LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 19

Phẩm 9: TÁM PHÁP, phần 2

* Tám thắng xứ: Những gì là tám?

1. Bên trong có tưởng sắc, quán ít sắc bên ngoài, các thứ sắc ấy hoặc đẹp hoặc xấu, đều thấy biết thù thắng, có tưởng như thế gọi là thắng xứ thứ nhất.

2. Bên trong có tưởng sắc, quán nhiều sắc bên ngoài, các thứ sắc ấy hoặc đẹp hoặc xấu, đều thấy biết thù thắng, có tưởng như thế gọi là thắng xứ thứ hai.

3. Bên trong không có tưởng sắc, quán ít sắc bên ngoài, các thứ sắc ấy hoặc đẹp hoặc xấu, đều thấy biết thù thắng, có tưởng như thế gọi là thắng xứ thứ ba.

4. Bên trong không có tưởng sắc, quán nhiều sắc bên ngoài, các thứ sắc ấy hoặc đẹp hoặc xấu, đều thấy biết thù thắng, có tưởng như thế gọi là thắng xứ thứ tư.

5. Bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài, hoặc màu xanh, hiện rõ với ánh sáng xanh, cũng như hoa Ô-mạc-ca, hoặc như áo xanh được nhuộm rất kỹ của xứ Bà-la-ni-tư. Nơi các sắc như vậy đều thấy biết thù thắng, cùng có tưởng như thế, gọi là thắng xứ thứ năm.

6. Bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài, hoặc màu vàng, hiện rõ với ánh sáng vàng, cũng như hoa Yết-ni-ca, hoặc như áo vàng được nhuộm rất kỹ của xứ Bà-la-ni-tư. Nơi các sắc như vậy đều thấy biết thù thắng, cùng có tưởng như thế, gọi là thắng xứ thứ sáu.

7. Bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài, hoặc có màu đỏ, hiện rõ với ánh sáng đỏ, cũng như hoa Bàn-đậu-thờiphược-ca, hoặc như áo đỏ được nhuộm rất kỹ của xứ Bà-la-ni-tư. Đối với các sắc như vậy đều thấy biết thù thắng, cùng có tưởng như thế, gọi là thắng xứ thứ bảy.

8. Bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài, hoặc có màu trắng, hiện rõ với ánh sáng trắng, cũng như sắc Ô-sa-tư-tinh, hoặc như áo rất trắng sạch của xứ Bà-la-ni-tư. Đối với các sắc như vậy đều thấy biết thù thắng, cùng có tưởng như thế, gọi là thắng xứ thứ tám.

Như thế gọi là tám thắng xứ.

Ở đây:

1. Bên trong có tưởng sắc: Nghĩa là người ấy đối với bên trong đều có tưởng về sắc riêng chưa xa lìa, chưa xa lìa riêng, chưa điều phục, chưa điều phục riêng, chưa diệt mất, chưa phá bỏ, do như thế nên gọi là bên trong có tưởng sắc.

Quán ít sắc bên ngoài: Nghĩa là lượng sắc được quán là rất nhỏ, vi tế không nhiều, nên gọi là ít.

Hoặc đẹp: Nghĩa là các sắc được quán đã khéo hiện bày rực rỡ đủ màu xanh, vàng, đỏ, trắng, nên gọi là đẹp.

Hoặc xấu: Nghĩa là các sắc được quán chưa khéo hiện bày rực rỡ đủ màu xanh, vàng, đỏ, trắng, nên gọi là xấu.

Đối với các sắc ấy đều thấy biết thù thắng: Nghĩa là các thứ sắc được quán đã hàng phục dục tham, đã đoạn trừ dục tham, đã vượt khỏi dục tham. Đối với chúng người ấy đã thấy biết thù thắng, tức đã được hàng phục, được tự tại, hoàn toàn không sợ hãi. Cũng như một người sang trọng hay con của người ấy, do thấy biết thù thắng nên đã dẫn các nô bộc theo hầu, vì đã hàng phục, đã được tự tại, không còn sợ hãi. Các sư Du Già cũng lại như thế: Nơi các thứ sắc được quán xét đã hàng phục dục tham, đã đoạn trừ dục tham, đã vượt khỏi dục tham. Đối với chúng người ấy đều đã thấy biết thù thắng, đã được hàng phục, đạt tự tại, không còn sợ hãi.

