LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 18

Phẩm 9: TÁM PHÁP, phần 1

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử lại nói với đại chúng: Cụ thọ nên biết! Đức Phật đối với tám pháp tự khéo thông đạt, hiện Đẳng giác rồi, vì các đệ tử tuyên thuyết khai thị. Nay chúng ta nên hòa hợp kết tập, để sau khi Đức Phật diệt độ chớ nên có tranh cãi, chống đối. Nên khiến cho pháp luật thuận theo phạm hạnh được trụ lâu, đem lại lợi ích cho vô lượng hữu tình. Lại thương xót các chúng trời, người ở thế gian, khiến họ đạt được nghĩa lợi an lạc thù thắng.

Những gì là tám pháp? Tụng nêu tổng quát:

Các chi đạo thủ thí

Lười biếng, tinh tấn, phước

Chúng, thế pháp, giải thoát

Thắng xứ đều tám thứ.

Gồm có: Tám chi đạo, tám loại Bổ-đặc-già-la, tám thứ bố thí, tám sự lười biếng, tám sự tinh tấn, tám phước sinh, tám thứ chúng, tám pháp thế gian, tám giải thoát, tám thắng xứ.

*

– Tám chi đạo: 1. Chánh kiến. 2. Chánh tư duy. 3. Chánh ngữ. 4. Chánh nghiệp. 5. Chánh mạng. 6. Chánh cần (tinh tấn). 7. Chánh niệm. 8. Chánh định. Tám chi đạo này như trước đã nói rộng.

*

– Tám loại Bổ-đặc-già-la: 1. Chứng hướng quả Dự lưu. 2. Chứng quả Dự lưu. 3. Chứng hướng quả Nhất lai. 4. Chứng quả Nhất lai. 5. Chứng hướng quả Bất hoàn. 6. Chứng quả Bất hoàn. 7. Chứng hướng quả A-la-hán. 8. Chứng quả A-la-hán. Tám loại Bổ-đặc-già-la như thế, như nơi Luận Pháp Uẩn đã nói rộng về tướng của chúng.

*

– Tám thứ bố thí: 1. Bố thí theo người đến xin. 2. Bố thí vì sợ hãi. 3. Bố thí vì báo ân. 4. Bố thí cầu báo đáp. 5. Bố thí vì quen theo trước. 6. Bố thí vì cầu danh. 7. Bố thí vì mong cầu được sinh lên nẻo trời. 8. Bố thí vì tâm trang nghiêm, vì tâm giúp đỡ, vì hỗ trợ cho Dugià, vì đạt được thông tuệ, vì nghĩa lý Bồ-đề, Niết-bàn vô thượng.

1. Thế nào là bố thí theo người đến xin?

Đáp: Như có một loại hữu tình bố thí những người lân cận, bố thí những người gần gũi, thân tình, bố thí những kẻ đang đến xin. Nghĩa là những người ấy nghĩ: Vì sao có người đang tới xin mà không bố thí? Đó gọi là bố thí theo người đến xin.

2. Thế nào là bố thí vì sợ hãi?

Đáp: Như có một loại hữu tình vì sợ hãi nên bố thí, do sợ hãi bị trói buộc nên hành bố thí, ban ân. Họ tự nghĩ: Nếu không hành bố thí tức sẽ bị suy tổn như thế như thế. Đó gọi là bố thí vì sợ hãi.

3. Thế nào là bố thí vì báo ân?

Đáp: Như có một loại hữu tình suy nghĩ: Người kia đã từng thí cho ta các vật như thế như thế. Nay ta cũng nên thí lại người ấy những vật như thế như thế. Há đã mang ơn mà không báo đáp. Đó gọi là bố thí vì báo ân.

4. Thế nào là bố thí cầu báo đáp?

Đáp: Như có một loại hữu tình suy nghĩ: Ta nay nếu bố thí cho người kia các vật như thế như thế, thì người kia cũng sẽ bố thí lại cho ta các vật như thế như thế. Tức mong người khác báo đáp lại mà hành tuệ thí. Đó gọi là bố thí cầu báo đáp.

5. Thế nào là bố thí vì quen theo trước?

Đáp: Như có một loại hữu tình suy nghĩ: Ông bà ta thường hành bố thí, nhà ta cả đời hành bố thí không dứt. Ta nay sinh nơi gia đình có tín, có thí, nhà ta xưa nay thường ưa thích bố thí, nếu nay ta không bố thí sẽ làm mất danh dự của tộc họ. Vì giữ gìn nề nếp của tộc họ nên hành bố thí. Đó gọi là bố thí vì quen theo trước.

6. Thế nào là bố thí vì cầu danh?

Đáp: Như có một loại hữu tình, vì muốn có được danh tiếng tốt đẹp, được xưng tụng tán khắp nơi chốn xa gần nên hành bố thí. Đó gọi là bố thí vì cầu danh.

7. Thế nào là bố thí vì mong cầu được sinh lên nẻo trời?

Đáp: Như có một loại hữu tình, vì mong cầu quả dị thục tốt đẹp là được sinh lên nẻo trời nên hành bố thí. Nghĩa là khi ta qua đời sẽ được sinh lên các trời, do nay bố thí nên sẽ thọ nhận diệu lạc nơi nẻo trời. Đó gọi là bố thí vì mong cầu được sinh lên nẻo trời.

