chủng nên đồng phần, mạng căn, đắc v.v… sinh v.v… làm tánh của chủ thể nương dựa kia, không phải làm đối tượng nương dựa.

Ý thức chỉ dùng ý vô gián diệt để làm chỗ dựa cho mình, và làm tánh của chủ thể nương dựa. Thân căn và đại chủng, đồng phần, mạng căn, đắc v, v.., sinh v.v… chỉ làm tánh của chủ thể nương dựa. Tâm v.v… của hữu tình nơi cõi dục, sắc như thế, dựa vào sự cũng nối tiếp của đồng phần, mạng v.v… thuộc sắ. Hữu tình của cõi vô sắc do vô sắc nên chỉ dựa vào đồng phần và mạng căn, tâm v.v… cùng nối tiếp không phải là không có chủ thể nương dựa. Chủ thể nương dựa cùng với đối tượng nương dựa, hai tướng đâu có dị biệt.

Nay xem rõ về ý nghĩa của Tông, hai tướng riêng khác, chủ yếu do kia có thì đây mới được sinh, không có thì không sinh. Là vì tướng nương dựa nên nhất định có tướng kia cùng tùy thuận biến chuyển. Đây gọi là tướng của chủ thể nương dựa và tướng của đối tượng nương dựa.

Há không phải tuy có đồng phần v.v… của sắc nhưng hoặc có lúc tâm v.v… không nối tiếp, vì sao nói sự nối tiếp kia làm chủ thể nương dựa của tâm v.v…?

Vấn nạn này không đúng, do có pháp riêng có thể trái với tâm v.v… khiến không nối tiếp, nên phần vị nối tiếp của tâm tất có chủ thể nương dựa kia, nên chủ thể ấy được làm tướng nương dựa của tâm v.v… Hiện thấy tâm v.v… ở trong thân chết hoàn toàn là không sinh. Tâm tâm sở pháp ở trong sinh thân, quyết định sẽ khởi, nên tướng nương dựa của sắc v.v… là cực thành.

Do đấy nên biết sắc, thanh, hương v.v… đối với tâm tâm sở, không thể làm chủ thể nương dựa, vì trong sự việc bên ngoài có sắc, thanh v.v… nhưng tâm tâm sở từng không chuyển biến. Nhưng tướng của đối tượng nương dựa trước tức nên không phải có khắp. Không phải các tâm v.v… đều tùy theo đối tượng nương dựa mà chuyển biến, nên tâm v.v… không tùy vào ý vô gián diệt, nhất định có chuyển biến.

Vì sao có thể nói ý căn kia làm đối tượng nương dựa, tâm v.v… nhất định tùy theo ý căn chuyển biến? Luận về tùy thuận biến chuyển, nghĩa là khiến cải đổi. Ý vô gián diệt, vào lúc đang diệt, khiến tâm v.v… sau nhập nơi phần vị đang sinh, ý căn đã diệt, tâm v.v… đã sinh.

Như thế tức thành sau tùy theo trước biến đổi, không phải đồng phần v.v… làm chủ thể nương dựa như tâm v.v… Như các căn như nhãn v.v… vì ý vô gián diệt, nên tướng của đối tượng nương dựa cùng với tướng của chủ thể nương dựa là khác. Tức khắp các đối tượng nương dựa không có lỗi cùng lẫn lộn.

Như thế, tâm của các hữu tình nơi cõi dục, sắc, bốn uẩn cùng sinh, đều làm tánh của chủ thể nương dựa, chỉ một sắc uẩn, được làm đối tượng nương dựa. Đối tượng nương dựa của ý thức cũng tức nên gồm sắc, vì tùy theo sắc biến đổi. Hiện thấy đại chủng như rượu v.v… khi xúc não, tâm liền cải đổi, không chấp nhận sắc làm đối tượng nương dựa của ý thức.

Luận về thành đối tượng nương dựa, nhất định có thể sinh biến đổi, ý thức không phải nhất định tùy theo đại chủng biến đổi sinh. Nếu như đại chủng không có, thì ý thức này cũng có, do đại chủng này đối chiếu với ý thức, chỉ có thể thành chủ thể nương dựa, không phải là tánh của đối tượng nương dựa.

Thế nên sáu thức trong cõi dục, cõi sắc dùng bốn uẩn làm tánh của chủ thể nương dựa cùng sinh. Ý thức của cõi vô sắc, vì không còn có sắc nương dựa, nên nương dựa cùng sinh kia, chỉ chung nơi ba uẩn.

Nếu như vậy thì vì sao chỉ nói tâm của cõi vô sắc đã dựa nơi đồng phần và mạng?

Ở đây nói nhất định là đồng, vì nương dựa không có tạp loạn. Nghĩa là tâm tâm sở, tuy cùng làm chủ thể nương dựa, nhưng không phải nhất định đồng, vì không tự nương dựa, cũng không phải không có tạp loạn. Sinh ở nơi địa này, vì loạn khởi tâm tâm sở của địa mình, địa khác, nên đồng phần và mạng, tâm v.v.. đồng nương dựa.

Lại, ở địa này sinh, chỉ có địa này, dựa nơi đấy, nếu như khởi tâm của địa không đồng. Do vậy trở lại khiến tâm của địa mình khởi. Chỉ dựa vào hai loại ấy (Đồng phần và mạng căn), gọi là sinh ở địa này, do nghiệp dẫn dắt sinh, không có gián đoạn, nên do đấy nói là đồng với chủ thể nương dựa không tạp loạn. Vì tâm v.v… thì không như vậy, nên lược không nói. Nếu không có hai loại này thì bốn uẩn của địa khác, khi hiện ở trước, bấy giờ hữu tình tức nên gọi là địa khác, không phải thuộc về địa này, vì nghiệp trước của địa mình đã dẫn dắt đến quả, không cùng nối tiếp, nhưng không nên thừa nhận.