Có tưởng như thế: Tức tưởng như thật đang hiện tiền.

Thứ nhất: Nghĩa là trong các định lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp theo thứ tự là thứ nhất.

Thắng xứ: Nghĩa là trong định này, các thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức thiện hiện có đều gọi là thắng xứ.

2. Bên trong có tưởng sắc, quán nhiều sắc bên ngoài v.v…: Nghĩa là số lượng sắc được quán xét rất rộng lớn, không có giới hạn, nên gọi là nhiều.

Phần còn lại: Như trước đã nói.

3, 4. Bên trong không có tưởng sắc: Nghĩa là Hành giả đối với bên trong đều có tưởng về sắc riêng đã xa lìa, đã xa lìa riêng, đã điều phục, đã điều phục riêng, đã diệt mất, đã phá bỏ. Do người ấy đã hành tác như thế, nên gọi là bên trong không có tưởng sắc.

Quán nhiều ít các sắc bên ngoài: Như trước đã nói.

5. Bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài, hoặc màu xanh: Nghĩa là hiển bày chung về màu xanh, nhóm xanh, các thứ xanh v.v… hiện có, nên nói là hoặc màu xanh.

Màu xanh hiển bày: Tức màu xanh này là hiển sắc, không phải là hình tướng, nên gọi là màu xanh hiển bày.

Màu xanh hiện ra: Tức màu xanh này là cảnh giới nơi đối tượng hành tác của nhãn thức, cũng là cảnh giới nơi đối tượng hành tác của ý thức, nên gọi là màu xanh hiện ra.

Ánh sáng xanh: Tức màu xanh này có thể hiện ra, có thể phát ra các thứ ánh sáng, nên gọi là ánh sáng xanh.

Phần còn lại: Như trước đã nói.

6, 7, 8. Như nói về hoặc màu xanh, hoặc các màu vàng, đỏ, trắng cũng như thế.

***

Phẩm 10: CHÍN PHÁP

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử lại nói với đại chúng: Bí-sô nên biết! Đức Phật đối với chín pháp đã tự khéo thông đạt, hiện Đẳng giác rồi, vì các đệ tử tuyên thuyết khai thị. Nay chúng ta nên hòa hợp kết tập, để sau khi Đức Phật diệt độ chớ nên có tranh cãi, chống đối. Nên khiến cho pháp luật thuận theo phạm hạnh được trụ lâu, đem lại lợi ích cho vô lượng hữu tình. Lại thương xót các chúng trời, người ở thế gian, khiến họ đạt được nghĩa lợi an lạc thù thắng.

Những gì là chín pháp? Ở đây lược có hai thứ chín pháp, đó là chín kiếtchín chốn cư ngụ của hữu tình.

*

* Chín kiết: 1. Kiết ái. 2. Kiết giận dữ. 3. Kiết mạn. 4. Kiết vô minh. 5. Kiết kiến. 6. Kiết thủ. 7. Kiết nghi. 8. Kiết ganh ghét. 9. Kiết keo kiệt.

1. Thế nào là kiết ái?

Đáp: Tham của ba cõi, đó gọi là kiết ái.

2. Thế nào là kiết giận dữ?

Đáp: Đối với các hữu tình muốn gây tổn hại, tâm luôn ôm giữ sự tàn hại muốn gây não loạn cho mọi người. Đã giận, đang giận, sẽ giận, ưa gieo họa hay các thứ tai họa trầm trọng cho người khác, ý luôn phẫn hận, hành tác trái ngược, tàn bạo đối với các hữu tình. Đã từng gây tai họa, hiện đang gây tai họa và sẽ gây tai họa. Đó gọi là kiết giận dữ.

3. Thế nào là kiết mạn?

Đáp: Mạn có bảy thứ gọi là kiết mạn: a. Mạn. b. Quá mạn. c. Mạn quá mạn. d. Ngã mạn. đ. Tăng thượng mạn. e. Ty mạn. f. Tà mạn. Bảy thứ mạn này hợp lại gọi là kiết mạn.