8. Thế nào là bố thí vì tâm trang nghiêm, vì tâm giúp đỡ, vì hỗ trợ cho Du-già, vì đạt được thông tuệ, vì nghĩa lý Bồ-đề, Niết-bàn vô thượng?

Đáp: Như có một loại hữu tình khởi suy niệm: Tâm ta trong suốt đêm dài sinh tử luôn bị tham sân si cấu nhiễm. Tâm tạp nhiễm nên hữu tình tạp nhiễm. Tâm thanh tịnh nên hữu tình thanh tịnh. Nếu hành tuệ thí liền phát khởi vui vẻ, vì vui vẻ nên sinh tâm mừng, tâm vui mừng nên thân khinh an, thân khinh an nên thọ nhận an lạc. Do thọ nhận an lạc nên tâm định, tâm định nên thấy biết đúng như thật, thấy biết đúng như thật nên sinh chán bỏ, vì chán bỏ nên có thể xa lìa, vì xa lìa nên đạt được giải thoát, do giải thoát nên chứng đắc Niếtbàn. Như thế bố thí dần dần làm tăng trưởng các pháp thắng diệu, lần lượt chứng đắc nghĩa vi diệu tối thượng là Bồ-đề, Niết-bàn.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Nơi các tướng viên mãn

Đã lìa bỏ xan tham

Thí ngay thẳng đúng lúc

Tất đạt được quả lớn.

Bậc trí khéo tịnh tâm

Thí, cúng tế đáng kính

Do vì tâm thanh tịnh

Nên chứng được niềm vui.

Tức từ tâm vui này

Phát sinh hỷ thù thắng

Do tâm hỷ như thế

Nên thân khởi khinh an.

Từ thân khinh an này

Bậc trí tâm thọ lạc

Do tâm thọ nhận lạc

Tâm định một cảnh chuyển.

Nương định thắng như thế

Tâm tịnh không nhiễm đục

Điều thuận có kham nhận

Nên thấy biết như thật.

Do thấy biết như thật

Liền chán ghét nơi thân

Đã chán ghét nơi thân

Bậc trí hay lìa đúng.

Do có thể xa lìa

Giải thoát tham sân si

Người trí tự nên biết

Phạm hạnh lập, sinh hết.

Lợi ích lớn như thế

Nên biết do bố thí

Nếu duyên tu hành này

Tất chứng đắc thường lạc.

*

* Tám sự lười biếng: Những gì là tám?

1. Chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô sống nương dựa nơi các thành ấp hoặc thôn xóm, buổi sáng đắp y mang bát vào thành lần lượt khất thực. Lúc hành khất thực, người ấy suy nghĩ: Mong sao có được nhiều thức ăn uống ngon. Nếu không đạt được như ý tâm bèn khởi niệm: Nay ta ăn uống quá ít, thân lực suy yếu, nên không thể tiến tu các hạnh thù thắng phải tu tập. Vậy ta nên nằm yên ở đây vì sức lực sắp hết. Nghĩ như thế rồi nên không còn siêng năng tinh tấn, do đấy các pháp cầu đạt đến, cầu chứng đắc đều chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự lười biếng thứ nhất.

2. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô sống nương dựa nơi các thành ấp hoặc thôn xóm, buổi sáng đắp y mang bát vào thành lần lượt khất thực. Lúc hành khất thực, người ấy suy nghĩ: Mong sao có được nhiều thức ăn uống ngon. Nếu đạt được như ý tâm bèn khởi niệm: Nay ta ăn uống quá nhiều, thân thể no đủ, trở nên nặng nề, không thể tiến tu các hạnh thù thắng phải tu tập. Vậy ta nên nằm yên ở đây vì sức lực sắp hết. Nghĩ như thế rồi nên không còn siêng năng tinh tấn, do đấy các pháp cầu đạt đến, cầu chứng đắc đều chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự lười biếng thứ hai.

3. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô suốt ngày bận rộn với các công việc trông coi, quán xuyến, tâm bèn khởi niệm: Cả ngày ta đã trông coi bao nhiêu công việc, thân sức rất mỏi mệt, nên đêm đến tất không thể tiến tu các hạnh thù thắng phải tu tập. Vậy ta nên nằm yên ở đây vì sức lực sắp hết. Nghĩ như thế rồi nên không còn siêng năng tinh tấn, do đấy các pháp cầu đạt đến, cầu chứng đắc đều chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự lười biếng thứ ba.

4. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô mong đến ngày mai sẽ nhận làm các việc, tâm bèn khởi niệm: Ngày mai ta phải làm nhiều công việc, nên hôm nay không thể tiến tu các hạnh thù thắng phải tu tập. Vậy ta nên nằm yên ở đây để dưỡng thân sức cho công việc ngày mai. Nghĩ như thế rồi nên không còn siêng năng tinh tấn, do đấy các pháp cầu đạt đến, cầu chứng đắc đều chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự lười biếng thứ tư.

5. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô ban ngày phải đi lại trên đường lớn, tâm bèn khởi niệm: Cả ngày ta bận rộn với việc đi đường, thân thể mệt nhọc, nay đêm đến tất không thể tiến tu các hạnh thù thắng phải tu tập. Vậy ta nên nằm yên ở đây vì sức lực sắp hết. Nghĩ như thế rồi nên không còn siêng năng tinh tấn, do đấy các pháp cầu đạt đến, cầu chứng đắc đều chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự lười biếng thứ năm.

6. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô hẹn đến ngày mai là lên đường đi đây đó, tâm bèn khởi niệm: Sáng mai là ta phải lên đường rồi, tức không thể tiến tu các hạnh thù thắng phải tu tập. Vậy ta nên nằm yên ở đây để dưỡng sức cho thân. Nghĩ như thế rồi nên không còn siêng năng tinh tấn, do đấy các pháp cầu đạt đến, cầu chứng đắc đều chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự lười biếng thứ sáu.

7. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô đang bị bệnh khổ vây ngặt, nên suy nghĩ: Ta nay đang bị bệnh bức bách, thân sức suy yếu, tất không thể đảm nhận việc tiến tu các hạnh thù thắng phải tu tập. Vậy ta nên nằm yên ở đây vì sức lực sắp hết. Nghĩ như thế rồi nên không còn siêng năng tinh tấn, do đấy các pháp cầu đạt đến, cầu chứng đắc đều chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự lười biếng thứ bảy.

8. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô bị bệnh khổ hành hạ tuy đã khỏi nhưng chưa được lâu, nên suy nghĩ: Ta bị bệnh khổ hành hạ tuy đã khỏi nhưng chưa được lâu, thân sức còn gầy yếu, tất không thể đảm nhận việc tiến tu các hạnh thù thắng phải tu tập. Vậy ta nên nằm yên ở đây vì sức lực chưa hồi phục. Nghĩ như thế rồi nên không còn siêng năng siêng năng, do đấy các pháp cầu đạt đến, cầu chứng đắc đều chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự lười biếng thứ tám.

Tám thứ như thế gọi là sự lười biếng.

Hỏi: Vì sao tám thứ này gọi là sự lười biếng?

Đáp: Lười biếng tức là biếng nhác, trễ nải. Do chúng nên tám thứ này chưa sinh thì sinh, đã sinh rồi thì càng tăng trưởng rộng lớn. Vì nhân duyên ấy nên gọi là sự lười biếng.

*

* Tám sự tinh tấn: Những gì là tám?

1. Chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô sống nương dựa nơi các thành ấp hoặc thôn xóm, buổi sáng đắp y mang bát vào thành lần lượt khất thực. Lúc hành khất thực, vị ấy suy nghĩ: Mong sao hôm nay có được nhiều thức ăn uống ngon. Nếu không đạt được như ý, lại suy nghĩ: Nay ta ăn uống tuy ít nhưng thân vẫn nhẹ nhàng nhanh nhẹn, có thể kham nhận việc tiến tu các hạnh thù thắng phải tu tập. Nghĩ như thế rồi liền càng tinh tấn vượt bậc, cầu đạt đến, chứng đắc các pháp chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự tinh tấn thứ nhất.

2. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô sống nương dựa nơi các thành ấp hoặc thôn xóm, buổi sáng đắp y mang bát vào thành lần lượt khất thực. Lúc hành khất thực, vị ấy suy nghĩ: Mong sao hôm nay có được nhiều thức ăn uống ngon. Nếu đạt được như ý, lại suy nghĩ: Nay ta đã ăn uống được nhiều, thân sức càng khỏe, có thể kham nhận việc tiến tu các hạnh thù thắng phải tu tập. Nghĩ như thế rồi liền càng tinh tấn vượt bậc, cầu đạt đến, chứng đắc các pháp chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự tinh tấn thứ hai.

3. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô ban ngày bận rộn với các công việc trông coi, quán xuyến, vị ấy suy nghĩ: Suốt ngày ta đã làm nhiều công việc, không có thời gian rảnh để tu học Thánh giáo của bậc Đại sư. Nay nơi đêm ta phải cố gắng hết sức để bù lại thời gian đã mất trước đây. Nghĩ như thế rồi càng tinh tấn vượt bậc, cầu đạt đến, chứng đắc các pháp chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự tinh tấn thứ ba.

4. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô hẹn đến ngày mai sẽ làm các công việc, vị ấy suy nghĩ: Đến ngày mai ta sẽ phải làm nhiều công việc đâu còn thời gian rảnh để tu học Thánh giáo của bậc Đại sư. Nay nơi đêm về ta phải hết sức chuyên cần tinh tấn để bù lại thời gian sắp mất. Nghĩ như thế rồi nên càng tinh tấn vượt bậc, cầu đạt đến, chứng đắc các pháp chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự tinh tấn thứ tư.

5. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô ban ngày phải đi lại nơi đường, vị ấy suy nghĩ: Ta suốt ngày đã bận đi đường xa, không có thời gian rảnh để tu học Thánh giáo của bậc Đại sư. Nay nơi đêm ta phải hết sức cố gắng để bù lại thời gian đã mất trước đây. Nghĩ như thế rồi nên càng tinh tấn vượt bậc, cầu đạt đến, chứng đắc các pháp chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự tinh tấn thứ năm.

6. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô hẹn đến ngày mai sẽ phải lên đường đi đây đó, vị ấy suy nghĩ: Ngày mai ta phải lên đường rồi, đâu có thời gian rảnh để tu học Thánh giáo của bậc Đại sư. Nay nơi đêm ta cần cố gắng hết sức để bù cho những thời gian sắp mất. Nghĩ như thế rồi nên càng tinh tấn vượt bậc, cầu đạt đến, chứng đắc các pháp chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự tinh tấn thứ sáu.

7. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô đang bị bệnh khổ hành hạ, vị ấy suy nghĩ: Ta đã bị các bệnh khổ bức bách, nếu bệnh càng nặng mà phải mạng chung thì đối với các giáo pháp truyền dạy của bậc Đại sư ta không đạt được gì. Nghĩ như thế rồi nên càng tinh tấn vượt bậc, cầu đạt đến, chứng đắc các pháp chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự tinh tấn thứ bảy.

8. Lại nữa, chư vị nên biết! Như có một loại Bí-sô bị bệnh khổ bức bách tuy đã khỏi nhưng chưa được bao lâu, vị ấy suy nghĩ: Ta bị bệnh khổ hành hạ, tuy đã khỏi bệnh nhưng chưa lâu, nếu như bệnh ấy tái phát, rủi ro phải qua đời thì các pháp truyền dạy của bậc Đại sư ta không đạt được gì. Nghĩ như thế rồi nên càng tinh tấn vượt bậc, cầu đạt đến, chứng đắc các pháp chưa đạt được, chưa chứng được. Đó gọi là sự tinh tấn thứ tám.

Tám thứ như thế gọi là sự tinh tấn.

Hỏi: Vì sao tám thứ ấy gọi là sự tinh tấn?

Đáp: Tinh tấn là cố gắng hết sức để làm việc. Do chúng nên tám việc chưa sinh thì sinh, đã sinh rồi thì càng tăng trưởng rộng lớn. Do nhân duyên ấy nên gọi là sự tinh tấn.

*

* Tám phước sinh: Những gì là tám? Đó là: Bí-sô nên biết! Như có một loại hữu tình bố thí cho các Sa-môn hoặc Bà-la-môn, những kẻ nghèo khổ, bậc đạo hạnh tu khổ hạnh, kẻ ăn xin, các thứ như y phục, thức ăn uống, các loại hương hoa, nhà cửa, phòng ốc, tọa cụ, giường nằm, đèn đuốc và các thứ cần dùng khác v.v… Lại thấy có những người giàu sang nên suy nghĩ: Do bố thí này đã tích tập các căn thiện, nguyện cho đời sau tôi sẽ được như loại người giàu sang kia. Người ấy do nơi tâm đó, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, trước tuy ưa thích những thứ huyên náo xen tạp thấp kém, về sau thì vui cầu sự tịch tĩnh thắng diệu. Nhân đấy sau khi mạng chung, người ấy sinh trở lại làm người thuộc loại giàu sang, tự tại an lạc, nhưng luôn đầy đủ giới hạnh, tâm nguyện thanh tịnh, đấy là do thân nơi đời trước giới pháp thanh tịnh. Đó gọi là phước sinh thứ nhất.

Như nguyện sinh làm người thuộc loại giàu sang, như thế nguyện sinh nơi các trời Tứ Thiên vương chúng, trời Ba Mươi Ba, trời Dạ-ma, trời Đổ-sử-đa, trời Lạc-biến-hóa, trời Tha-hóa-tự-tại, trời Phạm chúng, nên biết cũng như thế. Nhưng trời Phạm chúng có sai biệt nên nói là lìa dục.

Ở đây:

Đó gọi là thứ nhất cho đến thứ tám: Tức là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp theo thứ tự là từ thứ nhất cho đến thứ tám.

Nói phước sinh: Vì sao nói đó gọi là phước sinh? Vì thâu nhận quả của phước được sinh nơi xứ ấy, nên gọi là phước sinh.

*

– Tám thứ chúng: 1. Chúng Sát-đế-lợi. 2. Chúng Bà-la-môn. 3. Chúng Trưởng giả. 4. Chúng Sa-môn. 5. Chúng trời Tứ Thiên vương chúng. 6. Chúng trời Ba Mươi Ba. 7. Chúng Thiên ma. 8. Chúng Phạm thiên.

Hỏi: Thế nào là chúng Sát-đế-lợi?

Đáp: Nghĩa là hiển bày các sắc, các uẩn, các bộ của chúng ấy. Đó gọi là chúng Sát-đế-lợi.

Cho đến chúng Phạm thiên: Nói rộng cũng như thế.

*

– Tám pháp thế gian: 1. Được. 2. Không được. 3. Hủy (Chê bai). 4. Dự (Khen). 5. Xưng (Ca tụng). 6. Cơ (Quở trách). 7. Khổ. 8. Lạc (Vui).

1. Thế nào gọi là được?

Đáp: Nếu đối với các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng yêu thích, các thứ y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, các vật dụng cần thiết khác đều có được, riêng được, đã được, sẽ được. Đó gọi là được.

2. Thế nào gọi là không được?

Đáp: Nếu đối với các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng yêu thích, các thứ y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, các vật dụng cần thiết khác đều không được, không riêng được, đã không được, sẽ không được. Đó gọi là không được.