Vì thế nên biết, như ở cõi dục, cõi sắc, thân nơi đồng phần, mạng căn, làm đối tượng nương dựa của tâm v.v… Tuy hoặc có khi tâm của địa khác khởi, nhưng dựa vào thân v.v… ở trong sinh này, định sau sẽ dẫn phát tâm của địa mình khởi. Như thế, cõi vô sắc tuy không có thân, nhưng các định như tâm v.v… dựa vào đồng phần và mạng, nên tụng nói riêng về đồng phần và mạng căn. Đây là dị thục của nghiệp dẫn dắt lôi kéo, là nhân trụ của dị thục khác cùng nối tiếp. Ví như rễ, cộng v.v… của cây nương dựa, trụ vững. Hiện thấy các cành, lá, cộng v.v… của cây, tuy đồng chủng loại sinh, nhưng dựa vào rễ để trụ. Vì thế không nên cho, nhãn căn v.v… chỉ dựa vào nghiệp để trụ, không có riêng chủ thể nương dựa. Do đấy đã giải thích: Sinh nơi cõi vô sắc là nghiệp sinh tâm v.v… cần nương dựa riêng nơi nhân, nên trong Bản luận đã không nêu ra thuyết này. Tâm chuyển tức dùng pháp tương ưng làm chủ thể nương dựa, tức do đắc, phi đắc v.v… của nhân này. Và âm thanh được hiển bày chung, không nói danh xưng riêng. Nghĩa là tâm kia không phải chỉ là nghiệp đã sinh ra. Nếu như nghiệp sinh, thì không phải luôn nối tiếp. Vì sao pháp kia làm chỗ nương dựa của tâm? Nghĩa là pháp đồng phần, mạng căn kia nếu không có, thì tâm v.v… của địa mình tất không sinh, cũng như thân v.v… Hoặc do pháp ấy là nhân không có tạp loạn, nên không phải sinh địa trên, thành tựu thiện của địa dưới. Lại, vì không thành tánh phàm phu v.v… của địa khác, nên đồng phần, mạng căn kia làm tánh của chủ thể nương dựa, lý ấy là cực thành.

Có Sư khác cho: Như trong hầm, hào v.v…, tuy không có gió v.v…, nhưng ngọn đèn cháy sáng không sinh. Nếu pháp đồng phần, mạng căn kia không có thì tâm v.v… không khởi. Nên biết tâm v.v… đã dùng các pháp ấy làm chủ thể nương dựa.

Hoặc có môn nhân đã nêu thỉnh vấn: Bất tương ưng hành tức nên như sắc thân, cũng có thể làm chỗ dựa sinh ra ý thức v.v…, nên chỉ vì nói bất tương ưng hành làm chủ thể nương dựa của tâm v.v… mà cho không phải bốn uẩn cùng sinh của cõi vô sắc không có nghĩa nương dựa nhau. Nhưng ở trong đây, tâm cùng với thọ v.v… làm tánh của đối tượng nương dựa. Không phải thọ v.v… kia làm đối tượng nương dựa của tâm, vì không phải là chỗ tùy thuộc, tức chủ yếu là khi tâm hiểu rõ chung về tướng của cảnh giới, thì thọ v.v… mới có thể nhận lấy tướng sai biệt. Thế nên thọ kia tùy thuộc tâm, không phải tâm tùy thuộc thọ. Nhưng tâm tâm sở gọi là hỗ tương nương dựa, hỗ tương tùy chuyển, vì đồng một quả.

Do đâu không nói trong cõi dục, cõi sắc hai loại này làm chủ thể nương dựa, tâm v.v… cùng nối tiếp, mà chỉ nói tâm kia nương dựa nơi sắc thân? Trong cõi dục, cõi sắc, thân nơi đồng phần v.v… tuy luôn nối tiếp nhau, đều có thể làm chủ thể nương dựa, nhưng vì thân thô hiện rõ, thế nên nói riêng. Hoặc vì thành lập đồng phần, mạng căn, lìa thân thì có riêng, nên nói như thế. Không phải ở nơi cõi vô sắc, hoặc trong địa khác, vì nghiệp sinh tâm v.v… luôn hiện ở trước. Hoặc làm rõ đồng phần và mạng căn v.v… cũng dựa vào thân chuyển, nên nêu bày như vậy. Tuy đồng phần, mạng căn kia cùng với thân hỗ tương nương dựa, nhưng vì thân là vượt hơn, nên nói riêng làm chủ thể nương dựa.

Há không phải mạng căn làm tánh nương dựa của thân cũng là thù thắng? Mạng căn nếu không có thì các pháp như thân căn v.v… đều không chuyển. Tuy không có mạng căn, pháp như thân căn kia đều không chuyển, nhưng thân phần nhiều gặp phải các duyên như tai nạn ngang trái v.v… Mạng v.v… tùy theo thân tức cũng có tổn ích, nên thân cùng với pháp đồng phần, mạng căn kia làm chủ thể nương dựa, nghĩa ấy là hơn. Tức do nghĩa này, các Sư Đối Pháp nói: Trong cõi vô sắc, do không có thân, nên đồng phần, mạng căn v.v… lại hỗ tương nương dựa.

Kinh chủ trong đây giả làm khách chủ, lầm tăng chánh nghĩa, tạo ra vấn nạn này: Nếu như vậy, tâm v.v… của hữu tình có sắc, vì sao không chỉ dựa vào sự cùng nối tiếp của hai loại này? Nghĩa là phái Đối Pháp giải thích: Hữu tình sinh nơi cõi sắc, hai loại này là yếu kém. Ở nơi cõi vô sắc hai thứ ấy nhân nơi gì nên mạnh?

Vì hai loại này của cõi kia đều từ định thù thắng sinh. Do đẳng chí kia có thể điều phục tưởng sắc.

Nếu như thế thì đối với hai loại kia, tâm v.v… cùng nối tiếp, chỉ dựa vào định thù thắng, đâu dùng chủ thể nương dựa riêng.

Lại, nay nên nói: Như các hữu tình thọ sinh nơi cõi có sắc thì đồng phần, mạng căn dựa vào sắc mà chuyển. Hai loại này ở cõi vô sắc lấy gì làm nương dựa?

Hai loại này lại hỗ tương nương dựa mà chuyển.

Hai loại này nơi cõi có sắc, vì sao không cùng nương dựa?

Sinh nơi cõi có sắc, vì hai loại này yếu kém. Hai loại này ở cõi vô sắc, do gì nên mạnh?