4. Thế nào là kiết vô minh?

Đáp: Ở trong ba cõi không trí, đó gọi là kiết vô minh.

5. Thế nào là kiết kiến?

Đáp: Có ba thứ kiến: a. Tát-ca-da-kiến (Thân kiến). b. Biên chấp kiến. c. Tà kiến. Ba thứ kiến như thế hợp làm kiết kiến.

6. Thế nào là kiết thủ?

Đáp: Có hai thứ thủ gọi là kiết thủ: a. Kiến thủ. b. Giới cấm thủ. Hai thứ thủ như thế hợp làm kiết thủ.

7. Thế nào là kiết nghi?

Đáp: Đối với các đế còn do dự, đó gọi là kiết nghi.

8. Thế nào là kiết ganh ghét?

Đáp: Tâm không chấp nhận, đó gọi là kiết ganh ghét.

9. Thế nào là kiết keo kiệt?

Đáp: Tâm có tiếc lẫn, đó gọi là kiết keo kiệt.

*

* Chín chốn cư ngụ của hữu tình: Những gì là chín?

1. Hữu tình có sắc, có nhiều thứ thân, nhiều thứ tưởng, như loài người và một phần nẻo trời. Đó là chốn cư ngụ thứ nhất của hữu tình.

2. Hữu tình có sắc, có nhiều thứ thân, một thứ tưởng, như trời Phạm chúng, kiếp sơ khởi vị. Đó là chốn cư ngụ thứ hai của hữu tình.

3. Hữu tình có sắc, có một thứ thân, nhiều thứ tưởng, như trời Quang âm. Đó là chốn cư ngụ thứ ba của hữu tình.

4. Hữu tình có sắc, có một thứ thân, một thứ tưởng, như trời Biến tịnh. Đó là chốn cư ngụ thứ tư của hữu tình.

5. Hữu tình có sắc, không có tưởng, không có tưởng riêng biệt, như trời Vô tưởng. Đó là chốn cư ngụ thứ năm của hữu tình.

6. Hữu tình không có sắc, vượt khỏi tất cả tưởng sắc, diệt hết tưởng có đối, không tư duy về các thứ tưởng, nhập nơi vô biên không, trụ đầy đủ nơi xứ không vô biên, như trời Không vô biên xứ. Đó là chốn cư ngụ thứ sáu của hữu tình.

7. Hữu tình không có sắc, vượt khỏi tất cả xứ không vô biên, nhập nơi vô biên thức, trụ đầy đủ nơi xứ thức vô biên, như trời Thức vô biên xứ. Đó là chốn cư ngụ thứ bảy của hữu tình.

8. Hữu tình không có sắc, vượt khỏi tất cả xứ thức vô biên, nhập nơi vô sở hữu, trụ đầy đủ nơi xứ vô sở hữu, như trời Vô sở hữu xứ. Đó là chốn cư ngụ thứ tám của hữu tình.

9. Hữu tình không có sắc, vượt khỏi tất cả xứ vô sở hữu, nhập nơi phi tưởng phi phi tưởng, trụ đầy đủ nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng, như trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là chốn cư ngụ thứ chín của hữu tình.

Như thế gọi là chín chốn cư ngụ của hữu tình.

Ở đây:

1. Có sắc: Nghĩa là hữu tình ấy có sắc đã được thiết lập: Thân có sắc và các thứ xứ, giới, uẩn đều có sắc, nên gọi là có sắc.

Hữu tình: Tức như trước đã nói rộng.

Nhiều thứ thân: Nghĩa là hữu tình ấy có nhiều thứ thân hiển sắc, nhiều thứ tướng, nhiều thứ hình, không phải một thứ hiển sắc, không phải một thứ tướng, không phải một thứ hình, nên gọi là nhiều thứ thân.

Nhiều thứ tưởng: Nghĩa là hữu tình ấy có tưởng vui, tưởng khổ, tưởng không khổ không vui, nên gọi là nhiều thứ tưởng.

Như loài người và một phần nẻo trời: Tức hiển bày chung cho nẻo người và các trời thuộc Dục giới, nên gọi là như loài người và một phần nẻo trời.