3. Thế nào gọi là hủy (Chê bai)?

Đáp: Nghĩa là có các thứ ẩn giấu không hiện tiền, không khen ngợi, đề cao, cùng không tán dương, lại nói: Các thứ tín, giới, văn, xả, tuệ v.v… của người ấy đều không đầy đủ. Đó gọi là hủy (Chê bai).

4. Thế nào gọi là dự (Khen)?

Đáp: Nghĩa là có các thứ ẩn giấu không hiện tiền, nhưng được khen ngợi, đề cao, tán dương, nói: Các thứ tín, giới, văn, xả, tuệ v.v… của người ấy đều đầy đủ. Đó gọi là dự (khen).

5. Thế nào gọi là xưng (Ca tụng)?

Đáp: Nghĩa là có các thứ không ẩn giấu, đang hiện tiền, không bị quở trách, chê bai, hủy nhục, lại được khen ngợi, đề cao, tán dương, nói: Các thứ tín, giới, văn, xả, tuệ v.v… của ông thảy đều viên mãn. Đó gọi là xưng.

6. Thế nào gọi là cơ (Quở trách)?

Đáp: Nghĩa là có các thứ không ẩn giấu, đang hiện tiền, nhưng bị quở trách, chê bai, hủy nhục, không khen ngợi, không đề cao, tán dương, nói: Các thứ tín, giới, văn, xả, tuệ v.v… của ông thảy đều không đầy đủ. Đó gọi là cơ.

7. Thế nào gọi là khổ?

Đáp: Nghĩa là thuận với khổ thọ, tiếp xúc, đã tiếp xúc, sinh thân, tâm khổ, thọ nhận không bình đẳng, thuộc về thọ. Đó gọi là khổ.

8. Thế nào gọi là vui?

Đáp: Nghĩa là thuận với lạc thọ, tiếp xúc, đã tiếp xúc, sinh thân, tâm vui, thọ nhận bình đẳng, thuộc về thọ. Đó gọi là vui.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Được, không được, chê, khen

Ca tụng, trách, vui, khổ

Vô thường, ý sinh dục

Pháp biến hoại, khó giữ.

Người trí biết như thật

Hiện thấy ngăn sinh tử

Nơi pháp ái, không ái

Tâm không sinh mừng giận.

Tuy gặp đủ thuận, nghịch

Có thể hàng phục, diệt

Nơi tất cả giải thoát

Đến tận cùng bờ kia.

*

* Tám giải thoát: Những gì là tám?

1. Như có sắc quán các sắc, là giải thoát thứ nhất.

2. Bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài, là giải thoát thứ hai.

3. Tịnh giải thoát, thân tác chứng, trụ đầy đủ, là giải thoát thứ ba.

4. Vượt quá tất cả tưởng sắc, diệt tưởng có đối, không tư duy về các thứ tưởng, nhập nơi vô biên không, trụ đầy đủ nơi xứ không vô biên, là giải thoát thứ tư.

5. Vượt quá tất cả xứ không vô biên, nhập nơi vô biên thức, trụ đầy đủ nơi xứ thức vô biên, là giải thoát thứ năm.

6. Vượt quá tất cả xứ thức vô biên, nhập nơi vô sở hữu, trụ đầy đủ nơi xứ vô sở hữu, là giải thoát thứ sáu.

7. Vượt quá tất cả xứ vô sở hữu, nhập nơi phi tưởng, trụ đầy đủ nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng, là giải thoát thứ bảy.

8. Vượt quá tất cả xứ phi tưởng phi phi tưởng, nhập nơi tưởng thọ diệt, thân tác chứng, trụ đầy đủ, là giải thoát thứ tám.

Như thế gọi là tám thứ giải thoát.

Ở đây:

1. Như có sắc quán các sắc: Nghĩa là Hành giả đối với bên trong đều có tưởng về sắc riêng, nhưng chưa xa lìa, chưa xa lìa riêng, chưa điều phục, chưa điều phục riêng, chưa diệt mất, chưa phá bỏ v.v… Hành giả tuy chưa như thế nhưng do sức của thắng giải nên quán các thứ sắc bên ngoài, hoặc tạo sự bầm xanh của thây chết, hoặc tạo máu mủ nhầy nhụa, thây chết đó hoặc rã nát, hoặc tan lìa, hoặc bị mổ ăn, hoặc đổi màu đỏ, hoặc xương lớn hay xương vụn. Đó gọi là như có sắc quán các sắc.

Là thứ nhất: Tức trong các định lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp theo thứ tự là thứ nhất.

Giải thoát: Là trong định này gồm đủ các thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức thiện hiện có, đó gọi là giải thoát.

2. Bên trong không có tưởng sắc quán các sắc bên ngoài: Nghĩa là Hành giả đối với bên trong đều có tưởng về sắc riêng, đã xa lìa, đã xa lìa riêng, đã điều phục, đã điều phục riêng, đã diệt mất, đã phá bỏ. Hành giả do có được như thế, cùng do sức của thắng giải nên quán các sắc bên ngoài, nói rộng như trên. Đó gọi là bên trong không có tưởng sắc quán các sắc bên ngoài.

Là thứ hai: Tức như đã nói về thứ nhất.

Giải thoát: Là trong định này gồm đủ các thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức thiện hiện có, đó gọi là giải thoát.