Do hai loại này của cõi kia từ định thù thắng sinh. Nên trước đã nói định kia có khả năng điều phục tưởng sắc, tức là trở lại đồng với vấn nạn về tâm cùng nối tiếp. Hoặc tâm tâm sở chỉ hỗ tương nương dựa.

Kinh chủ nhất định đối với A-tỳ-đạt-ma là không thừa nhận. Đã thuật lầm lời nói ấy. Hoặc do tự tâm chán ghét Đối Pháp, giả tạo ra thuyết này. Lầm loạn chánh tông, ai là người có trí diệu thông suốt các pháp tướng nên đáp lại trước những câu hỏi như thế?

Vị kia lập tự tông cho: Nơi cõi vô sắc, tâm v.v… cùng nối tiếp, không có riêng chủ thể nương dựa. Nghĩa là nếu có nhân chưa lìa sắc ái, dẫn khởi tâm v.v… tâm v.v… được dẫn cùng với sắc là đều cùng sinh, dựa nơi sắc mà chuyển. Nếu nhân ở nơi sắc đã được lìa ái, chán bỏ sắc, nên tâm v.v… đã được dẫn không phải là sắc cùng sinh, không dựa vào sắc chuyển. Điều này cũng phi lý. Nếu do sức của nhân dẫn khiến tâm v.v… kia cùng nối tiếp chuyển, thì tâm thiện cùng với tâm nhiễm, ở nơi phần vị hiện tiền, tâm v.v… cùng nối tiếp, tức nên không có đối tượng nương dựa.

Lai, như hữu tình ở nơi cõi dục, cõi sắc, vì sức của nhân dẫn, nên tâm v.v… cùng nối tiếp cùng với sắc đều cùng sinh, dựa vào sắc mà chuyển. Hữu tình như thế, ở nơi cõi vô sắc do sức của nhân dẫn sinh, nên tâm v.v… cùng nối tiếp, cùng với chúng đồng phần, mạng căn cùng sinh, không dựa nơi sắc, chỉ dựa vào đồng phần, mạng căn mà chuyển.

Đã thừa nhận hữu tình nơi cõi dục, cõi sắc, tâm v.v… không dựa vào sắc thân, thì nhất định không có nghĩa chuyển. Nhân gì hữu tình ở cõi vô sắc, tâm v.v… đều không có đối tượng nương dựa mà có nghĩa chuyển?

Lại, thuyết kia hiện thừa nhận trong cõi dục, cõi sắc, tâm v.v… cùng nối tiếp, tuy là quả của một nghiệp, nhưng tất nương dựa vào tâm v.v… khác mới chuyển. Ở nơi cõi vô sắc vì sao không thừa nhận như thế?

Lại, không nên nói chỉ có đối với cõi sắc chưa lìa nhân ái, tâm v.v… đã dẫn dựa vào sắc mà chuyển. Hiện có hữu tình đối với cõi sắc đã lìa nhân của ái, tâm v.v… đã dẫn cùng với sắc đều cùng dựa vào sắc mà chuyển. Sinh nơi cõi dục, cõi sắc, sắc ái đã trừ, vì tâm của cõi vô sắc hiện tiền, hữu tình kia tuy tâm vô sắc đã hiện ở trước, nhưng hữu tình đó không gọi là vô sắc, vì chưa lìa sắc ái theo nhân quả làm chủ thể nương dựa, vì tâm vô sắc này cùng nối tiếp chuyển, nên nơi cõi dưới hiện khởi tâm của cõi vô sắc đã có riêng chủ thể nương dựa, tức cõi trên cũng nên như thế.

Lại, sinh nơi cõi vô sắc khởi tâm của địa khác, hoặc khởi vô lậu, nếu không có một ít pháp của địa mình làm chủ thể nương dựa nơi tâm cùng nối tiếp, thì sẽ nói đây là hữu tình của địa nào?

Như thế, suy tìm, nêu hỏi, trước đã thường biện minh. Do vậy, đối tượng nhận biết của Kinh chủ không phải là thượng diệu. Trong vấn đề này, Thượng tọa nói tâm của cõi vô sắc cùng với tâm sở lại hỗ tương nương dựa, như hai bó cỏ lau cùng nương dựa mà trụ. Hoặc như danh sắc của cõi dưới đã cùng nương dựa. Tức nên cật vấn vị kia: Như nơi cõi dục, cõi sắc, tuy danh là bốn uẩn, lại hỗ tương nương dựa, nhưng thừa nhận danh kia nương dựa riêng nơi sắc chuyển. Như thế, tâm sở của cõi vô sắc cùng với tâm, tuy cùng nương dựa, nhưng lại nên thừa nhận có riêng đối tượng nương dựa, được cùng nối tiếp trụ. Thế nên là trái hẳn với chánh lý của Đối Pháp, tất không có khả năng chứng nghĩa chân thật.

Như Bản luận nói: Thế nào là cõi dục? Nghĩa là có các pháp như dục tham tùy tăng. Cõi sắc, cõi vô sắc cũng lại như thế.

Vì hiển bày các pháp hiện hành của ba cõi, không phải đều hệ thuộc nơi ba cõi ấy, nên đã nói như vậy. Há không phải các pháp không phải là phiền não tùy tăng của địa cõi khác nhau, tức nên nêu lên tất cả phiền não tùy tăng của tự cõi đã hiện bày riêng khác? Về lý thật sự nên như thế. Song nói về phần nhiều là tùy miên hiển bày riêng. Do các hữu tình phần nhiều là hiện khởi tùy miên tham.

Nói dục tham: Nghĩa là tham của cõi dục. Tham của cõi sắc, cõi vô sắc cũng lại như thế.

Lược nói về đoạn thực. Vì dâm đã dẫn khởi tham, tức có thể lập tên dục. Như tụng của kinh nói:

Các cảnh diệu đời, không dục chân

Dục chân là người phân biệt tham

Cảnh diệu như gốc trụ thế gian

Người trí ở đấy đã trừ dục.

Vì làm rõ tham, dục, tên khác nhưng thể đồng, nên nói tụng này. Dục đã hệ thuộc nơi cõi nên gọi là cõi dục. Sắc đã hệ thuộc nơi cõi nên nói là cõi sắc. Vì lược bỏ các từ ở giữa, nên nói như thế. Như thức uống ngâm hồ tiêu, như vòng kim cương. Ở trong cõi kia, vì sắc không có, nên gọi là cõi vô sắc.