Đó là thứ nhất: Tức là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp theo thứ tự là thứ nhất.

Chốn cư ngụ của hữu tình: Nghĩa là các nơi chốn cư ngụ, an trụ, nương dựa, ưa thích sinh vào của các hữu tình. Tức hiển bày chung trong ấy các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu hiện có gọi là chốn cư ngụ của hữu tình.

2. Hữu tình có sắc, có nhiều thứ thân, một thứ tưởng: Nghĩa như trước đã nói.

Như trời Phạm chúng: Tức nghĩa ở đây là hiển bày chung về các hữu tình sinh nơi trời Phạm chúng, có nhiều thứ thân nhưng chỉ có một thứ tưởng.

Kiếp sơ khởi vị: Tức là kiếp đầu tiên lúc sinh.

Đó là thứ hai: Nghĩa như trước đã nói.

3. Hữu tình có sắc: Cũng như trước đã nói.

Một thứ thân: Nghĩa là hữu tình ấy có một thứ thân hiển sắc, một thứ tướng, một thứ hình, không có nhiều thứ hiển sắc, không có nhiều thứ tướng, không có nhiều thứ hình, nên gọi là một thứ thân.

Nhiều thứ tưởng: Nghĩa là hữu tình ấy có tưởng vui và tưởng không khổ không vui, nên gọi là có nhiều thứ tưởng.

Các phần còn lại: Như trước đã nói.

4. Hữu tình có sắc, có một thứ thân: Như trước đã nói.

Một thứ tưởng: Nghĩa là hữu tình ấy chỉ có một thứ tưởng vui, nên gọi là một thứ tưởng.

Các phần còn lại: Như trước đã nói.

5. Hữu tình có sắc: Cũng như trước đã nói.

Không có tưởng: Nghĩa là hiển bày chung về loài không có tưởng.

Không có tưởng riêng biệt: Nghĩa là hiển bày riêng về loài không có tưởng. Ở đây, xem tưởng là đứng đầu, làm rõ không có tất cả tâm, tâm sở pháp.

Như hữu tình nơi trời Vô tưởng: Nghĩa là hiển bày riêng về trời Vô tưởng và Hữu tưởng.

Đó là thứ năm: Như trước đã nói.

6, 7, 8, 9. Không có sắc: Nghĩa là hữu tình không có sắc ấy đã xác lập: Thân không sắc, các thứ xứ, giới, uẩn đều không có sắc, nên gọi là không có sắc.

Hữu tình: Như trước đã nói.

Vượt khỏi tất cả tưởng sắc: Như trong tám giải thoát đã nói rộng. Nhưng ở đây chỉ lấy các thứ uẩn thọ tưởng hành thức hữu lậu là chốn cư ngụ của hữu tình.

Các phần còn lại: Như trước đã nói.

***

Phẩm 11: MƯỜI PHÁP, phần 1

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử lại nói với đại chúng: Bí-sô nên biết! Đức Phật đối với mười pháp đã tự khéo thông đạt, hiện Đẳng giác rồi, vì các đệ tử tuyên thuyết khai thị. Nay chúng ta nên hòa hợp kết tập, để sau khi Đức Phật diệt độ chớ nên có tranh cãi, chống đối. Nên khiến cho pháp luật thuận theo phạm hạnh được trụ lâu, đem lại lợi ích cho vô lượng hữu tình. Lại thương xót các chúng trời, người ở thế gian, khiến họ đạt được nghĩa lợi an lạc thù thắng.

Những gì là mười pháp? Ở đây lược có hai thứ mười pháp: Là mười biến xứmười pháp vô học.

*

* Mười biến xứ: Những gì là mười?

1. Bí-sô nên biết! Đất (Địa) hiện bày khắp một tưởng, như thế trên dưới, các phía đều không hai, không có bến bờ, giới hạn, đó là Biến xứ thứ nhất.

2. Lại nữa, Bí-sô nên biết! Nước (Thủy) hiện bày khắp một tưởng, như thế trên dưới, các phía đều không hai, không có bến bờ, giới hạn, đó là Biến xứ thứ hai.