3. Tịnh giải thoát, thân tác chứng, trụ đầy đủ: Thế nào là gia hạnh của tịnh giải thoát này? Người tu hành quán do phương tiện nào để nhập định của tịnh giải thoát? Đáp: Người bắt đầu tu tập, khi mới tu quán nên giữ lấy tướng của cây xanh, như đọt non xanh, cành xanh, lá xanh, hoa xanh, quả xanh, hoặc giữ lấy tướng áo xanh, tướng các vật trang sức xanh, hoặc giữ lấy tướng màu xanh của vô số vật khác. Khi đã giữ lấy các tướng màu xanh như thế rồi, do sức của thắng giải nên tư duy tưởng nhớ, quan sát, an lập, tin hiểu sắc đó là tướng màu xanh ấy. Do sức của thắng giải đạt được như vậy, nên tâm liền tán động, chạy theo các tướng không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh, tư duy về sắc này là xanh, không phải là màu khác, tức chưa thể trụ tâm nhập nơi định của tịnh giải thoát. Nhằm thâu giữ tâm tán động đang trôi nổi ấy, nên đối với tướng một màu xanh như thế đã buộc niệm tư duy, cho tướng này là màu xanh không phải là không xanh. Luôn tinh tấn dũng mãnh tư duy về tướng xanh ấy, cho đến khi khiến tâm nối tiếp trụ lâu vào một xứ. Nhân gia hạnh này nên nhập nơi định của tịnh giải thoát, lại siêng năng tinh tấn thường xuyên hành tập gia hạnh ấy, cùng tiến tu phương tiện của định, nhân đấy tâm liền an trụ, cùng trụ, trụ gần, nối tiếp một hướng buộc niệm nơi một cảnh, tư duy sắc này nhất định là tướng xanh. Do tâm đã an trụ như thế, nên tư duy về tướng xanh ấy là không hai, không chuyển, nên có thể chứng nhập nơi định của tịnh giải thoát.

Như quán tướng màu xanh, thì quán tướng màu vàng, màu đỏ, màu trắng theo chỗ ứng hợp cũng lại như vậy.

Là thứ ba: Tức như đã nói về thứ nhất.

Giải thoát: Nghĩa như trước đã nói rộng.

4. Vượt quá tất cả tưởng sắc: Thế nào là tưởng sắc? Đáp: Nghĩa là nhãn thức tương ưng với tánh của các tưởng cùng tưởng, tánh của hiện tưởng, đã tưởng, sẽ tưởng, đó gọi là tưởng sắc. Lại nữa, có chỗ nói: Năm thức thân tương ưng với các tưởng, cùng tưởng, cho đến nói rộng, đó gọi là tưởng sắc. Nay trong nghĩa này thì nhãn thức thân tương ưng với các tưởng cùng tưởng, cho đến nói rộng, đó gọi là tưởng sắc. Khi nhập vào định này, đối với các tưởng về sắc kia đều có thể siêu vượt, siêu vượt bình đẳng, siêu vượt tột cùng, thế nên nói là vượt quá tất cả các tưởng sắc.

Diệt tưởng có đối: Thế nào là tưởng có đối? Đáp: Bốn thức thân tương ưng với các tưởng cùng tưởng, cho đến nói rộng, đó gọi là tưởng có đối. Lại nữa, có chỗ nói: Năm thức thân tương ưng với các tưởng cùng tưởng, cho đến nói rộng, đó gọi là tưởng có đối. Lại nữa, có nơi nói: Sự giận dữ tương ưng với các tưởng cùng tưởng, cho đến nói rộng, đó gọi là tưởng có đối. Nay trong nghĩa này thì bốn thức thân tương ưng với các tưởng, cùng tưởng, cho đến nói rộng, đó gọi là tưởng có đối. Khi nhập nơi định này, đối với tưởng có đối đó đã được đoạn dứt, đã nhận biết khắp, đã xa lìa, đã xa lìa riêng, đã điều phục, đã điều phục riêng, đã diệt mất, đã phá trừ. Thế nên nói là diệt tưởng có đối.

Không tư duy về các thứ tưởng: Thế nào là các thứ tưởng? Đáp: Tức do có sự che lấp, trói buộc, nên các tưởng sắc nhiễm ô hiện có, các tưởng thanh, tưởng hương, tưởng vị, tưởng xúc hiện có, hoặc các tưởng bất thiện hiện có, hoặc các tưởng hiện có đã dẫn đến chỗ phi lý, đều có thể gây chướng cho định. Tất cả như thế gọi là các thứ tưởng. Lúc nhập nơi định này, đối với các thứ tưởng ấy không dẫn phát, không tùy dẫn phát, không cùng dẫn phát, không tư duy, không đã, sẽ tư duy. Do đấy nên nói: Không tư duy về các thứ tưởng.