Nói sắc: Là nghĩa biến đổi, ngăn ngại, hoặc là nghĩa thị hiện. Thể kia không phải là sắc, nên lập tên vô sắc. Không phải thuyết kia chỉ dùng sắc vô vi làm thể. Vô sắc đã hệ thuộc nơi cõi nên gọi là cõi vô sắc. Lược bỏ các từ ở giữa. Dụ như trước đã nói.

Lại, cõi của dục gọi là cõi dục. Do cõi này có thể nhận giữ dục. Cõi sắc, cõi vô sắc nên biết cũng như thế. Nếu cõi có sắc mà không có định, thì gọi là cõi dục. Nếu cõi có sắc và cũng có định, thì đấy gọi là cõi sắc. Nếu cõi không có sắc mà có định, thì gọi là cõi vô sắc. Hoặc cõi có sắc và có cảnh dục, đó gọi là cõi dục. Nếu cõi có sắc, nhưng không có cảnh dục, đó gọi là cõi sắc. Nếu cõi cả hai thứ kia đều cùng không có, gọi là cõi vô sắc. Hoặc cõi tuy có dị thục của năm uẩn, nhưng không có năm uẩn làm nhân dị thục, đồng được một quả, thì đó gọi là cõi dục. Nếu cõi đều cùng có cả hai, đó gọi là cõi sắc. Nếu cõi đều cùng không có cả hai thứ kia, đó gọi là cõi vô sắc. Hoặc cõi phần nhiều có đủ tất cả sắc, thì đó gọi là cõi dục. Nếu cõi tất cả ở nơi sắc là thiếu, giảm, thì đó gọi là cõi sắc. Nếu cõi tất cả sắc pháp đều không có, là cõi vô sắc. Hoặc cõi có sắc, cũng có nhiều nẻo, gọi là cõi dục. Nếu cõi có sắc nhưng không có nhiều nẻo, đó gọi là cõi sắc. Nếu cõi không có sắc, cũng không có nhiều nẻo, là cõi vô sắc.

Như thế, các thứ riêng khác, có vô lượng loại. Ba cõi làm một vì lại có nhiều. Ba cõi vô biên, lượng như hư không, nên tuy không có hữu tình mới khởi vô lượng vô biên Phật xuất hiện ở đời, mỗi mỗi hóa độ vô số hữu tình, khiến chứng cảnh giới bát Niết-bàn vô dư, nhưng không cùng tận, cũng như hư không.

Thế giới nói an trụ như thế nào?

Nên nói về bàng sinh. Tức như Khế kinh nói: Ví như trời mưa, giọt nước mưa như trục xe, không gián cách, không đứt đoạn, từ trên không tuôn xuống. Như thế, ở phương Đông không gián cách, không đứt đoạn, vô lượng thế giới hoặc hoại, hoặc thành. Như ở phương Đông, thì nơi các phương Nam, Tây, Bắc cũng lại như thế. Không nói phương trên, dưới.

Có thuyết cho: Cũng có hai phương trên dưới. Vì trong bộ kinh khác nói về mười phương, nên trên trời Sắc cứu cánh, lại có cõi dục, phía dưới cõi dục có trời Sắc cứu cánh.

Như thế, lần lượt thế giới là vô biên. Nếu có khi lìa tham của một cõi, thì tất cả tham của ba cõi đều diệt lìa. Dựa vào tĩnh lự thứ nhất, lúc khởi thông tuệ, phát sinh thần thông, chỉ có thể đi đến tự cõi đã sinh là trời Phạm thế không phải là xứ khác. Thông tuệ còn lại nên biết cũng như vậy. Chớ nên đối với cảnh có lỗi thái quá.

Đã nói về ba cõi. Nẻo lại là thế nào? Xứ nào có bao nhiêu thứ?

Tụng nêu:

Trong đó như địa ngục

Tự danh nói năm nẻo

Chỉ vô phú vô ký

Hữu tình không trung hữu.

Luận nói: Ở trong ba cõi, tùy theo chỗ ứng hợp ấy, nói có năm nẻo, như tự danh xưng đã hiển bày. Nghĩa là trước đã nói: Địa ngục, Bàng sinh, Quỷ và Người, Trời, đó gọi là năm nẻo. Chỉ ở cõi dục là có bốn nẻo hoàn toàn. Ba cõi đều có một phần nẻo trời. Vì hiển bày có cõi không thuộc về nẻo, nên trong ba cõi nói có năm nẻo. Thiện, nhiễm, vô ký, hữu tình vô tình cùng trung hữu v.v… đều là tánh của cõi. Thể của nẻo chỉ gồm thâu vô phú vô ký và cùng với hữu tình nhưng không phải là trung hữu. Nói thể của nẻo chỉ gồm thâu vô phú vô ký: Tức chỉ là dị thục sinh làm thể của nẻo.

Do đấy đã giải thích: Nẻo chỉ là hữu tình. Trong vô tình vì không có dị thục sinh. Trung hữu không phải là nẻo, phần sau sẽ biện rộng.

Thể của nẻo chỉ gồm thâu vô phú vô ký. Có Thánh giáo nào có thể nhất định chứng biết?

Nghĩa là kinh Thất hữu lại có thể làm chứng. Kinh nói bảy hữu, nghĩa là: (1) Địa ngục hữu. (2) Bàng sinh hữu. (3) Ngạ quỷ hữu. (4) Nhân hữu. (5) Thiên hữu. (6) Nghiệp hữu. (7) Trung hữu.

Trong đây nghiệp hữu là nhân của năm nẻo. Phân biệt nẻo khác với nhân, thế nên nói riêng. Kinh này vì nêu rõ thể của nẻo, chỉ gồm thâu vô phú vô ký, nên phân biệt khác với nhân. Nhưng Kinh chủ nói: Không phải là nói riêng, nên nhất định không phải thuộc về nẻo kia. Như trong năm trược, thì phiền não cùng với kiến nói riêng là trược, không phải là nói riêng mà cho kiến kia nhất định không phải thuộc về phiền não. Nghiệp hữu như thế tuy cũng là nẻo, nhưng vì làm rõ là nhân của nẻo, do đấy đã nói riêng. Nên có thuyết nói: Thể của nẻo gồm cả thiện nhiễm.