3. Lại nữa, Bí-sô nên biết! Lửa (Hỏa) hiện bày khắp một tưởng, như thế trên dưới, các phía đều không hai, không có bến bờ, giới hạn, đó là Biến xứ thứ ba.

4. Lại nữa, Bí-sô nên biết! Gió (Phong) hiện bày khắp một tưởng, như thế trên dưới, các phía đều không hai, không có bến bờ, giới hạn, đó là Biến xứ thứ tư.

5. Lại nữa, Bí-sô nên biết! Màu xanh hiện bày khắp một tưởng, như thế trên dưới, các phía đều không hai, không có bến bờ, giới hạn, đó là Biến xứ thứ năm.

6. Lại nữa, Bí-sô nên biết! Màu vàng hiện bày khắp một tưởng, như thế trên dưới, các phía đều không hai, không có bến bờ, giới hạn, đó là Biến xứ thứ sáu.

7. Lại nữa, Bí-sô nên biết! Màu đỏ hiện bày khắp một tưởng, như thế trên dưới, các phía đều không hai, không có bến bờ, giới hạn, đó là Biến xứ thứ bảy.

8. Lại nữa, Bí-sô nên biết! Màu trắng hiện bày khắp một tưởng, như thế trên dưới, các phía đều không hai, không có bến bờ, giới hạn, đó là Biến xứ thứ tám.

9. Lại nữa, Bí-sô nên biết! Khoảng không hiện bày khắp một tưởng, như thế trên dưới, các phía đều không hai, không có bến bờ, giới hạn, đó là Biến xứ thứ chín.

10. Lại nữa, Bí-sô nên biết! Thức hiện bày khắp một tưởng, như thế trên dưới, các phía đều không hai, không có bến bờ, giới hạn, đó là Biến xứ thứ mười.

Như thế gọi là mười Biến xứ.

Ở đây:

1. Thế nào là gia hạnh của định Địa biến xứ? Người tu hành quán do phương tiện nào để có thể chứng nhập định của Địa biến xứ?

Đáp: Người bắt đầu tu tập, khi mới tu quán đối với đại địa này, ở khắp nơi chốn, hoặc cao hoặc thấp, hoặc gai gốc, lùm bụi, hoặc hiểm trở, hoặc nhơ bẩn v.v…, các xứ như thế đều không tư duy. Đối với đại địa này ở khắp nơi chốn, bằng phẳng, hiện bày rõ như trong bàn tay, có đủ các khu vườn rừng sạch đẹp, là xứ đáng yêu thích. Nơi các thứ như thế, theo đấy giữ lấy một tướng, dùng sức của thắng giải buộc niệm tư duy, nhờ nơi tưởng để quan sát, an lập, tin hiểu là tướng của đất ấy. Hành giả do sức của thắng giải đã hành tác như thế, nên tâm liền tán động chạy theo các tướng, không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh ấy là đất, không phải là thứ khác. Do tâm vẫn tán động, nên chưa thể chứng nhập định của Địa biến xứ.

Nhằm thâu giữ tâm tán động đang trôi nổi ấy, nên nơi một tướng của đất buộc niệm tư duy, cho đấy là đất, không phải là nước v.v… Lại tinh tấn dũng mãnh tư duy về tướng đó, cho đến khi khiến tâm nối tiếp trụ lâu vào một xứ. Do gia hạnh như thế, nên có thể nhập định của địa, rồi tiến tu hành tác phương tiện của định ấy, nhân đó tâm liền an trụ, cùng trụ, trụ gần, nối tiếp buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh ấy nhất định là tướng đất. Do tâm an trụ, cùng trụ, trụ gần, nối tiếp buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh ấy nhất định là tướng đất, là không hai, không chuyển, nên có thể nhập định của địa, nhưng chưa thể nhập định của Địa biến xứ.

Hỏi: Nếu ở đây chưa thể nhập định của Địa biến xứ, vậy thế nào là gia hạnh của định Địa biến xứ? Người tu hành quán do phương tiện nào mới có thể chứng nhập định của Địa biến xứ?