Nhập nơi vô biên không, trụ đầy đủ nơi xứ không vô biên: Thế nào là gia hạnh thuộc giải thoát của xứ không vô biên này? Người tu hành quán do phương tiện nào để nhập nơi định giải thoát của xứ không vô biên? Đáp: Người bắt đầu tu tập, khi mới tu quán, trước hết nên tư duy về tĩnh lự thứ tư là chướng của khổ thô, sau đó mới tư duy về xứ không vô biên là tĩnh diệu ly. Hành giả do đã tư duy như thế, nên tâm liền tán động, chạy theo các tướng, không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh nối tiếp để tư duy về xứ không vô biên. Do tâm luôn tán động nên chưa thể trụ tâm nhập nơi định giải thoát của xứ không vô biên. Nhằm thâu giữ tâm tán động đang trôi nổi ấy, nên chuyên buộc niệm tư duy về tướng của xứ không vô biên. Luôn tinh tấn dũng mãnh tư duy về tướng ấy, cho đến khi khiến tâm nối tiếp trụ lâu vào một xứ. Nhân gia hạnh này nên nhập nơi định giải thoát của xứ không vô biên, lại siêng năng tinh tấn thường xuyên hành tập gia hạnh ấy, cùng tiến tu phương tiện của định, nhân đấy tâm liền an trụ, cùng trụ, trụ gần, nối tiếp một hướng buộc niệm nơi một cảnh, tư duy về xứ không vô biên như thế là không hai, không chuyển, nên có thể chứng nhập nơi định giải thoát của xứ không vô biên.

Là thứ tư: Tức như đã nói về thứ nhất.

Giải thoát: Nghĩa như trước đã nói rộng.

5. Vượt quá tất cả xứ không vô biên: Thế nào là vượt quá tất cả xứ không vô biên? Đáp: Lúc sắp sửa nhập vào xứ thức vô biên, đối với tất cả tưởng của xứ không vô biên đều có thể siêu vượt, siêu vượt bình đẳng, siêu vượt tột cùng, thế nên nói là vượt quá tất cả xứ không vô biên.

Nhập nơi vô biên thức, trụ đầy đủ nơi xứ thức vô biên: Thế nào là gia hạnh thuộc giải thoát của xứ thức vô biên này? Người tu hành quán do phương tiện nào để nhập nơi định giải thoát của xứ thức vô biên? Đáp: Người bắt đầu tu tập, khi mới tu quán, trước hết nên tư duy về xứ không vô biên là chướng của khổ thô, sau đó mới tư duy về xứ thức vô biên là tĩnh diệu ly. Hành giả do đã tư duy như thế, nên tâm liền tán động, chạy theo các tướng, không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh nối tiếp để tư duy về xứ thức vô biên. Do tâm luôn tán động nên chưa thể trụ tâm nhập nơi định giải thoát của xứ thức vô biên. Nhằm thâu giữ tâm tán động đang trôi nổi ấy, nên chuyên buộc niệm tư duy về tướng của xứ thức vô biên. Luôn tinh tấn dũng mãnh tư duy về tướng ấy, cho đến khi khiến tâm nối tiếp trụ lâu nơi một xứ. Nhân gia hạnh này nên nhập nơi định giải thoát của xứ thức vô biên, lại siêng năng tinh tấn thường xuyên hành tập gia hạnh ấy, cùng tiến tu phương tiện của định, nhân đấy tâm liền an trụ, cùng trụ, trụ gần, nối tiếp một hướng buộc niệm nơi một cảnh, tư duy về xứ thức vô biên như thế là không hai, không chuyển, nên có thể chứng nhập nơi định giải thoát của xứ thức vô biên.

Là thứ năm: Tức như đã nói về thứ nhất.

Giải thoát: Nghĩa như trước đã nói rộng.

6. Vượt quá tất cả xứ thức vô biên: Thế nào là vượt tất cả xứ thức vô biên? Đáp: Lúc sắp sửa nhập vào xứ vô sở hữu, đối với tất cả tưởng của xứ thức vô biên đều có thể siêu vượt, siêu vượt bình đẳng, siêu vượt tột cùng, thế nên gọi là vượt quá tất cả xứ thức vô biên.

Nhập nơi vô sở hữu, trụ đầy đủ nơi xứ vô sở hữu: Thế nào là gia hạnh thuộc giải thoát của xứ vô sở hữu này? Người tu hành quán do phương tiện nào để nhập định giải thoát của xứ vô sở hữu? Đáp: Người bắt đầu tu tập, khi mới tu quán, trước hết nên tư duy về xứ thức vô biên là chướng của khổ thô, sau đó mới tư duy về xứ vô sở hữu là tĩnh diệu ly. Hành giả do đã tư duy như thế, nên tâm liền tán động, chạy theo các tướng, không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh nối tiếp để tư duy về xứ vô sở hữu. Do tâm luôn tán động nên chưa thể trụ tâm nhập nơi định giải thoát của xứ vô sở hữu. Nhằm thâu giữ tâm tán động đang trôi nổi ấy, nên chuyên buộc niệm tư duy về tướng của xứ vô sở hữu. Luôn tinh tấn dũng mãnh tư duy về tướng ấy, cho đến khi khiến tâm nối tiếp trụ lâu nơi một xứ. Nhân gia hạnh này nên nhập nơi định giải thoát của xứ vô sở hữu, lại siêng năng tinh tấn thường xuyên hành tập gia hạnh ấy, cùng tiến tu phương tiện của định, nhân đấy tâm liền an trụ, cùng trụ, trụ gần, nối tiếp một hướng buộc niệm nơi một cảnh, tư duy về xứ vô sở hữu như thế là không hai, không chuyển, nên có thể chứng nhập nơi định giải thoát của xứ vô sở hữu.

Là thứ sáu: Tức như đã nói về thứ nhất.