Thuyết kia nói là phi lý, vì không có xứ nào nói như thế. Có xứ nói kiến cũng là phiền não, tuy đã có nhân, nói riêng là trược, nhưng căn cứ nơi phần còn lại để nói nên biết tức phiền não. Từng không có xứ nào nói nghiệp nhân của các nẻo tức là thể của nẻo, có thể làm chứng thật. Tuy đã có nhân, nói riêng là hữu, nhưng căn cứ nơi nẻo kia để nói nên biết nghiệp là nẻo. Vì sao nhất định nhận biết nghiệp là thể của nẻo? Là vì đã có nhân nên trong hữu đã nói riêng, nhưng không phải là nghiệp hữu. Thể không phải là nẻo. Vì làm rõ nhân của nẻo nên nói là nghiệp hữu. Vì vậy dụ đã được dẫn là không thể chứng minh.

Lại, thuyết kia đã nói là có lỗi thái quá, nên chấp trung hữu cũng thuộc về nẻo. Nhưng thuyết kia giải thích cho: Do cùng với nghĩa của nẻo là không tương ưng. Vì là trung gian của hai nẻo, nên gọi là trung hữu. Trung hữu này nếu thuộc về nẻo tức nên không phải là trung hữu.

Phần đã giải thích như thế, về sau lại nghiên cứu, tìm tòi. Lại, kinh nói về năm trược, đối với chứng đắc là không sức, vì từng không có xứ nào nói nghiệp là nẻo.

Đã thừa nhận trung hữu, do cùng với nghĩa của nẻo không tương ưng, nên không phải là Thể của nẻo. Nghiệp cũng nên như thế. Cũng cùng với nghĩa của nẻo không tương ưng, nên nhất định không phải là Thể của nẻo. Nghiệp nếu là thể của nẻo thì nẻo tức nên cùng xen tạp. Ở trong thân của một nẻo, có nghiệp của nhiều nẻo. Nên nếu nghiệp nơi nhân của nẻo, tức là nẻo, thì con người có nghiệp của địa ngục hoặc hiện tiền, thì nghiệp đó nên là người cũng là địa ngục. Cũng không nên nói Thể của nẻo địa ngục, tuy là hiện ở trước, nhưng không phải là địa ngục.

Như thế tức có lỗi lầm thái quá. Nghĩa là quả dị thục, đang hiện ở trước, nên không phải là địa ngục, vì không sai biệt. Nhưng Khế kinh nói: Dị thục khởi xong, gọi là Na-lạc-ca, nên nghiệp không phải là nẻo.

Lại, nghiệp là nẻo, thì cùng với lý là trái nhau. Cũng như trung hữu, là nhân của nẻo. Nẻo nghĩa là đối tượng đi đến. Trung hữu không nên là xứ của đối tượng đi đến. Do chủ thể đi đến này chính là xứ đã được sinh, nên không phải là thuộc về nẻo.

Nghiệp hữu như thế là đã thừa nhận nhân của nẻo, không phải là xứ của đối tượng hướng đến, cũng không phải là thuộc về nẻo, vì thế nên biết Thể của nẻo chỉ gồm thâu vô phú vô ký, lý đó là cực thành. Chỉ dị thục sinh là Thể của các nẻo.

Do đâu chứng biết?

Vì Khế kinh nói. Kinh nói: Tôn giả Xá-lợi-tử nói thế này: Cụ thọ! Nếu có các lậu của địa ngục hiện tiền, nên tạo tác tăng trưởng, thuận với thọ nghiệp địa ngục, thân, ngữ, ý của người kia vì uế trược tà vạy, nên ở trong Na-lạc-ca phải thọ nhận dị thục của năm uẩn. Dị thục khởi rồi, gọi là Na-lạc-ca. Trừ pháp năm uẩn, thì Na-lạc-ca kia đều không thể đạt được.

Trong đây, đã nói: Trừ năm uẩn như sắc v.v… của dị thục sinh, thì không có địa ngục riêng, vì dị thục khởi xong, gọi là Na-lạc-ca, nên biết Thể của nẻo chỉ là dị thục.

Tuy thuyết kia giải thích nói: Vì nhằm ngăn chận thật có Bổđặc-già-la có thể đi đến các nẻo, nên nói như thế này: Trừ pháp năm uẩn, thì Na-lạc-ca kia đều không thể đạt được. Vì không phải ngăn chận uẩn khác, nên nói lời này: Nhưng là tự tâm đã suy tính hư vọng. Kinh nói: Năm uẩn dị thục khởi rồi mới được gọi là Na-lạc-ca.

Lại nói: Trừ pháp của uẩn dị thục này, Na-lạc-ca kia là không thể đạt được. Nên câu nói không phải là pháp uẩn là theo tướng chung để nói. Nhân nơi năm uẩn dị thục trước để khởi, nên lời nói này cũng có thể gồm luôn việc ngăn chận về thật có Bổ-đặc-già-la có thể đi đến các nẻo. Thừa nhận uẩn dị thục là nhằm ngăn chận chung phần còn lại.

Lại, thuyết kia đã nói dị thục khởi xong, gọi là địa ngục. Nghĩa là nói khi dị thục khởi mới gọi là địa ngục, không phải nói địa ngục chỉ là dị thục. Đây cũng là tùy theo vọng tình tạo ra giải thích này, vì phần kế tiếp, tức có phân biệt để nói. Nghĩa là tiếp theo nói trừ pháp của uẩn dị thục trước thì Na-lạc-ca kia đều không thể đạt được.

Nếu thể của các nẻo không phải chỉ là dị thục, thì vì sao cần phải nói: Dị thục khởi xong mới gọi là địa ngục. Không phải ở nơi các uẩn dị thục của phần vị trước, trước khi chưa khởi, đã có địa ngục có thể chiêu cảm nghiệp hữu. Không phải vào thời bấy giờ đã gọi là địa ngục, nên biết địa ngục chỉ là dị thục sinh, không phải địa ngục kia có thể chiêu cảm nghiệp hữu. Ở trong phần vị của dị thục đã khởi, chưa khởi, hiện hành thành tựu, ít có sai biệt. Thế nên thể của nẻo chỉ là dị thục sinh, không phải là thiện, nhiễm v.v… về lý là hoàn toàn được thành lập.