Đáp: Tức là dựa vào sự nhập định của địa như trước, khiến tâm luôn tùy thuận, điều phục, hướng tới, dần dần được nhu hòa, nhu hòa cùng khắp. Khi hoàn toàn được định rồi, lại tưởng về đất ấy dần dần rộng lớn, lan khắp Đông, Tây, Nam, Bắc, các nơi đều là đất, nên tâm liền tán động chạy theo các tướng, không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh đó khắp nơi đều là đất. Do tâm của người ấy đã tán động v.v… như thế, nên chưa thể chứng nhập định của Địa biến xứ.

Nhằm thâu giữ tâm tán động đang trôi nổi ấy, nên đối với tướng của đất hiện bày khắp, luôn buộc niệm tư duy về tướng ấy là đất hiện bày khắp, không phải là nước v.v… Lại tinh tấn dũng mãnh tư duy về tướng đó, cho đến khi khiến tâm nối tiếp trụ lâu vào một xứ. Do gia hạnh như thế nên mới có thể nhập định của Địa biến xứ, lại tiến tu hành tác phương tiện của định ấy, nhân đó tâm liền an trụ, cùng trụ, trụ gần, nối tiếp buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh ấy khắp nơi đều là đất. Do tâm an trụ, cùng trụ, trụ gần, nối tiếp buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh ấy khắp nơi đều là đất, là không hai, không chuyển, từ đấy mới nhập vào định của Địa biến xứ.

Nói trên dưới: Là các phương trên dưới.

Các phía: Là các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc v.v…

Không hai: Là không có xen tạp gián đoạn.

Không bờ bến, giới hạn: Là bờ bến khó lường xét.

Là thứ nhất: Tức trong các định lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp theo thứ tự là thứ nhất.

Biến xứ: Tức trong định này các thứ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức thiện hiện có đều gọi là Biến xứ.

2. Thế nào là gia hạnh của định Thủy biến xứ? Người tu hành quán do phương tiện nào để có thể chứng nhập định của Thủy biến xứ?

Đáp: Người bắt đầu tu tập, khi mới tu quán đối với thế giới này, hoặc giữ lấy tướng của đại thủy tuôn chảy. Hoặc giữ lấy tướng của nước nơi suối, hay nước trong ao hồ, nơi vũng lớn. Hoặc giữ lấy tướng nước nơi các sông lớn: Sông Căng-già, sông Diêm-mẫuna, sông Thiết lạp bà, sông A-thị-la-phiệt-để, sông Mạc-hê, cho đến hoặc giữ lấy tướng nước ở các biển lớn Đông Tây Nam Bắc, hoặc bốn biển lớn, hoặc thủy luân lớn v.v… Nơi các thứ như thế, theo đấy giữ lấy một tướng, dùng sức của thắng giải buộc niệm tư duy, nhờ nơi tưởng để quan sát, an lập, tin hiểu là tướng của nước ấy. Hành giả do sức của thắng giải đã hành tác như thế, nên tâm liền tán động chạy theo các tướng, không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh ấy là nước, không phải là thứ khác. Nói rộng như nơi phần nói về Địa biến xứ ở trước, cho đến chưa thể nhập định của Thủy biến xứ.

Hỏi: Nếu ở đây chưa thể nhập định của Thủy biến xứ, vậy thế nào là gia hạnh của định Thủy biến xứ? Người tu hành quán do phương tiện nào mới có thể chứng nhập định của Thủy biến xứ?

Đáp: Tức là dựa vào sự nhập định của thủy như trước, khiến tâm luôn tùy thuận, điều phục, hướng tới, dần dần được nhu hòa, nhu hòa cùng khắp. Khi hoàn toàn được định rồi, lại tưởng về nước ấy dần dần rộng lớn, lan khắp Đông Tây Nam Bắc, các nơi đều là nước, nên tâm liền tán động chạy theo các tướng, không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh đó khắp nơi đều là nước. Do tâm của người ấy đã tán động v.v… như thế, nên chưa thể chứng nhập định của Thủy biến xứ.