Giải thoát: Nghĩa như trước đã nói rộng.

7. Vượt quá tất cả xứ vô sở hữu: Thế nào là vượt quá tất cả xứ vô sở hữu? Đáp: Lúc sắp sửa nhập vào xứ phi tưởng phi phi tưởng, đối với tất cả tưởng của xứ vô sở hữu đều có thể siêu vượt, siêu vượt bình đẳng, siêu vượt tột cùng, thế nên gọi là vượt quá tất cả xứ vô sở hữu.

Nhập nơi phi tưởng phi phi tưởng, trụ đầy đủ nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng: Thế nào là gia hạnh thuộc giải thoát của xứ phi tưởng phi phi tưởng này? Người tu hành quán do phương tiện nào để nhập định giải thoát của xứ phi tưởng phi phi tưởng? Đáp: Người bắt đầu tu tập, khi mới tu quán, trước hết nên tư duy về xứ vô sở hữu là chướng của khổ thô, sau đó mới tư duy về xứ phi tưởng phi phi tưởng là tĩnh diệu ly. Hành giả do đã tư duy như thế, nên tâm liền tán động, chạy theo các tướng, không thể hoàn toàn buộc niệm vào một cảnh nối tiếp để tư duy về xứ phi tưởng phi phi tưởng. Do tâm luôn tán động nên chưa thể trụ tâm nhập nơi định giải thoát của xứ phi tưởng phi phi tưởng. Nhằm thâu giữ tâm tán động đang trôi nổi ấy, nên chuyên buộc niệm tư duy về tướng của xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Luôn tinh tấn dũng mãnh tư duy về tướng ấy, cho đến khi khiến tâm nối tiếp trụ lâu nơi một xứ. Nhân gia hạnh này nên nhập nơi định giải thoát của xứ phi tưởng phi phi tưởng, lại siêng năng tinh tấn thường xuyên hành tập gia hạnh ấy, cùng tiến tu phương tiện của định, nhân đấy tâm liền an trụ, cùng trụ, trụ gần, nối tiếp một hướng buộc niệm nơi một cảnh, tư duy về xứ phi tưởng phi phi tưởng như thế là không hai, không chuyển, nên có thể chứng nhập nơi định giải thoát của xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Là thứ bảy: Tức như đã nói về thứ nhất.

Giải thoát: Nghĩa như trước đã nói rộng.

8. Vượt quá tất cả xứ phi tưởng phi phi tưởng: Thế nào là vượt quá tất cả xứ phi tưởng phi phi tưởng? Đáp: Lúc sắp nhập nơi tưởng thọ diệt giải thoát, đối với tất cả tưởng của xứ phi tưởng phi phi tưởng đều có thể siêu vượt, siêu vượt bình đẳng, siêu vượt tột cùng, thế nên gọi là vượt quá tất cả xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Nhập nơi tưởng thọ diệt, thân tác chứng, trụ đầy đủ: Thế nào là gia hạnh của tưởng thọ diệt giải thoát này? Người tu hành quán do phương tiện nào để nhập nơi định giải thoát của tưởng thọ diệt? Đáp: Người bắt đầu tu tập, khi mới tu quán, đối với tất cả hành không mong tạo tác, không muốn suy tư, nhận biết, và khi nhập định chỉ suy nghĩ: Làm thế nào để khiến các thọ tưởng chưa sinh tạm thời không sinh, các thọ tưởng đã sinh tạm thời dứt diệt. Vì người ấy đã hành nguyện như thế, nên tùy theo tâm nguyện có lúc đã có thể khiến những thọ tưởng chưa sinh tạm thời không sinh, những thọ tưởng đã sinh tạm thời dứt diệt. Ngang với đây gọi là nhập định giải thoát của tưởng thọ diệt.

Là thứ tám: Tức như đã nói về thứ nhất.

Giải thoát: Nghĩa là trong định này, các giải thoát là giải thoát dị biệt, giải thoát rất dị biệt, đã giải thoát, sẽ giải thoát, đó gọi là giải thoát. Lại nữa, nếu tưởng pháp vi tế làm nhân, tưởng vi tế làm đẳng vô gián, do nghĩa của tưởng là không hòa hợp không phải là nghĩa không thành tựu, đó gọi là giải thoát.

Trong đây nói định giải thoát của tưởng thọ diệt: Thế nào là tưởng thọ diệt? Thế nào là giải thoát của tưởng thọ diệt? Thế nào là định giải thoát của tưởng thọ diệt để nói là định giải thoát của tưởng thọ diệt? Đáp: Tưởng thọ diệt: Nghĩa là tưởng và thọ diệt mất, hoàn toàn vắng lặng. Đó gọi là tưởng thọ diệt. Giải thoát của tưởng thọ diệt: Nghĩa là các giải thoát của tưởng thọ diệt, giải thoát dị biệt, giải thoát rất dị biệt, đã giải thoát, sẽ giải thoát. Đó gọi là giải thoát của tưởng thọ diệt. Định giải thoát của tưởng thọ diệt: Nghĩa là tưởng thọ diệt và giải thoát của tưởng thọ diệt không ẩn giấu, mất đi, mà hiện tiền tự tại, thân đã chứng đắc. Đó gọi là định giải thoát của tưởng thọ diệt.

HẾT – QUYỂN 18