Có Sư khác cho: Cũng chung cả tánh được nuôi lớn.

Điều ấy là trái với Khế kinh, không thể nương dựa, tin tưởng.

Nói các lậu của địa ngục hiện ở trước, tức nên nói: Phiền não của địa ngục là gì? Nhưng nay nói là các lậu của địa ngục không phải là phiền não của các nẻo như địa ngục v.v…

Như định thứ nhất v.v… hệ thuộc nơi các địa đều riêng khác, nhưng nghiệp của các nẻo nhất định có riêng khác, nên có thể khởi phiền não.

Như nghiệp mà nói, không phải nẻo, Thể chỉ là vô phú vô ký, nên cùng với Luận Phẩm Loại Túc là trái nhau.

Luận ấy nói: Tất cả tùy miên của năm nẻo đều đã tùy tăng. Tức Luận kia đã dựa nơi năm bộ, có thể kết sinh tâm, nên nói như thế. Nẻo là tâm người, nói chung là nẻo, không có lỗi trái nhau. Ví như thôn xóm và biên giới của thôn xóm, gọi chung là thôn xóm.

Trung hữu không phải là nẻo, do đâu nên nhận biết?

Do Kinh, Luận và Lý làm định lượng.

Lại, nói do Kinh: Nghĩa là Kinh Thất Hữu đã nói riêng về năm nẻo, là phương tiện của nhân.

Nói do Luận: Nghĩa là do Luận Thi Thiết nói: Bốn sinh gồm thâu năm nẻo, không phải năm nẻo gồm thâu bốn sinh. Không gồm thâu là thế nào? Đó là trung hữu. Luận Pháp Uẩn nói: Nhãn giới là thế nào? Nghĩa là sắc tịnh do bốn đại chủng đã tạo, là nhãn, nhãn căn, nhãn xứ, nhãn giới, các nẻo địa ngục, bàng sinh, quỷ, người, trời, trung hữu tu thành.

Nói do Lý: Nẻo: Nghĩa là nơi chốn đi đến. Trung hữu thì không như vậy, như trước đã nói. Lại, trung hữu kia tức ở nơi xứ tử sinh, nên không phải là xứ được đi đến, vì thế không phải là thể của nẻo. Nhưng có vấn nạn: Nếu như vậy thì cõi vô sắc cũng nên không phải là nẻo, tức ở nơi xứ tử mà thọ sinh.

Vấn nạn kia phi lý, vì các xứ tử của cõi vô sắc thì sinh ngay, không đi đến xứ khác, nên là Thể của nẻo. Trung hữu tuy là ở nơi xứ tử tức sinh, nhưng là đi đến xứ khác, nên không phải là Thể của nẻo.

Kinh chủ lại nói: Đã như thế trung hữu gọi là trung hữu, không nên gọi là nẻo. Vì ở giữa hai nẻo, nên gọi là trung hữu.

Giải thích này là không hợp lý, vì nhân không thành. Nếu thừa nhận trung hữu không phải là nẻo cực thành, thì có thể nói: Vì ở giữa hai nẻo, nên gọi là trung hữu. Trung hữu không phải là nẻo đã không cực thành, vì sao có thể nói: Do ở giữa hai nẻo, nên gọi là trung hữu? Nghĩa của nhân là không thành. Nếu như thừa nhận Thể của trung hữu là nẻo, vì thuận với thọ nghiệp của hữu tình kia, nếu chưa lìa tham thì nhất định ở giữa của hai hữu tử sinh khởi, nên gọi là trung hữu, không phải nêu bày trung hữu kia vì ở giữa hai nẻo, nên gọi là trung hữu. Tuy nhiên, không có lỗi bản hữu gọi là trung hữu. Ở nơi trung gian sinh tử thuộc địa của trung hữu, cùng có bản hữu không khởi. Nghĩa là hoặc cùng có sinh hữu vô gián, tử hữu hiện tiền, không phải là bản hữu khởi. Tất không cùng có ở nơi địa của trung hữu có tử hữu vô gián, sinh hữu hiện tiền, nên danh xưng trung hữu không xen lẫn với hữu khác. Tuy cũng có thuyết nói: Trong cõi dục, cõi sắc, không phải nhất định tất cả đều có trung hữu. Điều này trong phần sau xét chọn về nghĩa của trung hữu sẽ lập hữu nhất định, phá bỏ thuyết kia đã nêu. Hoặc chấp nhận trung hữu kia ở nơi trung gian của hai sinh thuộc loại khác dấy khởi, nên gọi là trung hữu, không phải ở nơi trung gian của hai nẻo hiện có. Bản hữu v.v… kia thì không có sự việc như thế.

Lại, Kinh chủ nói: Trung hữu này nếu thuộc về nẻo, không phải là trung gian, tức không nên gọi là trung hữu, thì cũng không hợp lý. Vì sao? Vì nếu như trung hữu này thuộc về nẻo, như trước đã giải thích, vì thành trung hữu, nên trung hữu không phải là nẻo. Thuyết trước, về lý là thành. Lời nói sau của Kinh chủ thì không thể làm chứng. Ở đây, Thượng tọa nói như thế này: Nếu thừa nhận trung hữu không phải thuộc về nẻo, thì trung hữu kia tức nên nói, lìa ngoài năm nẻo, có riêng nghiệp có thể chiêu cảm trung hữu khởi. Điều này không có lỗi, vì đã được thừa nhận. Nghĩa là trong Tông của tôi đã thừa nhận Thể của năm nẻo chỉ là vô ký. Nghiệp khởi của trung hữu chỉ là bất thiện, thiện hữu lậu.

Do đấy nên biết, lìa ngoài năm nẻo có riêng nghiệp có thể chiêu cảm trung hữu sinh khởi. Tuy nhiên, trung hữu này tức là quả của nghiệp thuộc nẻo. Nghĩa là nghiệp có thể chiêu cảm quả của các nẻo. Tức nghiệp này có thể chiêu cảm phương tiện đi đến nẻo. Phương tiện đi đến nẻo tức gọi là trung hữu.