Nhằm thâu giữ tâm tán động đang trôi nổi ấy, nên đối với tướng nước hiện bày khắp, luôn buộc niệm tư duy về tướng ấy là nước hiện bày khắp, không phải là đất v.v… Lại tinh tấn dũng mãnh tư duy về tướng đó, cho đến khi khiến tâm nối tiếp trụ lâu vào một xứ. Do gia hạnh như thế nên mới có thể nhập định của Thủy biến xứ, lại tiến tu hành tác phương tiện của định ấy, nhân đó tâm liền an trụ, cùng trụ, trụ gần, nối tiếp buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh ấy khắp nơi đều là nước, là không hai, không chuyển, từ đấy mới nhập vào định của Thủy biến xứ.

Nói trên dưới: Là các phương trên dưới.

Các phía: Là các hướng Đông Tây Nam Bắc v.v…

Không hai: Là không có xen tạp gián đoạn.

Không bờ bến, giới hạn: Là bờ bến khó lường xét.

Là thứ hai: Tức như đã nói về thứ nhất.

Biến xứ: Tức trong định này các thứ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức thiện hiện có đều gọi là Biến xứ.

3. Thế nào là gia hạnh của định Hỏa biến xứ? Người tu hành quán do phương tiện nào để có thể chứng nhập định của Hỏa biến xứ?

Đáp: Người bắt đầu tu tập, khi mới tu quán đối với thế giới này, hoặc giữ lấy tướng lửa của vầng mặt trời thanh tịnh. Hoặc giữ lấy tướng lửa nơi ánh sáng của thuốc diệu. Hoặc giữ lấy tướng lửa nơi ánh sáng của thần ngọc. Hoặc giữ lấy tướng lửa nơi cung điện của tinh tú. Hoặc giữ lấy tướng lửa nơi đống lửa to đang cháy dữ. Hoặc giữ lấy tướng lửa đang đốt cháy cả thôn xóm, thành ấp lớn. Hoặc giữ lấy tướng lửa đang đốt cháy cả đồng cỏ lớn. Hoặc giữ lấy tướng lửa nơi mười xe tải gỗ bị cháy. Hai mươi xe tải gỗ bị cháy. Ba mươi xe tải gỗ bị cháy. Bốn mươi xe tải gỗ, năm mươi xe, một trăm xe, một ngàn xe, một trăm ngàn xe, hoặc vô lượng trăm xe, hoặc vô lượng ngàn xe, hoặc vô lượng trăm ngàn xe. Người ấy thấy tướng của các ánh lửa như thế, đầu tiên cháy bùng lên, càng bùng lên dữ dội, rồi cháy lan khắp nơi, sau đó thì chỉ toàn là lửa sáng. Nơi các thứ như thế, theo đấy giữ lấy một tướng, dùng sức của thắng giải buộc niệm tư duy, nhờ nơi tưởng để quan sát, an lập, tin hiểu là tướng của lửa ấy. Hành giả do sức của thắng giải đã hành tác như thế, nên tâm liền tán động chạy theo các tướng, không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh ấy là lửa, không phải là thứ khác. Nói rộng như nơi phần nói về Địa biến xứ ở trước, cho đến chưa thể nhập định của Hỏa biến xứ.

Hỏi: Nếu ở đây chưa thể nhập định của Hỏa biến xứ, vậy thế nào là gia hạnh của định Hỏa biến xứ? Người tu hành quán do phương tiện nào mới có thể chứng nhập định của Hỏa biến xứ?

Đáp: Tức là dựa vào sự nhập định của hỏa như trước, khiến tâm luôn tùy thuận, điều phục, hướng tới, dần dần được nhu hòa, nhu hòa cùng khắp. Khi hoàn toàn được định rồi, lại tưởng về lửa ấy dần dần rộng lớn, lan khắp Đông Tây Nam Bắc, các nơi đều là lửa, nên tâm liền tán động chạy theo các tướng, không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh đó khắp nơi đều là lửa. Do tâm của người ấy đã tán động v.v… như thế, nên chưa thể chứng nhập định của Hỏa biến xứ.