Như đồng với chỗ đã thừa nhận, thì hóa không phải là hóa sinh là quả của một nghiệp. Như thế tức nên thừa nhận nẻo không phải là nẻo đã gồm thâu đối tượng chiêu cảm của một nghiệp. Trung bát Niết-bàn do đấy được thành lập, vì thuận với thọ nghiệp nhất định, vì đã cho quả. Nếu là quả nghiệp riêng, là nghiệp như sinh hữu, vì chưa cho quả, nên không có khả năng khởi, đoạn trừ vĩnh viễn kiết còn lại, khiến Thánh đạo hiện tiền. Há không phải kiết sinh, do hữu tình kia đã đoạn, nên có thể khởi Thánh đạo hiện tiền như thế. Như Khế kinh nói: Nên biết Bổ-đặc-già-la như thế đã đoạn trừ kiết sinh, chưa đoạn trừ kiết khởi, nên chứng đắc không thành.

Vì sao hai kiết đồng trói buộc một địa mà đoạn trừ trước sau?

So với lý là không trái, nên phải xét tìm ý nghĩa sâu xa của kinh kia. Tôi nay đối với kinh này đã suy cầu xét kỹ, nhận thấy Khế kinh kia có ý như thế này: Nghĩa là dựa nơi hai thứ đoạn trừ để nói như vậy. Hai đoạn là gì? (1) Đoạn do đối trị đạt được vĩnh viễn. (2) Đoạn do không hành đạt được vĩnh viễn.

Ở đây là đoạn thứ nhất. Nghĩa là toàn bộ kiết khởi và phần ít kiết sinh, đối với tham của cõi sắc, đã được lìa bỏ vĩnh viễn. Đối với tham của cõi vô sắc, thì chưa lìa bỏ vĩnh viễn. Nếu là đoạn thứ hai, thì chỉ là kiết sinh. Ở nơi cõi dục, cõi sắc, người chưa lìa tham thì cả hai thời cùng có khởi kiết hiện hành. Nghĩa là thời gian trụ nơi bản hữu, phát khởi mãn nghiệp và thời gian trụ nơi trung hữu, nối tiếp trung hữu, trong phần vị phàm phu, tạo nghiệp lôi kéo dẫn dắt, đã có thể chiêu cảm nghiệp này ứng hợp với đối tượng thọ sinh.

Do sức đối trị kiết tham kia đã điều phục phần cùng nối tiếp, nên biết rõ lỗi lầm sâu nặng của sinh hữu. Kiết tham kia trụ trong bản hữu, không thể hiện khởi để có thể phát ra kiết của nghiệp đầy đủ thuộc sinh hữu, do đấy cuối cùng nghiệp kia không sinh. Trụ trong trung hữu, kiết kia không có hiện khởi để làm chướng ngại Thánh đạo, chưa đến xứ sinh bèn đoạn trừ kiết còn lại mà bát Niếtbàn. Do Thánh đạo kia không chấp nhận kiết nơi sinh hữu, nên kiết sinh thứ hai vĩnh viễn không hiện hành, vì trước đã được phi trạch diệt kia. Vì các nẻo này so với trung hữu kia là quả của một nghiệp, lý ấy là cực thành. Lại, tất nên như thế, trừ người ở trung hữu bát Niết-bàn, vì không trụ nơi trung hữu, không đến sinh hữu mà mạng chung.

Nếu là quả của nghiệp riêng, tức nên đồng với quả của nghiệp dị biệt khác. Do nhân gì các hữu tình thọ trung hữu tất lại đến xứ sinh? Nếu hữu tình khác ở nơi phần vị của trung hữu, thì nghiệp của sinh hữu v.v… cũng đã cho quả, vì sao không đồng với hữu tình, trung bát kia chưa đến xứ sinh, trung hữu liền chết? So sánh này là không cân xứng, do quả Bất hoàn là trung bát.

Nghĩa là tất cả kiết sinh đều đã đoạn trừ, nên cùng với sinh là trái nhau. Vì đạo đối trị thù thắng đã hiện hành, nên thuận với thọ nghiệp kia, vì đã cho quả, nên không đến sinh hữu liền bát Niết-bàn. Các hữu tình khác trụ ở trung hữu, kiết sinh chưa đoạn, lại không trái với đạo đối trị thù thắng đã sinh, nên thuận với thọ nghiệp kia, tuy đã cho quả, nhưng tất sẽ thọ nhận dị thục của sinh hữu. Do dị thục của các nghiệp có thế mạnh, nhanh chóng. Nhưng Thượng tọa kia vì tuệ giác suy vi, ở trong chỗ không lỗi, vọng khởi vấn nạn về lỗi, nói: Nếu trung hữu không phải thuộc về nẻo, thì trung hữu đó tức nên nói là lìa ngoài năm nẻo, có riêng nghiệp có thể chiêu cảm trung hữu dấy khởi. Người có trí thù thắng ở đây không nên thu nhặt.

Như thế là đã giải thích chung về Thể của các nẻo xong. Tiếp theo nên giải thích riêng về danh xưng của mỗi mỗi nẻo. Na-lạc gọi là người. Ca gọi là ác. Người tạo nhiều ác, bị đọa lạc trong ấy, do đấy nên gọi là nẻo Na-lạc-ca. Hoặc vì gần với con người, nên gọi là Na-lạc-ca, người tạo tội nặng mau chóng bị đọa vào nẻo kia. Hoặc lại Ca: Là tên khác của vui. Na: Là nói không có. Lạc là nghĩa cho. Không có an vui cùng cho nhau, nên gọi là Na-lạc-ca. Hoặc lại Lạc ca là nghĩa cứu giúp. Na gọi là không thể. Không thể cứu giúp nên gọi là Na-lạc-ca. Hoặc lại Lạc ca là nghĩa yêu thích. Không thể thích yêu thích nên gọi là Na-lạc-ca.

Nói bàng sinh: Nghĩa là nơi nẻo kia thân phần nhiều là trụ ngang. Hoặc trong nẻo kia cùng có phần ít loài đi một bên. Lại, vì phần nhiều là giống nhau, vì ngu si nhiều, nên gọi là bàng sinh.