Nhằm thâu giữ tâm tán động đang trôi nổi ấy, nên đối với tướng lửa hiện bày khắp, luôn buộc niệm tư duy về tướng ấy là lửa hiện bày khắp, không phải là nước v.v… Lại tinh tấn dũng mãnh tư duy về tướng đó, cho đến khi khiến tâm nối tiếp trụ lâu vào một xứ. Do gia hạnh như thế nên mới có thể nhập định của Hỏa biến xứ, lại tiến tu hành tác phương tiện của định ấy, nhân đó tâm liền an trụ, cùng trụ, trụ gần, nối tiếp buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh ấy khắp nơi đều là lửa, là không hai, không chuyển, từ đấy mới nhập định của Hỏa biến xứ.

Nói trên dưới: Là các phương trên dưới.

Các phía: Là các hướng Đông Tây Nam Bắc v.v…

Không hai: Là không có xen tạp gián đoạn.

Không bờ bến, giới hạn: Là bờ bến khó lường xét.

Là thứ ba: Tức như đã nói về thứ nhất.

Biến xứ: Tức trong định này, các thứ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức thiện hiện có đều gọi là Biến xứ.

4. Thế nào là gia hạnh của định Phong biến xứ? Người tu hành quán do phương tiện nào để có thể chứng nhập định của Phong biến xứ?

Đáp: Người bắt đầu tu tập, khi mới tu quán đối với thế giới này, hoặc giữ lấy tướng gió hiện có nơi phương Đông. Hoặc giữ lấy tướng gió hiện có nơi các phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Hoặc giữ lấy tướng gió có bụi bặm, hoặc giữ lấy tướng gió không bụi rậm. Hoặc giữ lấy tướng gió của các thứ gió: Phệ-thấpma, Phệ-lam-bà, gió nhẹ, gió lớn. Hoặc giữ lấy vô lượng tướng gió.

Hoặc giữ lấy tướng phong luân lớn. Nơi các thứ như thế, theo đấy giữ lấy một tướng, dùng sức của thắng giải buộc niệm tư duy, nhờ nơi tưởng để quan sát, an lập, tin hiểu là tướng của gió ấy. Hành giả do sức của thắng giải đã hành tác như thế, nên tâm liền tán động chạy theo các tướng, không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh ấy là gió, không phải là thứ khác. Nói rộng như nơi phần nói về Địa biến xứ ở trước, cho đến chưa thể nhập định của Phong biến xứ.

Hỏi: Nếu ở đây chưa thể nhập định của Phong biến xứ, vậy thế nào là gia hạnh của định Phong biến xứ? Người tu hành quán do phương tiện nào mới có thể chứng nhập định của Phong biến xứ?

Đáp: Tức là dựa vào sự nhập định của gió như trước, khiến tâm luôn tùy thuận, điều phục, hướng tới, dần dần được nhu hòa, nhu hòa cùng khắp. Khi hoàn toàn được định rồi, lại tưởng về gió ấy dần dần rộng lớn, lan khắp Đông Tây Nam Bắc, các nơi đều là gió, nên tâm liền tán động chạy theo các tướng, không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh đó khắp nơi đều là gió. Do tâm của người ấy đã tán động v.v… như thế, nên chưa thể chứng nhập định của Phong biến xứ.

Nhằm thâu giữ tâm tán động đang trôi nổi ấy, nên đối với tướng gió hiện bày khắp, luôn buộc niệm tư duy về tướng ấy là gió hiện bày khắp, không phải là lửa v.v… Lại tinh tấn dũng mãnh tư duy về tướng đó, cho đến khi khiến tâm nối tiếp trụ lâu vào một xứ. Do gia hạnh như thế nên mới có thể nhập định của Phong biến xứ, lại tiến tu hành tác phương tiện của định ấy, nhân đó tâm liền an trụ, cùng trụ, trụ gần, nối tiếp buộc niệm vào một cảnh, tư duy về cảnh ấy khắp nơi đều là gió, là không hai, không chuyển, từ đấy mới nhập định của Phong biến xứ.

Nói trên dưới: Là các phương trên dưới.

Các phía: Là các hướng Đông Tây Nam Bắc v.v…

Không hai: Là không có xen tạp gián đoạn.

Không bờ bến, giới hạn: Là bờ bến khó lường xét.

Là thứ tư: Tức như đã nói về thứ nhất.

Biến xứ: Tức trong định này, các thứ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức thiện hiện có đều gọi là Biến xứ.

HẾT – QUYỂN 19