Nói ngạ quỷ: Nghĩa là trong đời khác, vui thích trộm lấy vật của người khác. Quen keo kiệt, tham lam v.v… Lại, phần nhiều là tổ tông đã được cúng tế. Lại, phần nhiều là mong cầu để tự mình được tồn tại. Lại, đa số là khiếp nhược, thấp kém, hình tướng gầy ốm tiều tụy, vì thân tâm khinh suất, nên gọi là ngạ quỷ.

Người: Nghĩa là khiến khởi mạn khi duyên theo trời: Ta ở trong nẻo thiện giống với trời này là tôn quý. Hoặc tự tâm của loài kia có nhiều tăng thượng mạn. Hoặc có nhiều tư duy, lo lắng, nên gọi là người.

Trời: Nghĩa là ánh sáng, uy đức rạng rỡ, vui chơi, đàm luận, dũng mãnh, lấn hiếp nhau. Hoặc lại tôn cao, thần dụng tự tại, được nhiều người cầu cúng mong muốn, nên gọi là trời.

Có người cho: A-tố-lạc cùng với chúng chư thiên là luôn cùng trái nghịch, tranh chấp xung đột, nên nói A-tố-lạc vốn là chư thiên có uy đức thù thắng, do chỗ giống nhau ấy, nên A-tố-lạc thuộc về nẻo trời. Trong hiện quán đế, vì không có khả năng, vì giống với hàng phi nhân, vì phần nhiều là dua nịnh tà vạy, nên nhất định không phải là nẻo trời, mà là thuộc về nẻo quỷ. Cùng với chúng chư thiên là luôn chống trái, tranh chấp, đều không phải là nhân của chứng cứ do không nhất định. Lại, cùng tranh chấp xung đột, không phải là nhân của chứng cứ về trời. Từng nghe có người cùng với La-sát tranh chấp. Lại, nghe La-sát cùng với khỉ vượn tranh giành đánh nhau. Vua Mạn-đà-đa đánh phá A-tố-lạc. Những sự việc như thế, loại ấy là thật nhiều. Nhưng vì trong các trời có vị Tô-đà rất ngon, A-tố-lạc lại có người nữ dung mạo đẹp đẽ, do đấy cùng xâm lấn, thường khởi chống đối, tranh đoạt, không do đồng nẻo, nên A-tố-lạc kia là phi thiên. Nói cùng qua lại với nhau, cũng không thành chứng. Hiện thấy những kẻ sang hèn, cũng cùng qua lại với nhau. Các người tham đắm dục, chú trọng về sắc, không phải là dòng họ. Từng nghe vua Đại Thọ Khẩnna-la có cô con gái xinh đẹp, tên là Đoạt Ý. Bồ-tát Thiện Tài nhận làm vợ. Nói vốn là chư thiên, cũng không thành chứng. Là Thiên Đế Thích nói lời khen ngợi cha vợ mình. Các lời nói khen ngợi tốt đẹp, hoặc thật, hoặc không thật. Lại vì trọng Thiết Chi, nên bày ra lời khen ngợi cha mình. Phát ngôn của tâm yêu mến dua nịnh, há đủ để làm chứng?

Lại, A-tố-lạc kia vốn ở nơi đỉnh núi Diệu Cao, bị chư thiên bức bách phải lùi xuống đến ở bên dưới, nên nói vốn là chư thiên, cũng không có lỗi.

Lại, A-tố-lạc kia kiêu mạn, tự cho là trời, thường xuyên khởi binh đánh nhau với chư thiên. Trời Đế Thích vì nhằm ngăn chận, khéo an ủi khiến được vui, nên nói hợp thời xứ, nếu như không thật cũng không có lỗi. Uy đức thù thắng cũng không phải là nhân của chứng cứ.

Từng nghe vua Mạn-đà-đa uy đức vượt hơn chư thiên. Nanđà, Bạt-nan-đà v.v… tuy là bàng sinh, nhưng uy đức tự tại, hơn hẳn chúng chư thiên, nên A-tố-lạc chỉ thuộc về nẻo quỷ, cũng không phải là thứ sáu, vì từng không nói. Nhưng không nói là thuộc về nẻo ác: Do sợ A-tố-lạc kia khởi tâm độc ác đối với Đức Phật, nhân đấy phải nhận chịu các thứ khổ kịch liệt trong đêm dài sinh tử.

Lại, do lời giáo huấn, ngăn chận cho A-tố-lạc là thuộc về trời.

Tố lạc gọi là trời, là nghĩa tự tại. A là nghĩa không phải, làm rõ A-tố-lạc kia là phi thiên, tự tại thua kém trời, gọi là A-tố-lạc. Lại, A-tố-lạc nghĩa là rất khả ái. Trời là rất khả ái, được mang tên Tố lạc. Tuy A-tố-lạc kia cũng phần nhiều thọ hưởng các diệu lạc, nhưng do nhiều dua nịnh tà vạy, nên không phải là rất khả ái.

Có thuyết nói: Các nẻo hoặc Thể là cùng xen tạp. Nẻo khác, vì cùng nhân mà sinh con. Như người thân cá, tiên nhân Lộc tử. Từ xưa, truyền nghe loại kia là vô lượng, vì một thân nơi hai nẻo, nên có cùng xen tạp.

Thuyết kia là không đúng. Nẻo của tự nghiệp là nhất định, mà vì duyên sinh kia có vô số thứ, nên thấy trong phi tình có hữu tình sinh.

Há một thân kia thuộc về hữu tình, phi tình, như Am la nữ, nhân nơi cây mà sinh. Tông tộc của Kiều-đáp-ma nhân nơi ánh sáng mặt trời mà khởi, nên cùng nhân nhau mà có, không phải là nhân xen tạp của chứng cứ.

Theo truyền thuyết hóa sinh có nhân nơi thai tạng.

Đã nhân nơi thai tạng, vì sao gọi là hóa sinh? Luận tục nhiều hư giả, không nên dựa tin. Hoặc khác mà cùng nhờ dựa, về lý cũng không trái. Tiên nhân Lộc tử, người thân cá v.v… do mãn nghiệp khác, nên hình tướng không đồng, kỳ thật là người, nên nẻo không có xen tạp. Tự đi tới chiêu cảm khác, vì nhân quả không đồng. Trong phần xét chọn về nghiệp sẽ phân biệt rộng.

HẾT – QUYỂN 21